Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hoa Tàn Nguyệt Tận

14/01/202417:01(Xem: 1399)
Hoa Tàn Nguyệt Tận

hoa sen dep

 HOA TÀN NGUYỆT TẬN


Thích Minh Chánh


          Một buổi sáng, trên đồi hoang vu với tinh mơ còn vương chút nắng mới, những cánh hoa khép mình điêu tàn dưới bình minh tràn đầy nhựa sống. Tuy nhiên, cũng có những nụ hoa mới hé nở đang mơn trớn với thanh khí của đất trời giữa bao la thiên biến. Bên kia vòm trời, mây vẫn bay cho những cuộc mộng tàn phai trong từng phút giây sinh diệt. Con bướm đa tình cũng vờn dưới nắng mai giữa hoa tàn nguyệt tận của kiếp đời lưu biến. Sự sanh diệt của hiện tượng vạn hữu vẽ nên một bức tranh muôn màu cho thiên thu bất tận. Cái huyền diệu của cuộc đời hầu như phô diễn trùng trùng trước thiên di tuyệt náo. Khung trời mới của trăm nay hay nghìn năm về lại tắm gội dòng biến hiện giữa ngàn thu tuế nguyệt.

          Trước những biến động của xum la vạn hữu, có cái còn sót lại, cũng có cái ra đi vĩnh viễn trong vô biên của sự thể. Những cánh hoa tàn vương vãi khắp nẻo đường về của dòng hiện khởi. Những đóa hoa chớm nở cho thiên nhiên thêm rực rở  ánh hồng. Trăng tàn rồi lại khuyết theo trùng trùng duyên khởi như chưa hề có sự phân ly. Rồi trên đỉnh cao của núi đồi bạt ngàn một màu xanh vô tận, chiếc lá  vàng nhường chổ cho những chồi non mơn mởn vươn ra mặc dù bản thân nó rơi đầy ngõ vắng úa tàn. Cái trùng trùng chuyển biến dường như không thiếu vắng trên bộ mặt đích thực của hiện tượng. Sự phân ly dù rằng trong khoảnh khắc cũng chưa hề lộ ra theo chiều hướng phân biệt.

          Phân biệt là một khái niệm chia chẻ hiện tượng, nên chi trong quan điểm mà ý thức hình thành, luôn chất chứa những thứ rác rưởi khiến cuộc đời trở nên chát chúa khổ đau. Hoang tàn rồi lại hoang tàn, dòng tư tưởng cứ ùa về theo kiểu ba mứa mà thực tại vốn dĩ là thế. Bến bờ sâu thẳm của nhận định cũng chỉ là khái niệm vu vơ, nó thường lấy đi tất cả những gì quý giá của hiện tượng. Một nhà thơ, một nhà văn, một nhà triết học hay hiền triết đi nữa thì họ không bao giờ ghánh vác nổi cái gọi là hiện tượng vô biên. Hầu như đa phần họ đem khái niệm để nhìn về hiện tượng, nên hoàn toàn  bóp méo sự thực để mặc sức bay nhảy trên diễn đàn tư tưởng mà họ cho là tuyệt đối. Con đường dẫn đến hiện tượng giới là chính bản thân nó chứ không ai khác. Chúng ta thường cho rằng mình tồn tại trong đời là do thứ này hay thứ khác, nguyên nhân này hay nguyên nhân khác, nhưng thực chất chúng ta tồn tại là tồn tại. Bởi vậy, các vĩ nhân, những người thực chứng, không bao giờ đem khái niệm của mình ra để phân định hiện tượng. Các vị luôn nhìn thấy đời mầu nhiệm dù khi cần xử lý công việc trong cuộc đời. Cái mà các vị thực hiện cho trùng trùng biến hiện ở đỉnh cao của tư tưởng là “niêm hoa vi tiếu”[1].

         
Tuy nhiên, cách xử lý ấy nó phải được kiểm nghiệm qua từng hành động đích xác chứ không phải dựa trên ngôn từ. Ngôn từ chẳng qua là công cụ để chuyển tải ý tưởng, nhưng chính ý tưởng vốn đã băng hoại, nên ngôn từ cũng trở thành tàn dư của băng hoại. Tôi nói, tôi viết, tôi đọc…là gì nhỉ? Là một sự lừa dối về hiện tượng. Sự lừa dối ấy cứ thiên thu vĩnh kiếp bám lấy con người mà chính bản thân con người có hề hay biết đâu. Nếu họ hay biết, thì không bao giờ để cho hiện tượng bị ý tưởng của mình áp đặt và trở thành vật tế thần của chính bản thân họ. Hơn bao giờ hết, sự bám chấp trở thành thảm họa của toàn thể nhân loại. Nó xuất hiện trong từng ngỏ ngách của hiện tượng và ngay cả tư tưởng. Bởi vậy, nó giết chết biết bao mầm móng của an vui khiến cho hoa tàn nguyệt tận.

          Bám chấp là một sự lừa dối bất tận gây ra nhiều trắc ẩn thương tâm cho toàn thế giới. Bám chấp làm cho con người và hiện tượng trở nên già cỗi lụi tàn. Do vậy, nếu muốn thế giới này luôn luôn sinh động trong ý tưởng của mình, chúng ta đừng bao giờ bám chấp mà buông thả theo tự nhiên của nó. Hành trình của bám chấp trước các hiện tượng phô diễn là hệ lụy của các khái niệm bảo thủ. Chúng ta luôn luôn nắm lấy hiện tượng rồi áp đặt chúng một cách phi lý theo định kiến của mình. Tuy nhiên, cái thực chất của hiện tượng vốn vẫn thế như chưa bao giờ tuân theo các khái niệm của mình. Do vậy, khổ đau và bực bội cứ rìn rập chúng ta mà chính chúng ta là tác nhân. Muốn thoát khỏi chấp thủ, chúng ta phải nổ lực thực sự trong quá trình nhìn nhận về hiện tượng. Điều này có nghĩa đừng bao giờ áp đặt bất cứ khái niệm nào lên hiện tượng. Hãy để cho nó trôi chảy tự nhiên theo chiều hướng tự do của nó. Nếu càng bám chấp, chúng ta đánh mất tự do của chính mình.

          Mỗi sớm mai thức dậy, chúng ta hãy tự quán chiếu các pháp trôi chảy mầu nhiệm theo chiều hướng tự nhiên của dòng đời để hạn chế bám chấp. Tâm chúng ta phải thực sự bình lặng trước mọi đắc thất vô thường và đừng bao giờ có khái niệm nắm bắt. Nếu cố ý nắm bắt, dù là một hạt bụi, chúng ta cũng sẽ rơi vào tình huống khổ đau. Chúng ta phải thực sự quán chiếu để tâm mình bình yên trước mọi biến cố của dòng đời. Nếu biết quán chiếu một cách sâu sắc, chúng ta sẽ nhận thức rõ hiện tượng là một dòng chảy mầu nhiệm vô biên trong từng giây từng phút. Dòng hiện tượng ấy cứ tiếp nối bất biến giữa trùng khơi sóng dội. Mọi thứ dù có lưu biến đến đâu thì nó vẫn tạo nên một vòng tròn khép kính nhường chỗ cho nhau như một dây chuyền cứ liên tục hoạt động. Dù rằng trong quá trình diễn biến, có những thứ hoại diệt, nhưng sự hoại diệt ấy thể hiện một bản chất đích thực của chưa từng hoại diệt.

          Con đường dẫn đến hạnh phúc không có vương màu của của hoại diệt hay chưa từng hoại diệt, mà nó phải được thể hiện uyên nguyên trong tận đáy sâu bình yên tuyệt đối của nội tại. Im lặng là triết lý đích thực của dòng đời. Mọi biến hiện vốn dĩ đi qua cho trăm năm nhu mì về trong cuộc mộng. Hương đời cứ ngào ngạt giữa vô biên của dòng hiện khởi. Kiếp người tuy nói rất ngắn ngủi nhưng thực ra nó vô tận trong biến thiên của sanh diệt. Ngắn ngủi là vì chúng ta thường đem khái niệm hạn cuộc của mình để nhìn về nó. Sự than vãn trách đời sao thế này thế nọ là do tâm tưởng bất an nên chi đổ lỗi hết cho dòng hiện tượng. Nếu mang tâm niệm như thế, chúng ta sẽ phá hoại chính mình và dòng đời trong ý thức tự thân.

          Dòng biến hiện là một thế giới tương quan tương liên với muôn màu tươi trẻ. Mọi hư hao của xã hội không hề tác động vô bổ đến nó. Chẳng qua vì tự thân chúng ta không chịu ngắm dòng đời. Con mắt chúng ta thường u chột vì bị mọi khái niệm khỏa lấp. Kẻ này uống rượu, kẻ kia ăn thịt..luôn luôn tồn tại trong khái niệm bám chấp. Chiến tranh xảy ra liên miên trên thế giới hiện nay cũng do vì bộ não bất chính của những kẻ cầm quyền đầy bệnh hoạn từ trong khái niệm. Tại sao chúng ta không để cuộc đời bình yên mà cứ dày xéo nó? Vì chúng ta quá tham vọng đến những thứ vu vơ mà chính bản thân mình đang dậm chân tại chỗ. Thay vì hòa nhập vào dòng biến hiện mầu nhiệm ấy, thì chúng ta lại phỉ báng chỉ trích nó.

          Tôn giáo cũng không ngoại lệ khi mà vướng vào những khái niệm mơ hồ. Tuy nhiên, sự mơ hồ của tôn giáo có thể dẫn đến hệ lụy cho cả một cộng động. Các nhà lãnh đạo tôn giáo chân chính luôn luôn trăn trở về các mối liên hệ xã hội và tôn giáo nhằm tìm ra giải pháp kịp thời nhưng quan trọng vẫn là ý tưởng con người. Nếu ý tưởng con người toàn chất chứa những thứ bẩn thỉu của vô minh vọng tưởng, thì xã hội trở thành một sọt rác. Ngược lại, nếu ý tưởng con người thánh thiện thì xã hội trở thành thiên đường. Do đó, dù rất nổ lực nhưng các nhà tôn giáo và xã hội cũng không thể nào tìm ra một giải pháp hoàn hảo toàn diện để cân bằng biến động tâm thức của nhân loại. Đôi lúc họ chuốc lấy thất bại vì ý tưởng của con người quá phong phú.

          Ý tưởng của nhân loại quả thật phức tạp. Nó mênh mông như sóng dậy trùng khơi, từng đợt từng đợt ùa về không hề ngừng nghỉ. Mỗi ý tưởng  đều chứa đựng cả một nhịp sống vô vàn bí hiểm dù trên phương diện này hay trên phương diện nọ của kiếp người hiện hữu. Khi trở thành hiện thực, nó phải trãi qua quá trình thực nghiệm mà trên phương diện tốt hay xấu đều tùy thuộc vào việc dụng tâm của con người. Có những ý tưởng mới nảy sinh đã đi vào quá khứ vì không đủ điều kiện để tồn tại. Có những ý tưởng vừa mới phôi thai đã được phát triển phong phú để phụng sự nhân loại đồng thời thành công rực rỡ trong mọi lãnh vực của sự sống. Tuy nhiên, dù thành công hay thất bại thì mọi ý tưởng đều có mục đích và giá trị của nó. Người thành công nhất là chưa hề có ý tưởng. Vì một khi buộc vào ý tưởng, thì anh đánh mất bản chất của mình hay nói đúng hơn là làm ô nhục trạng thái nguyên sơ.

          Giá trị cuộc đời là ở trạng thái nguyên sơ, một đỉnh cao ngất của danh vọng và địa vị nhưng đa phần người ta quên lãng. Cái nguyên sơ hiện thân của bao vạn biến mà cuộc đời chỉ gói gọn trong từng biến động của nó dù trên mọi mặt hiện hữu. Cái này tiếp nối cái kia để tạo ra một vòng xoáy mà trong đó không hề có điểm bắt đầu và kết thúc. Nó cứ quay mãi theo chiều hướng vòng quanh giữa bao la hiện tượng. Trăng trong nước hay nước trong trăng xưa nay chưa xuất hiện một định nghĩa đích thực về chúng nó. Trăng là trăng của trăng hay trăng là trăng của nước? Nước là nước của nước hay nước là nước của trăng? Có vẽ như mơ hồ nếu chúng ta dựa vào khái niệm để phân tích. Biển trời bao la, chim bay cá nhảy, trăng tròn trăng khuyết, người đến rồi đi .v.v thật u huyền tuyệt diệu. Ai bảo ngày hôm qua không phải ngày hôm nay, và ngày hôm nay không phải là ngày mai? Biết đâu lại trùng hợp.

          Thực tại tuyệt đối không phải nằm ở tận mây xanh hay một nơi nào đó xa lạ với mọi biến cố hiện hữu trong cuộc đời này. Thực tại tuyệt đối đang phô diễn ngay trước mắt, nơi mà mọi thứ cứ sanh rồi diệt, diệt rồi sanh theo bản chất của nó. Sự sanh diệt luôn tiếp nối không ngừng theo dòng thời gian vô tận. Tuy nhiên, tại sao con người phải khổ đau trên dòng sanh diệt ấy? Phải chăng chỉ do hạn hữu của ý thức  gây nên? Đồng tiền bát gạo có lẽ chi phối mọi thứ chăng? Bác sĩ, kỉ sư, thạc sĩ tiến sĩ, thầy chùa hay không phải thầy chùa cũng vậy ư? Thủ tướng hay không phải thủ tướng cũng vậy ư? Đúng là muôn màu muôn vẽ trong sống động của vạn hữu. Mọi cá thể cứ vậy mà biến thiên. Các hiện tượng cứ vậy mà trôi nổi từ khía cạnh này sang khía cạnh khác theo thời gian chẳng bao giờ ngừng nghỉ. Mối quan hệ của tôi và anh có thể rày đây mai đó trên phương trời vô định của bất chợt không ngờ. Thôi thì mộng vậy. Cứ mộng trong cuộc mộng cho đến tận muôn trùng hợp lý và phi lý.

          Tính hợp lý và phi lý, thực ra, chỉ là một trò đùa trong xum la hiện tượng. Cuộc chơi mà nhân sinh này thử nghiệm là biến động trùng khơi. Tuy nhiên, trong cái gọi là hợp lý hay phi lý ấy đều chứa đựng cả một khung trời của miên viễn. Sự miên viễn của nỗi đau và hạnh phúc luôn tồn tại tùy theo hành động của kiếp người. Những triết gia, các nhà tôn giáo thường xuyên muốn điều phục chính mình và người khác thoát khỏi khổ đau, nhưng thực ra, họ chỉ mò kim đáy biển, vì khổ đau hay hạnh phúc luôn phụ thuộc vào sự chuyển hóa nội tại của một cá thể. Nương vào gió để thấy trăng và nương vào trăng để thấy gió hay bất cứ hiện tượng nào thì cũng không thể xác định dứt điểm mọi biến cố xảy ra trong dòng chảy hiện tượng. Dòng chảy của hiện tượng đến rồi đi với định luật vô thường nhưng chưa hẳn đã không thường tại dù trong chốc lát. Điều này đúng với thực tại “cái gì rồi cũng qua, nhưng cái gì rồi cũng đến”. Đó là bản chất của mọi hiện tượng.

          Tuy nhiên, cái dòng biến lưu đó vẫn được định vị nếu bên trong sâu thẳm của mọi cá thể đều bình lặng tuyệt đối. Nói cách khác, cái suy tư của nhân sinh phải thực sự dừng lại trên đỉnh cao của tỉnh mịch. Tỉnh mịch ở đây không phải là im lặng một cách vô tội vạ như hiện tại con người thể hiện với nhau bây giờ. Nó không phải tôi gởi tin nhắn cho anh qua điện thoại hoặc mail, rồi anh cảm thấy bất lợi cho chính bản thân mình, thì im lặng. Hoặc tôi nói chuyện với anh qua điện thoại, nhưng anh nhận thấy không đem lại tiền tài hay cơ hội làm ăn cho anh, thì anh cúp máy im lặng v.v Cái im lặng kiểu như thế là nhu nhược, thấp hèn và đáng sợ trong hiện hữu của nhân sinh. Nó có thể gây nên tai họa lớn lao nếu điều đó trở thành một vấn đề cấp bách. Do vậy, được sống làm người, chúng ta không nên quá hẹp hòi ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa v.v để nhấn chìm con thuyền nhân loại khi mà chúng ta đang trên đường tiến tới mục đích tối hậu của tỉnh lặng tuyệt đối. Chúng ta phải thực sự cùng nhau nổ lực để đưa con thuyền nhân sinh đến đúng với mục tiêu bản thể của nó, dù rằng là trên cương vị nào.

          Tôi có một người bạn rất giàu với đầy đủ tiện nghi vật chất như nhà lầu, xe hơi v.v, nhưng tâm anh ta rất ích kỉ, ngay cả với người thân của mình. Một ngày nọ, cha anh ta gọi điện cho anh ta và bảo rằng con nên về chứ trong nhà có chuyện. Tuy nhiên, vì bận họp ở công  ty, nên anh ta trả lời với cha mình là con không rảnh đâu. Người cha vẫn bảo có vấn đề xảy ra rất nghiêm trọng, nhưng anh ta cứ khăng khăng chẳng có gì nên cúp máy không muốn nghe nữa. Thế nhưng khi tan sở, anh ta trở về nhà thì thấy tan hoang và người cha đã gục chết bên cạnh cầu thang đi lên phòng ngủ của vợ chồng anh ta. Sau đó, anh ta hối hận than khóc, nhưng mọi chuyện đâu đã vào đấy vì bọn cướp đã biến mất với số tiền vàng mà vợ chồng anh ta dành dụm bao nhiêu năm nay. Một điều đáng nói là khoảng cách giữa công ty anh ta công tác và ngôi nhà bị cướp đột nhập chỉ vỏn vẹn 30m.

          Như vậy, đôi lúc, chúng ta lảng quên hoặc coi thường người này hay kẻ khác  hoặc xem sự việc xảy ra trong thế giới này quá đơn điệu tẻ nhạt mà không thấy rõ chân tướng sự việc. Những kẻ như vậy chỉ làm băng hoại sự tỉnh mịch vốn có của nội tại. Sự tỉnh mịch của nội tại nó rất sống động trong bản thể của pháp giới tính, tương ứng với tất cả hiện thực khách quan. Cái sâu thẳm của nội tại chính là hạt giống của hạnh phúc, của tất cả biến hiện trong cuộc đời. Nếu đánh mất bản chất nội tại, thì đánh mất tất cả những gì đang biến động không ngừng hiển hiện xung quanh ta. Do đó, chúng ta cần phải sống với  tuyệt đối nội tại để mang lại trật tự vô biên cho mọi sự thể.

          Tương quan giữa biến động, mọi điều kiện là nền tảng tất yếu thúc đẩy tạo nên mọi hiện tượng mà trong đó nội tại là điều kiện tiên quyết hình thành cả dòng đời. Nội tại là yếu tố vận hành cả hệ thống thành hoại của toàn thể hiện tượng. Tuy nó không xuất hiện ra bên ngoài, nhưng âm thầm chi phối từng chuyển biến của hiện tượng. Cái mà hiện tượng lấy đó để tung hoành trong muôn vàn của sự thế chính là nội tại. Vạn pháp, hầu như, dù hiện hữu dưới bất cứ hình thức nào cũng đều bắt nguồn từ nội tại. Nếu không có nội tại, thì chắc chắn rằng không có cuộc đời và mọi biểu cảm về cuộc đời.

          Thế giới nội tại là cả một quá trình hiện hữu bên trong sâu thẳm của vô biên. Nó dường như hiện về mồn một nhưng nhân loại bị bao phủ bởi vô minh nên không thấy rỏ. Nếu bên kia là hiện tượng xu bồ của vô vàn biến động, thì bên này lại là một chân thể duy nhất không xen lẫn bất cứ tạp chất nào của hiện khởi cũng như thế giới tư tưởng bấn loạn. Một hạt cát đang quay cuồng trong dòng hiện khởi, nhưng nội tại của nó vẫn như nhiên bên cạnh mọi trào lưu nhảy múa. Hạt cát bổng nhiên, một ngày, thôi tranh đua với sự thế và nằm yên ngắm nhìn dòng biến động đích thực của nó.

          Con đường của hiện sinh bao giờ cũng gắn kết mọi sanh diệt và biến hoại trong sâu thẳm của nội tại. Vực thẳm hiện tượng là một hố sâu mà trong đó biết bao sinh vật nhảy múa loạn xạ dưới sự chi phối của nội tại. Cái rung chuyển của càn khôn vở òa thật đáng sợ nhưng không đáng sợ bằng biến động vô bờ của nội tại. Cái thế giới nội tại thực sự là huyền nhiệm. Nó chứa đựng tất cả mọi thứ đang diễn ra ở dòng đời. Nó biến hóa khôn lường từ cái không trở thành có và từ cái có trở thành không, cũng như có có, không không trong bao la của hiện tượng.

          Nói đến không là nói đến có, và nói đến có là nói đến không. Nhưng dù có đề cập đến có hay không thì cũng không thoát khỏi thế giới nội tại. Anh suy nghỉ gì, tôi suy nghỉ gì để cho ra các sản phẩm hiến tặng cuộc đời thì anh và tôi cũng đều phải suy nghỉ. Tuy nhiên, cái suy nghỉ đó xuất phát từ đâu thì tự bản thân anh hiểu lấy và cũng như tôi vậy. Nếu tôi trách anh hay anh trách tôi thì đều vô nghĩa. Vì sao vậy? Vì đó không phải là cái mà chúng ta cần để hoán vị. Nhưng nếu có muốn hoán vị, thì nó trở nên vô bổ đối với kiếp sống cũng như mục đích tồn tại của toàn thể nhân loại.

          Nguyên lý của cuộc sống luôn luôn là bến bờ của hạnh phúc mà trong đó mọi sinh vật đều hướng đến bình yên theo từng nhịp thở. Nếu bạn không thở đúng nhịp đập của nội tại, thì bạn đánh mất chính mình và giá trị tồn tại của thực hữu. Thực hữu, dôi lúc, người ta hiểu mơ hồ về nó. Họ cứ cho tồn tại chính là thực hữu, nhưng không phải thế, Tồn tại là hiện tượng biểu hiện một cách có hệ thống trên phương diện kết hợp đủ các yếu tố điều kiện, còn thực hữu chính là bản chất của tồn tại. Lắm lúc không nhìn nhận đích xác, một số người trong chúng ta lại đem khái niệm sai lầm để gán ghép cho thực hữu.

          Vậy, thực hữu là gì? Thực hữu là bản chất của tồn tại và nơi mà tồn tại lấy đó làm nền tảng căn bản để phô diễn giữa dòng đời. Cái bạn và tôi đang cần là tồn tại, nhưng cái bạn và tôi dù muốn hướng tới hay không muốn hướng tới mà nó vẫn như như bất động, đó chính là thực hữu. Như vậy, thực hữu là sự linh động mầu nhiệm trong tôi và bạn cũng như trong mọi tồn tại hiện hữu.

          Tôi đi trên con đường dù hạnh phúc hay đau khổ, thì thực hữu không bao giờ biến động theo khái niệm của tôi. Thực hữu luôn có mặt trong mọi mọi hoạt biến của riêng tôi và vạn tượng. Nó hòa tan bất diệt trong từng khái niệm biến thiên cũng như mọi biến cố xảy ra giữa dòng đời. Tuy nhiên, vì là thực hữu nên nó không tự sinh ra và mất đi như bao cá thể khác. Nó thường xuyên có mặt trong tôi và tôi có mặt trong nó không thể tách rời. Mọi hoạt động của tôi từ ý nghỉ đến lời nói v.v đều hòa quyện với nó, nhưng không phải lúc nào tôi cũng cảm nhận được. Hạnh phúc hay khổ đau của tôi đều bị chi phối bởi khái niệm phân biệt, nhưng thực hữu thì thường hằng dù trong hạnh phúc hay khổ đau.

          Phương châm của đời người là hạnh phúc. Nhưng trong biến động của cuộc đời phải có thêm hiện diện của khổ đau mới thực sự biến tấu hết mọi nét đẹp của hiện hữu. Một người sống trong nhung lụa mà không bao giờ nếm trãi mùi vị thất bại hay bi thương, thì không bao giở hiểu hết giá trị đích thực của dòng đời và đôi lúc đâm ra nhàm chán và trở nên bất hảo. Dòng đời là thế, cứ sanh rồi cứ diệt theo bản chất tự nhiên bất biến và trong đó, thực hữu là một yếu tố luôn luôn có mặt, nhưng nó không có khái niệm duy nhất hay không duy nhất. Nó là cả một bầu trời của trí tuệ và từ bi với tính sáng suốt và yêu thương trùm khắp cả vạn hữu.

          Thiên đường hay địa ngục đều là khái niệm mơ hồ của kiếp nhân sinh mà thôi. Thiên đường thực sự đang phô diễn mầu nhiệm giữa dòng đời. Địa ngục cũng vậy. Cái địa địa ngục ấy thường xuyên tồn tại giữa bao la vạn tượng, nhưng vì tham đắm quá nhiều vào phù phiếm xa hoa mà chúng ta hiếm khi trực nhận. Nếu trực nhận được địa ngục và thiện đường luôn hiện hữu xung quanh mình, thì chúng ta không còn bở ngở trước những biến động bất chừng của xum la vạn tượng. Cũng như hai mùa mưa nắng vẫn đi đi về về dưới trời đất miền Nam Việt Nam. Mùa mưa lại ướt và mùa nắng lại khô. Mùa mưa cho chúng ta nhiều vị ngọt cam lồ từ những hạt mưa long lanh hiền dịu. Mùa nắng lại đem về từng sợi tơ óng ánh huyền nhiệm trong vô bờ hiện sinh. Tuy nhiên, có ai cảm nhận được điều đó khi mà cứ lao theo dòng đời với muôn vàn vội vã hoặc trầm tư trong tham vọng hay ưu bi sầu lụy?

          Mưa và nắng vốn dĩ là hai mặt của thời tiết hiện tượng. Nhưng biết đâu trong đó lại có điều hiện hữu vô biên. Sự tương quan giữa mưa và nắng là một kết nối mầu nhiệm trên phương trời hiện thể. Bể dâu tang thương dù có đổi dời ra sao thì dưới lăng kính hiện sinh vẫn lộ lộ một bản chất thực tại bất di. Bản chất ấy là hơi thở và sức sống phong phú của dòng đời. Nó thổi một luồng sinh khí bất tận để cho vạn tượng tồn tại trong vô vàn hòa quyện biến tấu. Cơn mưa và cơn nắng chợt đến chợt đi, nhưng bản chất của chúng luôn bao dung dù mưa và nắng có thay hình đổi dạng ra sao đi nữa. Từng giọt mưa, từng giọt nắng phô diễn giữa sự thế khác nhau, nhưng bản thể vẫn dâng trào trong từng tuôn chảy vô bờ bất biến. Sự sống cũng vậy, nó có thể nhảy múa biến thiên, nhưng bản chất của sự sống vẫn bất di bất dịch giữa biến thiên nhảy múa.

          Một chút du dương của vô thường cũng đến thế thôi. Tâm tham lam, sân hận hay tâm trí tuệ, từ bi cũng là khái niệm của nhân sinh thế thái. Mọi hiện tượng đến rồi đi theo trùng trùng duyên khởi. Tuy nhiên, cái bất biến của duyên khởi vẫn luôn có mặt tích cực trong mọi hiện tượng.  Cái mà chúng ta thường gọi là bản hữu hay bản chất của hiện tượng luôn phô diễn giữa muôn trùng  tồn tại hiện hữu. Nó chính là cố quận của bao tàn phai trên mọi nẽo đường về lưu biến. “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” cũng chứa đựng bao la vạn trạng của tiên thiên thực hữu.

          Hoa tàn nguyệt tận, trên mặt hiện tượng giới, là vô thường tan biến. Nhưng sự hạn hữu và bất tận của chúng luôn luôn là đề tài vạn hóa giữa muôn trùng sanh diệt và bất diệt theo ẩn hiện của dòng đời. Sự ẩn hiện ấy chứa cả bầu trời thong dong của bản thể mà khi cần, nó sẽ ló dạng dưới mọi biến cố lưu tồn dù trong sâu thẳm vô thức. Bình minh về để xua tan mọi khái niệm của các giọt sương còn ngái ngủ trên cành lá, nhưng chính hoàng hôn mới là gã si tình luôn tìm cách níu kéo những bụi mờ yêu thương rác rưởi của bình minh. Và cứ thế, bình minh và hoàng hôn bắt tay nhau, tuy không hội tụ đúng thời, đẩy đưa dòng đời hiện tượng đến đi qua thời gian gian vô cùng và không gian vô hạn.

          Cũng vậy, đêm và ngày xô đẩy nhau nhịp nhàng qua từng  khái niệm sanh diệt khiến cho hoa tàn nguyệt tận trong lận đận truân chuyên. Cứ thế, mộng gối đầu mộng liên tục biến thiên giữa đêm và ngày của trào lưu bất biến. Hương đời rũ xuống một màu tang thương của vô thường hiện khởi. Bao cái đẹp, cái xấu ùa về trên mọi ngõ nghách của sự thể. Hương của hoa hay hương của cát bụi cũng chỉ là mùi hương mà đêm ngày lướt qua cho thêm thi vị, nhưng đêm và ngày chẳng bao giờ có khái niệm nếm ngưởi. Hương vẫn bay. Đêm và ngày vẫn say trong cái say không hề dín dáng đến cảm quan của suy luận. Cái cảm quan của suy luận chỉ là khái niệm phân tích khi mà các giác quan tiếp xúc với dòng đời hiện tượng trên so đo tính toán. Đêm và ngày cứ trôi chảy tự nhiên nên chúng không bào giờ bị giới hạn trong cảm quan suy luận.

          Khái niệm và suy luận chỉ bóp chết sự tuôn chảy mầu nhiệm của dòng đời chứ chúng không hề tô điểm thi vị cho dòng đời. Tuy nhiên, dòng đời là cả một trào lưu tuôn chảy vô hạn nên nó cũng không hề bị khái niệm và suy luận bóp chết trên mặt chân thể. Hoa tàn rồi hoa nở là sự tiếp diễn của một quá trình sanh diệt  bên hiện tượng dòng đời. Trăng đầy rồi lại khuyết cũng chỉ là biến thiên của vạn tượng mà thôi. Bởi vậy, sự sanh diệt, bản chất của nó, vốn dĩ là miên trường hiện hữu. Cái hiện hữu vô bờ của bất tận du dương trong thế giới đầy huyền ảo và mộng mị, nhưng cũng lắm điều kì diệu phô diễn giữa dòng lưu biến mà trên thực tại của chính nó là hiện khởi bất động.

          Chiếc lá cuối cùng vẫn rơi, gió vẫn bay theo bao nhiêu lớp trùng khơi vạn biến. Trên đỉnh cao của sự thế, bàng bạc ê chề của kiếp mộng tan hoang, mọi hiện tượng cứ loang loáng ùa về trong vô thức vĩnh cữu. Hóa ra, cái mà chúng ta thường nắm bắt để tự khẳng định mình đều toàn là hư ảo. Tuy nhiên, sự hư ảo ấy vẫn hòa quyện vào trong từng sát na sanh diệt của hiện tượng. Cũng như chiếc lá, cũng như gió mây v.v, tất cả đều hiện hữu rồi lụi tàn theo dòng chảy bất tận. Con  đường hiện sinh chung tình với cuộc mộng cứ lao xao trong nhảy múa cho bến bờ trăm năm vang vọng khúc khải hoàn sanh diệt. Mọi thứ sẽ bình lặng trôi đi qua từng sát na sinh hoại của sự thế. Đến rồi đi muôn thuở vẫn là điệp khúc du dương của hiện tượng vạn hữu. Nghiêng ngã giữa đời, kẻ lãng du tìm về cố quận trong từng hạt bụi của kiếp người tàn rụi trên bề mặt sanh tử. Mọi kì vọng và thất vọng đều tan chảy theo dòng biến hiện vô biên.

          Trên bề mặt bất tận của kiếp người, những hữu hạn và vô hạn cứ xoắn vào nhau rồi bò lăn bò lốc trong mọi ngỏ nghách biến hiện, nhưng không bao giờ va vấp lẫn nhau. Chúng quyện vào như bao cuộn khói bay nghi ngút trời rồi lan tỏa khắp nơi trong không gian vô tận. Mọi biến động đều tan hoang trong sâu thẳm của khái niệm và nhận định mang đậm tính chất cố hữu. Từ đó, khơi nguồn cho dòng chảy tâm thức tuôn trào ào ạt trong trò đời tùy duyên bất bất biến. Nao nao giữa vạn thiên sanh diệt, còn đó một chút vu vơ của trăm năn vương vấn của khối duyên nghiệp chất chồng. Từng khía cạnh của sầu bi cũng ùa về mơn trớn trong biển sóng tâm tư tương tự như an vui hạnh phúc. Mọi thứ đều hoán đổi lẫn nhau mà chẳng  hề vướng bận hay không. Hoa tàn rồi lại nở, cứ thế, giữa vô biên của muôn trùng, ly hợp tiếp nối như chưa bao giờ ngừng dứt. Cái này tiếp nối cái kia tạo ra một dòng chảy lung linh huyền nhiệm dưới bể đời tan nát rêu phong. Cái huyền nhiệm của sự thể là khi tâm hòa quyện với hiện tượng hay thế giới nội tại và ngoại tại cùng nhau trào lưu biến.

          Con đường của hiện sinh cũng chỉ là phù du. Mọi biến cố phô diễn giữa dòng đời là nền tảng đích thực để chứng minh sự phù du đó. Covid cũng vậy, nó là phù du của ảo ảnh trong cái thế giới gọi là “có sanh ắt có tử”. Nổi buồn và niềm vui, thành công và thất bại cũng chỉ là trò đùa của nhân sinh thế thái. Cía mà nhân loại đang đau khổ và tìm cách diệt trừ đau khổ ấy diễn ra từng giây từng phút hiện hành trong khi các bộ óc khoa học đích đáng lại khoanh tay đứng nhìn đồng loại của chính mình chết dần chết mòn. Hỏi vì sao ư! Duyên và nghiệp, hay nói đúng hơn là các hành động điên rồ của con người đã tạo ra mọi biến cố bất lương để rồi tìm cách hủy diệt nó theo vô vọng hay hy vọng của ý thức. Than ôi, kiếp người là thế, nhân quả tuần hoàn và hương tàn bàn lạnh dù có nổ lực để duy trì, tìm kiếm mọi thứ để trừ khử nhau trên bề mặt hiện sinh.

          Mọi thứ đều đến đi qua từng sát-na sanh diệt. Hiện sinh có đó rồi biến mất đó trên bề mặt hiện tượng của sự thể. Tuy nhiên, trong sâu thẳm nội tại, hiện sinh vẫn chập chờn hoặc xuất hiện đúng mực theo dòng chảy của vô biên sanh diệt. Nghìn trùng dâu bể, sơn hà lụy thế cũng như hoa đốm giữa hư không lúc ẩn lúc hiện. Những sớm mai thức dậy với những hạt sương long lanh trên cành lá hay chiều tà thoi thóp vài ánh tà dương cũng chỉ là hạnh ngộ vô biên của biến thiên sanh diệt. Dù có ru đời trong nốt phím cung thương hay dạo chơi dưới muôn trùng ly hợp thì vẫn là màu nhớ bất tận của biến thiên mà thôi.

          Sự ly hợp và hợp tan luôn luôn là nền tảng bất biến của dòng đời. Tuy chúng có nguyên nhân và kết quả, nhưng thường là ngỏ vắng mơ hồ vì khái niệm của nhân sinh chưa có một bến đổ rỏ rệt. Bến đổ ấy chỉ toàn là ý tưởng lúc trầm lúc bổng trong muôn màu của nhận thức thiếu chuẩn xác. Nhận thức thiếu chuẩn xác có nghĩa là khi nhìn vào một đối tượng, hầu như trí thức nhân loại bị bao nhiêu khái niệm bủa vây không có có lối thoát đích thực. Cú mãi u u minh minh vậy, nên bến bờ của hạnh phúc mà nhân loại càng tìm, nó càng bay xa va xa mãi có khi lại trở thành biến tướng của khổ đau.

          Trời và đất luôn luôn dung hòa, nhưng dùng hòa trong hình thái bản chất sanh diệt, chứ không bao giờ dung hòa trên khái niệm hiện tượng. Ngỏ về của hai lối mộng cũng như giá buốt một thời xót xa hay tiếng hát một đời đã qua cũng chỉ là cát bụi trong vô biên của cát bụi. Sự thể của nhân sinh hôm này mà nói thì là bãi rác lộn xộn hoặc đóng xà bần nhung nhúc những mớ khái niệm vô bổ kéo lê trên lề đời. Hoang tưởng vẫn là hoang tưởng cứ ùa về trong mọi khái niệm mơ hồ của nhân sinh. Tâm cứ biến động trùng khơi để cho mọi thứ bất tận nhảy múa điên cuồng thì hỏi sao để nắm bắt thực thể bất biến? Tuy nhiên, nếu có nắm bắt thực thể bất biến, thì thực thể ấy cũng là hoang tưởng của hoang tưởng. Điều chúng ta cần thấu hiểu là thực thể bất biến ấy là phù du trong dòng chảy của bất phù du. Ôi, lối mộng! Ôi, trăm năm, nghìn năm của thực thể hiện sinh! Cái nào là thực cái nào là giả rồi cũng biến tướng trong ảo tưởng.  Chợt nghe trong thổn thức của hồn hoang, của mộng tưởng một lối đi về bất tận hay suy tư biên kiến hoặc chơn kiến lãng đãng theo ngọn gió vô thường dày xéo trên mảnh đất tâm linh mơ thực hún hút gió tri kiến chơi vơi của nẽo về hoa tàn nguyệt tận.

 



[1] Niêm hoa vi tiếu (zh:拈花微笑, j: nenge-mishō) nghĩa tiếng Việt: cầm hoa mỉm cười đây là một giai thoại thiền, ghi lại sự kiện Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đưa cành hoa lên khai thị, tôn giả Ca Diếp phá nhan mỉm cười. 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2011(Xem: 3315)
Suy cho cùng, kiếp người hay cuộc tu chỉ là những lần ghé lại đâu đó. Nói ở nghĩa nào thì người ta không ai có thể chung thân với một thứ gì miên viễn. Mình không bỏ nó thì nó cũng xa mình. Ta có thể mất nó, vì nhàm chán hay không còn cơ hội nắm níu. Và cái mà ta yêu nhất cũng có nhiều kiểu bỏ ta ở lại mà đi. Hồi xưa bắt chước theo kinh mà nói thì cái gì cũng là bè cỏ qua sông... Giờ có thêm tí tuổi, nhiều lúc nằm ngẫm nghĩ một mình, thấy câu nói ví von đó hay quá chừng, hay đáo để.
14/01/2011(Xem: 3763)
Cách đây hơn một tuần, trong lúc chuẩn bị nấu nước pha trà buổi sáng, tự dưng lòng tôi nhớ quay quắt những chén trà năm xưa tôi đã từng chia sẻ với Thầy Tâm Phương trong những buổi sáng tĩnh lặng tại ngôi chùa nghèo Quảng Đức ở Broadmeadows. Tôi đã vội gọi Thầy Tâm Phương và hết sức may mắn Thầy vẫn còn nhớ tên tôi..dù rằng Thầy đã quên mất giọng nói quen thuộc của tôi rồi! Thầy rất mừng vì nghe được qua một số Phật tử biết cuộc sống của tôi lúc nầy an nhàn lắm. Tôi thưa với Thầy về cuộc đời hưu của tôi mấy năm gần đây cũng như nói với Thầy là tôi thèm vô cùng được cùng Thầy nhâm nhi lại những chén trà xưa!
14/01/2011(Xem: 3324)
Tôi trở về Huế với một tâm trạng nôn nao bồi hồi! Ba mươi năm sau mới nhìn lại Huế thân yêu, nơi đã cho tôi mật ngọt của ngày mới lớn. Phi trường Phú Bài vẫn vậy, vẫn u buồn ảm đạm dù đã trải qua bao tháng năm cũng chẳng rộng lớn gì hơn. Đã thế, tôi đặt chân xuống phi trường khi trời đã về chiều nên quang cảnh càng hiu hắt thê lương.
07/01/2011(Xem: 3528)
Chuyện Tiền thân Bahiya (Jàtaka 420) kể lại rằng : “Thuở xưa, khi vua Bramadatta trị vì ở Ba-la-nai, Bồ-tát là một vị đại thần của triều đình. Có một nữ nhân thôn quê thân thể béo mập, ăn mặc lôi thôi, làm công ăn lương, đang đi ngang qua gần sân của nhà vua, cảm thấy thân bị bức bách ngồi xuống lấy áo đắp che thân, giải toả sự bức bách của thân và nhanh nhẹn đứng dậy”.
06/01/2011(Xem: 6516)
Tôi và chị chưa hề một lần gây thù chuốc oán với nhau. Vậy mà không hiểu sao ngay từ ngày chạm mặt đầu tiên ở trụ sở Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh, bỗng dưng tôi thấy ghét chị thậm tệ. Và nhìn ánh mắt, vầng trán nhăn nhíu, điệu bộ của chị khi đứng gần tôi vào lúc cuộc họp chuẩn bị khai mạc, tôi cảm nhận, thấy biết được chắc chắn rằng chị cũng chẳng ưa gì tôi, có thể là ghét cay ghét đắng tôi, còn hơn cái mức mà tôi ghét chị. Sao kỳ vậy? Đố kỵ tài năng sao? Không phải.
05/01/2011(Xem: 3237)
Tôi sinh ra và trải qua những ngày tuổi thơ ở Huế. Như vậy cũng đủ để tôi tự hào đã chia sẻ cùng Huế với tất cả những thủy chung của lòng mình. Thế rồi, tôi cũng phải xa Huế đã 30 năm, quê hương đó vẫn rạng ngời trong tâm tưởng. Huế dấu yêu ơi! có bao nhiêu điều phải nhớ: thời thơ ấu ấm áp trôi đi, tuổi học trò thần tiên trong ngôi trường màu hồng ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm cùng với dấu chân của những chàng trai thích đón đưa mỗi khi tan trường. Tôi với Huế biết bao tình thương mến, mỗi con đường, mỗi dòng sông, núi đồi, lăng tẩm, thành quách, chùa chiền là của Huế, là của tôi... Mặc dầu phải tất tả trong dòng đời xuôi ngược và biết rằng Huế là xứ sở thật kỳ, ở thì có điều không ưa nhưng đi xa thì lại nhớ, trong tôi vẫn chan chứa nỗi niềm với Huế. Nói như ai đó: "nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ Huế", nỗi nhớ thấm vào máu thịt, sâu lắng vào tâm hồn của những kẻ tha hương lòng vẫn bùi ngùi mỗi khi nhớ đến và chỉ muốn quay về!
04/01/2011(Xem: 4003)
Bạt: Bài viết “Phật giáo, một sự thực tập” dưới đây là bài đầu tiên trong tập hợp năm bài viết đã được phổ biến trên nguyệt san Triết học (Filosofie), 2004-2005. Đây là những tiểu luận về Phật giáo nhìn từ phương Tây, được viết từ bối cảnh của một truyền thống Phật giáo rất mới, được gọi là Phật giáo Tây phương. Tác giả, tiến sĩ Edel Maex là một nhà tâm lý trị liệu làm việc ở bệnh viện Middelheim tại Antwerpen, Bỉ. Ông là một trong những người sáng lập và ở trong ban điều hành của Trường Triết học Tỉ giảo (School voor comparatieve filosofie) ở Antwerpen. Ông là một người thực tập Thiền.
20/12/2010(Xem: 9722)
Không sinh, không diệt. Không đến, không đi. Đó chính là ý nghĩa nền tảng về một tâm xuân miên viễn. Khi chúng ta nhìn sự vật có sinh có diệt, có đến có đi, lòng ta không khỏi sinh ra những luyến lưu tiếc nuối.
14/12/2010(Xem: 2693)
Đất Bắc Ninh xưa gọi là đạo Bắc Giang, rồi đổi ra trấn Kinh Bắc, một miền phong phú về mặt dân ca, cũng là một vùng nổi tiếng về phong quang cẩm tú, về điền địa phì nhiêu...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]