Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nước Lên

25/10/202008:20(Xem: 2658)
Nước Lên

lu lut

NƯỚC LÊN

 

Vĩnh Hảo

 

Nước. Nước từ đâu cứ dâng lên; lên rồi rút, rút rồi lại lên, ngập tràn đồng ruộng, ao hồ, vườn tược, làng quê, và phố thị của nhiều tỉnh thành miền Trung. Cuồng phong bão tố từ đại dương cuộn xoáy vào đất liền, kéo theo những cơn mưa xối xả ngày đêm. Nước lũ ngầu đục từ non cao đổ về, từ các đập thủy điện xả xuống, đẩy những dòng cuồng lưu ồ ạt đi về nơi trũng thấp, theo những nhánh sông hướng ra biển, chựng lại khi gặp mực biển dâng cao với cường triều gầm thét, sông nối biển biến vùng duyên hải thành một biển nước mênh mông.

Trong dòng nước ngầu đục, đã có trên trăm người thiệt mạng và mấy chục người còn mất tích; của cải, gia súc bị nhận chìm hoặc cuốn trôi. Dù đã được cảnh báo trước sẽ có lũ lụt lớn, nhiều gia đình vẫn không lường được sức nước khủng khiếp chưa từng có như vậy; hoặc cũng vì không biết phải lánh nạn ở đâu khi toàn vùng ngập tràn nước. Có thai phụ bị cuốn theo dòng lũ khi thuyền lật. Có cụ già mù trên chín mươi chẳng biết chạy đi đâu khi nước đến. Có gia đình không kịp chôn cất mẹ vừa mất khi lũ đến, phải treo quan tài mẹ lên trần nhà năm ngày mới có thuyền đến cứu hộ, đem chôn. Có bà cụ một mình ngồi trên những bao lúa chất cao, nhịn đói, thức trắng nhìn nước dâng từng giờ, không biết kêu cứu ai. Có người mẹ nằm bên cạnh xác hai con thơ chết đuối trong trận lụt, vuốt má ru con, lệ tràn. Có bà cụ vừa lo cho chồng bại liệt, vừa lo cho con bị hội chứng Down khi nước ngập nửa nhà mới kịp có ghe đến cứu. Có gia đình với đàn con nheo nhóc không kịp di tản, đành ôm nhau trên nóc nhà khóc la thảm thiết. Có bé thơ mếu máo khóc khi tìm ra sách vở học của mình ướt mem rách nát trong vũng sình. Có những dòng tin nhắn qua điện thoại, kêu cứu khẩn cấp, tuyệt vọng. Nhà nhà, nước ngập đến tận mái, đoàn cứu hộ biết đâu mà tìm.

Rồi hoang tàn để lại sau những trận lũ. Lềnh bềnh trên những vũng nước đọng và sình lầy hôi thối là xác gia súc gia cầm, cây rừng, gỗ mục, những bao lúa thóc, và tất cả vật dụng, bàn ghế, tủ thờ, quần áo, sách vở... của hàng trăm nghìn gia đình, phơi bày lên đó. Xác người được tìm lại và đã đem chôn, nhưng vẫn còn một số mất tích, không biết tìm ở đâu nơi bờ sông, khe suối lình xình nước đục. Vội vàng tìm về nhà xưa, những người già người trẻ mắt trũng sâu, thất thần, vô vọng. Cha mẹ tôi đâu, tuổi già sức yếu chắc không thể chống nổi dòng cuồng lưu vô tình phăng phăng đêm qua. Chồng tôi đâu, vợ tôi đâu, con thơ tôi đâu, có ai vớt được không khi nước lũ cuốn qua căn nhà xiêu vẹo này!

Sau một tuần mưa đổ ngày đêm, ngập lụt cùng khắp, rồi nước cũng rút dần. Nước rút về đâu? – Về nơi thấp nhất. Đổ về biển, hoặc thấm vào lòng đất. Nhưng nước mắt của khổ đau mất mát thì lăn mãi vào tận tim can.

 

Nước luôn đổ về nơi thấp trong khi lửa thì bốc lên cao. Nước hay lửa đều hữu dụng, không thể thiếu trong cuộc đời. Nhưng khi bạo phát thì trở thành tai họa.

Khóc thương dân tình khổ lụy, ở bờ này hay bờ kia. Buồn vời vợi, hận mình bất tài vô lực trước thiên tai, nhân họa ngút ngàn. Nhìn thế nước dâng, không khỏi nhớ về Nguyễn Trãi (1380 – 1442) với bài thơ ưu tư về vận nước:


Quan hải

Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền

Trầm giang thiết tỏa diệc đồ nhiên

Phúc chu thủy tín dân do thủy

Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên

Họa phúc hữu môi phi nhất nhật

Anh hùng di hận kỷ thiên niên

Càn khôn kim cổ vô cùng ý

Khước tại thương lang viễn thụ yên.

 

Đóng cửa biển

Trước sóng biển, đóng cọc gỗ hết lớp này đến lớp khác,

Lại đặt ngầm xích sắt dưới sông, đều uổng công thôi!

Bị lật thuyền mới biết dân như nước,

Đã cậy thế hiểm thì khó tựa mệnh trời.

Họa phúc có duyên đâu phải chợt đến trong ngày,

Anh hùng đành lưu hận mấy nghìn năm.

Ý vô cùng của thiên địa xưa nay,

Hiện ra nơi sương khói trên hàng cây xa bên dòng nước.

(Lê Tư dịch nghĩa)

 

Đào Duy Anh dịch thơ như sau:

Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển,

Khoá sông xích sắt cũng vầy thôi.

Lật thuyền mới rõ dân như nước,

Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời.

Hoạ phúc gây mầm không một chốc,

Anh hùng để hận mấy trăm đời.

Vô cùng trời đất gương kim cổ,

Cây khói xa mù bát ngát khơi.

 

Lũ lụt trong thực tế là tai họa giáng xuống lương dân. Thế nước dâng trong chính trị là tai họa cho kẻ cầm quyền. Nước nâng thuyền thì nước cũng có thể lật thuyền (1). Ý dân một khi đã tụ lại và thịnh nộ dâng lên như nước lũ thì sẽ không thuyền nào an toàn chèo chống. Đặt mình vào tình huống khó khăn để cảm cái khổ của người. Lòng thương luôn sẵn có nhưng cơ hội để bộc phát không phải là từng ngày. Hiểm họa của đời sống cũng không phải đột nhiên mà đến. Việc thịnh suy ở đời luôn có căn nguyên của nó. Cần học cách ứng xử thế nào khi tai họa đến với người khác, vì ngày nào đó có thể sẽ đến lượt mình. Khổ đau sẽ không chừa một ai. Giữ tâm lắng đọng như mặt nước hồ thu. Gạn lọc những cáu bẩn thường làm nhiễm ô dòng nước. Lắng tâm như lắng nước, đừng để sóng động. Rồi nước sẽ yên tĩnh, và bình an sẽ đến với muôn người.

 

California, ngày 24 tháng 10 năm 2020

 Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

 

_________

 

 

 

(1)  Theo Lê Tư, trang Nghiên Cứu Lịch Sử, “Khổng tử gia ngữ: “Phù quân giả, chu dã; thứ nhân giả, thủy dã. Thủy sở dĩ tải chu, diệc sở dĩ phúc chu.” Vua là thuyền, dân là nước. Nước để chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền (dẫn theo Trần Trọng Dương). Thiên “Vương chế,” sách Tuân tử có câu tương tự: “Quân giả, chu dã, thứ nhân giả, thủy dã; thủy tắc tải chu, thủy tắc phúc chu.” Vua là thuyền, thứ nhân như nước; nước chở thuyền, cũng làm lật thuyền. Tuân tử (313 – 238 trước Tây lịch) không nhận lời này của ông mà nói rằng trích xuất từ “Truyện,” tác phẩm giải nghĩa kinh có trước đó.” (trích chú thích số 104, bài ‘Nguyễn Trãi, bề tôi của bốn dòng vua’: https://nghiencuulichsu.com/2018/01/18/nguyen-trai-be-toi-cua-bon-dong-vua/)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2011(Xem: 3311)
Suy cho cùng, kiếp người hay cuộc tu chỉ là những lần ghé lại đâu đó. Nói ở nghĩa nào thì người ta không ai có thể chung thân với một thứ gì miên viễn. Mình không bỏ nó thì nó cũng xa mình. Ta có thể mất nó, vì nhàm chán hay không còn cơ hội nắm níu. Và cái mà ta yêu nhất cũng có nhiều kiểu bỏ ta ở lại mà đi. Hồi xưa bắt chước theo kinh mà nói thì cái gì cũng là bè cỏ qua sông... Giờ có thêm tí tuổi, nhiều lúc nằm ngẫm nghĩ một mình, thấy câu nói ví von đó hay quá chừng, hay đáo để.
14/01/2011(Xem: 3759)
Cách đây hơn một tuần, trong lúc chuẩn bị nấu nước pha trà buổi sáng, tự dưng lòng tôi nhớ quay quắt những chén trà năm xưa tôi đã từng chia sẻ với Thầy Tâm Phương trong những buổi sáng tĩnh lặng tại ngôi chùa nghèo Quảng Đức ở Broadmeadows. Tôi đã vội gọi Thầy Tâm Phương và hết sức may mắn Thầy vẫn còn nhớ tên tôi..dù rằng Thầy đã quên mất giọng nói quen thuộc của tôi rồi! Thầy rất mừng vì nghe được qua một số Phật tử biết cuộc sống của tôi lúc nầy an nhàn lắm. Tôi thưa với Thầy về cuộc đời hưu của tôi mấy năm gần đây cũng như nói với Thầy là tôi thèm vô cùng được cùng Thầy nhâm nhi lại những chén trà xưa!
14/01/2011(Xem: 3321)
Tôi trở về Huế với một tâm trạng nôn nao bồi hồi! Ba mươi năm sau mới nhìn lại Huế thân yêu, nơi đã cho tôi mật ngọt của ngày mới lớn. Phi trường Phú Bài vẫn vậy, vẫn u buồn ảm đạm dù đã trải qua bao tháng năm cũng chẳng rộng lớn gì hơn. Đã thế, tôi đặt chân xuống phi trường khi trời đã về chiều nên quang cảnh càng hiu hắt thê lương.
07/01/2011(Xem: 3527)
Chuyện Tiền thân Bahiya (Jàtaka 420) kể lại rằng : “Thuở xưa, khi vua Bramadatta trị vì ở Ba-la-nai, Bồ-tát là một vị đại thần của triều đình. Có một nữ nhân thôn quê thân thể béo mập, ăn mặc lôi thôi, làm công ăn lương, đang đi ngang qua gần sân của nhà vua, cảm thấy thân bị bức bách ngồi xuống lấy áo đắp che thân, giải toả sự bức bách của thân và nhanh nhẹn đứng dậy”.
06/01/2011(Xem: 6402)
Tôi và chị chưa hề một lần gây thù chuốc oán với nhau. Vậy mà không hiểu sao ngay từ ngày chạm mặt đầu tiên ở trụ sở Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh, bỗng dưng tôi thấy ghét chị thậm tệ. Và nhìn ánh mắt, vầng trán nhăn nhíu, điệu bộ của chị khi đứng gần tôi vào lúc cuộc họp chuẩn bị khai mạc, tôi cảm nhận, thấy biết được chắc chắn rằng chị cũng chẳng ưa gì tôi, có thể là ghét cay ghét đắng tôi, còn hơn cái mức mà tôi ghét chị. Sao kỳ vậy? Đố kỵ tài năng sao? Không phải.
05/01/2011(Xem: 3235)
Tôi sinh ra và trải qua những ngày tuổi thơ ở Huế. Như vậy cũng đủ để tôi tự hào đã chia sẻ cùng Huế với tất cả những thủy chung của lòng mình. Thế rồi, tôi cũng phải xa Huế đã 30 năm, quê hương đó vẫn rạng ngời trong tâm tưởng. Huế dấu yêu ơi! có bao nhiêu điều phải nhớ: thời thơ ấu ấm áp trôi đi, tuổi học trò thần tiên trong ngôi trường màu hồng ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm cùng với dấu chân của những chàng trai thích đón đưa mỗi khi tan trường. Tôi với Huế biết bao tình thương mến, mỗi con đường, mỗi dòng sông, núi đồi, lăng tẩm, thành quách, chùa chiền là của Huế, là của tôi... Mặc dầu phải tất tả trong dòng đời xuôi ngược và biết rằng Huế là xứ sở thật kỳ, ở thì có điều không ưa nhưng đi xa thì lại nhớ, trong tôi vẫn chan chứa nỗi niềm với Huế. Nói như ai đó: "nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ Huế", nỗi nhớ thấm vào máu thịt, sâu lắng vào tâm hồn của những kẻ tha hương lòng vẫn bùi ngùi mỗi khi nhớ đến và chỉ muốn quay về!
04/01/2011(Xem: 3996)
Bạt: Bài viết “Phật giáo, một sự thực tập” dưới đây là bài đầu tiên trong tập hợp năm bài viết đã được phổ biến trên nguyệt san Triết học (Filosofie), 2004-2005. Đây là những tiểu luận về Phật giáo nhìn từ phương Tây, được viết từ bối cảnh của một truyền thống Phật giáo rất mới, được gọi là Phật giáo Tây phương. Tác giả, tiến sĩ Edel Maex là một nhà tâm lý trị liệu làm việc ở bệnh viện Middelheim tại Antwerpen, Bỉ. Ông là một trong những người sáng lập và ở trong ban điều hành của Trường Triết học Tỉ giảo (School voor comparatieve filosofie) ở Antwerpen. Ông là một người thực tập Thiền.
20/12/2010(Xem: 9713)
Không sinh, không diệt. Không đến, không đi. Đó chính là ý nghĩa nền tảng về một tâm xuân miên viễn. Khi chúng ta nhìn sự vật có sinh có diệt, có đến có đi, lòng ta không khỏi sinh ra những luyến lưu tiếc nuối.
14/12/2010(Xem: 2691)
Đất Bắc Ninh xưa gọi là đạo Bắc Giang, rồi đổi ra trấn Kinh Bắc, một miền phong phú về mặt dân ca, cũng là một vùng nổi tiếng về phong quang cẩm tú, về điền địa phì nhiêu...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]