Nguyên Hạnh HTD
Lần về Việt Nam, tôi đã được một nhóm bạn rủ đi tham dự ngày “Quốc tế công tác xã hội“ được tổ chức tại đường Tôn Đức Thắng, quận nhất. Chủ đề của buổi họp mặt là “Gặp gỡ yêu thương“, khách được mời chính là các em khiếm thị thuộc “Mái ấm Thiên Ân“ quận Tân Phú và Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật.
Một chương trình khá hay, rất cảm động đầy lòng nhân ái và chủ đề buổi họp mặt thật thấm thía, mang ý nghĩa sâu xa vô cùng!
Tôi cứ nghĩ vẩn vơ, một hôm nào đó khu phố bị mất điện vài ngày thôi, chúng ta đã cảm thấy khó chịu, bứt rứt biết chừng nào. Đó là chúng ta vẫn còn có ánh sáng mặt trời, đèn cầy, đèn pin v.v... Vậy mà ở đây các em khiếm thị hoàn toàn không nhận được bất kỳ một loại ánh sáng nào. Trước mắt các em là một đêm đen kéo dài bất tận, thật xót xa khi nghĩ đến nỗi khổ tâm và khó khăn của các em đã gặp rất nhiều trở ngại.
Trong buổi sinh hoạt tập thể hôm đó, các em đã rất tích cực tham gia các trò chơi chung, hát chung các bài hát và luôn nở nụ cười trên môi như muốn hòa đồng với nhịp sống chung của cuộc đời. Các em có nhiều tài, hát hay, đàn giỏi, có em lại còn bắt chước được tiếng kêu của các loài thú, tiếng khóc trẻ em v.v...
Tôi lân la gần gũi một vài em, chia sẻ tâm tư tình cảm của các em phần nào, càng nghe càng thấy ngậm ngùi chua xót đắng cay!
- Em Điệp đã tâm sự từ khi bị mù cả hai mắt, dù được gia đình yêu thương và quan tâm nhưng trong lòng em cũng trăn trở, luôn luôn tự hỏi chẳng lẽ mình sẽ trở thành người vô dụng suốt đời hay sao!?
Sau một thời gian suy nghĩ, em đã tìm cách trốn khỏi nhà từ Vũng Tàu để vào Sài Gòn tìm cơ hội học hỏi.
Người nhà em đã túa ra đi tìm khắp nơi, cuối cùng họ đã tìm thấy em ở nhóm Thiên Ân ( nhóm được thành lập do thầy Phong bị khiếm thị sau một tai nạn), nhóm luôn hổ trợ và tạo điều kiện học hỏi cho các em khiếm thị. Anh chị đã năn nỉ Điệp trở về gặp mẹ, nếu không mẹ sẽ chết mòn chết dần vì thương nhớ con.
Điệp thương mẹ nên đành trở về nhưng vẫn không từ bỏ ý chí học tập của mình. Nhờ sự can thiệp của bà con họ hàng mà gia đình hiểu được nguyện vọng tha thiết muốn thành người hữu dụng của em. Sau cùng em đã được gia đình đồng ý để em vào Sàigòn học tập. Hiện nay em đang học Computer, em hy vọng sẽ trở thành chuyên gia về Computer để có thể chỉ dẫn lại cho các bạn đồng cảnh ngộ, hầu mở ra một chân trời mới tươi đẹp hơn cho những người đã bị lấy đi niềm tin, ý chí vươn lên, tinh thần muốn giúp đỡ người khác. Đặc biệt là quyết tâm không đầu hàng số phận!
Quan điểm về cuộc đời của em thật đáng phục!
- Đây là tâm tình chia xẻ của em La Kim Linh thuộc trường dạy nghề cho người khuyết tật ở Hóc Môn. Em cho biết em bị mù từ nhỏ do nhà nghèo, thiếu chăm sóc chu đáo. Mẹ mất sớm, ba lấy vợ khác. Đêm đen đời em kéo dài từ nỗi khổ này đến nỗi đau khác.
Sau này lớn lên em đã gặp và lấy người đồng cảnh ngộ nhưng cuộc hôn nhân đã bị gia đình hai bên phản đối, vì họ hy vọng mù lấy sáng còn có người dẫn dắt, chứ mù lấy mù thì chết chùm luôn!
Hai em đã thoát ly gia đình, thuê nhà ở Long An, bán vé số sống qua ngày. Nhưng cuộc sống mỗi lúc mỗi khó khăn, em lên thành phố rồi theo sự chỉ dẫn em đến trường dạy nghề với hy vọng học được một nghề có thể ổn định cuộc sống, không phải nhờ vả ai. Chua xót thay, số phận hai em đành phải chia lìa; chồng em đã được ba má ruột đem về nuôi và dứt khoát chỉ nuôi một mình anh, chứ không chấp nhận thêm em.
Nỗi buồn đó cũng được khỏa lấp phần nào khi em đã hoàn thành lớp huấn luyện massage, nhưng mơ ước tự lập và đoàn tụ với chồng vẫn còn nằm ngoài tầm tay vì em không thể tìm được việc làm dù đã có nghề trong tay - Em nói trong ngấn lệ - Em không muốn sống bám, muốn tự nuôi thân, em đã có nghề, xin hãy giúp em có việc làm!
Trong buổi gặp gỡ này, tình cờ tôi lại gặp được một hình ảnh đáng yêu, nổi bật với tà áo dài Việt Nam tha thướt và một tấm lòng đồng cảm sâu sắc với những người khiếm thị Việt Nam. Đó là hình ảnh của bà Grace, một phụ nữ Mỹ, đến từ tiểu bang Indiana. Đi đâu bà cũng phải nhờ đến cây gậy dẫn đường Bà thường gọi nó là người bạn tốt thân thiết nhất của bà. Vậy mà bà rất hăng hái trong các công tác xã hội Việt Nam. Bà đã xem Việt Nam là quê hương thứ hai của bà, hiện bà đang phụ trách một chương trình giảng dạy về công tác xã hội ở Đại học Khoa học Nhân văn thành phố, Đại học Đà Lạt và Đại học Hà Nội cũng đã mời bà cộng tác.
Tất cả công việc của bà ở Việt Nam đều là thiện nguyện, bà còn tìm thêm
những nguồn tài trợ khác cho những trường hợp đặc biệt cần giúp đỡ.
Từ 7 năm nay, bà đã ở Việt Nam nhiều hơn ở Mỹ. Bà luôn luôn cố gắng hòa nhập vào xã hội Việt Nam để có thể hiểu và phục vụ tốt hơn cho công tác xã hội.
Tôi thật ngạc nhiên lẫn khâm phục khi bà có thể vỗ tay hát theo mọi người một số bài hát cộng đồng.
Gần nhau trao cho nhau tin yêu tình loài người
Gần nhau trao cho nhau tin yêu đừng gian dối
Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này
Gần nhau trao cho nhau xây đắp nên tình người...
Bà rất quan tâm đến từng tâm sự của mỗi em trong nhóm nhỏ hội thảo của bà. Tuy là người Mỹ nhưng lòng bà đã nặng trĩu thương yêu đối với những người Việt Nam khốn khổ không cùng tổ quốc với bà.
Buổi chiều là phần văn nghệ của các em khiếm thị. Có một em gái đã lên hát bài “Lý Mồ Côi“ để nói lên tâm sự của đời mình. Mẹ chết khi em mới vài tháng tuổi, ba theo người khác, cậu tội nghiệp đem về nuôi. Được vài năm cậu chết, mợ đem em bỏ ra đường. Từ đó em mồ côi, bơ vơ giữa chợ đời.
Hát xong em về chỗ, gục đầu vào vai bạn, hai đứa ôm nhau khóc. Khi nghe tôi thông dịch lại, mắt bà Grace đỏ hoe.
Đến phần nói lên mơ ước của đời mình qua việc nặn những hình ảnh bằng đất sét, có em đã nặn hình hai bàn tay và nói ra tâm sự ước mơ của mình“ Người xưa thường nói giàu hai con mắt, có hai bàn tay“. Mẹ đã không cho em đôi mắt nhưng đã cho em hai bàn tay. Em ước mơ với hai bàn tay khéo léo, em sẽ tự mưu sinh để lo cho mình và có thể giúp đỡ người khác.
Em Kim Linh thì mơ ước có được một căn nhà nhỏ để em có thể đoàn tụ với chồng cũng khiếm thị như em và trong căn nhà nhỏ đó rồi đây sẽ có tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ.
Ôi! Những ước mơ thật đời thường, thật giản dị của một người phụ nữ Việt Nam nhưng biết đến bao giờ. Bao giờ những giấc mơ bình dị này mới trở thành hiện thực?
Cám ơn các bạn khiếm thị, buổi gặp các bạn hôm nay thật vô cùng ý nghĩa cho tôi. Các bạn đã giúp tôi nhận ra một điều hết sức quý giá mà tôi đang sở hữu (trước đây tôi thấy nó hết sức bình thường). Đó là đôi mắt! Nhờ hai viên ngọc vô giá đó, tôi có thể nhìn thấy ánh bình minh rực rỡ vào mỗi buổi sáng, cảm nhận được vẻ đẹp huyền dịu của ánh trăng, lung linh của ánh sao về đêm, cùng vô vàn những hình ảnh tươi đẹp khác của cuộc sống mà tôi đón nhận mỗi ngày.
Cám ơn đời đã cho tôi sinh ra được làm người bình thường nhưng đừng để tôi trở thành người tầm thường khi tôi chưa biết Cho nhiều hơn là Nhận.
Hỡi những người được bình thường như tôi, xin hãy cùng nhau tiếp sức cho những ước mơ của những người bạn khiếm thị, xin đừng hững hờ trước những tâm tư chua xót của những người không được diễm phúc bình thường như chúng ta. Biết cho và biết giúp đỡ người khác là tài sản giá trị nhất của đời người.
Đúng là“ Sống trong đời cần có một tấm lòng“. Đó là lòng nhân ái được trải rộng để gió cuốn đi và được lan truyền khắp nơi để ngọn lửa tình người được thắp lên từ mỗi trái tim, hầu sưởi ấm những tâm hồn băng giá vì những bất hạnh của kiếp người.
Từ đó chúng ta có thể tự nhủ với lòng mình.
“ Cám ơn đời, mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm một ngày mới để yêu thương! “