Tại Việt Nam, tôn giáo trung thành với nhà nước
(Au Vietnam, la religion fidèle à la nation)
Tác giả Hương Giang
Bài viết bằng tiếng Pháp đăng trên trang mạng của tạp chí
Le Courrier du Vietnam / Lá thư Việt Nam ngày 23/12/2018
Hoang Phong chuyển ngữ
Lời mở đầu của người chuyển ngữ
Bài 3 trước đây trong loạt bài "Phật giáo: Lịch sử - Xã hội - Con người" mang tựa "Tăng đoàn Phật giáo và xã hội Việt Nam ngày nay" là bài viết của Giáo sư Nguyễn Thế Anh, một kiều bào hải ngoại và cũng là một sử gia thượng thặng thuộc tầm vóc quốc tế. Bài viết này được đưa lên trang mạng của Viện Nghiên cứu Phật học (Institut d' Études Bouddhiques) tại Pháp ngày 01/09/2018. Thế nhưng điều khá "thú vị" là vài tháng sau đó, tại Việt Nam ngày 23/12/2018 có một bài viết của ký giả (cán bộ?) Hương Giang viết về một chủ đề khá tương tự: "Tại Việt Nam, tôn giáo trung thành với nhà nước" / "Au Vietnam, la religion fidèle à la nation), đăng trong một tạp chí tiếng Pháp trên mạng là Le Courrier du Vietnam ("Lá thư Việt Nam").
Cả hai bài bằng ngoại ngữ trên đây có được nhiều người Việt Nam biết đến hay không, và đối với bài thứ hai của ký giả Hương Giang thì có phải là một câu trả lời cho bài thứ nhất của giáo sư Nguyễn Thế Anh hay không? Các thắc mắc này quả là khó giải đáp. Dầu sao thì độc giả cũng đã có dịp thẩm định và đánh giá các sự nhận xét của sử gia Nguyễn Thế Anh trong bài khảo luận của ông đã được chuyển ngữ trong bài 3 của loạt bài này. Bài thứ hai của ký giả Hương Giang sẽ được chuyển ngữ dưới đây, trước hết là vì tôn trọng sự tự do ngôn luận, có nghĩa là phải biết lắng nghe tiếng nói và quan điểm từ khắp hướng, sau đó là để độc giả có dịp phân tích và tìm hiểu về bài viết này trong nước để đối chiếu với bài khảo luận của sử gia Nguyễn Thế Anh về một vấn đề, tuy là lịch sử nhưng rất hiện đại, liên quan đến một quê hương chung.
Trong một nước tự do và dân chủ, ngoài tam quyền là lập pháp, hành pháp và tư pháp, còn có một sức mạnh thứ tư là "tứ quyền": sự tự do ngôn luận. Tuy "tứ quyền" không phải là một quyền lực chính thức, nhưng trên thực tế là một sự cần thiết, một cái gì đó thật thiêng liêng. Quyền hạn đó có thể thu hẹp trong khuôn khổ gia đình, một tập thể, hoặc mở rộng hơn là trong một xã hội, một quốc gia, kể cả trên toàn thế giới. Thiếu quyền hạn đó, sẽ không sao tránh khỏi sự bế tắc, tuy nhiên quyền hạn đó có thể được thực thi theo một đường hướng đạo đức, nhưng cũng có thể hướng vào các chủ đích mờ ám và kém lương thiện hơn. Chúng ta đã có dịp tìm hiểu giá trị trong bài khảo luận của giáo sư Nguyễn Thế Anh, vậy chúng ta cũng nên đánh giá bài viết của ký giả Hương Giang trong tinh thần tự do ngôn luận đó.
Sau hết cũng xin minh định là người chuyển ngữ sẽ không giải thích thêm trong khi chuyển ngữ như thường lệ nhằm giúp người đọc theo dõi dễ dàng và trực tiếp hơn ý nghĩa trong bản gốc, mà chỉ chú thích thêm tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, hoặc cả hai về một vài thuật ngữ nhằm mục đích xác định ý nghĩa của các thuật ngữ này, và thật ra đấy cũng là cách tôn trọng bản gốc bài viết của ký giả Hương Giang. Mọi sự suy xét và phán đoán xin dành cho người đọc.
Tại Việt Nam, tôn giáo trung thành với nhà nước
(Au Vietnam, la religion fidèle à la nation)
HƯƠNG GIANG / LCV
Ký giả tạp chí "Lá Thư Việt Nam" / Le Courrier du Vietnam
(LCV là cách viết tắt tên tạp chí Le Courrier du Vietnam)
(địa chỉ liên kết trên mang: https://lecourrier.vn/au-vietnam-la-religion-fidele-a-la-nation/586609.html)
Từ lâu, tôn giáo giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống chính trị, văn hóa và tâm linh của mọi xã hội. Tại Việt Nam, tôn giáo không tách rời ra khỏi nhà nước và luôn phục vụ nhà nước suốt trên dòng lịch sử xây dựng và bảo vệ lâu dài.
Khắp nơi trong nước, các sinh hoạt tín ngưỡng đều được kính trọng.
(Photo: VNA/CVN)
Ngày nay, tại Việt Nam có sáu tôn giáo lớn được thừa nhận. [Trong số đó] có các tôn giáo ngoại lai (exogène) là Phật giáo, Công giáo, Tin lành giáo, Hồi giáo; và các tôn giáo nội địa (endogène) là Phật giáo Hòa Hảo và Đạo Cao Đài. Con số tín hữu lên đến 20 triệu người, tức là một phần tư dân số trong nước.
Ngoài các tôn giáo lớn trên đây, trong nước còn có rất nhiều các thể loại tín ngưỡng khác, chẳng hạn như thờ cúng tổ tiên, các thần linh đủ loại, các nhân vật và các vị anh hùng quốc gia. Nói chung tất cả mọi người Việt Nam đều cảm thấy phải tôn kính ông bà và tổ tiên mình. Dù là ngoại lai hay nội địa, thì tại Việt Nam tôn giáo hợp tác (accompagner / song hành, tiếp tay) với nhà nước và luôn phục vụ cho quyền lợi của xứ sở.
Lịch sử cho biết là tôn giáo góp phần sáng tạo và làm phong phú nền văn hóa quốc gia, trong lãnh vực vật chất và cả phi vật chất. Khắp nơi trong nước, nơi nào cũng có các thể loại kiến trúc tôn giáo (chùa chiền, đình miếu, thánh địa, nhà thờ...). Mỗi tôn giáo đều mang một đường nét văn hóa khác nhau. Kiến trúc và văn hóa liên quan đến đền miếu và chùa chiền trong châu thổ sông Hồng khác hẳn với các đền thờ Phật giáo Theravada của sắc tộc Khơ-me (khmer) tại miền Nam. Cũng vậy, kiến trúc chùa chiền của người Chàm hoàn toàn khác biệt với các gian nhà rông (gian nhà sàn chung cho tập thể) tại Tây Nguyên (cao nguyên miền Trung). Sự đa dạng đó là nguồn gốc mang lại sự phong phú văn hóa.
Một đám rước vào ngày chấm dứt lễ Tạ ơn Đại Xá (Jubilé / Jubilee) năm 2018 tại Thánh địa các thánh tử đạo tại Quần Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
(miền Bắc VN)
(Photo: Hương Giang/CVN)
Kiến trúc của các nhà thờ, tuy mang nặng dáng vẻ Âu châu, thế nhưng vẫn cho thấy ảnh hưởng đậm nét từ nền văn hóa Việt Nam. Các thánh đường và các nhà thờ Việt Nam lại còn có thêm một nét cá biệt khác nữa là không những chỉ đơn giản là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của cả tập thể địa phương.
Các tôn giáo có "nguồn gốc nước ngoài" là đầu cầu văn hóa nối liền Việt Nam với phần còn lại của thế giới. Phật giáo (cùng với Khổng giáo và Lão giáo) đã góp phần mang chữ viết Hán-Nôm vào Việt Nam. Công giáo, về phần mình, thì giúp tạo ra chữ viết tiếng Việt ngày nay (chữ quốc ngữ còn gọi là chữ Việt La-tinh hóa). Thật rõ ràng là tôn giáo đã góp một phần thật lớn tác tạo (façonner / tạo dựng, nhào nặn) ra nền văn hóa quốc gia, cùng đặc tính (identité / identity / cá tính, nhân tính, thực tính) đậm nét và "sự tinh anh đích thật của dân tộc" (la véritable "essence nationale" / the true "national essence").
Đối với lãnh vực luân lý thì tất cả các tôn giáo đều dạy các tín hữu hãy hướng vào điều lành (bon / good / điều thiện, hợp pháp, nhân hậu, đúng đắn) và điều tốt (bien / right, well / tốt đẹp, thuận lợi). Người ta có thể khẳng định tín ngưỡng đã góp phần rất lớn vào việc thiết lập các giá trị đạo đức (éthique / ethical) và luân lý (morale / moral) cho dân tộc Việt Nam.
Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo mang lại cho dân tộc Việt Nam một hệ thống các quy tắc luân lý quen thuộc (familier / thường thấy, thông dụng, căn bản). Đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo luôn quan tâm đến việc hướng dẫn các tín đồ của mình bước theo một cuộc sống tốt lành, gần với bản chất con người hơn. Đạo Công giáo và đạo Tin Lành cũng vậy, đều hướng vào chủ đích dạy các tín đồ biết sống phù hợp với "Phúc Âm" (Évangile / Gospel).
Đảng đánh giá cao (apprécier / appreciate / nhận thấy, xem trọng) sự đóng góp của tập thể tôn giáo, cũng như vai trò và vị trí của tôn giáo trong giai đoạn Đổi mới, và công nhận đức tin và tôn giáo là thành phần thuộc nhu cầu [chung] của một phần dân chúng. Đức tin và tôn giáo luôn hợp tác (accompagner / tiếp tay, phục vụ) và sẽ còn [tiếp tục] hợp tác với nhà nước trong quá trình xây dựng [xứ sở].
"Phương châm của Phật giáo Việt Nam là - Dharma (Đạo Pháp), Nhà nước, Xã hội chủ nghĩa - và chúng ta thì là các tín đồ luôn hướng vào phương châm ấy", đây là lời khẳng định của Hoà thượng Thích Minh Quang, thành viên của Hội đồng quản trị trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là Phó Giám đốc Viện Phật học Việt Nam tại Hà Nội.
Hiện nay Phật giáo có 10 triệu tín đồ, với 33.000 nam và nữ tu sĩ. Cuối năm 1917, Công giáo có 7 triệu tín đồ, 46 vị giám mục, thêm vào đó 5.000 vị cố đạo, 6.000 chủng sinh (séminaristes / seminarians, seminarists), 3 tòa tổng giáo phận, 26 giáo phận, 3.000 giáo xứ, 9.000 cơ sở tôn giáo.
Khắp nơi trong nước các sinh hoạt tôn giáo đều được tôn trọng và diễn tiến bình thường. Nhiều nhà thờ, chùa chiền, đình miếu..., được tân trang, trùng tu, kể cả xây dựng lại.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam có bốn viện Phật học tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, và khoảng ba mươi trường trung học trong toàn nước.
Đối với Giáo hội Công giáo thì tính ra có đến sáu chủng viện lớn.
Viện Thần học Tin lành tại thành phố Hồ Chí Minh, thì cũng đã đào tạo được 300 mục sư.
Ngoài ra người ta cũng nhận thấy có hơn 2.500 chức sắc Cao Đài, v.v…
Về mặt quốc tế, thì tôn giáo góp phần vào việc trao đổi văn hóa và sự hiểu biết lẫn nhau. Các tôn giáo của Việt Nam kết nối tình thân hữu với các tổ chức tín ngưỡng tại Đông Nam Á, miền Tây Âu châu, Hoa Kỳ, Gia-nã-đại,...
Ngoài ra, tập thể tôn giáo cũng đã mang lại nhiều cống hiến lớn lao cho xã hội, nhất là trong lãnh vực từ thiện. Tập thể tôn giáo tham gia vào các cố gắng xoá đói giảm nghèo, mở rộng lòng thương cảm đối với các nạn nhân thiên tai, hoặc vì tai nạn... Các cơ sở tôn giáo khắp nước phát động các chương trình từ thiện, chẳng hạn như khám bệnh và điều trị miễn phí cho người nghèo, đài thọ phần ăn cho bệnh nhân nghèo nhập viện.
Đảng và Nhà nước, về phần mình, thì huy động quyền lực của mình và các lãnh vực công cộng thuộc mọi tầng lớp, nhằm gia tăng sức mạnh cho các biện pháp chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội, hầu thường xuyên biến cải cuộc sống tâm linh và vật chất của các tín đồ. Đảng và Nhà nước luôn bảo đảm việc chia sẻ với tất cả mọi người dân Việt Nam các thành quả mang lại từ quá trình Đổi mới.
Một vài lời bất hòa (discordant / đối nghịch, trái ngược, thiếu thiện cảm) đây đó với ác ý (malveillant / ác tâm, ác cảm), kể cả là tội ác (criminel / tội phạm), nhằm bóp méo các sinh hoạt tín ngưỡng, không thể nào ngăn cản được đa số tín đồ và các chức sắc tôn giáo tin tưởng vào tương lai, [tất cả là] nhờ vào đường lối đúng đắn của Đảng. Tôn giáo luôn hợp tác (accompagner / tiếp tay, góp phần) với nhà nước, đấy chính là sự vững tin của họ.
(Độc giả có thể xem bản gốc bằng tiếng Pháp của vài viết này bằng cách gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ: Au Vietnam, la religion fidèle à la nation)
Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ
Bài viết trên đây của ký giả Hương Giang thật ra chỉ gồm các câu và các chữ công thức, đối với những người trong nước thì dường như họ cũng đã thuộc lòng. Bài viết bằng tiếng Pháp này phải chăng là dành cho người Tây phương? Thế nhưng đối với họ thì họ có các mối quan tâm của họ, tôn giáo tại Việt Nam có trung thành hay không trung thành với nhà nước thì dường như họ cũng đã biết thừa, nào có cần gì phải nêu lên như một điều hãnh diện.
Thế nhưng tại Việt Nam thì sự trung thành đó lại rất đỗi quan trọng. Tờ báo Lao Động số ra ngày 28 tháng mười một 2022 tường thuật Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX Nhiệm kỳ 2022-2027, và trong bài tường thuật này của bài báo có lập lại một câu trong Hiến Pháp mà ý nghĩa đã được sử gia Nguyễn thế Anh giải thích trong bài khảo luận của ông (bài 3 trong loạt bài "Phật giáo: Lịch sử - Xã hội - Con người"). Câu này như sau: "Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, thực hiện bình đẳng giữa các tôn giáo". Bài báo cũng đưa ra ba tấm ảnh về đại hội, xin trích dẫn dưới đây hai trong số ba tấm này:
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Hai và hạng Ba cho các tập thể và cá nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chúc mừng và chỉ đạo đại hội.
Ảnh: Thống Nhất
Nếu muốn hiểu được ý nghĩa và chủ đích trong hai tấm ảnh này thì phải mở rộng vấn đề hơn. Vào thời kỳ hậu chiến, xứ sở tạm hưởng một chút bình yên, phim ảnh chưa phát triển, truyền hình chưa có, hát bội, cải lương hồ quảng và cải lương vọng cổ rất thịnh hành, ít nhất là tại miền Nam. Trong thời gian này có một ngôi sao sáng chói là nữ diễn viên Phùng Há sinh năm 1911, được nhà nước sau này phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" năm 1984, trước khi bà qua đời năm 2009. Vở tuồng cải lương hồ quảng nổi tiếng nhất thời bấy giờ (1926) mang tựa là Phụng nghi đình. Trong vở tuồng này bà Phùng Há, một "đào nương", thế nhưng lại đóng vai "kép độc" là Lữ Bố. Vở tuồng xoay quanh câu chuyện "Lữ Bố hí Điêu Thuyền" qua các tình tiết và các cảnh huống éo le, đầy mưu mô cùng các biến cố bất ngờ. Vai "kép độc" này đã đưa bà lên tột đỉnh của danh vọng.
Phùng Há trong vai kép độc Lữ Bố
(Hình Internet)
Lữ Bố là một vị lãnh chúa giỏi võ và mưu lược, tư thông với Điêu Thuyền, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung quốc, và là tỳ thiếp của Đỗng Trác, một quân thần thâm độc và tàn ác của nhà Đông Hán. Câu chuyện xảy ra vào thế kỷ thứ II cuối triều đại Đông Hán, trước khi đưa đến giai đoạn chiến tranh triền miên giữa ba nước Thục Hán, Tào Ngụy và Đông Ngô vào thế kỷ thứ III. Giai đoạn nhiễu nhương này của Trung quốc cũng đã được tiểu thuyết hóa qua bộ truyện nổi tiếng Tam Quốc diễn nghĩa. Tuy đóng vai một vị võ tướng đầy mưu lược là Lữ Bố, thế nhưng Phùng Há lại là cô đào yêu chuộng của khán giả thời bấy giờ, tức là thế hệ mà ngày nay nếu còn sống thì đã trở thành các cụ, các bô lão.
Đối với thế hệ trẻ hơn đôi chút, tức là thuộc vào giai đoạn chiến tranh vừa qua, và nếu còn sống, thì cũng đã trở thành thế hệ "các chú, các bác", thì cô đào thần tượng của họ là Thanh Nga (1942-1978). Cô đào mệnh bạc này đã để lại cho chúng ta một gia tài diễn xuất và ca hát thật đồ sộ, từ cải lương, vọng cổ, tân nhạc cho đến phim ảnh. Cô cũng đã được nhà nước cách mạng phong tặng "nghệ sĩ ưu tú" năm 1984, tức là sáu năm sau khi cô qua đời.
H.1: Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há (1911-2009)
H.2: Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga (1942-1978)
Thế nhưng đối với giới trẻ thuộc thế hệ vi tính hiện nay thì họ chẳng cần đến các nghệ sĩ "nhân dân" hay "ưu tú" gì cả, bởi vì họ đã có các trò chơi điện tử, các anh hùng võ nghệ tài ba trong các phim chưởng của Trung quốc và Hồng Kông, hoặc các ca sĩ vừa la vừa hét, chân tay dậm dật, bắt chước theo các danh ca Tây phương. Đối với các bà các cô thì có các tài tử đẹp trai trong các phim tình cảm trường thiên của Hàn quốc và Đài Loan.
Tóm lại trên dòng diễn tiến của thời gian, qua từng mỗi giai đoạn, luôn có các diễn viên thần tượng, các soạn giả viết tuồng và các vị đạo diễn "chỉ đạo" cho các diễn viên diễn xuất? Nhìn lại thì lịch sử cũng chỉ là như vậy: một vở tuồng trên sân khấu; xã hội cũng chỉ là như vậy: tình tiết của vở kịch; con người cũng chỉ là như vậy: kép độc, kép mùi, đào nương...
Trong bài kinh Sāmaññaphala Sutta / "Quả mang lại từ cuộc sống suy tư" (DN 2 Dīgha Nikāya) / Trường Bộ Kinh) Đức Phật có dạy một câu như sau: "Người tỳ kheo tránh không được dùng giường cao ghế rộng, tiện nghi và sang trọng". Câu dạy bảo này cũng đã được lập lại trong một bài kinh khác là Kevaṭṭa Sutta / Bài kinh giảng cho Kevaṭṭa (DN 11 / Dīgha Nikāya / Trường Bộ Kinh). Vì vậy trong trường hợp soạn giả viết tuồng dàn cảnh các nhà sư ngồi vào các chiếc ghế bọc nệm chạm trổ cầu kỳ trên sân khấu, trước mặt là bàn chưng hoa trên đó có bảng ghi cấp bậc và pháp danh của mình, hoặc bắt họ đứng xếp hàng ngay ngắn, ôm các tấm bảng thật to chứng minh họ được trao tặng Huân chương Lao động Hạng hai và Hạng ba, thì đấy quả là một màn dàn cảnh và diễn xuất kém tế nhị, trái với lý tưởng của các diễn viên. Hơn nữa dường như họ - các diễn viên - toàn là kép mùi, không thấy kép độc cũng chẳng có đào nương, và vị đạo diễn thì không phải là người "trong nghề" nhưng lại đứng ra "chỉ đạo" cho đoàn kép mùi diễn xuất, vở tuồng quả là nhạt nhẽo (độc giả có thể xem lại hình H.1 trên đây trong bài báo Lao Động ngày 28 tháng mười một 2022. Độc giả có thể xem toàn bộ bài báo này bằng cách gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ: "Xây dựng Giáo hội Việt Nam trang nghiêm, vững mạnh, phát triển", hoặc sử dụng địa chỉ liên kết : https://laodong.vn/thoi-su/xay-dung-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-trang-nghiem-vung-manh-phat-trien-1121523.ldo).
Trở lại với bài viết của ký giả Hương Giang trên đây, thì chúng ta sẽ thấy trong hình một (H.1) sự hiện diện đông đảo các vị tu hành - có thể họ là những ngươi kém trung thành hoặc kém may mắn hơn chăng so với các vị hiện diện trong đại hội được đưa lên sân khấu trên đây - họ xếp hàng ngay ngắn trong một khuôn viên, tách biệt với hậu cảnh tấp nập bên ngoài của những người dân vô tình. Trước mặt họ không thấy có bàn thờ, ảnh tượng Đức Phật hay lá cờ Phật giáo. Hình ảnh những người tu hành nếu không mặc áo màu vàng và các cư sĩ không mặc áo màu lam, đứng xếp hàng ngay ngắn, thì biết đâu cũng có thể khiến người xem liên tưởng đến các học sinh đang nghiêm trang chào cờ trong sân trường học. Đối với một tôn giáo bạn (H.2) thì cũng chẳng khá hơn. Trong dịp lễ Tạ ơn Đại xá (Jubilée), thì cuộc diễn hành được dẫn đầu bởi một đoàn tám cô ăn mặc quốc phục, đội khăn đóng, một cô cầm trống bõi đánh nhịp, bảy cô khác thì múa. Chiếc kiệu đi sau, nhưng không thấy ảnh tượng Đức Mẹ Đồng trinh, cũng chẳng thấy Thánh giá hay cờ xí của Toà thánh Vatican. Cách dàn cảnh trong hai tấm ảnh, hoặc ít nhất thì cũng là một góc nhìn của ống kính được tính toán và chọn lưa, nhằm nhấn mạnh chủ trương nêu lên trong Hiến Pháp: "bảo đảm quyền tin tôn giáo và không tin tôn giáo của người dân".
Đến đây chúng ta hãy trích dẫn một bài kinh ngắn nêu lên cung cách hành xử của một vị vua đối với Đức Phật cách nay 25 thế kỷ, tức là vào thời đại của chính Ngài. Bài kinh này sẽ giúp chúng ta suy nghĩ thêm về thái độ của những người lãnh đạo chính trị và cả những người tu hành ngày nay.
Phụ Lục 1
Bài kinh về vị vua xứ Kosala
Kosala Sutta (AN 10.30 / Anguttara Nikāya / Tăng Chi Bộ Kinh)
Hoang Phong chuyển ngữ
Có một lần Đấng Thế Tôn ngụ tại thành Sāvatthī (Xá vệ), nơi khu rừng thưa Jeta (Kỳ-thọ), trong ngôi vườn của Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc). Vào lúc đó, vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) của xứ Kosala (Kiêu-tát-la) cũng vừa thắng một trận chiến và hoàn tất được mục đích của mình. Trên đường từ mặt trận trở về, vua Pasenadi của xứ Kosala có ý tìm đến vùng ẩn cư [của Đấng Thế Tôn]. Vua Pasenadi đánh xe dọc theo con đường mòn tiến sâu vào khu rừng, đến cuối con đường mòn thì vua Pasenadi phải xuống xe đi bộ để tìm nơi ẩn cư [của Đấng Thế Tôn]. Vào lúc đó có một nhóm bhikkhu (tỳ-kheo / tức là các nhà sư, các đệ tử của Đức Phật) đang tản bộ ngoài trời. Vua Pasenadi của xứ Koasala bèn tiến đến gần và cất lời hỏi họ:
- Thưa các Ngài (Bhante), Đấng Thế Tôn (Bhagavā), Vị A-la-hán (Arahant), Vị Giác Ngộ tối thượng, đang ở đâu vậy?
- Thưa Đại vương (Mahārāja), Đấng Thế Tôn đang ở trong túp lều khép kín tận phía đằng kia. Đại vương cứ yên lặng đến đấy. Không nên hấp tấp, Đại vương cứ từ tốn bước vào cổng lều, tằng hắng lấy giọng và gõ vào cửa. Thế Tôn sẽ mở cửa để đón Đại vương.
Nghe vậy, Vua Pasenadi của xứ Kosala tiến về phía căn lều khép kín. Không hấp tấp, vua Pasenadi bước vào cổng, tằng hắng lấy giọng và gõ nhẹ vào then cửa. Đấng Thế Tôn mở cửa gian lều.
Vua Pasenadi của xứ Kosala bước vào bên trong, quỳ xuống, hai tay ôm lấy đôi chân của Đấng Thế Tôn, úp mặt và hôn lên hai bàn chân. Sau đó thì thốt lên tên của mình:
- Thưa Thế Tôn, tôi là Pasedani, vua của xứ Kosala! Thưa Thế Tôn, tôi là Pasenadi, vua của xứ Kosala!
- Thế nhưng, này Đại vương, vì lý do gì mà Đại vương lại tỏ bày sự tôn kính tột đỉnh đó và hiến dâng cả tấm lòng ưu ái đó đối với thân xác này [của ta]?
- Thưa Ngài, sự hiến dâng đầy lòng thương cảm ấy là để tỏ bày lòng biết ơn của tôi và cũng là để nói lên sự cảm tạ của tôi đối với Thế Tôn.
(1) Bởi vì, Ngài, Vị Thế Tôn đã mang lại sư an lành cho thật nhiều người, niềm an vui cho thật nhiều người, vạch ra cho thế giới một con đường cao quý, điều đó có nghĩa là thiết lập được một đường hướng Dhamma (Đạo Pháp) trong lành. Đấy là một trong các lý do khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này [của tôi] để tỏ bày sự tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].
(2) Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn đạo hạnh thực hiện được một cung cách hành xử chín chắn, một hành vi cao quý, một thái độ trong lành. Đấy là lý do khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ bày sự tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].
(3) Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn từng lưu trú lâu dài nơi chốn rừng hoang, trong các túp lều hẻo lánh trong rừng, hoặc trong các khoảnh rừng thưa giữa những vùng rừng rậm. Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ bày sự tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].
(4) "Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn luôn hài lòng với bất cứ chiếc áo nào trên người, với bất cứ thức ăn nào khất thực được, với bất cứ gian lều nào, với bất cứ thuốc men nào khi đau ốm. Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ bày lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].
(5) "Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn xứng đáng đối với các vật cúng dường, xứng đáng đối với các sự tiếp đón ân cần, xứng đáng đối với mọi hình thức hiến dâng, xứng đáng đối với mọi cung cách tôn kính, là hiện thân của cả một bầu không gian phẩm tính vô biên trong thế giới. Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ bày lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].
(6) Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn thuyết giảng một cách tự nhiên, không một trở ngại nào cũng không cần một cố gắng nào, nhằm nêu cao một cuộc sống khắc khổ, loại bỏ được các thứ ô nhiễm, mang lại sự sáng suốt cho tâm thần, có nghĩa là giới hạn được mọi sự thèm khát, tạo được [cho mình] sự hài lòng, sự đơn độc, sự cách biệt, sự tập trung nghị lực, sự khơi động silā (đạo đức), sự thực hiện samādhi (thể dạng lắng sâu trong thiền định), sự phát huy paññā (trí tuệ), đưa đến sự giải thoát và cả sự quán thấy (sự cảm nhận) về thể dạng giải thoát ấy. Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn và sâu xa này để tỏ bày lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].
(7) "Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn đã đạt được một cách tự nhiên, không trở ngại cũng không khó khăn, [tất cả] bốn cấp bậc jhāna (bốn cấp bậc lắng sâu của tâm thức trong phép luyện tập thiền định) tạo ra một tri thức thượng thặng, mang lại một cuộc sống an vui trong hiện tại này (tại nơi này và trong lúc này). Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ bày lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].
(8) "Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn nhớ lại được các kiếp sống trước đây của mình, có nghĩa là một sự sinh, hai sự sinh, ba..., bốn..., năm..., mười..., một trăm..., một ngàn..., một trăm ngàn sự sinh, cùng với vô số kappa (kỳ kiếp, kiếp-ba / một khoảng thời gian thật dài) về sự co thắt (sự thu nhỏ và tan biến) của vũ trụ, với vô số kappa về sự trương nở (sự hình thành) của vũ trụ, với vô số kappa về sự co thắt và cả sự trương nở của vũ trụ, chẳng hạn như: 'Tại nơi này, tôi từng mang tên như thế này, tôi từng thuộc vào bộ tộc này, tôi từng mang vóc dáng như thế này. Các thứ thực phẩm này từng nuôi tôi. Tôi từng cảm nhận được các sự thích thú và khổ đau như thế này, và [ý thức được] lúc mà tôi lìa đời. Sau khi chết và sau khi tách ra khỏi thể dạng ấy, thì tôi lại sinh ra tại nơi kia. Tại nơi kia tôi lại mang một tên gọi khác; thuộc một bộ tộc khác, mang một vóc dáng khác. Đây là các thực phẩm từng nuôi tôi [tại nơi ấy], đây là các cảm nhận thích thú và khổ đau từng xảy ra với tôi [tại nơi ấy], đây là sự chấm dứt cuộc sống ấy của tôi [tại nơi ấy]. Tách ra khỏi thể dạng ấy sau khi chết, tôi lại đang hiện ra tại nơi này (trước mặt vua Pasenadi). Đấy là cách mà Tathāgata (Như Lai / cách mà Đức Phật tự xưng mình, tự gọi mình. Chữ Tathāgata là một chữ rút gọn, có nghĩa là " Như thế", nguyên nghĩa đầy đủ là: "không từ đâu đến và cũng không đi về đâu cả" là một cách biểu hiện cho Hiện thực tối hậu, phản ảnh sự Hiện hữu của tất cả mọi hiện tượng trong hiện tại này và tại nơi này). Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].
(9) Hơn nữa, Ngài, với đôi mắt kỳ diệu đã được tinh khiết hoá, vượt lên trên khả năng trông thấy của con người, là Vị Thế Tôn quán thấy được tại sao chúng sinh sau khi chết lại tái sinh trong các cõi thấp kém hay cao cả, mang vóc dáng xinh đẹp hay xấu xí, giàu sang hay nghèo hèn, và Ngài cũng hiểu được tại sao chúng sinh lại lệ thuộc vào kamma (nghiệp) của mình, chẳng hạn như: 'Các chúng sinh này thực thi các hành động tồi tệ trên phương diện thân xác, ngôn từ hay tâm thần, phỉ báng những người cao quý, phát động các diṭṭhi (tầm nhìn, quan điểm) lầm lẫn đưa đến các hành động ảnh hưởng bởi tác động của các diṭṭhi lầm lẫn, thì sau khi thân xác tan rã vì cái chết xảy ra, thì sẽ hiện ra trở lại dưới thể dạng hiện hữu đầy khuyết điểm (kém cỏi, thiếu thốn), trong một cảnh huống thấp kém, kể cả là nơi địa ngục (một nơi đói nghèo, hung bạo, bệnh tật và chiến tranh lan tràn). Trái lại, các chúng sinh khác tạo được cho mình một cung cách hành xử đúng đắn trên phương diện thân xác, ngôn từ và tâm thần, không phỉ báng các vị cao quý, phát động được các diṭṭhi (tầm nhìn, quan điểm) đúng đắn, thực thi các hành động ảnh hưởng bởi các diṭṭhi đúng đắn, ý thức được kamma tạo ra bởi các diṭṭhi lầm lẫn, không, thì sau khi thân xác tan rã vì cái chết xảy ra, thì họ sẽ hiển hiện trở lại trong các cảnh giới tốt đẹp, nơi cõi thiên nhân' (những nơi sung túc, hiền hòa và yên ổn). Đấy là cách mà Vị Thế Tôn, với đôi mắt kỳ diệu đã được tinh khiết hóa, vượt lên trên khả năng trông thấy của con người, đã nhận biết được tại sao các chúng sinh lại chết đi và tái sinh trong các cõi thấp kém hay cao cả, xinh đẹp hay xấu xí, giàu sang hay nghèo hèn, [tất cả đều] tùy thuộc vào kamma (nghiệp) của họ. Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].)
(10) "Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn làm tan biến được mọi thứ āsava (các sự ô nhiễm tâm thần: đam mê, thèm khát, bám víu,...), tạo ra cho chính mình một sự hiểu biết trực tiếp trong cuộc sống này, mang lại cho tâm thức mình một sự giải thoát tinh khiết, một sự giải thoát bằng trí tuệ, giúp mình hòa nhập vào chính sự giải thoát đó. Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].
- "Đến đây, Thưa Thế Tôn, vì còn nhiều trọng trách phải đảm đang, tôi đành mạn phép cáo biệt [Thế Tôn]".
- "Này Đại vương, hãy cứ làm những gì tỏ ra thích nghi với chính mình.
Thế rồi, vua Pasenadi của xứ Kosala rời ghế đứng lên, vái chào Đấng Thế Tôn, sau đó thì đứng dịch sang phía tay phải, trước khi quay lưng ra đi.
Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ
Thật ra, những lời tán dương Đức Phật trên đây mang tính cách khá tổng quát, thuộc cấp bậc hiểu biết của vua Pasenadi, bởi vì nội dung giáo lý do Đức Phật nêu lên thuộc vào các lãnh vực đạo đức và triết học siêu việt và khúc triết hơn nhiều. Sở dĩ nêu lên bài kinh này dưới hình thức phụ lục là để cho thấy vua Pasenadi của xứ Kosala hai mươi lăm thế kỷ trước, sau khi thắng trận và thực hiện được mục đích của mình, thì tức khắc tìm Đức Phật để hôn lên đôi bàn chân của Ngài. Cử chỉ khiêm tốn và tôn kính đó phải chăng là một cách kín đáo - hoặc cũng có thể là một sự thúc đẩy sâu kín trong tiềm thức vị vua Pasenadi - nhằm che dấu một thoáng hối hận nào đó trước sự hung bạo và sự hiếu chiến của mình. Điều này quả trái ngược hẳn với thái độ của một số người ngày nay, sau khi thắng trận và áp đặt một thể chế độc tài cho dân tộc, thì lại bắt những người tu hành đóng tuồng bày tỏ sự trung thành với mình, với chủ đích mượn sự trung thành đó để "hợp thức hóa" hành động hung bạo và chủ trương độc đoán của mình, đúng với sự nhận xét của sử gia Nguyễn Thế Anh trong bài khảo luận của ông nêu lên trong bài 3 của loạt bài này.
Nói chung những gì trên đây nhất thiết liên quan đến những người lãnh đạo trong lãnh vực chính trị cũng như tín ngưỡng. Đối với những người tu hành khiêm tốn và những người thế tục bình dị hơn thì khi đã bước vào con đường Phật giáo thì phải giữ gìn các quy tắc đạo đức như thế nào: tránh sát sinh, tránh trộm cắp, tránh tà dâm, tránh nói dối, tránh say sưa. Các quy tắc đạo đức đơn giản đó rất cần thiết cho "xã hội", gần gũi với "con người" và đã trải qua một "lịch sử" thật lâu dài hơn hai mươi lăm thế kỷ, chẳng có gì là cách mạng trong nền đạo đức đó cả. Đối với nền "đạo đức cách mạng" ngày nay thì xin dành sự thẩm định cho người đọc.
Bài kinh trên đây cũng cho thấy sự khiêm tốn của một vị vua, với thân xác hèn mọn nhưng phản ảnh một chút gì đó sâu xa bên trong cái thân xác đó của mình, khác hẳn với cử chỉ vung tay và đá chân của nữ diễn viên Phùng Há trong vai kép độc Lữ Bố, và cả thái độ nghiêm trang của những vị tu hành và vị Đạo diễn của họ trên sân khấu.
Chữ bhikkhu / tỳ-kheo có nghĩa là người ăn xin, vì vậy người bhikkhu là người khiêm tốn đến cùng cực, nhưng cũng là người bước đi trên một con đường rộng lớn, không nên ôm trước ngực tấm bảng trao tặng Huân chương Lao động Hạng hai hay Hạng ba, bởi vì đấy chỉ là cách cướp công và giành về phần mình sự xứng đáng của những người lao động đích thật đã phải đổ mồ hôi và nước mắt để cung phụng cho mình từng bát cơm, manh áo. Chính Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng từng nhận được Huân chương, thế nhưng vinh dự đó là do Quốc hội Mỹ, đại diện cho một dân tộc, trao tặng.
Ngoài ra cũng còn một điều đáng lưu ý về bài kinh ngắn trên đây. Bài kinh này được chuyển ngữ dựa vào ba bản dịch tiếng Anh của các vị đại sư Bhikkhu Bodhi, Bhikkhu Sujato và Nyanaponika Thera, đồng thời cũng được đối chiếu với vài bản dịch tiếng Pháp khác. Thế nhưng tại Việt Nam, được xem là một nước Phật giáo, thì dường như chỉ có một bản dịch duy nhất của Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012). Người chuyển ngữ bài này có ý đối chiếu bản dịch tiếng Việt này của Hòa thượng Thích Minh Châu với các bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp đã được tham khảo, do đó đã ra sức tìm kiếm bản dịch này trên mạng, và đã phải mất rất nhiều công sức, chẳng qua là vì bản dịch không dựa vào cách phân loại bằng cách đánh số từng bài kinh như thường thấy ngày nay, mà đặt chung trong toàn bộ tập kinh Anguttara nikāya / Tăng chi bộ kinh. Chúng ta đều biết là tập kinh này gồm hằng ngàn bài kinh ngắn khác nhau.
Tuy nhiên bản dịch của Hòa thượng Thích minh Châu cũng đã tìm được, thế nhưng quả thật không ngờ: bài kinh này và toàn bộ tập Tăng chi bộ kinh được đăng tải trên hàng chục trang mạng Phật giáo khác nhau. Độc giả có thể tìm bài kinh này bằng cách gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ: "Kinh Tăng Chi Bộ HT Thích Minh Châu" thì sẽ tìm được các trang mạng đăng tập kinh này. Sau đó thì tìm "Chương Mười Pháp", tiếp theo sau đó trong "Chương Mười Pháp" thì tìm: "03. Phẩm lớn", khi "03. Phẩm lớn" hiện ra thì tiếp tục kéo xuống bên dưới, dần dần sẽ thấy mục: "(X) (30) Kosalà (2)" tức là bài kinh nêu lên thái độ của vua Pasenadi đối với Đức Phật nói đến trên đây. Nếu muốn tìm các bản dịch bằng các ngoại ngữ Tây phương thì chỉ cần đơn giản gõ các chữ " Kosala Sutta AN 10.30" vào một công cụ tìm kiếm trên mạng thì cũng đủ tìm thấy rất nhiều bản dịch khác nhau bằng các thứ tiếng khác nhau về bản kinh này.
Sau khi suy nghĩ thêm thì có thể một số độc giả chưa quen với việc tìm kiếm kinh sách trên mạng, do đó người chuyển ngữ mạn phép trích dẫn dưới đây bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu, hầu một số độc giả có thể đọc được nhưng không mất nhiều thì giờ vào việc tìm kiếm:
(X) (30) Kosalà (2)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala, từ một trận chiến trở về, thắng trận, mục đích đã đạt được. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến khu vườn. Xa cho đến đất có thể đi xe được, vua đi xe, rồi xuống xe đi bộ và vào khu vườn.
2. Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo đang đi kinh hành ngoài trời. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo:
– Thưa các Tôn giả, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác trú ở đâu? Thưa các Tôn giả, chúng tôi muốn yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.
Tâu Đại vương, đây là ngôi tịnh xá, có cửa đóng. Ngài hãy đi đến ngôi nhà ấy, đừng có tiếng động, đừng có hấp tấp, bước vào mái hiên, đằng hắng, rồi gõ nơi then cửa. Thế Tôn sẽ mở cửa cho Đại vương.
3. Rồi vua Pasenadi nước Kosalà, đi đến ngôi tịnh xá cửa đóng ấy, đi đến không có tiếng động, không có hấp tấp, bước vào mái hiên, đằng hắng, rồi gõ vào then cửa. Thế Tôn mở cửa. Rồi vua Pasenadi, nước Kosalà đi vào tịnh xá, đầu cúi rạp xuống trước chân Thế Tôn, miệng hôn chân Thế Tôn, lấy tay xoa bóp, và nói lên tên mình:
– Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosalà. Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosalà.
– Thưa Đại vương, do Đại vương thấy ý nghĩa lợi ích gì mà Đại vương lại làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy và tỏ lộ lòng kính mộ đối với cái thân này?
4. Bạch Thế Tôn, để nêu rõ lòng biết ơn của con, để nói lên lòng cảm tạ của con đối với Thế Tôn, mà con làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy và tỏ bày lòng từ ái đối với Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị đã thực hiện hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, là vị đã an lập Thánh chánh lý cho đa số, tức là chánh chơn pháp tánh, thiện pháp tánh. Bạch Thế Tôn, vì Thế Tôn là vị đã thực hiện hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, tức là chánh chơn pháp tánh, thiện pháp tánh; vì con thấy ý nghĩa lợi ích này nên con đã làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy, và tỏ bày lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
5. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn có giới, có Phật giới, có Thánh giới, có thiện giới, có đầy đủ thiện giới. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn có giới, có Phật giới, có Thánh giới, có thiện giới, có đầy đủ thiện giới; bạch Thế Tôn, vì con thấy ý nghĩa lợi ích này, mà con đã làm những cử hạ liệt quá mức như vậy và bày tỏ lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
6. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã lâu ngày là vị sống ở rừng, sống tại các trú xứ rừng núi, các vùng cao nguyên hẻo lánh xa vắng. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn đã lâu ngày là vị sống ở rừng, sống tại các trú xứ rừng núi, các vùng cao nguyên hẻo lánh xa vắng; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
7. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị biết đủ với bất cứ vật dụng nào được cúng dường, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn là vị biết đủ với bất cứ vật dụng nào cúng dường, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
8. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay là phước điền vô thượng ở đời. Vì rằng, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ với Thế Tôn.
9. Lại nữa, bạch Thế Tôn, những câu chuyện nào thuộc hướng thượng, khai mở tâm trí, ví như câu chuyện về ít dục, câu chuyện biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không tụ hội, câu chuyện về tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến, các câu chuyện như vậy, Thế Tôn có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Vì rằng, bạch Thế Tôn, những câu chuyện nào thuộc hướng thượng… có được không phí sức; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
10. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Vì rằng bạch Thế Tôn, Thế Tôn đối với bốn Thiền… có được không phí sức; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
11. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn tùy niệm nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời… nhớ lại nhiều đời với các nét đại cương và các chi tiết. Vì rằng, bạch Thế Tôn, Thế Tôn nhớ lại nhiều đời quá khứ, như một đời, hai đời… nhớ lại nhiều đời sống với các nét đại cương và các chi tiết; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
12. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân…đều do hạnh nghiệp của họ. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn với thiên thanh nhãn tịnh siêu nhân, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
13. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì rằng bạch Thế Tôn, Thế Tôn do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; vì con thấy ý nghĩa lợi ích này nên con đã làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy, và tỏ lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
14. Bạch Thế Tôn, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều công tác, có nhiều công việc phải làm.
– Thưa Đại vương, nay Đại vương hãy làm những gì Đại vương nghĩ là hợp thời.
Rồi vua Pasanadi nước Kosalà, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Thế nhưng cũng chưa hết, cũng còn một điều cần lưu ý khác. Một vài trang mạng đăng tải bài kinh này thế nhưng không ghi chú nguồn gốc, mà ngược lại chỉ nêu tên mình như là người dịch hoặc là tác giả, chẳng hạn như trường hợp trang mạng chuahoangphap.com nêu lên như sau:
Vua PASENADI (BA-TƯ-NẶC)
Tác giả: Thích Chân Tính (chuahoangphap.com.vn)
II - 27. KINH KOSALA
27. KINH KOSALA (Kinh số 10, Phẩm 3, Chương 10, Tập 4, Tăng chi bộ kinh)
Nếu dựa vào các ghi chú về quy chiếu trên đây thì không thể nào tìm được bài kinh này trong Đại Tạng Kinh, và dường như "tác giả" (?) thì cũng không phải là nhà sư này.
(Địa chỉ liên kết về bài kinh này trên trang mạng chuahoangphap như sau: https://www.chuahoangphap.com.vn/thu-vien-kinh-sach/chi-tiet-vua-pasenadi-ba-tu-nac-206/index-2412/, hoặc độc giả cũng có thể gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ: "Chùa Hoằng Pháp Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)")
Hoặc trường hợp của trang mạng daophatngaynay.com nêu lên bài kinh này, nhưng không ghi rõ xuất xứ khiến có thể hiểu lầm người đưa bản kinh này lên mạng là dịch giả của bài kinh. Sau đây là cách giới thiệu bài kinh này trên trang mạng phatgiaongaynay.com:
Trang chủ, Kinh điển, Kinh điển Pali - Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) Tỏ Bày Lòng Kính Mộ Đối Với Thế Tôn
Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) Tỏ Bày Lòng Kính Mộ Đối Với Thế Tôn
Tâm Tịnh
(Địa chỉ liên kết: https://www.daophatngaynay.com/vn/kinh-dien/pali/32973-vua-ba-tu-nac-pasenadi-to-bay-long-kinh-mo-doi-voi-the-ton.html)
Trong bài 3, tờ nhật báo "20 Minutes" tại Pháp có phỏng vấn một "kiều bào hải ngoại" tên là Trung-Phúc, một viên chức trong ngành viễn thông. Trung-Phúc là một cựu "thuyền nhân" vượt biên cùng với cha mẹ năm 1979, lúc đó ông là một cậu bé 4 tuổi. Bài báo phỏng vấn ông phát hành ngày 5 tháng chín 2015, và trong bài phỏng vấn đó ông có nêu lên một câu: "phần số của cậu bé Aylan biết đâu cũng có thể là phần số của tôi". Bài phỏng vấn này xuất hiện trên mặt báo hai ngày sau khi người ta tìm thấy xác của em bé Aylan trên bãi cát. Có thể nhiểu người đã quên sự kiện đau lòng này, vì vậy người chuyển ngữ xin nhắc lại trong phụ lục dưới đây.
Phụ Lục 2
Hình ảnh một thuyền nhân ba tuổi Aylan Kurdi, trôi giạt vào bãi biển của xứ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3 tháng 9 năm 2015, đã gây xúc động cho cả hành tinh này.
Aylan ơi !
(Thơ Hoang Phong)
Aylan ơi!
Sao em nằm úp mặt?
Hãy ngước lên!
Trông kìa, rạt rào muôn ngọn sóng của trùng khơi!
Aylan ơi!
Ta muốn trông thấy dấu chân em bé xíu,
Xinh xinh trên bãi cát phẳng lì.
Trông kìa, sao trông giống dấu chân ta thuở bé.
Aylan ơi!
Ngọn sóng nào?
Đã xóa đi dấu chân em trên cát,
Những dấu chân, một ngày xưa thơ ấu,
Aylan ơi!
Sao em nằm sấp mặt?
Hãy đứng lên, hãy khóc lên thật to!
Đáy đại dương tối đen, các thuyền nhân đang chờ.
Aylan ơi!
Úp mặt trong cát ướt,
Sao em im lặng thế?
À nhỉ! Hay em không còn biết khóc?
Hay nước mắt đã khô?
Đại dương nước đã mặn,
Thôi em đừng khóc nữa,
Đưa tay, ta cho em chiếc kẹo.
Chiếc kẹo này,
Ta giấu mãi trong tim,
Cha mẹ ta cho ta,
Từ những ngày thơ ấu,
Aylan ơi, hãy đứng lên!
Hãy vui đùa, chạy nhảy.
Đại dương ơi, hỡi muôn nghìn ngọn sóng,
Ta xin chết thay em.
(Bures-Sur-Yvette, 07.09.2015)
Bài thơ trên đây được làm cách nay đã tám năm, thế nhưng trước đó trên các ngọn sóng của Biển Đông xa xôi và cả ngày nay trên các vùng biển Địa Trung Hải, không biết bao nhiêu đứa trẻ vẫn tiếp tục chết khi chúng chưa ý thức được các sự hung bạo, bất công và áp bức thật sự là gì. Nghèo đói và ngược đãi vẫn tiếp diễn khắp nơi, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt trên hành tinh này. Phải chăng điều đó là cả một sự xấu hổ trước lịch sử, xã hội và con người? Thế nhưng người ta thường hay quên hoặc ngoảnh mặt đi trước sự xấu hổ đó, trước lịch sử của quê hương, trước tổ tiên và đối với cả chính mình. Cách nay tám năm, một vài độc giả có thể đã có dịp trông thấy hình ảnh em bé Aylan trên bãi cát, thế nhưng thật hết sức nghịch lý, ký ức tự nó và từ bản chất của nó cũng lại là một sự quên lãng. Chúng ta sống, nhưng quên mất lịch sử và quên cả tình người, thế nhưng dường như đôi khi ký ức biết đâu một lúc nào đó cũng có thể đánh thức chúng ta trước một hiện thực thật phủ phàng.
Người ta quên em rồi Aylan ơi!
Aylan ơi, ào ạt giữa muôn ngàn ngọn sóng,
Mẹ em buông tay em.
Úp mặt một mình trên bãi cát,
Người ta quên em rồi, em biết không?
Em không có quyền được lớn,
Không có quyền nô đùa, không có quyền ước mơ.
Buông tay mẹ, em úp mặt một mình trên cát ướt.
Aylan ơi, người ta quên em rồi, em biết không?
Chẳng có ai đưa em đến trường lúc hừng đông.
Không có ai đón em một buổi chiều tan học.
Em không có quyền biết đọc.
Người ta quên em rồi, em biết không?
Aylan ơi, em chỉ có quyền biết khóc,
Chỉ có quyền nức nở.
Ta xin em, ta van em, xin em đừng thút thít,
Chua xót đáy tim ta.
Trong tim ta se thắt, xin em đừng úp mặt,
Đừng tức tưởi, xấu hổ đáy tim ta!
Em nghe chăng nhịp tim ta thoi thóp,
Khe khẻ ru em trong giấc ngủ thật dài.
Hãy ngủ ngoan em nhé,một giấc ngủ thật êm.
Giữa giấc mơ đêm âm ấm,
Aylan ơi, trong con tim ta khô héo,
Em trông thấy cả một thiên đường.
Bures-Sur-Yvette, 30.04.2023
Em hãy buông tay mẹ, em trả những gì của mẹ cho mẹ, trả những gì của cha cho cha, em trả cả những giọt nước mắt cuối cùng cho sự sống. Dù không biết đọc để hiểu lịch sử là gì, dù không được lớn lên cùng với con người trên dòng lịch sử, và dù em còn quá nhỏ để hiểu Đức Phật là ai, Chúa Trời là ai, thế nhưng này Aylan ạ, em hãy cứ trả tín ngưỡng cho xã hội, trả xã hội cho con người, trả những con người quên quá khứ cho quá khứ, em hãy quên những lúc được cha mẹ vỗ về, em cứ quên đi, quên cả yêu thương và quên cả chính mình:
Aylan ơi!
Em cứ gối đầu lên tim ta âm ấm,
Em quên đi, em quên hết, Aylan ạ!
Trong con tim ta khe khẽ tiếng ầu ơi,
Ru em, ru em trong giấc ngủ thật sâu.
Này Aylan ạ, ta hứa với em,
Dù họ là ai,
Ta vẫn ném một nắm đất khô,
Vào từng chiếc hố chôn người trên bãi cát.
Ném một cành hoa tuyệt đẹp,
Lên từng mỗi xác người,
Bồng bềnh trên sóng nước ngàn khơi.
Ta cất cao, thật cao, tiếng ru hời,
Ru những ai đang say giấc,
Chốn đen ngòm, nơi đáy nước trùng khơi.
Bures-Sur-Yvette, 03.09.2023
Sau hết trước khi chấm dứt bài 4 này, và cũng là bài sau cùng của loạt bài "Phật giáo: Lịch sử - Xã hội - Con người", người chuyển ngữ cũng mạn phép tặng độc giả một bài thơ, và bài thơ này đã được hai nghệ sĩ Thanh Trung và Hồng Vân diễn ngâm. Độc giả có thể gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ: "Lại thêm một ngày Thơ Hoang Phong", thì sẽ có thể nghe hai nghệ sĩ trên đây diễm ngâm bài thơ này.
Nghệ sĩ ưu tú Hồng Vân trước 1975 và 2023
Lại thêm một ngày
Lại thêm một ngày cho cuộc đời.
Lại thêm một ngày cho em,
Lại thêm một ngày cho anh,
Lại thêm một ngày cho những người còn sống trên cõi đời này.
Thức dậy sáng hôm nay,
Em có đứng trước gương chải tóc,
Những lọn tóc rối trên vai?
Em vẫn thường nói rằng:
"Tóc dài vướng lắm anh ạ!
Lắm khi em chỉ muốn cắt nó đi".
Riêng, mỗi ngày và mỗi ngày,
Anh vẫn thích ngắm em đứng trước gương chải tóc,
Những lọn tóc rối trên vai.
Em vừa nghiêng đầu vừa ngửa đầu ra sau,
Nửa vén, nửa hất nhẹ những lọn tóc dài óng ả ra lưng.
Duyên dáng làm sao,
Cái cử chỉ thật là con gái của em!
Có những phụ nữ lại cúi xuống,
Kéo hết tóc ra phía trước,
Rồi bất chợt hất mạnh ra sau.
Anh thấy nó phũ phàng và thô bạo quá.
Anh thích cái mong mang nửa vời,
Như nụ cười của nàng Mona Lisa.
Chưa hẳn nàng không cười, mà chưa hẳn nàng sẽ cười.
Anh thích cái dư âm của yên lặng giữa hai nốt nhạc,
Cái ranh giới giữa hiện thực và hư vô,
Cái ngỡ ngàng của một cô bé mới lớn,
Cái đậm đà giữa yêu thương và hờn dỗi,
Cũng như anh đã thích cái cử chỉ rất là phụ nữ của em,
Nửa vén, nửa hất nhẹ những lọn tóc rối trên vai.
Cái cử chỉ thật tự nhiên,
Nhỏ nhoi và tầm thường.
Hạnh phúc đối với anh cũng giản dị như vậy,
Thầm kín và nhẹ nhàng.
Lại thêm một ngày cho cuộc đời,
Một ngày cho những người còn sống trên cõi đời này.
Một ngày rồi lại một ngày,
Vì ai em để tóc dài vướng vai?
Nghiêng đầu em vén lọn dài,
Cho anh vuốt nhẹ bờ vai sợi mềm.
Một ngày rồi lại một ngày,
Trôi trên suối tóc bờ vai sợi dài.
Ngày xưa còn đó, hôm nay,
Em còn để ngọn tóc dài vướng vai?
Một ngày rồi lại một ngày,
Chảy theo suối tóc bờ vai em mềm.
Ngày xanh trôi nhẹ êm êm,
Vai em nho nhỏ sợi mềm mong manh.
Êm đềm trôi nhẹ ngày xanh,
Hai bờ vai nhỏ mong manh sợi dài.
Lại thêm một ngày cho cuộc đời,
Một ngày cho những người còn sống trên cõi đời này.
Anh xin mỗi ngày và mỗi ngày
Dành lại cho những ai cái hạnh phúc của uy quyền, giàu sang và danh vọng.
Mong manh hạnh phúc của anh,
Chập chờn cánh bướm đầu cành tập bay,
Thênh thang như một bóng mây,
Bay về quỹ đạo nào đây giữa trời.
Lại thêm một ngày cho cuộc đời,
Anh xin xa lánh cái hạnh phúc của chói lọi, của xa hoa và rực rỡ.
Anh xin từ bỏ cả yêu thương lẫn oán hờn.
Âm thầm hạnh phúc của anh,
Như con sâu nhỏ gặm vành lá xanh,
Như sương run nhẹ đầu cành,
Chực rơi xuống lớp cỏ xanh cỏ vàng.
Lại thêm một ngày cho cuộc đời,
Anh xin dành lại cho mọi nguời,
Cái hạnh phúc của rượu cay,
Của miếng thịt hồng, của làn da trắng phếu.
Êm êm hạnh phúc của anh,
Trên vai em đó lọn xanh sợi dài
Thật thà hạnh phúc của ai,
Sợi nào còn rối, sợi nào vướng vai?
Lại thêm một ngày cho cuộc đời,
Anh xin xa lánh những tiếng hát, những giọng cười,
Anh xin chối bỏ cái hạnh phúc của chiến thắng, uy danh và lãnh đạo.
Nhẹ nhàng hạnh phúc của anh,
Như con gió thoảng bên mành tường hoa.
Nhẹ như một hạt phấn hoa,
Rơi êm trong gió bay vào hư vô.
Lại thêm một ngày cho cuộc đời.
Quả đất quay thêm một vòng,
Ngân hà văng xa thêm mấy mươi năm ánh sáng?
Anh vẫn còn đây,
Vẫn chiếm một chút không gian vũ trụ này.
Thêm bao nhiêu người đã nằm xuống?
Thêm bao nhiêu đứa trẻ sinh ra đời?
Lại thêm một ngày cho cuộc đời,
Trên quả đất này bao nhiêu viên đạn vọt khỏi nòng?
Bao nhiêu hận thù lại nổ tung?
Lại thêm một ngày cho cuộc đời.
Bao nhiêu nước mắt lại rơi.
Thêm bao nhiêu nụ hôn trên má,
Được bao nhiêu nụ cười trên môi?
Thêm một ngày cho cuộc đời,
Một ngày gần gũi với con người,
Hay một ngày gần lại với hư vô?
Ta đã làm được gì cho người?
Ta đã làm gì được cho ta?
(Hạnh phúc nào cho những người nằm xuống?
Hạnh phúc nào cho những người vừa đến?
Hạnh phúc nào cho những kẻ sắp ra đi?)
Sáng hôm nay thức dậy,
Tim anh vẫn đập, nhắc anh nhớ tình người.
Anh yêu thương những người nằm xuống,
Anh yêu thương những ai còn đếm từng ngày trong cuộc đời,
Dù đang đếm trong hạnh phúc, khổ đau, oán hờn hay tham vọng.
Anh yêu thương những người sắp cất bước ra đi,
Quằn quại hay nhẹ nhàng, thảnh thơi hay nuối tiếc.
Lại thêm một ngày cho cuộc đời,
Một ngày cho những người còn sống trên cõi đời này,
Nhưng, sáng hôm nay lại không có anh bên cạnh.
Lấy ai em hỏi phải mặc áo nào để ra phố với anh?
Em mặc chiếc áo xanh xanh,
Nõn như màu lá, long lanh da trời,
Trong như sắc nước biển khơi,
Mỏng như gió thoảng, nhẹ hơn mây hồng.
Nắng thu phơn phất hây hồng,
Anh đem quấn nhẹ nửa vòng vai ai.
Thiên nhiên màu áo hôm nay,
Vướng trên lưng áo mảnh mai sợi mềm.
(Lại thêm một ngày cho cuộc đời,
Một ngày tim còn đập, một ngày anh còn yêu.
Yêu thiên nhiên, anh thương từng hạt cát,
Hoang vu sa mạc nào bát ngát.
Trời cao anh yêu thương muôn sao,
Âm thầm tuần du trong quỹ đạo.
Sâu xa anh thương từng tế bào,
Thân sinh vật nơi muôn ngàn thế giới.
Giản dị là yêu thương này,
Như hơi anh thở nhịp tim từng ngày.
Như bờ vai nhỏ sợi dài,
Tay em vén nhẹ sáng ngày hôm nay.)
Bures-Sur-Yvette / Saint-Rémy-Lès-Chevreuse 27.10.1997
Bài thơ mượn các xúc cảm phát sinh từ bản năng truyền giống của phái nam và cả phái nữ để chuyển tải một chút gì đó sâu sắc và cao cả hơn. Thật vậy, đôi khi chúng ta cũng có thể giật mình và thốt lên:
Ồ ! Lại một ngày vừa hết:
Ta đã làm gì được cho người,
Ta đã làm được gì cho ta?
...
Hạnh phúc nào cho những người nằm xuống?
Hạnh phúc nào cho những người vừa đến?
Hạnh phúc nào cho những kẻ sắp ra đi?
Thế giới này phải chăng cũng chỉ là môt sợi tóc vướng trên vai áo của một người phụ nữ, thế nhưng chỉ cần một sợi tóc dài đôi khi cũng đủ mở ra trong con tim chúng ta một tình thương thật rộng:
Yêu thiên nhiên, anh thương từng hạt cát,
Hoang vu sa mạc nào bát ngát.
...
Trời cao anh yêu thương muôn sao,
Âm thầm tuần du trong quỹ đạo.
...
Sâu xa anh thương từng tế bào,
Thân sinh vật nơi muôn ngàn thế giới.
...
Giản dị là yêu thương này,
Như hơi anh thở nhịp tim từng ngày.
...
Như bờ vai nhỏ sợi dài,
Tay em vén nhẹ sáng ngày hôm nay.
Bure-Sur-Yvette, 23.08.23
Hoang Phong chuyển ngữ