Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Các điểm giáo lý gặp gỡ giữa Kim Cương và Nikàya

27/02/201104:26(Xem: 4257)
08. Các điểm giáo lý gặp gỡ giữa Kim Cương và Nikàya

NHỮNG HẠT SƯƠNG
Thích Chơn Thiện
Sài Gòn, 2000

[08]

Các Điểm Giáo Lý Gặp Gỡ Giữa Kim Cương và Nikàya hay Tính Chất Truyền Thống Của Giáo Lý Kim Cương

-ooOoo-

Chúng tôi trình bày các điểm so sánh giữa giáo lý Kim Cương và Nikàya dựa vào hai điểm nhận thức cơ bản:

- Kinh tạng Nikàya và A-hàm được xem như là giáo lý truyền thống (nguyên thủy) của Phật giáo.

- Duyên khởi, Tứ đế và Ngũ uẩn như là giáo lý nền tảng của Nikàya và Kim Cương Bát-nhã.

Bằng nhận thức ấy, chúng tôi đi vào tìm hiểu và đối chiếu các điểm gặp gỡ giữa giáo lý hai hệ phái kể trên qua một số nét phát họa khái quát.

I.- Tâm Giao Động Và Tâm An Trú:

1. Tâm giao động:

"Này các Tỷ kheo, có sáu kiến xứ. Thế nào là sáu? Ở đây có kẻ vô văn phàm phu, không hiểu rõ pháp của bậc Thánh, không tu tập pháp của bậc Thánh... xem sắc pháp: "cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"; xem cảm thọ là tự ngã của tôi...; xem tưởng là tự ngã của tôi...; xem các hành là tự ngã của tôi...; xem cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được ý thức, được đạt tới, được tìm cầu, được ý suy tư là tự ngã của tôi; và bất cứ kiến xứ nào nói rằng: "Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này mãi mãi, xem như vậy là tự ngã của tôi" (Trung Bộ Kinh I, bản dịch của TT. Thích Minh Châu, 1973, tr 135). Và người ấy khi nghe Như Lai hay đệ tử Như Lai nói pháp để bạt trừ tất cả nổ lực, thiên kiến, tùy miên về mọi chấp trước, kiến xứ, sự vất bỏ mọi chấp trước, sự diệt trừ khát ái để đưa đến ly tham, đoạn diệt..., chắc chắn ta sẽ không tồn tại". Người ấy lo sầu, khổ não, than vãn, đấm ngực mà khóc đến bất tỉnh". (Trung bộ I.... 1973, tr. 136b).

2. Tâm An Trú:

"Và này chư Tỷ kheo, có vị đa văn Thánh đệ tử hiểu rõ pháp của các bậc Thánh... xem sắc pháp: "cái này là không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi; xem cảm thọ...; xem tưởng...; xem các hành không phải là tự ngã của tôi; xem cái được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được ý thức, được đạt tới, được tìm cầu, được ý suy tư không phải là tự ngã của tôi; và bất cứ kiến xứ nào nói rằng: "đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn... tôi sẽ trú như thế này mãi mãi" thì xem như vậy là: "cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi" (Ibid, tr 136)

Và, "Vị này khi nghe Như Lai hay đệ tử của Như Lai nói pháp để bạt trừ tất cả nổ lực, thiên kiến, tùy miên về mọi chấp trước kiến xứ, sự an tĩnh của mọi hành động, sự vất bỏ mọi chấp trước, sự diệt trừ khát ái, để đưa đến ly tham, đoạn diệt, Niết bàn. Vị ấy có thể không nghĩ như sau: "Chắc chắn ta sẽ bị đoạn diệt". Vị ấy không cần lo, khổ não, than vãn, không đấm ngực mà khóc cho đến bất tỉnh" (Ibid, tr 136b)

Như thế, theo Nikàya, nếu rời chấp thủ ngũ uẩn, rời chấp thủ tự ngã của các pháp, thì tâm sẽ an trú, thoát ly khỏi phiền não, khổ đau - Đó là con đường để an trú, phát triển và hàng phục tâm của Nikàya.

Kim Cương thì dạy Bồ tát cầu quả giác vô thượng cần phải rời tất cả tưởng tự ngã, rời hết mọi chấp thủ.

Như vậy, có điểm giáo lý gặp gở rất là căn bản về an trú, phát triển và hàng phục tâm giữa Nikàya và Kim Cương Bát nhã. Phải chăng đây là điểm giáo lý truyền thống?

II.- Giáo Lý Vô Ngã - Bác Bỏ Các Thuyết Về Tự Ngã:

Gần trọn tập Tương Ưng bộ kinh II bàn về Duyên khởi và Vô ngã. Nửa tập Tương Ưng III nói về Ngũ uẩn và Vô ngã. Các kinh còn lại đều bàng bạc giáo lý Duyên khởi, Ngũ uẩn và Vô ngã.

Kinh Bà sa Cù đa Hỏa dụ (Vaccha-gottasuttam, Trung II) nói đến các vấn đề siêu hình, con người và Như Lai rằng: "Những tri kiến chủ trương rằng: thế giới là thường hằng, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên, cơ thể và thân mạng là một, cơ thể và thân mạng là khác, Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết, Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết.

Tất cả những tri kiến ấy là tà kiến, là kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, với tàn hại, với não hại, với nhiệt não, không hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn" (tr 485)

Và, "Do vậy ta nói rằng sự đoạn trừ, ly tham, đoạn diệt, xã bỏ, vất bỏ tất cả các ảo tưởng (manànita - gồm ái, tà kiến và mạn) tất cả hôn mê (matthita) của tất cả ngã kiến, ngã sở kiến, mạn, tùy miên, mà Như Lai được giải thoát, không còn chấp thủ" (tr 488)

Như thế, Nikàya giới thiệu vô ngã và phủ nhận tất cả các loại tưởng, tất cả kiến thức (thuộc ngã tưởng) do tưởng dựng nên (các ngã tướng) và làm dấy khởi chấp thủ, tham ái.

Kim Cương chủ trương lìa bỏ tất cả tưởng: đoạn kinh số 6 nêu rõ xa lìa 8 loại ngã tưởng; đoạn 17... nói về vô ngã tính, tất cả các pháp là vô ngã.

Có thể nói rằng không có điểm dị biệt nào về hai điểm giáo lý trên giữa Nikàya và Kim Cương.

III.- Như Lai:

1. Có nên thấy Như Lai qua sắc tướng không?

Kinh Ba-sa-cù-đà Hỏa Dụ, Trung bộ II (tr 488A-488B) ghi đại lược rằng: "Thế Tôn xác định không thể nhận biết Thế Tôn qua sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn hay thức uẩn. Bởi vì Như Lai là bậc đã đoạn diệt ngũ uẩn. Hơn nữa tất cả thấy biết về Như Lai đều rơi vào chấp thủ tướng trong khi Như Lai là bậc đã đoạn diệt chấp thủ (Tương Ưng IV, phần cuối tập kinh đề cập tương tự như trên).

Kim Cương nhiều lần xác định không nên thấy Như Lai qua thân sắc của Như Lai. Tóm lại lời dạy ấy, bài kệ của đoạn 26a ghi:

"Nếu thấy Ta qua thân sắc của Ta
Nếu nghe Ta qua tiếng nói của Ta
Người ấy làm vậy là sai
Sẽ không thấy được Ta."

Thế là chủ trương không nên thấy Như Lai qua thân sắc giống hệt nhau giữa Nikàya và Kim Cương Bát-nhã.

2. Như Lai là Như tánh của các pháp (Suchness):

Trung bộ I, Kinh số 28; Tương Ưng III, tr 144; và Tiểu bộ I, tr 48 (bản dịch in lần thứ nhất của TT. Thích Minh Châu) đều ghi:

"Ai thấy Duyên khởi là thấy pháp, ai thấy pháp là thấy Ta (Như Lai)."

Một lần Thế Tôn đến thăm hỏi Vakkali bị bệnh, Tôn giả bạch: "Đã từ lâu, Bạch Thế Tôn, con muốn đến để được thấy Thế Tôn, nhưng thân không đủ sức khỏe để đến thấy Thế Tôn". Thế Tôn dạy: "Thôi đủ rồi, này Vakkali, có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này. Này Vakkali, thấy Ta là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Ta." (Tương Ưng III. 1982, tr 144).

Kim Cương, đoạn 26 ghi:

"Nên thấy chư Phật từ Pháp,
Lời chỉ dạy của chư Phật đến từ pháp thân
Thật tánh của các pháp không thể được nhận thức
Không ai có thể nhận thức thực tánh như một đối tượng"

Đoạn kinh Kim Cương 17c thì xác định: "Như Lai, này Tu-bồ-đề, là đồng nghĩa với như tánh."

Như thế, không có gì khác biệt về nghĩa "Như Lai là thật tánh của các pháp" giữa Nikàya va Kim Cương Bát nhã.

3. Một định nghĩa khác về Như Lai:

Tương Ưng I, (phẩm Cây Lau, tr 1, bản dịch của TT. Thích Minh Châu) ghi lại một mẫu đối thoại giữa Thế Tôn và một vị Thiên rằng:

-Vị Thiên hỏi: Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu? (bộc lưu là chỉ dòng sinh tử, dòng ái, thủ).

-Thế Tôn dạy: Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt qua bộc lưu.

-Vị Thiên tán thán: Từ lâu tôi mới thấy Bà-la-môn tịch tĩnh, không đứng lại, không bước tới, vượt chấp trước ở đời. Lời tán thán được Thế Tôn yên lặng chấp nhận.

Trên thực tế, Thế Tôn vẫn đi, đứng, nằm, ngồi, nhưng Ngài rời khỏi mọi tưởng chấp ngã, nên gọi là không bước tới không đứng lại.

Lối diễn đạt ấy giống hệt thể cách diễn đạt của Kim Cương Bát nhã. "Như Lai đi về đâu và đến từ đâu?" (đoạn kinh 29)

Quả không có nghĩa khác biệt giữa hai lời dạy trên.

4.Vô trú của Bồ tát và của Như Lai:

Vô trú đồng nghĩa với không tác ý tất cả tướng, nghĩa là không trước tướng, không chấp thủ. Cũng có thể hiểu vô trú là trú trong không tánh (vô ngã tánh) của các pháp. Đây là nghĩa chánh niệm tỉnh giác lìa xa tham ái, sầu ưu. Kinh Tiểu Không (Cùlasunõnõatasuttam), Trung Bộ kinh III, chép:

"Này Ananda, vị Tỳ kheo không tác ý vô sở hữu xứ tưởng, không tác ý phi tưởng phi phi tưởng xứ, tác ý sự nhất trí do duyên "vô tướng tâm định". Tâm vị ấy thích thú, hân hoan, an trú giải thoát trong vô tướng tâm định. Vị ấy biết như sau: vô tướng tâm định này thuộc hữu vi do tâm tư tạo nên, cái ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt. Vị ấy biết như vậy tâm được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu...Vị ấy biết loại tưởng này không có dục lậu, không có hữu lậu, không có vô minh lậu. Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sáu nhập duyên mạng duyên với thân này. Và cái nào không có mặt ở đây vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy biết: "cái kia có, cái này có". Này Ananda, cái này đối vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh không tánh."

Kinh Đại Không (Mahasunõnõasuttam), Trung Bộ III, ghi:

"Này Ananda, Ta không quán thấy một sắc pháp nào trong ấy có hoan hỷ, có hoan lạc, nhưng chịu sự biến dịch, đổi khác mà không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não... Nhưng sự an trú này, này Ananda, đã được Như Lai hoàn toàn giác ngộ, tức là sau khi không tác ý tất cả tướng, chứng đắc và an trú nội không... Này Ananda, "sau khi chứng đạt nội không Ta sẽ an trú", "vị Tỷ kheo cần phải an chỉ, an tịnh, chuyên nhất và an tịnh nội tâm" (tr 262).

(Chú Thích: An trú nội không: Sớ giải ghi là thấy rõ 5 uẩn là vô ngã; Trú nội không: ở giữa đám đông mà thấy như là độc cư; An tịnh nội tâm: Sớ giải ghi là trú vào Tứ thiền sắc định).

Hai đoạn kinh trên của Nikàya nói lên rõ rằng Thế Tôn thường an trú ở Tứ thiền sắc định, ở đó Thế Tôn giữ nhất niệm trú không tánh, loại hết thảy tâm chấp thủ. Như thế trú không tánh hay vô trú, là không trú tâm vào các sắc pháp mà trú vào Tứ sắc định và để niệm trên vô ngã tướng (hay giữ Chánh tưởng vô ngã).

Kinh Kim Cương đoạn 10c, nói vị Bồ tát đúng nghĩa thì khởi niệm không trú trước vào đâu cả, không trú sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Đoạn 14a dạy, Bồ tát nên khởi lên thật tưởng. Và "thật tưởng thì không phải là ngã tưởng" (đoạn 14c).

Các trích dẫn trên đều thống nhất về nghĩa vô trú, không tác tưởng hữu ngã, vô niệm, trú không tánh giữa Nikàya và Kim Cương.

Nikàya và Kim Cương còn ghi hệt nhau về phản ứng tâm lý của một số thính chúng khi nghe các giáo lý trên.

Tương Ưng III, tr 103-104, ghi:

"Này các Tỷ kheo, các loài thú thuộc bàng sanh, khi nghe tiếng rống của Sư tử - vua của loài thú - phần lớn chúng sợ hãi, run sợ, khiếp đảm... Cũng vậy, này các Tỷ kheo có những chư thiên tuổi thọ dài, có mỹ sắc, hưởng lạc nhiều... các vị thiên này sau khi nghe Như Lai thuyết pháp, phần lớn họ sợ hãi, run sợ khiếp đảm. Họ nghĩ rằng: "chúng ta là vô thường, trong khi chúng ta tưởng là thường còn, thường trú..."

Kim Cương đoạn 14c và 14d thì diễn tả: "Như Lai đã vất bỏ lại ở đằng sau tất cả tưởng. Thật là phước đức hy hữu cho những ai khi nghe kinh này mà không run rẩy, không sợ hãi, không kinh hoàng."

Giáo lý vô ngã, vô thường, vô trú, không tác ý ngã tưởngvừa nêu trên vẫn để lại nhiều kinh ngạc cho các nhà nghiên cứu tôn giáo và triết học. Đó là điểm giáo lý rất đặt thù và rất là truyền thống của Phật giáo.

5.- Như Lai, A-la-hán, Bồ-tát:

a)- Kim Cương và Nikàya mỗi khi nói đến Phật thường xưng là Như Lai, bậc A-la-hán, bậc Chánh Đẳng giác, như thế cả hai bộ phái này đều xác nhận đức Phật cũng là một bậc A-la-hán. Nói khác đi, về mặt giải thoát khỏi các lậu hoặc (hay giải thoát thân, vimuktikàya) xuất ly sinh tử trong tam giới thì giữa Phật và A-la-hán là đồng đẳng.

b)- Theo Tương Ưng bộ kinh III (phẩm Tham luyến và phẩm Chánh đẳng giác) xác định giữa Phật và A-la-hán đệ tử có sự khác biệt về sứ mệnh khai đạo (chuyển pháp luân). Một nơi khác của Nikàya, một lần Tôn giả Xá-lợi- phất xác nhận tâm của vị A-la-hán đệ nhất chưa thể biết rõ tâm Như Lai; đây là điểm khác biệt về pháp thân.

-"Như Lai, này các Tỷ kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng giác làm cho khởi lên con đường trước kia chưa được đem lại con đường trước kia chưa được đem lại, là bậc tuyên thuyết con đường trước kia chưa được tuyên thuyết là bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo. Còn các vị đệ tử là những vị sống theo đạo, tiếp tục thành tựu đạo."

Thế là, trong hàng A-la-hán có sự khác nhau về pháp thân (Dharma-kàya) nên mới có các vị đệ nhất về trí tuệ, đệ nhất ly dục, đệ nhất thần thông, đệ nhất thiền định... Thế Tôn đã xác nhận trong Nikàya, Tôn giả Xá- lợi-phất ngang hàng Thế Tôn về mặt trí tuệ rõ biết pháp giới; Tôn giả Mục Kiền liên ngang hàng Thế Tôn về thần thông; Tôn giả Đại Ca Diếp ngang hàng Thế Tôn về mặt thiện xảo nhập trú và xuất định... Thế Tôn là bậc A-la- hán viên mãn đủ các mặt giải thoát và được gọi là Phật, vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Theo đó, Bồ Tát, Bích Chi Phật đều là A-la-hán cả, nhưng cấp độ đi đến toàn giác có khác nhau.

Ta có thể nêu một ví dụ cho dễ nhận: - Như một người vừa trả sạch nợ cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng rõ ràng vị này còn thiếu niềm hạnh phúc của vị sau khi trả sạch nợ lại còn giàu có nữa.

Cũng thế, Phật, Bích Chi, Bồ-tát, A-la-hán đều là những vị đã phải sạch nợ sinh tử, loại hết các lậu hoặc tham sân si (giải thoát thân - Vimukti-Kàya). Nhưng cấp độ của cải sung mãn sau khi phủi sạch nợ giữa các vị thì khác nhau. Đây là điểm khác biệt về pháp thân (Dharma-kàya). Đức Phật đã viên mãn cả pháp thân, còn các bậc giải thoát kia chưa viên mãn, đang trên đường hướng đến viên mãn, tiếp tục thành tựu pháp thân.

c)- Bồ tát là mẫu giải thoát, hành đạo lý tưởng của Đại thừa. Nikàya vẫn đề cập nhiều đến Bồ tát hạnh, đặc biệt là Bổn sanh (Jàkata), nhưng không sắp đặt thành lý tưởng Bồ tát độ sanh như Đại thừa.

Bồ tát chân nghĩa, theo Kim Cương, là đoạn diệt hết các vọng tưởng, hết các lậu hoặc và đắc Niết bàn như một A-la-hán, nhưng ở lại sinh tử để độ sinh, tương tự Bồ tát Thiện Tuệ (Sumedha) kiết tập trong Nikàya.

Thực ra vị Đại A-la-hán đề cập ở Nikàya cũng biểu hiện đủ Lục độ Ba la mật như một vị Đại Bồ tát:

- Các bậc A-la-hán thường an trú giới uẩn với tâm ly thủ hoàn toàn là nghĩa Trì giới ba la mật.

- Các A-la-hán vẫn trú thế, dù có thể nhập Niết bàn kham nhẫn thuyết pháp độ sinh là nghĩa nhẫn nhục và Bố thí Ba la mật.

- Các A-la-hán thường trú vô tưởng định, hay trú không tánh, gọi là Thiền định Ba la mật (các vị vẫn đắc diệt thọ tưởng).

- Các vị chỉ ngủ non 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày, thì giờ còn lại để hành đạo là nghĩa Tinh tấn ba la mật.

Thật là lầm lẫn nếu còn quan niệm A-la-hán là tiểu thừa, quá nhỏ.

6. Như Lai lực:

Tăng Chi III, (ấn bản 1981, tr 41-42) ghi 10 Như Lai lực như sau:

Như Lai biết rõ xứ và phi xứ...
Như Lai biết rõ quả báo của chúng sinh trong ba đời...
Như Lai thấy rõ con đường dẫn đến các sanh thú...
Như Lai thấy rõ vô lượng thế giới...
Như Lai thấy rõ tâm hướng sai biệt của chúng sinh...
Như Lai thấy rõ các thiền định, nhiễm, tịnh....
Như Lai biết rõ căn cơ của mọi chúng sinh...
Chứng Túc Mệnh Minh...
Chứng Thiên Nhãn Minh...
Chứng Lậu Tận Minh...

Kim Cương (đoạn 18a-18b) giới thiệu về ngũ nhãn của Thế Tôn cũng bao hàm nội dung chứng đắc của 10 Như Lai lực kể trên.

IV. Bố Thí Pháp Là Tối Thắng:

Nikàya ghi: "Này các Tỷ kheo, có hai loại bố thí: bố thí tài vật và bố thí pháp. Tối thắng trong hai loại bố thí này là pháp thí" (Tăng chi I, 1981,tr 105)

- "Này Xá-lợi-phất, có hạng bố thí với tâm mong cầu, với tâm trói buộc, với tâm chất chứa, bố thí với ý nghĩ: "Ta sẽ hưởng quả báo trong đời sau". Vị ấy bố thí như vậy khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh lên cùng sống với Tứ Thiên vương thiên. Và vị ấy khi nghiệp dứt, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy cũng dứt, vị ấy trở lại trạng thái này".(Tăng chi IIIa, 1981, tr 61).

- "... Nhưng vị ấy không có bố thí như trên, nay bố thí để "trang nghiêm tâm, trang bị tâm". Do bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sanh về cùng trú với Phạm chúng thiên. Ở đó, khi nghiệp dứt, thần lực ấy, uy quyền ấy dứt, vị ấy trở thành vị Bất Lai, không còn trở lại trạng thái này nữa." (Tăng chi IIIa, 1981, tr 63)

Bố thí rời khỏi hết thảy các ngã tưởng, không trú sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, là hình thức tương tự với bố thí để trang nghiêm tâm (nghĩa là để loại trừ các lậu hoặc tham sân si).

Kim Cương gọi hình thức bố thí này là để "trang nghiêm cõi Phật" (trang nghiêm tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc là đồng nghĩa với trang nghiêm cõi Phật).

Duy chỉ có một điểm khác biệt giữa Nikàya và Kim Cương về hạnh bố thí là về phương pháp hay kỷ thuật giáo hóa.

- Nikàya giới thiệu bố thí như là pháp môn tu tập bước đầu vào đạo trước khi hành Tứ đế để đoạn diệt lậu hoặc.

- Kim Cương thì xây dựng bố thí thành Ba la mật cho Bồ tát đạo.

V.- Nương Tựa Mình Và Nương Tựa Pháp, Hay Tính Chất Nhân Bản Và Thiết Thực Hiện Tại Của Phật Giáo:

Nikàya kiết tập rất nhiều lời dạy của Thế Tôn về chỉ dẫn đệ tử trở về nương tựa mình và nương tựa pháp.

- "Ngươi là nơi nương tựa của chính ngươi, ai khác có thể là nơi nương tựa". (Dhp XII,4)

- "Ngươi phải làm công việc của ngươi, vì Như Lai chỉ dạy con đường." (Dhp,XX 4)

- "Này Ananda, hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chổ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Và này Ananda, thế nào là một Tỷ kheo tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình?

Này Ananda, một Tỷ kheo tu tập Tứ niệm xứ, là tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình." (Tương ưng V,tr 160)

Kim Cương rất nhiều lượt tán dương người tự mình học hiểu, giảng nói và thực hiện Bát nhã, xem công đức ấy vô lượng vô biên, lớn hơn nhiều so với công đức bố thí vô lượng châu báu, lớn hơn nhiều so với công đức cúng dường hầu hạ chư Phật.

Cả hai nền giáo lý đều quyết định điều căn bản của giải thoát là trở về nương tựa mình và nương tựa pháp.

VI. Giáo Lý Như Chiếc Bè:

Đoạn kinh số 6 của Kim Cương đưa ra ảnh dụ chiếc bè nói lên vai trò giảng dạy và chỉ đường của Thế Tôn.

Chiếc bè là để vượt qua, mà không phải để nắm giữ. Chiếc bè không phải là bờ bến và cảnh giới giải thoát ở bên kia. Cũng thế, giáo lý cũng là chỉ để giúp hành giả vượt qua dòng sông tham sân si của các ngã tưởng.

Kinh Xà dụ (Trung I, số 23) như có đề cập ở chương II, cuốn sách này, nêu lên nội dung tương tự ý nghĩa nhu Kim Cương.

Thực ra, kinh Xà dụ nói lên nhiều ý nghĩa của ảnh dụ con rắn (bắt rắn) và chiếc bè có thể được tóm tắt vào các điểm chính để so sánh với Kim Cương như sau:

- Cần thận trọng nắm giữ nghĩa Kinh, như việc bắt rắn phải bắt ở đầu rắn với cây gậy.

- Dục (thủ) là pháp chướng đạo. Giáo lý giải thoát là để đoạn trừ dục ái, hữu ái và vô hữu ái.

- Chiếc bè là để vượt qua, mà không phải để chấp thủ; và phải biết cách chèo chống, chèo chống đúng hướng.

- Về định, cần trừ bỏ vô tưởng định, và phi tưởng và phi phi tưởng xứ định. Về tuệ, ngay cả chánh kiến minh bạch thế, cũng đừng chấp thủ nó.

Kim Cương dạy từ bỏ chấp thủ cả pháp (Dharma) và không pháp (adharma). ảnh dụ giáo lý như chiếc bè là ảnh dụ rất thời danh và rất là truyền thống của kinh tạng Phật giáo.

VII.- Về Căn Cơ Đại Thừa Và Căn Cơ Tiểu Thừa:

Nikàya thường phân biệt có hai hạng căn cơ là: các bậc Thánh và các phàm phu.

- Phàm phu là hạng không học hiểu và không rõ các pháp của bậc Thánh, không thuần thục pháp của bậc Thánh, không tu tập pháp của bậc Thánh...., luôn luôn xem 5 uẩn là "cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi". Có nghĩa là luôn chấp thủ ngã tướng.

- Hạng Thánh nhân: Luôn đa văn, thuần thục pháp của bậc Thánh... luôn luôn xem 5 uẩn (cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi). Có nghĩa là luôn luôn rời khỏi chấp thủ các ngã tướng.

Kinh Kim Cương, đoạn 14a và 14b cũng phân chia có hai hạng người:

- Hạng căn cơ tiểu thừa, thường chấp thủ các ngã tướng và thiếu quyết tâm cầu giác ngộ Phật quả.

- Hạng căn cơ đại thừa: thường rời xa chấp thủ các ngã tướng và có chí cầu các quả Phật.

Thế là, Nikàya và Kim Cương gặp nhau trong việc phân loại căn cơ có sắc thái truyền thống như vừa nêu.

Tại đây, không có nơi nào trong giáo lý đề cập đến điểm gọi là giáo lý tiểu thừa và giáo lý đại thừa cả.

VIII.- Giáo Lý Trung Đạo:

Nikàya đề cập đến hai ý nghĩa trung đạo:

- Trung đạo tu tập thì tránh xa hai cực đoan ép xác và hưởng thụ dục lạc.

- Trung đạo thật nghĩa.

Tương Ưng II, ghi lời dạy của Thế Tôn rằng:

"Này Kaccayana, thế giới này phần lớn y chỉ vào hai cực đoan: có và không có. Này Kaccayana, ai với chánh trí tuệ thấy như chân thế giới tập khởi, thì không chấp nhận thế giới là không có. Ai với chánh trí tuệ thấy như chân thế giới này đoạn diệt, thì không chấp nhận thế giới này là có. Này Kaccayana, chấp thủ phương tiện và bị thiên kiến trói buộc, phần lớn thế giới này là vậy. Và ai với tâm không chấp thủ phương tiện, không chấp thủ thiên chấp tùy miên ấy, không có chấp trước, không có trú trước. Vị ấy không có nghĩ: "đây là tự ngã của tôi". Khi khổ sanh thì thấy là sanh, khi khổ diệt thì thấy là diệt. Vị ấy không có nghi ngờ, không có phân vân, không duyên vào ai khác, trí ở đay là của vị ấy. Cho đến như vậy là chánh kiến. "Tất cả là có" này Kaccayana, là một cực đoan, "tất cả là không có" là một cựa đoan thứ hai. Xa lìa hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết trung đạo: "Vô minh duyên hành, hành duyên thức..." Như vậy là toàn bộ khổ uẩn tập khởi. Nhưng do ly tham, đoạn hết vô minh nên hành diệt, do hành diệt nên thức diệt... thủ diệt....". Như vậy là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt." (1982, tr 20)

Trung đạo thật nghĩatheo Nikàya là rơi khỏi chấp thường, chấp đoạn, chấp có, chấp không. Nghĩa là rời khỏi chấp thủ bất cứ gì ở đời.

Toàn kinh Kim Cương là dạy rời khỏi chấp thủ tất cả các ngã tướng. Đoạn 27, dạy rời khỏi chấp thường, và chấp đoạn. Đoạn 32b xác nhận thực tại không phải là pháp (Dharma) cũng không phải là không pháp (adharma).

Đây là điểm giáo lý rất nền tảng gặp gỡ khắng khít giữa Kim Cương và Nikàya. Chúng ta có xua tan một số quan điểm sương mù ngộ nhận về giáo lý Nikàya và Kim Cương bằng cách phát biểu rằng:

-- Nikàya là giáo lý rất đại thừa và Kim Cương là giáo lý rất truyền thống Phật giáo vậy.

IX.- Tán Thán, Tôn Trọng Người Nói Pháp:

-Tăng Chi I, (phẩm Tối Thắng, tr 148) liệt kê các vị Tăng Ni và nam cư sĩ thuyết pháp giỏi nhất, nữ cư sĩ đa văn nhất, chứng tỏ thời bấy giờ có nhiều cư sĩ nói pháp và sự nói pháp giỏi được Thế Tôn tán thán.

-Kinh Pháp Cú, câu số 392, ghi:

"Từ ái, được nghe chánh pháp
Đã được Thế Tôn thuyết giảng
Hãy đãnh lễ vị thuyết pháp
Như người Phạm chí thờ lửa".

-Tăng Chi II, ghi về một trưởng lão được chư Tăng ái mộ thời hội đủ các đặc điểm sau đây:

"Đạt được nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải, và biện tài vô ngại giải..." (các khả năng là 4 vô ngại giải của một vị Bồ tát, theo quan điểm Tắc tạng).

Kinh Kim Cương nhiều lượt ca tụng vô cùng công đức của người giảng kinh, xem nơi có mặt người giảng nói kinh như là nơi điện pháp, thánh tích hoặc sẽ có mặt Như Lai hay đại đệ tử của Như Lai, nơi đó đáng được đảnh lễ, tôn trọng cúng dường.

Đây là một điểm gặp gỡ có tính truyền thống khác.

X.- Giáo Lý Ngũ Uẩn Và Thiền Quán Vô Thường, Vô Ngã:

1.- Giáo lý ngũ uẩn:

Về hai điểm giáo lý này thì bàng bạc khắp kinh tạng Nikàya. Ở đây chỉ trích dẫn tiêu biểu:

-"Với những ai sống một mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ kheo, nương tựa chính mình, không nương tựa một ai khác, hãy như lý tác ý: "sầu, bi, khổ, ưu, não do nguồn gốc nào sanh? do cái gì làm cho có mặt? "Ở đây, này các Tỷ kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ pháp của các bậc Thánh...., quán sắc là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc; khi sắc này biến hoại, đổi khác, thì sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. (tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức uẩn) (Tương Ưng III, 1982, tr 51).

Và: "Này các Tỷ kheo, biết được sắc là vô thường, biến hoại..., vị ấy thấy tất cả sắc xưa nay là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại. Do thấy như thật với chánh trí tuệ như vậy, các sầu, bi, khổ, ưu, não được đoạn tận, vị ấy giải thoát khỏi các tướng phần, nhứt hướng Niết Bàn". (tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức uẩn). (Tương Ưng III, 1982, tr 52-53)

Tại đây, Nikàya xác định gốc của khổ đau là do chấp thủ 5 uẩn. Gốc của giải thoát là giác tỉnh 5 uẩn là vô thường, vô ngã và khổ đau mà ly tham ái, ly chấp thủ chúng.

Kim Cuơng dạy rời chấp thủ 6 trần là nghĩa rời khỏi chấp thủ 5 uẩn vậy.

2.- Thiền quán:

Kinh Pháp Cú ghi:

"Hãy nhìn như bọt nước,
Hãy nhìn như ảo cảnh
Hãy nhìn đời như vậy
Thần chết không thấy được". (Dhp, 170)

Bài kệ cuối kinh Kim Cương dạy cách nhìn các pháp hữu vi tương tự như thế.

Điểm giáo lý gặp gỡ này hẳn rõ là rất căn bản và rất truyền thống của Phật giáo.

Trên đây là một số điểm so sánh tiêu biểu.

Theo lịch sử phát triển tư tưởng Phật học, thì Nikàya được kiết tập trước thời kỳ bộ phái nhiều trăm năm, nên điều có thể phát biểu về sự gặp gỡ của hai nền giáo lý Nikàya và Kim Cương Bát-nhã là:

Giáo lý Bát nhã có trọn nguồn gốc từ kinh tạng Nikàya, hay giáo lý Bát nhã có đầy đủ nội dung của giáo lý truyền thống (hay nguyên thủy) của Phật giáo.

---ooOoo---

Ghi chú cuối bài:

Mời các bạn đọc, đọc thêm bài: "Thượng tọa bộ, Đại thừa, và Lý tưởng Bồ tát trong Phật giáo" của Hòa thượng Tiến sĩ W. Rahula, bài dịch đã đăng trong Tập văn Giáo hội số Phật Đản 2532./.
("Bodhisattva Ideal in Buddhism", Ven. Dr. W. Rahula)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/08/2010(Xem: 13756)
Lâu nay tôi thường cùng các thi văn hữu trao đổi với nhau những bài thơ, câu đối như là một thú vui tao nhã. Về thơ thì tôi vừa mới tập hợp thành tác phẩm Mưa Hè (nhà xuất bản Hồng Đức - quý hạ 2013). Riêng về câu đối, với tính chất riêng của nó, tôi tập hợp thành tập Thiền Lâm Ứng Đối hợp tuyển này, bao gồm một số câu đối trước đây đã được in và phát hành dưới dạng “Lưu hành nội bộ”, và một số câu đối đã được làm trong thời gian sau này. Những câu đối trong tập cũ in lại có hiệu đính, phần nhiều ở câu dịch nghĩa. Đa số những câu đối có nhân duyên từ các chùa trong tỉnh, ngoại tỉnh và một số chùa ở nước ngoài nhờ làm để trang trí. có câu còn ghi chú rõ, có câu tôi không còn nhớ làm cho chùa nào, ở đâu. Kính xin chư Tôn đức cùng quí chùa hoan hỉ.
10/08/2010(Xem: 6103)
Diễn văn của luật sư Georges Graham Vest tại một phiên tòa xử vụ kiện người hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên William Saller của The New York Times bình chọn là hay nhất trong tất cả các bài diễn văn, lời tựa trên thế giới trong khoảng 100 năm qua.
16/07/2010(Xem: 15328)
Vừa qua, được đọc mấy bài thơ chữ Hán của thầy Tuệ Sĩ đăng trên tờ Khánh Anh ở Paris (10.1996) với lời giới thiệu của Huỳnh kim Quang, lòng tôi rất xúc động. Nghĩ đến thầy, nghĩ đến một tài năng của đất nước, một niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam, một nhà Phật học uyên bác đang bị đầy đọa một cách phi pháp trong cảnh lao tù kể từ ngày 25.3.1984, lòng tôi trào dậy nỗi bất bình đối với những kẻ đang tay vứt "viên ngọc quý" của nước nhà (xin phép mượn từ này trong lời nhận xét của học giả Đào duy Anh, sau khi ông đã tiếp xúc với thầy tại Nha trang hồi năm 1976: "Thầy là viên ngọc quý của Phật giáo và của Việt Nam ") để chà đạp xuống bùn đen... Đọc đi đọc lại, tôi càng cảm thấy rõ thi tài của một nhà thơ hiếm thấy thời nay và đặc biệt là cảm nhận sâu sắc tâm đại từ, đại bi cao thượng, rộng lớn của một tăng sĩ với phong độ an nhiên tự tại, ung dung bất chấp cảnh lao tù khắc nghiệt... Đạo vị và thiền vị cô đọng trong thơ của thầy kết tinh lại thành những hòn ngọc báu của thơ ca.
08/07/2010(Xem: 4135)
Ngày Về Nguồn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 tại chùa Pháp Vân, Canada đã khiến nhiều người bàn tán xôn xao. Họ xôn xao có lẽ một phần bỡ ngỡ trước danh từ Về Nguồn, vì một số không được cái may mắn có nguồn để về. Họ không cảm thấy rung động khi nghe câu ca dao: Cây có gốc mới xanh cành tươi ngọn Nước có nguồn mới biển cả sông sâu
28/06/2010(Xem: 32493)
Ba môn vô lậu học Giới Định Tuệ là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn an lạc. Muốn đến Niết-bàn an lạc mà không theo con đường này thì chỉ loanh quanh trong vòng luân hồi ba cõi. Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ– ba môn học liên kết chặt chẽ vào nhau, nhờ vậy mới đủ sức diệt trừ tham ái, đẩy lùi vô minh, mở ra chân trời Giác ngộ. Nhưng Giới học mênh mông, Định học mêng mông, Tuệ học mênh mông; nếu không nắm được “Cương yếu” thì khó bề hiểu biết chu đáo, đúng đắn. Không hiểu biết đúng đắn thì không sinh tâm tịnh tín; không có tâm tịnh tín thì sẽ không có tịnh hạnh, như vậy, con đường giải thoát bị bế tắc. Như một người học hoài mà vẫn không hiểu, tu hoàí mà vẫn không cảm nhận được chút lợi ích an lạc nào.
28/06/2010(Xem: 22682)
Bản dịch Việt Bích Nham lục được thực hiện với một tấm lòng tôn kính, cảm phục tài đức của giáo sư Wilhelm Gundert (12. 4. 1880-3. 8. 1971). Vì W. Gundert đã giới thiệu tường tận về tác phẩm độc nhất vô nhị này nên dịch giả người Việt hạn chế tối đa những lời dư thừa, chỉ đề cập đến nguyên tắc dịch, một vài nét đặc biệt cũng như kĩ thuật được áp dụng trong bản dịch Việt:
01/10/2007(Xem: 9750)
214 Bộ Chữ Hán (soạn theo âm vận dễ thuộc lòng)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]