Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương IV. Tìm hiểu chư Phật và Bồ-tát

22/05/201317:14(Xem: 1543)
Chương IV. Tìm hiểu chư Phật và Bồ-tát

ĐỨC PHẬT VÀ CHÂN LÝ CUỘC SỐNG

Biên soạn: Đại sư Ấn Thuận.

Việt dịch: Thích Quảng Mẫn.

--- o0o ---

CHƯƠNG IV

TÌM HIỂU CHƯ PHẬT VÀ BỒ-TÁT

ĐỆ TỬ PHẬT

Sau khi đức Phật nhập diệt, các vị đệ tử tiếp tục nối gót Ngài gánh vác trọng trách truyền bá Phật pháp đúng như lời Người đã dặn dò. Phật giáo do đó mới liên tục truyền thừa cho đến ngày nay. Nhưng việc làm và chí nguyện vĩ đại này không của riêng ai, trách nhiệm thuộc về những ai tự nhận mình là đệ tử Phật.

Đệ tử đức Phật có hai chúng: xuất gia và tại gia. Trong chúng xuất gia, nam giới gọi là Tỳ-kheo, nữ giới gọi là Tỳ-kheo ni. Các vị ấy tha thiết cầu đạo, khước từ sự hưởng thụ sung sướng của thế tục và khép mình trong đời sống an tịnh đạm bạc, ngày ngày cẩn trọng giữ gìn giới luật. Quý thầy quý sư cô còn có chí hướng thanh cao, lý tưởng vĩ đại, nhủ lòng phải giải thoát sanh tử, chứng được quả Phật để cứu tất cả mọi loài và làm bậc mô phạm cho chúng sanh.

Đệ tử tại gia của đức Phật gọi là cư sĩ. Nam gọi là Ưu-bà-tắc, nữ gọi là Ưu-bà-di. Họ đều là những người có niềm tin sâu sắc đối với lời dạy của đức Phật, nguyện bỏ ác làm lành, chọn nghềnghiệp có ích cho đời và làm những việc lợi mình lợi người.

Các hàng đệ tử xuất gia và tại gia của đức Phật đều có trách nhiệm hoằng dương Phật pháp, làm lợi ích cho chúng sanh.

PHẬT PHÁP

Trong hành trình giáo hóa suốt bốn mươi chín năm, đức Phật Đã giảng thuyết hơn ba trăm hội với nhiều nội dung rất phong phú. Theo như chân lý mà đức Thế tôn đã thể nghiệm thì mạng sống luân chuyển liên tục chứ không hạn cuộc trong một thời kỳ nhất định. Đã là sự sống thì không sao tránh khỏi tạo nghiệp, sự sống hiện hữu thì nghiệp báo cũng đồng thời hiện hữu, trong đó có cả nghiệp thiện lẫn nghiệp ác. Nghiệp quá khứ đưa đến quả hiện tại, nghiệp hiện tại đưa đến quả tương lai. Nó hỗ tương làm nhân quả cho nhau, tạo nên một dòng tiếp nối vô cùng vô tận của bể nghiệp mênh mông và ngút ngàn kiếp sống.

Dù cho cuộc đời có nhiều nỗi thống khổ nhưng đức Phật vẫn tuyệt đối không dạy mọi người phải yếm thế, và cũng chẳng chủ trương bi quan. Bởi đức Phật xét thấy trong vòng luân chuyển không cùng ấy vẫn tiềm tàng khả năng giải thoát, tất nhiên khổ não cũng sẽ có hồi chấm dứt. Cho nên, Ngài dạy chúng sanh hãy đối mặt với hiện thực khổ đau để tìm ra nguyên nhân đưa đến đau khổ, và chọn lựa phương cách loại bỏ chúng thì biết được cảnh giới sau khi thoát khổ. Nếu làm được vậy, đời sống tương lai sẽ xán lạn toàn mỹ và chẳng phải là chuyện ngoài tầm tay.

Phương pháp giải thoát khổ đau tuy nhiều nhưng có thể tóm gọn như sau:

“Không làm các việc ác,

Hãy làm các việc lành,

Giữ tâm ý trong sạch,

Đó là lời Phật dạy”.

Ngoài điều này ra chúng ta cũng cần phải:

- Giữ năm giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

- Làm mười điều thiện: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời ác độc, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hoa mỹ, không tham lam, không sân hận, không si mê.

- Thực hành Bát chánh đạo: Chánh kiến, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh tư duy, chánh mạng, chánh ngữ, chánh niệm, chánh định.

- Hành trì sáu ba la mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.

Thực hành theo lời dạy của đức Phật thì cho dù ở nơi nào, thời điểm nào, đời sống của chúng ta cũng được tươi sáng và an lạc, đời này đến kiếp khác sẽ dần trút bỏ gánh nặng phiền não. Khi đạt đến đời sống hoàn toàn thanh khiết, công đức phước tuệ đầy đủ, chúng ta sẽ tùy tâm đến nơi này hoặc nơi khác để làm những việc lợi ích hơn, trang nghiêm hơn.

QUY Y TAM BẢO

Trong Phật giáo, đức Phật, giáo pháp Ngài nói ra và chúng Tăng được gọi là Tam bảo. Quy y có nghĩa là quay về và nương tựa. Những người mới bắt đầu học Phật, niềm tin chưa vững chắc và khả năng còn hạn chế thì việc quy y Tam bảo chính là để được che chở hướng dẫn đi vào con đường chánh và được thành tựu đạo nghiệp. Đó là công dụng và ý nghĩa của chữ quy y.

- Quy y Phật: Ngoài việc quy y đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta vẫn có thể quy y với những đức Phật khác như đức Phật A Di Đà, đức Phật Dược Sư Lưu Ly v.v... bởi sự nghiệp, công đức, nhân cách... của chư Phật đều đồng nhau và cùng là những bậc mô phạm cho muôn loài.

- Quy y Pháp: Pháp là phương pháp hướng dẫn chúng ta tu tập, dạy ta làm người, là đạo lý về vũ trụ nhân sinh mà đức Thế tôn đã nói, là những chế định giới luật để hàng đệ tử Phật nương tựa hành trì như: năm giới, mười điều thiện, Bát chánh đạo v.v...

- Quy y Tăng: Tăng chúng là những người hết lòng học đạo, là thế hệ tiếp nối chí nguyện truyền bá giáo pháp của chư Phật, chư Bồ-tát. Trách nhiệm và chí khí cao cả của quý Ngài thật đáng để cho chúng ta kính ngưỡng.

Hoàn cảnh xã hội rất phức tạp, người thiện có, người ác có. Trong cuộc sống hỗn độn như vậy nếu không có một tín ngưỡng đúng đắn thì rất dễ bị ảnh hưởng bởi những điều không tốt, và dễ lầm bước vào con đường tội lỗi. Quy y Tam bảo là lý tưởng cao thượng, là mục tiêu đúng đắn, nên tín ngưỡng Tam bảo thì tiền đồ chúng ta sẽ sáng lạn và hạnh phúc. Do đó, chúng ta phải sớm xác định tín ngưỡng, quy y Tam bảo vì đó là những khuôn thước tuyệt vời cho chúng ta hoàn thiện bản thân.

PHẬT A DI ĐÀ

Phật A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang. Ngài và đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều là đạo sư của ba cõi, là cha lành của bốn loài, là bậc thầy cao cả của trời người. Lúc đương còn tu hạnh Bồ-tát, Ngài có phát thệ nguyện rộng lớn, nguyện kiến tạo một cõi nước thanh tịnh an lạc cho tất cả chúng sanh. Theo sự ghi chép trong kinh, cõi tịnh độ ấy rất đẹp đẽ thanh tịnh, được trang nghiêm bởi muôn vàn châu báu. Nhân dân cõi ấy đều là những vị lương thiện ngay thẳng, thân thể không còn bị khổ lụy bởi sanh già bệnh chết, tâm tánh sạch hết các phiền não như: tham lam, sân hận, kiến chấp sai lầm và kiêu mạn.

Chúng sanh cõi Tịnh độ ngày ngày được nghe đức Phật A Di Đà nói pháp, được gần gũi với các vị bằng hữu thánh thiện. Một khi sanh về đây thì tu tập cho đến lúc thành tựu rồi mới trở lại nhân gian cứu giúp mọi loài; nhưng phải là những người thiện mới có thể sanh về nơi đây. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói rằng:

1.Phải là những người quy y Tam bảo.

2.Người phát tâm Bồ-đề.

3.Người hiếu thảo với cha mẹ.

4.Người tu tập mười điều thiện.

Hằng ngày niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, tưởng nhớ đến các hạnh nguyện vĩ đại trang nghiêm, học theo hạnh nguyện của Ngài, làm điều ích lợi cho chúng sanh thì tự nhiên những người ấy thân tâm được an lạc và sẽ được Phật A Di Đà hộ niệm sanh về tịnh độ. Đức Phật A Di Đà với những hạnh nguyện, cõi nước, nhân dân ... chính là những điều mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu với các đệ tử của Người. Về sau, những lời ấy được biên chép thành một tập sách có tên là kinh A Di Đà.

KINH A DI ĐÀ

Vì sao đức Phật ấy có danh hiệu là A Di Đà? Này Xá-lợi-phất! Đức Phật ấy có hào quang rực rỡ chiếu khắp mười phương thế giới mà không bị chướng ngại cho nên gọi là A Di Đà. Vả lại, này Xá-lợi-phất! Thọ mạng của đức Phật và nhân dân cõi tịnh độ thì vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp1cho nên gọi là A Di Đà.

Này Xá-lợi-phất! Đức Phật A Di Đà có vô lượng vô biên chúng đệ tử Thanh văn, đều là những vị A-la-hán, chẳng thể tính toán biết được số ấy, và chúng Bồ-tát lại cũng như vậy. Xá-lợi-phất! Cõi nước đức Phật ấy thành tựu công đức trang nghiêm như vậy. Này Xá-lợi-phất! Chúng sanh sanh về cõi nước cực lạc đều là những bậc A-bệ-bạt-trí2, trong đó Nhất sanh bổ xứ3số nhiều vô kể, chẳng phải tính đếm có thể biết được. Chỉ có thể nói rằng số ấy vô lượng vô biên A-tăng-kỳ.

Xá-lợi-phất! Chúng sanh nghe được lời này nên phát nguyện sanh về nước ấy. Bởi vì sao? Vì được trú ngụ cùng với các bậc thánh. Xá-lợi-phất! Không thể chỉ chút ít nhân duyên thiện căn phước đức mà có thể sinh về nước ấy. Xá-lợi-phất! Nếu có người nam hoặc người nữ nào nghe được danh hiệu Phật A Di Đà rồi hết lòng niệm danh hiệu Phật ấy, hoặc là một ngày, hai ngày, ba ngày... cho đến bảy ngày mà nhất tâm bất loạn thì khi lâm chung người đó sẽ được đức Phật A Di Đà và các thánh chúng hiện đến trước người ấy. Do đó, khi lâm chung, tâm người ấy không điên đảo, liền được sanh về cõi cực lạc của đức Phật A Di Đà. Xá-lợi-phất! Ta thấy việc ấy rất ích lợi cho nên mới nói ra. Nếu có người nào nghe lời Ta nói, hãy nên phát tâm sanh về nước ấy.

ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ VÀ BỒ-TÁT DI LẶC

Trong các đức Phật có một vị mang danh hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như lai. Cõi nước của đức Phật này rất thanh tịnh trang nghiêm, chúng sanh ở đó đã sạch hết các phiền não và xã hội không còn chuyện xấu ác. Lúc đang còn tu hạnh Bồ-tát, Ngài từng lập thệ nguyện rộng lớn khiến chúng sanh cầu gì được nấy, trong đó có một lời nguyện như vầy: “Nếu người nào mắc bệnh mà không có thuốc men, không gặp được thầy thuốc, chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật Dược Sư thì thân tâm kẻ ấy liền được an lạc và mạnh khỏe lại như cũ”. Bởi đức Phật này có lời nguyện rất vĩ đại là nguyện tiêu trừ tai nạn, tăng thêm tuổi thọ cho mọi người nên người đời thường xưng tụng Ngài là Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật.

Bồ-tát Di Lặc là vị Phật kế tiếp đức Phật Thích Ca Mâu Ni và sẽ sanh xuống thế giới chúng ta. Theo lời kinh ghi lại thì Bồ-tát Di Lặc giáng sinh từ cung trời Đâu Suất. Lúc đó, thế giới này rất lý tưởng: đẹp đẽ, hòa bình, yên ổn, nhân dân vui vẻ, thuận hòa, giữ gìn phép tắc đạo đức xã hội, cùng sống trong đời sống hạnh phúc tiến bộ.

Bồ-tát Di Lặc đem Phật pháp ban bố khắp nơi, khuyên mọi người giữ năm giới, mười điều thiện, thực hành Bát chánh đạo.... Dân chúng lúc ấy đều rất tin tưởng thực hành theo lời dạy của Ngài nên đời sống hiện thời rất an lạc và đời sau sanh lại nhân gian hoặc sanh lên cõi trời. Ngoài ra cũng có một số vị phát tâm Bồ-đề, tích cực tu tập hành thiện, làm những việc lợi người lợi mình, thành Phật chứng thánh. Bức tượng mà ta thường thấy đặt trước chùa chính là Bồ-tát Di Lặc. Nay chúng ta kết duyên với Ngài là vì muốn gieo xuống hạt giống làm Phật trong tương lai, và muốn tạo duyên lành để được Ngài độ thoát.

VĂN THÙ VÀ PHỔ HIỀN

Bồ-tát Văn Thù là một vị Bồ-tát phát chí nguyện đại thừa, là bậc có trí tuệ đệ nhất và rất có tài trong việc hóa độ chúng sanh. Đặc biệt, Ngài có tài biện luận nên giáo lý mà Bồ-tát giảng giải luôn có khả năng hướng dẫn con người đến chỗ chí thiện. Số người đạt đến sự giác ngộ do chính Ngài dìu dắt nhiều vô kể.

Trong lúc nói kinh Hoa Nghiêm, đức Phật có khen ngợi rằng: “Bồ-tát Văn Thù luôn là mẹ vô lượng chư Phật, là bậc thầy của vô số Bồ-tát, là vị giáo hóa thành tựu cho rất nhiều chúng sanh”. Bồ-tát Văn Thù vì thương tưởng đến tất cả chúng sanh nên phát nguyện vĩ đại như vầy:

- Nếu chúng sanh cần phải hiện thân người giàu có, kẻ bần cùng, người đức hạnh, kẻ gây nhiều tội ác, thậm chí phải hiện thân người đồng nghiệp mới có thể giáo hóa được họ thì tôi xin nguyện làm các thân ấy. Rồi dần đem giáo lý hướng dẫn, cảm hóa khiến họ được hạnh phúc ngay kiếp sống hiện tại và đời sau cũng được giải thoát.

Ngài hướng dẫn và thanh tịnh hóa đời sống cho tất cả mọi người, luôn luôn phát nguyện, luôn luôn làm những việc có ích cho mọi loài nên Bồ-tát thành tựu công đức rất tối thượng. Bồ-tát Văn Thù thường cỡi con sư tử có bộ lông màu xanh, đây tượng trưng cho sự dũng mãnh không sợ sệt và chí nguyện không bao giờ thối thất của Ngài. Bồ-tát là tấm gương sáng cho tất cả chúng ta noi theo.

Bồ-tát Phổ Hiền cũng là một vị Bồ-tát phát chí nguyện đại thừa và có vô lượng vô biên công đức. Ngài lập nguyện rằng: “Cõi hư không có thể cùng tận, chúng sanh có thể cùng tận nhưng thệ nguyện của Tôi sẽ không bao giờ cùng tận. Cho dù gặp nhiều khó khăn đau khổ, Tôi cũng xin nguyện không bao giờ nản chí”. Ngài thường dạy mọi người:

- Nếu muốn thành tựu trí tuệ vĩ đại như chư Phật thì cần phải đem tâm từ bi rộng lớn làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, giúp đỡ mọi người đi trên con đường hoàn toàn vắng bóng tội ác và đau khổ.

Bồ-tát có mười hạnh nguyện rất vĩ đại: Một là lễ kính chư Phật, hai là xưng tán Như lai, ba là rộng tu cúng dường, bốn là sám hối nghiệp chướng, năm là tùy hỷ công đức, sáu là thỉnh chuyển pháp luân, bảy là thỉnh Phật trụ thế, tám là thường theo Phật học, chín là hằng thuận chúng sanh, mười là hồi hướng cho khắp cả. Ngài thường ngồi trên con voi trắng tượng trưng cho Bồ-tát có tinh thần vững chãi, kiên nghị, sức mạnh vĩ đại và có đủ sự kham nhẫn gánh vác tất cả những việc khó khăn.

Bồ-tát Văn Thù và Bồ-tát Phổ Hiền là những vị tiêu biểu cho Phật giáo đại thừa. Vì vậy, chúng ta nên hết lòng tán dương và học theo hạnh nguyện của các Ngài.

BỒ-TÁT QUÁN THẾ ÂM

Năm nọ, thành Hàng Châu bị bệnh ôn dịch hoành hành, vụ mùa lại mất trắng nên dân chúng lâm vào cảnh đói kém bệnh tật thật đáng thương. Một ngày nọ, có một thiếu nữ nhan sắc kiều diễm ngồi trước mũi một chiếc thuyền lớn đang cặp bến vào bờ hồ trong thành. Vì những người đang lâm nạn, cô gái ấy có lời thỉnh cầu rằng: “Hễ ai bỏ tiền mua cô thì cô sẽ về nhà hầu hạ cho kẻ ấy và xin đem số tiền này giúp đỡ dân chúng trong thành”.

Trên bờ hồ mọi người tranh nhau mua và chẳng ai chịu nhường ai. Cuối cùng, họ quyết định dùng phương pháp ném tiền, hễ ai ném tiền trúng cô gái thì người đó được quyền rước nàng về nhà. Lúc ấy, tiền đồng tiền vàng tiền bạc được ném tới tấp, tiền rơi đầy ắp cả mũi thuyền, khoang thuyền nhưng chẳng có đồng nào ném trúng nàng. Mọi người đều thất vọng và không muốn ném nữa. Cô gái ngồi trên thuyền mỉm cười hướng về những người trên hồ chắp tay cám ơn rồi đem tất cả số tiền giúp người nghèo.

Tin này nhanh chóng làm chấn động khắp thành Hàng Châu. Những người giàu có hết sức cảm động trước sự nghĩa hiệp của nàng nên hăng hái bố thí. Lúc đó, người nghèo được lương thực, kẻ bần cùng thì được tiền của, người bệnh thì có thuốc chữa, mọi người được no đủ và rất hạnh phúc.

Nhưng bỗng nhiên chiếc thuyền của cô gái bừng lên ánh sáng muôn màu bao trùm khắp một vùng. Một vị Bồ-tát dung mạo trang nghiêm đang chắp tay với nụ cười hiền từ. Mọi người thấy vậy rất đỗi ngạc nhiên. Ngài bảo: “Ta chính là Bồ-tát Quán Thế Âm, ta hiện đến đây để thức tỉnh và khơi dậy lòng nhân từ của mọi người. Thông cảm, thương mến và giúp đỡ mọi người là tính cách cao quý, là trách nhiệm thiêng liêng, là thiên chức mà nhân loại không thể chối từ. Hôm nay, các người đã thể hiện những nghĩa cử thật đáng khen ngợi, nhất định các người sẽ được hạnh phúc”. Dân chúng nghe Bồ-tát dạy, vừa cảm động vừa sung sướng, không ai bảo ai tự động chấp tay đồng niệm nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát.

Câu chuyện này được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc và làm cho niềm tín ngưỡng của mọi người đối với Bồ-tát ngày càng sâu sắc hơn. Bồ-tát Quán Thế Âm rất có duyên với dân chúng Trung Quốc. Ngài để lại rất nhiều sự tích kỳ lạ và nghiễm nhiên chúng trở thành một tín ngưỡng sâu đậm trong dân gian. Ngài thường hiện thân nữ vì tánh cách của nữ giới nhu hòa dịu dàng, điều này tượng trưng cho lòng nhân từ của Bồ-tát đối với chúng sanh như mẹ hiền thương con.

Người đời gọi danh hiệu của Ngài là Bồ-tát Quán Thế Âm cũng bởi có nguyên nhân và lai lịch của nó. Ngài có chí nguyện vĩ đại, năng lực thù thắng. Hễ người nào niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì dầu cho lâm vào hoàn cảnh nào, thậm chí gặp các nạn như lửa lớn, bão dữ, tử hình, binh đao, giặc cướp, bệnh tật v.v... Ngài đều từ bi đến cứu thoát, khiến người đang lâm nạn thoát khỏi thống khổ được an vui hạnh phúc. Vì luôn luôn lắng nghe tiếng đau khổ của chúng sanh ở thế gian nên Ngài có danh hiệu là Quán Thế Âm. Từ vô số kiếp về trước, Bồ-tát Quán Thế Âm đã thành Phật nhưng do lòng từ bi bao la nên Ngài không trụ vào Niết-bàn mà luôn hiện thân thuyết pháp cứu độ mọi loài. Thậm chí, để phù hợp với hoàn cảnh và mong ước của mỗi chúng sanh, Ngài còn hiện thân Phật, thân Bồ-tát, Đế thích, trưởng giả, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, thân nam, thân nữ, trẻ em v.v... để gần gũi cuộc sống mọi người rồi sau đó dần cảm hóa giác ngộ họ.

Mỗi khi tinh thần chúng ta bất an, phiền muộn, sợ hãi, giận dỗi; cuộc sống chúng ta khó khăn, đói khổ, bệnh tật, thất vọng, thì những lúc đó chúng ta nên thành kính niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Sự cảm ứng qua lại của tinh thần sẽ giúp ta loại bỏ những phiền muộn, tinh thần được hài hòa thanh tịnh và tạo ra một sức mạnh tinh thần khiến ta dễ dàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ.

BỒ-TÁT ĐỊA TẠNG

Bồ-tát Địa Tạng là học giảPhật giáo đại thừa. Sự tích về Ngài rất nhiều nhưng ghi cặn kẽ nhất là bản kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện. Trong vô lượng kiếp về trước, một kiếp nọ, Ngài là một người con gái hiếu thuận dòng dõi Bà-la-môn. Sau khi thân mẫu qua đời, cô thành khẩn niệm Phật cầu xin cứu vớt vong hồn mẹ mình. Đức Phật dạy cô bố thí rồi đem công đức ấy hồi hướng, nguyện cầu cho mẹ thoát khỏi nẻo ác. Từ đó, cô gắng tích luỹ công đưùc niệm Phật và làm bố thí. Việc này đã đưa đến cho cô vô số thiện báo.

Một kiếp khác, Ngài làm một vị quốc vương. Vua này cùng học Phật với quốc vương láng giềng và có lập thệ nguyện như vầy: nguyện độ hết tất cả chúng sanh, và đợi sau khi tất cả chúng sanh chứng đắc đạo quả, Ngài mới thành Phật. Bồ-tát tích luỹ vô số hạnh lành và đức tính cao đẹp như hiếu thuận, cảm thông, hăng hái, hiếu học, trung thành, tha thứ v.v... Đời đời kiếp kiếp, Ngài luôn tự mình làm thiện, khuyên người làm thiện nên phước báo của Ngài vô cùng vĩ đại. Bồ-tát Địa Tạng thương xót trời người với một ý chí vững bền, không một phút xao lãng hay mệt mỏi. Bồ-tát cứ phát nguyện, phát nguyện mãi:

“Chúng sanh độ hết,

Mới chứng Bồ-đề,

Địa ngục chưa trống,

Thề không thành Phật”.

Ngài mong người người thoát khổ sanh tử, chứng được Bồ-đề. Để thực hiện lý tưởng cao quý thiêng liêng này, Bồ-tát Địa Tạng đã không quản nhọc nhằn, hoặc lên trời hoặc xuống địa ngục, vào ra trong năm nẻo độ khắp tất cả chúng sanh từ vô số kiếp cho đến hôm nay và mãi mãi.

Tinh thần cứu nhân độ thế của Bồ-tát chính là tinh thần “trước độ người sau mới độ mình”. Đại thừa Phật giáo lấy hạnh nguyện từ bi độ chúng sanh làm lý tưởng. Phật giáo đồ xem việc phát tâm, lập đại thệ nguyện và cứu giúp mọi loài là trách nhiệm của mình; nghĩa là cho dù gặp muôn vàn khó khăn trải qua bao nhiêu kiếp sống cũng không từ nan. Các vị này nguyện hiến thân làm chiếc cầu để chúng sanh vượt đến bờ an lành, nguyện làm cây đại thọ tỏa bóng mát cho muôn loài, làm ánh mặt trời cho đời sưởi ấm và làm chiếc bè đưa người qua sông mê. Nói chung, hễ việc nào khiến chúng sanh an vui, xã hội tiến bộ, nhân loại hạnh phúc thì các Ngài đều vui vẻ làm, bất kể đó là việc khó khăn đến mức nào.

Chúng ta nên noi theo tấm gương hy sinh của Bồ-tát Địa Tạng, học theo hạnh nguyện của Ngài và làm những sự nghiệp cao cả như Bồ-tát.

PHẬT GIÁO DU NHẬP TRUNG QUỐC

Vào đời Đông Hán, năm Vĩnh Bình thứ bảy tức công nguyên năm sáu mươi bốn, vua Hán Minh Đế mộng thấy một vị dung mạo trang nghiêm, phong thái cao quý, toàn thân sắc vàng lấp lánh ánh sáng chói lòa, vụt bay qua lại trước cung điện. Tỉnh giấc, vua lập tức gọi quần thần đến bàn bạc điềm mộng, mọi người cho rằng: “Người có thân sắc vàng trong mộng chính là vị Phật Đà đản sinh ở Ấn Độ. Rằng oai đức và sự giáo hóa của Ngài là một tấm gương sáng cho trời người. Nay đức vua có điềm mộng lành như vậy thì nhất định giáo pháp của đức Phật Thích Ca sẽ truyền đến Trung Hoa”.

Vua Hán Minh Đế hết sức vui mừng liền sai Thái Am, Tần Ảnh cùng một số người đến Tây Vực thỉnh Tam bảo. Năm Vĩnh Bình thứ mười, tức công nguyên năm sáu mươi bảy, lúc đang đi giữa đường thì phái đoàn gặp hai vị Tỳ-kheo Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Hai Ngài đang dắt theo con ngựa trắng cùng một số kinh sách và tượng Phật, khẩn trương đi đến Trung Quốc.

Yết kiến Hán Minh Đế xong, ngài Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đã giảng thêm cho vua nghe về giáo lý Phật Đà. Sau đó, vua Hán Minh Đế lập một ngôi tịnh xá vừa tiện để thờ Phật, quảng bá giáo pháp, vừa làm nơi nghỉ ngơi cho chư Tăng. Tịnh xá này lấy tên là chùa Bạch Mã. Đây là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung Quốc và kinh Tứ thập nhị chương cũng là bản kinh xưa nhất.

Kể từ khi triều đình nhà Hán cung phụng Phật giáo, các vị tăng đến Trung Quốc ngày càng nhiều. Sau này, nhờ sự nỗ lực truyền bá của các ngài nên tín đồ Phật giáo ngày càng đông dần, phạm vi truyền bá ngày một rộng lớn và trở thành tín ngưỡng in đậm trong nhân gian.

PHÁP SƯ HUYỀN TRANG (PHẦN I)

154duc31Pháp sư Huyền Trang là người Trung Quốc sống vào triều đại nhà Đường. Ngài họ Trần tên Huy, thông minh chăm học. Do ngưỡng mộ đức Phật, năm mười hai tuổi, Ngài tự động xuất gia làm tăng sĩ.

Phật giáo thời đó mới du nhập từ Ấn Độ nên kinh điển chưa đầy đủ và ý nghĩa phiên dịch không rõ ràng lắm. Do đó, Ngài luôn ước ao có dịp đến du học ở Ấn Độ – nơi phát xuất Phật giáo – để sưu tầm những bản kinh nguyên gốc, tìm tòi nghĩa chân thật của lời Phật dạy. Từ ý nguyện này, Ngài dốc hết tâm sức học ngôn ngữ Tây Vực, ngôn ngữ các nước tại Ấn Độ, sau đó lên đường rời khỏi Trung Quốc.

Lúc Ngài đi qua nước Cao Xương, vua Khúc Văn Thái muốn thỉnh Ngài làm quốc sư nhưng Ngài kiên quyết chối từ và tiếp tục đi Tây Vực. Pháp sư Huyền Trang lại tiếp tục một mình qua Tây Vực. Ngài phải đi qua vùng sa mạc rộng lớn, ban ngày thì ánh mặt trời nóng bỏng cát bay rát mặt, đêm xuống thì từng đóm lửa ma trơi chờn vờn trước mặt cùng những tiếng gió rít ghê rợn như ai than khóc. Nhưng Ngài vẫn đi, cứ đi mà “kẻ dẫn đường” chỉ vỏn vẹn là những đống xương tàn, những bãi phân ngựa. Có khi nước uống và cỏ khô bị cạn kiệt, mấy lần cả người lẫn ngựa gần như đối diện với cái chết, nhưng Ngài vẫn bền lòng chịu kham khổ, chẳng màng chuyện sống chết, mạo hiểm tiến về phía trước. Bằng sự tin tưởng sâu chắc, một lòng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, pháp sư Huyền Trang đã thoát khỏi vùng sa mạc.

Khi vượt ngang rặng núi Thông Lãnh đầy băng tuyết với những dốc núi gập ghềnh trơn trượt, Ngài lại bất chấp mọi nguy hiểm dùng móc sắc vin theo các vách núi dựng đứng, đương đầu với cái chết kề cận mới vượt hết dãy núi này. Trải bao khó nhọc, vượt bao gian nguy, pháp sư Huyền Trang mới đến được nước Ma-kiệt-đà ở Ấn Độ. Sau một thời gian, Ngài đến nhập học ngay tại trung tâm văn hóa đồ sộ của Phật học viện Na Lan Đà. Tại đây, pháp sư được gần gũi học hỏi với luận sư Giới Hiền, và có nhiều điều kiện để nghiên cứu kinh điển. Ngài vừa học vừa đi các nơi giảng dạy, học thức uyên bác của pháp sư vang lừng khắp Ấn Độ.

Trong đại hội luận biện rầm rộ ở thành Khúc Nữ, mọi người đến tham dự rất đông, nào là vua chúa, các tín đồ Phật giáo, các tôn giáo bạn cùng những nhà trí thức đương thời, nhưng khi pháp sư Huyền Trang đem giáo lý đại thừa luận giải cho thính chúng thì chẳng ai dám đứng lên biện luận với Ngài.

Vua Giới Nhật rất trọng vọng tài năng của Ngài. Để tỏ lòng ngưỡng mộ, vua đã thỉnh Ngài ngồi trên một con voi trắng được trang hoàng rực rỡ, rồi cho người dẫn voi đi khắp thành thị trong ba ngày. Đến đâu, Ngài cũng đều được dân chúng chen chúc nhau chiêm ngưỡng dung nhan, đây quả là một niềm vinh dự lớn lao cho pháp sư Huyền Trang. Pháp sư Huyền Trang lưu tại Ấn Độ khoảng ba mươi năm, sau đó trở lại Trung Quốc.

PHẬT HỌC VIỆN NA-LAN-ĐÀ

Phật học viện Na-lan-đà nằm trong vương quốc Ma-kiệt-đà thuộc lãnh thổ Ấn Độ thời trước. Viện được khởi công xây dựng từ thế kỷ thứ năm. Trải qua nhiều đợt tu bổ xây dựng của tám triều đại đế vương, Na-lan-đà trở thành một Phật học viện Phật giáo tráng lệ nhất, đồ sộ nhất ở Ấn Độ.

Trên một diện tích rộng lớn, thông thoáng và tịch mịch, viện Na-lan-đà hiện lên với những công trình đồ sộ nguy nga. Chỉ riêng nhà giảng đường mà đã hơn một trăm gian, ngoài ra còn có điện Phật, phòng kinh, tịnh thất v.v..., và ký túc xá thì không sao đếm xuể. Tất cả được bố trí tầng tầng lớp lớp, ăn thông nhau trên khắp chu vi của Phật học viện.

Tại học viện thường có hơn một vạn người trú ngụ. Nói chung, mọi chi dụng đều do vua chúa và hoàng tộc hỗ trợ. Phật học viện Na-lan-đà luôn có một bầu không khí nghiên cứu rất rầm rộ với một phạm vi rất rộng. Ngoài lãnh vực Phật giáo, tại Na-lan-đà còn có các ngành học của nhiều tôn giáo bạn, các trường phái học thuật, kỹ nghệ học v.v...

Mỗi ngày, các giảng đường đều có thuyết giảng. Thính chúng đến nghe rất đông đảo, gồm tín đồ Phật giáo, tín đồ các tôn giáo bạn và những nhà học giả đương thời từ các nơi đến. Tuy kẻ tôn giáo này, người tư tưởng nọ, vị tín ngưỡng kia nhưng khi cùng nhau quy tụ về Phật học viện Na-lan-đà thì bức màn ngăn cách giữa họ không còn nữa. Họ cùng nhau nghiên cứu, cùng nhau tìm hiểu, chia sẻ với nhau trong niềm trân trọng tôn kính.

Không khí nghiên cứu ở học viện Na-lan-đà đã biểu hiện đầy đủ tinh thần bao dung rộng mở của Phật giáo. Đây là một thái độ rất đáng tôn quý, rất đáng ca ngợi. Nó là một hành trang cần thiết cho mỗi chúng ta giữa một xã hội đang khát khao tìm kiếm tri thức như hiện nay. Có được tinh thần này, chúng ta sẽ dễ hoàn thành hoài bão cao đẹp của mình và đủ khả năng để đi vào biển học bao la của học vấn. Nó cũng giúp bức tường ngăn cách giữa con người sụp đổ, để người ta hiểu nhau và thông cảm nhau hơn.

PHÁP SƯ HUYỀN TRANG (PHẦN II)

Sau khi pháp sư Huyền Trang về đến Trung Quốc, tại thành Trường An mở đại hội nghinh đón Ngài rất long trọng. Nhân buổi lễ này, ngài Huyền Trang cho trưng bày ngay trong thành những pho kinh sách, tượng Phật và các đặc sản từ Ấn Độ đem về để dân chúng dễ dàng đến lễ bái chiêm ngưỡng. Vua Đường Thái Tông quá hâm mộ và quý trọng hoïc thức uyên thâm của Ngài nên rất nhiều lần khuyên Ngài hoàn tục ra làm quan nhưng Ngài đều từ chối.

Triều đình nhà Đường hết lòng khuyến khích cùng hỗ trợ mọi mặt giúp pháp sư thành lập một ban phiên dịch có quy mô rộng lớn nhằm chuyển ngữ những kinh sách từ ngôn ngữ Ấn Độ sang ngôn ngữ Trung Quốc. Đồng thời, tuyển chọn các cao Tăng có học thức uyên bác về Phật giáo đến Trường An để giúp pháp sư.

Pháp sư Huyền Trang luôn lấy tinh thần cần mẫn, chịu cực chịu khổ để làm công việc phiên dịch rất khó khăn này. Cả ngày lẫn đêm, Ngài không bao giờ để lãng phí một chút thì giờ nào. Ngài thường mải mê làm việc đến khuya mới đi nghỉ, nhưng vừa mờ sáng thì đã thức dậy.

Ngoài việc phiên dịch, Ngài còn trả lời cho những người đến thỉnh giáo. Đêm đến, pháp sư lại lên giảng đường dạy Tăng chúng. Trước khi ngủ, Ngài dành dụm chút thời giờ tụng kinh, niệm Phật, lễ sám, không để cho thân tâm buông lung biếng nhác.

Pháp sư Huyền Trang phiên dịch được bảy mươi ba bộ kinh gồm hơn một ngàn ba trăm cuốn. Các bộ nổi tiếng tiêu biểu như: kinh Đại bát nhã, kinh Giải thâm mật, luận Du già sư địa v.v..., lại còn trước tác bộ luận Thành duy thức. Ngài phiên dịch cẩn thận, trung thành với nguyên văn và sự sáng tỏ của ngữ nghĩa. Đây là sự công hiến “vô tiền khoáng hậu” trong nền dịch thuật của Trung Quốc. Vì quá lao lực trong công việc, năm sáu mươi tám tuổi, Ngài nhuốm bệnh nặng rồi viên tịch.

Suốt một đời người, trên đường học vấn, pháp sư luôn tìm kiếm sự thật, lòng tràn ngập tình thương yêu mọi loài và hy sinh lợi ích cá nhân đúng như vai trò của một nhà truyền giáo. Dù gặp khó khăn gì, Ngài cũng hiên ngang vượt qua, sẵn sàng dâng hiến thân mình cho lý tưởng và giáo lý giải thoát giác ngộ. Tinh thần cao thượng, ý chí vững chắc, việc làm dũng cảm và tấm lòng tha thiết của Ngài chẳng khác gì sự hiện thân thuyết pháp của một vị Bồ-tát. Ngài xứng đáng là tấm gương sáng cho tất cả tín đồ Phật giáo. Chúng ta cần noi theo những việc làm cao cả của Ngài, để rồi cố gắng hơn nữa trong việc học hỏi và nghiên cứu giáo lý giải thoát của Phật Đà.

LỤC TỔ HUỆ NĂNG

Phật giáo Trung Quốc được truyền đến từ Ấn Độ. Trải qua bao đời hết tâm xiển dương Phật pháp của các bậc cao Tăng thạc đức, Phật giáo Trung Quốc đã thật sự lớn mạnh, trong đó Thiền tông là nổi bật nhất. Thiền tông đã kết hợp một cách tài tình giữa triết học Phật giáo với văn hóa Trung Hoa, và trở thành một bộ phận của nền văn hóa nước này. Người có công lao lớn nhất trong việc này không ai khác ngoài Lục Tổ Huệ Năng.

Lục Tổ người Quảng Đông, chuyên nghề kiếm củi sống qua ngày. Một hôm, nhân lúc đem củi đến bán cho một quán trọ, Ngài nghe một người khách đang tụng kinh. Vừa nghe qua, Ngài liền lãnh hội và có sở ngộ, và cảm thấy vô cùng hân hoan. Liền sau đó, người khách trọ ấy đã giúp đỡ và giới thiệu Ngài đến học đạo với Ngũ Tổ.

154duc32Sau khi yết kiến Ngũ Tổ, Ngài được Tổ giao cho công việc giã gạo ở nhà bếp. Ngài làm việc rất chăm chỉ. Hôm nọ, Tổ Hoằng Nhẫn bảo các đệ tử mỗi người viết một bài kệ theo những điều mà họ tâm đắc nhất trong công việc học đạo, rồi dâng lên để Tổ chọn một vị xuất sắc nhất làm người kế nghiệp.

Thượng tọa Thần Tú viết lên vách hành lang bài kệ ngữ: “Thân như cây Bồ-đề, tâm tợ đài gương sáng, luôn luôn phải lau chùi, chớ để nó dính bụi”, ý của Thượng tọa là:Người học đạo cần luôn luôn chú ý thanh lọc thân tâm, không làm các hành vi sai trái, cũng đừng để tâm dấy lên các phiền não tham, sân, si.

Ngài Huệ Năng cũng có một bài kệ, nhưng do không biết chữ nên nhờ người viết hộ, bài kệ đó như sau: “Bồ-đề vốn không cây, chẳng phải đài gương sáng, xưa nay không một vật, chỗ nào dính được bụi”. Bài kệ này lưu xuất từ tâm thức của Ngài và trực tiếp nói lên cảnh giới chứng ngộ mà Ngài đạt được. Khi chứng ngộ, tất cả đều thanh tịnh, ngôn ngữ tư tưởng đều vắng lặng. Lúc ấy, cái ta chủ tể và đối tượng khách trần cũng không còn, những phiền não tham, sân, si nơi tâm thức cũng không tồn tại.

Khả năng chứng ngộ của ngài Huệ Năng thật thâm diệu. Quả vậy, Ngũ Tổ đánh giá Ngài rất cao. Tổ cho rằng sở ngộ ấy cao hơn thượng tọa Thần Tú một bậc. Sau đó, theo truyền thống tiếp nối từ xưa của chư Tổ, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn trao y bát và lập Ngài làm vị Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa. Người đời sau thường xưng tụng Ngài là Lục Tổ. Về sau, Lục Tổ sáng lập chùa Nam Hoa tại Tào Khê tỉnh Quảng Đông. Thiền tông cũng lớn mạnh từ đó.





1
A-tăng-kỳ kiếp: Là thời gian lâu dài đến nỗi ta không thể tính đếm được.

2A-bệ-bạt-trí: A là bất, bệ-bạt-trí là thoái chuyển, nghĩa là những vị Bồ-tát trải qua sự tu hành của một đại a-tăng-kỳ kiếp thì đến địa vị không thoái chuyển này.

3Nhất sanh bổ xứ: Là quả vị Bồ-tát ngay dưới quả vị Phật.



--- o0o ---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/07/2021(Xem: 9641)
Đâu phải .... đợi đại dịch thế kỷ này người ta mới run sợ ! Xưa nay chưa ai trốn thoát thần tử ...sao mãi âu lo Đến không biết trước ...đừng xem tử vi để đoán mò Cần nắm vững thấu hiểu....hiên ngang đối diện !
26/06/2021(Xem: 11597)
1/ Tôn Giả Xá-lợi-phất: Trí huệ đệ nhất Trí tuệ cao minh vi đệ nhất Tăng đoàn thống lãnh trợ Từ Tôn Kỳ Viên Tinh Xá thân lâm kiến Đạo nghiệp truyền lưu chiếu ánh quang. Trí tuệ sáng ngời là số một Tăng đoàn thống lãnh giúp Từ Tôn Kỳ Viên Tinh Xá đích thân dựng Đạo nghiệp lưu truyền rạng ánh quang Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Trí Tuệ Đệ Nhất Xá Lợi Phất Tôn Giả 2/ Tôn Giả Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất Thần thông đệ nhất chúng xưng dương Thống lãnh tăng đoàn trợ Pháp Vương Hiếu kính mẫu thân khai diệu pháp Vu Lan báo hiếu vĩnh lưu hương. Thần thông số một chúng xưng dương Thống lãnh tăng đoàn trợ Pháp Vương Hiếu kính mẫu thân khơi pháp diệu Vu Lan báo hiếu mãi lưu hương. Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Thần Thông Đệ Nhất Mục Kiền Liên Tôn Giả
23/06/2021(Xem: 7424)
Khi kiếp người bạn thấy lòng chán nản Thì tìm Phật cảnh giới nào bạn ơi ! Chuyện ghét thương va chạm giữa cuộc đời Cũng là Phật nơi con người chưa tỉnh Hãy thiết tha giữ tâm mình chân chính Để yêu thương từng bản tính con người Sống vươn lên vun vén mỗi nụ cười Là hoa Phật nở giữa đời phiền trược Nhìn mây trôi lững lờ qua bóng nước Hoặc con đò ngược gió lướt mái nghiêng Giữa đêm khuya chiếu diệu mảnh trăng hiền Thể tánh nước vẫn bình nguyên thanh tịnh
22/05/2021(Xem: 9513)
Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc Ba ngàn thế giới đón Như Lai. Hoa Đàm nở cho ngàn năm vang bóng Phật Đản Sanh đặng muôn thuở ca mừng.---- Pháp thoại của TT Nguyên Tạng: Sự & Lý: Lễ Phật Đản 2645, SỰ & LÝ: LỄ PHẬT ĐẢN 2645 Thời Pháp Thoại thứ 237 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 22/05/2021 (11/04/Tân Sửu) 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ 💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼🌺🍀💐🌼 Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
20/05/2021(Xem: 6070)
Đại lễ Phật đản mỗi năm được tổ chức trang hoàng hoành tráng tùy theo điều kiện mỗi phương vực khác nhau với ước nguyện biểu dương ánh sáng bao la Đại Trí, Đại Bi soi sáng lối đi cho những ai đang chìm ngập trong bóng tối của vọng tưởng điên đảo, muốn tìm con đường tự giải thoát và giải thoát cho nhiều người. Nhưng, thực tánh của hành lễ chính là trong khoảng thời gian và không gian tịch tĩnh, trong đó, đệ tử của Đức Thế Tôn bằng tất cả nghị lực tinh tấn, thanh tịnh thân tâm, tụng đọc và tư duy về những lời dạy cuối cùng của đức Thế Tôn, để đạt được những điều chưa đạt được.
13/05/2021(Xem: 8173)
Nhân ngày trăng tròn tháng Vesakha, toàn thể Phật giáo đồ khắp năm châu hân hoan đón mừng kỷ niệm lần thứ 2645 năm, ngày đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thị hiện ra đời. Nhìn hình ảnh sơ sinh của Đức Phật bước qua bảy đóa sen đang bừng nở, ta không nghĩ đó là bức tượng bình thường mà là một tác phẩm nghệ thuật tinh mỹ. Bức họa không lời ấy làm rung động lòng người qua năm tháng, tới nay hơn hai nghìn sáu trăm năm mà vẫn trọn đầy sức sống linh động trong cõi tục thế gian. Ngài xuất hiện như vầng hào quang soi sáng khắp muôn loài vạn vật, như mặt trời trí tuệ xóa tan bóng tối vô minh, phiền não; là bậc Thầy của trời người, đấng cha lành của hết thảy chúng sanh trong các quốc độ. Ngài tìm phương pháp diệt trừ các căn bệnh tham dục, khát ái và dẫn dắt chúng sanh đến bờ an vui giải thoát.
09/05/2021(Xem: 5048)
Trên đời này cái “ta” là duy nhất (1) Phật Thánh Phàm đều quyết định bởi “ta” Thập pháp giới (2) nếu muốn được an hòa Tâm phải sống vị tha và hiểu biết “Tri Kiến Phật” (3) đó là điều đặc biệt Phật ra đời để “Khai Thị” chúng sanh “Ngộ Nhập” bằng sự nỗ lực tu hành Quán chiếu tâm cùng triệt tiêu bản ngã Hành khất thực bốn chín năm hoằng hóa (4) Sống dưới cây hằng bảo vệ thiên nhiên (5)
03/05/2021(Xem: 7758)
Mùa Đại Lễ Tưởng Niệm Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Thị Hiện Giáng Trần, với Đại Nguyện Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến, lại thêm một lần nữa trở về với địa cầu nhân loại. Niềm hân hoan bất tận của nhân thiên cách đây 2645 năm vẫn còn tồn tại với thời gian kéo dài đến tận hôm nay và trải rộng không gian khắp năm châu bốn biển, rộng ra nữa thì khắp ba nghìn đại thiên thế giới. Trời người hân hoan là vì như trong kinh Phổ Diệu diễn tả rằng : Bấy giờ Bồ-tát từ hông bên phải của mẹ sinh ra, bỗng nhiên thấy thân Ngài đứng trên hoa sen báu, bước đi bảy bước, cất tiếng Phạm âm, chỉ dạy về vô thường : “Ta sẽ cứu độ trên trời và dưới nhân gian, làm Bậc Tôn Quý trong hàng trời người, Bậc Vô Thượng của ba cõi, đoạn trừ khổ sinh tử. Ta sẽ làm cho tất cả chúng sinh đạt đến chỗ vô vi an lạc”.
03/05/2021(Xem: 5235)
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ xin nhất tâm đảnh lễ tri ân tất cả chư Tôn Thiền đức Tăng Ni đã nỗ lực để gìn giữ Phật pháp và làm nơi nương tựa lớn lao cho các cộng đồng Phật tử ở đất nước Hoa Kỳ trong mùa đại dịch hơn một năm qua. Giáo hội xin tán thán tinh thần hộ đạo và tu đạo của quí Thiện nam Tín nữ trong hoàn cảnh tai ương đầy kinh hãi hiện nay. Tất cả năng lực và công đức lớn lao này của người đệ tử, chúng con xin dâng lên cúng dường đức Thế Tôn trong ngày Đản sinh. Hàng trăm ngàn trái tim, hàng vạn ngàn bàn tay siết chặt giữa những thương đau tràn ngập của nhân loại, chúng con nguyện quán chiếu thật sâu sự khổ nạn hiện nay để kiên nhẫn mà vượt qua.
01/02/2021(Xem: 11597)
Trước thềm Xuân Tân Sửu, thay mặt Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan, chúng tôi thành tâm chúc nguyện đến Chư Tôn Hòa Thượng, chư Thượng Toạ, chư Đại Đức Tăng Ni, quý vị lãnh đạo Tôn giáo, Cộng Đồng, Đoàn thể, Cơ quan truyền thông, quý thân hào nhân sĩ, thiện hữu tri thức cùng quý đồng hương Phật tử trong và ngoài Úc Châu lời cầu chúc xuân quang rực rỡ, vạn sự thăng tiến, cát tường như nguyện
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]