Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cái gì trói buộc con người

14/11/201206:11(Xem: 2899)
Cái gì trói buộc con người

CÁI GÌ TRÓI BUỘC CON NGƯỜI
Thích Đạt Ma Phổ Giác

ĐÔI LỜI TÂM SỰ

caigitroibuoconnguoi-datmaphogiacNgày xưa, có hai vợ chồng nọ làm nghề nông, trong nhà có nuôi một con trâu và một con chó. Con chó được ở trong nhà, còn con trâu phải ở riêng ngoài chuồng. Mỗi ngày, trâu ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chiều tối mới về, còn chó ta chỉ việc nằm phè ở nhà dòm chừng trong ngoài trước sau.

Một hôm, trâu đi cày về, thấy chó nằm dài trước cửa nhà, mắt nhắm lim dim trông thật nhàn hạ, thoải mái, sung sướng làm trâu ganh tị, tức tối, muốn điên lên, bèn nói lời mỉa mai rằng: “chú chó nhà mày thật hạnh phúc quá, ăn rồi chỉ đi loanh quanh, lẫn quẩn trong xó nhà, lúc nào làm biếng thì nằm phè ra đó. Mày thật là có phước nhất nhà này”.

Chó nhà ta nghe trâu nói lời hậm hực, nặng nhẹ mình thì buồn bã trong lòng, nghĩ rằng trâu tuy to xác nhưng không có chút trí tuệ nào, mới phát ra những lời lẽ không được văn hóa như thế. Chó bèn nói với trâu rằng: “này anh trâu ơi, anh không thể nào hiểu hết hoàn cảnh của tôi đâu, tôi nào có sung sướng hạnh phúc gì như anh tưởng. Anh tuy làm lụng vất vả, nhọc nhằn ngoài đồng ruộng, nhưng còn có thời gian để nghỉ ngơi. Còn tôi, tuy nằm canh cửa giữ nhà trông có vẻ nhàn hạ hơn anh, nhưng thật ra tôi rất mệt mỏi và căng thẳng lắm. Tôi tuy nằm lim dim mà trong lòng lúc nào cũng lo sợ phập phòng, cứ phải nơm nớp không yên vì sợ mất mát đồ đạc của ông bà chủ, không dám lơ là hay chểnh mảng một chút nào. Nếu ngủ quên hay sơ ý để xảy ra mất trộm, thì tôi khó mà sống được yên thân. Đêm đêm, trong khi mọi người yên giấc ngủ ngon lành, thì tôi có được nghỉ ngơi gì đâu, tôi phải vểnh lỗ tai lớn ra để nghe ngóng, dòm ngó động tĩnh trước sau, đề phòng kẻ gian, hễ nghe có tiếng động gì thì phải sủa to lên để báo cho chủ nhà hay biết. Hôm nào, hai vợ chồng chủ nhà vui vẻ thì tôi được cho ăn no đủ một tí, khi hai người giận nhau hay buồn bực chuyện gì, họ đều trút đổ lên đầu tôi hết. Họ đánh, họ đá, xua đuổi, chửi mắng tôi như là con chó ghẻ vậy đó. Mỗi khi gia đình, người thân của họ đến chơi mà tôi không biết, tôi sủa, họ chửi tôi là đồ ngu dốt, “bộ mày mắt đui hả? Bạn bè họ đến chơi thì không sao, còn bạn bè tôi đến chơi thì bị họ chửi rủa, đánh đập đuổi đi. Anh trâu à, anh thử suy nghĩ coi, anh và tôi ai sướng hơn ai?”.

Trâu nhà ta nghe nói vậy mới hiểu được hoàn cảnh khổ tâm của chó, nên trong lòng rất ăn năn và hối hận vô cùng, bởi những lời nói sổ sàng, trịch thượng của mình.

Trâu ta liền xin lỗi chó: “đúng là mày còn vất vả khổ sở hơn tao rất nhiều. Tao với mày tuy ở chung một nhà, mà chưa có một lần nào được trò chuyện tâm tình, nên mới hiểu lầm mà trách móc lẫn nhau. Bây giờ tao đã hiểu hết nỗi khổ niềm đau của mày rồi, tao nghe mày nói tao mới biết, cả hai chúng ta đều khổ cả, chẳng ai sung sướng gì đâu”.

Đang nói chuyện với chó, trâu bỗng nghe tiếng chim hót ríu rít trên cành cây cao, nó nhìn lên mà ước ao được như thế, rồi ngậm ngùi thương xót cho số phận của mình và chó, sao quá khổ sở nhọc nhằn, rồi tự than thở: “bọn chim trời, cá nước thật là diễm phúc và sung sướng làm sao. Chúng có thể tự do, tự tại bay lượn, bơi lội đó đây mà không bị ngăn ngại, không bị ai giam cầm, quản thúc, không phải làm việc nhọc nhằn, vất vả, không phải chịu nỗi khổ, niềm đau của kiếp làm tôi mọi cho con người. Giá mà chúng ta, có được cuộc sống vui vẻ như hai loài chim, cá thì vui sướng hạnh phúc biết chừng nào”.

Khi ấy, một chú chim nghe lời trâu than vãn, bèn đáp lên lưng trâu mà nói rằng: “bác trâu ơi, bác đâu có biết, chúng cháu cũng chả sung sướng gì như bác nghĩ đâu. Tuy loài chim chúng cháu không phải trông nhà giữ cửa, không phải đi cày ruộng, không phải chịu cảnh tù túng bó buộc kèm kẹp của con người, nhưng chúng cháu cũng có nỗi khổ, niềm đau riêng của mình, bác trâu ạ. Mạng sống chúng cháu luôn bị đe dọa từng ngày, chúng cháu lo sợ các chú chim lớn rình mò, chụp bắt đã đành, lại còn lo sợ những kẻ thợ săn có thể bắn chết chúng cháu bất cứ lúc nào không hay. Tổ của chúng cháu làm rất khó khăn, vất vả biết bao, chưa chắc đã ở được lâu ngày vì sự phá hoại của con người. Trứng chúng cháu sinh ra chưa kịp nở, thì đã bị con người lén lấy mất. Loài người lúc nào cũng biết thương yêu, chiều chuộng con cái của mình, nhưng nào biết thương hại các loài vật đâu. Các chú, các bác chỉ bị hành hạ làm lụng khổ sở nhọc nhằn đôi chút, còn chúng cháu lúc nào cũng sống trong lo âu sợ hãi, vì loài người hay tìm cách tước đoạt mạng sống của chúng cháu nữa. Các bác biết đó, đâu phải chết rồi là được yên thân, loài người tàn nhẫn hơn khi đem đi nhổ lông, vặt cánh, xẻ thịt, nấu nướng, làm đủ thứ các món thức ăn, thân thể chúng cháu bị tan nát rã rời. Loài người ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ có trí khôn của mình nên mặc tình sát sinh, hại vật, nào có biết thương yêu, tôn trọng sự sống của muôn loài gì đâu. Các chú, các bác có cái khổ của các chú, các bác, còn chúng cháu cũng có cái khổ của chúng cháu, sống mà cứ phập phòng nơm nớp lo sợ trong từng phút giây, sống được ngày nào thì mừng cho ngày đó. Thật ra, trên cõi đời này không có loài vật nào được sung sướng cả, nếu có cũng phải trả một giá rất đắc đối với loài người vô liêm sỉ đó”.

Bầy cá đang ở dưới nước, nãy giờ nghe bác trâu nói mình sung sướng, thoải mái quá, nên cũng không đồng ý mà vội vàng phân bua rằng: “Dạ, xin thưa với các bác, loài cá chúng con cũng không sung sướng hạnh phúc gì lắm đâu. Nhà cá chúng con thường bị loài người giăng lưới đánh bắt, mỗi lần bị sát hại chết đến cả hàng ngàn, hàng vạn con không sao kể hết tội lỗi của loài người. Chúng con lúc nào cũng sống trong lo âu, sợ hãi. Loài người rất khôn ngoan và mưu ma chước quỷ. Nơi nào có chúng con ở là loài người dùng đủ mọi cách câu giăng, lưới bắt, tát cho bằng được. Cá lớn, cá nhỏ gì chúng đều lượm sạch ráo, chẳng tha con nào. Bắt bằng tay, bằng lưới không được thì loài người dùng điện chích, bỏ thuốc độc, để bắt cho được hết loài cá chúng con, các bác ạ”.

Trâu nghe chim và cá nói như vậy, mới cảm thấy thương hại cho các loài vật mà ngửa mặt lên trời, than oán thở dài: “Hóa ra các loài vật chúng ta ai cũng khổ hết. Tại sao thượng đế tạo ra nỗi bất công lớn lao thế này, chỉ có con người là được sống sung sướng, hạnh phúc nhất trên cõi đời này mà thôi”.

Nói như thế rồi trâu ta buồn bã bỏ đi vào chuồng, nằm suy nghĩ mông lung về thân phận của nó và các loài vật khác sao mà khốn khổ quá. Nó nghĩ mà tức giận thượng đế vô cùng. Tại sao ông ta quá bất công, tàn nhẫn, bất cứ loài vật nào cũng bị con người hiếp đáp, làm hại. Cho đến chúa tể sơn lâm hung dữ, ác độc lừng danh như loài cọp mà cũng bị loài người dùng trí khôn để khống chế. Trâu ta rống lên tiếng rống bi ai, não nuột: “Cuộc đời sao quá bất công, loài người được quyền ăn trên, ngồi trước, có tri thức, hiểu biết, mà tại sao tàn ác, nhẫn tâm đối xử tệ bạc với các loài vật thế này. Ấy vậy mà họ lại được ăn sung, mặc sướng, không phải chịu một sự đau khổ nào”.

Đang lúc đó, bỗng trâu nghe rõ ràng tiếng quăng chén, bát, đĩa, muỗng cùng nhiều thứ đồ đạc khác trong nhà vọng ra. Nó lắng tai nghe kỹ mới biết hai ông bà chủ đang lớn tiếng gây gỗ, cãi vã, chửi mắng lẫn nhau. Tiếng ông chủ gào lên trong cơn giận dữ: “Trời ơi, hãy ngó xuống mà coi, sao tôi phải chịu nhọc nhằn khổ sở đến như thế này, làm người gì mà không bằng con trâu, con chó trong nhà nữa. Con trâu đi cày còn có được thời gian để nghỉ ngơi, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu, đa đoan với nhiều công việc, nào là phải lo nhà cửa, vợ con, cơm ăn, áo mặc, tiền bạc, đám tiệc, hội hè, đình đám, đủ thứ, làm quần quật suốt cả đêm ngày mà không có lúc nào rảnh rỗi, nghỉ ngơi. Tôi phải thức khuya, dậy sớm, đầu tắt mặt tối, làm lụng nhọc nhằn, vất vả khổ sở như vậy, là vì ai? Vậy mà bà vẫn không vừa ý, hài lòng, để cho tôi được yên thân một chút, hễ thấy mặt tôi là bà hạch sách, cằn nhằn, càm ràm, đủ thứ hết. Bà vừa phải thôi chứ, bà mà làm quá tôi sẽ cho cả nhà ra hết chuồng trâu mà ở, để cho vừa lòng hả dạ mấy người”.

Nghe ông chủ nhà nổi nóng, to tiếng quát tháo ầm ỉ lên, trâu ta bỗng giật mình, bất giác mà ngậm ngùi than thở rằng: “ Té ra, cuộc sống trên cõi đời này đâu có ai hoàn toàn được sung sướng mà dám bảo đảm rằng mình không bao giờ nhọc nhằn, khổ sở đâu? Từ con người cho đến muôn loài, muôn vật, ai cũng phải khổ hết, vì có thân này là có khổ”.

Trong cuộc sống, mỗi người có một hoàn cảnh, sự nghiệp khác nhau. Từ người lãnh đạo đất nước cho đến thứ dân bần cùng đều phải làm việc để lo cơm áo, gạo tiền và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội. Người nắm cán cân công lý thì chịu trách nhiệm chung lo duy trì hài hòa bảo đảm đời sống an vui, hạnh phúc cho toàn dân. Binh sĩ lo bảo vệ biên cương, bờ cõi, an ninh quốc gia. Thương nhân lo kinh doanh, buôn bán. Nông dân và công nhân tích cực lao động, sản xuất. Tu sĩ lo gìn giữ đạo đức tâm linh để giúp nhân loại chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay hiện tại và cho cả tương lai.

Chính vì thế, tu sĩ Phật giáo giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hiện tại. Họ không phải là những người lười biếng, ăn bám xã hội. Họ có trọng trách thiêng liêng, cao quý là giúp nhân loại chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Thế gian này, nếu con người sống không có nhân cách đạo đức tốt đẹp, không có luân thường đạo lý, thì xã hội sẽ là một bãi chiến trường đẫm máu, mà lịch sử loài người đã chứng minh thực tế rõ ràng. Từ mấy ngàn năm lịch sử, chiến tranh nhân loại xảy ra cũng vì lòng tham lam, ích kỷ của con người.

Nhưng nếu trong cuộc sống, ai cũng có ý thức sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, mà cùng nhau chia vui, sớt khổ, hay làm những việc thiện lành, để đem lại an vui, hạnh phúc cho nhân loại, thì thế gian này sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Ngược lại, con người sẽ chỉ làm khổ nhau, vì tâm tham lam, ích kỷ, hẹp hòi; vì tâm si mê, ganh ghét, tật đố, sân hận, muốn bảo vệ quyền lợi cho chủ nghĩa cá nhân. Đó là một lẽ thực trong cuộc sống hiện tại, nên Phật vì lòng từ bi, thương xót chúng sinh, mà khuyên nhủ chúng ta không nên giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối hại người, và không dùng các chất độc hại, như rượu chè be bét, hút chích xì ke, ma túy, mà làm khổ đau cho nhau.

Song, nếu quán chiếu theo tuệ giác của Thế tôn, thì thế gian này khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Khổ và vui như hai mặt lật úp của một bàn tay, đan xen, chồng chéo nhau như một mạng lưới vô hình giăng bủa khắp cuộc đời chúng ta, không một ai có thể thoát được. Ngoại trừ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã vượt qua được mất, khen chê, tốt xấu lẫn khổ vui của cuộc đời, để thành tựu đạo quả giác ngộ, giải thoát dưới cội Bồ Đề. Ngài đã tìm ra chân lý kiếp người, và biết cách làm chủ bản thân, không bị lệ thuộc vào đấng thần linh, thượng đế ban phước, giáng họa.

Cuộc sống này người trẻ có những cái khổ của người trẻ, người già có những cái khổ của người già, người giàu có những cái khổ của người giàu, và người nghèo có những cái khổ của người nghèo. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có những cái không được hài lòng, như ý. Ai cũng có những nỗi khổ về thân như nóng lạnh, bị muỗi mòng chích đốt. Trong gia đình, con người khổ vì phải sinh, già, bệnh, chết. Ngoài xã hội, con người khổ vì đấu tranh, giành giựt miếng ăn để sống, và đủ thứ nỗi khổ, niềm đau đến với con người: yêu thương, xa lìa nên khổ; lòng oán ghét mà ngày nào cũng gặp nhau là khổ; mong cầu mọi việc mà không được vừa ý cũng khổ. Khổ là một sự thật của muôn loài chúng sinh. Vậy, chúng ta muốn hết khổ thì phải làm cách nào?

Có ai sống mà không lo lắng, không hối tiếc, không trông mong, không nhớ nhung, không sầu khổ hay không nuối tiếc, hy vọng một điều gì đó? Có ai sống mà không biết phiền muộn khổ đau, thất chí nản lòng, bi quan yếm thế, chán chường trong cô đơn tuyệt vọng? Có ai dám bảo đảm rằng ta hoàn toàn khỏe mạnh, thoải mái cả hai về mặt thể xác lẫn tinh thần? Chắc chắn là không có ai, ngoài trừ các vị đại Bồ tát và chư Phật thị hiện vào đời để giáo hóa chúng sinh. Cho nên,

Biển cả mênh mông sóng ngập trời.

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi

Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió

Nhìn lại, cùng trong biển khổ thôi.

Qua câu chuyện ngụ ngôn trên, sở dĩ con người và muôn loài vật phải chịu nhiều đau khổ trong đời, chính là do nhân ham muốn luyến ái dục lạc, mà chúng ta nỡ nhẫn tâm tàn sát, giết hại lẫn nhau. Loài vật vì ngu si, mê muội nên phải bị đọa lạc vào chỗ thấp hèn để trả quả xấu ác. Con người có phước hơn, vì có hiểu biết và nhận thức sáng suốt, nếu biết vận dụng theo chiều hướng thượng thì đem lại an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh; ngược lại, sẽ gieo đau thương, tang tóc cho muôn loài, thì phải chịu quả báu khổ đau, cùng cực.

Đạo Phật nói cuộc đời là biển khổ mênh mông không có ngày thôi dứt, vì nhân loại tranh giành, giết hại, ăn nuốt lẫn nhau, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu. Thân đau khổ bởi sinh già bệnh chết, tâm đau khổ vì phiền não tham sân si; trong gia đình khổ vì phải lo cơm áo gạo tiền, rồi thương yêu, ái ân xa lìa khổ, ngoài xã hội lại khổ vì đấu tranh, giành giựt, hơn thua, phải trái, cứ như thế oán thù ngày thêm chồng chất; còn hoàn cảnh phải khổ về thiên tai, sóng thần, động đất, bão lụt, chiến tranh không có ngày cùng, vì sự ngu si, tham lam, mê muội của con người.

Những nỗi khổ, niềm đau của muôn loài không bao giờ chấm dứt, vì nhân tương tàn, tương sát lẫn nhau. Cho nên, ta phải biết khôn ngoan, sáng suốt, lựa chọn con đường hướng thượng, để rèn luyện nhân cách đạo đức. Ta biết cách làm chủ bản thân mà vươn lên, vượt qua cạm bẫy cuộc đời, nhờ giữ gìn năm giới của nhà Phật: không giết hại, trộm cướp, lường gạt, tà dâm, nói dối, và dùng các chất kích thích như rượu, xì ke ma túy, để làm tổn hại cho nhân loại.

Khi ta nhận biết cuộc đời là một trường đau khổ, và cái khổ sẽ tác động đến tất cả mọi người, từ vua chúa, quan quyền, cho đến dân đen, con đỏ. Những nỗi khổ, niềm đau trong kiếp người không biết bao giờ kể xiết, nó đeo đẳng chi phối đời sống của ta như bóng theo hình. Người nghèo phải khổ vì dãi nắng dầm mưa, đầu bán cho trời, lưng bán cho đất, nợ nần chồng chất, con cái thất học, bệnh tật đau yếu, vợ chồng ly tán. Người giàu phải khổ vì quyền cao chức trọng, sợ người tài giỏi hơn mình, luôn sống trong lo âu sợ hãi, sợ tiền tài bị mất mát, và nỗi khổ đau nhất là con cái bất hiếu, phá sản vì bê tha, nghiện ngập. Xét cho cùng, đã có thân này là có khổ; cho nên, ta cần phải cố gắng tu tâm dưỡng tánh, để biết cách làm chủ bản thân mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Bản thân chúng tôi đã trải qua một thời si mê, dại dột như thế, nên phải chịu nhiều đau thương, thống khổ cùng cực, do thấy biết sai lầm với quan niệm chết là hết, không có nhân quả, nghiệp báo, tội phước gì. Nhờ gặp Phật pháp, dưới sự chỉ dạy nhiệt tình của thầy tổ cùng chư huynh đệ thiện hữu tri thức, tôi dần hồi có tỉnh giác, để làm mới lại chính mình mà vươn lên, vượt qua số phận tối tăm.

Đức Phật vì lòng từ bi mà thương xót chúng sinh, nên đã chỉ ra nỗi khổ, niềm đau, chỉ dạy phương pháp dứt khổ, để chúng ta cùng được sống trong bình yên, hạnh phúc. Khổ là một sự thật. Chúng tôi kính mong mọi người hãy nên chín chắn, suy xét kỹ càng, kiểm soát chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói, cho đến hành động, để khi ta làm điều gì đều không làm tổn hại cho mình và người. Phần lớn, mọi người tìm đến chùa học hỏi, tu tập đều do gặp hoàn cảnh trắc trở, khổ đau trong đời sống hằng ngày. Mà khổ từ đâu ra? Từ sự chấp trước ham muốn luyến ái dục vọng mà ra cả.

Đôi lời tâm sự chân thành, xin được kết nối yêu thương cùng với tất cả mọi người qua đề tài “Cái gì trói buộc con người.”

Kính ghi

Phong Trần Cuồng Nhân

Chúng tôi chú giải Kinh Pháp Cú không theo thứ tự từ trên xuống dưới, mà trích dẫn ngay phẩm ái dục, phân tích theo góc độ xưa và nay, để tự giúp mình tìm tòi, học hỏi và áp dụng tu tập, nhằm chuyển hóa thói quen thâm căn cố đế là ham muốn, đam mê luyến ái, khoái lạc tình dục. Chúng tôi không giải thích theo từng bài kệ một, mà phân tích thẳng vào sự tác hại của ái dục cùng dẫn chứng những câu chuyện Phật chỉ dạy cách diệt trừ ái dục. Kính mong tất cả chư huynh đệ pháp lữ gần xa đạt ý quên lời.

Bởi đây là thói quen si mê nặng nề nhất của chúng tôi. Trong hiện đời, nó đã làm cho tôi điên đảo, vọng động, rơi vào vòng tù tội, và xém chết nhiều lần. Mãi đến khi chúng tôi được đầy đủ phúc duyên xuất gia tu học tại Thiền Viện Thường Chiếu, tôi vẫn bị dục vọng ham muốn luyến ái nam nữ cuốn hút nặng nề, xuýt chút nữa là tôi bị rơi rớt khổ lụy, bởi vì “tình xưa nghĩa cũ”. Chính vì vậy, tôi chọn phẩm ái dục trong Kinh Pháp Cú chú giải trước.

Trong kinh diễn tả phẩm này như là chiếc lưới ái ân. Đức Phật thí dụ hình ảnh chiếc lưới để ví với sự mất tự do của một người khi bị vướng vào ái dục. Chữ lưới được lặp lại hai lần là lưới ái và lưới dục. Trong bài 12 lời nguyền trong sám hối sáu căn tại Thiền Viện Thường Chiếu, có 6 nguyền là lưới ái lìa buộc ràng. Qua đó, chúng ta thấy, ái là gốc của luân hồi sinh tử, hễ còn ái là còn khổ đau, dứt ái, lìa được ái, thì ta một đời thong dong, tự tại, an nhiên giải thoát, không bị sự trói buộc của nó làm ta vô minh, đắm say, mê muội.

Mới đọc qua bản kinh, chúng ta có cảm tưởng như bài kinh được dạy riêng cho người xuất gia, nhưng khi nghiên cứu kỹ, chúng ta thấy người cư sĩ tại gia cũng có thể áp dụng thực tập và hành trì. Những người tại gia, dù sống đời sống lứa đôi có tình yêu thương để duy trì giống nòi nhân loại, phải có vợ, có chồng, xây dựng hạnh phúc gia đình để phát triển tình yêu thương nhân loại, là chuyện đương nhiên trong đời sống xã hội, nhưng ta phải thương yêu như thế nào để không bị lưới ân ái hoàn toàn trói buộc, mà gây khổ đau và làm tan nát hạnh phúc gia đình.

Đứng về phương diện hành trì để chuyển hóa luyến ái nam nữ thì người xuất gia dễ dàng thực tập hơn người tại gia, vì người xuất gia sống trong môi trường rất thuận lợi về mọi mặt. Những vị xuất gia tại Thiền Viện Thường Chiếu phải tự lao động công ích, tự làm, tự nấu ăn, tự dọn dẹp, sắp đặt mọi thứ công việc mà không bị lệ thuộc các Phật tử bên ngoài như các chùa khác. Quý thầy không được xem truyền hình, không được đọc sách báo, tiểu thuyết tình cảm, nên không thấy những hình ảnh khêu gợi ái dục trong phim ảnh hay sách báo. Do đó, tâm luyến ái dục vọng cũng bị hạn chế, và lần theo thời gian để từng bước chuyển hóa ái dục.

Tuy có điều kiện thuận lợi trong việc tu học như vậy, nhưng lâu lâu quý thầy cũng bị cọp tha rồi ra đời lấy vợ, có ai hỏi thì đổ thừa tại nghiệp tôi nặng quá. Trên thực tế, một bên chịu, một bên không, thì làm sao có chuyện kết nối yêu thương; tại vì hai bên đều đồng ý thích thú nên mới cùng nắm tay nhau xây dựng tổ ấm gia đình. Ta thấy, luyến ái nam nữ là căn bệnh trầm kha từ vô thủy kiếp đến nay. Thế gian này thiếu nó thì không thể tồn tại, đời sống con người sẽ khô khan, cằn cỗi, chẳng ai thèm xây dựng đóng góp làm gì nữa. Chính tình yêu thương đó thúc đẩy con người sống, làm việc, phục vụ, để xây dựng hạnh phúc gia đình và bảo vệ nhau. Tình yêu tăng trưởng mãi thì chắc chắn sẽ đưa đến nhu cầu tình dục, và khi đi tới tình dục thì sẽ làm tan vỡ tất cả, nhất là đối với người xuất gia. Vì vậy, ta không thể coi thường, đừng tưởng là không sao, phải lo ngay mà đề phòng từ lúc ban đầu.

Nếu đó là tình thầy trò thì không sao, nhưng nếu nó có hơi hướm của luyến ái, yêu thương, thì mình phải biết rõ nó sẽ dẫn tới những khoái lạc dục tính. Chuyện này đã có xảy ra trong đại chúng. Một vị thầy với một Phật tử nữ, hai người đã thường xuyên tiếp xúc qua lại bằng điện thoại và sự gặp gỡ hàng tuần, hàng tháng, rồi cuối cùng rủ nhau ra đi, xây dựng tổ ấm yêu thương. Vì vậy, mình phải thấy cho rõ, đây có phải là tình thầy trò hay không? Nếu nó có màu sắc của ái dục thì ta phải cẩn thận, nếu để nó làm ta nhớ thương mỗi khi không được tiếp xúc, nói chuyện, thì đây là nguyên nhân sẽ đưa ta tới sự gần gũi. Mới đầu, ta chỉ gặp gỡ, trao đổi, thưa hỏi đạo lý tu tập với tình thầy trò, nhưng với thời gian, nước ái sẽ thấm dần vào trong trí não, nên ta phải nhớ mình đã xuất gia, mình đã có chí nguyện đi theo sự nghiệp của Đức Thế Tôn, nên mình phải biết khôn ngoan, sáng suốt chọn lựa. Muốn vượt qua sự luyến ái đó, chư huynh đệ phải biết quan tâm, khuyên nhủ, nhắc nhở lẫn nhau. Khi có ai nhắc nhở mình, thì mình phải chắp tay lại xin cám ơn người đó. Nếu làm được như thế, ta mới có năng lực làm chủ bản thân, vượt qua sự quyến rũ hấp dẫn của ái dục.

Trong khi đó, người tại gia sống ở ngoài đời, phải tiếp xúc chung đụng nhiều thứ, lại không có những giới luật ngăn cản và bảo hộ, nên những hạt giống của ái dục rất dễ thấm vào lòng mọi người. Do đó, Phật chế ra giới cho người tại gia là không được tà dâm, để giúp Phật tử sống hạnh phúc lứa đôi một vợ một chồng. Đứng về phương diện đó mà nói thì tu tại gia và tu chợ, khó hơn tu chùa rất nhiều, vì người tại gia phải tiếp xúc, gặp gỡ thuờng xuyên để giữ mối quan hệ gia đình, bè bạn và giao dịch làm ăn trong xã hội.

Con đường xuất gia vốn là con đường dễ dàng nhất để quý thầy cô có cơ hội chuyển hóa lưới ái dục. Tuy nói vậy, con đường chuyển hóa ái dục không đơn giản tí nào. Nếu không biết cách, nếu không quyết tâm dứt khoát xa lìa cội gốc luân hồi, sinh tử, thì sẽ trở thành con ma lơ lớ làm tổn hại nhiều người hơn, và làm mất đi giống nòi nhân loại, vì cái bệnh nam ái nam, nữ ái nữ. Đây là căn bệnh làm đau đầu thế giới loài người, nếu ở trong chùa mà như thế thì phá hủy đời người tu. Đây là loại ma của thời hiện đại, đang có chiều hướng gia tăng trong rất nhiều chùa. Quý thầy cô nếu không chịu nổi đời sống độc thân để tu hành, chuyển hóa ái dục, thì cứ ra đời lấy vợ, lấy chồng bình thường. Còn nếu ở trong chùa mà lơ lớ như thế thì tội lỗi biết chừng nào.

Đối với người tại gia, cuộc sống cần có tình yêu thương nam nữ để xây dựng hạnh phúc gia đình, nên Phật vì lòng từ bi, thương xót chúng ta mà chế ra giới không tà dâm, sống chung thủy một vợ một chồng để đảm bảo hạnh phúc lứa đôi. Ái không phải chỉ là tình cảm giữa nam và nữ, mà nó còn có ý nghĩa khác là lòng nhân ái, là tình yêu thương nhân loại, là tình người trong cuộc sống. Chữ ái không có nghĩa là vướng mắc mà có nghĩa là thương yêu.

Chữ dục đứng riêng có nghĩa là khao khát, thèm muốn, hay nói gọn lại là thèm khát. Khi hai chữ đứng riêng thì ta rất dễ hiểu, một bên là tình thương (ái) và một bên là ham muốn (dục). Nhưng khi gộp hai chữ lại thành chữ ái dục thì ta hơi khó hiểu, vì trong ái có dục, trong dục có ái.

Đức Phật khuyên dạy người xuất gia hãy nên diệt trừ nguồn gốc ái dục. Vì ái là yêu thích, thương yêu, mến tiếc, luyến ái, tham ái, bám víu. Dục là sự ham muốn hưởng thụ dục lạc. Ái dục là lòng ham muốn, luyến ái, bám víu, tham cầu hưởng thụ mọi sự sung sướng thường tình đối với tất cả chúng sinh trên thế gian này. Cho nên có ba loại ái dục:

1. Ái dục theo ngũ trần nhục dục: Là năm cảnh trần sắc, thanh, hương, vị, xúc. Trần là bụi dơ. Ngũ trần là năm cái có thể làm cho bụi dơ dính vào thân tâm ta. Mắt thấy sắc và bám vào đó rồi cho là đẹp xấu, dẫn đến thương yêu hay ghét bỏ, thích thì luyến ái tìm cách chiếm đoạt, ghét thì tìm cách hãm hại, hủy nhục nhau; tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế.

2. Ái dục bám víu theo khoái lạc vật chất, theo quan niệm chết là hết, nên ta không cần quan tâm đến thiện ác, tội phước, nhân quả nghiệp báo gì cả, mà cứ lo hưởng thụ mọi lạc thú vật chất và sự giàu có trong hiện tại.

3. Ái dục bám víu theo khoái lạc vật chất, theo quan niệm thường kiến nghĩ rằng, những lạc thú và tài sản sẽ còn mãi với mình, lâu dài, vĩnh cửu, trường tồn, dù có chết rồi tái sinh cũng lại như thế.

Kinh Pháp Cú Phật chỉ cho ta thấy rõ ái dục là nguồn gốc của mọi sự đau khổ trong đời, là sức mạnh hấp dẫn, thúc đẩy con người tìm sự thỏa mãn lòng ham muốn ích kỷ bằng mọi cách. Ái dục là cạm bẫy nguy hiểm nhất, vì khi được toại nguyện nó sẽ đem lại cảm giác khoái lạc, hay thỏa mãn đầy đủ cho con người. Chính vì vậy, lòng ham muốn ái dục của con người cứ thế tăng trưởng thêm mãi theo thời gian. Cho nên, không cần ai chỉ dạy mà ta vẫn bị ái dục lôi cuốn, hấp dẫn đến ngớ ngẩn người.

Trong nhà thiền có câu chuyện “con cọp dễ thương”. Thuở xưa, tại một đồi núi hoang vắng, có một thiền sư sống ẩn dật, tu hành nơi đây. Trong lúc hóa duyên, sư tình cờ gặp đứa bé nằm bên bìa rừng, khóc thét lên từng hồi; động lòng thương xót nên sư đem đứa bé về nuôi dưỡng. Chú bé lớn lên nhờ sự chăm sóc của thiền sư giàu lòng nhân ái, sống giữa rừng núi hoang vu không một bóng người qua lại.

Thắm thoắt 18 năm đã trôi qua, chú bé giờ đây đã lớn khôn nhưng chưa bao giờ giáp mặt với con người. Bạn bè chú là những con thú rừng hiền lành như hươu, nai, khỉ, vượn, và các loài chim chóc khác. Tâm hồn chú trắng tinh như tờ giấy trắng với thiên nhiên đồi núi chập chùng, vui vẻ hài hòa với các loài thú yêu thương bé bỏng trong rừng sâu. Thiền sư thường nói với chú tiểu, ở trên đời này loài cọp là dữ hơn hết, chớ nên gần gũi nó, ai gần là bị nó nhai cho tan xương, nát thịt. Chú tiểu cũng hay hỏi chị em nhà hươu, nhà nai trong rừng loài nào là dữ nhất, cả hai đều đáp cọp là loài dữ nhất, nó chuyên ăn thịt các loài thú khác để bảo tồn mạng sống. Các loài thú trong rừng chỉ cần nghe hơi và tiếng rống của nó thôi, là sợ đến té đái cả bầy, anh hãy nên tránh xa nó ra.

Một hôm, được tin người bạn đồng tu trong cơn bệnh nặng khó qua khỏi, Thiền sư liền quảy túi xuống núi cùng với đệ tử của mình. Chú tiểu chưa bao giờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hôm nay được dịp, chú ngắm nhìn đủ thứ màu sắc với nhiều hình ảnh đẹp trong thế giới con người. Trên đường trở về, hai thầy trò tình cờ gặp một thiếu nữ tuổi vừa trăng tròn, dáng người thon thả, xinh đẹp làm sao. Chú tiểu ngạc nhiên nhìn dáng vẻ xinh đẹp của người khác phái một cách say sưa, đắm đuối, đôi mắt chú cứ nhìn chăm chăm vào người con gái ấy như lạc vào mê hồn trận của cõi thần tiên. Thiền sư thấy thế bảo chú đệ tử đi nhanh về núi, kẻo trời tối.

Chú tiểu ngớ ngẫn cả người ra mà hỏi, “dạ thưa thầy, đây là con gì vậy?”

Thiền sư nhanh miệng nói, “cọp cái đó con, đi lẹ lên con ơi, kẻo cọp xơi bây giờ!”. Hai thầy trò cũng đã kịp về đến núi, trước khi trời tối.

Kể từ đêm hôm đó, chú tiểu bắt đầu thao thức, trăn trở không sao ngủ được, chẳng thiết gì đến việc ăn, việc uống. Chú cứ nhớ mãi về hình ảnh con cọp cái đó sao mà dễ thương, xinh đẹp vô ngần, nhất là khi cười để lộ hai hàm răng trắng đều như hạt bắp.

Bị sự dằn dặc bởi sức hấp dẫn lạ kỳ đó, chú tiểu không chịu nổi, cứ nhớ mãi hình ảnh và bóng dáng đó, làm con tim chú rung lên bần bật như muốn vỡ ra, chú ta đành đến thú thật với thiền sư: “Sư phụ ơi, sao con cứ nhớ đến con cọp cái đó quá chừng, thà con tìm gặp nó, để cho nó ăn thịt con cho rồi. Con thà chịu mất mạng, mà trong lòng cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng. Từ nhỏ đến giờ, con chưa từng trải qua cảm giác nhớ nhung, thương yêu, trìu mến, lạ lùng đến thế kia. Dạ thưa sư phụ, con phải làm sao đây?”.

Chú tiểu kia đã bị tiếng sét ái tình làm rung động cả trái tim ngây thơ, hiền lành, chất phát của thuở nào.

Thiền sư chỉ ú ớ vài tiếng mà không nói nên lời. Thiền Viện Thường Chiếu bây giờ có trên 100 vị thầy tu trẻ như thế, ít ra cũng có vài thầy xin nạp mạng mình cho cọp nhai nát xương chơi. Câu chuyện được tạm dừng, xin mời chư huynh đệ pháp lữ gần xa tự tìm ra đáp án cho chính mình.

Chú tiểu đó có duyên ở núi tu hành, chưa từng biết con người là gì, ấy thế mà khi có duyên sự xuống núi cùng thầy, chỉ một lần thoáng thấy tuy chưa được tiếp xúc, đã ngớ ngẩn người như kẻ mất hồn. Chính vì vậy, ai dính mắc vào luyến ái, đam mê, tham muốn dục vọng, không biết chừng nào mới thoát ra được. Một khi đã nói đến sự luyến ái, tức là sự thèm khát và ham muốn về ái dục. Đã là con người, thật khó có thể thoát ly vĩnh viễn được ái dục, ngoài trừ các vị đại Bồ tát. Chính vì vậy, Phật đã đưa nhiều hình ảnh thí dụ sống động về sự tác hại của ái dục, mà khuyên người xuất gia phải cố gắng tu học cho tốt, để vươn lên, vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Vậy, Phật có yêu thương không? Phật yêu thương còn nhiều hơn nữa, bởi trái tim của Phật vốn có tình yêu thương bình đẳng không giới hạn. Cho nên, ta phải thấy rằng, hễ là con ngườì thì ai cũng có hạt giống của tình dục. Trong tình yêu lúc nào cũng có gốc rễ của tình dục, vì sự thèm khát và ham muốn, nên ta luyến ái, yêu thương, chấp trước, bám víu vào đó, để thỏa mãn được khát vọng của mình. Ta tu tập là để chuyển hóa sự luyến ái, ham muốn cho riêng mình thành tình yêu thương chân thật vì mọi người.

Khi ta đã chọn con đường xuất gia, con đường để chuyển hóa sự yêu thương, ích kỷ của riêng mình, thì ta phải khép lại cánh cửa ái ân, để mở rộng tình yêu thương rộng lớn cho tất cả chúng sinh. Như vậy không có nghĩa ta cho rằng ái ân là một tội ác. Ái ân là tình yêu thương của nhân loại, nhưng vì ta đã chọn cho mình một con đường để mở rộng tấm lòng nhân ái bằng tình yêu thương chân thật. Như chúng ta đã thấy, con đường thương yêu của Phật không hề bị hệ lụy, khổ đau, ràng buộc chi phối. Con đường này không làm cho ta phiền muộn khổ đau, nhờ ta biết đem lại bình yên, hạnh phúc cho nhân loại. Sau khi ta khôn ngoan, sáng suốt, lựa chọn con đường của Phật rồi, ta phải đóng kín lại cánh cửa ái ân, mở rộng cánh cửa bình đẳng yêu thương nhân loại.

Đôi lời tâm sự chân thành vì tôi cũng từng là một chúng sinh si mê vô độ, say đắm luyến ái sắc dục nam nữ như cục nam châm khi gặp sắt. Tuy có duyên xuất gia nhưng vẫn chưa đủ sức làm chủ bản thân mỗi khi gặp người khác phái. Tôi vẫn biết mình còn yếu kém, dở tệ như thế, nên với tâm hổ thẹn trình bày ra đây, để chúng ta cùng cảm thông và tha thứ cho nhau, cùng ráng gắng tu tập nhiều hơn, để vượt qua luyến ái buộc ràng.

Bản Kinh Pháp Cú do Tâm Minh - Ngô Tằng Giao chuyển dịch thơ phẩm “ái dục” gồm có 26 bài kệ. Chúng tôi chọn bản dịch này vì nghĩa lý đầy đủ, ý nghĩa sâu sắc theo lời Phật dạy để chú giải.

(334)

Sống đời say đắm buông lung

Thì lòng ái dục vô cùng tăng nhanh

Giống như giữa chốn rừng xanh

Dây leo, cỏ dại mặc tình tràn lan,

Đời người tiếp nối miên man

Khác gì khỉ, vượn đang tham quả rừng

Chuyền cây liên tục chẳng ngừng.

(335)

Nếu mà ở cõi trần gian

Bị điều ái dục buộc ràng vây quanh

Thời bao sầu khổ tăng nhanh

Như là cỏ dại thỏa tình hứng mưa.

(336)

Đời này nếu bản thân ta

Khi điều ái dục vượt qua chẳng màng

Thời bao sầu khổ lìa tan

Như mưa trơn tuột khỏi hàng lá sen.

(337)

Điều Như Lai dạy các ngươi:

"Lành thay cho kẻ họp nơi chốn này

Nhổ cho sạch gốc rễ ngay

Diệt trừ ái dục thẳng tay từ nguồn

Như là nhổ rễ cỏ hoang

Chớ nên để lũ Ma quân dục tình

Quẩn quanh phá hoại tâm mình

Như cơn nước lũ tung hoành bụi lau".

(338)

Đốn cây mà chẳng chịu đào

Hết luôn gốc rễ bám vào đất sâu

Thì cây lại mọc ra mau,

Đoạn trừ ái dục khác nào đốn cây

Đoạn cho căn gốc sạch ngay

Nếu không khổ não mãi quay trở về.

(339)

Người ham ái dục luôn luôn

Theo ba mươi sáu dòng tuôn bạo tàn

Cuốn vào cảnh dục dễ dàng.

Những người ái dục dâng tràn trong tâm

Bị dòng ái dục cuốn phăng.

(340)

Dòng sông ái dục dâng tràn

Như dây leo dại mọc lan khắp miền,

Thấy dây leo mới nhô lên

Dùng gươm trí tuệ diệt liền cho mau

Diệt trừ tận gốc thật sâu.

(341)

Người đời ái dục thích ham

Nên ưa rong ruổi theo làn sóng xô

Ngụp chìm biển dục vô bờ

Tuy cầu hạnh phúc khó mà thành công

Vẫn còn trong chốn trầm luân

Quẩn quanh sinh tử vẫy vùng thoát đâu.

(342)

Người mà ái dục bao trùm

Kinh hoàng như thỏ vẫy vùng lưới kia

Sa vào bẫy, sợ kể chi,

Não phiền, ái dục chẳng lìa cho mau

Khổ đau càng chịu dài lâu.

(343)

Người mà ái dục bao trùm

Kinh hoàng như thỏ vẫy vùng lưới kia

Sa vào bẫy, sợ kể chi,

Tỳ Kheo ái dục gắng lìa cho mau

(344)

Người lìa ái dục, xuất gia

Sống vui ở chốn rừng già, núi sâu

Để rồi một sớm quay đầu

Xuôi dòng ái dục thương đau về nhà,

Kẻ hoàn tục đáng xót xa

Cởi ra rồi lại tự ta trói vào.

(345)

Với người trí tuệ mở mang

Dù cho trói buộc bằng phương tiện gì:

Dây gai, cây, sắt sá chi

Nào đâu vững chắc, chẳng hề bền lâu!

Riêng lòng luyến ái khát khao

Vợ con, châu báu quyện vào chẳng xa,

Trói này sao gỡ cho ra!

(346)

Những người có trí nói rằng:

"Dây này trói buộc ngày càng chắc thêm!"

Dây tuy mềm mại, êm đềm

Nhưng mà sao dễ nhận chìm người ta

Khó mà tháo gỡ cho ra

Thế nên người trí lìa xa dục tình

Cắt dây luyến ái cho nhanh

Tự mình giải thoát, tu hành bản thân.

(347)

Những người ái dục đắm chìm

Xuôi dòng ái dục vào miền khổ đau

Lọt vòng dây trói trước sau

Tựa như con nhện mắc vào lưới giăng.

Ai mà dứt mọi buộc ràng

Không còn ái dục, chẳng vương não phiền.

(348)

Mặc cho quá khứ trôi đi

Níu chi hiện tại, chờ gì tương lai

Rời mau bến thảm cuộc đời

Vượt qua bờ nọ là nơi tuyệt vời

Khi tâm đã giải thoát rồi

Đâu còn sinh lão nổi trôi xoay vần.

(349)

Người nào bị khuấy động nhiều

Bởi tâm xấu ác, bởi điều bất lương

Thường ham dục lạc vô cùng,

Người mà dục lạc cầu mong tăng nhiều

Tự mình một sớm một chiều

Trói mình thêm chặt vào theo não phiền.

(350)

Ai vui vì chẳng còn vương

Tư tưởng bất thiện, bất lương loại trừ,

Xác thân bất tịnh suy tư

Giữ gìn chánh niệm, thích ưa điều lành

Sẽ trừ ái dục vây quanh

Ma Vương ràng buộc phá nhanh dễ dàng.

(351)

Mục tiêu ai đạt tới nơi

Không còn sợ hãi. Xa rời nhiễm ô

Xa lìa ái dục êm ru

Cắt đi gai chướng nhỏ to trong đời

Mũi tên sinh tử nhổ rồi

Thân này là cuối, luân hồi còn đâu.

(352)

Xa lìa ái dục tầm thường

Không còn luyến tiếc vấn vương bận lòng

Bao nhiêu giáo pháp tinh thông

Lời văn, ý nghĩa vô cùng hiểu sâu

Là người trí tuệ hàng đầu

Vĩ nhân đáng kính, còn đâu luân hồi,

Thân này là cuối cùng rồi.

(353)

Như Lai vượt tất cả rồi

Lại còn thông suốt, sáng soi mọi bề

Bao nhiêu trói buộc dứt lìa

Thoát ly tất cả còn gì vấn vương

Chú tâm trọn vẹn một đường

Diệt đi ái dục tầm thường thế gian

Tự mình chứng ngộ đạo vàng

Ta còn xưng tụng ai làm thầy đây!

(354)

Coi như bố thí hàng đầu

Là đem Chân Lý nhiệm mầu tặng nhau,

Coi như hương vị tối cao

Hương vị Chân Lý ngọt ngào dài lâu

Coi như hoan hỷ hàng đầu

Niềm vui Chân Lý thấm sâu tuyệt vời,

Người nào ái dục diệt rồi

Vượt qua phiền não, xa rời khổ đau.

(355)

Giàu sang, tài sản dồi dào

Chỉ làm hại được kẻ nào ngu thôi,

Dễ gì hại được những người

Đang cầu giác ngộ hướng nơi Niết Bàn,

Chỉ vì ham muốn giàu sang

Kẻ ngu tự hại bản thân đã đành

Hại thêm cả kẻ xung quanh.

(356)

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Tham lam gây hại nhiều hơn cho người,

Tham lam ai đã lìa rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.

(357)

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Lòng sân gây hại nhiều hơn cho người,

Ai lìa sân hận được rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.

(358)

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Si mê gây hại nhiều hơn cho người,

Si mê ai đã lìa rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.

(359)

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Ái dục gây hại nhiều hơn cho người,

Ai lìa ái dục được rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.

Bây giờ chúng ta từng tự tìm hiểu nghĩa lý của các bài kệ trên Phật muốn chỉ dạy chúng ta những gì:

Nguyên nhân của khổ đau, luân hồi sinh tử là gì? Là sự chấp ngã bám víu vào sắc thân năm bảy chục ký lô này là ta, là của ta, do đó ta muốn chiếm hữu, cho nên từ đó ái dục bắt đầu phát sinh. Khi ta luyến ái, chấp trước, bám víu vào dục vọng, kể từ đó hạnh phúc hay đau khổ bắt đầu có mặt.

(334)

Sống đời say đắm buông lung

Thì lòng ái dục vô cùng tăng nhanh

Giống như giữa chốn rừng xanh

Dây leo, cỏ dại mặc tình tràn lan,

Đời người tiếp nối miên man

Khác gì khỉ, vượn đang tham quả rừng

Chuyền cây liên tục chẳng ngừng.

(335)

Nếu mà ở cõi trần gian

Bị điều ái dục buộc ràng vây quanh

Thời bao sầu khổ tăng nhanh

Như là cỏ dại thỏa tình hứng mưa.

(336)

Đời này nếu bản thân ta

Khi điều ái dục vượt qua chẳng màng

Thời bao sầu khổ lìa tan

Như mưa trơn tuột khỏi hàng lá sen.

(337)

Điều Như Lai dạy các ngươi:

"Lành thay cho kẻ họp nơi chốn này

Nhổ cho sạch gốc rễ ngay

Diệt trừ ái dục thẳng tay từ nguồn

Như là nhổ rễ cỏ hoang

Chớ nên để lũ Ma quân dục tình

Quẩn quanh phá hoại tâm mình

Như cơn nước lũ tung hoành bụi lau".

Khi tâm ý ta bám víu vào ái dục, thì cây ái dục sẽ đâm chồi, trổ nhánh rất mau. Tâm ý duyên theo đối tượng ái dục sẽ làm cho lòng ta rạo rực bừng cháy trong tim, khi ấy ta cảm thấy luyến tiếc, nhớ nhung, xao xuyến, bồn chồn. Người hay dính mắc vào ái dục giống như loài vượn khỉ, chuyền từ cành cây này, sang cành cây khác, để tìm quả trái mà ăn.

Ái dục buộc ta phải gánh chịu lấy nhiều khổ đau. Ái dục làm cho ta bị si mê, say đắm, dính mắc vào cuộc sống phàm tình ở thế gian này. Những lo lắng và sợ hãi do ái dục làm ta mê muội, tham đắm tăng trưởng theo ngày tháng, nó mọc kín, dày đặc như là các loài cỏ dại.

Nếu ai ở đời này bị ái ân làm mê hoặc, thì sớm muộn gì cũng sẽ dính mắc vào khoái lạc tính dục. Nó sẽ làm cho ta lo lắng ngày càng nhiều hơn, giống như dòng nước rỉ chảy từng giọt nhỏ, nhưng rỉ mãi cũng đầy hồ. Vì thế ta phải biết cách chuyển hóa luyến ái, ham muốn dục vọng, để nó không làm cho ta sầu khổ, như nước không bao giờ thấm vào được lá sen.

Người tu đạo muốn tâm ý được an ổn, nhẹ nhàng, thì phải quyết tâm dứt bỏ, xa lìa ái ân. Hết ân, hết ái thì không còn bị đọa lạc trong luân hồi sinh tử, không còn bị ái nhiễm mọi thứ dục vọng, thì ta sẽ thật sự bình yên, hạnh phúc.

Biết được sự tác hại của ái dục rất ghê gớm, nó làm cuộc đời ta có nhiều thứ phải lo lắng, sợ hãi và đau buồn, khổ sở. Nhưng đau buồn và khổ sở hơn hết là cái buồn rầu lo lắng do tham muốn ái dục đem lại. Ái nặng tình sâu, ân nghĩa không xa lìa đến khi gần chết; chung quanh người thân thuộc tiếc nhớ khóc thương, làm cho ta thêm lo lắng, sầu khổ, khó bề ra đi. Do đó, ta phải biết cách chuyển hóa, buông bỏ được luyến ái ham muốn dục vọng, thì ta mới yên chí vững lòng duỗi thẳng hai chân mà ngủ.

Ngay trong các bài kệ này, chúng ta đã thấy đây không phải là các bài kệ dành riêng cho người xuất gia. Người tại gia cũng có thể áp dụng tu tập được, vì người tại gia sống trong một hoàn cảnh có rất nhiều cơ hội bị quyến rũ dính mắc, đam mê vào ái ân, dục lạc. Sống trong chùa, mỗi thiền sinh đều được thầy tổ thương yêu, nhắc nhở, chỉ dạy, được thực tập hạnh buông xả luyến ái, vì có tăng thân bảo bọc, che chở. Đối với người tại gia, ta sống ngoài đời với bao nhiêu cám dỗ hấp dẫn của tiền tài, sắc đẹp, danh vọng. Hằng ngày, ta đi tới chỗ làm để giao tiếp, gặp gỡ người này, người kia, nên ta dễ dàng bị cuốn hút bởi các lực hấp dẫn đó. Dù ta đã có vợ, có chồng, có con rồi, nhưng ta vẫn bị sự chi phối mãnh liệt của ái dục, như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, nên ta có lúc cũng muốn bỏ bà xã để chạy theo người yêu, bỏ ông xã để đến với người tình.

Trong kinh, đức Phật dùng hình ảnh thí dụ rất hay, như con vượn chuyền từ cành này sang cành khác để tìm trái cây. Nó ăn một trái rồi, nhưng còn thèm khát, nên muốn tìm ăn một trái khác nữa. Ở ngoài đời, chuyện ngoại tình xảy ra rất nhiều. Sự thực tập đối với người tại gia còn khó hơn đối với người xuất gấp bội. Vì vậy, xuất gia là con đường dễ dàng nhất để ta từng bước chuyển hóa tâm dính mắc vào ái dục, ta không nên chờ cho đến già hết xí quách rồi mới xuất gia.

Chính vì để giúp cho người tại gia, Phật mới chế giới không được tà dâm, để người tại gia ý thức được sự khổ đau do sự phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác, mà giữ trọn vẹn giới pháp, sống một lòng chung thủy, không làm tổn hại cho ai. Nhưng người tại gia giữ được giới này rất là khó, vì đó là lòng tham muốn của đa số người nam do sự đam mê, ham thích của lạ, nên nó là nguyên nhân của bao điều tội lỗi. Ngày xưa, trong thời đại phong kiến, với quan niệm chồng chúa vợ tôi, nên kiếp chồng chung là một điều rất đau khổ đối với người phụ nữ.

Từ khi đạo Phật có mặt trong cuộc đời, chuyện nam nữ bình đẳng về mọi phương diện đã lần hồi được thay đổi theo thời gian, nên việc xây dựng hạnh phúc gia đình hoàn toàn được tự do lựa chọn. Nhờ vậy, quan niệm chồng chúa vợ tôi hoặc theo tập cấp cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, vì áo làm sao mặc qua khỏi đầu, dần hồi được thay đổi theo thời gian.

Ngày xưa, đa số người nam không giữ được giới tà dâm, nên kiếp sống chung chồng của người con gái rất ư là khổ sở, từ đó tâm ganh ghét, ghen tuông, ích kỷ, tìm cách mưu hại lẫn nhau, chỉ vì không được thỏa mãn dục tính cho riêng mình, mà phải chịu chia sớt cho nhiều người. Đó là nổi khỗ, niềm đau của người sống kiếp chồng chung, còn tham luyến ái dục nặng nề.

(338)

Đốn cây mà chẳng chịu đào

Hết luôn gốc rễ bám vào đất sâu

Thì cây lại mọc ra mau,

Đoạn trừ ái dục khác nào đốn cây

Đoạn cho căn gốc sạch ngay

Nếu không khổ não mãi quay trở về.

(339)

Người ham ái dục luôn luôn

Theo ba mươi sáu dòng tuôn bạo tàn

Cuốn vào cảnh dục dễ dàng.

Những người ái dục dâng tràn trong tâm

Bị dòng ái dục cuốn phăng.

(340)

Dòng sông ái dục dâng tràn

Như dây leo dại mọc lan khắp miền,

Thấy dây leo mới nhô lên

Dùng gươm trí tuệ diệt liền cho mau

Diệt trừ tận gốc thật sâu.

(341)

Người đời ái dục thích ham

Nên ưa rong ruổi theo làn sóng xô

Ngụp chìm biển dục vô bờ

Tuy cầu hạnh phúc khó mà thành công

Vẫn còn trong chốn trầm luân

Quẩn quanh sinh tử vẫy vùng thoát đâu.

(342)

Người mà ái dục bao trùm

Kinh hoàng như thỏ vẫy vùng lưới kia

Sa vào bẫy, sợ kể chi,

Não phiền, ái dục chẳng lìa cho mau

Khổ đau càng chịu dài lâu.

(343)

Người mà ái dục bao trùm

Kinh hoàng như thỏ vẫy vùng lưới kia

Sa vào bẫy, sợ kể chi,

Tỳ Kheo ái dục gắng lìa cho mau

Niết Bàn giải thoát xa đâu.

Là người xuất gia tu theo đạo giác ngộ giải thoát, ta không nên bám víu vào ái dục. Ta phải tìm cách diệt trừ tận nguồn gốc của cây ái dục, để rễ của nó không còn có khả năng đâm chồi lên được. Nếu ta diệt dục như việc cắt cỏ dại, thì sau khi được cắt rồi, cỏ dại lại mọc lên nhanh, và ra nhiều hơn trước nữa.

Gốc cây ái dục sâu và vững, nó giống như một tập khí vậy. Tuy ta đã đốn ngang thân cây, nhưng lại không chịu đào bứng gốc, vì vậy cành lá tiếp tục nảy sinh ra trở lại. Tâm ái dục nếu chưa dứt trừ, thì cái khổ do ái dục đem tới vẫn còn nguyên như cũ, khi gặp duyên sẽ phát sinh luyến tiếc, nhớ thương, mà làm đau khổ cho ta.

Dòng suối tâm ý ấy cứ mặc tình trôi chảy, khiến cho những nút thắt ái dục đan kết lại với nhau chằng chịt. Chỉ có tuệ giác chân thực của Thế tôn mới có khả năng phân biệt và thấy rõ được đìều này và giúp cho ta đoạn trừ được căn nguyên của nó, phát xuất từ tâm ý.

Dòng suối ái dục thấm vào suy nghĩ, nhận thức của ta, phát triển mau chóng, lớn mạnh, quấn vào nhau, để ta khó bề rời xa. Nguồn suối ái dục như giếng sâu không đáy làm cho cái già và cái chết xảy đến nhanh chóng, nên các vị vua thời phong kiến ít có người nào chết già, sống thọ.

Những cành nhánh của cây ái dục cứ tiếp tục sinh trưởng không dừng nghỉ, cũng bởi vì chúng được nuôi dưỡng bằng các thực phẩm thêm lớn lòng ham muốn ái dục. Khi ta mê mờ bởi những thực phẩm này, chúng nuôi dưỡng thêm sự oán hận, chúng kết thành nhiều tấm lưới để ràng buộc chúng ta lại, làm ta chịu khổ đau từ đời này sang kiếp nọ, không có ngày thôi dứt. Người thiếu sáng suốt và trí tuệ thì cứ nôn nóng muốn đi về hướng ấy hoài, mà không biết làm cách nào để thoát ra, vì nó theo ta như hình với bóng.

(344)

Người lìa ái dục, xuất gia

Sống vui ở chốn rừng già, núi sâu

Để rồi một sớm quay đầu

Xuôi dòng ái dục thương đau về nhà,

Kẻ hoàn tục đáng xót xa

Cởi ra rồi lại tự ta trói vào.

(345)

Với người trí tuệ mở mang

Dù cho trói buộc bằng phương tiện gì:

Dây gai, cây, sắt sá chi

Nào đâu vững chắc, chẳng hề bền lâu!

Riêng lòng luyến ái khát khao

Vợ con, châu báu quyện vào chẳng xa,

Trói này sao gỡ cho ra!

(346)

Những người có trí nói rằng:

Dây này trói buộc ngày càng chắc thêm

Dây tuy mềm mại, êm đềm

Nhưng mà sao dễ nhận chìm người ta

Khó mà tháo gỡ cho ra

Thế nên người trí lìa xa dục tình

Cắt dây luyến ái cho nhanh

Tự mình giải thoát, tu hành bản thân.

Một chàng cư sĩ đã có vợ và con, ý thức được sự khổ não của đời sống gia đình, nên anh thỏa thuận với vợ để được xuất gia. Cô vợ đồng ý, anh ta được Phật tế độ và nhờ Phật chỉ dạy phương pháp diệt trừ ái dục. Sau đó, anh một mình tiến vào rừng sâu, thực hành hạnh buông xả suốt ba năm, nhưng không thành công, mà luôn khởi ý niệm thương nhớ về vợ con ngày càng mãnh liệt. Buồn quá, anh quyết định hoàn tục, trở về đời sống gia đình, vui vẻ sống bên con, bên vợ.

Phật biết điều này, nên Người dùng thần lực đến gặp và khéo léo phương tiện để giúp đệ tử mình vượt qua đam mê luyến ái dục vọng. Kẻ bị tù đày làm súc sinh, quỷ đói hoặc bị đọa địa ngục nhưng có ngày ra khỏi, người vô minh, mê muội, vướng vào tiền bạc nhà cửa, luyến ái vợ con, biết chừng nào mới hết khổ đau bởi luân hồi, sinh tử. Nói xong, Phật dùng kệ để nhắc lại phương pháp hành trì:

Như chặt cây mà không bứng rễ

Cành nhánh vẫn mọc lại bình thường

Muốn trừ ái dục si mê

Bứng ngay rễ ý an nhiên thanh nhàn.

Vị đệ tử sau khi nghe lời Phật dạy, thường xuyên quán chiếu tinh cần, nên một thời gian sau chứng quả giác ngộ giải thoát.

Tâm tham ái dục vọng là một dòng chảy miên man vô tận, bởi các thói quen lâu đời do ta đã huân tập. Chính nó đã ăn sâu vào tâm thức của chúng ta, và theo ta từ vô thủy kiếp đến nay, chỉ cần ý khởi lên là tâm niệm thèm khát trong ta sẽ trỗi dậy vô cùng mãnh liệt. Nếu ta lơ là, bất giác một chút, thì nó nhanh chóng cuốn ta nhớ về dĩ vãng, quá khứ chung đụng ái ân, như vị tỳ kheo trên. Do chấp ngã thấy thân này là thật, nên ta dễ sinh kiêu mạn, và bám víu vào đó, dính mắc, chấp trước. Những tư duy và nhận thức của ta đều có thể được tô điểm cho bản ngã lớn thêm, nên ta say mê, đắm đuối vào ái dục, không biết chừng nào mới thoát ra được. Phật dạy, ái dục từ tâm ý phát sinh, nó là đầu mối dẫn ta đi trong luân hồi sinh tử để chịu khổ đau. Muốn dứt trừ nó cũng không khó, chỉ cần ta chịu khó buông xả từng ý niệm khi nó phát sinh, và cứ như thế, ta cố gắng duy trì bền bỉ, chuyển hóa từng ý niệm.

Đặc điểm của kinh là đức Phật sử dụng rất nhiều hình ảnh tuyệt diệu. Một trong số đó là hình ảnh con tằm kéo cái kén làm thành tù ngục để tự giam hãm nó. Trong một bản dịch khác đã dùng hình ảnh con nhện với cái lưới của nó. Tuy nhiên cả hai hình ảnh đều cùng diễn tả một hành động của kẻ thiếu trí tuệ, đó là tự giam mình trong tù ngục của dâm dục, cái nhà tù do chính họ tự tạo ra mà không phải ai khác. Người trí thì có khả năng chấm dứt và buông bỏ, không đoái hoài tới sắc dục, nên có thể diệt trừ được tất cả khổ nạn.

Khi Phật còn tại thế, nhiều vị tỳ kheo đã chứng quả A La Hán nhờ quán về đề mục, “thân này gồm có 32 phần thể trược trong cơ thể”. Nhờ quán như vậy, nên ta bớt tham đắm vào sắc thân ô uế; do đó, ta không si mê, dính mắc, tham đắm vào ái dục. Chính ta tham muốn ái dục, nên chấp trước, bám víu vào đó, mà làm khổ đau cho nhau. Không một ai có thể phủ nhận sự hiện hữu của đau khổ trên cõi đời này. Đau khổ mà con người phải gánh chịu ngày hôm nay là hậu quả do chúng ta đã làm những nghiệp bất thiện trong quá khứ, chính lòng ham muốn ái dục là động cơ thúc đẩy ta hành động tạo nghiệp từ thân, miệng, ý. Cũng chính ái dục thúc đẩy con người luyến ái, bám víu, và dai dẳng đeo đuổi theo sự sống. Lòng khát khao ham muốn ấy lôi cuốn con người từ kiếp sống này đến kiếp sống khác, không có ngày thôi dứt.

(347)

Những người ái dục đắm chìm

Xuôi dòng ái dục vào miền khổ đau

Lọt vòng dây trói trước sau

Tựa như con nhện mắc vào lưới giăng.

Ai mà dứt mọi buộc ràng

Không còn ái dục, chẳng vương não phiền.

(348)

Mặc cho quá khứ trôi đi

Níu chi hiện tại, chờ gì tương lai

Rời mau bến thảm cuộc đời

Vượt qua bờ nọ là nơi tuyệt vời

Khi tâm đã giải thoát rồi

Đâu còn sinh lão nổi trôi xoay vần.

(349)

Người nào bị khuấy động nhiều

Bởi tâm xấu ác, bởi điều bất lương

Thường ham dục lạc vô cùng,

Người mà dục lạc cầu mong tăng nhiều

Tự mình một sớm một chiều

Trói mình thêm chặt vào theo não phiền.

(350)

Ai vui vì chẳng còn vương

Tư tưởng bất thiện, bất lương loại trừ,

Xác thân bất tịnh suy tư

Giữ gìn chánh niệm, thích ưa điều lành

Sẽ trừ ái dục vây quanh

Ma Vương ràng buộc phá nhanh dễ dàng.

Kẻ có tâm ý buông luông, phóng đãng, khi nhìn vào một người khác phái sẽ cho đó là một cái gì tinh khiết, nên ham muốn thèm khát ái dục. Họ không biết rằng, sự tăng trưởng lớn mạnh của ái ân, sẽ đem tới nhiều hệ lụy khổ đau ràng buộc, giống như người phạm tội bị giam cầm trong lao ngục.

Những ai biết vâng theo lời Phật dạy, thực tập chánh niệm tỉnh giác, sẽ có khả năng thấy được người khác phái kia là bất tịnh, không trong sạch; do đó, diệt trừ được tâm ham muốn, luyến ái, yêu thích, nên thoát khỏi tai ương của nhiều hệ lụy khổ đau.

Ai bị chìm đắm và tự quấn mình trong chiếc lưới ái ân, tự che mình bằng chiếc dù ái dục, sẽ giống như con cá tự chui vào lưới, bị cái lưới ấy xiết chặt, giam hãm, không có ngày thoát ra. Ai xa lìa được tham muốn dục vọng, không đi theo vết xe của ái ân, thì có thể vượt thoát ra ngoài chiếc lưới ràng buộc, vì đam mê, dính mắc ái dục, do đó không còn bị bất cứ một cái gì làm hại được nữa.

Khi Phật còn tại thế, gần thành Xá Vệ, có gia đình một ông trưởng rất giàu có, nhưng lại tham lam, bỏn sẻn, keo kiết, chẳng khi nào biết giúp đỡ một ai.

Một hôm ông thèm món thịt gà xé phay, mới bảo gia nhân bắt một gà trống thiến to béo, mập mạp. Sau khi làm xong, ông cho người đóng kín cửa lại để vợ con ông cùng thưởng thức món ăn khoái khẩu này. Phật biết ông là người có duyên được độ, nên dùng thần thông đi thẳng vào nhà. Ông nhà giàu thấy thế liền quát tháo ầm ĩ lên, “Sa môn tu hành gì mà chẳng biết xấu hổ, nhà của người ta mà tự nhiên đi vào chẳng thèm hỏi ai hết”.

Phật mới nói rằng, “tôi đi ăn xin đâu có gì là xấu hổ. Ông mới là người đáng xấu hổ, ăn thịt cha mình mà không hay, không biết”. Ông nhà giàu tức quá mới nói, “cha tôi chết đã lâu, tại sao Ngài dám nói bậy bạ như thế?” – “Con gà ông đang ăn là cha ruột của ông đó, vì si mê tham ái, luyến tiếc quá độ, mà sinh lại làm gà để cho ông và vợ con cùng làm thịt để ăn. Đến như vợ của ông bây giờ là mẹ của ông đời trước, vì yêu thương, ham thích ái ân, nên mới sinh lại làm vợ ông đó. Ông ngu si, mê muội, lấy cha làm oán thù, lấy mẹ làm ân ái vui vầy, mà không biết tu nhân tích đức, nên phải chịu nhiều hệ lụy khổ đau trong ba cõi sáu đường không có ngày thôi dứt”.

Khi nghe Phật nói, trong lòng ông ăn năn, hối hận vô cùng, bèn quỳ xuống xin Phật chỉ bày. Phật dùng thần lực để ông nhớ lại quá khứ, nhờ vậy, ông phát tâm quy y và lãnh thọ năm giới. Phật nói, “nhân quả nghiệp báo luôn theo ta như bóng với hình, dù trăm kiếp, ngàn đời vẫn không mất; khi hội đủ nhân duyên, quả báo hoàn tự hiện. Tham ái, yêu thương, luyến chấp, nên vợ chồng, cha mẹ, người thân cứ như thế mà tái sinh trở lại; khi thì làm cha mẹ, khi thì làm vợ con, rồi cứ thế mà ăn nuốt, giết hại lẫn nhau từ đời này sang kiếp khác”.

Như ông nhà giàu đó ăn thịt gà, mà không biết mình đang ăn thịt cha mình, bởi người cha ngày xưa vì thương yêu, luyến ái đứa con trai, nên bị sinh trở lại làm con gà trống thiến to béo, mập mạp. Rồi người mẹ của ông cũng vậy, vì yêu thương, luyến ái con, rốt cuộc sinh trở lại để làm vợ ông. Con người cứ như thế mà chịu khổ đau trong luân hồi sinh tử, từ đời này, sang kiếp nọ, mà không có ngày thôi dứt. Hạnh phúc thay! Gia đình ông trưởng giả nhờ có duyên gặp Phật mà thấy được nhân duyên các tiền kiếp trước, nhờ vậy, ông và gia đình phát tâm quy y Phật, làm người cư sĩ tại gia, giữ gìn năm giới pháp, quyết tâm ăn trường chay để tránh tội khổ giết hại, ăn nuốt lẫn nhau.

Người tại gia khó khăn hơn trong việc dứt trừ ái dục trọn vẹn, nên phải biết cách điều hòa, hạn chế lòng ham muốn. Tuy có gia đình, vợ chồng con cái, nhưng Phật chế ra năm giới để giúp người tại gia tránh bớt những lỗi đáng tiếc, mà cố gắng sống tốt, để làm tròn trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình, người thân, phục vụ tốt cho xã hội và hộ trì cho Tam bảo.

Không giết hại mà còn hay giúp người, cứu vật, là mở rộng lòng từ thương yêu bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Không gian tham, trộm cướp, lường gạt của người khác, mà lại còn bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia; nhờ vậy, không có ai bị mất mát tiền bạc, tài sản, mà không phải lo lắng, sợ hãi. Vì không tà dâm nên vợ chồng sống vui vẻ, hạnh phúc, không phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác. Vì không nói dối để dụ dỗ, lường gạt người, nên ta sống ở đâu cũng được mọi người giúp đỡ, thương tưởng. Không rượu chè be bét, say sưa, nghiệp ngập, xì ke ma túy, thì ta thông minh, sáng suốt, mà không gây khổ đau cho nhau.

Ái dục đối với người xuất gia thì phải dứt trừ, đối với người tại gia thì phải biết điều hòa chừng mực, không quá si mê, đắm đuối và ta phải luôn ý thức sự tác hại của nó còn hơn gông cùm, tù tội. Muốn ít, biết đủ, là phương pháp rèn luyện cho ta biết cách làm chủ ham muốn nhờ có trí tuệ sáng suốt mà vượt qua luới ái, lìa buộc ràng.

(351)

Mục tiêu ai đạt tới nơi

Không còn sợ hãi xa rời nhiễm ô

Xa lìa ái dục êm ru

Cắt đi gai chướng nhỏ to trong đời

Mũi tên sinh tử nhổ rồi

Thân này là cuối, luân hồi còn đâu.

(352)

Xa lìa ái dục tầm thường

Không còn luyến tiếc vấn vương bận lòng

Bao nhiêu giáo pháp tinh thông

Lời văn, ý nghĩa vô cùng hiểu sâu

Là người trí tuệ hàng đầu

Vĩ nhân đáng kính, còn đâu luân hồi,

Thân này là cuối cùng rồi.

(353)

Như Lai vượt tất cả rồi

Lại còn thông suốt, sáng soi mọi bề

Bao nhiêu trói buộc dứt lìa

Thoát ly tất cả còn gì vấn vương

Chú tâm trọn vẹn một đường

Diệt đi ái dục tầm thường thế gian

Tự mình chứng ngộ đạo vàng

Ta còn xưng tụng ai làm thầy đây!

Sau khi thành đạo, Phật nhớ lời thỉnh cầu của vua Tần Bà Sa La, nên trở về nước Ma Kiệt Đà độ vua và hoàng tộc quy y Tam bảo. Do đó, nhà vua phát tâm cúng dường Tịnh xá Trúc Lâm đầu tiên. Hoàng hậu Khema, một trang tuyệt sắc giai nhân vô cùng xinh đẹp, bà rất tự hào và kiêu hãnh về sắc đẹp nghiêng thành, đổ nước của mình, không một mỹ nhân nào có thể sánh bằng. Một hôm, do lòng hiếu kỳ, bà đến Tịnh xá Trúc Lâm để tham quan thắng cảnh. Bà vô cùng ngạc nhiên vì một sự thật quá ngỡ ngàng, bên cạnh Phật là một người con gái xinh đẹp, kiều diễm, trẻ trung như tiên nữ giáng trần; nhìn lại mình, bà cảm thấy tủi hổ khi so sánh với người con gái ấy.

Người si mê, tham ái, bị kẹt trong lưới ngũ dục như con cá bị vướng vào lưới, khó bề thoát ra. Khi ân ái đã sâu đậm, nhất là những người phụ nữ đẹp, luôn luôn bị dính mắc, nên lúc nào cũng trau chuốt và làm đẹp thân này. Tuy ái dục làm cho con người say mê, đắm đuối, và ràng buộc con người chặt chẽ, nhưng đối với người có ý chí, có nghị lực, vẫn có thể đối trị được dục ái, để được giải thoát và không còn bị phiền muộn, khổ đau chi phối.

Hoàng hậu Khema từ xưa nay chưa bao giờ thấy một người con gái nào xinh đẹp, kiều diễm đến thế, bà cứ đắm đuối nhìn người con gái ấy mãi không chán. Ðức Phật biết được tâm ý của bà, nên dùng thần lực làm cho bà nhìn thấy cô gái xinh đẹp, duyên dáng, kiều diễm, trẻ trung, có sức hấp dẫn quyến rũ ấy, bỗng dần dà trở nên già cả xấu xí. Cuối cùng, cô ta chỉ còn là một túi da bọc xương trông thật ghê gớm. Qua đó, bà bừng ngộ ra rằng, sắc đẹp thể chất, hình hài này là không thật có, nhận ra tính cách vô thường tạm bợ của đời sống con người. Bà không ngờ, chỉ trong thoáng chốc mà người con gái xinh đẹp ấy trở thành già nua và chết chóc, trông chẳng khác nào con khỉ già khô đét.

Sau thời pháp, bà đến quỳ một bên, nhờ Phật khai thị nguyên lý vô thường, đổi thay của một con người. Phật nói, “này, hoàng hậu Khema, chúng sinh trong thế gian do đam mê, tham muốn ái dục, mà dòng sông tham ái phát sinh như giếng sâu không đáy, tham được thì càng thêm tham, nên cố tình tìm cách nắm giữ, ai làm mất mát đi thì sinh ra đau khổ. Nhưng nếu tham mà không được, thì sinh ra nóng giận, hờn mát, ghen tuông, thù ghét, nên tìm cách hủy diệt lẫn nhau. Từ đó, tâm si mê càng thêm dính mắc luyến ái vào đó, mà không có ngày vượt thoát ra khỏi, vì lưới ái càng buộc ràng hơn”. Khi bài pháp kết thúc, hoàng hậu Khema đã chứng quả Dự Lưu vào dòng Thánh.

Bà xin vua Tần Bà Sa La được xuất gia học đạo. Nhà vua là một Phật tử thuần thành, nên rất vui vẻ, chấp nhận cho bà ngay. Sau đó, ni Khema siêng năng, tinh cần tu tập, không bao lâu đã chứng quả A la hán. Bà là một trong những trưởng lão ni xuất sắc nhất trong thời kỳ đó, để lại tiếng thơm muôn đời cho đến ngày hôm nay.

Có người thắc mắc hỏi, “vì sao bà xuất gia” – “vì tôi đẹp, nên tôi mới xuất gia chứ!”.

Người con gái, hay còn gọi là phái đẹp, tức là người cónhan sắc mặn mà, dễ thương; tức là vẻ đẹp bề ngoài, vẻ đẹp có thể quyến rũ và làm mê hoặc nhiều đấng mày râu. Người xuất gia phải thường xuyên quán chiếu, xem xét, để phát sinh trí tuệ thấy biết đúng như thật, vướng vào sắc đẹp làm cho ta luyến ái, sầu khổ, không ngày thôi dứt.

Chúng ta thử đi vào thực tế cuộc đời, từ quảng cáo, sách báo, phim ảnh, đều tô son, điểm phấn cho cái đẹp của phụ nữ. Phụ nữ thích mang đồ trang sức và làm đẹp là thói quen từ bao đời kiếp đến nay. Nhờ vậy, các thẩm mỹ viện trang điểm sắc đẹp mọc lên như nấm. Sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ và các đấng mày râu bán chạy như tôm tươi. Để thu hút đấng mày râu, các dịch dụ quảng cáo, quán xá, nhà hàng, khách sạn, ăn uống, cà phê, giải khát, đều phải tuyển các phụ nữ trẻ đẹp để kích thích lòng tham muốn ái dục. Khoa giải phẫu thẩm mỹ cũng đang rất thịnh hành, nhiều người phụ nữ đến đó bơm ngực, làm mặt cho trắng đẹp ra, nhờ mọi phương tiện thiện xảo để thay đổi, bù đắp những chỗ ta cho là không được đẹp trên thân thể.

Người nào cũng muốn trang điểm cho vẻ đẹp bên ngoài thêm hấp dẫn, nhất là phái nữ, nhưng bên trong thì không có gì là đẹp. Đó gọi là cái thấy không chân lý, bởi vì nó không có thật, mà ta cứ tưởng là thật, nên lúc nào ta cũng trau chuốt, tô điểm cho nó, vì sợ mọi người chê ta xấu. Đó là một lẽ thật mà ta cần phải thường xuyên thực tập, quán chiếu, xem xét về sự vô thường của thân này. Vô thường là một trong những phép quán quan trọng của đạo Phật, chúng ta cần phải thực tập sâu sắc để chuyển hóa được ngục tù của ái dục.

Hoàng hậu Khema nghĩ mình là hoa hậu thời bấy giờ, nên rất tự hào, hãnh diện về sắc đẹp nghiêng thành, đổ nước của mình. Bà cho rằng, toàn xứ Ấn độ chưa chắc có người con gái nào xinh đẹp như bà. Vừa là vợ vua, vừa là một trang tuyệt sắc giai nhân, sống một đời vương giả, quyền quý, cao sang, ai lại không ham, không thích sao được. Ấy thế mà, hôm nay, chính mắt bà nhìn thấy một người con gái đẹp đến nỗi không có chỗ nào chê được. Vậy mà trong phút chốc, từ một vẻ đẹp mỹ miều thay đổi, biến dạng, để trở thành một bà già xấu xí, một xác chết ruồi bu, kiến đậu, tanh hôi vô cùng. Nhờ vậy, bà thức tỉnh, ý thức được sự mong manh, vô thường của con người sao quá nhanh chóng. Bà giảm bớt kiêu khí tự hào, hãnh diện từ xưa nay, mà quỳ bên đức thế tôn xin Người chỉ dạy.

Phật nói một bài pháp sống, tác động đến tâm tư, trí não của bà, khiến bà sau đó liền quyết định xuất gia. Nhờ có nhân duyên nhiều đời với Phật pháp, cùng với sự siêng năng tu hành của mình, bà đã chứng được pháp giác ngộ, giải thoát. Bà là một tỳ kheo ni mẫu mực, xứng đáng cho đời tán thán, ca ngợi; nhất là các Phật tử nữ bây giờ, hãy bắt chước và học theo công hạnh của bà năm xưa.

(354)

Coi như bố thí hàng đầu

Là đem Chân Lý nhiệm mầu tặng nhau,

Coi như hương vị tối cao

Hương vị Chân Lý ngọt ngào dài lâu

Coi như hoan hỷ hàng đầu

Niềm vui Chân Lý thấm sâu tuyệt vời,

Người nào ái dục diệt rồi

Vượt qua phiền não, xa rời khổ đau.

(355)

Giàu sang, tài sản dồi dào

Chỉ làm hại được kẻ nào ngu thôi,

Dễ gì hại được những người

Đang cầu giác ngộ hướng nơi Niết Bàn,

Chỉ vì ham muốn giàu sang

Kẻ ngu tự hại bản thân đã đành

Hại thêm cả kẻ xung quanh.

(356)

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Tham lam gây hại nhiều hơn cho người,

Tham lam ai đã lìa rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.

(357)

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Lòng sân gây hại nhiều hơn cho người,

Ai lìa sân hận được rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.

(358)

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Si mê gây hại nhiều hơn cho người,

Si mê ai đã lìa rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.

(359)

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Ái dục gây hại nhiều hơn cho người,

Ai lìa ái dục được rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.

Trong các việc đóng góp, giúp đỡ, sẻ chia, làm phước, bố thí… cúng dường chánh pháp là một việc làm cao cả hơn hết. Trong các mùi hương, chỉ có hương đạo đức là tung bay ngược chiều gió, nên bao giờ cũng thơm hơn các thứ hương khác. Trong các thứ hạnh phúc, được thực tập và sống theo lời Phật dạy là an vui, hạnh phúc lớn nhất. Nhờ đó, ta có được bình yên, hạnh phúc thật sự, bằng cách chuyển hóa, đoạn trừ sự ham muốn, đam mê ái dục.

Người si mê, u tối, thường tham muốn quá đáng, nên tự trói mình trong ái dục trở lại, như con tằm làm kén, tự quấn mình vào trong. Đối với hàng Phật tử, ta cần phải có niền tin lớn đối với Tam bảo, biết tin sâu nhân quả, làm việc bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia, với tinh thần thương yêu, bình đẳng.

Ai chuyển hóa được đam mê, luyến ái dục vọng, thì không còn bất an, lo lắng, sợ hãi nữa, nên lúc nào cũng hoàn toàn được tự do và an lạc, thảnh thơi, vui vẻ sống trong dòng đời nghiệt ngã này.

CÁ NHẢY KHỎI LƯỚI

Người xuất gia tuy không còn gầy dựng hạnh phúc lứa đôi, không còn phải bận bịu việc vợ chồng, con cái, nhưng vẫn phải đương đầu với vấn đề tham luyến ái dục, vì người xuất gia đi ngược lại dòng đời, nên phải dùng tuệ giác thấy biết đúng như thật để chuyển hóa ái dục. Phật dạy, người xuất gia phải ý thức việc thoát ly sinh tử, mà cố gắng thực tập vững chãi các điều giới luật và oai nghi. Ta đừng để xảy ra sự chung đụng trái phép. Ta cũng đừng nên tự phụ quá đáng là mình đã giỏi, không cần quan tâm tới những chi tiết nhỏ nhặt của giới luật lẫn oai nghi. Vì vậy, chúng ta cần phải phát đại thệ nguyện giống như đức Phật khi xưa dưới cội Bồ đề: “Ta dù thịt nát, xương tan, nếu không thành tựu đạo vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, quyết không rời khỏi chỗ này”.

Ai muốn xa lìa ái dục cũng phải như thế, phải có ý thức, phải có mục đích cao cả là lý tưởng giác ngộ giải thoát. Ta phải luôn thường xuyên quán chiếu, xem xét, để thấy rõ ràng những hệ lụy khổ đau do si mê, luyến ái sắc dục đem lại. Ai vướng vào sắc dục rồi, giống như con tằm làm kén tự quấn lấy mình, giống như con cá bị mắc vào lưới, càng vùng vẫy càng bị lưới xiết chặt, cũng như người khát nước mà uống nước muối, càng uống càng khát. Ái dục cũng lại như thế.

Vì vậy, chiếc rễ đầu tiên của người tu là phải có niềm tin, niềm tin này không phải là tin vào một đấng thần linh, thượng đế, có khả năng ban phước, giáng họa, hay tin vào một người khác. Nếu ta tin vào một đấng thần linh mà ta không biết đích thực thần linh đó là ai, thì rất nguy hiểm cho ta sau này. Niềm tin đó không phải là chiếc rễ vững chắc, xứng đáng cho ta nương tựa. Ta phải tin vào một cái gì vững chắc và lâu dài hơn.

Vậy niềm tin đó là gì? Trước nhất, ta phải tin Tam Bảo, tức tin vào Phật, Pháp và Tăng. Phật là một con người giác ngộ, có tình thương yêu bình đẳng bằng trái tim hiểu biết, có trí tuệ, có từ bi với tất cả muôn loài chúng sinh. Vì thế, chúng ta gọi là Phật bảo. Ta phải tin rằng, nếu ta thực tập những lời dạy chân chính đó, ta sẽ mở rộng được sự hiểu biết, yêu thương, để tiếp nhận bình an, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Ta phải tin chính mình có Phật tính sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng, không lầm lẫn; tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Nếu ai không có niềm tin đó thì không bao giờ có đủ khả năng, để trên cầu thành Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh.

Nếu con người có khả năng yêu thương bằng trái tim hiểu biết, sẽ dễ dàng tiếp nhận bình an, hạnh phúc thật sự ở cõi lòng, mà không hề có sự van xin, cầu cạnh từ bên ngoài. Niềm tin này không phải là sự mê tín, mà là niềm tin bằng sự giác ngộ do trí tuệ khai mở. Ta thấy trong mình có khả năng mở rộng sự hiểu biết, làm lớn thêm thương yêu, chuyển hóa tất cả mọi khổ đau và tạo dựng một đời sống bình yên, hạnh phúc. Đó là ta tin vào tính biết sáng suốt trong mỗi con người chúng ta. Niềm tin này không phải là niềm tin mù quáng bằng lý thuyết suông, mà là một thực tại nhiệm mầu, có sự quán chiếu, xem xét rõ ràng. Nhờ vậy, ta thấy ai có hiểu biết, có yêu thương, có trí tuệ, có từ bi và làm lợi ích cho nhiều người, mà không bao giờ tính toán, so đo, thì ta biết người đó có bình yên và hạnh phúc thật sự.

Niềm tin của ta được trải nghiệm qua cuộc sống thực tế bằng cách tu học và dấn thân, chứ không phải ngồi không mà hưởng nhàn với quan niệm mình là thầy thiên hạ”. Khi ta có ý chí, có niềm tin, có lý tưởng vì lợi ích tha nhân bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, thì ta sẽ có đủ sức mạnh để đi tới cho đến khi đạt được chí nguyện mới thôi. Lời nguyện chân chính luôn giúp ta đem lại rất nhiều năng lượng có ích, để ta không thất chí nản lòng, mà vững niêm tin hơn mỗi khi gặp chuyện không như ý. Người tu là người có chí nguyện cao cả vì lợi ích cho chính mình, và tất cả chúng sinh. Đó là tâm Bồ Đề kiên cố của những con người đi theo con đường hiểu biết và thương yêu để được chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.

Ta phải sống làm sao để chí nguyện của mình ngày thêm lớn mạnh, vững vàng. Ta càng lớn tuổi thì chí nguyện của ta càng bền bỉ, chắc thật, không bị mọi thế lực bên ngoài làm suy giảm. Nếu chí nguyện của ta bị lung lay bởi những danh vọng, lợi dưỡng, sắc đẹp, tiếng tăm chi phối, thì ta sẽ không thành công trên con đường tu tập mà có khi bỏ cuộc nửa chừng. Ta phải giữ vững ý chí, lập trường, theo đuổi chí nguyện không một giây phút lơ là trong hiện tại, và phải biết sử dụng những giây phút đó mà làm tròn ước nguyện của mình.

Thế gian này là một dòng đời nghiệt ngã với vô vàn đau khổ, bởi do ta tham đắm, luyến ái, thương tiếc, nhớ nhung vì yêu thương, xa lìa mà khổ; oán ghét mà gặp nhau cũng khổ, nên ta tu để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Ta học hỏi Phật pháp và tu tập, để giúp mọi người cùng sống có yêu thương bằng trái tim hiểu biết.

Tâm nguyện hay chí nguyện là một nguồn năng lượng rất lớn, không thể thiếu. Không có tâm nguyện, ta khó bề vượt qua cạm bẫy cuộc đời, bởi sự hấp dẫn của lợi dưỡng, danh vọng, sắc đẹp và sự cung kính. Ta hãy nên tự hỏi rằng, “mình có đủ sức mạnh và nguồn năng lượng đó hay chưa?”. Nếu chưa đủ, ta vẫn phải thường xuyên quán chiếu, xem xét từng ý nghĩ, lời nói và hành động; bằng không, chỉ cần một ngọn gió thổi tới, mình sẽ ngã quỵ như thường. Vậy chí nguyện của ta là gì? Ta có thật sự muốn đạt được những chí nguyện đó hay không? Nếu ta thật sự muốn hoàn thành chí nguyện lớn lao và cao cả đó, thì tại sao ta cứ dễ duôi buông trôi theo ngày tháng?

Ái dục như những gông cùm, xiềng xích, luôn khóa chặt lấy con người chúng ta. Những cái gông, những chiếc xích này, các bậc hiền Thánh thấy rằng, chúng còn nguy hiểm và kiên cố hơn cả những người bị phạm tội nhốt trong lao tù. Vì bị tù đày còn có ngày ra khỏi, còn dính mắc vào vòng luẩn quẩn của vợ con, quyến thuộc và tình cảm luyến ái, thì biết chừng nào mới thoát ra được. Khi một ai đó đã bị giam cầm bởi sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, thì bao nhiêu ý chí, nghị lực, khí phách, đều bị tiêu tán hết. Chí nguyện cao cả ban đầu cũng bị mai một đi bởi si mê, ham muốn ái tình. Do đó, con đường giác ngộ giải thoát của ta cũng không thể nào đủ khả năng tiếp tục đi nữa.

Ta không dám nghĩ, ta không dám làm, vì nếu ta nghĩ, ta làm, thì ta sợ sẽ ảnh hưởng tới gia đình, người thân. Lúc đó, ta chẳng khác nào như đang bị còng tay và bó giò, bị trói chặt bởi những cái gông, sợi xích luyến ái, còn vững chắc hơn cả những cái gông bằng đồng, bằng sắt. Chính vì vậy, những người làm cách mạng thường sống độc thân để hoạt động, vì khi sống độc thân, họ có can đảm nói và làm những điều họ cho là đúng để đem lại tự do, hòa bình và an vui cho đất nước. Cuộc sống độc lập, tự do hạnh phúc sẽ cho phép họ sống thực sự là một người biết hy sinh vì lý tưởng cách mạng; tự do làm việc vì lợi ích chung mà không bị vướng bận bởi luyến ái vợ chồng, con cái cùng tình cảm riêng tư của gia đình, người thân.

Tôn giả Nan Đà là em cùng cha khác mẹ với Phật. Vào ngày thành hôn của ngài, vì thần lực của Phật quá mạnh, ngài bị nhiếp phục nên đã xuất gia ngay trong ngày đó. Phật xuất hiện đúng lúc ấy, nhờ người em Nan Đà cầm hộ bình bát, cứ như thế Phật đi về Tịnh xá. Vì thương yêu, tôn kính Phật, nên Nan Đà không dám nói gì, chỉ một bề lặng lẽ quảy bước theo sau. Người vợ yêu quý hối hả chạy theo, mặt đầm đìa nước mắt, gọi với theo trong vô vọng, “hỡi hoàng tử yêu quý của em, hãy mau quay trở về; không có anh chắc em sẽ chết mất, hỡi anh yêu dấu”.

Về đến Tịnh xá, Phật hỏi Nan Đà, “em thích xuất gia sống đời thánh thiện không?”. Nan Đà đồng ý. Xuất gia được mấy bữa, tôn giả nhớ người vợ yêu quý của mình quá mức, không thể nào chịu nổi nữa, nên Tôn giả liền đến gặp Phật thú thật, xin được hoàn tục. Biết em của mình luyến ái nặng nề, khó lòng thôi dứt, Phật dùng thần lực hiện ra vô số các tiên nữ xinh đẹp, kiều diễm, rồi quay sang hỏi Nan Đà, “các tiên nữ này có đẹp hơn người yêu dấu của em hay không?”

Tôn giả nói, “thật là xinh đẹp hơn rất nhiều Phật ạ”. Đánh trúng tâm lý háo sắc của đứa em, Phật mới chỉ một cung điện nguy nga, tráng lệ có rất nhiều tiên nữ. Con tim Nan Đà bắt đầu thổn thức, rung động, nên mới bước đến hỏi các nàng, “cung điện này của ai mà đẹp đẽ sáng ngời, oai phong lẫm liệt như vậy?”. Các tiên nữ đồng thanh trả lời, “cung điện này dành riêng cho Tôn giả Nan Đà dưới trần gian. Sau khi đắc đạo, người sẽ về đây cai quản và vui chơi hưởng thụ khoái lạc với 500 tiên nữ chúng em.”

Nhờ vậy, Nan Đà không còn nhớ người yêu bé nhỏ của mình ngày nào nữa, mà cố gắng tu tập cho được viên mãn, để sớm có chiếc vé đoàn tụ với các em tiên nữ xinh tươi.

Rồi một lần khác, Phật dùng thần lực để cho Nan Đà đi xuống cõi địa ngục. Tôn giả thấy vô số người bị hành hình trông rất thảm thương. Ngài đi ngang qua một chảo dầu to tướng, đang sôi ngùn ngụt, nhưng không có ai bị hành hình trong đó. Tôn giả mới ngạc nhiên hỏi chúa ngục, “cái chảo này làm gì mà để nước sôi ngùn ngụt đến thế vậy?”

Chúa ngục mới nói, “cái chảo này chỉ dành riêng cho Tôn giả Nan Đà, đệ tử Phật. Sau khi hưởng hết phước ở cõi trời với 500 tiên nữ, sẽ bị đọa xuống đây để chịu tội vô số kiếp không có ngày ra, vì mục đích tu hành của Nan Đà là để hưởng thụ khoái lạc, sắc đẹp, tình dục”. Nghe chúa ngục nói thế, Tôn giả sợ quá bèn đến gặp Phật xin sám hối và nhờ Phật chỉ dạy phương pháp rốt ráo thoát ly sinh tử. Kể từ đó, Tôn giả siêng năng, tinh cần tu tập; nhờ vậy, không bao lâu, ngài chứng được quả giác ngộ giải thoát.

Bây giờ. chúng ta thử quay lại cuộc đời của Thái tử Sĩ Đạt Ta chuyển hóa ái dục như thế nào? Theo sử liệu của Phật giáo Bắc tông, thái tử đi tu năm 19 tuổi, năm năm học đạo với hai vị thiền sư nổi tiếng, sáu năm tự tu khổ hạnh, thành đạo dưới cội Bồ đề, bốn mươi chín năm hoằng pháp độ sanh. Theo sử liệu Phật giáo Nam Tông, thái tử đi tu năm 29 tuổi, học đạo sáu năm và hoằng pháp suốt bốn mươi lăm năm.

Chúng ta thử lấy sử liệu Bắc tông làm y cứ. Thái tử đi tu khi mới 19 tuổi, bỏ lại đứa con trai đầu lòng và người đẹp hoa khôi xứ Ấn. Ở tuổi đời này, con người mạnh khỏe, tinh thần sáng suốt, có thể làm cho trời nghiêng, đất ngã, lại đang thừa hưởng một địa vị cao nhất thế gian là chuẩn bị làm vua. Đêm hôm đó, trước khi ra đi, thái tử quay lại phòng nhìn vợ con lần cuối, với tâm trạng thương tiếc, nhớ nhung thật sự, mặc dù trong lòng đã quyết định dứt khoát ra đi để tìm cầu chân lý.

Động cơ nào khiến Thái tử đủ sức mạnh để bỏ hết tất cả, vợ đẹp con xinh, tiền tài danh vọng, thần dân thiên hạ, và quyền hành cao nhất. Thái tử còn quá trẻ, nên năng lượng tình dục rất mạnh. Chính vì vậy, công chúa Da Du Đà La mới sinh cho chàng một đứa con trai bụ bẫm, kháu khỉnh, giống cha như khuôn đúc. Như chúng ta đã biết, Thái tử là con người bằng xương, bằng thịt như mọi người, đâu có bệnh hoạn gì mà nỡ đang tâm đành đoạn bỏ đi, trong khi chàng và nàng đang trong giai đoạn yêu thương cực kỳ mặn nồng, tha thiết nhất. Ở lứa tuổi mà con người hưng phấn, sung mãn nhất về tình dục, vậy mà Thái tử vẫn quyết tâm bỏ lại sau lưng hết tất cả, tuy rằng trong lòng vẫn còn luyến tiếc, nhớ thương.

Nhiều chàng thanh niên ước ao rằng, chỉ cần được ngủ một đêm với các người mẫu hay hoa hậu thôi, sáng mai dù có bị xử bắn cũng vẫn vui vẻ chấp nhận, bằng lòng. Con người ta ai cũng khát khao, thèm muốn tình dục, đây là một sự thật mà không một ai có thể chối bỏ được. Thế gian này, sở dĩ mọi người ra sức nỗ lực làm việc nhọc nhằn, vất vả, bất kể ngày đêm, cũng đều chỉ muốn được tiền tài, danh vọng, vợ đẹp, con ngoan. Đó là ước mơ chung của nhân loại, ít ai có thể đi ngược lại lòng ham muốn, luyến ái ấy.

Vậy mà Thái tử Sĩ Đạt Ta đã dũng mãnh, can đảm chấp nhận đau thương, dám hy sinh tình cảm cá nhân, để ra đi tìm cầu chân lý sáng ngời cho nhân loại. Luyến ái, ham muốn khoái lạc tình dục, một khi ai có cơ hội gần gũi nó rồi, thì khó lòng lìa bỏ được; như bản thân chúng tôi chẳng hạn, tôi sống ngu, chết dở, cũng vì nó. Năm nay tôi đã 53 tuổi, vậy mà trong lòng vẫn còn thèm khát thứ đó. Nó là cái gì mà làm cho cả thế giới loài người phải điêu đứng, vọng động, điên đảo, tranh hơn, tranh thua, để có được chút xíu đó thôi.

Thái tử chấp nhận bỏ hết tình riêng với tuổi đời đang còn hưng phấn mãnh liệt nhất về tình dục, thật ra cũng đắng cay chua xót lắm chứ, cái mà nhiều người mong muốn được như Ngài mà không bao giờ có được. Ngài đã vô lượng kiếp tu tâm từ rộng mở, muốn tìm ra nguồn gốc và thân phận của tất cả chúng sinh để tìm ra giải pháp giúp cho con người thoát ly sinh, già, bệnh, chết. Nhờ có lý tưởng cao cả và lập trường vững chắc đó, thái tử mới thoát ra được lưới ái, lìa buộc ràng, để ra đi tìm đạo giải thoát. Nếu Ngài không có tâm nguyện cao cả, lớn lao, để cứu khổ chúng sinh, thì cũng khó mà vượt qua khỏi chiếc lưới luyến ái vợ đẹp, con xinh.

Con người sống muốn làm được việc gì lớn lao, quan trọng cần phải có lý tưởng cao cả để phục vụ. Ta phải biết bỏ tình riêng để làm việc chung. Chính vì vậy, những người làm cách mạng thường sống độc thân để hoạt động, vì khi sống độc thân, họ có can đảm nói và làm những điều họ cho là đúng, để đem lại an vui, lợi ích cho đất nước. Cuộc sống độc lập đó cho phép họ sống thực sự là một người có bản lĩnh, dám chấp nhận xả thân, hy sinh để phục vụ, vì lợi ích đất nước, mà không bị vướng bận bởi sự đam mê luyến ái vợ chồng, con cái. Những người ngoài đời muốn làm cách mạng còn phải xa lìa ái dục như thế, huống hồ là người có chí hướng cao thượng như thái tử Sĩ Đạt Ta, đã phát tâm vì lợi ích của tất cả chúng sinh.

Dưới cội Bồ Đề với đủ thứ loại ma uy hiếp, khủng bố tinh thần, nhưng thái tử vẫn bất động trước những hình thù quỷ quái nhất, cùng những lời hăm dọa khủng khiếp nhất. Ngay đến tuyệt chiêu cuối cùng của chúa ma là hóa hiện ra hình ảnh của các cung phi mỹ nữ và công chúa Da Du Đà La thật xinh đẹp đến trước mặt thái tử. Một trang tuyệt sắc giai nhân sà vào lòng chàng ôm khóc nức nở, trông hết sức tội nghiệp và đáng thương làm sao. Nếu giả sử lúc đó bạn là người đang trong hoàn cảnh như vậy, liệu bạn sẽ xử trí ra sao? Hay là bạn đành chấp nhận quay gót trở về theo tiếng gọi con tim, mà vùi dập lý trí.. Nước mắt đàn bà sắc đẹp nghiêng thành, đổ nước và những lời tỏ tình âu yếm, ngọt ngào thì khó ai mà chịu nổi bỏ qua. Vậy mà, đức Phật của ta vẫn bình tĩnh, sáng suốt, thấu rõ hết mọi vấn đề, nên vẫn như như bất động, mặc cho người đẹp khổ sở khóc lóc, van xin.

Một phàm phu bình thường sao có đủ can đảm ngoảnh mặt làm ngơ, khi người vợ yêu thương, đầu ấp tay gối thuở nào, nhất là bây giờ nàng lại xinh đẹp dễ thương hơn xưa rất nhiều, bởi sự biến hóa tài tình của ma vương. Giờ đây, nàng đang nằm gọn trong lòng chàng, kể lễ khóc thương tha thiết, “thiếp năn nỉ, van lạy chàng, hãy về sống với thiếp và con. Bao năm rồi, thiếp phòng the gối chiếc một mình, mòn mỏi trông ngóng đợi chờ chàng. Bao nhiêu vương công, tôn tử con nhà quý phái đến xin cầu hôn, thiếp đều một mực từ chối hết, vì thiếp hy vọng chàng sẽ là con người rộng mở trái tim yêu thương, quay về với thiếp và con. Chàng ơi, con mình nó cứ hỏi thiếp hoài “cha con đâu rồi mẹ?”, thiếp chỉ nói “cha con bận học đạo hiền Thánh, để giúp dân, cứu nước. Con yên chí đi, cha con sẽ về trong một ngày gần đây nhất con ạ”. Thiếp và con lúc nào cũng cần có tình yêu thương của chàng bên cạnh, để được chàng thương yêu, bảo bọc, chở che cho những tháng ngày còn lại. Chàng ơi, thiếp van lạy chàng mà, chàng hãy quay về với thiếp và con đi, hỡi chàng yêu dấu! Nếu chàng không chấp nhận đoái hoài đến thiếp thì cũng phải thương nhớ đến đứa con trai của chàng chứ. Giờ đây thiếp không còn thiết tha để sống nữa vì không có chàng bên cạnh, thiếp sẽ chết liền tức khắc cho chàng coi”.

Nói xong, nàng liền rút cây trâm trên đầu ra đưa thẳng vào tim. Lúc bấy giờ, không gian như ngưng đọng, vạn vật đều im lặng chờ xem thái tử giải quyết ra sao.

“Đi đi, ta không dùng đâu, đồ đãi da hôi thúi”.

Chỉ một câu nói nhẹ nhàng, tất cả lũ ma thảy đều biến mất.

Vậy lúc ấy, thái tử đã sử dụng độc chiêu gì để vượt qua luyến ái tình dục chứ? Ngài chỉ dùng cây cung thiền định, cùng lưỡi kiếm trí tuệ, để quét sạch mọi ma mị trong tâm, nên ma quỷ bên ngoài không thể nào xâm nhập nổi. Đó là phương pháp độc nhất vô nhị, có một không hai trên cõi đời này, để chuyển hóa ham muốn luyến ái tình dục.

Rồi có hai huynh đệ đang tiếp nối con đường của Phật. Họ thấy thế gian vui ít, khổ nhiều, nên sớm xuất gia học đạo. Trên đường tầm sư, hai người đi ngang qua một dòng sông, thấy người trên ghe đang kéo chiếc lưới lên, và một con cá nhảy vọt ra khỏi lưới.

Vị sư huynh thấy thế, liền vỗ tay khen, “hay quá, hay quá! Con cá giống người tu.

Tiểu sư đệ mới nói, “có gì đâu mà hay. Cá ở ngoài lưới mới hay”.

Vị sư huynh nói, “sư đệ chưa hiểu hết thâm ý của ta”.

Câu chuyện trên là bài học đạo lý sống thiết thực trong cuộc đời. Ta học chuyện xưa để cùng nhau suy ngẫm, thấy được sự đam mê luyến ái dục vọng làm ta buồn rầu, lo lắng, khổ đau. Ai trong cuộc đời chưa một lần nếm trải trái đắng của khổ đau? Vậy cá ở ngoài lưới mới hay, hay là cá bị mắc lưới mà nhảy ra được mới hay?

Nếu cá ở ngoài lưới thì còn gì để bàn cãi ở đây nữa, cá đã vào lưới mà còn biết cách nhảy ra được mới thật là hay. Đạo lý nhà Phật dạy cho chúng ta ngay nơi vòng lẫn quẩn của sự luyến ái buộc ràng, bởi vợ chồng, con cái, gia đình, người thân, mà ta thoát ra được quả là điều phi thường hiếm có. Ta đang sống trong sự cám dỗ của tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn sung, mặc sướng, bởi chiếc lưới ái ân và dục vọng; nó làm cho ta mê muội, đắm say, giống như cục nam châm gặp sắt tự động hít vào. Ái dục cũng lại như thế. Từ vô thủy kiếp đến nay, con người lúc nào cũng khao khát, thèm muốn, quyến luyến giống như dòng nước đã thấm ướt. Dù không ai chỉ dạy mà con người vẫn tự cảm biết, nên khi gặp người khác phái thì trái tim ta xao xuyến, rung động, thổn thức, làm ta rạo rực trong lòng dẫn đến hò hẹn yêu thương và kết tình chồng vợ. Cứ như thế, từ đời này sang kiếp nọ, nghiệp nhân tình ái luyến mến yêu thương được phát triển mạnh mẽ ngày thêm sâu kín, đậm đà, khó rời xa.

Phật dạy, trong đời này, có hai hạng người đáng được tán thán, ca ngợi và cung kính cúng dường. Hạng người thứ nhất từ nhỏ đến lớn chưa từng vi phạm lỗi lầm, lại hay thương yêu, bình đẳng, giúp đỡ mọi người. Hạng người thứ hai đam mê hưởng thụ dính mắc hay làm các điều xấu xa tội lỗi, để làm tổn hại cho người và vật. Nhưng họ nhờ gặp các thiện hữu tri thức hướng dẫn chỉ dạy, biết ăn năn sám hối chừa bỏ những thói quen tật xấu, mà làm mới lại chính mình, để vươn lên, vượt qua số phận tối tăm.

Hình ảnh cá nhảy khỏi lưới là chỉ cho hạng người thứ hai, đã vào lưới, mắc lưới rồi, mà còn nhảy ra được. Vậy không phải hay là gì?

Cũng như đức Phật của chúng ta trước khi thành tựu đạo pháp, Ngài đã có tất cả cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan, thần dân, thiên hạ, quyền hành cao nhất trong tay. Vậy mà Phật vẫn hiên ngang, dũng mãnh, vượt qua được lưới ái dục khi tuổi đời đang sung mãn và hưng phấn nhất. Chính vì vậy, ngày hôm nay ta tôn kính Phật, thờ Phật, lạy Phật suốt đời, suốt kiếp, để bắt chước, học hỏi, tu tập, cho được bằng Phật mới thôi. Thật ra, ta đi tu hiện giờ đâu có gì để buông xả, và dính mắc nặng nề như đức Phật ngày xưa. Nhất là các thầy tu trẻ đâu có gì để ôm giữ, chất chứa trong lòng. Vậy mà thầy tu như bông xoài, thấy thì dường như quá nhiều, nhưng đến khi thành trái xoài chẳng còn được mấy trái.

Ở đây, chúng ta đã thấy cũng đồng là cá, nhưng biết bao con cá khác khi bị dính vào lưới rồi thì chỉ nằm chờ chết, không khi nào đủ sức để vùng vẫy thoát ra. Riêng chú cá kia hiên ngang dũng mãnh nhảy ra khỏi lưới, quả thật là quá tuyệt vời. Như vậy không giống người tu là gì? Nếu mới sinh ra ai cũng là Thánh hết thì chúng ta đâu cần phải vào chùa tu làm gì cho mệt và uổng công vô ích. Hình ảnh con cá nhảy khỏi lưới và hình ảnh thái tử từ bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan nói lên việc chúng ta quyết tâm dứt khoát xa lìa ái ân khi biết được sự tác hại của nó. Đức Phật đã ví dụ sự si mê luyến ái, ham muốn khoái lạc ngũ dục, giống như chiếc lưới ái ân, chiếc lưới dục vọng, một khi ai đã dính vào lưới này, thì khó bề thoát ra.

Người thật tâm muốn vượt qua lưới ái buộc ràng, thì trước tiên phải có niềm tin vào Tam bảo, tin vào chính mình, có chí nguyện thoát ly sinh tử, có thầy lành, bạn tốt và gìn giữ giới luật oai nghi. Kế đến, họ phải điều phục ngay nơi tâm ý của mình để thanh lọc nội tâm, dẹp hết tâm ma bên trong thì tâm ma bên ngoài không thể xâm nhập nổi. Cũng như chú cá kia, khi bị mắc vào lưới mà nhảy ra khỏi lưới mới thật là hay.

Chúng tôi xin chân thành cầu chúc chư huynh đệ pháp lữ gần xa chút duyên lành có được ngày hôm nay, qua đề tài “Cái gì trói buộc con người”. Ai trói ta, ai buộc ta? - Ta tự trói, ta tự mở, không ai có thể mở dùm cho ta được, phải không các bạn.

Source: thuvienhoasen
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/09/2020(Xem: 4936)
Một Phật tử tại gia như tôi không biết gặp duyên phước nào để có thể được ghi lại vài cảm nghĩ về một bài viết mà cốt lõi chính yếu nằm trong Duy Thức Học , một bộ môn khó nhất cho những ai đã theo Đại Thừa Phật Giáo chỉ đứng hàng thứ hai sau Bộ kinh Đại Bát Nhã và hơn thế nữa những lời dẫn chứng lại trích từ quý Cao Tăng Thạc Đức rất uyên bác trác tuyệt về giáo lý Phật Đà như Đệ lục Tăng Thống HT Thích Tuệ Sỹ và Cố Thiền Sư Nhật Bản Daisetz Teitaro Suzuki.
12/09/2020(Xem: 6209)
Cây danh mộc gumtree là đặc sản của Úc có nhiều loại như ta thường biết qua cây khuynh diệp, vì giống cây này đã được biến chế thành, dầu khuynh diệp trị cảm mạo hiệu quả. Chúng thường mọc tự nhiên thành rừng thiên nhiên, thân to cao, có loại vạm vỡ oai phong như lực sỹ trên võ đài, cho bóng mát cùng nhiều công dụng khác như xay thành bột chế tạo giấy các loại đa dụng, cũng như dùng làm cột trụ giăng dây điện trong nhiều thập niên qua, và đồng thời cũng là thức ăn ưa thích của loài mối (termites) nên con người hơi ngán mấy “ông thần nước mặn” này lắm. Từ này tự chế ám chỉ loài côn trùng bé nhỏ hay cắn phá làm hại hoa màu của giới nhà nông dãi dầu một nắng hai sương như chuột, chim, châu chấu, sâu rầy… cũng để gán cho những kẻ ngang bướng đều bị dán nhãn hiệu đó.
17/06/2020(Xem: 6870)
Tuy được duyên may tham dự khoá tu học Phật Pháp Úc Châu kỳ 19 tổ chức tại thủ đô Canberra và Ngài Ôn Hội Chủ thường xuyên hiện diện với hội chúng, nhưng tôi chưa bao giờ có dịp đảnh lễ Ngài dù đã nhiều lần làm thơ xưng tán hoặc bày tỏ cảm nghĩ của mình khi đọc được tác phẩm được in thành sách hoặc trên các trang mạng Phật Giáo .
08/05/2020(Xem: 4048)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người có thật trong lịch sử văn minh nhân loại. Ngài tên là Tất Đạt Đa, dòng họ Thích Ca, sinh vào ngày trăng tròn tháng Năm, năm 624 trước dương lịch, tại vườn Lâm Tỳ Ni thành Ca Tỳ La Vệ miền trung Ấn Độ, bây giờ là nước Nepal. Thân phụ là Vua Tịnh Phạn trị vì vương quốc Thích Ca, Thân mẫu là Hoàng Hậu Ma Gia. Thân mẫu Ngài qua đời sớm, Ngài được Vương Phi Kế mẫu là em ruột của Mẹ, Dì Ma Ha Ba Xà Ba Đề thương yêu và nuôi dưỡng như con ruột.
15/03/2020(Xem: 4113)
Những điều nhận thức sai lầm theo thường thức phổ thông đều cho là sự thật; những điều nhận thức sai lầm như thế nào qua câu chuyện Điên và Không Điên mà tôi nhớ mường tượng như trong Kinh Bách Dụ có kể. Câu chuyện Điên và Không Điên như thế này: Ở vùng Thiên Sơn và Thông Lãnh, có một quốc gia nhỏ, trong đó tất cả thần dân uống nhằm nước suối có chất độc nên bị bệnh điên; ông vua hợp với quần thần thảo luận cách cứu chữa cho thần dân; nhóm thần dân bị bệnh điên cùng nhau tâu với vua của họ rằng, họ không có điên và ngược lại họ bảo ông vua mới bị bệnh điên; khi họ được vua trị hết bệnh thì họ mới biết họ bị bệnh điên. Câu chuyện này dụng ý cho chúng ta biết, có một số người nhận thức sai lầm mà không biết lại bảo người khác nhận thức sai lầm, không khác nào mình bị bệnh điên mà lại chụp mũ bảo người khác bị bệnh điên. Những điều nhận thức sai lầm, đại khái được trình bày như sau:
01/03/2020(Xem: 11567)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
28/11/2019(Xem: 7137)
Ấn độ là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới vì đất rộng, người đông, có dãi Hy mã lạp sơn cao nhất thế giới, có một nền văn minh khá cao và lâu đời, con số 0, số Pi (3,1416...) do người Ấn sử dụng đầu tiên trong toán học, Kinh Vệ Đà đã được người Ấn sáng tạo từ 1800 đến 500 năm trước công nguyên, Ấn Độ là quê hương của đức Phật, hay nói khác hơn đó là nơi đạo Phật phát sinh, ngày nay đã lan tràn khắp thế giới vì sự hành trì và triết thuyết của đạo Phật thích ứng với thời đại. Do đó việcTime New Roman tìm hiểu về Ấn Độ là một điều cần thiết.
29/08/2019(Xem: 10370)
Trong thời Đức Bổn Sư Thích Ca còn tại thế, nhất là thời giới luật chưa được chế định, 12 năm đầu tiên sau khi Ngài thành đạo, có nhiều tỷ kheo hay cư sĩ đã liễu ngộ, giải thoát, niết bàn chỉ ngay sau một thời thuyết pháp hay một bài kệ của Tôn Sư. Tại sao họ đặt gánh nặng xuống một cách dễ dàng như vậy? Bởi vì họ đã thấu hiếu tận gốc rễ (liễu ngộ) chân đế, tự tại giải thoát, tịch lặng thường trụ, chẳng động, chẳng khởi, chẳng sanh, chẳng diệt, không đến cũng không đi mà thường sáng soi. Khi họ thấu hiểu được vậy. Kể từ lúc đó, họ tín thọ và sống theo sự hiểu biết chơn chánh này. Họ luôn tuệ tri tất cả các pháp đều huyễn hoặc, vô tự tánh cho nên, họ không chấp thủ một pháp nào và thong dong tự tại trong tất cả các pháp.
26/08/2019(Xem: 4720)
Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật từng dạy rằng: Tín là nguồn của Đạo, là mẹ của công đức. Và nuôi dưỡng tất cả mọi căn lành. (Tín vi Đạo nguyên công đức mẫu,. Trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn.).Đạo Phật là đạo Giác Ngộ, muốn đạt được giác ngộ hành giả phải có niềm tin chân chính, mà niềm tin chân chánh ấy phải có cơ sở thực tế và trí tuệ đúng như thật. Trên tinh thần đó, đối với hệ thống Kinh Điển do Đức Phật truyền dạy trong 45 năm, người học Phật phải có cơ sở để chứng tín rằng đó là lời Phật dạy, cơ sở đó chư Tổ Đức gọi là Tam Pháp Ấn: 1/Chư Hành Vô Thường 2/Chư Pháp Vô Ngã 3/Niết Bàn Tịch Tĩnh Bất cứ giáo lý nào không dựng lập trên quan điểm này, thì Phật giáo xem là tà thuyết, và Tam Pháp Ấn này được xem là những nguyên lý căn bản của Phật Giáo.
07/07/2019(Xem: 5396)
Phật giáo không phải là tôn giáo để các tín đồ đến tham gia hay phát động như một phong trào, mà tự thân con người sau quá trình học hỏi, tư duy, nhận thức cốt lõi lời dạy của đấng Từ phụ, từ đó phát tâm tìm đến, thân cận và quy y Tam Bảo: ‘Hôm nay mong giác ngộ hồi đầu - Tịnh tâm ý quy y Tam Bảo’. Với lòng tịnh tín bất động, con người đầu thành vâng giữ mạng mạch giáo pháp, dốc lòng phụng hành đạo lý mình chọn, con người nhờ vậy được chân lý, chánh pháp che chở, thành tựu ‘Phép Phật nhiệm màu – Để mau ra khỏi luân hồi’.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567