Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sát sanh và quả báo hiện tiền

20/06/201408:07(Xem: 5046)
Sát sanh và quả báo hiện tiền
 

blank
Tôi sinh ra và lớn lên tại Nha Trang, nơi có bãi biển nổi tiếng dài và đẹp. Nhà tôi không cách xa biển là bao nên thuở bé tôi thường hay xuống biển bơi lội vẫy vùng mỗi ngày, vì thế nên tôi bơi lội rất giỏi. Cũng nhờ bơi giỏi nên tôi thường lặn ngụp dưới làn nước sâu để đâm cá hay cua ghẹ thường xuyên. Từ thói quen giết vật như thế đã huân tập cho tôi tập khí sát sanh từ thời niên thiếu mà chính tôi chẳng hay vì xung quanh tôi bạn bè hay người lớn ai cũng đều như thế. 

 

Mỗi lần theo gia đình về quê tôi thấy các trẻ chăn trâu câu cá vui quá nên rất ham thích và cũng vào nhập hội câu chung. Ở nhà mỗi khi thấy bầy kiến lửa ở góc sân là tôi đốt đèn cầy, kế đó nhễu xuống khiến đàn kiến chết quăn chân cẳng. Nếu không đốt đèn cầy thì cũng lấy thau hứng nước cho đầy, rồi đổ cho ngập tổ kiến. Nhìn thấy đàn kiến lửa bị ngập nước mà vẫn bò qua lại dưới nước được tôi lại càng thấy thích thú. Có lẽ đó là cái nhân khiến giờ đây tôi phải trả quả báo về tim mạch, hơi thở của tôi hệt như người chết đuối hụt hơi, đang lặn ngụp vùng vẫy dưới nước.

Có một thời gian khoảng hơn năm tôi ở Phi Luật Tân, nhà ở gần mép biển nên tôi hay theo đám bạn cùng lứa xuống biển bắt hải sản về cải thiện bữa ăn. Lần sát sanh nhiều nhất là đi săn chình. Loài cá chình con chưa lớn nên không sống ở vùng nước sâu mà chỉ hay đào lỗ sống ở vùng nước cạn và đương nhiên đã trở thành món mồi ngon cho đám "sát thủ" tụi tôi lúc bấy giờ. Buổi trưa là lúc thủy triều hạ nên cả đám xách xô đi săn chình. 

 

Chúng tôi mỗi đứa xách 1 cái xô, cầm theo 1 cây xiên, trên đầu gắn cây sắt đã được mài nhọn dùng để đâm chình. Vì nước cạn chỉ cao đến đầu gối nên rất dễ thấy các lỗ cát nơi chình con ở. Thế là chúng tôi chỉ việc đâm xiên xuống lỗ là hầu như trúng con mồi. Chỉ một buổi trưa là xô đầy ắp chình, đem về nấu cháo chình ăn mấy ngày mới hết. Lúc ấy tôi đơn giản nghĩ đó chỉ là một bữa ăn ngon, chẳng ngờ sau này tôi phải bị quả báo.

sat_sanh
Rời Phi Luật Tân tôi đến Mỹ định cư tại tiểu bang Washington khi tôi khoảng 14 - 15 tuổi không người thân và gia đình. Vì còn nhỏ ở lứa tuổi vị thành niên nên tôi được ở chung nhà với gia đình bảo trợ. Nhà ông bảo trợ có một chiếc tàu lớn gồm 3 phòng ngủ. Mùa hè ông hay kéo tàu ra hồ lớn để câu cá và mọi người cũng theo ông đi câu. Thế là nghiệp sát cá từ bên nhà, sang Mỹ tôi lại tiếp tục sát cá. Có một hôm đi câu cá trê, loài cá này có sở thích là ban đêm mới bơi ra đi tìm thức ăn, ban ngày thì đi đâu mất. 

 

Đêm ấy đang chờ câu tự dưng tôi buồn ngủ quá nên ngủ quên trên tàu. Buổi sáng hôm sau lúc tôi thức dậy nhìn quanh sàn tàu thấy la liệt thùng nhựa đựng cá cỡ lớn, bên trong chứa rất nhiều cá trê. Nghe mọi người kể lại đêm hôm trước trúng lớn vì cá đi ăn đêm rất nhiều. Ai cũng được cá cắn câu nên giựt cần liên hồi. Nghe vậy tôi cứ chậc lưỡi hít hà vì tiếc rẽ không chịu ráng thức để câu. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình vô cùng may mắn, nhờ bị ngủ quên chứ nếu không nghiệp sát của tôi cứ thế lại chồng chất nhiều thêm.

Vào trung học, những lúc rảnh rỗi chúng bạn rủ tôi đi mua súng hơi bắn chim. Vậy là tôi cũng đi mua cây súng mạnh nhất hồi ấy để vào rừng bắn chim. Vì súng mạnh nên chim đậu cao và xa cách mấy cũng bị tôi bắn trúng. Vài tháng sau đứa bạn thiếu tiền lén cầm cây súng đi bán khiến tôi cứ hậm hực vì tiếc cây súng tốt. Sau này tôi mới thấy đó lại là một điều may mắn, nếu không tôi đã tiếp tục sát sanh không biết đến bao giờ mới dừng lại.

Khi học hết phổ thông, muốn học tiếp lên đại học nhưng tôi không có tiền nên khi ấy nghe nói đi đánh bắt hải sản ở tiểu bang Alaska kiếm rất nhiều tiền, ước mong muốn kiếm tiền nhanh để được học đại học đã thôi thúc tôi lên đường. Tôi được đưa lên một chiếc thuyền để làm và đóng gói cua nước mặn. Chiếc thuyền tôi làm rất lớn, họ chuyên đi vòng vòng trên biển Bearing Sea (giữa Liên Xô và tiểu bang Alaska của Mỹ) để mua lại cua từ những thuyền nhỏ hơn chuyên đánh bắt cua ngay trên biển. 

 

Loài cua sống ở vùng nước mặn và lạnh này rất to, thịt rất ngon nên bán rất nhiều tiền. Mỗi con cua trung bình ước lượng khoảng 1,5 kg trở lên. Con nào nhỏ không đủ cỡ là phải quăng lại xuống biển, và chỉ được bắt cua đực, không được bắt cua cái để còn sinh đẻ. Nếu làm trái luật sẽ bị phạt nặng. Người Nhật rất thích ăn loại cua này nên họ cử người từ bên Nhật sang để trông coi và mua ngay sau khi những nhân viên làm việc trên tàu như tôi đã thịt cua và sắp xếp ngăn nắp vào thùng. Mọi công việc từ mua cua, giết cua, sắp xếp vào thùng cho đến lúc bán đều xảy ra ngay trên biển. 

 

Sau 1 năm làm việc tôi cầm hơn 20 nghìn đô trở về, mua 1 chiếc xe và đi học lại. Năm đó tôi tròn 20 tuổi. Khi ấy tôi nào có biết đến Phật pháp là gì, Phật A Di Đà là ai, chùa chiền cũng không biết ở đâu để tìm đến nên cứ vô tư mà tạo nghiệp. Giờ nghĩ lại tôi mới thấy vô cùng hổ thẹn và tội lỗi ngập tràn. Đó là lần sát sanh nhiều nhất trong đời tôi và cũng là điều tôi ân hận nhất trong cuộc đời. Nếu ước tính có lẽ đã có cả nghìn chú cua không may bị tôi làm thịt để xuất khẩu sang Nhật.

Sau 1 năm làm việc tại tiểu bang Alaska, tôi về lại tiểu bang cũ Washington. Ban ngày đi học, buổi tối tôi đi làm thêm bán thời gian tại một nhà hàng ăn uống hải sản để trang trải chi phí ăn học và thuê nhà. Nơi tôi làm việc là một nhà hàng sang trọng nằm bán phần trên biển. Phần lớn thực khách là giới thượng lưu. Tàu thuyền chạy trên biển có thể ghé sát nhà hàng rồi neo lại để vào ăn uống bên trong. Nhìn bãi đậu xe của nhà hàng là người ta có thể đoán ra những người ngồi bên trong nhà hàng thuộc tầng lớp nào. Nhân viên bên trong nhà hàng là những người được tuyển chọn kỹ càng, có học vấn và kỹ năng giao tiếp khá, vô cùng lịch sự. Phần lớn họ là giáo viên đi làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập vì tiền tip (boa) mỗi đêm khá nhiều.

Tôi làm ở khâu hậu cần, tức nấu bếp nên có thêm nhiều cơ hội để tiếp tục... sát sanh. Thực đơn nhà hàng đa số là hải sản trong đó có tôm hùm và cua vua Alaska (king crab). Ai muốn ăn thịt bò cũng có vì đã được nhà hàng nhập từ nơi khác về. Loại hảo hạng được cắt, cân từng miếng rất đẹp và hấp dẫn. Là dân nấu bếp nên một trong các quyền lợi là được ăn miễn phí. Thích món nào là tôi lôi ra “chén". Có khi muốn ăn những thứ không có trên menu thì cả đám thợ nấu chúng tôi tự chế, rồi lôi soong chảo ra tự biên tự diễn. 
Một trong các món ăn của thực khách ở đây đòi hỏi sự tươi sống là món hào. Món này chỉ khi có khách gọi mới lấy hào ra làm chứ không được làm trước. Mỗi đĩa gồm có 7 con hào lớn, tôi phải dùng dao chuyên dụng nạy nửa vỏ hào ra bỏ đi, nửa còn lại dính vào con hào. Sau đó dùng dao mỏng cắt đi phần nối liền giữa thịt hào và vỏ hào để không bị dính. Giai đoạn cuối là vắt chanh vào phần thịt hào và khách cứ thế mà húp hào sống. Mỗi lần vắt chanh vào là tôi thấy con hào co rúm lại vì đau rát sau khi bị cắt lìa. Giờ đây nghĩ lại và tưởng tượng chính tôi là những chú hào đáng thương kia mà tôi cảm thấy xót xa tận cõi lòng. Tội nghiệp này không biết tôi phải chịu đầu thai làm thân súc sanh để bị bắt, bị giết không biết đến bao kiếp mới trả hết được món nợ sinh mạng?


Trong đời tôi tất cả loài vật sống ở trên trời, dưới nước, hay trên cạn tôi đều đã giết cả. Giả như lúc trước đưa số mạng của tôi cho nhà tướng số học, chắc chắn tôi sẽ được biết tôi là người yểu mệnh, mạng chẳng thể trường thọ. May nhờ chút phước thừa từ tiền kiếp sót lại nên bây giờ tôi biết được Phật pháp, biết pháp môn Tịnh độ để tu. Cũng nhờ biết Phật pháp mà tôi mới biết thương các loài vật, không ăn thịt và giữ giới sát. Có lẽ nhờ đó nên mạng sống của tôi mới kéo dài đến bây giờ, bằng không tôi đã phải ra đi từ lâu. Từ nhỏ đến lớn tôi sát sanh quá nhiều, từ muỗi mòng, kiến, chuồn chuồn, thằn lằn, chim, cua, cá... tôi đều không từ nên bây giờ trong người đủ thứ bệnh. 

 

Tôi ra vào bệnh viện để mổ hết 2 lần vì căn bệnh hernia. Hernia là chứng bệnh tạm gọi là bị rách cơ thịt. Các nơi trên cơ thể có cơ mỏng như vùng bụng, rốn, háng có nguy cơ bị bệnh này nhiều hơn các nơi khác. Khi bị rách cơ thịt, ruột trong cơ thể bị đẩy ra ngoài, chạm vào da rất đau. Ngày nay nhờ ngành y khoa tiến bộ nên có thể điều trị căn bệnh đó một cách dễ dàng. Khi vào bệnh viện, bác sĩ sẽ mổ nơi bị hernia ra, sau đó bỏ một miếng vá đặc biệt bên dưới da và khâu lại tựa như chiếc áo rách phải dùng một miếng vải khác vá chồng lên để áo không bị rách thêm vậy.

Có 1 chứng bệnh này rất lạ, tôi bị từ năm lên 15 tuổi cho đến khi ngoài 40 mà bác sĩ mãi không tìm ra. Mỗi lần vào nhà vệ sinh đại tiện là máu tươi đỏ ối cứ tuôn ra ngoài rất nhiều, mỗi tuần ít nhất một lần. Ở lứa tuổi thiếu niên nên khi bị như thế tôi hoang mang vô cùng. Đi bác sĩ cho uống thuốc hay thoa thuốc gì cũng không hết. Cứ thế từ ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác bệnh lạ cứ kéo dài. Tôi thăm hết bác sĩ Ta đến bác sĩ Tây, dùng thuốc Tây sang thuốc Bắc mà không thấy "xi nhê" gì cả. Có bác sĩ bảo là mạch máu bị vỡ, có bác sĩ bảo do rách màng da, đọc báo thì nói rằng đó là triệu chứng đầu tiên của ung thư ruột... 

 

Thời gian đầu tôi lo lắng nhiều lắm, nhưng sau nhiều năm như thế tôi cũng quen dần và tập "sống chung với lũ". Cho đến thời gian gần đây tôi mới chợt nhận ra các triệu chứng ấy bỗng dưng không chữa lại lành một cách thần kỳ. Tôi nghĩ có lẽ một phần là nhờ công đức giữ giới sát, ăn chay, sám hối, niệm Phật, hồi hướng công đức cho hết thảy chúng sinh. Phần khác có thể liên quan đến chuyện mẫu thân của tôi bị bệnh nặng mà căn bệnh trầm kha của tôi tự nhiên khỏi hẳn.

Đầu năm 2009 được tin thân mẫu bên nhà bệnh nặng có thể không qua khỏi tôi vội vàng quay về để thăm hỏi bệnh tình. Mẫu thân tôi bị ung thư bướu cổ, bác sĩ phát hiện ra từ năm 1997 và phải mổ hết đôi lần. Nhưng không may là mổ xong bướu này thì bướu khác mọc lên. Uống thuốc mỗi ngày chỉ làm cho bớt đau và khối u mọc chậm lại chứ không bao giờ hết.

Từ Mỹ về đến nhà, nhìn mẫu thân mà tôi xém chút nhìn không ra đó chính là mẹ ruột của mình. Ngày trước cụ có da có thịt lắm, nhưng lần cuối nhìn lại mẫu thân thì như chỉ còn da bọc xương giống người lâu ngày bị bỏ đói. Trước khi bay về Việt Nam một ngày, tôi đã tìm địa chỉ các Ban Hộ niệm (BHN) tại địa phương và liên lạc trước để nhờ họ đến hộ niệm cho mẫu thân. May mắn thay tôi tìm được BHN Thanh Liên tại Nha Trang và chị trưởng ban cũng nhiệt tình nhận lời đến hộ niệm.

Từ ngày biết đến Phật pháp và pháp môn Tịnh độ tôi thường hay gọi điện thoại và gửi thư về cho mẫu thân, nhắc nhở cụ niệm Phật cầu vãng sanh, nhưng tiếc rằng thiện căn, phước đức của cụ còn ít quá nên cụ niệm Phật có lẽ không được là bao. Tôi nhớ ngày còn nhỏ tôi thường hay quấn quít bên mẫu thân và thấy cụ cắt cổ gà, làm thịt tại nhà đôi lần. Có lần cụ cắt tiết con gà xong, bỏ vào nồi đậy lại. Vậy mà một tiếng sau, khi đổ nước sôi vào để làm lông thì bỗng dưng nắp nồi bật tung lên, kế đó con gà vùng dậy, đầu ngật ngưỡng tung chạy ra ngoài làm mọi người phải rượt theo bắt và giết lần nữa. Có thể vì mang những nghiệp như thế nên giờ cụ đã bị ung thư bướu cổ. Cục bướu của cụ rất to, cỡ bằng trái bưởi nhìn rất kinh sợ. Máu rỉ ra từ nơi bướu đóng cứng thành cục. 

 

Những tháng cuối cùng của đời cụ máu cứ rỉ ra từng giọt từ bướu khiến người trong nhà phải may một cái bao vải đặc biệt để thấm máu, đeo vào cổ mẫu thân. Vài tiếng là phải thay bao vải một lần. Cảnh vật ấy khiến tôi liên tưởng đến con gà năm xưa bị mẫu thân cắt tiết, máu chảy ra từng giọt rớt xuống chiếc tô hứng bên dưới.
Tôi có người em trai đã có gia đình và 3 đứa con trai. Nhà tôi có truyền thống thờ Phật từ hồi thân phụ tôi còn sống. Ông cụ tạo dựng một bàn thờ Quan Thế Âm Bồ-tát rất lớn và trang nghiêm nhất nhì trong thành phố thời bấy giờ. Thân phụ tôi bỏ công đi sưu tầm các lư đồng chạm trổ rất đẹp và công phu từ các bàn tay nghệ nhân khéo léo về để trang nghiêm nơi thờ phượng. Thỉnh thoảng tôi thấy ông cụ tụng kinh vào những ngày rằm lớn. Còn mẫu thân của tôi cũng là một Phật tử thuần thành và rất thích đi chùa làm công quả.

Bàn thờ trong nhà tôi rất lớn và nghiêm trang đến độ sau này khi anh rể tôi trong lần về thăm nhà, anh em ngồi nói chuyện vui với nhau thì được nghe anh kể lại, hồi ấy anh "kết" chị tôi nhưng khi đến nhà không dám vào. Anh nói hồi đó vừa mới bước vào cửa là thấy ngay bàn thờ Phật lớn quá làm anh "khiếp" nên không dám bước tiếp. Dưới nơi thờ phượng có một tủ gỗ đựng nhiều kinh sách Phật. Thời ấy trong nhà tôi sách thiếu nhi không có nên không có gì để đọc, thế là tôi cứ lôi mấy cuốn sách mỏng nói về nhân quả, đời là bể khổ ra xem. Không ngờ những điều đã đọc ngày xưa ấy lại gieo vào tâm tôi những hạt giống tốt cho dù tôi đi đến tận phương trời nào.

Tuy gia đình tôi thờ phượng sớm hôm nhang đèn như thế, nhưng em trai của tôi lại không tin Tam bảo. Chỉ được một điều là mỗi năm vào dịp Tết em trai tôi cũng chịu khó đem hết đồ đồng, lư hương trên bàn thờ xuống đánh bóng lại cho mới để đón Xuân. Ngoài ra hễ nói chuyện Phật pháp hay bảo tu hành thì tuyệt nhiên không chịu. Mỗi lần gọi điện thoại về tôi gắng khuyên mẫu thân niệm Phật để sau này được về với Phật, em trai tôi có vẻ không bằng lòng. Em trai tôi bảo gọi điện về nói chuyện gì quan trọng hay hữu ích thì nói, chứ nói làm gì ba thứ chuyện Phật pháp. Còn em dâu của tôi vốn sanh ra trong một gia đình ngoại đạo. Ấy vậy mà sau này không hiểu sao về làm dâu nhà tôi cô ấy chuyển tâm quay sang quy y Phật. Hài hước thay khi trong gia đình tôi có sự đổi ngôi như thế. Ngày trước lúc mẫu thân tôi còn khỏe, cụ lén lên chùa nhờ các thầy đặt pháp danh và quy y Tam Bảo vắng mặt cho cậu em trai của tôi. Mãi đến sau này em trai tôi lục lọi trong tủ, tìm thấy tấm giấy quy y có ghi tên của nó trên ấy, thế là em trai tôi có vẻ không hài lòng và gặng hỏi mọi người ai đã làm điều ấy.

Trong những lần tôi về thăm nhà trước kia, những câu chuyện tán gẫu giữa hai anh em với nhau giúp cho tôi thấy dường như tâm ý của em trai tôi chỉ thích hai thứ đó là: xe mô-tô và tiền bạc. Biết được điều này nên khi hay tin bệnh tình mẫu thân đã đến lúc nguy kịch phải thở ôxy, tôi xin phép sở làm nghỉ 3 tuần để về Việt Nam và đem theo khá nhiều tiền làm lộ phí. Biết tính em trai nên từ Mỹ về đến nhà, sau khi thăm hỏi bệnh tình thân mẫu xong tôi biết nếu cho mời BHN đến nhà để niệm Phật cho mẫu thân thế nào cũng bị làm khó dễ, tôi đã tương kế tựu kế bằng cách bỏ ra ít tiền "hối lộ" cho em trai để mua một chiếc TV đời mới và đưa thêm một số tiền nữa cho cô em dâu để mua hàng hóa buôn bán, vì lúc ấy cô em dâu mới mở shop bán quần áo và đồ dùng trẻ con. 

 

Sau đó chị trưởng BHN đến nhà, khai thị hộ niệm cho mẫu thân. Em trai tôi có vẻ không vui vì ngày nào cũng phải canh dắt xe cộ của các chị trong BHN đến nhà trợ niệm cho mẫu thân, nhưng nhờ có "thủ tục đầu tiên" nên chỉ nghe em trai tôi càm ràm đôi câu chứ không phản đối. Nhìn bệnh tình của mẫu thân tôi biết do nghiệp sát trong quá khứ nay quả đã đến lúc chín mùi. Tôi đề nghị với chị trưởng BHN mua vật phóng sanh, hồi hướng công đức ấy cho tất cả oán thân trái chủ của mẫu thân để giảm bớt sát nghiệp.

Có một điều tôi nhận thấy lạ là tuy mẫu thân rất ốm chỉ còn da bọc xương, nhưng sức ăn của cụ gấp ba lần người bình thường. Cứ hai tiếng đồng hồ lại ăn một lần. Nếu không ăn thì người nhà phải pha sữa uống. Mỗi ngày mẫu thân phải uống thuốc giảm đau và các cơn đau dường như kéo đến vào ban đêm làm cụ đau đớn rên la, có khi vừa ôm cổ vừa đi vừa rên la lúc giữa đêm. Sau mấy hôm nằm cạnh mẫu thân và chứng kiến các hiện tượng như thế tôi biết mẫu thân đang bị oan gia trái chủ hành hạ. Sức ăn của mẫu thân không phải của một người già đã 76 tuổi ăn, mà chỉ có thể là oan gia ăn để có sức đêm đến hành hạ mẫu thân như thế.

Một đêm thấy mẫu thân đang nằm rên la vì đau, tôi đến sát bên giường cụ, một tay chạm nhẹ vào khối u nơi cổ mẫu thân, tay kia chắp lại, mắt nhắm nghiền và không hiểu sao trong đầu tôi bắt đầu "nói chuyện" với khối u, nói bằng tâm thức chứ không phải bằng lời. Tôi nói rằng: "Thưa quý vị oan gia trái chủ trên thân mẹ tôi, xin quý vị hãy khoan dung tha thứ cho lỗi lầm của mẹ tôi. Vì vô minh nên trước kia mẹ tôi đã làm tổn hại đến quý vị. Nay tôi xin thành tâm sám hối thay thế cho mẹ tôi. Tất cả công đức lành tôi xin hồi hướng đến cho quý vị để quý vị vãng sanh về thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Giờ đây tôi xin niệm chú Vãng sanh để tất cả quý vị có thể về với Phật". 

 

Và lúc ấy tôi đã nhiếp tâm vào từng câu thần chú phát ra từ trong tâm tưởng, cùng lúc quán tưởng từng con vi trùng từ nơi cổ mẫu thân đang ngự trên hoa sen bay về phía Phật A Di Đà. Sau này nghĩ lại tôi thấy hơi lạ, vì bình thường tôi chỉ niệm Phật trong các thời công phu, không niệm thêm bất cứ chú gì cả. Ấy vậy mà không hiểu vì sao lúc ấy tôi không niệm Phật, mà lại niệm chú. Tôi đã niệm một lúc lâu như thế, rồi tôi thấy mẫu thân nằm im, không rên la nữa nên tôi bèn mở mắt ra và hỏi mẫu thân có còn thấy đau nữa không? Mẫu thân trả lời rằng: Không!

Sau đó tôi dùng hết số tiền còn lại vào việc phóng sanh và được chia làm 2 đợt. Buổi sáng hôm ấy tôi cùng các chị trong BHN ra chợ mua các loài thủy tộc để phóng sanh. Nào cá to, cá nhỏ, ốc lớn, ốc bé, cua... mua rất nhiều. Chị trưởng BHN đã quen thuộc với việc làm này nên các thân chủ bán cá đều quen mặt biết tên. Sau khi mua vật phóng sanh xong, cả nhóm đem hết các túi, thùng đựng cá ra để tràn lan phía ngoài chợ. Không biết từ đâu có 2 chiếc xe jeep của ban trật tự đô thị lù lù xuất hiện và dừng lại ngay trước cả nhóm. Tôi nghĩ thầm chắc là rắc rối to rồi, vì chúng tôi để đồ nhiều quá, chiếm ra gần hết ngoài đường vào chợ, xe cộ không đi được và sẽ bị ban đô thị "hốt" hết. 

 

Nhìn vẻ mặt hầm hầm của anh trật tự viên tôi cũng hơi ngán. Anh ta hỏi lớn rằng: "Tất cả đồ để dưới đất này của ai, tại sao lại để ra hết ngoài đường?" Sau khi nghe nhóm giải thích là mua vật về phóng sanh và đang chờ xe đến để chở đi thì anh ta tỏ ra dễ dãi rồi bỏ đi mà không nói thêm một lời nào. Tôi mừng hết chỗ nói vì đã không có điều gì đáng tiếc xảy ra. Trong khi chúng tôi còn đang loay hoay chưa biết gọi xe đến có được không thì trong chợ bỗng dưng có một anh mon men lại gần và tự giới thiệu anh ta là tài xế xe tải, chuyên chở các loại thủy sản để bán cho các chủ sạp trong chợ. Thấy mọi người mua nhiều để phóng sanh, anh tình nguyện chở hết các loài vật đi phóng sanh mà không lấy tiền. Không chỉ lần này mà bất cứ lúc nào mua nhiều như thế anh cũng sẽ tình nguyện giúp. Đúng là chuyện lạ có thật. Thế là cả hai lần phóng sanh anh ấy đều tận tình đem xe tải đến giúp.

Đường đến nơi phóng sanh cũng hơi xa và phải đi ngang một đoạn đường tư nhân. Đoạn đường này có một cây sắt chắn ngang giống như hàng rào bảo vệ mỗi khi có xe lửa đi qua để không cho người lạ vào khu vực ấy. Khi đến đây cả nhóm đều phải dừng lại và dáo dác tìm xem có ai có thể ra giúp được không. Hỏi ra thì được biết người chủ khu vực (người duy nhất có chìa khóa để mở khóa cây sắt chắn ngang) đang đi vắng không có nhà. Thế là cả bọn nhìn nhau không biết tính sao vì đường đi xa, địa điểm phóng sanh cũng không còn lâu nữa. Lúc ấy dường như có phép lạ khi từ đằng xa có bóng một chiếc xe Honda đang rẽ vào con đường cả nhóm đang chờ. Hóa ra đó chính là người chủ khu vực đã về, tựa như có "người" bảo ông phải về đúng vào lúc này vậy. 

 

Sau khi người chủ khu vực biết rõ nguyện vọng của nhóm, chú liền hoan hỉ mở cổng cho cả bọn đi qua và cười rất tươi. Phải mất khoảng gần tiếng đồng hồ cả nhóm mới khiêng hết các loài vật từ xe xuống để phóng sanh xuống con sông như đã định trước. Mọi người ai cũng mệt vì trưa nắng nhưng lòng lại vui vì biết rằng đã cứu được rất nhiều sanh mạng thoát khỏi cảnh bị dao thớt chặt chém. Suốt thời gian tôi ở Việt Nam gần 3 tuần ngày nào BHN cũng đến để trợ duyên cho mẫu thân niệm Phật. 

 

Ngoài thời niệm Phật chung với BHN ra, tôi cũng cố gắng khai thị thêm và niệm Phật chung với mẫu thân được thêm đôi tiếng đồng hồ mỗi ngày. Trong phòng nghỉ của mẫu thân tôi dọn hết đồ đạc ra ngoài chỉ chừa lại cái giường nằm. Trên bốn bức tường đều có hình Phật A Di Đà đang đưa tay tiếp dẫn để mẫu thân có thể nhìn thấy Phật khắp nơi. Cẩn thận hơn mỗi ngày tôi đều dặn dò mẫu thân chỉ đi theo Phật A Di Đà mà thôi. Tôi thường hỏi mẫu thân duy nhất một câu mỗi ngày là: “Phật A Di Đà màu gì, tướng mạo ra sao?” Mẫu thân cũng chịu khó trả lời rằng: “Phật A Di Đà mặc áo đỏ, nền vàng, tay trái cầm hoa sen, tay phải duỗi xuống.” Đó chính là tấm hình Phật được treo trong phòng mẫu thân trên 4 vách tường. Niệm Phật nhiều như thế được vài hôm bỗng dưng mẫu thân sanh ra giải đãi không muốn niệm Phật nhiều như trước nữa. Cụ bắt đầu niệm Phật với tâm trạng uể oải, gượng gạo và vì để tôi vui lòng, chứ không phải là tự bản thân mẫu thân thích niệm Phật. 

 

Thủa còn chưa thành thân với phụ thân tôi, mẫu thân thường đến chùa và thích nghe pháp của các thầy giảng. Chính mẫu thân là người đã tập cho tôi có sở thích nghe pháp trong những lần về thăm nhà và thường đưa các đĩa cassette (khi ấy chưa có đĩa CD như bây giờ) bên trong là các bài giảng của nhiều vị pháp sư để tôi đem về Mỹ nghe. Nhưng tiếc rằng mẫu thân chỉ biết tu phước hữu lậu chứ chưa biết tu phước vô lậu. Bởi tâm mong muốn lành bệnh của mẫu thân dường như lớn hơn tâm vãng sanh. 

 

Mặc dù tôi đã hết lời giảng giải, và BHN cũng giải thích cho mẫu thân biết rằng khi một chiếc áo đã quá cũ và rách nát, dù có vá lại nhiều lần để mặc nhưng cuối cùng cũng đến lúc phải bỏ đi chứ không thể lành mãi được. Thân người cũng thế mà thôi. Ở tuổi ngoài thất thập cổ lai hy, đời người như ngọn đèn treo trước gió, làm sao đèn cháy mãi cháy lâu được? Suốt thời gian ở gần mẫu thân, tôi cố gắng làm hết mọi việc thiện và hồi hướng tất cả công đức cho mẫu thân. Mỗi đêm trước bàn thờ Phật tôi thành tâm nguyện cầu cho mẫu thân được vãng sanh, càng sớm càng tốt.


Hết tiền phóng sanh tôi xem lại bản thân mình có thể làm gì được hơn nữa để tạo thêm công đức cho mẫu thân sớm được về với Phật. Tôi đã không ngại ngần lên chùa thỉnh thầy cho tôi được xuống tóc và xin nguyện đem công đức ấy hồi hướng cho mẫu thân. Sau khi tôi xin thầy cho xuống tóc, suốt mấy ngày liền sau đó tôi cảm nhận phía trên đỉnh đầu rất nóng. Một cảm giác nóng từ bên trong tỏa ra chứ không phải do cái nóng bên ngoài của tiết trời tháng Ba tạo thành. Hơi nóng dường như nóng hơn bao giờ hết mỗi khi tôi ngồi tĩnh tọa niệm Phật. Điều này cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao, nhưng tôi đoán có thể do mới cạo tóc, lại đi dưới trời nắng nóng bên nhà nên bị như thế cũng nên?

Có một lần tôi đang ngồi niệm Phật cùng BHN Thanh Liên trong phòng mẫu thân, mắt tôi hướng lên nhìn hình Phật A Di Đà thì bỗng thấy có điều gì đó khiến tôi phải chú ý. Kế đó tôi thấy vầng hào quang màu vàng xung quanh Phật cứ lớn dần và tỏa sáng rực rỡ. Trong lúc ấy mọi người xung quanh còn đang niệm Phật và không thấy ai khác có cử chỉ gì lạ. Vì vậy tôi cũng tiếp tục niệm Phật và không nói gì. Cuối buổi hộ niệm không ngờ chị trưởng BHN tự động tiết lộ rằng chị thấy hào quang của Phật tỏa ra rất sáng trong lúc niệm hồng danh Phật. Như vậy là chỉ có tôi và chị trưởng BHN nhìn thấy được điềm lành ấy, ngoài ra không còn ai khác nhận ra điều đó. Nghe chị nói tôi cũng chỉ mỉm cười nhưng không nói thêm điều gì và im lặng cho đến tận bây giờ. Qua đó chúng ta biết rằng chư Phật đã phóng quang hộ trì suốt buổi hộ niệm mà mắt phàm chúng ta không nhìn thấy được.

Sau thời gian ba tuần ở bên cạnh thân mẫu, ngày ngày cùng BHN niệm Phật, dường như sức khỏe của mẫu thân có phần tốt hơn chứ không thấy có triệu chứng vãng sanh, tôi lên đường trở về lại Mỹ và cẩn thận ghi lại tên và số điện thoại của các chị trong BHN cho cô em dâu, dặn dò khi có chuyện xảy ra với mẫu thân mà không có BHN ở cạnh bên thì hãy gọi cho BHN. Tôi cũng dặn em trai như thế vì bình thường em trai tôi hay nghĩ rằng còn nước còn tát. Tôi bảo em trai rằng đúng vậy, nếu trong ao còn cá thì mới còn tát, chứ nếu trong ao đã không còn cá thì có tát nhiều cũng chẳng thu được lợi ích gì. Mẫu thân đã lớn tuổi, nếu đã đến lúc ra đi thì hãy để mẫu thân đi chứ đừng nên đưa mẫu thân vào bệnh viện làm gì nữa.

Khoảng một tháng sau đó nghe người nhà nói lại mẫu thân không còn ham thích niệm Phật cùng BHN nữa nên các chị trong BHN cũng không còn đến nhà để trợ niệm cho mẫu thân. Nghe đến đây tôi chỉ biết thở dài. Âu cũng là phước phần của mẫu thân như thế, dẫu cho tôi đã cố gắng tận lực. Nhưng hàng tháng tôi vẫn gửi tịnh tài về cho chị trưởng BHN làm lễ phóng sanh hồi hướng công đức cho cụ hầu giảm bớt được tội nghiệp của mẫu thân được phần nào hay phần nấy.

Trước khi về lại Mỹ, tôi có ghé thăm một người bà (chị của ông nội tôi) đã quá già yếu. Bà đã nằm một chỗ trên giường và rơi vào tình trạng nửa mê nửa tỉnh. Mọi chuyện vệ sinh cá nhân đều phải có người giúp chứ bà không còn làm chủ được bản thân nữa. Đến nhà thăm bà , tôi cũng cảm thương bà nên dù biết rằng khó có thể nói gì cho bà hiểu được vào lúc này, nhưng tôi nghĩ dù chỉ còn một tia hy vọng cũng phải cố gắng.


Sau khi treo tấm hình Phật A Di Đà lớn bằng người thật nơi cuối giường để khi bà tỉnh có thể nhìn thấy, tôi còn để gần bên chỗ bà nằm một máy niệm Phật với hy vọng trước lúc lâm chung nếu bà nghe được danh hiệu Phật thì không phải rơi vào ba đường dữ như lời ngài Địa Tạng đã dạy. Sau đó tôi thử khai thị cho bà, nhưng phải nói thật lớn tiếng vì bà bị thêm chứng nặng tai. Trong thời gian khai thị có lúc bà có thể mở mắt ra nhìn và nói được vài câu, mắt hướng về phía hình Phật A Di Đà như có vẻ hiểu. Được vài phút như thế bà lại rơi vào hôn mê, nhưng tôi vẫn cứ đứng kề bên tiếp tục khai thị cho bà về nguyện lực thứ 18 trong Kinh Vô Lượng Thọ, sau đó mới ra về.

Vài tháng sau tôi nghe nói bà ra đi, nhưng trước khi bà ra đi may mắn thay cô em dâu của tôi thuyết phục được con cháu trong gia đình bà cho mời BHN Thanh Liên đến để trợ niệm cho bà. Không ngờ cô em dâu còn nhớ lời tôi dặn khi hữu sự hãy gọi điện cho BHN đến để hộ niệm. Thật không uổng công tôi cẩn thận ghi lại số điện thoại của các chị trong BHN vào sổ tay của cô ấy. Qua điện thoại, cô em dâu líu lo kể về sự lạ kỳ trong ngày bà tôi ra đi. Đúng ra là khi nhận một ca hộ niệm nếu BHN thấy người lâm chung đã rơi vào hôn mê không còn tỉnh táo là họ sẽ không nhận lời hộ niệm. Nhưng có lẽ do trước khi rời Việt Nam tôi có kể cho chị trưởng BHN về trường hợp của bà, nên chị có vẻ thông cảm và sau này vì nể tình mà đến nhà hộ niệm cho bà.

Ngày bà ra đi ngoài thoại tướng mềm mại, cây cối trong nhà bỗng dưng trổ hoa dù cây mua về đã mấy năm rồi nhưng chưa từng ra hoa lần nào. Chim chóc từ đâu bỗng bay về đậu lại rất nhiều trên mái nhà. Sau này tôi có đem điều này hỏi ý kiến cư sĩ Diệu Âm nhân dịp chú đến chùa Phật Quốc tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ để giới thiệu pháp môn Hộ Niệm thì được chú ấy xác nhận rằng, căn cứ vào các điềm lành ấy có khả năng bà đã được vãng sanh.

Trở về Mỹ được 3- 4 tháng tôi được hay tin một ngày nọ cái bướu to trên cổ mẫu thân bỗng dưng vỡ và máu đen hôi thối chảy ra rất nhiều. Nghe đâu nhiều đến cả nửa xô nhỏ dùng để đựng nước lau nhà. Như thế là oan gia trái chủ đã rời khỏi thân thể của mẫu thân và cũng kể từ đó mẫu thân đã ăn ít lại, giống như chế độ ăn của người cao niên chứ không còn ăn nhiều như lúc trước nữa.

Cuối năm ấy, vào lúc giữa đêm mọi người trong gia đình tôi đang ngủ thì nhận được điện thoại từ bên Việt Nam báo tin mẫu thân tôi đã ra đi. Nhưng cũng may là trước đó vài tiếng đồng hồ cô em dâu đã gọi cho BHN đến để trợ niệm cho mẫu thân từ lúc hấp hối và 8 tiếng sau đó. Thoại tướng tương đối tốt khi chân tay mẫu thân đều mềm mại. Tuy rằng mẫu thân không ra đi trong lúc tôi còn ở Việt Nam như lời nguyện, nhưng có một điều ứng nghiệm là tôi còn nguyện thêm cho mẫu thân được ra đi vào ban ngày và có đầy đủ thiện hữu trí thức cạnh bên hộ niệm. Quả thật mẫu thân đã không ra đi vào ban đêm mà đi vào ban ngày nên hầu như BHN đến nhà đầy đủ để trợ duyên cho cụ.

Chuyện mẫu thân của tôi có lẽ đã đến hồi kết thúc, nhưng tôi muốn nói thêm rằng: có lẽ nương nhờ chút công đức phóng sanh ngày ấy cho mẫu thân mà tôi cũng được hưởng phước lây, bởi căn bệnh lạ tôi phải chịu đựng 25 năm qua bỗng dưng ra đi không nói lời từ biệt.

Hữu Minh
(Giác Ngộ)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/11/2021(Xem: 26013)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
13/11/2021(Xem: 13801)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
08/10/2020(Xem: 5135)
Bài viết này kính tri ân lời dạy của Sư Phụ Viên Mình trong bài pháp thoại “10 ba la mật “ và sự khuyến khích của Thượng Toạ Thích Nguyên Tạng “hãy thọ trì đọc tụng Kinh Bát Nhã Ba La Mật và nghe các bài tổng luận “ đang được đăng tải trên trangnhaquangduc Kính đa tạ và tri ân quý Ngài và kính xin phép được trình bày những điều con học được và kính xin quý Chư Tôn Đức và các bạn đạo tha thứ cho sự mạo muội của hậu bối vì dám “múa rìu qua mắt “, nhưng con trộm nghĩ .
16/09/2020(Xem: 5588)
Một Phật tử tại gia như tôi không biết gặp duyên phước nào để có thể được ghi lại vài cảm nghĩ về một bài viết mà cốt lõi chính yếu nằm trong Duy Thức Học , một bộ môn khó nhất cho những ai đã theo Đại Thừa Phật Giáo chỉ đứng hàng thứ hai sau Bộ kinh Đại Bát Nhã và hơn thế nữa những lời dẫn chứng lại trích từ quý Cao Tăng Thạc Đức rất uyên bác trác tuyệt về giáo lý Phật Đà như Đệ lục Tăng Thống HT Thích Tuệ Sỹ và Cố Thiền Sư Nhật Bản Daisetz Teitaro Suzuki.
12/09/2020(Xem: 6933)
Cây danh mộc gumtree là đặc sản của Úc có nhiều loại như ta thường biết qua cây khuynh diệp, vì giống cây này đã được biến chế thành, dầu khuynh diệp trị cảm mạo hiệu quả. Chúng thường mọc tự nhiên thành rừng thiên nhiên, thân to cao, có loại vạm vỡ oai phong như lực sỹ trên võ đài, cho bóng mát cùng nhiều công dụng khác như xay thành bột chế tạo giấy các loại đa dụng, cũng như dùng làm cột trụ giăng dây điện trong nhiều thập niên qua, và đồng thời cũng là thức ăn ưa thích của loài mối (termites) nên con người hơi ngán mấy “ông thần nước mặn” này lắm. Từ này tự chế ám chỉ loài côn trùng bé nhỏ hay cắn phá làm hại hoa màu của giới nhà nông dãi dầu một nắng hai sương như chuột, chim, châu chấu, sâu rầy… cũng để gán cho những kẻ ngang bướng đều bị dán nhãn hiệu đó.
17/06/2020(Xem: 9596)
Tuy được duyên may tham dự khoá tu học Phật Pháp Úc Châu kỳ 19 tổ chức tại thủ đô Canberra và Ngài Ôn Hội Chủ thường xuyên hiện diện với hội chúng, nhưng tôi chưa bao giờ có dịp đảnh lễ Ngài dù đã nhiều lần làm thơ xưng tán hoặc bày tỏ cảm nghĩ của mình khi đọc được tác phẩm được in thành sách hoặc trên các trang mạng Phật Giáo .
08/05/2020(Xem: 4652)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người có thật trong lịch sử văn minh nhân loại. Ngài tên là Tất Đạt Đa, dòng họ Thích Ca, sinh vào ngày trăng tròn tháng Năm, năm 624 trước dương lịch, tại vườn Lâm Tỳ Ni thành Ca Tỳ La Vệ miền trung Ấn Độ, bây giờ là nước Nepal. Thân phụ là Vua Tịnh Phạn trị vì vương quốc Thích Ca, Thân mẫu là Hoàng Hậu Ma Gia. Thân mẫu Ngài qua đời sớm, Ngài được Vương Phi Kế mẫu là em ruột của Mẹ, Dì Ma Ha Ba Xà Ba Đề thương yêu và nuôi dưỡng như con ruột.
15/03/2020(Xem: 4666)
Những điều nhận thức sai lầm theo thường thức phổ thông đều cho là sự thật; những điều nhận thức sai lầm như thế nào qua câu chuyện Điên và Không Điên mà tôi nhớ mường tượng như trong Kinh Bách Dụ có kể. Câu chuyện Điên và Không Điên như thế này: Ở vùng Thiên Sơn và Thông Lãnh, có một quốc gia nhỏ, trong đó tất cả thần dân uống nhằm nước suối có chất độc nên bị bệnh điên; ông vua hợp với quần thần thảo luận cách cứu chữa cho thần dân; nhóm thần dân bị bệnh điên cùng nhau tâu với vua của họ rằng, họ không có điên và ngược lại họ bảo ông vua mới bị bệnh điên; khi họ được vua trị hết bệnh thì họ mới biết họ bị bệnh điên. Câu chuyện này dụng ý cho chúng ta biết, có một số người nhận thức sai lầm mà không biết lại bảo người khác nhận thức sai lầm, không khác nào mình bị bệnh điên mà lại chụp mũ bảo người khác bị bệnh điên. Những điều nhận thức sai lầm, đại khái được trình bày như sau:
01/03/2020(Xem: 13826)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
28/11/2019(Xem: 8187)
Ấn độ là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới vì đất rộng, người đông, có dãi Hy mã lạp sơn cao nhất thế giới, có một nền văn minh khá cao và lâu đời, con số 0, số Pi (3,1416...) do người Ấn sử dụng đầu tiên trong toán học, Kinh Vệ Đà đã được người Ấn sáng tạo từ 1800 đến 500 năm trước công nguyên, Ấn Độ là quê hương của đức Phật, hay nói khác hơn đó là nơi đạo Phật phát sinh, ngày nay đã lan tràn khắp thế giới vì sự hành trì và triết thuyết của đạo Phật thích ứng với thời đại. Do đó việcTime New Roman tìm hiểu về Ấn Độ là một điều cần thiết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]