Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời tựa cúa Dịch Giả

28/02/201620:58(Xem: 3657)
Lời tựa cúa Dịch Giả

TỔNG QUAN 
VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG
CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

Nguyên tác: A Survey Of The Paths Of Tibetan Buddhism
Tác giả: His Holiness Tenzin Gyatso 14th Dalai Lama of Tibet
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển – 19/06/2010


LỜI TỰA

Những nhà nghiên cứu và Phật tử Phật giáo theo truyền thống Trung Hoa thường nghe nói đến Ngũ Thời Thuyết Giáo của Thiên Thai Trí Giả Đại Sư[1] qua bài kệ:

Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật

A Hàm nhị thập, Phương Đẳng bát

Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm

Pháp Hoa, Niết-bàn cộng bát niên

Tức là, đức Phật sau khi thành đạo đã thuyết giảng Kinh Hoa Nghiêmtrong hai mươi mốt ngày, hai mươi năm tiếp theo là Kinh A Hàm, tám năm kế là Kinh Phương Đẳng, rồi hai mươi hai năm Kinh Bát-nhã, và cuối cùng đức Phật thuyết Kinh Pháp Hoa và Kinh Niết-bàn trong tám năm.

Nhưng khi học hỏi về Phật giáo Tây Tạng, chúng ta thấy chư vị tổ sư Phật giáo Tây Tạng đã nói đến ba thời chuyển pháp luân. Chuyển pháp luân lần thứ nhất đức Phật thuyết về Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Ba Mươi Bảy Bồ Đề Đạo Phẩm, … Chuyển pháp luân lần thứ hai đức Phật thuyết về Kinh Bát-nhã, chuyên nói về tính Không. Và lần thứ ba đức Phật thuyết về những kinh như Giải Thâm Mật,…, và những bộ mật điển [Tantra] là những bộ phận dường như vắng bóng trong Hán Tạng và như lời đức Dalai Lama, “Chuyển pháp luân lần thứ ba được nối kết với những phương cách khác nhau của việc nâng cao tuệ trí thân chứng tính không. Vì thế chúng tôi nghĩ có một liên kết ở đây giữa kinh điển và mật điển.”

Là người nghiên cứu Phật học, chúng ta phải biết chúng ta muốn gì ở Đạo Phật. Và là người Phật tử thực hành Phật Pháp, chúng ta phải biết đức Phật muốn chúng ta làm gì. Hay mục tiêu của người nghiên cứu và thực hành Phật Pháp để làm gì?

Trong Kinh Pháp Hoa đức Phật nói rằng, "Mục đích của chư Phật ra đời chỉ vì một việc: Đem Tri kiến Phật chỉ dạy cho chúng sanh tỏ ngộ đấy mà thôi! Chư Phật Như Lai nói pháp cho chúng sanh chỉ vì dạy cho họ một ‘Phật thừa’ chớ không có hai thừa, ba thừa nào khác. Pháp của chư Phật trong mười phương cũng đều như vậy"[2].

Thế nào là khai, thị, ngộ, nhập chúng ta có thể hiểu qua một vi dụ:

Tri viên (người làm vườn) dẫn một đoàn người đến trước cổng vườn và mở cửa cổng - KHAI

-Tri viên bèn chỉ - đây là hoa lan (thinh văn thừa), này hoa hồng (duyên giác thừa), nọ, xa hơn một chút là hoa huệ (Bồ-tát thừa), và xa tít đằng kia là hoa sen (Phật thừa) - THỊ

-Đoàn người theo bèn Ồ lên một tiếng và nói, đúng là trăm nghe không bằng một thấy, nay mới thật sự tường tận thấy, nghe, hiểu, biết - NGỘ

-Đoàn người theo sự hướng dẫn của tri viên cùng bước vào vườn dạo cảnh, xem hoa - NHẬP

Thinh văn thừa là thế nào, những pháp môn nào, những điều kiện nào để đạt đến Thinh văn quả?

Duyên giác thừa là thế nào, những pháp môn nào, những điểu kiện nào để đạt đến Duyên giác quả?

Bồ-tát thừa là thế nào, những pháp môn nào, những điều kiện nào để đạt đến Bồ-tát quả?

Phật thừa là thế nào, những pháp môn nào, những điều kiện nào để đạt đến Phật quả?

Mỗi người đến với Đạo Phật phải tìm hiểu, học hỏi, lựa chọn và thực hành để đạt đến mục tiêu của mình. Chúng phải nói rằng sự lựa chọn ấy có thể theo căn cơ, theo sở thích, hay theo nhân duyên. Nhưng chúng ta phải thực sự tìm hiểu, nghiên cứu để lựa chọn lộ trình tu tập, và thực hành một cách nghiêm mật không dời đổi thì mới mong đạt đến kết quả tối hậu, chứ không thể nay pháp môn này mai pháp môn khác; khi Thinh văn thừa, lúc Bồ-tát thừa, rồi Phật thừa. Vì muc tiêu hay điểm đến cứ dời đổi, làm thế nào chúng ta có thể đạt đến kết quả cuối cùng khi thật sự chúng ta cũng không biết kết quả mình muốn đến là gì?

Đọc “Tổng Quan Những Con Đường[3] Của Phật Giáo Tây Tạng”, chúng ta sẽ thấy đức Dalai Lama là một bậc Đại Tri Viên, ngài chỉ rõ tất cả mọi con đường để chúng thấy rõ, nhất là con đường Tantra, sự thực hành Tantra không chỉ của tông Gelugpa mà của bốn tông phải chính của Phật giáo Tây Tạng, một con đường mới lạ với các Phật tử Đông Độ, đấy là Phật tri kiến, đấy là Phật thừa, vì mỗi chúng ta đều có khả năng để thành Phật, mà đấy là Phật tính, mà đấy là cơ sở căn bản của mọi Phật tử dù tu theo Tịnh Độ, Thiền Tông hay Mật Tông, chỉ có phương tiện đạt đến là khác nhau. Nhất là Ba Phương Diện Chính Yếu Của Con Đường Tu Tập do tổ sư Tsongkhapa[4] đề ra mà đấy là cơ sở lập cước của mọi Phật tử dù tu theo Pháp môn nào[5]:

1- Viễn ly: một chí nguyện đạt đến sự giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, vì những khổ đau kinh khiếp của nhà lửa tam giới.

2- Bồ đề tâm: để đạt được một sự giải thoát như thế thì phải tạo nên một công đức lớn lao, mà không vì hơn là phát nguyện tu để đạt đến kết quả giải thoát giác ngộ để có năng lực hổ trợ tất cả chúng sinh cùng thoát ly sinh tử và chứng quả giác ngộ.

3- Tính Không: chỉ có tuệ trí thực chứng tính Không mới có thể triệt tiêu tất cả mọi phiền não vọng tưởng và đạt đến giải thoát giác ngộ.

Và đối với đạo pháp Kim Cương Thừa, đức Dalai Lama thường nhắc nhở mỗi khi thuyết giảng hay truyền pháp là, nếu quý vị đến đây nhận lễ truyền pháp này để cầu phước báu, hay sự giải thoát cho riêng mình là sai lầm.

Trong Thanh Tịnh Đạo Luận[6] có nói đến ba bậc phát tâm để tu tập:

Bậc hạ để cầu tái sinh hưởng phước báu.

Bậc trung để cầu sự giải thoát sinh tử.

Bậc thượng tu vì tất cả chúng sinh.

Đấy là sự phát tâm lập cước ngay từ lúc đầu, nhưng trong Lộ trình Tiệm Tiến Lamrim cũng nói đến ba tầng bậc tương tự như vậy, nhưng đấy là những nấc thang để tiến lần lên sự giác ngộ tối hậu.

Đức Dalai Lama cũng từng nói trong quyển Mật Thừa [Tantra, Vajrayana] Tây Tạng rằng[7]:

Nguyện vọng vị tha hướng đến giác ngộ tối thượng vì tất cả chúng sanh là nền tảng của sự thực hành của một Bồ-tát trong cả hai Thừa Hoàn Thiện và Kim Cương thừa. Nguyện vọng vị tha được khởi dẫn từ tình thương và bi mẫn, chúng là kết quả của việc nhìn thấy sự khổ đau của vòng sanh tử, phát sanh ý muốn từ bỏ nó, và rồi áp dụng cái hiểu biết này cho những người khác. NẾU MỘT NGƯỜI KHÔNG MUỐN THOÁT KHỎI VÒNG SANH TỬ, THÌ KHÔNG THỂ NÀO MONG MUỐN CHO NHỮNG NGƯỜI KHÁC THOÁT KHỎI NÓ. Ý muốn từ bỏ vòng sanh tử này là chung cho cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa và trong Đại thừa thì chung cho cả Thừa Hoàn Thiện [Ba-la-mật-đa thừa] và Kim Cương thừa.

Thiền sư Nhất Hạnh cũng nói trong Năng Lực của Cầu Nguyện rằng:

Ba điều cầu nguyện thông thường là sức khoẻ, sự thành đạt, và sự hài hoà. Nhưng đối với người xuất gia thì có khác, điều cầu nguyện trước tiên nhất của người xuất gia là vượt thoát sinh tử và thực hiện cho được sự an lạc hạnh phúc của pháp giới bản môn ngay trong thế giới tích môn.

Nguyện mọi người khi đọc đến tác phẩm rất súc tích này để thấy những lời vàng ngọc của đức Dalai Lama để có sự lựa chọn rõ ràng cho lộ trình tu tập của mình để đạt đến kết quả tối hậu, như một mục tiêu của mình khi đến với đạo Phật.

Nguyện đem công đức này dâng lên đức Dalai Lama, các bậc thầy tổ, cùng tất cả chúng sinh cùng đạt đến kết quả giải thoát giác ngộ. Xin cám ơn sự giới thiệu và hiệu đính của đạo hữu Làng Đậu, dù biết rằng khả năng của Tuệ Uyển rất hạn chế, nhưng được sự khuyến khích của anh, cùng muốn giáo pháp của đức Dalai Lama một trong những bậc Đạo sư vĩ đại nhất của thời đại được lưu bố, như cơn mưa tưới xuống thế gian này nên tác phẩm có cơ duyên được hiện diện. Rất hổ thẹn vì khả năng, cùng sự thiếu sót của mình.

Nguyện cho mây lành từ ái và mưa pháp bi mẫn che chở và tưới mát khắp thế gian.

Nam-mô A-di-đà Phật

Tuệ Uyển 

[1] Trí Di (智顗 538 - 597) được coi là Tổ thứ tư của Thiên Thai tông; đệ tử của Huệ Tư, Tổ thứ ba của Thiên Thai tông. Ông tu trên núi Thiên Thai thuộc tỉnh Chiết Giang 22 năm cho đến khi mất để nghiên cứu Phật học. Tùy Dưỡng Đế đã ban cho ông danh hiệu Trí Giả, nên ông được người đời tôn xưng là Trí Giả đại sư hay Thiên Thai đại sư. Nhiều tài liệu đã phổ biến tên không chính xác của ông là Trí Khải.

”Trí Di”. Wikipedia. <http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%AD_Di>. Truy cập23/08/2010

[2] Trích Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Quyển thứ Nhất. Phẩm “Tựa” . Kệ 18.”Kinh Diệu-Pháp Liên Hoa”. Con Đường Thiện Đạo. <http://conduongthiendao.com/PhatDao/KinhPhat/DieuPhapLienHoa/PD-KP-DPLH-QuyenThuNhat-Index.htm>. Truy cập23/08/2010.

[3] Trong bản dịch này từ đây về sau chúng tôi sẽ dùng các thuật ngữ “con đường”, “lộ trình”, “đạo”, hay “đạo pháp” với cùng một ý nghĩa.

[4] Còn gọi là Tông-khách-ba, 1357-1419, là một vị Lama lớn của Tây Tạng, nhà cải cách lừng danh của Phật giáo tại đây. Sư sáng lập tông phái Cách-lỗ [gelugpa], với một trong những giáo pháp quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng là giáo pháp Lamrim Chenmo [Bồ-đề Đạo Thứ Luận hay Giai Trình Của Giác Ngộ].

Sư sinh ra trong lúc các Tạng kinh tại Tây Tạng đã được biên soạn xong nhưng Sư chủ trương soát xét lại toàn bộ kinh điển và tổng kết thành quả của mình trong hai tác phẩm chính: Bồ-đề đạo thứ đệ và Chân ngôn đạo thứ đệ. Sư là người xây dựng nhiều tháp quan trọng tại Tây Tạng như Drepung, Sera và Ganden.

”Tông-khách-ba”. Wikipedia. <http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4ng-kh%C3%A1ch-ba>. Truy cập 26/08/2010.

[5] Trích từ Bài giảng tóm lược của đức Dalai Lama về tác phẩm “Ba Phương Diện Chính Yếu của Con Đường”. Tsongkhapa. Anh ngữ: Alexander Berzin. Việt Ngữ: Tuệ Uyển.

 <http://vnthuquan.net/diendan/(S(hmjvq245xfxxtw45ohjgtibl))/tm.aspx?m=546981>. Truy cập 23/08/2010.

[6] Thanh Tịnh Đạo (p. visuddhi-magga), nghĩa là "con đường dẫn đến thanh tịnh", là tên của một bộ luận cơ bản của Thượng Toạ Bộ (p. theravādin), được Phật Âm (p. buddhaghosa) soạn trong khoảng thế kỉ thứ 5. Thanh Tịnh Đạo trình bày giáo lí của Đại Tự (p. mahāvihāra), một trong những trường phái Pali.

Bộ luận này gồm có 3 phần với 23 chương: chương 1-2 nói về Giới, chương 3-13 nói về Định và chương 14-23 nói về Huệ. Phần nói về định trình bày rõ các phương pháp và đối tượng quán niệm của Thượng Toạ bộ, khả năng phát triển và thánh quả của các phép thiền định. Trong phần Huệ, Thanh tịnh đạo trình bày giáo lí cơ bản của đạo Phật như Tứ Điệu Đế, Duyên Khởi, Bát Chính Đạo...

“Thanh Tịnh Đạo”. <http://vi.wikipedia.org/wiki/Thanh_t%E1%BB%8Bnh_%C4%91%E1%BA%A1o>. Wikipedia. Truy cập 25/08/2010

[7] Trích từ phần III Phụ Lục trả lời phỏng vấn của đức Dalai Lama.

“Tantra in Tibet”. Tsongkhapa. Dalai Lama ‘s teaching. Eng. Trans. Jeffrey Hopkins. Viet. Trans.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/11/2021(Xem: 25289)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
13/11/2021(Xem: 13373)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
08/10/2020(Xem: 5102)
Bài viết này kính tri ân lời dạy của Sư Phụ Viên Mình trong bài pháp thoại “10 ba la mật “ và sự khuyến khích của Thượng Toạ Thích Nguyên Tạng “hãy thọ trì đọc tụng Kinh Bát Nhã Ba La Mật và nghe các bài tổng luận “ đang được đăng tải trên trangnhaquangduc Kính đa tạ và tri ân quý Ngài và kính xin phép được trình bày những điều con học được và kính xin quý Chư Tôn Đức và các bạn đạo tha thứ cho sự mạo muội của hậu bối vì dám “múa rìu qua mắt “, nhưng con trộm nghĩ .
16/09/2020(Xem: 5556)
Một Phật tử tại gia như tôi không biết gặp duyên phước nào để có thể được ghi lại vài cảm nghĩ về một bài viết mà cốt lõi chính yếu nằm trong Duy Thức Học , một bộ môn khó nhất cho những ai đã theo Đại Thừa Phật Giáo chỉ đứng hàng thứ hai sau Bộ kinh Đại Bát Nhã và hơn thế nữa những lời dẫn chứng lại trích từ quý Cao Tăng Thạc Đức rất uyên bác trác tuyệt về giáo lý Phật Đà như Đệ lục Tăng Thống HT Thích Tuệ Sỹ và Cố Thiền Sư Nhật Bản Daisetz Teitaro Suzuki.
12/09/2020(Xem: 6894)
Cây danh mộc gumtree là đặc sản của Úc có nhiều loại như ta thường biết qua cây khuynh diệp, vì giống cây này đã được biến chế thành, dầu khuynh diệp trị cảm mạo hiệu quả. Chúng thường mọc tự nhiên thành rừng thiên nhiên, thân to cao, có loại vạm vỡ oai phong như lực sỹ trên võ đài, cho bóng mát cùng nhiều công dụng khác như xay thành bột chế tạo giấy các loại đa dụng, cũng như dùng làm cột trụ giăng dây điện trong nhiều thập niên qua, và đồng thời cũng là thức ăn ưa thích của loài mối (termites) nên con người hơi ngán mấy “ông thần nước mặn” này lắm. Từ này tự chế ám chỉ loài côn trùng bé nhỏ hay cắn phá làm hại hoa màu của giới nhà nông dãi dầu một nắng hai sương như chuột, chim, châu chấu, sâu rầy… cũng để gán cho những kẻ ngang bướng đều bị dán nhãn hiệu đó.
17/06/2020(Xem: 9330)
Tuy được duyên may tham dự khoá tu học Phật Pháp Úc Châu kỳ 19 tổ chức tại thủ đô Canberra và Ngài Ôn Hội Chủ thường xuyên hiện diện với hội chúng, nhưng tôi chưa bao giờ có dịp đảnh lễ Ngài dù đã nhiều lần làm thơ xưng tán hoặc bày tỏ cảm nghĩ của mình khi đọc được tác phẩm được in thành sách hoặc trên các trang mạng Phật Giáo .
08/05/2020(Xem: 4604)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người có thật trong lịch sử văn minh nhân loại. Ngài tên là Tất Đạt Đa, dòng họ Thích Ca, sinh vào ngày trăng tròn tháng Năm, năm 624 trước dương lịch, tại vườn Lâm Tỳ Ni thành Ca Tỳ La Vệ miền trung Ấn Độ, bây giờ là nước Nepal. Thân phụ là Vua Tịnh Phạn trị vì vương quốc Thích Ca, Thân mẫu là Hoàng Hậu Ma Gia. Thân mẫu Ngài qua đời sớm, Ngài được Vương Phi Kế mẫu là em ruột của Mẹ, Dì Ma Ha Ba Xà Ba Đề thương yêu và nuôi dưỡng như con ruột.
15/03/2020(Xem: 4617)
Những điều nhận thức sai lầm theo thường thức phổ thông đều cho là sự thật; những điều nhận thức sai lầm như thế nào qua câu chuyện Điên và Không Điên mà tôi nhớ mường tượng như trong Kinh Bách Dụ có kể. Câu chuyện Điên và Không Điên như thế này: Ở vùng Thiên Sơn và Thông Lãnh, có một quốc gia nhỏ, trong đó tất cả thần dân uống nhằm nước suối có chất độc nên bị bệnh điên; ông vua hợp với quần thần thảo luận cách cứu chữa cho thần dân; nhóm thần dân bị bệnh điên cùng nhau tâu với vua của họ rằng, họ không có điên và ngược lại họ bảo ông vua mới bị bệnh điên; khi họ được vua trị hết bệnh thì họ mới biết họ bị bệnh điên. Câu chuyện này dụng ý cho chúng ta biết, có một số người nhận thức sai lầm mà không biết lại bảo người khác nhận thức sai lầm, không khác nào mình bị bệnh điên mà lại chụp mũ bảo người khác bị bệnh điên. Những điều nhận thức sai lầm, đại khái được trình bày như sau:
01/03/2020(Xem: 13633)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
28/11/2019(Xem: 8127)
Ấn độ là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới vì đất rộng, người đông, có dãi Hy mã lạp sơn cao nhất thế giới, có một nền văn minh khá cao và lâu đời, con số 0, số Pi (3,1416...) do người Ấn sử dụng đầu tiên trong toán học, Kinh Vệ Đà đã được người Ấn sáng tạo từ 1800 đến 500 năm trước công nguyên, Ấn Độ là quê hương của đức Phật, hay nói khác hơn đó là nơi đạo Phật phát sinh, ngày nay đã lan tràn khắp thế giới vì sự hành trì và triết thuyết của đạo Phật thích ứng với thời đại. Do đó việcTime New Roman tìm hiểu về Ấn Độ là một điều cần thiết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]