Vĩnh Hảo
Những ngày tháng cuối năm đối với tuổi thơ, thiếu niên, và ngay cả những người thanh niên tuổi trẻ, thường là giai đoạn kìm nén cảm xúc, cố gắng hoàn thành bài học ở trường, công việc ở sở, để rồi sẽ được bùng vỡ ra với những ngày vui đầu năm. Dường như ở trước mắt, hay ngày mai, chỉ có những trò vui chờ đợi. Quá khứ và hiện tại không là gì cả. Giấc mơ tuổi trẻ là thế, là tương lai. Có khi hăm hở phóng cái nhìn quá xa về tương lai mà quên đi thực tế hiện tiền. Niềm đau, nỗi khổ, thất vọng, tuyệt vọng của người tuổi trẻ trong cuộc sống thường khi bắt nguồn từ những ước mơ xa vời.
Người trung niên tương đối có thể quân bình được giữa ước mơ và hiện thực. Kinh qua những va chạm với con người và xã hội, trải nghiệm sự thất bại hay thành công, họ nhìn sự việc thực tế, cẩn thận hơn, kéo những giấc mơ về gần với thực tại, hoặc từ thực tại, xây dựng từng bước dè dặt hướng về tương lai. Đời sống ổn định, vững chắc khi biết kết hợp, sắp xếp hài hòa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Đối với người lão niên, hiện tại là những ngày tháng lặng lờ, mệt mỏi, không muốn làm gì cả; và tương lai là một chuỗi thời gian mong manh, mà sức lực cũng không còn nhiều để sống hăng say sôi nổi như thời trẻ. Những mộng ước cao vời đã dần lắng xuống. Tương lai của đời này là một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ hy vọng tương lai của đời sau, nếu có, sẽ mở ra một chương hồi trường thiên đầy hứa hẹn. Tương lai ấy rất gần, nhưng có khi cũng rất mơ hồ vì chẳng thể nào thấy trước được những gì đàng sau kiếp sống. Thế nên, cái gần nhất của người lão niên lại chính là quá khứ, là những gì họ đã thực sự nếm trải. Quá khứ ấy, có khi là chuỗi dài buồn đau, có khi là một thời vàng son mà giờ nhìn lại với nhiều hối tiếc.
Người học đạo, hành đạo, không để bị rơi vào tâm cảnh hối tiếc quá khứ hay vọng tưởng tương lai. Hạnh phúc chỉ có thể hiển hiện ngay nơi thực tại hiện tiền. Nhưng hạnh phúc thực sự không phải là thứ hạnh phúc có được tất cả, mà chính là buông được tất cả. Người nào không buông được tất cả sẽ không bao giờ nếm được hương vị của tịch nhiên, giải thoát.
Không buông xả được có nghĩa là vẫn ôm mấy chục năm quá khứ, thậm chí vô số đời kiếp quá khứ, để dợm chân từ hiện tại bước vào tương lai.
Quá khứ ấy có gì mà nuối tiếc không buông bỏ được? Trí năng, sắc đẹp ư? — Trí đã cùn lụt lú lẫn, thân cũng hao mòn rã rượi, còn gì mà níu kéo! Danh vọng ư? — Thứ này, người bình thường của thế gian vào một lúc nào đó cũng bỏ được nhẹ nhàng không lẽ người học đạo vẫn còn ôm theo? Danh có được là nhờ đức hạnh và tài năng đã cống hiến cho đời, cho người. Nhưng nhìn sâu từ hiện tượng đến bản chất, danh cũng chỉ là một thứ vay mượn của quá khứ, là dấu vết của tự ngã đi ngang cuộc đời. Danh vô hình, nhưng rất nặng, bởi đối với người vô minh mê chấp, danh chính là ngã. Không buông được danh, tức không phá được ngã.
Bậc đại trí, đại hạnh, không hẳn phải là kẻ thông minh, làm được nhiều việc lành, danh tiếng lẫy lừng vang xa; có khi chỉ là một người bình thường, dung dị, vô danh, làm tất cả việc mà tâm không vướng mắc, đi qua cuộc đời như lữ khách vãng lai, như thiên nga bỏ lại ao hồ (*).
Tâm không trú nơi quá khứ, hiện tại hay tương lai; tâm vượt khỏi ba thời gian, vượt khỏi cái sát-na và nơi chốn hiện tiền; vắng lặng trong veo như băng tuyết; an nhiên tịch tĩnh như hư không; hành tất cả hạnh, buông tất cả hạnh, mà không thấy có kẻ hành, không thấy có kẻ buông. Tâm hành như thế, không có sự lượng giá xếp hạng nào của trần gian chạm đến được.
California, ngày 30 tháng 11 năm 2018
________________
(*) “Kẻ dũng mãnh chánh niệm, tâm không ưa thích tại gia; ví như con thiên nga, khi bay đi, đã bỏ lại ao hồ không chút nhớ tiếc.” (Kinh Pháp Cú, phẩm A La Hán, câu 91)