Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thế giới của Năm Nhiều

29/01/201420:14(Xem: 6919)
Thế giới của Năm Nhiều

hoa_mai_3
Không biết trong bảng tử vi của anh Năm Nhiều có phải “Mệnh thân có tử vị cư Mão Dậu gặp Kiếp Không” hay sao mà đời anh lại gắn liền quá mật thiết với sự cung kính dường đó. Phải chứng kiến sự sắp đặt quy mô của bàn thờ nhà anh mới thông cảm được phần nào sự an bài bất khả kháng của Hóa công. Nhà nhỏ lợp tranh đã cũ mèm, gần nát vụn ra và vách đất. Nền nện đất, nứt thủng ở nhiều chỗ. Hai cái cửa sổ lùa và một cửa ra vào bị mái che thấp xuống nên ánh sáng vào quá ít. Nhà thành ra tối hùm hụp suốt ngày. Tôi chưa hề nghe một ngọn gió nào thổi ngang qua đây nên ngồi trong nhà thì phải ngửi mùi hôi thối cố hữu của ngôi nhà, mùi hôi lưu lại từ ngày mẹ anh còn bán nước mắm, dầu lửa, dầu phộng, cốm kẹo, thuốc hút… Mùi hôi ấy như phát xuất từ nền nhà, từ xó kẹt ghế bàn, từ vách đất. Những bàn tay dính nước mắm, dính mồ hôi đã bôi quẹt qua lại lên vách nhiều lần trong nhiều năm, nên vách cứ láng bóng lên nhất là ở những chỗ thường qua lại. Cả gian nhà chính chỉ kê một bộ ván, còn bao nhiêu chỗ dành cho ghế thờ. Ghế lớn đặt ở dòng giữa. Một bộ lư đèn ngự ở đây, toàn bằng gỗ trắc đánh bóng lên nước. Trước ghế kê cái bàn. Ngày thường, đó là nơi đặt kỷ trà để tiếp khách. Đến ngày giỗ chạ thì trên sắp bày những xôi chè, canh thịt… Một cái ghế tương đối nhỏ hơn kê ở bên tay phải, sau bộ ván. Cũng lại một bộ lư đèn bằng gỗ. Trên đầu thêm một cái khám thờ ông táo. Hai mẹ con dường như chưa đồng ý về điểm này. Tính Năm Nhiều ít nói và hay nhường nhịn. Vả lại, ông Táo thì cũng đáng sợ như ông Địa nên anh chưa dám cả tiếng truất phế.

Thôi thì thờ ai cũng được. Hơn nữa, nhà có lắm trẻ nhỏ mà theo lời truyền thì ông Táo lại thích quở trẻ con, hay bắt chúng nóng vặt. Thấy mẹ và anh nhân nhượng nhau, chị Của em út của anh Năm Nhiều mượn ngay nơi đó để thờ “các đẳng”. Chị buôn bán dang, mây, hom nứa từ chợ Lùng chở về nên phải luôn luôn vái các đẳng phù hộ. Không có chỗ nào dành cho chị hết nên chị phải mượn tạm cái khám. Vả lại đặt vẻn vẹn một nải chuối và cắm một cây hương thì chỉ có chỗ ấy là tiện lợi hơn hết. Đã tránh được sự chỏn vẻn, trơ trọi mà được nơi kín đáo cần thiết cho nải chuối kịp chín. Đặt ở ghế dưới thì không yên được với lũ trẻ nhỏ. Chúng nó đòi ăn và có gan dám bẻ trộm lắm.

Khi đã đặt vấn đề chiếm hữu nơi cái khám thì lẽ tất nhiên là hai dòng bàn thờ cũng phải quy định thuộc phần ai. Mẹ anh phụ trách việc cúng kính từ hồi cha anh mất. Lúc bấy giờ anh mới lên năm. Tính bà xuề xòa nên bà nghĩ rằng ai cũng xuề xòa như bà, kể cả các vị tổ tiên khuất mặt cũng vậy. Thành ra dù giỗ ông nội, bà nội, ông cố, bà cố hay cha Năm Nhiều, bà cũng chỉ sắp đồ cúng ở bàn thờ lớn. Vừa rộng rãi, vừa dễ đi lại. Bàn thờ nhỏ do đó mà chịu ế sốt cả thời kỳ bà cầm quyền. Kịp đến khi Năm Nhiều thay bà giữ quyền tế tục thì Năm Nhiều tổ chức có lề lối hơn. Bàn thờ nhỏ dành riêng cho cha anh. Bàn thờ lớn dành cho tất cả các vị tổ tiên khác. Để phòng ngừa mẹ lộn xộn, anh lấy khuôn hình của cha anh vốn treo trên vách đem dựng vĩnh viễn trên ghế nhỏ. Hình chụp cha anh đội mũ chào mào, áo quần lính tập thắt nịt da to và bắp chân quấn xà cạp. Để tỏ sự tột độ nghiêm trang, ông cụ giơ tay mặt lên ngang trán chào theo kiểu nhà binh.

Ông cụ đi lính mộ và hình như chết ở Mac xây, bên Pháp (chi tiết này tôi nghe cha tôi kể lại). Mẹ Năm Nhiều thì chỉ nhớ chắc chắn là ông cụ chết ở bên Tây, còn địa danh đích xác thì cứ vài năm bà lại đổi một lần. Trí nhớ của bà không được mẫn nhuệ. Ngay cái tên làng Định Trung, ấp Phong Nhiêu là nơi bà sống trên năm mươi năm rồi mà đố bà có nhớ nỗi. Ai hỏi bà ở đâu thì chắc chắn là bà chỉ trả lời được rằng “Ở Soi giữa”. Vậy thì cứ chừng vài năm ông cụ Năm Nhiều lại phải vì bà mà thay đổi chỗ chết một lần. Ban đầu thì đúng là Mac xây rồi, rồi Mặt xây, rồi Xây mặt… cho đến một hồi nào đó sáng kiến của người chinh phụ này cùn đi, năng lực biến chế của bà cạn đi và bà nói liều: “Chẳng biết chết ở cái xứ Xây xây gì đó. Có cái hình của ổng kia kìa”. Cái hình ấy nay đã vàng và bong đi mất nhiều mảng ở quanh rìa. Và theo sự phối trí mới của Năm Nhiều thì bây giờ nó được ngự trị trên bàn nhỏ. Quả tình Năm Nhiều có năng lực tổ chức thật. Mọi sự cúng kính được điều hành có trật tự, ngoại trừ cái khám còn đang ở dưới chế độ cộng đồng tương đối bất ổn.

Vừa hoàn thành tổ chức quản trị mới thì Tết đến . Đây là dịp thử thách tài của Năm Nhiều. Ngày 24 tháng chạp sau khi sang dẫy mả giùm cho nhà tôi xong, anh vay mẹ tôi hai giạ nếp và năm mươi đồng. Hẹn sang mùa tháng ba trả. Hăm chín tháng chạp nhằm chợ Phiên Thành, anh mua vác về một tấm bức thờ bằng giấy trên viết một chữ thọ thật to ở giữa và hai bên viết hai câu đối. Bức đó để treo trên vách nơi bàn thờ tổ tiên. Bốn bức khác nhỏ hơn vẽ hình chim hạc, chim phượng, hoa sen, hoa mẫu đơn.. treo ở bàn thờ cha anh. Với mấy bức vẽ màu chói chang lòe loẹt, ngôi nhà anh sáng hẳn ra tươi vui như có hội. Mấy đứa cháu, con chị Của cứ thập thò đứng nhìn làm quẩn cả chân anh.

Khi cắm những cành bông điệp vào lọ độc bình, bông điệp hai màu vàng và đỏ, anh xin ở nhà Trùm Diếc, thì anh vừa lẩm bẩm trong miệng “Đông hoa, Tây quả…”. Đông hoa, Tây quả thì tôi hiểu rồi. Đã có lần anh giảng cho tôi nghe rằng cái lọ cắm hoa và cái cỗ bồng sắp chuối không phải muốn đặt ở chỗ nào trên bàn thờ cũng được, mà đã có kinh điển quy định rồi. Lọ hoa thì phải đặt ở hướng Đông và cỗ bồng chuối thì ở hướng Tây. Hỏi: còn “Đông bình Tây hộp hương” nghĩa là sao thì anh đánh trống lãng không trả lời. Tôi thật không ngờ việc xếp mấy món đồ thờ nói chi đến việc tế tự to lớn mà cũng khó khăn bí hiểm đến có thể làm cho Năm Nhiều lúng túng. Đã vậy mà lại không có một quyển tự điển nào về nghi lễ để tra cứu, nên trên bàn thờ của Năm Nhiều đành thiếu một bình và một hộp hương. Tuy vậy, tôi cho rằng anh đã cố ý đền bù chỗ thiếu sót này bằng một cỗ bồng rất đỗi phong phú, xếp đến bốn, năm tầng nải chuối, hai tầng trái quýt, một trái bưởi to và mấy chùm mận, thế mà vẫn giữ được thăng bằng, kể cũng đã khéo tay.

Tối 30 và ngày mùng một, mùng hai, bàn thờ đầy ắp những lễ vật, đèn nến sáng choang. Cái khoảng trống còn lại trước dãy ghế, đầy những người: bà mẹ Năm Nhiều, Năm Nhiều, chị Của và bốn đứa con chị Của. May mà Năm Nhiều chưa lấy vợ nên trong cái khoảng hẹp ấy còn có chỗ để tránh nhau. Tôi thấy không khí nơi đây quả thật là ấm cúng đặc biệt. Mà nào có cần phải đẹp đẽ sang trọng? Mẹ anh thì già lẩm cẩm, gầy mỏng như cái lá sả và đôi mắt lèm nhèm. Một cái miệng quá rộng trên khuôn mặt quá dài. Miệng đó không phải là dấu hiệu của sự hòa mục. Chị Của thì lùn và đen. Đôi con mắt nhỏ, loại tinh ranh vặt. Mấy đứa con của chị thì mặt mũi chẳng mấy khi sạch sẽ. Ngoại trừ con Lượm tám tuổi có đủ áo quần, còn thì thằng Khá sáu tuổi, con Khen năm tuổi, con Mùi hai tuổi đều chỉ mặc một cái áo còn quần thì mẹ chúng hẹn để sang năm. Đó là vào những ngày tự ngày Tết, những ngày lạnh mùa đông. Còn thì quanh năm, ba đứa ở trần như ba con heo nhỏ.

Sự lẩn quẩn của từng ấy người trong khoảng quá hẹp, dù vậy, vẫn không bực mình ông thầy tế tự là Năm Nhiều. Một người cậu nào khác sẽ ghét hết sức bốn đứa nhỏ đang lườm lườm hoặc lén lút nhìn mấy dĩa thức ăn bày trên bàn. Chúng không có kỹ thuật ngụy trang nên sự thèm ăn được biểu hiện một cách lộ liễu, có thể gọi là trắng trợn nữa. Năm Nhiều làm như không để ý đến sự biểu diễn khiếm nhã đó. Anh xoa đầu một đứa và cất giọng ôn tồn nói:

- Đi xuống dưới chơi. Đừng có hỗn. Để lát nữa dọn xuống đã.

Đứa bé được xoa đầu lặp lại lời anh, rủ ba đứa kia cùng đi xuống, nhưng rốt cục chẳng đứa nào đi xuống hết. Và thế là cả bảy người lại lộn vào trong cái khoảng hẹp.

Đã nhiều lần tôi đứng ở cửa sổ nhìn vào cái khung cảnh ấm áp bề bộn đó và tôi so sánh với nhà tôi. Nhà tôi quá rộng có từng ngăn từng phòng thành ra dù trên bàn thờ có chưng bộ tam sơn ngũ sự đồ sộ, đèn nến sáng choang, hương trầm nghi ngút mà tôi vẫn cảm thấy lạnh lẽo trang nghiêm làm sao. Ngày Tết, mẹ tôi mua sắm bận rộn đủ thứ nhưng vì thứ nào cũng có chỗ cất dọn ngăn nắp thành ra tôi vẫn không thấy vui mắt bằng căn nhà của Năm Nhiều. Ơû nhà anh thấy thứ gì cũng bày trong một khoảng hẹp. Có bao nhiêu mứt, bao nhiêu cốm, bánh in, mấy thẩu dưa món, mấy đòn bánh tét là biết hết. Ngồi đánh tam cúc chơi mà mắt vẫn có thể lượn trên những miếng mứt bí dày cộm đường, trên những miếng nhân thịt của đòn bánh tét đang cắt dở. Mắt no những màu sắc, tai no những âm thanh, mũi no những hương vị, quả cái tiểu thế giới của anh có nhiều sức hấp dẫn thiệt. Mà không chỉ ngày Tết mới vậy. Quanh năm, hình như không lúc nào là nhà không có khách. Khách tầm thường thôi và là những người ở quanh quẩn gần nhà anh. Chẳng là bình trà nhà anh luôn có bỏ trà ngon và những người khách kia chiếu cố đến bình trà nhiều hơn đến anh. Ngoài những chén trà đầu do anh mời còn thì những chén trà sau đều do khách tự tay rót lấy. Họ chọn những lúc nào anh nói chuyện hăng hái nhất và họ đã tán thành một cách nồng nhiệt nhất. Lúc bấy giờ chủ khách đều hỉ hả thông cảm với nhau, và làm như vô tình, tay họ nghiêng cái bình cho người trà lặng lẽ chảy vào tách. Thật tội nghiệp, những người bạn nghèo của Năm Nhiều! anh không giàu gì hơn họ, nhưng được cái anh không so đo. Có đường, có kẹo, có chuối anh mời mọc thiệt tình. Riêng phần anh, anh luôn luôn nhịn miệng đãi khách. Chỉ khổ cho bà mẹ anh khát nước, lại cầm bình lên thấy nhẹ bỗng. Thế là bà nổi tam bành.

- Đồ quỷ ! Uống cái gì mà cạn ráo không còn để phần cho ai một giọt. Uống gì mà như rồng hút nước. Cũng phải biết…

Câu chửi, dù nhẹ nhàng cũng bị Năm Nhiều cắt ngang. Anh chỉ xịu mặt bung ra năm tiếng “Bà này thiệt… sao mà..” thế là bà cụ im. La lắm chỉ tổ khát mà bà thì có tật không uống được nước lạnh.

Những bữa có giỗ thì nhà Năm Nhiều tấp nập khỏi phải nói. Anh lục đục nấu nướng đầu tắt mặt tối cho dù nhà anh có dư đàn bà để lo việc ấy. Một người chị lấy chồng ở mãi Thái Long dẫn về ba đứa con. Một người em lấy chồng ở xóm Đường dẫn về bốn đứa. Một đứa cháu gái rọi bằng cậu lấy chồng ở Xuân Đài cũng cố nách hai đứa con về. Cộng với mẹ anh và nhà chị Của thì quả nhà này dư đàn bà để làm một bữa cỗ linh đình. Nhưng họ chỉ được sai bảo vặt. Việc nấu nước, xắt thịt, đơm dĩa, anh đều tự đảm nhiệm hết. Xong, lại cũng chính anh lo sắp dọn bàn. Rồi rửa mặt thay áo dài, đội khăn, anh châm hương, châm đèn đứng lầm thầm khấn vái. Về điểm này, anh có khác mẹ anh. Bà cụ thì khấn to như đang nói chuyện với khách. Mà bà cụ nói chuyện thật. Lúc giỗ chồng thì bà kể lể những hồi ông ra đi binh cách “Anh ra đi, thong thả hơn tui ở nhà. Một mình nuôi bốn đứa con nhỏ. Thằng Nhiều thì ghẻ chốc. Dán hết mụn này trổ sang mụn khác. Con Của thì đái dầm. Hết đứa này ấm đầu tới đứa khác ỉa chảy… Cửa nhà đơn chiếc, mời hương hồn anh về uống chén rượu, ăn miếng chả….”

Năm Nhiều nghe đến đoạn mình bị ghẻ chốc mà cảm thấy thương mẹ. Mấy đứa con chị Của nghe hồi nhỏ mẹ chúng đái dầm thì cười rộ lên. Bà cụ đang khấn cũng cười theo rồi xì mũi và lau nước mắt. Năm nào đến ngày giỗ là cụ cũng kể lể thuộc lòng từng đoạn như vậy khiến Năm Nhiều thấy mình như nhỏ lại. Tuy khấn khứa lẩm cẩm vậy nhưng cũng phải công nhận giữa bà và người chết có sự cảm thông mật thiết…

Đến bữa cúng “các đẳng” thì bà cụ quả có nhiều trí tưởng tượng. Bà mời “…những vị chết sông chết suối, chết lửa chết củi, chết chém, chết đâm, chết đường, chết sá, chết gió, chết máy, quá giang chìm đò, đẻ rơi bóp mũi, ăn mày xó chợ…” Những năm sau này khi đường ô tô chạy qua đầu xóm và con đường xe lửa băng qua cánh đồng Chí Đức thì bà thêm một số nạn nhân nữa: “… những người xe cán dẹp mình, tàu nghiến đứt ruột, những người sẩy chân lọt xuống đường rầy, những người...”. Số người thụ hưởng thật quá nhiều đối với một mâm cháo, con gà bằng bắp tay và một nải chuối còn xanh.

Năm Nhiều khấn nhỏ hơn với một vẻ mặt nghiêm trang hơn. Thật đúng là cái dáng dấp khả kính của một ông thầy tế tự biết tự trọng. Anh lim di đôi mắt và hai bàn tay kẹp một nắm hương lớn để ngang trán rất lâu. Lũ cháu tỏ dáng sợ hãi len lén nhìn cái tư thế trầm mặc ấy của cậu chúng rồi lảng bỏ xuống bếp. Ừ mà thật vậy, vẻ mặt của Năm Nhiều chỉ có giá trị khi Năm Nhiều nghiêm trang trong ánh nến và khói hương. Bình thường, đó chỉ là một cái mặt bèn bẹt với đôi mắt nhỏ và cái mũi hếch. Nước da mái mái, da nơi hai gò má bóng lên một cách vô duyên. Răng lại mọc khập khễnh, mọc thành đôi ba hàng lộn xộn. Cái khuôn mặt ấy nói cười đều không gây niềm kính nể.

Tại sao Năm Nhiều lại có duyên với sự cúng bái làm vậy, đó là câu hỏi tôi đã đặt ra từ lâu. Lúc tôi còn nhỏ, anh được mẹ tôi cậy đến ở nhà bế tôi. Khi tôi biết chạy chơi thì anh chuyên lấy đất sét nắn hình long đình, bộ lư, đỉnh, cây đèn. Anh hái những trái mảnh bát già, cắm bốn cọng nhang ngắn vào giả làm con heo. Anh cắt ngang cổ trái mảnh bát rồi bày riêng ra làm đầu heo (ruộng mảnh bát già màu đỏ như máu). Anh lấy những lon, những khay bày một hàng trước bàn thờ giả rồi gõ nhịp lên rồi tụng niệm ê a. Anh bắt tôi chắp tay vái lạy. Thế là tôi học tiếp xúc với thần linh do sự môi giới của anh Năm Nhiều vậy.

Ngày nào anh cũng bày cỗ cúng một vài lần. Khi có đông lũ trẻ nhỏ đến chơi thì anh tổ chức thành đám rước. Đứa thì thổi kèn, những cái kèn cuộn bằng lá chuối, đứa thì đánh trống đánh chiêng bằng miệng, nhưng tuy bằng miệng mà vẫn có trật tự, tiếng bầm, tiếng beng xeng nhau. Anh Năm Nhiều làm tổng chỉ huy. Mẹ anh mỗi lần gặp thấy anh cao lêu nghêu đi “rước sắc” giữa bầy trẻ con còn ở truồng như vậy là bà chửi liền:

- Mồ tổ mày, to đầu mà còn chơi chuyện con nít. Mày coi, mày đã cao bằng cây cau kia rồi.

Và thế là đám rước rối loạn hàng ngũ, trống chiêng bỏ chạy hết.

Sau đó, anh thôi không cúng giả nữa mà anh vái ông Táo, ông Địa thật, với đồ cúng thật. Mỗi khi quên đóng chuồng gà để gà đi lạc, sợ cha tôi rầy, mỗi khi đánh mẹ, đánh lú bị thua liểng xiểng là anh mua một cái bánh nướng và một miếng đường để vái ông Địa. Không dám đốt đèn sáp sợ tỏ ra quá lễ mễ, anh chỉ đốt một cây đèn hột vịt nhỏ. Cũng không dám đốt hương nữa vì sợ mẹ anh bắt hơi mùi hương mà lên hỏi lôi thôi. Sự cúng vái do đó mang tính chất du kích, nghĩa là nếu nghe tiếng guốc của mẹ anh lẹt xẹt đi lên thì anh thổi phụt ngay ngọn đèn, thế là xong. Cái bánh tráng và miếng đường trở lại vị trí cũ là món ăn xoàng xĩnh ngang tầm của anh, mẹ anh không có cớ gì để nghi ngờ nữa. Nhưng phải đợi đến năm anh chấp chưởng quyền gia trưởng thay mẹ thì năng khiếu cúng bái của anh mới phát triển toàn vẹn. Thôi thì nhà anh cứ phảng phất mùi khói hương quanh năm. Anh giỗ cha, ông nội, bà nội, ông cố, bà cố. Anh giỗ ông chú bà thím, cô Hai, cô Ba là những người tuyệt tự. Anh giỗ ông ngoại, bà ngoại, vì lòng hiếu với mẹ. Ngày rằm, mùng một, ngày vía Phật, ngày vía Quan Thánh.. anh nhớ không sót. Nếu không vì nghèo thì tôi chắc cái gian giữa nhà anh phải là nơi gặp gỡ của còn nhiều các vị thần linh nữa. Gặp trường hợp nào anh cũng kêu cầu sự phù hộ

Nhưng bảo rằng sự cung kính thái quá của anh là một lối hối lộ thần linh thì sợ có oan cho anh không? Chớ riêng tôi thấy thì hình như sự nghiêm trang xuýt xoa của anh là một thái độ hạ mình để kêu gọi lòng trắc ẩn. Trong khi cúng vái, tôi thấy anh hay hít mũi mà không hề nghe có tiếng nước mũi chạy lên. Như vậy, thì sự hít mũi đúng là một lối trang bị hơn là một sự cần thiết sinh lý. Anh muốn nhún mình, hạ mình, muốn tỏ rằng mình khổ, mình cần sự giúp đỡ che chở. Những người khổ, những người muốn chứng tỏ rằng mình khổ đều có những phép trang bị tương tự. Chẳng hạn họ cố ý đi khòm lưng xuống. Chẳng hạn họ hay thở dài. Chẳng hạn họ hay thốt ra những thán từ tỏ sự ngạc nhiên, sự sợ hãi: “Trời ơi! Trời ơi! Mô Phật! Chúa ơi!”

Đúng là Năm Nhiều đang đi trên con đường xây dựng mặc cảm đó. Tôi có thể chứng minh điều này bằng lối bẻ bánh tráng của anh. Số là mỗi lần có cúng giỗ thì cỗ đầu tiên, cỗ ngon nhất anh dùng để mời khách. Khách đó trước tiên là cha tôi mà anh nài nỉ hết sức để mời đến cho được. Thứ đến là ông xã Tám, một người hào phú đương kim lý trưởng. Rồi đến hương kiểm Bán và câu Hai Dần. Tôi cũng được anh và mẹ anh trì kéo cho vào ngồi chung bàn “vì cảm tình riêng”, anh nói. Ngồi ăn như vậy, tôi đóng vai trẻ con hay nhìn người lớn khề khà uống rượu. Tôi mới để ý đến tia mắt khinh bỉ mà ông xã Tám dành cho câu Dần. Nhiều câu nói của câu Dần, ông xã làm như lảng tai không nghe, để không trả lời. Yù ông xã chê câu Dần chức vị quá nhỏ không xứng được chung bàn với ông. Thực tế thì quả có như vậy. Ơû trong thôn xóm, trừ những người u mê thậm tệ, còn thì ai cũng được nhận một chức vị nhỏ. Chẳng lẽ trong suốt một đời người mà không có dịp nào sao. Những chức câu, trùm, kim tri.. đâu phải món hàng có nhiều người đầu cơ mà trái lại, thừa thãi ra đó, ai muốn xin lãnh cũng được. Vậy mỗi người sẽ đến lượt mình. Câu Dần, trùm Sáu, kim Hai đã thay hẳn những cái tên riêng. Nhưng mặc dù vậy, cho đến ba mươi mấy tuổi, anh Năm Nhiều vẫn chỉ là Năm Nhiều chớ không hề được gọi là trùm Năm, câu Năm.. và do đó mới xảy ra việc nể nang một ông câu thư như câu Dần mà ông xã Tám, xem là thái quá.

Khi bữa ăn giỗ bắt đầu, anh Năm cầm những cái bánh tráng nướng để bẻ. Nhưng thay vì bẻ trên tay, anh lại để bánh tráng trên đầu. Hai tay anh kéo hai bờ vành bánh xuống cho bánh bể một tiếng gọn trong khi cổ anh rụt xuống. Thái độ khúm núm này chắc là làm vui lòng cha tôi và ông xã Tám lắm. Nhưng giá anh Năm đừng lặp lại cử chỉ ấy với cái bánh tráng đặt trước mặt câu Dần. Khi rót rượu, anh cũng lễ độ đúng mực. Tay mặt cầm bình rượu chúc xuống, còn tay trái vòng ngang để giữ vạt áo dài.

Những năm chiến tranh, Năm Nhiều làm không đủ ăn, nhưng trong cảnh nghèo, anh vẫn không bớt mẫn cán trong việc tế tự. Tội thân anh, đã phải chạy đồ cúng một cách chật vật mà nhiều khi còn phải che giấu bớt sự cúng kính quá thường xuyên của mình. Trong khi xung quanh ai nấy phải khó khăn lắm trong sự sinh sống mà mình cứ thắp hương một cách thừa thãi thì quả là vô ý thức. Vả lại lúc bấy giờ còn có phong trào bài trừ mê tín, nên anh cần phải thận trọng nhiều lắm. Nhớ có lần toàn huyện thi đua bắt chuột, bảo vệ mùa màng, ai nấy mang cuốc xẻng ra đồng đào hang chuột, mang rơm un khói chuột, mang chó theo săn chuột, mang lưới căng bẫy chuột, thế mà riêng Năm Nhiều thì biện một mâm cỗ lén mang ra miếng ruộng nhà để cúng vái ông Tý. Thì ra anh Năm quan niệm rằng mọi sự vật trên đời này đều có một sự cảm thông huyền bí với nhau, kể cả những việc nhỏ nhất. Mỗi gốc cây, mỗi phiến đá cũng có thần linh trong đó. Chớ sao? Trong khắp xóm chỗ này chỗ kia người ta vẽ những hình tượng và bùa chú lên mặt những viên đá để trấn áp những góc rào. Những thanh tre cũng được bôi vôi trắng và vẽ bùa chú lên để đặt trên sườn nhà. Hèn chi anh chẳng lúc nào chẳng trầm tư. Dễ thường anh đang lắng nghe tiếng nói thần linh của mọi vật xung quanh anh. Những đêm tối trời, anh ngồi chơi với tôi mà thấy một vì sao đổi ngôi là anh im lặng cắt đứt câu chuyện. Sau đó anh thì thầm nói:

- “Bà” mới bay. Chắc “bà” bay về miếu.

Bà nào, tên gì, anh không trả lời được, nhưng nhất định là “bà” vừa bay. Bình vôi cũ, ông táo bể, anh xếp cẩn thận ở gốc mít và cấm ngặt lũ cháu không cho đến gần. Rồi hễ đứa nào ấm đầu, đi tướt là anh đổ riệt rằng nó đã quấy phá ông táo và ông bình vôi. Đứa cháu có cam đoan mười mươi là không bao giờ bước đến đó cũng không tin. Lập tức một lễ nhỏ được bày biện ra và anh xuýt xoa tạ lỗi.

Ngày tôi lên bảy tuổi, mẹ tôi sắp đặt cho tôi đi học A.B.C. Anh Năm Nhiều tỏ ra xao xuyến hết sức đối với cái giây phút long trọng mà tâm hồn tôi sắp giã từ những vật tầm thường xung quanh mình để tiếp xúc với cái cao siêu của chữ nghĩa. Anh trầm ngâm hỏi mẹ tôi:

- Cô định bữa nào cúng khai tâm cho thằng Thiết?

Mẹ tôi ngạc nhiên quay lại hỏi:

- Cũng phải cúng khai tâm nữa sao?

- Có chớ. Nó bắt đầu đi học thì phải cúng khai tâm cho nó.

- Cô tưởng ngày xưa đi học chữ Nho thì mới cúng khai tâm, chớ thời bây giờ học chữ quốc ngữ thì có thần thánh đâu mà phải cúng?

- Xưa nay gì cũng vậy. Phàm đã có chữ nghĩa thì có thánh, không có thánh thì lấy ai bày ra chữ nghĩa. Phải cúng khai tâm thì mới sáng dạ, học mau thuộc. Mẹ tôi lưỡng lự một lát rồi nói:

- Ừ thôi thì cúng cũng được. Mà cúng món gì bây giờ?

- Cô đưa tiền con đi kiếm mua một con gà cồ trắng, thứ gà non chưa hề đạp mái. Phải đi chợ Đèo mới có nhiều gà mà lựa. Rồi cô nấu một nồi xôi.

Mẹ tôi y theo lời anh và anh bươn bả đi tìm mua về được một con gà cồ trắng thiệt. Quả là một thành tích hy hữu đáng phục, vì gà cồ trắng không phải là một vật dễ tìm. Anh sung sướng ra mặt khi về khoe với mẹ tôi:

- Con đi rảo suốt cả chợ mà không tìm ra gà trắng. Chỉ có gà cồ chuối thôi. Con định mua đỡ một con gà cồ chuối thì may thay có bà đem tới con gà này.

Vừa nói anh vừa vuốt ve cái mào mới nhú đỏ chóe của con gà và con gà ngây thơ nhắm con mắt lại, sung sướng và tin cậy nơi anh.

Tối hôm trước ngày ra trường là buổi cúng khai tâm. Con gà luộc nằm trong cái dĩa lớn ngửng mặt nhìn trời. Mình nó vàng bóng loáng những mỡ. Hai bên là hai dĩa xôi trắng. Anh Năm tắm cho tôi, rồi bắt mặc quần áo mới. Anh đẩy tôi lại gần con gà, nơi cha tôi đang đứng lầm rầm khấn. Cha tôi vốn không nhiệt thành mấy về điểm cúng bái, nhất là đối với môn cúng khai tâm này, nên ông để yên cho Năm Nhiều ra lệnh bắt tôi lạy ba lạy. Tôi hồi hộp làm đầy đủ nghi thức, nhưng mỗi khi quỳ xuống đứng lên, mắt đăm đăm nhìn vào con gà là lòng thắc mắc tự hỏi không biết con gà kia có quan hệ gì đến chữ quốc ngữ mà mình sắp đi học. Khi con gà được dọn xuống thì cũng chính Năm Nhiều ra lệnh cho tôi phải ăn cái đầu gà. Anh ngồi nhìn tôi ăn với một vẻ vừa sung sướng vừa cung kính, khiến tôi áy náy mà quên mất rằng mình đang ăn thịt gà. Có lẽ lúc ấy tôi tưởng rằng tôi đang làm một nghi lễ gì nghiêm trang, hệ trọng lắm, còn anh thì chắc anh đang hài lòng vì nghĩ đến một ngày kia tôi sẽ học hành thông minh, kết quả của bao công phu của anh: tìm gà cồ trắng, bắt lạy, bắt ăn đầu gà.

Một người sống quá khăng khít với những linh hồn của tổ tiên, của thánh thần, của đủ loại ma quỷ như vậy, chắc chắn là rất kém trong việc làm ăn thực tế. Anh nghèo luôn luôn và mắc nợ mẹ tôi không biết mấy lớp. Đối với đàn bà con gái, anh cũng không thành công gì hơn. Dù là con gái nhà quê, người ta cũng muốn có một ông chồng lanh lẹ thực tế. Chớ ngồi nói chuyện tâm tình với một người quá lễ mễ mà đôi tay lúc nào cũng nhu chuẩn bị kẹp bó nhang hay vừa giữ vạ áo vừa rót rượu thì chán chết. Cũng như đôi mắt, bàn tay là tiếng nói của ái tình. Thế mà bàn tay của Năm Nhiều thì đúng là bàn tay câm. Thành ra cho đến bốn mươi tuổi vẫn chưa có một người đàn bà nào. Thật ra thì nói như vậy cũng chưa thật hoàn toàn đúng. Hình như anh đã có yêu một người: đó là chị Gần. Chị Gần không đẹp, nhưng mặt mày cũng dễ coi. Có điều cặp môi hơi dày. Cái kho ca dao tục ngữ là mẹ anh đã vô tình sớt cho anh một mớ kinh nghiệm về tướng người, than ôi, lại nhằm điểm bất lợi của chị Gần.

Mỏng môi nói láo đã xong.
Dày môi ăn vụng, môi cong ăn hàng.

Nhưng nghèo như anh mà lại không đẹp trai thì anh không mong gặp một cô hằng nga. Vậy chắc là anh đã chọn chị Gần. Chị là bạn thân của chị Của, cùng đi về một chợ, cùng ngồi một chỗ nhỏ to bàn tính tiền công, giá cả, hàng giờ ở ngạch cửa nhà anh. Cứ cách một ngày là có chị bên cạnh chị Của. Mỗi lần đứng gần chị, anh hay đưa tay vuốt tóc, những sợi tóc cứng đứng sừng sững bướng bỉnh. Đó là lối làm dáng độc nhất của anh, biểu lộ một sự bối rối mực thước. Thỉnh thoảng anh cũng có đưa đẩy vài câu chuyện nhưng mà khó nhọc biết bao! Anh phải đằng hắng nhiều lần để nuốt một miếng đờm tưởng tượng nào đó rồi mới nói được những câu rất đỗi vô duyên.

- Chị Gần… à… à.. cúng mồng năm có lớn không?

Chị Gần cũng không hoạt bát gì hơn. Đôi môi dày chuyển động một cách chậm chạp. Thành ra hai người sắp sửa thành tình nhân ấy chỉ còn biết chăm chăm nhìn xuống hai bàn chân của mình như chưa bao giờ thấy chúng. Sự tỏ tình mặc dầu đạm bạc, gần như tiêu cực đó, cũng không lọt khỏi mắt người anh rể của chị Gần. Người anh rể này bấy lâu đã ngầm coi chị như người vợ dự khuyết của anh ta. Vợ anh đau ốm hom hem, nên anh phải lo xa một cách phũ phàng như vậy. Nhưng từ ngày chị Gần tới nhà Năm Nhiều hơi nhiều, thường xuyên và với những lý do không chính đáng lắm thì anh khởi sự lo. Anh thấy phải vội vàng thực hiện cái ý định của anh. Anh bắt đầu chửi vợ. Để sự chửi bới không trở thành trắng trợn, để đỡ ngượng với hàng xóm, anh uống rượu trước khi chửi. Chửi vợ chán, anh chửi luôn em vợ và mẹ vợ. Cuối cùng, không biết bằng cách dàn xếp nào mà chị đã trở thành vợ anh ta. Thế là chai rượu và cái ly không còn cần thiết nữa. Chỉ có tiếng chửi là vẫn còn, nhưng lần này lại là tiếng chửi the thé, nhọc mệt, tiếng rủa kèm theo tiếng khóc của vợ anh. Chị chửi chồng, chửi em gái mình. Chị chửi trời, chửi đất. Cho đến một buổi tối kia, chị Gần cuốn áo quần đi mất biệt. Ở lại cái xóm nghèo nàn này có hai người đàn ông đau khổ vì chị: người anh rể và Năm Nhiều.

Năm Nhiều có buồn không, buồn bao nhiêu lâu thì không ai biết. Vì có bao giờ anh vui vẻ đâu? Anh lúc nào cũng mơ mơ màng màng, đi dưới đất mà tưởng chừng như đang bay theo các “bà” ở giữa không trung. Chỉ biết là từ ngày đó anh hay ngồi tẩn mẩn hàng giờ trước chiếc gương soi, có lẽ để tìm xem vì những khuyết điểm nào ở trên mặt mình mà mình phải chịu một sự thất bại lớn về tình ái dường ấy.

Thói thường thì khi nhìn vào gương người nào cũng thấy mình không đến nỗi xấu. Chỉ có khuôn mặt phản chiếu ra thấy hơi là lạ, ngường ngượng là vì trên thực tế mình chưa hề gặp một con người như vậy lần nào. Đôi mắt anh quả có nhỏ thật đó nhưng nhìn vào gương thì tự nhiên anh phải mở to mắt rồi. Đôi hàm răng có vụng về đó, nhưng có bao giờ người ta há miệng để soi gương đâu mà biết? cái mũi, đôi mày gò má đều được anh soát xét cẩn thận nhưng vì ranh giới mơ hồ nên anh rất yên tâm mà thấy mình cũng “ngó được”

Qua những lần thám hiểm như vậy, anh mới có dịp để ý đến những mụn tàn nhang có rất nhiều trên mặt mình. Anh dùng hai ngón tay cái để nặn và cái mụn trồi ra chầm chậm, dễ dàng, đúng lúc, như chính nó cũng cùng chia sự thích thú với anh. Đầu mụn mang một vết thâm đen. Chính những vết thâm này làm từng chấm trên khuôn mặt. Khi nặn xong một mụn thì chỗ cái mụn vừa ly khai có một lỗ chân kim nhỏ màu hồng, trông đẹp hơn cái chấm đen trước nhiều. Đến đây, một sự hối tiếc lặng lẽ gặm nhấm tâm hồn anh. Anh tự trách mình đã bỏ qua bao nhiêu năm mà không hề để ý đến những vết mụn thù nghịch kia. Bây giờ đã có quá nhiều mụn đã già rồi, vết đầu đen đã nhẵn sát xuống da mặt, khiến trên khuôn mặt rải rác như có rắc những hột mè đen hay những hột hoa mồng gà. Ái tình đến quá chậm nên mới có những sự bất lợi như vậy. Khi yêu người ta mới hay làm dáng. Năm Nhiều thì vừa chậm yêu vừa ý thức sự làm dáng quá chậm chạp. Ít ai như anh, thất bại trong tình trường rồi mới chợt để ý đến những mụn tàn nhang.

Từ lúc phát kiến ra cái lối làm đẹp không tốn kém mà khéo gây thích thú này, Năm Nhiều có khi ngồi suốt giờ cạnh chiếc gương soi, chơi một mình với những mụn tàn nhang. Những khi bạn đến chơi nhà, anh không ham nói chuyện như trước mà chỉ thích tìm những mụn tàn nhang nơi mặt bạn. Có khi anh bắt người bạn xoay mặt đủ chiều để anh tìm vết mụn. Vì trong nhà tối nên anh kéo bạn ra ngồi ở cạnh cửa, nơi đó dưới ánh sáng của mặt trời, những cái mụn sẽ không lẩn trốn đi đâu được. Rồi với đôi ngón tay thành thạo, anh đã nặn vết mụn ra, sau khi tám ngón tay còn lại kẹp cứng khuôn mặt của người bạn để không cựa quậy được. Sự say mê ma quái này làm khổ những người bạn của anh không ít. Đôi khi những người bạn này la “ái” lên, nước mắt ràn rụa, nhưng anh cũng không tha. Anh phải suỵt suỵt nho nhỏ: “Im, im sắp ra rồi”, làm như nếu nói to thì cái mụn sẽ nghe được và nó sẽ chạy trốn mất.

Nhưng số lượng những cái mụn có thể nặn được thì có hạn mà sự say mê của anh thì khôn cùng, nên khi những cái mụn đã hết rồi thì anh lại rơi vào sự im lặng cô đơn. Anh đành phải rời bỏ khuôn mặt mình mà đưa mắt chậm chạp, uể oải nhìn xung quanh. Đúng vào lúc ấy, anh thấy chị Ba Răng Vàng. Chị này ở Tuy Hòa tản cư ra. Ngoài ba cái răng cửa bọc vàng tây, chị có hai con mắt sắc hay liếc và một cái miệng hay nói hay cười. Đôi hàng lông mày in rành rành vết dao cạo xén và môi có bôi một lớp son đỏ lợt. Tóc bới vồng lên, ở trước như hai cái sừng mới nhú và trên mái tóc mang rất nhiều kẹp. Lọn tóc bới lỏng bỏ rơi xuống dưới ót trông tựa cái bụng của một con tò vò. Vóc người chị thon nên khi đi, đôi tay đưa đẩy dịu dàng, một sự dịu dàng dường như cố ý, có sắp đặt trước. Tất cả đều trái hẳn với chị Gần chậm chạp nặng nề. Chị Ba Răng Vàng ở trọ nhà ông Cống, cách nhà Năm Nhiều chừng vài trăm thước. Chị bán xôi chè và cơm rượu. Miệng con nhà buôn gặp ai cũng mời cười, nhưng Năm Nhiều ngây thơ cứ tưởng nụ cười đó, nhất là con mắt liếc chỉ dành cho anh. Thành ra anh hăng hái tuyên bố rằng anh đã ghiền món chè “bột lọc bọc đậu phộng” của chị. Những bữa ế hàng, nồi chè còn đầy thì chị Ba càng phung phí mắt liếc và nụ cười với anh. Chị dám nắm tay anh mà kéo - bàn tay tinh khiết chỉ quen cầm nắm nhang - bắt lại ngồi ăn giùm cho chị một chén chè. Anh đau khổ từ chối, bảo rằng không có tiền thì chị cuời:

- Ăn đi rồi bữa nào có trả cho em.

Tiếng “em” ngọt ngào làm nhột sau ót anh. Từ xưa đến giờ chưa ai xưng hô với anh như vậy, kể cả lũ em gái. Đứa nào cũng xưng “tui” một cách lạt lẽo cộc lốc. Anh lợi dụng tình thế liếc trả lại chị một cái rồi uể oải lại ngồi húp chén chè. Uể oải, vì nghĩ đến đồng bạc lát nữa không biết phải mượn của ai để trả.

Có lần chị Ba Răng Vàng hỏi:

- Sao anh Năm không lấy vợ?

Năm Nhiều thầm nghĩ: “Đàn bà con gái ở thành phố bạo dạn quá trời. Dám hỏi đàn ông điều đó”. Anh mỉm cười lấy giọng nửa đùa nửa thiệt.

- Tôi nghèo mà ai thèm lấy.

- Xì! Có anh hà tiện thì có. Cưới vợ về sợ nó ăn hết gạo chớ gì!

Đó không phải là sự thật, vừa không phải là câu nói mà anh mong đợi. Anh muốn chị Ba nói rằng “Tôi thương anh lắm. Tôi muốn lấy anh”. Nhưng chị Ba chỉ mê mải ngồi rửa cái chén và sau cùng cầm lấy đồng bạc anh đưa bỏ kỹ vào túi, cài kim băng cẩn thận.

Một hôm chị Ba gánh chè vào sân nhà anh nhằm lúc có những người bạn nhàn tản của anh đang ngồi nói chuyện trời trăng. Aên vặt là một tính hay lây nên một người ăn chơi rồi tất cả bọn cùng ăn. Gặp được bữa bán mau tay, chị ba cười nói vui vẻ. Một một bạn hỏi:

- Chị Ba sống một mình không biết buồn à?

- Buồn chớ. Nhưng biết sống với ai cho có hai mình?

- Để tôi làm mối anh Năm Nhiều cho chị.

Chị cười:

- Em nghèo, lại tản cư mà. Anh Nhiều đâu có thèm em.

Năm Nhiều cười híp hai con mắt, không biết nói sao. Tối đó anh trằn trọc không ngủ được. Hôm sau bần thần không làm gì được. Cứ hay mỉm cười một mình và lát lát nhìn vào chiếc gương soi. Mẹ anh thấy chị Ba năng ghé bán chè thì tỏ ý không bằng lòng, nhất là bà tiếc những đồng bạc anh đã trả cho chị. Bà lên tiếng chỉ trích:

- Cái con cười cười, liếc liếc, ngó như con đĩ.

Bị chạm tự ái, anh cãi ngay:

- Bà này nói lạ, chuyện của người ta..

- Chuyện của người ta tao nói không được sao? Ai biểu mày bênh?

- Bênh cái gì? Năm Nhiều sừng sộ.

- Vậy mà mày nói không bênh hả? Nó là mẹ mày đó.

Rồi không cần chuyển tiếp, bà khóc bù lu bù loa:

- Mày bênh con đĩ, mày chửi lại mẹ mày. Bớ làng xóm ơi, thằng Nhiều nó chửi tui. Bớ làng xóm ơi, thằng Nhiều nó muốn giết tui. Nó cắt cổ tui đây, bớ làng xóm ơi!

Năm Nhiều tức quá mà không làm gì được, sẵn chân, đá luôn cái ấm ăn lông lốc ra chái bếp. Nước văng vãi tung tóe ra đầy đất. Thế là hai mẹ con giận nhau, tránh mặt nhau. Bà mẹ bỏ cơm. Anh ngồi ăn mà không nói một lời. Không khí tràn đầy thù hằn. Nhưng oái oăm thay, ngày hôm sau lại nhằm vào ngày giỗ. Phải mua sắm, nấu nướng, phải sắp dọn bàn thờ, phải mời mọc họ hàng... Hai mẹ con đành phải hòa với nhau để chung lo việc cúng kính.

Mối u tình anh dành ch chị Ba Răng Vàng nung nấu trong lòng anh cho đến một tối kia anh cầm cây gậy đi canh ở xích hậu. Đi qua đám bắp ông chánh Bát, anh nghe có tiếng nhỏ to rì rầm lấy tư cách là tuần phiên, anh dõng dạc hỏi to:

- Ai đó?

Có tiếng trả lời yếu ớt:

- Dạ tôi.

- Tôi là ai?

Anh bước trờ tới: chị Ba Răng Vàng.

- Còn ai kia?

Anh nổi giận quát lớn.

- Tôi

- Tôi là ai? Nói mau.

- Tao.

Một người đàn ông đứng dậy, bước lại gần anh. Nhìn vào mặt thấy rõ là xã Tám, anh vội vàng bước lui một bước, đưa tay trái lên gãi đầu theo thói quen, lí nhí nói:

- Dạ thưa cậu.

- Mày đi canh hả?

- Dạ.

- Ừ thôi đi đi.

Năm Nhiều lê cái gậy nặng nề bước. Quả đúng như lời mẹ anh nói, con đó là con đĩ. Nhưng quên một con đĩ không phải là điều dễ, nhất là khi người ta không có người đàn bà đứng đắn nào để mà nhớ như anh Năm. Có thể anh ngồi nhớ đến đến đôi môi dày của chị Gần và tự trách mình đã quá bạc tình đối với người yêu cũ (cứ tạm nhận là như vậy). Những người rụt rè như anh thường có ý nghĩ tẩn mẩn quanh co như vậy. Không đi tới mà cũng không bước lui, không có cái gì dứt khoát hết. Trong khi đó thì những người đàn bà dứt khoát hơn anh. Chị Gần chọn con đường phiêu lưu thay người anh rể. Dễ thường hôm nay chị đã có người chồng mới rồi. Chị Ba Răng Vàng thì chọn ông xã Tám và vài người khác bạo dạn, thực tế hơn anh. Người ta trả lại anh cho cái bàn thờ uy nghiêm và khoảng hẹp trước bàn thờ. Anh khỏi phải chọn. Như một cái bóng mờ, anh cứ chập chờn trong cái khung cảnh âm u của khói hương và ánh đèn sáp.

Người thất vọng vì tình đều khó ngủ, anh Năm Nhiều không thoát khỏi thông lệ đó. Nhưng khác với những người văn minh uống thuốc ngủ vào trường hợp tương tự, anh Năm Nhiều chỉ biết lăn qua trở lại trên bộ ván. Cái gối bị dày vò một cách tàn nhẫn như tâm hồn của anh vậy. Khi trằn trọc đã chán, anh chợt thiếp đi thì chợt anh bàng hoàng tỉnh giấc mơ quái đản, trong đó anh vụt một gậy vào đầu chị Ba Răng Vàng hay vào hông ông xã Tám, gây nên một vụ án tình đẫm máu mà chỉ vì mấy con chó hầm hè ầm ĩ trước nhà. Chúng cãi nhau vì tình, tranh giành nhau, cấu xé nhau mãnh liệt, ồn ào chớ không chịu bại trận thầm lặng như anh. Trong đêm tối, anh lắng nghe tiếng từng con một và anh cố gắng phân biệt tâm tính của mỗi con. Gầm gừ hàng tràng dài trước mái hiên nhà để đe dọa ai là tiếng của con Vàng nhà anh. Đúng là anh chàng nhút nhát, nhút nhát như chính anh vậy. Tiếng sủa ông ổng, mạnh dạn là tiếng một con chó lạ, anh không biết của ai. Con này có vẻ thách thức, sẵn sàng lao mình vào chiến đấu, nếu có con nào muốn. Một tiếng sủa rời rạc, bàng quan xuất phát từ sân nhà ở xế trước mặt. Đó là con Mực của bà Từ. Nó đã có tuổi, thận thủy kém suy, nên giọng sủa có vẻ là một kẻ đã nếm đủ mùi đời, bây giờ muốn xuất thế, muốn người ta để mình ngủ yên. Xa xa hơn là một số những tiếng gầm ghè lẫn lộn. Rồi vụt nhiên nổi lên những tiếng cấu xé, tiếng những thân hình quần nhau lăn lết trên mặt đường, tiếng “căng cẳng” của một anh chàng bại trận bị cắn đau.

Năm Nhiều giận vì bị phá giấc ngủ, anh mở cửa bước ra.

Anh rón rén lại góc rào lượm một viên đá, nhắm ném mạnh vào một con chó khá đẫy đà. Bị trúng đá, nó kêu ăng ẳng mấy tiếng bỏ chạy, nhưng cách đó không xa, nó đứng dừng lại. Mấy con chó khác im lặng lảng dần. Chỉ có con chó bà Từ vẫn rời rạc sủa những tiếng uể oải.

Nhìn chuỗi sao Bắc đẩu đuôi chổng ngược lên cao, anh bần thần bước vào nhà, đóng chốt cửa lại. Nhưng vừa đặt mình xuống ván thì những tiếng sủa lại nổi lên, hợp tấu trở lại. Anh chợt nhớ rằng tháng này là Mười và hình như anh đã có nghe ai nói rằng những con chó hoạt động mạnh về ái tình trong tháng này. Ngày anh xin con Vàng về nuôi, nó đau ruột bỏ ăn và đi tiêu lỏng, tưởng chết mất. Một ông cụ láng giềng sang chơi bày nấu canh rau diếp cá cho nó ăn, rồi cụ dặn:

- Chó tháng Năm. Khó nuôi lắm.

Anh không hỏi “chó tháng Năm” nghĩ là thế nào, nhưng anh đinh ninh rằng chắc hẳn mẹ nó thụ thai vào tháng Năm. Vậy thì tháng Năm và tháng Muời là hai tháng ái tình mạnh nhất của loài chó. A! Phải có những đêm trằn trọc vì tình, anh Năm Nhiều mới phát kiến được mối tình có định kỳ của loài chó. Không phải việc này mới xảy ra lần đầu nhưng mà đúng là lần đầu anh để ý đến điều đó. Người ta kể chuyện rằng nhà độc tài Hitler vì một đêm mất ngủ mà nghĩ ra được phương pháp phòng thủ một đảo nào đó - tôi quên mất tên - khiến các chiến lược gia đại tài nào cũng phải phục là kỳ diệu. Năm Nhiều là một người tầm thường. Nhưng đó chẳng phải là cũng nhờ ái tình mà anh đã tìm hiểu cuộc đời xảy ra xung quanh anh một cách đầy đủ hơn xưa đó sao? Những sự phát kiến vụn vặt đó, tiếc thay, người bàng quan là mẹ anh không hề biết đến. Bà chỉ, một cách thiển cận, tính nhẩm số tuổi của anh mỗi năm mỗi cao, nhìn mái tóc của bà trong gương mỗi ngày mỗi thêm bạc mà lo lắng tìm vợ cho anh.

- Con Mừng đó, mày coi được không? Nó xấu người mà cấy hái giỏi. Của tư riêng của nó nghe đâu được tới ba chục giạ lúa.

Nhưng Năm Nhiều chỉ ậm ừ rồi bắt sang chuyện khác.

- Hay là con Tỵ? Tuổi nó cũng ngang với tuổi mày đấy. Mày sanh tháng hai, còn nó sanh tháng mười một. Mẹ nó cũng hiền lành như tao. Ý tao ưng đám này hơn.

Nhưng Năm Nhiều cũng lại im lặng. Đối với người con gái nào anh cũng không phản đối mà cũng không tán thành. Nếu bị hỏi riết lắm thì anh trả lời “để con coi đã”. Để bao lâu, anh không nói rõ. Thật ra thì anh có “coi” gì đâu? Anh chỉ thản nhiên nhìn những người con gái tuần tự lấy chồng. anh trang trọng đến giúp gia đình họ nấu cỗ cúng - lại cúng! - và nấu cỗ dọn hai họ. Phải nhìn anh vin nhẹ vào cành cây bông điệp để lựa bẻ từng cành, xếp tỉ mỉ vào lọ hoa đặt thận trọng lên bàn thờ, phải nhìn anh mặt đỏ rực lấm tấm mồ hôi xào nấu nếm ngửi trong bếp, nghiêm trang và say mê như một nhà khoa học đứng trước bầu thủy tinh và ống nghiệm thì mới hiểu rõ cái lòng chí thành của anh đối với tục lệ, cái lòng vị tha của anh đối với những con con gái. Tâm hồn anh như một bãi sa mạc, trên đó họa chăng chỉ còn dấu chân của hai người đàn bà đã đi qua. Mẹ anh lấy đó làm một điều phiền lòng. Đã gần đất xa trời mà không có lấy nổi một đứa cháu nội để ẵm. Nhưng làm sao bây giờ. Bạn của anh quanh quẩn chỉ có mấy người đàn ông biết lợi dụng bình trà và chiếu cố tận tình những bữa giỗ. Nước trà, đó không phải là sở thích của những người đàn bà đang rộ yêu đương. Tóm lại, cứ như thế, Năm Nhiều đi sâu mãi vào cuộc đời, chật vật trong cái diện tích hẹp của khoảng trống trước bàn thờ.

Lâu lâu ghé về thăm quê hương, tôi không quên tạt lại thăm anh, tìm một vài thay đổi nơi anh. Làn da nơi gò má bớt bóng đi, cái miệng móp thêm vì vài cái răng đã gãy, hàng râu thưa đâm tua tủa vì lười biếng cạo và đôi mắt mỏi mệt thêm. Ngược lại, hai bàn thờ và cái khám thấy phong phú hơn xưa vì chiến tranh chấm dứt, anh có phương tiện để bổ túc thêm món thiếu sót.

Đó là một dãy bóng đèn điện đứt râu anh sưu tầm ở đâu về và đựng đầy nước có pha màu xanh, vàng, đỏ, tím. Đó là những nhánh hoa bằng giấy rẻ tiền màu úa bị bụi bám. Đó là những cái cỗ bồng bằng đất, trên đắp đầy ụ những nải chuối, trái quýt, trái bưởi cũng bằng đất nung có tráng men và pha màu lòe loẹt. Những món hàng giả này choán nhiều chỗ trên bàn thờ. Nếu một ngày kia anh sắm thêm một mớ dĩa xôi giả, đĩa bánh tét, bánh in giả, đĩa thịt gà, thịt heo giả - cũng bằng đất có tráng men và pha màu - thì không biết còn chỗ đâu để sắp những món ăn thiệt. Tôi mời anh có dịp vào Nha Trang chơi với tôi. Mắt anh sáng lên.

- Ừ! Tôi cũng kiếm dịp vào Nha Trang chơi. Nghe nói chùa hội trong đó to lắm, ngày lễ vía, ngày rằm mùng một, khách thập phương đến cúng dường hàng trăm người. Hôm Phật đản nghe có cộ đèn và phóng sanh đăng.

Thôi đúng rồi, đúng sở thích của anh Năm rồi. Ngày tôi còn nhỏ, tôi nhớ anh không bỏ sót một bữa làm chay nào. Chùa ở xa làng đến hai cây số mà lúc bấy giờ anh đang ở giúp việc cho nhà tôi nên không thể tự do muốn đi đâu thì đi. Muốn được đi coi làm chay, anh bày tôi vào khóc với mẹ tôi đòi đi cho được. Anh nói:

- Mày cứ khóc rồi nằm lăn xuống đất. Má mày có nói đi xuống chùa xa không đi được thì mày trả lời là có tao cõng.

Tôi làm theo lời anh, vào năn nỉ mẹ cho đi chùa. Mẹ tôi đang bận tay chưa kịp nghe hết câu thì tôi đã nằm dài xuống đất lăn hai vòng, rồi vừa cào cấu vừa khóc rùm lên. Thật tình là tôi đã đóng kịch quá dở. Tuồng lớp anh bày ra, tôi đã lật đật thực hiện, hơi vội vàng, nên kém vẻ tự nhiên. May mà mẹ tôi tính hay mủi lòng nên chỉ nhìn tôi một giây, mẹ tôi đã hỏi:

- Nhưng mà chùa xa con làm sao đi được?

Tôi trả lời ngay:

- Anh Năm Nhiều cõng con.

Không ngờ rằng mưu mô do anh bày ra nên mẹ tôi hối lộ cho anh năm xu và nhẹ nhàng phủ dụ:

- Chịu khó cõng em nó xuống chùa chơi một lát. Đây cô cho năm xu để dành bỏ bùng binh. Nhớ về sớm kẻo em nó buồn ngủ.

Thế là con ngựa hai chân ấy cõng tôi như sao chạy tế.

Hôm nay con ngựa đã khá già rồi nhưng dáng chừng còn ham coi làm chay cộ đèn. Tôi nói:

- Nha Trang thì còn nhiều thú vui lắm. Anh vào, tôi mời anh đi coi chiếu bóng, đi tắm biển, đi coi sở cá. Phố xá to lớn hơn Tuy Hòa nhiều. Có mấy khu Xóm Mới, Phước Hải cất biệt thự trông cũng đẹp.

Nhưng anh lơ đãng đối với những thú vui tôi vừa phác họa. Anh đợi tôi dứt lời, chậm rãi tiếp:

- Nghe nói Nha Trang nấu cỗ chay vừa khéo vừa ngon. Chẳng là ngờ có nhiều “la ghim” ở Đà Lạt chở xuống. Có cà rốt, khoai tây, xúp lơ thì dễ nấu. Ở ngoài mình quanh quẩn có mấy món thường: bí ngô, bí chanh, đỗ phộng, bầu, mướp…

Tôi phải đi vào nội dung câu chuyện của anh để anh vui lòng. Tôi hỏi:

- Anh nấu chay có ngon như nấu mặn không?

- Cũng vậy. Có dầu nhiều, có đỗ nành nhiều thì phải ngon. Nấu chay khéo thì đâu có thua nấu mặn. Cũng đủ giò, chả, nem, gỏi… cũng đủ thịt gà, thịt heo, tôm, cá… có điều này cũng là rau cỏ mà nấu giả như thiệt.

- Ở nhà quê có đám chay nào lớn chắc là họ phải “thỉnh” anh.

- Ờ, chỗ nào quen họ cũng “thỉnh”.

Anh nói chậm rãi, tin tưởng như một ông thầy thuốc Nam tự phụ. “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, câu này có thể đem áp dụng vào anh, nhưng có lẽ chỉ đúng nửa câu, phần trên. Vì thân anh vẫn cứ nghèo và đôi mắt càng nuốt khói bếp nhiều càng mờ đục thêm và còn mang thêm một tật nheo nheo. Một ngày tháng Bảy, con chó nhà tôi sủa ai trước cổng, rồi sủa dẫn đến nhà sau. Người làm lên thưa rằng có một người khách lạ. Tôi ra phòng khách, không thấy anh, bước ra nhà sau thì thấy anh đứng ngơ ngác nhìn. Anh mặc bà ba đen và chân đi dép cao su lốp ô tô. Tôi vui vẻ mời anh lên nhà trên. Anh rờ từng chiếc ghế, từng chiếc cộng hoa cắm ở chiếc lọ đặt ở bàn nước. Anh nhìn lên trần nhà, mắt ngừng lại rất lâu ở chiếc đèn nê ông dài. Tôi mời anh ngồi và anh ngồi rất khẽ, đít chỉ chiếm một phần tư mặt ghế. Lưng thẳng đứng, rồi mắt lại đậu ở cái quạt máy, ở cái radio. Tôi hỏi:

- Lâu quá anh mới vô thăm chơi. Ở ngoài nhà làm ăn ra sao?

Anh đằng hắng ba cái liên tiếp rồi mới nói:

- Cũng chẳng ra sao. Mùa màng mất mát, làm ăn cứ mỗi ngày một lụn. Tôi định vô trong này kiếm việc làm.

- Đã có chỗ làm chưa?

- Ông hương Kính ở ngoài làng vô trong này được nửa tháng. Vừa rồi mới về quê và rủ tụi này vô làm ăn

- Hương Kính làm việc gì ở đây?

- Làm phu đổ đá ở sân bay.

- Lúc nãy anh nói đi vào cả tụi. Vậy còn ai nữa?

- Thằng Đực con bà Lý, thằng Thành móm và anh trùm Sáu.

Hiện giờ họ ở đâu?

- Dưới xóm chợ, chỗ nhà bà con của hương Kính.

Tôi mời nước và thuốc lá. Tiện có đĩa chuối đặt ở tủ ăn, tôi lấy mời nhưng anh từ chối.

- Tôi ít ăn thứ này lắm.

Tôi ngạc nhiên

- Kìa, ngoài nhà thấy anh cúng chuối luôn mà.

- À, vậy mà ít ăn. Cúng thì cúng chớ rồi lũ trẻ nó chia nhau.

- Thế thì ăn kẹo vậy.

Tôi vừa nói vừa vội vã đứng dậy lại mở tủ lấy kẹo. Nhưng anh đưa tay ngăn:

- Thôi đừng phiền. Tôi không ăn đâu. Buổi sáng chỉ uống miếng nước trà.

A! không ngờ cuộc sống của anh thanh đạm dường đó. Tôi nhìn đôi vai gầy và nói:

- Anh ăn ít nên gầy.

- Hồi giờ tôi vẫn ăn ít vậy. Mỗi bữa chỉ có ba sét chén.

Tôi tìm trong dĩ vãng xem anh có nói thật không. Nhưng lạ, sao tôi không còn nhớ một kỷ niệm nào về việc ăn uống của anh hết. Anh sống ở nhà tôi có đến bốn năm năm, thế mà hồi tưởng lại, tôi không thể nào hình dung ra anh cầm chén cơm hay gắp miếng thịt hay nhai nhồm nhoàm ra sao. Tôi có thể thấy như hiện ra trước mắt, anh vấn điếu thuốc và ghé vào chiếc đèn dầu lửa để đốt, hoặc anh đứng ở bàn ăn - ăn đứng chớ không ngồi bao giờ - một chân chõi ngang vào chân đứng thẳng, y như cái chùa Một Cột còn thì tuyệt nhiên không nhớ cái miệng anh nhai ra làm sao. Lẽ cố nhiên là hình dung ra anh hai tay nâng bó hương nghi ngút khói, đứng khấn vái trước bàn thờ thì càng dễ hơn nhiều.

Sau vài câu chuyện, anh đứng dậy cáo từ. Tôi hỏi đi đâu thì anh bảo xuống ở chung nhà với hương Kính để mai đi làm. Tôi nói:

- Anh cứ ở đây với tôi rồi ngày ngày đi làm cũng được. Nhà tôi rộng rãi mà.

Nhưng anh không chịu.

- Để xuống ở chung cả tụi cho dễ. Ngày ngày có xe đưa đến công trường.

- Thế anh đã biết là anh sẽ làm công việc gì chưa?

- Chưa, đợi đến mai sẽ hay.

Khi anh bước theo tôi ra cửa, anh chợt dừng lại, đứng sờ mó vào những quyển sách dày dựng ở kệ sách. Anh nhón lấy hai quyển, âu yếm nhìn vào gáy da rồi lật xem vài tờ. Anh mỉm cười (à, lâu lắm rồi tôi mới bắt gặp nụ cười của anh) nhìn tôi nói:

- Bây giờ chú học hành giỏi. Có nhớ ngày cúng khai tâm chú ăn cái đầu gà không?

Kỷ niệm ăn đầu gà làm tôi yêu mến anh nhiều. Chắc anh đang hãnh diện mà nghĩ rằng những cuốn sách chữ Tây đó (chữ gì hay ho khó hiểu khiến cho con người ta giỏi được cũng là chữ Tây hết, theo anh quan niệm) làm món trang sức cho trí óc của tôi, làm phương tiện cho tôi sinh sống khá đầy đủ cũng nhờ anh mà có. Nếu không có sự chăm sóc chu đáo của thì bữa cúng khai tâm đã không có và tôi cũng sẽ chỉ u mê tầm thường, lớn lên đủ để làm ông hương, ông giáo là cùng. Tóm lại, cái tôi hiện tại chính là tác phẩm của anh, cái tác phẩm mà anh cho là đã thành công quá sức mong mỏi và đáng để anh hãnh diện. Tôi êm đềm đặt một tay lên vai anh, nơi cái xương quai xanh gồ ra dưới lần áo mỏng rồi nói:

- Tôi học được là cũng nhờ ba cái lạy và cái đầu gà của anh đó.

Đưa anh ra khỏi cổng, đi với anh một quãng đường, rồi tôi gọi xe và trả tiền trước, bảo xe đạp xuống xóm chợ. Tôi dặn anh thỉnh thoảng có thì giờ rảnh thì ghé lại cho biết tình hình công ăn việc làm.

Mười ngày sau anh mới trở lại. Anh cho biết là anh đã đi làm từ sáng hôm đó và anh chuyên môn làm phu hồ.

- Sao anh lại làm phu hồ? Tôi hỏi. Phu hồ là công việc của đàn bà mà.

- Tôi yếu sức, không đổ đá, rải đá được. Phải làm phu hồ vậy.

- Mỗi ngày công được bao nhiêu ?

- Ba mươi lăm đồng.

Tôi tự nhiên nhìn xuống đôi bàn tay của anh. Thật là lam lũ phong trần, nhưng tôi cũng ngầm mong một cách yếu ớt rằng đôi bàn tay ấy, lần này, không đến nỗi chịu câm nữa bên cạnh những cô phụ hồ nhí nhảnh lẫn lộn xung quanh anh. Chợt anh ấp úng ngỏ lời mượn tôi hai trăm đồng.

- Ngày kia nhằm bữa giỗ ông già tôi mà chưa tới kỳ lãnh phơi. Chú cho tôi mượn đỡ hai trăm đồng, mai về quê, rồi hôm sau vô tôi lãnh lương sẽ trả lại.

Tôi nhẩm tính tiền lương của anh mỗi ngày, trừ đi tiền ăn tiêu và tôi thấy hai trăm đồng là một số tiền không nhỏ. Tôi hỏi:

- Về tốn kém như vậy mà anh cũng về sao? Thôi tạm ở trong này, chừng nào để dành dư giả hãy về một lượt.

Anh lắc đầu.

- Tốn thì tốn mà không về không được. Chẳng lẽ ngày kỵ, ngày giỗ mà lại…

Tôi lấy tiền đưa cho anh và anh vội vàng cáo lui:

- Để kịp ra phố mua vài lạng bún bắc thảo, da heo, kim châm và ghé chợ mua ít cái bắp sú.

Sau đó không biết bao lâu anh mới lại nhà tôi. Hỏi anh đã để dành tiền khá chưa thì anh thản nhiên nói:

- Đi làm chẳng được mấy ngày. Bữa trước về đám giỗ rồi kế tiếp mấy bữa sau khuôn hội Quảng Đức nhờ ở lại để nấu chay giùm cho chùa nhân ngày lễ Vu Lan. Nhân dịp lễ, chùa khánh thành cái đại hồng chung mới đúc và có gia đình Phật tử toàn quận cắm trại. Thức ba bốn đêm ròng nên bị bẻ mình đến bốn năm bữa. Mới vô hôm kia. Vẻ thản nhiên của anh khiến tôi nghĩ đến thái độ sống của anh mà tôi đã có lần ao ước. Tôi nhớ một buổi chiều chủ nhật kia, tôi ghé thăm một người bạn. Ở nơi giếng nước nhà anh bạn, một người đầy tớ gái đang xát vỏ đậu xanh. Trong khi chờ đợi anh bạn thay áo để cùng đi thăm một người bạn khác, tôi bước ra sân nhìn dãy nhà trước mặt.

Đó là một dãy nhà tôn vách ván kề sát nhau, chạy dài dọc theo cái đầm nước. Trong một gian nhà kia, một người đàn bà đang tắm hai trái đu đủ. Một dĩa quýt và một dĩa chuối đã đặt trên một cái bàn nhỏ kê sát mái hiên đặt trước sân, tôi nghĩ rằng nhà này là một cái quán.

Nhưng chợt có mùi nhang thơm ở đâu bay đến. Tôi liên tưởng đến cái rá đậu xanh vừa rồi và tôi nghĩ rằng mình đã lầm: nhà kia không phải là cái quán đâu, mà chắc là họ đang sắp đặt một bữa cúng gì đây. Tôi nhớ đến đêm nay có trăng sáng. Thôi đúng rồi, có lẽ ngày rằm rồi. Hỏi lại người bạn thì anh ta nói: “Ừ, hôm nay rằm tháng Mười”. Tôi chợt buồn, nghĩ đến những bữa cúng êm đềm mà mình cứ thản nhiên quên. Những ngày cúng rằm, cúng mùng một chỉ có chị giúp việc nhà tôi là nhớ kỹ. Chị giữ tiền chợ nên liệu nhớ mà mua sắm món gì đó tùy ý chị. Khi cỗ bàn đã đặt lên, chị giao cho tôi nhiệm vụ đốt hương và khấn vái. Nhưng sao tôi vẫn nhọc nhằn hết sức để mà tin rằng mình hiện đang hâm hưởng sự chở che ấy. Vào những lúc ấy tôi nhớ đến vẻ mặt rạng rỡ của anh Năm Nhiều, tin tuởng say sưa vào sự phù hộ của vị thần mà anh đang hướng tâm nghĩ tới. Có một lòng tin như thế thật quý giá biết bao trong một cuộc sống đầy cam go bất trắc, đầy những sự phi lý như người ta thường nói.

Như vậy, thì liệu tôi có sung sướng gì hơn anh đâu, tôi, con người bận rộn khôn cùng, lo lắng khôn cùng giữa vài tiện nghi nhỏ: cái xe để đi, cái quạt cho ngày hè, cái máy hát để đỡ cô đơn và bữa cơm trưa có thịt.

Bẵng đi vài tháng tôi không gặp lại Năm Nhiều. Có lẽ nhớ nhà, nhớ xóm, nhớ cái bàn thờ, nhớ chùa, nhớ khuôn hội, anh đã bỏ về quê rồi cũng nên. Nhưng một sáng chủ nhật, dạo quanh chợ, tôi chợt gặp hương Kính đi với trùmg Sáu và Thành. Thật là dễ nhận ra họ: quần áo bà ba, đội mũ và mắt lơ lơ láo láo gặp gì cũng ngó. Tôi lên tiếng trước

- Ông Hương! mấy tháng nay làm ăn ra sao?

Hương Kính thấy tôi, mừng rỡ, giơ tay ra, tỏ ý muốn bắt.

- Làm ăn cũng thường. Có điều dang nắng rát cổ rát mặt quá.

- Còn anh Thành và ông trùm?

Hai người cùng trả lời một lượt, ý không khác nhau mấy.

- Cũng tàm tạm. Làm được tiền mà để dành chẳng được bao nhiêu.

- Làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu.

- Còn anh Năm Nhiều? Tôi hỏi: Có còn ở làm trong này không? Sao không thấy đi chơi với mấy ông ?

Hương Kính trả lời:

- Anh Năm vẫn còn ở làm trong này, nhưng không còn ở chung với lũ tôi nữa.

- Vậy chớ anh ấy ở đâu?

Thành móm toe toét miệng cười:

- Ồ! Bây giờ anh Năm Nhiều “ngon” lắm. Ở nhà vợ mà.

- Vợ nào? Ở đâu?

Tôi vội vàng hỏi, nhưng hương Kính vẫn một giọng ôn tồn chậm rãi:

- Anh Năm có gặp một chị bán đồ vặt ở đầu chợ. Hai người quen nhau, rồi bây giờ anh về ở nhà chị ta.

Thật là chi tiết bất ngờ, quá sức ước đoán của tôi. Năm Nhiều có vợ?

Sao đợi đến chừng này tuổi mới có vợ mà vợ ra thế nào? Người đàn bà nào mà lại khéo thích ứng với ông thầy tế tự có thành tích khả kính đó? Nếu do miệng Thành móm nói thì tôi sẽ hồ nghi, cho là anh ta nói giỡn. Đằng này lại do hương Kính nói. Tôi phải hỏi lại hương Kính kỹ hơn.

- Người vợ của anh Năm Nhiều ra thế nào?

- Nghe nói chị ta góa chồng, được bốn đứa con. Chị buôn bán hàng vặt, nước mắm, dầu, bánh kẹo, thuốc lá ở đầu đường Bến Cá. Anh Năm hay qua lại mua thuốc hút. Rồi hai người cảm tình với nhau.

- Họ cưới hỏi rồi sao?

- Cũng chẳng cưới xin gì. Thì… phàm trai không vợ, gái không chồng gặp nhau. Anh Năm về ở đó cũng nhàn. Ngày ngày đi làm với lũ tôi, trưa tối về nghỉ…

Thế thì hai năm rõ mười là Năm Nhiều đã có ý trung nhân rồi. Thành vợ chồng hay không thì đó chỉ là hình thức đi sau. Như vậy cũng đã là một biến cố quá lớn đối với một người thánh thiện như anh. Nhân ngày chủ nhật rảnh, tôi muốn đi tìm để nhìn thấy tận mắt cái hoàn cảnh mới của anh. Tôi nhờ hương Kính chỉ đường.

Sau mười phút đi quanh qua quẹo lại, bỏ con đường này bắt con đường khác, tôi đứng trước mặt nhà anh. Đó là căn nhà gỗ mái tôn, hơi thấp. Trước hiên bày một cái kê ván nhiều ngăn, sắp lộn xộn những cục xà bông chai nước cam, gói thuốc. Mỗi thứ một ít, như là mẫu hàng để quảng cáo. Nằm dưới là vò nước mắm, hũ dầu, là đống than, là những bó củi… Một cái lò than tắt xếp giấu cạnh đó: chắc là buổi tối quán này bán thêm bắp nướng.

Ngồi giữ quán là một người đàn bà đẫm thấp, nước da ngăm đen, đôi má bánh đúc. Hàm răng vồ và cái miệng rộng, khiến tôi liên tưởng đến một cái miệng cá sấu nếu nhìn người ấy cười. Nhưng lòng quý mến đối với anh Năm Nhiều mà tôi coi như người thân trong nhà, khiến tôi nhìn người đàn bà với một con mắt không nghiêm khắc. Hình như tôi đã chấp nhận chị là một người quen rồi, mặc dù tôi vừa gặp chị lần đầu. Anh Năm Nhiều đã sống với tôi quá nhiều quá khứ nên cái gì anh mến là tôi sẵn lòng mến theo.

Người đàn bà thấy tôi đứng dừng trước quán liền đứng dậy đon đả mời:

- Thưa ông cần thuốc lá? Salem hay Ruby?

Mặc dù không muốn, tôi cũng phải nhận thấy một vẻ gì láu lỉnh trong giọng nói và lời đón trước ý khách hàng quá lanh lẹ của chị. Tôi không ưa tính khôn ranh, liến thoắng ấy nơi người đàn bà. Trong óc tôi đang xây dựng cho anh một người đàn bà hiền lành, biết thưởng thức những cử chỉ đầy lễ nghi mực độ của anh. Tôi nói:

- Tôi muốn hỏi anh Năm Nhiều.

- A, dạ có. Dạ để tôi kêu

Chị quay miệng vô nhà:

- Anh Năm ơi! Có khách hỏi anh. Anh Năm!

Rồi chị quay sang tôi :

- Mời ông vào nhà. Tôi chần chừ không bước vội, đợi nghe một tiếng đằng hắng, một tiếng guốc, một tiếng trả lời chứng tỏ sự hiện diện thực của anh. Nhưng sao căn nhà im lặng quá. Rồi chợt giữa khung cửa anh hiện ra, trọn vẹn là khuôn mặt và khổ người của anh, lặng lẽ và nhẹ nhàng như một con mèo. Tôi buột miệng:

- Anh Năm

Anh Năm cười:

- A, chú.

Tôi bước vào, ngồi ở cái bàn nước.

Căn phòng hẹp, bị choán bởi những món hàng tạp hóa vặt vãnh dự trữ: thùng dầu, tỉn nước mắm, thạp gạo, bịch thuốc…. Một cái đi văng gỗ, trên đặt một cái gối sẫm màu mồ hôi, với một chỗ thõm ở giữa, dấu vết của cái đầu anh vừa đặt lên đó. Kê giữa nhà là một cái bàn thờ khá bề bộn: bộ lư đèn đồng, bát hương, cỗ bồng chuối, bình hoa huệ trắng. Một tấm hình lồng kính đặt ở giữa, có phủ tấm vải đỏ. Một cái khám đóng ở trên cao, cũng với bộ lư đèn nhưng nhỏ hơn. Ở dưới ghế lại có một cái thùng để thờ ông thần tài. Chữ “tài thần” viết bằng chữ nho trên giấy hồng đơn, dán lên mặt trong thùng. Một cái đèn hột vịt vặn nhỏ và một cây hương đang cháy.

Sao quang cảnh nơi đây giống cảnh nhà anh vậy? Sao anh khéo chọn được cái không khí âm u cố hữu của anh ở ngay giữa thành phố náo nhiệt này? Một đường khói mảnh từ đầu cây hương uốn mình nặng nhọc vươn lên. Mùi hương pha lẫn với mùi thơm của hoa huệ hơi úa tạo cho cái không khí đang bao quanh tôi một vẻ huyền bí, nhất là căn phòng hơi tối. Tôi hỏi anh:

- Anh về đây được bao lâu?

- Được hơn tháng nay.

Không biết nên hỏi gì nữa - thật ra thì có nhiều câu hỏi quá nhưng đều không tiện nói ra tôi đành hỏi đỡ một câu mà tôi đã một trước câu trả lời.

- Anh vẫn còn đi làm?

- Vẫn làm ở chỗ cũ. Bữa nay chủ nhật, nghỉ.

Vừa lúc ấy có tiếng chị ở ngoài hiên nói với vào:

- Mình ngó chừng giùm hàng một tí nghe. Tôi chạy lại bà Ba già một chút.

Anh ừ và tôi mừng rằng không có mặt chị tôi sẽ được nói chuyện với anh thong thả hơn. Tôi vào đề liền:

- Chị buôn bán có khá không ?

Anh gật đầu:

- Cũng khá. Má con Liễu (Liễu chắc là tên đứa con đầu lòng của chị) được cái tính chịu khó. Nó buôn bán đủ thứ, bỏ món này bắt món khác. Cái quán này chỉ là phụ.

- Nghe nói chị được bốn đứa con.

- Phải, bốn đứa. Con Liễu, con Lý, thằng Sự, con Lùn. Chồng nó đi lính, bị chết trận bốn năm nay.

- Làm sao quen nhau rồi lại hợp ý nhau?

- Nó bán quán, mình năng tới lui mua thuốc, mua thùng quẹt rồi sinh quen. Tính tôi ít oi, mua chỗ nào quen một chỗ để tránh nói thách nói bớt. Có một bữa ghé lại thấy con Lý nó nóng li bì rồi đổ nói xàm. Má nó chạy lăng xăng kiếm thuốc kiếm thầy. Uống mấy ve tiêu ban lộ vẫn như không đã lo cuống lên, mếu khóc… tôi thấy tội nghiệp, lễ cho nó mấy huyệt rồi sẵn hương đèn đó, vái ông Táo cho nó. Sáng ra ghé lại thấy nó mát. Má nó cảm cái ơn…

Aø! Thế là tôi hiểu rồi. Môi giới bắt đầu là ném hương, là cái bàn thờ, là ông táo. Đúng vào sở trường của anh. Tôi có thể tự mình chắp nối để hiểu mạch lạc câu chuyện. Kể cũng không khó lắm. Một người đàn bà đơn chiếc và một người đàn ông cũng đơn chiếc gặp nhau. Sự giúp đỡ xảy đến quá tự nhiên, vì như trước kia ta đã biết: khi Năm Nhiều nghiêm trang khấn vái trước bàn thờ thì vẻ mặt anh có một cái duyên đậm đà mà trung hậu. Khi yêu vẩn vơ, người đàn bà không từ chối người đàn ông liến láu, nhưng để làm chồng thì họ chọn người trung hậu. Đức tính ấy, anh Năm Nhiều có dư.

Tôi đó lấy ly nước anh đưa mời, nhấm nháp vài ngụm rồi hỏi:

- Thế anh không định về quê nữa sao?

- Có chớ. Đi đi về về chớ sao đâu? Hăm bốn tháng này tôi phải về nhà đây. Hăm bốn là ngày kỵ bà ngoại tôi. chú có nhắn gì thì nhắn, tôi về ngoài nói lại.

- Cám ơn anh, tôi vừa gởi thư xong.

Như vậy là Năm Nhiều đã gặp được một người đàn bà. Quả tình có chậm chạp thật đó, nhưng anh có dám đòi hỏi gì hơn. Cái khung cảnh này thích hợp với anh biết bao! Đặt anh ở vào nơi đây, giữa những bàn thờ trang nghiêm thật đúng cách hết sức, như khi ta đặt con gà mái lên trên ổ trứng của nó.

Sau khi giã từ anh, trên đường về, tôi nghĩ đến sự thành công chót cùng này của anh. Như thế cũng đủ đền bù cho bao nhiêu thất bại anh đã nếm phải trong cuộc đời tình ái, chỉ vì tấm lòng quá kính mộ tổ tiên và thần linh. Tôi chợt nhớ đến một đoạn phụ trong câu ghi ở sách tử vi… “Mệnh thân có tử vi cư Mão Dậu gặp Kiếp Không”, mười người thì chín người đi tu. Bằng vào thực tại hôm nay thì chắc đó là số của anh rồi, và may mắn thay, anh lại là người thứ mười nên số đã run rủi cho anh, cuối cùng gặp được má con Liễu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/12/2019(Xem: 4647)
Tiếng nói là sinh mệnh của dân tộc. Không phải phở, nước mắm không còn hay truyện Kiều không còn thì dân tộc mất. Tiếng nói không còn, dân tộc diệt. Phở, nước mắm không còn thì ăn món khác, dù có tiếc nuối nhưng dân tộc vẫn còn. Truyện Kiều không còn thì viết truyện khác, dù tiếc nuối nhưng dân tộc vẫn còn. Mất tiếng nói là dân tộc biến dạng và biến thành một dân tộc khác. Chẳng hạn mai đây toàn dân Việt Nam đều nói tiếng Tàu thì Việt Nam biến thành một tỉnh của Trung Hoa. Nếu 90 triệu dân đều nói tiếng Pháp thì Việt Nam biến thành một “Pháp Quốc Hải Ngoại”. Còn nếu 90 triệu dân đều nói tiếng Anh thì Việt Nam biến thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ hay giống như Phi Luật Tân, Puerto Rico.
20/11/2019(Xem: 9466)
Vài cảm nghĩ chân thành nhân Ngày Nhà Giáo – 20/11 ( Huỳnh Phương – Huệ Hương )
01/11/2019(Xem: 4501)
Phật giáo Việt Nam với tư tưởng nhập thế hộ quốc an dân” luôn đồng hành cùng quá trình dựng nước, giữ nươc; luôn miệt mài vì độc lập, tự do cùng dân tộc. trong cuộc đồng hành đó phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 như một điểm nhấn rực rỡ, đánh dấu bước chuyển lớn trên con đường hướng nội và nhập thế đến tận cùng vì dân tộc.
31/10/2019(Xem: 5404)
Vào ngày 4/6/2018, nhà vẽ kiểu túi xách Kate Spade/ Kate Valentine thành công với tài sản ước lượng 200 triệu Mỹ Kim, bà đã treo cổ tự tử ở trong phòng riêng, để lại một tuyệt mệnh thư cho con gái, trong khi chồng ở một phòng khác. Điều này cho thấy “Thành công và tăm tiếng chưa chắc đã ngăn ngừa được sự buồn nản, chán đời” (Kate Spade's suicide is proof that money and fame can't deter depression).
29/10/2019(Xem: 5363)
Tuần qua tin tức thế giới chấn động khi được nhìn thấy 39 thi thể của những nạn nhân vì mục đích đi tìm hạnh phúc cho gia đình mình, cho mình và người thân theo quan niệm thường có ở thế gian ( của cải, vật chất) đã không màng đến tính mạng rủi ro xảy ra trên đường đến Anh Quốc . Chúng ta thường đã được nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận thức như sau khi đã tiếp xúc với nhiều dân tộc, ra nhiều thành phần trong xã hội " TẤT CẢ CHÚNG TA AI CŨNG MUỐN SỐNG CÓ HẠNH PHÚC CHỨ KHÔNG THÍCH KHỔ ĐAU " .
29/10/2019(Xem: 10825)
Kết thúc thời công phu sáng mặt trời cũng vừa ló dạng,những tia nắng ấm áp lan tỏa khắp nơikhiến cho mọi người thấy dễ chịu.Sự hội tụ của muôn ngàn tia nắng đang nhảy múa,chuyển động những tia sáng rực rỡ, trong thoáng giây,toàn thể không gian hoàn toàn biến đổi,và tất cả trở thành những dải ánh sáng đang rung động xoay vần trong một vũ điệu của thiên nhiên. Qua cửa sổ nhìn mây trôi bồng bềnh giữa trời xanh,tận hưởng cảm giác êm ả,hít thở những làn gió mát rượi vào buổi sớm mai, giữa không gian yên tĩnh,trong tôi bao niềm cảm xúc, thầm cảm ơn những gì có được của hiện tại:
24/10/2019(Xem: 7030)
Xưa và nay, ai sinh ra trong cuộc đời nầy cũng phải trải qua con đường giáo dục mà thành tựu những giai đoạn của sự học vấn, kể từ lớp mẫu giáo cho đến Đại Học hay hậu Đại Học. Cũng có nhiều người không qua sự giáo dục, nghĩa là không qua trường lớp đào tạo, nhưng cũng thành công ở xã hội và học đường, số người nầy cũng không phải là ít. Tuy nhiên những người nầy thuộc dạng cá biệt và đặc thù, nên không đề cập trong bài nầy về những người ưu tú như vậy, mà chỉ nhấn mạnh đến việc giáo dục chung chung để trở thành con người có văn hóa thực sự.
23/10/2019(Xem: 4386)
Chúng con/em là Tâm Thường Định, kính trình và thỉnh nguyện quý Ngài và quý anh/chị chung sức làm một Phật sự mới. Cuối tuần qua, trong buổi Có Mặt Cho Nhau 2 mà chúng con tổ chức, nhận ra sự lo ngại của các bậc Ba Mẹ, Ông Bà về thế hệ trẻ Phật giáo, và muốn tìm giải pháp cho các nan đề trong gia đình và cộng đồng, như: nghiện máy điện tử / smartphones, trầm cảm, tự sát, bạo lực học đường, tình yêu nam nữ, ứng xử trên mạng xã hội, gặp người khác tôn giáo, v.v…
22/10/2019(Xem: 13333)
Thời gian gần đây, “văn hóa đọc” dường như đã trở thành một mỹ từ thường xuyên được nhắc đến với nhiều bài viết rất tha thiết, rất nhiệt tình cổ xúy chuyện đọc sách giấy, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay. Thử vào Google và nhập từ khóa tìm kiếm là “văn hóa đọc”, chúng ta dễ dàng tìm thấy hàng loạt các bài viết loại này của nhiều tác giả trong cũng như ngoài nước. Mặc dù vậy, tác động thúc đẩy hay tạo chuyển biến trong thực tiễn dường như chưa được là bao.
22/10/2019(Xem: 4089)
Hôm nay, thứ Bảy 19-10-2019, tại Thư Viện Tully thành phố San Jose, California, nhóm Phật tử trẻ do Huynh trưởng Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ đến từ Sacramento, phối hợp cùng một số Huynh trưởng, Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong vùng Bắc Cali tổ chức một “Hội Chợ Sách” (Book Fair). Đây là một sinh hoạt tương đối hiếm hoi trong sinh hoạt Văn hoá Phật giáo Việt Nam ở Hải Ngoại với ba thế hệ chung một con đường: Thế hệ Đàn Anh – Đàn Chị (Lão niên), thế hệ Bắc Cầu (Trung niên), thế hệ Đàn Em (Thanh thiếu niên).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]