Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về một lối suy nghĩ tùy tiện xuyên tạc lịch sử

08/04/201312:37(Xem: 738)
Về một lối suy nghĩ tùy tiện xuyên tạc lịch sử

VỀ MỘT LỐI SUY DIỄN TÙY TIỆN XUYÊN TẠC LỊCH SỬ

Nguyễn Đức Sơn

--o0o--

Gần đây, ở mục "Nhìn lại lịch sử" trên tạp chí Thế Giới Mới(1), tạp chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có đăng bài viết của Phan Duy Kha (PDK), nhan đề Chuyện cây gạo làng Dương Lôi, sư Vạn Hạnh và vua Lý Công Uẩn. Đây là một bài viết nhiều lệch lạc, tỏ ra sự không nghiêm túc, nếu không nói là xuyên tạc lịch sử theo cách suy diễn chủ quan của PDK. Tuy nhiên, khi nó được giới thiệu trên mục "Nhìn lại lịch sử" của một tạp chí nghiêm túc của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nghiễm nhiên được thừa nhận và tác dụng xã hội của nó được nhân lên, do đó buộc chúng tôi đành phải lên tiếng.

Về chuyện cây gạo và những lời sấm vỹ vận động nhằm làm cuộc cách mạng bất bạo động chấm dứt triều Tiền Lê đã đến hồi mục nát, tạo sự ủng hộ về dư luận để Lý Công Uẩn lên ngôi nhận lấy sứ mệnh lãnh đạo đất nước, không phải là xa lạ với mọi người. Và cho đến nay, việc nghiên cứu về sư Vạn Hạnh và Lý Thái Tổ có thể nói đã tương đối ổn định trên cơ sở những tư liệu khả dĩ hiện có.

1. Sư Vạn Hạnh

Tiểu sử của sư Vạn Hạnh được nhiều sử sách ghi lại, ngoài quốc sử thì Thiền uyển tập anh là một cứ liệu khá đầy đủ và đáng tin cậy. Theo Thiền uyển tập anh, Sư tu học tại chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, xuất thân người làng Cổ Pháp. Thuở nhỏ Sư đã khác thường, thông thạo không chỉ triết lý nhà Phật mà cả các lĩnh vực thế học khác, nhưng là người coi thường công danh. Năm 21 tuổi xuất gia tôn thờ Thiền Ông ở chùa Lục Tổ làm thầy. Ngoài những công việc thông thường của một người mới xuất gia, Sư chuyên tâm tu hành và học tập không biết mệt mỏi. Sư nổi tiếng với những dự báo về đại cuộc của đất nước. Những lời nói ra của Sư thường ứng nghiệm, thiên hạ cho là phù sấm. Vua Lê Đại Hành (ở ngôi 980-1005) đã từng hỏi ý kiến của Sư về việc thắng bại của quân ta trong cuộc chiến đẩy lùi quân Tống xâm lược năm 980. Kết quả thắng lợi trong thời gian đúng như dự báo của Sư. Vua vốn đã kính trọng lại càng tôn quý Sư hơn.

Gặp lúc Lê Ngọa Triều bạo ngược, trời người oán ghét, khắp nơi trong nước xuất hiện những điềm lạ, như có con chó trắng lông kết thành chữ "Quốc" trên lưng; sét đánh cây gạo để lại dấu chữ; ngôi mộ Hiển Khánh Đại vương đêm đến nghe tiếng đọc tụng; cây đa chùa Song Lâm sâu ăn vỏ thành nét chữ "Quốc"... Tùy những việc tai nghe mắt thấy Sư xét bàn, thì mỗi mỗi nơi đều phù hợp với điềm nhà Lê đã đến thời sụp đổ, nhà Lý sẽ lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ngày Lý Công Uẩn lên ngôi, Sư ở tại chùa Lục Tổ đã biết trước bèn bảo với chú bác (2) của Lý Công Uẩn về sự việc vua Lê Ngọa Triều băng hà, Lý Công Uẩn (lúc đó đang ở chức Tả thân vệ tiền chỉ huy sứ) sẽ lên ngôi. Mọi người sợ hãi không dám tin, sai người đi nghe ngóng thì quả đúng như vậy.

Đại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản, khắc năm1697 (ĐVSKTT) (3) thống nhất về những lời dự báo của sư Vạn Hạnh trước các điềm trên. Một số sử liệu khác thì ghi thêm rằng, sau khi Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn về dự báo ấy, Lý Công Uẩn sợ Sư bị giết nên đã nhờ người đem giấu Sư ở chùa Tiêu Sơn (4). Đại Việt sử lượccó chép lời của sư Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn tại quyển 2, tờ 1: "Vạn Hạnh bèn gọi vua bảo: "Tôi gần đây thấy sự lạ của sấm, biết được nhà Lê đang mất, nhà Nguyễn đang lên. Họ Nguyễn không ai có sự nhân từ, khoan thứ rất được lòng người như ông. Tôi tuổi bảy mươi rồi, chỉ sợ không kịp thấy sự thịnh trị mà lấy làm hận". Lời này cũng được Đại Việt sử ký toàn thưghi, cũng như Việt sử tiêu ánchép nhưng giản lược hơn.

Sư Vạn Hạnh mất năm 1025, năm sinh không thấy sử liệu nào ghi rõ, thọ ngoài 80 tuổi.

2. Vua Lý Thái Tổ và mối quan hệ với sư Vạn Hạnh

Về tiểu sử vua Lý Thái Tổ, tức Lý Công Uẩn, được ghi khá rõ trong quốc sử. ĐVSKTT viết : Vua họ Lý, húy Công Uẩn, người châu Cổ Pháp (5). Mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa. Vua Lý Công Uẩn sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974). Năm lên ba, mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn, Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi. Lúc nhỏ đã tỏ ra thông minh và có dung mạo khác thường. "Lúc còn nhỏ đi học, nhà sư ở chùa Lục Tổ là Vạn Hạnh thấy, khen rằng : Đứa bé này không phải là người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ..." (6)

Theo ĐVSKTT và Thiền uyển tập anhthì Lý Công Uẩn có cha mẹ, chú, anh em. ĐVSKTT, quyển 1, tờ 34a6, viết : [năm Kỷ Dậu (1009) vua] "Truy phong cha là Hiển Khánh Đại vương, mẹ là Minh Đức Thái hậu". Và lúc đó sư Vạn Hạnh còn sống (Sư mất năm 1025 nếu theo Đại Việt sử ký toàn thưĐại Việt sử lược, hay năm1018 nếu theo Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XIIIcủa Trần Văn Giáp (7)). Điều này còn được sử thần Lê Văn Hưu khẳng định bằng lời phê phán rằng các lễ quan thời bấy giờ không biết cải chính, bởi phong như thế là "tự ty" vậy (ĐVSKTT, quyển 1, tờ 34b1). Cũng ĐVSKTT, quyển 1, tại tờ 34b5 ghi : "...phong anh làmVũ Uy Vương, chú làm Vũ Đạo Vương". Đại Việt sử lược, quyển 2, tại tờ 2b3 cũng đã chép "Tháng 11 nguyênniên vua lên ngôi (...) lấy anh Mỗ làm Vũ Uy Vương, em vua là Dực Thánh Vương...". Như vậy, ở đây có sự thống nhất với Thiền uyển tập anhkhi ở trong tiểu truyện về Thiền sư Vạn Hạnh chép là vua Lý Công Uẩn có cha mẹ, anh em và chú. Với những tài liệu quốc sử vàThiền uyển tập anh, một bộ sử sớm nhất của Phật giáo Việt Nam hiện biết được, thì quan hệ giữa sư Vạn Hạnh và vua Lý Công Uẩn là quan hệ thầy-trò. Điều này được bổ sung bằng các tài liệu lịch sử viết bằng chữ Nôm như Việt sử diễn âm, Thiên Nam ngữ lụcvốn quen thuộc đối với những ai nghiên cứu hoặc yêu thích tìm hiểu nền sử học nước nhà.

3. Sự suy diễn xuyên tạc lịch sử của PDK

Chính sử là thế, ấy vậy mà PDK lại dùng giai thoại để xuyên tạc lịch sử bằng lối suy diễn hết sức tùy tiện khi nói về sự tích ra đời của vua Lý Công Uẩn : "Đây là những câu chuyện hoang đường để giải thích sự ra đời không bình thường (không có cha) của Lý Công Uẩn, chứ thần linh nào mà "giao cấu" được với người đến mức có con và nếu chỉ "bước qua" thôi thì làm sao mà thụ thai được? Thật ra, người có "quan hệ" với bà Phạm Thị Ngà làm cho bà có thai là sư Vạn Hạnh". (chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi-NĐS). Cũng lối suy diễn tùy tiện đó, PDK đã "lý giải" về hình tượng vị thần nhân trong giai thoại được ghi ở văn bia Lý gia linh trạch : "Vị "Thần nhân thường đứng cạnh cột chùa" phải chăng chính là Vạn Hạnh, vị sư trú trì chùa?" Không chỉ nêu ra nghi vấn, mà liền sau đó, PDK đã tự trả lời như thể là kinh nghiệm của ông vậy: "Việc ông dẫn bà vào hang núi (nói trệch ra là để đi "lấy của") thực chất là để có dịp gặp gỡ, ân ái ở nơi kín đáo hơn." PDK đã quên (hay cố tình "lờ" đi để suy diễn theo ý chủ quan chủ ông) rằng những câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết, và truyền thuyết/giai thoại thì chỉ ghi để tham khảo chứ không thể lấy đó để viết sử, hay để đánh giá một sự việc và nhận định về một con người. Người nghiên cứu lịch sử không bao giờ được phép lẫn lộn, càng không được đánh đồng giữa chính sử và ngoại sử. Và trong lúc "phán" như thế không biết PDK có biết những truyền thuyết/giai thoại khác chung quanh sự ra đời của vua Lý Công Uẩn hay không (8)? Hay là ông cố tình bỏ qua? Tại sao ông chỉ bám vào một trong những giai thoại để "giải thích" theo ý chủ quan của mình ? Với cách suy diễn tùy tiện và vô lối đó thì đối với các điềm lạ về sự thụ thai vua Lý Thánh Tông (1054-1072) được ĐVSKTT quyển 3, tờ 1a3 chép : "Mẹ là Kim Thiên Thái hậu họ Mai, mộng thấy mặt trăng vào bụng rồi có thai"; cũng ĐVSKTT quyển 5, tờ 25a3-4 ghi về vua Trần Thánh Tông (1258-1278) : "Mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng thái hậu Lý thị, nhân Thái Tông mộng thấy Trời trao bảo kiếm, hậu có mang", v.v...cũng như những truyền thuyết hết sức đẹp đẽ và hùng tráng trong lịch sử dựng nước và chống giặc ngoại xâm của dân tộc sẽ được hiểu ra sao đây? Nếu "nhìn lại lịch sử" với cách suy diễn như PDK thì không biết lịch sử nước nhà còn những gì đáng để làm gương và tự hào, các danh nhân của dân tộc sẽ bị bôi nhọ đến đâu ?

Về việc Lý Khánh Văn nhận Lý Công Uẩn làm con nuôi đã được chép rõ trong nhiều sử liệu, ấy thế mà PDK lại xuyên tạc, rằng : "Sau khi bà Phạm Thị Ngà có mang, bà bị đuổi ra khỏi chùa, phải đi khất thực (xin ăn). Chúng tôi cho rằng có thể đây là một sư bố trí của nhà sư Vạn Hạnh, cốt để bảo vệ uy tín và danh dự của mình. Chắc rằng ông đã đưa cho bà một số tiền, khuyên bà đi nơi khác để tránh tiếng cho ông. Chứ đối với một phụ nữ bụng mang dạ chửa, mà cái thai chính là giọt máu của mình, thì ông càng không thể nhẫn tâm đuổi bà ra khỏi chùa, bắt phải đi khất thực" (9). Thật không thể hiểu nổi về một lối suy diễn xuyên tạc lịch sử như thế. Điều này dĩ nhiên không thể tìm thấy căn cứ trong một tư liệu nghiêm túc nào ngoài suy nghĩ của một kẻ thủ lợi. Và thật đáng buồn là thói đời đó lại được dùng để bôi nhọ các danh nhân dân tộc trên một tạp chí của ngành giáo dục.

Còn mối quan hệ giữa sư Vạn Hạnh và Khánh Văn là thế nào ? Hiện nay không tìm thấy một dữ liệu thuộc chính sử nói họ là anh em ruột ngoài truyền thuyết/giai thoại. Có lẽ PDK đã đọc "ba chớp ba nhoáng" trong Thiên Nam ngữ lụcở câu "Được anh dạy cháu giữ gìn cho tôi", khi Khánh Văn mang Lý Công Uẩn đến năn nỉ sư Vạn Hạnh để nhờ dạy dỗ, mà lờ đi các câu trước đó :

"Khánh Văn tuổi trẻ bình sinh

Có bạn thiết mình Vạn Hạnh Thiền sư

Nam nhi công nghiệp bán đồ

Rủ nhau học đạo ở chùa dưỡng thân

Tuổi vừa ngoài bảy mươi xuân

Ở chùa Lục Tổ gởi thân lâm thiền

Tuy rằng vui thú lâm thiền

Song còn nhớ đạo thánh hiền thi thơ

Rỗi nhân lại dạy học trò

Khánh Văn bấy giờ đem Công Uẩn sang

Nói năng chỉn hết mọi lời

Được anh dạy cháu giữ gìn cho tôi

Vạn Hạnh bèn cứ như lời

Dạy dỗ Công Uẩn dưỡng nuôi trong nhà..."(10)

(Thiên Nam ngữ lục, lược các chú thích. Chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi -NĐS)

Cũng lối như trên, PDK không biết ngượng mồm khi tiếp tục với luận điệu cho rằng việc Lý Khánh Văn nhận Lý Công Uẩn làm con nuôi và việc sư Vạn Hạnh nhận dạy dỗ Lý Công Uẩn, v.v...chỉ là "màn kịch", "sự tính toán đạo diễn của Vạn Hạnh từ trước", để "che mắt thiên haợ"; rằng, "Trong môi trường thâm nghiêm huyền bí của nhà chùa, Vạn Hạnh càng dễ sáng tác, thêu dệt những câu chuyện siêu phàm về Lý Công Uẩn.", v.v... Đến đây thật không còn lời nào thích đáng để nói về một lối "nhìn lại lịch sử", nếu không dùng những từ tệ hại nhất để gọi.

Đã thế, PDK không chỉ tỏ nông cạn mà còn thể hiện ý đồ bóp méo lịch sử khi ông nói [sư Vạn Hạnh] "cố gắng tạo ra hình ảnh của một cậu bé siêu phàm trong con mắt mọi người"; rồi sau PDK lại suy diễn: [sư Vạn Hạnh] "gây ảnh hưởng, tạo tiền đề chuẩn bị cho con đường ra làm quan sau này của Lý Công Uẩn" và "dọn đường dư luận để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi một cách an toàn khi gặp dịp" ... có nghĩa là theo PDK, Lý Công Uẩn chẳng có tài cán gì đáng kể, và chẳng phải là một vị vua tài ba lỗi lạc anh minh, "có mưu lược của bậc đế vương" (*) như tất cả các nhà làm sử đã đánh giá trong quốc sử, mà chỉ là "con cờ" của sư Vạn Hạnh. Vậy thì khi Lý Công Uẩn lên ngôi, "trăm quan đều lạy rạp dưới sân, trong ngoài đều hô vạn tuế, vang dậy cả trong triều" cũng không phải là vì họ đã sáng suốt đồng lòng biết chọn một người có tài kinh lược, đủ sức gánh vác đất nước thay thế Lê Ngọa Triều bạo ngược, mà cũng chỉ là vì họ bị sư Vạn Hạnh dàn cảnh hay sao? Và không lẽ những đánh giá của các nhà sử học cổ kim, của giới sử học nước ta ngày nay, về Lý Công Uẩn chỉ là một sự bịa đặt; đồng thời những người chủ trương, tổ chức sự kiện trọng đại kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà vua Lý Thái Tổ là người đã khai sinh nó, là thiếu một sự hiểu biết sao? PDK muốn nói gì, hẳn qua đây đã bộc lộ rõ. Để cho những lời như thế được phát ngôn trên một tạp chí nghiêm túc như tạp chí Thế Giới Mới,vô hình trung BBT đã tiếp tay cho kẻ có tâm thuật bất chính.

Trong đoạn cuối, nhằm củng cố cho ý đồ của mình, PDK đã tỏ ra hết sức nông cạn khi kết luận việc Vạn Hạnh nuôi dạy và ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi, rằng: "Nếu không phải là con đẻ của mình thì hiếm có ai tận tâm, tận lực như thế được!" Điều này thật hợp lý với lối suy diễn theo kiểu đem cái thấy chủ quan của mình để xét thiên hạ như PDK. Tuy nhiên, lối nhìn thấp kém và hẹp hòi ấy không được và không thể đem ra để nhìn lại lịch sử cũng như để đánh giá các danh nhân của dân tộc, mà ở đây là nhà chính trị Lý Công Uẩn và nhà giáo dục Vạn Hạnh. Với cách suy diễn hồ đồ như thế, thôi thì không kể gì đến chuyện xa xưa, mà chỉ nói những gương hy sinh vì đại nghĩa của các danh nhân gần đây, đặc biệt là trong lịch sử cách mạng thời cận - hiện đại của nước ta mà nếu chịu khó đọc sách giáo khoa lịch sử ở cấp phổ thông trung học cũng nêu được vài tên tuổi. Nói như PDK thì thử hỏi lòng yêu nước của nhân dân ta được nhìn nhận như thế nào ? Tình đồng chí được suy diễn ra sao ? Bao nhiêu bà mẹ, những chiến sĩ cách mạng vong thân, bảo bọc cho nhau, vì sự nghiệp chung là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước được đánh giá là gì ? Hễ nếu không phải là quan hệ máu mủ thì không tận tâm, tận lực với nhau sao ?

Trong nghiên cứu, mọi sự hoài nghi đều có thể đặt ra, nhưng không được đem ý kiến chủ quan để gán ghép hay kết luận. Đối với lịch sử thì điều đó lại càng phải hết sức thận trọng, không được phép tùy tiện nhận định hay đánh giá khi chưa có đủ chứng cứ xác đáng. Nếu giả thiết Lý Công Uẩn là con ruột của Vạn Hạnh thì điều này cần phải được làm sáng tỏ bằng các dữ liệu lịch sử. Và giả sử sự thật như vậy thì thiết nghĩ đó là điều tự hào và vinh dự cho người đã sinh ra và giáo dục nên một nhân vật ưu tú của dân tộc như vua Lý Công Uẩn. Nhưng dẫu muốn thế cũng không thể, vì đó là vấn đề không có căn cứ. Nó càng phi lý hơn nữa, nếu xét một mặt, khi đã ở vị trí Thiên tử đứng đầu thiên hạ, tại sao vua Lý Thái Tổ không công nhận Vạn Hạnh là cha đẻ của mình, lại truy phong cho cha và mẹ (đã mất) như chính sử chép rõ ràng, nhà vua "u mê" đến nỗi nhận kẻ dưng làm cha rồi truy phong và tôn thờ sao? Mặt khác, Lý Công Uẩn không phải là người con duy nhất trong gia đình, mà vua còn có anh, em và chú. Tên và tước của những người này được ghi trong quốc sử, chứ không phải chỉ được nhắc ở một truyền thuyết/giai thoại lẻ tẻ đâu đó. Không biết PDK đã nghĩ như thế nào, hay là ông không chịu đọc, chứ một người bình thường khi đọc những chi tiết đó thì không thể hạ bút "phán" như thế.

Chỉ mới cứ theo các chi tiết trên đã đủ thấy sự tùy tiện, nếu không nói là vì một ý đồ khác của bài viết Chuyện cây gạo làng Dương Lôi, sư Vạn Hạnh và vua Lý Công Uẩn. Bởi lịch sử không phải là chuyện đã qua đem ra suy diễn tùy tiện, mà là "lý lịch" của một dân tộc, cái gì có thì nói có, cái gì không có căn cứ thì không được phép suy diễn bừa theo ý chủ quan của mình. Và xét xưa nay, các nhà sử học tiền bối, dù cảm tình hay không, vẫn dành những lời hết sức thận trọng khi nói về vị vua mở đầu triều Lý và vai trò các vị Thầy của vua là Lý Khánh Văn, đặc biệt là sư Vạn Hạnh.

4. Mấy lời cuối

Lối viết kiểu PDK thật không đáng để xét bàn, nếu nó được nói vu vơ đâu đó. Nhưng thật đáng buồn là nó lại được đăng trên chuyên mục lịch sử của tạp chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bạn đọc, nhất là các em học sinh-sinh viên, sẽ nghĩ như thế nào về người đã khai sinh Thăng Long, thủ đô Hà Nội ngày nay, nếu không nói là gieo một sự nghi ngờ không đáng có về cái nghĩ xa trông rộng của một nhà văn hóa-chính trị Lý Công Uẩn, đặc biệt là về nhân cách lớn của người Thầy đã đào tạo nên một nhà lãnh đạo xuất chúng như thế là sư Vạn Hạnh, đồng thời tỏ ra sự coi thường lịch sử.

Qua một vài điểm mà chúng tôi nói sơ bộ cũng đủ thấy rằng, bài Chuyện cây gạo làng Dương Lôi, sư Vạn Hạnh và vua Lý Công Uẩncủa PDK trên tạp chí Thế Giới Mới là một bài viết theo lối suy diễn hết sức tùy tiện có ý xuyên tạc lịch sử, phi khoa học và phản giáo dục. Đấy cũng chỉ mới là một trong những điều lệch lạc của một bài viết ngắn với nhiều sai lầm, thiếu chính xác; đồng thời chỉ là một thí dụ một về sự lệch lạc trong số các vấn đề lịch sử, chẳng hạn vấn đề Ngọc phả thời Hùng Vương..., mà tạp chí này đã từng "nhìn lại".

Lịch sử là một khoa học, nó luôn đòi hỏi sự trung thực và tính khách quan. Viết sử không phải để tô hồng hay bôi đen các sự kiện theo tình cảm cá nhân hay vụ lợi. Người viết muốn đi đến bất kỳ một kết luận gì thuộc về lịch sử đều phải có những căn cứ xác đáng, mà không được phép tùy tiện muốn suy diễn theo ý chủ quan và xuyên tạc theo óc tưởng tượng hẹp hòi và thấp kém của mình. Bởi lẽ lịch sử không chỉ là quá khứ đã qua, gợi lại để luận bàn chơi, mà là chính trị của quá khứ, nói như Phạm Công Trứ trong ĐVSKTT, nhắc lại lịch sử "ngõ hầu bổ sung cho trị đạo, giúp ích cho phong hóa" (11). Và thật đáng lo ngại là hiện nay vấn đề này thực hiện không được cân nhắc cho lắm trong khi nhà nước đang có chủ trương xây dựng một nền giáo dục tìm về cội nguồn dân tộc, mà những gì đã nêu cũng chỉ là một thí dụ.

(1) Số 378, ra ngày thứ Hai, 20.3.2000.

(2) Nguyên bản chép "thúc bá" (Sư tại Lục Tổ tự tiên tri chi vị thúc bánhị vương viết...), chữ này có nghĩa là anh em và còn có nghĩa thông thường là chú bác.

(3) Bản Nxb Khoa học xã hội, HN, 1998.

(4) Nay thuộc xã Tương Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

(5) Nay là đất huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

(6) Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, HN, 1998, quyển II, trang 240.

(7) Viện Sử học, Nhà sử học Trần Văn Giáp, Nxb. Khoa học xã hội, HN, 1996, trang 124. Về năm mất của sư Vạn Hạnh theo Trần Văn Giáp (1018) thực chất là một sự sửa không chính xác nếu so với sự chép thống nhất và rõ ràng của ĐVSKTT và Đại Việt sử lược.

(8) Có truyền thuyết rằng, thân sinh của Lý Công Uẩn vốn nhà nghèo đi làm ruộng thuê ở chùa Tiên Sơn, phải lòng một thiếu nữ rồi làm nàng có thai. Nhà sư thấy thế bèn đuổi đi nơi khác. Hai vợ chồng dắt nhau đi, nhân người chồng vì khát nước đến một cái giếng để uống chẳng may sẩy chân mà chết. Người vợ bất hạnh bơ vơ đến xin trú chân ở chùa Ứng Tâm. Vị sư trú trì đêm trước nằm mộng thấy Long thần báo sắp có Hoàng đế đến chùa. Vài tháng sau người đàn bà ấy sinh một bé trai với nhiều hiện tượng lạ. Mẹ chú bé chết sau khi sinh con và chú bé được chùa nuôi dưỡng. Khi tuổi lên 8-9, chú được vị sư nuôi nấng mang đến gởi cho sư Vạn Hạnh ở chùa Tiên Sơn dạy dỗ...(xem Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh niên, HN, 1999, trang79-80); Thiên Nam ngữ lục kể rằng, người đã bước qua mình và sau đó người đàn bà họ Phạm có chửa là một nhà sư già...

(9) PDK tỏ ra có kiến thức bằng lối "sính chữ" : ông dùng "khất thực" nhưng bộc lộ sự không hiểu biết tối thiểu về ngữ nghĩa của nó khi chua "xin ăn" sau đó.

(10) Theo Lê Mạnh Thát. Chân Nguyên Thiền sư toàn tập, tập IV, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1983.

(11) Sđd, tập I, tr. 98

(*) ĐVSKTT, tập I, tr.98 ?

(Source nguyệt san Giác Ngộ)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/07/2019(Xem: 9153)
Nhớ hồi vợ chồng tôi và hai đứa con nhỏ (một trong hai đứa còn nằm trong bụng mẹ, tháng thứ 6) xuất cảnh đi Mỹ. Vì trường hợp phụ nữ mang thai nên IOM (cơ quan di dân quốc tế) thu xếp cho riêng chúng tôi đi đường bay quá cảnh phi trường Kyoto Nhật Bản thay vì đường ghé Hàn quốc như những gia đình khác cùng đợt hồ sơ, như vậy chúng tôi sẽ được rút ngắn chuyến đi gần nửa ngày. Sự tử tế chu đáo và bất ngờ này của một cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, ‘người dưng nước lã' hoàn toàn xa lạ, làm tôi cảm động. Tiền mua vé máy bay cho tất cả những di dân diện tị nạn đều do IOM cho vay trước, chúng tôi sẽ trả góp sau khi đã an toàn định cư ở quốc gia mới.
24/07/2019(Xem: 12429)
Năm 1308, Mạc Đỉnh Chi đi sứ Trung Hoa ( vào thời nhà Nguyên ). Đến cửa khẩu quá muộn, quân Nguyên canh gác bắt ông và mọi người tháp tùng phải chờ đến sáng hôm sau mới được phép qua cửa khẩu. Thấy sứ bộ Đại Việt cứ khiếu nại biện bạch mãi, viên quan phụ trách canh cửa ải thả từ trên lầu cao xuống một câu đối, thách thức sứ bộ Đại Việt nếu đối được thì họ sẽ mở cửa
24/06/2019(Xem: 14263)
Nhận được tập thơ VỀ NGUỒN, tập thơ thứ 7 của thầy Minh Đạo gởi tặng, tôi rất thích vội ghi ngay vài cảm nhận về cách nhìn những hiện tượng trong đời sống qua thiền vị mà Thầy đã thể hiện trong tập thơ. Tiện đây tôi xin giới thiệu vài nét về Thầy, mặc dù biết ý Thầy thích sống lặng lẽ, không muốn nói về mình… Trong lĩnh vực thư pháp (chắc nhiều người đã biết), thầy có phong thái riêng, với nét bút bay lượn đặc trưng không lẫn với ai cả… Trong hội họa với trên 100 bức tranh còn lại trong không gian tĩnh lặng nhà Thầy sau những lần triển lãm và hình như Thầy chuyên vẽ về thủy mặc, có phong cách nhẹ nhàng, uyển chuyển…Còn trong lĩnh vực thi ca Thầy viết nhiều đề tài, đa số theo thể thơ Đường luật …
23/06/2019(Xem: 3989)
Phương tiện kỹ thuật càng tinh xảo, con người càng dễ đi đến chỗ dối mình, dối người, hại mình, hại người, một cách tự nhiên, đến độ lòng chẳng có chút cắn rứt nào khi đã lỡ tạo ra những hậu quả xấu, làm khổ đau, thậm chí tổn hại đến sinh mệnh của kẻ khác.
19/06/2019(Xem: 9021)
Mọi luân lưu giữa cõi đời trần tục ? Không thể dễ dàng dùng trí suy lường . Ẩn tàng đâu đây....dung chứa bể ....tình thương, Mọi tạo tác phải chăng cần ....Tình, Lý ?
13/06/2019(Xem: 4551)
Lặng nhìn con sóng thịnh suy... Chẳng biết nguyên nhân gì chùa lại bị cháy. Vị sư trụ trì trầm tĩnh trước sự tình không thể nào cứu vãn rồi thản nhiên Ngài bước ra khỏi đám lửa. Một vị khách đi ngang qua và nói: ''Nhân quả gì đây,hay là do ăn ở mích lòng ai?'' Chú Sadi chẳng giải đáp được nên đến chỗ vị Sư hỏi: "Kính bạch Thầy,do nhân quả gì mà chùa ta lâm vào cảnh khổ, chùa bị đốt, người đi ngang qua buông lời không hay?"
08/06/2019(Xem: 5016)
Tôi ngỏ lời tán dương người ra đề thi chuyên Văn vào lớp 10 Trường Trung học Thực hành thuộc Đại học Sư phạm TP.HCM đã mạnh dạn trích một đoạn kinh Phật đưa vào đề thi chuyên văn, ngày 6-6-2019. Mặc dù nội dung câu này hay hơn nhưng chỉ được 4/10 điểm so với câu thứ hai có nội dung đơn giản hơn lại được 6/10 điểm, đề thi chuyên Văn này phản ánh nhu cầu sử dụng “lý trí” trong cách tiếp cận thông tin/ sự kiện và đánh giá giá trị chân lý của các thông tin, theo tinh thần Phật dạy.
20/05/2019(Xem: 4085)
Thử nhìn con người qua những giai tầng xã hội: Chí lớn mà tài kém, cả đời chẳng làm nên đại sự gì. Chí nhỏ tài cao, vào đời chỉ biết dọn đường mở lối cho tiểu nhân cầm cờ đứng lên. Chí nhỏ không tài, nhờ ranh ma qua mặt kẻ dưới, lòn cúi dua nịnh người trên, có thể được thành công (trên thương trường hay chính trường), chễm chệ ngồi trên chóp đỉnh vinh quang. Chí lớn tài cao mà không gặp thời vận, cũng trở thành kẻ bất đắc chí, lất lây một đời với nghèo khổ, bất hạnh; cố gắng bon chen để tìm một nấc thang nào đó trong xã hội thì bị đày đọa chèn ép bởi những kẻ bất tài, vô đức.
24/04/2019(Xem: 4573)
Khuya dậy nghe tiếng dế gáy đâu đó ở vườn sau. Trăng hạ huyền mảnh khảnh phương tây. Bầu trời không mây, trong vắt, như tấm gương ảnh hiện một góc sáng, loang dần lên từ phương đông. Gió nhẹ mơn man cành liễu rũ. Hương thơm từ nhiều loài hoa sau vườn tỏa nhẹ vào cửa sổ để hé. Hai con quạ từ đâu bay về đậu trên cây phong, không gây tiếng động. Nỗi cô liêu bất chợt trùm cả hư không.
20/04/2019(Xem: 5005)
Thật là một Phước duyên khi tôi được Hoà Thương ban tặng cho tác phẩm này qua sự chuyển giao của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng nhân dịp Thầy tham dự đại lễ khánh thành chùa Minh Giác tại Sydney cùng với sự chứng minh của Hoà Thương Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác - Đức Quốc . Kính xin tri ân lòng từ bi của Thượng Tọa luôn muốn khuyến khích những người thích đọc sách về Phật Pháp và lịch sử VN nên đã không ngại cước phí để gửi đến tôi . Cũng được biết nhân đây Hoà Thượng cũng ban cho đại chúng một bài pháp thoại, và nhất là trong chuyến hoẵng pháp này HT Thích Như Điển đã đem đến cho Phật tử Úc Châu hai tài liệu rất hữu ích đó là : - ĐẶC SAN VĂN HOÁ PHẬT GIÁO( 40 năm Viên Giác Đức Quốc - MỐI TƠ VƯƠNG CỦA HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]