Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự Giàu có của một người Keo kiệt

23/11/201110:47(Xem: 4862)
Sự Giàu có của một người Keo kiệt

APUTTAKA-SUTTA
Sự Giàu có của một người Keo kiệt
Hoang Phong

Có một lần khi Đấng Thế Tôn ngụ tại thành Xá-vệ (Sâvatthi) thì vào một buổi chiều, đức vua Pasenadi của xứ Kiêu-tát-la (Kosala) thân hành đến viếng thăm Ngài. Vua Pasedani tiến đến gần Đấng Thế Tôn, đảnh lễ và ngồi sang một bên. Đấng Thế Tôn cất lời hỏi vua Pasedani như sau:

- Này đại vương, ngài mới đến đấy à. Thế lúc trưa này ngài ở đâu?

Vua Pasenadi đáp lại như sau:

- BạchThế Tôn, tại thành Xá-vệ này có một người thật giàu có vừa qua đời. Hắn chết mà lại không có con [thừa kế]. Sau khi đem hết của cải của hắn xung vào ngân khố hoàng gia thì tôi đến đây: [của cải của hắn] gồm tám triệu đồng tiền vàng, và số tiền bằng bạc thì nào có đếm xiết được. Thế nhưng, Bạch Thế Tôn, lúc còn sống thì hằng ngày bữa ăn của người giàu có ấy chỉ gồm có một cái bánh làm bằng đậu khô để ăn kèm với cháo. Quần áo thì vỏn vẹn chỉ có một tấm vải dệt bằng chỉ gai đủ quấn được hơn nửa thân người. Phương tiện di chuyển của hắn là một chiếc xe bò cũ kỹ, nóc lợp bằng rơm.

Đức Phật bèn bảo rằng:

- Đúng đấy, này đại vương, cũng có thể xảy ra như thế được. Một người keo kiệt vơ vét được một gia tài kếch xù, không dám tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho riêng mình. Hắn không dám tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho cha mẹ. Hắn không dám tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho gia đình. Hắn không dám tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho tôi tớ trong nhà, cho thợ thuyền và những người hầu cận. Hắn không dám tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho bạn hữu và những người cộng sự. Hắn không dành riêng một phần của cải để cúng dường người tu hành và các vị tu sĩ để mang lại công đức hầu đạt được niềm hạnh phúc thánh thiện và hướng mình [tái sinh] vào cõi thiên nhân.

"Của cải kếch xù của một người như thế nếu không biết sử dụng thích đáng thì cũng sẽ bị vua chúa tịch thu, bị trộm cắp vơ vét, bị thiêu hủy vì hỏa hoạn, bị cuốn trôi vì lũ lụt, hoặc rơi vào tay những người thừa kế chẳng biết yêu quý mình. Này đại vương, nếu không biết sử dụng của cải một cách thích đáng để mang lại hạnh phúc thì rồi cũng sẽ bị mất đi như thế.

"Này đại vương, đấy cũng chẳng khác gì một cái hồ đầy nước mát, tinh khiết, ngọt lành và trong vắt, thế nhưng lại ở vào một chốn hoang vu, không có ai đến được để uống, hoặc tắm mát, hoặc dùng vào việc này hay việc nọ. Này đại vương, nếu nước không được sử dụng để mang lại hạnh phúc thì cũng sẽ bị thất thoát đi một cách vô ích.

Cũng thế, này đại vương, một người keo kiệt có một gia tài kếch xù không hề biết tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho mình. Hắn không biết tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho cha mẹ [...]. Như thế, này đại vương, nếu một gia tài kếch xù không được sử dụng thích đáng để mang lại hạnh phúc thì rồi cũng sẽ bị mất đi như thế.

"Thế nhưng, này đại vương, nếu đấy là một người có lòng rộng lượng, tích lũy được một gia tài kếch xù, biết đem ra tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho mình. Hắn biết đem ra tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho cha mẹ. Hắn biết đem ra tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho vợ con. Hắn biết đem ra tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho tôi tớ trong nhà, cho thợ thuyền và những người hầu cận. Hắn biết đem ra tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho bạn bè và những người cộng sự. Hắn biết để riêng ra một ít của cải để cúng dường người tu hành và các tu sĩ để mang lại công đức hầu đạt được niềm hạnh phúc thánh thiện và hướng mình [tái sinh] vào cõi thiên nhân.

Này đại vương, đấy là cách biết sử dụng gia tài kếch xù của mình một cách thích đáng, không bị vua chúa tịch thu, không bị trộm cắp vơ vét, không bị thiêu hủy vì hỏa hoạn, không bị cuốn trôi vì lũ lụt, không rơi vào tay những kẻ thừa kế không biết yêu thương mình.

"Này đại vương, đấy là cách sử dụng của cải một cách thích đáng, không để bị mất đi mà biết đem ra tiêu xài để mang lại hạnh phúc. Này đại vương, đấy cũng giống như một cái hồ đầy nước mát, tinh khiết, ngọt lành và trong vắt, ở vào một nơi thuận tiện, cạnh một ngôi làng hay một thị trấn giúp cho mọi người có thể đến uống, tắm mát, hoặc để dùng vào việc này hay việc nọ. Này đại vương, nếu nước được sử dụng thích đáng thì chẳng những sẽ không thất thoát đi mà lại còn mang lại hạnh phúc.

"Cũng thế, này đại vương, một người có tấm lòng rộng lượng, thu góp được một gia tài kếch xù và biết đem ra tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho mình. Hắn biết đem ra tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho cha mẹ. Hắn biết đem ra tiêu xài để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho gia đình.[...]. Này đại vương, sử dụng gia tài kếch xù một cách thích đáng không phải là một sự phí phạm, mà đấy là cách tiêu xài để mang lại hạnh phúc.

Con suối mát nơi chốn hoang vu,
Nào có ai đến được để uống?
Nước tràn đi, phí phạm và vô ích.
Nào có khác gì của cải của một người keo kiệt,
Không biết tiêu xài cho mình, cũng chẳng biết hiến dâng.
Người có tấm lòng rộng lượng,
Thu góp được của cải và ý thức được bổn phận mình,
Sẽ tiêu dùng để nuôi dưỡng mẹ cha và giúp đỡ bạn bè.
Thanh cao, tấm lòng luôn rộng mở,
Khi chết hắn sẽ tìm thấy phúc hạnh nơi cõi thiên nhân.
(Samyutta Nikaya, I, ed. PTS, 1884-1898, 91-92)

Vài lời ghi chú

Aputtaka, tên của bản kinh có nghĩa là "Người không có con"(để thừa kế), không phải là tên của một nhân vật nào cả. Theo Pya Tan (Samyuttaya Nikaya, translated and annotated by Pya Tan, 2006) thì chữ này có ý ám chỉ một người không đáng để cho chúng ta ghi nhớ, tức mang ít nhiều tính cách miệt thị. Thật ra thì có ít nhất hai bản kinh mang tên là Aputtaka-Sutta, cả hai đều có phần bố cục khá giống nhau, chỉ có phần nội dung nhằm mô tả người keo kiệt thì mới có sự khác biệt (Smyuttaya NikayaSN, III, 19 và SN, III, 20). Bài kinh chuyển ngữ dưới đây là bài kinh Aputtaka-Sutta -1.

Giới luật Phật Giáo cấm người xuất gia không được giữ bất cứ một thứ gì gọi là của riêng. Thế nhưng đối với người thế tục thì Phật giáo không cấm đoán họ làm giàu, nếu làm giàu bằng "những phương tiện sinh sống đúng" (Bát Chánh Đạo), và luôn nhắc nhở họ: "Phải tiêu xài và giúp đỡ người khác". Thật thế có rất nhiều kinh sách đề cập đến vấn đề này, chẳng hạn như khuyên phải tiêu xài các nguồn lợi nhuận mà mình thu góp được để mang lại hạnh phúc, để nuôi nấng mẹ cha, giúp đỡ bạn bè, cấp dưỡng cho người tu hành (Anguttara Nikaya, III, 259); phải kiếm tiền một cách lương thiện, tức không gây ra thiệt hại cho các chúng sinh khác (lường gạt, hay chăn nuôi súc vật để giết thịt) và môi trường thiên nhiên (chặt cây, phá rừng...), và nhất là phải chia sẻ sự giàu có với những người chung quanh, và phải luôn tự cảnh giác không được để vướng vào các thứ cảm tính kiêu căng (AnguttaraNikaya, I, 181), v.v...

Nói chung đối với người thế tục Phật giáo không cấm cản việc tìm kiếm những thứ thích thú "giác cảm", dù đấy chỉ là những thứ hạnh phúc hời hợt và tạm bợ, bởi vì Phật Giáo ý thức được là không thể nào giúp tất cả mọi người trong chốc lát có thể quán thấy được nguồn gốc sâu xa của khổ đau phát sinh từ những thứ hạnh phúc ấy. Dầu sao thì những niềm hạnh phúc tạm bợ đó ít ra cũng tránh cho họ được phần nào những thứ khổ đau thật thô thiển, chẳng hạn như hận thù, hung dữ , ích kỷ, tham lam, keo kiệt, bủn xỉn... Vì thế trong bài kinh trên đây Đức Phật cũng đã khuyên những người có của cải nên đem ra tiêu xài để mang lại "niềm hân hoan và thích thúcho chính mình, cho cha mẹ và những người chung quanh".

Cách nay đã hơn hai ngàn năm trăm năm thế mà Đức Phật đã nêu lên tệ nạn nghèo đói và xem đấy là một sự bất công trầm trọng của xã hội:

"Khi sự giàu có không được chia sẻ cho người nghèo, thì tình trạng nghèo đói lại càng gia tăng. Khi tình trạng nghèo đói gia tăng, thì trộm cắp cũng gia tăng. Khi trộm cắp gia tăng, thì con số khí giới (để tự vệ và trừ khử bọn cướp giật) cũng sẽ gia tăng. Khi khí giới gia tăng thì việc sát nhân cũng gia tăng"(Anguttara Nikaya, III, 68).

Ngày nay dân số trên địa cầu đã tăng lên bảy tỉ người, tình trạng nghèo đói trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Ủy Ban Nhân Quyền của cơ quan Liên Hiệp Quốc cho biết là cứ mỗi năm giây thì lại có một đứa bé chết vì đói. Con số khí giới trên hành tinh này cũng theo đó mà gia tăng, có khi còn nhiều hơn cả sự cần thiết, để thích nghi với sự nghèo đói đang gia tăng ấy, hầu để bảo vệ miếng ăn cho một số người, trong số đó biết đâu cũng có cả chúng ta.

Phật giáo luôn luôn khuyến khích các hành động từ thiện cùng việc bố thí (dâna) và xem đấy là những điều xứng đáng tạo ra nghiệp lành cho kiếp sống hiện tại và cho cả các kiếp sống tương lai. Không nên "ăn một mình" và "làm ngơ" trước cái đói của kẻ khác. Những gì mình được hưởng hôm nay là nhờ vào những gì xứng đáng mà mình đã tạo được trong các kiếp trước, thế nhưng nếu chỉ biết sống một cách bần tiện, keo kiệt thì tránh sao khỏi sẽ tái sinh trong một hoàn cảnh đói nghèo. Đấy là những gì sơ đẳng nhất trong giáo lý nhà Phật.

Thế nhưng oái oăm thay, nào có mấy người trong chúng ta lại tự nhận là mình giàu có đâu. Gặp nhau thì than thở là chứng khoán dạo này tuột nhanh quá, thật là dại vì tiền dư bao nhiều là dồn cả vào đấy cho mất toi, trong khi đó thì tiền mua nhà trả góp cho ngân hàng còn hơn chục năm nữa mới hết, tệ hơn nữa là hôm qua đã dốc túi mua mấy chục tấm vé số mà chẳng trúng được đồng nào. Tết nhất đến nơi, còn phải quà cáp biếu xén cho thầy cô của bọn trẻ. Vật giá thì gia tăng, thế nhưng lại phải ăn Tết cho ra vẻ với người ta chứ..., toàn là nợ nần và các chuyện phải tiêu xài. Thương thay cho sự túng quẫn của họ.

Thật vậy có mấy ai nhìn thấy cái "giàu có" của mình đâu? Của cải thật ra chỉ là những con số vô nghĩa, sự giàu có đích thật là ở trong đáy tim mình. Tết nhất đến nơi, khi ra đường ta trông thấy một đứa bé lang thang, rách rưới, đen đúa và bẩn thỉu đang đứng nhìn những chiếc quần áo mới treo lủng lẳng trong các cửa hàng, đôi khi cũng khiến cho ta phải bật khóc. Những giọt nước mắt ấy mới đúng thật là sự giàu có, tuy yên lặng thế nhưng rạt rào như đại dương mênh mông.

Ngoài ra còn có một sự giàu có khác nữa mà tất cả mọi người đều ngang hàng nhau, không thể vin vào đấy để ganh tị hay so đo với nhau được. Đấy là tất cả mọi người trong chúng ta đều có hai mươi bốn giờ trong một ngày. Chúng ta sử dụng chúng như thế nào? Phải chăng để xem phim Hàn quốc bất tận, xem cô này "yêu" cậu kia, cậu kia "thương" cô khác, ghen tuông, khóc lóc, đủ mọi chuyện éo le, gay cấn? Hay là chúng ta thích sang nhà hàng xóm tán gẫu hay đánh bài, hoặc rủ nhau đi quán nhậu, đi uống "cà-phê vườn", "cà-phê đèn mờ" để nghe nhạc "trữ tình" bất tận? Đấy là một sự phung phí lớn lao nhất của kiếp con người, tương tự như chúng ta có một cái "hồ nước mát và tinh khiết",thế nhưng không biết lấy nước ấy để tắm và cũng không có ai đến được để uống một ngụm nào, cứ để cho nước tràn đi và thất thoát.

Nếu biết sử dụng những giây phút quý báu của kiếp người để học hỏi, tự trau dồi hầu giúp mình trở nên những con người xứng đáng hơn và cao cả hơn, thì những giây phút ấy sẽ trở thành một gia tài kếch xù, một nguồn tài nguyên bất tận và vô giá. Đấy cũng là một cách "mang ra tiêu xài của cải của mình một cách thích đáng". Nếu quay nhìn lại quãng đời đã trải qua thì mỗi người trong chúng ta cũng nên tự hỏi xem mình đã phí phạm bao nhiêu giây phút quý báu ấy của kiếp người.

Tuy nhiên cũng có thể có người phản kháng lại và cho rằng việc học hỏi và tu tập vượt quá khả năng của họ. Thật vậy những gì mình muốn thu đạt được từ bên ngoài thì có thể đòi hỏi nhiếu cố gắng và kiên trì, thế nhưng những gì phát xuất từ đáy tim mình thì cũng không đến đỗi khó khăn gì cho lắm. Chẳng hạn, nếu trông thấy cha mình ngồi trong yên lặng, bâng khuâng nhìn ra đường, thì rót một tách nước trà để mời cha rồi ngồi xuống với cha vài phút, nếu trông thấy những nét u uẩn hiện lên trong đôi mắt của mẹ thì cố tìm một vài lời ngọt ngào để gợi chuyện với mẹ, nếu không thì cũng có thể chạy sang nhà hàng xóm chơi đùa với mấy đứa trẻ con để cho mẹ chúng có thì giờ dọn dẹp nhà cửa hoặc bắc nồi cơm lên bếp. Những việc nhỏ nhoi như thế nào có khó khăn gì đâu, dần dần rồi ta sẽ có thể thực hiện được những việc khó khăn hơn, ít ra thì những giây phút đó cũng ích lợi hơn là ngồi xem "Cô gái Đồ Long" tung chưởng hết hiệp này sang hiệp khác, đến khi đứng lên thì uể oải, tâm trí trở nên đờ đẫn và ù lì.

Tóm lại hãy hiến dâng những gì mình có trong hai tay, trong đáy tim mình và cả những giây phút của kiếp người này. Chúng ta luôn luôn giàu có hơn là chúng ta tưởng vì thế đôi khi cũng nên nhìn lại xem mình có keo kiệt lắm hay không. Thiển nghĩ bài kinh trên đây dạy cho chúng ta hiểu rằng những gì chúng ta ôm lấy khư khư chẳng những không ích lợi gì mà chúng sẽ mất đi vào một lúc nào đó.

Để thay cho phần kết luận cũng xin trích thêm một bài kinh khác thật ngắn mang tên là Aditta-Sutta,tìm thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya, I, 41). Aditta có nghĩa là bốc cháy, do đó có thể tạm dịch bài kinh này là bài Kinh về Hỏa Hoạn. Khi một căn nhà bốc cháy thì những gì cất dấu trong đó sẽ hóa thành tro bụi, chỉ có những gì đã mang cho người khác thì mới còn lại mà thôi.

Thế nhưng đâu phải chỉ có một gian nhà bốc cháy mà cả thế gian này đang bốc cháy. Già nua đang bốc cháy, cái chết đang bốc cháy. Theo định nghĩa của Phật Giáo thì quá trình của sự già nua bắt đầu từ khoảnh khắc tiếp nối ngay sau khi thụ thai, và cái quá trình đó vận hành không ngưng nghỉ cho đến lúc cái chết xảy ra. Vì thế tất cả chúng sinh trong thế giới này, không có một ngoại lệ nào cả, đều đang bị ngọn lửa của vô thường thiêu đốt. Một người tu tập khi đã ý thức được ngọn lửa mênh mông đó đang thiêu đốt thân xác mình và cả thế gian này, thì sẽ không còn nghĩ tới việc so kè từng xu mà chỉ biết nhìn lại xem trong hai tay mình còn lại những gì để hiến dâng cho kẻ khác.

Bối cảnh của bài kinh này thật thi vị và thiêng liêng. Đức Phật đang ngồi thiền yên lặng giữa đêm khuya nơi ngôi vườn Kỳ Viên thì có một nữ thiên nhân (devata) hiện ra, ánh hào quang soi sáng cả khu vườn. Vị nữ thiên nhân tiến đến gần Đấng Thế Tôn và đảnh lễ, rồi ngồi sang một bên. Đấng Thế Tôn cảm ứng cho vị nữ thiên nhân hát lên bài hát của một trận hỏa hoạn để hàng ngàn đệ tử của Ngài và các người thế tục đang mơ màng trong khu vườn có thể lắng nghe giữa đêm thâu thanh vắng. Sau đây là phần chuyển ngữ toàn bộ của bài kinh trên đây dựa theo bản dịch từ tiếng Pa-li sang tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu (The Access to Insight, June, 2010):

"Tôi từng được nghe như thế này: Có một lần Đấng Thế Tôn đang ngụ tại tu viện của ngài Cấp Cô Độc (Anathapindika) trong khu vườn Kỳ Viên, gần thành Xá-Vệ (Savatthi). Vào lúc nửa đêm, hiện ra một nữ thiên nhân tỏa ánh hào quang chiếu sáng cả khu vườn. Vị nữ thiên nhân tiến đến gần Đấng Thế Tôn, đảnh lễ rồi ngồi sang một bên. Sau khi ngồi sang một bên thì cất tiếng để hát lên bài hát sau đây:

"Khi căn nhà bốc cháy,
Những gì còn sót lại,
Là những vật đã cho.
Kìa của cải giữ lại,
Đang hóa thành bụi tro.
Cả thế gian bốc cháy!
Tuổi già thanh củi mục,
Cái chết ngọn lửa hồng.
Bảo toàn nhanh của cải:
Hiến dâng bằng hai tay.
Vật cho là quả ngọt,
Giữ lại, mối lo buồn:
Nào vua quan dòm ngó,
Nào kẻ trộm rình mò,
Hỏa hoạn, một đống tro.
Kìa thân xác bỏ lại,
Nằm kia cùng của cải.
Hỡi những ai giác ngộ!
Nắm lấy hạnh phúc này,
Bằng hai tay để ngửa.
Hân hoan đôi bàn tay,
Dù chỉ là ít ỏi,
Một chút này hiến dâng.
Con đường nào rộng mở,
Cõi thiên nhân đón chờ".
(Tương Ưng Bộ Kinh, Samyutta Nikaya, I, 41)

Dịch thơ rất khó để tôn trọng từng chữ một, do đó xin chép lại dưới đây bản dịch bằng tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu nhằm giúp các độc giả nào muốn tìm hiểu thêm:

When a house is on fire
the vessel salvaged
is the one that will be of use,
not the one left there to burn.

So when the world is on fire
with aging and death,
one should salvage [one's wealth] by giving:
what's given is well salvaged.

What's given bears fruit as pleasure.
What isn't given does not:
thieves take it away, or kings;
it gets burnt by fire or lost.

Then in the end
one leaves the body
together with one's possessions.
Knowing this, the intelligent man
enjoys possessions and gives.

Having enjoyed and given
in line with his means,
uncensured he goes
to the heavenly state.


Bures-Sur-Yvette, 21.11.11

Hoang Phong
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/04/2017(Xem: 9904)
Đạo Phật là đạo của giác ngộ, giải thoát nên lúc nào cũng phát khởi tấm lòng vô ngã, vị tha với tinh thần từ bi và trí huệ. Trong suốt 49 năm hoằng dương Chánh pháp, đức Phật đem hết sự thấy biết của mình qua sự tu chứng, trải nghiệm thực tế, nhằm thức tỉnh và giác ngộ mọi người để có sự hiểu biết chân chánh bằng niềm tin nơi chính mình và tin sâu nhân quả. Kinh Kamala được đức Phật nói trong hoàn cảnh khi Ngài cùng các đệ tử đi đến thị trấn Kêsaputa của sắc dân Kalama thuộc nước Kôsala.
22/04/2017(Xem: 5255)
Phật tử Chùa Thiên Khánh hỏi : 6-Hai người cùng tu tập như nhau, nhưng một người hay giúp đỡ và một người không? Vậy phước có đồng nhau không? Xin thầy chỉ dạy. Thầy trả lời : Câu hỏi này rất hay và có giá trị. Hai người cùng làm một công việc trong một thời điểm và có tài sức ngang nhau, thế nhưng có người thành công và có người thất bại. Đối với những người không thành công, họ hay tự an ủi mình rằng số mình chưa đến hoặc họ đổ thừa tại bị thì là…. Nhưng ít ai biết rằng tất cả nên hư, thành bại, tốt xấu đều do mình tạo ra trong quá khứ hoặc hiện tại
17/04/2017(Xem: 4924)
Thân và tâm là hai yếu tố quan trọng luôn liên hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau trong một cơ thể con người. Nếu ta luôn tỉnh giác hằng ngày, ý thức ba việc thường chớ đủ là ăn mặc, ngủ; hay nói cho đúng hơn, ta phải muốn ít, biết đủ, chỉ ăn uống điều độ vừa đủ để nuôi thân, làm việc, vận động hợp lý, ngủ nghỉ cho có chừng mực, nên thân khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt, nhờ vậy mình dễ dàng buông xả mọi dính mắc trong cuộc đời mà thành tựu đạo pháp.
25/03/2017(Xem: 6680)
Còn nhớ nửa đầu thập niên 90 thế kỷ trước, mỗi khi có tác phẩm nào nội dung liên quan đến Phật giáo thì phía bộ phận quản lý đều yêu cầu tác giả hoặc nhà xuất bản phải trình qua phía văn hóa, hoằng pháp Phật giáo để có phê duyệt rõ ràng, thì mới được cấp giấy phép thực hiện và phát hành rộng rãi. Quy định chặt chẽ ấy đã giúp và hỗ trợ Phật giáo rất nhiều trong việc hạn chế được những sai phạm vô tình hay hữu ý hiểu sai về Phật giáo. Việc làm tích cực này hiện nay đã không còn thấy nữa. Vì vậy từ khi thấy có xuất hiện quyển sách "Tranh Nhân Quả" do Sư Thầy Thích Chân Quang biên soạn
19/03/2017(Xem: 6734)
Là người mới bắt đầu học Phật hoặc đã học Phật nhưng chưa thấm nhuần Phật pháp chân chính, chúng tôi biên soạn quyển sách nhỏ này, nhằm hướng dẫn cho người cư sĩ tại gia tập sống cuộc đời thánh thiện, theo lời Phật dạy. Chúng tôi cố gắng trình bày các nguyên tắc này theo sự hiểu biết có giới hạn của mình, sau một thời gian ứng dụng tu học cảm thấy có chút an lạc. Để giúp cho người cư sĩ tại gia thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình đối với gia đình người thân và cộng đồng xã hội. Trước tiên, chúng ta cần phải có một niềm tin vững chắc sau khi học hỏi, có tư duy sâu sắc, có quán chiếu chiêm nghiệm như lời Phật dạy sau đây: Này các thiện nam, tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quan sát, suy tư và thể nghiệm. Chỉ khi nào, sau khi thể nghiệm, quý vị thực sự thấy lời dạy này là tốt, lành mạnh, đạo đức, có khả năng hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán; nếu sống và thực hiện theo lời dạy này sẽ đem đến hạnh phúc, an lạc thực sự ngay hiện tại và về lâu về dài,
19/03/2017(Xem: 6351)
Nói đến đạo Phật là nói đến tinh thần nhân quả, nói đến sự giác ngộ của một con người. Con người sinh ra đủ phước báo hay bất hạnh là do tích lũy nghiệp từ nhiều đời mà hiện tại cho ra kết quả khác nhau. Mọi việc đều có thể thay đổi và cải thiện tốt hơn nếu chúng ta có ý chí và quyết tâm cao độ. Tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này là một dòng chuyển biến liên tục từng phút giây, không có gì là cố định cả. Một gia đình nọ, hai cha con cùng dạo chơi trong khu vườn nhà của họ. Bổng nhiên đứa con hỏi bố: “Bố ơi bố, nhà chúng ta có giàu không ạ?” Ông bố nghe xong liền mỉm cười, xoa đầu cậu con trai, rồi nói: “Bố có tiền, nhưng con không có. Tiền của bố là do bố tự mình siêng năng tích cực làm ra bằng đôi bàn tay và khối óc, được tích lũy trong nhiều năm tháng. Sau này con muốn giàu có như bố, trước tiên con phải học và chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính, con cũng có thể thông qua nghề nghiệp của mình mà kiếm được tiền.”
17/03/2017(Xem: 6150)
1-Người Phật tử, phải thắng sự lười biếng bởi thái độ ỷ lại hay dựa dẫm vào người khác mà cầu khẩn van xin để đánh mất chính mình. 2-Bất mãn là thái độ thiếu khôn ngoan và sáng suốt, người trí càng nổ lực tu học và dấn thân đóng góp nhiều hơn nữa khi mọi việc chưa được tốt đẹp để không bị rơi vào trạng thái tiêu cực. 3-Người Phật tử chân chính, cương quyết phải thắng sự thiếu quyết tâm khi muốn làm việc thiện vì đó là trách nhiệm và bổn phận của người có lòng từ bi hỷ xả.
16/03/2017(Xem: 6255)
1-Người Phật tử hãy nên nhớ, sở dĩ con người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm do không tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc. 2-Nếu chúng ta không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không thể làm cho ta phiền muộn khổ đau, vì ta đã có cây kiếm trí tuệ nhờ nghe và biết chiêm nghiệm để rồi tu sửa. 3-Người Phật tử dù thắng trăm vạn quân cũng không bằng chiến thắng những thói hư tật xấu của mình, đó là chiến công oanh liệt nhất mà người đời ít ai làm được. 4-Chúng ta hãy luôn cám ơn nghịch cảnh vì chính khó khăn đó đã giúp cho ta có cơ hội quay lại chính mình, nhờ vậy tâm ta an tĩnh, sáng suốt mà tìm ra phương hướng để khắc phục.
14/03/2017(Xem: 5398)
Ngài là Thái tử, tên Sĩ Đạt Ta Có mẹ có cha, giống như mọi người. Mẹ là hoàng hậu, Thánh mẫu Ma Da Đức vua Tịnh Phạn, là cha của Ngài. Ngày rằm tháng tư, Thái tử ra đời Sinh xong bảy ngày, hoàng hậu sanh thiên.
26/02/2017(Xem: 11195)
“Tâm” là một trong những từ ngữ thường được biết, được nhắc đến nhiều nhất trong đời sống thường nhật (tâm, tâm lý , tâm linh, tâm thần, tâm niệm, tâm não, tâm tánh, tâm trạng, tâm sự, tâm tình… với biết bao nổi niềm vui buồn, thương ghét…) cũng như cũng rất phổ thông, phổ dụng trong đạo Phật . Lý do vì đạo Phật là đạo tu Tâm. Nhưng “Tâm là gì ? Tâm ở đâu ? Tu tâm là tu như thế nào ..lại là các điều cần được nắm vững. Ngoài ra lại có khá nhiều từ ngữ có liên hệ rất mật thiết với chữ “Tâm” như các chữ Tánh, Thức, Ý, Ý Thức, Tình Cảm, Xúc Cảm, Tư Duy, Lo Nghĩ, … Điều này khiến người học Phật khó tránh khỏi những hoang mang, mờ mịt, ngờ vực vì khó có thể phân định chuẩn xác được các phạm trù về ý nghĩa của chữ “Tâm” trong đạo Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567