Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang? Hiện tượng đồng hóa âm thanh (phần 2)

21/08/201611:31(Xem: 4104)
Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang? Hiện tượng đồng hóa âm thanh (phần 2)


dl-chuyentrang-1b
Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang?
Hiện tượng đồng hóa âm thanh (phần 2)

Nguyễn Cung Thông

[email protected]

 

So sánh cách đọc Hán Việt (HV) với các cách đọc từ vận thư ("chính thống") của Trung Quốc (TQ) cho ta nhiều kết quả thú vị. Có những trường hợp khác biệt đã xẩy ra và có thể do nhiều động lực khác nhau. Chính những khác biệt này là dữ kiện cần thiết để xem lại hệ thống ngữ âm Hán Việt và tiếng Việt để thêm phần chính xác. Bài viết nhỏ này chú trọng đến cách đọc tên nhà sư nổi tiếng của TQ, Huyền1 Trang (khoảng 602–664, viết tắt trong bài này là HT) 玄奘 hay Tam Tạng, có ảnh hưởng không nhỏ cho Phật Giáo TQ, Việt Nam, Nhật và Hàn Quốc. Sư HT đã dịch nhiều bộ kinh và luận Phật giáo từ tiếng Phạn qua tiếng Hán, đưa Phật giáo gần đến nguồn Ấn Độ nguyên thủy hơn so với nhiều kinh dịch sai sót nhưng rất phổ thông vào thời trước (và cho đến ngay cả bây giờ).

Các chữ viết tắt trong bài này là BK (Bắc Kinh), TVGT Thuyết Văn Giải Tự (khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận Kinh (VK/1161), VBL (từ điển Việt Bồ La, Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum, Alexandre de Rhodes/1651), td. (thí dụ), sđd (sách đã dẫn). Chỉ số sau một âm tiết là chỉ thanh điệu, không nên nhầm với số phụ chú ghi theo thứ tự trong bài, dấu  > (hàm ý biến ra/trở thành).

1. Lấn cấn trong cách đọc Huyền Trang qua chữ quốc ngữ

Theo một bài viết2 của Đại Đức TS Thích Giác Hoàng (viết tắt là TGH) thì có vấn đề về cách đọc "Tuy nhiên, gần đây có một vài vị (Thầy Tuệ Sĩ, Sư Giác Nguyên và một số vị nghiên cứu văn học Trung Quốc) phiên âm tên của vị Pháp Sư lâu nay đã quen là Huyền Trang thành Huyền Tráng, làm cho một vài vị hơi bỡ ngỡ không biết đó có phải là đánh máy nhầm không ?".

Vấn đề đọc cho chính xác/dễ hiểu và được công nhận danh từ nước ngoài (như trường hợp HT chẳng hạn) không đơn giản, nhất là khi hai nền văn hóa TQ và VN đã ở bên cạnh bao ngàn năm nay. Có nhiều từ gốc phương Nam đã nằm trong vốn từ Hán từ ngàn năm trước, và ngược lại có những từ gốc Hán đã biến đổi nhiều đến nỗi được dùng như một từ thuần Việt mà ít người nhận ra!

1.1 Đào Duy Anh

Học giả Đào Duy Anh đọc chữ 奘 là tráng ("mạnh mẽ - thịnh vượng" trang 475, Hán Việt Tự Điển), nhưng trong mục huyền, cụ lại đọc là Trang ("Huyền trang tam tạng" trang 398, Hán Việt Tự Điển). Cuốn sách này in vào năm 1931 (theo "Đề Từ" ở phần đầu, ngày viết là 1/3/1931, Huế).

1.2 Thiều Chửu

Học giả Thiều Chửu đọc chữ 奘 là trang, và ghi rõ "1. To lớn  2. Tên người, đời Đường có ngài Huyền-trang pháp-sư" (trang 124, Hán Việt Tự Điển). Cuốn này xuất bản vào năm 1942 (Hà Nội).

1.3 Petit Lexique chinois-annamite-francais (Tây Dương, Hà Nội - 1932)

Tác giả đọc chữ  奘 là tảng "Khỏe và lớn - Fort et grand"

1.4 Gustave Hue

Học giả Gustave Hue đọc chữ 奘 là tảng và ghi rất rõ "1. Grand et fort.  2. Nom propre: Huyền Tảng: celèbre bonze chinois qui visita les Indes" (“2. Tên riêng: Huyền Tảng - nhà sư TQ nổi tiếng đã từng qua Ấn Độ” - trích trang 874, "Dictionnaire vietnamien - chinois - francais"). Cuốn tự điển Việt Hoa Pháp3 này xuất bản vào năm 1937 - Imprimerie Trung Hòa.

Đấy là vào khoảng thập niên 1930, tuy nhiên trước đó hơn 30 năm, vào cuối thế kỷ XIX, ta lại thấy học giả Génibrel đọc chữ 奘 là tảng

  trang 726 – Génibrel

Trích từ "Dictionnaire annamite -francais" - tác giả J. F. M. Génibrel, xuất bản ở Sài Gòn (1898)

 

Các văn bản cho thấy chữ  奘 đã từng đọc là tráng, tảng và cách dùng Huyền Trang có khả năng rất cao là hiện tượng xẩy ra từ đầu thế kỷ XX cho đến nay thì trở thành phổ thông.

2. Các cách đọc chữ từ tài liệu tiếng Hán   

Chữ trang  奘  hay  弉 (thanh mẫu tùng/tòng 從 vận mẫu đàng/đường 唐 thượng/khứ thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

徂朗切 tồ lãng thiết (TVGT, QV)

徂浪切 tồ lãng thiết (QV)

才朗切 tài lãng thiết (TV)

在黨切,藏上聲 tại đảng thiết, tàng thượng thanh (CV, TViB)

才浪切,音葬 tài lãng thiết, âm táng (TV, VH, CV)

祖朗祖浪二反 tổ lãng tổ lãng nhị phản (LKTG)

徂朗翻 tồ lãng phiên (BH 佩觿)

昨朗切 tạc lãng thiết (NT, TTTH)

側亮切 trắc lượng thiết (TV)

才朗乀 tài lãng phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 藏 臧 臟 奘 (tàng tang tạng trang) - CV ghi thượng thanh và khứ thanh

昨朗切,藏上聲tạc lãng thiết, tàng thượng thanh (TVi, CTT)

...v.v...

Giọng BK bây giờ là zàng zhuǎng so với giọng Quảng Đông zong1 zong6 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] zong5 [台湾四县腔] zong5 [客英字典] zong5 [宝安腔] zong1 [客语拼音字汇] zong1 [海陆丰腔] zong5 潮州话:zang3(tsàng) zuang1(tsuang), giọng Mân Nam/Đài Loan chong7, tiếng Nhật jou sou zou và tiếng Hàn cang.

Đoàn Ngọc Tài (1735-1815) trong Thuyết Văn Giải Tự Chú ghi nhận

奘與壯音同  trang dữ tráng âm đồng

Bộ đại của chữ trang 奘 có thể viết bên phải (dưới chữ sĩ) và thêm một nét (chữ khuyển - xem Tập Vận - chữ này rất hiếm) với nghĩa tiêu cực "vọng cường khuyển", có cách đọc là 側羊切  trắc dương thiết  (TV) - bình thanh. Đây là vết tích xưa nhất cho thấy khả năng đọc là trang (bình thanh) của tráng trong TV (1037/1067), đây cũng là cách đọc của chữ trang bộ thảo 莊 (trong cách dùng trang nghiêm, trang trọng, khang trang ...).

3. Tại sao lại có các khả năng đọc khác nhau của trang?

Từ bảng liệt kê các cách đọc/phiên thiết bên trên, ta thấy ngay Huyền Tảng và Huyền Tráng là gần với âm nguyên thủy hơn (thượng/khứ thanh). Hai chữ trang bộ đại (trong Huyền Trang) và trang bộ thảo (trong trang trọng) đều dựa vào thanh phù tráng 壯 (mạnh mẽ, trong cường tráng). Một âm cổ phục nguyên (reconstructed sound) của trang bộ đại 奘 là *dzaŋ, giải thích tại sao tiếng Việt dùng phụ âm đầu *tr (phụ âm đầu lưỡi/quặt) so với phụ âm đầu t- (đầu lưỡi/vô thanh/bật).

Tiếng Trung (Quốc) hiện nay vẫn còn vết tích hai loại phụ âm này qua cách đọc BK (theo pinyin) zàng zhuǎng. Nguyên nhân của các cách đọc khác nhau trong tiếng Việt có thể là

3.1 Đọc sai

Đọc chệch tên người nước ngoài trong tiếng Việt hầu như là một kết quả tự nhiên, tuy nhiên cần phải xác định khi nào sự khác biệt là sai hay đúng và dựa trên tiêu chuẩn nào. Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian (lịch đại - td. âm thượng cổ và trung cổ) và không gian (đồng đại - td. phương ngữ), thể hiện qua các bảng liệt kê cách đọc của chữ trang (tráng, tảng, táng, tãng ...) và thổ (đỗ, đổ, đồ ...). Khả năng thay đổi đa chiều một cách sống động là một đặc trưng của ngôn ngữ con người, phản ánh qua các bảng liệt kê cách đọc trong bài viết này.

3.2 Ảnh hưởng của phạm trù nghĩa

Tên tiếng Việt thường dựa vào chữ Hán (âm HV) và có vẻ thâm trầm/"bác học" như Hoa, Dũng, Đạt, Hiền ... So với các tên khác như Đen, Bông, Cu … Nên Tráng có thể cho ta liên tưởng đến các ý tích cực như trang (trang trọng) hay trang (trang hoàng), đặc biệt khi là tên của một vị cao tăng nổi tiếng trong lịch sử hình thành Phật giáo ở Á Châu. Tuy nhiên, không thấy văn bản nào ghi trang bộ đại bằng những chữ trang khác dựa vào bộ thảo (trang trọng), bộ y (trang hoàng) ...v.v...

3.3 Ảnh hưởng của thanh phù tráng/trang

Tráng 壯 có thể là tên riêng, như nhà cách mạng Đinh Công Tráng 丁公壯 (1842 - 1887), là thành phần hài thanh trong chữ 奘, theo TVGT

 

駔大也。从从壯,壯亦聲  tảng đại dã, tòng đại tòng tráng, tráng diệc thanh

(tảng 駔 là ngựa khỏe mạnh/tuấn mã, chữ 亣 là chữ đại 大 cổ)

Vấn đề trở nên thú vị hơn khi hai âm gần nhau là tảng/táng và tráng đều có chung nghĩa, như Phương Ngôn từng ghi nhận

秦晋之,凡人之大谓之奘,谓之壮 Tần Tấn chi gian, phàm nhân chi đại vị chi trang, hoặc vị chi tráng

Thời VBL (1651), táng chỉ một khối lớn (tảng) như táng chì, táng cột (VBL/trang 723) - so với tảng 磉 là đá kê chân cột - đều hàm ý to lớn. ngoài ra tương quan của sảng/tảng 顙 và trán (tiếng Việt) cũng đáng truy nguyên thêm, nhưng không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này.

3.4 Khả năng kỵ húy

Trong lúc bàn về bài viết này, một anh bạn có nhắc đến khả năng kỵ húy: tuy nhiên, người viết vẫn chưa tìm thấy một tài liệu nào cho thấy cách đọc Huyền Trang là tránh tên của một vị cao tăng hay tên vị hoàng tộc nào. Xác suất kỵ húy của tên người nước ngoài trong tiếng Việt lại càng thấp hơn bình thường.

3.5 Khuynh hướng đồng hóa âm thanh

Một cách giải thích cách đọc Huyền Trang là khuynh hướng đồng hóa âm thanh phổ thông trong ngôn ngữ con người, hay trong trường hợp bài này là đồng hóa thanh điệu (tone assimilation): Tráng/Tảng trở thàng Trang (không dấu, thanh ngang) cùng âm điệu hay vần bằng với Huyền (dấu huyền). Đây không phải là một thí dụ duy nhất trong tiếng Việt, ta thấy có các cách dùng như

 

Tiếng Việt

Cá *đuôi > cá đuối (cá có đặc điểm là đuôi dài ...)

Nước *miệng > nước miếng4

...v.v...

Hán Việt

Chúng cư > chung cư (trong cách dùng quần chúng, dân chúng, chúng sinh ...)

Xa5 cừ > xà cừ

Kí Hòa > Kì Hòa

Câu kết > cấu kết

Điền kính > điền kinh

Câu đáng > câu đang/đương

Điền kính > điền kinh

Khiếu nại > kêu nài

Huyền Tảng/Tráng > Huyền Trang

...v.v...

4.  Một hệ luận của khuynh hướng đồng hóa thanh điệu

Dựa vào khuynh hướng đồng hóa thanh điệu, ta có cơ sở để giải thích một thuật ngữ trong Phật giáo, đó là cách gọi Tịnh Độ (Tịnh Độ tông).  Tông Tịnh Độ là một trường phái rất phổ thông của Phật giáo ở Á Châu. Tịnh 淨 khứ thanh nên thổ 土 cũng theo khuynh hướng "đồng hóa âm thanh" (đồng hóa thanh điệu trong các trường hợp này) để đọc thành độ (thay vì đỗ, đổ, đồ). Tịnh Độ đã từng đọc là Tịnh Thổ

- Đào Duy Anh (trang 290, sđd)

- Gustave Hue (trang 914, sđd), tác giả ghi thêm “Tịnh độ = Tịnh thổ”

Bây giờ thì ta thường thấy/nghe cách dùng Tịnh Độ hơn. Xem lại cách đọc chữ thổ 土 (thanh mẫu thấu 透 hay định 定, vận mẫu mô 模 thượng thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

它魯切 tha lỗ thiết (TVGT)

他戶達戶二切 tha hộ đạt hộ nhị thiết (NT, TTTH)

他魯切 tha lỗ thiết (ĐV, QV, CV) - QV/TV ghi thượng thanh (B)

統五切, 吐上聲 thống ngũ thiết, thổ thượng thanh (TV, LT, VH)

他古反 tha cổ phản (NKVT 五經文字, TNTTĐTA 精嚴新集大藏音))

徒古切 đồ cổ thiết (QV, CV, TVi) - TVi ghi âm đỗ 音杜 (C)

動五切,音杜 động ngũ thiết, âm đỗ (TV, LT, VH)

董五切,音覩 đổng ngũ thiết, âm đổ (TV, VH, CV, TVi) (A)

丑下切,音姹 sửu hạ thiết, âm sá (TV, LT)

TNAV ghi cùng vần 魚模 ngư mô (thượng thanh)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 覩 睹 堵 楮 睹 土 賭 (đổ chử thổ)(A)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 土 吐 稌 (thổ đồ) (B)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 杜 土 荰 肚 (đỗ thổ) (C)

同都切,音徒 đồng đô thiết, âm đồ (TViB)

他魯切, 兔上聲 tha lỗ thiết, thố thượng thanh (TVi)

他魯切, 徒上聲 tha lỗ thiết, đồ thượng thanh (CTT)

...v.v...

Giọng BK bây giờ là tǔ so với giọng Quảng Đông tou2 dou6 và các giọng Mân Nam 客家话:[客语拼音字汇] tu3 [陆丰腔] tu3 [梅县腔] tu3 [东莞腔] tu3 [客英字典] tu3 [宝安腔] tu3 [沙头角腔] tu3 [台湾四县腔] tu3 tu2 [海陆丰腔] tu3 tu2 潮州话:tou2(thóu), giọng Mân Nam/Đài Loan thou2, tiếng Nhật do to và tiếng Hàn tho twu.

Các dạng Tịnh Đỗ, Tịnh Đổ, Tịnh Đồ đều không thấy hiện diện so với các dạng Tịnh Thổ và Tịnh Độ - dạng Tịnh Độ là thường gặp hơn cả, nhưng không cho ta liên tưởng ngay đến cõi (chỗ) an lạc như tiếng Phạn sukhavati hay Tịnh Thổ 淨土 (dịch nghĩa gần đúng từ tiếng Phạn).

Tóm lại, một cách giải thích cách đọc Huyền Trang có thể là kết quả của quá trình đồng hóa thanh điệu từ tên riêng gốc Hán. Khuynh hướng ảnh hưởng qua lại của các âm gần nhau không phải chỉ xẩy ra trong tiếng Việt, nhưng trong hầu hết các ngôn ngữ loài người. Dựa vào nguyên tắc này, ta có cơ sở giải thích nhiều cách dùng khác trong tiếng Việt và Hán Việt như xà cừ, nước miếng, Tịnh Độ ...v.v... Khuynh hướng đồng hóa thanh điệu cũng cho ra những thể thơ trong ngôn ngữ, làm cho lời nói nghe êm tai hơn đối với người bản địa.

5. Phụ chú và phê bình thêm

Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để người đọc có thể tra cứu thêm chi tiết và chính xác. Để cho liên tục, bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết "Tản mạn về tiếng Việt - hiện tượng đồng hoá âm thanh (phần 1)" cùng tác giả (Nguyễn Cung Thông) trên các trang mạng như  http://quangduc.com/a58064/tan-man-ve-tieng-viet-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-  hay  http://newvietart.com/index4.2213.html ...v.v...

1) Âm Huyền trong HT không có vấn đề nhiều so với âm Trang. Chữ huyền 玄 (thanh mẫu hạp 匣 vận mẫu tiên 先 bình thanh, hợp khẩu tứ đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

胡涓切,音懸 hồ quyên thiết, âm huyền (TVGT, QV, TV, NT, LT, VH, TTTH, CV) - QV/TV ghi bình thanh

熒絹切 huỳnh quyên thiết (TV, CV) - TV/CV ghi thêm khứ thanh - TVi cũng ghi thêm khứ thanh (âm huyễn 音眩)

呼沿切,音懸 hô duyên thiết, âm huyền (CTT)    ...v.v...

Giọng BK bây giờ là xuán so với giọng Quảng Đông jyun4 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] hien2 [客英字典] hien2 [沙头角腔] hen2 [东莞腔] hen2 [陆丰腔] hian3 [客语拼音字汇] hian2 [台湾四县腔] hien2 [梅县腔] hien2 [宝安腔] hen2 潮州话:hiang5 【潮州】hiêng5 (hîang 旧时:hîen), giọng Mân Nam/Đài Loan hian5, tiếng Nhật gen ken và tiếng Hàn hyen.

2) Thích Giác Hoàng, Phạm Phú Thành (2006) "HUYỀN TRANG, HUYỀN TRÁNG HAY HUYỀN TÃNG?" - có thể xem toàn bài ở trang này http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/huyentrang.htm

3) Gustave Hue (1937) "Dictionnaire annamite-chinois-francais" NXB Khai Trí in lại (Sài Gòn - 1971)

4) Xem qua các ngôn ngữ cùng họ và láng giềng với tiếng Việt: tiếng Mường (Bi) còn dùng đác mẽnh (nước miếng, đác là nác/nước, mẽnh là miệng) so với các ngôn ngữ khác như Nyah Kur (Chao Bon, liên hệ đến Môn) ta thấy cách dùng dáak páang (nước miếng, dáak là nước, páang là miệng); tiếng Khme có tức mót (nước miếng, tức là nước, mót là miệng); tiếng Chăm còn dùng ia pabah (nước miếng, ia là nước pabah là miệng) ...v.v... Các dữ kiện này cho ta cơ sỡ vững chắc để liên hệ miếng và miệng.

nước *miệng > nước miếng (đồng hóa thanh điệu)

Miệng và miếng đều có một dạng chữ Nôm là mãnh 皿 , mãnh là âm Hán Việt (母梗切,音猛 mẫu ngạnh thiết, âm mãnh - Tập Vận) so với âm Hán cổ là *miêng (武永切 vũ vĩnh thiết - Đường Vận).

5) Chữ xa 硨 (thanh mẫu xương 昌 vận mẫu ma 麻 bình thanh, khai khẩu tam đẳng)) có các cách đọc theo phiên thiết

尺遮切 xích già thiết (QV)

昌遮切,音車 xương già thiết, âm xa (TV, CV)  ...v.v...

Giọng BK bây giờ là chē jū so với giọng Quảng Đông ce1 và các giọng Mân Nam 客家话:[客英字典] cha1 [台湾四县腔] ca1 [梅县腔] cha1 [海陆丰腔] cha1 潮州话:cia1, tiếng Nhật sha và tiếng Hàn cha.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2010(Xem: 6103)
Diễn văn của luật sư Georges Graham Vest tại một phiên tòa xử vụ kiện người hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên William Saller của The New York Times bình chọn là hay nhất trong tất cả các bài diễn văn, lời tựa trên thế giới trong khoảng 100 năm qua.
16/07/2010(Xem: 15331)
Vừa qua, được đọc mấy bài thơ chữ Hán của thầy Tuệ Sĩ đăng trên tờ Khánh Anh ở Paris (10.1996) với lời giới thiệu của Huỳnh kim Quang, lòng tôi rất xúc động. Nghĩ đến thầy, nghĩ đến một tài năng của đất nước, một niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam, một nhà Phật học uyên bác đang bị đầy đọa một cách phi pháp trong cảnh lao tù kể từ ngày 25.3.1984, lòng tôi trào dậy nỗi bất bình đối với những kẻ đang tay vứt "viên ngọc quý" của nước nhà (xin phép mượn từ này trong lời nhận xét của học giả Đào duy Anh, sau khi ông đã tiếp xúc với thầy tại Nha trang hồi năm 1976: "Thầy là viên ngọc quý của Phật giáo và của Việt Nam ") để chà đạp xuống bùn đen... Đọc đi đọc lại, tôi càng cảm thấy rõ thi tài của một nhà thơ hiếm thấy thời nay và đặc biệt là cảm nhận sâu sắc tâm đại từ, đại bi cao thượng, rộng lớn của một tăng sĩ với phong độ an nhiên tự tại, ung dung bất chấp cảnh lao tù khắc nghiệt... Đạo vị và thiền vị cô đọng trong thơ của thầy kết tinh lại thành những hòn ngọc báu của thơ ca.
08/07/2010(Xem: 4136)
Ngày Về Nguồn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 tại chùa Pháp Vân, Canada đã khiến nhiều người bàn tán xôn xao. Họ xôn xao có lẽ một phần bỡ ngỡ trước danh từ Về Nguồn, vì một số không được cái may mắn có nguồn để về. Họ không cảm thấy rung động khi nghe câu ca dao: Cây có gốc mới xanh cành tươi ngọn Nước có nguồn mới biển cả sông sâu
28/06/2010(Xem: 32496)
Ba môn vô lậu học Giới Định Tuệ là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn an lạc. Muốn đến Niết-bàn an lạc mà không theo con đường này thì chỉ loanh quanh trong vòng luân hồi ba cõi. Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ– ba môn học liên kết chặt chẽ vào nhau, nhờ vậy mới đủ sức diệt trừ tham ái, đẩy lùi vô minh, mở ra chân trời Giác ngộ. Nhưng Giới học mênh mông, Định học mêng mông, Tuệ học mênh mông; nếu không nắm được “Cương yếu” thì khó bề hiểu biết chu đáo, đúng đắn. Không hiểu biết đúng đắn thì không sinh tâm tịnh tín; không có tâm tịnh tín thì sẽ không có tịnh hạnh, như vậy, con đường giải thoát bị bế tắc. Như một người học hoài mà vẫn không hiểu, tu hoàí mà vẫn không cảm nhận được chút lợi ích an lạc nào.
28/06/2010(Xem: 22683)
Bản dịch Việt Bích Nham lục được thực hiện với một tấm lòng tôn kính, cảm phục tài đức của giáo sư Wilhelm Gundert (12. 4. 1880-3. 8. 1971). Vì W. Gundert đã giới thiệu tường tận về tác phẩm độc nhất vô nhị này nên dịch giả người Việt hạn chế tối đa những lời dư thừa, chỉ đề cập đến nguyên tắc dịch, một vài nét đặc biệt cũng như kĩ thuật được áp dụng trong bản dịch Việt:
01/10/2007(Xem: 9752)
214 Bộ Chữ Hán (soạn theo âm vận dễ thuộc lòng)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]