Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 21: Pháp hệ của Thiền sư Huyền Sa Sư Bị

01/11/202121:44(Xem: 7966)
Quyển 21: Pháp hệ của Thiền sư Huyền Sa Sư Bị

canh duc truyen dang luc

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC

QUYỂN 21

Sa-môn Đạo Nguyên đời Tống soạn

Việt dịch: Lý Việt Dũng

 

 

A- PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ: 13 người được ghi chép.

01- Thiền sư Quế Sâm viện La Hán Chương Châu

02- Thiền sư An Quốc Tuệ Cầu Phước Châu

03- Thiền sư Thiên Long Trọng Cơ Hàng Châu

04- Thiền sư Tiên Tông Khế Phù Phước Châu

05- Thiền sư Thao Quốc Thái Vụ Châu

06- Thiền sư Thành Nam Đài Hành Nhạc

07- Thiền sư Bạch Long Đạo Hy Phước Châu

08- Thiền sư Loa Phong Xung Áo Phước Châu

09- Hòa thượng núi Thụy Long Tuyền Châu

10- Thiền sư Vân Phong Quang Tự Thiên Thai

11- Am chủ Khế Như núi Đại Chương Phước Châu

12- Hòa thượng Vĩnh Hưng Lộc Phước Châu

13- Thượng tọa Quốc Thanh Sư Tĩnh Thiên Thai

B- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG: 22 người được ghi chép.

01- Thiền sư Chiêu Khánh Đạo Khuông Tuyền Châu

02- Thiền sư Long Huê Ngạn Cầu Hàng Châu

03- Thiền sư Bảo An Liên Hàng Châu

04- Thiền sư Báo Từ Quang Vân Phước Châu

05- Thiền sư Khai Tiên Thiệu Tông Lô Sơn

06- Thiền sư Báo Ân Bảo Từ Vụ Châu

07- Thiền sư Khuynh Tâm Pháp Thao Hàng Châu

08- Thiền sư Báo Từ Tuệ Lãng Phước Châu

09- Thiền sư Tĩnh viện Thạch Phật Phước Châu

10- Thiền sư Thúy Phong Tùng Hân Xứ Châu

11- Thiền sư Thanh Hoàn Chẫm Phong Phước Châu

12- Thiền sư Trường Khánh Hoằng Biện Phước Châu

13- Đại sư Đông Thiền Khả Long Phước Châu

14- Thiền sư Tiên Tông Thủ Tỳ Phước Châu

15- Thiền sư Vĩnh An Hoài Liệt Phủ Châu

16- Thiền sư Mân Sơn Linh Hàm Phước Châu

17- Hòa thượng Qui Sơn nước Tân La (Triều Tiên)

18- Thiền sư Đạo Ân núi Long Tu Cát Châu

19- Thiền sư Tường Quang Trừng Tĩnh Phước Châu

20- Thiền sư Thứu Lĩnh Minh Viễn

21- Thiền sư Báo Từ Tùng Hoài Hàng Châu

22- Thiền sư Long Huê Kế Doanh Hàng Châu

C- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ ĐẠO PHÓ chùa LONG SÁCH HÀNG CHÂU: 1 người được ghi chép:

- Thiền sư Diệu Tế Sư Hạo Đàm Châu.

E- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ CỔ SƠN THẦN ÁN PHƯỚC CHÂU:

01- Thiền sư Tử Nghi núi Thiên Trúc

02- Thiền sư Bạch Vân Trí Tác Kiến Châu

03- Thiền sư Cổ Sơn Trí Nghiêm Phước Châu

04- Thiền sư Long Sơn Trí Tung Phước Châu

05- Thiền sư Cường núi Phụng Hoàng Tuyền Châu

06- Thiền sư Long Sơn Văn Nghĩa Phước Châu

07- Thiền sư Cổ Sơn Trí Nhạc Phước Châu

08- Hòa thượng Định Tuệ Tương Châu

09- Thiền sư Cổ Sơn Thanh Ngạc Phước Châu

10- Thiền sư Tịnh Đức Xung Hú Kim Lăng

11- Thiền sư Thanh Hộ viện Báo Ân Kim Lăng.

 

 

 

 

THIỀN SƯ QUẾ SÂM viện LA HÁN CHƯƠNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ PHƯỚC CHÂU

 

Sư họ Lý, người Thường Sơn. Lúc còn trẻ thơ, mỗi ngày sư chỉ ăn một bữa cơm chay, nói ra những lời kỳ lạ. Đến lúc trưởng thành, sư từ giã cha mẹ, thờ đại sư Vô Tướng ở chùa Vạn Tuế tại bổn phủ mà xuống tóc cùng thọ giới cụ túc, học giới Tỳ Ni. Một ngày nọ, sư vì chúng thăng đài tuyên giới bổn trong lễ bố-tát xong, bèn nói:

- Trì giới phạm chỉ giữ luật thân mà thôi chớ không thể giải thoát. Y theo văn mà tác giải, há phát khởi Thánh ý ru?

Thế là sư đến tham phỏng Nam tông (tức Nam Năng chứ không phải Therevada). Ban sơ, sư tham yết Vân Cư rồi Tuyết Phong, tham hỏi cần mẫn nhưng vẫn chưa có chỗ thấy được đạo. Sau đó, đến tham yết Thiền sư Huyền Sa Tông Nhất, ngay lời nói được khải phát rỗng rang không còn nghi hoặc. Huyền Sa từng hỏi sư rằng:

- Tam giới duy tâm, ông làm sao lãnh hội?

Sư chỉ cái ghế nói:

- Hòa thượng gọi cái này là cái gì?

Huyền Sa nói:

- Đó là cái ghế.

Sư nói:

- Vậy là Hòa thượng không lãnh hội tam giới duy tâm rồi!

Huyền Sa nói:

- Ta gọi cái đó là trúc gỗ, ông nói cái đó là cái gì?

Sư nói:

- Quế Sâm lại gọi cái đó là trúc gỗ.

Huyền Sa nói:

- Khắp đại địa tìm một người lãnh hội Phật pháp mà không được.

Sư từ đó càng thêm được khích lệ, Huyền Sa mỗi lần dẫn dụ kẻ học lưu xuất chư Tam-muội đều bảo sư trợ phát. Sư tuy ở cương vị chúng mà dẫn dắt kẻ học, nhưng thanh dự vang xa.

Lúc đó, quan mục thú Chương Châu là Vương công bảo xây tinh xá Địa Tạng tại Thạch Sơn phía Tây Mân Thành, thỉnh sư dừng gậy (1) gần 12 năm. Sau sư dời đến trụ viện La Hán ở Chương Châu, đại xiển huyền yếu.

Chú (1): Trụ tích nghĩa là dừng gậy, là làm trụ trì.

Sư thượng đường nói:

- Tông môn huyền diệu, há chỉ có bấy nhiêu thôi ru? Hay là có điều gì kỳ đặc? Nếu có cái gì kỳ đặc, các ông cử cái gì? Nêu không thì đừng đem ba cái chữ nghĩa mà cho là thừa đương Tông phong. Thế nào là ba cái chữ? Cho rằng Tông thừa, các ông vừa nói Tông thừa liền là Tông thừa. Nói là Giáo thừa liền là Giáo thừa. Này các Thiền đức! Tông thừa Phật giáo nguyên lai do nơi miệng các ông an lập danh tự, tác thủ, thuyết thủ, liền là đúng. Trong chốc lát hướng vào trong đó nói bình, nói thật, nói viên, nói thường. Này các vị Thiền đức! Các ông nói thế nào là bình thật? Nắm cái gì làm viên thường? Bàng gia hành cước lý nên chân biệt, đừng có mai một! Được chút đỉnh thanh sắc cùng danh tự chứa tại tâm, rồi cho là mình đã lãnh hội lý giải, giỏi giản biệt. Các ông lãnh hội cái gì nào? Chọn lựa cái gì nào? Cái mà các ông nhớ và nắm được chỉ là chữ nghĩa, cái mà các ông lựa chọn biện biệt được chỉ là thanh sắc. Nếu chẳng phải là thanh sắc văn tự thì các ông làm sao mà nắm giữ, chọn lựa biện biệt được? Gió thổi cây tùng cũng là thanh, ễnh ương và con quạ kêu cũng là thanh. Sao không ngay trong đó mà nghe lấy và chọn lựa? Nêu trong đó mà có ý độ mô dạng thì như trong miệng lão sư lại có ít nhiều ý độ ban cho các thượng tọa. Đừng có nhầm lẫn đấy! Như nay thanh sắc rần rần, thì nên kịp hay là không kịp? Nếu kịp thì bí mật kim cang linh tánh của quí vị phải hoại diệt. Tại sao thế? Vì thanh đâm thủng tai quí vị, sắc xuyên phá mắt các vị. Duyên tức lấp mất ảo vọng của các ông, tẩu sát thanh sắc của các ông, thể nhĩ chẳng dung dị. Còn nếu không kịp, thì lại nơi nào mà có lấy thanh sắc? Có lãnh hội không? Kịp hay không kịp, hãy thử tài biện xem!

Lát sau, lại nói:

- Đối với viên thường bình thật, ai nói cách nào? Chưa phải là gã trong thôn Hoàng Di thì biết nói thế nào? Ấy là bởi y được Thánh Hiền xưa giúp đỡ chút đỉnh hiển pháp. Đời nay chẳng biết tốt xấu, liền an viên thật, nói ta có huyền diệu của Tông phong. Phật Thích Ca không có lưỡi, như các ông mới chút đỉnh là đã vỗ ngực. Nếu luận tội giết người, trộm cướp và tà dâm, tuy nặng mà thành nhẹ, còn có lúc hết tội. Còn cái hủy báng Bát nhã đó, làm đui mù mắt chúng sanh đó, phải vào ngục A-tỳ, nuốt sắt hòn, chẳng có lúc nào ngơi. Cho nên người xưa mới nói: “Lỗi tại hóa chủ, không can gì đến chuyện ông!”. Tạm biệt!

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là một câu của La Hán?

Sư nói:

- Ta mà nói cho ông nghe thì đã thành hai câu rồi.

Hỏi:

- Người không lãnh hội đến, sư có tiếp không?

Sư nói:

- Ai là người không lãnh hội đâu?

Nói:

- Mới vừa nói rồi đó.

Sư nói:

- Đừng có tự ủy khuất mình như thế!

Hỏi:

- Chữ ‘bát’ không thành mà chữ ‘dĩ’ cũng không phải thì thế nào?  

Sư nói:

- Ông đúng là không lãnh hội.

Nói:

- Kẻ học này thật là không lãnh hội.

Sư nói:

- Hãy nhìn từ đầu đến chân!

Hỏi:

- Thế nào là Chánh mạng thực của sa-môn?

Chú: Tỉ-kheo nhân vì phải diên tục pháp thân tuệ (huệ) mạng mà phải đi khất thực, gọi là Chánh mạng thực.

Sư nói:

- Ăn được không?

Hỏi:

- Muốn ăn lương thực đó, phải dùng phương tiện nào?

Sư nói:

- Lấp bít miệng ông lại.

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của La Hán?        

Sư nói:

- Không nói cho ông nghe đâu.

Hỏi:

- Tại vì sao mà không nói?

Sư nói:

- Đó là thói nhà của ta.

Hỏi:

- Thế nào là thân pháp vương?

Sư hỏi:

- Thế giờ đây ông là thân gì?

Hỏi:

- Nếu thế thì không có thân rồi?

Sư nói:

- Đau khổ nhiều lắm!

***

Sư thượng đường vừa mới ngồi thì có hai ông tăng lễ bái một lượt, sư nói:

- Cả hai đều lầm lẫn!

Hỏi:

- Thế nào là một câu đánh không vỡ?

Sư nói:

- Đánh.

Hỏi:

- Một Phật ra đời, phổ độ khắp quần sanh. Hòa thượng hôm nay xuất thế là vì cái gì?

Sư nói:

- Nơi đâu gặp một Phật?

Nói:

- Nếu thế thì kẻ này tội lỗi lắm!

Sư nói:

- Hãy xem trong áo!

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý huyền diệu của chư Thánh?

Sư nói:

- Bốn góc chạm đất.

Gợi ý: Nguyên văn ‘Tứ lăng đạp địa’ chỉ trạng thái triệt ngộ.

Hỏi:

- Đại sự chưa khẳng nhận thì thế nào?

Sư nói:

- Do ông thôi.

Hỏi:

- Thế nào là con mắt mười phương?

Sư nói:

- Suy nghĩ mau lẹ chẳng chần chừ. (nguyên văn: Trác khởi mi mao)

***

Nhân thỉnh Bảo Phước dùng tiệc chay, cho người chuyển lời rằng:

- Thỉnh Hòa thượng từ bi giáng trọng!

Bảo Phước nói:

- Từ bi cho ai vậy?

Sư nói:

- Hòa thượng nói như thế thì hoàn toàn không từ bi rồi.

***

Sư đi chơi dưới trăng rồi nói:

- Mây chuyển động, có mưa thôi. Đi về.

Có ông tăng nói:

- Không phải mây động mà là gió động.

Sư nói:

- Ta nói mây cũng không động, gió cũng không động.

Tăng nói:

- Mới vừa rồi Hòa thượng nói mây động mà?

Sư nói:

- Ai là người tội lỗi đâu?

***

Sư thấy ông tăng tới, đưa cây xơ quất lên nói:

- Có lãnh hội không?

Tăng nói:

- Tạ ơn Hòa thượng từ bi chỉ thị kẻ học này!

Sư nói:

- Thấy ta dựng cậy xơ quất lên là nói chỉ thị kẻ học này. Ông mỗi ngày nhìn núi nhìn nước, há chẳng chỉ thị ông ru?

Sư lại thấy tăng đến liền đưa cây xơ quất lên. Ông tăng này tán thán, lễ bái. Sư nói:

- Thấy ta đưa cây xơ quất lên liền lễ bái, tán thán. Trong kia quét sân đưa cây chổi lên, sao lại không tán thán?

Huyền Giác nói:         

- Một nhóm người đưa cây xơ quất lên, hay nâng một vật gì đó, đều có cái có hoặc không đạo lý. Hãy nói xem lợi hại ở chỗ nào?

***

Tăng hỏi:

- Thừa nghe trong Giáo có nói: “Nếu thấy các tướng không phải là tướng (phi tướng), ấy là thấy Như Lai”. Thế nào là phi tướng?

Sư nói:

- Cái đèn lồng.

Hỏi:

- Thế nào là xuất gia?

Sư nói:

- Gọi cái gì là gia?

***

Sư hỏi tăng:

- Từ đâu tới?

Đáp:

- Từ Tần Châu đến.

Sư hỏi:

- Đem được vật gì đến?

Đáp:

- Không đem được vật gì đến.

Sư nói:

- Ông vì sao lại đối với đại chúng nói dối?

Ông tăng ấy không lời đối đáp, sư lại hỏi:

- Tần Châu há chẳng phải là nơi sản xuất (chim két) anh vũ?

Tăng nói:

- Chim anh vũ (con két) sản xuất tại Lũng Châu.

Sư nói:

- Cũng không nhiều lắm.

***

Sư hỏi tăng:

- Từ đâu tới?

Đáp:

- Từ Báo Ân tới.

Sư nói:

- Sao lại không ở nơi ấy?

Tăng nói:

- Tăng gia không định sở.

Sư hỏi:

- Đã là tăng gia, sao lại không định?

Tăng không lời đối đáp.

Huyền Giác nói thay:

- Tạ ơn Hòa thượng cố vấn!

***

Lúc sư trụ Địa Tạng, tăng báo rằng Hòa thượng Bảo Phước đã thiên hóa rồi. Sư nói:

- Bảo Phước thiên hóa, Địa Tạng nhập tháp.

Tăng hỏi Pháp Nhãn:

- Ý người xưa thế nào?

Pháp Nhãn nói:

- Ối trời ôi! Ối trời ôi!

***

Về sau, Vương công lên Tuyết Phong thí cúng tăng y. Lúc đó, có thượng tọa Tùng Yểm không có tại đó. Có sư đệ thay thế ghi tên nhận y. Yểm về, sư đệ nói:

- Mỗ giáp đây đã thay thế sư huynh ghi tên rồi.

Yểm hỏi:

- Đệ nói ta tên gì?

Sư đệ không lời đối đáp, sư đáp thay:

- Sư huynh tham thế nào ấy!

Yểm lại hỏi:

- Chỗ nào là chỗ tham?

Sư lại đáp thay:

- Hai lần ghi tên.

Vân Cư Tích nói:

- Chỗ nào là chỗ thượng tọa Yểm hai lần ghi tên?

***

Sư cùng Trường Khánh và Bảo Phước vào châu thành xem hoa mẫu đơn Chương Tử, Bảo Phước nói:

- Đúng là một đóa hoa mẫu đơn!

Trường Khánh nói:

- Đừng có mắt hoa đôm đốm đấy!

Sư nói:

- Khá tiếc cho một đóa hoa!

Huyền Giác nói:

- Lời của ba vị tôn túc còn có chỗ thân sơ không vậy? Như lời nói của La Hán thì rơi vào chỗ nào?

***

Sư hỏi tăng:

- Ông ở nơi Chiêu Khánh có chuyện gì nghe lạ lùng không? Hãy thuật lại xem!

Tăng nói:

- Không dám thuật lầm!

Sư nói:

- Chuyện chân thật làm sao thuật?

Tăng nói:

- Hòa thượng vì sao mà như thế?

Sư nói:

- Ông thoại đọa rồi!

***

Chúng tăng tham vấn buổi tối nghe tiếng tù và, sư nói:

- La Hán ba ngày thượng đường một lần, Vương thái phí hai thời tương trợ.

Hỏi:

- Thế nào là bổn lai tâm của kẻ học này?

Sư nói:

- Là bổn lai tâm của ông.

Tăng hỏi:

- Sư cư bảo tòa, thuyết pháp độ người. Xin hỏi độ người nào?

Sư nói:

- Ông cũng cư bảo tòa, độ người nào vậy?

Hỏi:

- Trong gương nhìn hình thấy không khó, thế nào là gương?

Sư nói:

- Còn thấy hình không vậy?

Tăng nói:

- “Đã được gốc, chớ lo rầu ngọn”, thế nào là ngọn?

Sư nói:

- Kể chung lại đều có cả.

***

Sư nhân bệnh, tăng hỏi:

- Hòa thượng tôn thể bớt chưa?

Sư lấy gậy đánh xuống đất hỏi:

- Ông nói xem cái này có đau không vậy?

Tăng hỏi:

- Hòa thượng hỏi ai vậy?

Sư nói:

- Hỏi ông đây.

Tăng nói:

- Còn đau không?

Sư nói:

- Nguyên lai cùng ta tác đạo lý.

Sư về sau, đến mùa thu năm thứ ba niên hiệu Đường Thiên Thành, lại đến Mân Thành chỗ xưa, đi xem khắp các chùa chiền gần thành xong, chỉ lát sau là bị bệnh.

Mấy ngày sau, ngồi yên mà cáo chung, thọ 62, lạp thọ 40, trà- tì thu xá-lợi, vâng theo lời dặn lại xây tháp ở góc Tây của viện. Năm thứ hai niên hiệu Thanh Thái, ngày rằm tháng chạp năm Ất Mùi nhập tháp, thụy là Chân Ứng Thiền Sư.

 

 

THIỀN SƯ TUỆ CẦU TỊCH CHIẾU viện AN QUỐC

núi NGỌA LONG PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ

 

Sư là người Bồ Điền Tuyền Châu, xuất gia tại núi Qui Dương, sư lúc ở trong hội của Thiền sư Sư Bị là đệ tử ruột, cương vị trên hết. Có một lần sư hỏi:

- Thế nào là mặt trăng thứ nhất?

Huyền Sa hỏi lại:

- Dùng mặt trăng thứ nhất của ông để làm gì?

Sư từ đó có chỗ tỉnh ngộ.

***

Năm thứ hai đời Lương Khải Bình, Huyền Sa Sư Bị sắp thị diệt. Mân súy Vương công sai con đến thăm bệnh, nhân đó thỉnh sư mật thị kẻ nối dõi thuyết pháp là ai. Huyền Sa nói:

- Ông Cầu nối được đấy.

Vương công ngầm ghi nhớ chỉ ý truyền lại, lại hỏi Quốc sư Cổ Sơn:

- Pháp tịch của Ngọa Long, ai là người đảm đương được trách nhiệm?    

Cổ Sơn nêu ra dưới thành bậc tôn đức có đủ đạo nhãn chừng 12 người đều kham được chuyện xuất thế trụ trì, Vương công cũng ngầm đồng ý.

Đến hôm khai đường thì quan chức cùng tăng lữ đều tề tựu tại pháp đường viện An Quốc, Mân chúa Vương quốc quân bỗng hỏi đại chúng:

- Ai là thượng tọa cầu?

Mọi người chỉ sư, Vương quốc quân bèn thỉnh sư lên pháp tòa. Sư lên pháp tòa, lặng thinh hồi lâu nói:

- Đừng hiềm tịch mịch, đừng nói không kham, chưa rành biên tế. Bàn bạc thảo luận cái gì? Cho nên dùng thanh âm sử dụng thường ngày, tạm thời phát động đôi điều giúp người khác phát động căn cơ. Nếu nói ra thì trong mười phương thế giới e rằng muốn tìm một người bạn lữ cũng tìm không ra.

Chú: Ngay ngày khai đường cũng chưa ai biết tân trụ trì là người nào. Mân chúa theo di nguyện của cố Hòa thượng Huyền Sa Sư Bị mời Thiền sư Tuệ Cầu lên tòa thuyết pháp, tức mời sư tân nhiệm trụ trì.

***

Tăng hỏi:

- Đại ý của Phật pháp từ phương tiện nào mà đốn nhập?

Sư nói:

- Nhập là phương tiện đấy.

Hỏi:

- Mây từ núi nào mà khởi lên, gió từ khe nào mà sanh ra?

Sư đáp:

- Hãy hết sức mà thi hành, không rời Trung Tháp.

***

Sư thượng đường nói với đại chúng:

- Ta nơi đây cơm cháo nhân duyên (1) cùng các anh em đề ra giảng luận, chung quy không thường cửu. Như muốn đạt được tinh túy của đạo pháp thì sơn hà đại địa phải cùng chư vị khải thị rõ ràng. Con đường này trường cửu tồn tại, lại có thể tham cứu sự lý đến cùng cực. Nếu theo cửa Văn Thù mà vào thì mọi thứ chăng cần phải làm, đất cây ngói đá sẽ giúp đỡ cho các vị phát động căn cơ. Nếu theo cửa Quán Âm mà vào thì tất cả mọi âm hưởng của ễnh ương, giun trùn sẽ giúp các ông phát động căn cơ. Nếu theo cửa Phổ Hiền mà vào, không động bộ mà đạt đến mục đích (2). Ta đem ba môn phương tiện báo cho các vị, giống như dùng một chiếc đũa gãy mà khuấy động nước biển cả, khiến cho cá rồng trong biển biết nước là sinh mệnh. Lãnh hội không? Không có con mắt trí tuệ để quan sát kỹ lưỡng, chấp các vị dùng trăm thứ khéo giỏi, cũng không thể cùng tận cực điểm của sự lý.

Tăng nói:

- Kẻ học này mới vào Thiền viện, chưa rành mạch chuyện tự thân, thỉnh lão sư chỉ thị!

Sư cầm gậy chỉ tăng hỏi:

- Lãnh hội không?

Tăng đáp:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Ta khải phát ông thế này, ngược lại làm ủy khuất ông, ông có lãnh hội không? Nếu căn cứ vào tự kỷ bổn phần thượng của mọi người mà nói thì bất kể là kẻ mới bước chân vào chùa hay là các Phật thời xưa, đều đồng nhau không từng thiếu khuyết. Cũng giống như nước ở biển cả, thì mọi loài tôm cá hay rồng từ mới sanh cho đến già chết, mức hưởng dụng đều bình đẳng như nhau.

***

Hỏi:

- Không sai trật chính Tông, thỉnh sư chân thật!

Sư nói:

- Ông thay ta nói.

Tăng nói:

- Nếu có người chẳng biện biệt thì thế nào?

Sư nói:

- Đợi người chẳng biện biệt tới.

Hỏi:

- Chư Phật còn có thầy không?

Sư nói:

- Có.

Hỏi:

- Thế nào là thầy của chư Phật?

Sư nói:

- Mắt cả mọi người đều không biết được.

***

Sư thượng đường lặng thinh hồi lâu, có ông tăng bước bái. Sư nói:

- Đừng khiến đầu lâu ép buộc tổn hại!

Hỏi:

- Thế nào là chuyện trên hội Linh Sơn?

Sư nói:

- Thiếu kẻ lanh lợi.

Hỏi:

- Nếu bỗng gặp kẻ lanh lợi thì làm thế nào?

Sư nói:

- Cái gã hiểu biết này! (Mộng đồng hán).

***

Sư thượng đường thị chúng rằng:

- Các vị nếu muốn thương lượng thì hãy sau đầu lâu mà thông thủ tin tức lại cùng nhau thương lượng. Nơi đây chưa từng che chặn sáng chói của người.

Hỏi:

- Chuyện Tông thừa từ xưa thì thế nào?

Sư lặng thinh hồi lầu, tăng lại hỏi nữa. Sư liền nạt đuổi ra.

***

Hỏi:

- Thế nào là chuyện trên đầu ngọn Đại Dữu Lĩnh?

Sư nói:

- Liệu ông thừa đương không nổi.

Tăng hỏi:

- Nặng nhiều ít?

Sư nói:

- Điều này luận kiếp cũng chẳng biết làm sao.

***

Sư hỏi viện chủ Liễu:

- Như tiên sư nói cả thập phương thế giới đều là nhân thể chân thật, ông có thấy tăng đường không vậy?

Liễu đáp:

- Hòa thượng đừng có hoa mắt đôm đốm!

Sư nói:

- Tiên sư thiên hóa, thịt hãy còn âm.

Sư ngày 17 tháng 8 năm Quí Dậu, nhằm năm thứ ba đời Đường Càn Hóa không bệnh mà qua đời.

 

 

ĐẠI SƯ TRỌNG CƠ MINH CHÂN chùa THIÊN LONG

HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNG TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ

 

Sư người Hoàng Nham Thai Châu. Từ khi đắc pháp với Huyền Sa Sư Bị, sư quay về Chiết Trung, được Tiền Vũ Túc vương thỉnh thuyết pháp trụ trì. Sư thượng đường thị chúng rằng:

- Nếu cử thuật thẳng Tông phong, riêng xướng chuyện bổn phần thì giống cùng đá cứng. Còn nếu nói dứt tin tức Thánh phàm thì chẳng những đại địa sơn hà mà ngay cả mười phương thế giới đều là đạo nhãn (nhất chích nhãn). Đây là chuyện bất đắc dĩ phải nói như thế. Cho nên thường nói: “Mù, điếc, câm, ngọng là tiên đà. Đầy mắt người đương thời chẳng biết phải làm sao. Chỉ hướng trước mắt phải thể diệu. Thân tâm vạn tượng với sum la”.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là tuyền ky bất động?

Chú: Tuyền ky là kính xem thiên văn xưa.

Sư nói:

- Núi xanh mấy tầng.

Tăng hỏi:

- Thế nào là im phăng phắc không ngằn mé?

Sư nói:

- Một dãy mây trắng.

Hỏi:

- Thế nào là quay về gốc được chỉ ý?   

Sư nói:

- Sừng thỏ sanh ra.

Tăng hỏi:

- Thế nào là tùy chiếu mà lại mất tung tích?

Sư nói:

- Lông rùa rụng.

Hỏi:

- Hoa sen chưa ra khỏi nước thì thế nào?

Sư nói:

- Hương thơm mắt thấy.

Hỏi:

- Trăng sáng chiếu tầng không thì thế nào?

Sư nói:

- Chính đó phân quang cảnh, cần chi chỉ lầu ngọc.

 

 

ĐẠI SƯ KHẾ PHÙ THANH PHÁP viện TIÊN TÔNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ

 

Ban sơ, trong ngày khai đường, có ông tăng hỏi:

- Sư lên bảo tòa nên nói chuyện gì?

Sư nói:

- Hãy khoét lỗ tai ra!

Tăng hỏi:

- Người xưa vì sao lại nói đó không phải là nơi tai, mắt có thể đến?

Sư nói:

- Trên cây đào vàng không sanh trái lê.

Hỏi:

- Chỗ xưa nay không đến, thỉnh sư nói!

Sư nói:

- Ông làm sao hỏi?

Hỏi:

- Nhiều người đãi vàng, ai là kẻ được?

Sư nói:

- Đưa tay cách ngàn dặm, Ngưng công mặc sức xem.

Hỏi:

- Bên hang ngọn núi bay hoa nở đẹp, trước đài tiên cảnh chuyện thế nào?

Sư nói:

- Đại bảo vô giá hiện ra trong ánh sáng, khách trong tôi mù mờ chẳng biết sao.

Hỏi:

- Hoa ưu-đàm trổ người đều thấy, hướng thượng Tông thừa ý thế nào?

Sư nói:

- Xà-lê nếu hỏi ý Tông thừa, không bằng chỗ tịnh tát-bà-ha.

Hỏi:

- Thế nào là cảnh giới chư Phật trong nước Mân?

Sư nói:

- Tạo hóa tốt rồi không thể lường, gió xuân nhọc tự khinh.

Hỏi:

- Thế nào là bảo trong đạo?

Sư nói:

- Vân Tôn lệ cũng rơi.

Hỏi:

- Sau khi chư Thánh thu quang về nguồn cội thì thế nào?

Sư nói:

- Ba tiếng vượn kêu thường đứt đoạn, muôn dặm khách nghe sầu.

Hỏi:

- Xin hỏi người đời nay làm sao thấu triệt Thiền cơ của người xưa?

Sư nói:

- Hảo tâm hướng ông nói, thiết kỵ lúc chưa sanh.

 

 

THIỀN SƯ THAO viện QUỐC THÁI NÚI KIM HUÊ VỤ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ

 

Sư thượng đường nói:

- Chẳng rời đương xứ đều là chân tâm diệu minh, cho nên Hòa thượng Huyền Sa nói: “Lãnh hội câu sau cùng của ta, xuất thế ít người biết”, giống như Quốc Thái ta có một câu mạt đầu.

Tăng hỏi:

- Thế nào là một câu mạt đầu của Quốc Thái?

Sư nói:

- Xà-lê quá chậm lụt!

Hỏi:

- Thế nào là Tỳ Lô sư?

Sư nói:

- Mỗ giáp đây với sư huynh là đệ tử.

Hỏi:

- Đạt Ma đến đất Đường (Trung Hoa chứ không chỉ nhà Đường) thôi không hỏi, thế nào là chuyện lúc chưa sang?

Sư nói:

- Đích thân gặp vua Lương Võ Đế.

Hỏi:

- Gương xưa chưa mài thì thế nào?

Sư đáp:

- Gương xưa.

Tăng hỏi:

- Sau khi mài thì thế nào?

Sư đáp:

- Gương xưa.

 

 

THIỀN SƯ THÀNH - NAM ĐÀI HÀNH NHẠC

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ

 

Tăng hỏi:

- Tông chỉ Huyền Sa, thỉnh sư cử dương!

Sư nói:

- Được tin tức này ở đâu vậy?

Tăng hỏi:

- Thùy tiếp thế nào?

Sư nói:

- Được người không mê mình.

Hỏi:

- Đầm trong trăng hiện là cảnh giới của người nào vậy?

Sư nói:

- Chẳng liên can gì đến chuyện ông.

Tăng nói:

- Hỏi thì có hại gì?

Sư nói:

- Tìm trăng dưới đầm mà không thấy.

Hỏi:

- Rời đất có bốn chỉ, tại sao lại có vằn cá?

Sư nói:

- Có Thánh lượng đấy.

Hỏi:

- Lượng này vì ai mà thí?

Sư nói:

- Chẳng vì Thánh nhân.

 

 

THIỀN SƯ ĐẠO HY viện BẠCH LONG THĂNG SƠN

PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ

 

Sư người huyện Mân Phước Châu. Sư thượng đường nói:

- Không cần nhẫc chân, ai là kẻ uy phong, sáng rỡ. Lãnh hội không? Nếu nói tự mình khứ xứ, bổn tự như thế, may mà không dính dáng.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại?

Sư hỏi lại:

- Còn ông từ đâu lại?

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Sư nói:

- Ông phải sớm lạy ba lạy.

Tăng hỏi:

- Không trách đi đến, thỉnh sư nói thẳng.

Sư đáp:

- Được.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là đạo chân chánh?

Sư đáp:

- Đã cưỡi lừa, còn tìm lừa.

***

Tăng nói:

- Thỉnh sư đáp lời không chủ khách.

Sư đáp:

- Mấy năm trước từng nhớ qua.

Tăng hỏi:

- Thế nay thì sao?

Sư đáp:

- Chẳng riêng tai điếc, mà lại thêm mắt mờ.

Hỏi:

- Tình quên thể hiệp thì thế nào?

Sư đáp:

- Đừng có mộng thấy cái gì cả.

***

Hỏi:

- Học nhân nghĩ định nêu một câu hỏi, mong sư giải đáp.

Sư nói:

- Không giải đáp.

Hỏi:

- Vì sao mà không giải đáp?

Sư nói:

- Nên biết tay hảo thủ.

***

Tăng nói:

- Đại chúng đã tụ tập đông đảo, thỉnh sư cử dương tông giáo.

Sư nói:

- Ít gặp người nghe.

Hỏi:

- Không dùng miệng lưỡi trơn bén, thỉnh sư chỉ thị.

Sư đáp:

- Không dùng miệng lưỡi bén nhọn, hỏi đi nào.

Tăng hỏi:

- Thế nào là quần sanh có chỗ nhờ?

sư đáp:

- Đừng nói lời rườm rà dư thừa.

Tăng nói:

- Thỉnh Hòa thượng sanh cơ đáp lời!

Sư nói:

- Đem giấy bút lại ghi đi!

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là miệng của Tư Đại (1)? (Thiền sư Tuệ Tư đời Nam Triều)

Sư nói:

- Bước lại gần đây, nói cho ông nghe.

Tăng nói:

- Hiện con đã bước gần rồi.

Sư nói:

- Đã từng lường gạt bao nhiêu người rồi?

Chú (1): Quốc quân đời Trần từng tặng hiệu Thiền sư Tuệ Tư là Đại Thiền Sư nên đời gọi sư là Tư Đại).

***

Tăng hỏi:

- Người xưa có nói: ‘Đầu lâu thường liên can thế giới, lông mũi xúc chạm đến thói nhà’. Vậy thế nào là đầu lâu liên can đến thế giới?

Sư nói:

- Hãy bước đến gần đây nói cho ông nghe!

Tăng nói:

- Thế nào là lông mũi xúc chạm đến thói nhà?

Sư nói:

- Hãy lui ra, lần khác hãy đến!

 

 

ĐẠI SƯ XUNG ÁO MINH PHÁP LOA PHONG PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ

 

Ban đầu, sư trụ Bạch Long, thượng đường nói:

- Người người đều có đầy đủ, người người đều thấy cả, cớ gì mà phải cần đến sơn tăng ta. Tạm biệt!

Tăng hỏi:

- Tướng tịch diệt của chư pháp không thể lấy lời nói mà tuyên bày. Thế nào là tướng tịch diệt?

Sư nói:

- Hỏi đáp đều đầy đủ.

Hỏi:

- Nếu thế thì chân như pháp giới không người, không ta?

Sư nói:

- Rõ ràng khiến người ta buồn.

Hỏi:

- Ngưu Đầu Pháp Dung khi chưa gặp Tứ Tổ Đạo Tín thì thế nào?

Sư nói:

- Toàn thân Thánh cũng không lường được.

Hỏi:

- Thế nào là một câu Loa Phong?

Sư nói:

- Khổ.

Hỏi:

- Thế nào là bổn lai nhân?

Sư nói:

- U buồn cảnh giới dây tòng la nguy.

 

 

HÒA THƯỢNG núi THỤY LONG TUYỀN CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ

 

Tăng hỏi:

- Thế nào là nơi đâu cũng là Bồ-đề?

Sư dùng gậy đuổi đi. Tăng liền chạy đi. Sư gọi:

- Dừng lại! Dừng lại! về sau nếu gặp bậc kiệt xuất Thiền tông thì cử thuật lại nào.

***

Sư thượng đường đưa gậy lên nói:

- Ba mươi năm trụ ở núi, được khí lực cây gậy này.

Lúc đó, có ông tăng hỏi:

- Hòa thượng được khí lực gì của cây gậy ấy?

Sư nói:

- Qua khe nước, qua đỉnh núi, quơ bên Đông, quơ bên Tây.

Chiêu Khánh nghe được nói:

- Ta không nói thế.

Tăng hỏi:

- Nếu vậy Hòa thượng nói thế nào?

Chiêu Khánh chống gậy xuống đất rồi cầm gậy mà đi.

 

 

ĐẠI SƯ QUANG TỰ CHÍ ĐỨC VÂN PHONG núi THIÊN THAI

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ

 

Sư thượng đường nói:

- Chỉ cần lấy đồ dùng hằng ngày của chúng sanh mà không biết. Thí dụ như sông ngòi, các vì sao, mặt trời, mặt trăng trong tam thiên đại thiên thế giới hoài tế nhất thiết hàm linh, từ một lỗ lông mà vào một lỗ lông. Lỗ lông không nhỏ, thế giới không lớn. Trong đó chúng sanh bất giác không biết. Nếu muốn dễ lãnh hội đồ dùng hằng ngày của thượng tọa cũng không biết.

Tăng hỏi:

- Trong ngày, tăng chở hình tượng. Ban đêm, hình tượng chở tăng. Xin hỏi ý ấy thế nào?

Sư nói:

- Xà-lê há không phải từ trà đường đến ru?

 

 

AM CHỦ KHẾ NHƯ núi ĐẠI CHƯƠNG PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ

 

Sư người Vĩnh Thái Phước Châu, thọ nghiệp ở viện Đâu Suất thôn Bách Trượng Tuyền Châu, vốn tính tiết tháo, chí tìm hiểu Tổ đạo, tham dự trong thất của Huyền Sa, dĩnh ngộ u chỉ. Huyền Sa huyền ký rằng:

- Ông Thiền lý đã dật cách, nhưng sau này cần một người thị lập cũng không có.

Sư từ đó không lo chuyện tựu đồ, chẳng nuôi điệu hay thị giả, ẩn ở núi Tiểu Giới, khoét ruột một cây sam to mục làm am nhỏ để dung thân mà thôi. Phàm có tăng du phương đi ngang qua ghé vào, tùy hỏi mà đáp, chẳng có khai thị gì nhất định.

Tăng hỏi:

- Sanh tử đến lấy gì tránh né?

Sư nói:

- Nếu phù hợp đến thì phụng hành.

Hỏi:

- Nếu thế thì đã bị sanh tử lôi đi rồi còn gì ?

Sư nói:

- A da da.

Hỏi:

- Tây thiên cầm gậy, ý là thế nào?        

Sư nâng gậy lên, dộng xuống đất. Tăng hỏi:

- Xin hỏi đó là ý nghĩa gì?

Sư nói:

- Cái đó là đánh Trương gia.

Tăng nghĩ định hỏi, sư lấy gậy ném.

***

Hai trưởng lão Thanh Khoát và Xung Hú ngưỡng mộ danh tiếng sư mà chưa từng gặp mặt. Một sáng nọ, hai vị cùng đến tham phỏng, gặp lúc sư đang cắt lúa. Khoát hỏi:

- Này đạo giả (nghĩa như đạo lưu vậy), am chủ ở đâu vậy?

Sư hỏi:

- Từ đâu tới vậy?

Nói:

- Từ dưới chân núi đến.

Hỏi:           

- Nhân chuyện gì mà lại đến được đây?

Hỏi:

- Nơi đây là chốn nào vậy?

Sư cung tay chào nói:

- Lại dưới kia uống trà đi!

Hai trưởng lão giờ mới biết ra là sư, bèn cùng đi đến chỗ am. Khá thâm thía lời nghị cao siêu, quấn quít ngồi hai bên tả hữu, bất giác đêm về, thấy chó sói, cọp beo tới trước am, tự nhiên thuần thục. Khoát nhân có thơ rằng:

Nguyên văn:

行 不 等 閑 行

誰 知 去 住 情

一 餐 猶 未 飽

萬 户 勿 聊 生

非 道 應 難 伏

空 拳 莫 與 爭

龍 吟 雲 起 處

閑 叫 兩 三 聲

Phiên âm:

Hành bất đẳng nhàn hành

Thùy tri khứ trụ tình

Nhất xan do vị bão

Vạn hộ vật liêu sanh

Phi đạo ưng nan phục

Không quyền mạc dữ tranh

Long ngâm vân khởi xứ

Nhàn khiếu lưỡng tam thanh.

Tạm dịch:

Đi chẳng đi cho đành

Ai hay tình mong manh

Một bữa vẫn chưa no

Muôn nhà chẳng liêu sanh

Chẳng đạo ưng khó phục

Tay không chẳng cùng tranh

Rồng gầm chỗ mây khởi

Nhàn huýt đôi ba thanh.

Hai trưởng lão về sau tại núi Đại Chương cất am thỉnh sư ở. Sư ngồi cô quạnh ở hai nơi, trải 52 năm mới qua đời. Khoát tuy thừa chi dụ của sư, nhưng sau được ấn khả nơi Thụy Long, bèn thành pháp tự của Thụy Long, trụ Bảo Phước ở Chương Châu.

 

 

HÒA THƯỢNG VĨNH HƯNG LỘC

núi LIÊN HUÊ BẢO PHƯỚC

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ

 

Mân vương thỉnh sư thuyết pháp trong ngày khai đường. Sư chưa thăng tòa, mà trước hết đứng trước tòa nói:

- Đại vương cùng đại chúng hãy nghe đây! Đã có người cử dương chân chánh thì hội này đây toàn thể đều được nghe. Há lại có người không nghe sao? Nếu mà có người không nghe thì ta người cùng dối lừa nhau!

Nói xong mới đăng tòa.

***

Tăng hỏi:

- Quốc vương thỉnh sư xuất thế dạy người, chẳng nhúng mình cuộc hội hôm nay nào khác Linh Sơn.

Sư nói:

- Triệt cổ truyền kim.

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư nói:

- Đầu sợi lông hiển cả sa giới, mặt trời mặt trăng hiện trong đó.

 

 

THƯỢNG TỌA SƯ TỊNH chùa QUỐC THANH

núi THIÊN THAI

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HUYỀN SA SƯ BỊ

 

Ban đầu, sư gặp Hòa thượng Huyền Sa Sư Bị đang dạy chúng rằng:

- Các ông nên một đời như mất cả cha mẹ, ta bảo đảm các ông rốt lại sẽ thấu triệt.

Sư bèn nhẹ bước tới trước, lên tiếng hỏi rằng:

- Như trong Giáo nói: ‘Chẳng được lấy cái tâm sở tri mà đo lường tri kiến vô thượng của Như Lai’, thì thế nào?

Huyền Sa nói:

- Ông nói suy cứu được triệt để sở tri tâm là có thể đo lường được chăng?

Sư từ đó tin nhập.

***

Sau sư ở Thiên Thai hơn 30 năm chẳng xuống núi. Sư bác thông tam học, tháo hạnh cô lập. Ngoài lúc Thiền tịch, thường đọc Long tạng, xa gần đều khâm trọng. Người đời thường gọi là thượng tọa Đại Tịnh. Từng có người hỏi rằng:

- Đệ tử mỗi khi ngồi Thiền ban đêm, tâm niệm bay nhảy, chưa biết phương cách nhiếp phục, nguyện sư thương mà chỉ dạy.

Sư đáp:     

- Nếu ban đêm tĩnh tọa mà tâm niệm rối rắm bay nhảy thì hãy lây cái tâm rối rắm bay nhảy suy cứu chỗ rối rắm bay nhảy, thì cái niệm tâm rối rắm bay nhảy làm sao mà còn được. Phản cứu tâm thì cái tâm suy cứu được an thôi. Lại cái trí có thể chiếu vốn không, cái cảnh theo duyên cũng tịch lặng. Tịch lặng mà không phải cô tịch héo hắt, bởi người không thể cô tịch. Chiếu mà không chiếu, bởi cảnh không thể chiếu. Cảnh trí đều tịch lặng, tâm lự an nhiên. Ngoài không tìm cảnh, trong chẳng trụ định. Hai đường đều tiệt diệt, một tánh di nhiên. Đó là con đường chủ yếu để hoàn nguyên vậy.

Sư nhân đọc ảo nghĩa trong Giáo, bèn làm một bài kệ hỏi các học lưu rằng:

Nguyên văn:

若 道 法 皆 如 幻 有

造 諸 過 惡 應 無 咎

云 何 所 業 不 忘

而 藉 佛 慈 興 接 誇

Phiên âm:

Nhược đạo pháp giai như ảo hữu

Tạo chư quá ác ứng vô cữu

Vân sở tác nghiệp bất vong

Nhi tịch Phật từ hưng tiếp khoa.

Tạm dịch:

Nếu nói pháp đều như hữu ảo

Tạo bao quấy ác củng chẳng sao

Vì đâu tâm tạo nghiệp không quên

Moi kiếm lời Phật để tự cao.

Lúc ấy, có thượng tọa Tiểu Tịnh đáp:

Nguyên văn:

幻 人 興 幻 幻 輪 圍

幻 業 能 招 幻 所 治

不 了 幻 生 諸 幻 苦

覺 知 如 幻 幻 無 為

Phiên âm:

Ảo nhân hưng ảo ảo luân vi

Áo nghiệp năng chiêu ảo sở trị

Bất liễu ảo sanh chư ảo khổ

Giác tri như ảo ảo vô vi.

Tạm dịch:

Người ảo hưng ảo vòng ảo vây

Nghiệp ảo hay chiêu ảo chịu đây

Chẳng biết ảo sanh các khổ ảo

Hiểu rành như ảo ảo chẳng gây.

Cả hai thượng tọa Đại Tịnh và Tiểu Tịnh đều qua đời tại bổn sơn. Nay ở chùa Quốc Thanh tung tích lưu lại vẫn còn.

 

 

THIỀN SƯ ĐẠO KHUÔNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

A- Tiểu sử tối lược giản:

Thiền sư Đạo Khuông, người Triều Châu (Nay là dãy Triều An Quảng Đông), ước tại thế khoảng nửa sau thế kỷ thứ 9 và nửa đầu thế kỷ thứ 10, đắc pháp với Thiền sư Trường Khánh Tuệ Lăng. Tuệ Lăng ban đầu trụ viện Chiêu Khánh Tuyền Châu, sau ứng mệnh Mân chúa, trụ trì Trường Lạc Tây viện. Đạo Khuông kế thừa trụ trì viện Chiêu Khánh, học đồ đông đảo như cũ.

B- Trích ngữ lục:

Sư thượng đường nói:

- Chưa nói đã lãnh hội, cũng đã cô phụ nỗ lực một đời. Câu vừa thốt ra đã đầu hiệp cơ duyên, cũng đã trái nghịch bản thể của đạo pháp. Tại sao lại thế? Đại chúng thử nói xem bổn lai phải biện biệt thế nào?

Sư lại nói với đại chúng:

- Chiêu Khánh ta đây đêm nay cùng các vị nói năng này nọ, Không biết thực tại rơi vào đâu?

Lúc đó, có ông tăng bước ra hỏi:

- Nếu đại chúng cùng lúc giải tán hết thì có xứng hợp ý lão sư không?

Sư nói:

- Phải đánh ông một gậy đấy.

Tăng lễ bái, sư nói:

- Tuy có ý đầu hiệp hiếm xãy ra (1), nhưng chưa qua quá trình tỉnh ngộ.

Tăng hỏi:

- Thế nào là quá trình tỉnh ngộ?

Sư nói:

- Đó là ý đầu hiệp hiếm xảy ra (2).

Chú: (1) ‘Manh qui chi ý’ là ý đầu hiệp hiếm xảy ra như dưới biển có con rùa mù 100 năm mới nổi lên một lần vừa hay chui tọt vào cái bọng cây cũng 100 năm mới trôi qua một lần.

(2) ‘Hiểu nguyệt chi trình’ dụ chỉ đã rành rõ, quá trình hành vi trước khi tỉnh ngộ.

Tăng hỏi:

- Thế nào là hành vi của tăng lữ?

Sư đáp:

- Cái gì không nên làm thì đừng làm.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại?

Sư đáp:

- Con muỗi đậu trên con bò sắt.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là kiếm nằm trong vỏ?

Sư lặng thinh hồi lâu. Tăng không biết phải thi thố thế nào.

Sư nói:

- Phải cảm tạ lão tăng đây mới đúng.

***

Hỏi:

- Thế nào là một câu đề Tông?

Sư nói:

- Không được muội Chiêu Khánh đấy.

Ông tăng ấy lễ bái đứng lên. Sư lại nói:

- Không được muội Chiêu Khánh phó chúc ông. Thế nào là một câu đề Tông?

Tăng không lời đối đáp. Hỏi:

- Dưới lưỡi kiếm Văn Thù không thừa đương thì thế nào?

Sư nói:

- Chưa phải là tay hảo thủ.

Tăng hỏi:

- Thế nào là tay hảo thủ?

Sư nói:

- Ấy là ông thoại đọa rồi! (Sẩy lời rồi!)

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Chiêu Khánh?

Sư nói:

- Thà nghèo mà trong sạch tự vui, còn hơn làm kẻ trọc phú lắm âu lo.

***

Hỏi:

- Thế nào là một tuyến đạo của Nam Tuyền?

Sư nói:

- Chẳng từ chối nói ông nghe. Chỉ e trong giảo lại càng giảo đấy chứ.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp?

Sư đáp:

- Thất điên bát đảo.

Tăng nói:

- Kẻ học này căn cơ ngu độn, thỉnh lão sư phát tâm từ bi, tạm chỉ cho con đường.

Sư nói:

- Đó là cái tâm của mấy mụ lão. (Tức tận tâm dìu dắt)

Tăng nói:

- Bi hoa mổ banh ra để lĩnh tôn từ, Tông thừa từ trước chuyện thế nào?

Sư nói:

- Như thế thì cần ông đích thân hỏi mới được.

***

Sư hỏi ông tăng:

- Từ đâu tới?

Tăng đáp:

- Từ nơi bửa củi đến.

Sư hỏi:

- Có củi bổ không ra không?

Tăng đáp:

- Có.

Sư hỏi:

- Thế nào là bửa không ra?

Ông tăng tịt lời. Sư nói:

- Ông như thế không thể hồi đáp thì hãy hỏi ta, ta sẽ trả lời cho.

Tăng hỏi:

- Thế nào là bửa không ra?

Sư nói:

- Gạt gẫm quá đi thôi.

***

Nhân đất động, tăng hỏi:

- Có chẳng động không vậy?

Sư đáp:

- Có.

Tăng hỏi:  

- Thế nào là chẳng động vậy?      

Sư nói:

- Động từ đông lại, rồi chạy về tây.

Hỏi:

- Mưa pháp rưới khắp, có nơi nào không tẩm nhuận chăng?

Sư nói:

- Có.

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỗ chẳng tẩm nhuận?

Sư nói:

- Nước rưới không tới.

***

Tăng hỏi:

- Chỗ sâu thăm thẳm của Chiêu Khánh là gì?

Sư đáp:

- Cả ông cũng chìm lỉm tuốt.

***

Hỏi:

- Thế nào là người trong thành cửu trùng?

Sư nói:

- Có cùng ông biết nghe không?

***

Sư thượng đường, đại chúng đứng chật cả pháp đường, sư nói:

- Nơi đây không có vật gì cả, các vị khổ công hối thúc bức bách ta mà làm gì, chỉ hơi trì nghi là đã cùng đạo pháp không còn quan hệ. Vào cổng, vô cửa, hỏi han lại càng thêm xa cách muôn ngàn dặm. Hiện tại đã thượng đường rồi, các vị cũng nên lưu chút tinh thần, Chiêu Khánh ta nhất thời trao cho các vị, được không?

Tiếp đó, sư lại nói:

- Tiếp thụ không?

Đại chúng không lời đối đáp. Sư nói:

- Nhọc nhằn mà chẳng công cán gì.

Rồi đó sư lên pháp tòa, tiếp tục nói:

- Các vị sao lại trì độn như thế. Vừa thấy một hai người xưa mẫn tiệp là công kênh ngay, điều đó cũng còn tàm tạm được. Nếu như có loại người như thế chẳng những phải cúng dường tứ sự mà còn phải lấy lưu ly rải thành nền, lấy bạc trắng dát thành vách, mà còn chưa cho là xa hoa, còn phải Đế Thích dẫn đầu, Phạm Vương theo sau hộ giá, khuấy nước sông Trường Hà làm tô lạc, biến đại địa thành vàng ròng, mà còn chưa cho là quá hớp. Dầu cho là như thế vẫn còn một cấp độ cao hơn chưa làm đươc. Có lãnh hội không? Tạm biệt!       

 

 

THIỀN SƯ NGẠN CẦU THẬT TƯỚNG ĐẮC NHẤT chùa LONG HUÊ HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của CHIÊU KHÁNH TUỆ LĂNG

 

A- Tiểu sử tối lược giản:

Thiền sư Ngạn cầu, hiệu Thật Tướng Đắc Nhất Đại Sư, ước tại thế khoảng nửa sau thế kỷ thứ 9 và nửa đầu thế kỷ thứ 10, đắc pháp với Thiền sư Trường Khánh Tuệ Lăng, trụ chùa Long Hoa Hàng Châu.

B- Trích ngữ lục:

Nhân ngày khai đường, sư nói với đại chúng:

- Hôm nay dĩ nhiên đã lên pháp tòa rồi, thì còn né tránh chẳng nói được sao? Cái chuyện chẳng thể né tránh này, trong đại chúng có ai chứng minh cho ta chăng? Nêu có thì hãy bước ra cùng ta tạo bản dạng.

Lúc ấy, có ông tăng bước ra nói:

- Quan trưởng quận thỉnh lão sư khai đường, làm thế nào cử thuyết chỉ ý hoằng dương Tông môn?

Sư nói:

- Liên quan đến ngữ cú đạo pháp, điều tối kỵ là truyền thuyết sai lầm đến các nơi khác.

***

Hỏi:

- Pháp tòa này từ trên trời rơi xuồng hay từ dưới đất phọt lên?

Sư nói:

- Là cái gì?

Tăng hỏi:

- Pháp tòa này cao rộng, làm sao mà lên được?

Sư nói:

- Hôm nay suýt bị ông an đốn rồi.

Hỏi:

- Một hội Linh Sơn, Ca Diếp đích thân nghe. Một hội ngày nay, ai người được nghe?

Sư nói:

- Cùng với ta kích đại tiết tâu.

Tăng hỏi:

- Chước nhiên giỏi thay.

Sư nói:

- Hãy đem tương thủy đến trà đường mà dùng.

***

Sư lại nói tiếp:

- Trước đây tới giờ Phật pháp đều phó thác cho quốc vương, đại thần cùng những thí chủ có bề thế. Hôm nay đây, quận trưởng quan cùng các quan viên đặc biệt đến mời, chẳng khỏi cảm tạ và hổ thẹn, sơn tăng ta có một câu nói sau cùng bán rẻ cho chư vị.

Sư đứng lên tiếp tục nói:

- Có ai mua không? Như có người mua thì hãy bước ra, như không có người mua thì hàng ế tự thu về. Các vị đứng đã lâu, xin tạm biệt!

***

Có một lần sư thượng đường nói:

- Giờ tốt, ngày tốt, nói mau, nói mau!

Lại nói:

- Đại chúng hãy mau bước tới nghe lão tăng ta nói đệ nhất nghĩa. Đại chúng bước tới, bị sư dùng gậy đánh đuổi ra khỏi cửa.

Có người hỏi:

- Thế nào là tự kỷ của kẻ học này?

Sư đáp:

- Trên tuyết còn thêm sương.

 

 

THIỀN SƯ BẢO AN LIÊN huyện LÂM AN HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Tăng hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Bảo An?

Sư nói:

- Hỏi khó thế nào ấy!

Hỏi:

- Thế nào là kiếm bén thổi đứt lông?

Sư nói:

- Trụ sắt ở Dự Chương kiên cố.

Tăng nói:

- Kẻ học này không lãnh hội.

Sư nói:

- Từ Chương Giang đích thân đến.

Hỏi:

- Thế nào là hạnh sa-môn?

Sư nói:

- Trên đầu sư tăng đội mão.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Cọp chết đủ để người ta nhìn.

Hỏi:

- Một hỏi, một đáp, ta người hưng khởi, thế nào là câu không làm người kinh dị của Bảo An?

Sư nói:

- Ông tới nơi khác làm sao cử thuật lại?

 

 

ĐAI SƯ QUANG VÂN TUỆ GIÁC viện BÁO TỪ PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TUỆ LĂNG TRƯỜNG KHÁNH

 

Sư thượng đường nói:

- Thuốc trị khỏi bệnh không cần lừa kéo. Cứ như đêm nay, mọi người đều tự quay về tăng đường thôi. Tạm biệt!

***

Tăng hỏi:

- Thừa nghe Tuệ Giác có tỏa khẩu quyết, làm thế nào chỉ dạy người?

Sư nói:

- Cũng may là gậy không ở trong tay ta.

Tăng nói:

- Nếu thế thì lãnh hội sâu sắc từ bi của Tôn đức vậy.

Sư nói:      

- Đợi ta khẳng nhận ông mới được.

***

Sư vào phủ đệ, Mân vương hỏi:

- Báo Từ và Thần Tuyền cách nhau xa gần?

Sư nói:

- Nếu nói đến gần xa, thì chi bằng đích thân đến xem.

Sư bỗng hỏi:

- Đại vương ngày ngày ứng đáp biết bao nhiêu công việc, thì đó là tâm gì?

Vương hỏi:

- Từ nơi nào được tâm ấy?

Sư nói:

- Há có người chẳng có tâm?

Vương hỏi:

- Chuyện bên kia thì làm sao?

Sư nói:

- Xin hướng về bên kia mà hỏi.

Vương nói:

- Đạo sư dối gạt người khác thì được.

***

Tăng nói:

- Đại chúng đã tụ tập đông đủ , thỉnh sư cử dương.

Sư hỏi:

- Có bao nhiêu người chưa nghe?

Nói:

- Nếu thế thì chẳng cần đến đây vậy.

Sư nói:

- Không đến hãy để đó, ông hướng về đâu mà lãnh hội?

Tăng nói:

- Nếu có chỗ nơi thì đã cô phụ Hòa thượng rồi.

Sư nói:

- Tức sợ chẳng biện biệt tinh thô.

Hỏi:

- ‘Phàm thuyết pháp thì nên theo như pháp mà thuyết’ ý ấy thế nào?

Sư liền đánh. Nói:

- Không cần ngôn thuyên, thỉnh sư nói thẳng!

Sư nói:

- Hà tất lại phải chờ thương lượng.

 

 

THIỀN SƯ THIỆU TÔNG VIÊN TRÍ chùa KHAI TIÊN LÔ SƠN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Sư người Cô Tô, bản tánh mộc mạc, chẳng giống mọi người. Lúc còn trẻ, sư nương chùa Lưu Thủy ở bổn quận mà xuất gia rồi thọ giới cụ túc. Sư được vào thất của Trường Khánh mật khế chân yếu. Ban sơ, sư kết am tranh ở Nha Sơn Kiền Châu mà ở 20 năm, đạo thanh vang xa. Quốc chúa Giang Nam họ Lý xây chùa, thỉnh sư thuyết pháp, huyền đồ đông dầy. Kịp khi Quốc chúa tuần du Hồng Tỉnh, đích thân vào núi chiêm yết, thỉnh sư thượng đường, bảo tăng hỏi:

- Thế nào là cảnh của Khai Tiên?

Sư nói:

- Đúng là một điều giới pháp vỡ màu sắc của núi xanh.

Tăng hỏi:

- Thế nào là người trong cảnh?

Sư nói:

- Nhặt củi khô để nấu chín nước thác.

Quốc chúa càng thêm khâm trọng.

Về sau, sư qua đời tại chùa núi, linh tháp đến nay hãy còn.

 

 

ĐẠI SƯ BẢO TƯ HIỂU NGỘ viện BÁO ÂN KIM LÂN VỤ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Sư thượng đường, đại chúng đứng lâu, sư nói:

- Các anh em đều từ sơn môn mà đến. Chủ nhân miệng ngậm như hến không nên thành ra phụ nhau. Không ở lâu, các anh em cũng chưa cần kinh ngạc. Nếu mang học nhãn tham yết thì phiền chi đứng lâu. Mỗi người đều tự quay về tăng đường đi. Tạm biệt!

***

Sư mở nền phương trượng, tăng hỏi:

- Trượng cơ đã thành, làm thế nào thông tin?

Sư nói:

- Không thể muội anh em nơi đây.

Tăng hỏi:

- Chuyện chẳng muội thì thế nào?

Sư nói:

- Ban ngày, ban mặt.

Nói:

- Kẻ học này sơ tâm, thỉnh sư chỉ cho con đường ngộ nhập.

Sư bèn nghiêng bàn tay khải thị, hỏi:

- Lãnh hội không?

Tăng nói:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Riêng một bàn tay không thể vỗ nên tiếng.

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Báo Ân?

Sư nói:

- Biết được xà-lê nhập chúng chưa lâu.

Hỏi:

- Người xưa nâng trùy, dựng cây xơ quất, ý chỉ thế nào?

Sư nói:

- Báo Ân có phận đứt lưỡi.

Tăng hỏi:

- Tại làm sao mà như thế?

Sư nói:

- Khuất tất mà làm gì?

Hỏi:

- Thế nào là kiếm Văn-thù?

Sư nói:

- Không biết.

Hỏi:

- Nếu dưới một đường kiếm làm sống người thì thế nào?

Sư nói:

- Sơn tăng ta chỉ biết hai thời cơm cháo.

Hỏi:

- Thế nào là đâu đâu cũng là Bồ-đề?

Sư nói:

- Sau lưng là lập địa gì?

Tăng nói:

- Kẻ học này không lãnh hội, thỉnh sư tái chỉ thị.

Sư nâng cây gậy lên nói:

- Ông không lãnh hội, nên ăn ít nhiều gậy!

Hỏi:

- Thế nào là người có đủ hổ thẹn?

Sư nói:

- Mở miệng không được.

Tăng hỏi:

- Người ấy hành động thế nào?

Sư nói:

- Gặp trà uống trà, gặp cơm ăn cơm.

Hỏi:

- Thế nào là một mũi tên của Kim Cương vương?

Sư nói:      

- Nói cái gì?

Tăng ấy lại hỏi nữa, sư nói:

- Đã qua tới nước Triều Tiên rồi!

Chú: Thời xưa, đối với cái nhìn của người Trung Quốc thì nước Tân La tức nước Triều Tiên bây giờ, là một nơi rất xa xôi, cho nên trong Thiền ngữ, từ ‘Quá Tân La’ dùng chỉ Thiền cơ đã qua đi xa lắm rồi!

***

Hỏi:

- Sóng dậy, đỉnh sôi trào, khởi tất toàn chân, xin hỏi ý người xưa như thế nào?

Sư bèn nạt đùa. Tăng nói:

- Nếu thế thì chẳng có thứ bậc gì cả?

Sư nói:

- Ông thoại đọa rồi!

Sư lại nói:

- Lời nói của ta cũng sẩy rồi, còn ông thì thế nào?

Tăng không lời đối đáp.

***

Hỏi:

- Bỏ qua thưởng phạt, thế nào là kiếm bén thổi đứt lông?

Sư nói:

- Diên Bình là kiếm châu.

Chú lần nữa: Diên Bình là hến mà con Lôi Hoán phóng kiếm.

Tăng nói:

- Nếu thế là táng thân, mất mạng rồi vậy.

Sư nói:

- Hồ trong sông Tiền Đường.

 

 

THIỀN SƯ PHÁP THAO TÔNG NHẤT chùa KHUYNH TÂM HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Sư thượng đường nói:

- Đại chúng đừng có chờ nghe một câu nói rồi quay về tăng đường. Còn có người kế thiệu Tông phong không vậy? Có người thù đáp được câu hỏi này không? Nếu có người thù đáp được thì trong đây cùng mọi người làm trò cười. Nếu thù đáp không được, thì mọi người cùng chỗ này làm trò cười. Tạm biệt!

Tăng hỏi:

- Làm sao đếm thật, miễn được hư dối?

Sư nói:

- Ông hỏi nếu đúng, mọi người đều giám sát trọn.

Hỏi:

- Đến như thế đều chẳng trượng phu, nếu không đến như thế, còn có phần thiệu kế Tông phong không?

Sư nói:

- Xuất hai đầu tới một câu hỏi.

Tăng hỏi:

- Người nào biện biệt được?

Sư nói:

- Người Ba Tư (Iran bây giờ) nuôi dạy con.

Hỏi:

- Khứ xứ của Phật pháp, thỉnh sư toàn chỉ dạy.

Sư nói:

-Ông chỉ cần toàn chí nhất vấn lại.

Tăng hỏi:

- Vì sao lại nêu câu hỏi đó?

Sư nói:

- Ông mới vừa rồi hỏi cái gì?

Tăng nói:

- Nếu không gặp sư, kể như thành tẩu tác.

Sư nói:

- Giặc đi rồi mới đóng cửa ải.

Hỏi: 

- Một câu biệt truyền, phân phó thế nào?

Sư nói:

- Khá tiếc thay câu hỏi.

Tăng nói:

- Nêu thế thì chẳng thù đáp mà cũng chẳng đương.

Sư nói:

- Cũng là lời nói quàng xiên.

***

Hỏi:

- Thế nào là người không chầu Thiên tử mà cũng không ham vương hầu?

Sư nói:

- Mỗi ngày ba điều tuyến, quanh năm một chiếc y.

Hỏi:

- Xin hỏi con người ấy có thiệu long Tông phong không vậy?

Sư nói:

- Chim khách đậu trên đầu kêu ríu rít. Mây bay qua trước mắt.

Hỏi:

- Thừa mong người xưa có nói: ‘Chẳng đoạn trừ phiền não’, ý ấy thế nào?

Sư nói:

- Lại làm người ta đổ quạu.

Tăng hỏi:

- Làm sao để khỏi đổ quạu?

Sư nói:

- Ông nói sẩy lời rồi! (Thoại đọa)

Hỏi:

- Bỏ qua khen phạt, thế nào là kiếm bén thôi đứt lông?

Sư nói:

- Theo phép lạy ba lạy.

Sau sư trụ chùa Long Sách mà qui tịch.

 

 

THIỀN SƯ HỒNG NGHIỄM viện THỦY LỤC HỒNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Sư thượng đường, đại chúng tụ tập đâu đó xong cả, sư bước xuống pháp tòa bưng chiếc lư hương tuần hành trước đại chúng nói:

- Cúng dường chư Phật mười phương.

Rồi quay về phương trượng.

Tăng hỏi:

- Rời khỏi bách phi cùng tứ cú, thỉnh sư hết sức đề cương.

Sư nói:

- Rơi vào chỗ nào rồi?

Tăng nói:

- Nếu mà như thế thì Trời, Người đều có chỗ nhờ cậy.

Sư nói:

- Đừng có đem nước bẩn tạt rưới vào người khác!

 

 

THIỀN SƯ HÀM TRẠCH viện QUẢNG NGHIÊM

núi LINH ẨN HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Ban đầu, sư tham yết Hòa thượng Bảo Phước. Bảo Phước hỏi rằng:

- Ông tên là gì?

Sư đáp:

- Hàm Trạch (Đầm đầy).

Bảo Phước nói:

- Nếu gặp khô cạn cả thì làm sao?

Sư nói:

- Ai là khô cạn?

Bảo Phước nói:

- Là ta đây.

Sư nói:

- Hòa thượng đừng dối gạt người chứ!

Bảo Phước nói:

- Ấy chính ông gạt ta đó chứ!

Sau sư phụng thừa ấn ký của Trường Khánh, trụ đạo tràng Quảng Nghiêm.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là chuyện giáp mặt tương trình?

Sư bước xuống giường Thiền nói:

- Chúc tôn thể muôn phước.

Hỏi:

- Kẻ không cùng muôn pháp làm bạn lữ là người nào?

Sư nói:

- Trong thành lầu sử xanh. Ngoài mây tháp cao phong.

Hỏi:

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Sư nói:

- Khe thâm u suối trong. Trên ngọn núi cao trăng trắng.

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Quảng Nghiêm?

Sư đáp:

- Một hốc mây trắng. Ba gian nhà tranh.

Tăng hỏi:

- Rốt lại thì thế nào?

Sư nói:

- Đã không duy na, lại không điển tọa.

Hồi:

- Thế nào là thói nhà của Quảng Nghiêm?

Sư nói:

- Trước bàn thạch Sư Tử nước linh chảy rì rảo. Trên núi Kê Lung vượn kêu choe chóe.

 

 

THIỀN SƯ TUỆ LÃNG viện BÁO TỪ PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Sư thượng đường nói:

- Chư Thánh từ xưa vì một chuyện nhân duyên lớn mới xuất hiện nơi thế gian, cáo báo lần lượt. Các ông đây có lãnh hội không vậy? Nếu không lãnh hội thì rất khó.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là một chuyện lớn?

Sư nói:

- Há phải chăng là cáo báo lầm đấy?

Tăng hỏi:

- Nếu thế thì kẻ học này không nghi ngờ vậy?

Sư nói:

- Nhưng ngặt nỗi một miếng vẩy cá trong con mắt thì biết sao giờ?

Hỏi:

- Ba đời chư Phật đều là người truyền lời. Xin hỏi truyền lời của người nào?

Sư nói:

- Nghe.

Tăng hỏi:

- Xin hỏi là lời lẽ gì?

Sư nói:

- Ông chẳng phải Chung Tử Kỳ.

Hỏi:

- Thế nào là con mắt của kẻ học nàv?

Sư nói:

- Không phải để đếm cát.

 

 

THIỂN SƯ TRƯỜNG KHÁNH THƯỜNG TUỆ DI SƠN PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Tăng hỏi:

- Mạng lịnh các chư hầu, pháp tự của Di Sơn, lời nói chắn miệng, thỉnh sư đừng nhầm lẫn.

Sư nói:

- Được thôi.

Tăng nói:

- Nếu thế thì đã lãnh hội sâu tôn từ.

Sư nói:

- Tốt đấy! Đừng có độn trí.

***

 

Có người hỏi:

- Chẳng phạm Tông phong, chẳng thương tổn vật nghị, thỉnh sư trọn miệng nói.

Sư nói:

- Hôm nay há chẳng phải là khai đường ru?

Hỏi:

- Đạm tục Tuyết Phong, ấn truyền Siêu Giác, chẳng trái với vật, chẳng phụ nơi người, chẳng tại đương đầu, tức nay là đạo gì?

Sư nói:

- Trái, phụ là đạo.

Nói:

- Nếu vậy thì thiện phó lai ngôn, cạn sâu gì đều biện biệt cả.

Sư nói:

- Cũng nên biết tốt xấu.

 

 

THIỀN SƯ TỊNH viện THẠCH PHẬT PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Sư thượng đường nói:

- Nếu mà nói để mặt trắng (Mặt thật không trang điểm che đậy) gặp nhau, lại vẫn còn thêm phấn sáp. Nếu rời khỏi lỗi, thì cũng mang tội. Các ông làm thế nào mà thể tất đây?

***

Tăng hỏi:

- Học nhân muốn gặp bổn lai sư của Hòa thượng thì thế nào?

Sư nói:

- Trên động có lời đích thân thể thủ.

Tăng nói:

- Nếu thế thì không được thấy rồi vậy?

Sư nói:

- Dĩ nhiên khách lộ như trời xa, hầu môn như biển sâu.

 

THIỂN SƯ TÙNG MÂN XỨ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Sư thượng đường nói:

- Không cần trải chiếu. Tạm biệt!

Lại hỏi tăng:

- Lãnh hội không?

Tăng nói:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Tưởng đâu xà-lê đến Bách Trượng.

 

 

THIỀN SƯ THANH HOÁN viện QUÁN ÂM CHẪM PHONG PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Sư thượng đường nói: ,

-Này các vị Thiền đức! Nếu cần luận Thiền, thuyết đạo, cử xướng Tông phong thì chỉ nơi phần thượng của đương nhân lấy trong đầu một sợi lông có vô số chư Phật chuyển đại pháp luân (thuyết pháp). Trong một hạt bụi hiện chùa của Bảo vương. Phật nói. Chúng sanh nói. Sơn hà đại địa đồng thời nói, chưa từng tạm nghỉ dừng, gián đoạn. Như vua Tỳ-sa-môn, trước sau đều không cầu vật báu bên ngoài. Bởi đã mỗi người đều có thói nhà như thế, ai thiếu sót đâu nào? Không nên để người khác phân xử mình.

Tăng hỏi:

- Làm sao thể đắc?

Sư nói:

- Không nên tìm tiếng trong hang. Nên cầu gốc ngọn.

 

 

THIỀN SƯ ĐÔNG THIỀN KHẾ NỘT PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Sư thượng đường nói:

- Chưa từng tạm mất, toàn thể hiện tiền. Nói như thế cùng là phần ngoài. Nếu đã nói không được như thế, hướng về trước mặt anh em nên nói làm sao? Chẳng không có chỗ nói, chẳng nhận nói chăng? Đừng có lãnh hội lầm đấy.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là Tam-muội trước mắt?

Sư nói:

- Cần gì phải đợi nói.

Nói:

- Chuyện mình chưa sáng tỏ, thỉnh sư chỉ thị.

Sư nói:

- Sao còn chưa lẽ tạ đi.

Hỏi: 

- Thế nào là thói nhà của Đông Thiền?

Sư nói:

- Một người truyền hư, ngàn người truyền thật.

 

 

ĐẠI SƯ HOẰNG BIỆN DIỆU QUẢ viện TRƯỜNG KHÁNH PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Ngày nọ, sư thượng đường, đứng bên mé của bảo tòa nói:

- Đại chúng ai ai cùng quay về tăng đường được chưa vậy? Có lãnh hội được không? Nếu mà chưa lãnh hội thì sơn tăng ta đành phải dối gạt mọi người vậy.

Nói xong liền lên tòa.

***

Tăng hỏi:

- Hải chúng vân tập, thỉnh sư mở cửa phương tiện, khải thị tướng chân thật.

Sư nói:

- Cái đó là cửa phương tiện rồi.

Tăng nói:

- Nếu thế thì đại chúng lắng tai nghe vậy.

Sư nói:

- Lắng tai luống mà chi?

Tăng hỏi:

- Siêu Giác sau cháy rực, diệu quả truyền đèn. Trừ bỏ nói nín, động tịnh, chỉ thị thế nào?

Sư nói:

- Còn có biết ngạc nhiên không vậy?

 

 

ĐẠI SƯ KHẢ LONG LIỄU KHÔNG viện ĐÔNG THIỀN PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Ban sơ khai đường (1), có ông tăng hỏi:

- Xa bỏ trượng thất Cửu Phong, lại đến đạo tràng Đông Thiền, Trời Người chiêm ngưỡng tôn nhan, thỉnh ban một lời diễn thuyết!

Chú (1): Xin nhắc lại Thiền sư được đề cử tiếp nối trụ trì tự viện lên tòa thuyết pháp lần đẩu tiên, gọi là khai đường.

Sư nói:

- Gió Nghiêu ngàn năm. Liễu Không chẳng muội nơi xà-lê.

Nói:

- Nếu nói thế thì Trời, Người đều được nhờ.

Sư nói:      

- Đúng mà không đúng.

Hỏi:

- Thế nào là đạo?

Sư nói:

- Đúng là đạo đây.

Hỏi:

- Thế nào là người trong đạo?

Sư nói:

- Rõ ràng hướng ông nói.

***

Sư thượng đường nói:

- Hết sức tỉnh yếu, tự còn chưa là bậc tiên đà. Nếu là phường nghe lời người nói thì chi bằng quay về tăng đường mà sưởi ấm còn hơn. Tạm biệt!

Hỏi:

- Thế nào là đệ nhất cú của Phổ Hiền?

Sư nói:

- Đã rơi vào đệ nhị cú rồi!

 

 

THIỂN SƯ THỦ TỲ viện TIÊN TÔNG PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Ngày nọ, sư không thượng đường, đại chúng vào phương trượng thăm hỏi. Sư nói:

- Đêm nay cùng đại chúng xin phép nghỉ. Có cho nghỉ phép không vậy? Nêu mà không cho phép, thì lời nói đầu tiên là phụ lòng. Tạm biệt!

***

Tăng hỏi:

- Người trong 12 thời thìn đều có mặt, có cần Trời, Người cúng dường không?         

Sư nói:

- Cần cũng không được.

Tăng hỏi:

- Vì sao mà cần không được?

Sư nói:

- Vì ông thường có mặt.

Hỏi:

- Nếu như người không có mặt thì có cần được hay không?

Sư nói:

- Đến năm con lừa mới được.

Chú: Trong 12 con giáp, không có năm con lừa, vậy là hàm ý không bao giờ có.

Tăng nói:

- Thỉnh sư đáp lời nói không chủ khách!

Sư nói:

- Hãy hướng về nơi không chủ khách mà hỏi!

 

 

THIỀN SƯ HOÀI LIỆT TỊNH NGỘ viện VĨNH AN PHỦ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TRƯỜNG KHÁNH TUỆ LĂNG

 

Sư thượng đường, đại chúng tụ họp đông đảo. Sư ngó hai bên tả hữu nói:

- Bệnh ngậm ngọng mà làm gì?

Nói xong, liền quay về phương trượng. Lại một hôm, sư thượng đường nín lặng hồi lâu nói:

- May mà biết thương xót sanh mạng, nhưng cũng vẫn bị làm nhơ uế.

Lại nói:

- Này đại chúng! Chính là nơi phải cố sức đấy. Chẳng dễ dàng gì đâu.     

***

Tăng hỏi:

- Di Sơn đích thân nghe một câu. Thỉnh sư vì kẻ học mà nói.

Sư nói:

- Về sau chớ có lầm mà cử thuật lại với người!

 

 

THIỀN SƯ LINH HÀM MÂN SƠN PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TUỆ LĂNG TRƯỜNG KHÁNH

 

Ban sơ, sư trụ viện Vĩnh Phước, thượng đường nói:

- Trả ơn, ơn đầy. Báo nguyện, nguyện đủ.

Nói xong quay về phương trượng.

Tăng hỏi:

- Đã đến đỉnh núi diệu, ai là người bè bạn?

Sư nói:

- Đến.

Tăng hỏi:  

- Ai là người làm bạn bè?

Sư nói:

- Uống trà đi!

Nói:

- Rõ rành mà không lãnh hội, thỉnh sư chỉ thị.

Sư nói:

- Chỉ thị thôi hãy bỏ qua bên, thế nào là chuyện rành rõ của ông?

Tăng nói:

- Kẻ học này không lãnh hội. Một lần nữa thỉnh sư chỉ thị.

Sư nói:

- Bảy gậy mười ba.

 

 

HÒA THƯỢNG QUI SƠN nước TÂN LA (TRIỀU TIÊN)

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TUỆ LĂNG TRƯỜNG KHÁNH

 

Có người cử thuật lại chuvện tướng quốc Bùi Hưu khải kiến pháp hội hỏi ông tăng đang xcm kinh: ‘Đó là kinh gì?’ . Tăng đáp: ‘Là kinh Đồng tử không lời (Vô Ngôn Đồng Tử kinh). Công hỏi ‘Có mấy quyển?’. Tăng đáp: ‘Hai quyển’. Công nói: ‘Nếu đã là không lời thì tại sao lại có hai quyển?’. Tăng không lời đối đáp. Sư đáp thay:

- Nếu luận về không lời thì không chỉ có hai quyển.

 

 

THIỀN SƯ ĐẠO ÂN viện TƯ QUỐC núi LONG TU CÁT CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TUỆ LĂNG TRƯỜNG KHÁNH

 

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại'?

Sư nói:

- Năm Phổ Thông thứ tám bị Lương Võ Đế trách, đến hôm nay còn chưa rửa sạch vết đó.

Hỏi:

- Ngàn núi, muôn núi. Thế nào là núi Long Tu ?

Sư nói:

- Ngàn núi, muôn núi.

Tăng hỏi:

- Thế nào là người trong núi?

Sư nói:

- Giáp mặt mà cách xa ngàn dặm.

Hỏi:

- Không rơi vào có - không, thỉnh sư nói!

Sư nói:

- Ông vì sao mà hỏi?

 

 

THIẾN SƯ TRỪNG TỊNH viện TƯỜNG QUANG PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TUỆ LĂNG TRƯỜNG KHÁNH

 

Tăng hỏi:

- Thế nào là đạo?

Sư nói:

- Trường An đỉnh phừng phực.

Tăng hỏi:

- Chuyện hướng thượng như thế nào?

Sư nói:

- Tiếng trong hang muôn tiếng núi dậy lên. Tòng già mây năm màu quân.

Tăng hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư nói:

- Dưới cửa Bình chương sự. Trong cung vua tới mấy lớp.

 

 

THIỀN SƯ THỨU LĨNH MINH VIỄN TƯƠNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TUỆ LĂNG TRƯỜNG KHÁNH

 

Ban đầu, sư tham yết Trường Khánh. Trường Khánh hỏi:

- Ông tên là gì?

Sư đáp:

- Minh Viễn.

Trường Khánh hỏi:    

- Chuyện bên kia thì làm sao ?

Sư nói:

- Minh Viễn lui hai bước.

Trường Khánh nói:

- Ông đương không lui hai bước để mà chi?

Sư không lời đối đáp. Trường Khánh nói thay:

- Nếu không lui bước, làm sao biết minh viễn.

Sư bèn dụ chỉ.

***

Sau khi sư làm trụ trì, có ông tăng hỏi:

- Chẳng có một pháp đương tiền, mà ứng dụng chẳng hề thiếu sót thì thế nào?

Sư lấy tay khều lửa. Ông tăng ấy nhân ấy mà tỉnh ngộ.

 

 

THIỀN SƯ TÙNG HOÀI viện BÁO TỪ HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TUỆ LĂNG TRƯỜNG KHÁNH

 

Sư họ Trần, người Phước Châu, tuổi còn nhỏ đầu Thạch Thê mà xuất gia. Ban sơ, sư trụ chùa Xứng Tâm Việt Châu, sau trụ viện Báo Từ.

Tăng hỏi:

- Người xưa có câu: ‘Người đời nay xem cổ Giáo, chưa tránh được trong lòng náo loạn. Muốn tránh được trong lòng náo loạn thì phải nên xem cổ Giáo’.

Tăng hỏi:

- Thế nào là cổ Giáo?

Sư nói:

- Như vầy tôi nghe (Như thị ngã văn).

Gợi ý: Kinh giáo xưa (cổ giáo) bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “Như vầy tôi nghe” (Như thị ngã văn).

Hỏi:

- Thế nào là trong lòng náo loạn?

Sư nói:

- Tiếng con chim sẻ ở bờ bên kia.

Vào giờ Thìn ngày mùng 4 tháng 6 năm Quí Dậu nhằm năm thứ sáu niên hiệu Khai Bảo, sư tắm gội sạch sẽ, thay y phục, dặn dò môn nhân chuyện phó chúc xong, nằm nghiêng bên phải mà qua đời.

 

 

ĐẠI SƯ KHẾ DOANH QUẢNG BIỆN CHÂU TRÍ chùa LONG HUÊ HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TUỆ LĂNG TRƯỜNG KHÁNH

 

Sư thụ nghiệp ở núi Hoàng Bá châu Bổn Phước, lĩnh chỉ nơi Trường Khánh. Sau khi sư trụ trì, có ông tăng hỏi:

- Thế nào là cảnh của Long Huê?

Sư đáp:     

- Trúc biếc lắc gió, tòng lạnh ấn trăng.

Tăng hỏi:

- Thế nào là người trong cảnh?

Sư nói:

- Cũng cần đừng có đường đột.

Hỏi:

- Thế nào là đạo tràng của ba đời chư Phật?

Sư nói:

- Đừng có chẳng chiêm lễ.

Tăng nói:

- Nếu thế thì phô bày xưa, phô bày nay.

Sư nói:

- Trong năm nào đó?

Hỏi:

- Thế nào là chủ núi Hoàng Bá?

Sư nói:

- Tạ nhân giả hỏi han.

Hỏi:

- Thế nào là cảnh của Hoàng Bá?

Sư nói:

- Rồng gầm nước thác đổ. Mây đùn ngọn Thúy Vi.

 

 

THIỀN SƯ SƯ NỘT núi THANH HÓA VIỆT CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của ĐẠO PHÓ chùa LONG SÁCH HÀNG CHÂU

 

Tăng hỏi:

- Trong 12 thời thìn làm thế nào để khỏi nghi hoặc?

Sư nói:

- Tốt!

Hỏi:

- Nếu thế thì đã được ngộ nơi sư rồi?

Sư nói:

- Tạm biệt!

***

Có tăng đến lễ bái, sư nói:

- Ông cũng khéo hỏi, ta cũng khéo đáp.

Tăng nói:

- Nếu thế thì đại chúng ứng đã lâu rồi.

Sư nói:

- Ép bức đại chúng mà chi

Hỏi:

- Bỏ qua chuyện thưởng phạt, thế nào là kiếm bén thổi đứt lông?

Sư nói:

- Trên sông Tiền Đường dễ đi thuyền.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Khá là tân tiển.

 

 

THIỂN SƯ NAM THIỀN NGỘ DUYÊN CÙ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của LONG SÁCH ĐẠO PHÓ

 

Có vị tục sĩ người đời gọi là Chân sắt (Thiết Cước) nhân bỗng cỡi ngựa. Có tăng hỏi sư:

- Đã gọi là Chân sắt, sao lại phải cỡi ngựa?

Sư nói:

- Dây nịch há để che lưng khỏi đau. Mũ đội đầu há để chống trời lạnh.

***

Có vị quan tục lữ hỏi:

- Hòa thượng sanh sau, vì sao lại được làm tôn túc?

Sư nói:

- Ngàn năm vẫn gọi là con hạc cổ đỏ. Vừa sanh buổi sáng vẫn là con phụng hoàng.

***

Sư có lúc nói:

- Chuyện này thật là khó nói.

Có ông tăng bước ra nói:

- Thỉnh sư nói.

Sư nói:

- Rêu khe Mục Châu, tai đá cẩm Quân.

 

 

THIỀN SƯ TRÍ VIỄN viện TƯ PHƯỚC PHỤC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của LONG SÁCH ĐẠO PHO

 

Sư người Liên Giang Phước Châu, xuất gia từ thuở còn thơ, đến Thiền sư Pháp Tuyên viện Quán Âm ở Giáp Sơn xuống tóc và thọ cụ túc giới, thị phụng ân cần, chuyên tụng trì. Một ngày kia, Thiền sư Tuyên nói với sư rằng:

- Xét thấy ông là người thượng căn, kham làm việc lớn, sao không đi khắp tùng lâm mà lại trệ kẹt nơi này vậy?

Sư bèn lễ từ, đi khắp các nơi, đến Cảnh Thanh Việt Châu lễ Đại sư Thuận Đức, nhân hỏi rằng:

- Thế nào là chỗ xuất thân của chư Phật?

Thuận Đức nói:

- Mọi người đều nên biết.

Sư nói:

- Nếu như vậy thì con mắt mọi người không thể dối lừa được.

Thuận Đức nói:

- Lý có thể trói con beo.

Sư nhân đó phát ngộ huyền chỉ. Năm Bính Thìn nhằm năm thứ ba đời Chu Hiển Đức, Thứ sử Phục Châu suất lĩnh liêu thuộc cùng tăng tục hơn ngàn người thỉnh sư khai đường thuyết pháp tại viện Tư Phước (người đương thời gọi là Đông Thiền viện).

Tăng hỏi:

- Sư cử xướng khúc điệu nhà ai? Tông phong nối tự người nào?

Sư nói:

- Trăng trước ngọn Tuyết Lĩnh. Sóng trong Cảnh hồ sáng.

Hỏi:

- Chư Phật xuất thế trời mưa bốn loài hoa, đất rung động sáu điệu. Hòa thượng giờ đây xuất thế có điềm lành gì?

Sư nói:

- Một vật không sanh toàn thể lộ. Màu mè trước mắt nào ai biết.

Hỏi:

- Thế nào là một câu chỉ thẳng?

Sư nói:

- Là cái gì đấy?

Sư lại nói:

- Có lãnh hội không vậy? Nếu lãnh hội thì nay liền liễu ngộ. Còn nếu không lãnh hội thì trần sa toán kiếp chỉ căn cứ trên bổn phần của chư Hiền Thánh. Nguồn tâm của Phật xưa lộ rõ trước mặt. Vòng trời khắp đất, sum la vạn tượng. Gia phong của mình, Phật cùng chúng sanh vốn không sai biệt. Niết-bàn sanh tử ảo hóa làm ra. Tánh chân thường chẳng cần lao nhọc tu chứng.

Sư lại nói:

- Nên biết chuyện này hiển lộ rành rành, mà cũng không có một tấc cỏ nào che phủ. Tiện thừa đương thủ, tĩnh ngộ tối đa tân lực.

Sư dạy chúng như thế, trải 20 năm. Ngày 16 tháng 9 năm Đinh Sửu, nhằm năm thứ hai niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc, sư cho dộng chuông giã từ đại chúng. Đến giờ Thìn ngày 27 thản nhiên mà qua đời, thọ 83 tuổi, thọ lạp 63.

 

 

THIỀN SƯ HẠO TRUYỀN TÂM viện DIỆU TẾ ĐÀM CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HOÀI NHẠC viện BÁO ÂN CHƯƠNG CHÂU

 

Sư từng trụ ở Hương Sơn Xâm Châu. Tăng hỏi:

- Suy nghĩ là đầu thứ hai, không suy nghĩ là đầu thứ ba. Thế nào là đầu thứ nhất?

Sư nói:

- Thâu.

Tăng hỏi:

- Người xưa chặt tay để làm chuyện gì? (Tức nêu chuyện Nhị Tổ Huệ Khả đứng dưới tuyết chặt tay để cầu pháp với Đạt Ma)

Sư nói:

- Ta há chịu chặt tay sao?!

Hỏi:

- Thế nào là con mắt của kẻ học này?

Sư nói:

- Nên biết là ta có lòng tốt đấy!

Hỏi:

- Thế nào là kiếm của Hương Sơn?

Sư nói:

- Khác.

Tăng hỏi:

- Có còn lộ ra không vậy?

Sư nói:

- Không nỡ nhìn.

Hói: 

- Thế nào là một câu của Tông môn.

sư nói:

- Không nên cử thuật lầm đấy.

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Diệu Tế?

Sư nói:

- Hai bên tả, hữu người nhiều quá.

Hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp?

Sư nói:

- Hai miệng không có lấy một cái lưỡi.

Hỏi:

- Thế nào là một con đường của Hương Sơn?

Sư nói:

- Thao thao.

Tăng hỏi:

- Người đến thì thế nào?

Sư nói:

- Ngừng bình sanh của ông.

Hỏi:

- Thế nào là mật ngữ của Thế Tôn?

Sư nói:

- A-nan cũng không biết.

Tăng hỏi:

- Vì sao mà không biết?

Sư nói:

- Trừ phi tiên đà.

Hỏi:

- Thế nào là vật báu của Hương Sơn?

Sư nói:

- Ông tăng Ấn Độ (chỉ ngài Đạt Ma) chẳng dám định giá trị.

Hỏi:

- Lộ giả thế nào?

Sư nói:

- Long Vương bưng không nổi.

***

Nhân ông tăng cử thuật chuyện tượng của Thánh tăng (Phổ Hiền, Tân Đầu Lô hay Kiều Trần Như) bị cọp ngoạm, rồi hỏi sư:

- Đã là Thánh tăng sao còn bị cọp ngoạm?

Sư nói:

- Nghi khắp cả mọi người trong thiên hạ.

Hỏi:

- Thế nào là người không hổ thẹn?

Sư nói:

- Xà-lê đáng ăn gậy!

 

 

ĐẠI SƯ TÂM ẤN TỬ NGHI núi THIÊN TRÚC HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của QUỐC SƯ CỔ SƠN THẦN ÁN PHƯỚC CHÂU

 

Sư họ Trần, người huyện Lạc Thanh Ôn Châu. Ban sơ, sư du phương, tham yết cổ Sơn, nhân hỏi rằng:

- Tử Nghi con từ ngoài ba dặm xa xôi đến đầu bôn pháp tịch của sư. Hôm nay gặp lúc ngoài giờ qui định thưa hỏi, thỉnh sư đáp lời ngoài giờ qui định,

Cổ Sơn nói:

- Không thể làm đần độn nhân giả.

Sư nói:

- Chỗ tỉnh lực là thế nào? (Chỗ tỉnh lực hàm ý chỉ chuyện tỉnh ngộ)

Cổ Sơn nói:

-  Ông phí sức mà làm gì?

Sư từ đó thừa ngôn lĩnh chỉ, liền tới Chiết Trung.

Tiền Trung Ý vương nghe danh tiếng sư, thỉnh khai pháp ở hai đạo tràng La Hán và Quang Phước. Hải chúng tựu về đông dầy.

Sư thượng đường khai thị đồ chúng rằng:

- Đứng lâu rồi, còn đợi gì đó? Ta không từ chối thảo luận đâu, chỉ e làm nhầm lẫn các vị, ngược lại làm mê mờ con đường quay về bản tâm của các vị. Trời lạnh lắm, xin bảo trọng, tạm biệt!

Tăng hỏi:

-  Thế nào là chuyện từ trước đến giờ?

Sư nói:

- Trụ.

Tăng hỏi:

- Làm thế nào lãnh hội?

Sư nói:

- Khá tiếc đầu rồng lại biến thành đuôi rắn.

***

Có ông tăng lễ bái xong đứng dậy định hỏi, sư nói:

- ‘Thế nào’ xin hãy bỏ qua một bên.

Tăng ấy liền hỏi:

- Như kẻ hưng công thì có phần tương thân không vậy?

Sư nói:

- Chỉ chờ cuộc cờ dứt, mà không biết cán búa đã mục rồi!

Chú: Xưa có người tiều phu lên non đốn củi gặp hai ông già đang đánh cờ trên phiến đá. Tiều phu dừng lại một bên xem cuộc cờ. Khi ván cờ chấm dứt tiều phu nhìn lại thì cán búa của mình cầm đã mục nát.

Hỏi:

- Thế nào là Duy Ma nín lặng?

Sư nói:

- Hủy báng.

Hỏi:

- Văn Thù tại sao lại tán thán?

Sư nói:

- Đồng án lĩnh quá.

Tăng hỏi:

- Duy Ma lại là thế nào?

Sư nói:

- Trên đầu vấn chiếc khăn ba thước (Tàu), trong tay cầm một cây xơ quất.

Tăng hỏi:  

- Chỗ xuất thân của chư Phật là thế nào?

Sư đáp:

- Một đốm lửa trong biển cả.

Tăng nói:

- Kẻ học này không lãnh hội.

Sư nói:

- Thiêu rụi cá rồng.

Tăng hỏi:

- Thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên nổi lửa đốt tượng Phật, ý nghĩa thế nào?

Sư nói:

- Trời lạnh vây quanh lò hơ lửa mạnh để sưởi ấm.

Tăng hỏi:

- Có lỗi không?

Sư đáp:

- Trời nóng hóng mát trong lùm tre bên bờ ao.

***

Hỏi:

- Thế nào là nghĩa Tông của pháp giới?

Sư nói:

- Hồ Chiết Giang ngày trùng cửu (Mùng 9, tháng 9 là lễ hội đi chơi núi bên Trung Quốc)

Hỏi:

- Cái khác không hỏi tới, chỉ hỏi thế nào là người siêu Tỳ Lô, vượt Thích Ca dưới cửa của Quang Phước?

Sư nói:

- Cái khác cũng phụng đáp luôn.

Tăng nói:

- Nếu thế thì chúc mừng may mắn bình sanh vậy.

Sư nói:

- Chuyện chúc mừng là thế nào?

Ông tăng này ngớ ra thôi, sư bèn hét nạt.

***

Sư vừa định hạ đường thì tăng hỏi:

- Một câu hạ đường, thỉnh sư dặn dò.

Sư nói:

- Quảy chiếc dép đã trở về Tây quốc (chỉ Tổ Đạt Ma xách một chiếc dép về Tây). Núi này luống có tiêng vượn kêu.

Tăng hỏi:

- Hòa thượng Cổ Sơn từng đoạt cơ ngữ cờ trống của đối thủ, lão sư thì thế nào?

Sư nói:

- Bại tướng trước mặt, không nỡ tru diệt.

Tăng hỏi:

- Nếu lỡ gặp tướng tài thì tính sao?

Sư đáp:

- Khá thương ông là cô hồn, xin cúng cho ba lượt.

***

Hỏi:

- Thế Tôn nhập diệt thì nên đi về đâu?

Sư nói:

- Rừng hạc không biến sắc. Chân qui chẳng chỗ qui.

Tăng hỏi:

- Phu tử tất định thế nào?

Sư nói:

- Trái chín đỏ rụng trước cơn gió mạnh. Rừng hoa rụng tiết thu.

Tăng hỏi:

- Thầy của con đây sau này đi về đâu?

Sư nói:

- Ông nay muốn biết chỗ ta quay về. Đông Tây, Nam Bắc liễu thành tơ.

***

Hỏi:

- Tu hành thế nào mới phù hợp với đạo?

Sư nói:      

- Lúc ngâm tụng cuốn cao tấm sáo trúc. Sau khi thức dậy nấu sôi trà.

Sư quay về làng xưa và thị tịch vào năm thứ ba niên hiệu Ung Hy. Môn nhân trà-tì thâu xá-lợi xây tháp.

 

 

THIỀN SƯ CHÂN TỊCH TRÍ TÁC BẠCH VÂN KIẾN CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của CỔ SƠN THẦN ÁN PHƯỚC CHÂU

 

Sư họ Chu, người Vĩnh Trinh, dung mạo giống như tăng Ấn Độ, lễ Quốc sư Cổ Sơn mà xuống tóc, năm 24 tuổi thọ giới cụ túc.

Một hôm, Cổ Sơn thượng đường gọi đại chúng. Đại chúng đều quay mắt lại. Cổ Sơn đưa vạt áo lên khai thị. Mọi người đều ngớ ra, riêng sư rộng ngộ quyết chỉ, vào thất ấn chứng. Lại có lần đang tham vấn, Cổ Sơn bảo sư bước tới gần hỏi:

- Nam Tuyền gọi viện chủ, ý như thế nào?

Sư chấp tay, nghiêm nét mặt, lui trở về đứng ngay chỗ cũ. Cổ Sơn mỉm cười lấy làm lạ mà thôi.

Từ đó, sư chu du Ngô sở, sau đó lại quay về Mân Xuyên. Sư ban đầu trụ Nam Phong, kế trụ viện Bạch Vân Kiến Châu. Sư thượng đường nói:

- Còn có ai hướng về Tông thừa nêu ra một câu hỏi không, để sơn tăng hướng về trong Tông thừa mà đáp.

Lúc đó, có ông tăng vừa lễ bái xong đứng dậy định hỏi, sư liền quay về phương trượng.

***

Hỏi:

- Thế nào là rồng gầm trong cây khô?

Sư nói:

- Sen xanh trong lửa?

Hỏi:

- Thế nào là con ngươi (con mắt) trong đầu lâu?

Chú: Nguyên văn là ‘Độc lâu lý nhãn tinh’, ám dụ cho trạng thái diệt trừ hết tình thức mê vọng trần tục, có được con mắt Trí Tuệ.

Sư nói:

- Con bò bùn lội vào nước.

Hỏi:

- Thế nào là chủ trong chủ?

Sư nói:

- Ông có cụ nhãn không?

Chú: Cụ nhãn tức pháp nhãn, chỉ cho người có khả năng thấy suốt phép tắc của trời đất và thật tướng của các pháp.

Tăng nói:

- Nếu thế thì kẻ hạc này quay về tăng đường vậy.

Sưnói:

- Khỉ hồ tôn bị nhốt trong bao vải.

Hỏi:

- Thế nào là bến Diên Bình?

Chú: Diên Bình tán là bến Diên Bình, tọa lạc tại phía Đông huyện Nam Bình tỉnh Phước Kiến, nơi con Lôi Hoán đời Tấn là Hoa làm mất thanh hảo kiếm Long Tuyền. Theo truyền thuyết, đời Tấn Huệ Đế Quảng Vũ hầu Trương Hoa xem thiên tượng thấy giữa hai sao Ngưu và Đẩu có ánh sáng màu tía. Hầu nghe Lôi Hoán người Dự Chương giỏi khoa thiên tượng bèn triệu tới hỏi. Hoán nói: ‘Đây là tinh khí của kiếm báu ở Phong Thành xẹt lên trời vậy’. Hầu bèn phong cho Hoán chức quan huyện Phong Thành. Hoán đào nền nhà ngục được một cái hộp bằng đá trong có hai thanh kiếm báu là Long Tuyền và Thái A, bèn dâng Hoa hầu cây Thái A, còn mình mang cây Long Tuyền. Sau khi Hoán mất, con tên Hoa mang thanh Long Tuyền đến bến Diên Bình thì kiếm vọt xuống nước mất dạng, liền đó thấy hai con rồng rẽ nước lội di.

Sư nói:

- Muôn đời nước chảy mông mênh.

Tăng hỏi:

- Thế nào là kiếm bến Diên Bình? (Coi chú thích bến Diên Bình ở trên)

Sư nói:

- Phải nên rút lui mau!

Tăng hỏi:

- Xin hỏi bến và kiếm giống hay là khác nhau?

Sư nói:

- Khá tiếc cho gã này.

Năm Kỷ Dậu nhằm năm thứ hai niên hiệu Càn Hựu, Quốc chúa Giang Tây họ Lý thỉnh sư cư Phụng Tiên, ban tứ ca sa tía và danh hiệu cho sư.

Sư thượng đường bước lên lòa, đại chúng đều lắng tai nghe. Sư nói:

- Dối nhau thôi, có biết không vậy? Há chẳng nghe hồi xưa trên hội Linh Sơn có ít nhiều sĩ chúng, nhưng chỉ nói Ca Diêp đích thân nghe. Ngày nay mang ơn mạng lịnh, bảo xiển dương Tông giáo, cũng không thể khác hơn Linh Sơn. Nếu đã không khác hơn Linh Sơn thì các nhân giả thể tất thế nào đây? Cũng đừng trây bùn người xưa nay, mà chỉ ta người trước chút đỉnh tinh thái (màu sắc). Mọi người nghiệm khán là gì nào?

Tăng hỏi:

- Một hội Linh Sơn cũng chẳng khác ngày nay, xin hỏi chuyện đích thân nghe là thế nào?

Sư nói:

- Thì thử nêu xem!

Tăng nói:

- Nếu thế thì trời, người đều có chỗ nhờ.

Su nói:

- Còn xà-lê thì thế nào?

Hỏi:

- Vua hiền thỉnh mệnh, mở bày tiệc pháp lớn. Chỉ ý Tổ sư từ Tây lại, chỉ thị thế nào?

Sư nói:

- Rành rõ ký thủ lấy.

Nói: 

- Rốt lại không dám cô phụ Hòa thượng.

Sư nói:

- Cũng chưa mà.

Tăng hỏi:

- Thế nào là cảnh của Phụng Tiên?

Sư nói:

- Mặc tình nhìn ngó.

Hỏi:

- Thế nào là người trong cảnh?

Sư nói:

- Đừng có vô lễ.

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Phụng Tiên?

Sư nói:

- Tức nay thì ở nơi nào?

Tăng nói:

- Nếu thế thì mọi người đều có chỗ nhờ.

Sư nói:

- Liên quan đến ông chuyện gì?

Hỏi:

- Thế nào là một câu dạy người?

Sư nói:

- Không phải Phụng Tiên thì nói không được.

 

 

ĐẠI SƯ TRÍ NGHIÊM LIỄU GIÁC CỔ SƠN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của CỔ SƠN THẦN ÁN

 

Sư thượng đường nói:

- Lắm lời lại lắm lẽ, là nguyên do ngược lại gây lầm lỡ nhau. Tạm biệt!

Tăng hỏi:

- Câu của Thạch Môn tức không dám hỏi, thỉnh sư phương tiện!

Sư nói:      

- Hãy hỏi cây lộ trụ!   

Hỏi:

- Quốc vương xuất thế ba bên biên giới yên tĩnh. Pháp vương (Phật) xuất thế có ân trạch gì?

Sư nói:

- Có lãnh hội không?

Tăng nói:  

- May gặp được triều đình trong sáng, liền dấn thân trình hiến.

Sư nói:

- Thổ lộ ra đi.

Tăng nói:

- Nếu không lễ bái thì hầu như là cây dùi sắt điếc đặc.

Sư nói:

- Nào khác với cây dùi sắt điếc đặc.

 

 

ĐẠI SƯ TRÍ TUNG DIỆU KHÔNG, LONG SƠN PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của CỔ SƠN THẦN ÁN

 

Sư thượng đường nói:

- May tự phân minh. Phải làm tiết mục này mà chi? Đến trong này là thành tiết mục, liền thành tăng thêm lời lẽ, liền thành bụi nhơ, từ lâu chưa có như thế thì làm sao?

Tăng nói:

- Phật xưa hóa đạo, Tổ đời nay trùng hưng. Trời người đông đảo nơi Thiên đình, chí lý làm thế nào khai thị?

Sư nói:

- Cũng chẳng dám cô phụ đại chúng.

Tăng nói:

- Nếu thế thì trời, người không dám nói xằng bậy thỉnh mời ân cần, liền khiến tâm phàm thành tâm Phật

Sư hỏi:

- Nhân giả thì làm sao?

Tăng lui ra lễ bái hòa lẫn vào trong chúng lên xuống. Sư nói:

- Ta biết rõ ông rồi.

 

 

THIỀN SƯ CƯƠNG núi PHỤNG HOÀNG TUYÊN CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của CỔ SƠN THẦN ÁN

 

Tăng hỏi:

- Đèn truyền Cổ Kiệu, đạo bá Ôn Lăng. Không nhảy qua Thạch Môn, thỉnh sư thông tin tức.

Sư nói:

- Nếu không phải hôm nay, thì đấm ngực, đánh mình.

Tăng nói:

- Nếu vậy thì hôm nay đích thân nghe sư tử rống, lúc khác rốt lại làm con phụng hoàng.

Sư nói:

- Lại hướng về trong này bôi bẩn người.

Hỏi:

- Cảnh sóng trắng dậy ngất trời, ai người trụ thái không?

Sư nói:

- Đêm lặng nghĩ đến trống vua Nghiêu. Quay đầu lại nghe đàn vua Thuấn.

 

 

THIỀN SƯ VĂN NGHĨA LONG SƠN PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của CỔ SƠN THẦN ÁN

 

Sư thượng đường nói:

- Nếu cử dương Tông thừa thì việc tịch lặng, đường sá hoang tàn. Nếu lưu ủy vấn thì đợi cái gì? Còn có người ủy vấn không? Xin Bước ra nghiệm khán. Nếu không người ủy vấn thì tốt hơn hết là đừng lược hư.

Tăng hỏi:

- Thế nào là bậc nhân vương?

Sư nói:

- Uy phong mọi người đều sợ hãi.

Tăng hỏi:

- Còn thế nào là đấng Pháp vương?

Sư nói:

- Một câu khiến phải thi hành.

Tăng hỏi:

- Hai vua phân biệt hay không phân biệt?

Sư hỏi:

- Mới rồi nói cái gì thế?

 

 

ĐẠI SƯ NHẠC TRÍ LIỄU TÔNG CỔ SƠN PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THÚ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của CỔ SƠN THẦN ÁN

 

Ban sơ, sư đi du phương đến Hoàng Long ở Ngạc Châu hỏi:

- Từ lâu ngưỡng mộ danh tiếng Hoàng Long, đến nơi chỉ thấy con rắn đốm đỏ.

Hoàng Long nói:

- Ông chỉ thấy con rắn đốm đỏ mà không biết Hoàng Long.

Sư hỏi:

- Thế nào là Hoàng Long?

Đáp:

- Mông mênh vậy.

Sư hỏi:

- Nếu gặp chim cánh vàng đến thì làm thế nào? (Chú: Trong thần thoại Phật giáo thì chim cánh vàng là một loài chim to lớn chuyên săn bắt rồng mà ăn thịt).

Long nói:

- Thì không còn tính mạng.

Sư nói:

- Nếu thế thì bị nó nuốt mất.

Long nói:

- Tạ ơn xà-lê cúng dường.

Sư ngay đó vẫn chưa tỉnh giác.

Về sau, sư quay về núi Thọ Nghiệp, lễ bái phụng sự Hòa thượng Quốc sư, khải phát chỉ ý vi diệu, rồi sau đó thay thế làm trụ trì đời thứ ba. Sư thượng đường nói:

- Nếu ta toàn cử thuật Tông phong thì các ông hướng về chỗ nào mà lãnh hội, cho nên mới hướng về các ông mà nói: ‘Xưa nay thường lộ, thể dụng chẳng hại gì’.

Tăng hỏi:

- Các cái khác chẳng hỏi chi, thế nào là đản sinh vương chủng?

Sư nói:

- Cành vàng lá ngọc không giống thì là thế nào?

Tăng hỏi:

- Cành vàng làm sao mà kế tục được?

Sư nói:

- Đó là lời ngoài cổng thành vua.

Hỏi:

- Hư không có biết tác dụng không vậy?

Sư đưa gậy lên nói:

- Cái gã sư tăng này phải đánh mới được.

Tăng không lời đối đáp.

 

 

THIỀN SƯ THANH NGẠC TÔNG HIỂU CỔ SƠN PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của CỔ SƠN THẦN ÁN

 

Sư đắc pháp với Hòa thượng Thọ Nghiệp (trụ thế đời thứ tư Cổ Sơn). Tăng hỏi:  

- Tăng qua đời đi về đâu?

Sư nói:

- Trời rét không ra tay.

 

 

THIỀN SƯ XUNG HÚ TUỆ NGỘ

Đạo Tràng TỊNH ĐỨC KIM LĂNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của CỔ SƠN THẦN ÁN

 

Sư họ Hòa, người Phước Châu. Tuổi còn thơ không nhiễm thức ăn tanh tưởi có máu, nguyền lòng xuất gia. Sư lên Cổ Sơn xuống tóc, đắc pháp, được thọ ký. Năm 24 tuổi, sư vì chúng khai diễn pháp ở Phong Thành Hồng Châu. Người đương thời gọi là Tiểu Trưởng lão. Trong khoản niên hiệu Hiển Đức nhà Chu, Quốc chúa Giang Nam mời sư trụ Quang Mục.

Tăng hỏi:

- Thế nào là đại đạo? (Mối đạo lớn)

Sư nói:

- Ta không có con đường nhỏ.

Tăng hỏi:

- Thế nào là đạo nhỏ?

Sư đáp:

- Ta không biết có con đường lớn.

Sư kế đó trụ Khai Tiên Lô Sơn, về sau nữa thì trụ Tịnh Đức, tựu đồ thuyết pháp. Năm thứ tám niên hiệu Khai Bảo thì qui tịch.

 

 

THIỀN SƯ THANH HỘ viện BÁO ÂN KIM LĂNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BẢY của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của CỔ SƠN THẦN ÁN

 

Sư họ Trần, người Trường Lạc Phước Châu. Năm 6 tuổi, sư từ giã cha mẹ lễ Cổ Sơn xuống tóc. Năm 15 tuổi thọ giới cụ túc, ngay nơi lời nói của Quốc sư phát minh chân thú. Khi Quốc sư viên tịch, sư đến Bạch Vân Kiến Châu. Mân súy họ Vương tâu vua ban ca sa tía cùng hiệu là Sùng nhân đại sư. Năm thứ 8 đời Tấn Thiên Phước, Kim Lăng hưng binh vào Kiến Thành. Lúc ấy, thống quân Tra Nguyên Huy đến viện. Sư ra cổng nghinh tiếp. Tra hỏi:

- Trong ấy gặp nhau thì thế nào?

Sư nói:

- Não loạn tướng quân.

Tra sau đó thỉnh sư về Kim Lăng. Quốc chúa mời trụ viện Trường Khánh nhiếp chúng. Năm đầu đời Chu Hiển Đức, sư lui về Kiến Châu. Lúc bấy giờ, Tiết độ sứ Trần Hối xây Thiền uyển Hiển Thân Báo Ân, kiên thỉnh sư trụ trì. Trong ngày khai đường, tăng hỏi:

- Chư Phật xuất thế hoa trời rơi bời bời, xin hỏi Hòa thượng xuất thế có điềm lành gì?

Sư nói:

- Hôm qua sấm đầu mùa nổ. Sáng nay mưa bụi bay.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý huyền diệu của chư Phật?

Sư nói:

- Giày cỏ, guốc gỗ.

Tháng 5 năm Khai Bảo thứ ba, Hậu chúa Giang Nam tái thỉnh sư vào trụ hai đạo tràng Báo Ân và Tịnh Đức. sư qua lại hai đạo tràng thuyết pháp, đổi hiệu là Diệu Hạnh Thiền sư. Ngay tháng 11 năm ấy nhuốm bệnh nặng, dự liệu giã từ Quốc chúa.

Buổi sáng ngày 20, dộng chuông triệu tập đại chúng dặn dò xong, nghiễm nhiên ngồi mà qua đời, thọ 55 tuổi, lạp thọ 40. Quốc chúa hậu lễ, trà-tì được hơn 300 viên xá-lợi, cùng với linh cốt mang về xây tháp chôn ở viện Ngọa Vân, núi Kê Túc Kiến Châu. Sư phong thần thanh sái, tháo hạnh cô tiêu, hai mươi năm không mặc lụa là, chỉ mặc vải giấy. Sư văn từ bút trác gì đều quán chúng. Ngữ yếu, kệ tụng đều lưu hành trong đời.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/08/2022(Xem: 2456)
Chúng con may mắn lắm khi được sinh ra trong vòng tay lớn nhất từ Mẹ, chín tháng mười ngày như dấu ấn tiếp nối, Mẹ cho con nghe kinh Pháp Hoa, Niệm Phật, nghe những danh xưng thập hiệu Bồ tát, từ ấy mà con lớn dần trong chủng tánh Phật từ. Mẹ vui hơn khi chúng con bước theo dấu chân tinh không về ngôi nhà Chánh pháp, xuất gia tu học và làm người đệ tử Phật. Trở thành một vị Tỳ Kheo Tăng. Con chỉ một dạ cuối đầu xin Mẹ tăng thêm tuổi thọ để chúng con dõi theo hơi ấm từ Mẹ hiền kính yêu với Pháp danh: Nguyên Bảo. Mẹ mãi mãi trong trái tim con.
30/07/2022(Xem: 2625)
Mùa hè năm 2000 tôi dẫn hai cậu con trai một lớn, một bé đi nghỉ hè tại một nơi thật đặc biệt tại miền Nam nước Pháp. Nơi có những khu vườn thoai thoải trồng nho bát ngát và sản xuất rượu vang Bordeaux nổi tiếng. Nhưng chúng tôi không đi tìm rượu nho, mà tìm Làng Hồng (Plumvillage) của Sư Ông “Thiền Chánh Niệm“ để dự khóa tu một tuần.
14/07/2022(Xem: 5820)
Bảo Lạc tăng nhân quê Quảng Nam Xuất gia Linh Ứng dưỡng chân tâm Tinh cần sớm tối nghiên kinh kệ Dõng mãnh đêm ngày thắp tuệ ân Nhật Bản du phương tìm mối đạo Úc Châu trụ xứ dựng đàn tràng Khai thông đạo mạch rền âm pháp Hội Chủ bi nguyền hạnh đức lan..!
26/06/2022(Xem: 3039)
Thật là một đai duyên trong buổi sáng thỉnh chuông khuya ngày 25/7/2022, TT Thích Nguyên Tạng, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức đã bắt đầu khai Kinh Đại Bảo Tích, một bộ kinh mà con đã trân trọng kính thỉnh từ 2009 gồm đầy đủ 9 tập. Thế nhưng có lẽ con chưa đủ căn cơ để nghe và thâm nhập dù rằng vào lúc ấy đã có CD Và MP3 đọc tụng đầy đủ pháp hội vậy mà con vẫn không thể nào khế hợp. Và bộ kinh ấy chỉ nằm trong tủ thờ của con đến nay …..Gần đây bỗng nhiên sau mỗi lần công phu dường như có một chút gì thôi thúc con và con phát nguyện sẽ đọc tụng Bộ Kinh này cho đến khi nào thâm nhập được mới thôi thì dường như Chư Thiên và Long Thần Hộ Pháp đã báo tin vui …
26/06/2022(Xem: 3298)
Từ lâu ta đã được nghe từ Đức Phật dạy: “Ít ham muốn, bằng lòng với một nếp sống giản dị và lành mạnh để có thì giờ sống sâu sắc từng phút giây của sự sống hàng ngày, có khả năng hiểu biết, thương yêu, chăm sóc và làm hạnh phúc cho những người chung quanh, đó là bí quyết của hạnh phúc chân thật”.
23/06/2022(Xem: 2773)
Trong lúc soạn lại các quyền tập đã ghi chép trong lúc mới bắt đầu học Phật, tôi gặp lại một bài viết của Thiền Sư Zengyan Guo Jun (người Canada Trưởng trung tâm Drama Dam Retreat / Pine Bush/ New York hiện trụ trì tại Singapore) tựa đề “Chan Health- Chan Mind “ chợt một chút mừng vui vì thấy từ nhiều năm về trước mình đã có một chút am hiểu về Vũ trụ thiên nhiên, Thực tại và Con người.
20/06/2022(Xem: 3016)
Kính dâng đến vị Thầy mà con quý kính sau nhiều năm cộng tác chung trên trang nhà Quảng Đức, Chủ biên, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức kiêm Tổng Thư ký hội đồng điều hành GHPGVNTN Hải ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan: TT Thích Nguyên Tạng. Dường như vận mệnh tôi gắn liền với chữ Canh cô, Mậu quả lại mang thân người nữ nên chưa bao giờ tôi được kề cận nương tựa vào sự chỉ giáo thật kỹ lưỡng của một bậc Đạo Sư dù rằng tôi đã có một Sư Phụ Viên Minh tuyệt vời và quý Sư Thúc danh tăng, nhưng quý Ngài vẫn cách xa vạn dặm nên trong suốt gần 9 năm trường chỉ hội ngộ hai lần còn thì chỉ qua online thăm hỏi vắn tắt, những buổi trà đạo, những bài pháp thoại để rồi tự mình học lấy điều hay lẽ phải và chiêm nghiệm thêm thôi.
30/04/2022(Xem: 2804)
Chúng tôi là những nữ sinh vào lớp đệ thất khi trường Lê Quí Đôn Nha Trang mới mở. Thầy Võ Hồng dạy hai môn Vạn vật và Việt văn, Thầy cũng là người chỉ đạo coi sóc lớp tôi. Thầy thường chạy chiếc velo đen, cao người, thật hiền và rất tế nhị. Thầy biết hết lý lịch và tánh tình từng học sinh trong lớp.
26/04/2022(Xem: 4705)
Lão trượng qua cầu Hoài sao chẳng tới Chân vẫn bước mau Tâm như hư thái
12/04/2022(Xem: 3354)
Môn học về tiếng mẹ đẻ của một dân tộc là giá trị tiêu biểu về tính nhân văn của con người và đất nước đó. Thử mở chương trình học về ngôn ngữ bản xứ của các nước có gia tài đồ sộ về ngôn ngữ và văn chương sẽ thấy rõ ràng sự nhất quán về danh xưng của môn học tiếng mẹ đẻ từ cấp tiểu học đến đại học của xứ đó: Trung Văn (中文), Anh Văn (English), Pháp Văn (Française)... Việt Văn (Ngữ Văn)! Các danh xưng Trung Văn, Anh Văn, Pháp Văn… đều có lịch sử suốt nhiều trăm năm; chỉ riêng lịch sử Ngữ Văn thì phải tính bằng số chục.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]