Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khi Mọi Người Là Tu Sĩ (Truyện tâm linh giả tưởng)

03/04/202417:04(Xem: 3349)
Khi Mọi Người Là Tu Sĩ (Truyện tâm linh giả tưởng)


Dao van binh-2

Khi Mọi Người Là Tu Sĩ

 Truyện tâm linh giả tưởng


Có thể do một sự thần khải, thiên khải, mặc khải hoặc một phép mầu nhiệm, phép linh thiêng, phép huyền bí nào đó, hoặc do đại giác ngộ, đại ân sủng mà toàn thể loài người bỗng dưng trở thành tu sĩ! Thật đại phúc! Vui mừng khôn xiết! Mấy ngàn năm qua với bao lời rao giảng, truyền đạo, răn dạy mà con người vẫn cứ mê luyến vào cuộc sống phàm tục, sinh con đẻ cái, làm giàu, hưởng lạc thú trong cái cõi đời ô trọc này. Nay thì - đúng là ước mơ đã thành hiện thực của các giáo hội. Trong nỗi vui mừng khôn tả đó, việc đầu tiên là phải giải tán ngay phái bộ truyền giáo bởi vì mọi người đã trở thành tu sĩ rồi thì cần gì phải truyền đạo nữa? Tuyên truyền cho ai bây giờ? Còn đất đâu? Còn dân ngoại đạo nữa đâu mà tuyên truyền? Thôi thì cả triệu tấn giấy, hình ảnh, tài liệu, phim ảnh, CD, DVD, Video được đem ra đốt, bao nhiêu đài phát thanh, chương trình truyền hình, website truyền đạo cũng đều dẹp bỏ. Tuy nhiên trong nỗi hân hoan ấy việc chuyển hóa cả một cấu trúc xã hội thế tục vô cùng phức tạp qua đời sống và xã hội tu sĩ không phải chuyện dễ dàng.

Trước hết, vị trí của các ông vua, nữ hoàng, tổng thống, thủ tướng và cả nội các, gíao hội tính sao đây? Đành rằng trước đây ít phút các vị này là lãnh đạo quốc gia, nhưng một khi đã trở thành tu sĩ thì họ chỉ là “tân tòng”, ”mới tu” làm sao uy đức có thể sánh bằng hàng giáo phẩm cả đời hy sinh, phục vụ cho giáo hội? Thế nhưng sau khi họp bàn khẩn cấp, Giáo Hội quyết định chuyển hóa các vị này thành các vị Tổng Quản Trị Hành Chánh, còn các ông bà tổng bộ trưởng thì trở thành các Ủy Viên Hành Chánh. Dầu sao đi nữa, dù cả nước đã thành tu sĩ nhưng vẫn còn vấn đề quản trị, điều hành, giấy tờ, dịch vụ, sản xuất. Mấy ông “tu sĩ cũ” đâu có kinh nghiệm gì trong vấn đề này? Dù là tu sĩ họ vẫn còn là con người. Mà con người còn sống thì  không thể không có vấn đề quản trị. Chỉ khi nào chết hết mới không còn vấn đề quản trị. Quan niệm chuyển hóa rất hợp lý này cứ theo đó mà áp dụng từ trên xuống dưới. Do đó các ông bà thống đốc tiểu bang, thị trưởng, tỉnh trưởng, quận trưởng, xã trưởng sẽ trở thành Quản Trị Hành Chánh cấp tương đương. Việc chuyển hóa cơ cấu chính quyền như thế xem ra cũng tạm ổn.  

Thế nhưng lại có vấn nạn lớn đặt ra với Bộ Quốc Phòng. Cả triệu binh sĩ với súng ống, xe tăng tàu bò, hỏa tiễn, tàu ngầm, tàu thủy, máy bay, bom nguyên tử, vũ khí hóa học thì Giáo Hội tính sao đây? Mới đầu thì hội đồng giáo phẩm quyết định phải giải tán quân đội, hủy bỏ toàn bộ các loại vũ khí, quân xa, quân dụng, thiết bị, máy móc bởi vì đất nước đã trở thành vương quốc tu sĩ rồi thì còn gây chiến với ai nữa? Sở dĩ mấy ngàn năm qua con người gây cảnh đao binh, giết chóc nhau cũng chỉ vì chưa hiểu đạo. Nay mọi người đã thấm nhuần ý đạo, đã là tu sĩ hết cả rồi thì họ sẽ vĩnh viễn sống trong tình huynh đệ, trong bình an cho đến ngày tận thế. Thế nhưng sau khi bàn thảo thật gay cấn và cãi cọ kịch liệt, các bậc trưởng lão đã trích dẫn lịch sử và cho rằng dù tất cả đã là tu sĩ nhưng chiến tranh vẫn còn đó. Trong quá khứ biết bao cuộc thánh chiến thảm khốc xảy ra cũng chỉ vì tôn giáo này kình chống tôn giáo kia. Và ngay cả trong một tôn giáo, chỉ cần khác biệt đôi chút về cách thức thờ phượng, niềm tin, truyền thuyết không thôi cũng đã giết nhau chí mạng. Do đó vẫn phải duy trì “quân đội” , không phải để đi chinh phạt, nhưng để giữ gìn an ninh cho “Thánh Quốc” được yên ổn. Thế là chỉ trong phút chốc bao nhiêu binh sĩ với bộ quân phục biến đâu mất. Lái máy bay, xe tăng, tàu bò, tàu thủy, canh giữ các dàn hỏa tiễn, cao xạ, phòng không, tiềm thủy đĩnh, thủy thủ trên các hàng không mẫu hạm, các đơn vị biệt kích, nhảy dù, đổ bộ, súng ngắn, súng dài, canh giữ các đồn bót là các ông “lính mới” xúng xính trong bộ áo tu sĩ trông thật ngộ nghĩnh và tức cười.  

Việc Giáo Hội giải quyết Bộ Quốc Phòng như thế cũng tạm yên, thế nhưng quý ông Bộ Trưởng Tư Pháp và Nội Vụ lại đứng ra tâu trình: Thế còn cả triệu tù nhân và hằng trăm ngàn cai tù, Giáo Hội tính sao đây? Vấn đề thật nan giải! Mới đầu Giáo Hội quyết định vẫn cứ duy trì hệ thống nhà tù và cai tù. Các tù nhân, dù nay đã trở thành tu sĩ nhưng vẫn phải ở tù cho đến ngày mãn án. Tu sĩ hay không tu sĩ không ăn thua gì đến hành động phạm pháp. Dù có ăn năn hối cải cũng không xóa được bản án mà chỉ có thể giảm án mà thôi. Thế nhưng quyết định này đã gây công phẫn kịch liệt trong hàng ngũ cai tù và cả triệu tù nhân. Trước hết là các ông, bà đang làm công việc cải huấn, họ nói rằng: Ngày nay chúng tôi đã trở thành tu sĩ, tù nhân cũng đã trở thành tu sĩ. Họ là đồng tu, đồng đạo với chúng tôi, làm sao chúng tôi có thể ngồi đây để giam giữ họ? Hơn thế nữa, kể từ giờ phút này tâm hồn họ đã trở nên thánh thiện thì giam giữ họ phỏng có ích gì? “Thánh Quốc” này cũng giống như Thiên Đình vậy. Thiên Đình mà có nhà tù thì còn ra thể thống gì nữa? Thế là Giáo Hội đành nhượng bộ và nhà tù mở cửa cho hằng triệu tù nhân nay đã trở thành tu sĩ ra về. Tràn ngập đường phố là những “tu sĩ  mới” râu ria lởm chớm, xâm trổ đầy mình mà trước đây họ là những người đã phạm những tội thật ghê gớm như buôn nô lệ, chuyển vận xì ke ma túy, mua bán trẻ em, hãm hiếp đàn bà con nít rồi giết đi để phi tang, khủng bố giết hại dân lành, làm bạc giả, buôn lậu vũ khí, dâm ô với trẻ em, loạn  luân, giết người hằng loạt rồi chặt đứt thân thể bỏ vào tủ lạnh ăn dần, buôn gian bán lận, lường đảo, giết con để vui vầy duyên mới, dàn dựng giết vợ, giết chồng để lấy bảo hiểm, tham ô nhũng lạm của dân, phản quốc, tội ác chiến tranh, diệt chủng, làm gián điệp cho ngoại bang v.v.. Rồi cũng theo lệnh của Giáo Hội - nay đã trở thành Hội Đồng Lãnh Đạo Tối Cao, các nhà tù, các trung tâm cải huấn được đổi thành các Trung Tâm Sám Hối. Các ông, bà tu sĩ sau này nếu làm bậy, sẽ không còn gọi là “phạm pháp” nữa mà gọi là “phạm giáo luật” sẽ được gửi về đây để “gỡ lịch” và ăn năn, sám hối. Quý vị cai tù, giám thị cải huấn từ này được đổi thành Tu Sĩ Giám Luật. Còn hệ thống mấy trăm ngàn cảnh sát vẫn còn được duy trì nhưng đổi tên thành Cảnh Sát Tôn Giáo bởi vì dù là tu sĩ nhưng vẫn có thể “phạm pháp” tức “phạm giáo luật”. Ngoài ra, cảnh sát cũng còn là “lưỡi gươm” của giáo hội. Uy quyền nào cũng vậy, kể cả tôn giáo thánh thiện cũng phải có hệ thống bạo lực trong tay thì mới duy trì được sức mạnh. Và cũng thật tức cười, chỉ trong có mấy ngày thôi, tuần hành trên đường phố, người ta thấy các ông, bà “tu sĩ mới” lái mô-tô chạy phoong-phoong với súng lục, dùi cui, còng số tám đeo kè kè bên mình.

Chuyện Bộ Quốc Phòng, Bộ Nội Vụ, Bộ Tư Pháp giải quyết vừa xong thì Bộ Xã Hội bước ra điều trần: Thế còn cả triệu cô gái điếm, hằng trăm ngàn cô gái hành nghề thoát y vũ, hằng trăm ngàn ông bà, cô cậu chuyên đóng “phim con heo”, điều hành các website dâm ô trẻ em, làm tình với súc vật thì Giáo Hội tính sao? Chà! Chà! Đây là vấn đề thật đau đầu! Cả triệu cô gái điếm, vài trăm ngàn con người đang làm các nghề nhơ bẩn như thế mà nay trở thành tu sĩ thì có gì rắc rối không? Có làm hoen ố Giáo Hội không? Chính vì thế mà Hội Đồng Giáo Phẩm quyết định - thôi thì dù họ đã trở thành tu sĩ nhưng cũng cứ tạm cô lập họ một thời gian vào một trung tâm gọi là “Trung Tâm Phục Hồi Nhân Phẩm” như các nước cộng sản trước đây đã làm để họ từ từ chuyển hóa. Thế nhưng quyết định này lại gây bất mãn cho khối người nói trên. Cả triệu cô gái điếm và vài trăm ngàn người sống bằng “kỹ nghệ Sex” xuống đường biểu tình, tuyệt thực để phản đối. Họ nói rằng ngày nay chúng tôi đã trở nên thánh thiện, tâm hồn chúng tôi đã trắng tinh như tờ giấy. Chúng tôi đã nhìn thấy tội lỗi nhơ bẩn trong quá khứ. Nói thật ra chưa chắc các vị  “tu sĩ cũ” đã thánh thiện hơn chúng tôi. Các ngài chẳng qua cũng chỉ “sống lâu lên lão làng” chứ chưa hẳn đã là bậc chân tu. Còn chúng tôi đã trải qua một cuộc “đại giác ngộ” đã quay đầu về với chân lý thì phải đối xử công bằng với chúng tôi chứ? Trước lý luận quá sắc bén đó giáo hội đành phải nhượng bộ. Thế là cả triệu cô gái điếm, nam nữ tài tử chuyên “đóng phim con heo” được khoác lên mình bộ quần áo trang trọng của tu sĩ. Họ là tầng lớp tu sĩ mới, rất lạ mắt và dĩ nhiên gây náo nhiệt cho đường phố, nhất là những trung tâm tụ họp của con người trước đây.Vì mới trở thành tu sĩ trong một sớm một chiều, một số cô “ngựa quen đường cũ” tuy đã là tu sĩ rồi nhưng vẫn còn thích ăn mặc hở hang, phô diễn thân hình cho nên đã cắt, sửa quần áo để hở mông, hở vú, hở rốn trông rất ngộ nghĩnh. Giáo Hội biết vậy nhưng cũng đành làm ngơ vì biết rằng đầu óc con người dù đã thay đổi nhưng quán tính, tập quán hay thói quen có khi cả trăm năm vẫn chưa thay đổi được. Cũng nhân dịp này cả triệu cuốn băng sex, phim sex, tạp chí dâm ô, website dâm ô được đem ra đốt hoặc phá bỏ. Tất cả đã là tu sĩ thánh thiện rồi thì coi phim sex, tạp chí dâm ô làm gì? Cả ngàn cuốn phim đánh đấm, bắn giết, lãng mạn, diễm tình trước đây đoạt những giải thưởng điện ảnh cao quý cũng đều đem ra cúng Bà Hỏa. Đã là tu sĩ rồi thì thú giải trí duy nhất là tĩnh tâm và cầu nguyện, đâu còn chuyện yêu đương lãng mạn, mộng mơ, da diết nữa? Thế giới từ đây quay trở về với thanh tịnh. Đó là giấc mơ của các bậc hiền thánh khát khao cả mấy ngàn năm qua.  

Những chuyện phức tạp của bốn Bộ nói trên vừa giải quyết xong thì hai ông Bộ Trưởng Ngân Khố và Thương Mại lại bước ra thỉnh ý: Thế còn các ngân hàng, các trung tâm tài chánh, tín dụng Giáo Hội tính sao? Chà, chà! Đây lại là chuyện rắc rối nữa! Đối với giáo hội, trong bao ngàn năm qua, tiền bạc là nguyên do gây ra tội lỗi trên cõi đời này. Chính đồng tiền đã làm tan nát gia đình, phá vỡ tình nghĩa anh em, vợ chồng, con cái. Chính tiền bạc đã phá hoại công lý, gây nhũng lạm trong chính quyền, làm hoen ố tôn giáo và bất công xã hội. Bao nhiêu tội lỗi xấu xa nhơ bẩn, bao cô gái phải buôn hương bán phấn, hành nghề đĩ điếm, bao thanh niên sa ngã, buôn bán xì ke ma túy, băng đảng, trộm cướp cũng chỉ vì tiền bạc. Vậy thì đây là cơ hội bằng vàng để hủy bỏ cái cội nguồn của tội ác ấy đi. Các công khố phiếu mà các công dân mua bán, tích trữ trước đây cũng phải đem cúng vào tài sản Giáo Hội. Đã là tu sĩ rồi thì còn tích chứa tiền bạc làm gì? Thế là các trung tâm tài chánh khổng lồ của thế giới như Bombay, Hongkong, Tokyo, Luân Đôn, Nữu Ước v.v.. được lệnh đóng cửa. Tất cả các hãng sản xuất thực phẩm, nhà hàng đều biến thành nhà ăn tập thể của Giáo Hội. Các tu sĩ đi công tác hoặc tới giờ ăn chẳng cần phải nấu nướng ở nhà cho thêm mệt, chỉ cần tới các nhà ăn tập thể này là được các bồi bàn , đầu bếp nay đã trở thành các tu sĩ phục vụ chu đáo. Không cần phải dùng tiền, không cần phải viết chi phiếu, cũng không cần phải cho “tiền trà nước” nữa. Cả hệ thống tín dụng cũng hủy bỏ luôn. Tài sản của quốc gia nay trở thành tài sản của Giáo Hội và cũng là tài sản của tu sĩ, do đó không có vấn đề cho vay lấy lãi cắt cổ. Vì tất cả đã trở thành tu sĩ  thì đâu còn tư doanh? Tu sĩ mà kinh doanh à? Kinh doanh, làm ăn buôn bán xuất phát từ quan niệm sở hữu tư nhân. Nay của cải đã trở thành sở hữu tập thể của giáo hội cho nên cả hệ thống sản xuất đều trở thành đại công xã, hợp tác xã, tập đoàn, cung cấp trực tiếp cho con dân - bây giờ là tu sĩ - không qua trung gian cho nên giá thành hạ giảm, giống như quan niệm của Karl Marx năm xưa. Các ngân hàng tạm thời chuyển thành các cơ sở phát hành tem phiếu của giáo hội. Với tem phiếu này, các tu sĩ có thể mua tất cả các món cần thiết tại các siêu thị, tiệm bán lẻ v.v...Tuy nhiên vì đời sống tu sĩ vốn kham khổ, đạm bạc cho nên rất nhiều khu thương mại phải đóng cửa. Một số đông các hãng sản xuất đã dẹp tiệm và chuyển sang nghành khác như các nghành giải trí, games, đồ phấn son, mỹ phẩm, nữ trang, giầy dép, quần áo lót sang trọng cho đàn bà. Bây giờ đã trở thành nữ tu rồi mà còn phấn son, đeo nữ trang đầy người, quần áo mỏng dính, sang trọng, lòe loẹt sao? Cả triệu tiệm uốn tóc, làm móng tay, massage, đấm bóp, tắm hơi, quán nhậu cũng dẹp luôn. Khu Hollywood bây giờ thì vắng như Chùa Bà Đanh. Cả những khu kỹ nghệ điện ảnh nổi tiếng của Pháp như Cannes cũng trở thành hoang phế. Đã là tu sĩ rồi thì còn đóng phim đâm chém, bắn giết, hôn hít làm gì nữa? Thánh Quốc mà như thế này mới thật bình an, thật đạo hạnh và thật yên ổn. Sẽ không còn chuyện náo loạn cả xã hội vì các xì-căng-đan của các tài tử màn bạc. Các ca sĩ nhạc Rock, nhạc Rap, nhạc Jazz, nhạc kích động cũng giải nghệ và chuyển qua hát thánh ca, đạo ca. Các hệ thống phát thanh, truyền hình lúc nào cũng vang vang tiếng thánh nhạc. Không còn những lời nỉ non, rên rỉ, than khóc, anh anh, em em như thời xưa. Các sòng bài, quán rượu cũng dẹp tiệm để chấm dứt thời kỳ tội lỗi kéo dài biết bao thế kỷ.

Vấn đề xã hội giải quyết như thế cũng tạm ổn thì hai ông Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Gia Cư bước ra trình bày: Mọi người bây giờ đã trở thành tu sĩ rồi thì vấn đề nhà cửa, điền trang, tài sản giải quyết như thế nào? Chuyện này cũng dễ thôi bởi vì theo Giáo Luật đã mấy ngàn năm nay, các tu sĩ không cất giữ của cải riêng tư. Mọi thứ tài sản như nhà cửa, ruộng đất, nông trại, xí nghiệp, hãng xưởng, phương tiện chuyên chở, tàu bè, máy bay, xe cộ đều thuộc quyền sở hữu của Giáo Hội. Do đó các nông trại trở thành nông trang tập thể. Nông dân, chủ trại bây giờ vẫn cày cấy, chăn nuôi nhưng không phải là làm cho mình mà làm cho Giáo Hội. Nông phẩm gặt hái xong đem cất vào kho của Giáo Hội. Công nhân trở thành “lực lượng sản xuất” theo kế hoạch do Giáo Hội vạch ra. Hơn thế nữa tu sĩ không thể sống tại nhà riêng mà phải sống tập thể cho nên trong khi chờ đợi xây cất thêm các tu viện, một số tu sĩ “tân tòng” già yếu tạm thời có thể lưu lại nhà mình, kỳ dư phải di chuyển vào các khách sạn nay trở thành các giáo khu tập thể. Các hình ảnh, kỷ vật, kỷ niệm riêng tư cũng phải bỏ lại hoặc thiêu hủy vì cuộc sống tu hành không thể mang theo những kỷ niệm cũ như  đám cưới, vợ chồng, tình ái lăng nhăng của thời còn nhuốm bụi trần. Tất cả phải bắt đầu một cuộc đời mới thánh thiện và cống hiến cả đời mình cho đấng giáo chủ thiêng liêng.

Vấn đề xã hội, sản xuất, nông nghiệp, nhà ở giải quyết như thế cũng tạm xong thì quý ông Bộ Trưởng  Giáo Dục và Văn Hóa lại tâu trình: Thế bây giờ vấn đề giáo dục và văn hóa giải quyết sao đây? Theo quan điểm của hàng giáo phẩm thì dù cả nước đã trở thành tu sĩ rồi nhưng vấn đề giáo dục vẫn phải duy trì. Tuy nhiên trước đây giáo dục nhằm phục vụ quốc gia, nay quốc gia không còn nữa mà chỉ còn Giáo Hội cho nên giáo dục phải thay đổi. Tên các trường từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học, đại học sẽ phải gỡ xuống và thay vào đó bằng tên các vị thánh, các vị thánh tử đạo, các thiên thần, các nhà tiên tri của giáo hội và các vị vua, hoàng đế đã có công truyền bá, bành trướng đạo. Chương trình giảng dạy cũng phải duyệt xét lại. Các môn như khoa học, vật lý, y khoa, toán học, khoa học không gian vẫn còn được lưu giữ. Còn các môn như văn chương, sử học sẽ không còn thích hợp với nhu cầu đào tạo tu sĩ nữa. Tất cả sẽ tập trung vào việc giảng dạy kinh điển, trau giồi đạo đức, hành đạo, tu chứng và có khi phải tu khổ hạnh nữa cho nên cả triệu cuốn sách giáo khoa, các truyện ngắn truyện dài, các tập thơ, các áng văn chương cũ, các truyện cổ tích thuộc về “chuyện đời” cũng phải tiêu hủy đi và lần hồi sẽ thay vào đó bằng các mẩu chuyện đạo, các thiên hồi ký về hành đạo, cuộc đời của các vị thánh, công nghiệp của các vị thánh, các tác phẩm luận giải về kinh điển v.v... Cả hình tượng của các ông tổng thống, tài tử ci-nê, ca sĩ nổi danh, các vị anh hùng liệt sĩ có công dựng nước, các văn  hào, nhạc sĩ, họa sĩ trứ danh của nhân loại, các nhà giáo dục và văn hóa lớn của đất nước đang trang trí tại các công viên, dinh thự, lâu đài cũng phải dẹp bỏ. Tất cả những thứ này đều là biểu tượng của xã hội thế tục chứ không phải là biểu tượng của tâm linh, tôn giáo. Và cũng thật là điều vui mừng khi thấy các em nhỏ, đang còn học mẫu giáo, tiểu học, xúng xính trong bộ áo tu sĩ, tay còn cầm cà-rem, bong bóng chạy nhảy tung tăng trên sân trường. Lát nữa đây, sau giờ ra chơi, các em sẽ được các thầy, cô nay đã là các tu sĩ, giảng dạy kinh điển. Lớp học được trang trí như các nơi thờ phượng. Trên bàn học của mỗi em đều để một cuốn kinh dày cộm. Hình của tổng thống, vua, nữ hoàng trong lớp học cũng được gỡ xuống và thay vào đó bằng tấm hình của vị giáo chủ và rất nhiều hình tượng của các ông, bà thánh. Cũng kể từ khi loài người bỗng nhiên giác ngộ để trở thành tu sĩ, vì chưa có thống kê nên không biết nạn tình ái, yêu đương bồ bịch lăng nhăng khiến mang bầu, phá thai tại các trường trung học và đại học có giảm bớt không? Thế nhưng nạn bỏ học, trốn học đã hạ giảm. Nạn xì ke ma túy, đem súng vào trường bắn giết thày cô, du đãng lần hồi cũng sẽ biến mất. Đây là một đại phúc cho giáo dục mà không một chính quyền thế tục nào trước đây có thể giải quyết được.

 

♦ ♦ ♦

Trong khi cả thế giới đang chuyển hóa từ một xã hội thế tục sang một giáo đoàn khổng lồ như thế thì tại một bệnh viện, Ông Bob, trong một tai nạn xe hơi cách đây ba tháng, bị chấn thương ở não bộ, động chạm tới thần kinh cho nên nằm đó bất tỉnh. Không hiểu do một may mắn nào mà hôm nay ông tỉnh lại. Có thể trong khi ông nằm mê man như thế “phép thiên khải” hoặc “thần khải” hoặc “đại ân sủng” nói ở trên không tác động tới ông cho nên tâm trí ông vẫn là tâm trí của một người bình thường. Khi ông vừa mở mắt ra thì đã thấy các vị nam, nữ tu sĩ đứng ở bên cạnh giường. Họ cùng reo lên những tiếng vui mừng. Ông Bob sau khi dụi mắt nhiều lần, lấy tay sờ vào thân hình. Rõ ràng là ông thấy mình tỉnh lại thật rồi nhưng dường như  ông mơ màng không rõ đây có phải là bệnh viện - chỗ ông nằm trước đây hay không? Ông lên tiếng hỏi:

-Tôi đang nằm ở bệnh viện hay ở một tu viện nào đây? Các y tá và bác sĩ đâu cả rồi?

            Mấy vị nam-nữ tu sĩ đứng vây quanh cùng cười  vui vẻ, nói:

-Chúng tôi là “tu sĩ bác sĩ “ và “tu sĩ y tá” đây. “ Bạn đồng đạo” đang ở bệnh viện cũ chứ còn ở đâu nữa. Sau khi tỉnh lại rồi, chúng tôi có lệnh thay quần áo mới cho “đồng đạo”

            Nói xong vị “tu sĩ bác sĩ” ra lệnh cho cô y tá nay đã trở thành “nữ tu y tá”  đem một bộ quần áo tu sĩ để thay cho Ông Bob. Nhìn bộ quần áo của người tu hành, Ông Bob kinh hoàng hỏi:

-Tại sao lại là bộ quần áo này? Tôi có phải là tu sĩ đâu? Quần áo cũ của tôi đâu?

            Nghe Ông Bob nói thế thì tất cả các vị tu sĩ đứng vây quanh, mắt mở tròn xoe, rồi cùng lên tiếng:

-Bạn đồng đạo nói gì vậy? Bộ đồng đạo không biết gì hết sao?

-Biết cái gì mới được chứ?

            Ông Bob gặng hỏi.

-Ba tháng nay, tất cả mọi người trên trái đất này, già trẻ lớn bé, đều đã trở thành tu sĩ cả rồi. Cả “vợ con” đồng đạo cũng vậy! Đồng đạo không nhìn thấy chúng tôi sao?

-Nhưng tôi có phải là tu sĩ đâu!

            Ông Bob vẫn cãi lại. Tới đây thì câu chuyện không còn là chuyện bình thường nữa mà nó trở nên nghiêm trọng cho nên sau khi tham khảo ý kiến với nhau, vị “tu sĩ bác sĩ” nói:

-Chúng tôi sẽ thông báo cho “gia đình” đồng đạo biết, trước hết để thăm viếng, sau đó để đồng đạo thấy rõ sự thực rồi chuẩn bị di chuyển về sinh sống ở “Giáo Khu Tập Thể”.

            Nói xong các vị “tu sĩ bác sĩ”, “tu sĩ y tá” bỏ đi để Ông Bob nằm đó trong sự hoang mang khôn tả. Trong tâm trí, Ông Bob có cảm tưởng mình đang sống trong một giấc mơ, một thế giới kỳ lạ nào đó chứ không phải cuộc sống thực như ngày xưa. Ông tự hỏi hay mình đã chết thật rồi và hồn thác sinh vào một thiên quốc nào đây?

            Khoảng tiếng đồng hồ sau, cô “nữ tu y tá” cho Ô. Bob biết là gia đình ông đã tới. Khi một người đàn bà và một cậu bé bước vào. Về hình dáng rõ ràng là vợ và con trai của ông nhưng cả hai lại mặc trang phục tu sĩ. Ông há hốc miêng, ngồi nhỏm dậy, ôm chầm lấy vợ, xúc động hỏi:

-Tại sao em và con ăn mặc kỳ lạ như thế này?

            Thế nhưng người vợ đã gỡ tay ông ra rồi nghiêm nghị nói:

-Bộ anh không biết giáo luật sao? Bây giờ chúng ta đã là tu sĩ cả rồi, đâu còn tình cảm thường tình của nhân thế như  xưa nữa?

            Không tin vào lỗ tai và con mắt mình, Ông Bob nghẹn ngào hỏi:

-Nhưng em trở thành tu sĩ hồi nào? Nguyên do nào khiến em bỏ gia đình để hiến mình cho cuộc sống kham khổ như  thế này?

            Nghe Ông Bob nói thế, tới phiên người đàn bà ngạc nhiên. Bà ta nói:

- Đầu óc anh làm sao vậy? Anh không biết gì về đại ân sủng, đại ơn phước sao? Bây giờ mọi người đã trở thành tu sĩ. Anh cũng vậy và cả con chúng ta cũng vậy.  

Vừa nói người đàn bà vừa lấy tay chỉ vào cậu thanh niên đứng bên cạnh. Nghe nói thế Ông Bob quay qua nắm tay cậu thanh niên, mếu máo hỏi:

-Con cũng trở thành tu sĩ rồi sao?

            Nghe hỏi thế “cậu tu sĩ” khẽ gật đầu, nói:

-Tất cả mọi người bây giờ đã trở thành tu sĩ do đó tình cha con đổi thành tình đồng đạo. Xin  “đồng đạo” tĩnh dưỡng ít ngày, thay quần áo mới rồi chuẩn bị trở về sinh sống ở Giáo Khu Tập Thể.

-Nhưng ba đâu có phải là tu sĩ? Ba muốn trở về sống với gia đình, với mẹ, với con.

            Ông Bob đau khổ nói.

-Bây giờ gia đình là giáo đoàn. Tình nghĩa cha con là tình nghĩa giữa tu sĩ và giáo hội. Gia đình cũ đâu còn nữa. Tất cả đã trở thành dĩ vãng, dĩ vãng rất nhỏ bé, ích kỷ của trần gian.

-Trời ơi! Thế là tôi không còn gì nữa sao? Tôi biết đi về đâu bây giờ?

            Cùng với câu nói này Ông Bob gục mặt xuống khóc nức nở.

♦ ♦ ♦

            Tin Ông Bob cho rằng mình không phải là tu sĩ loan đi nhưng một cơn địa chấn. Hội Đồng Giáo Luật của Giáo Hội triệu tập phiên họp khẩn cấp để nghe các “tu sĩ bác sĩ” của bệnh viện phúc trình về tình trạng tâm thần của Ông Bob. Theo quan điểm của Hội Đồng Giáo Luật, nếu Ông Bob mắc bệnh tâm thần thì là chuyện bình thường, bởi vì người điên có làm ngược với cả xã hội là lẽ đương nhiên. Nhưng theo các “tu sĩ bác sĩ” thì  tâm trí Ông Bob lại bình thường cho nên đây là chuyện trọng đại. Do phép mầu, cả loài người đã trở thành tu sĩ thì không thể có một ngoại lệ nào. Nếu có một ngoại lệ thì kẻ đó hoặc bị quỷ ám hoặc cố ý chống lại Giáo Hội, cho nên phải đưa Ông Bob ra Tòa Án Tôn Giáo xét  xử. Theo Giáo Luật, kẻ nào chống lại Giáo Hội kẻ đó phải chết. Thế nhưng trước tòa, các luật sư tôn giáo - trước đây vốn là các luật sư về nhân quyền - cho nên vẫn còn giữ được tinh thần bao dung, đã tranh cãi kịch liệt. Theo các luật sư này thì không thể ghép Ông Bob vào tội “chống đối Giáo Hội”. Ông Bob không có một hành vi nào làm tổn hại Giáo Hội, không hề công kích, chê bai việc làm của Giáo Hội mà ông chỉ không muốn trở thành tu sĩ. Ông chỉ muốn sống cuộc đời của một con người bình thường như chúng ta trước đây mà thôi. Dĩ nhiên việc Ông Bob không phải là tu sĩ sẽ là cái gai nhọn trước mắt Giáo Hội. Do đó các luật sư đề nghị một bản án bao dung cho Ông Bob, chẳng hạn như cô lập ông vào một trại giam nào đó. Khi cả loài người đã chuyển hóa như thế này, dù có để ông sống tự do ngoài đời thì ông cũng không thể tồn tại được. Nó giống như một cây sậy sống giữa một rừng tre, như ném một con cá lên bờ vậy. Thế nhưng đề nghị của luật sư đã bị các tu sĩ điều hành các trung tâm cải huấn - nay gọi là các Trung Tâm Sám Hối - phản đối kịch liệt. Quý vị này cho rằng các Trung Tâm Sám Hối chỉ để giam giữ các tu sĩ vi phạm giáo luật, không thể giam giữ các “thường phạm”. Thường nhân không thể sống chung với tu sĩ. Cuối cùng, sau khi nghị án, Tòa Án Tôn Giáo tuyên bố Ông Bob bị quỷ ám, không thể sống chung trong giáo đoàn và phải bị lưu đày vĩnh viễn ra ngoài hoang đảo.

            Ngày Ông Bob bị áp tải xuống tàu, vai ông đeo một chiếc ba-lô trong đó đựng một chiếc rìu, một cái chăn, một cái bát ăn cơm, một cục đá lửa, còn tay thì xách chiếc cần câu. Đó là tất cả vật dụng mưu sinh mà ông được phép mang theo. Trông ông giống như Robinson Crusoe ngày xưa. Trong khi bước đi, nước mắt ông trào ra. Nhìn lại sau lưng mình, một rừng, một rừng tu sĩ đang ngắm nhìn ông, một con người lạ kỳ bị quỷ ám. Bị quỷ ám cho nên không trở thành tu sĩ như tất cả mọi người. Với ý nghĩ mình bị quỷ ám ông phá lên cười như một người điên rồi ông lẩm bẩm “Chắc chắn mình không bị quỷ ám nhưng trong một xã hội, nếu mọi người làm đúng mà một mình mình làm sai thì mình là một gã điên. Còn trong khi cả xã hội làm sai mà chỉ có mình làm đúng thì mình cũng là một gã điên! Mà người điên thì không thể sống chung với người không điên. Hy vọng ra ngoài hoang đảo mình sẽ gặp một con khỉ nào đó để bầu bạn cho khuây khỏa!” 


            Thiện Quả Đào Văn Bình

(Trích tuyển tập Mê Cung, Ananda Viet Foundation xb, Amazon phát hành)


           

Lời tác giảTrong thế giới tham dục này mà trong Kinh Pháp Hoa Phật gọi đó là “Nhà lửa tam giới” nó là biến hiện của tham-sân-si và cũng là nghiệp của sầu bi. Trong số lượng chúng sinh hiện nay là tám tỷ người, không nghiệp nào giống nghiệp nào. Mỗi người một nghiệp. Do đó không thể nào có chuyện tất cả đều giác ngộ để trở thành tu sĩ. Mà cũng không có chuyện không có tu sĩ trên cõi đời này. Cái thiện cái ác, cái cao thượng cái thấp hèn, cái vô minh cái trí tuệ… lấn đuổi nhau và cùng tồn tại. Người tu vẫn cứ tu, người ác vẫn cứ ác. Hiền thánh sống chung với phàm phu, quỷ ma sống chung với người. Đó là hình ảnh chân thực nhất của thế giới Ta Bà này. Thế nhưng khi Bồ Tát nhập Pháp Giới thì “hư không vốn thanh tịnh”. Tất cả đều “như thị và như thị” và tâm sẽ đi vào đại định.  

 





 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2019(Xem: 7911)
Liên tiếp cả tháng nay từ ngày đi hành hương miền đất vàng Miến Điện về tuy phần tâm linh của tôi có lẽ tăng trưởng thêm được chút ít vì nhiều bộ kinh luận từ lâu tôi hầu như quên lãng để trên kệ sách mà chưa hề đọc lại lần thứ ba....nay đã được tôi ôn từng trang một cách rất chú tâm, tư duy cẩn thận và rất thích thú ghi lại những điều hữu ích .
01/04/2019(Xem: 6105)
Thời gian thắm thoát thoi đưa, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 40 năm, một thời gian khá dài cho một đời người. Bây giờ thỉnh thoảng gặp lại một vài em học sinh cũ, trong khi nói chuyện, nghe các em than mình đã già rồi. Tôi mới chợt nhớ " nhìn lại đời mình đã xanh rêu" (TCS). Quả thật, tôi đang ở giai đoạn xuống đồi “ down hill “, người ta thường nói: người già hay nhìn về quá khứ, tuổi trẻ hay hướng về tương lai. Thật đúng vậy! Hôm nay, tôi cũng nhìn về quá khứ nhưng với cái nhìn khác, không phải là cái nhìn than thân trách phận, kể lể khổ đau mà là cái nhìn lạc quan về những tình người tươi thắm trong những hoàn cảnh khốn cùng.
17/03/2019(Xem: 4072)
Phần này bàn về cách dùng chên đơng thời các LM de Rhodes và Maiorica sang truyền đạo ở An Nam cho đến thế kỉ XX. Dựa vào một số văn bản, bài viết nhỏ này đề nghị một cách giải thích tại sao chân đăng lại xuất hiện ở mãi tận những hòn đảo thuộc thực dân Pháp ở Thái Bình Dương. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL
11/03/2019(Xem: 3690)
Những Điều Học Được Khi Xem tác phẩm Bát Cơm Hương Tích của TT Nguyên Tạng, Gần đây trong mỗi thời công phu sáng sau khi đảnh lễ đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni theo như một đoạn trong lời ngỏ của Tư tưởng Kinh Pháp Hoa của Cố HT Thích Chơn Thiện mà nó đã in trong trí tôi nhiều năm qua :
11/03/2019(Xem: 3473)
Tôi trở về nơi ấy ...sau ba năm xa cách , có thể nói đó nơi đã xuất phát tôi ....( một con người mới ) sau khi gặp hoàn cảnh nghiệt ngã Nơi đã giúp tôi có những tài liệu tuyệt vời về kinhi luật luận mà không hề ai chú ý , nơi chỉ lo những cuộc ma chay tống táng và hộ niệm nhưng chưa có những buổi pháp thoại nào có thể thỏa mãn những ý tưởng thầm kín và luôn thắc mắc vấn vương từ khi tôi biết tham khảo nhiều kinh điển trên mạng online và kinh sách đã từng sưu tập
06/03/2019(Xem: 3825)
Mỗi lần có cơ duyên được hành hương và chiêm bái các địa danh tâm linh như Tứ Động Tâm, Tứ Đại Danh Sơn, các chùa tại Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan khi trở về lại nhà tôi cảm thấy thật sự mình được thêm ân sủng và nhiều cảm ứng bất khả tư nghì... Và một lần nữa trong chuyến hành hương vừa qua tại mảnh đất vàng Miến Điện, nếu không nhờ sự khuyến khích của TT Thích Nguyên Tạng thì tôi đã chẳng phát tâm một cách dõng mãnh để tường thuật lại hết những điều hay đã học được trong chuyến đi tu học có ý nghĩa này, và tôi đã tự hứa với lòng khi về sẽ nghiên cứu lại tất cả bài viết của Thầy trong nhiều quyển sách đã xuất bản trong những năm gần đây, để học hỏi được từ Thầy những gì mà tôi còn thiếu sót và yếu kém ...
05/03/2019(Xem: 3994)
Dường như niềm vui đến bất ngờ luôn làm cho người ta thích thú và khó quên. Vào một ngày Thứ Sáu cuối tuần rất bận rộn lại đột nhiên nhận được một lần tới 4 tác phẩm do người bạn đem tới tặng. Mở nhanh từng cuốn để xem mặt mũi ra sao thì thấy đó là 4 tác phẩm: Tạp Chí Hoa Đàm Số 5, với chủ đề “Phật Giáo với Dân Tộc”; “Thiền Trong Hành Động,” do Đạo Sinh dịch Việt; “Những Bước Thăng Trầm” do Phạm Kim Khánh dịch Việt; và “Bóng Bay Gió Ơi” của nhà văn Nguyễn Thị Khánh Minh. Tất cả đều được Lotus Media xuất bản vào đầu năm 2019 tại Hoa Kỳ.
03/03/2019(Xem: 10353)
Cuộc đời là một cái chợ khổng lồ đầy xô bồ, hỗn độn mà toàn thể nhân loại đang sinh sống, hoạt động từ ngàn xưa cho đến bây giờ và mãi tận mai sau. Trong đó, con người phải chịu đựng đủ thứ cay đắng, mặn nồng, ngọt bùi, chua chát, đủ thứ khổ nạn, tang thương, đớn đau, hạnh phúc cứ mãi chập chùng, trùng trùng vô lượng, không thể nào diễn tả hết được. Nikos Kazantzakis, đại văn hào Hy Lạp phát biểu :“Con người sinh ra từ một hố thẳm đen tối, đó là tử cung. Con người đang đi đến một hố thẳm đen tối khác, đó là nấm mồ. Khoảng ánh sáng giữa hai hố thẳm đen tối đó, người ta gọi là cuộc sống.”
03/03/2019(Xem: 3781)
Hôm nay là Mùng 10 tháng Giêng, tại VN ai cũng lo cúng và mua vàng vì là ngày Thần tài, nhưng đối với tôi lại là ngày mà tôi nhận được một gia tài Pháp bảo sau khi được TT Trụ Trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng đã từ bi chỉ dạy tôi nên đọc tác phẩm này. Vài Cảm Nghĩ Thô Thiển Của Một Cư Sĩ Tại Gia Khi Đọc Tác Phẩm ĐẠO ĐỨC HỌC PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA Online Của HT THÍCH BẢO LẠC Hội Chủ GHPGVNTNHN Tại UĐL- TTL
03/03/2019(Xem: 4368)
Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm nay gần ngày cuối của thượng tuần tháng hai. Nên thời tiết đã trở nên ấm áp hơn, như có khí sắc lập xuân. Ban ngày cũng có cảnh nắng nhạt điểm mưa thưa, và có gió heo may làm gây gây lạnh. Cái lạnh giống hệt như cảnh Tết ở quê nhà, chỉ thiếu hình ảnh mai vàng thiệp xuân, cây nêu đầu ngõ. Và trên bàn thờ cũng không có bánh tét bánh chưng là những hương vị của ngày xuân muôn thuở. Bổng dưng chợt thấy mình còn bơ vơ nơi xứ lạ quê người. Nỗi buồn tha hương ấy đã thấm càng ngày càng thêm đậm. Nên lòng luôn cảm thấy hững hờ mỗi lần xuân về tết đến. Nhưng Tết năm nay tôi lại được may mắn đón nhận một món quà vô cùng trân quý. Đó là món quà của Sư Bá ở tận nửa bán cầu của xứ Úc xa xôi gởi cho. Tác phẩm mới ra lò của Ôn với tựa là: “Đạo Đức Học Phật Giáo Đại Thừa”. Món quà như ghi dấu một tấm lòng thương yêu và nhắc nhỡ cho con luôn trau dồi thân tâm, giữ gìn giới hạnh để xứng đáng là người Phật tử. Con xin nhất tâm kính lễ cảm tạ tấm lòng của Ôn chẳng những dành
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]