Giới thiệu sách Đi dọc dòng sông Phật giáo
Sông Mê Kông dài 4.880km và là dòng sông dài thứ tư châu Á sau Trường Giang (6.300km), Hoàng Hà (5.464km) và Ô Bi (5.410km). Sông Mê Kôngdài thứ ba Trung Quốc sau Trường Giang và Hoàng Hà. Riêng thượng nguồn Mê Kông (thuộc Trung Quốc) được coi là kỳ bí, hiểm trở và phức tạp hơn cả thượng nguồn của Trường Giang và Hoàng Hà.
Trong ba dòng sông lớn nhất Trung Quốc thì Mê Kông là con sông quốc tế duy nhất bởi nó chảy qua lãnh thổ tới sáu nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Trong bốn dòng sông vĩ đại nhất châu Á thì Mê Kông là dòng chảy duy nhất băng qua lãnh thổ nước ta với đoạn hạ lưu cực kỳ quan trọng được biết dưới cái tên nổi tiếng “Cửu Long Giang”.
Ý tưởng làm phim về Mê Kông đã được Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) thai nghén từ lâu nhưng việc chuẩn bị mới bắt đầu từ năm 2000 bằng chuyến đi thăm dò đầu tiên trên đất Trung Hoa. Sở dĩ phải thăm dò vì hiểu rằng phần kì bí, hiểm trở, ngoạn mục và khó tiếp cận nhất chính là đoạn đầu nguồn trên đất Trung Quốc, chiếm tới một nửa chiều dài của dòng chảy. Mục đích thăm dò là tìm hiểu về khả năng tiếp cận dòng sông, đặc biệt là về các mặt thủ tục hành chính, ngoại giao và đường sá. Mục tiêu này được kết hợp với nhiệm vụ chính của chuyến đi là thực hiện bộ phim tài liệu Trung Hoa du ký, đã lên kế hoạch từ nhiều năm trước, dài 23 tập. Năm 2001, HTV lại tổ chức một chuyến đi tiền trạm Trung Quốc kết hợp với việc làm bộ phim tài liệu Những nẻo đường Trung Hoa dài chín tập. Và mới đây, Tác giả Trần Đức Tuấn đã cho ra đời cuốn sách đặc biệt “Đi dọc dòng sông Phật giáo”.
Sông Mê Kông chảy qua sáu quốc gia thì cả năm quốc gia này đều là những xứ sở Phật giáo điển hình. Bao câu chuyện thú vị đã được tác giả Trần Đức Tuấn giới thiệu với bạn đọc trong sách “Đi dọc dòng sông Phật giáo”.
Đọc sách “Đi dọc dòng sông Phật giáo” các bạn có thể cảm nhận được một phần sự dày đặc những dấu tích của nền văn hóa Phật giáo, từ lịch sử cho tới kiến trúc, tín ngưỡng, nghệ thuật, truyền thuyết dân gian... Thật là quý hóa. Tôi đọc nhiều lần và vẫn muốn đọc thêm nhiều lần nữa.
Tác giả Trần Đức Tuấn có may mắn là người được tham gia trọn vẹn cả 15 chuyến đi được coi là “lịch sử” của đoàn làm phim. Đối với tác giả, đó là những hành trình có một không hai trong nghề, thậm chí trong cả cuộc đời, bởi được trực tiếp đặt chân hoặc tận mắt quan sát các miền đất kỳ lạ, nhiều cảnh tượng kỳ vĩ, không gian tráng lệ, những góc trời u tịch hẻo lánh, những đỉnh đèo lơ lửng trong mây, những đỉnh núi tuyết vĩnh cửu, những cửa ải biên thùy quạnh vắng, kinh thành cổ kính, những thác ghềnh hiểm trở, những dòng sông thơ mộng nổi tiếng, kể cả sào huyệt của bọn thảo khấu giang hồ khét tiếng, những địa danh được nói đến trong nhiều áng thơ Đường bất hủ và trong các trang tiểu thuyết lừng danh, những đền đài lăng tẩm vĩ đại, địa bàn cư trú của nhiều tộc người độc đáo, các sa mạc mênh mông, những thảo nguyên bất tận, cao nguyên trên nóc nhà thế giới... và trên tất cả là được hình dung phần nào diện mạo toàn cảnh của Mê Kông hùng vĩ.
15 chuyến đi dài ngày đã đem lại cho các thành viên đoàn làm phim biết bao cảm nhận, hiểu biết lạ kỳ, lý thú, nhiều kỷ niệm để đời, nhiều ấn tượng sâu đậm. Tuy nhiên, hạnh phúc lớn nhất chưa phải là những điều vừa kể mà chính là cơ hội được chia sẻ thông tin và cảm xúc tuyệt vời của mình với hàng triệu khán giả trong đó có tình yêu bao la đối với dòng sông vĩ đại.
Cầm sách “Đi dọc dòng sông Phật giáo” lên rồi đọc, nhất định bạn sẽ như tôi cảm nhận rất rõ rằng sông Mê Kông, ngay từ khi còn chưa được tiếp cận, đoàn của tác giả đã biết rằng đó là một tạo vật phi thường của tạo hóa, là một trong những dòng sông huyền bí nhất trên mặt địa cầu. Dòng nước ra đi từ một cõi hư vô tuyết sơn vĩnh cửu và chấm dứt hành trình ở một cõi hư vô khác, tức biển cả mênh mông. Cuộc trường hành gần 5.000km đó thực sự lạ lùng và kỳ bí, chủ yếu lặng lẽ âm thầm như chàng lãng tử rời khỏi chốn bồng lai, một mình lang bạt nơi hoang vu hẻo lánh, giữa núi rừng cô quạnh hoặc thờ ơ lướt qua chốn phồn hoa đô hội ở giữa cõi trần.
Đặc biệt, cuốn sách “Đi dọc dòng sông Phật giáo” không phải là bức tranh toàn cảnh, dù sơ sài của dòng sông vĩ đại, mà chỉ là một vài góc nhìn thấp thoáng, dọc theo cuộc hành trình của đoàn làm phim thám hiểm tìm kiếm dấu chân của chàng lữ khách Mê Kông phiêu lãng.
Đó là một số ký sự ngắn trong số những bài đăng trên hai tờ tạp chí HTV và Văn hóa Phật giáo mà tác giả viết rải rác sau mỗi chuyến đi làm phim về. Nội dung sách cũng không khái quát toàn bộ 15 chuyến đi, ví dụ thiếu hẳn chuyến đi cực kỳ quan trọng năm 2003 xuyên suốt chiều dài Bắc Nam tỉnh Vân Nam Trung Quốc lần theo cả ngàn kilômét Mê Kông hoặc thiếu đi gần như toàn bộ chuyến đi năm 2000. Hy vọng phần khiếm khuyết này sẽ được bổ sung trong một ấn phẩm khác.
Riêng về sông Mê Kông, ngoài việc kiếm tìm dòng chính Mê Kông cùng với một số chi lưu, phụ lưu tiêu biểu của nó ở cả trong và ngoài biên giới Việt Nam, sách còn đề cập tới một số cuộc tiếp cận thượng nguồn hai đại trường giang số một và số hai châu Á là Hoàng Hà và Dương Tử mà đoàn làm phim có may mắn lớn được tới thăm.
Đó là những khoảnh khắc cực kỳ quý hiếm bởi chúng là những đoạn sông kỳ vĩ ở tận lưng trời, rất hẻo lánh, khuất nẻo, hoàn toàn xa lạ đối với các tuyến du lịch. Hai bài viết về thượng nguồn Hoàng Hà và Dương Tử (tức Trường Giang) sẽ phần nào giúp độc giả tham khảo và so sánh chúng với Mê Kông trên các nét tương đồng và dị biệt.
Tôi đang cầm cuốn sách và đọc lại thêm một lần nữa, bởi sáng nay, chính tác giả sẽ có mặt tại Hà Nội để giao lưu với bạn đọc Thủ đô với chủ đề ““Mê Kông ký sự – Những chuyện chưa kể”.
Cũng xin chia sẻ với quý vị và bạn đọc rằng cuốn sách quý và đặc biệt này gồm 5 phần chính là Trên đất nước Trung Hoa, Trên đất nước Myanma, Trên đất nước Lào và Thái Lan, Trên đất nước Campuchia, Trên đất nước Việt Nam.
Phạm Thị Thủy