Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hạnh Bồ Tát: Tái Sinh Để Hoằng Pháp

08/08/202118:45(Xem: 3278)
Hạnh Bồ Tát: Tái Sinh Để Hoằng Pháp

 

Hạnh Bồ Tát: Tái Sinh Để Hoằng Pháp

Nguyên Giác

 

Tái sinh, hay là câu chuyện sinh tử luân hồi từ kiếp này sang kiếp kia, là một trong các giáo lý đặc biệt của Phật Giáo. Khi chưa giác ngộ, tái sinh là do nghiệp lực. Nhưng khi đã sống được với cái nhìn không hề có cái gì gọi là “ta” với “người” thì tái sinh là do nguyện lực. Một trong những người nổi tiếng nhất hiện nay, và được dân tộc Tây Tạng tin là hiện thân của tâm từ vô lượng, là Đức Đạt Lai Lạt Ma, một trong những hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, người giữ tâm nguyện tái sinh liên tục vì lợi ích độ sinh.

Những dòng thơ với lời nguyện Bồ Tát của Shantideva (685-763) thường được Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14 tụng đọc là:

Nguyện cho con là người bảo vệ cho người cần được bảo vệ
là người hướng dẫn cho người còn đi trên đường
là chiếc ghe, là chiếc bè, là chiếc cầu cho người muốn vượt qua trận lụt
Nguyện cho con là ngọn đèn trong bóng đêm
là nơi an nghỉ cho người mệt nhọc
là thuốc chữa lành cho tất cả những người bệnh
là bình chứa bảo vật, là cội cây đầy phép lạ
cho vô lượng chúng sinh
Nguyện cho con mang tới dưỡng chất và tỉnh thức
kham nhẫn y hệt như mặt đất và bầu trời
cho tới khi tất cả chúng sinh thoát được khổ đạu
và tất cả đều được giác ngộ.

 
Không phải chỉ riêng ngài Đạt Lai Lạt Ma có nguyện như thế. Trong cõi này, có rất nhiều vị mang tâm nguyện bồ tát như thế. Bản tin AP hôm 1/8/2021 kể về một vị lạt ma tái sinh, bây giờ đang còn là một học sinh trung học ở Minnesota, Hoa Kỳ. Đó là cậu bé có tên là Jalue Dorje, một em vị thành niên rất mực Hoa Kỳ, trưởng thành ở một khu ngoại ô thành phố Minneapolis. Và cũng như vô lượng thiếu niên trên đời này, cậu Dorje, bây giờ mới 14 tuổi, rất mực ưa thích môn thể thao bóng bầu dục, trò chơi Pokémon, và nhạc rap.

Vài năm nữa thôi, cậu Dorje sẽ từ biệt gia đình và quê hương Minnesota để vào một tu viện nơi chân các rặng núi Hy Mã Lạp Sơn --- từ khi còn rất bé, cậu đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng khác công nhận rằng cậu Dorje là một lạt ma tái sinh. Sau khi được công nhận như thế, cậu phải để nhiều thì giờ ra để tu học, chuẩn bị sẽ trở thành một nhà sư, phải học thuộc nhiều kinh điển (thường kèm theo phần thưởng là các thẻ hình ảnh Pokémon), phải tập thư pháp, và phải học Phật pháp. Bây giờ cậu mới 14 tuổi, và vào năm đầu tiên của trung học (trong hệ giáo dục 12 năm ở Hoa Kỳ, năm đầu tiên trung học là lớp 9, còn gọi là "freshman year" và trong văn nói, đôi khi gọi tắt là "frosh.").

Dự kiến, sau khi tốt nghiệp trung học năm 2025, cậu lạt ma tái sinh này sẽ bay tới phía Bắc Ấn Độ để vào Tu Viện Mindrolling Monastery, nơi xa hơn 7,200 dặm (11,500 kilometers) cách nhà ở thị trấn Columbia Heights, Minnesota. Sau nhiều năm tu học, thiền định, vị lạt ma trẻ này sẽ về lại Hoa Kỳ để giảng dạy trong cộng đồng Phật giáo Minnesota. Bản tin AP ghi lời cậu Dorje khi được hỏi mục tiêu cậu là gì, câu trả lời của cậu là để trở thành một lãnh đạo của hòa bình, như Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay như Gandhi hay như Nelson Mandela.

Bản tin AP kể rằng trong một ngày gần đây, cậu lạt ma tái sinh này đã tụng đọc các bài kinh xưa cổ trong nhiều giờ đồng hồ cùng với thân phụ và các vị sư khác. Họ đã tụ họp trong căn phòng dùng làm chính điện để tụng kinh trong nhà của gia đình cậu, rung chuông, đánh trống và thổi các vỏ ốc dùng làm kèn gần một bàn thờ, nơi để trái cây, hoa và bánh cúng dường trong nghi lễ. Nghi lễ này, năm ngoái bị treo lại vì đại dịch, là để tưởng nhớ đại sư Guru Rinpoche, nhà sư Ấn Độ đã mang Phật giáo Mật Tông vào Tây Tạng. Trong 2 ngày năm nay, các vị này đã cầu nguyện cho các nạn nhân của thiên tai, của chiến tranh, và của đại dịch COVID-19, và vì hòa bình và hạnh phúc cho người dân toàn cầu.

Trong lúc được nghỉ ngơi, cậu Jalue ngồi ăn trưa trong sân dưới ánh nắng mùa hè. Cậu là người nhỏ nhất trong các vị sư nơi đây. Thế rồi cậu, vẫn còn trong bộ áo cà sa vàng đỏ, bước lên gác để chơi trò chơi điện tử NBA 2K kình với cậu bé 13 tuổi khác là  Delek Topgyal, người em bà con và là bạn thân.

Tiến trình nhận ra một lạt ma tái sinh là dựa vào các dấu hiệu tâm linh và linh kiến. Cậu Jalue khi mới 4 tháng tuổi, đã được nhận ra là một lạt ma tái sinh bởi đại sư Kyabje Trulshik Rinpoche, một vị thầy nổi tiếng trong PG Tây Tạng và là lãnh đạo dòng phái Nyingma (Cổ Mật). Một thời gian sau, nhiều vị sư khác cũng xác nhận rằng cậu Jalue là đời thứ 8 Terchen Taksham Rinpoche (người đầu tiên của chuỗi tái sinh này là Taksham Nüden Dorje, sinh năm 1655).

Thế rồi, khi cậu Jalue lên 2 tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma công nhận cậu là tái sinh của chuỗi tái sinh đó. Ba mẹ của cậu Jalue đưa cậu tới gặp vị lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng này khi ngài tới thăm Wisconsin năm 2010. Đức Đạt Lai Lạt Ma cắt một lọn tóc của bé Jalue trong một nghi lễ, rồi nói với ba mẹ cậu là hãy cứ để con trai của họ trong Hoa Kỳ để cậu hoàn thiện tiếng Anh, và hãy gửi cậu tới một tu viện khi cậu 10 tuổi. Bây giờ, cậu Jalue lưu loát cả tiếng Anh và tiếng Tây Tạng, và thường có điểm A trong lớp. Mặc dù cậu chính thức được nghi lễ tấn phong năm 2019 tại Ấn Độ, cậu vẫn đang sống ở thị trấn Columbia Heights, nơi ba mẹ quyết định là cậu sẽ ở đây cho tới khi tốt nghiệp trung học.

Tashi Lama, người chú của cậu Jalue, nhận xét: “Nhìn thấy cậu lớn lên như một trẻ vị thành niên là có nhiều phương diện để quan sát vì cậu là một bậc Thầy Phật Giáo, và cùng lúc, là một người bình thường. Chúng tôi thấy cả 2 mặt đó.

Trong phòng của Jalue, một tấm hình chân dung của Đức Đạt Lai Lạt Ma nằm trên các bộ sưu tập DVD của các phim “The Simpsons,” “Family Guy” và “South Park,” kế bên bộ ″Buddha" – một trường thiên tiểu thuyết bằng hình ảnh vẽ bởi Osamu Tezuka, một họa sĩ Nhật Bản nổi tiếng trong nghệ thuật vẽ manga.

Trên chiếc bàn kế giường ngủ, Jalue giữ một cuốn nhật ký, nơi cậu vẽ các chiến thuật chơi bóng bầu dục mà cậu ưa thích trên sân vận động, cả về kỹ thuật chận bóng và dẫn bóng khi cậu tham dự đội bóng bầu dục trong trường. Cậu Jalue ưa thích thể thao, đặc biệt là đội bóng bầu dục Atlanta. Phóng viên Luis Andres Henao ghi rằng cậu Jalue cho biết ưa thích đội mũ có thêu huy hiệu đội bóng Atlanta  Falcons, “Tôi luôn luôn hễ ra ngoài là đội chiếc mũ lưỡi trai có huy hiệu đội bóng Falsons. Trừ phi, là lúc mặc áo nhà sư thì không đội mũ đó.”

Được hỏi, rằng chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu cậu chỉ là một cậu thiếu niên bình thường, cậu Jalue cười, nói, “Không hề có suy nghĩ như thế thoáng qua đầu tôi. Luôn luôn là tôn giáo ưu tiên.”  

Trong khi lớn lên, cậu có một thương lượng với thân phụ, người sẽ cho cậu các thẻ Pokémon để bù lại, cậu sẽ học thuộc các kinh điển Phật Giáo. Cậu đã sưu tập hàng trăm thẻ đó, và đôi khi giấu vào túi cà sa trong các nghi lễ.

Mỗi buổi sáng, cậu Lajue thức dậy, tụng đọc kinh điển, vào trường học, chơi môn bóng bầu dục, và về nhà lại được kèm học về Phật Giáo và lịch sử dân tộc Tây Tạng. Tới khuya, cậu có thể tập thư pháp, hay chạy thể dục trên máy treadmill ở tầng hầm dưới nhà trong khi nghe nhạc từ các nhạc sĩ rap như Drake và Polo G.

Cậu lạt ma này một cách tự nhiên có tâm cởi mở, và cũng rất chân thực quan tâm về thế giới… Cậu không có những thành kiến gì về nhân vật mà cậu đang là,” theo lời Kate Thomas, một trong những người dạy kèm cho cậu và đang là người điều hợp về giảng dạy ở viện Bodhicitta Sangha Heart of Enlightenment Institute tại Minneapolis.

Thomas nói, “Cậu biết cậu là người Tây Tạng. Cậu cũng biết cậu là người Mỹ. Nhưng y hệt giới trẻ hiện nay, cậu cũng là một công dân toàn cầu. Và cậu khởi sự như thế vì tuổi của cậu, vì thế hệ của cậu.”

.

Tổng hợp các thông tin từ nhiều nguồn khác, chúng ta có thể biết thêm một số chi tiết không có trong bản tin AP. Sinh ngày 20/12/2006, cậu có tên khai sanh là Jalue Dorje, ra đời tại thị trấn Columbia Heights, Minnesota. Thân phụ là Dorje Tsegyal và thân mẫu là Dechen Wangmo ghi nhận thấy nhiều điềm cát tường trước khi cậu ra đời. Vào ngày 8/4/2007, đại sư Kyabjé Trulshik Rinpoche công nhận cậu bé là Terchen Taksham Rinpoche đời thứ 8, và truyền thông tại nhiều nước khác loan tin rằng cậu là vị tái sinh đầu tiên trong các đại sư Phật Giáo Tây Tạng ra đời ở Minnesota. Cùng năm, đại sư Garje Khamtrul Rinpoche khi gặp Jalue Dorje, đã công nhận rằng thân khẩu ý của cậu là của Terchen Taksham Rinpoche đời thứ 8.

Rồi Đức Đạt Lai Lạt Ma, và Đức Karmapa cùng công nhận cậu bé là Terchen Taksham Rinpoche đời thứ 8. Đức Đạt Lai Lạt Ma trao cho cậu tái sinh Taksham Rinpoche một pháp danh là Tenzin Gyurme Trinley Dorje trong nghi lễ tấn phong và ban phép lành. Dorje Tsegyal (thân phụ cậu bé) nói: “Đức Đạt Lai Lạt Ma là lãnh đạo tinh thần của tất cả Phật tử Tây Tạng cũng như các dòng truyền thừa Tây Tạng. Tôi tin sâu sắc và tin sâu sắc rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là vị Phật chân thực. Đó là lý do vì sao tôi rất hạnh phúc khi ngài công nhận con tôi là Terchen Taksham Rinpoche.”

Vào lúc đó, Taksham Rinpoche (tức là cậu Jalue Dorje) đang học trường công ở Minneapolis và ba mẹ nói rằng cậu học rất khá. Thân phụ cậu dạy cho cậu về các pháp tu và nghi lễ Phật giáo, cũng như dạy về văn phạm và lịch sử Tây Tạng. Cậu bé phải học thuộc lòng 37 Pháp Hành Bồ Tát, và nhiều kinh văn truyền thống.

Hiện thời đã có một trung tâm hoằng pháp chuẩn bị sẵn cho cậu lạt ma tái sinh này là Nyingmapa Taksham Buddhist Center (NTBC) tại Minneapolis, Minnesota. Trung tâm Phật học này là một hội bất vụ lợi được thiết lập do nhu cầu tu học của các cộng đồng Phật Tử Hoa Kỳ và Tây Tạng. NTBC chính thức mở cửa ngày 24/4/2016. Và Giám Đốc Tâm Linh có pháp danh là Taksham Tulku Rinpoche, là vị tái sinh đầu tiên được công nhận ở Minnesota. Trong khi chờ cậu bé lạt ma lớn lên và học xong những gì mà cương vị Taksham Tulku cần học, viện NTBC đặt dưới quyền quản trị của thân phụ cậu và Hội Đồng Quản Trị.

Trang web của tu viện này có địa chỉ là https://takshamtulku.org/ --- nơi hình ảnh được dùng cho viết bài này.

Công nhận cậu Jalue Dorje là đời thứ 8 Taksham Rinpoche, nghĩa là công nhận cậu là tái sinh từ một chuỗi, mà đời thứ nhất Taksham Rinpoche là nhà sư có tên là Taksham Nüden Dorje, sinh năm 1655, tại tỉnh Kham ở Tây Tạng. Lịch sử ghi lại rằng khi cậu Taksham đó lên 7 tuổi, khi nghe tụng bản Kinh Prajñāpāramitā Sutra 100,000 bài kệ, cậu tức khắc nhận ra Tánh Không, tánh rỗng rang trong tâm. Khi cậu lên 9 tuổi, cậu thấy linh ảnh Đức Green Tara (một hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát), và vị này ban phép lành cho cậu và tiên tri về sự nghiệp tương lai hoằng pháp của vị này.

Khi cậu lên 11 tuổi, cậu gặp Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) và được vị thầy này ban phép lành và dạy pháp trực tiếp. Sau khi nhận được các lời dạy từ Đức Liên Hoa Sanh, nhà sư trẻ Taksham Rinpoche thiền tập với ánh sáng, và không còn phân biệt được ngày và đêm. Vị sư Taksham cũng có nhiều linh ảnh về chư thiên và để lại các dấu chân trên đá khi nhảy múa. Các dấu chân này bây giờ vẫn còn được thấy ở Gawalung ở Tây Tạng. Khi tu sĩ trẻ này 18 tuổi, gặp được nhiều pháp bảo ẩn giấu trong các hang động, và Taksham Nüden Dorje đã phổ biến các kinh văn này. Trong đó, một trong các giáo lý quan trọng nhất là Vajrasattva Nyingtik (Thiền định về Báo thân Kim Cang Bồ Tát) đã được tu sĩ trẻ này phổ biến lại sau khi được chư thiên chỉ ra. Thêm nữa, nhà sư này đã xây dựng nhiều tu viện và trung tâm nhập thất ở Gawalung tại Tây Tạng. Nhiều thế kỷ sau, vào thời Cách Mạng Văn Hóa, nhà nước TQ đã đập phá một vài tu viện này, nhưng tu viện chính vẫn còn tới bây giờ.

Vị đời thứ nhất Taksham Nüden Dorje cũng truyền dạy các giáo lý để lại trong ba dòng phái Nyingma, Kagyu, và Gelug của Phật Giáo Tây Tạng. Trong số môn đệ của vị này có đời thứ 5 Đức Đạt Lai Lạt Ma (1642–1682), và Đức Karmapa. Nhiều lời dạy của Taksham vẫn còn lưu giữ trong các dòng phái này hiện nay. Ngài Taksham đời thứ nhất viên tịch năm 1708, và rồi tái sinh liên tục, tới bây giờ là đời thứ 8 Taksham Tulku (tức là, cậu bé Jalue Dorje ở Minnesota).

Năm 2009, Đức Sakya Trinzin công nhận cậu Jalue là đời thứ 8 Terchen Taksham Rinpoche và Đức Jigdal Dagchen Sakya Rinpoche viết một bài kinh trường thọ cho Taksham Rinpoche. Trong cùng năm, Đức Palyul Karma Kuchen Rinpoche tới Minneapolis và bắt đầu giảng dạy cho cậu bé Jalue các bài tập đọc tiếng Tây Tạng và giáo lý Dzogchen --- một phương pháp tương tự Thiền Tông, dạy nhìn Thấy Tánh của tâm, tức là thấy cội rễ vô ngã và không thực của tâm, như mây tan, như bọt nước, như quáng nắng.

Năm 2011, ba mẹ dẫn cậu tới Nepal và Ấn Độ để hành hương nơi các thánh địa Phật Giáo. Trong dịp này cậu được gặp nhiều nhà sư cao cấp của Phật Giáo Tây Tạng. Trong tương lai, Terchen Taksham Rinpoche sẽ về tu học ở tu viện Mindrolling Monastery tại thị trấn Dheradun ở Ấn Độ.

Trên trang web Taksham có ghi rằng cậu Jalue Dorje được đại sư Palyul Karma Kuchen Rinpoche dạy giáo lý Dzogchen khi còn rất trẻ. Đây là điều hy hữu, vì thiền pháp Dzogchen còn được gọi là Đại toàn thiện, Đại viên mãn, Đại thành tựu. Có thể suy đoán rằng cậu bé Jalue được học để nhận ra tâm, nhận ra các chuyển biến trong tâm, để thấy bản tánh của tâm chỉ là Tánh Biết, là Tánh Không, là Trống Rỗng, là Ánh Sáng, là Tịch Lặng.  

Hiểu là một chuyện, nhưng để giữ cái nhìn đó thường trực phải cần thời gian, vì thiền pháp này thực ra là tu pháp không tu, vì ngay khi cái Biết hiển lộ, khi cái Tỉnh Thức chói ngời thì khoảnh khắc đó là tham sân si vắng mặt, là tận gốc của niệm hiển lộ cái trần trụi vốn không là gì. Thấy như thế, chính là Thiền Tông Trúc Lâm, là thấy trong và ngoài đều là Không, là thấy Vô Ngã, là thấy Thực Tướng vốn Vô Tướng, là thấy “ta và người” đều là không thực, đều là huyễn. Thấy như thế, khi đang thấy như thế, hễ muốn làm gì trong tâm đều sai, vì không thể nào mài giũa cái Không, hay so đo cái Biết.

Do vậy, chư tổ nói Thấy Tâm là Thấy Phật. Đó là Thấy Tánh, cũng là Thấy Phật, cũng là thấy cội nguồn Duyên Khởi của các pháp hiển lộ qua mắt tai mũi lưỡi thân ý. Làm sao để cái Biết hiển lộ hiện tiền? Đó là điều cực kỳ quan trọng, cần thường trực cảnh giác như lửa cháy nơi khăn, nơi áo. Đức Phật trong Kinh Iti 39 trong nhóm Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka) dạy phải thường trực tỉnh thức nhìn tâm để xa lìa bất thiện (y hệt như Thầy Thích Thanh Từ dạy pháp Tri Vọng):

Thế nào là hai? ‘Hãy thấy bất thiện như là bất thiện’ --- đây là lời dạy Pháp thứ nhất.
‘Thấy bất thiện như là bất thiện, thì hãy buông bỏ nó, xa lìa nó, giải thoát ra khỏi nó’ --- đây là lời dạy Pháp thứ nhì.
Các tỳ kheo, đây là hai lời dạy Pháp nối tiếp nhau của Như Lai
.” (1)

Cốt tủy là ở cái Biết, cái Tỉnh Thức. Tức là cái Giác, tức là Bodhi, là Bồ Đề. Giữ được tâm tỉnh thức liên tục, tỉnh thức thường trực như thế, mới có thể tái sinh mà không sợ đắm chìm. Trường hợp cậu Jalue Dorje là bậc tái sinh, rồi cũng phải học, phải tu liên tục. Đó là tấm gương để tất cả các Phật tử cùng ra sức tinh tấn. Bởi vì Tánh Biết đó thì ai cũng có, không phải đặc quyền của ai, chỉ là mình có chịu nhận ra hay không.

Nguyên Giác – 8/2021.

GHI CHÚ:

(1) Kinh Iti 39: “What are the two? ‘See evil as evil’— this is the first Dhamma-teaching. ‘Having seen evil as evil, be rid of it, be detached from it, be freed from it’—this is the second Dhamma-teaching. These, bhikkhus, are the two successive Dhamma-teachings of the Tathāgata…” (bản Anh dịch của John D. Ireland) https://suttacentral.net/iti39/en/ireland

 

 

PHOTO:
20210808-1 Jalue-Dorje-getting-blessed-by-the-Dalai-Lama
Hình 1:
Cậu Jalue Dorje diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma.
20210808-2 jalue lama_rinpoche
Hình 2:
Cậu Jalue Dorje hàng ngày phải học thuộc lòng kinh điển.
20210808-3 jalue lama_sport atlanta falcons

Hinh 3:
Cậu lạt ma tái sinh ưa đội mũ lưỡi trai có huy hiệu đội bóng bầu dục Falcons, và ưa sưu tâp các tấm thẻ Pokemon.

20210808-4 jalue lama_khi con nho
Hình 4:
Cậu lạt ma từ rất nhỏ đã ưa thích ngồi, cầm xâu chuỗi.


***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/03/2022(Xem: 2543)
Mới vào đề chắc có người sẽ thắc mắc tại sao một người tu sao lại nói đến chữ Tình để làm gì? Xin quý vị hãy từ từ đọc vào nội dung sẽ hiểu. Hôm nay tôi sẽ viết về các loại Tình: tình bạn, tình người, tình yêu, thình thương, tình cảm v.v… Nếu viết bằng chữ Hán về chữ Tình nầy thì bên trái viết bộ tâm đứng, có nghĩa là những tình nầy đều khởi đi từ tâm của mỗi con người; bên phải viết chữ thanh là màu xanh hay cũng còn có ý là rõ ràng, trong sáng v.v…, hai chữ nầy ghép lại gọi là chữ Tình. Sau nầy tiếng Việt chúng ta dùng chữ tình yêu, tình cảm, tình thương, tình ý v.v…cũng đều sử dụng chữ tình nầy để ghép chung vào chữ Nôm của chúng ta, trở thành tiếng Việt thuần túy.
04/03/2022(Xem: 2274)
Xin khép lại những phiền muộn của năm cũ với nhiều nỗi đau thương mất mát và ly biệt, niềm thương cảm cho người thân, thầy bạn mãi mãi rời xa chúng ta. Trong bất cứ một hoàn cảnh khó khăn nào, ta vẫn nghĩ, dù sao đó là những chuyện đã qua, năm mới với nhiều hy vọng mới, tư duy mới và một cuộc hành trình mới đang chờ chúng ta phía trước. Xin bạn hãy khép lại những lo âu phiền muộn, lau khô những giọt nước mắt cho những mối tình hay những cuộc hôn nhân đổ vỡ, rồi cũng sẽ có người phù hợp với bạn, sẻ chia vui buồn trong cuộc sống của bạn. Sự chân thành sẽ tồn tại quanh bạn, những giọt nước mắt sẽ giúp bạn hiểu được cuộc đời này, rồi niềm vui sẽ đến, những trở ngại giúp bạn biết nâng niu cuộc sống.
02/03/2022(Xem: 5916)
CHÁNH PHÁP Số 124, tháng 3.2022 Hình bìa của Kranich17 (Pixabay.com) NỘI DUNG SỐ NÀY: THƯ TÒA SOẠN, trang 2 TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 XUÂN VỀ (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 6
01/03/2022(Xem: 3791)
Những ngày gần đây, dường như chánh niệm đang lan tỏa khắp mọi nơi. Khi tìm kiếm trên Google mà tôi đã thực hiện vào tháng 1 năm 2022 cho cụm từ "Chánh niệm" (Mindfulness) đã thu được gần 3 tỷ lượt truy cập. Phương pháp tu tập thiền chánh niệm này hiện được áp dụng thường xuyên tại các nơi làm việc, trường học, văn phòng nhà tâm lý học và các bệnh viện trên khắp cả nước Mỹ.
01/03/2022(Xem: 3789)
Hàng trăm đồ tạo tác vật phẩm văn hóa Phật giáo đã bị đánh cắp hoặc phá hủy sau cuộc quân sự Taliban tấn công và tiếp quản Chính quyền Afghanistan ngày 15 tháng 08 năm 2021. Hôm thứ Ba, ngày 22 tháng 02 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, Hợp chúng quốc đã hạn chế các vật phẩm văn hóa Phật giáo và lịch sử từ Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan, với hy vọng ngăn chặn "những kẻ khủng bố" kiếm lợi, nhưng các chuyên gia bày tỏ lo ngại về những hậu quả không mong muốn.
24/02/2022(Xem: 2488)
Nhà kiến tạo hòa bình, nhà tâm lý học, nhà cải cách xã hội học, nhà giáo dục và Phật giáo Dấn thân nổi tiếng, người Mỹ và được trên thế giới kính trọng, Tiến sĩ Phật tử Paula Green sinh vào ngày 16 tháng 12 năm 1937 tại Hoa Kỳ, đã thanh thản trút hơi thở từ giã trần gian vào ngày 21 tháng 2 năm 2022, hưởng thọ 84 tuổi.
24/02/2022(Xem: 2486)
Tôi học mãi Phẩm 6 về “ Người Hiền Trí “trong kinh Pháp Cú và bài thứ tư trong kinh Trung Bộ “ Sợ Hãi và Khiếp Đảm “ mà vẫn không chán vì càng học càng thấy nhiều lợi ích để tu tập và sửa đổi những tật xấu và lỗi lầm của mình trên đường tu học nhất là khi mình được một đại phước duyên gần gũi một bậc hiền trí . Thú thật ….trong những năm tự nhốt mình trong tháp ngà tôi đã nghiên cứu Thiền, Tịnh, Mật, rất cẩn thận từ ghi chép, nghe nhiều pháp thoại, so sánh kinh sách nhiều tông phái …thế nhưng chưa bao giờ như lúc này tôi cảm nghiệm lời dạy Đức Phật lại thâm huyền và siêu việt hơn bao giờ hết khi phối hợp hai phẩm này trong hai bộ kinh căn bản nhất cho những ai bước trên đường Đạo . Trộm nghĩ dù với tuổi nào khi chưa hoàn tất hay gặt hái được mục đích thành tựu của Trí Tuệ ( DUY TUỆ THỊ NGHIÊP) thì chúng ta hãy cứ bước đi mà chẳng nên dừng lại .
24/02/2022(Xem: 5723)
Tác giả tác phẩm này là Tỳ Kheo Sujato, thường được ghi tên là Bhikkhu Sujato, một nhà sư Úc châu uyên bác, đã dịch bốn Tạng Nikaya từ tiếng Pali sang tiếng Anh. Bhikkhu Sujato cũng là Trưởng Ban Biên Tập mạng SuttaCentral.net, nơi lưu trữ Tạng Pali và Tạng A Hàm trong nhiều ngôn ngữ -- các ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Tạng ngữ, Hán ngữ, Việt ngữ và vài chục ngôn ngữ khác – trong đó có bản Nikaya Việt ngữ do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ Tạng Pali, và bản A-Hàm Việt ngữ do hai Hòa Thượng Tuệ Sỹ và Thích Đức Thắng dịch từ Hán Tạng.
22/02/2022(Xem: 3382)
Trong lịch sử, các đại dịch đã buộc nhân loại phải đoạn tuyệt với quá khứ và hy vọng ở tương lai thế giới mới của họ. Điều này không có gì khác lạ. Nó là một cổng thông tin, một cửa ngõ, giữa thế giới đương đại và thế giới tương lai. Nhà văn, nhà tiểu luận, nhà hoạt động người Ấn Độ Arundhati Roy, Đại dịch là một cổng thông tin
21/02/2022(Xem: 2311)
Bốn Sự Thật Cao Quý được các kinh sách Hán ngữ gọi là Tứ Diệu Đế, là căn bản của toàn bộ Giáo Huấn của Đức Phật và cũng là một đề tài thuyết giảng quen thuộc. Do đó đôi khi chúng ta cũng có cảm tưởng là mình hiểu rõ khái niệm này, thế nhưng thật ra thì ý nghĩa của Bốn Sự Thật Cao Quý rất sâu sắc và thuộc nhiều cấp bậc hiểu biết khác nhau. Bài chuyển ngữ dưới đây đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn gốc vô minh tạo ra mọi thứ khổ đau cho con người, đã được nhà sư Tây Tạng Guéshé Lobsang Yésheé thuyết giảng tại chùa Thar Deu Ling, một ngôi chùa tọa lạc tại một vùng ngoại ô thành phố Paris, vào ngày 16 và 30 tháng 9 năm 2004. Bài giảng được chùa Thar Deu Ling in thành một quyển sách nhỏ, ấn bản thứ nhất vào năm 2006.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567