Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lễ Phật Đản Mùa Dịch Corona

12/06/202019:58(Xem: 6033)
Lễ Phật Đản Mùa Dịch Corona
Lễ Phật Đản Mùa Dịch Corona
Trần Thị Nhật Hưng

   Từ đầu năm 2020 dịch Corona bùng phát khắp thế giới, một loại dịch nguy hiểm chết người, dễ lây lan, không thuốc chữa. Đã có vô số người chết và nhiễm bịnh. Con số kể ra thật chóng mặt, đau lòng. Chỉ riêng Thụy Sĩ thôi, nước nhỏ, dân số 10 triệu người, mà hằng ngày cả ngàn ca nhiễm, hằng trăm người chết. Chao ôi, cứ đà này là hết dân số!

   Để ngăn ngừa, cả thế giới đều ra lịnh cách ly, không được tụ tập, không được thăm viếng, nhà ai nấy ở, không được ra ngoài, ngoại trừ có lý do chính đáng như chợ búa, thăm Bác sĩ..v.v..

   Do vậy mọi sinh hoạt đều đóng cửa kể cả sinh hoạt Tôn giáo.

    Lễ Phật Đản rơi trong tình trạng đó, thay vì những thư mời tham dự như mọi năm của các chùa gởi đến Phật tử qua bưu điện cũng như qua email thì năm nay là những thông báo đình chỉ tổ chức.

   Là con Phật, trước Đản Sanh của Đấng Từ Phụ, không ai khỏi đau lòng, nhìn thời gian âm thầm lặng lẽ trôi, Phật Đản năm nay không tưng bừng nhộn nhịp, bao người không đến chùa chào đón Ngài, lòng bà Nhân cảm thấy áy náy bứt rứt, bà liền bàn với ông Nhân:

-        Anh à, Phật Đản năm nay các chùa không tổ chức thì mình tổ chức tại nhà nhé?

Ông Nhân hỏi:

-        Tổ chức như thế nào?

-        Em dự định từ đầu tháng 4 âm lịch đến rằm là ngày Đản Sanh của Phật, nhà mình ăn chay 2 tuần. Trước là để tưởng nhớ Đấng Từ Phụ, cũng là cách coi như “quà sinh nhật„ mình dâng tặng Ngài. Sau nữa, phát nguyện ăn chay để cầu nguyện cho dịch Corona sớm chấm dứt.

Ngưng một lát, bà còn giải thích thêm:

-        Dịch Corona này thiên hạ nói vi rút phát sinh từ thịt, cá, hải sản hay từ con dơi, con sò gì đó. Mình ăn chay cũng là cách sám hối.

   Rồi không đợi ông Nhân chấp thuận mà bà biết ông cũng hài lòng vì ông vốn là Phật tử thuần thành hết lòng ngưỡng mộ Phật giáo.

   Bàn với ông xong, bà kéo xe đi chợ, mua lủ khủ không biết bao nhiêu rau đậu củ quả chuẩn bị cho hai tuần chay.

   Như vậy vẫn chưa đâu, nhân đọc được bài kinh Khánh Đản do Sư Cô Thích Nữ Viên Hoa chùa Linh Phong Thụy Sĩ phổ biến cho Phật tử tụng tại nhà trong ngày Đản Sanh, chẳng những bà cất kỹ để dành trong họp thư, còn gởi phổ biến cho bạn đạo thân quen, dặn dò họ sẽ cùng tụng trong ngày Đản Sanh như bà  dự định.

   Để giết thì giờ cũng như tự tu tập trong hai tuần chay, ngoài những công việc nhà linh tinh không tên cũng chiếm thời gian không ít, thay vì coi phim, nghe nhạc, bà mở băng giáo lý để hai ông bà cùng nghe.

   Khóa tu học Âu Châu năm nay vì Corona cũng đình chỉ. Không những xa vắng Thầy, Cô, bạn bè, nếp sống đạo, bà mất luôn mười ngày nghe Pháp, tiếc lắm chứ. Đối với bà, những lời giảng của Quí Thầy trong khóa tu học mục đích truyền bá lời Kinh, lời dạy của Đấng Từ Phụ hướng dẫn chúng sinh tìm về bến giác, thoát khỏi luân hồi, và trước mắt, tu tập, học hỏi để tâm bình an. Tâm bình thế giới bình. Thiên hạ vẫn nói như vậy. Khi mọi người, mọi sự trên thế gian này an bình, há không là hạnh phúc sao?!

    Băng giảng trên Internet thì vô số kể, biết nghe ai, chọn ai. Thôi thì, tùy hỉ theo nhân duyên. Bà mở mail hay Youtube ra, gặp ai thì bấm đó.

   May cho bà, bà nhận mail Thầy Quảng Đạo bên Pháp gởi, trong mail bà tìm thấy 2 mục:

- Hộ Trì Chánh Pháp - Hòa Thượng (HT) Thích Minh Tâm-  Khai Thị Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu (KTHPPAC) 18.

- Diệt Trừ Phiền Não - HT Thích Minh Tâm - Khai Thị KTHPPAC 19.

   Chà, đang mong mà được, đúng là duyên lành. Dù Hòa Thượng đã viên tịch cách đây 8 năm, nhưng chỉ nghe hai chữ “Khai thị” tiềm thức trong bà như dội về, bức tranh toàn cảnh với bao kỷ niệm, hình ảnh của Hòa Thượng an vị giữa chánh điện của các khóa tu Âu Châu hiện ra rõ nét như đang diễn ra trước mắt.


le phat dan mua corona (3)le phat dan mua corona (4)


le phat dan mua corona (7)
le phat dan mua corona (1)le phat dan mua corona (1)le phat dan mua corona (2)le phat dan mua corona (5)le phat dan mua corona (6)




   Ai cũng bảo, Phật Pháp vốn khó nghe, nghe rồi khó hiểu, hiểu rồi khó hành, thế nhưng, qua những lời khai thị bằng giọng nói bình dị, thân thiện gần gũi, pha lẫn chút dí dỏm của HT đã như là giòng suối êm mát nhẹ nhàng len lỏi vào lòng người. Để rồi khi hiểu và thương, thương kính HT hết lòng dành cho Phật tử, Giáo hội, và Phật giáo, mọi người gắng thực hành được chút nào hay chút ấy, cũng là cách tri ân công lao của HT.

   Bà Nhân không ngoại lệ. Bà vốn thích nghe giáo lý, đặc biệt là những giờ giảng của HT, bà liền bấm máy mở nghe.

      *  Hộ Trì Chánh Pháp khóa tu 18. Ồ, bà đã nghe rồi cách đây 14 năm. Nhưng giáo lý nhà Phật, nghe lại càng thấm, không sao cả.

   Theo HT, hộ trì chánh pháp là nhiệm vụ, bổn phận  không chỉ riêng Tăng, Ni mà cả cho Phật tử. Nhưng nếu muốn hộ trì, đòi hỏi người con Phật phải có tu và có học. Học ở đây không phải chỉ kiến thức thế gian mà là giáo lý của nhà Phật, rồi đem sở học đó áp dụng trong cuộc sống đem an lạc cho mình cho người tức là tu. Tu học.

   Nhưng ta không chỉ tu, chỉ học một mình, giành chiếm cả cái Niết Bàn làm của riêng, mà người con Phật nói chung, khi hiểu đúng chánh pháp, dùng mọi phương tiện bằng nhiều pháp môn, tùy khế cơ (tùy trình độ người nghe), khế lý (hợp với giáo lý nhà Phật), đem Phật Pháp để truyền bá cho những người khác mà ta có cơ duyên thân cận như người trong gia đình, bạn bè ngoài xã hội..v.v..Truyền bá được tức là ta làm công việc Hộ Trì Chánh Pháp.

   Có nhiều cách hộ trì, linh động mà hành xử. Người tại gia có cách của tại gia, và người xuất gia cũng có cách của người xuất gia. Tuy nhiên dù tại hay xuất gia đều phải hiểu đúng chánh pháp, nếu không, vô tình hủy hại chánh pháp.

   Trong chùa cũng có hai vị hộ pháp mà chúng ta thường thấy. Một vị khuôn mặt hiền từ, tượng trưng cho « ông thiện » còn vị kia phùng mang trợn mắt thật dữ tợn được gọi là « ông ác ».

   Một câu hỏi đặt ra, tại sao trong chùa lại thờ một hình ảnh hung ác như vậy. Xin thưa, nếu trị một băng đảng ăn cướp, giang hồ, không thể mang bộ mặt hiền từ thánh thiện nói cho họ nghe, mà người trị được họ, phải là người có bộ dáng « ngầu » hơn họ. Đó là lý do, để hộ trì chánh pháp cần có những khuôn mặt đa dạng với nhiều phương cách khác nhau tùy duyên mà hành xử. Ông thiện để dìu dắt người hiền lương. Ông ác dùng hình tướng hung bạo mới trừng trị được những kẻ luôn ngoan cố gây hấn và phiền não cho người khác. Tựu trung vẫn được xem là hộ trì chánh pháp.

   Ngoài ra cũng có một thế giới hộ trì chánh pháp đắc lực nhưng tu chưa đủ, phước báu chưa đủ để được lên tới Niết Bàn (Cõi Phật), chỉ mới lưng chừng trời còn phải tiếp tục tu nếu không vẫn bị đọa như thường, đó là thế giới Thiên, A Tu La, Dược Xoa (dạ xoa)…đẳng (đẳng ở đây là .v.v..) !

   Thiên, A Tu La, Dược Xoa…đẳng…nghe rất quen thuộc trong bài kinh « Thiên A Tu La » mà ở khóa tu Âu Châu, bà Nhân cùng mọi người luôn tụng mà tụng tới 3 lần. Bà đã từng thắc mắc, đó là thế giới của người hay nóng giận, hung dữ sao ta phải tụng. Chúng ta hãy nghe kỹ đoạn đầu của bài kinh:

 Thiên A Tu La Dược Xoa đẳng.

 Lai thính Pháp giả ưng chí tâm.

 Ủng hộ Phật Pháp sử trường tồn…

   Nghĩa là, những người ở thế giới vô hình này vẫn thành tâm âm thầm thính Pháp (nghe Pháp) bất cứ đâu để tu tập, ủng hộ Phật Pháp mãi trường tồn. Họ là những người có tâm hộ trì chánh pháp nhưng phước duyên chưa đủ nên chỉ mới tới cõi:

- Chư Thiên, thế giới này của những vị có nhiều phước báu,  từ đây phải tu tiếp mới lên được cảnh giới cao hơn là thế giới của Bồ Tát, hay thành Phật.

- Còn thế giới tuy có lòng hộ trì chánh pháp, nhưng đụng chút là nóng giận rồi bỏ ngang thì mời vào cõi A Tu La.

- Còn Dược Xoa hay Dạ Xoa hay La Sát là cảnh giới của những người phước báu cũng nhiều, một lòng hộ Pháp, nhưng chẳng những hay giận mà còn hung hăng dữ tợn. Nỗi cơn điên là đập phá.

   Tuy vậy tất cả đều thành tâm phát nguyện hộ pháp và họ luôn ủng hộ chúng ta nếu chúng ta cùng tâm Hộ Trì Chánh Pháp.

   Phần chúng ta đang mang thân người, thuộc cõi nhơn, dưới cõi Chư Thiên nhưng trên cõi A Tu La và Dược Xoa. Chúng ta tìm đến Phật, học giáo lý của Ngài tức là chúng ta cũng đang mong về một cảnh giới nào đó thoát khổ tùy theo sự tu tập của mỗi người.

   Và muốn được như vậy bà Nhân bấm nghe tiếp:

   *Diệt Trừ Phiền Não.

   Phiền não là bản chất của chúng sinh, của cuộc đời ; ngoài Sinh-Lão-Bịnh-Tử còn do Tham-Sân-Si mà sanh ra và phiền não chính là cái nhân để tạo ra sanh tử luân hồi, nguồn gốc của khổ đau.

    Biết được cái khổ của chúng sinh, « đời là bể khổ », Đức Phật mới thị hiện Đản Sanh với mục đích làm thế nào để « liễu sanh thoát tử » chấm dứt không còn sanh tử luân hồi.

   Để tìm nguyên nhân từ đâu có sanh tử, giáo Pháp của Ngài ra đời chỉ cho chúng sanh con đường giải thoát. Bài Pháp đầu tiên và căn bản Tứ Diệu Đế tại vườn Lộc Uyển, Đức Phật đã giảng cho năm anh em Kiều Trần Như về 4 sự thật đó là Khổ - Tập - Diệt - Đạo đưa tới sanh tử.

   Là Phật tử, chúng ta ai cũng mơ sau này khi mãn phần về cõi Cực Lạc, thế giới của Đức Phật A Di Đà, nơi chắc chắn không bao giờ có tam đồ ác đạo (ba đường ác): Địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Đó cũng là đệ nhất đại nguyện, một trong 48 đại nguyện của Ngài, thề sẽ không ngồi ở ngôi vị chánh đẳng, chánh giác nếu thế giới Ngài không là…quốc vô ác đạo.

   Đạo Phật có 3 pháp môn để tu: Tịnh độ, Thiền và Mật tông. Pháp môn nào cũng đưa chúng ta đến con đường giải thoát. Nhưng đa phần Phật tử đến chùa thường tụng kinh, niệm Phật tức là tu theo pháp môn Tịnh độ. Với pháp môn này, để được về cõi Cực Lạc hay còn gọi là về cõi Tịnh độ, chúng ta phải miên mật niệm Phật nhất tâm bất loạn, niệm trong tĩnh thức, trong ánh sáng trí tuệ của Đức A Di Đà, chứ không thể niệm trong tâm thức « Tâm như chong chóng giữa trời. Phật thì niệm một, nhưng mười thì niệm ma » ( thơ Thầy Thích Nguyên Tạng). Có như thế mới có thể dứt được, tận trừ được 10 căn bản phiền não: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ.

Bà Nhân lấy giấy bút ghi hết các con…kiến, từng …cắn bà làm bà ngứa ngáy. Những từ lạ mà bà lờ mờ không hiểu rõ (Phật pháp vốn khó nghe, nghe rồi khó hiểu mà !), này nhé:

 - Ác kiến: Là những suy nghĩ ác đức trong đầu.

- Biên kiến: Nhìn một bên, một phía. Nhìn sự việc phiến diện.

- Tà kiến: Thấy sai. Thấy một đàng, nghĩ một nẻo.

- Kiến thủ: Cố chấp, độc đoán không lắng nghe ai, dù biết mình sai cũng không bao giờ thay đổi.

- Giới cấm thủ: Chấp vào giới mình thọ, không linh động trong sự việc. Ví dụ có một người vượt biên bị công an rượt đuổi tìm kiếm, hỏi mình thấy đâu không, rồi vì chấp không được nói láo, một trong năm ngũ giới mình từng thọ, rồi chỉ cho công an bắt người đó bỏ tù. Hà, như thế là mình có tội. Trong trường hợp này để cứu người hiền lương, Đức Phật cho phép mình…nói láo! Hoặc không thể vì giới cấm sát sanh mà chúng ta cầu mong con vi rút Corona sống đời không được giết nó, trái lại còn cầu nguyện cho nó mau chết nữa là khác.

   Nói tóm lại, muốn chấm dứt khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, điều kiện ắt có và đủ phải diệt trừ phiền não, tận diệt 10 căn bản phiền não vừa nêu trên mới đủ nhân duyên, phước báu , thiện căn để vãng sanh cõi Tịnh độ, tức cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

   Thậm chí trong cuộc sống không ở đâu xa, ngay khi làm việc đạo trong chùa vẫn tạo phiền não. Nhiều Phật tử ham làm công quả mong phước báu nhiều, giành công đức mà lấn người khác. Những cái « tham » vi tế, nhỏ nhặt  như vậy cũng tạo phiền não cho mình và cho người. Như thế, cõi cực lạc vẫn còn xa tít tắp.

   Trong hai tuần chay, bà Nhân quyết tu tập, ngoài chỉ ăn rau đậu, bà tìm nghe hết băng giảng trên Internetet từ Úc, Mỹ, Âu Châu hay các khóa giảng online  không chừa chỗ nào nếu có nhân duyên. Bà…tu , không dám…tham về cõi Tịnh Độ, vì bà biết « Bảo sở (cõi Phật) tìm về xa tận kiếp. Thương dòng hoa lệ mắt ai mong » ( thơ Thầy Thích Như Tú), nhân Đản Sanh của Đấng Tự Phụ, bà tu tập để tưởng nhớ Ngài và xem như là « Quà Sinh Nhật » bà dâng tặng Ngài thôi.

   Rồi lễ trọng đại cũng tới với bà. Trước đó một ngày, bà dọn dẹp lau chùi bàn thờ, « tắm » cho tất cả tượng Phật bóng sáng. Bà giăng đèn kết hoa, đi chợ sắm sửa trái cây và chuẩn bị cả xôi chè cúng Phật.

   Đứng trước bàn thờ trang nghiêm, mùi trầm hương lãng đãng tỏa ra thơm ngát khắp phòng, ông bà Nhân chỉnh tề với chiếc áo tràng màu lam. Sau khi tụng những bài kinh thường nhật, bà  lấy ra bài kinh Khánh Đản bà in sẵn cho hai ông bà.

- Xưng tán Như Lai.

- Đảnh lễ Như Lai.

- Bài tụng lễ Khánh Đản.

- Kệ dung nhan Như Lai.

- Kệ nhớ ơn Như Lai.

- Hồi hướng.

- Tam qui y.

- Và cuối cùng là Kệ Mộc Dục Phật Tượng.

Tụng xong, ông bà xá dài, lạy ba lạy. Kết thúc buổi lễ.

   Màn «Tắm Phật» thường thấy trong lễ Phật Đản tại các chùa, cũng không thiếu trong chương trình tại nhà của bà Nhân. Mùa dịch Corona, biết không ai đến chùa, nhân vật nào đó làm một clip đưa Phật vào tắm online rồi phổ biến khắp thế giới. Cũng Đức Phật baby, bên cạnh để gáo nước, chúng ta chỉ bấm vào cái gáo đưa lên vai, nước chảy xuống cứ như thật. Bà Nhân lấy máy, rồi cả ông và bà thay phiên nhau tắm Phật.

   Sau đó, thay cho chương trình văn nghệ như mọi chùa từng tổ chức hằng năm, bà Nhân mở nhạc Mừng Phật Đản ra nghe. Giọng ca rổn rảng trầm ấm của Gia Huy, người ca sĩ của Phật giáo vang vang trong máy...

   Hôm nay ngày Phật Đản Sanh. Trần gian mừng Đấng Cha lành. Người từ cung trời Đâu Suất. Xuống trần cứu độ chúng sinh. Ngày xưa Hoàng hậu Ma Da. Nằm mơ voi trắng sáu ngà. Sinh ra Người đi bảy bước. Chân Người sen trắng nở hoa…

   Đúng vậy, sen trắng nở hoa dưới chân Ngài cũng đang nở hoa trong lòng bà Nhân. Bà cảm thấy hân hoan sung sướng, cái cảm giác lâng lâng giống như là người con “hiếu thảo” tổ chức Mừng Sinh Nhật Cha lành, nhưng không chỉ có thế, mà tưởng nhớ cả lời Cha dạy sống thế nào cho hợp ý Cha, điều đó mới thiết thực nhất.



Trần Thị Nhật Hưng

Mùa Phật Đản 2644.

2020

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 61401)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 2570)
Cuộc đời của Đức Phật, từ khi Đản sanh, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, độ sanh, cho tới khi nhập Niết Bàn, tất cả hành động của Ngài đều là những bài học vô cùng giá trị cho nhân thế. Đức Thế Tôn từng tuyên bố: “Nầy các Tỳ kheo, xưa cũng như nay, ta chỉ dạy hai điều: là sự khổ và con đường đưa đến diệt khổ” (Trung Bộ Kinh III), Đức Phật cũng đã dạy rằng: “Như Lai ra đời vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc cho đời, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” (Trường Bộ kinh II).
28/08/2010(Xem: 58142)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
07/05/2010(Xem: 4842)
Ngài sinh vào ngày trăng tròn, tháng hai Ấn Ðộ (nhằm ngày rằm tháng tư âm lịch Trung Hoa, năm 624). Ra đời chưa đầy một tháng, Ngài mồ côi mẹ, nhờ Dì mẫu nuôi dưỡng cho đến trưởng thành. Năm 29 tuổi, Ngài trốn vua cha vượt thành xuất gia tầm thầy học đạo, đã tu tập với nhiều vị đạo sư và 6 năm tu khổ hạnh nhưng rốt cuộc Ngài thầy không đem lại sự giải thoát. Ngài trở lại lối sống bình thường, vận dụng tâm trí quan sát tướng chân thật của vũ trụ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]