Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trung Thiên Đồ Bản Đồ Mã Hóa Thuyết Tam Độc và Tứ Vô Lượng Tâm của PG

03/12/201601:24(Xem: 10426)
Trung Thiên Đồ Bản Đồ Mã Hóa Thuyết Tam Độc và Tứ Vô Lượng Tâm của PG

 

vu tru2
TRUNG THIÊN ĐỒ BẢN ĐỒ MÃ HÓA THUYẾT TAM ĐỘC
VÀ TỨ VÔ LƯỢNG TÂM CỦA PHẬT GIÁO

 

Nguyễn Thiếu Dũng

 

Sau nhiều năm nghiên cứu Kinh Dịch bị nhận lầm là của Trung Hoa, tôi phát hiện Trung Thiên Đồ được ẩn dấu trong truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, mà đồ này đặc biệt lại là chìa khóa để viết Kinh Dịch, nếu giảng Kinh Dịch theo phương vị Hậu Thiên Đồ như cách làm của các Dịch học gia Trung Quốc từ cổ đại đến hiện đại thì sẽ khiến cho Quái từ, Hào từ trong kinh văn trở nên khó hiểu, rời rạc, đứt đoạn. Ngược lại nếu giảng theo phương vị Trung Thiên Đồ thì câu chữ hóa thành sáng sủa, mạch lạc, mỗi quẻ là một bản văn hoàn chỉnh, liên ý với nhau. Trung Thiên Đồ chính là chứng từ duy nhất để chứng minh Kinh Dịch là di sản sáng tạo của tổ tiên người Việt Nam.

Kinh Dịch được xây dựng dựa vào thuyết tam tài: THIÊN, ĐỊA, NHÂN, vũ trụ có trời có đất và con người kết nhau thành một mối, trời đất là đại vũ trụ, con người là tiểu vũ trụ.

Phật tổ nói “thiên thượng, địa hạ, duy ngã độc tôn”, trời ở trên, đất ở dưới, giữa là loài người cao quý nhất.

Nguyễn Du trong truyên Kiều cũng đã gói gọn thuyết tam tài trong câu thơ  “ Đội trời, đạp đất, ở đời ”

Vì vậy quẻ đơn gồm ba hào, hào thượng thuộc tài Thiên, hào giữa thuộc tài Nhân, hào dưới cùng thuộc tài Địa, quẻ đơn diễn biến thành quẻ kép sáu hào, cứ hai hào thuộc một tài phân bố giống như quẻ đơn.

Quẻ Thuần Càn cho ta nhìn thấy rõ bố cục đó:

 

Sơ cửu: tiềm long vật dụng. 

初九。潛龍勿用

Cửu nhị: hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân. 

九二。現龍在田,利見大人。

Cửu tam: quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược, lệ, vô cữu.

九三。君子終日乾乾。夕惕若,厲,無咎。

Cửu tứ: hoặc dược, tại uyên, vô cữu. 

九四。或躍在淵,無咎。

Cửu ngũ

phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân. 

九五。飛龍在天,利見大人。

Thượng cửu: kháng long hữu hối.

上九。亢龍有悔

 

Tài Địa gồm hào Sơ cửu có chữ tiềm long, hào Cửu nhị có chữ hiện long

Tài Nhân gồm hào Cửu tam có chữ quân tử. Hào Cửu tứ có chữ dược, tại

Tài Thiên gồm có hào Cửu Ngũ có chữ phi long tại thiên, hào Thượng Cửu có chữ kháng long.

Các quẻ khi sắp trên vòng Bát Quái cũng phải tuân theo luật Tam Tài, có Tiên Thiên Đồ, có Hậu Thiên Đồ nhưng ta tìm đỏ mắt từ suốt hai ngàn năm nay chẳng thấy Trung Thiên Đồ ở đâu mà lý ra bắt buộc phải có, vì Trung Thiên Đồ chính là la bàn để viết Kinh Dịch và đó không phải là nhiệm vụ của Tiên Thiên Đồ, Hậu Thiên Đồ. Trong khi đó ta lại tìm thấy Trung Thiên Đồ được cất dấu bí mật trong truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, điều đó chứng minh một cách hiển nhiên và không thể phản biện rằng người Hoa chỉ DU NHẬP Kinh Dịch, chủ nhân sáng tạo KINH DỊCH chính là người Việt (Việt Nam).

Chúng ta sẽ tìm thấy Trung Thiên Đồ trong các truyền thuyết sau đây:

 

TRUYỆN HỒNG BÀNG THỊ

 Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Tục dung mạo đoan chính, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh. Đế Minh liền lập Nghi làm kẻ nối ngôi. Lại phong Lộc Tục là Kinh Dương Vương để trị đất Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới Thủy Phủ, lấy con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước. Kinh Dương Vương không biết đi đâu mất. Lạc Long Quân dạy dân việc cày cấy nông tang, đặt ra các đẳng quân, thần, tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng, đôi khi trở về Thủy Phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự, không biết do đâu được thế. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: "Bố ơi! sao không lại cứu chúng tôi". Long Quân tới ngay, sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi. Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai, cai trị Bắc phương. Nhân khi thiên hạ vô sự bèn sai quần thần là bọn Xuy Vưu thay mình trông coi quốc sự rồi đi tuần xuống nước Xích Quỷ ở phía Nam. Khi đó, Long Quân đã về Thủy Phủ, trong nước không có chúa. Đế Lai bèn để ái nữ là Âu Cơ và các thị tỳ ở lại nơi hành tại rồi đi chu du thiên hạ, ngắm các nơi danh lam thắng cảnh. Thấy hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, ngọc ngà vàng bạc... các thứ đá quý, các cây trầm, đàn cùng các sơn hào hải vật không thiếu thứ gì, khí hậu bốn mùa không lạnh không nóng, Đế Lai rất ái mộ, vui quên trở về. Dân phương Nam khổ vì bị người Bắc phương quấy nhiễu, không được yên sống như xưa mới cùng gọi Long Quân rằng: "Bố ơi ở đâu mà để cho dân Bắc xâm nhiễu phương dân". Long Quân đột nhiên trở về, thấy âu Cơ có dung mạo đẹp đẽ kỳ lạ, trong lòng vui mừng, bèn hóa thành một trang thiếu niên phong tư tú lệ, tả hữu kẻ hầu người hạ đông đúc, vừa đi vừa ca hát đánh trống. Cung điện tự nhiên dựng lên. Âu Cơ vui lòng theo Long Quân. Long Quân giấu Âu Cơ ở Long Đài. Nham Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông biến hóa thành trăm hình vạn trạng yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi... làm cho bọn đi tìm đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn phải trở về. Truyền ngôi đến đời Du Võng, thì Xuy Vưu làm loạn. Vua nước Hữu Hùng là Hiên Viên đem chư hầu tới đánh nhưng không được. Xuy Vưu mình thú mà nói tiếng người, có sức khỏe dũng mãnh. Có người dạy Hiên Viên dùng trống da thú làm lệnh, Xuy Vưu sợ hãi chạy về đất Trác Lộc. Đế Du Võng xâm lăng chư hầu, cùng Hiên Viên giao binh ở Phản Tuyền đánh ba trận đều bị thua, bị giáng phong ở đất lạc ấp rồi chết ở đó. Giòng họ Thần Nông tới đây thì hết. Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc, cho là điềm bất thường, vứt ra cánh đồng; qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi. Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹp đẽ kỳ dị, người nào cũng trí dũng song toàn, người người đều kính trọng cho là triệu phi thường. Long Quân ở lâu dưới Thủy Quốc vợ con thường muốn về đất Bắc. Về tới biên giới, hoàng đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay về nước Nam mà gọi Long Quân rằng: "Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này". Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương. Âu Cơ nói: "Thiếp vốn là người nước Bắc, ở với vua, sinh hạ được trăm con trai, vua bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, làm người vô phu vô phụ, chỉ biết thương mình". Long Quân nói: "Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly. Ta đem năm mươi con về Thủy Phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên". Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn (nay là Chiêm Thành). Chia nước làm 15 bộ (còn gọi là quận) là Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận. Chia các em ra cai trị, lại đặt các em làm tướng văn tướng võ, văn là lạc hầu, võ là lạc tướng. Con trai vua gọi là quan lang, con gái vua gọi là mỵ nương, trăm quan gọi là bồ chính, thần bộc, nữ lệ gọi là xảo xứng (còn gọi là nô tỳ). Bề tôi gọi là hồn, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo. Vua đời đời thế tập gọi là Hùng Vương, không hề thay đổi. Lúc ấy, dân sống ở ven rừng, xuống nước đánh cá thường bị giống giao long làm hại, bèn nói với vua. Đáp: "Giống sơn man và giống thủy tộc có thù với nhau, thường ghét nhau cho nên hại nhau đó". Khiến người đời lấy mực xăm vào mình theo hình Long Quân, theo dạng thủy quái. Từ đó, dân không bị tai họa giao long làm hại nữa. Tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đấy. Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm (có chỗ viết là uống), lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cầy bằng dao, trồng bằng lửa. Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm. Bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn để dễ đi lại trong rừng rú. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh, người lân cận nghe tiếng đến cứu. Chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân. Đó trăm người con trai chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy.

 

TRUYỆN HỒ TINH

Thành Thăng Long xưa hiệu là Long Biên, hồi thượng cổ không có người ở. Vua Thái Tổ nhà Lý chèo thuyền ở bến sông Nhĩ Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, cho nên đặt tên là Thăng Long rồi đóng đô ở đấy, ngày nay tức là thành Kinh Hoa vậy. Xưa ở phía tây thành có hòn núi đá nhỏ, phía đông gối lên sông Lô Giang. Trong hang, dưới chân núi, có con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu quái, thành người hoặc thành quỉ đi khắp nhân gian. Thời đó, dưới chân núi Tản Viên, người Mán chôn gỗ kết cỏ làm nhà. Trên núi có vị thần rất linh thiêng, người Mán thường thờ phụng. Thần dạy người Mán trồng lúa, dệt vải làm áo trắng mà mặc cho nên gọi là Bạch Y Man (mán áo trắng). Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Mán cùng ca hát rồi dụ dỗ trai gái trốn vào trong hang núi. Người Mán rất khổ sở. Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ dâng nước lên công phá hang đá. Cáo chín đuôi bỏ chạy, quân thủy phủ đuổi theo, phá hang bắt cáo mà nuốt ăn. Nơi này trở thành một cái vũng sâu gọi là "đầm xác cáo" (tức Tây Hồ ngày nay). Sau lập miếu (tức Kim Ngưu Tự) để trấn áp yêu quái. Cánh đồng phía Tây Hồ rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là Hồ Đỗng (hang cáo). Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở nay gọi là Hồ Thôn (thôn Cáo). Chỗ hang cáo xưa, nay gọi là Lỗ Khước Thôn.

 

TRUYỆN MỘC TINH

Đất Phong Châu thời thượng cổ có một cây lớn gọi là cây chiên đàn cao hơn ngàn trượng cành lá xum xuê, không biết che rợp tới mấy ngàn rậm. Có chim hạc bay đến đậu nên đất chỗ đó gọi là đất Bạch Hạc. Cây trải qua hàng mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay đổi hình dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người hại vật. Kinh Dương Vương dùng nhạc mà đánh thắng yêu, yêu hơi chịu nhún nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ, hàng năm tới ngày 30 tháng chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, dân mới được yên ổn. Dân thường gọi yêu là thần Xương Cuồng. Biên giới tây nam giáp liền với nước Mi Hầu, vua Hùng Vương sai dân man Bà Lô (nay là phủ Diễn Châu) hàng năm bắt giống người lão tử sống ở khe núi tới tiến, không thể thay đổi được lệ ấy. Kíp tới khi Tần Thủy Hoàng bổ Nhâm Hiêu làm quan lệnh ở Long Xuyên, muốn bỏ tệ ấy đi. Thần Xương Cuồng tức giận vật chết Hiêu, vì thế về sau lại phải phụng thờ cẩn thận. Đến đời vua Đinh Tiên Hoàng có pháp sư Văn Du Tường vốn người phương bắc, đức hạnh thanh cao, đã từng đi qua nhiều nước, biết được tiếng các dân man, học được thuật làm nanh vàng và răng đồng, năm hơn 80 tuổi sang nước Nam ta. Tiên Hoàng lấy lễ thầy trò mà tiếp, pháp sư bèn dạy cho nghề tạp kỹ để làm trò vui cho thần Xương Cuồng xem mà giết y. Đoàn tạp kỹ này có Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Hiểm, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Câu. Hàng năm tới tháng 11 lại dựng lầu Phi Vân cao 20 thước, dựng một cây đứng ở trong, tết vỏ gai làm dây chão dài 136 thước, đường kính rộng 2 tấc, lấy mây mà quấn ngoài rồi chôn hai đầu dây xuống đất, giữa gác lên cây. Thượng Kỵ đứng lên trên dây mà chạy nhanh 3,4 lần, đi đi lại lại mà không ngã. Kỵ đầu đội khăn đen, mình mặc quần đen. Dây của Thượng Can dài 150 thước, có một chỗ mắc chạc ba. Can hai tay cầm hai cán cờ. Hai người đi trên dây, gặp nhau ở chỗ chạc ba thì lại tránh, lên xuống mà không ngã. Khi thì Thượng Đát lấy một tấm gỗ lớn rộng 1 thước 3 tấc, dày 7 tấc đặt lên trên cây cao 17 thước 3 tấc, Đát đứng ở trên nhảy 2, 3 cái, tiến tiến lùi lùi điên đảo. Khi thì Thượng Toái lấy tre đan thành lồng hình như cái lờ bắt cá, dài 5 thước, tròn 4 thước rồi chui vào đứng thẳng mình mà lăn. Khi thì Thượng Câu vỗ tay nhảy nhót, la hét kêu gào, chuyển động chân tay, vỗ đùi vỗ bụng, tiến lùi lên xuống, hoặc cưỡi ngựa bôn tẩu, cúi mình xuống lấy vật ở dưới đất mà không ngã. Khi thì Thượng Hiểm ngã mình nằm ngửa lấy thân đỡ một cái gậy dài rồi cho đứa trẻ trèo lên mà không rớt xuống. Khi thì cho bọn ca hát gõ trống khua chiêng, ca múa rầm rĩ. Lại giết súc vật mà tế. Thần Xương Cuồng tới, thấy thế bèn đến xem, pháp sư đọc mật chú rồi lấy kiếm mà chém. Thần Xương Cuồng cùng bộ hạ đều chết hết, không thể trở lại thành yêu nữa. Lệ tiến lễ hàng năm bèn bỏ, dân lại sống yên lành như xưa.

 

TRUYỆN NGƯ TINH

Ở biển Đông có con tinh ngư xà (còn gọi là Ngư Tinh) dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa vạn trạng, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa, lại ăn được thịt người nên ai cũng sợ. Đời thượng cổ có con cá dung mạo như người, đi tới bờ Đông Hải, sau biến thành người, biết nói năng, dần dần lớn lên, sinh ra nhiều con trai con gái, hay bắt cá, tôm, sò, hến mà ăn. Lại có giống Đản Nhân sống ở một cái gò dưới bể, chuyên nghề bắt cá, sau cũng biến thành người, giao dịch với man dân đổi lấy thóc gạo, dao, búa, thường qua lại ở Đông Hải. Có hòn đá Ngư Tinh, răng đá lởm chởm cắt ngang bờ bể, ở dưới đá có hang, Ngư Tinh sống ở trong đó. Vì sóng gió hiểm trở, không có lối thông, dân muốn mở một đường đi khác nhưng đá rắn khó đẽo. Thuyền của nhân dân đi qua chỗ này thường hay bị Ngư Tinh làm hại. Đêm kia có bọn người tiên đục đá làm đường đi để cho hành nhân có chỗ qua lại. Ngư Tinh bèn hóa làm con gà trắng gáy ở trên núi. Quần tiên nghe tiếng ngỡ rằng đã rạng đông bèn cùng bay lên trời. Tới nay người ta gọi lối đi ấy là Phật Đào Hạng (ngõ Phật đào). Long Quân thương dân bị hại bèn hóa phép thành một chiếc thuyền của thường dân, hạ lệnh cho quỉ Dạ Thoa ở Thủy Phủ cấm hải thần nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ hang đá Ngư Tinh, giả cách cầm một người sắp ném vào cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng định nuốt. Long Quân cầm một khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá. Ngư Tinh chồm lên quẫy mình quật vào thuyền. Long Quân cắt đứt đuôi cá, lột da phủ lên trên núi nay chỗ đó gọi là Bạch Long Vĩ còn cái đầu trôi ra ngoài bể biến thành con chó. Long Quân bèn lấy đá ngăn bể rồi chém nó. Nó biến thành cái đầu chó, nay gọi là Cẩu Đầu Sơn. Thân trôi ra ngoài Mạn Cầu, chỗ đó nay gọi là Mạn Cầu Thủy (còn gọi là Cẩu Đầu Thủy).

 

Kinh Dịch có tám quẻ đơn: Càn còn gọi là Thiên có tượng là trời, là vua, là cha. Khôn còn gọi là Địa có tượng là đất, là hoàng hậu, là mẹ. Khảm còn gọi là Thủy có tượng là nước, là cá (ngư). Ly còn gọi là Hỏa có tượng là lửa. Cấn còn gọi là Sơn có tượng là núi. Đoài còn gọi là Trạch có tượng là đầm (hồ). Chấn còn gọi là Lôi có tượng là sấm, là con trai trưởng. Tốn còn gọi là Phong có tuợng là gió, là cây ( mộc).

Khi tám quẻ đơn chồng lên nhau ta được 64 quẻ kép, nhưng khi tám quẻ đơn được đặt trên vòng tròn ta sẽ được ba thiên đồ căn bản: Tiên Thiên Đồ thường được người Trung Hoa gọi là Tiên Thiên Đồ Phục Hy vì cho là do Phục Hy chế ra, Hậu Thiên Đồ  cũng được người Trung Hoa gọi là Hậu Thiên Đồ Văn Vương vì cho là do Văn Vương thiết lập, ở đây chúng tôi chỉ gọi là Tiên Thiên Đồ và Hậu Thiên Đồ vì đã chứng minh được Kinh Dịch do người Việt Nam sáng chế nên Phục Hy, Văn Vương  chẳng can dự gì vào việc sáng tạo các thiên đồ. Dịch đồ thứ ba chính là Trung Thiên Đồ đã được tổ tiên Việt Nam cất giấu trong truyền thuyết Lạc Long Quân- Âu Cơ.

              

 Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ không chỉ là một huyền sử về nguồn gốc dân tộc “Con Rồng cháu Tiên”,  một thông điệp về tình đoàn kết, nghĩa yêu thương giữa các dân tộc anh em, đồng bào mà còn chứa đựng một thông tin về di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam đã được tổ tiên chúng ta bí mật cất giữ trong đó: tôi muốn nói đến Kinh Dịch đứa con lưu lạc của Việt Nam đã được Trung Quốc nuôi dưỡng và đã thành danh ở đó. Nếu chúng ta kết hợp những thông tin nằm rải rác trong các truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ, truyện Hồ tinh, Mộc tinh, Ngư tinh ta sẽ thiết lập được một Trung Thiên Đồ mà người Trung Quốc chưa hề biết đến. Theo kinh Dịch, Lạc Long Quân thường được nhân dân gọi là Bố mỗi khi có việc cần giúp đỡ có thể ký hiệu bằng quẻ Càn có tượng là vua, là cha. Lạc Long Quân thường sống ở Thủy phủ ký hiệu là quẻ Khảm có tượng là nước. Lạc Long Quân diệt được Hồ tinh là con cáo chín đuôi sống hơn ngàn năm ở đầm Xác Cáo nay là  Hồ Tây, sự kiện này có thể ký hiệu bằng quẻ Đoài tức quẻ Trạch có tượng là đầm. Đất Phong Châu thời Thượng cổ có cây Chiên đàn sống hàng ngàn năm, chim hạc thường đến đậu ở đấy nên nơi đó còn gọi là đất Bạch Hạc ( nay thuộc tỉnh Phú Thọ), lâu ngày cây hoá thành yêu tinh dân gọi là thần Xương Cuồng, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân ra sức đánh đuổi, cứu dân thoát khỏi sự bức hại của Xương Cuồng. Sự kiện này có thể ký hiệu bằng quẻ Tốn còn gọi là quẻ Phong có tượng là mộc. Lạc Long Quân cũng có công diệt được ngư tinh, con yêu ngư xà ăn thịt người, chuyện này cũng thuộc quẻ Khảm ký hiệu ở trên. Truyền thuyết thường nói chung là Lạc Long Quân (quẻ Càn) diệt hồ tinh (quẻ Đoài), diệt mộc tinh (quẻ Tốn), diệt ngư tinh (quẻ Khảm) để cứu dân, từ đó ta đã có được một vế của Trung Thiên Đồ: Càn-Đoài-Tốn-Khảm. Theo truyền thuyết Lạc Long Quân nói với Âu Cơ (được  tôn xưng là Quốc mẫu, là mẹ, ký hiệu là quẻ Khôn): “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, dòng giống bất đồng, khó ở với nhau lâu được, nay phải chia ly. Ta đem năm mươi con về thủy phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi xuống biển, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên nhau” (1, tr 30). Như thế là truyền thuyết đã xác định rất rõ tính cách tương phản giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ. Long Quân thuộc quẻ Khảm (Thủy) thì Âu Cơ thuộc quẻ Ly (Hỏa). Truyền thuyết kể tiếp: “ Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc) suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang”. Lên Phong Châu là lên núi ký hiệu là quẻ Cấn có tượng là núi, tôn người con cả ký hiệu là quẻ Chấn vì Chấn có tượng người con trưởng. Ta lại có thêm vế thứ hai của Trung Thiên Đồ: Ly-Cấn-Chấn -Khôn. Đến đây ta đã khai quật  được Trung Thiên  Đồ từ lớp ngôn ngữ truyền thuyết, các quẻ xếp theo thứ tự  Càn - Đoài - Tốn - Khảm - Ly - Cấn -Chấn - Khôn theo chiều ngược kim đồng hồ.

 

Trên Trung Thiên Đồ, Càn đứng ở phương Nam, Đoài ở phương Đông Nam, Tốn ở phương Đông, Khảm ở phương Đông Bắc, Ly phương Bắc, Cấn phương Tây Bắc, Chấn phương Tây, Khôn phương Tây Nam.

 

Như vậy vị trí các quẻ trên Trung Thiên Đồ hoàn toàn trùng khít với các phương trên bản đồ hình thể Việt Nam: Càn ở phương Nam biểu hiệu cho phương Nam nước Việt với sức nóng nhiệt đới, Khôn (đất) ở Tây Nam phù hợp với vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, Tốn (gió) ở phương Đông phù hợp với biển với gió mùa, Đoài (ao, đầm, phá) ở phương Đông Nam phù hợp với địa hình ao đầm do núi chạy ngang cắt các dòng sông, Ly ở phương Bắc chuyển qua ôn đới, Khảm (nước, hiểm trở) ở phương Đông Bắc, cửa ngỏ quân thù hay tấn công nước ta, Cấn (núi) ở Tây Bắc, núi rừng Tây Bắc, Chấn (trống, sấm) ở phương Tây phù hợp với Tây Nguyên cồng chiêng.

 

Người Trung Hoa thường dùng Hậu Thiên Đồ, nhưng đồ này không phù hợp với địa thế của họ, Càn mà ở Tây Bắc, Khảm lại ở phía Bắc, vùng sa mạc, Cấn núi lại ở Đông Bắc, nơi biển cả, Chấn phương Đông không phù hợp, Khôn đất núi rừng, đồng bằng hẹp.

 

Đặc biệt vị trí các quẻ trên Trung Thiên Đồ lại trùng hợp với vị trí các Luân Xa trên cơ thể con người.

Theo trải nghiệm của các hành giả Yoga  hoặc Khí công, Thiền, thì cơ thể có bảy trung tâm năng lượng tác động chi phối sự sống của con người, gọi là bảy đại huyệt hay là bảy luân xa. Trung Thiên Đồ chính là biểu đồ hệ thống bảy luân xa đó, theo thứ tự từ dưới lên: luân xa 1 là Hoả xà Kundalinê chính là quẻ Ly hoả, Luân xa 2 là Mệnh môn quan chính là quẻ Khảm (thận thuỷ), Luân xa 3 là Đơn điền

 

 

Trung Thiên đồ với 7 Luân xa

 

 

Ngũ hành Sơn chính là quẻ Cấn sơn, Luân xa 4 là luân xa tâm gồm hai quẻ Tốn (tâm âm) và Chấn (tâm dương), luân xa 5 là trung tâm Ấn đường chính là quẻ Đoài, luân xa 6 nằm ở chân mi tóc hay huyệt Thượng tinh mà Đạo giáo thường gọi là Kim mẫu chính là quẻ Khôn (Địa mẫu), Luân xa 7 là huyệt Thiên môn Bách hội chính là quẻ Càn Thiên.

                        

Còn một điểm đặc biệt nữa là có thể xem TrungThiên Đồ như một bản đồ mã hóa thuyết Tam độc và thuyết Tứ vô lượng tâm của nhà Phật.

 

Trung Thiên Đồ còn biểu đạt một mẫu người đạo lý tâm linh: quẻ Sơn tượng cho tính người tham lam muốn tích lũy như núi (Tham), quẻ Ly hỏa tượng cho người có tính sân như lửa (Sân), quẻ Khảm Thủy tượng cho người có tính si như nước đổ dồn về chỗ thấp (Si), ba thói xấu đó sẽ dẫn con người đến chỗ ác tượng trưng bằng quẻ Tốn (tâm âm, nhục tâm, vọng tâm), (như thuyết Tam Độc của Phật Giáo). Nhưng nếu con người biết phát triển tâm từ bi như tình yêu của mẹ tượng bằng quẻ Khôn (Địa Mẫu -Từ bi), khiến tâm thanh tịnh an lạc tượng bằng quẻ Đoài (vui, Hỉ), lúc nào cũng sẵn lòng cảm thông tha thứ cho người, tượng bằng quẻ Càn (Xả) thì con người sẽ đạt được cõi phúc, tượng bằng quẻ Chấn (tâm dương, Chân tâm, Đạo tâm), (như thuyết Tứ vô lượng tâm của Phật giáo).

Độc thứ nhất là Tham, trên Trung Thiên Đồ tượng trưng bằng quẻ Cấn- Sơn, tức Luân Xa Đơn Điền Ngũ Hành Sơn.

Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra.” Và: “Một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức.” Đức Phật khuyên: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các ngươi.”

 

Xưa có một người quyết tâm học đạo, theo một vị thiền sư sống trong một cái cốc nhỏ, sống đạm bạc, quyết chí tu hành. Một ngày kia, có công việc, vị thiền sư phải đi xa, dặn đệ tử ở lại phải lo chăm chỉ tu hành, luôn luôn giữ lối sống đạm bạc và tâm hồn thanh tịnh. Người đệ tử này chỉ có một chiếc khố che thân. Đêm tới khi ngủ, máng khố trên vách, thường bị chuột chui ra cắn rách, phải xin bá tánh chút vải thừa thay khố nhiều lần.

Thấy vậy, thương người tu hành, người làng đến biếu thầy một con mèo để đuổi bầy chuột. Từ khi có mèo, chuột hết cắn phá khố của thầy nhưng thầy lại phải lo thức ăn thêm cho mèo. Một phú nông trong làng có lòng liền biếu thầy một con bò để thầy vắt sữa nuôi mèo. Có bò có sữa rồi, thầy lại phải lo nuôi bò. Dân làng có lòng tốt lại biếu thầy một đám ruộng màu mỡ để thầy canh tác, có cỏ nuôi bò. Chẳng mấy lúc, được mùa, cả bò lẫn mèo đều sinh sản thêm, thầy phải nhờ dân làng phụ lực cày cấy. Không bao lâu, chốn thanh tịnh xưa kia trở thành một nông trại rộng lớn giàu có.

Lúc ấy tiền bạc không thiếu, thầy mới có ý định phá bỏ chùa nghèo cũ, xây chùa mới. Bá tính mới nghe đã dốc lòng, ùn ùn góp công góp của cúng dường để lấy phước. Chẳng mấy chốc thầy đã xây dựng một ngôi chùa mới nguy nga tráng lệ, tường lớn, cửa cao, trong ngoài sơn son thếp vàng như chốn cung đình của Vua Chúa. Quá giàu, lại thêm đa đoan công việc, tính toán kinh doanh, đêm đêm thầy bù đầu với những con số thu chi, không còn dốc tâm cũng như không còn thời gian để tu học nữa. Thầy đã trở thành một nhà triệu phú, chỉ có bộ áo cà sa bên ngoài cho biết thầy là một tu sĩ.

 

Một ngày kia sư phụ trở về. Mới đến rẻo đất cũ, vị sư phụ đã thất kinh rụng rời, hồn phi phách lạc. Người đâu còn thấy túp lều cỏ đơn sơ ngày xưa lúc mình ra đi. Trước mặt đã là một ngôi đền tráng lệ, khách thập phương lui tới chiêm bái. Ngựa xe dầy đặc, ồn ào không kém gì chốn phồn hoa trần tục. Thấy sư phụ chống gậy, tay nải trở về, thầy hân hoan ra đón, cặn kẽ trình bày lại những chuyện đổi thay tuần tự theo thời gian, hy vọng được sư phụ khen ngợi, xiễn dương công đức của thầy.

 

Sư phụ nín lặng hồi lâu, rồi thở dài mà nói rằng:

 

- Từ một cái khố rách chuột cắn, con đã lầm đường đi một bước quá xa đến cái lâu đài này, ngược với những điều gì ta đã dạy con tu học nhằm để giải thoát và giúp người giải thoát. Chùa lớn nguy nga thì phải lo tu bổ coi sóc, tín đồ đông thì ồn ào, hỗn tạp, được phước thì thời giờ đâu nữa mà tu học?!

Chỉ vì một sự việc rất nhỏ mà đôi khi nó sẽ dấn đến những sự việc lớn bất ngờ mà chính bản thân ta cũng không ngờ tới. (Truyên cổ Phật Giáo)

 

Bài học cuộc sống cho chúng ta là  hãy biết dừng lại và cảm nhận, cảm nhận mục tiêu ban đầu và quãng đường ta đang đi, cảm nhận kết quả mà ta đã đạt… 

 

Độc thứ hai là Sân, trên Trung Thiên Đồ tượng bằng quẻ Ly - Hỏa tức Luân Xa Hỏa Xà.

Đức Phật cũng đã chỉ dạy: “Sự sân giận là ngọn lửa thiêu đốt hết cả mọi công đức!”.

"Cái hại của sân hận là phá hoại các pháp lành và cả danh thơm tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau người khác không thích thấy mặt người sân hận. Phải biết lòng sân hận còn hơn lửa dữ, thường phải đề phòng không cho nó xâm nhập. Giặc cướp công đức không gì hơn giận dữ" (kinh Di Giáo).

Sân hận như ngọn lửa, nếu không kiềm chế được thì càng lúc càng bừng cháy, con người mất lý trí trở nên thô lỗ cục cằn, thích bạo lực, họ muốn đập phá, hủy diệt đối tượng cho hả giận, dẫn đến tội ác, về sau đầu có muốn hối hận cũng không kịp.

Bài học dưới đây cho thấy hậu quả đau thương của sự giận dữ:

“800 năm về trước, trên đại thảo nguyên đã xuất hiện một đế quốc hùng mạnh, tương truyền miền đất rộng bát ngát khi đó, dùng ngựa loại tốt mà chạy từ đầu miền đông sang cuối miền tây cũng phải mất một năm. Bởi vì đế quốc này rộng lớn như biển, cho nên vị Đại Hãn kiến lập nên đế quốc này được gọi thành Thành Cát Tư Hãn, ý nói là “cũng giống như Vua Biển”

Đại Hãn rất yêu quý một con chim ưng, khi ra ngoài săn bắn ông luôn mang chim ưng theo cùng, chú chim ưng này khi Đại Hãn vừa ra mệnh lệnh liền bay vào không trung tìm kiếm con mồi, nếu như nhìn thấy mục tiêu nó liền nhanh như tên bắn sà xuống quắp đi. Khi chinh chiến, trong thiên không nó chỉ dẫn phương hướng của quân địch cho Đại Hãn.

Một ngày nọ, Đại Hãn và các tùy tùng thuộc hạ của ông đi săn, khi trên đường trở về, Đại Hãn lệnh cho các tùy tùng về trước, đợi khi mặt trời dần xuống, ông mới thuận theo một lối tắt mà trở về cung đình.

Đi được một hồi, do khí trời mùa hè nóng nực, Thành Cát Tư Hãn cảm thấy khát nước, muốn tìm nước uống, nhưng vì sức nóng của mặt trời đã khiến các khe suối liền mấy tháng trời đều khô cạn. Song ông biết ở phía trước có một dòng suối nhỏ chảy mãi không bao giờ cạn.

Ông dựa vào trí nhớ, đi tìm rất lâu sau đó, cuối cùng đã tìm được dòng nước. Tuy nhiên, dòng nước nhỏ mỹ lệ bây giờ chảy nhỏ giọt từng giọt nhỏ, rất lâu mới tụ thành một giọt nước nhỏ xuống. Đại Hãn lấy một chén rượu từ trong túi ra, dùng chén rượu từ từ hứng dòng nước. Mất một đoạn thời gian thật lâu nước mới chảy đầy chén, cơn khát của Thành Cát Tư Hãn cơ hồ không đợi thêm được nữa, không dễ gì đợi cho nước chảy đầy chén. Ngay khi ông vừa muốn đưa chén nước nên môi thì đột nhiên trong không trung đưa đến dồn dập vù vù tiếng gió, con chim ưng yêu quý của Đại Hãn bay xông tới hất cái chén từ trong tay ông tuột rơi xuống đất, nước đổ hết ra ngoài.

Thành Cát Tư Hãn hớt hải kinh ngạc, con chim ưng chuyển mình bay quay lại rất nhanh, sau đó nó đậu trên hòn đá bên dòng nước, ông không hiểu con chim ưng đang làm cái gì.

Thành Cát Tư Hãn lại nhặt cái chén lên để hứng nước, lần này ông không muốn đợi quá lâu, nước vừa mới đầy một nửa chén ông đã nhấc chén lên, đưa gần lên môi chuẩn bị uống, liền ngay khi đó, chim ưng lại lao tới tấn công làm cái chén đổ lật ngược. Lần này Thành Cát Tư Hãn đã thật sự nổi giận, ông trừng mắt nhìn chim ưng và nói: “lần này là lần cuối cùng đấy, một lần nữa là mày sẽ phải trả giá cho những gì mày đã làm đấy!”

Lại thêm một lần nữa, con chim ưng kia vẫn cứ xông đến hất đổ cái chén nằm lộn ngược. Một tiếng “Xoát!”, Thành Cát Tư Hãn rút cây kiếm vàng ra, chém đứt đầu con chim ưng rơi xuống rồi lạnh lùng nói: “Đấy là mày tự làm tự chịu nhận lấy!”

Lần này Đại Hãn không muốn đợi thêm nữa, ông liền leo lên tảng đá, muốn trực tiếp tìm tới đầu nguồn uống cho bõ cơn khát, đúng lúc ông trèo lên tới đỉnh núi tìm thấy vũng nước nhỏ đầu nguồn. Mới vô cùng kinh ngạc, ngay giữa vũng nước đó nằm ngang nhiên xác một con rắn lớn cực độc, độc dịch đang chảy hòa vào dòng nước trong suốt.

Thành Cát Tư Hãn chợt hiểu thông tất cả mọi thứ, hóa ra chim ưng là vì để cứu ông, mới hết lần này đến lần khác khua đổ chén nước. Ông hối hận vô cùng leo trở lại tảng đá, đau lòng bưng xác chim ưng lên thương tiếc, liền nói với chính mình: “hôm nay ta đã học được một điều, đó là: Đừng làm bất cứ điều gì khi giận dữ”.(theo Đại Kỷ Nguyên)

Thành Cát Tư Hãn

 

Độc thứ ba là Si.

Si thường đi với mê, si mê, si dại. Si là trạng thái tâm hồn bị đối tượng cuốn hút như là mất hồn, con người như ngây như dại, lý trí không can thiệp được. Qua thơ Đinh Hùng ta thấy hình ảnh của một người khi đã  trót si mê đối tượng thì họ đắm đuối, mù quáng, căn tính không còn, con đường dẫn họ đi đầy hố sâu vực thẳm:

Những buổi đó, ta nhìn em kinh ngạc, 
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly, 
Ôi mắt xa khơi! Ôi mắt dị kỳ! 
Ta trông đó thấy trời ta mơ ước. 
Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước,
Cả con đường sao mọc lúc ta đi, 
Cả chiều sương mây phủ lối ta về, 
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ. 

Ta run sợ, cho yêu là mệnh số, 
Mặc tay em định hộ kiếp ngày sau. 
Vì người em có bao phép nhiệm mầu, 
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc. 
Ta đặt em lên ngai thờ Nữ Sắc, 
Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da. 
Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa, 
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết. 
Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết, 
Gợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân. 
Ta gần em, mê từng ngón bàn chân, 
Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão. 
Khi sùng bái, ta quỳ nâng nếp áo, 
Nhưng cúi đầu trước vẻ ngọc trang nghiêm. 
Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm,

 
Khi si mê sắc dục rồi con người cũng chẳng còn kể chi đến tính mạng:

Ta sẽ chết! Sẽ vì em mà chết! 
                         (Đinh Hùng – Kỳ nữ)

Câu Tiển bại trận, nô lệ Phù Sai, chịu nhiều khổ nhục để giữ nước. Khi được tha về, Câu Tiển lo chuẩn bị binh lương chờ ngày phục hận, đồng thời dâng Tây Thi cho Phù Sai, để mê hoặc Phù Sai. Trúng kế, Phù Sai mất nước, mất mạng chỉ vì si mê sắc dục.

Tây Thi là con một người kiếm củi ở núi Trữ La. Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, vậy nên gọi là Tây Thi. Trịnh Đán cũng ở Tây thôn, láng giềng với Tây Thi. Nhà lại gần sông, má hồng mặt hoa, ánh rọi vào nhau chẳng khác gì hai đóa phù dung trên mặt nhánh. Câu Tiễn sai Phạm Lãi đem một trăm nén vàng đến đón về, cho mặc đồ the lụa, ngồi xe có màn phủ.

 

Tây Thi

Người trong nước nghe tiếng mỹ nữ, ai cũng muống xem mặt tranh nhau ra ngoài cõi để đón, đường xá chật ních. Phạm Lãi để Tây Thi và Trịnh Đán ở quán xá rồi truyền dụ rằng ai muốn xem mặt mỹ nữ, phải nộp một đồng tiền. Chỉ trong một lúc mà tiền bỏ đầy quĩ. Hai mỹ nữ trèo lên trên lầu, đứng tựa vào bao lan, ở dưới trông lên, khác nào tiên nữ đứng trên không. Tây Thi và Trịnh Đán ở lại ngoài thành ba ngày, tiền thu được không biết bao nhiêu mà kể, đều nộp vào kho cả. Câu Tiễn cho hai mỹ nữ ở riêng tại Thổ Thành, rồi sai một nhạc sư già dạy cho hát múa, khi nào thành nghề, sẽ đem sang tiến Phù Sai.

Bấy giờ vua Việt là Câu Tiễn luyện tập mỹ nữ học múa hát trong ba năm, đã được điêu luyện, liền cho đeo hạt trai, ngồi xe ngọc, hương thơm ngào ngạt, có một bọn thị nữ rất đẹp theo hầu, rồi sai quan tướng quốc là Phạm Lãi đem sang nước Ngô tiến Phù Sai. Khi Phù Sai ở nước Tề về Ngô, Phạm Lãi vào yết kiến, sụp lạy mà tâu rằng:
- Kẻ bề tôi hèn ở Đông Hải là Câu Tiễn, cảm ơn Đại Vương, không thể cùng thê thiếp đến hầu hạ ở bên cạnh được, vậy có tìm khắp trong nước, được hai người khéo nghề múa hát, sai chúng tôi đem nộp vương cung, để giữ việc quét rửa.
Phù Sai trông thấy, cho là thần tiên mới giáng hạ, hồn phách mê mẩn. Ngũ Viên can rằng:

- Tôi nghe nói nhà Hạ mất vì nàng Muội Hỉ, nhà Ân mất vì nàng Đắt Kỷ, nhà Chu mất vì nàng Bao Tự. Mỹ nữ là một vật làm cho mất nước, chúa công chớ nên nhận.

Phù Sai nói:

- Người ta ai chẳng có lòng hiếu sắc. Câu Tiễn tìm được mỹ nữ mà chịu đem tiến ta, điều đó chứng tỏ Câu Tiễn một lòng trung thành với ta, quan tướng quốc chớ nghi.

Rồi không nghe lời Ngũ Viên, Phù Sai nhận lễ cống của nước Việt. Hai người mỹ nhân đều tuyệt sắc. Phù Sai yêu cả hai, nhưng đẹp lộng lẫy và khéo nũng nịu thì Tây Thi có phần hơn, bởi vậy Tây Thi được ở đài Cô Tô với Phù Sai, mỗi khi đi chơi đâu thì nghi vệ chẳng khác gì phi hậu. Trịnh Đán ở Ngô cung, ghen với Tây Thi, uất ức không nói ra được, hơn một năm thì chết. Phù Sai thương lắm, đem chôn ở núi Hoàng Mao và lập đền thờ cúng.

Phù Sai yêu Tây Thi, sai Vương Tôn Hùng lập ra cung Quán Khuê ở núi Linh Nham, trang sức toàn bằng châu ngọc để làm chỗ cho Tây Thi ra chơi. Ở đấy có lập ra Hưởng Điệp lang. Tại sao lại gọi là Hưởng Điệp ? Điệp là chiếc guốc. Nguyên là người ta đào hầm ở dưới đất chỗ hành lang, đặt ở đấy  rất nhiều chum, bên trên lát ván, để cho Tây Thi và cung nhân đi guốc lượn ở đấy, tiếng kêu leng keng, cho nên gọi là hưởng điệp. Trên núi có hồ Ngoạn Hoa, ao Ngoạn Nguyệt. Lại có giếng gọi là giếng Ngô Vương, nước trong suốt, Tây Thi thường đứng ở trên mà soi mặt, Phù Sai đứng ở bên cạnh, sẽ lấy tay vuốt tóc cho Tây Thi. Lại có động gọi là động Tây Thi, Phù Sai và Tây Thi cùng ngồi ở đấy, đá ở ngoài cửa động có nhiều chỗ sụt, nay người ta gọi là vết chân Tây Thi. Trên núi lại có Cầm Đài, Phù Sai thường cùng với Tây Thi gảy đàn ở đấy. Phù Sai lại sai người trồng hoa ở Hương Sơn, để Tây Thi và cung nhân chở thuyền đi hái hoa. Nay vẫn còn một dải nước ở phía nam núi Linh Nham, đó tức là chỗ Tây Thi hái hoa ngày xưa. Lại có Thái Liên hình ở phía đông nam thành đô, đó là chỗ Phù Sai cùng Tây Thi hái sen. Phù Sai lại bắt đào một con sông nhỏ ở trong thành, từ nam sang bắc, rồi làm cái buồm gấm để đi chơi thuyền, gọi là Cẩm Phàm hình. Phía nam đô thành có Trường Châu uyển, để làm nơi săn bắn. Lại có Ngư Thành để nuôi cá, Áp Thành để nuôi vịt, Kê Bi để nuôi gà, Tửu Thành để nấu rượu. Lại thường cùng với Tây Thi ra nghỉ mát tại Nam Loan ở Tây động đình, đó là một cái vịnh độ hơn mười dặm, ba mặt đều là núi, chỉ có mặt nam trông như cửa khuyết. Phù Sai cho chỗ ấy là một nơi có thể qua mùa hè được, mới đặt tên là Tiên Hạ Loan.

Phù Sai từ khi được Tây Thi, cứ ở luôn luôn trên Cô Tô đài, bốn mùa vui chơi, rượu chè đàn địch, chẳng thiết đến việc gì cả. Chỉ có quan thái tể là Bá Hi và Vương Tôn Hùng thường hay hầu ở bên cạnh. Mỗi khi Ngũ Viên xin yết kiến, Phù Sai vẫn từ chối không cho vào. Về sau còn buộc Ngũ Viên tự sát.

Khi đã đủ điều kiện và thời cơ chín mùi Câu Tiển cất quân chiếm nước Ngô, Phù Sai xin hàng nhưng Câu Tiển không chấp thuận, Phù Sai phải tự cắt cổ.

Phù Sai phải lâm vào cuộc thảm sát bi thảm chung quy cũng chỉ vì si mê Tây Thi bỏ bê việc nước nên phải nhận quả báo đắng cay như vậy.

 

 

 

Càn Thiên= XẢ

 

 


 

                Đoài/ Trạch= HỈ                        Khôn/Địa= TỪ BI

                                                                                         Chấn/Lôi=

Tốn/Phong=                                                                      ĐẠO TÂM       

NHỤC TÂM

                Khảm/ Thủy= SI                      Cấn/Sơn=THAM

 

 

                                            

 

 Ly/Hỏa= SÂN

 

 Đồ hình TRUNG THIÊN ĐỒ VÀ TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

 

Để đối trị và hóa giải tam độc nhà Phật đề ra pháp Tứ vô lượng tâm. Tứ vô lượng tâm là 4 tâm vô lượng, vô lượng là không gì có thể đo lường được, không hạn mức. không phân biệt.

Bốn tâm đó là Từ Bi Hỉ Xả.

Từ  là lòng nhân ái, Bi là biết thông cảm, chia xẻ nỗi đau của người khác, của đồng loại và rộng ra là của muôn loài. Đó chính là tình thương yêu bao dung của người mẹ, đem tấm lòng của người mẹ đối xử cứu độ muôn loài là tỏa ra một tình thương rộng khắp không bị hạn chế vì tham lam, sân hận, si dại mê lầm. Trung Thiên Đồ ký hiệu bằng quẻ Khôn, tượng cho mẹ, là luân xa Địa Mẫu.

Hỉ là vui, vui với cái vui của người khác, không tranh chấp, không chèn ép, muốn hảm hại người khác để chiếm lợi ích cho mình, sẵn sàng tha thứ trước những mê lầm của người, lúc nào cũng mong muốn có sự an lạc, hạnh phúc cho mọi người. Trung Thiên Đồ ký hiệu bằng quẻ Đoài, đoài là vui, là hỉ.

Xả, là buông bỏ, không chấp, vượt lên tất cả, không thiên vị, không phân biệt, xem mọi đối tượng đều bình đẳng, còn mở rộng tâm hồn liên thông với vũ trụ đạt đến trí huệ siêu đẳng hiểu biết mọi sự, mọi việc trong đời nên không bị ràng buộc với bất cứ tình huống nào. Trung Thiên Đồ ký hiệu bằng quẻ Càn/ Thiên, luân xa Thiên Môn có thể mở ra để giao hòa với vũ trụ.

Muốn diệt tam độc nhất thiết phải phát huy tứ vô lượng tâm, nhưng thật ra rất khó vì mấy ai có thể đạt đến tâm không giới hạn, họa chăng chỉ có Đức Phật, các vị Bồ Tát, các vị đạt đạo, người thường phải luôn luôn cố gắng để đạt mức độ nào hay mức độ đó. Nhưng dẫu sao đối với tam độc tham, sân, si người có thiện tâm vẫn chế ngự được.

 

 

 

 

                                                                             Nguyễn Thiếu Dũng

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/11/2016(Xem: 12011)
Mục đích của giải thưởng là khuyến khích việc sáng tác cá nhân, xuất phát từ nguồn cảm xúc đối với các hiện tượng thiên nhiên và đời sống xã hội, được miêu tả, bằng nhận thức, lý giải và thái độ sống động qua những lời dạy của Đức Phật. Bài tham dự có thể trình bày dưới nhiều hình thức như tác phẩm nghệ thuật, truyện ký, truyện ngắn, tạp bút, thơ… Người viết hoàn toàn tự do chọn đề tài, miễn có liên quan đến tư tưởng Đạo Phật và nội dung có thể chuyển tải được giáo lý thâm sâu, vi diệu mà rất gần gũi, giản dị của đức Phật trong đời sống hàng ngày.
19/10/2016(Xem: 16321)
Tại phiên bế mạc Đại hội Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) lần thứ 26 tại Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ vừa diễn ra, em Nguyễn Thị Thu Trang học sinh lớp 9B trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Nam Sách, Hải Dương (năm học 2015-2016) đã đọc bức thư hay nhất thế giới do em viết trước đại diện 190 quốc gia.
07/10/2016(Xem: 11298)
Vào Thu đọc thơ Nguyễn Du: Hai bài thơ mang tên Thăng Long của Nguyễn Du Một phần nghiên cứu dịch văn bản thơ chữ Hán Nguyễn Du qua bài Thăng Long 昇龍 [1] Tản mạn nhận diện Quốc hiệu Việt Nam trong ý thơ của bài thơ Thăng Long Khái niệm lịch sử của Thăng Long Thăng Long, là kinh thành - kinh đô của đất nước Đại Việt, từ vương triều Lý , (gọi là nhà Lý hoặc Lý triều, 1009-1225) cho đến triều đại nhà Lê Trung Hưng (1533-1789), tổng cộng 564 năm[2]. Thăng Long cũng được hiểu và được biết đến trong lịch sử vốn là địa danh tên cũ của Hà Nội hiện nay. Thăng Long nghĩa là “rồng bay lên” theo nghĩa Hán-Việt, hay 昇隆[4] nghĩa là “thịnh vượng”. Từ Thăng Long: “昇隆” là từ đồng âm với tên “昇龍: Thăng Long”, nhưng mang nghĩa khác với “昇龍”.
27/09/2016(Xem: 7481)
Không bíết từ bao giờ những chú chim đã quây quần về đây càng ngày càng đông, nhảy nhót ca vang trên cành cây bên cạnh nhà mỗi ngày khi mặt trời chưa ló dạng. Nằm nướng vào những ngày cuối tuần, hay những hôm trời mưa rỉ rã, lúc trời đất giao mùa nghe chúng riú rít gọi nhau đi tìm mồi mình cũng thấy vui vui.
22/09/2016(Xem: 20247)
Đã có nhiều người nói và viết về nhạc sĩ Hằng Vang . Phần nhiều là những bài viết trong sáng, chân thực. Thiết tưởng không cần bàn cãi, bổ khuyết . Viết về anh, nhạc sĩ Hằng Vang, tôi chỉ muốn phác một tiền đề tổng hợp cốt tủy tinh hoa tư tưởng, sự nghiệp sáng tác của anh ; rằng : Anh là một nhạc sĩ viết rất nhiều ca khúc cho nền âm nhạc Phật Giáo Việt Nam, anh là một thành phần chủ đạo trong dòng chảy âm nhạc nầy ngay từ khi khởi nghiệp sáng tác thời phong trào chấn hưng Phật giáo, xuyên suốt qua nhiều biến động lịch sử trọng đại của PGVN cho đến tận bây giờ, anh vẫn miệt mài, bền bĩ cảm xúc, sáng tạo trong dòng chảy suối nguồn từ bi trí tuệ đạo Phật.
29/08/2016(Xem: 4384)
Cứ thế, một ngày vụt qua, lững thững ra đi không lời ước hẹn, cứ vậy, mịt mùng trao đổi, thân phận dòng đời, chờ chực vây quanh, chạy quanh lối mộng. Chiều xuống, nỗi buồn miên man gởi bay theo gió, trên kia cơn nắng chói chang của mùa hạ còn vương lại đâu đây, lặng nhìn núi đồi hoa lá, từng ấy trong lòng, một cõi mù khơi. Những giọt mồ hôi uể oải, từng nỗi đớn đau lũ lượt đọng lại, từng cơn hiu hắt thấm vào hồn, bây giờ trở thành những đơm bông kết nụ, những đắng cay ngọt bùi. Đâu đó, một chút hương lạ, làn gió bất chợt nhẹ lay, điểm tô không gian lắng đọng phiêu bồng, những thinh âm cao vút tận trời không, những hằng sa bất tuyệt chốn không cùng.
21/08/2016(Xem: 4126)
So sánh cách đọc Hán Việt (HV) với các cách đọc từ vận thư ("chính thống") của Trung Quốc (TQ) cho ta nhiều kết quả thú vị. Có những trường hợp khác biệt đã xẩy ra và có thể do nhiều động lực khác nhau. Chính những khác biệt này là dữ kiện cần thiết để xem lại hệ thống ngữ âm Hán Việt và tiếng Việt để thêm phần chính xác. Bài viết nhỏ này chú trọng đến cách đọc tên nhà sư nổi tiếng của TQ, Huyền1 Trang (khoảng 602–664, viết tắt trong bài này là HT) 玄奘 hay Tam Tạng, có ảnh hưởng không nhỏ cho Phật Giáo TQ, Việt Nam, Nhật và Hàn Quốc. Sư HT đã dịch nhiều bộ kinh và luận Phật giáo từ tiếng Phạn qua tiếng Hán, đưa Phật giáo gần đến nguồn Ấn Độ nguyên thủy hơn so với nhiều kinh dịch sai sót nhưng rất phổ thông vào thời trước (và cho đến ngay cả bây giờ).
13/08/2016(Xem: 3571)
Đức Phật đã dạy: " Mọi chuyện đều khởi đi từ duyên; duyên còn còn hiện hữu, duyên tan mọi sự trở về với trống không." Thật vậy, tôi chưa từng quen biết với các anh em trong " Hội Xây Dựng Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg", vậy mà mới lần đầu gặp gỡ khi các anh kéo nhau về ở München, tôi đã bị lôi cuốn bởi vẻ linh hoạt của anh Huấn, dáng điệu khoan thai, trầm tĩnh đầy chất Huế của anh Phù Vân, sự hăng say nồng nhiệt của anh Dũng, lời lẽ hài hước của anh Thoảng và dáng vẻ hiền từ dễ thương của chú Dũng Scirocco. Như vậy tôi phải có duyên lành với các anh nên mới nhận lời nối tiếp công việc các anh đang làm từ phút giây gặp gỡ ban đầu. Hơn nữa, đây là một nghĩa cử cao đẹp đầy ý nghĩa và cũng là dịp để Cộng đồng Việt Nam tỏ lòng biết ơn con tàu CAP ANAMUR, biết ơn nhân dân Đức đã cưu mang chúng tôi; vì vậy tôi đã hăng hái bắt tay vào việc với
31/05/2016(Xem: 13169)
Chữ NHƯ được thông dụng rất phổ biến trong văn chương và lời nói thường nghiệm của các dân tộc trên thế giới và trong Phật Giáo . Trong văn chương, chữ Như được thấy ở một số trường hợp : Xác định, phủ định, tương tợ, không thực…(như ảo, như hóa) đối với các vật thể hiện thực. Lãnh vực văn chương ở lời nói và viết thành văn, thơ. Ta thường nghe dân Việt nói và viết lời xác định về chữ như : Trắng như tuyết, cứng như đá, mềm như bún, nóng như lửa đốt, lạnh như băng giá, lạnh như đồng, xưa như trái đất, xưa như Diễm, chua như chanh, nắng như lửa đổ, mặn như muối, lạc (nhạt) như nước lã, tối như đêm ba mươi, đen như mực tàu, ốm như ma trơi, bén như gươm, cao như bầu trời, rộng như biển cả, ốm như cây sậy, nhanh như chớp, lẹ như sóc, dữ như cọp, ngu như bò, ngang như cua, v.v…
24/05/2016(Xem: 3066)
Xin chào. Xin chào Việt Nam! Thank you. Thank you so much. Xin cám ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho tôi sự chào đón nồng ấm và cho tôi hưởng lòng hiếu khách của người Việt trong chuyến thăm này. Và cũng xin cảm ơn các bạn Việt Nam có mặt ở đây ngày hôm nay, những người đến từ khắp nơi trên đất nước tuyệt vời này, trong đó có rất nhiều người trẻ đại diện cho sự năng động, tài năng và niềm hy vọng của Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]