Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thấy Biết Như Thật

27/04/202120:48(Xem: 4044)
Thấy Biết Như Thật

THẤY BIẾT NHƯ THẬT

 

Vĩnh Hảo

 

Thấy Biết Như Thật

Photo: TimHill (pixabay.com)

 

 

 

Đêm yên tĩnh. Nhìn ra khung kiếng cửa sổ chỉ thấy một màu đen, đậm đặc. Cây cối, hàng giậu, lẳng hoa, bồn cỏ, ghế đá, và con đường ngoằn ngoèo trong công viên, có thể sẽ khó cho khách bộ hành nhận ra vị trí và thực chất của chúng. Cây bên đường có thể bị nhầm là kẻ trộm đối với cảnh sát, và sẽ là cảnh sát đối với kẻ trộm (1). Giây thừng hay con rắn. Con chim hay con quạ. Con sóc hay con mèo. Người hay quỉ. Mọi vật đều một màu đen.

Trong bóng đêm, mọi thứ đều dễ trở nên ma mị, huyễn hoặc.

Gia thêm trí tưởng tượng và lôi kéo ký ức về những bất tường của cuộc sống, người ta càng dễ hoảng sợ khi đi ngang một khu vườn tối tăm, không đèn không đuốc. Dường như có ma quỉ hay kẻ ác nào đang ẩn nấp, rình mò, theo dõi người qua đường.
 

Nhưng cũng cảnh vật ấy, khi mặt trời lên, mọi thứ trở lại bình thường, chẳng gì quan trọng, chẳng gì đáng sợ. Dưới ánh ban mai, lá cây vẫn rì rào lay động theo gió sớm, chim kêu ríu rít trên nóc nhà, con sóc băng ngang hàng giậu được cắt tỉa thẳng thớm, mùi bánh mì nướng đâu đó quyện theo hương thơm từ những giò lan treo lủng lẳng, ghế đá còn ướt sương, và con đường ngoằn ngoèo vẫn uốn quanh những bờ cỏ xanh mướt.

Nhìn ra bản chất thực của mọi sự mọi vật, người ta sẽ không còn âu lo sợ hãi.

Bản chất thực, hay thực-thể, thể-tánh, là tánh không, là không có tự tánh cá biệt độc lập, mà tất cả đều duyên sinh (nương với nhau mà sinh), duyên khởi (nương với nhau mà xuất hiện). Do duyên sinh mà tất cả các pháp đều vô thường, vô ngã; chứng nghiệm tính chất vô thường, vô ngã này ngay nơi thực tại hiện tiền chính là an trú nơi niết-bàn tịch tịnh (2).

Con đường là như thế. Nhưng trước hết phải nhìn thấy con đường. Thấy, là bước đầu để vén bức màn vô minh, nhìn ra con đường (kiến đạo), sẽ không còn lạc lối nữa. Nhưng cái thấy này không đơn giản là hiểu được nguyên lý duyên sinh qua giải thích của kinh sách hay diễn giảng từ những bậc thầy. Cái thấy ấy phải là sự thức ngộ, bừng tỉnh của tri giác sau khi trải qua một quá trình tu tập, quán sát sâu xa.

Thấy biết như thật (như thật tri kiến) là nhìn sự vật như là chính nó, không có sự gán ghép, đặt tên, phân biệt từ nhận thức của mình. Mà để nhìn được như vậy, cái tôi phải biến đi. Để cái tôi biến đi, cần thực tập sâu xa và lâu dài. Vô ngã thì không còn vô minh. Nhưng không vô minh thì chỉ mới bắt đầu dợm bước lên bậc thềm tiến đến vô ngã.

Đó là đứng trên phương diện lý tánh, nói về tu tập, nội quán, để thực chứng vô ngã, đạt đến niết-bàn. Còn trên bình diện thế gian tương đối, hành giả đi vào cuộc đời thực tế với tri thức thường nghiệm, tất phải hiểu và tiếp xử với con người và xã hội trong cái khung giới hạn của luật tắc, ước lệ. Có nghĩa rằng, khi mặt trời lên, giây thừng đã rõ là giây thừng thì phải biết nó là giây thừng, không thể vì thành kiến và ảo tưởng đêm qua mà cứ một mực cho rằng nó là con rắn. Có nghĩa rằng phải-trái, tốt-xấu, đúng-sai cần phân minh, rạch ròi. Có nghĩa rằng, đây là điều thiện thì biết là điều thiện nên làm, đây là điều ác thì biết là điều ác nên tránh. Không vì cái tôi, người thân của tôi, tổ chức của tôi, đảng phái của tôi… mà lộng giả thành chân, nói trái sự thực, hành động trái lương tâm, giẫm đạp lên quyền lợi và mạng sống của người khác.

Người con Phật, thấy biết như thật trong Chân đế, và thấy biết như thật trong Tục đế. Tục đế là tướng trạng của Chân đế, là hiện tượng rõ ràng trên mặt bản thể thâm sâu u huyền. Cái rõ ràng dễ thấy mà không thấu đạt thì tri kiến về Tánh Không, về Như Lai thực tướng, cần phải xem xét lại. Huyên thiên, cao đàm về những giáo nghĩa thậm thâm mà nhận thức và hành xử thông thường lại mù mờ thiên lệch, hóa ra theo Phật bao năm thật uổng phí! Tuyên giảng giáo lý như thật mà đầu óc đầy những tà kiến, biên kiến (3): giả cho là thật, thật cho là giả; tà cho là chánh, chánh cho là tà; tôn sùng kẻ ác, hủy báng người thiện; lao tâm khổ nhọc, phí phạm thời gian cho những trò huyễn mị hư dối của thế gian, thì còn tâm chí nào để vươn đến chỗ tối thượng siêu nhiên!

 

Như vầng thái dương xuất hiện sau đêm dài huyền hoặc, đạo lý như thật khai mở cho chúng ta tri kiến như thật về tính chất vô thường, vô ngã của thế giới chúng sinh, dẫn chúng ta đi thẳng vào bản thể tịch diệt niết-bàn ở ngay nơi tướng trạng vô thường, vô ngã ấy.

Dưới ánh mặt trời, mọi ảo tượng, ảo ảnh đều tan biến. Mọi thứ đều hiển lộ. Không gì khuất tất. Không gì có thể gợi lên sự hoài nghi, mộng tưởng. Chim vẫn đậu trên cây. Cây vẫn đứng bên đường. Không có gì gọi là vô minh; cũng không có điều gọi là hết vô minh (4). Không có màn đêm nào được vén lên; chỉ là ánh mặt trời xuất hiện, quang minh, rỡ ràng.

Đức Phật đã đi vào thế giới điên đảo này trong thể cách như vậy. Nghìn năm bóng tối, chỉ trong chớp mắt, tan đi.

 

Mùa Phật Đản, Phật lịch 2565

California, ngày 24 tháng 04 năm 2021

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

 

______________

 

 

(1) Hình ảnh ẩn dụ từ câu chuyện ngụ ngôn tây phương, không nhớ của tác giả, tác phẩm nào.

(2) Vô thường, vô ngã, niết-bàn gọi chung là ba pháp ấn (tam pháp ấn). Đây là ba điều ấn chứng giáo lý đích thực của Phật. Kiến giải về ba pháp ấn này cũng có thể được xem như là nhánh khởi đầu của Bát Chánh Đạo (Chánh kiến - tri kiến chân thực). Lý thuyết nào đi ngược tri kiến này đều là lầm lạc, không phải Phật thuyết.

(3) Tà kiến và biên kiến là 2 trong 5 ác kiến – còn gọi là ngũ lợi sử, tức là những loại phiền não linh lợi, thuộc về nhận thức, dễ dẹp trừ hơn những phiền não căn bản (ngũ độn sử). 5 ác kiến này gồm 1. Thân kiến: chấp vào sự tồn tại của tự thân, tự ngã; 2. Biên kiến: chấp thiên lệch một bên, như cho rằng ngã là thường còn (thường kiến) hoặc mất hẳn (đoạn kiến) sau khi chết; 3. Tà kiến: không tin nhân quả; 4. Kiến thủ: chấp trước sự sai lầm cho là chân thực. 5. Giới cấm thủ: chấp chặt vào những qui luật hay giới cấm phản tự nhiên, không chân chính, cho rằng có thể theo đây mà đạt cứu cánh niết-bàn.

(4) “Vô vô minh, diệc vô vô minh tận,” không có vô minh, cũng không có hết vô minh (Bát Nhã Tâm Kinh).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/11/2020(Xem: 10921)
Lái buôn tên gọi Tàu Dư Mỗi năm gần Tết thường ưa mang hàng Đi xa, đến một xóm làng Bán buôn quen biết đã hằng bao năm Vì chàng tính chẳng khó khăn Cho nên công việc kiếm ăn dễ dàng
06/11/2020(Xem: 9187)
Thiền sư thường huấn luyện trò Tự mình diễn tả ý cho rõ ràng. Có hai thiền viện trong làng Mỗi nơi đều có một chàng thiền sinh Vừa trai trẻ, vừa khôn lanh Theo thầy hầu cận, học hành từ lâu.
05/11/2020(Xem: 10924)
Bắt đầu năm 1989, theo học lớp Cử nhân Văn Khoa của Trường Đại Học Tổng Hợp (nay là trường Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn tại đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM, Việt Nam), tôi thích trầm tư đắm mình trong những giây phút tuyệt vời ở góc chùa hoặc thư viện của trường để mặc cho chữ nghĩa danh ngôn bất hủ dẫn dắt mình trong vẻ đẹp của nhân cách hướng thượng.
05/11/2020(Xem: 5571)
Mặc dù đạo Phật chưa bao giờ phát triển một phong trào truyền giáo, nhưng ánh sáng như Nhật Nguyệt, Từ bi, Trí tuệ, Hùng lực của Đức Phật đã tỏa chiếu khắp muôn nơi trong suốt gần 26 thế kỷ: trước nhất là Đông Nam Á, rồi xuyên qua Trung Á đến Trung Hoa và vùng còn lại là của Đông Á và cuối cùng đến Tây Tạng, Bhutan và các vùng xa hơn ở Trung Á.
04/11/2020(Xem: 5242)
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 ​​diễn ra vào thứ Ba, ngày 3 tháng 11 năm 2020, là cuộc bầu cử tổng thống thứ 59 liên tục bốn năm một lần trong lịch sử Hoa Kỳ. Cuộc bầu cử này bầu chọn một tổng thống và phó tổng thống. Khi công dân Mỹ đi bỏ phiếu và các lá phiếu được tính cho cuộc bầu cử Tổng thống, cũng như các cuộc tranh cử cấp quốc gia và tiểu bang khác, nhiều vị giáo thọ và cộng đồng Phật giáo đang cung cấp các buổi tu tập thiền định trực tiếp và ảo. Trong khi gần như tất cả các sự kiện sẽ được tổ chức trực tuyến do đại dịch Covid-19, một số sự kiện trực tiếp được lên kế hoạch ở không gian ngoài trời.
04/11/2020(Xem: 8275)
LỜI GIỚI THIỆU TẬP THƠ NHẠC “LỐI VỀ SEN NỞ” TỪ THƠ CỦA THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG Trong đầm gì đẹp bằng sen Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng Nhị vàng bông trắng lá xanh Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. (Ca dao Việt Nam)
04/11/2020(Xem: 5450)
Trước màn hình computer, lướt qua hàng loạt hình ảnh ngập tràn cảm xúc giữa nạn nhân bão lũ, các đoàn từ thiện của chư Tăng ni và quần chúng tự phát. Với cái sống và chết đang đe dọa trong vùng thiên tai, thế mà bao tấm lòng phương xa miền Nam vẫn can đảm ngập lặng trong nước, chìm đắm trong mưa và gió lạnh, để đến trao tận tay những phần quà tình nghĩa. Ca sĩ Thủy Tiên quên cả ăn, uống vội hộp sữa cho qua cơn đói. Tô mì ăn liền nóng hổi cũng tranh thủ dưới vành nón che mưa, hình ảnh đẹp hơn cả khi bảnh bao dưới ánh đèn màu trên sân khấu; ôi, cái đẹp tuyệt trần tình người mà bao lâu Thủy Tiên đã thấm đượm tinh thần từ bi nơi cửa Phật.
04/11/2020(Xem: 5319)
Ở trong một ngôi nhà do nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc xây dựng gần thủ đô Lhasa của Tây Tạng, một trong những thành phố cao nhất thế giới, anh Sunnamdanba một cư dân nói với các nhà báo nước ngoài, trong một chuyến du lịch do chính phủ tài trợ về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cải thiện đời sống đến mức nào, và tôn giáo đã trở nên không liên quan.
03/11/2020(Xem: 4773)
Phước Hoa Mây Vẫn Trắng Cỏ Cây Lá Vẫn Xanh Ngàn Năm Hương Sen Tỏa Vườn Ươm Mộng Pháp Lành
03/11/2020(Xem: 6051)
Trong những năm tháng còn theo đuổi thú sưu tầm Tem & “Vật phẩm bưu chính” (phong bì FDC ngày phát hành đầu tiên, bì thư thực gửi, bưu ảnh...) về đề tài “Phật giáo”, tôi hữu duyên gặp và sở hữu được một bưu ảnh (postcard) không dán tem ,cũng như không có dấu nhật ấn của bưu điện, giá trị không cao không quý gì mấy đối với những người chuyên sưu tập tem thư, nhưng với tôi thì tôi cho là... vô giá.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]