Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tranh Chăn Trâu Thiền Tông

01/06/202119:23(Xem: 4325)
Tranh Chăn Trâu Thiền Tông

TRANH CHĂN TRÂU

THIỀN TÔNG

 

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

 

Tranh-Chan-Trau-Thien-Tong

     Tranh chăn trâu Thiền tông gồm mười bức rất nổi tiếng được sáng tạo trong thời nhà Tống (960-1279) và ngay từ đầu đã được xem như những bức họa tiêu biểu trình bày tinh hoa, cốt tủy của Thiền Trung Quốc. Mười bức tranh này là: 1. Tầm ngưu: tìm trâu, 2. Kiến tích: thấy dấu, 3. Kiến ngưu: thấy trâu, 4. Đắc ngưu: được trâu, 5. Mục ngưu: chăn trâu, 6. Kỵ ngưu quy gia: cưỡi trâu về nhà, 7. Vong ngưu tồn nhân: quên trâu còn người, 8. Nhân ngưu câu vong: người trâu đều quên, 9. Phản bản hoàn nguyên: trở về nguồn cội và 10. Nhập triền thùy thủ: thõng tay vào chợ.

     Tranh chăn trâu từ mục thứ nhất “Tầm ngưu” (tìm trâu) tới mục thứ tám “Nhân ngưu câu vong” (người trâu đều quên) là do thiền sư Thanh Cư họa. Kế đó, ngài Tắc Công họa thêm mục thứ chín "Phản bản hoàn nguyên" (trở về nguồn cội) và làm bài tụng. Sau cùng, ngài Từ Viễn họa tiếp mục thứ mười “Nhập triền thùy thủ” (thõng tay vào chợ).

     Đề tài chung của các loại tranh chăn trâu Thiền tông là đường lối tu tập để “luyện tâm”. Tâm ở đây được tượng trưng là con trâu. Mười con trâu biểu hiện cho những bước tuần tự trong sự chứng ngộ được bản tính thanh tịnh sẵn có từ vô thủy của con người. Đây là thực tính, hay Phật tính. Thiền tông chủ trương “chỉ thẳng vào chân tâm, thấy được tính là tức khắc thành Phật” (trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật), cho nên khác với tranh Đại thừa, tranh Thiền tông vẽ trâu chỉ có một màu là trắng hoặc đen.

     Đạo Phật có ba thừa (ba cỗ xe) là xe dê, xe nai và xe trâu chở các hàng thanh văn, duyên giác và bồ tát ra khỏi nhà lửa mà thành đạo. Tuy nhiên, ba thừa chỉ là phương tiện giả lập lên, những hóa thành, những pháp môn tiếp dẫn dùng cho người kém khí lực. Đối với hạng thượng căn thời chỉ một thừa thôi đó là Phật thừa. Trực tiếp đưa người vào cảnh giới Phật thừa là “bạch ngưu xa” (xe trâu trắng). Bạch ngưu xa, chính là cái tâm đại giác viên mãn của Phật. Thiền tông chủ trượng trực tiếp thành Phật là vậy. Tuy nhiên loại tranh vẽ trâu trắng vẫn hiếm, ít được thưởng thức. Loại tranh vẽ trâu đen được ưa chuộng nhiều hơn vì nét vẽ được coi là “rắn rỏi, mộc mạc, gần cuộc sống”.

     Dầu trắng hay đen, con trâu Thiền tông đều giữ nguyên vẹn một màu lông qua các giai đoạn biến chuyển. Đó là phép tu “đốn. Đốn giáo dạy rằng người ta thành Phật là thành ở nội tâm, “hoát nhiên” mà thành, không phải thành lần hồi. Đốn giáo chủ trương thấy được “tính” là tức khắc thành Phật, “tại đây và ngay ở giây phút này”. Tuy nhiên, pháp môn nào cũng có tu và có chứng. Chứng là một biến cố đột ngột, ngoài thời gian. Trước khi được đốn ngộ phải lần hồi trải qua nhiều đoạn đường tu rất gay go. Hay nói một cách khác: tu thì “tiệmchứng thì “đốn”.

     Tranh chăn trâu Thiền tông ghi lại bước tiến từng bực trong thời gian và không gian. Quá trình tu tâm này có thể phân thành 3 giai đoạn là: Sai tâm bắt tâm, Tâm vô tâm và Bình thường tâm.

 

1. SAI TÂM BẮT TÂM

 

     Tranh 1 là TẦM NGƯU: tìm trâu. Vẽ một chú mục đồng đang nôn nao vạch cỏ đi tìm trâu. Trâu không có trong hình. Cỏ mọc hoang vu, núi thẳm, rừng rậm, sông sâu, nẻo dọc đường ngang. Chú mệt mỏi, suy nhược song vẫn chẵng biết trâu đâu để mà  tìm. Chỉ nghe có tiếng ve kêu rộn rã trên cành cây phong trong buổi trời chiều.

 

     Lời dẫn: Từ lâu nay chẳng mất đâu cần kiếm tìm làm chi. Do trái tánh giác trở thành xa cách. Bởi theo vọng trần bèn thành khuất lấp. Từ đó, quê hương càng lúc càng diệu vợi, mà đường sá lại gập ghềnh. Được mất dấy lên bừng bừng, phải quấy mọc lên tua tủa.

 

     Ở đây, người tu luyện tâm mới tu bước đầu, còn sơ cơ. Tuy đã ý thức rằng tu là điều phục tâm, nhưng tâm vô hình tướng, nhìn quanh chẳng thấy dấu vết. Hơn nữa tâm là thứ không có ngôn ngữ nào tả nổi nên làm sao mà tìm ra được để mà điều phục. Nhọc lòng tìm tâm trong cuộc đời, trong rừng kinh điển nhưng càng hướng ngoại tìm kiếm, càng phân vân chẳng biết đâu là đầu mối để mà phăng lần ra.

     Con trâu tượng trưng cho tính giác sẵn có nơi mỗi người, lúc nào cũng hiển lộ nơi sáu căn. Thật ra tâm của người tu vẫn sẵn đó có mất đâu mà cần kiếm tìm. Có chân tâm, nhưng không sống được với chân tâm chỉ vì khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, người tu cứ rong ruổi chạy theo dục vọng trần cảnh bên ngoài nên không ngừng khởi vọng niệm phân biệt, được-mất, tốt-xấu, đúng-sai, hơn-thua, khiến tính giác bị che mờ, bị khuất lấp rồi trở thành xa cách. Ví như người phóng đãng rời bỏ quê hương thanh bình đi phiêu lưu, trải qua nhiều năm tháng càng đi càng xa cách. Khi bắt đầu cuộc đời tu tập theo hạnh tỉnh thức, người đó mới đi tìm tâm của mình. Muốn trở về, nhưng đường lối quanh co xa xôi diệu vợi, không biết phải đi lối nào.

 

     Tranh 2 là KIẾN TÍCH: thấy dấu. Chú mục đồng thấy rất nhiều dấu chân trâu dọc bờ sông, dưới cây, trong cỏ rậm ven rừng và trong núi non xa vời. Tranh vẽ chú hăng hái tìm trâu một mình cho rằng trâu sẽ ở quanh đâu đây, không còn do dự nghi ngờ chi nữa.

 

     Lời dẫn: Nương kinh để hiểu nghĩa, xem giáo lý để tìm ra dấu vết. Biết rõ vòng, xuyến... đều chỉ là một chất vàng, cả thảy muôn vật đều là chính mình. Chính tà chẳng cần biện biệt, chân ngụy đâu cần phân chia. Bởi chưa vào được cửa này tạm gọi là “thấy dấu.”

 

     Đến đây người tu đang ở những bước đầu của công phu thiền quán. Vì biết “dừng lại”, biết nắm giữ hơi thở, nên đã có được vài giây phút sống với chính niệm. Nhờ học hỏi nên bắt đầu hiểu là phải tự tìm kiếm tâm ở bên trong. Hiểu rõ rằng tất cả đồ trang sức tuy hình dạng bên ngoài khác nhau nhưng bên trong đều là vàng. Tâm thể tròn sáng có sẵn nơi mỗi người là nguồn cội sinh ra muôn pháp muôn vật, nên cả thảy muôn vật là chính mình. Tâm thể chân thật không hình tướng nên không thể nghĩ bàn được.

 

     Người tu hằng sống được với tâm thể chân thật của mình rồi khi đối duyên xúc cảnh không còn phân biệt chính-tà, chân-nguỵ. Tuy chưa nhận ra tâm thể chân thật của mình nhưng luôn tin rằng mình sẵn có tâm thể ấy, bởi chưa vào được cửa đó, nên tạm nói là “thấy dấu”.

 

     Con trâu “vọng tâm” vô hình khó thấy bóng dáng, nhưng con trâu tâm còn để lại nhiều tàn tích trong cuộc đời. Nhờ biết quan sát người tu bắt đầu nhận thấy được những dấu vết của tâm tham, tâm sân rồi đến tâm si... Những thứ này tuy biến dạng, nhưng những hệ luỵ tang thương do trâu tâm gây ra vẫn còn lưu lại đâu đó. Khi thấy được đầu mối này của con trâu tâm thời sự nghiệp chăn trâu cũng bắt đầu từ đây.

 

     Tranh 3 là KIẾN NGƯU: thấy trâu. Nghe chim vàng anh hót trên cành cây. Gió mát. Trời ấm. Bờ liễu xanh tươi. Chú mục đồng thấy thân trâu. Thì ra trâu có trốn đâu tại vì trước đó chú không thấy đó thôi. Trâu vẫn đứng đó một mình, tự thuở nào, đôi sừng lẫm liệt, mũi đụng mây xanh trên trời cao.

 

     Lời dẫn: Theo tiếng mà vào, ghé mắt là thấy. Cửa sáu căn rành rõ không sai, trong động dụng rành rành hiển lộ. Chất muối trong nước, sắc xanh trong keo. Vén chân mày lên chẳng phải vật khác, là nó chứ ai.

 

     Ai cũng có cửa sáu căn đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Lúc nào tính giác chân thật cũng hiện tiền, cho nên lúc nào cũng thấy, cũng nghe… rành rõ không bao giờ mất. Nhưng vừa động dụng là bị loạn động, bị vọng thức xen lẫn vào nên không nhận ra được. Tương tự như ngay trong nước biển có muối, ngay trong keo có màu xanh mà ta không thấy được. Khi vén chân mày lên thì mắt sáng ra, thấy trâu là nhận được nơi mình có thể tính chân thật. 

 

     Đến đây người tu đã có tiến bộ trong công phu tu tập, sống với nếp sống tỉnh thức thường xuyên hơn, đã cảm thấy vững chắc hơn trên con đường giới định huệ. Người tu nhờ tiếp tục quan sát mình đã thấy được phần nào bóng dáng của vọng tâm, có thể chợt thấy tâm tham, sân, si của mình còn chất chứa trong lòng, nhưng khi những tâm đó xuất hiện thì người tu chưa đủ khả năng khám phá. Tranh vẽ chỉ cho thấy phần đuôi của con trâu “vọng tâm” mà thôi.

 

     Tranh 4 là ĐẮC NGƯU: được trâu. Từ lâu trâu bị vùi lấp ngoài đồng hoang, hôm nay chú mục đồng mới gặp trâu. Chú tận dụng hết sức lực mới chụp bắt được trâu. Trâu còn mạnh mẽ lại cứng đầu ngang ngạnh chống chọi rất mãnh liệt và hung dữ, tính buông lung chưa hết. Nó hết chạy lên vùng cao lại trốn xuống lũng thấp, chui vào mây khói ở sâu trong đó. Muốn cho trâu phải chịu phép mọi bề, cần dùng đến roi vọt.

 

     Lời dẫn: Vùi lấp ngoài đồng hoang đã lâu, ngày nay mới gặp được trâu. Vì trâu còn ưa cảnh đẹp, mến cỏ non chẳng chịu thôi nên khó đuổi. Tâm ngang ngạnh khá mạnh, tính hoang dã vẫn còn. Muốn trâu được thuần hóa cần phải dùng đến roi vọt.

 

     Thật ra trâu chẳng hề trốn đi đâu, chỉ vì ta không biết quán sát, nên tưởng là mất trâu và phải đi tìm. Khi con trâu “vọng tâm” hiện nguyên hình thì nó hung hãn loạn động, vì vậy người tu phải dùng “vàm thiền”, phải dùng giây xỏ ngàm, canh giữ nghiêm ngặt cột “trâu tâm” lại một chỗ, lại cũng dùng “roi giới” canh giữ trừng trị và phải được hỗ trợ bằng sự chuyên cần tinh tấn thì mới tránh việc sơ sẩy trâu vùng lên lăng xăng loạn động gây tai họa như cũ. Lần lần con “trâu tâm” mới thuần thục... Trong giai đoạn này người tu đang nỗ lực điều phục và làm chủ tâm ý mình, giữ tâm đứng yên một chỗ, không để bị níu kéo theo những vọng tưởng tà kiến. Lo ngại rằng chỉ cần một phút lơ là thì vọng tâm lại có thể khởi lên.

 

     Tranh 5 là MỤC NGƯU: chăn trâu. Chú mục đồng xỏ mũi trâu bằng dây, quất đánh bằng roi, canh chừng không rời mắt, quyết tâm dõng mãnh để chiến thắng. Chăn dắt, rèn luyện lần lần thời trâu thuần tính, phục tùng, đi theo chú như bóng theo hình. Tuy vẫn cần dẫn dắt, giây vàm và roi cầm tay, nhưng trâu tương đối đã thuần, đầu không còn nhìn ngược xuôi toan tính chuyện buông lung phá hại ruộng lúa của người nữa.

 

     Lời dẫn: Nghĩ trước vừa dấy, niệm sau liền theo. Do giác nên được thành chân, bởi mê lầm nên hóa thành vọng. Chẳng phải do cảnh mà có, chỉ tự do tâm mà sinh. Dây mũi nắm chắc không cho toan tính. Xỏ mũi, cùm đầu, không chần chờ.

 

     Người tu lúc này đã hoàn toàn có được chính niệm trong lúc tập thiền, đã quán chiếu và thấy rõ một cách thường xuyên dòng tâm ý đang trôi chảy của mình; hay nói cách khác, đây là giai đoạn “dùng tâm quán sát tâm”. Niệm vừa khởi lên nếu người giác tỉnh biết nó là vọng tưởng nên không theo, vọng tưởng sẽ lặng đi thời thành chân. Nếu mê thời khi niệm khởi lại chạy theo niệm nên làm thành vọng. Nhớ lời Lục Tổ đã dạy: “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm” mà thôi!

 

     Tranh 6 là KỴ NGƯU QUY GIA: cưỡi trâu về nhà. Khi trâu “vọng tâm” đã điều phục rồi, thì roi, vàm, công phu hay giới luật không còn cần thiết nữa, chú mục đồng ngước mắt nhìn mây vời vợi, rồi leo lên lưng trâu, cưỡi trâu thong dong đi bên vệ đường trvề nhà. Tiễn biệt trời chiều, miệng chú lúc thì thổi sáo, lúc thì hát câu ca tuyệt vời, tay gõ nhịp, trong lòng vui vẻ vô bờ. Trâu đã trở thành bạn tri âm của chú, theo chú như bóng với hình, chú không cần la hét, trừng trị trâu nữa.

 

     Lời dẫn: Đã hết cuộc can qua, đã xong câu được mất. Hát khúc ca của ông tiều phu, thổi bản nhạc của chú mục đồng. Ngồi ngang trên lưng trâu mắt ngắm trời mây vời vợi. Kêu gọi không xoay đầu, kéo lôi cũng chẳng dừng bước.

 

     Lúc này người tu đã hoàn toàn làm chủ được tâm ý mình. Con đường giác ngộ dẫn về “bản lai chân diện mục” đã được thắp sáng và bày ra trước mặt, người tu cứ hướng theo đó mà trở về. Cưỡi trâu về nhà nghĩa là cưỡi tâm về chỗ ban sơ, là trở về với chính mình, không còn phải nương vào ngoại cảnh để điều phục tâm nữa nên trong tranh chỉ có người và trâu, không còn cảnh vật.

 

     Lần lượt qua sáu bức tranh nói trên, ta thấy người ta đi tìm trâu vì trong giây phút nào đó, người ta nghi ngờ bản thân mình và những điều mắt thấy tai nghe. Vì nghi nên mới có tìm. Có tìm ắt gặp dấu. Gặp dấu trong kinh sách, và nhất là trong những phút trống trải, cảnh vắng, đêm tàn, trí óc nhẹ suy tư, con người bỗng dưng như đối diện với chính mình.

     Khoảng cách giữa trâu và chú mục đồng cứ dần dần được thâu ngắn lại mãi cho đến rốt cuộc chú leo lên ngồi hẳn trên lưng trâu. Trâu với người nhập làm một. Cho nên nếu ta hỏi rằng tâm ở đâu chẳng khác nào hỏi trâu ở đâu trong khi chính ta đang cưỡi trên lưng trâu. Đây quả là giai đoạn “sai tâm đi bắt tâm”, một giai đoạn có tính cách ngoại cầu. Ngoại cầu là “khiến Phật đi tìm Phật, sai tâm đi bắt tâm”. Ta đã đuổi bắt tâm khắp đó đây, rốt cuộc mới nhận ra rằng tâm ở nơi ta, ta chỉ cần dừng bước lại là nó hiện nguyên hình ngay trước mắt trong ánh sáng mới lạ.

 

2. TÂM VÔ TÂM

 

     Tuy nhiên, còn tâm là còn cảnh. Còn cảnh thì còn “xúc cảnh sinh tình”. “Tình sinh thì trí cách”. Tâm, cảnh, tình kết dính vào nhau trong cái thế liên hoàn, cái vòng nhân duyên gây day dứt, mâu thuẫn. Đạo không mâu thuẫn. Thiền là “bất nhị pháp môn”, không hai mà cũng không một. Mâu thuẫn là do tâm, do niệm.

     Ta niệm vì ta tưởng rằng mình thiếu một cái gì, nên đi tìm ở ngoài mình để đắp vào. Thiền dạy rằng ta không thiếu gì hết tự đời thuở nào ta vốn là tròn đầy, ngàn trước, ngàn sau. Ta không thiếu. Trái lại ta có dư đủ thứ do niệm bày ra, do suy tư vẽ vời thêm. Những cái dư ấy, gọi chúng là vô minh. Vô minh vốn không thật, nên không ai hoài công mà trừ nó bao giờ, mà chỉ cần tự tri tự giác thôi. Tự biết được “con ngươi thật” của mình thì vô minh tan mất, như bóng tối tan đi trước vừng dương chói lọi.

     Như vậy, cái việc mà ta quen gọi là phá vọng không còn là một việc làm nữa - nếu không nói là một việc làm “vô vi” - mà xét cùng ra chỉ là một sự nhận thức thôi, nhận thực tính Phật bản lai ở trong ta. Vậy sau giai đoạn ngoại cầu, tiếp theo là giai đoạn tự tri giác. Tự tri không phải bằng suy niệm mà bằng dứt niệm; dứt niệm bằng những phép tu tập rất vô vi, như tịnh quán chẳng hạn để rồi con người sẽ thấy tâm không thật, thấy người không thật.

 

     Tranh 7 là VONG NGƯU TỒN NHÂN: quên trâu còn người. Trâu đã mất dạng, chỉ còn chú mục đồng. Trở về nhà, chú ngồi nghỉ ngơi. Trên không trung có mặt trăng hiện ra. Trong hình đã không còn bóng dáng của trâu, chỉ còn người ngồi thảnh thơi một mình dưới ánh trăng thanh. Không nhắc đến trâu nữa vì trâu và người đã cùng đồng ý đồng tâm. Đã không còn trâu thì roi và dây đem cất đi, không cần dùng đến. Trở về nhà tức là quán chiếu tự tâm, để thấy vọng tâm không thật nên buông bỏ thì bóng “trâu tâm” đương nhiên lặng lẽ mất dạng. Thấy tâm không thật thì tâm dứt: trâu quên.

 

     Lời dẫn: Pháp không là pháp phân hai, trâu gọi là tâm. Mượn tiếng "bẫy thỏ" để dụ cho tên khác; lấy chữ "nơm cá" để nêu cái sai biệt. Như vàng ròng rút ra từ đống quặng, tựa trăng sáng tỏ vén ra khỏi mây. Một đường quang sáng, qua khỏi kiếp oai âm.

 

     Sau khi đã trở về với “bản lai chân diện mục”, người tu thường trực an trú trong tuệ giác về tính “không” của vạn hữu; tâm của người cũng tức là người, đâu có gì khác nhau! Thân, tâm chỉ là một. Người tu đến đây tâm thanh tịnh sáng suốt không bị vẩn đục, không chút vọng tưởng xen tạp nên xuyên suốt cả không gian và thời gian. Đối với không gian thì thấy không có giới hạn. Đối với thời gian thì thấy không có thuỷ không có chung.

     Tranh này có thể phản ảnh phần nào tâm trạng của ngài Huệ Khả (tức Thần Quang). Nguyên sau khi theo tổ Đạt Ma tu tập một thời gian, ngài Huệ Khả không còn khởi vọng nữa, không tạo nghiệp, không khởi tâm thiện ác... nhưng vì ngài chưa buông bỏ hoàn toàn vọng tâm, bóng dáng nó vẫn còn lảng vảng nên sinh tâm bất an. Một hôm ngài thỉnh tổ: “Tâm con chưa an! Xin thầy dạy con pháp an tâm”. Tổ đáp: “Ngươi đem tâm ra đây ta an cho”. Ngài Huệ Khả thầm lặng hồi lâu mới sực tỉnh nên quán sát kỹ, hiểu tâm bất an cũng là vọng, nên buông bỏ, bóng dáng vọng tâm biến mất và được an tâm. Lúc đó ngài mới thưa rằng “Con kiếm mãi không thấy tâm đâu”. Đến đây Tổ Đạt Ma bèn phán: “Thế là ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Ngài Huệ Khả liền ngộ đạo.

 

     Tranh 8 là NHÂN NGƯU CÂU VONG: người trâu đều quên. Sau đó thời roi, dây, trâu và cả người đều không còn. Thấy người không thật thì người quên nốt. Người và trâu đều mất dạng, thì tự lòng đất dõng mãnh vọt lên mặt trời huệ, tượng trưng bằng một vòng tròn trống rỗng, đó là vòng tròn Viên Giác. Vòng tròn trắng trống rỗng tượng trưng cho tâm và pháp cả hai đều hết. Tâm là dụ cho người chăn. Pháp là dụ cho trâu. Người chăn và trâu không còn nữa, đó là tột chỗ cội nguồn. Đó là tâm vô tâm.

 

     Lời dẫn: Tình phàm buông bỏ, ý Thánh cũng không, chỗ có Phật chẳng cần ngao du, chỗ không Phật cũng không thèm ngó lại. Không dính đầu này hay đầu nọ, không liếc xem nơi này hay nơi kia. Trăm chim ngậm hoa, một trường bối rối.

 

     Vô tâm không phải là vô tình, vô cảm, thờ ơ, chuyện gì cũng không cần biết tới. Vô tâm là thấy được tính không sinh diệt của tâm, là thấy tính. Cho nên trong Kinh Kim Cang Bát Nhã, đức Phật dạy: “Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.” Thấy được tính không của các pháp tức là kiến tính, tức là thấy Phật. Tâm không sinh cho nên các pháp không sinh. Vì vậy không bị vướng mắc hay trói buộc vào trần cảnh. Đó là trạng thái vô tâm của nhà Phật.

     “Biết cái tâm là không tâm, ấy là hiểu suốt đạo Phật”. Khi sự mê lầm và dục vọng của mình đã tiêu tan biến mất thì ngay cả pháp Phật cũng không cần nói đến nữa. Người tu thường trực an trú trong tuệ giác về tính “không” của vạn hữu, và tiến đến nấc thang cao tột của tuệ giác giác ngộ: những tà kiến vô thức về sự tồn tại của “ngã” và “pháp” hoàn toàn bị tiêu diệt.   

     Cái vòng tròn Viên Giác nằm ở bức họa thứ 10 của Đại thừa, qua bên Thiền tông nơi đây lại thụt lùi về hàng thứ 8, mà đề là “nhân ngưu câu vong, nghĩa là người và trâu đều quên. Thế kỷ thứ 12, cho rằng tranh chấm dứt với vòng tròn Viên Giác dễ khiến cho thiền sinh lầm lẫn dừng lại nửa đường, nên mới sáng tác thêm hai bức thứ 9 và thứ 10. Từ đó, tranh chăn trâu Thiền tông mang một sắc thái riêng, so với tranh chăn trâu Đại thừa.

 

3. BÌNH THƯỜNG TÂM

 

     Tranh 9 là PHẢN BẢN HOÀN NGUYÊN: trở về nguồn cội. Bây giờ trong tranh lại hiện lên một cõi thanh tịnh với cảnh lá cây đang rụng về cội, chim đang bay về tổ và nước đang chảy về nguồn.

 

     Lời dẫn: Xưa nay thanh tịnh, chẳng vướng một mảy trần. Xem có tướng phải chịu tươi khô, ở đạo vô vi thì ngưng lặng. Chẳng đồng với huyễn hóa đâu cần gì tu hành. Nước biếc non xanh ngồi mà xem cuộc thành bại.

 

     Thiền cho rằng vô tâm chưa phải là đạo, mà còn phải qua một quan ải nữa đó là “trở về hội nhập với thiên nhiên, với trời đất”, với pháp giới, với muôn sinh, với nguồn sống vô tận ở trong ta và ở ngoài ta, là hội nhập với chân tâm, với chính mình. Người đã trở về với bản nhiên thanh tịnh, tức là nhập vào cảnh giới của Phật. Tuệ giác siêu việt đã đạt được, người tu trở về an trú trong trạng thái “niết bàn tịch tịnh”, giải thoát được trọn vẹn khỏi mọi ý niệm có-không, sinh-diệt, đến-đi, thêm-bớt, khổ-vui, mê-ngộ, chứng đắc và đối tượng chứng đắc.

 

      Tranh 10 là NHẬP TRIỀN THÙY THỦ: thõng tay vào chợ. Người lại xuất hiện trong cõi nhân gian. Trong tranh vẽ một nhà sư thõng tay vào chợ, “trở về với thế tục”. Người để ngực hở, chân trần, đất bôi, tro chét. Người chống gậy tre, tay mang bầu rượu trở về nhà, vào ra phố chợ như bao người khác, sống giữa cuộc đời mà vẫn giữ được cái tâm thanh tịnh, cái tâm đã chứng ngộ Niết Bàn.

 

     Lời dẫn: Đóng cánh cửa gỗ, một mình một bóng, dù Thánh Hiền vạn cổ cũng chẳng biết. Vùi chôn cái văn vẻ của chính mình, bỏ lại lối mòn của bậc hiền trước. Mang bầu vào chợ, chống gậy về nhà. Quán rượu hàng cá dạy cho thành Phật hết.

 

     Trộn lẫn vào cát bụi trong cõi nhân gian không thấy là bùn nhơ nữa, mà chỉ còn là một diệu dụng, như bao nhiêu diệu dụng khác. Trở về với thế tục là trở về với cái tâm bình thường. Thiền dạy: “Bình thường tâm thị đạo”. Cho nên vị sư thõng tay đi vào chợ, vào chỗ bụi trần mà không nhiễm ô, tự tại nhưng lại rất bình thường mà hòa hợp với kẻ thế tục để hóa độ đời, thân mật đánh bạn với bợm nhậu và phường thọc huyết heo, hàng rượu hàng cá, dạy cho thành Phật hết – “tụi nó và thầy đều là Phật cả mà”. Đó là vô trụ Niết Bàn.

     Chữ thùy thủ không phải là buông tay, xuôi tay, mà là thõng tay hay đưa tay ra mà dìu dắt cứu vớt. Tu đến đây là đạt được an nhiên tự tại, Niết Bàn ở ngay dưới mỗi bước chân rồi! Với hạnh nguyện độ sinh của một vị bồ tát và với hành trang “bi-trí-dũng” đã sẵn sàng, người tu lên đường nhập thế, sẵn sàng lao mình,  dùng mọi phương tiện trí, lực để hóa độ chúng sinh, chớ không phải vào cảnh giới Phật để an nghỉ. Đây là tiêu biểu công hạnh giáo hóa chúng sinh của người viên mãn.

*

     Lời tiếng Anh và mười bức tranh trong tài liệu kế tiếp sau này đươc trích dẫn từ phần “10 BULLS BY KAKUAN” (10 trâu của Thiền Sư Quách Am) trong tác phẩm “ZEN FLESH, ZEN BONES” (Thiền cốt, Thiền nhục) sưu tập bởi NYOGEN SENZAKI and PAUL REPS (Anchor Books, 1989).

     Mười bức tranh là tác phẩm đẹp chân phương, đầy ý nghĩa và rất cổ kính, in bằng mộc bản của nghệ nhân mộc bản rất lừng danh là TOMIKICHIRO TOKURIKI. Tranh chăn trâu của ông đẹp chẳng thua gì tranh gốc của thiền sư Quách Am.

     Soạn giả đã chuyển dịch tài liệu trên sang Việt ngữ rồi thi hoá, chuyển thành mười bài thơ “lục bát” liên hoàn

 

*

1. The Search for the Bull

In the pasture of this world, I endlessly push aside the tall grasses in search of the bull.
Following unnamed rivers, lost upon the interpenetrating paths of distant mountains,
My strength failing and my vitality exhausted, I cannot find the bull.
I only hear the locusts chirring through the forest at night.

Comment: The bull never has been lost. What need is there to search? Only because of separation from my true nature, I fail to find him. In the confusion of the senses I lose even his tracks. Far from home, I see many crossroads, but which way is the right one I know not. Greed and fear, good and bad, entangle me.

1. Tìm Trâu.

 

Trong cánh đồng cỏ của cõi nhân gian này,

ta liên tục vén cỏ cao qua bên để tìm trâu.  
Theo những dòng sông vô danh, lạc lõng vào những lối mòn

giăng mắc trong những rặng núi xa xăm, 
Sức ta đã suy nhược và sinh lực ta kiệt quệ,

ta chưa tìm thấy được trâu.
Ta chỉ nghe thấy tiếng ve kêu vang trong rừng lúc đêm hôm.

 

Lời Bàn: Con trâu chưa bao giờ bị thất lạc cả. Đâu cần phải kiếm tìm làm chi? Chỉ vì ta rời khỏi chân tính của mình, nên ta không tìm thấy nó. Trong sự mê loạn của các giác quan mà ta mất cả những dấu tích của nó. Ở phía xa căn nhà, ta thấy nhiều nẻo đường chằng chịt, nhưng nẻo nào là con đường chính xác thời ta không hay biết. Lòng tham lam và sự hãi sợ, cái tốt và cái xấu, làm ta bối rối.

 

1. TÌM TRÂU

Trong đồng cỏ cõi nhân gian

Ta liên tục vén cỏ làn qua bên

Quyết tìm Trâu, trí vững bền

Ta theo những nhánh sông hiền vô danh

Lạc vào bao nẻo loanh quanh

Lối mòn giăng mắc núi xanh xa vời

Sức suy nhược, thân rã rời

Bóng Trâu nào thấy tăm hơi trong vùng

Chỉ nghe vọng giữa mông lung

Ve kêu rả rích khắp rừng đêm nay.

2. Discovering the Footprints

Along the riverbank under the trees, I discover footprints! 
Even under the fragrant grass I see his prints.
Deep in remote mountains they are found.
These traces no more can be hidden than one's nose, looking heavenward.

Comment: Understanding the teaching, I see the footprints of the bull. Then I learn that, just as many utensils are made from one metal, so too are myriad entities made of the fabric of self. Unless I discriminate, how will I perceive the true from the untrue? Not yet having entered the gate, nevertheless I have discerned the path.

2. Khám Phá Ra Vết Chân

 

Dọc theo bờ sông dưới những tàn cây,

ta khám phá ra những dấu chân! 
Ngay cả dưới đám cỏ thơm hương

ta trông thấy những dấu in của nó.
Sâu thẳm trong những rặng núi xa vời

cũng thấy những vết tích đó.
Những dấu vết này không còn có thể bị che khuất được nữa

như mũi ngước nhìn lên phía bầu trời.

 

Lời Bàn: Thông hiểu được lời giáo huấn, ta thấy ra những dấu chân của trâu. Rồi ta hay biết rằng, tương tự như muôn vàn đồ dùng được chế tạo từ một thứ kim loại, thời cũng như vậy mà vô số thực thể đều do ngã cấu tạo ra. Trừ phi ta phân tách sự khác biệt, nếu không thời làm sao ta nhận thức được thật và giả? Khi còn chưa lọt vào được trong cửa, tất nhiên ta phải nhận rõ cho ra con đường.

 

2. THẤY DẤU

Dọc bờ sông, dưới tàn cây

Ta nhìn ra dấu chân đầy ở quanh

Và ngay dưới đám cỏ mành

Dấu chân cũng hiện rành rành rõ thêm

Thẳm sâu rặng núi trong miền

Vết chân Trâu cũng thấy liền lộ ra

Khó mà che khuất mắt ta

Như là mũi ngước trời xa ngóng nhìn. 

3. Perceiving the Bull

I hear the song of the nightingale.
The sun is warm, the wind is mild, willows are green along the shore,
Here no bull can hide!
What artist can draw that massive head, those majestic horns?

Comment: When one hears the voice, one can sense its source. As soon as the six senses merge, the gate is entered. Wherever one enters one sees the head of the bull! This unity is like salt in water, like color in dyestuff. The slightest thing is not apart from self.

3. Thấy Trâu

Ta nghe thấy giọng hót của chim họa mi.

Vầng dương ấm áp, gió làn êm dịu,

hàng liễu xanh tươi dọc theo bờ sông,

Tại đây không trâu nào có thể ẩn núp được!

Họa sĩ nào có thể vẽ được cái đầu to lớn đó,

cặp sừng oai nghiêm kia?

 

Lời Bàn: Khi người ta nghe thấy thanh âm, người ta có thể nhận thức ra được nguồn gốc của nó. Ngay khi sáu căn hợp nhất, là đã nhập vào cửa rồi. Nhập vào trong bất cứ nơi nào người ta cũng nhìn thấy cái đầu của trâu! Sự hội nhập này giống như muối trong nước, như màu sắc trong thuốc nhuộm. Vật mỏng mảnh nhất cũng không tách riêng ra khỏi bản ngã.

 

3. THẤY TRÂU

Họa mi vẳng tiếng hót lên

Vầng dương ấm áp, gió êm dịu dàng

Liễu xanh bờ suối giăng hàng

Trâu nào có thể ẩn tàng nơi đây!

Nào ai vẽ được khéo tay

Đầu kia to lớn, sừng này oai nghi?

4. Catching the Bull

I seize him with a terrific struggle.
His great will and power are inexhaustible.
He charges to the high plateau far above the cloud-mists,
Or in an impenetrable ravine he stands.

Comment: He dwelt in the forest a long time, but I caught him today! Infatuation for scenery interferes with his direction. Longing for sweeter grass, he wanders away. His mind still is stubborn and unbridled. If I wish him to submit, I must raise my whip.

4. Bắt Được Trâu

 

Ta tóm bắt được nó sau một cuộc chống chọi khủng khiếp.
Ý chí và sức lực mạnh mẽ của nó thời vô cùng tận.
Nó vùng leo lên cao nguyên mây mù xa khuất,
Hoặc đứng dưới lũng sâu không có đường vào.

 

Lời Bàn: Nó trú ngụ ở trong rừng một thời gian đã lâu, nhưng ta đã bắt được nó ngày hôm nay! Sự mê đắm phong cảnh đã ảnh hưởng tới phương hướng của nó. Vì khao khát cỏ thơm ngon hơn, nó lang thang đi lạc. Tâm của nó vẫn còn ương ngạnh và không chịu bị kiềm chế. Nếu ta muốn nó phục tùng, ta phải giơ roi của ta lên.

 

4. BẮT ĐƯỢC TRÂU

Sau hồi chiến đấu gớm ghê

Ta nay tóm bắt Trâu kia được rồi

Trâu mang ý chí tuyệt vời

Lại thêm sức lực Trâu thời vô song

Leo cao Trâu cứ vẫy vùng

Lên cao nguyên khuất mấy từng mây che

Hay là xuống đứng dưới khe

Lũng sâu thăm thẳm có chi đường vào.   

5. Taming the Bull

The whip and rope are necessary,
Else he might stray off down some dusty road.
Being well trained, he becomes naturally gentle.
Then, unfettered, he obeys his master.

Comment: When one thought arises, another thought follows. When the first thought springs from enlightenment, all subsequent thoughts are true. Through delusion, one makes everything untrue. Delusion is not caused by objectivity; it is the result of subjectivity. Hold the nose-ring tight and do not allow even a doubt.

5. Chăn Trâu

 

Roi và dây thời cần thiết,

Nếu không thế thì nó có thể đi lạc xuống

vài con đường bụi bặm nào đó.

Được rèn luyện kỹ càng, thì nó tự nhiên trở nên hiền lành.

Rồi khi, không bị buộc ràng, nó phục tùng chủ của nó.

 

Lời Bàn: Khi một tư tưởng khởi lên thì tư tưởng khác tiếp theo sau. Khi tư tưởng đầu phát sinh từ giác ngộ, những tư tưởng kế tiếp sau thời chân thật. Do ảo tưởng, người ta khiến cho mọi vật trở nên không thật. Ảo tưởng không do tính khách quan vô tư tạo ra; nó là hệ quả của chủ quan. Hãy nắm lấy cái dây xỏ mũi cho chặt và không nên hồ nghi chút gì.

 

5. CHĂN TRÂU

Roi và dây cần thiết sao

Kẻo thân Trâu lại vẫn lao tơi bời

Xuống nơi bụi bặm mù trời

Lạc đường, lạc nẻo vào nơi nào rồi.

Được rèn luyện kỹ bởi người

Tự nhiên Trâu sẽ tới thời hiền lương

Rồi khi không bị buộc ràng

Trâu tùng phục chủ dễ dàng êm xuôi.

 

6. Riding the Bull Home

Mounting the bull, slowly I return homeward.
The voice of my flute intones through the evening.
Measuring with hand-beats the pulsating harmony, I direct the endless rhythm.
Whoever hears this melody will join me.

Comment: This struggle is over; gain and loss are assimilated. I sing the song of the village woodsman, and play the tunes of the children. Astride the bull, I observe the clouds above. Onward I go, no matter who may wish to call me back.

6. Cưỡi Trâu Về Nhà

 

Leo lên cưỡi trâu, ta chậm rãi quay trở về hướng nhà.

Tiếng sáo của ta ngân nga trong buổi chiều.

Tay gõ hợp âm nhịp nhàng, ta hòa điệu liên tục.

Người nào nghe được giai điệu du dương này sẽ cùng ta tấu khúc.

 

Lời bàn: Cuộc chống chọi này đã xong; được và mất đều tương tự như nhau. Ta hát bài ca của người tiều phu trong làng và thổi điệu nhạc của trẻ thơ. Cưỡi trâu, ta ngắm mây trên cao. Ta đi tới phía trước, mặc cho có ai muốn gọi ta trở lui.

 

6. CƯỠI TRÂU VỀ NHÀ

Leo lên Trâu cưỡi thảnh thơi

Ta quay chậm rãi về nơi hướng nhà

Sáo ta chiều vọng ngân nga

Tay ta gõ nhịp luôn hòa điệu ru

Ai nghe nhạc khúc thiên thu

Xin cùng ta tấu lên cho nhịp nhàng.

7. The Bull Transcended

Astride the bull, I reach home.
I am serene. The bull too can rest.
The dawn has come. In blissful repose,
Within my thatched dwelling I have abandoned the whip and rope.

Comment: All is one law, not two. We only make the bull a temporary subject. It is as the relation of rabbit and trap, of fish and net. It is as gold and dross, or the moon emerging from a cloud. One path of clear light travels on throughout endless time.

7. Quên Trâu

 

Cưỡi trâu, ta về tới nhà.
Ta bình thản. Trâu cũng vậy có thể nghỉ ngơi.
Bình minh vừa tới. Nghỉ ngơi sung sướng,
Ở trong căn nhà tranh của ta, ta đã cất bỏ roi và dây.

 

Lời bàn: Tất cả chỉ có một pháp, không có hai. Chúng ta chỉ mang trâu ra để làm một đề tài tạm. Nó cũng như là sự tương quan giữa thỏ và bẫy, giữa cá với lưới. Nó cũng như giữa vàng và cặn, hay mặt trăng nhô ra khỏi một đám mây. Một luồng ánh sáng trong trẻo di động suốt qua thời gian bất tận.

 

7. QUÊN TRÂU

Cưỡi Trâu thong thả trên đường

Về nhà bình thản không vương bận lòng

Và Trâu cũng nghỉ ung dung.

Bình minh vừa tới rạng hồng nơi nơi

Trong nhà tranh nghỉ thảnh thơi

Roi, dây đem cất, ta thời cần đâu.

8. Both Bull and Self Transcended

Whip, rope, person, and bull -- all merge in No-Thing.
This heaven is so vast no message can stain it.
How may a snowflake exist in a raging fire?
Here are the footprints of the patriarchs.

Comment: Mediocrity is gone. Mind is clear of limitation. I seek no state of enlightenment. Neither do I remain where no enlightenment exists. Since I linger in neither condition, eyes cannot see me. If hundreds of birds strew my path with flowers, such praise would be meaningless.  

8. Cả Trâu Và Người Đều Quên

 

Roi, dây, người, và trâu - tất cả tan vào Không.

Cõi trời này thì mênh mông đến nỗi

không tín hiệu gì có thể lưu lại dấu tích.

Làm sao mà một bông tuyết tồn tại được

trong ngọn lửa hồng mãnh liệt?

Đây là những vết chân của các vị Tổ.

 

Lời bàn: Chuyện tầm thường đã qua đi. Tâm quét sạch chướng ngại. Ta không kiếm tìm trạng thái giác ngộ. Ta cũng không lưu lại nơi không có sự giác ngộ. Vì ta không nấn ná vương vào trạng thái nào cả, mắt không thể nhìn thấy được ta. Dù cho muôn chim có rải nhiều hoa trên nẻo đường ta đi, sự tán dương như thế cũng chẳng có nghĩa lý gì.

 

8. CẢ TRÂU VÀ NGƯỜI ĐỀU QUÊN

Roi, dây, người với lại Trâu

Cùng nhau tất cả tan vào Hư Không

Cõi trời thời quá mênh mông,

Không còn dấu tích lưu trong chốn này.

Một bông tuyết mỏng manh thay

Làm sao tồn tại khi bay vật vờ

Gặp lửa hồng toả nhiệt ra.

Vết chân chư Tổ chính là đây thôi.

9. Reaching the Source

Too many steps have been taken returning to the root and the source.
Better to have been blind and deaf from the beginning!
Dwelling in one's true abode, unconcerned with that without --
The river flows tranquilly on and the flowers are red.

Comment: From the beginning, truth is clear. Poised in silence, I observe the forms of integration and disintegration. One who is not attached to "form" need not be "reformed." The water is emerald, the mountain is indigo, and I see that which is creating and that which is destroying.

9. Về nguồn

 

Phải trải qua biết bao nhiêu giai đoạn mới quay về được với cội và nguồn.
Chẳng thà nên bị mù và điếc ngay từ đầu lại hơn!
An trú trong căn nhà thực sự của mình,

chẳng hề quan tâm đến cảnh ngoài –  
Dòng sông lặng êm trôi xuôi và muôn hoa thắm đỏ.

 

Lời Bàn: Ngay từ lúc khởi đầu, chân lý đã tỏ rạng. An định trong tĩnh lặng ta quán sát đến những hình tướng của hợp và tan. Ai mà không chấp vào hình tướng thời chẳng cần bận tâm đến sắc không. Nước thời xanh tươi, núi thời sẫm màu, và ta thấy cái đang được tạo thành và cái đang bị hủy diệt.

 

9. VỀ NGUỒN

Phải qua nhiều đoạn đường đời

Mới quay về được tới nơi cội nguồn.

Từ đầu mù, điếc đi luôn

Thế mà nghĩ lại thấy còn hay hơn!

Và ta trú ngụ trong am

 Nhà mình thực sự bình an lâu rồi

Quan tâm chi đến cảnh ngoài -

Sông trôi êm lặng, hoa thời đỏ tươi.

10. In the World

Barefooted and naked of breast, I mingle with the people of the world.
My clothes are ragged and dust-laden, and I am ever blissful.
I use no magic to extend my life;
Now, before me, the dead trees become alive.

Comment: Inside my gate, a thousand sages do not know me. The beauty of my garden is invisible. Why should one search for the footprints of the patriarchs? I go to the market place with my wine bottle and return home with my staff. I visit the wineshop and the market, and everyone I look upon becomes enlightened.

10. Trong Cõi Nhân Gian

 

Đi chân không và để ngực trần,

ta hoà nhập với con người chốn dương gian.                                                                 

Quần áo ta rách rưới và lấm bụi, và ta hạnh phúc tột đỉnh.
Ta chẳng dùng đến pháp thuật để kéo dài thêm cuộc sống của ta; Giờ đây, ở phía trước ta, muôn cây khô héo trở nên tươi sống lại.

 

Lời bàn: Phía trong cánh cổng của ta, cả ngàn bậc thánh không biết đến ta. Vẻ đẹp khu vườn của ta thời vô hình. Tại sao người ta lại cần phải tìm kiếm những dấu chân của các vị Tổ. Ta đi vào khu phố chợ với bầu rượu của ta và quay trở về nhà với cây gậy. Ta ghé thăm quán rượu và nơi chợ búa, và mọi người mà ta nhìn tới đều trở thành giác ngộ.

 

10. TRONG CÕI NHÂN GIAN

Ngực trần, chân đất thảnh thơi,

Ta hòa nhập với con người dương gian.

Áo quần rách rưới lầm than,

Nhưng ta hạnh phúc vẹn toàn biết bao.

Ta nào cần pháp thuật đâu

Để mong cuộc sống thêm lâu thêm dài;

Trước ta giờ hiển lộ rồi

Muôn cây khô héo tới hồi phục sinh.

 

*

 

THƠ CHĂN TRÂU

THIỀN TÔNG

 

1. TÌM TRÂU

Trong đồng cỏ cõi nhân gian

Ta liên tục vén cỏ làn qua bên

Quyết tìm trâu, trí vững bền

Ta theo những nhánh sông hiền vô danh

Lạc vào bao nẻo loanh quanh

Lối mòn giăng mắc núi xanh xa vời

Sức suy nhược, thân rã rời

Bóng trâu nào thấy tăm hơi trong vùng

Chỉ nghe vọng giữa mông lung

Ve kêu rả rích khắp rừng đêm nay.

 

2. THẤY DẤU

Dọc bờ sông, dưới tàn cây

Ta nhìn ra dấu chân đầy ở quanh

Và ngay dưới đám cỏ mành

Dấu chân cũng hiện rành rành rõ thêm

Thẳm sâu rặng núi trong miền

Vết chân trâu cũng thấy liền lộ ra

Khó mà che khuất mắt ta

Như là mũi ngước trời xa ngóng nhìn. 

 

3. THẤY TRÂU

Họa mi vẳng tiếng hót lên

Vầng dương ấm áp, gió êm dịu dàng

Liễu xanh bờ suối giăng hàng

Trâu nào có thể ẩn tàng nơi đây!

Nào ai vẽ được khéo tay

Đầu kia to lớn, sừng này oai nghi?

 

4. BẮT ĐƯỢC TRÂU

Sau hồi chiến đấu gớm ghê

Ta nay tóm bắt trâu kia được rồi

Trâu mang ý chí tuyệt vời

Lại thêm sức lực trâu thời vô song

Leo cao trâu cứ vẫy vùng

Cao nguyên xa khuất mấy từng mây che

Hay là đứng dưới lòng khe

Lũng sâu thăm thẳm có chi đường vào.

 

5. CHĂN TRÂU

Roi và dây cần thiết sao

Kẻo thân trâu lại vẫn lao tơi bời

Xuống nơi bụi bặm mù trời

Lạc đường, lạc nẻo vào nơi nào rồi

Được rèn luyện kỹ bởi người

Tự nhiên trâu sẽ tới thời hiền lương

Rồi khi không bị buộc ràng

Trâu tùng phục chủ dễ dàng êm xuôi.

 

6. CƯỠI TRÂU VỀ NHÀ

Leo lên trâu cưỡi thảnh thơi

Ta quay chậm rãi về nơi hướng nhà

Sáo ta chiều vọng ngân nga

Tay ta gõ nhịp luôn hòa điệu ru

Ai nghe nhạc khúc thiên thu

Xin cùng ta tấu lên cho nhịp nhàng.

 

7. QUÊN TRÂU

Cưỡi trâu thong thả trên đường

Về nhà bình thản chẳng vương bận lòng

Và trâu cũng nghỉ ung dung

Bình minh vừa tới rạng hồng nơi nơi

Trong nhà tranh nghỉ thảnh thơi

Roi, dây đem cất, ta thời cần đâu.

 

8. CẢ TRÂU VÀ NGƯỜI ĐỀU QUÊN

Roi, dây, người với lại trâu

Cùng nhau tất cả tan vào Hư Không

Cõi trời thời quá mênh mông

Không còn dấu tích lưu trong chốn này

Một bông tuyết mỏng manh thay

Làm sao tồn tại khi bay vật vờ

Gặp lửa hồng toả nhiệt ra

Vết chân chư Tổ chính là đây thôi.

 

9. VỀ NGUỒN

Phải qua nhiều đoạn đường đời

Mới quay về được tới nơi cội nguồn

Từ đầu mù, điếc đi luôn

Thế mà nghĩ lại thấy còn hay hơn

Và ta trú ngụ trong am

 Nhà mình thực sự bình an lâu rồi

Quan tâm chi đến cảnh ngoài

Sông trôi êm lặng, hoa thời đỏ tươi.

 

10. TRONG CÕI NHÂN GIAN

Ngực trần, chân đất thảnh thơi

Ta hoà nhập với con người dương gian

Áo quần rách rưới lầm than

Nhưng ta hạnh phúc vẹn toàn biết bao

Ta nào cần pháp thuật đâu

Để mong cuộc sống thêm lâu thêm dài

Trước ta hiển lộ ra rồi

Muôn cây khô héo tới thời hồi sinh.

 

TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO

chuyển dịch thơ

(dựa theo bản chuyển ngữ tiếng Anh của



NYOGEN SENZAKI và PAUL REPS)

 

 



***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/01/2012(Xem: 10282)
Nếu chúng ta là người Phật tử thì ngày 23 tháng chạp không nên theo tập tục văn hóa mê tín dị đoan mua cá chép vàng về để giết hại cúng Ông Táo, việc làm ấy sai trái đạo lý...
18/01/2012(Xem: 8282)
Ai bảo thiền sưkhông biết trồng hoa chứ! Các Ngài còn trồng hoa trên đá nữa kìa. Mắt thấy sắctai nghe tiếng mà không dính là trồng hoa trên đá. Do không dính nên không cầnphải gỡ. An nhàn tự tại. Đóa hoa tâm mặc sức mà sắc sắc không không giữa muônhồng ngàn tía, biến hóa khôn lường, không đóa hoa nào dám sánh cùng. Thiền sưkhông để cho danh lợi làm hoen mờ đôi mắt, thấy là phủi liền. Cho nên các Ngàicó đôi mắt sáng, không bị nhậm nên không cần phải đeo kính viễn kính râm. Sựvật vì thế không bị đổi màu, nhãn quan vì thế không bị chinh nghiêng... Chư Phật ra đời chỉ cho chúng sanh con đường thoát khổ, khả năng thoát khổ nằm trong tầm tay của chúng ta. Bởi ta tự buộc nên ta phải tự mở.
18/01/2012(Xem: 7596)
Đại lực Độc long dùng mắt quan sát, thấy một người yếu đuối bị chết, một người mạnh khoẻ rồi cũng bị chết. Thấy vậy, Độc long bèn thọ giới một ngày xuất gia...
18/01/2012(Xem: 12751)
Theo truyền thuyết, rồng là loài vật linhthiêng, có thần thông, có khả năng làm mưa, phun ra khói, lửa, thăng, giáng,ẩn, hiện, biến hóa lớn nhỏ một cách tự tại. Kinh điển Phật giáo có nhiều huyềnthoại về Đức Phật liên quan đến rồng, chẳng hạn như: Chín rồng phun nước tắmcho thái tử khi mới đản sinh, Rồng che mưa cho Phật, Phật hàng phục hỏa long,Long vương nghe kinh Thập thiện, Long nữ thành Phật…
18/01/2012(Xem: 8946)
Tưởng không có gì reo ca trong tâm mình. Một ngày đi ngang cổng một tu viện, thấy một thầy tu áo đà vừa bước vào cửa, tay nải khoác vai nhẹ nhàng...
15/01/2012(Xem: 10298)
Sự thể hiện đích thực về đờisống của người Phật tử không phải là ngôn ngữ, kiến thức mà là hành động. Tọathiền là quan trọng; giữ tâm điềm tĩnh, lắng dịu và nghiêm túc trong quá trìnhhành thiền là cần thiết, nhưng đấy không phải là nhiệm vụ khó khăn nhất. Nhiệm vụ khó khăn nhất ấy là đem tâm nghiêm túc ấy vào trong đời sống thường nhật... Phật giáo nhận thấy rằng tất cả mọi người và mọi chúng sanh đều phụ thuộc lẫn nhau. Mặc dù thân và tâm của mọi người khác nhau nhưng mọi người vẫn tương quan với nhau.
13/01/2012(Xem: 11077)
Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền, sau khi nhận lễ phẩmcúng dường, chư Tăng thường chúc phúc cho Phật tử bằng bốn pháp: sống lâu,sắc đẹp, an vui và sức mạnh(1). Theo cách hiểu truyền thống thì sốnglâulà sự đạt thành Tứ thần túc; sắc đẹplà sự nghiêm trì giớiluật; an vuilà thành tựu Tứ thiềnvà sức mạnhlàthành tựu Ngũ lực... Theo Kinh Tăng Chi, muốn gia tăng tuổi thọ, sống lâu thì phải: làm việc thích đáng, biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ ăn tiêu hóa, du hành phải thời...
13/01/2012(Xem: 8675)
Không biết Tết có từ bao giờ vàbắt nguồn từ đâu, nhưng đúng là Tết có một cái hồn. Dù sống ở đâu và làm gì,người Việt trên khắp thế giới ít ai không rạo rực mỗi khi Tết về. Tết cũng là ngày hội lớn của cả nước đã có từ ngàn xưacho nên cái hồn của Tết cũng là một phần cái hồn của đất nước. Trong Tết có mùivị đất và nước của quê hương... Nếu so sánh với sự nhớ ơn trong đạo Phật thì nội dung nhớ ơn của người Việt rất gần gũi. Bốn ơn trong đạo Phật là ơn Tam bảo, ơn nước nhà, ơn mẹ cha, ơn chúng sanh.
12/01/2012(Xem: 8648)
Trong bốn mùa, mùa xuân biểu hiện rõ nhất sự đổi mới: cây thay lá mới,thiên nhiên trẻ lại, trời đất trong sáng và dồi dào sinh khí… Thậm chí ngay cảngười ít cảm xúc nhất cũng phải theo thiên hạ mà làm sạch nhà cửa, ăn mặc mớisạch, đi đâu cũng phải làm ra vui vẻ. Trong ý nghĩ thì chúc nhau những điều tốtđẹp tích cực, loại bỏ những ý nghĩ thô xấu tiêu cực. Quét rửa vào những ngàycuối năm, rước lộc về, thắp hương cầu khấn, chẳng phải là muốn đem về nhà cáimới, cái hên để thay thế cho những cái cũ, cái xui xấu của năm vừa qua sao?... Đổi mới là chuyển hóa cái cũ thành cái mới, cái tiêu cực thành cái tích cực. Loại bỏ cái xấu, cái tiêu cực và tích tập xông ướp (huân tập) cái tốt, cái tích cực.
12/01/2012(Xem: 11710)
Xưng là Tứ Thiên Vương bởi vì bốn vị Thiên Vương này ở bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Tứ Đại Thiên Vương là thần tướng của vua trời Đế Thích, ở núi Kiền Đà La...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]