Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bùi Giáng: Cái Được Thấy Là Khổ Đế

03/09/201817:23(Xem: 17370)
Bùi Giáng: Cái Được Thấy Là Khổ Đế

BUI GIANG drawing combo
Tưởng niệm 20 năm ngày ra đi của nhà thơ Bùi Giáng


Bùi Giáng: Cái Được Thấy Là Khổ Đế

 

Nguyên Giác

 

Nhiều lời Đức Phật dạy trong kinh điển có thể được nhìn thấy qua nhà thơ Bùi Giáng.

Toàn thân Bùi Giáng chính là Khổ Đế hiển lộ qua cái được thấy. Tương tự, với Tập Đế.

Nụ cười của Bùi Giáng chính là Đạo Đế hiển lộ an lạc qua cái được thấy. Tương tự, với Diệt Đế.

Bùi Giáng đùa giỡn ca ngâm với lời lời ẩn nghĩa chính là diệu chỉ tâm không dính mắc của Kinh Kim Cang, hiển lộ qua cái được thấy và cái được nghe.

Bùi Giáng đi đứng nằm ngồi giữa phố như không một nơi để tới chính là diệu chỉ sống với cái Như Thị của Kinh Pháp Hoa, hiển lộ qua cách thõng tay vào chợ.

Bùi Giáng viết xuống chữ nghĩa xa lìa có/không, dứt bặt đúng/sai, hễ viết xuống là gửi vào tịch lặng bờ kia chính là diệu chỉ gương tâm rỗng rang của Bát Nhã Tâm Kinh.

Đó là hình ảnh nhà thơ Bùi Giáng trong tâm tôi nhiều thập niên qua.

 

 

*

 

Bùi Giáng là nhà thơ, là dịch giả, là nhà bình luận văn học.  Ông sinh ngày 17 tháng 12/1926 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; từ trần ngày 7 tháng 10/1998 (thọ 71 tuổi) tại Sài Gòn. Như thế, vài tuần nữa là tròn hai mươi năm nhà thơ Bùi Giáng qua đời.

Bản thân tôi, khi còn là một cậu học trò lớp Đệ Lục (bây giờ là lớp 7) đã say mê đọc Bùi Giáng. Tôi đọc đi đọc lại những cuốn Bùi Giáng viết về Bà Huyện Thanh Quan, về Chinh phụ ngâm và Quan Âm Thị Kính, về truyện Kiều và truyện Phan Trần, về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, về Chu Mạnh Trinh, và về một số người khác.

Trong đó, khi ra đề bài cho học sinh trung học, Bùi Giáng từng hỏi, thí dụ tương tự như (tôi chỉ nhớ lờ mờ, không nhớ chính xác): vào vườn Tao Đàn chơi, em sẽ nói gì nếu tình cờ gặp thi sĩ Chu Mạnh Trinh; nếu phải biện hộ cho Hoạn Thư về những hành vi đối với nàng Kiều, em sẽ nói gì… và vân vân.

Lúc đó, tôi hình dung rằng Bùi Giáng phải là một nhà giáo hàng ngày trang phục nghiêm túc, phải mang kính trắng, phải đi xe đạp hay xe mô-bi-lét, sáng đi chiều về tại một trường trung học nào đó ở Sài Gòn; hay, khác đi, hẳn phải là một nhà văn ngồi hàng ngày ở nhà xuất bản. Lúc đó, tôi muốn tìm mua hết các sách về văn học của Bùi Giáng, thế là nhiều lần tôi đi xe đạp tìm địa chỉ nhà xuất bản Tân Việt – lúc đó, ghi sau bìa sách giảng văn – nằm gần Tân Định trên đường Phan Đình Phùng (hay Phan Thanh Giản?), một con đường xuyên từ Chợ Lớn tới Tân Định. Lần nào đi ngang cũng thấy cửa đóng, mà trông không có vẻ gì như nhà xuất bản hay nhà in, chỉ nhìn như nhà dân thường, mà phải là giai cấp trung lưu trở lên.

Sau nhiều lần đi ngang, một lần tôi liều mạng, tới gõ cửa. Một người đàn ông mở cửa, nhìn tôi ngạc nhiên, nói rằng đây không phải nhà xuất bản nào hết, cũng không có thầy giáo nào tên Bùi Giáng trong nhà. Thế là cậu học trò lủi thủi, phóng lên xe đạp, biến mất với lòng thất vọng, tiếc là mình tới địa chỉ đó trễ mất nhiều năm. Và rồi nhiều năm sau, khi lên bậc Đại học, qua lại trong các sân trường Văn Khoa, Vạn Hạnh… gặp nhiều cuốn sách khó hơn, cả thơ và bình luận triết học, của Bùi Giáng, mới biết rằng ông là một nhà thơ bụi đời, ăn mặc dị thường, được nhiều người cho là điên, thường mang túi xách rách rưới y hệt truyện kể về Tế Điên Hòa Thượng, thường tới lui Đại học Vạn Hạnh và các sân chùa. Lòng tôi vẫn suy nghĩ rằng, một nhà bình giảng văn học cực kỳ sắc bén như ông, hiển nhiên từng dòng thơ không thể nào cạn cợt như người đời thường.

 Một lần tới quán cà phê Nắng Mới trước khuôn viên Đại Học Vạn Hạnh, tôi được các bạn chỉ một người đi lang thang trên đường Trương Minh Giảng và nói đó là nhà thơ Bùi Giáng.

Thế đó, ngó Bùi Giáng là thấy Khổ Đế liền. Tôi nghĩ, hóa ra, Kinh Phật không khó hiểu tí nào.

Và rồi, ông mỉm cười với mấy tên sinh viên đang ngồi bên các ghế thấp hè phố. Thế đó, nụ cười Bùi Giáng đã hiển lộ Đạo Đế, tràn ngập an lạc. Tôi nghĩ, không ngờ Kinh Phật được tuyên thuyết ngay giữa phố chợ như thế.

Niềm an lạc khi nhận ra Tứ Diệu Đế lúc đó lan khắp toàn thân của tôi, toàn thân mát rượi. Nhưng mình không hiểu hết mọi chuyện. Lúc đó, lại quay sang bàn chuyện học thi với các bạn. Nhiều thập niên sau, tôi mới từ từ nhận ra ba đời chư Phật không lìa đâu xa, ẩn nghĩa đang nằm ngay trong đời thường quanh mình. Thỉnh thoảng, tôi lại tìm đọc thơ của ông, đôi khi lại vẽ ông. Và bây giờ, với lòng biết ơn, xin viết về ông.

 

*

Xin mời đọc toàn văn bài thơ sau trong thi tập Bài Ca Quần Đảo (1973) của Bùi Giáng, để thấy nửa đầu là Khổ/Tập Đế, nửa sau là Diệt/Đạo Đế:

.

Có lẽ (I)

Người nằm ngủ thấy gì

Thấy rất nhiều nắng lạ

Những chùm bông rất xanh

Có lẽ bông là lá

Người nằm ngủ thấy gì

Chẳng thấy gì hết cả

Ngài thử nằm ngủ đi

Đừng hỏi gì hết cả

.

Bài thơ trên có thể làm người học Phật giựt mình, vì gợi nhớ một bài kinh. Bài thơ chia làm hai phần: phần đầu nói về giấc ngủ có mộng, thấy nắng, thấy hoa và lá; phần sau là giấc ngủ không mộng. Đức Phật có ít nhất hai bài kinh giải thích về giấc ngủ có mộng và không mộng.

Trong Kinh SN 10.8 (Sudatta Sutta), khi Sudatta hỏi Đức Phật ngủ đêm qua nơi vườn và được trả lời, bản Anh dịch Sujato, dịch như sau:

.

A brahmin who is fully extinguished

always sleeps well.

Sensual pleasures slide off them,

they’re cooled, free of attachments. (1)

DỊCH:

Một bậc phạm hạnh đã hoàn toàn tịch diệt

luôn luôn ngủ ngon.

Niềm vui ái dục biến mất [trong tâm] rồi,

họ tịch lặng thanh lương, xa lìa mọi dính mắc.

.

Kế tiếp, tới Kinh AN 3.35 (Hatthaka Sutta), kể rằng lúc đó Đức Phật đang cư ngụ trong một vườn cây simsapa, dưới mặt đất là gập ghềnh dấu chân bò trong khi tuyết rơi, gió lạnh, Hoàng Tử Hatthaka xứ Alavi tới thăm, hỏi rằng Đức Phật có ngủ ngon không. Đức Phật nói rằng ngài ngủ ngon. Hatthaka thắc mắc rằng vì sao có thể ngủ ngon trong khi trời lạnh, mặt đất gồ ghề.

Đức Phật nói, bản dịch Bodhi, trích:

.

He always sleeps well,

the brahmin who has attained nibbāna,

cooled off, without acquisitions,

not tainted by sensual pleasures.(2)

DỊCH:

Vị đó luôn luôn ngủ ngon,

bậc Phạm hạnh đã thành tựu Niết bàn

đã tịch lặng thanh lương, không còn gì để tìm

và không nhiễm gì bởi niềm vui ái dục. 

.

Có phải Bùi Giáng luôn luôn ngủ ngon, ngay cả trên hè phố gập ghềnh? Chúng ta không rõ. Nhưng, bất kỳ ai trong cõi này cũng đều biết rằng không tình cờ mà chúng ta có giấc ngủ không mộng. Phải tu ráo riết lắm, phải tu thậm thâm lắm, mới ngủ không mộng.

 

*

 

Bài thơ Mắt Buồn của Bùi Giáng cũng có phong cách tương tự bài thơ nêu trên, cũng hai phần: với nửa đầu bài thơ là Khổ/Tập hiển lộ qua các hình ảnh ba cõi bất an như: hao mòn, chiêm bao, náo động, bão giông, khóc đêm, triền miên trôi; với nửa sau là Diệt/Đạo, ly nhất thiết tướng, buông bỏ toàn bộ [sắc thanh hương vị xúc pháp]… để rồi trở về hiện tại [bây giờ], tự quán sát với mắt trí tuệ [riêng đối diện tôi], khởi tâm Bồ tát đi vào cõi này để kham nhẫn mắt lệ từ bi [khóc người một con]. Bài thơ dị thường này toàn văn như sau.

.

Mắt buồn

Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi (Nguyễn Du)

.

Bóng mây trời cũ hao mòn

Chiêm bao náo động riêng còn hai tay

Tấm thân với mảnh hình hài

Tấm thân thể với canh dài bão giông

Cá khe nước cõng lên đồng

Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng

Tạ từ tháng chạp quay nghiêng

Âm trang sử lịch thu triền miên trôi

.

Bỏ trăng gió lại cho đời

Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa

Bỏ người yêu bỏ bóng ma

Bỏ hình hài của tiên nga trên trời

Bây giờ riêng đối diện tôi

Còn hai con mắt khóc người một con.

 

*

 

Một bài thơ khác cũng có thể làm các Phật tử giựt mình. Nhan đề “Chào Nguyên Xuân” tức khắc gợi tới hình ảnh của an lạc, của ánh sáng tuệ giác, của một pháp vô vi, không do tạo tác mà nên [nguyên = vốn sẵn, lìa sinh diệt]. Đó là Niết Bàn. Bài thơ chở theo một nỗi buồn man mác, khi nói về lẽ vô thường [tóc xanh phai màu], về con đường [sinh tử luân hồi], về bờ nước [gương tâm] vốn vô ngã nhưng lại hiện lên bóng ta và bóng người [chấp có ta, có người], có năm ngón nhỏ phơi bày bóng con [bàn tay có 5 ngón, là pháp hữu vi, có già chết; còn bóng con là pháp vô vi, không thấy được nhưng không lìa hữu vi mà có], có Khổ Đế với khóc đời bạc mệnh, nhưng nơi tịch lặng của Niết Bàn hễ nói nữa là sai… Bài thơ lạ lùng này, toàn văn như sau.

.

Chào Nguyên Xuân

 Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Tóc xanh dù có phai màu

Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng.

.

Xin chào nhau giữa lúc này

Có ngàn năm đứng ngó cây cối và

Có trời mây xuống lân la

Bên bờ nước có bóng ta bên người

.

Xin chào nhau giữa bàn tay

Có năm ngón nhỏ phơi bày bóng con

Thưa rằng những ngón thon thon

Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau

.

Xin chào nhau giữa làn môi

Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam

Thưa rằng bạc mệnh xin cam

Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

.

Xin chào nhau giữa bụi đầy

Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu

.

Hỏi rằng: người ở quê đâu?

Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà

Hỏi rằng: từ bước chân ra

Vì sao thấy gió đàn xa dặm dài?

Thưa rằng: nói nữa là sai

Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào

Hỏi rằng: đất trích chiêm bao

Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau

Thưa rằng: ly biệt mai sau

Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.

*

 

Tới đây, là một bài thơ rất ngắn, nhan đề Bao Giờ. Bài thơ ông làm chỉ ghi lại những cái được thấy đang trôi chảy trong dòng thời gian vô thường, mà không hề đưa ra đánh giá hay tư lường [cái được thấy: chì đen, chép thơ, tường trắng, lá lục hồng, than hồng, đốt, từng phút từng giờ]. Và rồi, Bùi Giáng so sánh việc ông làm thơ y hệt như cười và khóc bâng quơ [tôi cười tôi khóc bâng quơ], và hỏi rằng độc giả có nhận ra ẩn nghĩa không [có ngờ chi không].
 

Chúng ta dễ dàng nhớ tới bài Kinh Bahiya Sutta, nơi đó Đức Phật dạy cho ngài Bahiya pháp tức khắc xa lìa tam giới [không với đó, không trong đó] và do vậy, giải thoát: 

“Bahiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri... thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bahiya, khi ông không là ‘với đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bahiya, khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau.”
 

Bài thơ Bao Giờ của Bùi Giáng toàn văn như sau.

.

Bao Giờ

Bằng bút chì đen

Tôi chép bài thơ

Trên tường vôi trắng

.

Bằng bút chì trắng

Tôi chép bài thơ

Trên lá lục hồng

.

Bằng cục than hồng

Tôi đốt bài thơ

Từng phút từng giờ

.

Tôi cười tôi khóc bâng quơ

Người nghe người khóc có ngờ chi không.

.

*

Trong nhiều năm qua, người viết trong những lúc rãnh rỗi, đã vẽ nhà thơ Bùi Giáng vì lòng kính mộ, vì lòng biết ơn. Trong đó có một tấm tranh trao tặng nhà văn Đào Hiếu năm 2014, khi vị tôn túc trong làng văn này từ VN sang chơi Quận Cam, ghé nhà thăm. Đó là tấm vẽ bằng mực Tàu trên giấy trắng, tấm duy nhất có bộ ria kiểu Hitler cho ngài Bùi Giáng.


Bui Giang_tang nha van Dao Hieu

Hôm nay, xin gửi hết 8 tấm tranh lên mạng, không giữ bản quyền, để bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng. 
Nét vẽ vụng về, không hiển lộ được Khổ Đế (huống gì là Đạo Đế), nhưng như thế đã là tận lực.
 
Bui Giang zBui Giang_drawn by PTH_2018Bui Giang_homage from PTHBui Giang_p 1Bui Giang_phan Tan Hai ve_2016IMG_1897
    

Những dòng chữ này và các nét vẽ này xin trân trọng cúng dường một nhà thơ lớn, và cũng là người tự thân hiển lộ được Tứ Diệu Đế.
 

Nguyên Giác





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/06/2013(Xem: 3462)
Không biết tôi đã đọc Bông hồng Cài áo của thày Nhất Hạnh bao nhiêu lần. Từ những ngày còn thơ ấu sống trong vòng tay mẹ, cho đến ngày hôm nay, khi nấm mồ của mẹ đã xanh ươm cỏ, bài viết luôn làm tâm hồn tôi chùng xuống trong những yêu thương dịu dàng nhất.
22/06/2013(Xem: 3553)
Trong cuộc đời đã bao lần bực dọc, hờn giận vì những việc thật nhỏ nhoi mà hư đi những chuyện quan trọng, làm mất lòng bạn bè, người thân, mà tâm cũng chẳng vui. Cuộc sống ngắn quá nên một lần nghe cô bạn kể chuyện này, ngẫm nghĩ và ngồi viết lại để mong lúc nào mình cũng sẽ làm được như thế. Bỏ hết những âu lo cho nhẹ nhõm trong lòng. (Thiên Hương).
22/06/2013(Xem: 6299)
Vậy là đã một năm, thời gian trôi quá nhanh nhưng lại thật không nhẹ nhàng khi những buồn thương vẫn còn hằn in trên dấu đá. Giờ này chắc chị đã bắt đầu một cuộc đời nào khác tại một nơi chốn bình yên vĩnh cửu, và tiếng cười của chị, những thương yêu của chị vẫn mênh mang trong một cõi thiên thu nào đó. Trong lúc ở đây, tại thế giới này, chúng em vẫn còn tưởng nhớ, vẫn cảm nhận những yêu thương vời vợi mà chị đã để lại trong đời sống ngắn ngủi của chị, và vẫn nghe trong tâm mình những khắc khoải đớn đau ...
22/06/2013(Xem: 3697)
Buổi sáng, trời hơi se lạnh và ẩm ướt âm u, hồi đêm hình như rất gió và ầm ì những tiếng sấm gợi lại những lo sợ xa xôi của thời còn chinh chiến. Nhìn ra khung cửa, đồi cỏ vẫn trải dài thoai thoải, những khu vườn xung quanh đã rực rỡ những đóa hoa xuân. Tiếng chim hót lảnh lót đầu hiên hòa nhịp dáng dấp nhí nhảnh của những chú chim sà mình xuống hàng rào rồi lại nhẹ cất cánh lên cao. Hồn nhẹ tâng theo những đám mây trời, tạ ơn đời sống, tạ ơn sự bình yên, tạ ơn những mượt mà của tạo hóa.
22/06/2013(Xem: 3103)
Tôi đã đi trên con đường này không biết đã bao nhiêu buổi sáng. Có buổi thành phố còn đang ngái ngủ, chỉ có những chiếc xe rửa đường rì rào lăn bánh, có buổi những toà cao ốc còn tắm đẫm sương đêm làm hai hàng mi long lanh những hạt nước trong suốt của hơi lạnh mùa đông. Và có những buổi như sáng nay, đường phố ngập những chiếc lá vàng và những hàng cây hai bên đường xôn xao đổ lá. Tự dưng, tôi nghe hồn mình chùng xuống vì một thoáng nhớ xa xôi.
21/06/2013(Xem: 2855)
Tháng 12, khi tui còn đi chơi lòng vòng. Sở làm dọn sang địa điểm mới. Ngày bắt đầu đi làm nơi mới cũng hơi bỡ ngỡ. Được cái chỗ làm mới ngay trung tâm thành phố. Đi một chuyến xe lửa 12 phút đã tới, mỗi ngày tiết kiệm được 50 phút cho 2 chuyến xe trams từ City xuống nơi làm cũ và trở về. 50 phút nhiều lắm chớ bộ. Nhưng...
28/05/2013(Xem: 3501)
Ai thật sự đã làm đời bạn khác đi? Hãy thử trả lời đôi điều dưới đây: - Hãy kể tên năm người giàu nhất trên thế giới. Hãy kể tên vài người đoạt vương miện hoa hậu hoàn vũ mấy năm gần đây nhất. Hãy kể tên 10 người đã đoạt giải Nobel hoặc giả Pulitzer
28/05/2013(Xem: 3304)
Cứ mỗi tháng tư, tôi lại rơi vào một nỗi băn khoăn cố hữu, đó là không biết mùa xuân mới liệu có thể như mùa xuân rồi hay không. Cảnh vật trông như hoang phế, từ bầu trời, những ngọn đồi đến các cánh rừng tuyền một màu xám, giống như nước sơn lót trên vải của những bức tranh nghệ thuật khi chưa thành kiệt tác.
28/05/2013(Xem: 3470)
Một ngày nọ, hai cậu bé đang chơi đùa thì một bà tiên xuất hiện trước mặt và nói: “Ta tặng cho các cháu món quà năm mới” Bà trao cho mỗi đứa một gói quà và biến mất. Carl và Philip mở những gói quà ra và thấy trong đó là những quyển sách xinh đẹp, những trang giấy trắng tinh như tuyết khi lật trang đầu tiên.
14/05/2013(Xem: 3053)
Sống đời hay hành đạo chung qui chỉ là hành trình tìm thấy những cái duyên để mình vui hơn hay buồn hơn, tốt hơn hoặc xấu hơn, lên cao hơn hoặc xuống thấp hơn, và rốt ráo nhất, là nhận diện được cái duyên nào để mình ra khỏi hay trở lui cái vòng lẩn quẩn của cuộc trầm luân. Hắn hồi quận. Như chiếc lá về cội, như giọt nước về sông, như mưa về đất. Đơn giản thế thôi, không gì hơn nữa. Và ba lần bảy ngày làm nên con số hăm mốt nhỏ xíu như giấc chiêm bao trong một giấc ngủ ngày, nóng bức mệt mỏi. Nhỏ, nhanh, ngắn, mà cái gì cũng có đủ. Như một cuốn phim ngắn hoàn chỉnh nhất. Tái ngộ, sơ ngộ và trong đó dĩ nhiên còn là những hạnh ngộ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]