VẤN ĐÁP THIỀN VÀ PHẬT PHÁP
HT Thích Duy Lực giải đáp
TT. Thích Đồng Thườngghi thành văn tự
Phần 2
Hỏi:
Pháp môn Tổ sư thiền chỉ cần một câu thoại đầu, hỏi lên khởi tâm không biết liên tục sẽ kiến tánh. Nhưng người chưa biết đạo Phật, con thiết nghĩ rất cần đọc kinh sách cho hiểu để có lòng tin tự tâm. Kính xin Thầy khai thị?
Đáp:
Cơ bản tham Tổ sư thiền là tin tự tâm và phát nghi tình. Đối với những người chưa tin tự tâm phải cần coi kinh sách để tăng cường lòng tin tự tâm. Cho nên, tôi hoằng Tổ sư thiền cũng dịch kinh viết sách, để cho những người chưa đủ lòng tin tự tâm được tin, thì họ thực hành mới mau đạt đến kiến tánh. Mặc dù, Phật Thích Ca truyền pháp môn ‘từ nghi đến ngộ’ này là bất lập văn tự, nghĩa là tự tánh khỏi cần qua văn tự, không phải phế bỏ phương tiện văn tự.
Nếu phế bỏ văn tự tại sao Phật có đủ thứ kinh điển để làm gì? Mà chư Tổ có ngữ lục, ngài Tăng Xán có Tín Tâm Minh, Lục Tổ có Pháp Bảo Đàn Kinh, làm sao bỏ văn tự! Chỉ là không chấp vào văn tự. Lợi dụng văn tự để cho mình hiểu Phật tánh vốn lìa văn tự. Tất cả kinh sách đều là phương tiện, tất cả lời nói của chư Phật chư Tổ đều là phương tiện.
Mình biết là phương tiện, không nên chấp vào chỗ đó. Khi đã tin tự tâm thì những thứ ấy không cần nữa, nhưng không phải phế bỏ; mình không cần mà người khác cũng còn cần, vô lượng vô biên chúng sanh vẫn còn cần; đâu phải mình không cần mà người khác không cần! Phật thuyết pháp 49 năm dù nói không có nói một chữ, nhưng kinh sách lưu hành trên thế gian mênh mông, xem suốt đời không thể hết. Vì vậy nói không cần kinh sách là không đúng.
Hỏi:
Theo chư tôn đức hoằng pháp môn Tịnh độ chỉ cần niệm Phật đến nhứt tâm bất loạn, khi lâm chung đức Phật A Di Đà rước về cõi Tây Phương Cực Lạc; thậm chí không cần niệm đến nhứt tâm bất loạn, chỉ cần niệm được 10 câu, như Trương Thiện Hòa làm nghề mổ trâu nhờ niệm được 10 câu cũng về được Tây Phương Cực Lạc. Vậy pháp môn quá dễ dàng, giống như chiếc thuyền buông xuôi theo giòng nước; mà lại theo pháp môn lạ lùng là pháp môn Tổ sư thiền, không biết bỏ cái dễ lấy cái khó, uổng phí một kiếp tu hành không?
Đáp:
Phật nói ra 48.000 pháp môn làm phương tiện, mỗi pháp đều có tông chỉ riêng, người tu pháp môn nào phải đúng theo tông chỉ của pháp môn đó. Pháp môn Tịnh độ có muôn muôn ngàn ngàn, có Tịnh độ A Di Đà, có Tịnh độ Đâu Suất, có Tịnh độ Dược Sư, 3 Tịnh độ này người Trung Quốc có hoằng dương. Nếu theo đúng tông chỉ Tịnh độ thì lâm chung một niệm cũng được vãng sanh, khỏi cần phải 10 niệm.
Nếu không đúng tông chỉ dù có được nhứt tâm bất loạn cũng không được vãng sanh, chỉ có thể đầu thai cõi người cõi trời chứ không được vãng sanh. Bởi vì không đúng với tông chỉ Tịnh độ đó thì không được vãng sanh Tịnh độ đó. Như mình muốn đến mục đích ấy phải đi đúng con đường ấy mới tới, nếu mình đi sai đường làm sao tới được! Mặc dù có phát nguyện đến chỗ ấy, nhưng lại đi lầm đường thì đi đến nơi khác, không đi lại nơi ấy.
Người ta chỉ biết Tịnh độ dễ, mà những cái khó lại bỏ đi. Chư Tổ Tịnh độ dạy cách thực hành mà những cái khó bỏ, những cái dễ lại kể. Không có cái khó làm sao có cái dễ? Cái khó thực hành được thì cái dễ mới nói là dễ. Vậy là đi sai đường làm sao đến nơi! Cho nên, muốn thành tựu pháp môn của mình tu thì phải đi đúng pháp môn đó, không đi đúng mà nói dễ thì không phải. Nói được mấy niệm khi lâm chung được vãng sanh, vậy ai chứng tỏ?
Năm 1974, tôi đi Bangkok gặp sư Tích Lan nói “Tích Lan là nước Phật giáo, làm quan phải là Phật giáo đồ”, đại sứ Tích Lan thấy tu sĩ rất kính trọng, họ không biết có Phật A Di Đà, huống là cách thực hành đến cõi Tây Phương Cực Lạc! Người ta nói 10 câu, chỉ lấy 1 câu còn 9 câu bỏ cho là dễ. Nếu 10 câu lấy hết để thực hành không phải dễ. Nói theo Phật tánh không có cái nào dễ cũng không có cái nào khó. Vì không có tương đối nên không có khó dễ, cái khó dễ do mình dùng bộ óc phân biệt.
Thiền tông phải nhờ tha lực và tự lực, Tịnh độ cũng vậy. Nếu chỉ nhờ tha lực mà được thì không có nhân quả, nên mình khỏi tu cũng được. Vậy không có nhân quả làm sao có Phật pháp? Cho nên, bất cứ pháp môn nào đều phải nhờ tự lực và tha lực.
Nhà khoa học, triết học ở thế gian cũng phải có nhân quả, nhân duyên mới được thành tựu; huống là pháp xuất thế gian khỏi cần nhân, mà chỉ cần duyên là được! Phật pháp nói nhân duyên, có nhân phải có trợ duyên, cái nhân là phải tự làm, tự mình gieo nhân gì thì được quả nấy; không gieo nhân mà cầu Phật cho mình cái quả làm sao được? Rồi cho dễ là vô lý.
Hỏi:
Chúng con không biết chương trình đả thiền thất ở Việt Nam và Trung Hoa. Xin Thầy nói rõ cách đả thiền thất hai nơi?
Đáp:
Đả thiền thất ở Trung Hoa, ngài Lai Quả giải thích rất kỹ từ thất thứ nhất đến thất thứ mười, từ cạn vào sâu. Đả thiền thất rất nghiêm khắc, giống như đi thi cử, trước kia đã học sẵn, vô thiền thất là phải thi đậu (kiến tánh).
Tôi hoằng thiền ở Việt Nam thì khác, là vô trong thi trường mới tập học biết chữ, chứ không phải đã học sẵn đến thi. Đó là phải theo phương tiện ấy, vì Tổ sư thiền đã bị thất truyền từ nhà Lê cách nay đã hơn 200 năm. Tôi là người đầu tiên khôi phục hoằng dương lại. Người ta không biết đường lối thực hành và không tin pháp môn này. Cho nên, tôi mở đả thiền thất là dạy cho người ta tập thực hành tham Tổ sư thiền, chứ không phải người thực hành sẵn mà vào thiền thất để tu kiến tánh. Hôm nay chúng ta đả thiền thất cũng là tập tham thiền.
Hỏi:
Kính xin Sư Phụ nói rõ cái khó của tông Tịnh độ?
Đáp:
Cái khó của pháp môn Tịnh độ là phát đại nguyện và thực hành đại nguyện của mình phát. Trong kinh A Di Đà nhấn mạnh phát đại nguyện, nói đến ba bốn lần; đã phát nguyện là đã vãng sanh, nay phát nguyện là nay vãng sanh, vị lai phát nguyện là vị lai vãng sanh. Bởi vì quyết định vãng sanh hay không vãng sanh là do cái nguyện, nhưng cái nguyện gồm có đại nguyện và tiểu nguyện.
Nếu nguyện chỉ cầu cho mình được vãng sanh thì không hợp với nhân quả, vì sanh Tịnh độ thì không đi đầu thai, ở đó tu đến thành Phật. Không đi đầu thai thì không trả cái quả, nếu cầu một mình vãng sanh thì phải thiếu nợ của mọi người. Nợ thịt nợ mạng khỏi trả sao? Theo nhân quả phải đi đầu thai trả trước. Cho nên, tiểu nguyện không hợp nhân quả thì không được vãng sanh.
Phải phát đại nguyện. Làm sao phát đại nguyện? Mặc dù, mình không có tiền trả, nhưng mình ký ngân phiếu hẹn sau này thành Phật trả. Mình làm việc gì đều vì tất cả chúng sanh (cái nghĩa hồi hướng), muốn độ hết tất cả chúng sanh, tức là tôi và tất cả chúng sanh cùng nhau vãng sanh. Nếu người nào chưa vãng sanh, tôi thành Phật trở lại độ những người ấy. Bởi vì sanh Tịnh độ không còn chết, ở đó tu đến ngày thành Phật.
Khi đã phát đại nguyện, tức là đã ký ngân phiếu này; nhưng trương mục của mình ở trong ngân hàng không có tiền, hay tiền không đủ trả cho người ta. Mỗi ngày mình phải làm công đức gì đều hồi hướng cho chúng sanh, như nạp tiền vô ngân hàng để chủ nợ cầm ngân phiếu đến ngân hàng lấy.
Nếu mình không thực hành đại nguyện của mình phát, làm sao được vãng sanh! Tức là mình không có nạp tiền vô ngân hàng. Đến khi người ta cầm ngân phiếu vô ngân hàng lấy không được, thì ngân phiếu này là giả nên phải bị tội. Bởi vì, nguyện suông nguyện giả, mình chỉ tâm nghĩ, miệng nói nhưng không có làm. Cái khó phát đại nguyện và thực hành đại nguyện của mình phát.
Nếu thực hành đại nguyện của mình phát thì phải coi chúng sanh bình đẳng, mình và chúng sanh không khác. Người đối với người, mình cũng chưa bình đẳng; huống là đối với tất cả loài vật! Nếu không bình đẳng là nguyện suông nguyện giả thì không thể vãng sanh. Nếu không thực hành đại nguyện của mình phát thì phải đi đầu thai để trả nợ.
Hỏi:
Con nghe nói “tâm tịnh Phật độ tịnh”. Vãng sanh về Tịnh độ, vậy Tịnh độ ở đâu?
Đáp:
Sự thật, Phật nói pháp môn Tịnh độ là bất đắc dĩ để độ những chúng sanh quá chấp thật, nên nói có cõi Tịnh độ, đặc biệt có Tịnh độ này Tịnh độ kia. Nếu mình tin tự tâm thì Tịnh độ không ở ngoài tâm, vì tâm cùng khắp không gian thì ngoài không gian đâu có không gian để lập cõi Tịnh độ! Tịnh độ ở trong tâm, cho nên Kinh nói “ngoài tâm không có Phật”. Người Tịnh độ cũng biết: “chúng sanh, tâm và Phật đều không sai biệt”. Nhưng bệnh chấp của người Tịnh độ quá nặng, thành ra có cái nói đúng, có cái nói sai, rất mâu thuẫn.
Nói tóm lại, mình muốn tu pháp môn nào phải đúng theo tông chỉ của pháp môn đó, chứ đừng nói pháp môn này dễ, pháp môn kia khó. Tu đúng thì cái khó cũng thành dễ, mà tu không đúng thì dễ cũng thành khó. Bởi vì dễ mà không được thành tựu là khó rồi.
Hỏi:
Tại sao ngài Ấn Quang cho người tu Tịnh độ chỉ đọc 3 cuốn kinh: Quán Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Thọ và A Di Đà?
Đáp:
Tổ Tịnh độ muốn người tu Tịnh độ được thành tựu vãng sanh, nhưng người tu Tịnh độ không nghe lời Tổ Tịnh độ, tự cho mình thực hành đúng hơn Tổ Tịnh độ, vậy làm sao được vãng sanh? Mình tu Tịnh độ phải theo lời dạy của tổ Tịnh độ, rồi nói cái khác cho Tịnh độ là dễ, việc này rất khó nói. Trước kia tôi hoằng Tịnh độ mười mấy năm cảm thấy rất khó, nên sau này tôi chuyển sang Tổ sư thiền.
Hỏi:
Đa số chúng con hiểu pháp môn Tịnh độ như thế này: “hành và nguyện” thì mình nguyện về cõi Tây Phương Cực Lạc, rồi cái hành là niệm danh hiệu Phật A Di Đà, niệm riết. Đó là phát đại nguyện. Kính xin Thầy khai thị?
Đáp:
Tín, nguyện, hành mà tôi đã giảng nhiều lần là 3 thứ tin, 2 thứ nguyện và 2 thứ hành. Cách niệm Phật: Tổ 13 là ngài Ấn Quang dạy ghi nhớ niệm Phật. Quyết định được vãng sanh hay không được vãng sanh là do cái nguyện. Nếu cái nguyện không đúng thì niệm đến nhứt tâm bất loạn cũng không được vãng sanh, chỉ là được sanh cõi người hay sanh cõi trời.
Tịnh độ A Di Đà có 3 cấp: Thật tướng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Trì danh niệm Phật. Thật tướng niệm Phật thì Tịnh độ trong tâm, khỏi cần đi vãng sanh, tâm tịnh là Phật độ tịnh. Việc ấy, người Tịnh độ biết hay không biết, nhưng chỉ dạy người ta những điều dễ, mà không dạy các điều khó. Đó là làm hại cho người ta.
Hỏi:
Nhân Sư Phụ nói dạy điều dễ mà không dạy điều khó, trong kinh Lăng Nghiêm nói cách niệm Phật của Đại Thế Chí dường như rất khó hơn cách niệm Phật của ngài Ấn Quang. Kính xin Sư Phụ chỉ cho cách niệm Phật của Đại Thế Chí như thế nào?
Đáp:
“Thâu nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục” nghĩa là nhiếp được lục căn thì trong sạch liên tục. Vậy làm sao nhiếp lục căn? Mắt nhìn sắc không phân biệt xấu đẹp là nhiếp được nhãn căn, tai nghe tiếng không phân biệt khen chê thì nhiếp được nhĩ căn, lưỡi ăn thức ăn không phân biệt ngon dỡ là nhiếp được thiệt căn… Nếu nhiếp không được thì niệm không trong sạch là không phải tịnh niệm. Tịnh niệm không được chắc chắn không được vãng sanh. Cái khó mà người ta không biết tới, chỉ là nói những cái dễ. Nhưng cái dễ mà vô lý như “niệm Phật một câu bao nhiêu tội ác đều tiêu hết”. Vậy người ta làm ác đâu có sao?
Hỏi:
Niệm Phật như con nhớ mẹ là sao?
Đáp:
Niệm Phật như con nhớ mẹ, như mẹ nhớ con; nhưng cái niệm đó phải trong sạch. Nếu niệm Phật như con nhớ mẹ mà không trong sạch cũng không được, nên cần phải nhiếp cả lục căn liên tục trong sạch thì tâm niệm đó mới được, dùng tâm niệm đó niệm Phật. Nhiếp được lục căn thì không còn vọng tưởng, vì không nhiếp được lục căn nên có vọng tưởng. Niệm mà còn vọng tưởng thì cái niệm ấy không trong sạch.
Hỏi:
Cách nhiếp lục căn của Đại Thế Chí giống như tham thiền, nhưng khác là không có cái nghi. Vậy có đúng không?
Đáp:
Phải rồi. Cách nhiếp khó hơn, ngài Ấn Quang nhiếp bằng ghi nhớ niệm Phật, tập trung ở trong cái nhớ đó.
Hỏi:
Thế nào là Tam bảo?
Đáp:
Tam bảo là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo.
Phật là giác ngộ, tức giác ngộ biết được chính mình, tự làm chủ thì đạt đến tự do tự tại. Cho nên, Phật muốn tất cả chúng sanh đều được giác ngộ đạt đến tự do tự tại, dứt hết thảy khổ gọi là Phật bảo.
Muốn đạt đến giác ngộ phải có phương pháp, tôi dạy phương pháp tham thiền đưa mình đến giác ngộ, đạt đến tự do tự tại, dứt hết tất cả khổ, đó gọi là Pháp bảo.
Tăng tiếng Ấn Độ gọi là Tăng già, dịch nghĩa hòa hợp chúng; theo quy định nhà Phật là 4 vị tu sĩ Phật giáo trở lên hợp lại thành Tăng. Tại sao Tăng cũng là bảo? Bởi vì, nếu không có Tăng bảo từ đời từ đời trực tiếp giáo hóa chúng sanh, dù có Phật bảo và Pháp bảo ở thế gian cũng không có Phật pháp. Cho nên, Phật pháp mới thường trụ ở thế gian, chúng sanh được giải thoát tất cả khổ, đạt đến tự do tự tại.
Quy Tam bảo có hai thứ: Thường trụ Tam bảo và Tự tánh Tam bảo.
Bây giờ quy y là quy y Thường trụ Tam bảo. Thường trụ Tam bảo là gì? Tượng Phật thay mặt cho Phật bảo, vì Phật Thích Ca đã nhập diệt. Pháp bảo là tất cả kinh điển thay mặt cho Pháp bảo. Chúng tôi là tu sĩ Phật giáo thay mặt cho Tăng bảo. Phải có mục tiêu để cho người thế gian thấy thường trụ tại thế gian, nên gọi là Thường trụ Tam bảo.
Nhờ sự giáo của Thường trụ Tam bảo ngộ nhập Tự tánh Tam bảo. Tự tâm của mọi người đều đủ Tam bảo.
Hỏi:
Có 3 trường hợp: 1- Thấy bông cúc màu vàng biết nó vàng. 2- Tâm khởi ý thức thấy bông cúc vàng đẹp là biết đẹp thế thôi. 3- Tâm biết bông cúc vàng đẹp ưa thích ham muốn. Ba trường hợp trên, trường hợp nào tâm không bị vọng động?
Đáp:
Theo pháp thiền trực tiếp của Phật Thích Ca đích thân truyền thì 3 trường hợp này đều nghịch với Tổ sư thiền. Tại sao? Tổ sư thiền là muốn bộ óc không biết, không biết nhiều chừng nào tốt chừng nấy, còn cái này thì muốn biết; muốn biết là tác dụng của bộ óc, còn ý của Phật Thích Ca cho cái biết của bộ óc không đúng với thực tế, có giới hạn, không bằng cái biết của Phật tánh.
Cái biết bộ óc là tướng bệnh, cái biết của Phật tánh là tướng mạnh. Ý của Phật Thích Ca muốn quét sạch tướng bệnh để tướng mạnh hiện lên. Nếu còn giữ tướng bệnh thì tướng mạnh ẩn trong tướng bệnh, không thể hiện ra. Tại sao? Vì tướng mạnh và tướng bệnh cũng mặt mũi này, không phải mặt mũi khác. Tướng bệnh là xanh vàng ốm yếu, tướng mạnh hồng hào. Khi mình đang xanh vàng ốm yếu thì hồng hào làm sao hiện ra? Cần phải trị hết bệnh và không còn xanh vàng ốm yếu thì hồng hào của tướng mạnh hiện ra. Nhờ cái không biết của bộ óc quét sạch tất cả cái biết của bộ óc; ban đầu quét tìm hiểu biết, tiếp theo quét ghi nhớ biết, rồi quét luôn tùy duyên biết.
Thế nào gọi là tùy duyên biết? Tùy duyên là không cần tìm hiểu cũng biết, như ngồi không tìm hiểu cũng biết ngồi, đi không tìm hiểu cũng biết đi, mặc áo ăn cơm không cần tìm hiểu cũng biết mặc áo ăn cơm… những cái này gọi là tùy duyên biết. Sau cùng tùy duyên biết quét sạch luôn, lúc đó sắp kiến tánh là đến thoại đầu.
Thoại đầu là trước khi chưa muốn nói một lời nói, nếu muốn nói mà miệng chưa nói ra là thoại vỉ; thoại đầu (vô thỉ vô minh) là một niệm chưa sanh khởi, một niệm sanh khởi là nhứt niệm vô minh. Thiền tông muốn phá tan vô thỉ vô minh, gọi là kiến tánh. Nếu kéo dài cho bộ óc biết hoài là tướng bệnh kéo dài thì tướng mạnh không hiện ra. Vì vậy pháp này khác, không những khác 3 trường hợp đó, mà khác hơn tất cả thiền, luôn các thứ thiền của Phật dạy trong kinh.
Hỏi:
Người sống không biết đạo Phật, chưa từng nghe kinh kệ và không thích; lúc chết, người nhà mời thầy tu đến cầu siêu, phóng sanh… Vậy người chết có cảm ứng kinh kệ, phóng sanh và được phước đức không?
Đáp:
Phật dạy mình phải tin nhân quả, nhân nào quả nấy, kinh Pháp Hoa nói “như thị nhân như thị quả”; gieo nhân thiện thì được phước quả, gieo nhân ác thì chịu khổ quả. Nếu tụng kinh được phước thì làm ác cũng không sao, vậy nghịch với nhân quả. Tụng kinh là cách tu của Giáo môn, Giáo môn ngày xưa tùy duyên khởi quán, đọc đến chỗ nào quán theo duyên đó, gọi là tu, chứ không phải tụng suông. Bây giờ người ta tụng suông, không quán theo kinh.
Bởi vì cái nhân là do mình tạo, muốn sửa đổi nhân quả cũng được; nhưng phải tự mình sửa đổi, chứ người khác không thể sửa đổi cho mình, nếu người khác sửa đổi giùm mình thì bây giờ hết chúng sanh. Tại sao? Vì Phật Thích Ca rất từ bi, nếu Phật Thích Ca làm được thì đâu còn chúng sanh; có hằng hà sa số chư Phật thì bây giờ cũng không còn chúng sanh, vì Phật nào cũng có đại từ đại bi. Vậy tin Phật phải tin nhân quả thì tạo nhân lành mới được phước quả. Nếu không có nhân quả thì Phật pháp không có, không cần lập chùa.
Phật nói “nhứt thiết duy tâm tạo” thì nhân quả là tâm mình tạo. Làm sao sửa lại nhân quả? Những người vượt biên trên biển chết rất nhiều, mà những người đó đều có tiền. Có tiền thường không bị chết đói, nhưng tạo cái nhân chết đói; cho nên có tiền vẫn bị chết đói, vì nhân quả không trừ với nhau được. Làm thiện được phát tài nên có tiền đi vượt biên, làm ác tạo cái nhân chết đói nên vượt biên có tiền cũng bị chết đói.
Thành Phật là siêu việt số lượng, thí dụ người không tu thì tâm lực 1 độ, tu đến thành Phật thì tâm lực 1 triệu độ. Kiếp trước mình tạo cho người ta chết đói là tâm lực 1 độ, kiếp này không có tu, tâm lực cũng 1 độ, cho nên có tiền phải chịu quả chết đói. Nếu bây giờ biết tu thì tâm lực từ 1 độ lên đến 10 độ, tuy tâm lực 10 độ mới làm nhưng cái nhân mạnh nên cái quả đến trước, còn tâm lực 1 độ là cái nhân yếu nên cái quả đến sau. Tại sao? Như thiếu nợ, chủ nợ có thế lực mạnh phải trả trước; chủ nợ có thế lực yếu thì trả sau.
Tâm lực của 1.000 A la hán cảm ứng đến tâm bà Thanh Đề được sửa lại, bà thoát khỏi cảnh ngạ quỷ, tâm bà Thanh Đề sửa mới được, có nhân sẽ có quả. Nếu tâm bà Thanh Đề không sửa, Phật cũng không cứu được. Chính tâm mình tạo thì tự mình sửa, chứ không phải người khác sửa giùm. Nếu người khác sửa giùm được thì Phật Thích Ca và chư Bồ tát sửa giùm thì mình không cần tu.
Hỏi:
Trong khi tọa thiền chế ngự không cho suy nghĩ để tâm tỉnh lặng trống rỗng, nhưng thấy Phật Thích Ca ngồi thiền 49 ngày tìm ra đạo; như vậy suy nghĩ của Ngài lúc đó rất nhiều, đối với pháp thiền này có khác nhau như thế nào?
Đáp:
Tổ sư thiền do đức Phật Thích Ca đích thân truyền là không cho bộ óc suy nghĩ, không cho bộ óc tìm hiểu. Vì cái biết của bộ óc là tướng bệnh, cho nên Bát Nhã Tâm Kinh nói ban đầu là vô ngũ uẩn, tiếp theo là vô lục căn. Sự hiểu biết của lục căn, Phật dùng chữ vô quét sạch. Lục căn, lục trần, lục thức cho đến Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên của Phật dạy cũng quét luôn. Phàm do bộ óc nhận biết được không phải chân thật, chỉ tạm thời. Tại sao? Vì bộ óc sau khi chết đem thiêu thành tro, đi chôn thành đất. Bộ óc biến thành đất thì những cái bộ óc biết được cũng biến thành đất.
Phật tánh vĩnh viễn không biến đổi, vô thỉ vô chung, không sanh không diệt nên có tên là Niết bàn. Vì không sanh nên Phật nói không có sự bắt đầu. Nếu có sanh thì có bắt đầu nên có cuối cùng, người chứng quả là chứng pháp vô sanh gọi là chứng vô sanh pháp nhẫn. Tịnh độ cũng nói là “hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”.
Tại sao nói không có bắt đầu? Vì tất cả vũ trụ vạn vật đều không thành lập nghĩa bắt đầu. Truy cứu con gà có trước trứng gà được không? Không được. Vì không có trứng gà thì không ấp ra con gà. Trứng gà có trước con gà được không? Không được. Vì không có con gà thì không sanh ra trứng gà. Con gà và trứng gà đều không bắt đầu, cho nên gọi là nghĩa vô sanh, vũ trụ vạn vật cũng đều như thế.
Trung Quán luận nói sanh tử không có bắt đầu. Các vị tin sanh là bắt đầu, ngài Long Thọ nói sanh bắt đầu là không đúng. Ngài nói “nếu sanh bắt đầu được thì khỏi cần tử có sanh, nếu khỏi cần tử có sanh thì sanh lìa tử độc lập, sanh rồi khỏi tử nữa”. Nhưng sự thật bất cứ động vật thực vật sanh rồi phải tử, không có cái nào sanh mà không tử! Luôn cả Phật Thích cũng vậy, sanh rồi phải tử.
Sự thật chứng tỏ sanh bắt đầu không được, sanh bắt đầu là vô lý; sanh phải dính líu với tử, không thể độc lập; như con gà và trứng gà không thể lìa nhau. Con gà làm nhân cho trứng gà, trứng gà cũng làm nhân cho con gà, gọi là nhân duyên. Sanh làm nhân cho tử, tử cũng làm nhân cho sanh; sanh tử làm nhân với nhau, nên có sự luân hồi. Tất cả đều không có bắt đầu, Phật nói trắng ra là vô thỉ, tức cái nghĩa vô sanh.
Tổ sư thiền cần cái không biết, không biết nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Bởi vì không biết nhiều là đại nghi, đại nghi sẽ được đại ngộ. Nhà khoa học cũng do nghi được ngộ, nhưng nhà khoa học do đi nghiên cứu tìm hiểu, nên gọi là hồ nghi; hồ nghi chỉ phát minh việc thế gian, có giá trị thế gian; họ không phát minh chính tâm mình, nên không làm chủ được tâm mình, không được tự do tự tại, không giải thoát tất cả khổ.
Tham thiền là chánh nghi, không cho bộ óc tìm hiểu mới ngộ và làm chủ được chính mình, nên được tự do tự tại, giải thoát tất cả khổ vĩnh viễn, không phải chỉ kiếp này, cũng không phải kiếp sau, cũng không phải muôn ngàn kiếp sau. Bởi vì thành Phật không trở lại làm chúng sanh.
Hỏi:
Thế nào là Tổ sư thiền?
Đáp:
Tổ sư thiền là từ trong hội Linh Thứu Sơn, đức Phật đưa cành hoa lên trước đại chúng, hơn 1 triệu người ngơ ngác không biết, chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười, đức Phật ấn chứng cho ngài Ca Diếp ngộ đạo. Từ đó ngài Ca Diếp làm sơ tổ, rồi truyền cho A Nan làm nhị tổ, A Nan truyền cho Thương Na Hòa Tu làm tam tổ. Từ Tổ từ Tổ truyền xuống Bồ Đề Đạt Ma làm Tổ thứ 28 ở Ấn Độ, Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Quốc truyền cho Huệ Khả, Huệ Khả truyền cho Tăng Xán, Tăng Xán truyền cho Đạo Tín, Đạo Tín truyền cho Hoằng Nhẫn, Hoàng Nhẫn truyền cho Huệ Năng, cho đến đời tôi là thứ 89.
Nhưng tôi chưa phải là Tổ sư, vì tôi chưa kiến tánh. Tôi chỉ biết đường lối thực hành đúng theo tông chỉ của Tổ sư thiền rồi tôi mới truyền lại cho quý vị. Nếu thực hành đúng sẽ được kiến tánh, như ngài Lai Quả kiến tánh, mà thầy của ngài Lai Quả chưa kiến tánh; ngài Hư Vân kiến tánh, nhưng thầy của ngài Hư Vân chưa kiến tánh. Thầy dạy phương pháp tu cho trò, trò có thể kiến tánh trước thầy. Trong lịch sử Thiền tông có đệ tử kiến tánh trước, thầy đảnh lễ trò để làm thầy, thầy trở lại làm trò. Nếu quý vị kiến tánh trước tôi thì tôi đảnh lễ quý vị làm thầy. Đó là chuyện thường.
Hỏi:
Làm thế nào phát nghi tình để chấm dứt cái biết của bộ óc?
Đáp:
Trong Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền có đề ra 5 câu thoại đầu, câu thoại đầu rất nhiều kể không hết. Câu thứ nhất: khi chưa có trời đất ta là cái gì? Như có trời có đất thì chúng ta ngồi đây, khi chưa có trời đất ta là cái gì?
Không cho bộ óc suy nghĩ, không cho bộ óc tìm hiểu, khi tôi vừa hỏi dứt thì ông trả lời ngay, nếu trả lời chậm là muốn tìm câu trả lời cho tôi là không đúng. Tôi hỏi ông: khi chưa có trời đất ông là cái gì? Không biết. Vậy là đúng, tức tham thiền được rồi. Tham thiền chỉ cần không biết, ngày đêm giữ cái không biết và hỏi câu thoại đầu để kích thích niệm không biết. Tham thiền khởi lên không biết rất dễ, việc thế gian muốn biết rất khó; còn không biết ai cũng làm được, cho nên con nít 6, 7 tuổi và bà già 6, 7 chục tuổi đều tham thiền được.
Hiện nay có đứa bé 3 tuổi tham thiền, bảo nó tham thiền đi. Nó liền hỏi “ta là cái gì?” Nó mới 3 tuổi vẫn tham thiền được vậy! Vì chỉ cần không biết. Ngày đêm đi đứng ngồi nằm, mặc áo ăn cơm, đi cầu ngủ nghỉ, làm việc…cứ hỏi như vậy thôi. Có hỏi thì phải có đáp, nhưng không hiểu thì đáp không ra, tức lắm phải hỏi nữa, hỏi đến chừng nào đáp ra là kiến tánh. Đáp ra không phải đáp ra đáp án, đáp ra là phát hiện bản thể cùng khắp không gian thời gian. Cái dụng cũng cùng khắp không gian thời gian. Chính phát hiện đó là cái đáp án, tức trả lời câu hỏi, nên gọi là kiến tánh siêu việt số lượng.
Tất cả do bộ óc nhận biết đều nằm trong số lượng, mặc dù những cái không thấy, không còn vật chất, không còn thời gian nhưng vẫn còn số lượng, còn số lượng thì bộ óc nhận biết được. Nói về thời gian, một ngày 24 tiếng, 1 tiếng chia làm 60 phút, 1 phút chia làm 60 giây, 1 giây nhà Phật chia làm 60 sát na. Tôi chia 1 sát na làm 60 A, 1 A chia làm 60 B, 1 B chia làm 60 C. Tôi nói chưa dứt thì đã qua bao nhiêu C thời gian rồi, nếu chia nữa vẫn còn số lượng mà bộ óc nhận biết được, nên gọi là pháp hữu vi.
Phật tánh không có hình tượng và cũng không có số lượng, thành ra bộ óc không thể nhận biết được. Bộ óc không nhận biết nên không thể diễn tả để cho quý vị biết… Vì vậy, Phật Thích Ca nói “tôi thuyết pháp 49 năm mà chưa từng nói một chữ”, “không có pháp để thuyết mới là thuyết pháp”, “ai nói Phật có thuyết pháp, người ấy phỉ báng Phật”, vì nói không được.
Nếu như Phật Thích Ca nói được nhưng chúng sanh không nhận biết. Bởi lời nói của thế gian là do bộ óc lập ra. Nên truyền pháp môn Tổ sư thiền không qua lời nói, vì lời nói không thể nói được. Vậy nói bất lập văn tự, chứ không phải phế bỏ văn tự.
Hỏi:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã.
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như lai”.
Kính xin Thầy khai thị?
Đáp:
Bài kệ này trong kinh Kim Cang diễn tả dùng lục căn không thể được, trong này nói “nếu dùng sắc thấy ta (Phật tánh), dùng âm thanh cầu ta”; sắc là thuộc lục trần, thanh cũng thuộc lục trần. Bát Nhã Tâm Kinh nói “vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”, là phủ nhận lục trần, làm sao còn lấy lục trần để thấy Phật tánh! Nếu làm như vậy không đúng, nên nói là người ấy hành tà đạo. Làm đúng mới được kiến tánh, làm không đúng làm sao kiến tánh? Dùng bộ óc để nhận biết Phật tánh không thể được, cho nên nói là chẳng thể thấy Như lai.
Bởi vậy, Phật truyền pháp môn Tổ sư thiền không qua bộ óc, lại chấm dứt tất cả biết của bộ óc, cuối cùng không biết của bộ óc (nghi tình) bùng vỡ thì không biết cũng tan rã, lúc đó biết và không biết đều sạch hết thì cái biết của Phật tánh (chánh biến tri) hiện lên cùng khắp không gian thời gian.
Hỏi:
Nghi tình có phải trong “Tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến” không?
Đáp:
Nghi tình là không biết của bộ óc, nhưng khác hơn không biết của ngủ mê, không biết của chết giấc, không biết của bệnh tâm thần. Nhờ câu thoại đầu khởi lên không biết đụng với tánh ham biết của bộ óc mới tự thành nghi tình. Tham, sân, si, mạn, nghi khác xa với nghi tình.
Hỏi:
Con tin Phật không còn nghiệp quả, vậy trong đời của Phật có những lần đau bệnh, có phải Phật muốn cho chúng sanh biết ở đời đã mang thân người đều phải qua 4 giai đoạn sanh, lão, bệnh, tử không?
Đáp:
Phải rồi! Phật thị hiện có sanh phải có tử, có sanh tử thì có bệnh có già, như tôi bây cũng già rồi, không biết ngày nào sẽ chết. Sanh với chết làm nhân với nhau, không lìa nhau được. Bây giờ mình chưa chết phải giải quyết vấn đề chết, nên nói “sanh tử là việc lớn”. Người đời không giải quyết sanh tử chính mình, lại muốn phát tài, có thế lực mạnh. Nhưng thế lực mạnh hay có nhiều tiền sau khi chết không còn. Thấy người ta chết không biết sợ, đến chừng mình gần chết mới biết sợ.
Như bác sĩ nói mình bệnh ung thư 3 tháng sau chết, lúc đó rất sợ, ăn ngủ không yên. Sự thật, người nào cũng mang bệnh ung thư. Tại sao? Vì có sanh đợi ngày chết, như bệnh ung thư là đợi ngày chết vậy. Mình đâu biết mình ngày nào chết, có khi người bệnh ung thư chưa chết; mà mình lại chết trước. Có người hôm nay thấy gặp, ngày mai bị đụng xe chết. Cho nên trước khi chết, mình phải giải quyết vấn đề chết; đừng để gần chết rồi sợ, vậy đâu kịp! Phật Thích Ca truyền pháp môn Tổ sư thiền muốn dạy mình giải quyết trước khi chết, nếu đợi đến lúc lâm chung làm sao giải quyết?
Hỏi:
Như lai nói “nhứt thiết hiền thánh giai dĩ vô vi pháp đẳng hữu sai biệt”. Kính xin Thiền sư giải thích?
Đáp:
Pháp vô vi là quả cùng tột, tức là Phật tánh; vì không có số lượng, không có hình tướng, gọi là pháp vô vi. Tu là phát hiện Phật tánh không có hình tướng, không có số lượng. Nhưng trên đường tu có nhiều giai cấp (Giáo môn), theo Giáo môn đi tới quả Phật (Diệu giác) có 52 cấp. Thập tín có 10 cấp, Thập trụ có 10 cấp, Thập hạnh có 10 cấp, Thập hồi hướng có 10 cấp, Thập địa có 10 cấp, tổng cộng là 50 cấp thêm Đẳng giác và Diệu giác là 52 cấp. Có 52 cấp sai biệt, đến cùng tột không còn sai biệt. Nên có câu “vì có pháp vô vi nên có sai biệt”.
Hỏi:
Năm thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) chuyển Thành sở tác trí, ý thức chuyển Diệu quan sát trí. Vậy khi khởi nghi tình, ý thức không suy nghĩ có trái nghịch Diệu quan sát trí không?
Đáp:
Tại sao gọi là Diệu? Tức là không qua suy nghĩ mới gọi là Diệu, chữ Diệu trong kinh là bất khả tư nghì (không thể suy nghĩ). Hai chữ Bát Nhã là không qua bộ óc suy nghĩ mà làm qua, đó là trí huệ Phật tánh, không phải là trí huệ bộ óc.
Trí huệ bộ óc phải thông qua suy nghĩ mới dùng ra được. Trí huệ Phật tánh không dịch ra trí huệ, mà dịch nguyên âm là Bát nhã, vì không phải trí huệ của thế gian; trí huệ của thế gian là dùng bộ óc suy nghĩ để làm được.
Hỏi:
Quỷ thần thuộc loài nào trong sáu loài?
Đáp:
Cõi trời cao nhất trong sáu loài (lục đạo), hạng nhì là cõi người, hạng ba là a tu la, hạng tư là súc sanh, hạng năm là quỷ, hạng sáu là địa ngục. Thần là làm quan ở đạo quỷ, như người làm quan ở cõi người cũng là người, bất quá thế lực lớn hơn người thường, khi nào miễn chức giống như người thường.
Người ta cho rằng người chết biến thành quỷ là sai lầm, do tạo nghiệp quỷ nên phải đầu thai quỷ. Nếu người chết đều biến thành quỷ làm sao có lục đạo luân hồi? Tạo nghiệp nào thì sanh ở cõi đó. Ai có phước đầu thai trong đạo quỷ gọi là thần, cho nên thường nói là quỷ thần. Đáng lẽ quỷ thần là cấp thứ năm, con người hạng nhì; quỷ thần lạy con người mới phải, trái lại con người lạy quỷ thần! Quỷ thần theo nghiệp hiện ra một chút thần thông.
Hỏi:
Một người đang hiểu biết chích một mũi thuốc bị bất tỉnh không biết gì hết, vậy cái biết người đó ở đâu?
Đáp:
Người ấy chết giấc hôn mê thì không biết cũng là tác dụng của bộ óc. Người tham thiền mượn không biết của bộ óc để chấm dứt hết tìm hiểu biết, ghi nhớ biết, tùy duyên biết của bộ óc là đến thoại đầu. Nhưng vẫn còn cái không biết (nghi tình), đến chừng nghi tình bùng vỡ, cái không biết tan rã, không còn tác dụng của bộ óc. Người bị chích thuốc mê còn không biết của bộ óc, khi kích thích lên một niệm gọi là nhất niệm vô minh.
Hỏi:
Tham thiền có học thêm kiến thức không?
Đáp:
Nếu học thêm là học ở ngoài, không tin tự tâm; bởi vì học là phải biết, tham thiền cần không biết, không cho biết. Học là muốn biết là nghịch với nghi tình, chướng ngại công phu của mình tham thiền. Tin tự tâm cùng khắp không gian thời gian, không gian không có ngoài.
Trong Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền điều thứ nhất phá ngã chấp là “vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”. Không cho đắc, không cho cầu là muốn người ta tin tự tâm cùng khắp không gian. Muốn đắc là đắc ở ngoài, ngoài còn không có thì mình đắc cái gì? Ngoài còn không có lấy cái gì để cầu? Tức là không có cái ở ngoài để cho mình đắc mình cầu, chứ không phải có đắc có cầu mà tôi không cho.
Như trong Pháp Hoa nói “có hạt châu như ý trong áo mà không biết, cho mình nghèo khổ đi ăn xin khắp nơi, đến chừng người ta chỉ trong áo có hạt châu thì giàu sang liền”. Tin Phật tánh mình sẵn có đầy đủ thì đâu tạo nghiệp phải chịu luân hồi sanh tử trong lục đạo.
Hỏi:
Thế nào gọi là Phật pháp?
Đáp:
Người ta hường hiểu lầm Phật là một thần linh, chữ Phật là tiếng Ấn Độ dịch nghĩa là giác ngộ, nên gọi Phật pháp là pháp giác ngộ để đưa tất cả chúng sanh đến chỗ giác ngộ. Tại sao cần phải giác ngộ? Nếu không giác ngộ thì không được đến chỗ tự do tự tại, giải thoát tất cả khổ. Như mình ở trong nhắm mắt chiêm bao phải chịu cái khổ trong chiêm bao, nếu mình ở trong chiêm bao thức tỉnh là giác ngộ thì tất cả khổ trong chiêm bao tự nhiên được giải thoát.
Lục tổ Huệ Năng nói trong Pháp Bảo Đàn “Phật pháp là pháp bất nhị, thiền định giải thoát chẳng phải Phật pháp”. Tại sao nói thiền định giải thoát chẳng phải Phật pháp? Vì có thiền định phải có tán loạn để đối đãi, có giải thoát phải có trói buộc để đối đãi. Phàm có đối đãi đều ở trong phạm vi tương đối là tác dụng của bộ não, cái nào qua bộ não đều có tương đối. Có tương đối thì có lợi và có hại, thường thường cái hại nhiều hơn cái lợi.
Chánh pháp của Phật pháp muốn mình từ cửa tương đối bước vào cửa tuyệt đối, tức là muốn mọi chúng sanh hưởng hạnh phúc chung, mà không có sự biến đổi tai họa, không có phiền não, không có khổ. Như chiếc bè đưa mình từ bờ sông bên này phiền não đến bờ sông bên kia hết phiền não. Tác dụng của Phật pháp là như thế.
Thế nào là khoa học? Khoa học là dùng bộ não đi tìm hiểu nghiên cứu phải ở trong tương đối thì có lợi và có hại. Cho nên, Phật Thích Ca dạy pháp thiền trực tiếp để đưa mình từ cửa tương đối đến cửa tuyệt đối.
Hỏi:
Khoa học mỗi ngày tiến bộ đến một ngày nào thì bị sụp đổ, như nền văn minh trong quá khứ, lúc đến cực thịnh rồi suy tàn biến mất. Kính xin Thầy khai thị?
Đáp:
Định luật theo nhà Phật có thành, trụ, hoại, không. Bây giờ là thời kỳ đang trụ, qua thời trụ từ từ hoại, hoại rồi mất. Khoa học cũng ở trong vũ trụ này, vũ trụ biến mất thì các thứ trong vũ trụ cũng mất luôn. Nhà khoa học biết quả đất này sẽ bị tiêu diệt.
Hỏi:
Giáo môn cũng phải đi từ nghi tới ngộ, vậy cái nghi của Giáo môn ra sao?
Đáp:
Giáo môn ở Trung Quốc có 4 tông: Thiên thai, Hiền thủ, Tam luận, Duy thức. Những người tu chỉ quán là tu pháp thiền của tông Thiên thai. Chỉ quán của tông Thiên thai gồm có tam chỉ tam quán. Tam chỉ là Hệ duyên chỉ, Tùy duyên chỉ, Thể chơn chỉ. Tam quán là Giả quán, Không quán, Trung quán. Ban đầu quán tất cả pháp đều là giả, nhưng quán riết thấy giả không phải thật giả thì quán không, quán không chẳng phải thật không, rồi quán trung, mà trung không có chỗ trung thì phát nghi gọi là Thể chơn chỉ; tức là thể cứu chỗ chân thật, chỗ chân thật không thể biết được.
Biết được là cái giả, cái không, cái trung; nhưng những cái đó đều không phải, tự động phát nghi, nên gọi là Thể chơn chỉ. Đó thuộc về Giáo môn, tức là qua Hệ duyên chỉ (hệ là cột tâm ở dưới đan điền, duyên như con khỉ nhảy qua lại, rồi đem cột một chỗ), sau rồi Tùy duyên chỉ cũng như Giả quán, coi cái này cái kia không phải thật thì tâm không bị dính mắc, được ngưng tâm phan duyên. Đến Thể chơn chỉ là tự nhiên phát nghi.
Nhưng Thiền tông bước đầu đã phát nghi, nhờ câu thoại đầu khởi lên nghi tình; còn Giáo môn cuối cùng mới phát nghi, do nghi đến ngộ là chứng quả. Người tu Tịnh độ được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc chuyển qua tham thiền phát nghi được ngộ. Bởi vì tất cả ngộ đều phải do nghi, chữ Phật là nghĩa giác ngộ, muốn giác ngộ phải nghi. Nghi là nhân, ngộ là quả; có nhân phải có quả, tất cả pháp môn nào và nhà khoa học đều cũng vậy.
Như Newton thấy trái bôm từ trên cây rớt xuống đất, ông phát nghi “tại sao trái bôm từ trên cây không rơi lên trời, mà rớt xuống đất?” Ông phát minh được hấp dẫn lực của vạn hữu. Nhưng nhà khoa học dùng bộ óc đi tìm hiểu, nghiên cứu vẫn còn ở trong tương đối, ông chỉ phát minh pháp thế gian, không phát minh chính mình thì không làm chủ cho mình, nên không được tự do tự tại và không giải thoát tất cả khổ.
Nghi tình của Phật pháp là nhờ hỏi câu thoại đầu khởi lên không biết của bộ óc chấm dứt cái biết của bộ óc, để cái biết Phật tánh hiện lên cùng khắp không gian thời gian, không còn chỗ nào mà không biết, không lúc mà không biết. Như cái biết của bộ óc không cùng khắp thời gian thì ngủ mê không biết, chết giấc không biết, chết rồi không biết. Cái biết của Phật tánh thì ngủ mê vẫn biết, chết giấc vẫn biết, chết rồi vẫn biết. Nếu chết rồi không biết thì có gián đoạn, không cùng khắp thời gian, không phải cái biết của Phật tánh.
Hỏi:
Đạo Phật có giải thoát hết cả loài người không? Đạo Phật có thể làm cho toàn thể thế giới này hết sự khổ đau không?
Đáp:
Phật pháp là muốn cho mình giác ngộ, khi giác ngộ thì tự mình chứng tỏ hiện tượng thế giới này, tất cả đều do tâm mình tạo ra; chúng sanh do tâm mình tạo đều độ hết; tức là dùng tự tánh Phật độ tự tánh chúng sanh. Đây trong Pháp Bảo Đàn có giải thích. Bây giờ do bộ óc nhận thức mình cho tất cả đều là thật, đối với Phật pháp chỉ là chiêm bao. Tất cả chúng sanh, vũ trụ đều ở trong chiêm bao. Theo Duy thức học có hai thứ chiêm bao: nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao.
Ban đêm ngủ chiêm bao, thấy thân chiêm bao tiếp xúc thế giới chiêm bao, tiếp xúc cái tách, cái bình… đều có thật; tiếp xúc nóng lạnh biết lạnh nóng, thân chiêm bao bị người ta đánh biết đau. Giả sử trong chiêm bao có thiện tri thức thuyết pháp rất hay, giải thích cái tách, cái bình đều không thật, luôn cả thân không thật; mà thân chiêm bao không thể tin. Tại sao? Vì tiếp xúc cái nào cũng thấy thật, sao nói không thật! Sao nói thân tôi không thật mà người ta đánh tôi biết đau? Khi thức tỉnh khỏi cần thiện tri thức nói, tự mình chứng tỏ những thật chất ở đâu? Luôn cả thân chiêm bao không tìm ra. Đó là nhắm mắt chiêm bao, người nào cũng có kinh nghiệm.
Tôi đang giảng và các vị đang nghe là mở mắt chiêm bao, tiếp xúc cái gì cũng thấy có thật. Bát Nhã Tâm Kinh nói “ngũ uẩn, lục căn, lục trần, lục thức, Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Trí huệ Bồ tát, Niết bàn đều không thật”. Nếu theo pháp môn thiền trực tiếp do Phật đích thân truyền mà thực hành sẽ đến chỗ giác ngộ. Lúc giác ngộ là ở trong chiêm bao thức tỉnh thì tự mình chứng tỏ, gọi là chứng ngộ. Như nhắm mắt chiêm bao thức tỉnh vậy, chứng tỏ những cái mình tiếp xúc được là không thật. Nếu chứng tỏ tất cả đều ở trong chiêm bao thì tất cả chúng sanh đều được độ.
Kinh Kim Cang nói “độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy một chúng sanh nào được độ”, tức tự tâm Phật độ tự tâm chúng sanh. Người nào chưa ngộ phải chịu sanh tử luân hồi, là từ chiêm bao này qua chiêm bao khác không ngừng. Nếu người đã ngộ thì không còn trở lại trong chiêm bao. Nhắm mắt chiêm bao ngủ đã tự thức, có thể đêm sau chiêm bao lại; mở mắt chiêm bao không bao giờ tự thức, phải tham thiền đến giác ngộ mới thức tỉnh. Thành Phật không trở lại làm chúng sanh.
Hỏi:
Thượng tọa nói “Phật nghĩa là giác ngộ, Phật pháp đưa con người đến chỗ giác ngộ, Phật tánh (giác tánh) của mỗi người đều giống”. Vậy làm thế nào thấy được giác tánh đó?
Đáp:
Phật Thích Ca nói “tôi thuyết pháp 49 năm, nhưng chưa từng nói một chữ”. Tại sao? Vì Phật thuyết trong kinh điển đều phải qua văn tự lời nói, qua văn tự lời nói đều là tác dụng của bộ óc, không phải là giác tánh (giác ngộ). Qua bộ óc suy nghĩ là không phải giác ngộ, giác ngộ không qua bộ óc suy nghĩ. Cho nên, cuối cùng Phật truyền pháp thiền trực tiếp là Tổ sư thiền.
Tại sao gọi là Tổ sư thiền? Phật truyền cho Ma Ha Ca Diếp làm sơ tổ, Ma Ha Ca Diếp truyền cho A Nan là nhị tổ, A Nan truyền cho Thương Na Hòa Tu làm tam tổ; từ Tổ từ Tổ truyền xuống Bồ Đề Ma là Tổ thứ 28. Bồ Đề Đạt Ma qua Trung Quốc làm sơ tổ, rồi truyền cho Huệ Khả làm nhị tổ, Huệ Khả truyền cho Tăng Xán làm tam tổ, Tăng Xán truyền cho Đạo Tín làm tứ tổ, Đạo Tín truyền cho Hoằng Nhẫn làm ngũ tổ, Hoằng Nhẫn truyền cho Huệ Năng làm lục tổ.
Đến Lục Tổ là người không biết chữ, mà danh tiếng cùng khắp. Bởi vì nơi tự tâm sẵn có, không phải do học; những gì qua bộ óc học không bằng Lục Tổ tự ngộ. Muốn phát hiện giác tánh của mình phải tham Tổ sư thiền. Ngày xưa chư Tổ dùng các cơ xảo cho người tham thiền mau được chứng ngộ.
Các chùa Việt Nam phần nhiều thuộc dòng Lâm Tế, nhưng không biết thiền Lâm Tế, ngài Lâm Tế trước kia ở trong hội Hoàng Bá, thầy truyền pháp là Hoàng Bá, ở trong hội 3 năm không có học hỏi gì. Thủ tọa Mộc Châu là người kiến tánh triệt để, biết Lâm Tế là một pháp khí, sau này sẽ thành tựu lớn, nên bình thường đối với Lâm Tế rất tốt. Một hôm, gặp Lâm Tế hỏi: Đến đây ở bao lâu rồi?
Lâm Tế đáp: được 3 năm.
Mộc Châu hỏi: có hỏi Phật pháp với Hòa thượng Hoàng Bá không?
Lâm Tế đáp: không.
Mộc Châu hỏi: tại sao không đi hỏi?
Lâm Tế đáp: không biết hỏi cái gì.
Mộc Châu nói: hỏi “thế nào đại ý của Phật pháp?”
Lâm Tế đến hỏi Hoàng Bá: thế nào là đại ý của Phật pháp?
Câu hỏi vừa dứt thì bị đánh đập đuổi ra, lúc đó đã phát khởi nghi tình, đang tham thiền nhưng tự mình không biết, cứ nghi “tại sao hỏi Phật pháp đâu có lỗi gì mà bị đánh đập đuổi ra?” Đó là cơ xảo của Tổ sư Thiền tông.
Hôm sau đi gặp Mộc Châu, Mộc Châu hỏi: có đi hỏi không?
Lâm Tế đáp: có.
Mộc Châu hỏi: thế nào?
Lâm Tế đáp: khi câu hỏi vừa dứt bị đánh đập đuổi ra, không biết lỗi chỗ nào?
Mộc Châu nói: hãy đi hỏi nữa đi.
Lâm Tế nói: đã hỏi bị đánh đập đuổi ra, còn hỏi gì nữa!
Mộc Châu nói: kỳ này khác, hãy đi hỏi nữa đi.
Lâm Tế đến hỏi Hoàng Bá: thế nào là đại ý của Phật pháp?
Câu hỏi vừa dứt bị đánh đập đuổi ra.
Hôm sau gặp Mộc Châu, Mộc Châu hỏi: như thế nào?
Lâm Tế đáp: cũng như kỳ trước, bị đánh đập đuổi ra.
Mộc Châu nói: hãy đi hỏi lần nữa!
Lâm Tế nói: thôi thôi, hỏi hai lần bị đánh đập đuổi ra còn hỏi gì nữa!
Mộc Châu nói: làm việc gì cũng phải 3 lần, hãy đi hỏi lần nữa đi.
Kỳ này, Lâm Tế ráng đến hỏi Hoàng Bá: Thế nào là đại ý của Phật pháp?
Câu hỏi vừa dứt thì bị đánh đập mạnh đuổi ra, Lâm Tế liền đi gặp Mộc Châu, nói: Tôi không muốn ở đây nữa (lúc đó nghi tình muốn bùng vỡ mà tự mình không biết).
Mộc Châu nói: muốn đi hãy đến từ giả Hòa thượng.
Lâm Tế đến từ giả Hoàng Bá, Hoàng Bá hỏi: muốn đi đâu?
Lâm Tế đáp: chưa biết.
Hoàng Bá nói: bây giờ khỏi cần đi chỗ khác, đi lại chỗ Thiền sư Đại Ngu ở Cao An Thăng sẽ có lợi ích.
Lâm Tế không biết cơ xảo của thầy, nên muốn bỏ đi chỗ khác, đến Cao An Thăng gặp Đại Ngu. Đại Ngu hỏi: từ đâu đến?
Lâm Tế đáp: từ Hoàng Bá đến.
Đại Ngu hỏi: Hoàng Bá có dạy bảo gì không?
Lâm Tế đáp: 3 lần hỏi Phật pháp, 3 lần bị đánh đập, không biết lỗi ở chỗ nào?
Đại Ngu nói: Hoàng Bá từ bi đối với ông như vậy, mà còn hỏi lỗi ở chỗ nào!
Lúc ấy Lâm Tế nghe ngộ liền triệt để.
Bởi vì nghi tình đến mức, được Đại Ngu nói trắng ra thì ngộ liền. Lập tức trở lại Hoàng Bá. Hoàng Bá hỏi: sao trở về mau vậy? Có đi Đại Ngu không?
Lâm Tế đáp: có.
Hoàng Bá hỏi: Đại Ngu nói thế nào?
Lâm Tế kể chuyện gặp Đại Ngu. Hoàng Bá nói: Đại Ngu sao nhiều chuyện quá, sau này gặp sẽ cho bạt tai.
Lâm Tế nói: khỏi cần sau này, bây giờ cho liền. Lâm Tế liền đánh một bạt tai Hoàng Bá.
Hoàng Bá cười lên.
Tại sao đánh bạt tai Hoàng Bá mà Hoàng Bá lại cười? Vì Hoàng Bá biết Lâm Tế đã ngộ và có một pháp tử được nối huệ mạng của Phật, cho nên thấy vui mà cười. Cơ xảo của Tổ trong Thiền tông rất nhiều, kể trong Truyền Đăng Lục có 1.700 công án.
Hỏi:
Tánh giác toàn thể ai ai cũng có, nhưng chúng con vẫn mơ hồ chưa rõ. Tánh giác là cái gì, làm sao biết mình có tánh giác?
Đáp:
Tánh giác là giác ngộ, khi giác ngộ mới biết; chưa giác ngộ có đoán mò cũng là bộ óc, cái biết của bộ óc không thể biết cái biết của giác tánh. Tại sao? Vì cái biết của bộ óc không cùng khắp, nên không đúng sự thật, theo Phật pháp là cái biết bệnh; cái biết của giác tánh cùng khắp không gian thời gian là tướng mạnh.
Tham thiền là muốn hiện ra tướng mạnh, nếu còn tướng bệnh thì tướng mạnh không hiện ra. Tại sao? Vì tướng bệnh là xanh vàng ốm yếu, tướng mạnh là hồng hào; khi còn xanh vàng ốm yếu thì tướng hồng hào làm sao hiện ra? Phải hết xanh vàng ốm yếu thì hồng hào hiện ra. Cho nên, dùng tướng bệnh không thể đi tìm tướng mạnh, càng tìm càng xa. Vì tướng bệnh còn thì tướng mạnh không có dịp hiện ra.
Pháp thiền trực tiếp của Phật Thích Ca truyền là muốn đóng bít tác dụng của bộ óc, tức là cho tướng bệnh sạch hết rồi tướng mạnh tự hiện ra. Lúc tướng mạnh hiện ra là thấy tánh thành Phật (thấy được giác tánh) cùng khắp không gian thời gian. Bây giờ mình chưa giác ngộ thì không thể hiểu được, nếu chỉ theo lời Phật để hiểu là sai lầm. Tại sao?
Phật trong kinh có thí dụ: Người mù bẩm sinh (chưa ngộ) không thấy mặt trời hỏi người mắt sáng (ngộ rồi). Người mắt sáng diễn tả mặt trời tròn với nóng, người mắt sáng nói đúng nhưng người mù cho tròn với nóng là sai. Vì tròn với nóng đâu phải mặt trời.
Tôi quen biết với ông Trương, quý vị không gặp ông Trương nên không biết mặt mũi ông Trương ra sao. Tôi diễn tả hình dáng của ông Trương rất kỹ, nhưng các vị gặp ông Trương ngoài đường cũng không biết. Khi nào gặp ông Trương, tôi giới thiệu trước mặt cho các vị thì sau này các vị gặp ông Trương liền biết. Vì qua lời nói là không đúng sự thật.
Nếu nói giác tánh như thế nào cho mình biết thì mình khỏi tu, khỏi cần ngộ. Do nói không được, nói là không phải; nói là qua văn tự lời nói, nên Phật nói trong kinh đều không phải. Vì vậy, Phật nói “tôi thuyết pháp 49 năm, nhưng chưa từng nói một chữ”. Mục đích Phật muốn tất cả chúng sanh trị hết bệnh mù, tự mình đích thân thấy. Mặc dù, Phật đã ngộ nói cho người mù biết cũng không thể được.
Hỏi:
Có phải chân tâm là tánh giác không?
Đáp:
Phải! Chân tâm là tánh giác, tức là bản tâm chân thật của mỗi chúng sanh. Tại sao gọi là tánh giác? Vì có tánh giác ngộ, giác ngộ là tự mình tự thấy tự biết; cho nên gọi là tánh giác.
Hỏi:
Phật pháp là pháp bất nhị, con không hiểu rõ pháp bất nhị là pháp gì? Có phải pháp bất nhị là pháp không hai, nếu là không hai thì còn một. Vậy Phật pháp là pháp một, vì có một nên có hai để đối đãi, như thế nghĩa là sao?
Đáp:
Bất nhị là không có tương đối, không phải một; nếu kiến lập một thì có hai có ba, cho đến muôn ngàn. Nhị là tương đối, không có tương đối thì không có đồng và khác. Tại sao? Nếu có đồng phải có cái này đồng với cái kia, có hai mới đồng được; rồi nói khác phải có hai, cái này khác với cái kia. Bất nhị không có tương đối, không có tương đối thì không có đồng, không có khác. Nói một tức là đồng, không được. Số 1 là con số đầu tiên, có 1 có 2 có 3 có con số muôn ngàn.
Chân tâm của mình là siêu việt số lượng, cùng khắp không gian thời gian; cùng khắp không gian thì không có số lượng. Tại sao? Vì ngoài không gian không còn không gian nữa, không có hai không gian; không gian không có biên giới, siêu việt số lượng không thể nói là một, không thể nói là nhiều. Chính bản thân số lượng không thể nói con số nào lớn nhất hay nhỏ nhất. Vì số lượng không có bản thể nên không có cái gì để tính toán để có số lượng. Giác tánh không có hình thể, là thể tinh thần cùng khắp không gian thời gian.
Như ánh sáng của đèn, những người học khoa học biết ánh sáng cùng khắp không gian; ánh sáng có hình tướng, mình thấy nhưng cùng khắp không gian mà không có số lượng; huống là giác tánh mình thấy không được. Ánh sáng của đèn có đèn lớn đèn nhỏ, đủ thứ đèn phát ra ánh sáng cùng khắp không gian, không thể chỉ ra ánh sáng nào thuộc cây đèn lớn, ánh sáng nào thuộc cây đèn nhỏ; không thể phân biệt được, vì ánh sáng cùng khắp, siêu việt số lượng, nên không thể chỉ.
Giác tánh của mình cũng vậy, vì muốn dùng lời nói của thế gian để nói; cho nên chỉ nói là bất nhị, không có tương đối chứ không phải là một.
Hỏi:
Các vị Tổ sư ngày xưa chỉ thẳng vào tâm thấy tánh thành Phật, như ngài Đạt Ma chỉ bày pháp an tâm, ngài Huệ Năng chỉ luận kiến tánh khế hiệp ngộ ý là xong, chứ đâu có tham thoại đầu như ngày nay. Vậy thưa Thiền sư tham thoại đầu bắt đầu vào thời kỳ nào? Và Tổ sư thứ mấy đặt ra và vì sao mà đặt ra?
Đáp:
Trước đời nhà Tống có cuốn Truyền Đăng Lục ghi lịch sử Thiền tông chưa ra đời thì không có tham công án tham thoại đầu, tất cả Tổ sư đều dùng cơ xảo, như vừa rồi tôi kể ngài Lâm Tế hỏi pháp bị đánh đập đuổi ra là cơ xảo của Tổ sư.
Thiền sư Sùng Tín làm thị giả cho Đạo Ngộ được 3 năm, mà thầy không dạy bảo, không khai thị gì hết. Lúc đó Sùng Tín bắt đầu nghi “tôi xuất gia là muốn cầu giải thoát, thầy không dạy gì làm sao giải thoát?” Đã khởi lên nghi tình mà tự mình không biết, cứ nghi trong bụng hoài, nghi tức là tham thiền. Đó là cơ xảo của thầy mà Sùng Tín không biết, nghi tình quá mạnh muốn bùng vỡ, lại từ giả thầy, nói “bây giờ con muốn đi chỗ khác học Phật pháp”.
Đạo Ngộ hỏi: sao vậy?
Sùng Tín nói: con ở đây 3 năm, nhưng thầy không dạy bảo gì làm sao được giải thoát?
Đạo Ngộ nói: ngày nào tôi cũng khai thị, tại sao nói không khai thị?
Sùng Tín nói: Thầy khai thị gì đâu?
Đạo Ngộ nói: ngươi bới cơm thì tôi ăn, rót trà thì tôi uống, đảnh lễ tôi gật đầu, chỗ nào không khai thị!
Sùng Tín nghe liền ngộ.
Đó là cơ xảo của thầy, vì thầy chỉ làm cho trò phát nghi tình; không dạy bảo, không khai thị cũng là cơ xảo của Tổ sư. Lúc đó không cần tham công án tham thoại đầu, tham công án tham thoại đầu là bất đắc dĩ. Tại sao? Bởi do cuốn đầu tiên là Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, tức lịch sử Thiền tông được ghi từ thời vua Cảnh Đức đời nhà Tống. Đáng lẽ Tổ sư khai thị không cho học trò ghi, nhưng nhiều người ham tri kiến ghi lén, sau này tập trung lại tất cả cơ xảo của Tổ sư ghi trong đó. Những người tham thiền đọc biết cơ xảo, Tổ sư có đánh đập, chửi mắng… cách mấy cũng không phát lên nghi tình.
Nếu không nhờ câu thoại đầu phát lên nghi tình thì không thể đến ngộ, nhờ câu thoại đầu là biết mình tham thiền rồi, muốn đạt đến chỗ chân tham rất khó. Ngài Lai Quả nói “vô tham mới là chân tham”, vô tham không phải là không có tham, là mình đang tham mà mình không biết mình tham. Cơ xảo của Tổ làm cho mình tham nhưng không biết mình tham.
Như ngài Sùng Tín và ngài Lâm Tế đang tham nhưng không biết mình tham, cho nên bước đầu tiên là đến chân tham. Bây giờ dạy tham công án tham thoại đầu đã biết mình tham, muốn đạt chỗ chân tham phải qua năm mười năm mới có thể được. Cho nên đời sau người tham thiền kiến tánh rất ít.
Lục Tổ có 43 người kiến tánh, Mã Tổ có 139 người kiến tánh; lúc ấy Trung Quốc phần nhiều là Tòng lâm có người kiến tánh rất nhiều. Còn dùng cơ xảo, Thiền tông có chia làm 5 phái (Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng, Vân Môn). Sau này cơ xảo dùng không được thì 5 phái hợp lại thành một, tông phái nào cũng tham thoại đầu, tham công án. Nhờ công án thoại đầu phát khởi nghi tình, rồi từ nghi đến ngộ. Phật Thích Ca truyền pháp môn này là từ nghi đến ngộ.
----o0o---
Trình bày: Anna