Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Năm Dần Nói Chuyện Con Cọp

13/02/202212:25(Xem: 6028)
Năm Dần Nói Chuyện Con Cọp



NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CON CỌP

Hiện nay chúng ta đang có 2 cách tính thời gian theo : Âm Lịch và Dương Lịch. Phương Tây và nhiều nước trên thế giới sử dụng Dương Lịch, lịch này tính theo chu kỳ tự quay xung quanh trục mình của Trái Đất và Trái Đất quay xung quanh mặt trời. Trong khi đó cách tính Âm Lịch sử dụng Can Chi, bao gồm thập Can và thập nhị Chi. Trong đó, 10 Can gồm: Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ được tạo thành từ Ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. 12 Chi được lựa chọn từ các con vật gần gũi với con người hoặc thuần dưỡng sớm nhất. Có một sự khác nhau trong 12 Chi giữa Âm Lịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam,.... đó là Chi thứ 4 là con Mèo hay con Thỏ. Ở Việt Nam, 12 con giáp gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, tương ứng với 12 con vật : Chuột, Trâu, Hổ, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn. Khi ghép lại sẽ tạo thành 60 năm (bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12) từ các tổ hợp Can - Chi khác nhau, gọi chung là Lục Thập Hoa Giáp. Nhân dịp chúng ta đang đón Xuân Nhâm Dần, xin bàn nơi đây những chuyện tích có liên quan đến Cọp.

Cọp thường ở nơi rừng núi, săn mồi vào ban đêm, cạnh bờ nước, bắt những loài vật lớn, có vú như trâu bò rừng, nai, heo, nhiều khi loài người cũng là con mồi của cọp. Cọp bắt mồi bằng cách cắn vào  gáy, hay cắn cổ hút máu cho đến khi con mồi kiệt sức. Cọp mạnh mẽ, nanh vuốt nhọn, hầu hết loài động vật đều phải sợ nên Cọp là chúa tể rừng xanh. Dân quê ngày xưa, vì thiếu vũ khí hiệu lực để tự vệ, sợ hãi hay cữ không dám gọi tên mà phải dùng những danh xưng cao nhất được dành cho hổ như Sơn quân chi thần, Sơn quân chúa xứ, Sơn quân mãnh hổ, Sơn lâm chúa tể, Sơn lâm chúa xứ, Sơn lâm đại tướng quân, Sơn quân chúa động, Chúa xứ sơn lâm, Mãnh Hổ, Thần Hổ, Ông, ông Thầy, ông Cả, Ngài, ông Ba Mươi, Hương quảnÔng Thiêng... Muốn cho con nín khóc, dân quê thường đem cọp ra hù doạ: “Con khóc, cọp nó nghe nó về thì khốn”. Cọp còn cho là linh thiêng nên được vẽ lên tường, hay đắp nổi nơi đình, chùa, và cũng có bát nhang cúng bái. Cọp hay Hổ nhờ vậy là biểu hiệu cho thành công, thống lĩnh nên ta thấy các thương hiệu như “Dầu Cù-Là Con Cọp”, “Bia Con Cọp”, dầu xăng Con Cọp (Exxo), Giải bóng đá Đông Nam Á gọi là Tiger Cup. Cọp cũng được đề cập đến nhiều qua tranh dân gian (tranh Đông-Hồ). Giới tử-vi cho rằng người nam nào sinh năm cọp, tuổi Dần đều kiên cường, có oai phong, không dễ khuất phục. Trước đây có những người không thích các cô tuổi Dần vì sợ sẽ dữ như cọp hoặc người nữ tuổi Dần sẽ cao số, tình duyên trắc trở,khó nuôi con, phải lập gia đình trễ mới yên lành.

Trong văn chương Việt Nam, cọp, hùm, hổ được nói nhiều dưới hình thức so sánh, ẩn dụ để đưa ra những bài học cuộc sống, những ngụ ngôn sâu xa :

Trước hết hình ảnh Cọp dung để mô tả cái oai, sự mạnh mẽ, khiến các loài khiếp sợ của “hổ tướng” dũng mãnh, can trường, bách chiến bách thắng. Nơi đại bản doanh để chủ soái và các tướng bàn bạc việc quân gọi là “hổ trướng” nơi đó thường vẽ con cọp ở giữa để tượng trưng uy quyền và khí thế mạnh mẽ. Soái ấn của một vị tướng là “Hổ Phù”. Dưới trướng của Lưu Bị thời Tam Quốc Diễn Nghĩa có ngũ hổ tướng là : Quan Vũ, Mã Siêu, Trương Phi, Hoàng Trung và Triệu Tử Long. Thật thú vị khi có những võ tướng giỏi có thể tay không đánh cọp như “Võ Tòng đả hổ” hoặc nữ tướng Bùi Thị Xuân. Cuộc chiến cân sức giữa hai thế lực mạnh mẽ quyết liệt gọi là : “Long Tranh Hổ Đấu”.Trường hợp cha truyền con nối, có sự kế thừa xứng đáng thì được gọi là : “hổ phụ sinh hổ tử”, ví dụ Quan Vân Trường có 2 người con hào kiệt là Quan Bình và Quan Hưng nối nghiệp Cha. Ngược lại có trường hợp Cha giỏi giang mà con cái lại tệ hại gọi là “hổ phụ sinh khuyển tử” như con của Lưu Bị ( Lưu Thiện – A Đẩu) và con của Lê Hoàn (Lê Long Đĩnh).

Thành ngữ : “Râu hùm, hàm én mày ngài” để chỉ cho vẻ kiêu hùng uy dũng của võ tướng.

Cọp ăn thịt các loài khác, ăn nhiều để nuôi dưỡng cơ thể to lớn khỏe khoắn của mình, nên giới nam ăn nhiều hơn giới nữ, được ví là : “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu” (nam ăn như cọp, nữ ăn như mèo). Sức mạnh của cọp được đề cập đến trong văn chương là : “Bạo âu như sói, mạnh âu như hùm” (sách Thiên-Nam). Cọp mạnh mẽ nhất nhưng chưa phải là khôn ngoan nhất. Tại sao con người với bản năng bẩm sinh không phải là khỏe mạnh nhất lại có thể chinh phục được bao nhiêu loài thú dữ, mạnh hơn mình nhiều lần? Đó chính là nơi bộ não, con người khôn hơn con vật. Sức mạnh thời nay không phải nằm ở nơi cơ bắp mà chủ yếu là nằm ở bộ não, ở trí khôn. Trong sách Giáo Khoa cấp I có câu chuyện : “Trí Khôn của Ta đây”, qua đó giải thích tại sao Trâu khỏe hơn người nhưng phải chịu kéo cày và sai khiến của con người và con hổ bị con người dọa và dạy một bài học ra trò. Điều này khiến chúng ta liên tưởng ngay cả trong các trận đấu võ thuật hoặc chiến trận cũng vậy, trong wrestling hay các trận đấu võ thuật, trí khôn phải được vận dụng tối đa để võ sỹ biết phải đánh như thế nào, né tránh thế nào trước đối thủ và đặc biệt ra trận phải có chiến lược và binh pháp, chứ người “hữu dõng vô mưu” cũng dễ bị thất bại,…

Trường hợp có người mạnh mẽ nhưng bị mắc mưu, bị sa cơ thất thế thì cũng chỉ biết ôm hận thở than như trường hợp Từ Hải mắc mưu Hồ Tôn Hiến chôn chân giữa trận tiền :

Đang khi bất ý chẳng ngờ

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn

Tử sinh liều giũa trận tiền

Dạn dày cho biết gan liền tướng quân

Khí thiêng khi đã về thần

Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.

Đơn thương độc mã thì khó thắng được thế lực hùng hậu khác, do đó cần phải đoàn kết, đồng tâm hiệp lực với nhau, kẻo rơi vào cái thế : “Mãnh Hổ Nan Địch Quần Hồ” (một con hổ mạnh không đấu lại một bầy hổ).

Gần cọp thì rất nguy hiểm, dễ mất tính mạng. Thời phong kiến ngày xưa, các quan gần vua như gần cọp bởi vì dưới vua có nhiều phe cánh, tranh ân sủng, âm thầm tâu cáo với vua, tố tội lẫn nhau. Nếu chính bản thân vua hoặc bị tác động, nghe lời dèm pha phe cánh khác mà nghi ngờ ai thì người đó bị nguy hiểm, thất sủng, giáng chức, mất mạng hoặc tru di cửu tộc,…

Cũng vậy, đến gân cọp thì nguy hiểm, nên có thành ngữ : “Hùm thiêng nước độc” chỉ cho nơi trùng trùng nguy hiểm đe dọa tánh mạng. Thi sỹ Hồ Xuân Hương cũng có lời khuyến cáo Phạm đình Hổ khi ghẹo mình: “chỗ ấy hang hùm chớ mó tay”.  Thế nhưng trong thế chiến với đối thủ, có những người phải làm gián điệp, phản gián, cài vào tổ chức khác, hoặc tìm cách đến gần đối thủ để hiểu rõ hơn về những kẽ hở, nhược điểm của đối thủ, lúc ấy gọi là : “Không vào hang cọp sao bắt được cọp con”?( “Bất nhập hổ huyệt yên đắc hổ tử?”), Có gan dạ mới làm việc liều lĩnh gọi là nhổ răng cọp : “hổ khẩu bạt nha”  (nhổ răng cọp)

Thành ngữ “Hổ đầu xà vĩ” (đầu cọp, đuôi rắn) tương đương với “đầu voi đuôi chuột”, ý nói trước sau bất nhất, không xứng hợp nhau, không thỏa đáng.

“Dưỡng hổ chi họa” nuôi cọp thì có ngày bị hại vào thân ví cho những người nuôi hoặc thuê những thành phần hung dữ để loại các đối thủ và bảo vệ mình, nhưng khó tin tưởng được, có lúc những thành phần đó quay lại hại mình. Ví dụ Đổng Trác nuôi Lữ Bố rồi đến ngày chịu tai hại.

Vuốt râu hùm - xỉa răng cọp” : chỉ cho các công việc nguy hiểm, những ai liều mạng, bất kể mạng sống vì mục tiêu nào đó, kiểu như Kinh Kha đi ám sát Tần Thủy Hoàng, thì mới dám làm.

Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này” : chỉ cho những nơi hiểm độc, hoặc ngôn ngữ, hành động của ai đó tiềm ẩn rất nhiều nguy hại cho người khác.

Đuổi hùm ra cửa trước rước sói cửa sau” : ý nói vừa đuổi được một đối tượng nguy hiểm xong, lại đón một đối tượng nguy hiểm khác vào, cần cẩn thận trong tiếp nhận, kẻo trong nhà, trong công sở, trong tổ chức,... có những thành phần nguy hiểm vào trong đó.

“Hổ thêm cánh” : Trời sanh hùm chẳng có vây

                           Hùm mà có cánh hùm bay lên trời    
            

Ý nói Hùm mà thêm cánh nữa thì không gì chịu nổi, ví cho một thế lực nào đó vốn đã rất mạnh mà lại còn được tiếp thêm những trang bị đặc biệt nữa, thật khó có đối thủ.

“Cáo mượn oai hùm” : ý nói mượn oai của thế lực nào khác chính bản thân mình để ba hoa, phô trương thanh thế, hù dọa những đối tượng khác

Hổ giấy” hoặc cọp vẽ là con cọp làm bằng giấy, vô hại, chẳng làm gì được ai, chỉ để hù ma nhát khỉ như ông nộm bằng rơm.

“Miệng hùm gan sứa”: Kẻ nói miệng thì mạnh bạo, hùng hổ, nhưng thực chất thì nhút nhát, lo sợ, chỉ cố gắng biểu hiện ta đây gan dạ, không lo lắng gì.

“Thả hổ về rừng”:  Đã bắt được đối thủ rồi mà không giam giữ đối thủ lại, thả cho đối thủ về xứ sở, môi trường của họ, đó là việc làm nguy hiểm vì tạo cho đối thủ vốn là kẻ mạnh có điều kiện hồi sinh và chờ đợi ngày đánh trả, phục thù. Trong Xuân Thu Chiến Quốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa hay Hán Sở tranh hùng chúng ta thường nghe nhiều câu chuyện về vị quân sư khuyên các vua hoặc sứ quân rẳng : nếu nhân tài nào đó thu phục được thì dùng, nếu không thì giết không thả đi, kẻo sau này trở thành đối thủ gay gắt nhất, quả nhiên là như vậy.

Điệu hổ ly sơn” dụ cọp ra khỏi núi, một sách lược để đối thủ yếu đi, dụ đối thủ ra khỏi môi trường thuận lợi, khiến đối thủ mất uy thế, giảm sức mạnh, ra khỏi vùng an toàn, cô độc đối diện với hiểm nguy.

“Cọp chết để da, người ta chết để tiếng (hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh) : cho dù chết đi vẫn lưu lại tiếng tốt danh thơm cho đời, như danh tướng đời Tống, Văn Thiên Tường cảm khái :

“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”

Dịch:

Xưa nay thử hỏi ai không chết

Lưu tấm lòng son chiếu sử xanh

Tương tự như vậy, Thi Sách phu quân của Trưng Trắc chịu hy sinh trên giàn hỏa của Hán Tướng Tô Định, danh tướng Trần Bình Trọng đời Trần có câu tuyên ngôn bất hũ : “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc”, thà chết vinh còn hơn sống nhục.

"Họa hổ họa bì nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm" (Vẽ hổ vẽ da nhưng không vẽ được xương, nhìn người nhìn mặt nhưng không nhìn thấy tấm lòng) , nghĩa của câu này là cho dù ở gần nhau, giao du lâu ngày với nhau, cũng chỉ có thể biết rõ về hình tướng của nhau chứ làm sao thấu rõ lòng của nhau, đánh giá một người qua dánh vẻ bên ngoài dễ bị sai, tương tự như câu ca dao :

"Dò sông dò biển dễ dò,

Mấy ai lấy thước mà đo lòng người?"

Hổ đội lốt thầy tu” : ám chỉ kẻ giả đạo đức, thành phần lợi dụng tôn giáo, mang hình thức thầy tu nhưng làm chuyện bất chánh, độc ác, tai hại.

Hổ dữ không ăn thịt con” : chỉ cho tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng, cho dù một đối tượng nào đó rất xấu xa, hung dữ, tệ hại đến mấy đối với kẻ khác và xã hội, cũng không thể làm tổn hại đến con cái của mình.

“Cọp ăn chay” : ý nói là chuyện không có, đối tượng đó có bao giờ hiền như vậy được vì cọp làm gì có chuyện ăn chay như trâu bò sao được? Thế nhưng ở Bình Định quê tôi có một giai thoại về cọp biết tu :

Thiên Bửu Thạch tự còn có tên gọi là chùa Ông Đá nằm bên sườn Bắc ngọn núi Bà thuộc thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định. Chùa là một hang đá tự nhiên nơi phát sinh câu chuyện vị sư khai sáng chùa ngồi tụng kinh, giọng kinh đã khiến đàn cọp hung dữ sống trong hang đá bên cạnh trở nên lành hiền, thường xuyên ra chùa ngồi lim dim mắt nghe kinh. Chùa Ông Đá được hình thành đã hơn 300 năm, cùng thời với Linh Phong Thiền tự (chùa Ông Núi) ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.

Tương truyền, ngày ấy dân làng này bị bệnh dịch tả chết vô số. Một hôm, có vị sư phái Mật Tông du hành ngang qua đây, thấy tình cảnh dân chúng như vậy động lòng thương xót bèn ở lại. Vốn có y thuật giỏi, nên vị sư ngày ngày hái thuốc nam chữa bệnh cứu người. Hiện nay, những bậc lão niên ở làng Chánh Oai còn truyền tụng công đức của nhà sư.

Bô lão làng Chánh Oai kể rằng vị sư trên núi Cấm có thể nói cọp nghe. Phía trên hang đá vị sư lập chùa làm nơi tu hành còn có một hang đá khác, nơi cư ngụ của đàn cọp, đầu đàn là cọp bạch rất hung tợn.

Trước kia, dân làng luôn sống trong sợ hãi vì đàn cọp thường xuyên xuống làng quấy phá. Khi nhà sư về ở hang đá bên cạnh, ngày ngày gõ mõ tụng kinh, đàn cọp chẳng những đã không vồ ông mà còn trở nên hiền lành, ngày ngày ngồi quanh hang đá chánh điện để nghe kinh. Từ đó, đàn cọp hết hung hãn, không còn xuống làng quấy phá như xưa. Thậm chí phật tử trong làng lên chùa cúng Phật, đàn cọp trông thấy nhưng không phản ứng gì, hiền như những chú mèo.

Thật đúng là :

 Đạo cao long hổ phục
Đức trọng quỷ thần kinh 

https://nongnghiep.vn/nhieu-cau-chuyen-ky-bi-o-nui-ba-luu-truyen-trong-dan-gian-d215412.html

http://phatgiaobinhdinh.vn/mPost/1072/tieu-su-to-tanh-ban-ong-nui

Trong nhà Thiền có giai thoại về : “Con Cọp Dễ Thương”

Thuở xưa, tại một đồi núi hoang vắng, có một thiền sư sống ẩn dật, tu hành nơi đây. Trong lúc hóa duyên, sư tình cờ gặp đứa bé nằm bên bìa rừng, khóc thét lên từng hồi; động lòng thương xót nên sư đem đứa bé về nuôi dưỡng. Chú bé lớn lên nhờ sự chăm sóc của thiền sư giàu lòng nhân ái, sống giữa rừng núi hoang vu không một bóng người qua lại.

Thắm thoắt 18 năm đã trôi qua, chú bé giờ đây đã lớn khôn nhưng chưa bao giờ giáp mặt với con người. Bạn bè chú là những con thú rừng hiền lành như hươu, nai, khỉ, vượn, và các loài chim chóc khác. Tâm hồn chú trắng tinh như tờ giấy trắng với thiên nhiên đồi núi chập chùng, vui vẻ hài hòa với các loài thú yêu thương bé bỏng trong rừng sâu. Thiền sư thường nói với chú tiểu, ở trên đời này loài cọp là dữ hơn hết, chớ nên gần gũi nó, ai gần là bị nó nhai cho tan xương, nát thịt.

Một hôm, được tin người bạn đồng tu trong cơn bệnh nặng khó qua khỏi, Thiền sư liền quảy túi xuống núi cùng với đệ tử của mình. Chú tiểu chưa bao giờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hôm nay được dịp, chú ngắm nhìn đủ thứ màu sắc với nhiều hình ảnh đẹp trong thế giới con người. Trên đường trở về, hai thầy trò tình cờ gặp một thiếu nữ tuổi vừa trăng tròn, dáng người thon thả, xinh đẹp làm sao. Chú tiểu ngạc nhiên nhìn dáng vẻ xinh đẹp của người khác phái một cách say sưa, đắm đuối, đôi mắt chú cứ nhìn chăm chăm vào người con gái ấy như lạc vào mê hồn trận của cõi thần tiên. Thiền sư thấy thế bảo chú đệ tử đi nhanh về núi, kẻo trời tối.

Chú tiểu ngớ ngẫn cả người ra mà hỏi, “dạ thưa thầy, đây là con gì vậy?”

Thiền sư nhanh miệng nói, “cọp cái đó con, đi lẹ lên con ơi, kẻo cọp xơi bây giờ!”. Hai thầy trò cũng đã kịp về đến núi, trước khi trời tối.

Kể từ đêm hôm đó, chú tiểu bắt đầu thao thức, trăn trở không sao ngủ được, chẳng thiết gì đến việc ăn, việc uống. Chú cứ nhớ mãi về hình ảnh con cọp cái đó sao mà dễ thương, xinh đẹp vô ngần, nhất là khi cười để lộ hai hàm răng trắng đều như hạt bắp.

Bị sự dằn vặt bởi sức hấp dẫn lạ kỳ đó, chú tiểu không chịu nổi, cứ nhớ mãi hình ảnh và bóng dáng đó, làm con tim chú rung lên bần bật như muốn vỡ ra, chú ta đành đến thú thật với thiền sư: “Sư phụ ơi, sao con cứ nhớ đến con cọp cái đó quá chừng, thà con tìm gặp nó, để cho nó ăn thịt con cho rồi. Con thà chịu mất mạng, mà trong lòng cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng. Từ nhỏ đến giờ, con chưa từng trải qua cảm giác nhớ nhung, thương yêu, trìu mến, lạ lùng đến thế kia. Dạ thưa sư phụ, con phải làm sao đây?”.

Chú tiểu kia đã bị tiếng sét ái tình làm rung động cả trái tim ngây thơ, hiền lành, chất phát của thuở nào.

Chú tiểu đó có duyên ở núi tu hành, chưa từng biết con người là gì, ấy thế mà khi có duyên sự xuống núi cùng thầy, chỉ một lần thoáng thấy tuy chưa được tiếp xúc, đã ngớ ngẫn người như kẻ mất hồn. Chính vì vậy, ai dính mắc vào luyến ái, đam mê, tham muốn dục vọng, không biết chừng nào mới thoát ra được. Một khi đã nói đến sự luyến ái, tức là sự thèm khát và ham muốn về ái dục. Đã là con người, thật khó có thể thoát ly vĩnh viễn được ái dục, ngoài trừ các vị đại Bồ tát. Chính vì vậy, Phật đã đưa nhiều hình ảnh thí dụ sống động về sự tác hại của ái dục, mà khuyên người xuất gia phải cố gắng tu học cho tốt, để vươn lên, vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Bản năng tình dục, tình yêu, của Ái rất là lớn lao, nhất là Ái giữa nam và nữ, huân tập từ vô thủy đến nay thật là : “Ái bất trọng bất sinh Ta Bà” ( nếu Ái không nặng thì không sinh cõi Ta Bà), chúng ta đang sống trong cõi dục, nhưng cần vươn lên, thoát ra ngoài vòng kiềm tỏa của dục vọng thường tình để được giải thoát như Bồ Tát Tất Đạt Đa hay Nan Đà phải lìa vợ đẹp xuất gia, cắt ái mới thành tựu Thánh quả.

 

Trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, con người nên thức dậy vào giờ Dần :

Một năm là mấy tháng xuân

Một ngày là mấy giờ Dần sớm mai (ca dao)

Nhứt niên chi kế tại ư Xuân,
            
Nhứt nhựt chi kế tại ư Dần.
一日之    
Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, nhơn sanh ư Dần”天開於子地藉於丑人生於寅.

Nghĩa là : Giờ Dấn buổi sáng (từ 3h – 5h), là giờ rất tinh khôi, người siêng năng nên thức dậy từ giờ Dần để bắt đầu ngày mới, tỉnh táo, hoạch định kế hoạch cho một ngày, giấc ngủ tốt nhất chẳng hạn là từ 10h đêm cho đến 3h sáng. GIữ thói quen lành mạnh như vậy, người ấy dễ thành công :

Xem cái cách săn mồi của cọp : núp kỹ, che giấu mình, kiên nhẫn đợi chờ cơ hội và tấn công đúng lúc điều này khiến chúng ta rút ra bài học cho cuộc sống : phải biết kiên nhẫn, đợi thời cơ và nắm bắt đúng thời cơ thì mới thành công, dục tốc bất đạt (nóng nảy mong xong việc sớm thì chẳng thành công)

Đọc trong kho tàng văn học Việt Nam, tôi rất thích bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ, nhân đây, chúng ta cùng lắng lòng nghe lại tâm sự của một con cọp trong vườn bách thú :

Một con Cọp gặm mối khối tâm hồn lớn lao, không làm sao tiêu giảm được vì ở trong cũi sắt, vì sa cơ thất thế, vì bị nhốt, mất tự do, bao đối thủ chế nhạo, coi thường mình :

Gm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm

Con cọp mang đầy tâm sự xót xa khi bị sa cơ, bị giam nhốt, nó chỉ là thứ trò chơi tiêu khiến và lúc đó thì nó có gì khác biệt với bao loài thú khác như là gấu hay báo,….? Cái khổ của thể xác bị giam nhốt, ăn uống ngủ nghỉ khó khăn, lại nhân lên gấp bội với cái khổ của tinh thần bị tủi nhục, giày vò, họ cười cợt tìm niềm vui trước nỗi đau khổ của mình :

Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Đời người cũng vậy, ai không trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, rồi khi bệnh, khi già, khi đối diện với cái chết, có nhiều hoàn cảnh bất như ý và lực bất tòng tâm, lúc ấy tâm lý con người thường sống với hoài niệm về một quá khứ huy hoàng, oanh liệt, một thời tung hoành thỏa thích, giờ thì lực bất tòng tâm, sống trong cảnh éo le, khập khiễng, ngậm ngùi… Đời vốn vô thường, lên voi xuống chó là vậy :

 

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Trong ký ức của con cọp, nó nhớ tha thiết đến những hình ảnh cụ thể, rõ mồn một, đầy ấn tượng về bờ suối, ánh trăng, ngày mưa, bình minh, cây xanh, chim ca, mặt trời,…thật lung linh, sống động và mơ mộng. Cuộc sống là vậy, cần có một quá khứ để tự hào, một hiện tại với nhiều niềm vui và việc làm ý nghĩa, một tương lai hé lộ tươi sáng. Thế nhưng với con cọp trong vườn bách thú : hiện tại thì phũ phàng, tương lai mờ mịt, không biết giam cầm để mua vui cho đến bao giờ? Thật là éo le, bi kịch đáng thương! Giấc mơ thì đẹp lắm, khi mở mắt ra phải đối diện với thực tại phũ phàng. Đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ!

 

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Thảo cầm viên có thể là đẹp với các du khách nhưng với con cọp thì đó là những cảnh giả dối, nhân tạo, đáng khinh. Cọp đã quen với cái hùng vĩ, kỳ bí, thiêng liêng, bạt ngàn chứ không phải cảnh tầm thường, thấp kém như vậy. Nơi đó quá chật hẹp đối với vị chúa tể rừng xanh :

 

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

Cho dù sống với thực tại khổ đau, ngục tù, cọp vẫn yêu quê hương, non nước, xứ sở của nó tha thiết, tất cả vẫn sống trong tâm khảm, máu thịt của nó, tâm hồn nó mãi vấn vương trở về với quê hương, nơi mà nó đáng lẽ phải mãi thuộc về, cái khát khao tự do, vùng vẫy to lớn đó, gắn bó với quê hương đó không bao giờ tắt lịm trong trái tim của nó :

 

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

Qua bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ, chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm cho cuộc sống như là :

Ø Mỗi chúng sanh có những nghiệp riêng, chánh báo gắn liền với y báo, với hoàn cảnh, môi trường, nhiều người trong chúng ta thích sống ở thành thị đầy đủ tiện nghi, không thích sống trong rừng, nhưng cọp thì khác : núi rừng là giang sơn của nó.

Ø  Lòng yêu quê hương, xứ sở, khát vọng tự do, muốn sống với quê hương với tự do hơn là giam hãm, gò bó, xếp đặt, nô lệ cho dù là nhàn hạ, cung cấp đầy đủ mọi thứ.

Ø  Hoài niệm về quá khứ, về cái thuở hào hùng mà bây giờ trải qua thăng trầm, suy sụp và lực bất tòng tâm.

Ø  Tính nhân văn trong bài thơ là khuyên chúng ta cẩn thận có thể chúng ta đang mua vui, giẫm đạp lên những nỗi đau của kẻ khác. Chúng ta có thể hả hê thích thú ngắm nhìn, đùa cợt với kẻ khác khi bị sa cơ thất thế như là xát muối vào nỗi đau khắc khoải của họ.

Ø  Thực ra, chúng ta đều chịu ngục tù giam hãm với các căn dính mắc với sáu trần. Chúng ta bị giam hãm trong dục giới, trong tam giới, trong luân hồi lục đạo, trói buộc không biết ngày nào ra khỏi như bài sám Phật Khánh Đản có đoạn :

“Tình ái si mê
Tù trong lục đạo,
Trăm dây phiền não,
Nghiệp báo không cùng”

Ø  Khi chúng ta không thay đổi được hoàn cảnh thôi thì cách tốt nhất là hãy chấp nhận và thích nghi với  nó còn hơn là cứ mãi trăn trở, khổ đau : quá khứ ơi, đừng giày vò ta nữa! Nếu con cọp đã không thể thoát ra khỏi cũi sắt, thôi thì cũng tạm sống yên ổn qua ngày chứ lồng lộn, cay cú mãi rồi thì vẫn thế. Có những chí sỹ khi bị ở tù lại sống rất thanh thản, chấp nhận cái giá cho lý tưởng, công lý và khát vọng tự do, dân chủ, bình đẳng của mình. Hãy bình thản chấp nhận và sống tốt nhất với hoàn cảnh hiện tại của mình. Địa Tạng Vương Bồ Tát dù sống ở địa ngục nhưng vẫn thong dong tự tại. Cho nên, không đợi chết đi mới vãng sanh cực lạc, giải thoát hay không giải thoát là ở ngay trong cách nghĩ, tâm tưởng của mình, “vô trụ xứ niết bàn”, “tự tánh thanh tịnh niết bàn”. Mặc dù sống ở trần gian với ngũ trược ác thế, nhưng nếu với đại nguyện và chánh đạo thì hiện tại lạc trú, giải thoát ngay bây giờ và tại đây.

 

Nhân dịp đón Xuân Nhâm Dần, 2022, xin góp nơi đây tản mạn đôi dòng bàn về con Cọp. Chúng ta ôn lại và học hỏi nhiều từ tinh hoa của bao thế hệ đi trước và để lại trong các thành ngữ, tục ngữ, ca dao, câu chuyện về con Cọp. Chúng ta hãy áp dụng những đặc tính mạnh mẽ, đầy sức sống đó cũng như những ý tưởng sâu sắc, đẹp đẽ trong nguồn văn học dân gian trên vào cuộc sống của mình thông qua ánh sáng Phật Pháp. Đặc biệt, thế giới vừa trải qua nạn đại dịch Covid 19 nhưng hy vọng những con hổ mới Châu Á sớm khắc phục và phát triễn trỗi dậy, xứng tầm của mình trên thế giới.

Hổ mới châu Á (tiếng Trung: 亞洲小虎 (Á châu tiểu hổ), tiếng Anh: Tiger Cub Economies) là một thuật ngữ trong kinh tế học, dùng để chỉ sự kỳ vọng vào nền kinh tế của các nước đang phát triển là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines - là những quốc gia công nghiệp mới, có nền kinh tế lớn cũng như giàu tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á. Khái niệm này sau đó bổ sung thêm Việt Nam, mặc dù Việt Nam chưa phải là quốc gia công nghiệp mới nhưng có tỉ lệ tăng trưởng hàng năm đang tăng trưởng đều đặn. Nhưng điều quan trọng là làm sao Việt Nam có chính sách phù hợp để dung hòa, để kêu gọi, kích thích được tài năng người gốc Việt khắp nơi trên thế giới chịu đầu tư với tất cả nguồn tài lực, nhân lực, trí lực,… như vậy nước Việt Nam mới không bị có cái gì đó cản trở kiềm hãm mà đủ điều kiện phát triển tối đa, tung hoành hết mức. Đất nước Hoa Kỳ cũng vậy, không thể để tự rớt phong độ, thế thượng phong của mình và sập hầm sập bẫy vì những toan tính ích kỷ, cá nhân, chủ quan, tự tôn và chia rẽ là mầm mống của sự suy yếu, phải khắc phục. Điều quan trọng hơn hết là luật vô thường chi phối tất cả, sức mạnh, uy dũng, thế trên của mình, tất cả rồi sẽ thay đổi, hãy chấp nhận luật vô thường và vượt ra khỏi cái vô thường đó. Bi Trí Dũng với áo giáp nhẫn nhục, đại nguyện và tinh tấn mới giúp một hành giả mãi mạnh mẽ thực sự và từng bước đưa hành giả ra khỏi sự giam hãm của nhà lửa tam giới, ra khỏi vòng luẩn quẩn của luân hồi lục đạo. Hãy tận dụng sức lực của mình đang có trong những việc có ý nghĩa nhất, hãy sống trọn vẹn, phát triển vững vàng, hãy vững chãi, thảnh thơi, thong dong giải thoát, an vui trong mọi hoàn cảnh (tùy sở trụ xứ thường an lạc)

 

Xuân Nhâm Dần, 2022

Thích Đồng Trí

***
facebook
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/07/2021(Xem: 6746)
Tháng vừa rồi, tôi dành thời gian để đọc và suy ngẫm về cuốn sách “Tìm bình yên trong gia đình”. Đơn giản bởi tôi và nhiều chúng ta đã dành quá nhiều thời gian hướng ngoại và đôi khi quên mất gia đình. Đôi khi giật mình, đã không đầu tư đủ thời gian cho ngôi nhà của mình, đã không biết cách để bình yên luôn có trong ngôi nhà thân thương của mình. Cảm quan về tựa đề sách và trang bìa của cuốn sách khiến tôi có cảm giác như được bước vào một thế giới với những trang sách tràn ngập nội dung bình yên, giúp tôi được bồng bềnh nhẹ tựa mây. Đọc sách, tôi giật mình: Những bước chân trên cuộc hành trình TÌM BÌNH YÊN TRONG GIA ĐÌNH trong cuốn sách thực sự không hẳn êm đềm như những gì tôi tưởng tượng. Sau khi đọc hết một nửa chương sách. Mình đã phải dừng lại hồi lâu. Bởi vì quá xúc động!
10/07/2021(Xem: 4818)
Nhà nước Trung Quốc đang bơm tiền cho chiến lược Nhất Đới Nhất Lộ, còn gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới, ra sức đầu tư để ảnh hưởng vào gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế. Tiếng Anh gọi chiến lược gây ảnh hưởng này là "Belt and Road Initiative" và tiếng Việt gọi là "Một vành đai, Một con đường" -- trong đó, Phật Giáo là một phần tiếp cận để chinh phục nhân tâm. Đó là nhận định của tác giả P. Stobdan trên các báo Ấn Độ.
09/07/2021(Xem: 5336)
Soi sáng lời dạy của đức Phật là tựa đề tác phẩm tập hợp nội dung các bài giảng, các bài pháp thoại của Hòa thượng Pháp Tông trong những buổi giảng kinh ở một số khóa tu học Xuất gia gieo duyên những năm trở lại đây, hoặc trong các buổi giảng dạy định kì ở chương trình cùng tên vào mỗi sáng thứ bảy tuần thứ nhất và tuần thứ ba trong tháng.
09/07/2021(Xem: 5192)
Vào ngày Thứ Ba (June 22) vừa qua, được sự cho phép của chính quyền địa phương làng Krisna và Pawanpur Village Bihar India, nhóm Từ thiện Bodhgaya Heart chúng con, chúng tôi đã tiếp tục hành trình cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo mùa Dịch covid. Xin mời chư vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.. Buổi phát quà cứu trợ cho 354 căn hộ tại 2 ngôi làng cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 36 cây số.
07/07/2021(Xem: 4486)
Tâm Kinh nói rằng: “Sắc tức là không, không tức là sắc.” Sắc sao lại là không? Không sao lại là sắc? Vấn đề nầy khiến cho mọi người luôn luôn cảm thấy có phần nào khó hiểu; hình như đây là hai đối tượng, đều biến thành cực đoan, làm sao có thể hợp nhau lại thành một được? Nguyên vì chúng ta thường đem vấn đề Sắc trực tiếp tiến hành khảo sát thì có quan điểm để giải thích, còn đem vấn đề Không trực tiếp tiến hành khảo sát thì không có quan điểm để lý giải.
06/07/2021(Xem: 5832)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào ngày Thứ 7 (July 03) vừa qua, chúng con chúng tôi đã thực hiện một buổi phát chẩn tại 2 ngôi Làng Kusa & Niranjan Village. Làng Kusa chính là ngôi làng có ngôi đền Kusa Temple cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 6 cây số, đánh dấu nơi ngàn xưa Thế Tôn đã thọ nhận 8 bó cỏ của người nông phu, rồi từ địa điểm đó Ngài đã mang cỏ về trải làm toạ cụ dưới Cội Bồ Đề và tu hành chứng Đạo. Hiện nay dân chúng nơi đây nói riêng và nhiều nơi trên xứ Ấn nói chung vẫn khổ sở vì Dịch Covid còn kéo dài lê thê, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nên kinh tế của xứ này
06/07/2021(Xem: 5880)
Bài viết này có chủ đề về các pháp thực dụng cho người bệnh nặng, hay đang nằm trên giường cận tử. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều nơi tại Việt Nam đang phong tỏa và cách ly. Riêng tại Sài Gòn vào đầu tháng 7/2021 đã có 636 điểm phong tỏa, nghĩa là cả nước có cả ngàn điểm phong tỏa để khoanh vùng chống dịch. Do vậy, câu hỏi dễ gặp là: người cư sĩ nên nói gì với một cư sĩ khác đang nằm bệnh hay đang hấp hối? Và nhiều trường hợp khác, tương tự. Một số pháp ghi lại nơi đây thích nghi với cả hàng cư sĩ, trong đó có kinh dạy cho người cư sĩ cách hướng dẫn các pháp quán để người cận tử có thể giải thoát ngay khi lìa đời.
03/07/2021(Xem: 4536)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào ngày Thứ Bảy (June 12) vừa qua, được sự cho phép của chính quyền địa phương làng Durgagar và Armoba Village Bihar India, nhóm Từ thiện Bodhgaya Heart chúng con, chúng tôi đã tiếp tục hành trình cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo mùa Dịch covid. Xin mời chư vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.. Buổi phát quà cứu trợ cho 358 căn hộ tại 2 ngôi làng cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 9 cây số.
03/07/2021(Xem: 5591)
Kính lễ đạo sư và đấng bảo hộ của chúng con, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát! Sự thông tuệ của ngài chiếu soi như mặt trời, không bị che mờ bởi vọng tưởng hay dấu vết của si mê, Ngài giữ trong tim một bộ kinh biểu tượng của việc thấy tất cả mọi thứ như chúng là, Người dạy trong sáu mươi cách, với lòng từ bi yêu thương của một từ thân với đứa con duy nhất, Đến tất cả các tạo vật bị giam trong tù ngục của luân hồi, Bối rối trong bóng tối của si mê, tràn ngập bởi khổ đau của họ.
03/07/2021(Xem: 16162)
Vào thời đại khủng hoảng niềm tin của tất cả tôn giáo, lòng người càng lúc hồi hộp bất an, giáo lý đức Thích Ca Mâu Ni như mặt trời chiều xuống bóng hoàng hôn ,Mật Tông Kim Cang Thừa như ngọn đèn sắp tắt, chỉ còn lại những bộ đại tạng kinh phủ đầy bụi trên những kệ kinh, nằm bất tỉnh không ai hỏi thăm trong những tu viên,viện bảo tàng cô đơn thiếu bóng người. Cuốn sách Mật Tông Kim Cang Thừa Chú Giải Toàn Thư Tập Hai, là sự trình bày và phô diễn mật nghĩa thậm thâm của Đại Phật Đảnh Lăng Nghiêm đà la ni , Bát Đại Kim Cang Thần Kinh và các phụ bản vô thượng du già. Là sự trợ duyên cho những ai, đã có gieo hạt giống pháp môn này, có thể khai hoa kết trái thành tựu sự tu tập giải thoát. Linh Quang từ nhỏ xuất gia tu học , tầm sư học đạo, và đi du học nhiều nước, nên trong đầu nhiều ngôn ngữ lộn qua lộn lại, bây giờ Tiếng Việt cũng quên dần,chính tả viết sai nhiều lắm, nên quý vị thông cảm bỏ qua những lỗi lầm về câu văn từ ngữ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]