Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo Thời Nguyễn (1614-1945) bài giảng của TT Nguyên Tạng

20/07/202115:40(Xem: 20109)
Phật Giáo Thời Nguyễn (1614-1945) bài giảng của TT Nguyên Tạng



Phật giáo thời Nhà Nguyễn (1802-1945)
( từ Chúa Nguyễn Hoàng đến Vua Bảo Đại 9 chúa-13 vua)
hết lòng sùng kính Đạo Phật, nào xây chùa, dựng tháp, tô tượng đúc chuông…
nhưng Phật Giáo trong giai đoạn này, vẫn chỉ thu hình trong phạm vi tín ngưỡng cổ truyền…,
chứ thực chất thì Phật Giáo đời Nguyễn đã giản ước lắm!
Theo lời nhận định của Cố HT Thích Đức Nhuận
Kính dâng Thầy bài thơ trình pháp sau khi nghe được bài pháp thoại tuyệt vời trưa hôm nay tại Trường Hạ Pháp Hoa nhờ đối con lại có thêm một tài liệu mới về Pháp Hoa đề cương với lời chỉ dạy của Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh . Kính tri ân Thày đã tạo nhiều Phước duyên cho chúng đệ tử giữa thời đại dịch kinh hoàng này ? Kính chúc Thầy và quý Chư Tôn Đức tại khoá An Cư kiết Đông được pháp thể khinh an . Kính, HH 



Kính tán dương Giảng Sư trao truyền cho chúng đệ tử !
Bài pháp thoại tuyệt vời cô đọng nhiều tích sử
Một triều Nguyễn với chín chúa 13 vua (1)
Có nhiều cổ tự linh thiêng từ Huế đến Biên Hoà
Thiên Mụ , Đại Giác ngày nay mang tên Lịch sử Di tích (2-3)


Tuy không được ảnh hưởng như Lý , Trần hiển hách
Vẫn có nhiều danh tăng xuất hiện trong triều đại này (4)
Kính đa tạ Giảng Sư giới thiệu ...mở khai
Pháp Hoa Đề Cương và bài thơ vua Thiệu Trị sáng tác (5-6)


Và bao nhiêu truyền thừa theo chân Đấng Đại Giác
Những thiền sư từ Ấn , Trung vào đến Việt Nam
Lâm Tế Chúc Thánh, dòng thiền Nguyên Thiều Liễu Quán
Nối tiếp tiếp tại hải ngoại ...Phật tử thuần thành


Dù đại dịch phong tỏa ...
..khoá An Cư kiết đông vẫn được hoàn mãn !!!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


Huệ Hương
Melbourne 16/7/2021 5pm


(1) Chúa Nguyễn là cách gọi chung trong sử sách và dân gian về một vương triều đã cai trị dải đất từ vùng Thuận Hóa (phía nam đèo Ngang hiện nay) vào đến phương Nam, bắt đầu từ nhà Hậu Lê giữa thế kỷ 16 đến khi bị nhà Tây Sơn diệt năm 1777. Các chúa Nguyễn là tiền thân của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

1. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525–1613). Ông nội là Nguyễn Hoằng Dụ, cha Nguyễn Kim và anh rể Trịnh Kiểm đều là những trọng thần của triều đình nhà Hậu Lê. Sau khi Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc đánh thuốc độc chết, rồi Trịnh Kiểm giết anh trai ông là Nguyễn Uông, Đoan quận công Nguyễn Hoàng lo ngại cho người hỏi ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và được ngầm chỉ bảo “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, ông bèn nhờ chị gái là Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, người anh rể cũng muốn Nguyễn Hoàng đi xa khỏi gây ảnh hưởng đối với vua Lê nên chấp thuận. Ông xưng Chúa năm 1558, là vị chúa khai sinh của triều đại, ban đầu đóng dinh ở làng Ái Tử, tỉnh Quảng Trị. Kể từ đó các đời vua chúa kế tục mở mang bờ cõi về phương Nam và thống nhất hoàn toàn đất nước vào năm 1802 dưới triều vua Gia Long. Năm 1601 ông cho xây chùa Thiên Mụ.

2. Chúa Sãi (Chúa Bụt) Nguyễn Phúc Nguyên (1563–1635). Ông là người đầu tiên mang họ Nguyễn Phúc. Tương truyền lúc mẹ ông có thai chiêm bao có vị thần đưa tờ giấy đề chữ “Phúc”, quần thần chúc mừng đề nghị đặt tên thế tử là “Phúc”, nhưng muốn cả dòng tộc sau này được hưởng phúc nên bà lấy chữ này làm tên lót. Năm 1626, để chuẩn bị cuộc chiến với chúa Trịnh ông cho dời dinh vào huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601–1648). Năm 1636 chúa Thượng dời phủ vào Kim Long, thương cảng Thanh Hà – Bao Vinh hình thành ngay sau đó, cùng với Hội An là hai cửa ngõ ngoại thương lớn nhất Đàng Trong của các chúa Nguyễn thời bấy giờ.

4. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620–1687), được sử sách đánh giá là tướng tài, Bắc đốt cháy Hà Lan, đánh tan quân Trịnh tiến đánh Đàng Trong, Nam dẹp yên Chăm Pa, Chân Lạp.

5. Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái (1650–1691). Ông là người dời phủ về làng Phú Xuân. Phú Xuân từ đó trở thành chính dinh của các đời chúa Nguyễn tiếp theo và là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn sau này.

6. Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1675–1725). Ông là người đầu tiên sai sứ sang nhà Thanh xin phong vương nhưng không được chấp thuận vì nhà Thanh vẫn xem vua Lê ở Đàng Ngoài là vua của đất Việt lúc đó.

7. Chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú (1697–1738). Ông có công trong việc thiết lập đơn vị hành chính mới, giữ gìn và mở mang vùng đồng bằng sông Cửu Long.

8. Chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát (1714–1765). Năm 1744, lúc này Chúa Trịnh đã xưng vương nên Nguyễn Phúc Khoát cũng xưng Vũ Vương và xem Đàng Trong như một nước độc lập.

9. Chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1754–1777). Khi còn sống, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát chọn con trai thứ chín là Nguyễn Phúc Hiệu nối ngôi, nhưng Nguyễn Phúc Hiệu chết còn con ông đang quá nhỏ nên Vũ Vương cho con trai thứ hai là Nguyễn Phúc Luân (cha vua Gia Long sau này) nối ngôi. Khi Vũ Vương chết, quyền thần Trương Phúc Loan giết Nguyễn Phúc Luân lập Nguyễn Phúc Thuần khi ấy mới 12 tuổi lên ngôi để dễ bề thao túng. Năm 1777 ông bị nhà Tây Sơn giết khi 26 tuổi, chưa có con nối dõi.

Mười ba vua

Nhà Nguyễn được thành lập sau khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và chấm dứt khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945, trải tổng cộng 143 năm, có 13 vị vua thuộc 7 thế hệ.

Quốc hiệu Việt Nam chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn năm 1804 dưới triều vua Gia Long. Năm 1839 vua Minh Mạng đổi tên nước thành Đại Nam với ngụ ý một nước Nam rộng lớn, quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945 khi vua Bảo Đại đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam.

Triều Nguyễn là một triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ 19, trải qua hai giai đoạn chính:

- Từ năm 1802–1858 là giai đoạn độc lập, từ khi vua Gia Long thống nhất đất nước đến các đời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

- Từ năm 1858–1945 là giai đoạn bị Pháp xâm lăng và đô hộ, kể từ khi quân Pháp đánh Đà Nẵng và kết thúc sau khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị vào tháng 8 năm 1945.

1. Vua Gia Long (tên Nguyễn Phúc Ánh, trị vì 1802–1820). Vua Gia Long là một vĩ nhân, một thực thể tất yếu của lịch sử Việt Nam. Ông trải suốt 25 năm bôn ba chinh chiến mới khôi phục lại cơ nghiệp của dòng tộc. Ông có công thống nhất mảnh đất chữ S và xác định chủ quyền với đảo Hoàng Sa - Trường Sa, quốc hiệu Việt Nam xuất hiện từ triều đại này, đưa Việt Nam trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh ở Đông Dương.

2. Vua Minh Mạng (tên Nguyễn Phúc Đảm, trị vì 1820–1841). Trong 21 năm ở ngôi, vua Minh Mạng đã đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao. Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, hai cuộc cải cách hành chính dưới vương triều vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng là có quy mô toàn quốc và đạt hiệu quả cao nhất.

3. Vua Thiệu Trị (tên Nguyễn Phúc Miên Tông, trị vì 1841–1847). Sử sách nhận định vua Thiệu Trị là người hiền hoà, cần mẫn nhưng ít năng động và tham vọng như vua cha. Mọi định chế đã sắp đặt khá quy củ từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị chỉ việc áp dụng theo mà ít có sự cải cách, thay đổi gì mới. Ông nổi tiếng là một thi sĩ, nổi tiếng nhất là hai bài thơ chữ Hán là Vũ trung sơn thủy và Phước Viên Văn hội lương dạ mạn ngâm. Điểm độc đáo là cả hai bài không trình bày theo lối thường mà viết thành 5 vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng tròn có một số chữ, mỗi bài có 56 chữ ứng với một bài thơ thất ngôn bát cú, nhìn vào như một trận đồ bát quái, vua chỉ cách đọc và ra câu đố tìm 64 bài thơ trong đó. Hiện nay các nhà nghiên cứu đã tìm được 128 cách đọc.

4. Vua Tự Đức (tên Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, trị vì 1847–1883). Tự Đức được đánh giá là một vị vua tốt. Ông chăm chỉ xem xét việc triều chính không hề trễ nải, được các quan nể phục. Ông là vị vua ham học, hiểu rộng và đặc biệt giỏi văn thơ, và cũng được người đời ca tụng là một ông vua rất có hiếu. Ông không có con nối dõi nên nhận ba người cháu làm con nuôi: Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Ái (tức vua Dục Đức), hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (tức vua Đồng Khánh) và hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Đăng (tức vua Kiến Phúc). Triều đại của ông đánh dấu nhiều biến cố với vận mệnh Đại Nam, phải chật vật đối phó với thế lực phương Tây nhưng không thành công, rồi dần dần để chủ quyền đất nước rơi vào tay người Pháp.

5. Vua Dục Đức (tên Nguyễn Phúc Ưng Ái, trị vì 1883), lên ngôi được 4 ngày thì bị hai vị phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường hạch tội phế truất, bị giam và bỏ đói đến chết.

6. Vua Hiệp Hòa (tên Nguyễn Phúc Hồng Dật, trị vì 1883), sau khi phế Dục Đức, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa Lãng Quốc công Hồng Dật lên làm vua, giai thoại kể rằng khi quần thần đến phủ rước, dù năn nỉ mấy, Hồng Dật cũng không đi, cuối cùng phải dùng vũ lực đưa ông vào Tử Cấm thành. Sau vì bất đồng quan điểm nên bị hai quan phụ chính ép uống thuốc độc chết sau khi tại vị 4 tháng.

7. Vua Kiến Phúc (tên Nguyễn Phúc Ưng Đăng, trị vì 1883–1884). Ông là vị quân chủ yểu mệnh nhất của nhà Nguyễn, tại vị được 8 tháng thì băng hà lúc mới 15 tuổi.

8. Vua Hàm Nghi (tên Nguyễn Phúc Ưng Lịch, trị vì 1884–1885). Là em trai vua Kiến Phúc, được hai trọng thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Năm 1885, sau trận tập kích Pháp thất bại, được Tôn Thất Thuyết hộ giá và nhân danh ông phát động phong trào Cần Vương chống Pháp, sau 3 năm thì bị bắt đem an trí ở Algérie rồi qua đời tại đây.

9. Vua Đồng Khánh (tên Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, trị vì 1885–1889). Ông được tướng Pháp đề nghị lập làm vua lúc vua Hàm Nghi rời khỏi triều đình theo phong trào Cần Vương. Ông là người hiền lành, không chống đối Pháp, ở ngôi được 3 năm hưởng dương 24 tuổi.

10. Vua Thành Thái (tên Nguyễn Phúc Bửu Lân, trị vì 1889–1907). Ông là người cầu tiến, yêu nước, có hiểu biết khá toàn diện. Khác với những vị vua trước đây, ông học tiếng Pháp, cắt tóc ngắn mặc âu phục, làm quen với vǎn minh phương Tây. Ông ngày càng bộc lộ tinh thần dân tộc và chống Pháp rất cao, nên đến năm 1907 ông bị Pháp ép thoái vị, sau đó đày sang đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.

11. Vua Duy Tân (tên Nguyễn Phúc Vĩnh San, trị vì 1907–1916). Khi Thành Thái bị thực dân Pháp lưu đày tại Vũng Tàu, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông dần dần khẳng định thái độ bất hợp tác với Pháp. Năm 1916, lúc ở Châu Âu có cuộc Thế chiến thứ Nhất, ông bí mật liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang phục Hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân dự định khởi nghĩa. Dự định thất bại và Duy Tân bị bắt đem an trí cùng vua cha Thành Thái ở đảo Réunion Ấn Độ Dương.

12. Vua Khải Định (tên Nguyễn Phúc Bửu Đảo, trị vì 1916–1925). Tuy kế nhiệm Duy Tân nhưng Khải Định là một ông vua thân Pháp nên không có được cảm tình của nhân dân.

13. Vua Bảo Đại (tên Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, trị vì 1925 – 1945). Bảo Đại là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn nói riêng và của chế độ quân chủ lịch sử Việt Nam nói chung. Ông được đào tạo theo Tây học, hào hoa lịch lãm, mạnh dạn bỏ một số tập tục của các vua đời trước, phá lệ Tứ bất đặt ra từ thời Gia Long phong bà Nguyễn Hữu Thị Lan là Nam Phương hoàng hậu và đã thực hiện nhiều cải cách về nội các, hành chính. Trong bản Tuyên ngôn thoái vị bàn giao quyền lực cho Việt Minh, ông có câu nói nổi tiếng “Trẫm muốn làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ”.

(2) Lịch sử chùa Thiên Mụ

Trước thời điểm khởi lập chùa, trên đồi Hà Khê có ngôi chùa cũng mang tên Thiên Mỗ hoặc Thiên Mẫu, là một ngôi chùa của người Chăm1.

Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóakiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.

Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn 2.

Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là "Thiên Mụ".

Tên gọi được sửa đổi

Dựa theo huyền thoại, đồng thời căn cứ hình dạng Hán tự từng ghi trên bao tài liệu cấu tạo bằng nhiều chất liệu, đủ khẳng định rằng trong tên Thiên Mụ, ngữ tố "Thiên" có nghĩa là "Trời".

Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ "Thiên" phạm đến Trời nên cho đổi từ "Thiên Mụ" thành "Linh Mụ" (hay "Bà mụ linh thiêng").

Vấn đề kiêng cữ như đã nêu chỉ diễn tiến từ năm Nhâm Tuất (1862) cho tới năm Kỷ Tỵ (1869). Sau đó, người dân thoải mái gọi hai tên: chùa Thiên Mụ và chùa Linh Mụ.

Vì rằng từ "Linh" đồng nghĩa với "Thiêng", âm người Huế khi nói "Thiên" nghe tựa "Thiêng" nên khi người Huế nói "Linh Mụ", "Thiên Mụ" hay "Thiêng Mụ" thì người nghe đều hiểu là muốn nhắc đến ngôi chùa này.

Một số người còn đặt tên cho chùa là Tiên Mụ (hay "Bà mụ thần tiên"). Cách gọi này không được giới nghiên cứu chấp nhận.

(3) Lịch Sử chùa Đại Giác

Chùa Đại Giác còn gọi là Đại Giác cổ tự, chùa Phật lớn hay chùa Tượng; xưa thuộc thôn Bình Hoành, xã Hiệp Hòa, tổng Trấn Biên; nay là khu phố Nhị Hòa, phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam.

Theo tài liệu còn lưu tại Giáo hội Phật giáo Thành phố Biên Hòa, thì vào giữa thế kỷ 17 có ba nhà sư thuộc phái Lâm Tế tông, từ miền Trung đến Đồng Nai hoằng hóa đạo Phật.

Nhà sư Thành Nhạc cùng một số phật tử đến vùng đất ven sông Đồng Nai (nay là xã Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) dựng lên chùa Long Thiền (1664); nhà sư Thành Trí theo đoàn di dân làm nghề khai thác đá lên vùng núi Bửu Long cùng người Hoa ở đây dựng lên Chùa Bửu Phong (1679), nhà sư Thành Đẳng, cùng một số người chèo ghe, thuyền đến Cù lao Phố(nay là phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) khẩn hoang và dựng lên chùa Đại Giác (1665).

Buổi đầu, chùa có kích thước nhỏ hẹp, được tạo dựng bằng cột gỗ, vách ván, và lợp ngói âm dương. Thời Thiền sư Tổ Ấn-Mật Hoằng trụ trì, Nguyễn Thị Ngọc Anh, là công chúa thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Ánh có đến trú tại chùa một thời gian[1].

Năm Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) nguyên niên (1802), nhớ ơn, nhà vua sai quan trấn Trấn Biên cho binh thợ đến xây cất, đem tượng binh đến chở đất và dậm nền chùa (nên sau này người dân còn gọi là chùa Tượng). Ngoài ra, nhà vua còn dâng cúng một pho tượng Phật A-di-đà bằng gỗ mít cao 2,25 m. Vì thế nên chùa còn có tên là chùa Phật Lớn (hiện pho tượng vẫn còn được thờ tại chùa). Năm Gia Long thứ 13 (1814)[2], vua cho mời Thiền sư Tổ Ấn - Mật Hoằng ra làm Tăng cang chùa Thiên Mụ ở Huế.

Tháng 10 năm Minh Mạng nguyên niên (1820), nhà vua lại cho tu sửa chùa Đại Giác. Khi ấy công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã trở lại Huế, cũng gửi vào cúng một bức hoành phi lớn khắc ba chữ "Đại Giác Tự" thiếp vàng, bên mặt có khắc: "Tiền Triều Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh" (hiện vẫn còn treo ở phía trước chánh điện)[3].

Năm Nhâm Thìn (1952), do lũ lụt, chùa bị hư hại nghiêm trọng. Năm 1959, được sự đóng góp của nhân dân trong vùng, Trụ trì chùa là Hòa thượng Thiện Hỷ (1921 - 1979), đã cho xây cất lại toàn bộ ngôi thờ bằng vật liệu hiện đại: tường gạch, cột bê tông cốt thép, có lầu chuông, lầu trống, đến ngày 12 tháng 8 năm 1961 mới khánh thành.

(4) Danh Tăng được biết đến gồm

Thiền Sư Mật Hoằng , Thiền Sư Phổ Tịnh, Thiền Sư Thanh Đàm , Thiền Sư Thanh Nguyên

(5)Đại cương đôi dòng về Pháp Hoa đề Cương của Thiền Sư Thanh Đàm ( trích lời tựa trong kinh do HT Thích Nhật Quang ghi lại

Lời tựa này do ngài Thanh Nguyên hiệu Minh Nam, là huynh đệ của thiền sư Minh Chánh viết. Ngài Thanh Nguyên nói, trên đường du hóa ghé đến Liêm Khê tức Bích Động, chỗ ngài Minh Chánh trụ trì. Ngài Minh Chánh mới đem đề cương kinh Pháp Hoa này ra giới thiệu và cho biết vừa rồi có điềm mộng báo trước. Hôm nay ngài Minh Nam đến, thật là duyên đặc biệt nên thỉnh ngài Minh Nam chứng minh.

Ngài Minh Nam rất vui mừng cũng rất e dè, khi cầm bản thảo nhuận sắc vừa biên xong. Ngài xem qua, càng tỏ rõ tạng tánh tâm thể của mình cùng với tâm thể chư Phật, chư Bồ-tát trong mười phương đều chói suốt lẫn nhau. Ngài nói bài kệ:

Đề cương kinh báu Diệu Liên Hoa,

Chỉ bảo cho ta ngọc Biện Hòa,

Hai mươi tám phẩm từ biển giác,

Đại thiên sa giới hội tâm cơ.

Hòa thượng Năng Nhân thầm thọ ký,

Như Lai Đa Bảo kín hộ gia,

Khiến rõ tâm ta đâu tá sứ,

Ngợi khen Diệu Pháp lẫn Liên Hoa.

Ngài tán dương kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà cũng tán dương người đã nhận ra tâm thể của mình. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa chỉ cho tâm thể đó. Người nhận và hằng sống được với tâm thể đó thường ở trong trí tuệ rỗng rang sáng suốt.

(6) bài thơ do vua Thiệu Trị sáng tác còn được khắc trên bia đá tại chùa Linh Mụ

Thiên Mụ Chung Thanh

Cao cương cổ sát trấn điền xuyên

Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên

Bách bát hồng thanh tiêu bách kết

Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên

Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm

Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền

Phật tích Thánh công thùy hải vũ

Thiện nhân tăng quả phổ cai diên.

Dịch thơ: Tiếng Chuông Thiên Mụ

Trên bến gò xưa chùa lập ra

Bên trời tự tại mãi Gương Nga

Tiếng ngân trăm tám tan trăm oán

Thế giới ba ngàn giải nợ ba

Chuông động giữa trưa miền tối ám

Kinh gieo canh sớm đạo tăng gia

Truyền công Phật Thánh tràn non nước

Nhân quả ươm lành khắp chốn xa







***
youtube


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/08/2010(Xem: 19400)
Audio: Kinh Đoạn Giảm do HT Thích Chơn Thiện giảng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]