Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Lấy Vàng Đổi Đất

26/10/201320:11(Xem: 29131)
12. Lấy Vàng Đổi Đất
Mot cuoc doi bia 02



Lấy Vàng Đổi Đất





Suốt mấy ngày lên xe ngựa dong ruổi khắp các miền ngoại ô kinh thành Sāvatthi nhưng trưởng giả Sudatta chưa lựa chọn được một miếng đất vừa ý. Hôm kia, ông tìm thấy một khu vườn rất đẹp, vừa rộng rãi, bằng phẳng lại vừa có hồ, có suối, có các ngọn đồi thoai thoải. Tuy vườn trồng xoài là chính để có thu nhập kinh tế nhưng chủ nhân cũng biết giữ lại những gốc cổ thụ rễ lá rườm rà, có trái, có hoa cùng các khóm cây có thân đẹp, lá đẹp hoặc có hương thơm. Hỏi ra mới biết đây là khu vườn sinh thái, nghỉ mát của hoàng tử Jeta (Kỳ Đà), con vua Pāsenadi(1)! Biết là sẽ rất khó khăn, nhưng trưởng giả cũng tìm đến vương phủ của hoàng tử, lựa lời khôn khéo, xin ông ta nhượng lại khu vườn ấy để sử dụng vào việc lợi ích.

Hoàng tử Jeta cười to:

- Ta biết ông giàu nứt đố đổ vách nhưng ta cũng đâu có thiếu tiền, thiếu bạc đến nỗi phải bán khu vườn xinh đẹp ấy đi, hở ông trưởng giả triệu phú?

- Tôi nào có dám nói chuyện mua bán ở đây, thưa điện hạ! Trưởng giả Sudatta cất giọng nhũn nhặn - Chỉ vì khu vườn ấy rất thích hợp cho việc kiến lập một tu viện nên tôi chỉ xin hoàng tử mở lòng quảng đại, hoan hỷ nhượng lại thôi mà!

Trước sự khiêm tốn nhưng không kém phần quyết liệt của Sudatta, hoàng tử Jeta muốn nêu lên một cái giá cho ông trưởng giả đáng kính này nản chí:

- Thôi được rồi! Khu vườn của ta còn quý hơn cả vàng! Nếu ông trưởng giả mang vàng lá đến đó, lót đầy khu vườn, ta sẽ nhượng lại cho!

Nói thế xong, hoàng tử Jeta mỉm cười kín đáo, định phất tay bỏ đi! Nhưng kỳ lạ chưa kìa! Khuôn mặt ông trưởng giả bừng sáng lên, vô cùng mừng rỡ:

- Xin cảm ơn điện hạ! Bậc vương giả không thể nói hai lời! Tôi sẽ làm theo như ý của ngài!

Thế rồi, ngay tờ mờ sáng hôm sau, trưởng giả Sudatta cùng hàng chục gia nhân, với những chiếc xe ngựa chở vàng lá đến và bắt đầu lát thảm vàng lên đất của khu vườn. Hoàng tử Jeta tất tả đến xem, ông ngạc nhiên quá: Chuyện nói thách để mà chơi, giờ đã trở thành sự thật! Nhưng hoàng tử cũng còn một hy vọng là ông trưởng giả sẽ thiếu vàng! Suốt hai ngày liên tiếp, hoàng tử Jeta thấy trên sắc mặt của ông trưởng giả chưa có dấu hiệu nào là ông ta thiếu vàng; và vàng thì cứ theo từng cỗ xe, từng cỗ xe lần lượt đổ đến; và hàng chục gia nhân mải chăm chỉ, cần mẫn tuần tự lát vàng từng chục thước rồi hàng trăm thuớc! “Chuyện gì xẩy ra thế này - hoàng tử Jeta tự hỏi - tại sao có người xem vàng như đất cục? Nghe nói, ông trưởng giả mua đất này để kiến lập một tu viện? Tu viện ấy cho ai, cho người nào? Phải là một nhân vật tầm cỡ nào, vị triệu phú này mới phát tâm hiến cúng dõng mãnh, kinh khiếp như thế chứ?”

Đến ngày thứ tư thì vàng đã vàng chóe hết hai phần khu vườn, khi hoàng tử Jeta tìm đến thì thấy ông trưởng giả đang đo đạc, tính toán gì ở nơi mấy gốc cổ thụ. Hoàng tử tuy hơi nao núng, nhưng cũng thật tình, hỏi:

- Sao? Thiếu vàng rồi phải không? Ông trưởng giả rút lui chuyện mua bán lạ lùng này cũng chưa muộn mà!

- Dạ, không phải thế, tâu điện hạ! Trưởng giả Sudatta ung dung nói - Tôi đang tính cách lót vàng nơi những gốc cây choán chỗ trên đất, đồng thời, tính xem, nên chở vàng từ kho nào đến đây mới đủ và tiện đường nhất!

Hoàng tử Jeta thấy mình nổi da gà cả toàn thân, ngạc nhiên, tò mò, ông hỏi trưởng giả về tu viện, mục đích kiến tạo tu viện là để mà làm gì? Trưởng giả Sudatta đôi mắt chợt bừng sáng lên, thân thiết nắm tay hoàng tử, nói tóm tắt nhưng đầy đủ về đức Phật, Tăng chúng và giáo pháp cho hoàng tử nghe! Trưởng giả cũng tâm tình, thổ lộ mục đích hoàn toàn vô vị lợi của ông! Rằng là vì muốn phục vụ văn minh, văn hóa cho đất nước này, cho quê hương này của chúng ta! Từ lâu, chắc điện hạ đã thấy bọn ngoại đạo, tà giáo chúng lộng hành như thế nào, đang mua thần, bán thánh như thế nào! Dân giàu, nước mạnh không, cũng chưa đủ, phải cần có một giáo pháp thánh thiện, trong sáng và lành mạnh để cho bao người thoát khỏi sự ngu muội, cuồng tín! Cần phải có những giá trị tinh thần đích thực để nương tựa đời này và đời kia! Tại đất nước Māgadha, kinh thành Rājagaha, đức vua Seniya Bimbisāra, triều đình và cả hàng ngàn hoàng gia, quý tộc đã quy giáo đức Thế Tôn và Tăng đoàn thánh hạnh! Ôi! Hạnh phúc làm sao là đất nước ấy!

Để kết luận, trưởng giả Sudatta sung sướng nói:

- Vô cùng cảm ơn điện hạ đã hào sảng nhượng lại cho tôi khu vườn quý giá này! Mai kia, sau khi kiến tạo xong xuôi, tôi sẽ hiến cúng tất thảy công trình này cho đức Phật và Tăng chúng mười phương! Vậy là công đức của điện hạ cũng to lớn lắm vậy!

Hoàng tử Jeta cảm thấy rất hổ thẹn trước sự vĩ đại của ông trưởng giả đã dám lấy vàng đổi đất, để lót bên dưới mà tôn vinh lên trên những giá trị tinh thần cao quý thế kia, còn ta thì sao? Ta là một con người tầm thường, chỉ biết có vàng mà thôi sao?

- Hãy ngưng lại, ông trưởng giả quý mến! Hoàng tử Jeta hối hả nói - Vậy là đủ rồi, chẳng cần phải lát vàng thêm nữa! Đất bây giờ đã là của ông, nhưng ông hãy cho ta hùn góp một chút công đức, được chăng?

- Điện hạ cứ nói!

- Phần đất vườn là của ông, còn phần cây là của ta! Hoàng tử chậm rãi nói – Sau này, khi tu viện hoàn thành, ông cho ta được dự phần một chút vinh quang, núp sau cái bóng của ông vậy?

Vui mừng quá, trưởng giả Sudatta nói:

- Rất là hoan hỷ, thưa điện hạ! Hay lắm! Cây là của điện hạ cúng dường! Đất vườn là của tôi đóng góp! Hay lắm!(1)

Thế rồi, với sự góp ý của tôn giả Sāriputta, công trình xây dựng được tiến hành. Tiến hành gấp rút từ bản vẽ của tôn giả Sāriputta, ròng rã suốt mấy tháng trường với hằng ngàn công nhân; và vật liệu thì cứ kìn kìn đổ tới. Do rút kinh nghiệm ở Trúc Lâm nên quy mô tại Kỳ Viên này không gian sử dụng rộng rãi hơn, tiện nghi sinh hoạt thuận lợi hơn. Theo sơ đồ tổng quát, nó gồm hai mươi khu biệt cư (dành riêng cho hàng ngàn chư khách tăng vãng lai) nhà giảng (dành cho hội chúng cư sĩ), nhà hội (nơi hội họp tăng sự, giáo giới chư tăng) nhà ăn, nhà khách, bệnh viện, nhà kho, mấy chục giếng nước, mấy chục khu nhà vệ sinh, mấy chục nhà tắm (một nửa có trang bị lò sưởi), hàng ngàn ghè nước lớn và nhỏ, mấy chục nơi xử lý rác thải... Ngoài ra, còn nạo vét và làm sạch đẹp các con suối, trồng sen súng tại các hồ nước, làm các con đường kinh hành, các ghế đá rải rác trong công viên. Đặc biệt, hương phòng của đức Thế Tôn làm bằng gỗ chiên đàn, đẹp và tiện nghi. Có khoảng chừng một trăm cốc liêu (dành riêng cho các vị trưởng lão), năm trăm cốc liêu (dành cho chư tăng nội trú). Xa trước cổng Kỳ Viên, trưởng giả Sudatta còn làm thêm khu nhà chẩn bần, giúp người nghèo đói mỗi tháng bốn kỳ. Lại còn có nơi dành riêng cho chim, quạ ăn thức ăn thừa! Việc bảo vệ và chăm sóc công trình, ông trưởng giả còn dự định tuyển chọn năm mươi người lao động tạp dịch có đạo tâm thường xuyên ăn ở tại đây, có khu nhà dành riêng cho họ!

Khối lượng công việc là rất lớn, cần nhiều thời gian; ngại rằng đức Phật đến thăm Kỳ Viên rồi trở lại an cư ở Trúc Lâm như lời hứa với đức vua Seniya Bimbisāra sẽ không còn kịp, nên tôn giả Sāriputta đến chào từ biệt trưởng giả Sudatta:

- Ta cần phải đi đón đức Thế Tôn, còn công việc ở đây, ông cứ theo họa đồ tổng quát và chi tiết mà thực hiện, đâu đó đã được cắm mốc, có phương hướng rõ ràng rồi!

- Rất tri ân tôn giả! Sudatta nói với gương mặt rạng rỡ - Đâu đó đều rất hoàn chỉnh, rất đẹp - Ngần ngừ một lát rồi ông nói tiếp - Nghe nói còn có ngày giờ tốt, xấu; hướng tốt, hướng xấu và cả thuật phong thủy nữa, không rõ giáo pháp của đức Tôn Sư quan niệm như thế nào về chuyện ấy?

Tôn giả Sāriputta cười đáp:

- Giáo pháp của đức Thế Tôn chỉ chú trọng đến cái bên trong của con người, những căn bệnh phiền não, khổ đau cùng phương thuốc chẩn trị chúng. Còn những ngoại duyên tác động từ bên ngoài là cái thứ yếu, phụ tùy. Đức Thế Tôn có đề cập khi nói đến các định luật của vũ trụ, tức là các lực, các từ, các khí tương tác của vạn hữu, nhưng xét ra cũng không quan trọng lắm!

- Đấy là những định luật gì, thưa tôn giả?

- Ồ, ông hãy suy gẫm mà xem! Nắng mưa, ngày đêm, nóng lạnh, thời tiết ba mùa trong năm; các ảnh hưởng của mặt trời, mặt trăng tác động đến ao biển, sông hồ, con người, muông thú, thảo mộc... Những sự vận hành của thời tiết, đất trời có vẻ tự nhiên ấy chúng có luật tắc chi phối đấy, được gọi là định luật của thế giới vật lý vô cơ(1)(utuniyāma). Còn nữa, những quy luật tác động trong thế giới tế bào của động vật, thực vật làm cho giống nào sinh ra giống ấy (cam ra cam, quýt ra quýt); huyết thống di truyền (con giống cha mẹ, ảnh hưởng ngu, trí) thì được gọi là định luật của thế giới vật lý hữu cơ (bījaniyāma). Rồi, cái luật tắc thứ ba là định luật về pháp (dhammaniyāma), khá khó hiểu, nó chi phối pháp giới, toàn bộ cư dân hữu tình, vô tình của quả đất...

Nói đến ngang đây, tôn giả Sāriputta chậm rãi tiếp lời, thân mật:

- Ông triệu phú có biết không! Khi ngồi dưới cội Bodhirukkha, đức Thế Tôn đã quay mặt về hướng đông, đấy là hướng của thanh khí, dương khí nó sẽ hỗ trợ tốt cho khí lực của cơ thể! Canh ba, lúc nằm nghỉ nghiêng lưng nửa canh đầu, đức Tôn Sư của chúng ta, thường quay đầu về hướng bắc, chân co, chân duỗi về hướng nam, lưng quay về hướng đông, mặt quay về hướng tây là vì ngài biết các từ, các lực, các khí của vũ trụ trong tám hướng, có thể hỗ trợ cho khí lực của con người! Nghĩa là đức Tôn Sư do nắm rõ các quy luật, sức hút, sức đẩy, tương tác của các từ, các khí. các lực - định luật về pháp - nên đã thuận theo các luật tắc vận hành tự nhiên ấy. Thuận thì tốt, nghịch thì khó chịu có thể sinh ra sự đảo lộn khí huyết không cần thiết! Do vậy, có thể nói rằng, đức Toàn Giác của chúng ta đã biết rõ tất cả cái gọi địa lý, thiên văn mà thuật ngữ chuyên môn gọi là phong thủy, ngày tốt xấu, hướng tốt xấu mà trưởng giả đã đề cập!

Trưởng giả Sudatta rối rít nói:

- Vậy là có chuyện ngày giờ tốt xấu, hướng nhà, hướng cuộc đất tốt xấu như các thầy bà-la-môn đã lợi dụng để làm tiền mọi người xưa nay?

- Có đấy! Nhưng tốt xấu bên ngoài không quan trọng bằng tốt xấu từ tâm địa của con người!

- Đệ tử hiểu rồi!

- Giáo pháp của đức Tôn Sư là giáo pháp diệt khổ! Thấy rõ dukkha và diệt dukkha là quan trọng, các ngoại duyên liên hệ khác là phụ tùy!

- Đệ tử hiểu rồi!

- Nhưng khi chúng ta xây dựng nơi ở của đức Phật và Tăng chúng thì nên thuận theo các định luật tự nhiên của vũ trụ hay cứ tùy tiện những đối nghịch không cần thiết?

- Phải rồi! Đệ tử đã hiểu rõ! Hèn gì, đức Thế Tôn đề cử tôn giả cố vấn, tham mưu cho đệ tử xây dựng Kỳ Viên đại tịnh xá!

Tôn giả Sāriputta mỉm cười khiêm tốn:

- Đức Thế Tôn mới là bậc thầy, bậc thầy siêu việt về nhiều lãnh vực; ngài biết rõ thuở còn là thanh niên nhờ làm trưởng giáo bà-la-môn nên các lãnh vực kiến trúc, địa lý, thiên văn, phong thủy, tự nhiên học... ta đã từng là giáo thọ sư cho hằng trăm môn đệ!

- Hiển nhiên là vậy rồi!

- Còn hai định luật nữa, này ông trưởng giả! Đấy là định luật về tâm (cittaniyāma) và định luật nghiệp báo (kammaniyāma). Khi chúng ta phán đoán, suy luận, hồi ức, tưởng tượng hoặc những yếu tố nội tâm, trạng thái tâm lý diễn tiến theo trình tự nhân quả tương quan chi phối sinh hoạt hữu thức và vô thức của con người đều thuộc lãnh vực của định luật tâm! Những hiện tượng thần giao cách cảm, biết quá khứ, vị lai; cả thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông... cũng từ định luật này mà có! Người học giáo pháp Phật phải nắm rõ quy luật này để từng bước, dẫn tâm từ các trạng thái thấp lên cao, từ thô tháo đến tế vi... rồi tế vi hơn nữa; cuối cùng sử dụng tâm rất nhuần nhuyễn, thuần thục vì hạnh phúc cho mình và cho người!

- Thật là vi diệu vậy thay!

- Còn nữa, định luật nhân quả nghiệp báo, nói đầy đủ là tác nhân của nghiệp và kết quả của nghiệp. Ở đây là những hành động và những phản ứng tâm lý có ý thức, có chủ tâm. Nói cách khác, khi chúng ta suy nghĩ, hành động, nói năng do thiện hoặc bất thiện chi phối tất là nó mang tính đạo đức, luân lý thì khi ấy, chúng ta đã khởi tác nhân của nghiệp; và nó sẽ xảy ra sự báo ứng của nghiệp! Đức Thế Tôn đặc biệt nhấn mạnh định luật này, vì chính ở đây mới xảy ra nghiệp báo và sự chấm dứt nghiệp báo, sự khổ và sự diệt khổ vậy! Nầy trưởng giả Sudatta! Bây giờ ông đã hiểu tại sao, giáo pháp của đức Tôn Sư chỉ nhắm đến dukkha và sự chấm dứt dukkha mà không nói đến địa lý, thiên văn, phong thủy rồi chứ?

- Tri ân tôn giả!

Trưởng giả Sudatta cúi đầu xuống, cảm kích! Tuy chưa hiểu hết lý nghĩa sự giáo giới tận tình của tôn giả Sāriputta, nhưng ông cảm thấy nao nao trong lòng, tâm và trí càng lúc càng sáng ra! Bây giờ trưởng giả mới thật sự thấy rõ tầm vóc vượt trội, siêu đẳng của vị đại đệ tử về kiến thức ngoại điển cũng như nội điển; do vậy, đức tin trong ông, về đức Phật, về giáo pháp này, về tăng chúng này, ngày càng lớn mạnh, ổn định, vững chắc hơn!


Ngũ Minh(1)

Cũng Chưa Đ

Đầu tháng ba, năm năm trăm tám tư trước Tây lịch, tôn giả Sāriputta bỏ lại sau lưng Kỳ Viên đại tịnh xá đang xây dựng chưa hoàn chỉnh, lên đường đi đón đức Phật. Bây giờ là cuối tiết xuân, trời không nóng lắm, có thể dễ dàng đi lại; nhưng sực nghĩ đến khoảng cách hơn bảy mươi do-tuần (trên dưới 840 km hiện nay) từ Rājagaha đến Sāvatthi, nếu mỗi ngày đi một do-tuần thì phải mất gần ba tháng nên ngài phải sử dụng thần thông. Tuy nhiên, lúc dừng tại Vesāli định trì bình khất thực thì tôn giả thoáng thấy hình bóng các vị sa-môn áo vàng. Hướng tâm, biết đức Phật và chư tăng đã đến đây từ ba hôm trước, đang nghỉ tại Mahāvana (Đại Lâm), tôn giả tìm đến, đảnh lễ và vấn an sức khỏe của ngài.

Đức Phật mỉm nụ cười hoan hỷ:

- Biết ông sẽ đi đón Như Lai, nên Như Lai chỉ giữ lại Moggallāna, Bhaddiya (cũ), Uruvelā-Kassapa trông coi Trúc Lâm với chừng năm trăm tỳ-khưu! Số còn lại, hơn một ngàn rưỡi tỳ-khưu đã cùng với Như Lai đi gặp ông đây! Thế nào rồi? Công việc xây dựng Kỳ Viên đại tịnh xá đến đâu rồi hả ông giáo thọ bậc thầy các kiến trúc sư?

Tôn giả Sāriputta nghe cách hỏi của đức Phật, biết là ngài đã tận tường tất cả, nhưng tôn giả cũng tuần tự trình tâu lại tất cả mọi việc.

- Lành thay! Đức Phật tán thán – Ông đã có công thiết kế Kỳ Viên quy mô hơn, thuận lợi sinh hoạt hơn, có cái nhìn xa rộng hơn... Rất tốt, rất tốt... Đấy đúng là thủ phủ thứ hai, căn cứ địa thứ hai để cho giáo pháp phát triển sâu rộng cả miền Tây bắc châu Diêm-phù-đề!

Độ ngọ xong, tôn giả Sāriputta được gặp lại tôn giả Assaji, tôn giả Vappa, tôn giả Mahānāma, tôn giả Nadīkassapa, tôn giả Gayākassapa, tôn giả Mahā Kassapa và cả tôn giả Kāḷudāyi, Bhaddiya, Ānanda, Devadatta... cùng một số các vị trong hoàng tộc Sākya nữa!

Đức Phật nói với Sāriputta:

- Các ông Kāḷudāyi, Bhaddiya (dòng Sākya) cùng mấy trăm tỳ-khưu đi du hóa tại các tiểu bang Licchavī, Vajjī, Videha, Mallā, Moriya... thấy rằng, quần chúng rất tốt, rất nhiều tín tâm; nhưng khi đi khất thực, gặp duyên thuyết giáo, họ lại va vấp hai khó khăn trở ngại lớn: Thứ nhất là giới quý tộc, tướng lãnh ở đấy rất ngã mạn; không dễ gì nói lọt tai, không dễ gì làm cho những cái đầu rất cứng ấy nhu thuận, quy phục được! Thứ hai là “vấn đề” lý luận của các giáo phái chủ, giáo phái sư cùng một số học giả, bà-la-môn gia chủ trong và ngoài truyền thống; họ trườn uốn như con lươn, rất điêu toa, xảo quyệt; chúng có thể lý luận dẫn voi qua lỗ kim, có thể lý luận con lạc đà thành con chó trắng một cách khá dễ dàng! Thế rồi, các ông ấy bảo là vì chưa học môn lý luận, đành phải lép vế, bây giờ họ đang cầu viện Như Lai đấy! Là đại đệ tử, ông có ý kiến gì không?

Tôn giả Sāriputta nhũn nhặn:

- Đệ tử không dám! Đức Thế Tôn rõ biết tất cả! Và đức Thế Tôn còn biết rõ hơn là còn nhiều môn học – mà các sứ giả Như Lai trên đường hoằng hóa cần phải học sâu, hiểu rộng mới mong nhiếp hóa ngoại đạo, tà giáo, thu phục nhiều thành phần giai cấp khác nhau để đi vào lòng thế gian và lòng người được!

- Đấy là những môn học gì hở Sāriputta? Đức Phật có vẻ quan tâm - Ông có thể trình bày cho Như Lai, các vị cao túc cùng đại chúng ở đây nghe được không?

Biết đức Phật không phải kiểm tra kiến văn của mình, mà chỉ muốn nhân đó, giáo giới đến mọi người nên tôn giả đã mạnh dạn phát biểu:

- Bạch đức thế Tôn! Tôn giả cất giọng hùng hồn như tiếng chuông đồng vang ngân rất xa cho đại chúng cùng nghe - Lý luận, ngay chính môn học lý luận thôi cũng đã không đơn giản! Các hiền giả Kāḷudāyi và Bhaddiya đâu phải là nhân vật tầm thường. Một vị xuất thân là quan đại thần lỗi lạc. Một vị là quan tổng trấn kiêm quan chánh án uy danh lừng lẫy! Thế nhưng, khi đi vào “đấu trường” lý luận, khả dĩ có khả năng đối thoại với bọn thức giả, trí giả, học giả xảo biện; chúng ta phải kinh qua học phái lý luận Nyvāya, một trong sáu phái truyền thống Vedā để biết cách sử dụng từ, ngữ, khiếm chủ từ, có mặt chủ từ, động từ chủ động và bị động, câu cú, cách hỏi, cách đặt vấn đề, thi thiết, giả định, thiết định, cách lập mệnh đề, mệnh đề hở, mệnh đề kín, phản mệnh đề, thuận mệnh đề... rất là nhiêu khê, phức tạp! Thường thì cách nói theo ngôn ngữ phổ thông của chúng ta, nhằm để trao đổi thông tin là chính; nhưng chỉ cần một tay xảo biện, miệng lưỡi hỏi lại, chúng ta lúng túng ngay! Vậy thì trước nhất, các sứ giả Như Lai phải biết trang bị toàn hảo môn học lý luận này; và chỉ có đức Thế Tôn mới có khả năng giáo giới cho tất thảy chúng đệ tử tới nơi, tới chốn mà thôi!

Đức Phật mỉm cười:

- Ví như câu nói như thế nào, câu hỏi lại như thế nào có thể làm cho chúng đệ tử Như Lai lúng túng, hở Sāriputta?

- Có thể bất kỳ câu nói nào, bạch đức Thế Tôn! Ví dụ, đệ tử nói, tôi đi khất thực; kẻ kia liền chế giễu, đi thì làm sao mà khất, mà thực! Lại nữa, khất là khất cái gì, thực là thực cái gì? Vậy là họ bảo, câu nói đó sai lầm, mệnh đề ấy tối tăm, ngôn ngữ mù mờ, chẳng rõ trao gởi thông tin gì! Ví dụ đệ tử nói, hạt mưa rơi! Kẻ kia liền bắt bẻ, cái gì là hạt? Hạt ngô, hạt thóc; hạt bao giờ cũng thể đặc hàm chỉ một hạt giống, một cái mầm hữu cơ! Mưa là thể lỏng, chẳng có hạt giống nào trong đó cả! Lại nữa, mưa là động từ hay chủ từ? Nếu là động từ thì nguyên động lực nào mà nó rơi? Nếu là chủ từ thì mưa cũng không thể tự rơi? Thế là lập ngôn “hạt mưa rơi” không đứng vững, từ và nghĩa sai lầm, mệnh đề ấy là sai lầm! Chúng có thể lôi ra từng từ, từng chữ để ngược xuôi, điên đảo rất khó chịu, đa phần chỉ để chọc tức, làm cho ta mất bình tỉnh, mất cảnh giác! Vậy là chúng vỗ tay, huênh hoang, cười hì hì hà hà để nhạo báng và coi như mình đã thắng cuộc!

Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có thể đưa ra hằng trăm hằng ngàn ví dụ tương tự. Môn học lý luận cổ xưa đã trang bị cho những bà-la-môn luận sư, những du sĩ lang thang những kiến thức căn bản; đồng thời, điêu toa chỉ bày cách nói, cách hỏi ngoa ngoắt, lắt léo để chúng nắm xảo thuật trổ tài miệng lưỡi, bắt bẻ nhau từng ly, từng tý như vậy. Do thế, môn học ấy, những sa-môn đệ tử Phật cũng phải biết rõ để khỏi bị thất thố, mắc mưu họ!

- Đúng thế! Đức Phật nói – Môn học lý luận thì dường như ông, Moggallāna, Mahā Kassapa đã được trang bị rất chu đáo từ thuở thiếu niên, do vậy rất dễ dàng đi đây đi đó để hoằng pháp. Tuy nhiên, Như Lai muốn bổ túc cho sự thiếu sót của môn học ấy (sau này gọi là nhân minh) là phải biết phân biệt rõ ràng chánh tà, đúng sai, chân ngụy; và, khả năng lý luận, luận giải, lập biện đòi hỏi phải rời kiến thức suông để trở về với đời sống tu tập, chứng nghiệm, liễu ngộ thật sự, mới là mặt mạnh, sở đắc của đệ tử Như Lai. Vậy còn những môn gì cần phải học nữa, Sāriputta?

- Môn thứ hai thì giáo dục truyền thống đã có sẵn rồi, đấy là các môn học nghệ, toán học (số học, đo lường, hình học) văn chương (thơ, kệ), khoa học (vật lý, sinh học, tự nhiên học), sử học, tư tưởng triết học trong và ngoài truyền thống Vedā (sau này gọi là công xảo minh) để có kiến thức đa dạng, phong phú để dễ dàng nói chuyện với nhiều thành phần giai cấp trong xã hội. Môn học thứ ba nó nằm trong bốn tuệ phân tích, tức là khả năng về ngôn ngữ, phải thông thạo văn phạm, cú pháp, cách diễn đạt phải chính xác, minh bạch (sau này gọi là thanh minh). Thứ tư là phải học để biết căn bản về cơ thể con người, sự vận hành của khí huyết, các kinh mạch, các huyệt liên hệ đến lục phủ ngũ tạng để biết cách xoa bóp, bấm huyệt tự chữa bệnh cho mình và cho huynh đệ. Lại nữa, cần phải biết một số dược liệu để chữa trị những căn bệnh phổ thông. Nếu không được như thế thì cũng biết cách điều tiết ăn ngủ, biết giữ gìn thân thể qua các mùa tiết hoặc khi nóng rét thất thường (sau này là y phương minh). Thứ năm là phải chịu khó nghe nhiều, học nhiều qua những bài giảng của đức Thế Tôn, qua những vị đã được đức Thế Tôn cho phép giáo giới chư tăng (sau này gọi là nội minh).

Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Sāriputta thưa tiếp - Quả là đệ tử đã lắm lời! Năm môn học ấy, hiện tại chưa cần thiết lắm! Vì sao vậy? Vì chư vị tôn túc trưởng lão và hằng trăm chúng đệ tử của đức Thế Tôn đều là thành phần trí thức ưu tú; họ đã tự trang bị đầy đủ cho mình rồi. Lại nữa, họ còn có thể thuyết giáo giới đức, định đức, tuệ đức đến cho mọi người, đấy là bài thuyết pháp sống động và hiện thực nhất. Họ còn có thể thuyết giáo về nhẫn, về từ, về xả trên lộ trình độ sanh. Họ còn có thể thuyết giáo đời sống vô sản, bần hàn, thiểu dục, tri túc, chánh niệm, tỉnh giác trong mỗi bước đi, trong mỗi hơi thở. Chúng còn cao đẹp gấp trăm lần, ngàn lần mọi phương pháp độ sinh bằng lý luận, bằng ngôn ngữ, bằng văn chương hoặc bằng nghề thầy thuốc!

- Hay lắm, tuyệt vời lắm, Sāriputta! Đức Phật tán thán – Ông đã rất hiểu về pháp; pháp sâu, pháp cạn, pháp trong, pháp ngoài, pháp trước, pháp sau nên đã trình bày rất chân xác! Các vị tỳ-khưu phải thành tâm thọ trì câu chuyện hôm nay. Thật ra, này Sāriputta, này chư tỳ-khưu! Như Lai còn biết nhiều hơn thế nữa, ví dụ như chỉ cần bốn nhiếp pháp là đủ, ví dụ như sáu hòa kỉnh là đủ, ví dụ như bốn niệm xứ là đủ, ví dụ như bảy giác chi là đủ, ví như năm căn năm lực là đủ, ví như tám đạo chi là đủ, ví dụ như các ba-la-mật là đủ... nhưng nói ra thì chưa phải lúc, chưa đúng thời... Nghỉ hơi một lát, đức Phật tiếp - Sớm mai chúng ta lên đường đến Sāvatthi, bây giờ Như Lai phân chia như sau: Mahā Kassapa với hai trăm năm mươi vị tỳ-khưu thì chia nhau ở rải rác trong tiểu bang Licchavī này, nơi có những vị tướng lãnh cứng đầu nhất và một số bà-la-môn miệng lưỡi nhất! Nadīkassapa và Gayākassapa còn rất khỏe, nên dẫn hai trăm năm mươi vị tỳ-khưu đến du hóa miền xa nhất là tiểu bang Moriya! Tại Mallā, phía trước mặt gần đây thì Kāḷudāyi và Bhaddiya cùng hai trăm năm mươi vị tỳ-khưu đảm trách. Phía Đông bắc bên kia là tiểu bang Videha thì xin hai ông Assaji và Vappa cùng hai trăm năm mươi vị tỳ-khưu nhận nhiệm vụ cho. Còn Như Lai, Sāriputta, Mahānāma cùng nhóm Lộc Uyển, Ānanda, Devadatta, Kimbila, Bhagu, Anuruddha ... cùng với năm trăm tỳ-khưu, chưa cần ghé Kapilavatthu mà hãy trực chỉ Sāvatthi, ở đấy có rất nhiều công việc phải làm!



(1)Theo tư liệu trong Dictionnary of Pāḷi proper Names - thì vị hoàng tử này về sau bị người em cùng cha khác mẹ là Viḍuḍabha sát hại.

(1)Sau này, khi gọi tên đầy đủ thì phải gọi tu viện này là: Kỳ thọ-cây -cây của Kỳ Đà; Cấp Cô Độc viên - vườn của Cấp Cô Độc, gọi tắt là Kỳ Viên; còn gọi là Bố Kim Tự ‘chùa trải vàng’. Cũng theo tư liệu trên, khu vườn được lót vàng trị giá 18 triệu đồng tiền vàng.

(1)Vô cơ và hữu cơ là tạm sử dụng từ hiện đại cho dễ hiểu.

(1)Mượn từ của bộ phái phát triển sau này.





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/07/2021(Xem: 10429)
Đâu phải .... đợi đại dịch thế kỷ này người ta mới run sợ ! Xưa nay chưa ai trốn thoát thần tử ...sao mãi âu lo Đến không biết trước ...đừng xem tử vi để đoán mò Cần nắm vững thấu hiểu....hiên ngang đối diện !
26/06/2021(Xem: 11718)
1/ Tôn Giả Xá-lợi-phất: Trí huệ đệ nhất Trí tuệ cao minh vi đệ nhất Tăng đoàn thống lãnh trợ Từ Tôn Kỳ Viên Tinh Xá thân lâm kiến Đạo nghiệp truyền lưu chiếu ánh quang. Trí tuệ sáng ngời là số một Tăng đoàn thống lãnh giúp Từ Tôn Kỳ Viên Tinh Xá đích thân dựng Đạo nghiệp lưu truyền rạng ánh quang Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Trí Tuệ Đệ Nhất Xá Lợi Phất Tôn Giả 2/ Tôn Giả Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất Thần thông đệ nhất chúng xưng dương Thống lãnh tăng đoàn trợ Pháp Vương Hiếu kính mẫu thân khai diệu pháp Vu Lan báo hiếu vĩnh lưu hương. Thần thông số một chúng xưng dương Thống lãnh tăng đoàn trợ Pháp Vương Hiếu kính mẫu thân khơi pháp diệu Vu Lan báo hiếu mãi lưu hương. Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Thần Thông Đệ Nhất Mục Kiền Liên Tôn Giả
23/06/2021(Xem: 7896)
Khi kiếp người bạn thấy lòng chán nản Thì tìm Phật cảnh giới nào bạn ơi ! Chuyện ghét thương va chạm giữa cuộc đời Cũng là Phật nơi con người chưa tỉnh Hãy thiết tha giữ tâm mình chân chính Để yêu thương từng bản tính con người Sống vươn lên vun vén mỗi nụ cười Là hoa Phật nở giữa đời phiền trược Nhìn mây trôi lững lờ qua bóng nước Hoặc con đò ngược gió lướt mái nghiêng Giữa đêm khuya chiếu diệu mảnh trăng hiền Thể tánh nước vẫn bình nguyên thanh tịnh
22/05/2021(Xem: 9750)
Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc Ba ngàn thế giới đón Như Lai. Hoa Đàm nở cho ngàn năm vang bóng Phật Đản Sanh đặng muôn thuở ca mừng.---- Pháp thoại của TT Nguyên Tạng: Sự & Lý: Lễ Phật Đản 2645, SỰ & LÝ: LỄ PHẬT ĐẢN 2645 Thời Pháp Thoại thứ 237 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 22/05/2021 (11/04/Tân Sửu) 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ 💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼🌺🍀💐🌼 Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
20/05/2021(Xem: 6162)
Đại lễ Phật đản mỗi năm được tổ chức trang hoàng hoành tráng tùy theo điều kiện mỗi phương vực khác nhau với ước nguyện biểu dương ánh sáng bao la Đại Trí, Đại Bi soi sáng lối đi cho những ai đang chìm ngập trong bóng tối của vọng tưởng điên đảo, muốn tìm con đường tự giải thoát và giải thoát cho nhiều người. Nhưng, thực tánh của hành lễ chính là trong khoảng thời gian và không gian tịch tĩnh, trong đó, đệ tử của Đức Thế Tôn bằng tất cả nghị lực tinh tấn, thanh tịnh thân tâm, tụng đọc và tư duy về những lời dạy cuối cùng của đức Thế Tôn, để đạt được những điều chưa đạt được.
13/05/2021(Xem: 8360)
Nhân ngày trăng tròn tháng Vesakha, toàn thể Phật giáo đồ khắp năm châu hân hoan đón mừng kỷ niệm lần thứ 2645 năm, ngày đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thị hiện ra đời. Nhìn hình ảnh sơ sinh của Đức Phật bước qua bảy đóa sen đang bừng nở, ta không nghĩ đó là bức tượng bình thường mà là một tác phẩm nghệ thuật tinh mỹ. Bức họa không lời ấy làm rung động lòng người qua năm tháng, tới nay hơn hai nghìn sáu trăm năm mà vẫn trọn đầy sức sống linh động trong cõi tục thế gian. Ngài xuất hiện như vầng hào quang soi sáng khắp muôn loài vạn vật, như mặt trời trí tuệ xóa tan bóng tối vô minh, phiền não; là bậc Thầy của trời người, đấng cha lành của hết thảy chúng sanh trong các quốc độ. Ngài tìm phương pháp diệt trừ các căn bệnh tham dục, khát ái và dẫn dắt chúng sanh đến bờ an vui giải thoát.
09/05/2021(Xem: 5146)
Trên đời này cái “ta” là duy nhất (1) Phật Thánh Phàm đều quyết định bởi “ta” Thập pháp giới (2) nếu muốn được an hòa Tâm phải sống vị tha và hiểu biết “Tri Kiến Phật” (3) đó là điều đặc biệt Phật ra đời để “Khai Thị” chúng sanh “Ngộ Nhập” bằng sự nỗ lực tu hành Quán chiếu tâm cùng triệt tiêu bản ngã Hành khất thực bốn chín năm hoằng hóa (4) Sống dưới cây hằng bảo vệ thiên nhiên (5)
03/05/2021(Xem: 7833)
Mùa Đại Lễ Tưởng Niệm Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Thị Hiện Giáng Trần, với Đại Nguyện Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến, lại thêm một lần nữa trở về với địa cầu nhân loại. Niềm hân hoan bất tận của nhân thiên cách đây 2645 năm vẫn còn tồn tại với thời gian kéo dài đến tận hôm nay và trải rộng không gian khắp năm châu bốn biển, rộng ra nữa thì khắp ba nghìn đại thiên thế giới. Trời người hân hoan là vì như trong kinh Phổ Diệu diễn tả rằng : Bấy giờ Bồ-tát từ hông bên phải của mẹ sinh ra, bỗng nhiên thấy thân Ngài đứng trên hoa sen báu, bước đi bảy bước, cất tiếng Phạm âm, chỉ dạy về vô thường : “Ta sẽ cứu độ trên trời và dưới nhân gian, làm Bậc Tôn Quý trong hàng trời người, Bậc Vô Thượng của ba cõi, đoạn trừ khổ sinh tử. Ta sẽ làm cho tất cả chúng sinh đạt đến chỗ vô vi an lạc”.
03/05/2021(Xem: 5384)
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ xin nhất tâm đảnh lễ tri ân tất cả chư Tôn Thiền đức Tăng Ni đã nỗ lực để gìn giữ Phật pháp và làm nơi nương tựa lớn lao cho các cộng đồng Phật tử ở đất nước Hoa Kỳ trong mùa đại dịch hơn một năm qua. Giáo hội xin tán thán tinh thần hộ đạo và tu đạo của quí Thiện nam Tín nữ trong hoàn cảnh tai ương đầy kinh hãi hiện nay. Tất cả năng lực và công đức lớn lao này của người đệ tử, chúng con xin dâng lên cúng dường đức Thế Tôn trong ngày Đản sinh. Hàng trăm ngàn trái tim, hàng vạn ngàn bàn tay siết chặt giữa những thương đau tràn ngập của nhân loại, chúng con nguyện quán chiếu thật sâu sự khổ nạn hiện nay để kiên nhẫn mà vượt qua.
01/02/2021(Xem: 11866)
Trước thềm Xuân Tân Sửu, thay mặt Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan, chúng tôi thành tâm chúc nguyện đến Chư Tôn Hòa Thượng, chư Thượng Toạ, chư Đại Đức Tăng Ni, quý vị lãnh đạo Tôn giáo, Cộng Đồng, Đoàn thể, Cơ quan truyền thông, quý thân hào nhân sĩ, thiện hữu tri thức cùng quý đồng hương Phật tử trong và ngoài Úc Châu lời cầu chúc xuân quang rực rỡ, vạn sự thăng tiến, cát tường như nguyện
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]