Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cúng Quá Đường (bài viết của TT Thích Nguyên Tạng)

11/04/201311:29(Xem: 22050)
Cúng Quá Đường (bài viết của TT Thích Nguyên Tạng)

Bat_Com_Huong_Tich

Cúng Quá Đường

Thượng tọa Thích Nguyên Tạng

Diễn đọc: Trọng Nghĩa - Mộng Lan

 

 

 

Cúng Quá Đường là một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong mùa an cư kiết hạ hay kiết đông của hàng đệ tử xuất gia. Năm nay, Canh Dần 2010, mùa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 11 của Giáo Hội Úc Châu được tổ chức từ ngày 6 đến 16-7 năm 2010 tại Thiền Viện Minh Quang, ở thành phố Canley Vale, cách trung tâm thành phố Sydney 30 phút lái xe, người viết xin ghi lại đôi nét về lễ nghi quan trọng này để giúp quý Phật tử mới vào đạo hiểu thêm về nghi thức này.

Quá Đường, còn gọi là Thượng Đường hay Phó Đường, nơi Tăng chúng đến thọ thực mà tâm không tham trước (theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang, trang 5752). Quá Đường, nghĩa đen: Đường là nhà, Quá là đi qua, nghĩa là chư Tăng đi từ Tăng đường, Khách đường, Tây đường, Đông đường…. đến Trai đường để thọ thực, nên gọi là Quá Đường hoặc Phó Đường. Theo sự nghiên cứu của HT Thích Huyền Tôn, Ngài nhớ đã đọc trong Vạn Tục Tạng, Thiền Lâm Bị Dụng Thanh Quy, quyển 6, theo tài liệu này cho rằng nghi thức cúng Quá Đường xuất xứ tại Chùa Từ Ân ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam thuộc triều đại nhà Đường (618-907) Trung Quốc, chứ trước đó chưa có danh từ Quá Đường. Ai cũng biết triều đại nhà Đường, nhất là thời Vua Đường Thái Tông (599-649), là vị hoàng đế thứ hai của triều đại này trong lịch sử Trung Hoa, trị vì từ năm 626 đến 649. Ông là một vị vua tài ba, người đã thiết lập sự cường thịnh của Triều đại nhà Đường, đặc biệt ông cũng là người hỗ trợ cho Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang mọi điều kiện để dịch thuật Kinh Tạng tại Chùa Từ Ân ở Trường An.

Thời Phật còn tại thế ở Ấn Độ cũng như các quốc gia theo Phật Giáo Nam truyền không có nghi thức cúng Quá Đường mà chỉ theo phương thức " nhật trung nhất thực, thọ hạ nhất túc", nghĩa là " giữa ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây một lần", buổi sáng đắp trì bát vào thành khất thực, sau đó về tịnh xá thọ thực và tọa thiền dưới gốc cây, truyền thống tuyệt vời này hiện nay vẫn còn áp dụng một cách sống động ở các quốc gia như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia và miền Tây Việt Nam. Cho đến khi Phật Giáo truyền đến Trung Hoa, rồi sau đó truyền sang Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam… thì chư Tổ Đức mới tạo ra nghi thức cúng Quá Đường này như một pháp tu tập, trước để dâng cúng mười phương Tam Bảo, sau đó hành giả mới dùng cơm, đây là nghi cách đặc biệt trong việc tri ơn và báo ơn ngay trong bữa ăn của mình. Trước khi ăn phải cúng dường, phải tưởng niệm và sau đó giữ chánh niệm trong lúc ăn, nếu hành giả nghiêm trì và cẩn thận trong bữa ăn như vậy, phước và đức phát sinh và tăng trưởng từ đây.

Day 2-An Cu Phap Hoa ky 18 (104)

Tiếp theo đây, xin nói chi tiết và thứ lớp trong nghi thức Quá Đường, sau khi hành giả vào trong trai đường, nghe Thầy Duy Na nhịp ba tiếng chuông, chấp tay xá một xá và ngồi xuống, khi nghe một tiếng khánh, mở nắp bình bát ra, cắm chiếc muỗng quay ra phía ngoài vào cơm in sẵn, sau đó nghe chuông hành giả tay trái nâng bát đưa lên ngang trán, tay phải kiết ấn cam lồ ngang miệng bình bát hay bát cơm để tụng bài cúng dường:" Cúng dường Thanh tịnh Pháp Thân Tì Lô Gía Na Phật, Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật, Thiên Bá Ức Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật, Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật, Thập Phương Tam Thế Nhất Thiết Chư Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Tam đức lục vị, cúng Phật cập Tăng, pháp giới hữu tình, phổ đồng cúng dường, nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sanh, Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn".

Dâng cơm lên trán và bắt ấn cúng dường, cũng được gọi là "cử án tề mi", tức là đưa lên ngang chân mày để biểu tỏ lòng tôn kính ba ngôi Tam Bảo, đây là cung cách cúng dường trong nghi cúng Quá Đường, vừa đẹp vừa trang nghiêm, do vậy mà đại chúng không nên đưa bát cơm quá cao hoặc quá thấp mà phải ngang trán của mình.


Cúng dường xong để bát xuống, liền xoay hướng muỗng vào bên trong, với ý nghĩa, phần cơm dành cho mình, còn trước khi cúng, quay muỗng ra ngoài là để dâng cúng mười phương Tam Bảo. Ở đây, người viết xin giải thích một chút về việc kiết ấn cúng dường, tay phải kiết ấn cam lồ với ngón tay cái đặt lên ngón áp út co sát vào trong lòng bàn tay, ba ngón tay còn lại vươn thẳng lên, ấn cam lồ này là biểu trưng cho lòng từ bi, như hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm, tay cầm bình cam lồ, tay bắt ấn để ban rải lòng từ bi để cứu khổ chúng sanh. Tay trái kết ấn Tam Sơn, ngón giữa và ngón áp út co lại, ba ngón còn lại vươn thẳng lên, như ba ngọn núi, tạo một thế kiềng ba chân vững chắc để đặt bình bát cơm vào giữa. Ấn Tam Sơn này biểu trưng cho Giới Định Tuệ, là ba môn vô lậu học, một môn học có thể đưa hành giả đi vào đường giác ngộ. Ta thấy trong nghi cách dâng bát cơm cúng dường này đã gói gọn ý nghĩa từ bi và trí tuệ, là hai yếu tố quyết định quan trọng trong đời mình, hạnh phúc hay đau khổ cũng chính từ đây mà có. Từ bi là lòng thương không có điều kiện, và trí tuệ là trí hiểu biết không nhiễm ô, đây là mục đích tối hậu của mọi hành giả, ai thành tựu được pháp hành này, người ấy luôn sống an lạc tự tại dung thông ngay trong hiện tại và mai sau, tất nhiên, con đường dẫn đến giải thoát sinh tử luân hồi đã ngắn dần ở phía trước.

Tiếp đó, Hòa Thượng Chứng Minh Trường Hạ để một cái chung nhỏ trong lòng bàn tay trái, tay mặt gắp 7 hạt cơm để vào chung, kiết ấn cam lồ và mặc niệm: Pháp lực bất tư nghì. Từ bi vô chướng ngại. Thất liệp biến thập phương. Phổ thí châu sa giới.Án độ lợi ích tá ha. (3 lần) và đại chúng đồng tụng bài biến thực biến thủy chơn ngôn " Nẳng mồ tát phạ đát tha, nga đa phạ lồ chỉ đế. Án tam bạt ra tam bạt ra hồng(3 lần); Nẳng mồ tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha. Án tô rô, tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô ta bà ha. (3 lần). Án Nga nga nẵng Tam Bà Phạ Phiệt Nhựt Ra Hồng (3 lần). HT Chứng Minh thầm nguyện: "Nhữ đẳng quỉ thần chúng. Ngã kim thí nhữ cúng. Thử thực biến thập phương. Nhất thiết quỉ thần cộng. Án mục lăng tá bà ha. (3 lần).
Theo sau là Thị Giả tống thực, đem chung nhỏ ra trước bàn ngoài sân để cúng Đại Bàng bằng cách hô to :" Đại Bàng Kim Sí Điểu, Khoáng dã quỷ thần chúng, La sát quỷ tử mẫu, Cam lồ tất sung mãn. Án mục đế tóa ha. (7 lần) (nghĩa là: Chim đại bằng cánh vàng, chúng quỉ thần nơi đồng rộng, mẹ con quỉ la sát, cam lồ được no đủ). Tiếp theo, Thầy Duy Nha xướng Tăng Bạt: "Phật chế đại chúng, thực tồn ngũ quán, tán tâm tạp thoại, tín thí nan tiêu, đại chúng, văn khánh thanh, các chánh niệm. Nam Mô A Di Đà Phật", (Phật dạy đại chúng, ăn xét năm điều, nghĩ sai nói chuyện, tín thí khó tiêu, đại chúng nghe tiếng khánh, cùng giữ chánh niệm).

Tiếp đó, tất cả đại chúng hai tay bưng bát cơm đưa lên trán và thầm đọc:"Chấp trì ứng khí, đương nguyện chúng sanh, thành tựu pháp khí, thọ thiên nhân cúng. Án chỉ rị chỉ rị phạ nhật ra hồng phấn tra (3 lần), nghĩa là: Tay bưng bát cơm, nguyện cho chúng sanh, Pháp thí thành tựu, nhận của trời người cúng".Ứng cúng ở đây là xứng đáng nhận sự cúng dường của người và trời, chỉ cho bậc A La Hán, người đã đoạn tận tam độc tham, sân, si và vô minh phiền não. Trong khi cúng Quá Đường ý niệm này khởi lên, mong cho chính bản thân mình và hết thảy chúng sinh sớm chứng đắc A La Hán và thoát ly sinh tử luân hồi khổ đau.

Nghe tiếng khánh để bát cơm xuống và múc ít cơm ra chén để lưu phạn; nghe chuông, bưng chén cơm để trước ngực và thầm đọc: 

" Dĩ kim sở tu phước

Phổ triêm ư quỉ chúng.

Thực dĩ ly khổ não,

Xả thân sanh lạc xứ.

Bồ-tát chi phước báo,

Vô tận nhược hư không,

Thí hoạch như thị quả,

Tăng trưởng vô hưu tức.

Án độ lợi ích tá ha.

(Nghĩa là: nay đem phước đã tu, ban cho tất cả quỉ, ăn rồi hết đau khổ, xả thân về cõi tịnh, hưởng phước của Bồ Tát, rộng lớn như hư không, quả tốt như vậy đó, tiếp tục lớn thêm mãi).

Lưu phạn là san sẻ phần cơm của mình cho chúng quỉ thần và cho người ăn sau mình; ý nghĩa bố thí, mở rộng tình thương của mình dành cho người bất hạnh, không đủ cơm ăn áo mặc, ý tưởng này giúp cho hành giả nuôi dưỡng từ tâm ngay trong lúc mình ăn.

Lưu phạn xong, nghe 2 tiếng chuông đại chúng bắt đầu dùng cơm, trước khi ăn, hành giả phải khởi niệm Tam Đề và Ngũ Quán, đây là một nghi cách đẹp và có ý nghĩa của nhà Phật mà hành giả không phải chỉ áp dụng trong khi cúng Quá Đường mà có thể áp dụng trong tất cả các bữa ăn khác của mình trong đời sống. Tam Đề là ăn ba muỗng cơm lạt đầu tiên, muỗng thứ nhất: thầm đọc, nguyện chấm dứt tất cả những điều ác (Nguyện đoạn nhứt thiết ác) ; muỗng thứ hai: nguyện làm tất cả những việc lành (nguyện tu nhứt thiết thiện); muỗng thứ ba: nguyện giúp đỡ tất cả chúng sanh (Nguyện độ nhứt thiết chúng sanh). Ý nghĩa Tam Đề này là nói rõ mục đích tối hậu của hành giả tự độ mình là dứt ác, làm lành, đạt đến giải thoát và thực thi hạnh độ tha là giúp đỡ người khác rõ biết đường đi lối về của nhân quả nghiệp báo, ra khỏi tà kiến để chấm dứt đau khổ trong đời sống để rồi cuối cùng cũng đạt đến giác ngộ giải thoát như bản thân mình.

Tiếp đến bắt đầu ăn cơm phải tưởng Ngũ Quán: Thứ nhứt: Con xin biết ơn người đã phát tâm cúng dường, sửa soạn những thức ăn này; Thứ hai: Con nguyện nổ lực tu học, trau dồi giới hạnh để xứng đáng thọ dụng những thức ăn này; Thứ ba: Trong khi ăn, con nguyện từ bỏ lòng tham dục, tham ăn; Thứ tư: Con quán chiếu những thức ăn này như những vị thuốc, để cho thân thể con khỏi bệnh tật; Thứ năm: Con nuôi dưỡng chánh niệm, chỉ vì để thành tựu đạo nghiệp giải thoát giác ngộ mà con xin thọ dụng những thức ăn này. (Nhất kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ. Nhị thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng. Tam phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông. Tứ chánh sự lương dược, vị liệu hình khô. Ngũ vi thành đạo nghiệp, ưng thọ thử thực).
Trong suốt thời gian dùng cơm, hành giả luôn luôn giữ chánh niệm với 5 phép quán trên. Thiền ngữ của chư Tổ đã từng cảnh báo chư hành giả về sự quan trọng của phép ăn cơm rằng:
"Ngũ quán nhược minh kim dị hóa
Tam tâm bất liễu thủy nan tiêu".

Có nghĩa là "nếu phép ngũ quán được liễu thông thì dù có ăn vàng đi chăng nữa thì vàng đó cũng được tiêu hóa, ngược lại nếu ba tâm kia không hiểu rõ dù có uống nước, nước kia cũng không thể tiêu được. Hiểu được ý này mà Thầy Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức,TT Thích Tâm Phương đã từng nhắc nhở hàng đệ tử trước khi dùng cơm trong các kỳ thọ bát Quan Trai rằng:
Mỗi khi nâng bát cơm đầy,
Nhớ ơn Tam Bảo, ơn Thầy, Mẹ Cha
Nhớ người tín thí gần xa
Con nguyện sống hạnh vị tha đáp đền.

Ăn cơm xong, lấy tăm xỉa răng và thầm nguyện " Tước dương chi thời, đương nguyện chúng sanh, kỳ tâm điều tịnh, phệ chư phiền não. Án a mộ dà, di ma lệ, nhĩ phạ ca ra, tăng thâu đà nễ, bát đầu ma, câu ma ra, nhĩ phạ tăng thâu đà da, đà ra đà ra, tố di ma lê, sa phạ ha (3 lần), có nghĩa là: "Nhấm tăm dương chi, nên nguyện chúng sinh, tâm tính thuần hóa, cắn nát phiền não". Ngày xưa tăm dùng trong chùa thường được làm bằng cành dương nhỏ, nên gọi là tăm dương. Ăn xong xỉa răng là thời điểm sau cùng của bữa ăn; thân vừa no đủ và tâm tư thư thái, hoan hỷ, không có chút lo lắng phiền não, nên cũng mong cho người khác cũng giống như chính mình.

Xỉa răng xong, nghe Thầy Duy Na nhịp một tiếng chuông, đại chúng cùng uống nước, hai tay bưng bát nước cung kính trước ngực và thầm nguyện: 

Phật quán nhất bát thủy

Bát vạn tứ thiên trùng,

Nhược bất trì thử chú,

Như thực chúng sanh nhục.

Án phạ tất ba ra ma ni sa ha (3 lần).

(dịch nghĩa:: Phật nhìn một bát nước, có tám vạn tư vi trùng, nếu không trì chú này, như ăn thịt chúng sanh)

Qua Phật nhãn, Đức Thế Tôn thấy rõ có vô số vi trùng trong một bát nước, một cái thấy mà mãi đến hơn 2000 năm sau mới có người phát hiện, đó là vào hậu bán thế kỷ 19, nhà Sinh vật học người Pháp Louis Pasteur (1822-1895) khám ra những vi khuẩn gây bệnh qua kính hiển vi. Cũng chính vì bài kệ chú uống nước có tính siêu khoa học này mà nhà bác học vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 20, ông Albert Einstein (1879-1955) đã không ngần ngại khi tuyên bố "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học".


Uống nước xong, nghe chuông, đại chúng cùng tụng bài Kiết Trai: Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đề, cu chi nẫm, đát điệt tha. Án chiếc lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha (7 lần). Sở vị bố thí giả, tất hoạch kỳ lợi ích. Nhược vị nhạo bố thí, Hậu tất đắc an lạc. Phạn thực dĩ ngật, đương nguyện chúng sanh, Sở tác giai biện, Cụ chư Phật Pháp. (nghĩa: gọi là bố thí, tất được ích lợi ; vui thích bố thí, sau được an vui. Thọ thực hoàn tất, nên nguyện chúng sanh, việc làm hoàn mãn, đầy đủ Phật pháp.)

Theo sau là nghi thức niệm Phật và Kinh Hành, đi từ trai đường lên Chánh Điện, hành giả chấp tay nghiêm trang và từng bước chân kinh hành, miệng niệm Phật trong chánh niệm, vào điện Phật, lễ Tứ Thánh, quỳ xuống tụng bài Sám Nguyện và hồi hướng công đức, đó là hoàn mãn thời Cúng Quá Đường trong mùa An Cư.

Trên đây là nghi thức Cúng Quá Đường trong thiền môn, được xem là nghi thức dùng cơm trong chánh niệm, áp dụng cho tất cả các bữa ăn khác, hành giả cần phải phải thuộc lòng các bài kệ chú để áp dụng trong bữa ăn để giúp mình giữ gìn chánh niệm, không tạp tưởng, mơ màng trong lúc ăn là mục đích chính.

Trong lúc chúng ta đang ăn cơm trắng, uống nước trong tại Trường Hạ, thì số người bị thiếu ăn trên toàn thế giới hiện đã lên tới hơn 1 tỷ, tương đương 1/6 dân số thế giới, một con số cao nhất trong lịch sử loài người, đây là thống kê mới nhất của tổ chức Lương Nông Thế Giới, FAO, http://www.fao.org/, tất cả đều do tác động của sự khủng hoảng tài chánh toàn cầu trong hơn một năm qua. Mong rằng năng lượng từ tâm của đại chúng tại Trường Hạ Minh Quang từ Úc Châu và hàng triệu đệ tử Phật trên khắp hành tinh này trong mùa An Cư năm nay, sẽ giúp chuyển tải năng lượng tu tập đến cho thế giới, giúp cho họ giảm bớt đau khổ và sớm cải thiện cuộc sống nghèo đói, nhất là mọi người đều có đủ cơm ăn và nước uống trong mỗi ngày.

Nam Mô A Di Đà Phật
Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng


Xem bài liên quan:

- Cúng Cháo (bài viết của TT Thích Nguyên Tạng)
- Cúng Đại Bàng (bài viết của TT Thích Nguyên Tạng)

Ý kiến bạn đọc
24/08/201807:42
Khách
Adida Phật. Theo con hiểu đây là nghi thức khi kiết hạ của các phật tử xuất gia. Vậy các phật tử tại gia chúng con thì hành trì theo nghi thức nào ạ. Xin quý thầy hoan hỉ chỉ dạy ạ. Adida Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/04/2020(Xem: 6011)
Nhiều người trong chúng ta đang vật lộn với phản ứng của chúng ta, trước những khổ đau của quốc gia dân tộc và thế giới. Chúng ta có thể làm gì khi đối mặt với nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, bất công và tàn phá môi trường? Theo dòng thời sự, thật dễ dàng để tuyệt vọng, trở nên hoài nghi hoặc tê liệt. Hướng về phía nó là cách tiếp cận của Phật giáo đối với sự đau khổ chung này. Chúng ta hiểu rằng, hạnh phúc và thực sự ý nghĩa sẽ đến, thông qua xu hướng khổ đau. Chúng ta vượt qua tuyệt vọng của chính mình, bằng cách giúp đỡ người khác vượt qua mọi chướng nạn khổ đau.
23/04/2020(Xem: 5268)
Trước khi vào bài viết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa về từ ngữ an cư: an cư theo tiếng Phạn là Varsa hay Vassa, là mùa mưa. Tàu dịch: vũ kỳ hay vũ an cư (an cư mùa mưa) vì là mùa mưa tại Ấn Độ, “an” là an tịnh nội tâm, “cư” là kỳ hạn cư trú tu tập, trong suốt thời gian nhất định nào đó. An cư cũng có nghĩa là ‘an kỳ tâm, cư kỳ thân’, tức thân ở yên một chỗ và tâm được an lạc, thanh tịnh gọi là an cư. Như vậy Mùa An Cư tức là mùa ở yên một chỗ (còn gọi là cấm túc) để tĩnh tâm tu tập. Thời gian khi Phật còn tại thế và tại Việt Nam hiện nay là Chư Tăng an cư 3 tháng vào mùa hạ, từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7, còn Tăng Già các nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc…thì đa số là “nhất Tăng nhứt tự” lại xa xôi cách trở nên tùy vào từng quốc độ mà tập trung an cư trong 10 ngày, sau đó trở về trụ xứ tiếp tục tâm niệm an cư cho đến khi giải hạ.
23/04/2020(Xem: 5968)
Trưởng lão Thiền sư Biography of Phra Dhammongkolyarn (Luangphor Viriyang Sirintharo) tuổi bách tuế dư niên đại thọ, nhưng sức khỏe về thể chất và tinh thần vẫn tuyệt hảo, Ngài tiếp tục giảng dạy tu tập thiền định cho cả công dân Thái Lan và người nước ngài. Ngài đương nhiệm Phương trượng trụ trì ngôi già lam Wat Dahammamongkol tại thủ đô Bangkok, Vương quốc Phật giáo Thái Lan, đã tổ chức mừng sinh nhật đại thọ cho Ngài vào ngày 7/1 vừa qua.
22/04/2020(Xem: 5641)
Trong thời kỳ nghiêm trọng bởi đại dịch hiểm ác Virus corona chủng mới, “việc này Tôn giáo có thể cùng sẻ chia - 宗教能提供哪些服務”, đáp ứng nhu cầu san sẻ trong từ bi tâm, lòng bác ái bao la là quan tâm hàng đầu của cộng đồng tôn giáo. Buổi “Tọa đàm toàn diện giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo- National Buddhist-Christian Dialogue -全美佛教與基督教座談” được tổ chức trực tuyến tại Phật Quang Sơn Tây Lai Tự, Los Angeles, Hoa Kỳ vào ngày 15/4/2020.
21/04/2020(Xem: 8582)
Đức Phật khuyên con người nên diệt trừ ái dục. “Ái” là thích, thương yêu, mến tiếc, luyến ái, tham ái bám víu. “Dục” là ham muốn, tham dục, lạc dục. Ái dục là lòng ham muốn, luyến ái, bám víu, tham hưởng mọi sự sung sướng thường tình đối với người và đối với vật. Có ba loại ái dục: 1. Ái dục theo nhục dục “ngũ trần”: Năm cảnh trần là “sắc, thanh, hương, vị, xúc”. Trần là bụi dơ. Ngũ trần là năm cái có thể thấm bụi dơ vào thân tâm ta, vào chân tính của ta. 2. Ái dục đeo níu theo khoái lạc vật chất, theo quan niệm “đoạn kiến”, nghĩ rằng chết là hết, nên không cần quan tâm đến thiện ác, tội phước, quả báo gì cả, cứ lo hưởng thụ lạc thú vật chất và sự giàu sang hiện tại. 3. Ái dục đeo níu theo khoái lạc vật chất, theo quan niệm “thường kiến”, nghĩ rằng những lạc thú và tài sản sẽ còn với mình mãi mãi, lâu dài vĩnh cửu, trường tồn.
21/04/2020(Xem: 7097)
Hôm thứ Hai, ngày 20/4/2020, Mạng lưới Phật giáo Dấn thân Quốc tế (The International Network of Engaged Buddhists, INEB) đã tuyên bố công khai trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Virusconrona gây ra, kêu gọi tất cả mọi người, các quốc gia vùng lãnh thổ và chính phủ, bất kể nền tảng tôn giáo hoặc cá biệt văn hóa chủng tộc hoặc liên kết chính trị, nhận ra tính chất liên kết và “Toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau”. Nhân loại là cơ sở cho một phản ứng toàn cầu thống nhất đối với cuộc khủng hoảng, đã gây nguy hiểm đến hàng triệu người trong các cộng đồng dễ bị tổn thương trên toàn thế giới.
21/04/2020(Xem: 5488)
Phật giáo là Tông giáo theo quan niệm cổ xưa, trước đây bị người đời ngộ nhận cho là mê tín. Xem từ trên phương diện bề ngoài, nó xác thực là đã khoác lên trên nó sắc thái tông giáo rất sâu nặng. Người ta xem thấy tượng Phật trang sức bằng vàng, nghe đến tụng kinh bằng tiếng Phạn với tiếng chuông và tiếng khánh, nếu có ai hỏi đến, họ đều khăng khăng trả lời là lễ bái nhằm mục đích tỏ lòng tôn kính thần tượng; người ta lại xem thấy sự sinh hoạt của tăng chúng trong tự viện liền khăng khăng vu khống cho chúng nó là ký sanh trùng trong xã hội.
20/04/2020(Xem: 5166)
Các giám đốc chi nhánh của Trung ương Hiệp hội Sinh viên Phật tử Indonesia (HIKMAHBUDHI) thành phố Tangerang đã tiến hành một loạt các phong trào Nhân đạo và xuất phát ra quân vào ngày 10 đến ngày 12 tháng 4 năm 2020, để giúp giảm thiểu nỗi đau thương bởi đại dịch Covid-19 và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
19/04/2020(Xem: 5711)
Đại Đế Nã Phá Luân, vị tướng lừng danh của nước Pháp, người từng lập bao chiến công oanh liệt, đã tuyên bố một câu bất hủ, qua những kinh nghiệm chính bản thân: “Có hai sức mạnh trên thế giới, đó là sức mạnh của Thanh Gươm và sức mạnh của Tấm Lòng. Cuối cùng thì Tấm Lòng luôn đánh bại Thanh Gươm” Là con Phật, chúng ta hiểu, Tấm Lòng ở đây là Lòng Từ Bi, là sự tử tế với nhau, là những viên minh châu trong Tứ Vô Lượng Tâm gồm Từ, Bi, Hỷ,Xả mà chúng ta được thọ nhận để học hỏi, để tu trì.
19/04/2020(Xem: 5745)
Dường như đường đê mỗi lúc mỗi hẹp! Lại quanh co nữa! Lạ thay, lẽ ra tới đây lữ khách đã phải nhìn thấy ngã ba, có cây đa cổ thụ, có bụi tre mạnh tông cao vút mướt xanh, dẫn vào thôn Phương Viên, làng Đan Phượng rồi chứ? Lữ khách tự nhủ “Lâu qúa, không được về thăm quê nội nên cảnh trí đổi khác chăng? Cố lên! Ráng thêm chút nữa sẽ thấy đường rẽ vào làng mà!” Nhưng mây đen bỗng từ đâu kéo tới, rồi nước sông dâng cao, dâng cao… ….Nước từ sông Hồng cuồn cuộn dâng cao, như rượt đuổi bước chân siêu vẹo của kẻ phương xa, tìm về thăm quê cũ … Rồi, ầm! ầm! Mưa bão trút xuống cùng lúc với bờ đê mong manh vỡ tan, sụp đổ … Lữ khách nghe tự đáy lòng mình bật lên hai tiếng thảm thiết “Mẹ ơi!”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]