Đầu năm Nhâm Dần tôi đọc bài Tâm Tình này của anh Đỗ thông Minh mà hết sức xúc động. Anh viết rất nhiều. Kiến thức uyên bác, nhưng quả thực tràng giang đại hải. Đọc anh hấp dẫn nhưng rất mệt. Nghe anh cũng rất mệt. Con người biết rất nhiểu nhưng suốt đời con tằm cuống quýt nhả tơ. Sân khấu về khuya, ngọn đèn khi tỏ khi mờ, con tằm mệt mỏi vẫn nhả những sợi tơ mong manh sương khói. Đâu là sợi cuối cùng…Đọc đi các bạn. Dù biết hay không biết anh Thông Minh. Một nhà báo, một tác giả, một học giả, một diễn giả, một người đi kháng chiến, một du học sinh Việt tại Nhật, một người chồng sống nhờ trái Thận của vợ để đi du thuyết năm chân bốn bể.
*
Trái thận của mình đã chết. Trái trận mượn của em cũng hư rồi. Bây giờ nằm một chỗ hỏi rằng em muốn anh làm gì cho em mai sau? Chúng ta ai la người còn có mai sau? Năm 75 khi VNCH cuốn chiếu anh sinh viên Đỗ Thông Minh từ Đông Kinh bay về Cali đi tìm ông Hoàng Cơ Minh và ông Phạm Văn Liễu . Từ đó mở ra con đường Kháng chỉến hay là chết. Nhưng khi ông số 1 và ông số 2 tan hàng sinh viên Đỗ Thông Minh trở thành diễn giả đi thuyết trình về Con Đường Dân Chủ. Nhân danh một người yêu nước anh mở cuộc chiến một mình. Con đường Dân chủ của riêng anh. Phía trước không có ai, phía sau cũng không có ai theo. Khi Thông Minh nghỉ cuộc chơi. Ai sẽ làm gì cho vợ con mai sau. Ai sẽ làm gì cho đất nước mai sau…Thấy người mà nghĩ đến ta… Đọc đi các bạn… Giao Chỉ, San Jose.
Lời Ngỏ coi như cuối cùng “Tạp Ghi Cuối” của Đỗ Thông Minh viết từ Nhật Bản
Kính gửi quý đồng hương,
Cùng quý đồng hương,
Nếu không kể khi còn học trung học, chúng tôi phụ trách làm “bích báo” tên Trùng Dương của lớp, viết tay trên tờ giấy dày lớn treo tường (bích báo). Chúng tôi chính thức cầm bút từ năm 1970, đúng ra là tập thu thập tin tức, sắp xếp ý tưởng cho bài phóng sự sinh hoạt và đánh máy chữ “Brother” (có dấu tếng Việt mà sau năm 1975 mới biết là do Nhật sản xuất) chỉ ít ngày sau khi bước chân tới đất Nhật năm 20 tuổi tới nay là do những thôi thúc từ cái nhìn của 1 thanh niên trẻ về đất nước xa lạ và nhất là về tập thể sinh viên của chúng tôi mà nghĩ tới tương lại dân tộc, đất nướcViệt Nam.
Sau năm 1975, chúng tôi thấy TT CSVN Phạm Văn Đồng tự cao tuyên bố cắm ngọn cờ XHCN trên toàn cõi VN nên chúng tôi để tâm nghiên cứu chủ thuyết. Năm 1977, chủ thuyết “Việt Đạo Nhân Bản” khoảng 100 trang B5 chữ nhỏ do chúng tôi chủ biên ra đời. Chính chúng tôi cũng không ngờ, không hẳn là đắn đo chọn lựa sẽ làm gì ngay từ đầu, mà tình thế đưa đẩy và đầu óc bị cuốn hút vào những chuyện Việt Nam, hành động qua công việc viết và phổ biến, rồi cứ thế mà đi, đi mãi trên 1 con đường…
Khi bắt đầu khôn lớn biết suy xét và biết mình nên làm gì cho đất nước.Một khi đã đi thì như bị cuốn hút, say mê, miệt mài hơn cả lo nghĩ đến cái riêng của chính mình. Trong khi học đại học, cũng như sau khi tốt nghiệp, không thiết tha kiếm việc làm, mà coi việc đi làm đều đặn hàng ngày là chôn chân, không thể có thi giờ học và làm theo lý tưởng… Nhất là thấy việc biên soạn đem lại ít nhiều hiệu quả, lòng thấy hạnh phúc, không bao giờ muốn rời ra nữa. Như “Bảng Thường Dụng Hán Tự”, mất có 10 tháng mà có lẽ hơn 600.000 người dùng tại VN trong hơn 30 năm qua, thì dù không thu đồng nào cũng thấy vui.
Hơn 52 năm rồi, bây giờ khó mà tìm ra những bài viết đơn sơ ngày ấy, thôi đành gởi tạm những tâm tình ngày nay. Dù chưa biết viết gì, không giống những sách trước, chọn chủ đề rồi thu thập tài liệu, viết 1 loạt, hết cuốn này sang cuốn khác nên mới gọi là “tạp ghi”, nghĩa là nhớ gì viết nấy. Tất nhiên vẫn là chuyện con nguời, chuyện dân tộc, quê hương đất nước, nhưng các chủ đề chính hầu như đã viết qua khoảng 35 đầu sách rồi, nên chưa định viết gì, chỉ mơ hồ nghĩ là tản mạn của 1 kinh nghiệm sống và đấu tranh hết mình hơn 52 năm qua. Giờ đây có thể là những tản mạn không định trước, nhưng chắc hẳn là gần với thời thế hơn những bài đã viết ra hơn 52 năm trước nhưng 1 điều không thể tránh khỏi là chậm chạp, mắt mờ và thường chỉ đánh bằng 2 ngón tay. Chúng tôi vẫn quen với lối viết nhẹ nhàng, bao biện, súc tích, đôi khi chi li, cặn kẽ, khiến người đọc dễ cảm nhận, ít phải bận tâm, thắc mắc gì thêm nữa.
Đơn giản có thể nói là chúng tôi trước hết chú tâm học cho mình rồi gạn lọc, ghi lại để cùng chia sẻ với mọi người. Nếu chúng ta có cùng 1 số điểm chung chính về dân tộc và quê hương thì đó là chất keo đoàn kết. Nên viết rồi và dù tôi có qua đời rồi, xong 1 kiếp người bình thường như mọi người nhưng mãn nguyện kiếp mình. Không góp gì tài chính đáng kể nào cho gia đình và xã hội, nhưng di sản nếu có là tích lũy những kinh nghiệm và biên soạn gửi cho các thế hệ sau. Giúp thế hệ sau thu học mau hơn, là giúp dân tộc tiến bộ nhanh hơn cho kịp với trào lưu chung của thế giới.
Trong hơn 52 năm sinh hoạt, chúng tôi đã có dịp giao tiếp với nhiều thân hữu thuộc nhiều giới khác nhau như truyền thông (có lẽ đã đặt chân tới phòng thâu của các đài quốc tế có chương trình tiếng Việt và khoảng 3/4 các phòng thâu VN khác), hội đoàn, nghệ sĩ (đã tổ chức 7-8 lần đại hội văn nghệ tại Nhật Bản và Hoa Kỳ, đặc biệt là “Vân Sơn In Tokyo” DVD số 29, năm 2004 với 1.200 khán giả và khoảng 400 khán giả phải ra về vì không còn chỗ vào, hay đưa 2 nghệ sĩ Nhật, 1nam, 1 nữ, qua Hoa Kỳ trình diễn đàn trưng tức đàn trúc và đàn nhị tại Little Saigon và San Jose giao lưu với nghệ sĩ VN.) và hàng trăm buổi nói chuyện bỏ túi tại nhà các thân hữu…
Trong gần 20 năm qua, chúng tôi đã có trên 200 chuyến hướng dẫn đồng hương khắp nơi trên thế giới du lịch Nhật Bản. Và từ năm 2002, đi nói chuyện 216 lần khắp nơi trên thế giới cũng đãgặp gỡ rất nhiều đồng hương. Theo đó, nhiều sách của chúng tôi đã được giới thiệu đến đồnghương…Ngoài ra, chúng tôi cũng đã sinh hoạt trên diễn đàn Paltalk khoảng 20 năm, có hàng trăm buổi làm diễn giả, nói về tiếng Việt, tình hình VN và thế giới…
Quý đồng hương thấy tấm hình này có gì lạ không? Có lẽ không ở đâu có trang trí như vậy? Thưa đây là 1 tấm hình đặc biệt chụp nhân khi đài NHK (với khoảng 10.000 nhân viên, ngân sách khoảng 7 tỷ đô-la Mỹ là tiền thu của người xem nên không có quảng cáo) đến cửa tiệm Mekong Center của chúng tôi làm phóng sự Tết ngày 14/1/2005 (?).
Đây là chương trình định kỳ đặc biệt hàng ngày của đài sau phần tin tức buổi trưa khoảng 20 phút, nên cũng được coi là giờ vàng. Thường là phóng sự khắp nước Nhật, thu phát trực tiếp toàn quốc dài khoảng 23 phút nên được chuẩn bị rất công phu. Nhóm thực hiện đã đến nói chuyện với chúng tôi khoảng 5 lần, có cả 1 lần tổng dượt.
Hôm thu và phát hình, có cả 1 xe tiếp vận với ra da chuyển về đài chính để phát đi lập tức. Một máy thu hình đặt trên nóc 1 chung cư đối điện, và 1 máy thu hình đi sát chúng tôi. Vì là ngày gần Tết, họ mua cả 1 cây mai Nhật đem tới, phần chúng tôi lo trang trí bàn thờ Tết kết hợp Việt-Nhật. Như trong hình, ở giữa là Bánh Dày tròn (tượng trưng Mặt Trời, người Nhật chỉ thờ Mặt Trời mà không thờ Quả Đất) và trang trí kiểu Thần Đạo, 2 bên là Bánh Chưng vuông (tượng trưng cho Đất, Bắc Bộ) và Bánh Tét (Nam Bộ). Vì không khí Tết Việt-Nhật và nhớ lại câu chuyện Lang Liêu thời Vua Hùng Vương thứ 6 đã dâng Vua cha Bánh Chưng và Bánh Dày, tượng trưng cho Trời-Đất, ý chỉ người hiểu được đạo lớn của Trời-Đất nên được Vua cha truyền ngôi cho. Câu chuyện ý nghĩa như vậy nhưng nay hầu hết người Việt đón Tết chỉ trang trí Bánh Trưng hay Bánh Tét mà không có Bánh Dày. Ở đây trên đất Nhật, chúng tôi đã trang trí phối hợp, cũng là dựa theo câu chuyện cổ tích nổi tiếng của dân tộc Việt vậy…
Như ngay lúc này đang nằm bệnh viện lọc máu thì đánh máy bằng 1 ngón tay (vì 1 tay bị châm 2 kim lọc máu thì hầu như không nhúc nhích được), khi về nhà thì dùng 2 ngón! Một tuần cứ 3 lần đi lọc máu 4 tiếng rưỡi, coi như quãng thời gian không làm việc gì thì bắt buộc làm việc thông thường là vẫn đọc, nghe tin, textchat và biên soạn được, nhưng không nói được vì làm ồn chung quanh.
Chúng tôi cũng xin thú thực không biết viết ra những “lời cuối” lúc này là sớm hay trễ, vì không biết sẽ ra đi lúc nào? Chỉ tự cảm nhận sức khỏe có vấn đề, bệnh tình hiện tạm ổn, nhưng không biết phát nặng lúc nào nên cứ viết cho chắc.
Bệnh tình làm chúng tôi như bị chôn chân tại chỗ, không còn tung tăng khắp nơi như trước, có thế mới thấy quý 30 năm ghép thận thành công (1990-2020) cho tôi sức khỏe hoạt động cho đến khi quả thận ghép vào không còn hoạt động nữa, phải đi lọc máu trở lại. Thân xác không thể rời xa bệnh viện ở Tokyo, nhưng lòng vẫn nhớ những chuyến đi xa, nhớ thân hữu khắp nơi.
Cuối năm 2019, chúng tôi trở về Nhật Bản sau lần Mỹ Du thứ 45, không ngờ đó là lần cuối, nên vẫn hẹn sớm trở lại mà giờ mới biết là vô vọng, mà vẫn mong vì chưa kịp chào tạm biệt ai! Với 45 lần đi vòng HK, thời gian tổng cộng khoảng 6-7 năm sinh hoạt tại đây, bây giờ không đi được nữa thì nhớ lắm, tiếc lắm!
Năm 1975, chúng tôi bắt đầu làm nguyệt san Người Việt Tự Do. Năm 1978, sau lần đi HK đầu tiên, khoảng năm 1979, tôi được cử qua HK làm nguyệt san Người Việt Tư Do ấn bản Bắc Mỹ cho tới năm 1982. Năm 1982, cả Ban Biên Tập Người Việt Tự Do đổi qua làm nguyệt san Kháng Chiến, tôi làm Chủ Bút. Nhưng chỉ khoảng 10 tháng sau thì tranh chấp giữa ông số 1 và ông số 2 ngày càng trầm trọng, tôi chán nản trở về Nhật. Cuối năm 1984 tranh chấp trở thành công khai với 2 Đại Hội ở Bắc và Nam Cali trong buổi sáng và chiều cùng ngày.
Đầu năm 1985, khi ông Hoàng Cơ Minh từ HK ghé Nhật Bản trên đường về Thái Lan, trong buổi họp Xứ Bộ Nhật Bản, tôi đã công khai xin rút lui khỏi Mặt Trận. Khi đó tôi đã bắt đầu đi làm thông dịch cho trại xúc tiến định cư người Việt tại Nhật tên Kokusai Kyuen Center (Trung Tâm Cứu Viện Quốc Tế) và kéo dài được khoảng 5 năm. Không ai chọn nơi ra đời, nhưng chắc chắn rất nhiều người quyến luyến, thiết tha như trong tiềm thức luôn bị réo gọi từ nơi mình ra đời, từ xuất phát điểm ngày nào.
Chúng tôi từ khi rời vòng tay ba mẹ, rời VN đi du học Nhật Bản, suy tư còn non nớt nhưng đã quyết chọn làm cái gì đó đền ơn tổ tiên, dân tộc, cha mẹ. Chúng tôi đã chọn con đường đấu tranh cho dân tộc, mà không mang quốc tịch bản xứ, không màng tìm nơi dung thân sung túc, không màng nghề nghiệp, không màng nhà, không màng xe, không vướng bận gì ngoài chuyện VN. Cứ thế, kiên trì, lầm lũi, cứ thế đi cho tới nay.
Chúng tôi hầu như tay trắng, không lái xe, thế mà có thể đi khắp nơi bất cứ lúc nào cảm thấy cần là nhờ có sự giúp đỡ của đồng hương, cái nếu gọi là có chỉ là “tấm lòng”, quyết chí đi chia sẻ tâm tư với đồng hương và nhất là biên soạn thành sách để bảo tồn và phổ biến rộng tới các thế hệ sau. Tóm lại là để lại 1 cái gì đó như 1 nhân vật đại gia nổi tiếng ngành hàng hải Nhật Bản là ông Sasakawa Ryoichi (笹川良一, Thế Xuyên Lương Nhất, 1899-1995) đã nói: “Nokoshiteagetai.” (残してあげたい = Muốn để lại.).
Chúng tôi trước làm hướng dẫn du lịch cũng được gần 20 năm, nay vẫn làm tin cho các đài, bán sách và được ủng hộ nên cũng lo tạm được.
Chúng tôi có 1 trai 2 gái, đều đã lập gia đình, có 1 cháu nội và 3 cháu ngoại, tất cả đều khỏe mạnh, cuộc sống ổn định. Chúng tôi xin mạo muội chia sẻ “tạp ghi cuối” vì tuổi đã cao, sức đã yếu và rất mong có được sự cảm nhận đồng tình và nhiệt tình ủng hộ của quý đồng hương cả ở trong và ngoài nước. Năm 2002, tình cờ được mời đóng phim với ban ca nhạc trẻ nổi tiếng 5 người, có tên “ピカ☆ンチLIFE IS HARDだけどHAPPY” (Cuộc Đời Cực Mà Vui hay Tuổi Xuân Tuyệt Vời). Phim nói về 5 cuộc sống khác nhau của 5 ca sĩ. Tôi khi đó đóng vai làm việc tại 1 quán nhậu Nhật, mặc quần áo“Ninja” (Nhẫn Giả) chụp với vai chủ tiệm là ông Tayama Ryosei và đóng vai cùng “bà xã” dạy 1 trong 5 ca sĩ là anh Matsumoto làm gỏi cuốn để Tham dự 1 lễ hội Nhật… Sau khi đóng xong, chúng tôi được mời đi xem buổi chiếu thử, đã 20 năm, tôi không còn nhớ gì nhiều, vì cũng không có bản lưu. Ngày 6/12/2021, cô Y Tá nơi tôi lọc máu đem điện thoại cầm tay đến hỏi phải tôi đóng trong phim này không? Tôi coi mới dần nhớ lại. Cô đã chuyển cho tôi mấy tấm hình chụp khi đó và mấy trích đoạn phim…
Ngày 29/12/2021 và 10/1/2022, phim này được chiếu lại trên BS191 WOWOWプライム. Trong thời gian này, 2 vợ chồng tôi mở tiệm tạp hóa Mekong (lâu lâu tôi đi làm hướng dẫn du lịch), được khoảng hơn 20 năm thì đóng vì không còn ai mua sách và nhạc nữa. Tiệm Mekong phát hành bản tin nguyệt san Mekong, đươc 118 số, sau đó ngưng vì tốn tiền in và cước quá, chịu không nổi (báo bên đây hầu như không có quảng cáo như bên HK, Úc) trước khi đóng cửa tiệm Mekong vào khoảng năm 2014. Tiệm cũng ít khách vì khi đó người Việt định cư tại Nhật còn rất ít (cả nước nhật chỉ có khoảng 15.000 tỵ nạn địng cư và sau thêm khoảng 15.000 đoàn tụ, sau này có du học sinh và đi lao động, tăng vọt trong mấy năm gần đây lên khoảng 400.000 người), tôi càng dồn sức biên soạn và đi nói chuyện, chính thức là từ năm 2002.
Kết cục tôi không có nghề tay phải như ngành học Hóa Học Hữu Cơ, chỉ toàn nghề tai trái theo ý thích, nên có nhiều thì giờ đi theo lý tưởng cho tới nay.Với vợ tôi, tôi về thăm VN năm 1973, gặp nàng hàng xóm làng giếng, chí cách nhau khoảng 20 mét, băng qua 1 con đường. Khi chúng tôi trở về Nhật thì viết thư, cuộc tình hàm thụ khoảng 1 năm thì nàng bằng lòng. Đầu năm 1975, tôi về làm đám cưới, đúng hôm 10/3, CS tấn công Ban Mê Thuột. Tới ngày 11/3, thì dân Sài Gòn mới biết tin Ban Mê Thuột đã thất thủ. Vợ tôi khi đó tốt nghiệp Cử Nhân Luật, đang là Lục Sự tại Tòa Án Sài Gòn. Tôi về thì thì giờ rảnh lo đi chào 2 họ, đi gửi thiệp cưới, rồi lại đi chia tay, bận suốt. Chúng tôi đang lo thủ tục xin đoàn tụ tại Nhật thì ngày 28/4, phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích, ngày 304, Sài Gòn sụp đổ. Sau 2 lần vượt biên chui thất bại, tới giữa năm 1982, nàng mới qua được Nhật. Vợ tôi không viết sách nhưng đọc tiểu thuyết rất nhiều, nên chữ nghĩa trong sáng, đã giúp tôi hiệu đính hầu hết các sách tôi biên soạn.
Khi về già, gần cuối năm 2021, 1 hôm tôi hỏi vợ, mình ở với nhau không còn bao lâu nữa, em thích cái gì anh sẽ ráng chiều. Vợ tôi nói không cầu gì, chỉ mong có 1 số tiền nhỏ dưỡng già và chữa bệnh già vì không muốn nương nhờ con, chúng nó phải lo gia đình riêng… Vợ tôi xưa nay lo việc nhà, chăm sóc 3 con, không có cao vọng nào ngoài mong 1 cuộc sống đơn giản, yên bình.
Ngày 16/11/2021, tôi nhờ 1 nhân viên của công ty sửa máy điện toán đến lấy dự kiện từ trong 2 máy Mac đã cũ trên 15, 20 năm không còn khởi động được nữa (trước đây tôi thường dùng máy Mac vì máy này có khả năng dùng đa ngôn ngữ, nay thì máy Window cũng dùng được đa ngôn ngữ nên tôi đổi qua dùng Window cho tiện trao đổi hơn) để cứu bộ sách “Nhật Bản Dưới Mắt Người Việt” bộ 4 cuốn khoảng 2.000 trang…
Ngày 28/11, nhân viên đến cho biết dữ kiện trong 1 máy Mac lấy ra được còn 1 máy thì không. Nhưng là các tập tin trên Mac quá cũ nên máy Mac bây giờ có dùng được không, cũng chưa biết có đổi được ra Window hay không!
Nhân tiện tôi nhờ xem giùm cái máy laptop hiệu Toshiba của tôi mua đã 6-7 năm trước. Máy ghi lại số lần tôi sử dụng là hơn 20.000 lần, trong khi độ bền của máy cho phép sử dụng tối đa khoảng 26.000 lần. Đây là máy Toshiba thứ 2 của tôi trong tổng số khoảng 10 máy điện toán đã dùng trong khoảng 40 năm qua, như vậy nó cũng già yếu như tôi rồi. Khi còn mới mỗi lần khởi động chỉ tốn độ chưa tới 1 phút, nay tốn tới 5-7 phút, chập chờn có khi phải khởi động 2, 3 lần mới được, vậy là nó cũng sắp hư hỏng đến nơi rồi, coi như cũng vừa với giai đoạn biên soạn cuối này!
Không chỉ người yếu mà cái máy laptop Toshiba mua dùng suốt cả ngày 6-7 năm qua cũng đã rệu rạo lắm rồi, trục trặc liên tục, bộ nhớ cũng sắp đầy. Ôm máy cũ thì cũng vất vả với máy, mà mua cái mới thì sợ không dùng nhiều nữa…
Quý đồng hương có thể tưởng tượng nhà Nhật chật như thế nào không? Tôi muốn chụp các sách đã xuất bản, tương đương 60 cuốn 532 trang, bằng 1 sải tay mà không có chỗ bầy ra để chụp!
Các bài đều nặng về biên khảo nên có 1 số trích dẫn từ các tài liệu trên Internet. Có rất nhiều bài tác giả đã xin phép trích dẫn, nếu có vị nào chúng tôi không liên lạc được để xin phép và không đồng ý đăng xin báo cho biết, chúng tôi sẽ lấy xuống.
Trong các cuốn sách đều có rất nhiều links, để quý độc giả có thề truy nguồn gốc và tìm hiểu thêm. Mỗi link trung bình dài gấp 5-20 lần phần được đưa vào sách, nên tất cả là khoảng 30.000 trang sách, nhưng nếu xem hết các links thì thành khoảng 300.000 trang sách.
Với mục đích phổ biến càng rộng càng tốt như gieo những hạt mần làm nền tảng góp phần xây dựng tư duy VN, chúng tôi thiển nghĩ mỗi tổ chức người Việt, các thư viện, các cơ quan truyền thông, các nhà nghiên cứu… nên có 1 bộ “Con Đường Dân Chủ” gồm: 22 + 8 cuốn Phụ Lục + 1 cuốn “Tạp Ghi Cuối” là 31 cuốn, giá khoảng 750 đô-la Mỹ (giá in digital và cước trong HK là hơn 400 đô-la Mỹ, nếu in theo lối cổ điển bằng plate thì giá khoảng 250 đô-la Mỹ, nhưng số lượng phải là 1.000 thì không có tiền và không có chỗ để! Xin để lại với quý đồng hương giá yểm trợ và ủng hộ tượng trưng bớt 25% trong các đợt tổng in, còn 560 đô-la Mỹ, kể cả cước nặng khoảng 20 kg. Hay bộ bao quát thêm hơn 20 cuốn khác là khoảng 1.000 đô-la Mỹ (gồm bộ “Con Đường Dân Chủ” 31 cuốn và khoảng 20 cuốn khác. Trong thời gian qua, chúng tôi đ ã tặng 1 số thư viện, cơ quan truyền thông và nhà đấu tranh bộ sách 15 cuốn “Con Đường Dân Chủ”…Các thế hệ sẽ lần lượt qua đi, nhưng dòng sống của dân tộc vẫn trôi chảy theo thời gian với đầy những thách thức… hãy cùng nhau chung lòng giải quyết.
Xin kính chào tạm biệt. Tác giả cẩn bút. Tokyo, 2022
Đỗ Thông Minh
Học giả Đỗ Thông Minh ra mắt sách và lịch Canh Tý 2020 ‘Văn Hóa-Đấu Tranh’
Văn Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Từ 2 giờ đến 5 giờ chiều Thứ Bảy, 24 Tháng Tám, học giả Đỗ Thông Minh từ Nhật sang, sẽ có buổi ra mắt ba cuốn sách, và giới thiệu dự án lịch Canh Tý 2020 với chủ đề “Văn Hóa-Đấu Tranh” tại Thư Viện Việt Nam, 10872 Westminster Ave., Garden Grove, CA 92843.
Ba tác phẩm được ra mắt là “Trung Quốc Thách Thức Thế Giới,” “Những Cuộc Chiến Bí Mật,” và “Đối Đầu Đánh Đổ Chủ Nghĩa Cộng Sản.”
Một ấn phẩm thật đặc biệt cũng sẽ được giới thiệu trong buổi ra mắt sách của học giả Đỗ Thông Minh, đó là dự án lịch năm nay, Canh Tý 2020, chủ đề “Vận Mệnh-Cách Mạng,” với nội dung độc đáo về văn hóa và đấu tranh. Lịch bloc 365 tờ hằng ngày này như một nhắc nhở chúng ta không vô cảm, không thờ ơ với vận mạng dân tộc đất nước, để sẵn sàng dấn thân, tiến lên.
Như con thoi đều đặn, học giả Đỗ Thông Minh từ năm 2002 đến nay đã có hơn 200 buổi nói chuyện trực tiếp ở khắp nơi trên thế giới về nhiều đề tài liên quan văn hóa, xã hội, chính trị, với những phân tích sâu sắc. Và đây là chuyến trở lại California lần thứ 45 để trình bày những điểm đặc sắc về văn hóa, trong đó có bộ sách đồ sộ 20 cuốn là “Con Đường Dân Chủ-Bản Án Chế Độ Cộng Sản,” “Thân Phận: Năm Điều Tâm Cảm-Mười Điều Tự Vấn,” và “Tâm Thức Việt-Ước Mơ 2030,” tổng cộng trên 10,000 trang.
Trong cuốn “Trung Quốc Thách Thức Thế Giới,” tác giả nhận định Trung Quốc và Việt Nam sẽ đi về đâu khi nước Tàu đầy tham vọng, ngày càng lấn át, gây xáo trộn tình hình không những ở vùng Đông Á mà còn khắp thế giới, và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam.
Cuốn sách cũng phân tích nước Tàu lớn mạnh về kinh tế, quân sự, kỹ thuật, đặc biệt là lối làm ăn thương mại của nước Tàu, trong đó có phân tích sự tương quan lực lượng giữa các bên Trung Quốc và Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ, phân tích mục tiêu của Tàu trong tương lai khi Việt Nam là nước nhỏ.
Cuốn sách còn phân tích tương quan lực luợng giữa Tàu và Mỹ là hai nước chủ chốt, có thể chúng ta sẽ chứng kiến hai giấc mơ lớn trên thế giới đụng nhau, đó là “Make American Great Again” của Tổng Thống Donald Trump và “Made in China” của Chủ Tịch Tập Cận Bình. Độc giả sẽ thấy nước Tàu hôm nay đặc biệt rất giống Nhật Bản, vì bành trướng quá mạnh, đụng độ khắp nơi nên Nhật bị thua thê thảm sau Thế Chiến Thứ 2, đó là sự sụp đổ từ bên ngoài. Nhưng Tàu hiện nay là nước Cộng Sản, có nguy cơ sụp đổ từ bên trong do chính họ gây ra, đó là sự dối trá và bạo lực, giống như Liên Xô thời 1991. Cuốn sách cho thấy đây là thời cơ của chúng ta, phải biết nuôi dưỡng tiềm năng, theo trào lưu thế giới để có lợi thế cho Việt Nam.
Mẫu của tờ lịch bloc năm Canh Tý 2020. (Hình: Đỗ Thông Minh cung cấp)
Cuốn sách thứ hai, “Những Cuộc Chiến Bí Mật,” chiến tranh Việt Nam với sự can dự của Mỹ, Liên Xô, Tàu. Ngoài cuộc chiến quy ước với bom đạn có những cuộc chiến âm thầm hơn, đó là an ninh và tình báo. Mặt trận này ít được nói tới, hiện nay cuộc chiến đã qua, có những hồi ký về an ninh tình báo, những nhân vật nổi bật, thành tích như thế nào? Phải nghe để đối chiếu từ nhiều hướng, đánh giá cho đúng sự thật, khi có những thông tin “dặm mắm thêm muối.”
Trong sách này nói đến cơ cấu tình báo an ninh của hai miền Nam, Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ, với một số nhân vật cụ thể như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn ở miền Bắc, và chiến dịch Phượng Hoàng, Biệt Đội Thiên Nga ở miền Nam, phong trào phản chiến, những nhân vật “nằm vùng.”
Còn quyển thứ ba, “Đối Đầu Đánh Đổ Chủ Nghĩa Cộng Sản,” tác giả phân tích từ chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa biện chứng, đấu tranh giai cấp, và bạo lực cách mạng, cho thấy những cái sai, đúng của Marx và Lenin như thế nào. Đặc biệt ở phần hai cuốn sách nói về cuộc đấu tranh ngày nay không cần súng đạn.
Đó là biểu tình, với nhiều ký sự về biểu tình, ở Việt Nam thời Trung Kỳ dân biến 1908 chống sưu cao thuế nặng, rồi đến biểu tình ở Thiên An Môn, Hồng Kông, đặc biệt là biểu tình phản chiến tại Nhật Bản. Mỗi nơi có nét đặc thù riêng, trong cuộc đấu tranh đường dài tại Việt Nam, chúng ta có thể rút được nhiều kinh nghiệm từ những cuộc biểu tình đó.
Về dự án ra mắt lịch Canh Tý 2020, tác giả cho biết số người đến nghe những buổi nói chuyện thường là những vị lớn tuổi, hoặc có quan hệ sâu đậm với miền Nam ngày xưa, còn giới trẻ và đại đa số quần chúng có lẽ còn ít, vì thế ông nghĩ sẽ tiếp tục cuộc nói chuyện với mọi người qua tờ lịch.
Người Việt theo thông lệ, hay mua lịch để coi ngày trong năm. Trong tờ lịch thường có phần bói toán, nói rất nhiều nhưng thực hư có lẽ chẳng ai hiểu được bao nhiêu. Do đó tác giả thay phần bói toán bằng những tư liệu trong hai lãnh vực là văn hóa và đấu tranh cách mạng.
Về lịch năm mới, Xuân Canh Tý 2020 là lịch bloc hằng ngày 365 tờ trong năm, với hai hình thức treo tường và để bàn.
Trong những tờ lịch ngày lẻ, là những nội dung về văn hóa, như duy tâm hay duy vật theo quan niệm Đông Phương, nêu lên những vấn đề cốt lõi của văn hóa Việt là “Chủ đạo Việt,” “Văn minh,” “Văn hóa,” “Văn hiến,” “Văn vật.” Trong tờ lịch cũng ghi những câu nói ngớ ngẩn nhất của lãnh đạo đảng CSVN, hoặc 365 tờ lịch tố cáo tội ác của đảng CSVN, hoặc một số câu phê bình chủ nghĩa Cộng Sản, 365 “câu hỏi tại sao?” Và những câu nói của danh nhân thế giới nói về chủ nghĩa Cộng Sản.
Hình bìa sách “Trung Quốc Thách Thức Thế Giới” của tác giả Đỗ Thông Minh. (Hình: Đỗ Thông Minh cung cấp)
Trong những tờ lịch ngày chẵn, là những nội dung về đấu tranh, cách mạng, giải thích từ ngữ, với những câu chủ đạo “Muốn chỉ huy phải tự thắng”, “Muốn cách mệnh phải làm cách mệnh,” kèm theo nhiều hình ảnh đấu tranh của người lao động đòi hỏi dân chủ, những hình ảnh đàn áp của đảng CSVN.
Tác giả giải thích: “Trong quyển lịch, về chủ đề vận mệnh có những đề tài chính, nói về vũ trụ quan, chiếu rọi lại cá nhân mình là nhân sinh quan. Chúng ta sinh ra đời như thế nào, sống làm sao, với những quan niệm tích cực, nhất là trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam, cần phải nhìn rõ và nỗ lực để thay đổi vận mệnh đất nước chúng ta. Đó là ‘Việt tính’ và ‘Việt hồn’ của ‘Chủ đạo Việt.’ Khi hiểu được chính bản sắc của người Việt Nam, mọi người sẽ dựa trên đó mà đi, chứ không vẽ ra một người Việt Nam tiêu cực hay tích cực, phải nhận chân ra con người mình như thế nào trước khi hành động.”
Trong tờ lịch ngày chẵn, sẽ nói về từng thời đại cách mạng, từ cách mạng Pháp, đến cuộc đấu tranh giành độc lập của nước Mỹ, rồi đến cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 của Tôn Văn, cách mạng vô sản 1917 tại Nga, cho đến Việt Nam từ thời quân chủ đến dân chủ, giữa miền Nam theo thể chế dân chủ, đến miền Bắc theo chủ nghĩa Cộng Sản. Tất cả có ảnh hưởng đến đất nước như thế nào, để ngày hôm nay bị chủ nghĩa Cộng Sản chi phối hoàn toàn. Vậy đảng Cộng Sản làm được những gì, có công trạng gì? Nếu muốn có thực sự tự do dân chủ cho đất nước, chúng ta phải làm gì?…
Tổng cộng 365 tờ lịch, với nội dung trình bày, tương đương với 200 trang sách. Đây là cuốn lịch đầu tiên sẽ ra mắt đồng hương vào đầu năm nay, Canh Tý 2020. Ngoài việc coi ngày tháng, quyển lịch còn có giá trị làm quà tặng đầu năm mới.
Lịch có thể treo tường hoặc gấp lại để bàn đều được. Vì được in theo yêu cầu riêng cho từng năm, nên giá bán lẻ tượng trưng là $10/quyển. Các hội đoàn, đoàn thể, trường học, các cơ sở thương mại và tôn giáo nếu in từ 200 quyển trở lên, có thể được in tên hay logo riêng của mình lên lịch với giá đặc biệt. Xin liên lạc trước, hạn chót là trước Tháng Chín, 2019.
Mọi liên lạc, xin gửi về Đỗ Thông Minh qua số điện thoại 81-3-3799-1763 (Nhật), 1 (657) 263-6001 (Hoa Kỳ, gọi đến hết Tháng Chín, 2019), email: [email protected]. Văn Lan
Phỏng vấn nhà biên khảo Đỗ Thông Minh đến từ Nhật Bản
THANH PHONG thực hiện
LITTLE SAIGON - Nhân chuyến Mỹ Du lần thứ 45, nhà biên khảo Đỗ Thông Minh sẽ ra mắt ba tác phẩm: Những Cuộc Chiến Bí Mật Trong Chiến Tranh Việt Nam, Trung Quốc Thách Thức Thế Giới, Đối Đầu và Đánh Đổ Chủ Nghĩa Cộng Sản, và giới thiệu cuốn lịch bóc Canh Tý “Văn Hóa, Đấu Tranh” chủ đề “Vận Mệnh - Cách Mệnh.” Nhật báo Viễn Đông đã có buổi phỏng vấn ông về nội dung các tác phẩm trên.
Trước khi vào phần phỏng vấn, chúng tôi xin tóm tắt tiểu sử của tác giả: Ông Đỗ Thông Minh sinh năm 1950 tại Nam Định, cựu học sinh Trung Học Chu Văn An Saigon. Năm 1970 du học Nhật Bản. Học Nhật ngữ tại trường Quốc Tế Học Hữu Hội (Kokusai Gakuyu Kai) Tokyo. Năm 1971-1975 nhập học và tốt nghiệp Đại Học Meisei ban Hóa Học Hữu Cơ. Từ năm 1970 đến nay, ông tham gia rất nhiều sinh hoạt thuộc các lãnh vực văn hóa giáo dục, chính trị, xã hội; tác giả hàng trăm bài báo và bài biên khảo gửi cho nhiều tờ báo Việt ngữ khắp thế giới, cộng tác với đài Little Saigon Radio, BBC, VOA, RFI (Pháp), RFA (Hoa Kỳ), SBS (Úc), Radio Bolsa, Radio San Jose, Đài Tiếng Nói VN Hải Ngoại. Ông đã đi diễn thuyết qua các nước Canada, Thái Lan, Đài Loan, Úc, Pháp, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Monaco, Mễ Tây Cơ, Nam Hàn, Tân Gia Ba và về Việt Nam hai lần năm 1973 và đầu 1975. Ông được giới thiệu trong Vẻ Vang Dân Việt, tập 2 năm 1993/96. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của chúng tôi: Viễn Đông: Xin ông cho biết, các tác phẩm mà ông sắp ra mắt đồng hương tại Nam Cali được viết vào thời điểm nào? Đỗ Thông Minh: Tài liệu thì có một số tôi viết trước đây nhưng xuất bản thì mới trong năm 2019.
VĐ: Trong cuốn Những Cuộc Chiến Bí Mật Trong Chiến Tranh VN, xin ông cho biết những cuộc chiến bí mật, cụ thể là những cuộc chiến gì? ĐTM: Cuộc chiến bí mật là cuộc chiến đối đầu với cuộc chiến công khai bằng bom đạn mà hầu hết những trận đánh lớn chúng ta đều thấy khắp mọi nơi. Tuy nhiên, cuộc chiến bí mật nó nằm trong an ninh, tình báo. Trong chiến tranh bao giờ cũng có mặt nổi và mặt chìm. Đôi khi những mặt chìm đó nó có yếu tố quyết định chi phối mà chúng ta hay dùng những từ như “bí mật quân sự” chẳng hạn, cả trong chính trị lẫn quân sự thì an ninh rất là quan trọng thành ra thỉnh thoảng có những bài báo nói về những vụ đó, thí dụ như vụ Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Mười Hương hay ông Trần Kim Tuyến hay Trường Tình Báo Cây Mai, chiến dịch Phượng Hoàng, Biệt Đội Thiên Nga, CIA v.v.
Chúng ta được đọc những bài viết như vậy vì cuộc chiến đã qua 44 năm rồi, nhưng chúng tôi cố gắng tổng hợp để vẽ lên một số nét chính về cơ cấu CIA tại Việt Nam, và nêu lên cái nhìn tổng thể về tình báo tại hai miền Nam, Bắc Việt Nam trong những vụ bắt bớ, trao đổi và những vụ khai thác tin tức nó ảnh hưởng thế nào với cuộc chiến. Thay vì những bài rời rạc thì chúng tôi cố gắng gom lại để có một cái nhìn tổng hợp về cuộc chiến bí mật tại Việt Nam. VĐ: Những tài liệu thuộc loại “thâm cung bí sử” của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam, ông truy tìm từ nguồn nào để có tài liệu viết cuốn Bộ Mặt Thật của 16 Lãnh Đạo CSVN? ĐTM: Nếu về cơ bản thì ngày hôm nay chúng ta có thể thấy lý lịch của họ trên mạng truyền thông, nhưng nếu chỉ có những tài liệu như vậy thì nó rất khô khan và không hấp dẫn, cho nên chúng tôi sưu tập những bài báo nói về các nhân vật này, đôi khi từ những thân hữu của mấy ông đó tiết lộ ra, đôi khi do những người đối lập nói lên; cái quan trọng không phải chúng ta chỉ thu thập thông tin đó, mà chúng tôi phải cố gắng kiểm chứng đễ những thông tin đó nó xác thực và nó nói lên phần nào những mảng khuất mà từ xưa đến giờ chưa ai nói tới, thí dụ nhân vật Hồ Chí Minh 33 lần bị hạ bệ và coi thường như thế nào, Võ Nguyên Giáp cũng bị tám lần như vậy, và chúng ta biết thời Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn, 10 năm sau cùng của Hồ Chí Minh không có vị thế gì cả. Rồi chúng ta biết ngày chết của ông bị đổi, di chúc bị đổi và rất nhiều trường hợp Hồ Chí Minh không được các đàn em nghe lời v.v. Chúng tôi gom tài liệu từ Liên Xô, Trung Cộng, CSVN và thấy có tới 33 lần Hồ Chí Minh bị âm mưu hạ bệ, cho nên việc truy tìm giúp mình có những tư liệu như vậy. VĐ: Xin ông cho biết trong cuốn “Trung Quốc Thách Thức Thế Giới”, cụ thể là thách thức về điểm gì?
ĐTM: Trung Quốc từ một nước lạc hậu ngày nay GPA đứng hàng thứ hai trên thế giới, năm 1978 Nhật viện trợ cho nước Tàu trong 30 năm khoảng 40 tỷ, tương đương 100 tỷ hiện nay và không ngờ bây giờ GPA của nước tàu gấp đôi,vượt xa nước Nhật là nước đã từng viện trợ cho Trung Quốc, và hiện nay chúng ta thấy nước Tàu đang đe dọa an ninh và sự phồn vinh của nước Mỹ, vì đối với nước Tàu, sự phát triển rất dễ đi đôi với sự bành trướng; cho nên chúng tôi thấy sự phát triển của Trung Quốc nó đe dọa khắp nơi, riêng Việt Nam chúng ta nằm ở bên cạnh Tàu nên bị đe dọa mạnh nhất vì thế chúng tôi viết với tinh thần cố gắng “không thương mà không ghét, không hận thù” nhưng nói lên sức mạnh thật của Trung Quốc ở điểm nào, chỗ yếu là chỗ nào? Và thí dụ ngày hôm nay Tàu đang mạnh, trước khi mạnh nó yếu, nhưng khi nó mạnh lên đến tột đỉnh nó trở lại yếu, và chúng ta biết được như thế để đất nước chúng ta biết lúc nào phải đối đầu và lúc nào chúng ta phải tương nhượng. Chúng ta thấy Tổng Thống Donald Trump đang cố gắng bao vây nước Tàu thì về mặt chiến lược rất có lợi cho Việt Nam, nhưng đây chỉ là nhất thời thôi nên nếu Việt Nam không biết lợi dụng thời cơ này để nắm lấy thì có thể đến Tổng Thống Mỹ khác, chính sách nó có thể thay đổi. VĐ: Xin ông nói qua về cuốn lịch năm Canh Tuất mà ông chủ trương thay đổi.
ĐTM: Lịch, nhất là lịch bóc hàng ngày đối với người Việt rất quen thuộc, nên chúng tôi từ năm 2002 bắt đầu chương trình viết sách và viết truyện, cũng như đã nói chuyện khoảng 210 lần trên toàn thế giới. và chúng tôi thấy số độc giả phần lớn chỉ giới hạn trong những cụ già lớn tuổi, quan tâm sâu sắc về tình hình VN thôi, thành thử chúng tôi thấy số người tham dự ra mắt sách chỉ có giới hạn và chính nhờ có các cơ quan truyền thông tham dự nó mới được phổ biến rộng rãi như ng vẫn không đầy đủ bằng các cuốn sách chúng tôi đã sưu tầm. Chính vì vậy chúng tôi mới nghĩ đến Media, phương tiện truyền thông mới vốn đi sâu vào từng gia đình là cuốn lịch. Tôi thí dụ cuốn lịch Tam Tông Miếu có phần trên là ngày, tháng, năm phần dưới là bói toán quá nhiều mà thật ra ít ai coi, chúng tôi thay phần bói toán bằng những dữ kiện đấu tranh và văn hóa; ngày lẻ nói về văn hóa, ngày chẵn nói về đấu tranh. Trong cuốn đầu tiên, về văn hóa chúng tôi nói về vũ trụ quan, nhân sinh quan, từ đó chúng tôi chú trọng vào chủ đạo Việt tức là Việt tính hồn con người Việt Nam như thế nào. Trang chẵn, chúng tôi nói đến từ cái vận mệnh Việt Nam, con người chúng ta có tư duy, có tinh thần hướng thượng, chúng ta cố gắng làm “cách mệnh” thay đổi vận mệnh chúng ta.
Thành ra một cuốn lịch 365 ngày và tổng số lượng chữ trong đây tương đương vói cuốn sách khoảng 200 trang. Chúng tôi hy vọng được các cơ quan truyền thông hỗ trợ quảng bá, các tôn giáo, tổ chức cộng đồng cũng như các cơ sở thương mại ủng hộ, từ đó phân phối lại cho các thành viên của mình, từ đó chúng tôi hy vọng cuốn sách, cuốn lịch đi sâu vào từng nhà, chúng tôi tin tưởng nếu so với cuốn sách, cuốn lịch này nó sẽ có lượng phát hành gấp 10, 20 lần. Hơn nữa, năm nay là năm đầu tiên, có hơi khó khăn vì mình không ước lượng số lượng bao nhiêu, sách thì có thể bán lai rai nhưng lịch chỉ năm nào dùng năm đó thôi thành ra tôi và anh Huỳnh Lương Thiện hợp tác với nhau ra năm đầu tiên và sẽ tiếp tục ra các năm sau, dù lời hay lỗ chúng tôi vẫn làm vì mục đích để đẩy mạnh cái chia sẻ của mình với đồng hương, cuốn lịch bóc hàng ngày nó nhắc nhở mình, chúng ta không vô cảm, không thờ ơ với vận mệnh dân tộc, đất nước mà sẵn sáng dấn thân, tiến lên.
VĐ: Xin ông cho biết ngày ra mắt các tác phẩm trên?
ĐTM: Chúng tôi sẽ tổ chức ra mắt qua buổi nói chuyện về tình hình Việt Nam với chủ đề “Việt Nam Trong Căng Thẳng Đông Á” do Thư Viện VN bảo trợ tại phòng họp Thư Viện VN 10872 Westminster Ave, Suite 214-215, Garden Grove, CA 92843 vào ngày thứ Bảy 24 tháng 8, 2019 từ lúc 2 giờ 30 chiều đến 5 giờ. Chúng tôi kính mời quý đồng hương tham dự.
Mọi liên lạc với Đỗ Thông Minh từ Nhật Bản xin gọi ĐT: 81-3-3799-1763, hay Email: [email protected]
Mục đích của giải thưởng là khuyến khích việc sáng tác cá nhân, xuất phát từ nguồn cảm xúc đối với các hiện tượng thiên nhiên và đời sống xã hội, được miêu tả, bằng nhận thức, lý giải và thái độ sống động qua những lời dạy của Đức Phật. Bài tham dự có thể trình bày dưới nhiều hình thức như tác phẩm nghệ thuật, truyện ký, truyện ngắn, tạp bút, thơ… Người viết hoàn toàn tự do chọn đề tài, miễn có liên quan đến tư tưởng Đạo Phật và nội dung có thể chuyển tải được giáo lý thâm sâu, vi diệu mà rất gần gũi, giản dị của đức Phật trong đời sống hàng ngày.
Tại phiên bế mạc Đại hội Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) lần thứ 26 tại Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ vừa diễn ra, em Nguyễn Thị Thu Trang học sinh lớp 9B trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Nam Sách, Hải Dương (năm học 2015-2016) đã đọc bức thư hay nhất thế giới do em viết trước đại diện 190 quốc gia.
Vào Thu đọc thơ Nguyễn Du:
Hai bài thơ mang tên Thăng Long của Nguyễn Du
Một phần nghiên cứu dịch văn bản thơ chữ Hán Nguyễn Du qua bài Thăng Long 昇龍 [1]
Tản mạn nhận diện Quốc hiệu Việt Nam trong ý thơ của bài thơ Thăng Long
Khái niệm lịch sử của Thăng Long
Thăng Long, là kinh thành - kinh đô của đất nước Đại Việt, từ vương triều Lý , (gọi là nhà Lý hoặc Lý triều, 1009-1225) cho đến triều đại nhà Lê Trung Hưng (1533-1789), tổng cộng 564 năm[2]. Thăng Long cũng được hiểu và được biết đến trong lịch sử vốn là địa danh tên cũ của Hà Nội hiện nay.
Thăng Long nghĩa là “rồng bay lên” theo nghĩa Hán-Việt, hay 昇隆[4] nghĩa là “thịnh vượng”. Từ Thăng Long: “昇隆” là từ đồng âm với tên “昇龍: Thăng Long”, nhưng mang nghĩa khác với “昇龍”.
Không bíết từ bao giờ những chú chim đã quây quần về đây càng ngày càng đông, nhảy nhót ca vang trên cành cây bên cạnh nhà mỗi ngày khi mặt trời chưa ló dạng. Nằm nướng vào những ngày cuối tuần, hay những hôm trời mưa rỉ rã, lúc trời đất giao mùa nghe chúng riú rít gọi nhau đi tìm mồi mình cũng thấy vui vui.
Đã có nhiều người nói và viết về nhạc sĩ Hằng Vang . Phần nhiều là những bài viết trong sáng, chân thực. Thiết tưởng không cần bàn cãi, bổ khuyết .
Viết về anh, nhạc sĩ Hằng Vang, tôi chỉ muốn phác một tiền đề tổng hợp cốt tủy tinh hoa tư tưởng, sự nghiệp sáng tác của anh ; rằng : Anh là một nhạc sĩ viết rất nhiều ca khúc cho nền âm nhạc Phật Giáo Việt Nam, anh là một thành phần chủ đạo trong dòng chảy âm nhạc nầy ngay từ khi khởi nghiệp sáng tác thời phong trào chấn hưng Phật giáo, xuyên suốt qua nhiều biến động lịch sử trọng đại của PGVN cho đến tận bây giờ, anh vẫn miệt mài, bền bĩ cảm xúc, sáng tạo trong dòng chảy suối nguồn từ bi trí tuệ đạo Phật.
Cứ thế, một ngày vụt qua, lững thững ra đi không lời ước hẹn, cứ vậy, mịt mùng trao đổi, thân phận dòng đời, chờ chực vây quanh, chạy quanh lối mộng. Chiều xuống, nỗi buồn miên man gởi bay theo gió, trên kia cơn nắng chói chang của mùa hạ còn vương lại đâu đây, lặng nhìn núi đồi hoa lá, từng ấy trong lòng, một cõi mù khơi. Những giọt mồ hôi uể oải, từng nỗi đớn đau lũ lượt đọng lại, từng cơn hiu hắt thấm vào hồn, bây giờ trở thành những đơm bông kết nụ, những đắng cay ngọt bùi. Đâu đó, một chút hương lạ, làn gió bất chợt nhẹ lay, điểm tô không gian lắng đọng phiêu bồng, những thinh âm cao vút tận trời không, những hằng sa bất tuyệt chốn không cùng.
So sánh cách đọc Hán Việt (HV) với các cách đọc từ vận thư ("chính thống") của Trung Quốc (TQ) cho ta nhiều kết quả thú vị. Có những trường hợp khác biệt đã xẩy ra và có thể do nhiều động lực khác nhau. Chính những khác biệt này là dữ kiện cần thiết để xem lại hệ thống ngữ âm Hán Việt và tiếng Việt để thêm phần chính xác. Bài viết nhỏ này chú trọng đến cách đọc tên nhà sư nổi tiếng của TQ, Huyền1 Trang (khoảng 602–664, viết tắt trong bài này là HT) 玄奘 hay Tam Tạng, có ảnh hưởng không nhỏ cho Phật Giáo TQ, Việt Nam, Nhật và Hàn Quốc. Sư HT đã dịch nhiều bộ kinh và luận Phật giáo từ tiếng Phạn qua tiếng Hán, đưa Phật giáo gần đến nguồn Ấn Độ nguyên thủy hơn so với nhiều kinh dịch sai sót nhưng rất phổ thông vào thời trước (và cho đến ngay cả bây giờ).
Đức Phật đã dạy:
" Mọi chuyện đều khởi đi từ duyên; duyên còn còn hiện hữu, duyên tan mọi sự trở về với trống không."
Thật vậy, tôi chưa từng quen biết với các anh em trong " Hội Xây Dựng Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg", vậy mà mới lần đầu gặp gỡ khi các anh kéo nhau về ở München, tôi đã bị lôi cuốn bởi vẻ linh hoạt của anh Huấn, dáng điệu khoan thai, trầm tĩnh đầy chất Huế của anh Phù Vân, sự hăng say nồng nhiệt của anh Dũng, lời lẽ hài hước của anh Thoảng và dáng vẻ hiền từ dễ thương của chú Dũng Scirocco.
Như vậy tôi phải có duyên lành với các anh nên mới nhận lời nối tiếp công việc các anh đang làm từ phút giây gặp gỡ ban đầu. Hơn nữa, đây là một nghĩa cử cao đẹp đầy ý nghĩa và cũng là dịp để Cộng đồng Việt Nam
tỏ lòng biết ơn con tàu CAP ANAMUR, biết ơn nhân dân Đức đã cưu mang chúng tôi; vì vậy tôi đã hăng hái bắt tay vào việc với
Chữ NHƯ được thông dụng rất phổ biến trong văn chương và lời nói thường nghiệm của các dân tộc trên thế giới và trong Phật Giáo .
Trong văn chương, chữ Như được thấy ở một số trường hợp : Xác định, phủ định, tương tợ, không thực…(như ảo, như hóa) đối với các vật thể hiện thực.
Lãnh vực văn chương ở lời nói và viết thành văn, thơ.
Ta thường nghe dân Việt nói và viết lời xác định về chữ như : Trắng như tuyết, cứng như đá, mềm như bún, nóng như lửa đốt, lạnh như băng giá, lạnh như đồng, xưa như trái đất, xưa như Diễm, chua như chanh, nắng như lửa đổ, mặn như muối, lạc (nhạt) như nước lã, tối như đêm ba mươi, đen như mực tàu, ốm như ma trơi, bén như gươm, cao như bầu trời, rộng như biển cả, ốm như cây sậy, nhanh như chớp, lẹ như sóc, dữ như cọp, ngu như bò, ngang như cua, v.v…
Xin chào. Xin chào Việt Nam! Thank you. Thank you so much.
Xin cám ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho tôi sự chào đón nồng ấm và cho tôi hưởng lòng hiếu khách của người Việt trong chuyến thăm này. Và cũng xin cảm ơn các bạn Việt Nam có mặt ở đây ngày hôm nay, những người đến từ khắp nơi trên đất nước tuyệt vời này, trong đó có rất nhiều người trẻ đại diện cho sự năng động, tài năng và niềm hy vọng của Việt Nam.
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.
May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland, Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below, may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma, the Land of Ultimate Bliss.
Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600 Website: http://www.quangduc.com
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.