Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lễ Hội Quán Âm ở Houston - Diệu Trân

16/05/201312:49(Xem: 9026)
Lễ Hội Quán Âm ở Houston - Diệu Trân

Tu Tập Hạnh Bồ Tát

Tìm Hiểu Các Vị Bồ Tát

Lễ Hội Quán Âm Ở Houston 

Diệu Trân

Nguồn: Diệu Trân (Hình ảnh lấy từ: phapvan.ca)

LỄ HỘI QUAN ÂM
LỜI CẦU NGUYỆN CHO MUÔN LOÀI KHẮP MƯỜI PHƯƠNG BA CÕI


Tin khí tượng cho biết, trong những ngày cuối tuần của tháng ba, từ thứ sáu 30 đến chủ nhật mồng một tháng tư năm 2007, tại thành phố Houston và các vùng phụ cận sẽ có bão giông, gió lớn và mưa đá!

Đây chính là thời điểm Lễ Hội Quan Âm lần thứ sáu, được tổ chức tại Chùa Việt Nam, thành phố Houston! Theo những thông báo được phổ biến thì hầu hết chương trình trong hai ngày Lễ Hội đều được tổ chức trong khuôn viên chùa, nghĩa là diễn tiến ngoài trời! Tin khí tượng dự báo làm rung động lòng Phật tử khắp nơi đang hướng về Lễ Hội, nhưng điều đó không ngăn được những chuyến bay khắp năm châu đang tới, những chuyến xe đang trực chỉ Houston, trên đó, giữa những người ngoại quốc, Phật tử Việt Nam nhìn nhau là biết đang cùng trên đường về dự Lễ Hội tại chùa Việt Nam, Houston.

Tôi đáp chuyến bay Continental đến Houston trưa thứ năm 29 tháng ba, trước Lễ Hội một ngày. Mây đen vần vũ khắp trời báo hiệu tin khí tượng nhiều phần sẽ đúng cho cho hai ngày sắp tới! "Cúi lạy Mẹ Quan Âm đại từ đại bi, xin Mẹ xót thương che chở cho trời quang mưa tạnh để đàn con về quỳ dưới chân Mẹ dâng lời cầu nguyện hoàn tất được trọn vẹn không khí uy nghiêm, tôn kính trong đại lễ này"

Tôi có thể chắc chắn là không một Phật tử nào trên đường về dự lễ mà không thành kính dâng Mẹ lời cầu xin này.

Xe của ban vận chuyển, chùa Việt Nam đưa chúng tôi về chùa lễ Phật trước khi về khách sạn. Từ trước một block đường, chúng tôi đã nhìn thấy Tôn Tượng Mẹ Quan Âm sừng sững uy nghiêm giữa bầu trời bao la. Tôi thường chỉ được chiêm ngưỡng tôn tượng Mẹ Quan Âm giữa những hồ sen nhỏ. Đây là lần đầu được quỳ dưới chân Mẹ, mà phải cố ngước mắt nhìn vút lên trời cao, tưởng như phải nhìn qua gió, qua mây mới thấy được đôi mắt "Từ nhãn thị chúng sanh". Tôi quỳ dưới chân Mẹ, cảm nhận toàn thân đang rung động vì tấm lòng đại từ đại bi của Mẹ, bao đời bao kiếp đã tầm thanh cứu khổ muôn loài.

Bỗng nhiên, bao lo lắng về tin giông bão chợt tiêu tan. Mẹ đứng kia, uy nghiêm, linh hiển giữa không gian lồng lộng, ánh từ-quang tỏa sáng mênh mông vô tận thế kia, làm sao mà mây đen kia có thể xuống thấp hơn để tạo thành giông bão?

Tôi úp mặt thật lâu dưới chân Tôn tượng Mẹ, thầm mỉm cười với tiếng gió hung hãn phần phật trên ngọn những cây dừa dọc suốt con đường từ ngoài cổng vào tới chánh điện. Con đường lát gạch thẳng tắp từ Chánh điện ra tới hồ Hương Thủy, tối mai, sẽ đón từng bước chân của hơn 160 Chư Tôn Đức Tăng Ni hướng dẫn hàng ngàn Phật tử thực hành hạnh nguyện Tam Bộ Nhất Bái, thì giông bão làm sao tràn tới được.

Tôi vững tin như thế trên đường về khách sạn.

Sáng thứ sáu 30 tháng ba, 2007, ban vận chuyển của chùa lại tới nhưng khách sạn đón Phật tử từ xa về dự lễ. Cảnh chùa rộn rịp hẳn hơn hôm qua. Từng đoàn xe lớn, nhỏ, vào ra, kẻ lên, người xuống. Bạn đạo khắp nơi không hẹn mà gặp, tay bắt mặt mừng. Các tiểu ban của chùa, ai lo việc nấy. Ban trai soạn bận rộn xắt gọt, nấu nướng. Các gian hàng bắt đầu chuẩn bị để có thể phục vụ khách thập phương từ chiều nay. Sân khấu lộ thiên đang được trang trí những phần chót. Hoa đèn rực rỡ giăng ngang hai bên hàng dừa cao vút. Mây xám vẫn xuống thấp, gió nổi bốn bề như không ảnh hưởng gì tới những Phật-sự đang diễn tiến. Những Phật tử đến từ xa như chúng tôi, không được giao nhiệm vụ chính thức gì, bèn rủ nhau tìm chổi, quét thật kỹ suốt dọc đường Tam Bộ Nhất Bái tối nay. Trong lúc làm việc, thỉnh thoảng chúng tôi được thấy Thầy viện chủ và Thầy trưởng ban tổ chức Lễ Hội. Quý Thầy thong dong kiểm điểm công việc ở từng nơi, từng phần. Thầy Nguyên Hạnh tươi tắn, nhẹ nhàng, còn Thầy Nguyên Đạt thì không khi nào thiếu nụ-cười-Di-Lặc trên môi.

Từ 4 giờ chiều thứ sáu thì ban trật tự đã phải làm việc bận rộn hơn, đã cần sự tiếp tay của cảnh sát địa phương để điều động xe cộ vào, ra. Chư Tôn Đức khắp nơi đang được rước về, mầu y vàng xen lẫn mầu áo lam, rộn ràng cả một khu phố.

Lễ Hội Quan Âm năm nay được sự chứng minh của ba vị Hòa Thượng: Đại lão H.T Thích Tâm Châu, thượng thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên thế giới. Đại lão H.T Thích Hộ Giác, Phó viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Chủ tịch Hội đồng điều hành GHPGVNTH hải ngoại tại Hoa Kỳ. Đại lão H.T Thích Chơn Điền, viện chủ chùa Quan Âm, Texas, cùng với hơn 160 Chư Tôn Đức Tăng Ni đến từ khắp nơi. Xa từ Đài Loan, Đài Bắc như quý Thầy Thích Thiện Tâm, Thích Nhuận Tòan, Thích Thiện Nhẫn. Từ Miến Điện như Venerable Nagasena. Từ Canada có T.T. Thích Tâm Hòa, viện chủ trung tâm Phật Giáo-chùa Pháp Vân, ĐĐ Thích Ẩn Long, tu viện Bửu Hưng, Seattle. Các tiểu bang tại nội địa Hoa Kỳ thì hầu như không tiểu bang nào không có đại diện tới dự lễ. Từ Florida có qúy Thượng Tọa Thích Nhật Trí, Thích Minh Chiếu, chùa Pháp Vũ, Đại Đức Thích Chân Văn, quý sư-cô Thích nữ Liễu Hà, Thích nữ Tịnh Thanh, chùa Báo Ân. Từ California có TT Thích Minh Tuệ, quý ĐĐ Thích Thiện Duyên, chùa Kim Quan, Thích Pháp Chơn, viện chủ trung tâm tu học Liễu Quán, Thích Nhựt Châu, chùa Việt Nam LA, Thích Quảng Bảo, Tu viện Kim Sơn, Thích Nghiêm Thiện, chùa Phô Đà, Thích Nhuận Hành, chùa An Tường, Thích Tín Mãn và Thích Thiện Ngộ, chùa Vạn Hạnh, quý sư-cô Thích nữ Như Thiện, Thích nữ Cảnh Liên, Thích nữ Phước Quang, Thích nữ Quảng Thành, Thích nữ Tâm Từ, Thích nữ Diệu Liên …v… v…Các phái đoàn về tham dự cũng vô cùng đông đảo như từ California có phái đoàn Tổng Hội Cư-sỹ Phật tử, chùa A Di Đà, An Lạc Viện Tự, chùa Đức Viên, chùa Vạn Hạnh. Từ Canada có phái đoàn Phật tử chùa Thuyền Tôn, tu viện Bửu Hưng. Từ Florida có phái đoàn Phật tử chùa Báo Ân, chùa Bồ Đề, chùa Diệu Đế. Từ Lousiana có phái đoàn Phật tử chùa Tam Bảo, chùa Tịnh Độ, chùa Từ Bi. Từ Kansas, Arkansas, Georgia, Oklahoma, NewYork …v… v… tất cả đều như muôn sông đang chảy về biển, mà kẻ viết bài không thể nhớ hết, xin quý ngài niệm tình tha thứ.

6:30 chiều thứ sáu 30 tháng ba năm 2007, Phật tử đã vân tập trước sân, đứng dọc hai bên bồn gạch từ Chánh điện ra tới hồ Hương Thủy. Tôi không thể ước lượng số người đang có mặt. Chỉ thấy diện tích mênh mông của chùa Việt Nam không còn một chỗ trống, nhưng người vẫn tới, xe vẫn vào! 6:45 ba hồi chuông trống Bát Nhã âm vang, cung thỉnh Chư Tôn Đức Tăng Ni đến trước tiền đường. Mọi xôn xao đều ngưng bặt. Chỉ phút giây, tiền đường trống trải đã bát ngát mầu y vàng rực, khác chi phẩm Tùng Địa Dũng Xuất trong kinh Pháp Hoa.

Theo đúng chương trình, 7:00 khai chuông cầu nguyện. Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới, khắp nơi u tối mọi loài nghe, tiếng chuông vang động mời gọi muôn người, muôn loài cùng bước về nương tựa nơi trái tim từ bi của Mẹ Hiền Quan Âm.

Trước sự chứng minh và gia bị của Tam Bảo mười phương và sự hiện diện của Chư Tôn Đức Tăng Già cùng đông đảo hàng Phật tử khắp nơi, Đại lão Hòa thượng Thích Chơn Điền đã tuyên đọc Pháp-từ, khai mạc Lễ Hội Quan Âm, ngày hành hương và cầu nguyện lần thứ sáu của lễ Hội. Đoàn lân của GĐPT Huyền Quang tưng bừng nhưng cũng vô cùng cung kính chào mừng Chư Tôn Đức. Ngay khi đoàn lân nhịp nhàng uốn lượn theo tiếng trống bập bùng thì một cánh chim bồ câu bay ngang. Giờ này, loài chim thường đã về tổ, sao một cánh chim còn quanh quẩn Lễ Hội? Không nhưng còn đây mà cánh chim đó bay thấp một cách bất thường, gần như xà xuống đoàn lân trước Chư Tôn Đức khiến có những Phật tử phải thốt lên: "Kìa, con chim!" Có ai kịp thấy nhánh ô-liu ngậm ngang mỏ con bồ câu về dự lễ hay không?

Khi TT Nguyên Hạnh viện chủ chùa Việt Nam Houston lên máy vi âm hướng dẫn cách thức hành hương Tam Bộ Nhất Bái thì gió tám hướng mười phương nổi lên ào ạt khiến những ngọn dừa như múa hát, những giây hoa đèn đong đưa như vũ điệu hoa đăng. Khung cảnh uy nghiêm, cùng với sự trợ lực của gió đã vô cùng linh động. Hơn 160 vạt y vàng chậm rãi từng bước trong tiếng niệm "Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát" hướng dẫn hàng ngàn tà áo lam theo sau trong trật tự và trang nghiêm tuyệt đối. Từng bước chậm, mỗi bước đủ một tiếng niệm để sau mỗi ba bước là tiếng chuông điểm cho đoàn hành hương đều quỳ xuống, lạy một lạy.

Cực kỳ hoành tráng.
Cực kỳ trang nghiêm.
Cực kỳ rực rỡ.

Mỗi ba bước, sau tiếng chuông, úp mặt xuống nền gạch ẩm, tôi cảm nhận hồng ân Chư Phật đang rải Hoa-Từ cho đàn con còn chìm ngập trầm luân. Trời không mưa mà nước mắt cứ tuôn rơi, trái tim thổn thức òa theo từng tiếng Nam Mô.

Đoàn hành hương theo tinh thần hạnh nguyện của Chư Phật đã dâng trọn vẹn thân, tâm, ý trong từng bước chân, từng quỳ lạy, từ chánh điện ra tới hồ Hương Thủy. Hàng trăm hoa đèn được thắp lên để chuẩn bị cho Hội Hoa Đăng, thả đèn xuống hồ Hương Thủy cùng với lời nguyện: "Hoa này là Hoa Từ Bi. Đèn này là Đèn Trí Tuệ, chúng con xin quỳ dâng lên Mẹ hiền Quan Thế Âm lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc". Chư Tôn Đức Tăng Ni thiền hành quanh hồ, chờ đoàn Phật tử đông đảo phía sau tề tựu đủ thì giòng nhạc niệm Quan Thế Âm nhẹ nhàng ngân lên, bắt đầu lễ thả hoa đăng.

Thoáng chốc, mặt hồ lung linh rực rỡ hàng trăm đóa sen tỏa sáng. Từ cầu Hương Thủy, nữ Phật tử Hà Thanh cất tiếng xưng tán Nhành Dương Cứu Khổ, nam Phật tử Gia Huy thành kính thổn thức: "Mẹ là Phật, đại nguyện hóa thân. Mẹ là Hoa, hoa đẹp tuyệt trần. Mẹ là nước, nước nguồn vô tận. Cuộc đời Mẹ chỉ biết hiến dâng."

Cùng với tiếng hát, hoa đèn cứ từ từ thả xuống, lời nguyện chí thiết dâng lên. Trên cao, Mẹ Quan Âm mỉm cười nhìn xuống, nhành dương liễu như lay động trên búp tay từ ái, xoa dịu bao tai ương sóng gió của trần gian khổ lụy …

Đêm Hội Hoa Đăng và hành hương Tam Bộ Nhất Bái kết thúc trong rực rỡ hoa đèn hòa vào âm thanh trầm hùng của chiêng trống Bát Nhã cung tiễn Chư Tôn Giáo Phẩm Tăng Ni trở về Phật-điện.

Lúc này không khí các gian hàng mới tấp nập. Mọi người hoan hỷ nếm các món chay tuyệt hảo được xào nấu tại chỗ, từ đại diện các chùa, ghé thăm các kệ sách với những tác phẩm dịch thuật công phu của Chư Tôn Đức, những tập san từng có mặt nhiều năm trong mục đích hoằng pháp, chia xẻ kinh nghiệm tu tập như TS Pháp Luân, TS Nghiên Cứu Phật Học được Phật tử hoan hỷ đón nhận. Lời hỏi han, chào đón xen lẫn tiếng dặn dò: "Mai dậy sớm dự lễ Đạo Tràng Linh Hiển Ngàn Mắt Ngàn Tay nhé! 7 giờ sáng là bắt đầu rồi đó!"

Trên đường về khách sạn, gió cuồn cuộn, ào ạt hơn, trăng đi vắng và mây đen thật thấp! Chúng tôi đi ngủ trong hồi hộp và cùng bị sấm chớp long trời lở đất đánh thức dậy lúc 5 giờ sáng. Ai nấy vội vã sửa soạn rồi cùng tập họp tại phòng khách ở tầng dưới. Qua khung cửa kính, không phải trời chỉ đang mưa mà đây chính thực là giông, là bão, là phong ba, nước tuôn như thác, gió rạp ngàn cây, sấm chớp nổ vang lóe sáng đông tây nam bắc! Chúng tôi, không ai còn lòng dạ đâu mà dùng điểm tâm dù khách sạn đã chu đáo nhiều món. Mưa bão hung hãn như thế này, chỉ ra khỏi cửa khách sạn để lên xe cũng không nổi, nói chi đến được chùa và hành lễ, dù theo chương trình thì Đạo Tràng Linh Hiển Ngàn Mắt Ngàn Tay được cử hành trong chánh điện.

5:30 rồi 6:00, hình như giông bão đang cứ theo kim đồng hồ nhích dần mà tạnh dần. Đây là sự tình cờ của trời đất ư? Không! Tôi không tin thế! Sự tình cờ không thể nhịp nhàng tiếp nối khít khao như thế. Với trời đó, mây đó thì giông bão đã phải ập xuống từ hôm qua. Nhưng Mẹ Quan Âm đã khoan thai ngăn lại để đàn con Mẹ hoàn tất hành hương Tam Bộ Nhất Bái và thả Hoa Đăng cầu nguyện. Mẹ nhìn con bằng ngàn mắt, Mẹ giữ bão bằng ngàn tay cho đến sáng sớm nay. Nhưng rồi trời đã quang, mưa đã tạnh trước giờ các con của Mẹ về chùa dự lễ. Thì ra, mưa gió này chính là lời dạy trong phẩm Phổ Môn:

"Lòng Bi như sấm động
Ý Từ tựa dường mây
Cam Lồ mưa pháp dội
Đoạn tắt lửa não phiền"

Nguồn nước Từ Bi vô lượng vô biên đang tràn qua mọi nẻo mà đến với mọi người, mọi loài. Từ những người thương yêu hay ghét bỏ. Từ những người trong tâm con đến những người cách xa con. Từ những loài lớn đến loài nhỏ. Từ những loài con thấy đến những loài con không thấy. Từ phương Đông phương Tây đến phương Nam phương Bắc, tất cả đều là anh em ruột thịt. Chúng sanh đau khổ là chúng con đau khổ. Chúng sanh an vui là chúng con an vui. Nguyện không ai còn làm hại ai. Nguyện không loài nào còn ác tâm với loài nào. Xin cho tất cả được sống trong an toàn, hạnh phúc. Xin cho tất cả được thoát khỏi bệnh tật, lo âu, phiền não.

Ba tiếng chuông ngân vang sau lời cầu nguyện nối tiếp tiếng hát vút cao giọng nữ Phật tử Ngọc Hạ, vinh danh Mẹ hiền Quan Âm ngàn mắt ngàn tay

"Mắt người nhỏ lệ, nhỏ lệ thương đời.
Ngàn mắt ngó xuống cõi lòng vô chung"

Tôi cảm nhận luồng từ-quang của Mẹ rất gần, rất hiện thực, như ngay đây, ngay chánh điện này, nơi hơn 160 Chư Tôn Đức Tăng Ni đang đồng cất tiếng trầm hùng tụng Thủ Lăng Nghiêm rồi hướng dẫn hàng ngàn Phật tử tụng 3 biến Chú Đại Bi trước khi phẩm Phổ Môn được phát tới từng người để tất cả được bình đẳng cất tiếng:

"Tịnh Thánh Quán Thế Âm
Là nơi về nương tựa
Giữa nạn khổ chết chóc
Chứa tất cả công đức
Mắt Từ nhìn chúng sanh
BiểnPhước lớn vô cùng
Nên con xin đảnh lễ
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Lục tự đại minh chơn ngôn
Án Ma Ni Bát Di Hồng"

Lời xướng tụng Tam Quy và hồi hướng của Chư Tôn Đức còn ngân trong tiếng chuông mầu nhiệm thì giọng hát nam Phật tử Gia Huy vút lên bài Kinh Pháp Hoa:

"Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Thấy vang động tinh hà
Địa cầu vừa tỉnh thức
Lòng đất bỗng đơm hoa
Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Bảo Tháp hiện chói lòa
Đất trời Bồ Tát hiện
Tay Phật trong tay ta
Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh …"

Tiếng Nam Mô ngân vang trong từng cõi lòng hướng về Chư Phật, kết thúc chương trình Đạo Tràng Linh Hiển Ngàn Mắt Ngàn Tay, hoàn mãn tốt đẹp trong sự che chở kỳ diệu của Mẹ Quan Âm giữa đất trời gió mưa tơi tả!

Mưa đã tạnh. Gió đã ngừng vì sau khi thọ trai là chương trình sinh hoạt dân gian ngoài trời với các tiết mục: Thi quốc phục thiếu nhi, tuyển Phò Mã và Công Chúa, Thả Thơ, Thư Pháp, biểu diễn múa lân … v… v… Tay Mẹ lại giang rộng, ngăn gió mưa nên không một chương trình nào bị trở ngại. Muôn lòng vững tin sự gia bị của Mẹ trong lễ chính thức 6 giờ chiều nay.

Quả như thế. Từ 5 giờ chiều thứ bẩy 31 tháng ba, Phật tử đã vân tập về, tràn ngập khuôn viên chùa, tưởng như người người phải đứng sát bên nhau, chờ cung nghinh Chư Tôn Đức cử hành Lễ Hội chính thức. Tới thời điểm, ba hồi chuông trống Bát Nhã lại ngân vang. Bước ra tiền đường là Tam Chứng Minh Sư, theo sau là Chư Tôn Đức Tăng Ni. Khi quý Ngài an tọa, đại vũ khúc "Chuyển Pháp Luân" do GĐPT cúng dường để chào mừng Lễ Hội chính thức. Điệu vũ chuyển từ bài thơ Pháp Âm Bồ Tát của thi sỹ Phật tử Tuệ Kiên. Lời thơ thiết tha quyện vào giòng nhạc trầm hùng diễn đạt qua những giải lụa mầu uyển chuyển từ bao thanh nữ:

"Đây lời chuyển Pháp âm xa
Cất cao lên, người nghệ sỹ
Cùng điệu nhạc ru lời ca
Dìu tâm thức vượt Ta-bà
Vượt giòng sinh tử bao la
Chùm che khắp giải ngân hà
Chư thiên ơi! Chư thiên ơi!
Vang diệu âm Càn-Thát-Bà
Chúng sanh ơi! Loài người ơi!
Hãy nghe đây, lời thiết tha
Hãy mau mau về nương Phật
Con đường hạnh phúc nở hoa
Đường Quan Âm, đường Thế Chí
Pháp Âm diệu dụng phi thường
Đường Chân Như ngời ánh sáng
Từ Bi Chư Phật mười phương
Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát"

Đoàn lân theo tiếng trống rộn ràng dẫn đầu, tiến về lễ đài rực rỡ hoa đèn trên hồ Hương Thủy. Đoàn dâng hoa trong lễ hội này không phải là thanh thiếu niên Phật tử mà là quý Chư Tăng. Thật là một hình ảnh trang trọng chưa từng thấy! Từng bước, quý ngài tiến lên lễ đài, rực rỡ dưới ánh nến lung linh, tàn lọng muôn mầu. Hàng Phật tử cung nghinh hai bên, chắp tay, cúi đầu cung kính. Đông đảo như thế mà những phút cần trang nghiêm thì rất mực trang nghiêm, rất mực trật tự. Quý Chư Tôn Đức Tăng an vị trên lễ đài, quý Ni nghiêm túc đứng vòng quanh hồ. Muôn con mắt đều ngước lên Tôn Tượng Mẹ Hiền Quan Âm khi lời cầu nguyện dâng lên.

Mây xám lặng lẽ trôi. Và kìa! Vầng trăng non dịu dàng hiện ra, soi tỏ lễ dâng hoa thập phần tráng lễ trước đài sen Tôn Tượng. Và rồi, giữa hồ, ngọn lửa thiêng được đốt bùng lên! Lửa Từ Bi vút cao như thách đố gió mưa đe dọa. Và giọng hát mạnh mẽ của Phật tử Gia Huy lại vút lên:

"Trong đêm tối bao la,
Người ơi! Người hỡi!
Một ngọn lửa thiêng bừng lên chiếu sáng
Như mặt trời …
Nam Mô Đức Phật Di Đà
Lửa Từ Bi đã xóa nhòa khổ đau"

Khi vừa xong lễ cầu nguyện chính thức thì trời mới bắt đầu mưa nhẹ, thật nhẹ, phơi phới như mưa xuân. Ôi! Thật mầu nhiệm biết bao! Hàng ngàn bong bóng được thả tung bay cùng với pháo bông rực rỡ đầy trời. Bóng bay cao, bay cao như vũ khúc uốn lượn cùng mây trong khi tiếng chuông trống Bát Nhã rộn rã cung tiễn Chư Tôn Đức giáo phẩm về lại tiền đường dự chương trình văn nghệ đặc sắc tại sân khấu lộ thiên được giàn dựng công phu từ công sức, tim óc của bao người con Phật thành kính cúng dường.

Tôi không thể không chia sẻ niềm xúc động sâu xa khi biết rằng đại Tôn Tượng Mẹ Hiền Quan Âm cao 72 feet, lồng lộng giữa trời mây bao la kia được hoàn thành từ đôi tay nhỏ bé của một nữ điêu khắc gia, nay là sư-cô Viên Thuận, hiện an trú tu tập tại ni viện Viên Thông, Houston. Trước khi xuất gia, sư-cô là một nhà điêu khắc từng đạt những thành công sáng giá. Nhận lời thực hiện đại tôn tượng Mẹ Quan Âm, cô nghĩ, chắc cũng như đã từng tạc tượng bao bậc vĩ nhân khác. Nhưng công trình càng gần hoàn tất, cô càng như nghe thấy âm thanh nào thôi thúc mỗi lúc mỗi mãnh liệt. Thôi thúc gì, cô không rõ. Nhưng ngay khi những đường nét cuối cùng trên tôn tượng được hoàn chỉnh thì diệu âm đó vỡ òa ra! Đó là sự dâng hiến trọn vẹn thân tâm cho Đạo Pháp. Cô lập tức xuất gia, nhận pháp danh Viên Thuận từ Sư-cô Thích nữ Thanh Lương, trụ trì ni-viện Viên Thông. Đại lễ khánh thành đại tôn tượng Mẹ Hiền Quan Âm năm 2001, tức là cô đã xuất gia được sáu năm! Thật là công đức vô lượng vô biên. Từ khi tình cờ được biết, gặp sư-cô, tôi cứ ngẩn ngơ nhìn đôi bàn tay nhỏ bé đó, cố gắng cũng không tưởng tượng nổi là những búp măng mềm mại kia đã tạo nên tôn tượng hùng vĩ, không chỉ ở kích thước mà vì trọn vẹn Tâm Đạo đặt vào nên bất cứ ai, quỳ dưới chân Mẹ đều cảm nhận được ánh từ-quang bát ngát không gian.

Hàng Phật tử chúng con xin cúi đầu ghi ơn công đức Chư Tôn Đức Tăng Ni khắp nơi, xin cảm tạ muôn tấm lòng đã âm thầm đóng góp bấy lâu để Lễ Hội Quan Âm, ngày Hành Hương và Cầu Nguyện năm thứ sáu được hoàn mãn trong tuyệt đối tốt đẹp.

NAM MÔ ĐẠI BI QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT


Diệu Trân
(Như-Thị-Am, ngày đầu tháng tư 2007)




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/09/2010(Xem: 14198)
Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến đạo Từ bi cứu khổ.Mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất thiết tưởng không ai khác hơn làđức Bồ tát Quan Thế Âm, hay Mẹ hiền Quan Âm. Vì vị Bồ tát này có đầy đủ phẩmchất của một người mẹ trong tất cả những người mẹ. Hình như trong mọi trái timcủa những người con Phật thuần thành nhất là giới Phật tử bình dân không ai làkhông không có hình ảnh đáng tôn kính của vị Bồ tát giàu lòng bi mẫn này...
21/09/2010(Xem: 3726)
Chúng ta nhìn thấy trên đây bức hình của pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt bằng gỗ sơn son thiếp vàng, cao 3 mét 60 đang được tôn trí tại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật, Hà Nội, Việt Nam. Pho tượng nầy đã được phục chế theo mẫu của pho tượng Quan Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt đang được trân quý và giữ gìn tại Chùa Ninh Phúc còn gọi là Chùa Bút Tháp tại tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Những đường nét tinh tế, điêu luyện và sự bố cục cân đối trong tư thế ngồi rất hùng tráng của pho tượng đã đạt đến đỉnh cao mỹ thuật của Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ thứ 17. Đã nhiều lần, pho tượng đã được đem đi ra ngoại quốc để triển lãm. Hiện nay, pho tượng nầy đã được dùng làm tượng mẫu để điêu khắc hàng nghìn pho tượng lớn nhỏ khác nhau bởi nhiều điêu khắc gia tài ba lỗi lạc đã được thỉnh về tôn trí rất nhiều nơi trong nước cũng như rất nhiều chùa viện tại hải ngoại. (Hình trên là pho tượng Quan Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt (cao 3.60 mét) đang được tôn trí tại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật, Hà Nội)
17/09/2010(Xem: 5856)
Tôn giả A Nan (Ananda) là một trong mười vị đệ tử lớn của đức Phật, người được mệnh danh là rất uyên thâm trong nhiều lĩnh vực và có trí nhớ siêu phàm (đa văn đệ nhất).
17/09/2010(Xem: 6219)
Muốn thành một vị Bồ Tát, Hành giả phải trải qua 50 ngôi vị tu tập và đạt đạo gọi là Bồ Tát Giai Vị. Bồ Tát Giai Vị nghĩa là ngôi vị thứ bậc của Bồ Tát. Theo Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp, 50 Ngôi vị tu tập của Bồ Tát gồm có: Thập Tín Vị, Thập Trụ Vị, Thập Hạnh Vị, Thập Hồi Hướng Vị và Thập Địa Vị.
16/09/2010(Xem: 4077)
Bồ Tát Quan Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai, nếu chúng sinh còn đau khổ. Vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ...
31/08/2010(Xem: 7800)
Vị Đại Sỹ luôn lắng nghe âm thanh của mọi loài chúng sanh mà cứu độ, là nơi nương tựa cho bao chúng sanh trong cơn đau khổ, nguy cấp, hiểm họa, tật bệnh, đói nghèo,...Chúng con xin tập lắng nghe theo hạnh của Ngài, biết lắng tai nghe với sự chú tâm và thành khẩn, biết chia sẻ phước báu của mình để cho cuộc đời bớt khổ. Nguyện cho Thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Tất cả mọi người Hiểu và Thương quý nhau trong suối nguồn vi diệu pháp.
28/08/2010(Xem: 10008)
Hình Ảnh: Đại Bi Xuất Tướng Ban Biên Tập quangduc.com kính giới thiệu đến quý đọc giả hình ảnh Đại Bi xuất tướng của Pháp sư Y Lâm người Đài Loan vẽ về hình tượng 88 thân Quán Thế Âm Bồ Tát theo Đại Bi thần chú.
28/08/2010(Xem: 8356)
Đại Bi xuất tướng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm đồ họa
07/07/2010(Xem: 8631)
Bồ Tát như thế nào mà phát tâm Bồ đề? - Và do nhơn duyên gì tu tập Đạo Bồ Đề? Nếu có Bồ Tát thường thân cận Thiện tri thức, và thường cúng dường chư Phật, tu tập Pháp Bồ đề (37 phẩm) chí cầu chánh pháp, tâm thường nhu hòa, gặp cảnh khổ có khả năng nhẫn chịu, tâm từ bi thuần hậu, thâm tâm bình đẳng, tin vui Pháp đại thừa, cầu trí tuệ Phật.
26/06/2010(Xem: 4296)
Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị Bồ tát nổi bật và được biết đến nhiều nhất trong tất cả các truyền thống Đại thừa, và đôi khi cả Tiểu thừa, như trường hợp ở xứ Tích lan và Thái lan cũng có thờ Ngài. Các học giả cho rằng vào đời nhà Tống (960-1126) Ngài được tạo hình là thân đàn ông. Tại Ấn độ, Ngài thường được tô vẽ như là một hoàng tử trẻ đẹp, trên đầu đội mảo có hình Phật ở giữa. Nhưng từ thế kỷ thứ 12 về sau, Các hình tượng của Ngài khắp Á Châu được biểu tượng bằng hình dạng của một vị Thánh Nữ. Không ai biết chính xác khi nào có sự thay đổi này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]