Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luận Giải Cư Trần Lạc Đạo Phú (TT Chúc Hiền thuyết trình tại Trường Hạ 2024 tại Tu Viện Đại Bi, California, Hoa Kỳ )

30/06/202407:37(Xem: 3896)
Luận Giải Cư Trần Lạc Đạo Phú (TT Chúc Hiền thuyết trình tại Trường Hạ 2024 tại Tu Viện Đại Bi, California, Hoa Kỳ )
Luận Giải Cư Trần Lạc Đạo Phú

(TT Chúc Hiền thuyết trình tại Trường Hạ 2024
tại Tu Viện Đại Bi, California, Hoa Kỳ )





Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn Đức! Hôm nay con xin được trình bày về “Cư Trần Lạc Đạo Phú” của Trúc Lâm Đầu Đà. Bài này có 10 hồi. Có thể hôm nay con trình bày một hay hai hồi vì thời lượng không nhiều. 

Trúc Lâm Đầu Đà, Ngài tên thật là Trần Khâm. Sinh năm 1258, lên ngôi năm 1278, ở ngôi 15 năm từ 1278 đến 1293, nhường ngôi cho con lên làm Thượng hoàng 6 năm từ 1293 đến 1299, sau đó ngài đi tu 9 năm từ năm 1299 đến năm 1308. Năm 1308 ngài viên tịch. Trụ thế 50 tuổi Tây, 51 tuổiTa. 
Đó là cuộc đời của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là anh hùng dân tộc, là một bậc minh quân, là vị tổ khai sáng ra dòng thiền Việt Nam.
Hồi Thứ Nhất:

 “Mình ngồi thành thị; nết dùng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính; nửa ngày rồi tự tại thân tâm”. Chính câu này mà có người cho rằng Trúc Lâm Đầu Đà đã viết Cư Trần Lạc Đạo Phú lúc ngài còn ở kinh thành Thăng Long. Nhưng theo con thì Cư Trần Lạc Đạo Phú  được tác giả sáng tác vào thời điểm ngài đã xuất gia ở trên núi Yên Tử. Vì lòng tự hào dân tộc, niềm kiêu hãnh dân tộc, để bảo tồn nền độc lập tự chủ, bảo tồn văn hóa của Đại Việt, Trúc Lâm Đầu Đà đã sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để viết nên Cư Trần Lạc Đạo Phú, một tuyệt tác văn học Thiền của Phật giao Việt Nam. Cư Trần Lạc Đạo Phú với bút pháp tuyệt diệu theo lối văn biền ngẫu. Vế trước đối với vế sau. Câu trước đối với câu sau, tạo thành những cặp song đối thật súc tích, cô đọng rất hay, đạt đến đỉnh điểm trên phương cách sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật “ Dĩ văn tải đạo”: Dùng văn chở đạo. Đây là bài văn bằng chữ Nôm đầu tiên trên dòng lịch sử văn học nước nhà.

   Mở đầu Hồi thứ nhất bằng chữ “Mình” rất hay, rất tuyệt diệu! Chữ “ Mình” ở đây Trúc Lâm Đầu Đà nói về chính bản thân mình đồng thời cũng để nói cho số đông. Vào thời ấy mà tác giả không dùng chữ “ 我:ngã” hay chữ “ 吾:ngô” mà là dùng chữ “ Mình” rất chi là Việt Nam. Chữ “ Mình” ở đây rất gần gũi, rất thân thương, dùng một chữ “ Mình” này đã ôm trọn cả dân tộc Đại Việt. Ngài không dùng chữ “居:cư” nghĩa là ở mà dùng chữ “ ngồi”. Chữ ngồi chữ Hán là chữ “坐:tọa “.Tọa có nghĩa làngồi. Học theo Trúc Lâm Đầu Đà, Thay vì mình nói:” Mời quý vị tọa thiền”, thì mình nói: “Mời quý vị ngồi thiền”. Cho bớt lệ thuộc vào chữ Hán. Trong nghi thức tiến linh có bài kệ châm trà: 

“Dương Tử giang tâm thuỷ
Mông Sơn đảnh thượng trà
Hương linh tam ẩm liễu
Tảo sanh pháp vương gia”.

Dịch nghĩa: 

“Nước giữa sông Dương Tử
Trà trên đĩnh Mông Sơn
Hương linh uống ba lần
Sớm sanh nhà Pháp Vương”.

    Dương Tử Giang tức là Trường Giang ở Trung Quốc là con sông dài nhất châu Á.
   Mông Sơn: Cách 15 dặm phía về hướng Tây huyện Danh Sơn, châu Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. 

  Lấy trà trên đĩnh Mông Sơn pha với nước sông Dương Tử rồi đem dâng cúng cho hương linh. Hương linh uống ba lần thì hương linh được sanh vào nhà Pháp Vương. Tại sao chỉ có nước Sông Dương Tử và trà trên đỉnh Mông Sơn mới được? Khi phát hiện ra điều này, con quyết định không đọc bài kệ này nữa. Noi theo tinh thần Trúc Lâm Đầu Đà, con đã mạo muội viết bài kệ dâng trà mới để thay cho bài kệ trên. 

“Trà thơm ba chén hiến dâng
Ngưỡng mong linh tưởng thương lòng chứng tri
Cam lồ rưới khắp mọi thì ( thời)
Nghe lời kinh Phật thoát đi ách nàn.
Sanh về Tịnh độ Lạc bang 
Di Đà giáo hóa sen vàng nhẹ nâng”.

“Thành thị” là nơi đông đúc, xô bồ. Vậy mà Trúc Lâm Đầu Đà nói:” Nết dùng sơn lâm”. Nết là nết hạnh, tánh nết, nết na. Như thông thường chúng ta nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Người tu chúng ta cũng có cái nết đẹp của người tu. Nết đẹp của người tu được huân đúc, tôi luyện trong bốn oai nghi: Đi, đứng, ngồi nằm. Mỗi người xuất gia khi vào chốn thiền môn, đều phải học qua bốn quyển Luật Trường Hàng. Trong đó có quyển Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu có những bài thi kệ ngắn để người tu nhiếp niệm thúc liễm thân tâm trong mọi hoạt động hằng ngày. “Nết” ở đây chỉ cho tâm tư, cốt cách, phong thái, thần thái của người ở thành thị mà như là ở nơi thanh vắng yên tĩnh, nơi núi rừng cô tịch. Phải là người đắc đạo mới có được tâm tư và đạo phong như thế. Và Trúc Lâm Đầu Đà là bậc đã đắc đạo.

  “Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh. Nữa ngày rồi tự tại thân tâm”. 

Thường chúng ta nói ba nghiệp: “Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp”. Ở đây ngài nói: “Muôn nghiệp”. Tức là thân nghiệp tạo ra không biết bao nhiêu là nghiệp. Khẩu nghiệp tạo ra không biết bao nhiêu là nghiệp và ý nghiệp tạo ra không biết bao nhiêu là nghiệp. Nghiệp là hành động có tác ý được lặp đi lặp lại nhiều lần. Kinh Hoa Nghiêm nói: 

“ Giả sử bách thiên kiếp
Sở tạo nghiệp bất vong
Nhân duyên hội ngộ thời
Quả báo hoàn tự thọ”.

Nghĩa là:

“ Giả sử trăm ngàn kiếp
Những nghiệp tạo ra không mất
Khi nhân duyên hội ngộ
Quả báo mình tự nhận”.

Nghiệp theo chúng ta như bóng với hình. Đọc bài kệ này rồi chúng ta không dám tạo nghiệp nữa. Để tiêu trừ nghiệp chướng, chúng ta nên hằng ngày sám hối, chứ không phải đợi 14 hay 30 mới sám hối. Sám hối bằng cách lạy:  Lương Hoàng Sám, Thuỷ Sám, Ngũ Bách Danh Kinh, Hồng Danh Sám Hối.v.v.




tt chuc hien (1)tt chuc hien (2)tt chuc hien (3)tt chuc hien (4)tt chuc hien (5)tt chuc hien (6)tt chuc hien (7)tt chuc hien (8)tt chuc hien (9)

Muôn nghiệp về thân, về khẩu,về ý lặng rồi, sạch rồi thì Thể tánh an nhàn hiện ra. Mỗi người chúng ta đều có thể tánh trong sáng, nhưng vì vô minh phiền não,nghiệp chướng che lấp. Thể tánh này chính là Bản lai diện mục của mỗi người. Chính là cái mà Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.” Chính là Tri kiến Phật, là hạt châu trong chéo áo của kinh Pháp Hoa, là Thể tánh tịnh minh chơn tâm thường trú trong Kinh Lăng Nghiêm, là “Bổn lai vô nhất vật” của Lục Tổ Huệ Năng. Thể tánh này chúng sanh và Phật như nhau. “Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng”.  Bình đẳng của đạo Phật là chỗ này. Thấy được thể tánh này rồi bắt đầu tu gọi là: Kiến tánh khởi tu(見 性 起 修)Tức là khi thấy được thể tánh rỗng lặng đó rồi thì đi đứng nằm ngồi, làm mọi việc nhưng đâu đấu nhìn thẳng vào đó một cách miên mật. Như trong “Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn”thiền sư Tuệ Hải có hỏi:  Từ đâu mà tu? Đáp từ căn bản tu. Thế nào từ căn bản tu? Đáp: Tâm là căn bản”.( Nguyên văn: 問:從何而修?答:從根本修。云何從根本修?答:心為根本). Mục đích của người tu là làm sao thấy cho được thể tánh đó của mình. Nếu thấy được thể tánh trong sáng đó thì tu mới thấy thú vị. Còn như không thấy được thì thể tánh ấy thì tu không có gì thú vị. Tu thời gian đâm ra chán. Thông thường chúng ta đều sống trên vọng thức, sống trên nghiệp thức mà sống trên vọng thức, sống trên nghiệp thức thì dễ bị cuốn vào vòng luân hồi phiền não khổ đau. Vô thường đi qua nhanh lắm, vèo một cái là hết năm, vèo một cái là hết năm. 

- 寸 光 陰 -寸 金
寸 金 難 買 寸 光 陰

Nhất thốn quang âm nhất thốn kim
Thốn kim nan mãi thốn quang âm

Nghĩa là: 

“Một tấc thời gian một tấc vàng
Tấc vàng khó mua được tấc thời gian”.

  Nếu chúng ta không thấy được thể tánh của mình thì uổng lắm. Vô thường đến thình lình, mình không biết đi về đâu?! Thì uổng một đời! Con thì con chưa thấy, nhưng con cảm được có cái gì đó rất quý ở nơi mình. Mỗi khi có bao nhiêu phiền não xảy ra, lặng lẽ xoay nhìn lại thì thấy cái đó hiện ra và cảm thấy mình sung sướng và hạnh phúc. Ước gì tất cả chúng ta đều thấy và sống được với thể tánh quý báu đó hoài, để rồi mọi người được sống trong cảnh an vui không còn thị phi tranh chấp hơn thua..!
“ Nửa ngày rồi tự tại thân tâm”. Chữ “ rồi “ ở đây đối lại với chữ “lặng” ở vế trước.  Toàn bài Phú, Trúc Lâm Đầu Đà đã viết theo lối văn biền ngẫu. Vế trước và vế sau đối nhau chan chát thật là trác việt. Viết theo lối hành văn này rất khó. Ngày nay ít người chạm đến.

 “Rồi”ở đây có nghĩa là an nhàn thân tâm được tự tại. Thế nào là tự tại? Tự tại với sắc thanh hương vị xúc pháp. Chúng ta thường bị sắc thanh hương vị xúc pháp chi phối. Như Trần Thái Tông nói:

“Lưỡi vướng vị ngon tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc mũi theo hương
Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày tháng xa quê muôn dặm trường”.

 Tai chúng ta dễ bị vướng tiếng lắm! Người ta khen mình thì ngay lập tức không chỉ miệng cười, môi cười, mắt cười, mà bốn vạn tám ngàn lỗ chân lông đều mỉm cười, khắp châu thân đều mỉm cười. Nhưng người ta mà chê mình thì không chỉ mắt buồn, mặt buồn, môi buồn, mà tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông đều buồn,đều xìu xuống, cả châu thân đều buồn.

“Tham ái nguồn dừng chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý, thị phi tiếng lặn dầu được nghe yến thốt oanh ngâm”.

Nguồn tham ái dừng được rồi, cõi lòng thanh thản chơn tánh hiển hiện thì đối với châu báu vàng ngọc không còn vướng bận. Tiếng thị phi lặng rồi thì tha hồ nghe yến, oanh ca hót 

“ Chơi nước biếc, ẩn non xanh nhân gian có nhiều người đắc ý. Ngắm đào hồng hay liễu lục thiên hạ năng mấy chủ tri âm”. 
Dạo nơi sông suối trong, ẩn nơi rừng sâu nhân gian có nhiều đắc ý, vui thích. “Ngắm đào hồng, hay liễu lục”. Chữ “hay” ở đây đối với chữ “ngắm”ở vế trước “Ngắm đào hồng”. Đồng thời đối với chữ “ ẩn” ở câu trên “ Ẩn non xanh”. Nên chữ “ hay” ở đây có nghĩa là biết, là rõ. Liễu lục nghĩa là liễu màu xanh. “Ngắm đào hồng, biết liễu màu xanh, nhưng thiên hạ có mấy người có khả năng nhận ra được “ Chủ tri âm”. Chủ tri âm là mỗi người chúng ta đều có ông chủ tri âm đó. Mình đi ông chủ đó cũng đi. Mình ngồi ông chủ cũng ngồi. Mình nằm ông chủ cũng nằm. Mình ăn cơm ông chủ cũng ăn cơm. Mình làm bất cứ việc gì ông chủ cũng có mặt. Cho nên gọi là tri âm tri kỷ. Nhưng trong chúng ta có mấy người nhận ra được ông Chủ tri âm của mình? Ngài Linh Vân thấy hoa đào nở thì nhận ra được ông chủ tri âm của mình.

三十年來尋劍客
幾回落葉又抽枝
自從一見桃花後
直至如今更不疑

Tam thập niên lai tầm khách kiếm
Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi
Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu
Trực chí như kim cánh bất nghi

Nghĩa là: 

Ba mươi năm đi tìm kiếm khách
Bao mùa lá rụng lại đâm chồi
Từ ngày thấy được hoa đào nở
Thẳng đến hôm nay không còn nghi.

Một khi thấy được “Chủ tri âm” đích thực của mình rồi thì: “Nguyệt bạc vừng xanh soi mọi chỗ, thiền hà lai láng. Liễu mềm hoa tốt ngất quần sanh, tuệ nhật sâm lâm”. Quá là hay. Lời văn nhẹ nhàng thanh thoát ý tứ cao vời.

“Nguyệt bạc” là mặt trăng màu bạc. Ánh sáng trăng là ánh sáng huyền dịu. “Nhất thiết tu đa la như tiêu chỉ nguyệt”. Tất cả kinh điển như là ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu chấp vào ngón tay thì sẽ không thấy mặt trăng. Mỗi người chúng ta đều có mặt trăng huyền dịu linh mầu sáng rỡ, sờ sờ trước mắt, nhưng chúng ta đã bị mây mờ của vô minh, phiền não, lo toan, khổ đau che khuất. Để cho đám mây mờ kia tan đi để cho vầng trăng kia hiển lộ, chúng ta tu tập bằng cách tham thiền, tụng kinh, niệm Phật .v.v. Chúng ta nhờ pháp để tu. Không nhờ pháp thì không tu được. Nhưng tu thời gian thì bị chấp, mà chấp là trật. Chấp ngã rồi lại chấp pháp. Như mượn thuyền để qua sông. Qua sông rồi vác thuyền lên vai để đi có đúng không? Qua sông rồi thả thuyền để đi tiếp. Nhưng mà qua sông mới thả thuyền. Chưa qua sông mà thả thuyền thì bị chết chìm. Lái xe đi đến Tu Viện Đại Bi rồi thì đậu xe, xuống xe, đi vào trong Chánh điện lễ Phật. Còn như lái xe đến Tu Viện Đại Bi rồi không chịu xuống xe mà cứ ngồi trên xe, thì dù có lái xe ngàn lần đến Tu Viện Đại Bi thì cũng thấy được bên trong Chánh điện của Tu Viện Đại Bi. 

“Vừng xanh” tức là trời xanh không có mây che. Chữ của thế kỷ mười ba. Bầu trời xanh ở đây chỉ cho chơn tâm rỗng lặng của mỗi người. Trong cõi lòng của mỗi người chúng ta một khi mà tham, sân, si, phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, xiễm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, hôn trầm, trạo cử, tán loạn, thất niệm, bất chánh tri lặng hết rồi thì, chơn tâm hiển hiện, mặt trăng trí tuệ hiện ra. Như Trần Thái Tông nói:

千 江 有 水 千 江 月
萬 里 無 雲 萬 里 天
“ Thiên giang hữu thuỷ thiên giang nguyệt
Vạn lý vô vân vạn lý thiên”

Nghĩa là: 

“Ngàn sông có nước ngàn sông trăng
Muôn dặm không mây muôn dặm trời”

Ngôn ngữ thiền quá là hay. Quá là tuyệt diệu. Cái hay của ngôn ngữ thiền là không nói ra hết, mà để lơ lửng, để thôi thúc hành giả tự mình nỗ lực tinh tấn đi vào thế giới nội tại, để lãnh hội, để thấu triệt và để khai phóng con người đích thực của chính mình. 

  Con xin dừng lại ở đây vì hết giờ. Con thành kính đảnh lễ tri ân chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni cùng hội chúng. Trong suốt thời gian trình bày con có điều gì sai sót. Kính mong quý Ngài từ bi hoan hỷ bỏ qua cho con. Con xin thành tâm đảnh lễ sám hối. 
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát 
 
Tu Viện Đại Bi, California, Mùa An Cư-2024. PL.2568.
Thích Chúc Hiền


 🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️


Kính mời xem tiếp:

Luận Giải Cư Trần Lạc Đạo Phú (phần 2)
TT Chúc Hiền thuyết trình tại Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ 11)







Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2010(Xem: 6096)
Diễn văn của luật sư Georges Graham Vest tại một phiên tòa xử vụ kiện người hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên William Saller của The New York Times bình chọn là hay nhất trong tất cả các bài diễn văn, lời tựa trên thế giới trong khoảng 100 năm qua.
16/07/2010(Xem: 15249)
Vừa qua, được đọc mấy bài thơ chữ Hán của thầy Tuệ Sĩ đăng trên tờ Khánh Anh ở Paris (10.1996) với lời giới thiệu của Huỳnh kim Quang, lòng tôi rất xúc động. Nghĩ đến thầy, nghĩ đến một tài năng của đất nước, một niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam, một nhà Phật học uyên bác đang bị đầy đọa một cách phi pháp trong cảnh lao tù kể từ ngày 25.3.1984, lòng tôi trào dậy nỗi bất bình đối với những kẻ đang tay vứt "viên ngọc quý" của nước nhà (xin phép mượn từ này trong lời nhận xét của học giả Đào duy Anh, sau khi ông đã tiếp xúc với thầy tại Nha trang hồi năm 1976: "Thầy là viên ngọc quý của Phật giáo và của Việt Nam ") để chà đạp xuống bùn đen... Đọc đi đọc lại, tôi càng cảm thấy rõ thi tài của một nhà thơ hiếm thấy thời nay và đặc biệt là cảm nhận sâu sắc tâm đại từ, đại bi cao thượng, rộng lớn của một tăng sĩ với phong độ an nhiên tự tại, ung dung bất chấp cảnh lao tù khắc nghiệt... Đạo vị và thiền vị cô đọng trong thơ của thầy kết tinh lại thành những hòn ngọc báu của thơ ca.
08/07/2010(Xem: 4130)
Ngày Về Nguồn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 tại chùa Pháp Vân, Canada đã khiến nhiều người bàn tán xôn xao. Họ xôn xao có lẽ một phần bỡ ngỡ trước danh từ Về Nguồn, vì một số không được cái may mắn có nguồn để về. Họ không cảm thấy rung động khi nghe câu ca dao: Cây có gốc mới xanh cành tươi ngọn Nước có nguồn mới biển cả sông sâu
28/06/2010(Xem: 32344)
Ba môn vô lậu học Giới Định Tuệ là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn an lạc. Muốn đến Niết-bàn an lạc mà không theo con đường này thì chỉ loanh quanh trong vòng luân hồi ba cõi. Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ– ba môn học liên kết chặt chẽ vào nhau, nhờ vậy mới đủ sức diệt trừ tham ái, đẩy lùi vô minh, mở ra chân trời Giác ngộ. Nhưng Giới học mênh mông, Định học mêng mông, Tuệ học mênh mông; nếu không nắm được “Cương yếu” thì khó bề hiểu biết chu đáo, đúng đắn. Không hiểu biết đúng đắn thì không sinh tâm tịnh tín; không có tâm tịnh tín thì sẽ không có tịnh hạnh, như vậy, con đường giải thoát bị bế tắc. Như một người học hoài mà vẫn không hiểu, tu hoàí mà vẫn không cảm nhận được chút lợi ích an lạc nào.
28/06/2010(Xem: 22600)
Bản dịch Việt Bích Nham lục được thực hiện với một tấm lòng tôn kính, cảm phục tài đức của giáo sư Wilhelm Gundert (12. 4. 1880-3. 8. 1971). Vì W. Gundert đã giới thiệu tường tận về tác phẩm độc nhất vô nhị này nên dịch giả người Việt hạn chế tối đa những lời dư thừa, chỉ đề cập đến nguyên tắc dịch, một vài nét đặc biệt cũng như kĩ thuật được áp dụng trong bản dịch Việt:
01/10/2007(Xem: 9688)
214 Bộ Chữ Hán (soạn theo âm vận dễ thuộc lòng)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]