Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ,
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư La Quý (852-936). Ngài thuộc thế hệ thứ 10 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi tại Việt Nam. Bài pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 253 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch COVID-19.
Thiền sư La Quý là nhà phong thủy và cũng là một thiền sư chứng đắc thần thông như thiền sư Định Không, ngài đã tiên tri, dự báo về tất cả triều đại và chiến tranh của nước Việt Nam.
Sư họ Đinh người An Châu (nay là tỉnh Thái Bình), đi du phương từ thuở nhỏ, tham yết tất cả những bậc thầy nổi danh trong nhà Thiền. Trải nhiều năm như thế, mà pháp duyên chưa hợp, Sư sắp thối chí thì gặp thiền sư Thông Thiện ở chùa Thiện Chúng, nói một câu, tâm Sư liền khai ngộ. Từ đây Sư ở lại hầu hạ Thầy.
Sư Phụ giải thích: trong sử liệu không ghi lại câu gì giúp cho Thiền Sư La Quý ngộ đạo, nhưng nghe một câu liền khai ngộ là nhờ ngài đã trải qua thời gian tiệm tu từ nhiều năm trước đó với những bậc nổi danh trong nhà thiền.
Thiền sư Thông Thiện sắp tịch gọi Sư đến bảo:
- Xưa thầy ta là Định Không từng dặn dò rằng: “con khéo giữ gìn pháp của ta, gặp người họ Đinh sẽ truyền”. Ngươi gắng đảm đương lấy. Nay ta đi vậy.
Sư Phụ giải thích: qua đoạn này, ta biết thiền sư Thông Thiện, đời thứ 9, đệ tử nối pháp của Thiền Sư Định Không, nhưng sử liệu thất lạc vì chiến tranh, nên bộ sách Thiền Sư Việt Nam không có tiểu sử của Ngài. Thiền Sư La Quý họ Đinh, tên An, pháp hiệu La Quý đến học pháp với thiền sư Thông Thiện, ứng ngay với lời dự báo của TS Định Không “con khéo giữ gìn pháp của ta, gặp người họ Đinh thì truyền lại”.
Ngài La Quý đã được pháp tuỳ phương diễn hoá, chọn đất cất chùa. Mỗi khi nói ra lời nào đều phù hợp sấm ngữ. Sư tổ chức đúc tượng Lục Tổ Huệ Năng bằng vàng tại chùa Lục Tổ. Sau vì sợ trộm cướp nên đem chôn trước cửa chùa. Sư di chúc rằng:
Gặp vua sáng thì hiện
Thấy chúa tối thì ẩn.
Sư trụ trì chùa Song Lâm, làng Phù Ninh, phủ Thiên Đức.
Lúc sắp viên tịch, Sư bảo đệ tử là Thiền Ông rằng:
- Thuở trước Cao Biền xây thành bên sông Tô Lịch, vì biết vùng đất làng Cổ Pháp có khí tượng đế vương, nên cho đào đứt con sông Điềm và những hồ ao liên hệ v.v... đến mười chín chỗ để mà ếm đó. Nay ta đã sai Khúc Lãm lấp lại như xưa. Lại ta có trồng một cây Mộc Miên ở chùa Minh Châu để trấn chỗ bị đứt. Biết sau này ắt có vua hiền ra đời, để vun bồi chánh pháp của ta. Sau khi ta viên tịch, ngươi nên đắp một nền đất và xây lên ngọn tháp, lấy pháp khí để kín trong ấy, chớ cho người thấy.
Nói xong, Sư thị tịch, thọ tám mươi lăm tuổi, nhằm niên hiệu Thanh Thái thứ ba nhà Hậu Đường (936).
Lúc trồng cây Mộc Miên, Sư có làm bài kệ:
Đại sơn đầu rồng ngửng
Đuôi to ẩn Châu Minh
Họ Lý nhất định thành
Cây gạo hiện hình rồng
Thỏ gà trong tháng chuột
Quyết định thấy trời lên.
(Đại sơn long đầu khởi
Cầu vỹ ẩn Chu Minh
Thập bát tử định thành
Miên thọ hiện long hình
Thố kê thử ngoạt nội
Định kiến nhật xuất thanh.)
Sư Phụ giải thích: bài kệ cũng là lời tiên tri của thiền sư La Quý. Trong câu “Thập bát tử định thành”, là sấm ngữ của ngài, rất độc đáo, chiết tự từ 3 chữ “thập”, chữ “bát” và chữ “tử” thành chữ “Lý”, Sư Phụ có viết đưa lên cho đại chúng xem, có nghĩa là “Họ Lý nhất định thành”, và Câu “Thỏ gà trong tháng chuột” ý nói “tháng 11 là tháng chuột năm con gà Kỷ Dậu, năm 1009”, quả thật vậy, đúng 73 năm sau tính từ năm ngài viên tịch 936, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra triều đại nhà Ký, kéo dài đến 9 triều vua và 216 năm.
Câu “Định kiến nhật xuất thanh” là “Quyết định thấy trời lên”, mặt trời lên là ý nói “ minh quân xuất hiện”.
Ngài La Quý cũng có có công lớn khi chính ngài tự tay trồng cây gạo (Mộc Miên) để trấn chỗ Long mạch bị đứt và sẽ có minh quân ra đời, ngài đã căn dặn dặn đệ tử Thiền Ông phải giữ gìn Long mạch cho Việt Nam, nếu không thì 73 năm sau xứ sở nước Việt không có họ Lý ra làm vua (năm 1009)
Sư Phụ có cho biết trong Đại Việt sử ký có ghi, nhờ cây gạo do Thiền Sư La Quý trồng trước chùa Minh Châu đã nối lại Long mạch bị Cao Biền đào đứt. Cây gạo là loài cây quý hiếm, tạo ra phong thủy tốt cho đất nước, cây cao khoảng 25m, táng rộng che mát giữa trưa hè, lá lớn như lá bàng, hoa đỏ giống hoa phượng vĩ; hoa gạo có thể dùng làm thảo dược để chửa bệnh suy nhược, sưng phù, sốt, quay bị...Cây gạo vừa giúp cho phong thủy, vừa là dược liệu.
Sau thời pháp thoại, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của thiền sư La Quý của Thầy Chúc Hiền cúng dường đến ngài thiền sư:
Thuở nhỏ vân du học đạo thiền
Nhiều năm chưa gặp được cơ duyên
Tâm tư muốn bỏ, minh sư hiện
Pháp hội khai thông, diệu tuệ truyền
Tỏ ngộ nguồn chơn tường thật tánh
Minh tri suối diệu thấu huyền nguyên
Thừa đương tổ nghiệp gìn ân đức
Sấm ký linh mầu ghi sử thiêng.
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về thiền sư La Quý, ngài là vị thiền sư tuy đắc pháp lúc sắp thối chí nhưng rất nhẹ nhàng. Sư chứng đắc thần thông giống như thiền sư Định Không. Sư đã cho nối lại long mạch mà Cao Biền đã trấn ểm cắt đứt, nhờ đó nhà Lý được hưng thịnh suốt hơn 200 năm. Sự ra đời của Sư với tài tiên tri và dùng thuật phong thủy để gìn giữ long mạch vượng khí cho nước Việt Nam và cũng là niềm tự hào của người con dân đất Việt.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).
Sấm ký truyền tiếp nối ba đời thật linh hiền (1)
(1)
Ngài Định Không đã để lại sấm ký về đời nhà Lý như sau
Pháp khí hiện ra mười cái chung đồng
Họ Lý làm vua ba phẩm thành công”
(Pháp khí xuất hiện thập khẩu đồng chung
Lý hưng vương tam phẩm thành công
Qua đến Sư phụ Thông Thiện và Đời Thiền Sư La Quý cũng có sấm truyền ứng hiện 73 năm sau khi thiền Sư viên tịch
Sau khi trồng cây gạo, sư Đinh La Quý làm bài kệ như sau:
Đại sơn long đầu khỉ
Cù vĩ ẩn châu minh
Thập bát tử định thiền
Miên thọ hiện long hình
Thổ kê thử nguyệt nội
Định kiên nhật xuất thanh
Dịch:
Đại sơn đầu rồng ngửng
Đuôi cù ẩn Châu minh
Thập bát tử định thành
Bông gạo hiện long hình
Thỏ gà trong tháng chuột
Nhất định thấy trời lên
Bài thơ này được xem nhằm mục đích tuyên truyền cho sự ra đời của nhà Lý vào tháng 10 năm Dậu, và sau đó nhà Lý ra đời vào tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) - – ứng với sự tiên đoán của bài thơ.
Kính xin lưu ý về cách phối hợp 3 chữ Thập Bát Tử để thành họ Lý
Câu 4: chữ Thập (十) + chữ Bát (八) + chữ Tử (子) ghép lại thành chữ Lý (李). Câu 4 tiên đoán nhà Lý sẽ trị vì
(2) Sư họ Đinh người An Chân, đi du phương từ thuở nhỏ, tham yết khắp các bậc thầy nổi danh trong nhà Thiền. Trải nhiều năm như thế, mà pháp duyên chưa hợp, Sư sắp thối chí. Sau gặp Thiền sư Thông Thiện ở chùa Thiền Chúng nói một câu, tâm Sư liền khai ngộ. Từ đây, Sư ở lại hầu hạ thầy.
Thiền sư Thông Thiện sắp tịch gọi Sư đến bảo:
- Xưa thầy ta là Định Không từng dặn dò rằng: “Con khéo giữ gìn pháp của ta, gặp người họ Đinh sẽ truyền.” Ngươi gắng đảm đương lấy. Nay ta đi vậy.
(3) Theo sách Thiền Uyển tập anh, viên quan Tiết độ sứ đô hộ Việt Nam vào giữa thế kỷ 9 là Cao Biền xây thành Đại La bên sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp có khí tượng đế vương, nên đã đào đứt con sông Điềm[2] và những ao Phù Chẩn[3] đến 19 chỗ để trấn yểm nó. Mục đích của Cao Biền là làm đứt long mạch, cản trở sự ra đời của đế vương tại Việt Nam.
Cao Biền đi khắp nơi xem xét địa thế và phát hiện có rất nhiều linh khí ở nước Nam. Khi cho xây thành Đại La bên sông Tô Lịch, biết đất ở làng Cổ Pháp có khí tượng Đế vương, Cao Biền đã cắt đứt long mạch nơi đây bằng cách đào đứt con sông Điềm (các nghiên cứu cho rằng có thể là sống Đuống ngày nay) và 19 điểm ở ao Phù Chẩn (thuộc làng Phù Chẩn, thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh).
Tuy nhiên, việc Cao Biền phá hoại phong thủy đã bị thiền sư nước Nam tiên đoán từ trước…Đó là Thiền Sư Định Không
Ngay từ trước khi Cao Biền nhận lệnh trấn yểm nước Nam thì năm 808, thiền sư Định Không đã cho gọi người kế tục mình là Thông Thiện đến dặn dò trước khi viên tịch rằng: “Ta muốn mở rộng làng xóm, nhưng e nửa chừng gặp tai họa, chắc có kẻ lạ đến phá hoại đất nước ta. Sau khi ta mất, con khéo giữ pháp này, gặp người họ Đinh thì truyền, nguyện ta đã mãn”. Vậy là vị thiền sư đã tiên đoán được việc Cao Biền phá phong thủy, và việc người kế tục đệ tử của ông sẽ mang họĐinh
Sau này, sư Thông Thiện gặp một đệ tử rất thông minh là Đinh La Quý. Đoán biết đây là người kế tục mình nên ông đã truyền thụ hết các sở học cho đệ tử.
Theo dân gian thì ngài La Quý tùy phương diễn hóa, nói ra lời nào đều là lời sấm truyền. Ngài rất thông tuệ, nhìn xuyên sông núi, biết rõ nguồn gốc phong thủy, biết quá khứ và tiên đoán được tương lai.
Chính ngài La Quý là người đã nối lại long mạch cho làng Cổ Pháp. Năm 936 (thời Dương Đình Nghệ), biết mình sắp mất, ngài La Quý gọi đệ tử chân truyền của mình là Thiền Ông đến nói:
“Ngày trước, Cao Biền đã xây thành bên sông Tô Lịch, dùng phép phong thủy, biết vùng đất Cổ Pháp của ta có khí tượng Đế vương, nên đã nhẫn tâm đào đứt sông Điềm và khuấy động 19 chỗ trấn yểm ở Phù Chẩn.
Nay ta đã chủ trì lắp lại những chỗ bị đào đứt được lành lặn như xưa. Trước khi ta mất, ta có trồng tại chùa Châu Minh một cây bông gạo.
Cây bông gạo này không phải là cây bông gạo bình thường, mà là vật để trấn an và nối liền những chỗ đứt trong long mạch, mục đích để đời sau sẽ có một vị hoàng đế ra đời và vị này sẽ phò dựng chính pháp của chư Phật”.
Ngoài ra Giảng Sư đã kể lại câu chuyện nạo vét dòng sông Tô Lịch vào năm 2001 tại Hà Nội như sau
Tên Tô Lịch từ tên một vị thần sống vào thời nhà Tấn đô hộ xứ Giao Chỉ. Đến thời nhà Đường, nơi đây là vị trí xây dựng thành Đại La.
Vào tháng 9 năm 2001, một đội thi công xây dựng do ông Nguyễn Hùng Cường làm đội trưởng, thi công kè bờ, nạo vét một đoạn sông Tô Lịch thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội - nơi đây xưa thuộc thôn Đoài Môn (nghĩa là "cửa phía Tây", một số người cho là Cửa Tây thành Đại La). Trong quá trình thi công, đội đã tìm thấy một số di vật cổ, trong đó có tám bộ hài cốt, nhiều xương răng động vật (voi, ngựa, trâu), hơn mười cái liễn lớn nhỏ bằng sành, nhiều đồ gốm, đồ sắt, đồ dùng như bát đĩa, dao, liềm, kim khâu, một số mảnh gốm men ngọc đã bị vỡ được cho là thuộc đời nhà Trần và Lê Sơ, tiền cổ hình tròn có lỗ vuông. Tại khu vực này còn phát hiện thấy nhiều vật liệu xây dựng cổ xưa như ngói cổ, đá, nhiều gạch cổ, đặc biệt là gạch vồthời nhà Lê. Quanh chỗ phát hiện hài cốt là các cọc gỗ lim đóng theo những hàng ngắn, bố trí lạ.
Công trình được dừng lại một thời gian để các nhà khoa học nghiên cứu. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội và các nhà khoa học được mời tới, trong đó có giáo sư Trần Quốc Vượng. Giáo sư Vượng cho rằng đây là trận đồ bát quái yểm trấn giữ cửa thành Đại La từ thế kỷ thứ 9. Trong quá trình thi công, ông đã thuật lại những hiện tượng:
Các công nhân xây dựng gặp các hiện tượng như động kinh, mơ gặp ma.
Thân nhân của họ gặp nhiều chuyện bất hạnh liên tiếp.
Các công việc thi công không tiến triển được như đê đắp lên thì đê vỡ, kè thép không vỡ nhưng nước xói từ dưới lên, đặt đá xuống thì đá chìm, nhiều mũi khoan bị gãy nhanh khi khoan thăm dò ở giữa sông.
Một số người khác có liên quan đến các di chỉ và những người được mời tới làm lễ giải bị ốm nặng hoặc chết trong vòng một vài tháng. Theo lời ông Nguyễn Hùng Cường,H T Thích Viên Thành (tu theo Mật Tông nơi chùa Hương ) khảo sát xong và có nói sức ông không giải được nhưng vận ông đã hết và trách nhiệm vẫn phải làm, sau đó ba tháng HT Thích Viên Thành cũng qua đời.
Cũng theo lời ông Nguyễn Hùng Cường, giáo sư Trần Quốc Vượng có đề cập đến lực lượng âm binh tại đây và dặn các công nhân phải cẩn thận kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng...
Đến năm 2016 trở lại đội thi công mời thỉnh quý HT khắp nơi về là giới đàn để tháo gỡ các bùa ếm và sông đã được nạo vét . Ngày nay các bờ kè đã được dựng xây
Lại nói về các vị trí xảy ra sự kiện "thánh vật"
Các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử và các nhà nghiên cứu phong thủy Việt Nam khác cho rằng đây có thể là nơi trấn yểm của Cao Biền. Theo truyền thuyết, mục đích Cao Biền trấn yểm chặn long mạch là để làm cho đất cứng hơn cho thành xây lên không bị đổ, và cũng để ngăn chặn người tài sinh ra tại đất Việt.
Về hiện tượng việc thi công gặp khó khăn, theo nhà sử học Dương Trung Quốc vì là nơi hợp thuỷ của ba dòng sông nên cũng có thể có yếu tố phong thuỷ. Ông không loại trừ khả năng đây là di tích của một sự yểm nào đó của thời kỳ tiền Thăng Long - thời Cao Biền làm Tiết độ sứ. ]
Ghi chú: Cao Biền là người U châu (Bắc Kinh ngày nay), ông là cháu nội của danh tướng Cao Sùng Văn. Năm Hàm Thông thứ 5 (863), quân Nam Chiếu (lúc này có quốc hiệu "Đại Lễ") chiếm được An Nam (An Nam đô hộ phủ (Việt Nam) thời Bắc thuộc lần 3, từ năm-679 đến năm-866, với bộ máy cai trị của nhà Đường trên vùng tương ứng với một phần tây nam Quảng Tây, Trung Quốc, thuoc Miền Bắc và miền Trung Việt Nam ngày nay, có địa bàn từ Hà Tĩnh trở ra Bắc).
(4)
Bát quái có nghĩa là 8 quẻ, là hình ảnh đại diện cho những yếu tố cơ bản của vũ trụ trong trời đất, được xem 8 biểu tượng tượng trưng cho 8 ký hiệu liên quan mật thiết với nhau. Trong đó mỗi ký hiệu hay mỗi quẻ sẽ gồm các hào âm và hào dương đại diện cho âm và dương. Bát quái có quan hệ mật thiết với thái cực và ngũ hành. Vì vậy, bát quái được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như đại lý, thiên văn học, phong thủy, y học cổ truyền, gia đình, giải phẫu…
Bát quái có liên quan mật thiết đến thuyết ngũ hành, tương sinh, tương khắc và được các nhà phong thủy, các nhà y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng rộng rãi bao gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa Thổ. Quái ly (lửa) và quái khảm (nước) sẽ tượng trưng cho hành thủy và hành hỏa. Quái khôn (địa) và quái cấn (núi) sẽ tượng trưng cho hành thổ. Quái tốn (gió) và quái chấn (sấm) tượng trưng cho hành Mộc. Cuối cùng là quái càn (trời) và quái đoàn (đầm, hồ) tượng trưng cho hành Kim.
Mộc sinh Hỏa: Cây khi khô sẽ sinh ra lửa, Hỏa sẽ lấy Mộc để làm nguyên liệu đốt.
Hỏa sinh Thổ: Lửa sẽ đốt cháy mọi thứ thành tro bụi và tro bụi sẽ trở thành đất
Thổ sinh Kim: Từ trong đất, kim loại mới được hình thành
Kim sinh Thủy: Kim loại nếu được nung chảy ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra dung dịch ở thể lỏng (Kim).
Thủy sinh Mộc: Nước giúp làm cây phát triển, tươi tốt
(5)
Sư họ Đinh tên thế tục là An , pháp hiệu La Quý người An Chân, đi du phương từ thuở nhỏ, tham yết khắp các bậc thầy nổi danh trong nhà Thiền. Trải nhiều năm như thế, mà pháp duyên chưa hợp, Sư sắp thối chí. Sau gặp Thiền sư Thông Thiện ở chùa Thiền Chúng nói một câu, tâm Sư liền khai ngộ. Từ đây, Sư ở lại hầu hạ thầy.
(6) theo HT Nhất Hạnh
Gia tài pháp bảo truyền từ kinh Tượng Đầu Tinh Xá Kinh chắc chắn đã được phổ biến và sử dụng ở Giao Châu thời ấy: Kinh này có thể xem như là kinh căn bản của Thiền học sử dụng trong thiền viện Pháp Vân và trong các tòng lâm thuộc thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi như tòng lâm Thiền Chúng, nơi đó hơn 300 tăng sĩ học tập thiền quán dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Pháp Hiền.
Kinh Tượng Đầu Tinh Xá có đặc tính phá chấp của văn hệ Bát nhã và đặc biệt chú trọng thiền quán. Lục tổ Huệ Năng là người đầu tiên ở Trung Hoa dùng một kinh thuộc văn hệ Bát nhã (kinh Kim Cương) trong sự giảng dạy Thiền học – lúc đó, kinh Lăng Già là kinh được trọng thị bậc nhất trong giới thiền gia – Sự sử dụng kinh Tượng Đầu Tinh Xá ở Giao Châu cho ta thấy sự liên hệ giữa văn hệ Bát nhã và Thiền học ở Giao Châu đã có sớm hơn ở Trung Hoa tới một thế kỷ. Kinh Lăng Già là một cuốn kinh được Bồ Đề Đạt Ma trao cho Huệ Khả và được truyền lại cho các tổ kế tiếp. Kinh Tượng Đầu Tinh Xá nói về không, thuộc hệ thống Bát nhã, đã được dùng để bổ túc cho kinh Lăng Già. Vua Lý Thái Tông đã tỏ ra rất tinh tường trong bài thơ mà vua làm để truy tán Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
(7)
Trước khi viên tịch, ông còn dặn lại sư Thiền Ông:
Sau khi ta tịch, con khéo đắp một ngọn tháp bằng đất, dùng phép, yểm dấu trong đó, chớ cho người thấy.
Dặn dò xong, Đinh La Quý viên tịch, thọ 85 tuổi.
Cây gạo ( mộc miên ) ông trồng sau này trở thành một sinh vật đặc biệt gắn liền với lịch sử Việt Nam. Bảy mươi ba năm sau, năm 1009, cây gạo bị sét đánh nhưng không chết. tại chỗ sét đánh trên thân cây có bài thơ sấm được giải mã mang nội dung tiên đoán đúng các sự kiện trong lịch sử Việt Nam: việc nhà Lý nối nghiệp nhà Tiền Lê cũng như tên các triều đại kế tục tiếp theo như nhà Trần, nhà Hậu Lê, nhà Mạc, chúa Trịnh. Cây gạo bị bão đánh đổ năm 1966 sau 1030 năm tồn tại
Được biết cây gạo là loài cây ở vùng nhiệt đới với thân cây cao và thẳng với lá rụng vào mùa đông. Các hoa đỏ với 5 cánh hoa mọc vào mùa xuân(tháng 3 hoặc tháng 4) trước khi cây ra lá non. Quả nhỏ chứa các sợi tương tự như sợi bông. Thân cây có các gai để ngăn cản sự tấn công của động vật. Mặc dù bề ngoài thì thân cây có vẻ tốt cho mục đích khai thác gỗ, nhưng gỗ của nó quá mềm để có thể sử dụng vào những việc như vậy.
Loài cây này có lẽ có nguồn gốc ở Ấn Độ nhưng hiện nay nó được trồng rộng rãi ở các bang của Malaysia, Indonesia, miền nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Việt Nam. Theo ghi chép trong lịch sử Trung Quốc thì vua Nam Việt là Triệu Đà (趙佗) đã tặng một cây cho vua của nhà Hán vào thế kỷ 2 TCN.
Các sợi bông của nó cũng được dùng nhồi vào gối hay nệm cũng như làm lớp cách nhiệt lót áo lạnh. Tuy nhiên vì bông cây gạo không dài sợi nên không thể kéo sợi và dệt như bông vải được.
Hoa gạo được dùng trong một số loại trà thuốc Trung Hoa.
Tại Quảng Đông (Trung Quốc), cây này gọi là 木綿 - mộc miên (cây bông thân gỗ), hay 紅綿 - hồng miên (bông đỏ). Nó còn được gọi là 英雄樹 - anh hùng thụ (cây anh hùng) do có thân cao và thẳng.
Hoa của loài cây này là hoa biểu trưng cho Quảng Châu, Cao Hùng (Đài Loan), Nam Định (Việt Nam).
Trong tiếng Việt có thành ngữ liên quan đến cây gạo: "Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề" nhắc đến phép siêu nhiên gắn bó với ba loại cây này trong tâm thức văn hóa Việt.