Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tưởng niệm Chị Hữu Diệp

24/02/201506:59(Xem: 2641)
Tưởng niệm Chị Hữu Diệp

tuong niem chi diep-2

     

Chị Diệp thương mến,

 

      Em có thói quen cứ những ngày cuối năm thường thích

lật những chồng thư cũ của bạn bè ra đọc lại, thích tìm kiếm dư âm của những chân tình mà các bạn đã ưu ái dành cho em.

      Lá thư của Chị đã gây cho em nhiều bâng khuâng xúc động và ngậm ngùi vô cùng vì đó là những nét chữ kỷ niệm của Chị còn lưu lại trên cõi đời này! Đúng vậy, Chị đã ra đi, bỏ lại đằng sau tất cả những ưu tư phiền muộn của cuộc đời và em đang đọc những dòng chữ của Chị đây.

      Chị đã viết:

 "....Không ngờ sau 50 năm dài xa cách đã tìm lại được nhau và chị mong rằng tấm Carte chị gởi sẽ mang lại cho em, cho tất cả bạn bè một hình ảnh đẹp của tuổi về già, một khi những thăng trầm của cuộc đời và những sôi nổi của lòng ta đã lắng dịu qua tháng năm..."

        Nhưng Chị ơi! Tháng năm không thể làm xóa mờ những ngày thơ mộng, vô tư, hồn nhiên của chúng ta ở Huế, một thành phố cổ kính nhưng không kém phần nên thơ.

        Ngày ấy, em và Chị học chung một trường nhưng không chung lớp: Chị học ban văn chương, còn em ban khoa học. Tuy nhiên thành phố Huế quá nhỏ bé, không quen rồi cũng thành quen, phải không Chị?

      Phần lớn những ngày hoa niên của chúng ta đều gắn liền với trường Đồng Khánh, trường Khải Định; với con đường Lê Lợi lung linh nắng, nay đã trở thành con đường dẫn đưa tới một miền kỷ niệm khắc khoải của biết bao thế hệ thanh niên- thanh nữ Huế. Em nhớ những buổi tan trường ríu rít bên nhau: một, hai, ba...chạy nhanh xuống bến đò Thừa Phủ, có khi xách guốc mà chạy, quần xắn ống lên cao mà lội, mà trèo. Có những lúc vừa đặt chân lên, lòng khấp khởi mừng thầm vì kịp chuyến thì cũng có lúc đò đã quá đầy, chủ đò lại neo giam tại bến. Cả bọn nhìn nhau phân vân, nửa muốn xuống, nửa lại muốn ngồi lì đợi chuyến sau. Bao nhiêu đứa cùng xuôi một đò, cùng sang một bến với tiếng cười nói rộn ràng cả một khúc sông thời thiếu nữ. Thế mà từ giã mái trường Đồng Khánh thân yêu, bước xuống dòng đời, mỗi đứa lại tách về một bến; dầu đục, dầu trong cũng phải đi cho trọn quãng đường đời!

      Chị cũng như em, xong bảy năm trung học, mỗi đứa đi một phương trời, không hề gặp nhau. Vậy mà không ngờ 50 năm sau, em đã gặp lại Chị trong dịp chúng ta cùng trở về tham dự Đại hội kỷ niệm  50 năm ra trường ở Nam California và cũng không ngờ trong chuyến du ngoạn Las-Vegas mấy ngày, em lại được sắp xếp chung phòng với

Chị. Thật quá vui và cảm động! Chúng ta ôm nhau mà nước mắt rưng rưng. Những ngày xa xưa dưới mái trường Khải Định như được sống lại, bao nhiêu chuyện kể cho nhau nghe, 50 năm xa cách, một khoảng thời gian quá dài hơn nửa đời người dầu dãi. Đêm nào chị em mình  cũng rì rầm, không muốn ngủ vì cứ sợ thời gian gần nhau sẽ chóng trôi qua. Chị đã khen em bây giờ chững chạc, duyên dáng và lanh lẹ, chứ không còn là con bé khờ khạo ngày xưa nữa!

      Rồi những ngày vui qua mau, giờ chia tay càng nghĩ càng ngậm ngùi, mỗi người sẽ đi về một phương trời xa tít mù khơi. Thương nhớ vô vàn những giây phút ngắn ngủi bên nhau. Nhưng thôi ngắn ngủi gặp gỡ cũng có điều hay là còn vương vấn, còn luyến tiếc nhớ nhau lâu dài hơn.

     Thôi! cũng xin bằng lòng và xin cám ơn đất trời đã cho chúng ta có những giờ vui hiếm hoi bên nhau, tràn đầy lòng thương yêu.

     Ai cũng có ngày phải nhắm mắt xuôi tay, nhưng em vẫn bàng  hoàng khi hay tin Chị đã ra đi. Em muốn viết về Chị bởi vì em vừa nhận tập thơ "Mây giăng đầu núi" do Thu An- con gái Chị- gởi qua cho em.

        Em đã đọc một mạch tất cả các bài thơ của Chị. Thơ của Chị chất chứa những rung động nhẹ nhàng của tuổi xuân, những ước nguyện lãng mạng, mong manh như tơ trời, như cánh bướm vờn hoa:

 

                      Tôi muốn đời tôi mãi mãi là

                      Nền trời xanh biếc, áng mây qua

                      Chiếc bướm nhởn nhơ màu rạng rỡ

                      Trong bình minh thắm giỡn đùa hoa

                                                       ( Ước Nguyện)

 

     Nhưng lại rất có hậu ở những vần thơ cuối và ước nguyện của Chị đã mỹ mãn trong cuộc đời Chị với một mái ấm gia đình vợ chồng, con cái đề huề thành đạt:

 

                       Tôi ước mùa xuân sẽ chẳng qua

                       Đời tôi tươi đẹp mãi như là

                       Vườn xuân thưa điểm màu sương nhạt

                       Đợi nắng hồng lên đôi nét hoa

                                                          ( Ước Nguyện)

 

      Cả một khung trời Huế bàng bạc trong thơ của Chị, có nắng vàng đổ xuống dốc Nam Giao, có hoàng hôn trên bến Ngự, có những đêm trăng bên hồ sen ngát hương:

                          

                        Nhìn thu vàng đổ nắng dốc Nam Giao

                        Chiều bến Ngự lắng nghe hồn kim cổ

                        Đêm Thượng thành sen ngát đếm trăng sao

                                                               (Tạ Từ)

      Cuộc đời hạnh phúc bên chồng con, nhưng một ngày Chị thảng thốt ngỡ ngàng khi nhận một bài thơ của người bạn đã mất từ 30 năm về trước:

 

                            Năm mươi năm sau tình cờ ta được

                            Bài thơ Anh viết tặng thuở xuân thì

                            Anh đã mất từ ba mươi năm trước

                            Tấm hình hài cát bụi gió bay đi

                                                        ( Tạ Từ )

 

           Chị chỉ còn biết ngậm ngùi:

 

                                Cám ơn Anh đã vì ta yên lặng

                                Tình riêng tư Anh lặng lẽ âm thầm

                                                            ( Tạ Từ )   

 

      Thơ Chị cũng có những hình ảnh chiến tranh, sinh ly, tử biệt, những ưu tư với thời cuộc nhưng không chất chứa hận thù :

 

                           Mười năm đó cuộc đời sao vô vọng

                           Sống dật dờ như bèo giạt mây trôi

                           Mất lý tưởng, thiếu tình yêu và nhân phẩm

                           Đời còn chi lẽ sống của con người

                                                     ( Mười Năm Ở Lại )  

 

       Trong bối cảnh tang thương của đất nước, thật cảm động khi Chị chỉ còn biết mượn vần thơ để nói lên nỗi lòng người mẹ khi tiễn biệt con lên đường vượt biên tìm tự do:

 

                             Tôi ngồi dệt vần thơ

                             Tiễn con đi phiêu bạt

                             Tìm lý tưởng tự do

                             Thỏa ước vọng hải hồ.

                                          ( Tiễn Con )

 

        Và thật não lòng hãy lắng nghe lời tha thiết thương nhớ con của một người mẹ:

 

                            Ta muốn giữ con lại

                            Ôm ấp con vào lòng

                            Nhưng làm sao ngăn được

                            Đôi cánh của chim Hồng?

                                         ( Tiễn Con )

 

      Cũng như lời than thở đoài đoạn, không những của riêng Chị mà còn là lời thống khổ, rên xiết của những hiền phụ đáng thương trong cuộc bể dâu của đất nước:

 

                          Và tổ đâu còn ấm

                          Sau một trận cuồng phong

                          Đôi cánh ta gầy guộc

                          Chống đỡ gió đầu cành!

                                        ( Tiễn Con )

 

     Rồi Chị cũng được sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình. Trải qua bao nhiêu khê của cuộc đời, thấy được sự vô thường, lòng Chị cũng sâu thẳm, lắng đọng. Mấy đêm ở lại Las-Vegas cùng Chị, đêm nào Chị cũng ngồi Thiền cả giờ đồng hồ mới chịu đi ngủ, nên thơ của Chị cũng đượm cả Thiền vị:

 

                          Là những gì có thể giữ trong tim

                          Và mang theo vào thế giới vô biên

                          Làm nhân duyên trong cõi sống u huyền

                          Và gieo rắc duyên lành qua vạn kiếp

                                                (Mây Giăng Đầu Núi )

 

      Nhưng đau thương đã đến với Chị khi Anh đã từ giã cõi đời, niềm đau này không ai chia xẻ nổi, cõi lòng Chị tan nát bơ vơ:

 

                           Rồi người đi, ở lại chỉ mình ta

                           Sống lang thang như một cảnh không nhà

                           Quên năm tháng, quên cả mùa hoa nở

                           Rồi âm thầm than khóc lỡ mùa hoa

                                          ( Chuyện một loài hoa )

 

    nguyen hanh dth  Đó cũng là khi Chị ngẫm đến phận mình. Có ai thoát khỏi vòng sinh tử; " Tám Mươi Năm Nhìn Lại " phải chăng là thông điệp Chị muốn gởi đến tha nhân, đến gia đình, đến những người Chị thương yêu;  dọn mình cho một cuộc ra đi vĩnh viễn. Những vần thơ đó Chị đã viết trong mùa Xuân 2011 và Chị đã qua đời ngày 8- 10- 2014.  Nghĩa là, chỉ hơn 3 năm, 3 mùa Xuân mai vàng còn nhen nhúm trong lòng người cô phụ sau khi Chị đã trải dòng tâm sự cuối cùng, qua những vần thơ cuối cùng. Tất cả cô đọng trong 58 câu, nhưng Chị đã diễn đạt gần như đầy đủ cảm quan về triết lý sinh tử, gia thế, cuộc đời, sự nghiệp, cũng như những khát vọng, ước ao và những thăng trầm trong bối cảnh lịch sử chiến tranh của đất nước qua những tương quan gia đình, xã hội, thời thế... Để rồi hoàn cảnh đẩy đưa phiêu bạt, giong ruổi nơi đất khách quê người; cuối cùng một nhà được đoàn viên, vợ chồng- con cái đề huề, các con thành đạt, tổ ấm xứ người được hồi sinh.

       Chị đã trải tâm sự trên thật minh bạch tiêu biểu qua những vần thơ:

 

- Cảm quan về triết lý sinh tử:

      

                       Tám mươi năm trước ta từ đâu đến

                       Tám mươi năm sau ta sẽ về đâu?

 

     - Gia thế:

 

                       Ba làm quan nhỏ, lại rất thanh liêm

                       Trọng đạo Thánh Hiền, cửa nhà thanh bạch.

 

       - Cuộc đời, sự nghiệp và hoài bão:

 

                      Vốn thích văn chương, học kèm môn xã hội

                      Mong sau này có cơ hội cứu tế thương sinh

                      .......

                      Hai mươi tám tuổi lập gia đình với người bạn cùng quê

                      Đi du học lâu năm nay cũng mới trở về

                      Người đã từng chung hoài bão đơn sơ

                      Và đã từng chia những mộng mơ thời mới lớn.

                     

     - Bối cảnh lịch sử:

             

                       Mười năm ở lại, nhịn nhục qua ngày

                       Như xác chết chưa chôn giữa bầy lang sói.

     

       - Hải ngoại:

 

                      Cũng may đưa được các con đến bến đến bờ

                      Vừa kịp thời gian để học xong đại học

                      Trên miền đất mới cuộc sống đã hồi sinh.

 

      Có thể nhận thấy sự mãn nguyện của Chị với cung cách khiêm nhường qua vai trò người vợ, người mẹ, người đàn bà trong xã hội:

 

                         Tám mươi năm nhìn lại cũng tạm an tâm

                         Đã cố gắng hết mình song còn nhiều thiếu sót

                         Làm vợ thảo mẹ hiền cô giáo tốt.

 

      Nhưng bên cạnh đó vẫn có những ưu tư, khắc khoải cho thân phận đàn bà, bổn phận đối với gia đình, xã hội và đất nước:

 

                        Trả nợ cuộc đời như vậy đủ hay không?

                         Quốc phá gia vong thất phu hữu trách

                         Là nữ lưu sao chẳng phải bận lòng

                          Việc nhân quần xã hội chẳng lo xong

 

      Để cuối cùng Chị chỉ còn cách gởi tâm tư, nỗi niềm qua những áng thơ:

 

                     „ Đành lưu lại vài vần thơ làm duyên nợ.“

 

     Bây giờ thì Chị đã vỗ cánh bay xa, không còn phiền muộn, luyến lưu gì ở cuộc đời này nữa phải không Chị?

 

                      Hành trang nhẹ và cõi lòng thanh tịnh

                      Nơi thênh thang thanh thản ta quay về.

                                   ( Tám Mươi Năm Nhìn Lại )

 

     Thôi nhé, xin Chị hãy yên nghĩ, Chị đã bước qua hết mọi hệ luỵ ưu phiền, mọi đau thương khắc khoải để trở về miền viên miễn.

        Là Phật tử, em thường tự an ủi rằng con người nằm trong chu kỳ sinh diệt của vạn vật, sự mất mát là khởi đầu cho sự tái tạo như mùa Đông ảm đạm rồi sẽ qua đi để mùa Xuân tươi thắm lại trở về. Em tin rằng vòng luân hồi nhân quả của sự sống và sự chết giống như những bông hoa tàn rụng rồi lại hé nở để đón chào một bình minh tươi sáng hơn.

      Cũng như quan niệm cổ Ai Cập không có sự hủy diệt, sự mất mát, sự chết chóc mà chỉ là sự chuyển tiếp sang đời sống mới đến một thế giới khác với hành trang chuẩn bị cho cuộc hành trình miên viễn là niềm tin, hy vọng một ngày mai tất cả đều tốt đẹp.

      Nhưng Chị ơi! Dẫu biết vậy, sao lòng em vẫn dấy lên một nỗi u hoài:

 

                      Gió lạnh đông về, người thiên cổ

                      Lệ sầu khóe mắt khóc chia ly.

 

                                            München, tháng 12- 2014

                                       Hoàng Thị Doãn    







 

   

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 10624)
Hằng năm cứ mỗi độ cuối đông, toàn thể Phật giáo đồ trên khắp năm châu bốn bể, đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo (vào ngày mùng tám tháng mười hai âm lịch).
08/04/2013(Xem: 1675)
Nếu như những suy nghĩ dưới đây không được hiểu theo nghĩa tích cực, trong sáng thì hãy xem như nỗi oan ức như chính thiện ý việc tổ chức cuộc "Tuyên Dương Công Đức" (TDCĐ) Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo nhân Phật Đản 2544 vừa qua, đã không tròn vẹn tâm nguyện, tình ngay mà lý không thuận.
04/04/2013(Xem: 6627)
Hôm nay là ngày sám hối lệ. Tất cả các Phật tử đến đây tụng kinh, nghe thuyết pháp và hành thiền. Đây là chương trình tu học mỗi tháng hai kỳ vào ngày 14 và 29 Âm lịch cho cư sĩ. Những bậc xuất gia có 2 ngày là 15 và 30 hàng tháng để làm lễ sám hối.
03/04/2013(Xem: 3374)
Quán trọ là nơi tạm dung của người xa xứ. Hầu hết chúng ta là những người đang sống lưu vong và các quốc gia định cư, trong ý nghĩa nào đó cũng mang tính chất của một quán trọ bên đường. Tâm cảm nầy không phải duy nhất cho người Việt nam mà hầu hết di dân, nhất là người tị nạn khắp nơi trên thế giới đều chia sẻ trạng thái tâm lý nầy. Enrico Marsias, ca sĩ Pháp gốc Hi Lạp, đã mô tả tâm trạng nầy thật tuyệt vời qua bài hát Adieu Mon Pays:
02/04/2013(Xem: 4181)
Tôi được nghe nhiều người truyền tụng ngợi ca Trung niên thi sĩ từ lâu lắm rồi, dần dần tôi làm quen tìm đọc thơ của bác, lúc còn làm chú tiểu ở chùa Tường Vân-Huế.
01/04/2013(Xem: 8151)
Sư trưởng Như Thanh đã sáng tác, biên soạn và dịch thuật khoảng 20 tác phẩm Phật học.
01/04/2013(Xem: 2013)
Tôi đang đọc một bài thơ thì có tiếng gõ cửa. Người bạn đạo đến thăm như đã hẹn. Chắp tay xá nhau xong, tôi sẵn trớn, đọc luôn hai câu cuối.
01/04/2013(Xem: 16108)
Truyện Kiều (thơ)
29/03/2013(Xem: 2361)
Khi tơi đang dịch “Nhân Kiếp và Tai Kiếp” (Human Life And Problems, do hịa thượng tiến sĩ K. Sri Dhammananda) vào giữa tháng 09/2001 tại Toronto thì bất ngờ được biết thầy Thích Tâm Quang bên Mỹ đã dịch xong với tựa đề là “Các Vấn Đề Của Xã Hội Hơm Nay” (web www.budsas.org)
29/03/2013(Xem: 2802)
Trong một bài viết về tác phẩm nước non Bình Định (viết tắt NNBĐ) của Quách Tấn, cố học giả Nguyễn Hiến Lê có nói rằng, ông vốn rất mê các cửa biển miền Trung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567