Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Theo Tiếng Vọng Thanh Âm Cuộc Lữ

06/02/201407:23(Xem: 13831)
Theo Tiếng Vọng Thanh Âm Cuộc Lữ

Thanh_Am_Cuoc_Lu


Theo Tiếng Vọng Thanh Âm Cuộc Lữ

Của Nhà Thơ Hàn Long Ẩn

Huỳnh Kim Quang


Con người tiếp cận, cảm thọ và nhận biết cuộc đời và thế giới chung quanh qua sáu phương cách như mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, và thức nhận biết các pháp. Trong sáu phương cách đó, trừ thức là phương cách không cần trực tiếp với đối tượng ngoại giới, thì tai nghe tiếng là tiện lợi nhất, bởi vì tai có thể nghe được tiếng từ rất xa và không bị ngăn ngại nhiều như bốn cách còn lại kia.

Cũng chính vì vậy mà khi đức Phật nhờ chọn pháp tu tiện lợi cho đại chúng trong pháp hội Thủ Lăng Nghiêm, Bồ Tát Đại Trí Văn Thù không ngần ngại chọn ngay pháp môn nhĩ căn viên thông của Bồ Tát Quán Thế Âm. Nhĩ căn viên thông là nghe thấu suốt các thứ tiếng của vạn vật bên ngoài, như tiếng người, tiếng thú, tiếng yêu, tiếng ghét, tiếng khổ, tiếng vui; rồi tiếng từ nội tâm bên trong, như tiếng tham, tiếng sân, tiếng si, và cả đến tiếng vô thanh nữa. Tất cả những thứ tiếng đó đều là thanh âm của cuộc lữ.

“Người cưỡi gió qua bờ sông sanh tử

Nghe thanh âm vang vọng ở quanh mình

Có tiếng khóc vô thanh sầu cuộc lữ

Giọt lệ buồn khép chặt mộng bình sinh…”

(Hàn Long Ẩn, Thanh Âm Cuộc Lữ)

Diện mạo của quán trọ cuộc đời và thân phận của khách lữ hành muôn đời vẫn thế, vẫn là vòng xoáy sanh tử chập chùng và nỗi buồn da diết, dù cho lữ khách chỉ ghé qua một lần hay trở lại cả ngàn lần thì cũng thế. Cho nên, đức Phật mới dạy rằng đời là khổ. Và nhà thơ Lý Bạch đã có lần thốt lên:

“Sinh vi quá khách

Tử vi quy nhân

Thiên địa nhất nghịch lữ

Đồng bi vạn cổ trần.”

(Sinh là khách qua đường, chết là người trở về, trời đất là quán trọ, cùng thương xót hạt bụi ngàn năm.”

Cảm nhận về thanh âm cuộc lữ là thế, và ai cũng có thể cảm nhận được, chỉ là cạn hay sâu, bi lụy hay tự tại thì còn tùy căn cơ và hoàn cảnh từng người. Nhưng mang thanh âm cuộc lữ vào thế giới ngôn ngữ thi ca thì không phải dễ. Khó ở chỗ là làm sao không đánh mất, không làm phai nhạt bản chất nguyên sơ của thanh âm cuộc lữ trong cõi ngôn ngữ thi ca, để cho người đọc cảm nhận như chính họ đang sống thực với thanh âm cuộc lữ ngoài đời. Muốn được vậy thì nhà nghệ thuật phải có đủ bản lãnh biến ngôn ngữ thi ca thành chính thanh âm cuộc lữ như thực. Nhà thơ Hàn Long Ẩn đã làm được điều đó một cách tuyệt vời.

Thật ra không có tiêu chuẩn khách quan nào cho bài thơ hay. Cùng một bài thơ có thể có nhiều cảm nhận khác nhau tùy theo người đọc. Điều quan trọng không thể thiếu nơi một bài thơ là cái chất rung cảm lòng người của nó, giống như khi những ngón tay lướt trên phím đàn thì cung bậc rung lên thành âm ba vi diệu chạm đến tận đáy sâu tâm thức người nghe.

Bốn mươi tám bài thơ trong tập Thanh Âm Cuộc Lữ của nhà thơ Hàn Long Ẩn là bốn mươi tám cung bậc làm rung động lòng người khi chạm đến. Tôi đã trải qua cảm nhận lý thú này khi đọc đi đọc lại bốn mươi tám bài thơ của nhà thơ Hàn Long Ẩn trong tập thơ Thanh Âm Cuộc Lữ.

Quả thật vậy, đọc bài nào trong bốn mươi tám bài thơ của tập thơ Thanh Âm Cuộc Lữ, tôi cũng nghe vang lên âm ba của cuộc tồn sinh. Bốn mươi tám bài thơ trong tập Thanh Âm Cuộc Lữ chuyên chở đầy đủ những thanh âm của cuộc đời, từ tiếng khóc đến nụ cười, từ tình mẹ, tình yêu, tình người, tình đạo, đến tiếng nói trước khi giã từ cuộc chơi. Những thanh âm ấy không đơn điệu hay dập dìu một cung bậc mà biến hóa vô lượng, có lúc trầm xuống tận vực sâu của cuộc đời khổ lụy, có khi cao vút đến cõi bao la không cùng của tâm linh giải thoát. Xin hãy đọc bài thơ Thanh Âm Cuộc Lữ để nghe âm ba của cuộc đời ra sao.

Thanh Âm Cuộc Lữ

Người cưỡi gió qua bờ sông sanh tử

Nghe thanh âm vang vọng ở quanh mình

Có tiếng khóc vô thanh sầu cuộc lữ

Giọt lệ buồn khép chặt mộng bình sinh

Và đâu đó nụ cười chưa hé nụ

Bỗng vụt tan trên khóe miệng rưng rưng

Ai gào thét trong đêm dài lịch sử

Là hồn ma hay tiếng gọi non sông?

Những giai điệu phù du kiếp sống

Mãi dật dờ trong máu óc tim gan

Ta chối bỏ trần gian ảo mộng

Mà vẫn nghe...

Ray rứt...

Bến trăng ngàn...

Dù biết thanh âm cuộc lữ chỉ là giai điệu phù du của kiếp sống, nhưng một khi đã qua bờ sanh tử thì không thể nào xem như không, bởi lẽ trên bình diện tục đế, các pháp chẳng phải hoàn toàn không, giống như người nằm mộng thì cảnh trong mộng vẫn là thực. Bài thơ Như Vết Chim Bay trong Thanh Âm Cuộc Lữ nói lên ý nghĩa này.

Như Vết Chim Bay

Từ vô thỉ ta về trong cõi tạm

Thở hơi người mơ một giấc mơ chung

Rồi lặn ngụp trong vũng sầu ảo não

Nụ cười đâu mà giọt lệ khôn cùng?

Ừ, cuộc mộng, vì đời không thực có

Ừ, trần gian, dâu bể chẳng phải không

Tay xếp lại niềm chung riêng một xó

Thả hồn mình lơ lửng giữa mênh mông.

Ta tự ví tấm thân này bé bỏng

Đến và đi như những vết chim bay

Còn lại gì bên dòng sông tĩnh lặng?

Mộng trăm năm là mộng giữa ban ngày.

Có thể chúng ta đã biết cuộc đời này là mộng, nhưng trong cuộc sống thường nghiệm thì chúng ta lại hành xử như mọi thứ đều là thực. Chẳng phải vậy sao? Chúng ta luôn luôn chạy theo sự thôi thúc của tham, sân, si, cho nên, được thì mừng, mất thì khổ, khen thì vui, chê thì ghét… Nguyên do cũng vì chúng ta cho rằng được, mất, khen, chê đó là thực, không phải mộng. Nhưng thực ra tất cả đều là mộng, bởi vì “Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán.” Đó là lời Phật dạy trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Tại sao chúng ta đang thức, đang tỉnh táo như thế này mà bảo là mộng? Tại sao chúng ta đang sống trong cảnh thực, biết đói để ăn, biết khát để uống, biết đau, biết buồn, biết khổ, biết tối ngủ và sáng thức dậy, mà bảo là mộng? Như thế phải chăng chúng ta đang nằm mộng giữa ban ngày? Đó là công án lớn của đời người.

Vậy thì thanh âm cuộc lữ là gì trong cõi mộng trăm năm này? Xin hãy nghe nhà thơ Hàn Long Ẩn gõ nhịp ngôn ngữ thi ca mà hát nghêu ngao trên đỉnh cô phong thì sẽ rõ.

Hát Trên Đỉnh Cô Phong

Cất tiếng hát trên Cô Phong tuyệt đỉnh

Dắt mây về hội tụ giữa ngàn sao

Ta nhấn giọng gọi mùa thu trở lại

Chiếc lá nào bay chấp chới trên cao.

Nghêu ngao hát mà Tào Khê cuồn cuộn

Gánh phồn hoa, ôi sinh tử triền miên

Thì xin hỏi cọng lau bên bờ suối

Cuộc đi này còn dâu bể chung chiêng?

Đi đi nữa cho dài thêm cuộc lữ

Hát hát lên vang vọng bản trường ca

Dẫu ngày tháng vẫn hanh hao niềm cũ

Cõi ân tình đọng mấy giọt sương sa.

Ta làm kẻ tiều phu quên ngày tháng

Hát rong chơi bên dốc đá rừng cây

Từ hố thẳm dội lên lời âm vọng

Bản lai về diện mục ở đâu đây!

Cõi ân tình mà cũng chỉ là mấy giọt sương sa thì ngôn ngữ thi ca sao không phải là âm vọng dội lên từ hố thẳm! Hố thẳm là phạm trù triết lý vừa chuyên chở ý nghĩa của bản thể học, vừa mô tả diện mạo đích thực của hiện tượng luận mang sắc thái hiện sinh mà một thời làm sôi động sinh hoạt văn học nghệ thuật trên trường thế giới, và cũng vừa minh họa thực tướng vô tướng của vạn hữu bằng ngôn ngữ loài người. Một khi đã nghe tiếng vọng từ hố thẳm thì khách lữ hành không còn cách xa mấy với bản lai diện mục rồi. Có lẽ vậy. Mà biết đâu chừng ngay dưới chân của gã tiều phu quên ngày tháng kia lại chẳng là bản lai diện mục!

Trong cõi nhân gian tương đối, có con đường nào mà không dẫn đến điểm tận cùng, cũng như có cuộc sống nào mà không là sinh, già, bệnh, chết. Cuộc lữ ra đi trong cõi tử sinh mộng ảo rồi cũng có lúc phải quay về. Với nhà thơ Hàn Long Ẩn, cuộc lữ là cuộc chơi. Vốn biết là cuộc chơi cho nên, nhà thơ rất thản nhiên tự tại từ lúc đến cho tới lúc đi.

Lúc đến thì:

“Từ vô thỉ ta về trong cõi tạm

Thở hơi người mơ một giấc mơ chung.” (Như Vết Chim Bay)

Còn lúc đi thì:

“Trước khi về huyệt mộ hoang

Gửi nhân gian lại mấy hàng cho vui

Ừ thôi, là thế! Cuộc chơi

Ta yên ngủ giữa trùng khơi gió ngàn.” (Trước Khi Về)

Chắc hẳn đó chỉ là lời dự tri cho hành trình của cuộc lữ mà chưa là đích đến hiện thực, vì nhà thơ Hàn Long Ẩn còn trẻ lắm và Thầy còn tiếp tục làm thơ cho chúng ta đọc.

Mấy lời tán dương và cảm tạ nhà thơ Hàn Long Ẩn đã cống hiến cho nền thi ca Việt những bài thơ hay.

Xin trân trọng giới thiệu cùng người đọc tập thơ Thanh Âm Cuộc Lữ của nhà thơ Hàn Long Ẩn.

Cali, những ngày vào đông 2012.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/03/2014(Xem: 9921)
* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.
01/03/2014(Xem: 8556)
Sau mấy ngày họp mặt tại Hamburg, 8 chị em chúng tôi kéo nhau về chùa Viên Giác, Hannover vào chiều ngày 15.02.2014 để dự lễ Rằm Tháng Giêng và lễ ra mắt sách "Những Cây Bút Nữ 2" theo chương trình của Hòa Thượng Phương Trượng đã ấn định. Chúng tôi được ĐĐ. Thích Hạnh Lý xếp cho 3 phòng ngủ đặc biệt ở Tây Đường. Sau chuyến hành trình với nhiều hành lý cồng kềnh, nên đêm đó 8 chị em chúng tôi đã tìm được một giấc ngủ bình an.
30/01/2014(Xem: 3351)
Chúng ta ai cũng có khả năng hồi phục năng lượng, nhưng làm thế nào để duy trì khả năng này. Khả năng hồi phục là khả năng lấy lại quân bình từ những thăng trầm của cuộc sống. Bạn đã từng hồi phục như thế nào?
29/01/2014(Xem: 5176)
Không biết trong bảng tử vi của anh Năm Nhiều có phải “Mệnh thân có tử vị cư Mão Dậu gặp Kiếp Không” hay sao mà đời anh lại gắn liền quá mật thiết với sự cung kính dường đó. Phải chứng kiến sự sắp đặt quy mô của bàn thờ nhà anh mới thông cảm được phần nào sự an bài bất khả kháng của Hóa công. Nhà nhỏ lợp tranh đã cũ mèm, gần nát vụn ra và vách đất. Nền nện đất, nứt thủng ở nhiều chỗ. Hai cái cửa sổ lùa và một cửa ra vào bị mái che thấp xuống nên ánh sáng vào quá ít. Nhà thành ra tối hùm hụp suốt ngày. Tôi chưa hề nghe một ngọn gió nào thổi ngang qua đây nên ngồi trong nhà thì phải ngửi mùi hôi thối cố hữu của ngôi nhà, mùi hôi lưu lại từ ngày mẹ anh còn bán nước mắm, dầu lửa,
29/01/2014(Xem: 3945)
Chiều hôm ấy khi đi học về, An thấy trên ven mép sân vừa trồng một hàng cúc vạn thọ. Mừng quá, An không kịp bỏ mũ sách, nhảy tuốt ra nhà sau tìm chú Ba. - Chú Ba ơi! Chú Ba! Chú trồng vạn thọ hả chú? Gần tới Tết rồi hả chú Ba?
23/01/2014(Xem: 12783)
Nhân Sinh Nhật 65 tuổi Tây (1949 – 2014) tức 66 tuổi Ta của Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác, sáng lập Chủ Nhiệm Báo Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc; và kỷ niệm 50 năm xuất gia (1964 – 2014); đồng thời cũng để kỷ niệm 35 năm Báo Viên Giác (1979 – 2014), chúng con/chúng tôi sẽ thực hiện số báo đặc biệt Viên Giác 201, phát hành vào tháng 6.2014, với chủ đề: Hòa Thượng Thích Như Điển – 50 Năm Xuất Gia và Hành Đạo
21/01/2014(Xem: 17922)
Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu.
06/10/2013(Xem: 65188)
Trước khi Sài Gòn sụp đổ, tôi đã có một thời gian dài sống tại Lăng Cha Cả, gần nhà thờ Tân Sa Châu. Để đến được trung tâm Sài Gòn, từ Lăng Cha Cả phải đi qua những con đường Trương Minh Ký – Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sĩ). Ở đoạn chân cầu Trương Minh Giảng có một cái chợ mang cùng tên và sau này
22/09/2013(Xem: 15125)
Bản Tin Khánh Anh
19/09/2013(Xem: 24363)
Không biết tự khi nào, tôi đã lớn lên trong tiếng chuông chùa làng, cùng lời kinh nhịp mõ. Chùa An Dưỡng (xem tiểu sử), ngôi chùa làng, chỉ cách nhà tôi chừng 5 phút đi bộ. Nghe Sư phụ kể lại, chùa được xây dựng vào khoảng từ 1690 đến năm 1708, do công khai sơn của Hòa Thượng Thiệt Phú, người Tàu sang Việt Nam truyền giáo cùng với các thiền sư khác. Trong chuyến đi hoằng pháp vào đàng trong, Ngài đã xây dựng ngôi chùa này. Chùa nằm trên một khu đất cao nhất làng, quanh năm bao phủ một màu xanh biếc của những khóm dừa, những lũy tre làng thân thương.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567