Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giảng Cho Cư Sĩ Về " Năm Điều Nguy Hiểm Khi Phạm Giới"

15/03/202305:20(Xem: 5187)
Phật Giảng Cho Cư Sĩ Về " Năm Điều Nguy Hiểm Khi Phạm Giới"

Phat thuyet phap 1a

PHẬT
GIẢNG CHO CƯ SĨ VỀ

“NĂM ĐIỀU NGUY HIỂM KHI PHẠM GIỚI”

Thích Nữ Hằng Như 

 

I. DẪN NHẬP

Từ khi con người bắt đầu quy tụ sống thành nhóm, thành đoàn, và sau này phát triển đông đảo thành cộng đồng, xã hội, quốc gia, người ta đã biết tổ chức phân quyền, đưa ra những nguyên tắc luật lệ chung để mọi người dân sống trong cộng đồng quốc gia phải tuân theo. Những ai phạm tội phá rối trị an sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt theo nội quy luật lệ của quốc gia nơi họ cư ngụ. Có như thế thì mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội mới giữ được trật tự, đời sống cá nhân mới được bảo đảm an toàn.

Ngoài đời là thế, trong nhà Phật cũng có nội quy, giới luật cho các Phật tử tại gia cũng như xuất gia. Giới luật trong nhà Phật cũng nhằm mục đích ngăn cản không để người thọ giới phạm lỗi, nhưng có điều trong nhà Phật không giống như ngoài đời là sẽ xử lý trừng phạt bắt nhốt người phạm lỗi, mà chỉ nêu lên những nguy hại cho chính bản thân của người làm ác mà thôi!

 

II. NĂM GIỚI CĂN BẢN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

            Để giúp người Phật tử có đời sống đạo hạnh, đức Thế Tôn đưa ra năm giới căn bản. Năm giới này chính là hàng rào ngăn cản không cho người Phật tử phạm lỗi lầm đưa đến khổ đau. Năm giới đó được kể như sau:

1) Không sát sanh: Là loài người hay loài thú, loài nào cũng do cha mẹ sinh ra, có anh em, có vợ con, có dòng họ. Con người sống nương tựa, đùm bọc, yêu thương lẫn nhau như thế nào, thì con vật cũng có cha mẹ anh em yêu thương nhau như thế ấy! Người ta ham sống sợ chết, con vật cũng ham sống sợ chết. Ở ngoài đời, người nào mang tội giết người cướp của, là bị bắt bỏ tù chung thân,  có khi bị xử tử. Đó là nói về con người. Còn về thú vật, thì ngoài những con thú cưng như chó, mèo, được chủ nuôi nấng chăm sóc cẩn thận. Ai mà hành hạ thú vật một cách vô lý, sẽ bị thưa kiện bắt bớ phạt tù. Ngoài những con vật được cưng yêu kể trên cũng có những con vật vô phước như heo, bò, gà, vịt... người ta nuôi từng đàn để rồi giết nó lấy thịt bán. Trên thế giới này, mỗi ngày không biết bao nhiêu con vật bị chết oan bởi nhu cầu thích ăn thịt thú vật của con người.  Là Phật tử, giới thứ nhất chúng ta phải giữ, đó là giới không sát sanh. Không những không sát sanh, mà người Phật tử có lòng từ bi thường hay có hành động phóng sanh. Phóng sanh không phải chỉ làm phước trả tự do cho cá, cua, rùa, ốc, ếch, nhái, chim chốc, gà, vịt... sắp hay sẽ bị giết chết, mà phóng sanh còn bao hàm cả việc giúp đỡ người hoạn nạn đói khát không nhà không cửa sống lạnh lẻo ngoài trời đông giá tuyết, để họ có cuộc sống an toàn hơn, hay cứu giúp những con vật thoát chết khi gặp nạn  v.v...

2) Không trộm cướp: Của cải có được là do sức lao động làm việc khổ cực, phải nói là đổ mồ hôi sôi con mắt, nên người ta quý đồng tiền kiếm được là lẽ dĩ nhiên. Ngay cả bản thân mình cũng vậy! Mình vui mừng cầm trong tay số tiền hợp pháp do chính mình kiếm được để nuôi gia đình, tự dưng bị người khác cướp mất, thử hỏi mình có tức giận, có đau khổ hay không? Cá nhân mình không muốn người ta lấy trộm tiền bạc của mình, thì mình cũng không nên lấy của không cho từ người khác. Đây là giới thứ hai của người Phật tử phải giữ. Không trộm lấy tài sản tiền bạc của người khác, mà người Phật tử chân chánh còn tu hạnh tùy hỷ bố thí. Hạnh bố thí giúp mình buông bớt lòng tham lam, biết sống thiểu dục tri túc.

3) Không tà dâm: Chuyện tình cảm thân mật giữa vợ chồng là sợi dây gắn bó thiêng liêng. Người ta bảo vệ hạnh phúc gia đình bằng lòng thủy chung của đôi bên. Không ai muốn có kẻ thứ ba xen vào phá rối hạnh phúc gia đình của mình. Là người Phật tử chính chuyên phải tuân thủ giới thứ ba là không tà dâm với chính bản thân mình và không tà hạnh với bất cứ người nào khác.

4) Không nói dối: Nói dối, nói lời hung dữ, nói lời chia rẻ, nói lời kém thanh tao sẽ khiến cho mình mất uy tín, mất lòng tin của mọi người xung quanh. Và vì thế không nói dối là giới thứ tư người Phật tử cần phải giữ. Người Phật tử tri thức sẽ chỉ dùng lời nói chân thật đúng đắn dịu dàng, nói những gì cần nói. Tốt nhất vẫn là dùng lời nói chia sẻ Phật pháp để cùng nhau tu học là điều cần thiết.

5) Không uống rượu: Rượu, hay chất ghiền nghiện sì-ke, ma-túy là những chất say nghiện làm tâm trí con người mê muội đưa đến những hành động không kiểm soát, hại mình hại người, rất nguy hiểm. Muốn tinh thần được minh mẩn, giới thứ năm là giới không được uống rượu, người Phật tử cần phải giữ.

 

III. NĂM ĐIỀU NGUY HIỂM KHI NGƯỜI CƯ SĨ PHẠM GIỚI

Kinh Tiểu Bộ, Tập I, Chương Tám, Phẩm Pãtaligã ghi lại bài kinh đức Thế Tôn giảng cho các nam cư sĩ ở làng Pãtali về việc nguy hiểm của những người có hành động bất thiện vì phạm giới như sau:

“Như vầy tôi nghe;

Một thời, Thế Tôn đang đi bộ hành giữa dân chúng Magadha cùng với đại chúng Tỷ-kheo và đã đến làng Pãtali. Tại đây, các nam cư sĩ ở làng Pãtali đã đến đảnh lễ Thế Tôn và thỉnh cầu Ngài đến giảng đường ban pháp. Thế Tôn đồng ý và đến giảng đường của họ thuyết giảng về “Năm Điều Nguy Hiểm Của Người Cư Sĩ Tại Gia” nguyên văn như sau:

“Này các Gia Chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, người phạm giới. Thế nào là năm? Ở đây, này các Gia Chủ, người ác giới phạm giới, do nhân duyên phóng dật, nên hao mất tài sản lớn; đây là nguy hiểm thứ nhất cho người ác giới, người phạm giới. Lại nữa này các Gia Chủ, người ác giới, người phạm giới, tiếng xấu đồn xa; đây là nguy hiểm thứ hai cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa này các Gia Chủ, người ác giới, người phạm giới, khi đến hội chúng nào, hoặc là hội chúng Sát-đế-lỵ, hoặc là hội chúng Bà-La-Môn, hoặc là hội chúng gia chủ, hoặc là hội chúng Sa-môn, vị ấy đến với sự sợ hãi, với sự ngỡ ngàng; đây là nguy hiểm thứ ba cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa này các Gia Chủ, người ác giới, phạm giới, khi chết bị si ám; đây là nguy hiểm thứ tư cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa này các Gia chủ, người ác giới, người phạm giới, khi thân hoại mạng chung bị sanh vào ác xứ, ác thú, đọa xứ, địa ngục; đây là nguy hiểm thứ năm của người ác giới, của người phạm giới. Này các Gia Chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, cho người phạm giới” (hết trích)

 

IV. TÌM HIỂU Ý KINH

            Trong thời pháp này, đức Thế Tôn nêu lên năm điều nguy hiểm cho các cư sĩ tại gia vi phạm giới đức, làm những điều bất thiện tức hành giới ác, sẽ gánh lấy những điều không hay cho chính bản thân mình. Ở đây đức Thế Tôn nêu lên năm điều nguy hiểm đó là:

1) Hao mất tài sản lớn: Do nhân duyên phóng dật, người phạm giới tung tiền bạc tài sản phục vụ cho bản ngã trôi lăn theo ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy... nên tài sản dù có nhiều bao nhiêu, thì rất sớm sẽ trắng tay nợ nần khổ sở. Ở một ý nghĩa sâu sắc hơn thì tài sản lớn nhất của người Phật tử chính là Pháp bảo, là lời Phật dạy. Do phóng dật, không còn ghi nhớ lời Phật dạy, tín tâm không còn, thực hành điều xấu ác hại mình hại người không một chút tàm quý. Đây là nguy hiểm thứ nhất cho người ác giới, phạm giới.   

2) Tiếng xấu đồn xa: Thành ngữ có câu “Hữu xạ tự nhiên hương” ám chỉ người tài giỏi, ăn ở hiền lành, tốt bụng, làm những việc lợi ích cho mọi người không cần khoe khoang, mà danh thơm tiếng tốt vẫn được người ta  ca ngợi lan truyền.  Đối với một người hủy giới làm những điều xấu ác, gây bất lợi trong xã hội, thì “tiếng xấu” cũng bị lan truyền khắp nơi, qua cửa miệng của nhiều người, xa cách mấy cũng có người biết, không làm sao che đậy được. Đây là nguy hiểm thứ hai của người phạm giới.

3) Tâm trạng sợ hãi: Người phạm giới, làm những điều bất thiện như ăn cắp, ăn trộm, hoặc liên hệ bất chính trong vấn đề tà hạnh, hoặc thường nói dối gây chia rẻ trong hội đoàn, nên khi đến tham dự những buổi họp mặt của đạo tràng hay hội đoàn thì cảm thấy ngần ngại, nếu không nói là trong lòng lúc nào cũng sợ hãi. Họ sợ phải đối đầu giáp mặt với những người biết chuyện xấu của mình! Đây là nguy hiểm thứ ba của những người ác giới, phạm giới.

4) Khi chết bị si ám: Người phạm giới, sa vào cuộc sống ăn chơi, bệ rạc,  sống buông lung xả láng, vướng vào đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái...  Hậu quả khó tránh khỏi bệnh hoạn hành hạ thân thể đau đớn, khổ sở. Cuối đời chết trong tối tăm si ám. Đây là nguy hiểm thứ tư của người phạm giới, hành ác.  

5) Bị đọa vào một trong ba đường dữ: Người phạm giới, vì đã tạo quá nhiều nghiệp ác, sau khi thân hoại mạng chung, tùy nghiệp tương ưng mà thần thức bị đọa vào một trong ba đường dữ như súc sanh, ngạ quỷ hay địa ngục. Đây là nguy hiểm thứ năm người làm ác phải nhận hậu quả.

Sau khi giảng năm điều nguy hiểm của người phạm giới, trong kinh có ghi, đức Thế Tôn cũng nêu lên năm điều lợi ích cho những người cư sĩ đầy đủ giới hạnh. Những ai giữ đầy đủ giới, sống đời thanh tao, đạo đức, chuyên làm lành tránh ác, đương nhiên kết quả sẽ trái ngược với năm điều nguy hại nêu trên. Khi thân hoại mạng chung người này được sanh về thiện thú, thiên giới hay trở lại làm người hưởng phước.

Được biết, buổi thuyết giảng của đức Thế Tôn chấm dứt vào đêm khuya. Các cư sĩ vô cùng phấn khởi sau khi nghe pháp thoại của Ngài, và họ đã hoan hỷ  tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

 

V. KẾT LUẬN

Cư sĩ tại gia là những người đã quy y Tam Bảo và thọ nhận năm giới. Họ là những người đặt niềm tin sâu sắc vào Tam Bảo. Họ là những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, người con tốt trong gia đình và ngoài xã hội. Nhờ nghiêm trì năm giới, làm việc lành tránh việc ác, giữ tâm ý trong sạch nên họ có đời sống an lạc, hạnh phúc vì không phạm tội. Do không phạm tội nên họ sống bình thản, an nhiên, vui vẻ, không ngượng ngùng sợ hãi trốn tránh bất cứ một ai. Đối với đời sống tâm linh, họ giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, họ tu tập thu thúc lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), không để lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) lôi kéo vào con đường trụy lạc khởi sanh tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến...  Những cư sĩ tuân giữ giới luật sống đời đạo đức này, khi thân hoại mạng chung tuy chưa thể nhập Niết-bàn, nhưng quyết sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới hay trở lại cõi người.

Những ai hủy phạm giới pháp mà lòng không biết tàm quý, không biết ăn năn, hối hận, không biết sám hối, không chịu từ bỏ tật xấu ác quay về với con đường thiện lương đạo đức, thì hiện tại dù họ đang sống trên đời, nhưng sống trong thống khổ, vì phải chịu trả giá những tội lỗi của họ gây ra, thí dụ như bị bắt bớ tù tội, hay bị chủ nợ tìm kiếm đe dọa, hoặc bị người đời xa lánh khinh bỉ và vì thế họ luôn sống trong lo âu sợ hãi... chứ không chờ đến khi chết mới chịu cảnh si ám, và bị đọa vào ác xứ, ác thú, đọa xứ hay địa ngục khi thân hoại mạng chung như lời báo trước của đức Thế Tôn.

Tóm lại, qua bài pháp thoại của đức Thế Tôn, giảng cho các cư sĩ thời Phật cách nay hơn hai ngàn sáu trăm năm, chúng ta rút được bài học quan trọng, đó là muốn đi trên con đường tâm linh liễu thoát sinh tử, hay nhắm mắt đi theo con đường đọa lạc trầm luân, đều tùy thuộc vào tâm và hành nghiệp của chúng ta.

Là người Phật tử tại gia, muốn giữ vững huệ mạng, muốn tu học theo Phật, hầu vượt qua dòng sông sinh tử đến bờ bên kia. Điều kiện ắt có và đủ là chúng ta phải luôn lấy Chánh tín làm gốc, phải bám Giới làm thuyền, rồi mới tới Định, Huệ. Nếu chúng ta không quyết tâm giữ chặt khoang thuyền tức không giữ chặt Giới pháp, thì làm sao tránh được những trận bảo to, những cơn sóng lớn... sẵn sàng hất đẩy chúng ta ra khỏi mạn thuyền và nhận chìm vào biển sâu ô nhiễm của trầm luân lậu hoặc, của sinh tử, tử sinh... nói chi đến vấn đề giác ngộ giải thoát xa xôi...

                          

                               Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

                                           THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

                              Thiền Viện Chân Như, Navasota, Texas.

                                    ( An Cư Kiết Xuân, 12/3/2023)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/10/2010(Xem: 6741)
Người ta luôn hỏi câu này, Phật đã đi đâu và hiện nay ngài đang ở đâu? Đây là một câu hỏi rất khó trả lời cho những ai không có một sự tu tập về đời sống tâm linh. Bởi vì người đời thường nghĩ về cuộc sống theo cách của thế gian. Họ khó có thể hiểu được khái niệm một vị Phật. Vài nhà truyền giáo nào đó tiếp cận các Phật tử và nói rằng Phật không phải là một vị thần mà chỉ là một con người. Ngài đã chết và không còn nữa. Vậy thì làm sao người ta có thể tôn sùng một người cũng đã chết? Những chúng ta phải hiểu rằng, Đức Phật được tôn xưng là Thiên Nhân Sư, vị thầy của chư thiên và loài người. Bất cứ khi nào chư thiên có gặp khó khăn, họ đều gặp ngài để xin lời khuyên. Thế rồi họ nói rằng vị chúa tể của họ vẫn hằng sống, và đó là lý do tại sao người người cầu nguyện với Ngài.
06/10/2010(Xem: 2686)
Đức Phật tướng hảo trang nghiêm, kim dung từ bi, hàng sơ học chỉ có thể dựa vào thánh tượng mới có thể nhận thức được Phật. Chủng loại thánh tượng của Đức Phật rất nhiều...
03/10/2010(Xem: 2377)
Ngài luôn luôn cổ súy tinh thần tự lực của mỗi người để tìm lấy sự giải thoát cho chính mình và điều này như là một sợi chỉ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống giáo lý của Phật...
30/09/2010(Xem: 2959)
Tiếng Phạn Sarìra, PàliSarìra có nghĩa làtử thi, di cốt:dịch ý là thể, thân, thân cốt, di thân.Thông thường xá lợi dùng để chỉ cho di cốt của Phật, nên gọi là Phật cốthay Phật xá lợi.Chữ này về sau cũng dùng để chỉ cho phần xương đầu của các bậc cao tăng sau khi viên tịch hỏa thiêu còn lại. Hơn nữa, bảo tháp dùng để tôn trí xá lợi của Phật gọi làTháp xá lợi; nơi an tri bình xá lợi của Phật gọi là Bình xá lợi; Pháp hội cúng dường xá lợi Phật gọi làHội xá lợi.
29/09/2010(Xem: 5781)
Ngoài việc nói pháp đúng đối tượng nghe, Thế Tôn còn nói pháp đúng thời và đúng chỗ, khiến cho tác dụng của thời pháp được tăng thêm hiệu quả.
25/09/2010(Xem: 10145)
Theo lời đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật chỉ dạy trong kinh A Di Đà, cách thế giới Ta-Bà của chúng ta 10 muôn ức cõi Phật về hướng Tây rất xa, có một thế giới tên là Cực Lạc, Đức Phật giáo chủ cõi đó làPhật A-Di-Đà hiện đang thuyết pháp độ sanh. Đức Phật A Di Đà là một ngôi giáo chủ trên cõi LạcBang, oai đức không cùng, thệ nguyện rất lớn, mở môn phương tiện, độ kẻchúng sanh ra khỏi Ta bà đem về Tịnh độ.
22/09/2010(Xem: 12597)
Cuộchành trình miên viễn của kiếp sống trầm luân sáu nẻo luân hồi đã thôithúc rất nhiều người đi tìm những phương pháp để thoát ly khổ não. Hạnh phúc và khổ đau là hai thực trạng của cuộc sống mà con người luôn đề cập tới. Nhưng để biết được hạnh phúc là gì thì con người phải trực nhận ra được bản chất của khổ đau như thế nào rồi mới bàn tới phương pháp giải quyết khổ đau... Sau khi nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, đức Phật dùng tri kiến thanh tịnh quan sát khắp cả thế giới. Bằng tuệ nhãn, Ngài thấy chúng sanh có nhiều căn tánh bất đồng...
17/09/2010(Xem: 5096)
Trung đạo (madhyamŒ-pratipad) là con đường tránh xa hai cực đoan: hưởng thọ dục vọng và tu tập khổ hạnh, nó là kinh nghiệm rút ra từ bản thân của Ngài, sau khi sống hưởng thụ trong hoàng cung, và trải qua 6 năm tu khổ hạnh, nhờ con đường này mà Ngài thành đạt giác ngộ và giải thoát dưới cội cây Bồ đề.
17/09/2010(Xem: 2388)
Sau khi Thái tử Tất-Đạt-Đa đản sinh, vua cha Tịnh-Phạn triệu tập các vị tinh thông tướng số đến tiên đoán vận mệnh cho Thái tử. Các vị xem tướng xong, đồng tâu lên rằng: “Thái tử có đủ 32 tướng tốt của một Bậc Đại nhân, thật hiếm có trên đời.Đây là những dấu hiệu báo trước Ngài sẽ là Bậc vĩ nhân đệ nhất trong thiên hạ. Nếu Ngài làm vua, sẽ là vị Chuyển luân Thánh vương; nếu xuất gia tu hành, Ngài sẽ là Bậc Đại Giác Ngộ”... Kinh Phạm Võng Trường Bộ tập I, Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, thân của Như-Lai còn tồn tại, nhưng cái khiến đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt.
10/09/2010(Xem: 58492)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]