Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 1

01/10/201209:40(Xem: 7902)
Phần 1
CHÁNH KIẾN VÀ NGHIỆP

Tác giả: Ledi Sayadaw vànhiều c giả khác

Dịch giả: Pháp Thông

 

HỎI VÀ ĐÁP VỀ NGHIỆP VÀ QUẢ CỦA NGHIỆP-Nina Van Gorrkom

Phần I

A. (Hỏi) Khi gặp một chuyện buồn lòng khó chịu người ta thường hay hỏi: “Sao việc này phải xảy đến với tôi?” Một người có thể sống rất tốt và tử tế với mọi người, tuy thế vẫn phải chịu những lời ác độc đáp lại. Bà có thể cho chúng tôi biết có đúng là những việc làm tốt sẽ đem lại kết quả tốt không? Đôi khi tôi cảm thấy hoài nghi về điều này.

B . (Đáp) Người ta hỏi câu này vì không phải lúc nào họ cũng hiểu tại sao họ lại phải đau khổ trong cuộc sống. Thật khó mà biết được nguyên nhân nào trong quá khứ đã dẫn đến tình trạng buồn lòng khó chịu thế này hay thế khác ở khoảnh khắc hiện tại này. Đức Phật nói rằng mọi việc xảy ra phải có nguyên nhân của nó. Khi chúng ta đau khổ ắt phải có nguyên nhân, hoặc trong quá khứ xa xăm hoặc trong quá khứ gần nhất đó thôi. Nếu chúng ta biết nhân và quả tương quan lẫn nhau như thế nào trong cuộc sống của chúng ta, sự hiểu biết đó sẽ giúp chúng ta có thái độ đúng đắn hơn đối với những chuyện khó chịu và đau khổ ở đời này.

A. Phải chăng những nghiệp xấu người ta đã làm trong quá khứ là nhân của những cảm thọ khó chịu ở khoảnh khắc hiện tại này? Nghiệp đã làm thuộc về quá khứ. Làm thế nào những nghiệp ấy lại có thể cho quả sau đó được?

B. Để có sự hiểu biết sâu xa hơn về cách nhân và quả tương quan lẫn nhau, việc đầu tiên nhất thiết chúng ta phải biết cái gì hay động lực nào thúc đẩy những việc làm tốt hoặc xấu; hơn nữa chúng ta cũng cần phải biết chúng ta tích luỹ những khuynh hướng thiện khi làm điều thiện như thế nào và chúng ta tích luỹ những khuynh hướng bất thiện trong việc làm điều ác ra sao.

A. Tại sao bà lại dùng những từ “thiện” và “bất thiện” mà không dùng “tốt” và “xấu?”

B. Những chữ “tốt” và “xấu” thường hàm ý một sự phán xét về đạo đức. Đức Phật không phán xét con người theo tiêu chuẩn “tốt” hoặc “xấu”. Ngài chỉ giải thích về những điều kiện quy định cách cư xử của họ và về những quả báo của thiện và bất thiện. Một hành động bất thiện là hành động đem lại sự tổn hại cho bản thân mình hoặc cho người khác, có thể ở ngay khoảnh khắc người ta làm điều bất thiện ấy hoặc sau đó, trong khi một hành động thiện là hành động sẽ đưa đến an vui, hạnh phúc. Trong ngôn ngữ Pāḷi, bất thiện là akusala, và thiện là kusala. Với những tâm bất thiện (akusala citta) người ta có thể thực hiện những nghiệp bất thiện (akusala kamma) và với tâm thiện (kusala citta) người ta có thể làm những nghiệp thiện (kusala kamma).

A. Tâm (citta) là gì? Đó có phải là một linh hồn hay “cái tôi” điều khiển mọi hoạt động không? Nó có nằm dưới quyền kiểm soát của chúng ta không, tức là khi chúng ta muốn có một tâm thiện để thực hiện một thiện nghiệp có được hay không, hay nó nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta?

B. Tâm (citta) không phải là “linh hồn” hoặc “cái tôi” hay “cái ngã”. Có nhiều tâm khác nhau tiếp nối theo nhau liên tục không ngừng, và không có tâm nào kéo dài lâu cả. Mỗi tâm sanh lên liền diệt. Ở sát na này chúng ta có thể kinh nghiệm một tâm bất thiện. Tuy nhiên, tâm ấy không kéo dài, nó diệt mất liền. Vào sát na khác chúng ta có thể có một tâm thiện; tâm này cũng không kéo dài, nó lại diệt mất. Mỗi sát na chỉ có một tâm; chúng ta không thể có một tâm bất thiện cùng lúc với tâm thiện được. Các tâm cứ thay thế nhau, hết tâm này đến tâm khác một cách liên tục. Chúng ta xem tâm nào là cái ngã nếu nó không kéo dài lâu thậm chí trong một giây như vậy?

Tâm không nằm trong quyền hạn của chúng ta để lúc nào muốn có tâm thiện thì liền có. Chúng ta muốn được tốt cả ngày nhưng chúng ta không thể nào có những tâm thiện liên tục; nó không nằm trong quyền kiểm soát của chúng ta.

Tất cả tâm đều như vậy. Chúng ta không thể tránh được điều chúng ta thích một số người và một số vật, và không thích một số người khác, vật khác. Chúng ta không thể kiểm soát hết mọi tư duy của mình, có khi chúng ta lơ đãng mặc dù không muốn thế. Hai người không thể có cùng một suy tư, dù cho họ nghĩ đến cùng một đối tượng, chẳng hạn về một vùng quê nơi cả hai sinh ra. Những suy tư của một người lệ thuộc vào nhiều điều kiện, chẳng hạn vào kinh nghiệm và những khuynh hướng đã tích luỹ trong quá khứ, vào đối tượng tự hiện khởi ngay lúc đó, vào bạn bè tốt - xấu, hoặc vào thức ăn mà họ dùng.

Vì vấn đề không nằm trong quyền lực của chúng ta để muốn có một tâm nào (theo ý mình) vào một thời khắc nào đó, nên không thể nói rằng có một “cái ngã” điều khiển mọi hành động của chúng ta. Nói tóm lại, hành động của chúng ta tuỳ thuộc vào những khuynh hướng đã được tích luỹ trong quá khứ và nhiều điều kiện khác nữa.

A. Tôi để ý thấy rằng có những người dường như luôn luôn làm điều không chính đáng trong cuộc đời này, trong khi đối với những người khác thì việc bố thí hay sống lương thiện là chuyện không khó. Vì lý do gì con người ta lại khác nhau đến như vậy?

B. Người ta sở dĩ khác nhau như vậy là vì mỗi người có những khuynh hướng và sở thích khác nhau đã từng được họ tích lũy trong quá khứ. Người thường nóng giận sẽ tích lũy sự nóng giận. Khi sự nóng giận hay tâm sân đã tích lũy này đủ mạnh, chúng sẽ thực hiện những nghiệp bất thiện qua lời nói và hành động. Mỗi người ai cũng đã tích lũy những khuynh hướng cả thiện lẫn bất thiện, chỉ nhiều hơn hay ít hơn mà thôi.

A. Có đúng là những hành động tốt và xấu mà người ta đã thực hiện trong quá khứ không bao giờ mất, và rằng chúng tiếp tục có một ảnh hưởng ở khoảnh khắc hiện tại không?

B. Điều đó là sự thực. Những kinh nghiệm người ta có trong quá khứ và những hành động tốt và xấu họ từng làm trong quá khứ, đã được tích luỹ lại và chúng sẽ tạo điều kiện cho các tâm đang khởi lên trong thời điểm hiện tại. Nếu như tâm trong thời điểm hiện tại là tâm thiện (kusala citta), sẽ có một tích luỹ mới của khuynh hướng thiện, ngược lại nếu tâm lúc này là tâm bất thiện (akusala citta), cũng sẽ có một sự tích lũy mới của khuynh hướng bất thiện.

Bởi thế các tâm sanh chẳng những do đối tượng tự hiện khởi qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, hoặc tâm làm duyên, mà chúng còn do những khuynh hướng và sở thích đã tích lũy trong quá khứ và do nhiều yếu tố khác nữa tạo điều kiện.

Các tâm (cittas) nằm ngoài sự kiểm soát, và như Đức Phật đã nói; chúng là “vô ngã” (anattā). Khi Đức Phật nói các pháp là vô ngã, ngài muốn nói rằng chúng ta hoàn toàn không có thẩm quyền nào đối với bất kỳ thứ gì. Mọi việc trong cuộc đời chúng ta xảy ra do có những điều kiện, và rồi mọi thứ cũng đều diệt.

Những hành động hay nghiệp tốt và xấu của chúng ta đã làm sẽ đem lại kết quả tương ứng của chúng. Khi đúng thời, kết quả sẽ xảy ra, tức là khi có những điều kiện thích hợp cho quả xảy ra thì nó sẽ xảy ra. Vấn đề không nằm trong thẩm quyền của bất kỳ ai để muốn có quả sanh vào lúc này hay lúc khác được. Nhân và quả vượt ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta, chúng là "vô ngã".

A. Đến đây tôi hiểu rằng các tâm bất thiện tạo các nghiệp bất thiện là nhân và nhân ấy không thể nào đem lại một kết quả dễ chịu được; chúng sẽ đem lại một kết quả khó chịu, trong khi những tâm thiện tạo các nghiệp thiện sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Mỗi nhân sẽ đem lại kết quả tương ứng của nó. Nhưng bà có thể giải thích làm cách nào quả lại xảy ra được không? Phải chăng đó là một sự trừng phạt hay một sự ban thưởng cho hành động của một người.

B. Không có vấn đề trừng phạt hay ban thưởng ở đây, bởi vì không có người (nắm quyền) trừng phạt hay ban thưởng. Ai gieo gì sẽ gặt nấy là một tiến trình tự nhiên. Nghiệp bất thiện đã tích luỹ đúng thời sẽ tạo ra một tâm (citta) cảm nghiệm một đối tượng khó chịu; tâm này là kết quả của một việc bất thiện mà người ta đã làm trong quá khứ. Nghiệp thiện đã tích luỹ cũng vậy, đúng thời sẽ tạo ra một tâm cảm nghiệm một đối tượng dễ chịu; tâm này là kết quả của thiện nghiệp mà người ta đã làm trong quá khứ. Tâm khi là kết quả như vậy, Pāḷi gọi là “vipākacitta” (tâm quả). Sẽ có những tâm quả khác nhau vào những sát na hay khoảnh khắc khác nhau. Đối với hầu hết mọi người, việc phát hiện ra nghiệp nào ở quá khứ đã tạo ra kết quả mà họ đang thọ nhận trong khoảnh khắc hiện tại, là điều không thể. Tuy nhiên, có biết rõ những gì đã xảy ra trong quá khứ cũng chẳng lợi ích gì; chúng ta chỉ nên quan tâm đến sát na hiện tại. Chỉ cần biết rằng nghiệp bất thiện sẽ cho ra một kết quả khó chịu hay quả khổ, và nghiệp thiện sẽ cho ra một kết quả dễ chịu hay quả lạc là đủ rồi. Kết quả xảy ra có khi chỉ một thời gian ngắn sau đó, hoặc có khi lâu hơn. Chúng ta không thể đổ lỗi cho người khác về những quả khổ mà chúng ta thọ nhận. Phải biết rằng một kết quả khó chịu là hệ quả tất yếu của nghiệp bất thiện chúng ta đã làm mà thôi.

A. Tâm quả thường xảy ra suốt cả ngày như thế nào? Ngay lúc này đây có quả (vipāka) không?

B. C ó chứ, lúc này có quả chứ, vì bạn đang thấy và đang nghe mà. Mỗi lần bạn đang thấy, nghe, ngửi, nếm, và kinh nghiệm một xúc qua thân căn thì đều có quả (vipāka). Mọi ấn tượng mà chúng ta cảm nghiệm qua năm căn đều là quả (vipāka).

A. Làm thế nào tôi có thể biết được là có quả lạc (dễ chịu) hay quả khổ (khó chịu)? Ngay lúc này tôi đang thấy nhưng tôi không có cảm giác dễ chịu hay khó chịu gì về điều đó.

B. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể phát hiện ra được đối tượng ấy là lạc hay khổ. Khi thấy hay nghe bình thường, chúng ta không thể biết được là mình có quả thiện (kusala vipāka) hay quả bất thiện (akusala vipāka). Chỉ khi cảm thấy đau đớn hay khi bịnh hoạn, chúng ta mới có thể chắc chắn rằng mình có quả bất thiện. Sát na tâm quả rất ngắn ngủi, vừa sanh lên nó diệt liền.

Khi thấy, chúng ta biết được màu sắc qua con mắt. Lúc đó chúng ta sẽ thích hay không thích màu sắc ấy, chúng ta nhận ra mằu sắc ấy, chúng ta nghĩ về màu sắc ấy. Thấy màu sắc là quả (vipāka). Thích hay không thích và suy nghĩ về đối tượng không còn là quả nữa. Những nhiệm vụ ấy được thực hiện bởi các tâm khác, gọi là tâm thiện (kusala citta) và tâm bất thiện (akusala citta). Như vậy, các tâm thích hoặc không thích, và các tâm tư duy về đối tượng là nhân, chứ không phải là quả; chúng có thể thúc đẩy những hành động, và những hành động này sẽ đem lại những kết quả mới.

Các tâm nối tiếp theo nhau nhanh đến nỗi ta cảm giác dường như chỉ có một tâm duy nhất. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng thích hay không thích và tư duy vẫn là tâm quả song điều đó là một ảo tưởng.

A. Có phải mọi người đều phải thọ nhận cả quả thiện lẫn quả bất thiện không?

B. Mọi người ai cũng đã tích luỹ cả những nghiệp thiện lẫn nghiệp bất thiện, do đó mọi người đều phải thọ nhận cả quả thiện lẫn quả bất thiện. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát triển sự hiểu biết về nhân và quả, và sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta biết sống nhẫn nại, ngay cả dưới những điều kiện khó chịu nhất. Chẳng hạn, khi hiểu được gì là quả (vipāka) rồi, chúng ta sẽ ít có khuynh hướng buồn cho thân phận hoặc trách cứ người khác khi gặp phải quả bất thiện - akusala-vipāka.

A. Nhưng tôi không thể không ghét quả (vipāka) khổ hay khó chịu. Tôi có thể thay đổi thái độ này như thế nào?

B. Bạn có thể thay đổi thái độ của bạn bằng cách hiểu biết rõ cái gì là quả và cái gì không còn là quả nữa. Điều quan trọng là phải biết rằng sát na hay khoảnh khắc chúng ta cảm thấy không thích hay hối tiếc không cùng một thứ như sát na quả. Người ta thường nghĩ rằng sự không thích phát sinh sau quả (vipāka) vẫn còn là (tâm) quả. Khi họ nói “Đây chỉ là quả mà thôi”, là họ đã không phân biệt được cảm giác khó chịu với những sát na quả. Nếu họ không thực sự hiểu cái gì là quả và cái gì không phải là quả mà chỉ là tâm bất thiện (akusala citta) hay tâm thiện (kusala citta), họ sẽ tích lũy các nghiệp bất thiện trong suốt cuộc đời họ. Do vô minh, do không hiểu biết khi nào tâm là bất thiện (akusala), người ta tích luỹ thêm bất thiện.

A. Tôi có khuynh hướng trách người đã nói lời thô lỗ với tôi, ngay cả khi tôi rất tử tế đối với họ. Những người đó không phải là nhân (nguyên nhân) khiến cho tôi phải lãnh quả khó chịu hay sao?

B. Chúng ta thường nghĩ theo cách này nếu vẫn chưa hiểu cái gì là quả.

Hãy thử phân tích những gì thực sự xảy ra khi chúng ta nghe ai đó nói lời thô lỗ xem. Khi lời đó do tâm bất thiện tạo ra, nó là một đối tượng khó chịu mà chúng ta thọ lãnh qua tai. Thực ra cũng không phải chúng ta thọ lãnh đối tượng khó chịu, mà tâm quả (vipāka citta) thọ lãnh đối tượng ấy qua tai. Tâm quả là kết quả của nghiệp bất thiện chúng ta đã làm trong quá khứ. Đây là khoảnh khắc thích hợp để nghiệp bất thiện đã làm trong quá khứ khiến cho các tâm bất thiện khởi lên ở sát na hiện tại. Người nói lời thô lỗ với chúng ta không phải là nhân của quả bất thiện, nhân nằm trong chính chúng ta. Người nói lời thô lỗ với chúng ta chỉ là một trong nhiều điều kiện cho cái tâm quả sinh lên mà thôi. Nghiệp bất thiện đã tích luỹ của chúng ta mới là nhân đích thực của quả bất thiện.

A. Đối với tôi hình như nghiệp (kamma) là số phận hay định mệnh chi phối cuộc đời của chúng ta.

B. Nghiệp không phải là một số phận bất khả thay đổi bên ngoài chúng ta, mà là những thiện nghiệp và bất thiện nghiệp đã tích luỹ của mỗi người, và vào một khoảnh khắc thích hợp nào đó nó sẽ tạo ra quả dưới hình thức tâm quả (vipākacitta).

A. Nếu một người thứ ba đi ngang qua và tình cờ nghe phải những lời thô lỗ mà người ta nói với tôi, họ cũng phải có quả bất thiện chứ, mặc dù những lờiđó không hướng thẳng đến họ. Điều đó đúng không?

B. Nếu lúc đó là lúc đúng cho họ phải có quả bất thiện, họ cũng sẽ thọ lãnh đối tượng khó chịu như vậy; họ có thể có quả bất thiện qua tai (nhĩ thức quả bất thiện). Dù những lời thô lỗ đó được nói với họ hay với người khác cũng không làm khác được.

A. Có phải quả, đối với người tình cờ nghe, có thể không đến nỗi khó chịu như đối với người mà lời thô lỗ ấy trực tiếp được nói đến không?

B. Mỗi lần chúng ta nghe một âm thanh khó chịu có nhất thiết phải có ác cảm không?

A. Không, không nhất thiết.

B. Ác cảm hay sân không liên quan gì đến quả (vipāka). Xét xem những lời ấy được nói đến bản thân mình hay đến người khác và những cảm giác khó chịu về lời nói ấy không còn là quả nữa. Nếu chúng ta cảm thấy ghét là chúng ta đã có tâm bất thiện do những tích luỹ của sân hận trong quá khứ làm duyên. Lúc chúng ta thọ lãnh một âm thanh, chỉ có vài sát na quả ngắn ngủi trước khi cảm giác khó chịu phát sinh. Nghiệp tạo điều kiện cho các tâm quả ngay vào lúc đó. Nghiệp là nhân đích thực của quả, không phải người này hay người nọ. Nếu muốn có sự hiểu biết đúng về quả, chúng ta không nên tư duy dưới hình thức “tôi”, “người đó”, và “lời nói thô lỗ”. Nếu chúng ta nghĩ đến người nói và suy xét xem những lời thô lỗ ấy được nói tới chính chúng ta hay tới người khác, chúng ta sẽ không thấy ra sự thực. Nếu chúng ta nghĩ dưới dạng các tâm (cittas) và hiểu các điều kiện cho tâm (khởi lên), chúng ta sẽ hiểu được thực tại. Khi một người nào đó nói lời thô lỗ thì chính tâm sân đã tích luỹ của họ làm duyên hay tạo điều kiện cho lời nói ấy. Dù họ nói những lời này tới chúng ta hay tới một người nào khác, điều đó cũng không quan trọng.

Nếu hiểu được “quả” chúng ta sẽ xem những kinh nghiệm khó chịu của cuộc đời ít nghiêm trọng hơn. Và ắt hẳn sẽ có ích cho chúng ta và cho người khác nhiều hơn nếu chúng ta cố gắng hiểu chính bản thân mình, và biết được những tâm khác nhau khởi lên ở những khoảnh khắc khác nhau. Sau khi chúng ta đã thọ lãnh quả bất thiện (akusala vipāka)chúng ta phải cố gắng đừng nghĩ nhiều về nó. Khi chúng ta nghĩ về quả, nó đã thuộc về quá khứ rồi. Bởi thế, tốt hơn nên quên ngay nó đi.

A. T ôi vẫn chưa hiểu được vì sao tôi lại phải thọ lãnh những lời thô lỗ đáp trả cho lòng tử tế của tôi. Có thể nào quả của nghiệp thiện lại là quả bất thiện được không?

B. Điều này không bao giờ xảy ra được. Nghiệp thiện có quả thiện như kết quả của nó; tuy nhiên, kết quả thiện ấy có thể sau đó mới phát sinh. Không thể nói được vào lúc nào thì nghiệp bất thiện và nghiệp thiện sẽ trổ quả. Nhưng phải nhớ rằng, quả bất thiện không phải là kết quả của lòng nhân từ, nó là kết quả của nghiệp bất thiện đã tích lũy của bạn. Lòng nhân từ hay tử tế của bạn chắc chắn sẽ đem lại một kết quả tốt, nhưng điều đó có thể phải xảy ra vào một thời điểm sau.

A. Khi bị những quả bất thiện như vậy, tôi không thể không cảm thấy buồn cho mình. Liệu tôi có thể làm được gì để ngăn không tích lũy thêm nghiệp bất thiện nữa?

B. Khi có những điều kiện thuận lợi cho các tâm bất thiện sanh chúng ta không thể ngăn được sự khởi sanh của chúng. Các tâm bất thiện ấy sanh ngay tức thì sau quả, trước khi chúng ta biết được nó. Thực ra, chúng là “vô ngã”, chúng không thuộc về “cái ngã” nào cả. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát triển sự hiểu biết thêm nữa về các hiện tượng khác khởi lên. Các tâm bất thiện sanh sau tâm quả không phải là một với các tâm quả (vipākacittas) và chúng có những điều kiện khác với những điều kiện dành cho tâm quả.

Nếu chúng ta hiểu rằng việc cảm thấy buồn cho bản thân và trách cứ người khác được làm bằng tâm bất thiện, và rằng theo cách này chúng ta sẽ tích luỹ nhiều bất thiện thêm nữa, chúng ta sẽ bớt làm chuyện đó. Nếu hiểu rằng ngay khoảnh khắc này chúng ta không thể làm được điều gì để thay đổi quả, vì nhân của nó là ở quá khứ, chúng ta có thể sẽ quên nó dễ dàng hơn. Vào lúc chúng ta biết được mình thọ lãnh quả thiện, nó đã diệt mất và thuộc về quá khứ rồi.

Cuộc đời thực quá ngắn để hoang phí năng lực vào việc lo cho những chuyện của quá khứ. Tốt hơn hãy lo tích luỹ thiện nghiệp bằng cách làm những điều thiện.

Trong Tương Ưng Kinh chúng ta đọc thấy có câu chuyện rằng Vua Pasenadi đi đến gặp Đức Phật ở kinh thành Xá vệ (Sāvatthi). Như các vị Vua Chúa khác, nhà Vua rất bận rộn với nhiều vấn đề. Đức Phật hỏi vua là ông sẽ làm gì khi nghe những người thân tín, từ bốn hướng đến, nói về một quả núi lớn, cao ngất tận trời, đang lăn tới và đè bẹp hết mọi sinh vật. Đức Phật hỏi, “Tâu Đại Vương, Đại Vương đã bị tóm với nỗi kinh khoàng lớn, sự tận diệt của nhân loại thật là khủng khiếp, khó được sinh lại làm người, đại vương có thể làm được gì?”

“Bạch Thế Tôn, trong một hiểm hoạ lớn như vậy, sự tận diệt của nhân loại thật là khủng khiếp, khó được sinh lại làm người, con có thể làm được điều gì khác ngoại trừ sống đúng pháp, sống chân chánh và làm các hạnh lành, làm các công đức!”

“Tâu Đại Vương, ta nói cho đại vương biết, ta tin cho Đại Vương hay: già và chết đang lăn đến bên đại vương, tâu Đại Vương! Vì lẽ già và chết đang lăn đến bên đại vương, đại vương có thể làm được điều gì?”

“Bạch Thế Tôn, già và chết đang lăn đến bên con, con có thể làm được điều gì khác để cứu lấy mình ngoại trừ sống đúng pháp, sống một cách chơn chánh, và làm các hạnh lành, làm các công đức?”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 59025)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
27/08/2010(Xem: 24261)
Còn nghĩ rằng “Đời là thế, vốn dĩ đời là thế”, “giữa cuộc đời cũng chỉ thế mà thôi”. Trước hiên nhà, lá rụng đầy sân, Chớm lộc mới, ngát hương đường cũ. Vậy nên: Hương xưa còn đọng trên đường, Ngàn lau lách ấy xem dường trinh nguyên. Âm ba tiếng hát đỗ quyên, Lung linh trăng nước xe duyên sơn hà.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]