Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp Hội Linh Sơn, Tỏa Hương Hoằng Pháp

11/12/202105:51(Xem: 15030)
Pháp Hội Linh Sơn, Tỏa Hương Hoằng Pháp

hoi dong phien dich


PHÁP HỘI LINH SƠN, TỎA HƯƠNG HOẰNG PHÁP

TN Huệ Trân

 

     Tuần lễ cuối, tháng 11 năm Tân Sửu, một Đại Hội đã khai diễn qua hình thức mới mẻ với kỹ thuật tin học tân tiến hiện đại để quy tụ được thành phần khắp thế giới cùng tham dự. Đó là Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất,  lần thứ nhất đã trực tuyến diễn ra qua hệ thống Zoom Meeting.

     Đại Hội được sự đồng chủ toạ của nhị vị là Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ, vị Tỳ Kheo khâm thừa di chúc của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, để hiến dâng tâm-lực, trí-lực nhận trọng trách bảo tồn, hoằng dương Chánh Pháp; và Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát vị Thiền sư uyên thâm Kinh, Luật, Luận qua những cổ ngữ Phạn, Hán, Pali.

     Trước ngày Đại Hội khai diễn, nhiều bức tâm thư được lần lượt phổ biến, nêu những điểm chính sẽ được thảo luận trong Đại Hội cũng như giới thiệu thành phần các ban đã được thành lập gồm Chư Tôn Đức đại diện các châu lục cùng quý cư sỹ Phật tử có khả năng góp trí lực và tâm lực, cùng điều hành pháp-sự.

     Những ai đủ duyên đọc những bức tâm thư cùng những lời thông báo về Đại Hội có tầm vóc quốc tế này, đều hân hoan chờ đón. Kẻ già nua, chậm chạp như tôi đã cẩn thận nhờ người quen sắp xếp cho những gì căn bản phải sẵn sàng để không lỡ mất cơ hội đặc biệt hiếm quý này. Như cài đặt hệ thống Zoom mà máy tôi chưa từng có, dặn dò kỹ lưỡng tới giờ khai mạc phải làm gì, khi vào Zoom, muốn có hình mình thì làm sao, hoặc chỉ muốn ghi tên thôi thì phải thế nào… Bao sự việc đơn giản với người biết và không đơn giản chút nào với người chưa biết!

Sau khi bạn ra về, một mình ngồi trước màn hình, tôi thầm xin Chư Phật gia hộ, rồi hồi hộp chờ giờ phòng hội mở cửa cho những ai đã nhận password được ghi danh vào dự.

Sự kiện đặc biệt từ trước chưa có, về cả hình thức lẫn nội dung này đã được thức giả khắp nơi tường thuật với nhiều hình ảnh cùng chi tiết và phổ biến trên báo chí cũng như trên mạng lưới thông tin toàn cầu.

Ở đây, trên trang giấy thô thiển này, tôi chỉ xin được chia xẻ những cảm xúc chủ quan, xuất phát tự trái tim dường như có thể oà vỡ khỏi lồng ngực vì bao xúc động vô bờ tiếp nối không ngừng suốt thời gian Đại Hội.

Khi lò dò vào được phòng hội, hình ảnh đầu tiên mà nhiều năm qua tôi chưa được gặp lại là Thượng Toạ Thích Nguyên Tạng. Thời trước, khi hàng năm phái đoàn Hoằng Pháp Âu Châu có chuyến hoằng pháp tại Mỹ Quốc, thì Quý Ngài đều dành thời gian, dừng bước tại chùa Phật Tổ, thành phố Long Beach, miền Nam California, ban pháp cho Phật tử nơi đây thọ nhận. Nhưng đã nhiều năm qua, có lẽ cần chia ân sủng tới Phật tử ở những châu lục khác nữa nên hạnh phúc xưa chỉ còn là kỷ niệm! Nay bất ngờ được thấy lại Thượng Toạ trong vị trí là người điều hợp chương trình Đại Hội, tôi chắp tay búp sen, đảnh lễ Ngài.

Màn hình linh động khi ban ghi danh cập nhật chư vị đang vào phòng hội, hoặc với hình ảnh, hoặc chỉ có danh hiệu. Mỗi vị ở riêng trong mỗi diện tích đồng đều như nhau khi xuất hiện trên màn hình chung, trước hay sau là do thời điểm khi ghi danh vào dự.

Do vậy mà đại chúng thấy sự hài hoà tự nhiên, khi nhận diện Chư Tôn Đức Trưởng lão, Chư Tăng Ni các châu lục, kế bên Phật tử cận sự nam, cận sự nữ, rồi trẻ, già, người Âu, kẻ Á… Tất cả hoà đồng trong không gian đông đảo mà cực kỳ trang nghiêm, tôn kính.

Tuy không được nhìn thấy các Ban làm việc nhưng sự trật tự và nhịp nhàng uyển chuyển thể hiện suốt thời gian Đại Hội đã chứng tỏ tâm lực và trí lực của chư vị trong mọi Ban, hết lòng cống hiến.

Trước màn hình tiếp tục cập nhật người vào tham dự mỗi lúc mỗi đông, đủ mọi thành phần, bất chợt một sát na tâm tôi bỗng bật lên hình ảnh Pháp Hội Linh Sơn, ở Phẩm Tựa, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Vừa liên tưởng như vậy, tôi chắp tay đảnh lễ và cảm nhận ngay những hạt lệ ân sủng rơi đều trên búp tay sen !

Ôi! hai mươi sáu thế kỷ trước “Một thuở nọ Đức Phật ở núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá, cùng chúng Tỳ Kheo một muôn hai ngàn gồm cả La Hán và bậc Tam Hiền còn đang tu học….”

Hai mươi sáu thế kỷ sau, lần đầu tiên, nhờ kỹ thuật tân tiến hiện đại, một Đại Hội đang quy tụ được muôn người-con-Phật khắp các châu lục, cùng về tham dự, dù giờ giấc, khí hậu, hoàn cảnh có khác biệt thế nào!

Hai hình ảnh, một từ ký ức trong tâm, một ngay hiện tiền trước mặt nhưng tinh thần thì cùng hướng về Đạo Tối Thượng, đã khiến nước mắt tôi không thể ngừng rơi. Búp tay sen đã đẫm lệ, và vạt áo tràng nâu đang hân hoan nhận tiếp những hat lệ vui mừng…           

Khi Thượng Toạ điều hợp chương trình Đại Hội đọc 14 tiết mục, đều rất quan trọng và liên đới với nhau thì tôi như nghe thấy trái tim mình đập mạnh hơn. Trọng trách điều hợp một chương trình như vậy không thể đơn giản như vị trí MC trong bất cứ một chương trình dưới lãnh vực nào ngoài đời thường, để có thể du di, tuỳ tiện. Nhưng Thượng Toạ đã trấn an cho chúng tôi bằng những nụ cười  từ ái, nhẹ nhàng luôn thể hiện khi nhận tin tức từ các ban-viên, để cập nhận thông báo, hay khi ngước nhìn đồng hồ để ước lượng cho các tiết mục không thiếu hoặc dư thời gian! Tôi cảm nhận rằng pháp-thân tự tại của Thượng Toạ đã truyền cảm được sự bình an tới người tham dự.

Khi hình ảnh nhị vị chủ toạ Đại Hội hiện trên màn hình, dù thực tế không được diện kiến nhưng tôi tin rằng mọi người tham dự đều chắp tay đảnh lễ.

Như từ nhiều thập niên qua, Ôn Tuệ Sỹ vẫn mình-hạc-sương-mai, nhưng khi cất tiếng thì điềm đạm mà mạnh mẽ, chậm rãi mà rõ ràng. Hoà Thượng vào ngay chủ yếu của vấn đề, là sự cần thiết phiên dịch bộ Đại Tạng Kinh bằng Việt ngữ, với đầy đủ chuẩn mực hàn lâm mà năm xưa, 10 vị Trưởng lão trong Hội Đồng Trung Ương thuộc GHPGVNTN, sau bổ sung thêm 8 vị, đồng tâm thực hiện pháp sự quan trọng này. Đó là thời điểm tháng 10 năm 1973. Nhưng chỉ một năm sau những diễn biến lịch sử là những trở ngại khiến dự án không thể tiến hành! Rồi biến cố Tháng Tư năm 1975 đã thay đổi quê hương trong mọi lãnh vực!

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua!

Ngậm ngùi thay, 18 Chư Tôn Đức trong Hội Đồng Phiên Dịch năm xưa nay chỉ còn Trưởng lão Hoà Thượng Thích Thanh Từ (trong tình trạng vô ngôn) và Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua!

Nay, trước màn hình của ngày Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp, tháng 11 năm 2021, nhị vị chủ toạ, Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ và Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đồng xác định rằng đây không phải là một Hội Đồng mới mẻ được thành lập, mà chỉ là sự kế thừa Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng được thành lập bởi quyết định của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương. Viện Tăng Thống GHPGVNTN, từ tháng 10 năm 1973.

Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đã nhấn mạnh về nhu cầu phiên dịch Đại Tạng Kinh sang tiếng Việt là cấp bách và cần thiết vì Kinh quá nhiều mà phần lớn  phổ biến bằng Hán tự nên khi Phật tử Việt Nam muốn đọc, muốn  học, hoặc muốn nghiên cứu là gặp trở ngại không ít vì mấy ai có khả năng và hoàn cảnh để đi học chữ Hán rồi sau đó mới học Kinh Điển!

Giáo Sư cũng nhắc tới Lục Độ Tập Kinh mà ngài Khương Tăng Hội dịch vào thế kỷ thứ 3 Tây Lịch, để xác quyết rằng Phật Giáo gắn bó với dân tộc Việt ngay từ thuở đầu. Truyền thuyết về người Việt Nam đã xuất hiện trong Kinh Phật Giáo qua Lục Độ Tập Kinh mà những chuyên gia nghiên cứu về Phật giáo có thể tìm thấy.

Trong thông bạch mới nhất vừa phổ biến về việc thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ đã bầy tỏ cảm niệm sâu sa tâm từ bi vô lượng của Đức Thế Tôn khi Bậc Giác Ngộ muốn Giáo Pháp được rải đồng đều tới mọi tầng lớp, mọi sắc dân, như mưa xuống thì mọi cỏ cây đều thấm nhuận. Để Mưa Pháp có thể rải đều muôn nơi cho chúng sanh đồng thọ hưởng, Đức Thế Tôn đã khuyến khích, là “Hãy để cho mọi người được nghe và học Chánh Pháp theo ngôn ngữ địa phương của chính mình”.

Khi mắt vừa chạm tới những dòng Chữ-Vàng này, thì bao hạt lệ vẫn chực sẵn, lại lập tức thay nhau, lã chã tuôn rơi!

Ôi! Lời khuyến khích của Đấng Từ Phụ là động lực luôn thúc đẩy những người-con-Phật thuộc sắc dân Châu Á hiện sinh sống trong một quốc độ nhỏ, mang danh là Việt Nam, khi hoàn cảnh tạm thuận duyên là lại cùng nhau,  thảo dự án phiên dịch những lời Phật dạy từ Tam Tạng Thánh Giáo qua ngôn ngữ Việt để những Phật tử quốc tịch Việt Nam có thể theo đó mà dễ dàng hành trì, học hỏi.

Tam Tạng Thánh Giáo gồm: Tạng Kinh (Sutrapitaka), Tạng Luật (Vinayapitaka) và Tạng Luận (Abhidharmapitaka) bao gồm những lời Phật nói, Phật dạy và Phật chỉ dẫn cách suy luận, khảo sát khi quán chiếu những gì được nghe và được dạy.

Ngay sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn thì chư vị đệ tử ưu tú của Phật đã nhận ra ngay sự quan trọng và cấp bách phải kết tập những gì mà chư vị đã được thọ nhận từ kim-khẩu Đức Thế Tôn để lấy đó làm kim chỉ nam dẫn đường chúng sanh tới giải thoát giác ngộ.

Đó là lần kết tập đầu tiên, sau khi Đức Phật nhập diệt 7 ngày thì Tôn-giả Ma Ha Ca Diếp đã triệu tập 500 vị Tỳ-kheo về họp Đại Hội, cùng trùng tuyên bao lời giáo huấn của Phật. Trong lần kết tập này, ngài A Nan được đề cử tuyên đọc những bài Pháp Đức Phật giảng dạy trong những địa danh nào, cho những đối tượng nào. Đó là Kinh.

Ngài Ưu Ba Ly thì được đề cử lập lại những giới luật Đức Phật đã đặt ra để giúp những ai đi trên đường trung-đạo tránh được phạm lỗi. Đó là Luật.

Như vậy, ngay lần kết tập đầu tiên, được ghi nhận như dấu mốc của năm Phật Lịch thứ Nhất, là năm 544 trước Tây Lịch, thì kết quả đạt được là Tăng-đoàn đã có Kinh và Luật.

Với thời gian, với nhu cầu, với hoàn cảnh khác biệt của mỗi quốc độ, người-con-Phật đã không ngừng quan tâm tới việc phiên dịch Đại Tạng Kinh cho phù hợp với văn-hoá-tính, dân-tộc-tính của xứ sở mình, như lời Phật từng từ bi khuyến khích, miễn là nghĩa Kinh phải giữ cho chuẩn, như trong Tứ Bất Y nhắc nhở:

“Y Pháp, bất y nhân

Y Nghĩa, bất y ngữ

Y Trí, bất y thức

Y Kinh liễu nghĩa, bất y kinh bất liễu nghĩa”


01_Dai hoi hoang phapdai hoi hoang phap-ky 1 (1)dai hoi hoang phap-ky 1 (37)dai hoi hoang phap-ky 1 (36)dai hoi hoang phap-ky 1 (34)dai hoi hoang phap-ky 1 (37)dai hoi hoang phap-ky 1 (35)dai hoi hoang phap-ky 1 (26-a)dai hoi hoang phap-ky 1 (34)



Ngày nay, cơ duyên của Phật tử Việt Nam được nhị vị Trưởng-tử Như Lai trình bầy trước Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp, làm nức lòng bao người-con-Phật về một bộ Đại Tạng Kinh được phiên dịch bằng ngôn ngữ Việt sẽ gắn bó và tiềm ẩn sâu sa văn hoá và dân-tộc-tính của dòng giống con Rồng cháu Tiên.

Cảm nhận tới đây, tôi lại rưng lệ và như nghe thấy âm thanh đang tự hỏi mình. Phải chăng chư vị các Ban, các Ngành nhận trọng trách cùng phiên dịch Đại Tạng Kinh ra Việt ngữ thuần tuý cũng đang làm Phật sự kết tập?

Sau khi Phật nhập diệt, ngài Đại Ca Diếp đã nhanh chóng kêu gọi huynh đệ kết tập lần đầu, lưu lại lời giáo huấn của Ân-Sư.

Sau nhiều thập niên bị hoàn cảnh lịch sử gián đoạn, Trưởng-tử Như Lai và hàng tứ chúng khắp các châu lục cũng đang gọi nhau về, cùng góp tâm lực khởi công lần đầu kết tập phiên dịch Đại Tạng Kinh ra Việt ngữ, hầu tiếp nối hoài bão Chư Vị Minh Sư phải bỏ dở dang!

Hai quốc độ, hai thời gian, hai không gian, nhưng cùng mang chung một tinh thần. Đó là tinh thần kết tập.

Nguyện xin Chư Phật mười phương gia hộ.

Nay, Đại Hội Hoằng Pháp

Con cảm nhận trầm hương

Từ Linh Thứu Pháp Hội

Lan toả khắp mười phương

Hai mươi sáu thế kỷ

Tựa sát na diệu thường

Cho bao người con Phật

Thọ nhận ơn Thế Tôn

Đại Tạng Kinh phiên dịch

Bằng ngôn ngữ địa phương

Như từ kim-khẩu Phật

Trung đạo, chỉ một đường.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 TN Huệ Trân cẩn bái

(Tào-Khê tịnh thất – Tiết chớm Xuân)

 

           

                 

              

                              

               

                   

               

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/10/2012(Xem: 6155)
Hỏi:Trong năm nay, giáo sư đã đi giảng dạy ở hai mươi sáu quốc gia. Xin giáo sư chia sẻ sự quan sát của mình về việc đạo Phật đang lan truyền đến những vùng đất mới ra sao. Đáp:Phật giáo đang lan truyền một cách nhanh chóng khắp thế giới hiện nay. Có những trung tâm Phật pháp ở nhiều quốc gia Âu châu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Phi, Úc, Á châu và v.v… Chúng ta thấy có các Phật tử tại Âu châu, không chỉ ở những nước tư bản Tây phương, mà còn ở những nước xã hội chủ nghĩa Đông phương nữa. Thí dụ như Ba Lan có khoảng năm nghìn Phật tử hoạt động tích cực. Đạo Phật rất có sức lôi cuốn đối với thế giới hiện đại, bởi vì nó hợp lý và dựa trên nền tảng khoa học. Đức Phật đã nói, “Đừng tin tưởng bất cứ điều gì ta nói chỉ vì lòng tôn kính đối với ta, mà hãy tự mình thử nghiệm nó, phân tích nó, giống như các con đang mua vàng.” Con người hiện đại ngày nay thích một sự tiếp cận không độc đoán như thế.
25/10/2012(Xem: 8571)
Phương pháp thiền Vipassana là một phương pháp đơn giản và thực tiễn để đạt được an lạc thực sự cho tâm hồn và đưa đến một cuộc sống hạnh phúc và có ích. Vipassana có nghĩa là “nhìn thấy sự việc đúng như thật”. Đây là một tiến trình hợp lý để thanh lọc tâm bằng cách tự quan sát. Phương pháp thiền cổ truyền này đã được Đức Phật Thích Ca truyền dạy hơn 2500 năm trước tại Ấn Độ như một phương thuốc chữa căn bệnh khổ chung cho tất cả, không mang tính tôn giáo hay tông phái.
25/10/2012(Xem: 8573)
Phương pháp thiền Vipassana là một phương pháp đơn giản và thực tiễn để đạt được an lạc thực sự cho tâm hồn và đưa đến một cuộc sống hạnh phúc và có ích. Vipassana có nghĩa là “nhìn thấy sự việc đúng như thật”. Đây là một tiến trình hợp lý để thanh lọc tâm bằng cách tự quan sát. Phương pháp thiền cổ truyền này đã được Đức Phật Thích Ca truyền dạy hơn 2500 năm trước tại Ấn Độ như một phương thuốc chữa căn bệnh khổ chung cho tất cả, không mang tính tôn giáo hay tông phái.
24/10/2012(Xem: 7057)
Buổi sinh hoạt đạo tràng hôm nay quý thầy sẽ cho quý Phật tử một bài tập để tu học, bài tập này có tựa là “Tập nghĩ tốt cho người”. Đây là một bài tập phải trui luyện suốt năm. Tại sao chúng ta phải tập nghĩ tốt cho người? Vì người ta thường có thói quen thấy cái xấu mà ít thấy cái tốt của người. Nhất là khi đã có thành kiến với ai thì lại càng cố nhìn những cái xấu của người nhiều hơn, và khi đã ghét ai thì đến cái cửa, cái cổng cũng ghét luôn, nên người biết tu rồi thì phải tập nghĩ đến cái tốt của người khác.
22/10/2012(Xem: 6751)
Sau khoá sám hối và toạ thiền buổi tối mùng 1 tháng 2 chùa Ba vàng trở nên tĩnh lặng. Bỗng xuất hiện một xe ô tô cấp cứu, trên xe là một chú bé có hình dạng mặt thật là ghê sợ, mặt chú lồi về phía trước như một quả bòng, 2 mắt cũng lồi lấm lét ở cuối đuôi mắt, gần 2 thái dương
21/10/2012(Xem: 5733)
Dường như người Nhật Bản rất thấm nhuần và áp dụng giáo lý đạo Phật trong cuộc sống hằng ngày, cho nên họ quí trọng xem con người đều bình đẳng vì cùng có Phật tánh như nhau, chứ không dựa vào dáng vẻ giàu nghèo bên ngoài, thường xuyên làm chuyện phải có lợi ích cho người khác, cũng như không dám trộm cắp, hại người, để được nghiệp quả tốt. Chuyện thứ nhất: Trung thực
18/10/2012(Xem: 8449)
Trong cuộc sống, hằng ngày mỗi buổi sáng khi thức dậy, chúng ta suy nghĩ làm sao có tiền, có tình, có địa vị, có thức ăn ngon, có ngủ nghỉ thỏa thích. Để được hưởng thụ những thứ đó, chúng ta phải tính toán, làm việc vất vả, thậm chí nhúng tay vào tội lỗi. Rồi một ngày nào đó theo định luật sinh, trụ, dị, diệt, chúng ta nhắm mắt tắt hơi, bỏ lại những thứ mình ham muốn, suốt đời khổ cực tìm cầu. Đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, ra đi cũng hai bàn tay trắng, chỉ còn nghiệp theo mình, đưa mình đến một trong sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A–tu–la, người và trời.
17/10/2012(Xem: 6570)
Có 3 loại nghiệp ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta không chỉ ở đời này mà còn ở nhiều đời sau là: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Trong 3 loại nghiệp đó có lẽ khẩu nghiệp là dễ bị nhất vì hầu như không ai có thể tránh được giao tiếp với người xung quanh, từ gia đình cho đến xã hội. Trong các giới thì giới nữ lại càng dễ bị khẩu nghiệp nhất. Với bài viết này, chúng tôi mong quý Phật tử nữ (Ưu Bà Di) nên thận trọng hơn khi dùng lời nói của mình.
17/10/2012(Xem: 8819)
ôi rất mongquý vị sẽ nắm bắt được thế nào là "cốt lõi của giáo huấn Phật Giáo".Trong buổi nói chuyện hôm nay, nếu tôi nêu lên câu hỏi: "Vậy cốt lõi củagiáo huấn Phật Giáo là gì?" thì nhất định tôi cũng sẽ nhận được vô số cáccâu trả lời trái ngược nhau, không câu nào giống với câu nào cả. Mỗi người trảlời tùy theo những gì mà họ được học hay được nghe, hoặc là do sự suy luậnriêng của mình. Chúng ta cứ thử nhìn vào những gì đang xảy ra trong thế giớingày nay xem sao. Trong thế giới của chúng ta còn có được mấy ai đủ sức để nhậnbiết đâu là cốt lõi của giáo huấn Phật Giáo? Và trong số đó có mấy ai đã mangra ứng dụng hiệu quả được cái cốt lõi đó?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]