Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mẹ tôi

14/01/201115:23(Xem: 6485)
Mẹ tôi

 red_rose_100

Mẹ Tôi

Võ Đại Sinh

---o0o---

 

Ba tôi qua đời cách đây 4 năm. Mẹ tôi mất cách đây đúng 4 tháng. Cả hai đều ra đi sau một thời gian khá dài cầm cự với cơn bệnh, ở tuổi 89. Mới ngày nào đây, khi chùa Quảng Đức dời về trụ sở mới ở Fawkner, nhân ngày báo hiếu Vu Lan, thầy Tâm Phương còn trao cho tôi đóa hoa hồng, lòng tôi vừa vui mừng vừa lo. Mẹ tôi đã ra vào bịnh viện khá nhiều lần trong 2 năm qua. Ngày Ba tôi mất, điện thoại từ Việt Nam báo tin vào lúc nửa đêm. Từ đó cứ mỗi lần điện thoại reo vào nửa khuya là tim tôi hồi hộp lạ thường. Tôi đang lo một điều khó tránh thoát được, Mẹ tôi càng ngày càng yếu đi và có thể ra đi bất cứ lúc nào...

Một đêm, sau tiệc cưới, về nhà, tôi được điện thoại từ Việt Nam sang báo tin Mẹ mất. Ngày được tin Ba mất, nước mắt tôi chảy dài. Hôm nay, Mẹ mất, nước mắt tôi không rơi, nhưng sao lòng tôi như đang chết lặng, tim tôi như ngừng đập. Ba mất, một mất mát quá lớn. Mẹ mất, một mất mát hình như to tát hơn. Không hiểu đó có phải là tâm trạng chung của mọi người, hay của chỉ riêng tôi, vì tư chất và hoàn cảnh quá đặc biệt của Mẹ tôi.

Hình như Mẹ tôi cũng có được sống qua một thời gian ngắn đầy đủ, sung túc. Nhưng đó chỉ là chuyện tôi nghe kể lại, lúc tôi chưa chào đời, và khoảng thời gian đó quá ngắn, không để lại một dấu tích, một ấn tượng nào trong tiềm thức tôi. Bây giờ, Mẹ mất, cố nghĩ, cố đào sâu ký ức... tôi thật không nhớ được Mẹ tôi có ngày nào được sung sướng.

Không biết các anh chị em tôi như thế nào, chớ riêng phần tôi, bất cứ một thành công nào trong cuộc đời tôi, dù lớn, dù nhỏ đều được trả giá bằng sự hy sinh của Mẹ tôi. Một người đàn bà mù chữ, nghèo khó, trong hoàn cảnh của Mẹ tôi, làm được việc gì để giúp cho sự khôn lớn, thành công của 8 đứa con, ngoài chấp nhận cuộc sống làm thuê, ở mướn. Tôi học trung học ở Gò Công, Mẹ tôi ở mướn ở Gò Công. Tôi lên Sài Gòn học đại học, Mẹ tôi lên theo tiếp tục nghề ở mướn ở Sài Gòn. Nhục nhằn Mẹ tôi gánh chịu trong thời gian ở mướn ở Gò Công tôi không được biết. Những chịu đựng của Mẹ tôi trong thời gian ở mướn ở Sài Gòn tôi trực tiếp chứng kiến, cùng chia xẻ, chịu đựng với Mẹ tôi. Vui buồn của Mẹ con tôi trong thời gian nhục nhằn đó tùy thuộc trọn vẹn vào buồn vui của 3 ông chủ con. Con nhà giàu, từ Gò Công, lên Sài Gòn học, tiền bạc dư thừa, 3 cậu tha hồ làm mưa làm gió. Và mưa gió đó đã vùi dập cuộc sống của Mẹ con tôi.

Tôi ra trường năm hai mươi ba tuổi. Mẹ tôi chấm dứt cuộc sống hai mươi ba năm ở mướn, thì hình như đã quá trễ. Nghèo khó đeo đẳng quá lâu... đã khiến Mẹ tôi luôn sợ nghèo, sợ khổ, không quen sống cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Ở mướn thời gian quá dài đã khiến Mẹ tôi quen thuộc với chịu đựng, gọi dạ, bảo vâng... đến không dám nhờ vả, sai khiến bất cứ ai, dù rằng anh chị em tôi lúc đó đã có đủ khả năng lo cho Ba Mẹ tôi đủ ăn đủ mặc, dù rằng lúc đó, quanh Mẹ tôi có hàng chục con cháu sẵn sàng lo lắng, phục vụ ! Ngày cả trong lúc bạo bịnh, thời gian ngắn chị em tôi túc trực nằm vây quanh giường bịnh, Mẹ tôi cũng ngại ngùng chẳng dám làm phiền con, dâu, nửa đêm, nhẹ nhàng lén đi tiểu, tiểu một mình...

Năm 1974, tôi cưới vợ. Với địa vị xã hội và sự quen biết của tôi ở thời điểm đó, đám cưới tôi được tổ chức lớn lắm, lớn nhứt quận Hòa Đồng, theo như nhiều người kể lại. Ba Mẹ tôi lo lắng thật nhiều, nhưng khổ nhất là Mẹ tôi, vì thương con, cũng vì thương con, đã bỏ ra hàng tuần để tập đồ đi đồ lại tên mình, chuẩn bị ký tên vào tờ hôn thú cho vợ chồng tôi trong ngày trọng đại đó. Khổ cho người Mẹ mù chữ, thương con của tôi. Mẹ tôi ngại cho tôi, nhưng tôi thì không. Tôi luôn hãnh diện vì Mẹ tôi, vì sự mù chữ của Mẹ tôi ! Đức Đạt Lai Lạt Ma ca tụng người Mẹ vĩ đại của Ngài vì những hy sinh chẳng đáng gì đâu, nếu so với sự hy sinh của Mẹ tôi ! Tôi không biết diễn đạt thế nào cho đầy đủ về sự hy sinh của Mẹ tôi, cho xứng đáng với sự hy sinh của Mẹ tôi. Điều chắc chắn là, với tôi, Mẹ tôi vĩ đại hơn Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Ngày Mẹ tôi mất, tôi được tin quá trễ, vào lúc nửa đêm thứ Bảy. Ngày Chúa Nhật không làm được việc gì. Sáng thứ Hai tôi phải bay vội về Việt Nam qua một đêm chờ đợi ở phi trường Singapore. Trên phi cơ tôi đã vội vàng chuẩn bị bài điếu văn khóc Mẹ. Đường bị kẹt ở cầu Long An khá lâu, về đến nhà vào ngày thứ Ba, chỉ còn 5 phút nữa đến giờ động quan. 5 phút ngắn ngủi chỉ đủ cho tôi vật vả lạy Mẹ trước quan tài. Điếu văn khóc Mẹ do vậy đã không được đọc, dù rằng tôi thèm được khóc với Mẹ tôi lần tiễn biệt cuối cùng. Tôi thèm nói cho Mẹ tôi biết cảnh tang tóc của tiểu gia đình tôi ở nơi tha hương khi được hung tin. Tôi thèm nói cho Mẹ tôi biết về sự đau buồn, thê lương của 3 đứa con tôi, Đoan Trang, Việt Nam, Khoa Nam, khi được tin Bà Nội mất.

Chiều chiều, từ ngày trở lại Úc sau đám tang Mẹ, trên căn gác lửng nhà tôi, nhìn chim bay từng đàn, tôi thật sự không biết chúng đang bay từ đâu, định đến hướng nào, nhưng tôi chắc chắn là chúng đang trên đường về với Mẹ, về quê Mẹ. Khi Mẹ tôi còn sống, tôi về Việt Nam mỗi năm đôi, ba lần. Từ khi Mẹ tôi mất, quê hương Việt Nam vẫn còn đó, nhưng lòng tôi không còn nao nức muốn về thăm nữa. Hình như khi mất Mẹ, sự gắn bó với quê hương cũng mất theo với Mẹ. Thầy Nhất Hạnh trong quyển bông hồng cài áo khi nói về Mẹ đã viết "Tôi thấy tôi mất Mẹ, mất cả một bầu trời". Còn tôi, từ ngày mất Mẹ, tôi mất cả quê hương, mất luôn cả đường về !

     Melbourne 8-3-1998


vo dai sinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/07/2010(Xem: 15198)
Vừa qua, được đọc mấy bài thơ chữ Hán của thầy Tuệ Sĩ đăng trên tờ Khánh Anh ở Paris (10.1996) với lời giới thiệu của Huỳnh kim Quang, lòng tôi rất xúc động. Nghĩ đến thầy, nghĩ đến một tài năng của đất nước, một niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam, một nhà Phật học uyên bác đang bị đầy đọa một cách phi pháp trong cảnh lao tù kể từ ngày 25.3.1984, lòng tôi trào dậy nỗi bất bình đối với những kẻ đang tay vứt "viên ngọc quý" của nước nhà (xin phép mượn từ này trong lời nhận xét của học giả Đào duy Anh, sau khi ông đã tiếp xúc với thầy tại Nha trang hồi năm 1976: "Thầy là viên ngọc quý của Phật giáo và của Việt Nam ") để chà đạp xuống bùn đen... Đọc đi đọc lại, tôi càng cảm thấy rõ thi tài của một nhà thơ hiếm thấy thời nay và đặc biệt là cảm nhận sâu sắc tâm đại từ, đại bi cao thượng, rộng lớn của một tăng sĩ với phong độ an nhiên tự tại, ung dung bất chấp cảnh lao tù khắc nghiệt... Đạo vị và thiền vị cô đọng trong thơ của thầy kết tinh lại thành những hòn ngọc báu của thơ ca.
08/07/2010(Xem: 4118)
Ngày Về Nguồn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 tại chùa Pháp Vân, Canada đã khiến nhiều người bàn tán xôn xao. Họ xôn xao có lẽ một phần bỡ ngỡ trước danh từ Về Nguồn, vì một số không được cái may mắn có nguồn để về. Họ không cảm thấy rung động khi nghe câu ca dao: Cây có gốc mới xanh cành tươi ngọn Nước có nguồn mới biển cả sông sâu
28/06/2010(Xem: 31810)
Ba môn vô lậu học Giới Định Tuệ là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn an lạc. Muốn đến Niết-bàn an lạc mà không theo con đường này thì chỉ loanh quanh trong vòng luân hồi ba cõi. Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ– ba môn học liên kết chặt chẽ vào nhau, nhờ vậy mới đủ sức diệt trừ tham ái, đẩy lùi vô minh, mở ra chân trời Giác ngộ. Nhưng Giới học mênh mông, Định học mêng mông, Tuệ học mênh mông; nếu không nắm được “Cương yếu” thì khó bề hiểu biết chu đáo, đúng đắn. Không hiểu biết đúng đắn thì không sinh tâm tịnh tín; không có tâm tịnh tín thì sẽ không có tịnh hạnh, như vậy, con đường giải thoát bị bế tắc. Như một người học hoài mà vẫn không hiểu, tu hoàí mà vẫn không cảm nhận được chút lợi ích an lạc nào.
28/06/2010(Xem: 22335)
Bản dịch Việt Bích Nham lục được thực hiện với một tấm lòng tôn kính, cảm phục tài đức của giáo sư Wilhelm Gundert (12. 4. 1880-3. 8. 1971). Vì W. Gundert đã giới thiệu tường tận về tác phẩm độc nhất vô nhị này nên dịch giả người Việt hạn chế tối đa những lời dư thừa, chỉ đề cập đến nguyên tắc dịch, một vài nét đặc biệt cũng như kĩ thuật được áp dụng trong bản dịch Việt:
01/10/2007(Xem: 9636)
214 Bộ Chữ Hán (soạn theo âm vận dễ thuộc lòng)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]