Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Không nên ỷ lại

21/08/201209:13(Xem: 2888)
Không nên ỷ lại


buddha_hanhtang
KHÔNG NÊN Ỷ LẠI



Trong sự tái sinh luân hồi, nhân quả tốt xấu, đúng sai, ân oán trong hiện tại sẽ tiếp tục đến đời sau, nên khi gặp duyên phù hợp nó liền tác động mạnh mẽ, khiến ta phải chấp nhận mà không biết nguyên nhân! Nhiều người không hiểu nên tin có đấng thần linh thượng đế, đủ quyền năng ban phước giáng họa?

Như có một ông lái đò đang chở khách qua sông, bỗng nhiên gặp sóng to gió lớn. Nhiều người quá lo sợ, nên cố gắng niệm Bồ-tát Quán Thế Âm để nhờ Ngài cứu cho tai qua nạn khỏi.

Ông chèo đò liền nói, tất cả quý vị hãy bình tĩnh ai ngồi chỗ nào, ngồi yên chỗ đó, rồi ông ta nói tiếp: “Đò khẳm mà chở thêm nhiều Phật và Bồ-tát quá, coi chừng đò chìm bà con ơi!”.

Đây là một câu chuyện ngụ ngôn có ẩn ý sâu sắc, nhằm phản ánh tâm lý yếu đuối, sợ hãi ỷ lại vào Phật và Bồ-tát của tất cả mọi người trên đò, khi bình thường thì không lo niệm Phật, Bồ-tát đến khi gặp nạn mới cầu cứu van xin.

Tâm lý đó luôn phổ biến khắp mọi nơi, lúc bình thường không ai nghĩ tới việc tu hành, đến khi có chuyện không may xảy ra, chúng ta vào chùa lễ lạy cầu khẩn van xin chư Phật, Bồ-tát giúp cho. Nếu được tai qua nạn khỏi thì vui vẻ hả hê cho rằng chư Phật, Bồ-tát linh ứng, còn không được thì phiền muộn khổ đau, oán trách trời đất, không dang tay cứu giúp mình.

Những người yếu đuối, thường có tâm lý ỷ lại hay thần thánh hóa chư Phật, Bồ-tát rồi sùng bái như những bậc siêu nhiên, quyền uy tối thượng, có khả năng ban phước giáng họa cho con người. Nên họ lúc nào cũng trông chờ mong các Ngài ra tay cứu giúp, mà họ không biết rằng chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc.

Nếu nói theo đúng nghĩa của nó, đạo Phật không phải là một tôn giáo mà là một phương pháp chuyển hóa, nhằm giúp mọi người phá tan si mê tối tăm, mờ mịt đang che lấp tâm Phật thanh tịnh sáng suốt của mình.

Trên thực tế cuộc đời, cách nay trên 2600 năm ở Ấn Độ có một con người như tất cả mọi người chúng ta, do quyết tâm tu hành buông xả mọi tham muốn chấp trước mà thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Các vị đệ tử của Phật cũng là con người, nương theo lời Phật dạy mà tu chứng nên gọi là Thánh Tăng, Thanh-văn Tăng, A-La-hán, Bích-chi-Phật cho đến chư vị Tổ sư về sau này đứng đầu các tông phái hay dòng truyền thừa là những nhân vật có thật trong lịch sử.

Còn các vị Phật khác cùng chư vị Bồ-tát, được Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong các bản Kinh, không phải là những nhân vật lịch sử mà chúng ta có thể hiểu đó là hình tượng biểu trưng cho chơn tâm, Phật tính sáng suốt của con người hoặc tinh thần dấn thân đóng góp lợi ích cho cuộc đời.

Giả sử chiếc đò trong mẩu chuyện trên bị chìm, nhiều người ra cứu vớt hành khách thì những người đó ta gọi là người có lòng từ bi, là hiện thân của Bồ-tát Quán Thế Âm nên sẵn sàng ra tay cứu giúp quên cả thân mạng của mình.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ cho chúng ta cách thức tu hành nhằm chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành vô lượng trí tuệ, để thoát khỏi vòng luân hồi sống chết. Tu được hay không là do ta quyết định, ta tu tốt thì giảm bớt tham, sân, mê muội nếu không chịu tu khi quả xấu đến, lúc này dù có Phật, Bồ-tát hiện tiền cũng không cứu được ta, vì ai tu nấy chứng.

Phật là người chỉ đường còn đi hay không là do ta, ai làm nấy chịu, ai tu nấy chứng trong cuộc luân hồi sinh tử này. Phật không thể ban phước giáng họa cho chúng ta, vì phước hay họa là do mình tạo ra thì chính mình phải chịu nhận lấy, khi hội đủ nhân duyên.

Một số người không hiểu nên thần thánh hóa mọi vấn đề, chỉ sùng bái cầu khẩn van xin chư Phật, Bồ-tát một cách thái quá, nên ngày càng đánh mất chính mình mà rơi vào mê tín dị đoan. Khi nghe lời Phật dạy chúng ta phải suy tư, quán xét rồi áp dụng tu hành, con người ta thường hay ỷ lại, nương nhờ kẻ khác mà tự đánh mất chính mình.

Trước những cám dỗ vật chất, con người tham muốn quá đáng nên lúc nào cũng đòi hỏi phải thỏa mãn dục vọng. Chính những tham muốn đó trói buộc ta, khiến mình căng thẳng, mệt mỏi, bất an, thậm chí dẫn đến tuyệt vọng.

Thế gian này luôn nằm trong vòng lẩn quẩn của đối đãi, nếu chúng ta không thể chấp nhận cuộc sống có những cái xấu, tốt luôn chi phối chúng ta hằng ngày. Người giàu có cái khổ của người giàu, người nghèo cũng có cái khổ của kẻ nghèo. Chúng ta hãy xem xét, suy tư, phân tích mọi vấn đề, nhìn thẳng vào những phiền muộn đang ẩn náu sâu thẳm trong tâm tư mình.

Với đời sống vật chất của những người khá giả, phần nhiều không khổ vì nghèo đói mà khổ vì... tham, sân, si lừng lẫy. Chính vì vậy nếu chúng ta không có vốn liếng, tư lương về mặt tinh thần, tâm linh để làm điểm tựa, để quay về chính mình, thì ta sẽ dễ dàng bị những cám dỗ vật chất cuốn trôi.

Làm người ai cũng có ham muốn, nhưng chúng ta phải biết nhu cầu nào cần thiết với hoàn cảnh sống thực tiễn của mình. Nếu ta tham muốn mà nằm ngoài khả năng của mình thì coi chừng tổn thất nặng nề. Chúng ta phải biết tiết chế giảm bớt ham muốn của mình là muốn ít biết đủ, nhờ vậy ta ít lo sợ, sống an ổn nhẹ nhàng mà không rơi vào thất vọng khổ đau.           

Đạo Phật nhìn mọi hiện tượng sự vật không có một thực thể riêng biệt, mà do nhân duyên hòa hợp, đủ duyên thì hình thành, hết duyên thì tan rã. Vạn vật do duyên hợp tạo thành nên sự hiện hữu rất mong manh, có đó rồi mất đó...Con người vẫn mong muốn có một đời sống an lạc, hạnh phúc mà không chịu gieo trồng phước đức, thành ra phải chịu khổ đau chi phối. Thường thì chúng ta khổ, là do mong muốn cái gì cũng bền chắc và lâu dài.

Chúng ta mong muốn được hạnh phúc lâu dài trong tình yêu, rồi danh vọng, tiền tài, sự nghiệp...sẽ đến với ta mãi mãi nên khi có sự đổi thay, mất mát chúng ta cảm thấy tiếc nuối và đau khổ.

Con người trong xã hội cũng vậy, do sự huân tập khác nhau nên có hình tướng, tâm tính bất đồng nhưng trong mỗi người đều có "tính biết sáng suốt", vì máu của ai cũng đỏ, nước mắt của ai cũng có vị mặn, ai cũng mong muốn hạnh phúc và sợ khổ đau.

Nếu dựa vào cuộc sống vật chất thì không ai bằng lòng với hiện tại, còn dựa vào đời sống tâm linh thì chúng ta sẽ bằng lòng với những gì mình đang có. Tuy nhiên, sự bằng lòng đó không có nghĩa tiêu cực, không làm gì hết mà chúng ta vẫn tích cực để tăng trưởng an sinh đời sống, nhưng biết cách làm chủ bản thân.

Cho nên ai chờ đến lúc hấp hối rồi mới niệm Phật, cầu xin Đức Phật A Di Đà đến tiếp độ về cõi cực lạc thì đó là một quan niệm rất sai lầm. Đừng đợi đến khi khát nước mới đào giếng. Nếu trong đời sống hiện tại này lòng ta đầy dẫy tham lam, sân hận mà mong mỏi khi chết Phật A Di Đà sẽ đến rước, sẽ rờ đầu thọ ký, điều này không thể có được. Chúng ta cũng đừng nên chờ việc làm ăn tốt đẹp, có đầy đủ tiền bạc nhà cửa rồi lúc đó mới chịu tu, thì khó mà thực hiện được hoài bão của mình. 

Chúng ta tu để làm gì? Để được giảm bớt phiền muộn khổ đau và cuối cùng là giác ngộ giải thoát hoàn toàn những ý nghĩ, lời nói và hành động làm tổn hại người khác. Khi chúng ta cởi bỏ được tự ngã độc tôn, sống với tâm không chấp trước, lột bỏ mọi phân biệt thành kiến thì chúng ta sẽ tắm mát trong dòng sông hạnh phúc, mà an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh.

Cũng như những người gặp tai nạn hoặc việc bất trắc trong cuộc đời, thường hay cầu nguyện Bồ tát Quán Thế Âm cứu độ, nhưng tất cả đều được hay người được, người không? Như vậy, Bồ tát thương người này mà ghét bỏ người kia hay sao? Hình như Bồ-tát còn thiên vị nên trọng kẻ này, khinh người kia. Nếu ai nghĩ như thế và nói như vậy là oan cho Bồ-tát quá chừng!

Đa số chúng ta vì không tin sâu nhân quả, không tin chính mình, nên khi gặp tai nạn, gặp khó khăn, chúng ta liền xin Phật, Bồ-tát gia hộ hay cứu độ cho mình mau tai qua nạn khỏi. Ta hay có bệnh ỷ lại và nhờ vã, cầu cạnh vào Phật, Bồ-tát, nên lúc nào cũng cầu xin Phật, Bồ-tát an ủi, sẻ chia, cứu giúp hay nâng đỡ cho mình hết khổ mà được an vui hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, việc cầu xin đó có người được, có người không. Là tại sao? Vì nhân duyên đã chín mùi, dù mình không muốn nhưng nó vẫn đến vì nhân quả công bằng mà.

Như vậy mà đa số Phật tử chúng ta phần đông đi chùa cầu xin nhiều hơn là gieo nhân để gặt quả, thậm chí có người vuốt bụi Phật để trét vào đầu và còn nói rằng, làm như vậy Phật sẽ ban ơn, gia hộ cho mà gặp được điều may mắn tốt đẹp.

Bồ-tát Quán Thế Âm là biểu tượng của lòng từ bi, thương yêu bình đẳng, sẵn sàng giúp đỡ sẻ chia những nỗi khổ niềm đau hay đem niềm vui đến với tất cả chúng sinh. Giả sử chiếc đò trong mẩu chuyện ở trên bị chìm, nhiều người ra tay cứu vớt hành khách thì những người đó là hiện thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, là biểu hiện của lòng từ bi sẵn sàng cứu giúp mọi người khi có hoạn nạn. Bồ-tát Phổ Hiền là biểu tượng của hạnh nguyện dấn thân đóng góp, Bồ-tát Văn Thù là biểu trưng người có trí tuệ sáng suốt nên không bị phiền não tham sân si làm nhiễm ô v.v… Chư vị Bồ-tát dấn thân cứu đời không biết mệt mỏi, nhàm chán.

Đức Phật A-Di-Đà là tượng trưng cho vô lượng thọ, vô lượng quang, có nghĩa là chúng ta khi sống được với Phật tính sáng suốt của mình thì không còn luân hồi sinh tử nữa nên gọi là vô lượng thọ. Và có trí tuệ đầy đủ nên không bị các pháp ô nhiễm của thế gian chi phối.

Do một số người thần thánh hóa, sùng bái chư Phật, Bồ-tát thái quá, xem các Ngài như là những vị thần linh ban phước giáng họa, nên nhiều người đã đặt niềm tin một cách sai lệch. Thay vì chúng ta đặt niềm tin vào giáo pháp, vào nhân quả, tự mình làm chủ bản thân, làm chủ vận mệnh theo tinh thần Phật dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp”.

Do chúng ta không hiểu đúng lời Phật dạy, nên ta thiếu tự tin, ỷ lại, lơ là, biếng nhác bởi tham lam quá đáng mà đánh mất chính mình. Trong mỗi chúng ta đều có Phật tính sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy, nơi tai thì nghe, mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế.

Ai hay cầu xin là người có tâm ỷ lại và quá yếu đuối vì không tin sâu nhân quả, không tin tưởng chính mình có đủ năng lực làm được những gì mình mong muốn. Người có tâm niệm ỷ lại và nhờ vào tha lực của người khác, khó bao giờ thành công được trọn vẹn trên đường đời vì thiếu ý chí, nghị lực, không tin sâu nhân quả và tự tin chính mình.

Người tu cũng thế, nếu hay cầu xin nhiều thì dễ mất tín tâm vì đâu phải việc gì cũng xin được dễ dàng, nếu xin không được thì nói Phật, Bồ-tát không linh hiển, nên bỏ không tới chùa nữa. Còn người Phật tử chân chính thì phải biết tìm cách chuyển hóa, chừa bỏ, thay đổi những thói quen tật xấu có tính cách hại người, hại vật, chớ không nên một lòng cầu khẩn, van xin.

Hầu như ai cũng có bệnh tham lam dù ít hay nhiều. Phật dạy lấy thuốc để trị bệnh, mà chúng ta chỉ cầm toa thuốc đọc hoài mà không dám mua thuốc uống. Phật dạy chúng ta học hiểu để ứng dụng tu tập, hành trì, chuyển hóa, chớ không phải cầu Phật ban cho, nhưng đa số quí Phật tử cứ xin Phật hoài, tu như vậy biết chừng nào mới chuyển hóa hết phiền não tham, sân, si. Bởi ta tham quá nhiều thứ, nên xin lâu ngày thấy không hiệu nghiệm thì muốn bỏ Phật, bỏ chùa, vì Phật không giúp gì được cho mình.

Nếu chúng ta xin không được thì tu theo Phật, Bồ-tát có được lợi ích gì? Chúng ta học hiểu lời Phật dạy để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày, nhằm trị tâm bệnh tham lam, sân giận, si mê, để thành vô lượng trí tuệ từ bi, tu như vậy tự nhiên tâm chúng ta lần hồi được trong sạch. Khi tâm đã trong sạch rồi thì mọi bệnh tật tham, sân, si, ganh ghét, tật đố, nóng giận, oán thù từ từ theo đó mà hết.

Muốn giàu sang, nhiều của cải, ta phải biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia với lòng thành tâm cung kính của mình; ngoài ra, chúng ta còn phải siêng năng, tinh cần làm việc, tiết kiệm và không tiêu xài hoang phí. Đó là chúng ta biết tu bằng cách dùng thuốc của Phật để trị tâm bệnh cho mình.

Nhiều người cho rằng cầu nguyện là vô ích, không có tác dụng lợi ích thiết thực; mà làm sao có tác dụng được, khi chúng ta lạy lục, cầu xin trước những pho tượng bằng đất, gỗ, đá và xi măng? Tôn tượng Phật, Bồ-tát chắc chắn không phải là ông Phật thực, đó chỉ là biểu tượng qua hình ảnh, để ta nhớ biết công hạnh của các Ngài mà cố gắng bắt chước, thực hành làm theo. Khi ta nghiêng mình cúi đầu một cách cung kính tôn trọng lá cờ, không phải là ta tôn trọng miếng vải mà chính là ý nghĩa lá cờ tượng trưng cho Tổ quốc qua tinh thần dân tộc Việt Nam.

Cũng vậy, ta thờ Phật, lạy Phật nhằm mục đích không phải để cầu xin, mà ta lễ lạy để nhớ công ơn cao cả của Ngài, nhờ vậy mà ta biết được điều tốt, lẽ xấu trong cuộc đời. Quí Phật tử xét thật kỹ xem từ trước cho đến giờ, chúng ta đi chùa là vì cầu xin hay để tu học theo Phật và Bồ-tát?

Chúng ta đến chùa đôi khi chỉ cúng chút ít hoa quả hoặc nải chuối, ốp nhang; khi cúng rồi quí vị cầu đủ thứ hết, nào là “Phật gia hộ cho gia đình con bình yên, hạnh phúc, được làm ăn thịnh vượng, sung túc, đủ đầy, phát tài, phát lộc, trong gia quyến đều gặp may mắn, con cháu biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ... ; như thế, chúng ta cầu xin hay là tu tập để chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau?

Thông thường em bé ỷ lại vào sự bao bọc của cha mẹ, đứa bé con nhà giàu khi bị té nó sẽ khóc thét lên chờ gia đình người thân đến vỗ về năn nĩ, nó mới hết khóc. Ngược lại, đứa bé con nhà nghèo khi bị té, nó nhìn qua lại không thấy ai liền đứng dậy đi. Những người bất hạnh thường mong chờ ỷ lại vào những nhà mạnh thường quân, nhà hảo tâm nên họ khó có tâm cầu tiến, tin sâu nhân quả.

Phụ nữ thường ỷ lại vào đàn ông, chồng ỷ lại vào vợ dẫn đến biếng nhác ăn không ngồi rồi tụ ba tụ năm tán dốc, cờ bạc rượu chè làm cho gia đình người thân khổ đau.

Lúc chúng tôi còn ở ngoài đời, khi đó đang ở tù tôi có quen một người và có đến nhà anh ta chơi một vài lần. Cô vợ bán thịt heo ngoài chợ, nuôi một chồng và hai đứa con, anh chồng không làm gì hết mà lúc nào cũng chè chén say sưa, tiền thì bà xã cung cấp. Ăn nhậu riết rồi sinh tệ về nhà chửi bới đánh đập vợ con, sau nhiều lần chịu không nổi bà vợ làm đơn cho ổng ở tù ba tháng để cải tạo. Khi đó chúng tôi làm tù trưởng nên có điều kiện cùng ông ta về nhà nhậu chơi, mới biết hoàn cảnh thật như thế.

Rõ ràng những người đàn ông như thế, họ lại dựa vào sự làm ăn của vợ mà bê tha thọ hưởng những thú vui thấp hèn, cuối cùng dẫn đến tù tội. Sự ỷ lại của người đàn ông trên đáng bị phê phán, vì tâm lý ỷ lại lười lao động và để vợ nuôi. Ngược lại, người phụ nữ có thể chịu đựng cả đời với tính dựa dẫm đáng yêu của đàn ông, nhưng họ sẽ coi thường những gã chỉ biết sống dựa vào "sức vợ". Đàn ông mà sống dưới vạt áo đàn bà coi sau được, vậy mà thế gian này vẫn có những con người như thế.

Các em học sinh ỷ lại vào thầy cô giáo nên không cần mẫn siêng năng chăm chỉ học hành, con cái ỷ lại vào cha mẹ. Hầu như tất cả những người hay ỷ lại, ít thành công trên đường đời vì tâm lý làm biếng dựa dẫm vào người khác.

Tu hành cũng lại như thế, chúng ta phải tin mình là chủ nhân của bao điều họa phúc, do đó ta không ỷ lại vào Phật, Bồ-tát mà ráng cố gắng buông xả những gì xấu xa tội lỗi, bằng trái tim thương yêu và hiểu biết để chuyển hóa phiền muộn khổ đau, thành an vui hạnh phúc.

Như vậy, chúng ta đi chùa cầu xin Phật cho điều này, cho việc kia, cho đủ thứ hết. Nhưng rốt cuộc rồi tất cả những gì chúng ta xin có được như ý không? Chúng ta mỗi người phải tự nghiệm xét lại những gì chúng ta xin đó, nếu được hết thì chắc rằng quí Phật tử đều được an vui, hạnh phúc, đâu có ai đau khổ phải không? Nhưng thực tế, trong cuộc đời khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Nếu Phật có khả năng ban phước cho ta được thì Phật đâu có khuyên ta siêng năng tinh tấn tu hành để làm gì?

Nói tóm lại, chúng ta đi chùa là để tu theo Phật nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau, thành an vui, hạnh phúc và tin rằng mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, chớ Phật, Bồ-tát không thể ban cho ta được. Phật chỉ là người thầy dẫn đường, chỉ cho ta biết được con đường dẫn đến bình yên hạnh phúc trọn vẹn, còn làm được hay không là do ta quyết định.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

                                                               

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/09/2020(Xem: 5007)
Một Phật tử tại gia như tôi không biết gặp duyên phước nào để có thể được ghi lại vài cảm nghĩ về một bài viết mà cốt lõi chính yếu nằm trong Duy Thức Học , một bộ môn khó nhất cho những ai đã theo Đại Thừa Phật Giáo chỉ đứng hàng thứ hai sau Bộ kinh Đại Bát Nhã và hơn thế nữa những lời dẫn chứng lại trích từ quý Cao Tăng Thạc Đức rất uyên bác trác tuyệt về giáo lý Phật Đà như Đệ lục Tăng Thống HT Thích Tuệ Sỹ và Cố Thiền Sư Nhật Bản Daisetz Teitaro Suzuki.
12/09/2020(Xem: 6294)
Cây danh mộc gumtree là đặc sản của Úc có nhiều loại như ta thường biết qua cây khuynh diệp, vì giống cây này đã được biến chế thành, dầu khuynh diệp trị cảm mạo hiệu quả. Chúng thường mọc tự nhiên thành rừng thiên nhiên, thân to cao, có loại vạm vỡ oai phong như lực sỹ trên võ đài, cho bóng mát cùng nhiều công dụng khác như xay thành bột chế tạo giấy các loại đa dụng, cũng như dùng làm cột trụ giăng dây điện trong nhiều thập niên qua, và đồng thời cũng là thức ăn ưa thích của loài mối (termites) nên con người hơi ngán mấy “ông thần nước mặn” này lắm. Từ này tự chế ám chỉ loài côn trùng bé nhỏ hay cắn phá làm hại hoa màu của giới nhà nông dãi dầu một nắng hai sương như chuột, chim, châu chấu, sâu rầy… cũng để gán cho những kẻ ngang bướng đều bị dán nhãn hiệu đó.
17/06/2020(Xem: 7060)
Tuy được duyên may tham dự khoá tu học Phật Pháp Úc Châu kỳ 19 tổ chức tại thủ đô Canberra và Ngài Ôn Hội Chủ thường xuyên hiện diện với hội chúng, nhưng tôi chưa bao giờ có dịp đảnh lễ Ngài dù đã nhiều lần làm thơ xưng tán hoặc bày tỏ cảm nghĩ của mình khi đọc được tác phẩm được in thành sách hoặc trên các trang mạng Phật Giáo .
08/05/2020(Xem: 4117)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người có thật trong lịch sử văn minh nhân loại. Ngài tên là Tất Đạt Đa, dòng họ Thích Ca, sinh vào ngày trăng tròn tháng Năm, năm 624 trước dương lịch, tại vườn Lâm Tỳ Ni thành Ca Tỳ La Vệ miền trung Ấn Độ, bây giờ là nước Nepal. Thân phụ là Vua Tịnh Phạn trị vì vương quốc Thích Ca, Thân mẫu là Hoàng Hậu Ma Gia. Thân mẫu Ngài qua đời sớm, Ngài được Vương Phi Kế mẫu là em ruột của Mẹ, Dì Ma Ha Ba Xà Ba Đề thương yêu và nuôi dưỡng như con ruột.
15/03/2020(Xem: 4184)
Những điều nhận thức sai lầm theo thường thức phổ thông đều cho là sự thật; những điều nhận thức sai lầm như thế nào qua câu chuyện Điên và Không Điên mà tôi nhớ mường tượng như trong Kinh Bách Dụ có kể. Câu chuyện Điên và Không Điên như thế này: Ở vùng Thiên Sơn và Thông Lãnh, có một quốc gia nhỏ, trong đó tất cả thần dân uống nhằm nước suối có chất độc nên bị bệnh điên; ông vua hợp với quần thần thảo luận cách cứu chữa cho thần dân; nhóm thần dân bị bệnh điên cùng nhau tâu với vua của họ rằng, họ không có điên và ngược lại họ bảo ông vua mới bị bệnh điên; khi họ được vua trị hết bệnh thì họ mới biết họ bị bệnh điên. Câu chuyện này dụng ý cho chúng ta biết, có một số người nhận thức sai lầm mà không biết lại bảo người khác nhận thức sai lầm, không khác nào mình bị bệnh điên mà lại chụp mũ bảo người khác bị bệnh điên. Những điều nhận thức sai lầm, đại khái được trình bày như sau:
01/03/2020(Xem: 11904)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
28/11/2019(Xem: 7282)
Ấn độ là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới vì đất rộng, người đông, có dãi Hy mã lạp sơn cao nhất thế giới, có một nền văn minh khá cao và lâu đời, con số 0, số Pi (3,1416...) do người Ấn sử dụng đầu tiên trong toán học, Kinh Vệ Đà đã được người Ấn sáng tạo từ 1800 đến 500 năm trước công nguyên, Ấn Độ là quê hương của đức Phật, hay nói khác hơn đó là nơi đạo Phật phát sinh, ngày nay đã lan tràn khắp thế giới vì sự hành trì và triết thuyết của đạo Phật thích ứng với thời đại. Do đó việcTime New Roman tìm hiểu về Ấn Độ là một điều cần thiết.
29/08/2019(Xem: 10738)
Trong thời Đức Bổn Sư Thích Ca còn tại thế, nhất là thời giới luật chưa được chế định, 12 năm đầu tiên sau khi Ngài thành đạo, có nhiều tỷ kheo hay cư sĩ đã liễu ngộ, giải thoát, niết bàn chỉ ngay sau một thời thuyết pháp hay một bài kệ của Tôn Sư. Tại sao họ đặt gánh nặng xuống một cách dễ dàng như vậy? Bởi vì họ đã thấu hiếu tận gốc rễ (liễu ngộ) chân đế, tự tại giải thoát, tịch lặng thường trụ, chẳng động, chẳng khởi, chẳng sanh, chẳng diệt, không đến cũng không đi mà thường sáng soi. Khi họ thấu hiểu được vậy. Kể từ lúc đó, họ tín thọ và sống theo sự hiểu biết chơn chánh này. Họ luôn tuệ tri tất cả các pháp đều huyễn hoặc, vô tự tánh cho nên, họ không chấp thủ một pháp nào và thong dong tự tại trong tất cả các pháp.
26/08/2019(Xem: 4850)
Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật từng dạy rằng: Tín là nguồn của Đạo, là mẹ của công đức. Và nuôi dưỡng tất cả mọi căn lành. (Tín vi Đạo nguyên công đức mẫu,. Trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn.).Đạo Phật là đạo Giác Ngộ, muốn đạt được giác ngộ hành giả phải có niềm tin chân chính, mà niềm tin chân chánh ấy phải có cơ sở thực tế và trí tuệ đúng như thật. Trên tinh thần đó, đối với hệ thống Kinh Điển do Đức Phật truyền dạy trong 45 năm, người học Phật phải có cơ sở để chứng tín rằng đó là lời Phật dạy, cơ sở đó chư Tổ Đức gọi là Tam Pháp Ấn: 1/Chư Hành Vô Thường 2/Chư Pháp Vô Ngã 3/Niết Bàn Tịch Tĩnh Bất cứ giáo lý nào không dựng lập trên quan điểm này, thì Phật giáo xem là tà thuyết, và Tam Pháp Ấn này được xem là những nguyên lý căn bản của Phật Giáo.
07/07/2019(Xem: 5587)
Phật giáo không phải là tôn giáo để các tín đồ đến tham gia hay phát động như một phong trào, mà tự thân con người sau quá trình học hỏi, tư duy, nhận thức cốt lõi lời dạy của đấng Từ phụ, từ đó phát tâm tìm đến, thân cận và quy y Tam Bảo: ‘Hôm nay mong giác ngộ hồi đầu - Tịnh tâm ý quy y Tam Bảo’. Với lòng tịnh tín bất động, con người đầu thành vâng giữ mạng mạch giáo pháp, dốc lòng phụng hành đạo lý mình chọn, con người nhờ vậy được chân lý, chánh pháp che chở, thành tựu ‘Phép Phật nhiệm màu – Để mau ra khỏi luân hồi’.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567