Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đọc: Hạt Nắng Bồ Đề Ký sự hành hương của Văn Công Tuấn

10/04/201807:20(Xem: 3527)
Đọc: Hạt Nắng Bồ Đề Ký sự hành hương của Văn Công Tuấn
hat nang bo de

Đọc: Hạt Nắng Bồ Đề
Ký sự hành hương của Văn Công Tuấn

Chữ bay từng cánh chim ngàn

Mỗi câu là mỗi Niết bàn hóa thân.

Xin phép được “tựa” vào hai câu thơ của cố Giáo sư Vũ Hoàng Chương, để bước vào thế giới văn chương của Văn Công Tuấn. Vì rằng, có lẽ, anh đã có nhiều duyên lành để dung thông với tư tưởng uyên áo của các bậc Thầy khả kính nơi ngôi trường Vạn Hạnh của ngày xưa Sài Gòn. Cũng như sau nầy có nhiều thuận duyên để tìm hiểu thêm về tư tưởng các danh nhân trên thế giới. Trong đó anh đã dành cảm tình đặc biệt với văn hào Hermann Hesse. Người đã được thừa hưởng “gia tài tâm linh” của một “ông lái đò” qua câu chuyện dòng sông. (“Khi dòng sông phẳng lặng thì bóng dáng chân như sẽ hiển bày”).

Hạt Nắng Bồ Đề” là ký sự hành hương của anh, do nhà sách Thái Hà in ấn trên giấy hoàng kim, với phụ bản là hình ảnh rất nghệ thuật của tứ động tâm và các di tích lịch sử. Lời giới thiệu của Thầy Thích Phước An. Lời thưa và cám ơn của tác giả. Sau cùng là Nhân đọc Hạt nắng Bồ Đề của Nguyễn Hiền Đức.

Xin bước vào để dõi theo những bước chân đi tìm...

Hay nói khác là bước vào thế giới văn chương của anh Tuấn là để cùng học hỏi, chứ không phải để nhận định hay phê bình. Vì tôi cũng chỉ là kẻ sơ học về cả đời lẫn đạo. Chỉ ghi lại những cảm xúc của mình sau khi đọc sách, và cảm thấy đây là cuốn sách hướng dẩn khách hành hương về quê hương của Phật, được mang đầy đủ các yếu tố quan trọng từ hình thức đến nội dung, từ ngoại cảnh đến nội tâm một cách phong phú và khoa hoc. Chúng tôi không dám có lời gì nói thêm, mà chỉ muốn dõi theo bước chân... như ông Bùi Giáng:

Thưa rằng nói nữa là sai

Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào.

Vì từ “Cổ Thụ Lặng Bóng Soi”, đến “Hạt Nắng Bồ Đề” anh đã bước đi những bước thật dài, lắng sâu vào sự chiêm nghiệm. Suy niệm về lẽ vô thường, lý sắc không. Từ những nhận thức và cảm xúc về văn hóa Phật giáo rất sâu sắc. Đến lòng cầu học để ước mong được thâm nhập kinh tạng trong một kiếp hiện tiền nầy. Trải qua không biết bao những hiện tượng trùng trùng duyên khởi về ý niệm mâu thuẩn, được phủ trùm bởi màn lưới vô minh, thì hình như, anh đã bắt gặp một “dấu lặng” để một bước ngàn trùng thiên lý trong cuộc đi tìm những Hạt nắng Bồ Đề, đã trải vàng theo nhịp bước Chân Nhân.

Bước đầu tiên là giới thiệu một trong tứ động tâm, đó là Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật Thành Đạo. Anh đã ghi nhận nhiều sự kiện xẩy ra, như Phật chứng được Tam Minh (Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh) thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác. Như bài thuyết pháp đầu tiên Tứ Diệu Đế cho năm anh em Kiều Trần Như. Là một trong những sự kiện lịch sử vẻ vang của Phật giáo, trong đó với yếu tố quan trọng bậc nhất nầy không thể không ghi nhận:

Lần đầu tiên – và cũng là duy nhất – trong lịch sử loài người, có một vị giáo chủ tự dấn thân đi tìm ra đạo giải thoát và sau khi hành đạo dám tuyên bố rằng, tất cả mọi người có thể chứng đạo như Ngài, có thể ngồi trên pháp tòa tối thượng như Ngài. Ấy là một sự kiện vĩ đại nhất của nhân loại, cho mãi cả đến ngày hôm nay”.(trích: Chứng đạo dưới cội Bồ Đề. Hôm ấy đã là quá khứ”. (trang 30).

Bước thứ hai là: Đọc Hoa Nghiêm dưới chân tháp Hoa Nghiêm. Là Phật tử thì chắc chắn ai cũng đã nghe quý thầy giảng về Kinh Hoa Nghiêm. Bộ kinh mà đức Phật sau khi thành đạo, đã từ trong thiền định giảng kinh cho các vị Bồ tát và Duyên giác trong vòng hai mươi mốt ngày. Là một bộ kinh vô cùng thâm diệu, khó nghĩ khó bàn, không có mấy người chạm chân vào bậc thềm của Hoa Nghiêm. Nên ở đây tác giả chỉ kể lại nguyên nhân tạo cơ duyên đọc kinh mà thôi:

Lý do thứ nhất: Ba chữ kinh Hoa Nghiêm với tôi đã khá thân thuộc, dù trước khi đi chưa hề tụng hết bộ kinh nầy. Tôi nói khá thân thuộc vì gần hai mươi năm trước đây tôi từng đọc say mê Thả một bè lau của thiền sư Nhất Hạnh...

Lý do thứ hai: Khi bắt đầu học Phật, tôi học theo sách Phật Học Phổ Thông của Hòa thượng Thiện Hoa . Sách ấy viết rằng: “Trong kinh Hoa Nghiêm có câu, Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai – Một phen sân hận nổi lên thì muôn ngàn chướng nghiệp nẩy ra.”

Lý do thứ ba: Cứ đọc kinh sách, luận văn Phật Pháp một hồi thế nào cũng có người nhắc đến Hoa Nghiêm. Bóng mát Hoa Nghiêm tỏa rộng bao trùm cả giáo lý Phật Đà như bóng của cổ thụ tùng bách. Có những câu kinh căn bản như: “Nhất thiết duy tâm tạo”.

Lý do thứ tư: Trước khi chuẩn bị đi Ấn Độ tôi đã tìm gặp Hòa thượng Như Điển để xin thầy một lời khuyên là nên đọc kinh gì trong những ngày ở Bồ Đề Đạo Tràng... Thầy phán ngay: kinh Hoa Nghiêm. Tôi hiểu ý thầy, vâng lời không hỏi gì thêm (trang 52).

Là những tư liệu làm hành trang để giúp cho anh có bước chân vững chải, hy vọng được thâm nhập kinh tạng, được dung thông với cảnh giới Hoa Nghiêm.

Bước thứ ba:“Vầng nhật nguyệt sáng ngời đỉnh núi Thứu”. Là ước mơ của anh từ lâu nay, được một lần ngủ lại trên đỉnh núi Thứu, đề ban đêm được ngắm trăng và sớm mai nhìn mặt trời mọc. Vì trăng mỗi nơi mỗi khác, mặt trời cũng khác ở đông tây. Vì có hiện thực, thì cũng có viễn mơ. Nếu trôi qua vùng tâm thức của siêu nhân thì sẽ trở thành huyền thoại.

Như huyền thoại trong chốn thiền môn thì có: “Bát Cơm Hương Tích, chén Trà Tào Khê, ngồi Thuyền Bát Nhã, ngắm Trăng Lăng Già”. Không biết ai đã có đủ hạnh duyên đó, để thưởng thức hương vị siêu nhiên? Nhưng có lẽ với anh Tuấn thì, hình như đã có một lần khi anh kể: “Có một lần viếng thăm quê hương của Phật, vượt qua bao thử thách vẫn cố gắng làm tròn tâm nguyện là được ngắm nhìn cả hai vầng nhật nguyệt. Và anh đã thấy: “Núi non vẫn nằm đó, cây cỏ còn đó, mỏm đá hình chim thứu vẫn đứng đó: Đã bao lần mặt trời từng mọc lên đã chiếu sáng ngọn núi thiêng nầy sau những đêm tối? Ai đếm cho hết, ai cất công ghi lại cho kham? Nhưng có một điều tôi đoan chắc: mặt trời kia chưa bao giờ ngưng tỏa sáng trên đỉnh núi Thứu nầy.” (trang 66).

Và anh đã gặp: “Một nhóm hành hương có bốn người có nguồn gốc từ bốn quốc gia khác nhau, họ cùng hẹn nhau đến núi Thứu. Đểm lạ là họ muốn đến ngủ để thưởng trăng trên vùng trời linh thiêng của chư Phật chư Tổ. Và không phải họ chỉ muốn đến đây để thưởng trăng, họ muốn đến đây để dốc lòng cầu nguyện, tụng kinh, thiền tọa, tu tập... Mỗi người cầu nguyện một cách. Có khi họ cùng lúc tụng kinh lớn tiếng bằng bốn loại ngôn ngữ khác nhau.” (trang 68).

Bước thứ tư: Duyên. Lần nầy mới thật là hạnh duyên khi đến “Đạo Tràng”, anh kể: “Nhân một buổi trưa ghé vào thư viện của trung tâm tu học Viên Giác. Gặp sư cô Liễu Pháp thật vui và dễ thương (sư cô là sinh viên du học đang theo học chương trình Master đại học Gaya và đang tạm trú tại Viên Giác). Câu chuyện dẫn đến chi tiết các thánh tích, các cuộc hành hương, rồi đến việc đảnh lễ xá lợi Đức Phật, về khóa tu xuất gia gieo duyên tại trung tâm Viên Giác nầy trong vài tháng tới. Sư cô nói cũng đã giúp nhiều cư sĩ xuống tóc gieo duyên ở thánh địa. Nói chuyện một hồi, tự nhiên bà xã tôi quay sang hỏi nhỏ tôi: “Hay là kỳ nầy mình hỏi sư cô nhờ giúp giùm chuyện xuống tóc gieo duyên, anh nghĩ sao?”...(trang 103).

Thật là “Được lời như mở tấc lòng”... nên anh đã nhờ sư cô liên hệ và giới thiệu với chùa Tích Lan để thỉnh sư đến tháp Đại Giác làm lễ xuống tóc. Sau đó về chùa cúng dường trai tăng, cũng như tặng quà cho 15 em thanh thiếu niên đang ở đây. Và được vị sư trụ trì hứa khả với giờ hẹn ngày mai lúc 9 giờ. Tất cả chuẩn bị đầy đủ và sáng sớm ra điểm hẹn chờ, nhưng đã quá giờ rồi mà sư vẫn chưa đến!. Chợt thấy một hội chúng khoảng 30 vị lạt ma, họ dựng nhanh một pháp tòa gồm nhiều pháp khí và họ chờ đợi một việc gì đó?

-Sư cô Liễu Pháp hỏi tôi: “Chắc có điều gì trục trặc ở chùa Tích Lan đây? Thường thì sư đúng giớ lắm mà. Hay là mình nhờ quý lạt ma nầy xuống tóc giúp, chú nghĩ sao?” “Dạ”, tôi cũng đã thầm mong được vậy.” (trang 108).

Và anh đã nhờ người đi thưa thỉnh, nhưng bị từ chối ngay ! Sư cô muốn thử thêm thời vận một lần nữa, liền đến chắp tay cung kính bạch Ngài. Nhưng Ngài cũng lắc đầu. Sư cô nói: “Lần nầy cô chú phải đích thân sang cầu Ngài đi, có thể Ngài từ bi hứa khả.” Tôi cũng nghĩ thế, thì bà xã tôi đã đứng bật dậy ngay, đi thẳng đến bên Ngài thủ tòa và chắp hai tay lạy phủ phục xuống. Chúng tôi chưa kịp thưa thỉnh gì cả thì Ngài đã cười và gọi vị lạt ma công văn của pháp hội lại và nói gì đó. Vị lạt ma nầy dịch lại là họ không mang dao kéo theo thì làm sao xuống tóc cho chúng tôi được... Thưa, chúng tôi có mang sẵn dao kéo theo đây, và giải thích cặn kẻ. Ai nấy đều vô cùng hoan hy...” (trang 109).

Bước thứ năm: Bát sửa Sujãtã. Kể chuyện nàng Su-jãtã ở trong ngôi làng cùng tên với cô. Thường hay vào rừng để cúng dường các vị đạo sư. Nàng chợt thấy một vị Sa môn nằm bất tỉnh dưới một gốc cây, nhìn dáng vẻ Ngài như một vị thần, nàng quỳ xuống khấn nguyện và lấy sửa trong bát nhỏ giọt vào miệng vị Sa môn kia. Ngài dần dần tỉnh lại, và sau đó hàng ngày nàng đều mang sửa đến cúng dường cho đến ngày Ngài thành chánh quả dưới cội Bồ Đề. Thật là một đại ân nhân của Phật giáo thế giới, vì nếu không có người thôn nữ ấy phát tâm cúng dường, thì không biết lịch sử Phật giáo có hiện diện hay không?

Nhân việc nầy, anh Tuấn đặt câu hỏi: “Có lactose trong bát sửa của nàng thôn nữ Sujãtã ấy không ? Rồi luận bàn về việc nầy thấy cũng rất hữu ích. Khiến tôi nhớ lại trước đây một người bạn kể rằng, mỗi lần uống sửa anh ta đều bị đầy hơi, tiêu chảy. Đi khám bác sĩ không tìm ra bệnh, chợt bác sĩ hỏi: anh có uống sửa không? Trả lời có. Ông ta giải thích có một số người cơ thể họ không tiêu thụ kịp lượng đường của sữa (lactose) nhất là những người ở xứ nóng. Và khuyên anh ta nên uống các loại sửa lactosefrei. Đây có thể nói là một đề tài về y học phổ thông rất có giá trị.

Bước thứ sáu: Cõi tịnh. Chắc nhiều người đã quen với nếp sống văn minh của người Âu Tây, nên đến hành hương tại Ấn Độ cũng gặp phải những điều bất ưng. Nhất là cảnh vào nhà vệ sinh cứ cảm thấy mùi hôi phảng phất mãi trong đầu. Không thể nào xóa đi được cái cảm giác cấu uế ấy. Riêng anh Tuấn thi: “Nghĩ hoài không xong nên tôi phải tìm đến Ngài Xá Lợi Phất. Tôn giả từng giảng cho tăng chúng thời ấy về ý nghĩa của cấu uế. Ngài dạy: Có bốn hạng người trên đời. Hạng có cấu uế mà không tự biết; hạng có cấu uế và thật biết mình có cấu uế; hạng không cấu uế nhưng không tự biết; hạng không cấu uế và biết mình không cấu uế. Tôn giả lại dạy rằng, hạng người có cấu uế mà lại không biết mình có cấu uế là hạng người hạ liệt. Hú hồn cho tôi! Lúc trước thì có khi ở trong xóm hạ liệt, bây giờ thì đã cắt hộ khẩu rời khỏi khu vực ấy”. (trang 136).

Bước thứ bảy: Học hạnh bố thí. Chuyện kể các đoàn hành hương khi đến Bồ Đền Đạo Tràng, thường hay dừng chân vài ba ngày để nghỉ ngơi, chiêm bái lễ lạy nơi Phật thành đạo linh thiêng và thăm viếng các chùa, tự viện tại thánh địa nầy. Và sau đó là công việc phát quà cho người nghèo. Người dân Ấn thì họ quá nghèo, mà người xưa thường nói: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Ai cũng muốn nhận nhiều hơn, chưa kể đến những “tổ chức ảo” để đánh lừa khách hành hương!

Còn đối với người bố thí thì lại mang nhiều tâm phân biệt khác nhau, nên việc bố thí cũng đầy nhiêu khê. Thành ra anh đã hướng đến các câu chuyện xưa trong kinh điển để tiện thể học tập. Chuyện thứ nhất là: “Bà già cúng đèn” trong A Xà Thế Vương Thọ Quyết Kinh. Hai là: Chuyện vua Lương Võ Đế và Tổ Bồ Đề Đạt Ma bên Trung Hoa. Ba là: Chuyện Đại Đức Kusalachitta một vị sư Tích Lan đã nguyện đem tuệ giác làm ngọn đèn soi sáng cho bước chân non dại của tuổi trẻ tại nơi thánh địa của Phật, bằng công hạnh bố thí Pháp vì trong tất cả các phương tiện bố thí, thì bố thí Pháp là thù thắng, là tối thượng nhất.

Bước thứ tám: Đến Bồ Đề Đạo Tràng không phải chỉ để tìm Phật. Kể lại chuyện gặp một tượng Phật rất đặc biệt là không ngồi trên một tòa sen, mà lại tọa trên một cái bục như bó cỏ, nệm rơm. “Tôi thấy tượng Phật nầy quá gần gủi, quá thân quen. Cảm tưởng như đức Phật đang bước xuống khỏi tòa, đến gần tôi để trao cho tôi một ngọn đuốc và bảo tôi, con hảy thắp đuốc lên mà đi...(trang 166).

Bước thứ chín: Trên đỉnh Dungeshwari và Pico de Brandama suy niệm về con đường khổ hạnh: Nhân một lần đi tham quan ngọn núi lửa Pico de Bandama ở Tây Ban Nha, anh cảm thấy rợn người khi nhìn xuống. Thấy cảnh sống chết đang hiện hữu từng sát na trong những sinh vật trên trái đất nầy. Và rồi hôm nay anh nghĩ đến con đường khổ hạnh của Thái tử Tất Đạt Đa, đi xuất gia cho đến ngày Ngài thành đạo Chánh Đẳng Chánh Giác dưới gốc cây Bồ Đề. Ban đầu thì Ngài nghĩ rằng, cuộc sống trong cung vàng điện ngọc đầy thú vui nhục dục. Quá nuông chiều thân xác của mình nên tâm không thấy an lạc. Nên Ngài đã thực tập theo các đạo sĩ tu khổ hạnh... Và trải qua sáu năm trong rừng già, Ngài thấy thân mình càng ngày càng tiều tụy, nhưng vẫn chưa tìm thấy sự giải thoát và giác ngộ. Một buổi sáng Ngài rời đồi Dungeshwari và hướng về làng Bakraur, trên đường đi Ngài đã kiệt sức nằm ngã quỵ bên gốc cây ở làng ấy. Tại đây Ngài nhận bát sữa của nàng thôn nữ Sujãtã dâng cúng. Khi tỉnh lại Ngài xuống sông Ni Liên Thuyền tắm gội sạch sẽ rồi đến cội Bồ Đề ngồi tham thiền. Cho đến một hôm Ngài chứng được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền... Ngài chứng quả Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bước thứ mười: Chuyện hai Ông Đá. Kể lại sự tích của hai vị Bồ Tát hộ pháp. Vị thứ nhất là đại đế Asoka tên Việt gọi là A Dục Vương. Xuất thân là một vị vua tàn bạo, độc ác nên được gọi là Candasoka. Ông đã từng xuất quân đánh chiếm nước Kalinga chiến thắng nhanh chóng, nhưng đã để lại một chiến trường đẩm máu với hàng trăm ngàn người chết và mấy trăm ngàn người bị bắt làm nô lệ...! Nhưng sau đó không lâu thì xẩy ra một biến chuyển vô cùng đặc biệt là, trong lúc còn đang lẫy lừng trên ngai vàng thì nói theo ngôn ngữ nhà thiền Ngài “hoát nhiên đại ngộ”. Ngài quy y theo Phật và gìn giữ các giới cấm nên được gọi là Dharmasoka. Ngài đã cho xây dựng các trụ đá và khắc lên những sắc dụ, mang ý nghĩa như các giới cấm cho hàng Phật tử do đức Phật chế ra. Mong đem lại một đời sống hạnh phúc cho toàn dân, cũng như tôn trọng sự sống của mọi loài sinh vật khác... Nhưng những sự kiện ấy vẫn còn trong huyền thoại, vì các di tích bị chôn vùi dưới lòng đất, cũng như thế hệ sau nầy không đọc được cổ ngữ! Cho đến năm 1831, sau gần hai mươi thế kỷ sau Asoka, có người đã lần theo dấu vết đế khai mở sự thật. Đó là ông Sir Alexander Cunningham xuất thân một vị tướng lãnh, được gởi sang Ấn Độ, nhận nhiệm sở tại Calcuta. Ông cùng đồng nghiệp James Prinsep bắt đầu quan tâm đến việc nghiên cứu về khoa học và khảo cổ học tại đây...

Bước thứ mười một: Bò ơi, cứ ăn cỏ! Nhận dịp đến thành phố Bà La Nại, một buổi sáng được người hướng dẫn viên khách sạn đưa đến sông Hằng để ngắm mặt trời mọc. Đường đi luồn lách trong các xóm lao động là dịp anh chứng kiến nếp sinh hoạt thực sự của xã hội Ấn Độ được thu nhỏ. Trên đường gặp những chú bò đang rúc đầu vào đống rác để kiếm thức ăn. Mà rác của cái xứ sở nghèo mạt rệp nầy thì kiếm đâu ra thức ăn. Khiến cho anh chạnh lòng thương cảm đến những chú bò được được tôn vinh là “Thần”, nhưng lại sinh ra trong một hoàn cảnh tối tăm như thế nầy! Rồi anh nghĩ đến thân phận của muôn loài, muốn thoát khỏi cảnh bi thảm nầy thì cần thắp lên một ngọn đuốc, ngọn đuốc trí tuệ của đức Như Lai.

Bước thứ mười hai: Nghe đâu đó quanh đây âm hưởng của Tagore. Trong những bước chân tìm về chân như, bổng dưng thấy bàng bạc trong không gian hình bóng của một vĩ nhân. Một thiên tài của văn học thế giới là thi hào Tagore, người đầu tiên Á châu nhận giải Nobel Văn học năm 1930. Nhưng đối với Phật tử thì lòng ngưỡng vọng không chỉ có thế, mà còn kính ngưỡng một tấm lòng và đức tin. Theo giáo sư Krishna Kripalani viết một tiểu sử bằng tiếng Anh về Tagore rằng:“Tagore vô cùng kiêu ngạo, suốt đời ông chưa hề quỳ lạy một người hay hình tượng nào. Thế nhưng Tagore nuôi lòng kính trọng sâu sắc với Đức Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng Bodh Gaya, Saranath và những nơi thiêng liêng khác của đạo Phật. Ông bày tỏ điều đó với tình cảm sâu sắc: “Tôi là một đệ tử của đức Phật, quy y vì trí tuệ của Ngài, tôi vô cùng xúc động vì cảm thấy được gần gủi Ngài.” (trang 262).

Bước thứ mười ba: Taj Mahal – Đã qua rồi thời hoàng kim ấy. Ngôi đền được vinh danh là “Kỳ quan thế giới nầy” đã qua một thời hoàng kim, hay đã qua rồi một huyền thoại đau thương, chất chồng lên người dân Ấn. Đầy dẫy những chuyện phi nhân, những việc vô đạo, mà trớ trêu thay bây giờ “người hướng dẫn du lịch” lấy cái lịch sử bi thảm ấy để tôn xưng là “biểu tương của tình yêu muôn thuở” để trở thành một kỳ quan, thì khi nghĩ đến đúng, sai cũng khó phân biệt !

Bước thứ mười bốn: Chuyện ba con khỉ của Thánh Gandhi. Khi đến căn phòng lưu niệm của Thánh Gandhi anh đã thấy: “Kế bên chiếc bàn viết nhỏ và thấp có hinh ảnh ngộ nghĩnh đập vào mắt tôi ngay. Trên một cái bục nhỏ màu trắng có đặt một tượng nhỏ tạc ba con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng...” (trang 290). Và anh nhớ lại những nơi trước đây anh đã đến và thấy cũng có hình ảnh nầy. Mỗi nơi giải thích theo một cách khác nhau. Tại Âu châu thì: “Nghe, nhìn và làm thinh, nếu bạn muốn sống bình yên (yên thân)”. Tại Á châu thì “Khổng tử dạy cho đệ tử: “Cái gì không hợp lẽ thì không nhìn, không hợp lẽ thì đừng nghe, không hợp lẽ thì đừng nói, không hợp lẽ thì đừng làm.” (trang 291). Rồi anh nghĩ đến lời dạy của Đức Phật con đường đưa đến hạnh phúc, an lạc là: Bát Chánh Đạo..

Bước thứ mười lăm: Dư âm. “Thường sau những cuộc đi, dù đi thăm, đi du lịch ngắn hay những chuyến đi dài ngày, lúc quay về tôi có thói quen ngồi yên lặng để nghĩ về cái “không gian và thời gian còn đọng lại” trong ký ức mình sau các chuyến đi ấy. Để rồi một ngày kia, mình sẽ đáp một chuyến tàu đi thật xa và thật dài ngày, đi đến tận cuối trời.” (trang 306).
gioithieusach_VanCongTuan_2
Tác giả Nguyên Đạo Văn Công Tuấn (bìa phải)

Lời kết: “Hạt nắng Bồ Đề” là ghi nhận từng bước hành hương và tấm lòng mong cầu tu học mà anh Văn Công Tuấn đã thực hiện. Những nơi anh đến, những thắng tích anh thấy, những cảnh giới tâm linh anh đã cảm nhận, những triết lý về nhân sinh quan anh đã nghe, nhận định về văn hóa Phật giáo mà anh đã học. Tất cả đều được anh ghi lại bằng một lối văn giản dị, trong sáng. Một tác phẩm rất có giá trị về lãnh vực tâm linh cho những ai mong muốn đi tìm thế giới bình an.

Sách có thể đặt mua qua các nhà sách trên mạng Internet hay liên lạc trực tiếp với tác giả qua Email. [email protected].

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/01/2015(Xem: 3240)
Hai mươi năm xa quê, cuối cùng tôi cũng đã về thăm lại Huế! Hai từ "về Huế" mới ấm áp làm sao. Huế của tôi không về sao được. Nào là làng xóm bà con, mồ mã nội ngoại nhất là bạn bè, học trò rất thân thương mà tôi cho đó là một phần lẽ sống của mình. Các em đã tổ chức cho tôi một buổi họp mặt, môt khu vườn xinh xắn, cây lá được điểm trang bằng đèn màu ra vẻ một tiệm cà phê trang nhã như tính cách của chủ nhân. Bày biện ngoài sân và vườn là một dãy bàn ghế cũng tương đối lịch sự, đủ chỗ tiếp mấy chục người, thân mật và ấm cúng.
01/01/2015(Xem: 3856)
Người ta thường nói đời nhà giáo " Cho rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu. " Tôi thì trái lại, tôi cho rằng: " Nhà giáo chúng tôi cho chẳng bao nhiêu mà nhận rất nhiều. " Gần suốt cả cuộc đời, tôi có cho ai bao nhiêu đâu vậy mà đi đến nơi nào, tôi cũng đã được rất nhiều học trò lúc nào cũng dang rộng vòng tay nồng ấm tiếp đón cô giáo cũ của mình.
03/12/2014(Xem: 3883)
Đêm đã khuya, sao tôi còn thao thức mãi! Cứ mỗi lần nhận được thư của những người bạn còn ở lại bên trời quê hương lận-đận là tôi nao cả lòng! Tất cả những thông tin về Huế làm cho tôi xúc động bâng khuâng! Tôi chỉ còn nửa mảnh đời ở đây, còn nửa mảnh đời vẫn gởi lại cho Huế. Buổi chiều với mảnh trời tím cũng gợi nhớ, buổi sáng với nắng cũng xôn xao, cũng không khuây khỏa nỗi rờn rợn Huế trong tim!
25/11/2014(Xem: 4515)
Có một “truyện cổ Khờ-me”, như sau:“- Ngày xửa, ngày xưa có ông vua, một đấng minh quân, cùng với mấy vị quan trọng thần rong thuyền ngoạn du sông nước. Trời nắng như đổ lửa, dòng nước ngược chảy xiết nên những người phu chèo đầm đìa mồ hôi, mặt mũi đỏ au, ráng tận sức lực để chèo đẩy con thuyền đi.
25/11/2014(Xem: 4553)
Tôi không nhớ đã đọc ở đâu câu nói này: Nếu không có gì quý giá để lại cho đời, thì ít nhất cũng đừng để lại một điều gì tệ hại. Khoảng trống đó cũng có thể gọi là một thứ di sản không tệ. Tôi nhớ đến câu nói đó, chỉ vì chiều nay đọc thấy trên Internet một tin nhỏ mà thú vị: Các nhà khoa học Anh quốc vừa phát minh một kiểu lò hỏa táng, được đặt tên Resomator, không khói, không tạo ra bất cứ khí độc nào có hại cho môi trường thiên nhiên và sức khỏe con người.
23/11/2014(Xem: 9562)
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên. ( Chinh Phụ Ngâm Khúc) Trong cuộc sống có những ân tình, nhưng vì hoàn cảnh, hay vì lý do nào đó không trả được, tôi ghi mãi trong lòng, ấp ủ sâu thẳm tận trái tim như báu vật để rồi một lúc nào đó chợt nhớ lại, trân trọng với lòng tri ân vô bờ bến.
22/11/2014(Xem: 4806)
Mùa thu dường như chưa qua mà gió đông đã về tới. Mặt trời mọc sớm nhưng ánh nắng vẫn không xuyên qua nổi những tầng mây xám trên cao và sương mù nặng trĩu trên những con đường nườm nượp xe cộ của thành phố. Thời tiết bắt đầu lạnh, hơn cả tuần nay. Người không nhà đứng co ro nơi hiên của một ngân hàng ở góc đường, chờ đợi kẻ từ tâm.
20/11/2014(Xem: 10953)
Tôi đã lớn lên cùng với những dòng Bát Nhã Tâm Kinh. Những lời sắc bất dị không đã nghe âm vang như tiếng mõ ban mai, như tiếng tim đập của những ngày vui và của những đêm buồn, như tiếng mưa rơi mái hiên trong những buổi chiều ngồi đọc thơ Nguyễn Du.
20/11/2014(Xem: 14397)
Vị trí địa lí và các sinh hoạt văn hóa kinh tế giữa Trung Quốc (TQ) và Việt Nam (VN) đã để lại nhiều dấu ấn trong ngôn ngữ theo dòng thời gian, nhất là khi Phật giáo (PG) du nhập vào Đông Nam Á và TQ. Phần này chú trọng vào các cách đọc (âm Hán Việt) của chữ 梵 phạn hay phạm trong các tài liệu cổ TQ và các dữ kiện tương ứng trong tiếng Việt. Các tài liệu viết tắt là TVGT (Thuyết Văn Giải Tự - khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận Kinh (VK/1161), VBL (Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum,
19/11/2014(Xem: 5707)
Có người không hiểu Phật, than Phật giáo tiêu cực, nói toàn chuyện không vui. Từ đó Tăng ni chỉ được nhớ tới trong những ngày buồn như đám tang, cúng thất, cầu an cho người sắp đi. Rồi thì người ta còn đi xa hơn, xuống thấp hơn một tí, là khi nói đến Tăng ni là họ tưởng ngay đến những người mất sạch, một cọng tóc cũng không có. Thậm chí họ cho mình cái quyền châm chọc khiếm nhã khi nhìn thấy Tăng ni đâu đó. Một chuyện mà có uống mật gấu họ cũng không dám làm đối với những người thế tục cạo trọc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]