Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chữ Như trong văn học dân gian và Phật Giáo

31/05/201606:08(Xem: 13037)
Chữ Như trong văn học dân gian và Phật Giáo

 

Sakya_Muni_2a
CHỮ NHƯ

TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN VÀ PHẬT GIÁO.


Chữ NHƯ được thông dụng rất phổ biến trong văn chương và lời nói thường nghiệm của  các dân tộc trên thế giới và trong Phật Giáo .

Trong văn chương, chữ Như được thấy ở một số trường hợp : Xác định, phủ định, tương tợ, không thực…(như ảo, như hóa) đối với các vật thể hiện thực.

Lãnh vực văn chương ở lời nói và viết thành văn, thơ.

   Ta thường nghe dân Việt nói và viết lời xác định về chữ như : Trắng như tuyết, cứng như đá, mềm như bún, nóng như lửa đốt, lạnh như băng giá, lạnh như đồng, xưa như trái đất, xưa như Diễm, chua như chanh, nắng như lửa đổ, mặn như muối, lạc (nhạt) như nước lã, tối như đêm ba mươi, đen như mực tàu, ốm như ma trơi, bén như gươm, cao như bầu trời, rộng như biển cả, ốm như cây sậy, nhanh như chớp, lẹ như sóc, dữ như cọp, ngu như bò, ngang như cua, v.v…

Danh từ Như Ảo. Cụm từ này, được chỉ cho những đồ vật có hình tướng trông như thật. Chẳng hạn những đồ chơi trẻ con : Búp bê, ông già Noel, người lính, mèo, chó, cọp, voi, chim muôn, máy bay, xe hơi, xe lửa, thuyền bè, v.v…, Tất cả đều cử động, phát ra tiếng còi, tiếng hát, lắc lư, mở và nhắm mắt, đi, chạy, nhảy, ngoắt đuôi…  Những hình ảnh Như ảo, giả tạo trên cũng được thấy trên đài truyền hình với tên hoạt họa.

Danh từ Như hóa. Với các bậc Tiên ông, đạo cốt, Thiên long ngoại đạo huyền bí. Họ cũng có thể biến hóa ra muôn vật có hình dáng hiện hữu tạm thời như thật nhưng, mờ mờ. Sau đó biến mất. Tất cả, do tư tưởng chăm chú đọc tụng thần chú hay thiền định ngoại đạo. Đến một lúc nào đó, họ có khả năng biến hóa và một chút thần thông giới hạn nào đó; như nhảy tót lên mái nhà, đi nhanh hỏng chân mươi mét…

Như Ảo Tam Muội. Cụm từ này, được chỉ cho những bậc đạo sư Phật giáo, trong lúc tu thiền định, tâm an trú tĩnh lặng bậc trung, đã thấy những cảnh vật hiện ra. Đến lúc vào đại định, thì thấy nhiều hiện tượng trùng trùng hiện ra như huyển, như ảo. Nhưng, quý ngài liền dập tắt ngay trong định, dù là những cảnh Thần tiên, Thiên đàng rất đẹp, cỏ cây, hoa lá, lâu đài trong sáng, êm đềm, v.v…Tất cả đều là cảnh Như Ảo Tam Muội.

Chữ NHƯ cũng được thấy ở những hiện tượng vừa mới hợp, đã vội tan : Như điển chớp, như  bọt nước, như sương mai trên ngọn cỏ, cành cây…

Chữ NHƯ ở lời xác định có tính cách mệnh lệnh, khuyên bảo, nhắn nhủ, than thở.  Chẳng hạn người kiến trúc sư đưa bản đồ xây nhà cho ông thầu xây cất và nói rằng; đây là mô hình photo, giống y hệt như bản chính. Vậy, ông hãy xây cất cho đúng như bản chính. Hay là lời người mẹ khuyên con : “ Con phải luôn có thái độ lễ phép với mọi người giống như anh con, như chị con đã từng đối đãi với mọi người”. Một vị Tăng giáo thọ, thường nhắn nhủ với các Phật tử : “ Người học Phật và tu tập giáo lý giống như người chèo thuyền trên dòng nước ngược, không tiến ắt phải lùi. Lời than thở : “ Hôm nay tôi mất mẹ như mất cả bầu trời”.

Chữ NHƯ ở lời phủ định. Ta thường nghe mọi người nói và viết lời phủ định: “ Tôi không làm như lời anh bảo. Bà ấy không tri hành theo như hành động của ông X. Những học sinh ngoan, không bao giờ bê tha như những đứa học kém. Một nhà báo nói rằng; thế kỷ 21, nhân loại bị tận thế, ông A nói  :“tôi không tin như vậy !”.

Chữ NHƯ ở bán tín, bán nghi.  Một ông nói chuyện gì đó…Ông kia trả lời : “ Ồ, hình như vậy ! Có lẽ như vậy ! Tôi tưởng như vậy ! Thấy gần giống như vậy, chứ không phải như vậy ! Đời người và mọi vật như ảo, như hóa, như mộng, như hình, như bóng ! Đồ giả bên hông chợ Lớn, lại nói  giống như bên Hồng Kông !

Các nhà văn Việt Nam thường dùng chữ như trong các bài tả cảnh, tả hình dáng vật thể, con người, để  làm cho sáng tỏ bản thể hiện thực, gọi là nhân cách hóa. Chẳng hạn những câu văn có chữ như : “Chiều nay mặt hồ dưới bầu trời Thu có ráng chiều vàng, cùng với gió heo mây, làm cho mặt hồ chau động, gợn sóng lung linh giống như hằng vạn con rắn vàng đang bơi lội trong đó”.

Giữa ngọn đồi trong mùa đông giá rét, nhìn những bụi cây trụi lá, trơ cành, giống như những bộ xương cách trí, như được ai đem dựng trên đó”.

“ Một thiếu nữ phục sức toàn màu trắng, tóc xỏa chấm vai, ngồi lẻ loi bên gốc đại thọ, cuối mặt tư duy thầm lặng, qua từng giờ, làm cho tôi từ xa nhìn đến, tưởng như tượng đá công viên.

 “Trên bầu trời nắng hạ, không có mây, tôi thấy rõ một con diều hâu đang sải cánh, lượn quanh nhiều vòng, đầu nó luôn nhìn xuống như để tìm gà con. Rồi  lại cất cánh bay lên, vòng xuống chầm chậm, giống như chiếc máy bay  L 19, loại quan sát bay vòng tìm lối hạ cánh xuống phi đạo.

   Chữ Như vừa nói trên, là chữ Như của nhân loại đông, tây thường dùng trong ngôn ngữ thường nghiệm trong đời sống hằng ngày.

 

     Chữ NHƯ trong văn học Phật giáo.

 Tất cả vạn pháp trên vũ trụ này, về mặt hiện tượng thì vô vàn sai biệt hình thể, khó có thể tính lường được phẩm chất của chúng ra sao. Ta chỉ biết mọi bản thể của chúng không tự thể. Tất cả do các duyên giả hợp, tụ lại tạo nên, gọi là duyên sinh. Khi các duyên lần lượt ra đi theo định luật vô thường, thì bản thể con người và vạn pháp bị tan rả, trở về không. Với người phàm phu đều lầm tưởng mọi vật đều trường tồn do căn cứ vào biểu hiện bên ngoài mà phân biệt vật này với vật kia, là do lấy không làm thực. KHÔNG, chính là thực tướng của vạn pháp, là thực tướng của chư Phật.  Đó là cái NHƯ của  thực tướng hay còn gọi là Như thật, Như thị. Có nghĩa là chỉ thẳng vào mọi bản thể hiện hữu (con người và vạn hữu), đều không tự thể, tất cả do các duyên giả kết tụ tạo nên bản thể rõ ràng như vậy. Sau đó bản thể bị chết non, chết già, là do các duyên bị hư hoại, thật đúng theo định luật vô thường! Do vì lẽ đó, mà Phật giáo không thể xác định mãi chữ Như ở sự tồn tại và không thể phủ định mãi chữ Như luôn hoại diệt. Nếu không nói, là lý trung đạo.

   Qua khế lý trên, cho ta thấy rằng chữ Như trong văn học Phật giáo vừa xác định, lại vừa phủ định. Xác định là khi nào những hiện tượng hiện hữu. Còn phủ định là do biết được những hiện tượng đang có mặt đó, không tự thể, tất cả do duyên khởi, nên chi đang trên đà hoại diệt.

   Về mặt bản thể của chư pháp, chữ Như là tính của chư pháp (pháp tính), nó là cái cùng cực của sự chân thực, thực tế, chư pháp thực tướng, nên gọi là Như Như bất động, tức là cùng một nghĩa đó là Như. Cho nên, mặc dù thế giới hiện tượng thật đa dạng bản chất, quy luật chỉ là một, đó là Như. Tất cả những lý giảng (tục đế) về chữ Như, chẳng qua cũng là một cái tên gọi khác về chữ Như. Tất cả đều chơn thật, nên gọi là chơn Như hay Nhất Như. Mặc dù là Nhất Như nhưng, Như có hai loại : Như của sự thật hiện hữu. Nếu không nói rằng, là nhân chứng bằng lời xác định về những dữ kiện nào đó là thật, do  hiện hữu vào thực tại. Điều này được thấy qua lời Tôn giả A Nan nói : “Như thị ngã văn nhất thời Phật tại Xá-Vệ quốc…” (Chính tôi nghe Như vầy, một thuở nọ Phật ở tại thành Xá Vệ…”. Và như của thực tướng, tức là thực tướng của các pháp là vô ngã.

     Một số chữ Như trong văn học Phật giáo sau đây : 1- Như vật thể hiện hữu. 2- Như thật tướng. 3- Như, là các tướng giống như pháp. 4- Như, là  tính của chư Pháp. 5- Cái lý chân thật, là Chơn Như. 6- Cái lý chỉ có một, gọi là Nhất Như. 7- KHÔNG, chính là thực tướng, đó là thực tướng của chư Phật, mới đích thực là Như.

   Với danh xưng Phật tử, là hành giả đi tìm cho mình con đường giải thoát sinh tử, bằng tu tập giáo lý của Phật, quý vị nên chọn chữ  Như nào trong bảy chữ Như nói trên, để làm hành trang giải thoát sinh tử ?

    Lời hỏi của người viết nói trên, được nghe một số Phật tử đã chọn “ Lý chân thật, là chân như”. Lý do chọn, vì đã hiểu được tánh của các pháp là thường tịch vắng lặng, không biến đổi. Thì người tu tập thiền định hay niệm Phật A Di Đà, đều phải sử dụng Phật tánh đang hiện hữu trong tâm để xa lìa mọi vọng nhiễm, dứt trừ mọi ý niệm về ngã, hoàn toàn an trú vào chánh niệm (đối cảnh vô tâm).

Một số khác, thì chọn “ Cái lý chỉ có một, gọi là Nhất như”. Lý do chọn, là vì đã hiểu được rằng; người tu Thiền hay Tịnh độ, cần nhất chỉ một tâm (nhất nguyên) không được hai tâm (nhị nguyên). Một tâm, đó là tâm Phật, gọi là chơn tâm, tâm Nhất như, cũng gọi là nhất tâm bất loạn, do không còn những ý niệm về ngã, (niệm, vô niệm).

  Sự chọn cho mình một chữ Như vào tâm của hai nhóm, đều đúng trên cơ sở khế lý, khế cơ. Tức là cả hai, đều cùng ngộ lý Chân tâm, Nhất như, vô ngã. Dù lời văn lý luận khác nhau một chút ở  2 chữ Như số 5, số 6 nhưng, vẫn cùng đi đến tâm Phật, là Chân tâm, Nhất Như, vô ngã (chia mhau phương tiện, gặp nhau cứu cánh Niết bàn), là hành trang giải thoát đích thực.

   

 Để được hiểu thêm về chữ Như có chứa đựng 10 thứ : TƯỚNG, TÁNH, THỂ, LỰC, TÁC, NHÂN, DUYÊN, QỦA, BÁO, BẢN MẠT.

1 Như Thị Tướng (Tướng như vậy)  2- Như Thị Tánh (Tánh như vậy)  3- Như Thị Thể (Thể như vậy) 4- Như Thị Lực (Lực như vậy) 5- Như  Thị Tác (Tác như vậy) 6- Như Thị Nhân (Nhân như vậy)  7- Như Thị Duyên (Duyên như vậy) 8- Như Thị Quả (Quả như vậy) 9- Như Thị Báo (Báo như vậy ) 10-  Như Thị Bản Mạt  Cứu Cánh Đẳng ( Bản mạt cứu cánh  đẳng như vậy).

    Chữ Như, trong ngôn ngữ Phật giáo, đó là thực tướng, là tính của chư pháp. Chữ Như đi với chữ Thị, nghĩa là như vậy, một danh từ để chỉ cho sự ân khả, đúng thực như Thánh giáo, pháp xứng hợp với đạo lý, lời thừa nhận đúng như vậy, lời khẳng định chắc thực, lời bày tở chơn thật về sự việc đã nghe, thấy chính xác, như lời Tôn giả A Nan nói : “ Chính tôi nghe như vầy…”(Như thị ngã văn) ở phần đầu của mỗi bài kinh.

Như thị ở đây, được chỉ cho bản thể hữu tình chúng sanh và vạn hữu trên vũ trụ này, từ xưa nay là như vậy, dù cho có Phật ra đời hay không. Tướng của vạn hữu và mọi loài chúng sanh là như vậy; núi là núi, sông là sông, đá sỏi là đá sỏi, cây là cây, người là người, chim là chim, súc vật là súc vật, v.v…Sau khi các duyên hợp nhau tạo thành bản thể từ lúc nhỏ cho đến lớn, từ lúc non cho đến già rồi chết hư hoại bởi định luật vô thường.

Để được biết rõ vai trò của mười thứ : Tướng, Tánh, Thể, Lực, Tác, Nhân, Duyên, Quả, Báo, Bản mạt trong bản thân chúng sanh và vận hữu xưa nay như vậy, ta điểm qua từng thứ  Như Thị (Như vậy).

    1-Tướng  Như Vậy (Như thị tướng).

Tướng, là tướng trạng bên ngoài của mọi vật và chúng sanh, được thấy rõ ràng, nó được biểu thị là cái vỏ, bao bọc, thùng, vại… Nhìn thấy tướng bên ngoài như thế nào, là biết những thứ bên trong của tướng, vì có liên đới mật thiết với tướng. Như ở con người được biểu lộ ra những lời nói, hành động thiện ác, hiền lành, hung dữ, mạnh bạo, bệnh hoạn (ngũ suy tướng hiện). Tâm như thế nào, tướng như vậy. Đúng với ngạn ngữ Việt Nam : “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”.

    2- Tánh Như Vậy (Như thị tánh)

Tánh thuộc về bản chất. Nói như triết học Tây phương: “Bản chất không bao giờ thay đổi”. Tánh được biểu thị như một cái thùng chứa các nghiệp thiện, ác (lãnh vực con người. Có thể được thay đổi bởi giáo lý Phật- tu là chuyển nghiệp).Tánh chìm sâu trong bản thể vạn hữu khó mà thấy được. Trong mỗi bản thể vạn hữu và chúng sanh đếu có tánh riêng muôn đời không biến dịch. Tánh vật này không giống vật kia, tánh người này khác với người kia. Việt Nam ta có câu : “Tánh nết, đánh chết không chừa”. Mặc dù tánh nằm sâu trong các vật khó thấy nhưng, sẽ được thấy do gặp các duyên, như tánh lửa có trong đá. Người ta muốn lấy lửa, dùng thanh sắt đánh vào đá, những tia lửa văng ra, vào bùi nhùi bằng bông gòn, cháy lên, bốc khói. Tánh còn được dùng chỉ cho các lý tánh: như Phật tánh, Thiên bản tánh, Nhân bản tánh, Ngạ quỷ tánh, Súc sinh tánh, A tu la tánh,…Con người có nhiều tánh, gọi là bá nhơn, bá tánh. Tánh người sân hận, thì ưa cãi vả, đánh lộn. Tánh người đố kỵ, thì ưa nói thầm, dán nhãn người khác. Tánh người  tham lam, thì ưa đánh cấp các vật dụng, vân vân…

    3- Thể Như Vậy (Như thị thể).

Thể, là phần nhất định bất biến của vạn pháp, cho nên thể vô sai biệt, bất sinh bất diệt, gọi đó là đương thể, cần có một huệ nhãn mới thấy dược đương thể đó, cũng gọi là thể chất, là chủ thể, bản thể vạn pháp.

Thể, bao giờ cũng vô hạn. Thể cũng là dụng, dụng cũng là thể. Như thể của nước là lỏng, công dụng của nó là nuôi sống con người : uống và rửa sạch vết dơ… Như cây đèn, thể của nó là sáng, công dụng của nó là đuổi bóng tối. Như các thứ chuối, cam, đậu phụ, cơm…để đó không ăn, sẽ bị hư thối, nhưng đưa vào bụng thì được biến thành tư thể của ta.  Thể có hai loại, tìm thểhiển thể. Tìm thể là chân như, Hiển thể là vạn pháp, gọi là bản thể vũ trụ, một tổng thể đại đồng. Từ đây cho ta thấy trong các giới : từ địa ngục, ngạ quỷ,… cho đến thiên giới, nhân giới, đều có cái thể của sắc thân, cho nên năm uẩn, mười hai xứ đều lấy sắc và tâm làm thể. Nếu không nói là Thể,  đồng với Sắc, Thọ,Tưởng, Hành, Thức.

Tánh và tướng đều thuộc tánh của Thể gọi là Thể tánh. Cho nên Thể không lìa Tướng, Tướng không lìa Thể, như nước không lìa sóng, sóng không lìa nước. Kinh văn nói : “ Tất cả chúng sanh  và Phật đều đồng Phật tánh. Có nghĩa là bản thể chúng sanh đồng với bản thể của Phật, là thường hằng tịch tịnh (Phật, chúng sanh tâm thường rỗng lặng).

 Trên đường tu tập, tâm ta cứ bị dính mắc vào hiện tượng, cho nên không thấy được bản thể như thị, gọi là mê. Ngược lại cứ đem tâm dính mắc vào bản thể, cho nên không thấy được hiện tướng, cũng không gọi là tỉnh.

    4- Lực Như Vậy (Như thị lực).

Lực, là một tạp ngữ, chỉ về lực dụng, công năng tác dụng. Mỗi  bản thể vạn pháp và con người trên vũ trụ này đều có cái lực dụng riêng cho tự thể mình và chúng sinh. Đúng như kinh văn nói : “ Như chư pháp chúng sanh trong 10 phương pháp giới đều có công năng và lực dụng.

    Về nhân lực, như nhà vua lấy uy quyền làm lực. Chư vị A La Hán lấy tinh tấn làm lực. Chư vị Tỳ kheo lấy nhẫn nhục làm lực. Nhân loại lấy tri thức làm lực. Chư Phật lấy đại từ bi tâm làm lực, vân vân…trên bước đường hoằng hóa độ sanh. Đệ tử Phật ở hai giới Cư Sĩ, có quy y Tam Bảo, nếu không lấy từ bi tâm làm lực trên vận hành phụng sư đạo pháp, thì nhất định sẽ không có Lục hòa trong ngôi chùa, các Giáo Hội Phật Giáo !

   Về vật lực, nhiều vật trên trái đất này có công năng lớn, được tìm tàng bên trong bản thể của chúng, gặp các duyên sẵn sàng cung ứng thể lực hữu ích cho chúng sanh trong đời sống, như những thứ :đất, nước, gió, lửa, đồng, chì, kẽm, sắt, cây, gỗ, đá, sỏi, đất bùn, đất cát, các thứ màu sắc vân vân…được thấy rõ qua nhiều hiện tượng hiện thực, như nhà cửa, xe cộ, các thứ thực dụng tranh ảnh đủ màu sắc, v,v…sau khi con người sử dụng trong việc ra công tạo tác.

    5- Tác Như Vậy (Như thị tác).

Tác, là những sự việc, lời nói được hiển lộ ở động tác của tay chân và miệng của một con người đang hành động và nói năng (nghiệp) do từ tâm ý, thân, miệng phát sanh ra (tác).

    6- Nhân Như Vậy (Như thị nhân)

Nhân, (nghĩa đen hạt giống), những vật, các việc hữu tướng, vô tướng có năng lực làm nguyên nhân trực tiếp với sự việc, các vật để sau đó có kết quả.

   Nhân còn gọi là tập nhân, do vì trong các pháp giới chúng sanh đều có sự kết tập về Nhân ở từng phần thiện hay ác, rồi sống theo các pháp mà có ra quả thiện ác. Phật thuyết về Nhân, có hai : thuyết 6 Nhân và thuyết 10 Nhân. Thuyết 6 Nhân ở Câu Xá Luận, thuyết 10 Nhân ở Du Già Luận, Do đó cho thấy, Quả không bao giờ có một Nhân mà thành, phải do nhiều Nhân hợp lại mới thành  ra Quả.

    7-Duyên Như Vậy (Như thị duyên).

   Duyên, thật sự là những nhân duyên gián tiếp theo sau, là điều kiện giúp vào cho cái nguyên nhân trực tiếp đầu tiên được có kết quả tròn đầy, cho nên Nhân cũng chính là Duyên. Sở dĩ nói  Duyên, là nói đến các Nhân khác trợ giúp cho Nhân đầu tiên được có Quả, nên mới nói là Nhân Quả.

    8- Quả Như Vậy (Như thị quả).

Quả, là sản phẩm hiện thực của ý nghĩ (nhất thiết duy tâm), lời nói và hành động, là nhân tố chính và những nhân tố phụ (duyên) hòa hợp nhau tạo tác (nghiệp) ra Quả.

Khoảng cách giữa nhân và quả không nhất định thời gian. Tất cả giai do điều kiện của nhân chính, nhân phụ tương duyên nhau. Do đó Quả có thể được có ngay hiện tại (đồng thời) hay tương lai (dị thời- tức là khác thời). Hoặc là, cho đến mãi ở kiếp kế tiếp, Quả mới được hiện hành đối với chúng sanh.

   Một vài tư tưởng về Quả : Quả là sở sinh. Chốc lấy Quả là nhân, thu được là Quả. Hết thảy các pháp hữu vi trước sau nối tiếp nhau. Cho nên đối với nguyên nhân trước mà nói, các pháp sinh ra sau, gọi là Quả, Như các đạo sư tạo ra cái nhân chân tâm và tiếp tục tu hành chơn chánh đến hằng chục năm sau hay kiếp kế tiếp mới đạt được cái Quả Giác ngộ. Quả, chẳng qua là sự hổn hợp của nhiều nhân phức tạp. Nhân như huyển sanh ra Quả như huyển cho nên mới nói Như thị Quả, Quả như vậy.

    9- Báo Như Vậy(Như thị báo).

Báo, có nghĩa là báo ứng. Tức là những quả thiện, ác cũ của kiếp trước mà chúng sinh (con người) đã tạo ra không bao giờ bị mất, Cho nên sau khi chết, con người mang theo ở một kiếp sau hay nhiều kiếp sau ở quốc độ nào đó, được có bản thân ra sao, sự nghiệp sống được sung sướng, hạnh phúc, giàu sang (lạc quả) hay khổ đau, nghèo khó (khổ quả). Nói như người đời : “ Nghiệp báo theo hoài. Nghiệp báo oan gia”. Nghiệp là nhân, quả là báo.

 Mỗi con người hiện tại ở kiếp này, là hiện thân của quả báo ở kiếp trước. Cho nên con người ở mọi giai cấp, chỉ có một quả báo đang hiện hành ở bản thân trong đời sống thực tại chứ không thể có cùng lúc hai quả báo trong một bản thân hiện tại, nói như lời văn phương Tây : “Không thể tắm cùng lúc hai dòng sông”. Những nghiệp nhân thiện, ác đang tạo ra ở kiếp này, chúng sẽ báo ứng ở kiếp sau hay nhiều kiếp sau nữa.

   Nói khác hơn, căn cứ theo nghiệp nhân thiện, ác ở thời quá khứ sẽ nhận được quả báo sướng, khổ, giàu sang, nghèo khó ở đời hiện tại. Căn cứ vào các nghiệp nhân thiện, ác ở đời hiện tại ra sao, sẽ bị, được quả báo ở đời sau như thế đó. Như thị báo là như vậy.

   10- Bản Mạt Cứu Cánh Đẳng Như Vậy (Như thị bản mạt cứu cánh đẳng).

Bản, là gốc, đầu tiên, chỉ cho tướng trạng của vạn hữu ở đề tài “Như Thị Tướng số 1.”. Mạt, là ngọn, sau cùng, chỉ cho quả báo ứng ở đề tài “Thị Báo số 9” Cứu cánh đẳng, nghĩa là rốt ráo bình đẳng. Tức là Như thị số 10 này, là lời kết luận tổng thể vạn pháp từ TƯỚNG cho đến BÁO, trong và ngoài bản thể vạn pháp, chỉ là hiện hữu theo tương quan duyên khởi, không tự thể tức VÔ NGÃ. Nghĩa là, mọi bản thể vạn pháp, là do các nhân duyên giả hợp kết tụ phát sinh, cho nên đều KHÔNG. Chính cái Không ấy, là thực tướng đồng nhất của vạn pháp, thật rốt ráo và bình đẳng theo quy luật của nhân quả.

    Mười đạo lý Như Vậy (Như thị) được trình bày vừa rồi, chính là cái chìa khóa mở tung 9 cánh cửa bí mật của VẠN PHÁPCON NGƯỜI để thấy Phật hiện hữu trong đó. Nói như lời kinh Hoa Nghiêm ở phẩm 33 : “Khắp cả hư không, ở mỗi một chỗ chỉ bằng đầu sợi lông, đều có vô lượng cõi Phật; ở mỗi cõi Phật như vậy, trong mỗi một niệm, Phật ứng hiện vô số hóa thân nhiều như bụi để chuyển pháp luân”.

  Những đạo sư thiền định cũng có những tư tưởng tương tợ : “ Ta thấy Phật hiện hữu ở những chiếc lá vàng lìa cành đang rơi rụng trên đất. Ta nghe dòng suối chảy, như pháp âm Phật đangchuyển pháp luân. Những pho tượng tại các công viên, thì đó là chư Phật đang nói pháp. Ai đó đưa tay ngắt cành hoa Mimoza bên vệ đường, sẽ động đến bản thể chúng sanh trong ba ngàn thế giới”.

Tư tưởng kinh Hoa Nghiêm và những đạo sư thiền định đã nói rằng Phật hiện hữu trong mọi bản thể vạn pháp, như đã ghi lại trên, chính là lời giải  thích thêm của cụm từ “Ngộ nhập Phật tri kiến”. Có nghĩa là,  lời nhắc nhở lại người đi tìm cho mình con đường giải thoát bằng Phật pháp, hãy đưa tâm vào thực tại, (thực tại là chân như) quán niệm đạo lý 10 Như Thị, để nhận ra  thực tướng vạn pháp (vạn hữu và con người) hiện hữu ngay trước mặt, và khắp mọi không gian trên vũ trụ này là vô ngã, không tự thể, tất cả đều do vô số  nhân duyên giả hợp  mà được có bản thân. Cho nên mới nói “ Thực tại là Chân như).

   Rời bỏ tất cả nhân duyên ra, không còn gì gọi là Ngã (Ta). Ngộ được đạo lý 10 Như Như Thị, tức là thấy Phật (tri kiến Phật), đó là con đường giải thoát.

  Như vậy, Phật tử chúng ta nên chọn cụm từ số 7: “KHÔNG, chính là thực tướng, đó là thực tướng của chư Phật, mới đích thực là Như của thực tướng”.

   Câu trên hơi khó đối với quý vị. Do vậy, quý vị tự hỏi lại mình : “Thực tướng của chư Phật, là gì ?”. Thấy ngay liền: “ KHÔNG, chính là thực tướng của Phật ! Tức là tâm trống rỗng, không còn mẩy may phiền não, hữu ngã, kiến chấp, ác trược… nào cả, là cấp độ toàn giác. Tâm KHÔNG này luôn hằng chuyển trên dòng tâm thanh tịnh, yên lặng tuyệt đối trong vô lượng kiếp. Mặc dù đối cảnh, đối người…, nhưng, không bị Đời (nhiều hạng người và mọi hoàn cảnh) chi phối. Nói như lời Phật : “ Ta sanh ra, lớn lên giữa đời, Ta không bị đời chi phối, Ta là Phật” . Tức là vẫn thấy, biết hết tất cả là Như vậy. Biết trong im lặng, tỉnh thức, không sử dụng tâm phân tích, khái niệm, tính toán, so đo, hơn thua, thương, ghét… gọi là người bộ hành không cô đơn. Hay còn gọi là “Im lặng như chánh Pháp”. Khi cần nói Pháp hóa độ chúng sanh, thì chư Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng liền nói đúng chánh pháp, gọi là “Nói năng như chánh Pháp

Để trợ giúp cho tâm phật tử chúng ta được thường hằng an trú trên dòng sóng thanh tịnh, đó là cách đóng 5 cánh cửa trước ở thân ta lại. Năm cánh cửa là : Mắt, Tai, Mũi, Miệng và Thân. Mắt thấy sắc trần. Tai nghe mọi thứ âm thanh. Mũi ngửi mọi thứ hương vị.  Miệng nếm các gia vị. Thân chạm xúc vào các vật cứng, mềm, bén, nhọn, êm đềm,…

    Nghĩa “đóng lại 5 cửa trước” ở đây, không phải đóng kín hẳn (close) : nhắm mắt, bịt tai, bịt mũi, ngậm miệng, bó tay, cột chân…Mà là vẫn thấy, nghe, ngửi, nếm (các gia vị vào miệng), tay va chạm vào các vật thể…trên vận hành sinh hoạt cho đời sống hằng ngày, và tu tập, thì không thể không thấy mọi vật, nghe âm thanh, biết các mùi vị, đụng chạm các vật thể trong đời sống Đạo và Xã hội…Nhưng, không khởi tâm  đam mê, đi tìm kiếm, luyến tiếc, tham đắm, mê say, tưởng nhớ, phân tích, thèm thuồng, mong muốn, ước muốn, đố kỵ, nói thầm, nổi giận âm ỉ,  dán nhãn, bực tức,…Nếu 5 thức trước và tâm cùng liên đới nhau một cách tích cực đối với các hành giả tu tập Phật pháp, thì nhất định sẽ bị “Tám Ngọn Gió” (bát phong) cảnh trần làm lay động tâm thức, rồi sinh ra vọng tưởng và lắm điều bất an. Tám Ngọn Gió : 1- Lợi. 2- Suy. 3-Hủy. 4-Dự. 5-Xưng. 6- Cơ. 7-Khổ. 8-Lạc. Nghĩa của tám thứ:

          Lợi: điều gì làm cho thỏa mãn ý muốn của mình, thì vui sướng, hỷ hả lên.

          Suy: điều gì không làm cho mình thỏa mãn, thì sinh tâm oán ghét, giận hờn.

          Hủy: lời chê bai sau lưng mình. Tức thì tâm bị điên đảo, buồn lòng.

          Dự: lời khen, ca ngợi sau lưng. Khi được nghe biết đến, liền cảm thấy vui mừng.

          Xưng: Được ai đem lời khen, ca tụng trước mặt mình. Tức thì có trạng thái vui sướng ra mặt.

          Cơ:bị ai đem lời chê bai ngay trước mặt, liền ra mặt bực tức, sân hận.

          Khổ: đau thương, buồn phiền, sầu muộn. Do nghe biết mọi sự mất mát nào đó.

          Lạc: vui mừng, sung sướng. Do nghe biết mình, hay người thân đang được và sẽ được điều lợi ích nào đó, v.v...

    Với những hành giả tu thiền hay tịnh độ, hay giáo pháp Vô ngã, không bao giờ khởi tâm vui mừng, sung sướng, hỷ lạc,… đối với những gì mình, người thân được có. Cũng như không bao giờ đem tâm  giận hờn, buồn phiền, oán trách, thương tiếc …những gì mình và người thân bị mất. Mất, Còn, Được, Có đã được Phật nói trong 10 chân lý Như thị.
  

   Trong truyền Đăng Lục, có nói về trường hợp Hòa thượng Hương Nham, là bậc học và nghiên cứu Phật pháp thâm sâu nhưng, một hôm gặp tổ Huy Sơn, qua sự hàn huyên, tổ Huy Sơn bèn hỏi Hòa Thượng Hương Nham một câu : “ Lúc cha mẹ chưa sanh ra ta, vậy thử nói một câu xem sao ?” Ngài Hương Nham nín lặng, toát mồ hôi, xá tổ Huy Sơn, vội vàng về phòng, đem hết kinh sách đã học ra, mà đọc lại từ đầu đến cuối, hai ba lần như vậy, để tìm câu trả lời. Nhưng rốt cuộc, cũng chẳng tìm thấy. Ngài liền đem hết kinh luận ra, đốt sạch. Rồi qua đất Nam Dương học hỏi lại nơi Tuệ Trung Quốc Sư một cách công phu hơn trước ở ngài Bách Trượng. Một hôm ngài Hương Nham ra vườn chặt cây, phát cỏ, ngài nhặt miếng mảnh sành, quăng (ném) ra khỏi vườn, miếng mảnh sành đánh trúng vào thân cây  trúc, phát ra một tiếng ngân vang kỳ lạ, hòa thượng Hương Nham bỗng nhiên hoát ngộ (tỉnh ngộ). Hòa thượng Hương Nham liền vào chùa, tắm gội, đốt hương hướng về tổ Huy Sơn mà tỏ lời rằng : “Kính lạy tổ Huy Sơn, ngài thật là bậc đại từ bi. Ân ngài còn hơn cha mẹ sinh thành ! Nếu như ngài vì ta mà nói ra trước đây, thì ngày hôm nay làm sao ta được đắc ngộ này !”.

    Vấn đề hoát ngộ, tỉnh ngộ, đắc ngộ.

Trong các giới Phật tử VN xưa nay, ắt hẳn có vị đã từng nghe chư Tăng hay Phật tử nói đến các bậc tu hành (xuất gia, tại gia) đã hoát ngộ, đắc ngộ. Đến khi hỏi lại vị Tăng đó, Cư sĩ kia được hoát ngộ về đạo lý nào vốn đã học, đã tu ? Thì người kể nói rằng hoàn toàn không biết, chỉ nghe qua, rồi kể lại thôi. Chẳng hạn câu chuyện, một bà mua thịt tại quầy thịt. Sau khi ông bán thịt đưa miếng thịt cho bà khách đã chỉ định nhưng, bà nói miếng này không ngon, xin đổi lại miếng khác. Ông bán thịt chìu khách, đưa tay chỉ vào một miếng trong tủ, bà lắc đầu. Ông chỉ miếng khác, bà gật đầu. Đến khi đưa ra cho bà, bà cầm trong tay, thì lại nói miếng thịt này không ngon, xin đổi miếng khác. Ông bán thịt không nói, im lặng qua một giây, liền chặt lưỡi dao phay xuống tấm thớt thật mạnh, làm cho con dao dính cứng, đưa lưng, đưa cán lên, cùng âm thanh giận dữ : “Miếng thịt nào là miếng thịt ngon, không ngon ?”

   Lúc ấy có vị đạo sư trên núi xuống phố, đứng gần đó, liền hoát ngộ sau khi nghe tiếng ông bán thịt nói một cách giận dữ đối với bà khách mua thịt. Vị sư vội vàng trở về núi.

  Phải nói rằng; chư Tăng, Phật tử  Việt Nam các giới trước khi chọn cho mình một pháp môn tu : Thiền, Tịnh độ, Mật tông, Giáo pháp phá chấp…, để có tâm vô ngã, đều phải học qua nhiều giáo pháp : Tứ đế, Bát Chánh Đạo, Thập thiện nghiệp đạo, Nhân quả, Thập nhị nhân duyên,v.v…là một quy luật liên đới : “Một pháp có mặt trong tất cả pháp. Tất cả pháp có mặt trong một pháp”, cho những ai tu các Pháp môn nói trên cần phải biết đến sự liên đới các pháp. Điều này được chứng minh qua nhiều vị Tăng giáo thọ bên VN trước 75 và hải ngoại hiện nay. Chẳng hạn 3 vị đạo sư sau đây: Hai vị giảng về Thiền, đó là Hòa thượng Thích Thanh Từ và HT Thích Nhất Hạnh, và vị  giảng Tịnh độ, đó làThượng Tọa Thích Ngộ Thông.

    Ba vị đạo sư nói trên, trước khi giảng Thiền, Tịnh độ, ba Ngài đều giảng nói một số giáo pháp cơ bản như : Tứ đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, v.v… Điển hình rõ nét HT Thanh Từ giảng thiền tại chùa Vạn Hạnh ở thành phố Santee, California vào tối thứ sáu, khoảng tháng ba, năm 1996. Chính người viết đã đến dự và được nghe Ngài nói: “Trước khi nói về Pháp Thiền, tôi nói đến một số giáo lý”. Hôm đó, Ngài nói Bát Chánh Đạo và Nhân duyên sinh, sau đó mới nói đến pháp thiền và cách hành thiền.

    Với HT Thích Nhất Hạnh, hầu hết Phật tử Việt và Mỹ ở California, mỗi lần về Tu viện Lộc Uyển- Escondido- San Diego, để dự khóa tu, đều được nghe HT Thiền Sư Thích Nhất Hạnh giảng nhiều đề tài giáo lý, sau đó mới nói đến Tịnh độ là đây, từng bước chân tỉnh thức, đối cảnh, đối người tâm trở về thực, an trú trong tỉnh lặng, vân vân…

     Cũng giống như hai vị Thiền sư, hễ mỗi lần có khóa tu Tịnh độ ở bất cứ nơi đâu, Thượng Tọa Thích Ngộ Thông, trước khi đi vào lý thuyết Tịnh độ, Ngài Ngộ Thông thường nói đến một loạt bài Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, Nhân duyên sinh, trí tuệ Bát Nhã…Sau đó mới nói khế lý niệm Phật và hướng dẫn cho đại chúng kinh hành niệm Phật.

      Sở dĩ các vị đạo sư nói chung, trước khi giảng và thực tập Thiền, Tịnh độ, Mật tông, Tâm vô ngã…cho Phật tử. Quý Ngài thường giảng Phật pháp, điển hình như ba vị nói trên, đều có mục đích. Mục đích đó là; làm cho cái Tâm của Phật tử trên bước đường học Phật pháp, thực tập Thiền, Tịnh độ, Mật, Tâm vô ngã luôn được vững mạnh, không bị lay chuyển trước sắc trần. Qua đó cho ta thấy; những bài giáo lý được biểu thị cho những chất liệu xây dựng cái đài sen, cánh sen. Còn cái tâm tu Thiền, Tịnh độ, Mật tông, Vô ngã…chính là Nhụy sen. Đài sen, cánh sen không vững, thì nhụy sen cũng sẽ bị ngả nghiêng bởi tám ngọn gió cảnh trần. Điều này cho thấy, một số hành giả tu Thiền, Tịnh độ… mà còn Sân hận, Si mê, Chấp ngã…

      Như vậy, quý Phật tử các giới, sau khi đọc xong bài Như Thị, hãy đem tâm tư duy về hai vị : Hòa Thượng Hương Nham và vị Sư ở núi xuống, đã được hoát ngộ bởi giáo pháp nào có liên đới với lời nói và trạng thái sân si của ông bán thịt ? Bởi vì, một cá nhân hành giả (Tăng, Cư sĩ) đi tìm cho mình con đường giải thoát bằng cách học nhiều Phật pháp và thực hành ra giữa trường đời, ắt hẳn phải bỗng nhiên hoát ngộ một pháp trong các giáo pháp đã học, đã tu ?

     HÀNH GIẢ GIÁC NGỘ

Bất cứ những hành giả nào có học và thực tập Phật pháp, để tìm cầu cho mình con đường giải thoát, là phải có một lần hoát ngộ. Không hoát ngộ, không thể giải thoát. Sự hoát ngộ của các hành giả trong cuộc đời tu hành, có thể một lần, hay hơn nữa. Nói rõ hơn, có bao nhiêu giáo pháp trong lòng tay của Như Lai, là có bấy nhiêu lần hoát ngộ của những hành giả học và tu tập Phật pháp. Nhưng,tâm thức hoát ngộ, không hạn định thời gian, nơi chốn, rất thình lình, bỗng nhiên, đột xuất gọi là tu nhất kiếp, ngộ nhất thời là như vậy. Hành giả hoát ngộ bởi một giáo pháp nào đó, chứ không ngộ cùng lúc hai giáo pháp, khi bản thân đối diện trước mọi hiện tượng, sự việc, sự cố nào đó đang xảy ra hằng ngày trong đạo, ngoài đời, mỗi mỗi được ăn khớp vào khế lý giáo pháp đã học, đã tu, mà thấy được; như thấy những chiếc lá lìa cành; chiếc rơi xuống gốc, chiếc qua hàng xóm, chiếc bay sang, mà ngộ được đạo lý vô thường. Như thấy con bướm đang uốn mình chui ra khỏi cái vỏ con sâu, mà ngô được đạo lý hóa sanh. Như thấy điển chớp rồi nghe tiếng sấm vang dội trong trời chiều chuyển mưa, mà ngộ được đạo lý  duyên khởi (nhân duyên). Như thấy hành động hung hãn, đanh thép và tiếng nói gắt gỏng của một người đối với một người, mà ngộ được 3 đạo lý sân, si, chấp ngã, Vân vân.   

   Trạng Thái Hoát Ngộ.  Những người học Phật được hoát ngộ rất im lặng, không tuyên bố, nói lên : “Tôi đã được hoát ngộ, ngộ đạo”, tự mình biết lấy. Sau đó, người ngộ đạo tuần tự thay đổi tánh tình…vốn hiền lành, tử tế, lại càng hiền lành, tử tế hơn trước. Thêm một số trạng thái nữa, là ít nói, thường im lặng hơn, (im lặng như chánh Pháp), nếu nói, nói từ tốn đâu vào đó (nói năng như chánh pháp).

    Người học Phật và tu tập, cho mục đích để giải thoát, mà không ngộ đạo, lấy gì để làm hành trang giải thoát ? Người Phật tử được ngộ đạo, đâu phải chỉ có những hành giả tu thiền định, quán chiếu vào nghĩa địa, xác chết để ngộ đạo lý vô thường ! Quán chiếu vào mọi bản thể các Pháp để thấy được, tất cả không tự thể, phải nhờ các duyên giả hợp mới có thân.  Mà ngay cả người làm vườn, như HT Hương Nham đã hoát ngộ sau khi ném miếng mảnh sành, nó văng vào thân cây trúc, phát ra âm thanh kỳ diệu.   

     Người Phật tử thật sự có hoát ngộ, ngộ được bất cứ đạo lý nào đã học qua trong kinh điển, đều Thấy rõ Bốn đối tượng sau đây :

   1- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nói riêng là đấng Cha lành chung của Bốn loài chúng sanh, là bậc Thầy của Trời, Người (Nhân Thiên), các giới trong đạo Phật đều có quyền thờ phượng, lễ bái bất cứ nơi đâu.

       2- Kinh Phật, là, phương tiện giải thoát ra khỏi sinh tử, luân hồi, được Phật dạy chung cho hai chúng Tăng, Cư sĩ và cho những ai trên cõi đời này muốn giải thoát, là phải học, và tu tập.

      3-Chùa, được biểu thị cho cõi tịnh độ chung cho tất cả Phật tử các giới và chư Tăng (một hay trên một) hiện hữu trong vai trò giảng luận kinh điển và hướng dẫn tri hành các giáo vụ văn học, văn hóa ma chay, cưới hỏi. Cho nên mọi người đều có bổn phận tiếp tục sống lục hòa, xây dựng, bồi đắp.

   4- Cõi Niết Bàn. Niết bàn, là cõi không có quốc độ, biên cương, thành vách. Không gian của Niết bàn là tâm. Nói khác hơn, Tâm chính là cõi Niết bàn, khi nào tâm thường hằng trống rỗng, không còn mảy may vô minh, phiền não, ác trược nào cả, như cái thùng bên trong sạch trơn, trắng tinh một màu. Tâm Niết bàn gọi là tâm không, không còn bợn phiền não. Hành giả được có tâm không này, là do tu tập thiền quán, thường quán chiếu bản thân mình là thân 5 Uẩn và mọi bản thể vạn hữu, tất cả đều không tự có, phải do nhiều duyên giả hợp, kết tụ lại mới có. Do vì không tự thể, cho nên sẽ bị hoại diệt bởi định luật vô thường. Thể xác chết đi, chỉ còn lại cái Tâm- Một là Niết bàn, Hai là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Trời, Người, các loài A tu- la. Rồi tự mang theo những thứ Tưởng,(tâm thiện) những thứ Tình (tâm tà) qua cõi Chết. Tưởng nhiều thì siêu lên. Tình nhiều thì bị đi xuống 3 đường Ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

    Người tu tập Phật Pháp chính chắn đều thấy rõ cõi Niết bàn trong tâm, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cũng trong tâm. Tâm có cõi nào lúc sống, chết ra đi theo cõi đó không sai chạy đâu cả. Cho nên ngôi chùa là cửa Không. Phật pháp là phương tiện vào Niết bàn.Tâm người học và tu tập Phật pháp, là tự kiến tạo cho mình cái tâm Không, là Tâm Niết bàn, là cõi Niết bàn không đâu xa. Phật tử nào có tâm Không, chắc chắn sẽ vào  cõi vô sinh, vô tử (Niết bàn). Ai đang có tâm Có (bản chất tham lam, sân, si, vật dục, đố kỵ, ác kiến, chấp ngã… ) sẽ bị vào cõi hữu tử, hữu sanh, hữu luân hồi.

Tâm Niết bàn của hàng Phật tử không phải có liền. Nói theo kinh văn : “Tự giác từng phần (Bồ đề tát đỏa). Nghĩa là mỗi ngày, vài hôm, vài tuần…ta giác ngộ một chân lý nào đó (một giáo pháp), như giáo pháp buông xả, là bỏ mọi ý niệm về nhân ngã, ngã sở một cách thật sự, không hững hờ, qua loa. Những ngày đến, ta lại thực tập giáo pháp khác, như nhẫn nhục trước mọi nghịch cảnh. Cho nên mới nói rằng; giờ phút nào, ngày nào ta xả bỏ tâm chấp ngã…Giờ phút đó, ngày đó ta có Niết bàn. Một khi ta được có tâm Niết bàn, ta phải gìn giữ đừng để mất là uổng lắm ! Hôm nay ta được có Niết bàn do xả bỏ tâm ác kiến, không đố kỵ, nói thầm. Mai ta có tâm Niết bàn do tu pháp nhẫn nhục. Mốt ta có tâm Niết bàn do tu không bè phái, biên kiến, dán nhãn. Ngày tới ta có tâm Niết bàn, do tu pháp bỏ tánh Tham. Sân, Si. Cứ  có tâm giác ngộ (Niết bàn) từng phần như thế một cách không dừng lại, không để mất tâm Niết bàn đã được có. Đến một ngày nào đó, quý vị bỗng nhiên tự cảm thấy mình rất an lạc ở bất cứ nơi đâu, đúng với câu xứ xứ thường an lạc, do tâm xả bỏ hết tất cả, không còn đam mê (yểm ly) xa rời mọi thứ chức quyền, danh vọng, dục lạc cõi đời.

     Để từ bỏ bản ngã, mọi người nên đọc một đoạn văn sau đây : “ Vì quyến luyến người thân, ta bị khuấy động như sóng nước. Vì hận ghét kẻ thù, ta bị thiêu đốt như lửa cháy. Bởi vậy trong bóng tối của sự hổn độn, ta quên bẵng những gì nên làm và những gì không nên làm. Hãy từ bỏ bản ngã. Đấy là pháp hành Bồ Tát Đạo.”(Trích trong  37 pháp Hành Bồ Tát Đạo- của Bồ Tát Vô Trước).

Người Phật tử Việt Nam, không thể không biết đến hằng trăm đạo lý trong Ba Tạng kinh điển Phật, là do Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni chứng đạo, thấy được, nói ra để cứu nhân loại được giải thoát sinh tử, luân hồi, chứ không phải do Phật sáng chế ra. Hằng trăm đạo lý ấy vốn đã và đang có trong vô số bản thể vạn hữu và con người khắp nơi trên vũ trụ.

 

 


Viết tại Am Đường Chiều (Sun Set Trails).

Tháng Tư Bính Thân- May-2016.

Đức Hạnh- Lê bảo Kỳ

( 619) 362 6499 (619) 438-8626

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/04/2019(Xem: 4353)
Sông Mê Kông dài 4.880km và là dòng sông dài thứ tư châu Á sau Trường Giang (6.300km), Hoàng Hà (5.464km) và Ô Bi (5.410km). Sông Mê Kôngdài thứ ba Trung Quốc sau Trường Giang và Hoàng Hà. Riêng thượng nguồn Mê Kông (thuộc Trung Quốc) được coi là kỳ bí, hiểm trở và phức tạp hơn cả thượng nguồn của Trường Giang và Hoàng Hà.
05/04/2019(Xem: 7911)
Liên tiếp cả tháng nay từ ngày đi hành hương miền đất vàng Miến Điện về tuy phần tâm linh của tôi có lẽ tăng trưởng thêm được chút ít vì nhiều bộ kinh luận từ lâu tôi hầu như quên lãng để trên kệ sách mà chưa hề đọc lại lần thứ ba....nay đã được tôi ôn từng trang một cách rất chú tâm, tư duy cẩn thận và rất thích thú ghi lại những điều hữu ích .
01/04/2019(Xem: 6105)
Thời gian thắm thoát thoi đưa, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 40 năm, một thời gian khá dài cho một đời người. Bây giờ thỉnh thoảng gặp lại một vài em học sinh cũ, trong khi nói chuyện, nghe các em than mình đã già rồi. Tôi mới chợt nhớ " nhìn lại đời mình đã xanh rêu" (TCS). Quả thật, tôi đang ở giai đoạn xuống đồi “ down hill “, người ta thường nói: người già hay nhìn về quá khứ, tuổi trẻ hay hướng về tương lai. Thật đúng vậy! Hôm nay, tôi cũng nhìn về quá khứ nhưng với cái nhìn khác, không phải là cái nhìn than thân trách phận, kể lể khổ đau mà là cái nhìn lạc quan về những tình người tươi thắm trong những hoàn cảnh khốn cùng.
17/03/2019(Xem: 4072)
Phần này bàn về cách dùng chên đơng thời các LM de Rhodes và Maiorica sang truyền đạo ở An Nam cho đến thế kỉ XX. Dựa vào một số văn bản, bài viết nhỏ này đề nghị một cách giải thích tại sao chân đăng lại xuất hiện ở mãi tận những hòn đảo thuộc thực dân Pháp ở Thái Bình Dương. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL
11/03/2019(Xem: 3690)
Những Điều Học Được Khi Xem tác phẩm Bát Cơm Hương Tích của TT Nguyên Tạng, Gần đây trong mỗi thời công phu sáng sau khi đảnh lễ đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni theo như một đoạn trong lời ngỏ của Tư tưởng Kinh Pháp Hoa của Cố HT Thích Chơn Thiện mà nó đã in trong trí tôi nhiều năm qua :
11/03/2019(Xem: 3473)
Tôi trở về nơi ấy ...sau ba năm xa cách , có thể nói đó nơi đã xuất phát tôi ....( một con người mới ) sau khi gặp hoàn cảnh nghiệt ngã Nơi đã giúp tôi có những tài liệu tuyệt vời về kinhi luật luận mà không hề ai chú ý , nơi chỉ lo những cuộc ma chay tống táng và hộ niệm nhưng chưa có những buổi pháp thoại nào có thể thỏa mãn những ý tưởng thầm kín và luôn thắc mắc vấn vương từ khi tôi biết tham khảo nhiều kinh điển trên mạng online và kinh sách đã từng sưu tập
06/03/2019(Xem: 3826)
Mỗi lần có cơ duyên được hành hương và chiêm bái các địa danh tâm linh như Tứ Động Tâm, Tứ Đại Danh Sơn, các chùa tại Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan khi trở về lại nhà tôi cảm thấy thật sự mình được thêm ân sủng và nhiều cảm ứng bất khả tư nghì... Và một lần nữa trong chuyến hành hương vừa qua tại mảnh đất vàng Miến Điện, nếu không nhờ sự khuyến khích của TT Thích Nguyên Tạng thì tôi đã chẳng phát tâm một cách dõng mãnh để tường thuật lại hết những điều hay đã học được trong chuyến đi tu học có ý nghĩa này, và tôi đã tự hứa với lòng khi về sẽ nghiên cứu lại tất cả bài viết của Thầy trong nhiều quyển sách đã xuất bản trong những năm gần đây, để học hỏi được từ Thầy những gì mà tôi còn thiếu sót và yếu kém ...
05/03/2019(Xem: 3995)
Dường như niềm vui đến bất ngờ luôn làm cho người ta thích thú và khó quên. Vào một ngày Thứ Sáu cuối tuần rất bận rộn lại đột nhiên nhận được một lần tới 4 tác phẩm do người bạn đem tới tặng. Mở nhanh từng cuốn để xem mặt mũi ra sao thì thấy đó là 4 tác phẩm: Tạp Chí Hoa Đàm Số 5, với chủ đề “Phật Giáo với Dân Tộc”; “Thiền Trong Hành Động,” do Đạo Sinh dịch Việt; “Những Bước Thăng Trầm” do Phạm Kim Khánh dịch Việt; và “Bóng Bay Gió Ơi” của nhà văn Nguyễn Thị Khánh Minh. Tất cả đều được Lotus Media xuất bản vào đầu năm 2019 tại Hoa Kỳ.
03/03/2019(Xem: 10353)
Cuộc đời là một cái chợ khổng lồ đầy xô bồ, hỗn độn mà toàn thể nhân loại đang sinh sống, hoạt động từ ngàn xưa cho đến bây giờ và mãi tận mai sau. Trong đó, con người phải chịu đựng đủ thứ cay đắng, mặn nồng, ngọt bùi, chua chát, đủ thứ khổ nạn, tang thương, đớn đau, hạnh phúc cứ mãi chập chùng, trùng trùng vô lượng, không thể nào diễn tả hết được. Nikos Kazantzakis, đại văn hào Hy Lạp phát biểu :“Con người sinh ra từ một hố thẳm đen tối, đó là tử cung. Con người đang đi đến một hố thẳm đen tối khác, đó là nấm mồ. Khoảng ánh sáng giữa hai hố thẳm đen tối đó, người ta gọi là cuộc sống.”
03/03/2019(Xem: 3781)
Hôm nay là Mùng 10 tháng Giêng, tại VN ai cũng lo cúng và mua vàng vì là ngày Thần tài, nhưng đối với tôi lại là ngày mà tôi nhận được một gia tài Pháp bảo sau khi được TT Trụ Trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng đã từ bi chỉ dạy tôi nên đọc tác phẩm này. Vài Cảm Nghĩ Thô Thiển Của Một Cư Sĩ Tại Gia Khi Đọc Tác Phẩm ĐẠO ĐỨC HỌC PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA Online Của HT THÍCH BẢO LẠC Hội Chủ GHPGVNTNHN Tại UĐL- TTL
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]