Thực là một điều lý thú đối với Phật tử chúng ta, khi theo dõi cuộc bàn luận về một đề tài Phật giáo như: “Biệt nghiệp và cộng nghiệp” giữa hai nhà khoa học tự nhiên, hai nhà bác học thế giới: Một là Matthieu Ricard, người Pháp, tiến sĩ Sinh học, trở thành một tu sĩ Phật giáo tại một thiền viện Tây Tạng ở Katmandu (Nepal). Người thứ hai là Trịnh Xuân Thuận, một người Mỹ gốc Việt, một nhà bác học về Vật lý thiên văn, đang công tác tại Viện Công nghệ học California, và là giáo sư ở trường Đại học Virginia.
Chủ đề của cuộc đàm thoại như sau: Khái niệm về nghiệp (karma) của Phật giáo có ý nghĩa hay không? Thuyết nghiệp liên hệ như thế nào với luật nhân quả và tư tưởng định nghiệp (destin deterministe). Nếu theo đạo Phật, cái ta và con người cá nhân là ảo ảnh, thì cái gì luân hồi trong vòng sanh tử? (chương 8, cuốn “Vô biên trong lòng bàn tay”_L’infini dang la paume da la main _Trịnh Xuân Thuận)
Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard, mô tả một vài thế giới đặc biệt theo đúng nội dung của phẩm “Hình thành thế giới” trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka sutra). Một kinh đại thừa mà bản Hán dịch đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ VII (đời bà Võ Hậu Võ Tắc Thiên). Nghĩa là trước rất xa sự phát hiện của Copernic! Đúng là đạo Phật luôn luôn và liên tục dành nhiều ngạc nhiên cho các nhà bác học thế giới!
Sau đây, xin giới thiệu nội dung của cuộc đàm thoại, bắt đầu bằng lời phát biểu của tiến sĩ Matthieu Ricard (từ đây, viết tắc là Matthieu).
Matthieu: Về từ nguyên mà nói, karma có nghĩa là “hành động”. Những điều chúng ta làm, nói và suy nghĩ không những có một tầm quan trọng về đạo đức, mà chúng còn tạo ra thế giới của chúng ta. Nhận thức của chúng ta đối với thế giới là kết quả của toàn bộ thực nghiệm của tâm thức của chúng ta từ nhiều đời, nhiều kiếp. Ngược lại, tâm thức đó lại bị chi phối bởi cấu trúc thân thể chúng ta, bộ não và hệ thần kinh chúng ta. Đây là một ví dụ nữa của luật tương tác nhân quả (causalité réciproque). Chắc chắn là con người nhận thức vũ trụ khác với bầy ong bầy dơi. Cách thức hoạt động của tâm thức chúng ta gắn liền với cái mà chúng ta gọi là “vũ trụ của chúng ta”. Do có những thực nghiệm tương tợ nhau trong nhiều kiếp quá khứ, mà có những cộng đồng loài hữu tình có một nhận thức tương tợ nhau về thế giới. Đó là kết quả của cái mà đạo Phật gọi là cộng nghiệp (karma collectif) nói lên nhận thức của chúng ta đối với thế giới, ngoài ra, còn có biệt nghiệp (karma individuel) là kết quả của kinh nghiệm cá nhân của mỗi người.
Thuận: Nhận thức về thế giới có thể khác nhau giữa các sinh vật trong các thế giới khác nhau trong vũ trụ này, thí dụ, những sinh vật sống ở một hành tinh khác, có một vì sao khác làm mặt trời, nhưng theo tôi nghĩ, nhận thức của họ đối với thế giới, có thể không khác biệt lắm so với nhận thức của chúng ta, bởi lẽ, tất cả đều cùng có một lịch sử vũ trụ, giống nhau, đều là sản phẩm của vụ nổ đầu tiên- Big bang, với các tinh vân, sao và hành tinh v.v... Đối với hàng triệu sinh vật không phải loài người, sống trên trái đất này cũng vậy, vì có cùng một lịch sử vũ trụ, cho nên nhận thức của chúng đối với thế giới có thể là không khác nhau lắm.
Matthieu: Đấy bất quá là do chúng ta quá chấp thủ vào nhận thức của chúng ta đối với thế giới, đến mức chúng ta cho là các sinh vật khác cũng thấy thế giới, gần như chúng ta thấy. Tôi cho rằng, con kiến hay con dơi nhìn thế giới khác chúng ta rất nhiều. Quen thuộc với ba chiều kích (dimension) của thời gian, chúng ta mệt lắm mới mường tượng chiều kích thứ tư, bây giờ các nhà vật lý học nói có tới 10 hay 12 chiều kích! Một sinh vật sống ở bình độ thứ nguyên tử (subatomic), chắc là thấy thế giới khác chúng ta rất nhiều.
Đức Phật là bậc toàn giác, hẳn là cũng thấy thế giới rất khác với chúng ta. Kinh Phật nói tới một số thế giới và vũ trụ nhiều như cát trong biển, và mô tả chúng một cách rất hình ảnh và khác lạ. Có những thế giới giống như bánh xe quay vòng (phải chăng đó là những tinh vân hình xoáy - galaxies spirales), những vũ trụ hình giống miệng sư tử (phải chăng đó là những lỗ đen-trous noirs-là loại thiên thể đặc biệt, có trọng lực bản thân lớn đến nỗi, không có vật chất hay ánh sáng nào có thể thoát ra được), những vũ trụ hình dẹp (phải chăng đó là vũ trụ có không gian hai chiều?), những vũ trụ giống như núi lửa đang phun (phải chăng đó là những novae-là ngôi sao bùng nổ rồi tan biến) v.v...
Thuận: Hình ảnh của các vũ trụ theo Phật giáo thật là kỳ lạ. Đức Phật có thể đã nói tới những sinh vật không phải là loài người, phát triển khác hẳn chúng ta trong một môi trường khác biệt hoàn toàn.
Matthieu: Theo vũ trụ quan Phật giáo, có tới sáu loại chúng sanh, trong số này chỉ có hai loại, chúng ta còn nhận thức được, tức là loài người và loài động vật, còn bốn loại kia thì chúng ta không biết được. Đó là không kể loài trời gọi là vô sắc, tức là không có sắc thân, là một hình thái sống không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì) đối với loài người chúng ta.
Thuận: Nếu hai loại biệt nghiệp và cộng nghiệp theo Phật giáo đều do quá khứ quyết định, thì phải chăng đây là một hình thức của quyết định luận (determinisme)?
Matthieu: Không, thuyết nghiệp phản ánh luật nhân quả, thuyết nghiệp không phải là quyết định luận. Nghiệp là hành động, nghiệp do hành động tạo ra, thì nghiệp cũng do hành động của con người mà thay đổi. Chúng ta có thể thay đổi quá trình chuyển nghiệp, bằng cách tác động vào nó, trước khi hình thành quả vui hay buồn, tốt hay xấu. Cũng như một quả bong bóng đang rơi, chúng ta có thể bắt lấy nó và ném lên ở một độ cao hơn.
Cuộc sống chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh là kết quả của toàn bộ ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta, được thực hiện trong vũ trụ này, trong đời này hay là trong các đời sống trước. Đó là một tổng thể hết sức phức tạp của những yếu tố tương tác lẫn nhau, mà chúng ta có thể thay đổi quá trình trong từng giây phút. Đó là thuyết bất định nghiệp của đạo Phật, rất khác với các thuyết quyết định luận hay số mệnh luận.
Thuận: Như vậy, điều xảy ra cho chúng ta trong đời này là kết quả trực tiếp của hành động và tư duy của chúng ta trong các đời sống trước. Như vậy phải chăng thuyết nghiệp có liên hệ với thuyết tái sanh, thuyết luân hồi qua nhiều cuộc sống nối tiếp nhau. Đối với tôi, niềm tin về thuyết tái sanh làm giảm nhẹ nỗi lo âu trước sự chết, và cung cấp những giải thích hợp lý cho sự xuất hiện những đứa bé thiên tài. Mozart, mới 5 tuổi đã là một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc và đã soạn được nhiều bản nhạc... phải chăng trong đời sống trước, Mozart đã là một thiên tài âm nhạc? Thuyết tái sanh cũng giải thích vì sao có những đứa trẻ, chưa lớn lên đã mắc phải những chứng bệnh hiểm nghèo và phải đau đớn vô cùng. Phải chăng chính chúng phải gặt hái hậu quả những hành động của chúng trong đời sống trước?
Matthieu: Nếu không tin vào thuyết tái sanh, thì thật là khó chấp nhận tình hình những đứa bé “vô tội” phải gánh chịu hậu quả những hành động mà dường như chúng không có ý niệm gì hết, không có trách nhiệm gì hết. Nhưng thuyết tái sanh và nghiệp sẽ giúp cởi bỏ thắc mắc đó.
Thuận: Đạo Phật nói không có “cái ta”, “cái ta” không thật có. Nếu không có cái ta thì ai hưởng hạnh phúc, ai chịu bất hạnh?
Matthieu: Đúng là có một sự liên tục cho phép nói “tôi” hưởng hạnh phúc hay là chịu nỗi bất hạnh, thế nhưng đó chỉ là sự liên tục của một cái gì thay đổi liên tục. Chính sự liên tục đó tạo ra ảo ảnh một cái gì có thật và bất biến. Cũng như một người đứng xa nhìn con sông, hình như không chảy, hay là nhìn một ngọn đuốc cháy liên tục suốt đêm, nhưng ngọn đuốc đầu đêm, ngọn đuốc giữa đêm, và ngọn đuốc cuối đêm không phải là cùng một ngọn đuốc. Thậm chí, qua từng giây phút, ngọn đuốc cũng đổi khác. Không phải chỉ con người mà mọi sự vật đều là những giòng chảy liên tục của những hiện tượng nối tiếp nhau, và mỗi hiện tượng trong giòng chảy liên tục đó cũng vô thường, biến đổi không ngừng. Norbert Wiener, một trong những cha đẻ của môn “Thần kinh cơ giới học” (Cybernetics) đã dùng hình ảnh của thi ca để nói lên chân lý đó của đạo Phật: “ Chúng ta chỉ là những dòng xoáy của một con sông chảy vô tận. Chúng ta không phải là một chất liệu tồn tại mãi, mà là những nét đường luôn được tái phục hồi.”
Một thế kỷ trước công nguyên, Milinda, vua xứ Bactriane, (tức một phần của xứ Aphganistang hiện nay, sách Hán dịch là Đại Hạ) đã đặt câu hỏi đó với Đại Đức Nagasena:
“- Bạch Đại Đức, con người tái sanh với con người kiếp trước là một người hay là hai người?
- Không phải là một người, cũng không phải là hai người.
- Hãy cho tôi một ví dụ.
- Nếu chúng ta thắp một bó đuốc, bó đuốc có thể cháy suốt đêm không?
- Tất nhiên, có thể.
- Bó đuốc cuối đêm có giống bó đuốc nửa đêm và bó đuốc đầu đêm hay không?
- Không.
- Như vậy là có ba bó đuốc khác nhau?
- Không, chỉ có một bó đuốc cháy suốt đêm.
- Thưa Đại Vương, cũng như vậy,các hiện tượng nối tiếp nhau liên tục, một hiện tượng này nảy sinh, thì một hiện tượng khác mất đi. Chính vì lẽ đó, mà người tái sanh không phải là một người, cũng không phải là người khác, so với người của đời sống trước.”
Khái niệm có một cái ta thường tại, hay một tâm thức thường tại, thực nghiệm hậu quả của những nghiệp tạo ra trong quá khứ, và luân hồi liên tục từ đời sống này qua đời sống khác chỉ là một ảo tưởng. Cái ta ảo tưởng đó tuy không có một sự tồn tại tuyệt đối, nhưng vẫn tồn tại tương đối, cho nên mới có tạo nghiệp và chịu hậu quả của nghiệp. Đó là cái mà sách Phật gọi là cái ta giả (giả ngã), cái ta quy ước. Cái ta quy ước đó tồn tại một cách tương đối và cái ta tồn tại tương đối đó vẫn chịu hậu quả của một cái nghiệp cũng tồn tại tương đối.
Lời người bình: Tôi không muốn bàn nhiều hơn về vấn đề cái ta quy ước vì chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội để bàn vấn đề khá phức tạp này. Nhưng qua cuộc tọa đàm giữa Thuận và Ricard, còn một vấn đề phức tạp khác là vấn đề cộng nghiệp, là nghiệp do nhiều người tạo ra và cùng chịu hậu quả. Thí dụ, tôi là người Việt Nam, hiện đang sống cùng với khoảng 80 triệu người Việt khác trên đất nước Việt Nam này. Theo thuyết nghiệp của Phật Giáo, chắc là tôi trong nhiều đời sống trước đã cùng với 80 triệu đồng bào đó đã tạo ra cộng nghiệp, khiến cho tôi cùng với họ trở thành người Việt Nam và cùng sống trên đất nước Việt Nam này.
Thế nhưng, trong cộng nghiệp của người Việt, sống trên đất nước Việt Nam, lại phân chia có người Nam, người Trung, người Bắc sống trong những môi trường địa lý khác nhau. Có thể nói trong cộng nghiệp đất nước, còn có cộng nghiệp vùng. Đấy là không kể những người Việt định cư ở nước ngoài. Nghĩa là trong cộng nghiệp chung, có những yếu tố không phải cộng nghiệp. Thí dụ, cùng ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại ở các quận, phường, khu phố khác nhau. Người thì có nhà cửa khang trang, người thì ở căn nhà chật hẹp, thậm chí không có nhà, v.v... Nếu phân tích chi ly thì phức tạp vô cùng. Đạo Phật cho rằng, không có gì gọi là ngẫu nhiên. Mọi sự sai biệt trong cuộc sống, đều do nghiệp tạo ra cả, kể cả cộng nghiệp, biệt nghiệp. Một cách không có ý thức, chúng ta tạo ra môi trường sống của bản thân chúng ta. Giáo chủ Đạt Lai Lạt Ma, phát biểu về ảnh hưởng của nghiệp đến môi trường khí hậu như sau:
“Hãy tưởng tượng một cộng đồng trong đó hận thù và giận dữ là tâm trạng phổ biến. Tôi nghĩ là tình trạng cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng tới môi trường, có thể góp phần tạo ra một đợt thời tiết nắng nóng và khô hạn. Nếu trong một cộng đồng mà lòng tham ái, tham đắm rất mạnh mẽ và phổ biến thì đó có thể là nguồn gốc của độ ẩm tăng cao và nạn lụt lội. Tôi (tức Đạt Lai Lạt Ma) chỉ nêu vấn đề chứ không nói điều gì khẳng định. Nhưng dù là cá nhân hay cộng đồng, thì hành động của mỗi người, cách hành xử của anh ta, tâm trạng của anh ta, ngày này qua ngày nọ, năm tháng này qua năm tháng nọ cuối cùng cũng ảnh hưởng tới môi trường cộng đồng” (Đạt Lai Lạt Ma_Samsara {Luân hồi}, trang 167, bản Pháp ngữ)
Rõ ràng, vấn đề ngài Đạt Lai Lạt Ma đề cập đến trong đoạn văn trên chỉ là một vấn đề chi tiết trong cả vấn đề cộng nghiệp rộng lớn, có thể bao quát cả vũ trụ, như hai ông Trịnh Xuân Thuận và Matthieu Ricard nêu ra trong cuốn sách tôi tường thuật “Vũ trụ trong lòng bàn tay”. Trình độ khoa học hiện nay chưa cho phép khẳng định ngoài trái đất ra, còn có rất nhiều hành tinh có sự sống, có thể là cao cấp hơn loài người rất nhiều. Môi trường sống của những hành tinh đó cũng có thể rất khác với môi trường sống trên trái đất, do cộng nghiệp của các chúng sanh trên các hành tinh đó khác biệt với cộng nghiệp người trên trái đất. Với cộng nghiệp khác nhau, chúng sanh trên các hành tinh đó rất có thể có cấu trúc thân thể và cảm quan khác với cấu trúc thân thể và cảm quan người. Kinh Hoa Nghiêm Phẩm “Thế giới” có mô tả những thế giới muôn hình vạn trạng trong vũ trụ, mà ông Ricard có đề cập tới ở đầu bài này. Kinh Hoa Nghiêm giải thích muôn hình vạn trạng các thế giới (Kinh Hoa Nghiêm nói tới không phải một thế giới mà là hàng biển thế giới – thế giới hải), đếu do cộng nghiệp của chúng sanh tạo ra. Cộng nghiệp khác, thì thế giới môi trường cũng khác. Có thể nói câu: “Thế biệt do nghiệp sanh”, trong luận Câu Xá (Phẩm nghiệp) không những áp dụng cho thế giới loài người mà là cho toàn vũ trụ, cho muôn vàn thế giới trong cả ba cõi “Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới”. Chỉ nói riêng về Dục giới, trong đó có cõi người cũng đã có nhiều cõi sống, mà mắt người không thể thấy được như cõi địa ngục là nơi chúng sanh sống chịu đựng những nổi khổ vô cùng tận; cõi quỷ đói, nơi chúng sanh bị đói triền miên; cõi súc sanh, là nơi chúng sanh thường ăn thịt lẫn nhau (ngay cõi súc sanh, mắt loài người cũng chỉ thấy được một phần); cõi A tu la là cõi các hung thần; cuối cùng là 6 cõi trời ở dục giới là nơi chúng sanh hưởng thụ một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống loài người rất nhiều. Sách Phật, có nói tới cõi “bốn thiên vương” là cõi trời thấp nhất trong các cõi trời thuộc dục giới. Ở đây, thời gian một ngày đêm bằng cả 50 năm ở cõi người. Đây mới nói tình hình thọ mạng ở một cõi trời thấp nhất trong các cõi trời dục giới. Nếu bàn tới cõi trời sắc giới, là cõi không còn có lòng dục, không còn phân biệt giới tính, nam nữ, chúng sanh có sắc thân chói sáng, vô cùng đẹp đẽ, với thọ mạng lâu dài. Theo luận Câu Xá, phẩm “phân biệt thế gian”, thì cõi sắc giới gồm có 17 cõi trời khác nhau, với những tên gọi khác nhau. Cuộc sống ở đây, thật là không thể nghĩ bàn.
Cuối cùng, là cõi Vô sắc, nơi chúng sanh không còn có sắc thân, chỉ sống cuộc sống tinh thần thuần tuý, loài người chúng ta lại khó bàn hơn nữa.
Để kết luận lời bình giải của tôi về đoạn văn hai nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận và Matthieu Ricard bàn về biệt nghiệp và cộng nghiệp, tôi thấy cần ghi nhận tính phức tạp của vấn đề nghiệp, mà có lẽ chỉ có Đức Phật mới thấu rõ mọi ngọn ngành chi tiết. Còn chúng ta chỉ có thể nắm được những nét chính, cơ bản. Những nét chính cơ bản về thuyết nghiệp của đạo Phật cũng đủ để chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời mà mỗi ý nghĩ, lời nói và hành động hàng ngày đều có trọng lượng, có giá trị nhân sinh vì chúng đều ảnh hưởng dến cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta ở đời này và đời sau. Đó là những ý nghĩ, lời nói, hành động thiện lành, tuyệt đối không hại người, hại vật, những lời nói và hành động thấm nhuần bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả.
Trong Tăng Chi I, Phật ví người sống thiện như một cái cây có bộ rễ toàn hút chất ngọt từ trong đất, khác với cái cây có bộ rễ toàn hút những chất đắng từ trong đất đem ví với người ác.
Tất cả Phật tử chúng ta hãy sống thiện như những cái cây có bộ rễ toàn hút những chất ngọt trong đất. Nhất định đời sống chúng ta sẽ an lạc hạnh phúc. Không những, bản thân chúng ta tạo ra biệt nghiệp cho chúng ta, mà chúng ta còn góp phần tạo ra cộng nghiệp tốt đẹp cho cộng đồng.
Phật tử chúng ta không phải, chưa phải là con người hoàn thiện. Nhưng chúng ta có ý thức là chúng ta đang tiến tới sự hoàn thiện, dù cho bước tiến đó có thể kéo dài từ đời sống này sang đời sống khác.
Vì biết rằng, thế giới chúng ta đang sống là không hoàn thiện, là vô thường, khổ, không, vô ngã, cho nên chúng ta luôn tỉnh giác, không để cho hình dáng, màu sắc, âm thanh, v.v... của thế giới đó làm chúng ta động lòng, tham đắm, dẫn chúng ta tạo nghiệp, và nghiệp lực tạo ra lại lôi kéo chúng ta lăn lóc mãi trong vòng sanh tử luân hồi. Nhờ chánh niệm tỉnh giác, mà tâm chúng ta được giữ ở trạng thái hài hòa, cân bằng, thanh thản. Đó chính là tâm giải thoát, dẫn tới tuệ giải thoát, cuộc sống hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại.