Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chủng Tử Một số nhận định về tiến trình hình thành

25/02/201516:25(Xem: 6189)
Chủng Tử Một số nhận định về tiến trình hình thành

hoasen_1

Chủng tử là hạt mầm của đời sống, là nguồn năng lượng đơn vị cấu thành nghiệp lực, là yếu tố sâu kín và căn bản quyết định sự hình thành cái ‘Ta’ (Ngã) và những cái của Ta (Ngã Sở), là nguyên nhân của mọi hoàn cảnh gặp được trong đời, là đầu mối của hạnh phúc và khổ đau trong hiện tại và dẫn dắt vào vị lai, đời này và đời sau. Soi rọi dưới lăng kính Duy Thức Học cùng vòng chuỗi Mười Hai Nhân Duyên (1.Vô Minh, 2. Hành, 3. Thức, 4. Danh Sắc, 5. Lục Nhập, 6. Xúc, 7. Thọ, 8. Ái, 9. Thủ, 10. Hữu, 11. Sanh, 12. Lão Tử) ta có thể rút ra một số nhận định về tiến trình hình thành chủng tử.

Có thể xem ‘Vô Minh’ (mắt xích thứ nhất của vòng chuỗi Mười Hai Nhân Duyên) là yếu tố căn bản trong sự hình thành tất cả các mắt xích còn lại. Từ ‘Vô Minh’ (thường được gọi là Bất Giác), chúng ta sẽ có động niệm. Từ niệm bị động, ‘Hành’ (mắt xích thứ hai của vòng chuỗi, ‘Hành’ là chùm niệm tưởng được kết nối liền lạc) được sinh khởi và phát triển tạo thành ‘Thức’ (mắt xích thứ ba của vòng chuỗi). ‘Thức’ khi bắt đầu một đời sống mới, phối hợp cùng tinh cha - huyết mẹ, sẽ tạo nên Danh Sắc (mắt xích thứ tư của vòng chuỗi Mười Hai Nhân Duyên, Danh Sắc chính là con người mỗi chúng ta bao gồm cả thân và tâm: Danh là tâm bao gồm Thọ, Tưởng, Hành, và Thức; Sắc là thân) và phát triển ra ‘Lục Nhập’ (mắt xích thứ năm của vòng chuỗi) chính là sáu giác quan: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, và Ý.

Bắt đầu từ nơi năm căn của chúng ta (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân; còn được gọi là ‘Tiền Ngũ Thức’ theo Duy Thức Học) được xem như là năm cánh cửa trổ ra từ ngôi nhà Chân Tâm để tiếp xúc và đón nhận trần cảnh, thế giới bên ngoài vốn được phân biệt ra năm thứ gọi là năm trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc ) nên khiến phát sinh niệm khởi. Thí dụ như nơi mắt thấy được cảnh (trời đất, núi sông, rừng cây, hoa lá, con người, con vật, hay các vật thể khác) với đủ loại hình dáng (vuông - tròn- trơn láng - sần sùi...), kích thước (rộng to - nhỏ hẹp), màu sắc (xanh – vàng - đỏ - trắng - đen..), nơi tai nghe được âm thanh với đủ loại âm sắc (trầm - bổng), âm lượng (lớn - nhỏ), nơi mũi ngửi được mùi với đủ loại thơm - hôi - nồng - nhạt, nơi lưỡi nếm được vị với đủ thứ ngọt – bùi – chua – cay - đắng -nồng - nhạt, nơi thân nhận biết được đủ loại cảm giác (nóng - lạnh - trơn – rít - đau - khoái..). Đây là giai đoạn ‘Xúc’, mắt xích thứ sáu của vòng ‘Mười Hai Nhân Duyên’. Đây cũng thường được gọi là giai đoạn ‘Sơ Niệm’ trong nhà Thiền. Ở giai đoạn này, chúng ta chỉ mới có trực giác, chưa có phát sinh Ý phân biệt, tức là chưa có các Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn, và Thức Uẩn. Nơi đây, chúng ta đã có sự phân biệt nhưng sự phân biệt rất hồn nhiên, chưa có đủ độ đậm đặc để kết tụ thành ‘Uẩn’ (‘Uẩn’ là tích tụ, bồi đắp gọi tên theo bản chất của tiến trình hình thành; nó còn được gọi là ‘Ấm’ tức là ‘che đậy, làm cho bị khuất lấp , gọi tên theo dụng năng của nó là làm che khuất Chân Tâm). Đây có phải là điều ngài Huyền Giác đã đề cập đến khi ngài đến tham vấn Lục Tổ?

‘...Tổ nói: ‘Đại đức đã rõ được cái ý ‘Vô Sanh’.

Ngài Huyền Giác bạch: ‘Đã ‘Vô Sanh’ sao rằng có ý?’.

Tổ nói: ‘Nếu không ý, lấy chi phân biệt?’

Ngài Huyền Giác bạch: ‘Phân biệt cũng chẳng phải ý’.

Tổ khen: ‘Lành thay !...’ (Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Cơ Duyên).

Tuy nhiên, tâm thức con người bình thường ít ai có thể dừng ở giai đoạn tiếp xúc thuần túy này. Qua tiếp xúc giữa căn và cảnh, tâm thức chúng ta ở nơi mỗi căn sẽ bị cảnh trần lôi cuốn, níu kéo để khiến khởi lên một loạt các tưởng niệm phân biệt dần dà bồi đắp và đúc kết thành nghiệp thức mang tính cách đặc sắc, chuyên biệt cho từng cá nhân. Đây là giai đoạn bắt đầu hình thành và phát triển ‘Sở Niệm’. Hai từ ngữ ‘Sơ’ (của ‘Sơ Niệm’) và ‘Sở’ (của ‘Sở Niệm’) chỉ khác nhau ở nơi có dấu hỏi hay không có dấu hỏi, đã đánh dấu sự vận hành và chuyển biến của tâm thức, một sự chuyển biến có tính cách tha hương, ‘vong thân’. Như nếu ta thích màu xanh, ghét màu đỏ; ta sẽ dễ có sự vui vẻ, hớn hở khi gặp được màu xanh; và ngược lại, ta sẽ trở nên dễ cau có, bực bội khi gặp phải màu đỏ. Sự vui buồn theo màu sắc đã khiến Chân Tâm thanh tịnh, trong sáng thường hằng bị chao động, nhuốm màu mờ tối để biến thành tình thức xốc nổi, sanh diệt ...Đây là giai đoạn xuất hiện, hình thành của ‘Thọ’ và ‘Ái’, mắt xích thứ bảy và thứ tám của vòng ‘Mười Hai Nhân Duyên’. Đây cũng là ‘Thọ Uẩn’, nhân tố quan trọng đầu tiên trong tiến trình hình thành Chủng Tử. ‘Thọ’ quan trọng nhất, có sức mạnh chi phối nhiều nhất, cơ bản nhất (bản năng tiềm tàng) nơi mỗi con người chúng ta chính là ‘Lạc Thọ’ phát sinh từ sự xúc tiếp giới tính. Lạc thọ này được xem là mệnh lệnh thầm kín, khắc nghiệt của tự nhiên để duy trì, phát triển nòi giống nơi cõi Dục Giới.

Sau khi được hình thành, Thọ Uẩn sẽ nhanh chóng phát triển nên Tưởng Uẩn, Hành Uẩn, và Thức Uẩn tương ứng với giai đoạn ‘Thủ’ và giai đoạn ‘Hữu’, mắt xích thứ chín và mắt xích thứ mười của vòng ‘Mười Hai Nhân Duyên’. Đến đây, các loại chủng tử được hình thành. Trở lại thí dụ trên người thích màu xanh và gặp được một đóa hoa xanh, một loạt tưởng niệm sẽ được khởi lên nơi tâm thức như sau: (1) Ô kìa! một đóa hoa đẹp! (Đây là ‘Thọ’ phát sinh) (2) Hoa tên gì? Hoa này của ai, ở đâu mà có? (Tưởng Uẩn, Hành Uẩn, Thức Uẩn hiện khởi) (3) Hoa đẹp quá, nhìn ngắm hoa thích quá! Ta yêu hoa quá!(Đây là ‘Ái’ phát sinh) (4) Cần phải chiếm giữ nó (Đây là ‘Thủ’ phát sinh) (5) Tận hưởng và sống cùng với nó (Đây là giai đoạn ‘Hữu’ phát sinh) ... Vậy có thể thấy từ sự xúc chạm của hai pháp vô ngôn là đóa hoa và ánh (mắt) nhìn đã khiến tự động trỗi lên vô vàn ngữ ngôn thầm lặng nơi tâm thức chúng ta; ‘Sơ Niệm’ là pháp vô sự nhưng chỉ một niệm bất giác đã trở nên ‘Sở Niệm’ với biết bao đa đoan của cuộc vay trả - trả vay. Chủng tử được hình thành sẽ được Mạt Na Thức (còn được gọi là Truyền Tống Thức, thức thứ bảy của Bát Thức Tâm Vương) đem cất vào kho tàng chủng tử là A Lại Da Thức (còn được gọi là Tàng Thức, thức thứ tám của Bát Thức Tâm Vương). Sau đó, khi có đủ duyên, chủng tử sẽ phát khởi sự sanh và diệt mới được gọi là ‘Sanh’ và ‘Lão Tử’ (mắt xích thứ mười một và mười hai của vòng chuỗi Mười Hai Nhân Duyên).

Như thế, chủng tử nơi tâm thức chúng ta chính là các hạt mầm, hạt mầm năng lượng. Loại năng lượng ở đây chính là năng luợng tâm linh, năng lượng của Thấy - Nghe - Hay - Biết (Kiến - Văn - Giác -Tri) được huân tập, kết tụ từ nhiều giai đoạn của vòng ‘Mười Hai Nhân Duyên’, từ giai đoạn ‘Xúc’ đến các giai đoạn ‘Thọ’, ‘Ái’, ‘Thủ’, và ‘Hữu’. Năng lực cơ bản, nòng cốt cho tiến trình huân tập, kết tụ năng lượng tâm linh này chính là ‘chấp thủ’. Do nơi có lực ‘chấp thủ’, tâm thức chúng ta mới có chỗ bám víu để làm nền tảng hình thành, phát triển, và chuyển biến năng lượng tâm linh từ giai đoạn ‘Xúc’ đến các giai đoạn sau ‘Thọ’,’ Ái’, ‘Thủ’, và Hữu’ của vòng Mười Hai Nhân Duyên để kết thành các loại chủng tử.

Sau khi xuất hiện ‘Ái’, ‘Thủ’, và ‘Hữu’, phiền não với nhiều dạng loại - mức độ khác nhau sẽ có cơ hội xuất hiện thêm để bảo hộ và giúp tăng trưởng các chủng tử. Trở lại thí dụ về đóa hoa đã nêu trên, một khi ta đã có tâm thức bị dắt dẫn đến các giai đoạn ‘Thủ’ và ‘Hữu’, tâm sở phiền não ‘Tham’ đã được hình thành. ‘Tham’ được Phật Đạo mệnh danh là một trong ba độc (Tham, Sân, Si), là một trong sáu Căn Bản Phiền Não (Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến) và còn là một trong năm thứ Triền Cái (Tham, Sân, Thụy Miên, Trạo Hối, Nghi Hoặc) vốn là các tâm sở làm che lấp, mờ đục, khuấy động, chao đảo Chân Tâm. Khi một phiền não đã được thành lập, nó sẽ là chỗ nương, là sức trớn cho các loại phiền não khác dễ dàng được thành lập tiếp theo. Lúc đó, ngoài phiền não vừa mới vừa được hình thành, phiền não có trước được phiền não có sau bồi đắp, điểm tô thêm khiến chủng tử phiền não ngày càng có nhiều hơn và ngày được kiên cố thêm, nặng nề thêm. Điều này khiến bảo đảm thêm cho sự khai hoa, trổ quả về sau của các chủng tử. Thí dụ khi ta đã cho đóa hoa xanh là đẹp và yêu quí rồi muốn giữ gìn nó (Tham), nếu có người khác có ý kiến khác và chê nó là không đẹp rồi muốn phá hủy nó, ta sẽ dễ dàng nổi giận (Sân) để khơi mào cuộc chiến đấu bảo vệ đóa hoa với người ấy. Nếu có một người khác, cùng một ý kiến với ta (cho là đóa hoa đẹp) và cũng muốn chiếm hữu nó, ta cũng sẽ dễ dàng nổi sân để khơi mào cuộc chiến đấu tranh dành đóa hoa với người này. Vậy một khi ‘Tham’ đã có, ‘Sân’ sẽ có theo như theo một qui trình dường như tự nhiên, tự động, và có sẵn từ muôn kiếp nào, nhưng thực ra chúng đã được dắt dẫn bởi các chủng tử có sẵn, tiềm ẩn sẵn nơi A Lại Da thức ở mỗi chúng ta. Tập hợp các chủng tử được gọi vắn tắt là ‘Nghiệp’, sự vận hành và tác động của các chủng tử được gọi là ‘Nghiệp Lực’.

Như thế tác giả tạo ra các chủng tử chính là (tâm thức) chúng ta ở từng ngày, từng giờ, từng phút giây, từng sát na của đời sống. Mỗi chúng ta đã tạo ra chủng tử đặc sắc, chuyên biệt cho chính mình và đem cất chứa chúng vào nơi kho tàng A Lại Da thức. Từ nơi kho tàng nghiệp thức mênh mang không có ngằn mé này, chủng tử quyết định cuộc đời (thụ động) của mỗi chúng ta. Phật Đạo xác quyết chính chủng tử quyết định, chứ không do một thế lực thần linh nào quyết định ban phát hoặc trừng phạt chúng ta. Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu nêu rõ:

‘Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe.‘

‘Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh, tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự vui vẻ theo nghiệp kéo đến, như bóng theo hình.’

Đến đây, qua chủng tử, ta có thể thấy rõ thêm được tính chất rất khoa học của nguyên lý luân hồi: ‘Nhẹ nổi, Nặng chìm’. Các tâm sở ác được xem là các chủng tử nặng. Duy Thức Học phân biệt có 26 món tâm sở ác bao gồm 6 Căn Bản Phiền Não đã nêu ở trên, và 20 món Tùy Phiền Não (20 món Tùy Phiền Não lại được chia ra ba loại là Tiểu Tùy có 10 món: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuồng, Siễm, Hại, và Kiêu; Trung Tùy có 2 món là Vô Tàm, và Vô Quí; Đại Tùy có 8 món là Trạo Cữ, Hôn Trầm, Bất Tín, Giải Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn, và Bất Chánh Tri). Các tâm sở nặng này có khuynh hướng bị chìm xuống nên nơi đi về của chúng khó có thể là nơi trên các tầng trời cao mà dĩ nhiên sẽ là những cảnh giới thấp của 3 đường ác (Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh). Trái lại, các tâm sở thiện được xem là các chủng tử nhẹ. Theo Duy Thức Học có 11 món tâm sở thiện là: Tín, Tàm, Quí, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Tinh Tấn, Khinh An, Bất Phóng Dật, Hành Xả, và Bất Hại. Các tâm sở nhẹ có khuynh hướng di chuyển lên cao nên nơi đi về của chúng thường là những cảnh giới nhẹ nhàng hơn, cao cả hơn, đẹp đẽ hơn của ba đường thiện (Trời, Người, và A Tu La). Chính vì thế, Dục Giới với biết bao dạng loại tình và tưởng đan bện vào nhau dày đặc, cõi mà chúng ta đang có mặt, là cõi ‘nặng’ nhất so với hai cõi còn lại (Sắc Giới, Vô Sắc Giới). Nếu áp dụng nguyên lý này vào đời sống thường nhật, ta cũng có thể nhận biết được sự khác biệt giữa nơi đi và nơi đến (trong kiếp sống này và các kiếp sống vị lai) của một người luôn giữ tâm ý điều hòa, vui vẻ và một người luôn bất mãn, bực bội...

Chủng Tử chính là hạt mầm đích thực của đời sống. Đây là loại hạt mầm không có hình tướng vì được cấu tạo từ nguồn năng lượng tâm linh do pha trộn giữa Chân Tâm (cái Thấy – Nghe - Hiểu - Biết tinh khôi) và những vọng tình, vọng thức (cái Thấy – Nghe - Hiểu -Biết đã bị nhiễm bởi sáu trần, hình thành từ sự tiếp xúc giữa các căn và các trần cảnh). Vi là dạng năng lượng nên Chủng Tử không bị hủy hoại mà chỉ có thể được chuyển hóa qua các phương pháp tu tập hữu hiệu. Tu tập Phật Đạo chính là tiến trình trong đó mỗi chàng Cùng Tử chúng ta nhận chân được những nguồn năng lực vô hình nào đó đã đùn đẩy, xô kéo chàng vào con đường phiêu linh, lang thang rời xa cội nguồn, quê hương, bản quán. Để từ đó chàng có thể thấy ra con đường quy hồi cố quận, quay bước trở về tìm lại người cha Trưởng Giả, nhận ra Trưởng Giả, tập làm Trưởng Giả, trở thành Trưởng Giả, và ...chính là Trưởng Giả! 

Quảng Minh LKH


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/03/2011(Xem: 5417)
Đây là câu hỏi liên quan đến sự chứng ngộ Niết Bàn củađức vua Milinda (Mi Lan Đà) và phần trả lời của Trưởng Lão Nāgasena (Na Tiên).Phần này được trích dịch từ tác phẩm Milindapañhā -Milinda Vấn Đạo. Hy vọng rằng văn bản này có thể giúp ích được ít nhiềucho các hành giả đang tinh cần tu tập giải thoát. - TỳKhưu Indacanda.
21/03/2011(Xem: 10517)
HỎI: Một tín đồ Phật giáo trước hết phải hiểu vàphải làm những gì? ĐÁP: - Trước hết là phải hiểurõ những điểm căn bản của Phật dạy, thứ đến là phát lòng chánh tín Tam Bảo, cuốicùng là thực hành năm điều răn dạy trong đời sống hằng ngày của mình.
28/02/2011(Xem: 9025)
Ban Sưu tập tu viện Quảng Hương Già Lam đã dày công sưu tập các công trình về kinh, luật, luận, thi kệ và tản văn của Đại lão Hòa thượng tập thành bộ "Toàn tập Tâm Như - Trí Thủ" nhân ngày húy nhật lần thứ 18 của Ngài. Công trình này vừa được tái bản đúng vào dịp kính tưởng niệm lần thứ 27 ngày Ngài viên tịch (2 /3 / Giáp Tý -2/3/Tân Mão) với sự bổ sung và chỉnh lý công phu, hình thức rất trang nhã, in thành 5 tập (thay vì 3 tập trong lần in trước). Giác Ngộ trích phần Lời nói đầu, trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
14/02/2011(Xem: 7846)
Khi đối diện với việc cầu nguyện, chúng ta thường có nhiều nghi vấn. Nghi vấn đầu tiên là cầu nguyện có kết quả không?
01/02/2011(Xem: 4210)
Tứ quả là bốn quả vị sai biệt của các bậc Thánh Thinh Văn thừa, nhau tùy thuộc vào trình độ căn cơ của hành giả đã đạt được sau khi tu tập, đó là Tu-đà-hoàn (srota-āpanna) còn gọi là nghịch lưu quả, Tư-đà-hàm (sakradāgamin) còn gọi là Nhất lai quả, A-na-hàm (anāgāmin) còn gọi là Bất hoàn quà và, A-la-hán (arhat) tức là A-la-hán quả.
01/02/2011(Xem: 5137)
Đây là bốn phương pháp thu phục, đưa chúng sanh hữu tình từ vô minh phiền não trở về giác ngộ giải thoát, từ khổ đau trở về an vui, từ sinh tử trở về Niết-bản, từ tà kiến sai lầm trở về chánh pháp chánh kiến mà đức Đạo sư dành dạy cho các hàng đệ tử của Ngài, nhất là đối với các hàng Bồ-tát.
25/01/2011(Xem: 4183)
Sự hiện hữu hay hủy diệt của một thực tại giả hợp, chúng luôn luôn tùy thuộc vào nhân và duyên có được, từ nơi định luật vô thường khởi-diệt của nhân sinh và vũ trụ, đã nói lên tính dung thông vô ngại của nguyên lý Duyên khởi tính không các pháp đối với cuộc sống.
25/01/2011(Xem: 4497)
Hành giả tu hành muốn mau đạt đến kết quả như mình mong muốn thì, điều kiện tiên quyết trước hết là chúng ta cần phải chọn lựa pháp môn nào cho thích hợp với căn cơ của mình, trong muôn nghìn pháp môn mà đức Đạo sư đã để lại.
22/01/2011(Xem: 5878)
Người cư sĩ tại gia, ngoài trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình, xã hội còn có nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo. Cho nên trọng trách của người Phật Tử tại gia rất là quan trọng...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]