Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nguồn Gốc Kỳ Diệu: Cuộc Đời Của Những Ứng Thân Lạt Ma Người Tây Phương

31/03/202108:53(Xem: 16965)
Nguồn Gốc Kỳ Diệu: Cuộc Đời Của Những Ứng Thân Lạt Ma Người Tây Phương

Nguồn Gốc Kỳ Diệu: Cuộc Đời Của Những Ứng Thân Lạt Ma Người Tây Phương

Andrea Miller/Lê Diễm Chi Huệ Việt dịch
Nguon-Goc-Ky-Dieu-000

 

Như bao đứa trẻ bình thường nhưng chúng được thừa nhận là tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng, ba ứng thân người Tây Phương chia sẻ với Andrea Miller về trải nghiệm khi lớn lên và cảm nghĩ hiện tại của họ về ngã rẽ thú vị của đời mình.

Như những đứa trẻ Canada khác, Elijah Ary lớn lên tại Moreal với bố mẹ và hai người chị. Cậu bé thích chơi khúc côn cầu và lười học. Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, điều khiến Elijah khác với các đứa trẻ khác là Elijah là tái sanh của một vị Lạt Ma.

Khi còn bé, bố mẹ Elijah điều hành một trung tâm thiền, được nhiều vị thầy nổi tiếng và giới học giả viếng thăm.  Elijah không quan tâm gì cho đến một hôm vị sư tên Khensur Pena Gyaltsen ghé thăm.

Lúc đó, Elijah bốn tuổi, bắt đầu kể về những người mà cậu biết, những người với những cái tên Tây Tạng. Cậu mô tả về ngôi nhà tại các ngọn núi mà một trong những vị Lạt Ma đã từng sống cùng những con gấu vàng sống quanh vùng núi đó.

Cậu nói rằng: “Nếu sự có mặt của tôi có ý nghĩa, đó là vì tôi làm nhiều điều tốt cho thế giới này. Tôi không cần phải là một vị Lạt Ma tái sinh để làm việc đó”

Bố mẹ cậu đều lấy làm thích thú với sự tưởng tượng của đứa con mình, nhưng vị sư Pena Gyaltsen cho rằng Elijah Ary không chỉ nói một cách bâng quơ, dễ thương, mà ông ngạc nhiên vì ông biết những vị Thầy mà cậu bé kể lại.

Pema Gyaltsen tìm hiểu thêm về tiền kiếp của cậu bé và cuối cùng quả quyết rằng cậu bé là Geshe Jatse, một vị Lạt Ma viên tịch vào những năm 1950. Sau đó, bố mẹ cậu nhận được một bức thư từ một tu viện tại Ấn Độ. Thư viết rằng: “Ông bà đang nuôi dưỡng vị Thầy tổ của chúng tôi.  Xin hãy giao cậu bé lại cho chúng tôi trong thời gian sớm nhất.”

Elijah bây giờ đã bốn mươi tám tuổi, và là một trong những người Phương Tây được công nhận từ nhỏ là ứng thân của các vị Lạt Ma. Ứng thân luôn là một người nam và là người được công nhận là một vị Lạt Ma trong kiếp trước.

Hầu hết các vị được công nhận là ứng thân thường là gốc Tây Tạng. Tuy nhiên có một vài trường hợp ngoại lệ tính luôn ba vị ứng thân Tây Phương mà bây giờ đang là tuổi thành niên. Họ chia sẻ với tôi về ngã rẽ thú vị trong cuộc đời họ khi họ được công nhận là ứng thân Lạt Ma.  Trải nghiệm của họ không phải dễ dàng, không nói là kỳ diệu.

Hệ thống chọn lựa các ứng thân có mặt tại Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám, dựa trên niềm tin các vị Bồ Tát sẽ tái sanh để cứu độ chúng sinh và sự tái sanh của họ có thể nhận ra được.  Ngoài các dòng ứng thân nổi tiếng như Đạt Lai Lạt Ma và Karmapa còn có các dòng ứng thân khác.

Học giả Phật giáo Amelia Hall cho rằng việc suy tôn ứng thân ngoại quốc có chủ lực chính trị vì Phật giáo Tây Tạng trở thành quốc tế và bà nói thêm rằng:"Ai biết được điểm tương đồng giữa một người bình thường và một người khác biệt? Việc có mặt ứng thân tại Phương Tây là điều dĩ nhiên. Họ có mặt để trợ giúp.". Bà phát biểu với cương vị là một Phật tử chứ không phải là một học giả.

Trong khi các bậc cha mẹ Tây Tạng lấy làm hãnh diên gửi các con họ là các ứng thân Lạt Ma đến các tu viện thì bố mẹ Elijah lại lo lắng con mình phải sống với những người mà họ không hề biết.  Tuy vậy, họ nhận ra rằng cuộc sống Phương Tây không thích hợp với con mình.

Lúc ba tuổi, Elijah và các bạn học vẽ về nơi chúng thích nhất và chia sẻ với nhau về điều mình vẽ. Elijah vẽ cung điện Potala và nói rằng cậu thích nơi đó bởi vì đó là nơi đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng sống. Mấy đứa bạn lại hỏi cậu đã từng sống ở đó chưa và cậu trả lời rằng kiếp trước cậu đã từng sống ở đó nhưng kiếp này thì không.
Nguon-Goc-Ky-Dieu-001


Hình cậu bé Elijah Ary trong chiếc y với một vị thầy nổi tiếng Lama Thubten Yeshe tại Viện Vajrapani, California năm 1983.  Vị Lạt Ma Yeshe viên tịch năm 1984; Tenzin Osel Hita được công nhận là tái sanh của ông.

Elijah cảm thấy khác biệt với chúng bạn và học không giỏi lắm.  Tình hình xấu hơn khi cha mẹ cậu ly dị. Ba cậu nghẹn ngào nói: "Mọi việc thật đau lòng. Giờ tôi mới biết, Elijah chỉ tiến thân tốt nhất trong cuộc đời là sống một đời sống là ứng thân một Lạt Ma Tây Tạng."

Cuối cùng, vào năm 14 tuổi, Elijah chuyển về sống tại tu viện Sera, miền nam Ấn Độ.  Chương trình học tại các trung tâm Phật giáo bên Tây Phương không đáp ứng đủ cho môi trường mới. Cậu nói: " Các tu viện Phật giáo Tây Tạng là một môi trường văn hóa xa lạ. Thoạt đầu tôi cảm thấy lạ lẫm nhưng rồi cũng quen dần. Tôi thích nghi nhanh chóng. Mẹ tôi ví sự thích nghi của tôi như cá về với nước".

Elijah chưa bao giờ thích chuyện học hành bỗng nhiên lao vào con đường trở thành một học giả. Cậu nói:"Tôi có nhiều vị Thầy tuyệt vời và nhiều bạn tốt. Học giáo pháp trong môi trường đó thật là một kinh nghiệm mở mắt. Nó trở thành một điều không phải dựa trên tôn giáo mà trên thực tiển và triết lý"

Đối với cậu, sống bên cạnh những người công nhận danh tánh ứng thân của cậu là một điều mới mẻ. Cuộc sống tại tu viện có những khó khăn riêng. Là một người ngoại quốc, Elijah cố gắng hiểu mọi sự tinh tế của văn hóa Tây Tạng, những điều được hiểu ngầm và cả những mong đợi. Cuối cùng, sự chênh lệch giữa hai văn hoá lên đỉnh điểm và Elijah cảm thấy mình không được đón nhận. Cậu cho biết "Có nhiều căng thẳng xảy ra giữa tôi và các vị chăm sóc mình đến độ tôi bị cấm vào phòng trong căn nhà tôi đang ở." Cậu nói tiếp: "Họ khuyên tôi nên rời đi."

Trước khi về lại Canada, Elijah đến Dharamsala để thỉnh ý Đức Đạt Lai Lạt Ma về bước kế tiếp và được Ngài khuyên nên học về Tâm Lý Học bởi nó sẽ giúp ích cho cậu mang nhiều điều tốt lành đến cho nhiều người.

Elijah đồng ý với ý kiến của Ngài. Các trường đại học tại Canada không nhận Elijah vì điểm của Elijah không được tốt và lại thiếu các lớp dự bị. "Vậy là tôi không nghĩ đến môn Tâm Lý Học nữa, nhưng khoa tôn giáo thì lại nhận tôi", Elijah kể lại.

Elijah tiếp tục học xong bằng tiến sĩ tại đại học Harvard. Cuộc Đời Uỷ Quyền: Tiểu Sử và Sự Hình Thành Danh Tánh Dòng Cách Lỗ là một phần trong bài luận văn tiến sĩ được xuất bản bởi nhà phát hành Widom Publications.

Nguon-Goc-Ky-Dieu-002

Sau một thập niên là giáo sư Phật học tại Paris, Elijah bây giờ là nhà trị liệu tâm lý. Elijah và người yêu thời thơ ấu có với nhau một cậu con trai.

Năm 1996, Elijah cưới người yêu thời ấu thơ. Mười lăm năm sau, người mẹ vợ qua đời và đó là một chấn động lớn đối với Elijah. "Câu hỏi lớn nhất của tôi là nếu tôi chết đi trong vòng một tháng nữa, liệu tôi có thoả mãn với những gì tôi đã làm trong cuộc đời mình" Câu trả lời sẽ là "không", cậu nói. Ngay khi đó, cậu chợt nhớ đến lời khuyên của Đức Đạt Lai Lạt Ma về môn Tâm Lý Học.

Ngày nay, Elijah là nhà trị liệu tâm lý, một môn trị liệu kết hợp với Giáo pháp. Nghĩ về quá khứ, Elijah cho biết ông cũng đã chuẩn bị tâm lý nếu con trai mình, hiện giờ mới năm tuổi một ngày nào được thừa nhận là một ứng thân thì "tôi đã trải qua những điều khó khăn đó rồi, và tôi sẽ chuẩn bị một chương trình học vấn cho con tôi, một chương trình mà  nhiều ứng thân đều cần, và sau đó cả gia đình chúng tôi sẽ cùng nhau đến sống tại tu viên."

Elijah có thật sự tin rằng ông ta là một Lạt Ma Tây Tạng kiếp trước không? Ông thừa nhận rằng mình từng suy nghĩ có thể đó chỉ là một màn trình diễn Truman- Một trò lừa. Tuy nhiên có quá nhiều sự trùng hợp giữa cuộc đời ông và vị Lạt Ma kia khiến ông tin rằng mình thật sự là một ứng thân.

Ông nói:“Nếu người nào cho tôi một lời giải thích khác có lý thì tôi vẫn sẽ chấp nhận. Tôi không cần phải làm một ứng thân. Điều đó không quan trọng đối với tôi.  Điều quan trọng là sự hiện hữu của tôi có ý nghĩa và tôi làm những điều tốt lành bằng cách giúp đỡ người khác trong cuộc đời này.

Một ứng thân gốc Mễ Tây Cơ tên Tenzin Osel Hita nói: “Tôi là một người phóng khoáng, tự do. Tôi không thích luật lệ. Tôi nghĩ mục đích chủ yếu của tôi là buông bỏ bớt sự mong đợi, mọi lý tưởng hóa và cũng có thể là chút truyền thống.

Nối gót Đức Đạt Lai Lạt Ma, Osel tin rằng điểm quan trọng của hệ thống chọn lựa ứng thân là để bảo tồn và trao truyền giáo pháp của Đức Phật. “Giáo pháp có thể giúp bạn hiểu rõ về chính mình và nhờ đó bạn sẽ cải thiện đời sống mình. Đó là điều vô cùng đặc biệt và thuần khiết mà không bị ảnh hưởng bởi sự nhồi nặn và khái niệm từ người khác”, Ông nói.
Nguon-Goc-Ky-Dieu-003


Tenzin Osel Hita bắt đầu học tiếng Tây Tạng lúc ông còn rất nhỏ nên nó như là tiếng mẹ đẻ của mình. Dạo này ông quan tâm nhiều về các đề án nhân đạo và cố tránh sự tôn vinh là một ứng thân. Ông nói: " Nếu tôi giúp được ai tôi sẽ giúp ngay".

Osel một thời là một người tự do và rất mộ giáo pháp đồng thời chia sẻ với các vị sư khác. Ông được cho là ứng thân của Lạt Ma THubten Yeshe.

Lạt Ma Yeshe thường nói đùa rằng ông là một kẻ lập dị bỏ học.  Trong lớp dạy nổi tiếng của ông tại tu viện Kopan ngoài thành phố Kathmandu và tổ chức Bảo Tồn Truyền Thống Kim Cang Thừa, ông và học trò mình là Lạt Ma Zopa giảng dạy Phật pháp cho hàng ngàn người ngoại quốc. Ông viên tịch năm 1984. Các đồ đệ của ông liền cầu mong sự tái sanh của thầy mình.

Một năm sau, Osel đầu thai làm con của Maria Torres và Francisco Hilta, cả hai là học trò của Lạt Ma Yeshe.  Osel là một đứa bé điềm đạm, đầy ưu tư và nhiều người cũng cho rằng tính cách Osel giống Lạt Ma Yeshe.  Lạt Ma Zopa là người tìm kiếm nơi Thầy mình tái sanh đồng thời tìm hiểu thêm về Osel và các ứng thân khác.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Osel là ứng thân của Lạt Ma Yeshe và Lạt Ma Zopa quyết định làm cuộc trắc nghiệm.  Ông đưa ra những món đồ vật của của Lạt Ma Yeshe cùng các món đồ vật tương tự khác và bảo Osel chọn những món thuộc về Lạt Ma Yeshe.  Osel lúc đó vẫn là một đứa bé mới bước đi chập chững vớ lấy tràng chuỗi hạt và cái chuông của Lạt Ma Yeshe.

Khoắc lên mình chiếc y và chiếc nón màu vàng, cậu bé được suy tôn là ứng thân Lạt Ma Yeshe.  Buổi lễ trở nên đặc biệt hơn đối với cậu vì đó là lúc cậu được nhìn thấy bố mẹ mình còn vui vẻ. Họ ly thân sau đó và cậu bé bắt đầu cuộc sống tự lập và xa họ kể từ đó.

Bước đầu, cậu sống tại tu viện tại Nepal và Thuỵ Điển. Đến bảy tuổi, cậu dời đến tu viện Sera, nơi mà cậu nói rất quạnh quẽ lúc bấy giờ.  Cậu kể lại: "Chúng tôi có ba giờ đồng hồ có điện vào ban ngày, và ban đêm hoàn toàn dùng đèn cầy. Các vị mang cho chúng tôi một bình sữa còn ấm và chúng tôi phải nấu lại.  Không có điện thoại, không vào mạng được và cũng không có TV. Có thể có người có radio."

Osel tranh thủ dành thời gian rảnh rỗi ngồi xích đu sau nhà đọc truyện giả tưởng. Tuy nhiên, chương trình đào tạo tại tu viện không phải dễ dàng.

"Tôi nghĩ mục đích của tôi là phá bỏ sự mong đợi từ người khác". Ông nói.

Các vị giáo thọ và người săn sóc đến rồi đi. Một vị giáo thọ luôn có mặt trong cuộc đời Osel và họ chia sẻ với nhau một hoặc hai tiếng mỗi ngày.

"Thầy tôi như một người cha, người mẹ vậy. Thầy luôn tử tế và đầy lòng yêu thương. Ông dạy tôi rất nhiều điều và làm gương cho tôi về những điều ông dạy"

Osel nói sống ở tu viện là một điều vinh dự, một món quà mà ông biết ơn mình đã có cơ hội đó.  Vào thời điểm đó, ông giải thích rằng ông rất tò mò về nền văn hóa Tây Phương và muốn tìm hiểu mình thật sự là ai ngoài vòng giao tiếp của tu viện.  Ông thắc mắc bên ngoài sẽ đối xử với ông thế nào khi họ không nghĩ ông là ứng thân hay một vị sư.

Năm mười tám tuổi, Osel rời tu viện. Mới đầu, ông về Canada và lấy bằng trung học. Sau đó, ông qua Thụy Điển học khoa học nhân văn xã hội. Mong muốn được tự do và thoải mái hơn, ông nghỉ phép sáu tháng để bắt đầu cuộc thám hiểm nước Ý.

Từ năm 2006 đến 2008, Osel tập sự làm phim tại Bologna dưới sự hướng dẫn của nhà làm phim đạt giải Emmy Award, Matteo Passigato, và ra mắt cuối phim đầu tiên vào năm 2012 có tựa đề Hãy Là Bản Thể Của Chính Mình. Đó là cuốn phim tài liệu về phương pháp giúp người hiện đại kết nối với những phướng cách tâm lý cổ truyền để sống một cuộc đời hạnh phúc, ý nghĩa hơn.

Khi còn là một sinh viên, Osel chưa bao giờ nói với ai ông là một ứng thân. Nếu ai vặn hỏi về lý lịch, ông chỉ nói ba mẹ mình theo đạo Phật và ông lớn lên bên Ấn Độ.  "Đối với tôi, không nói về lai lịch của mình làm cho người khác dễ giao tiếp với tôi và ngược lại". Ông nói.

Tuy vậy, Osel thỉnh thoảng cũng hành hoạt như một ứng thân nếu điều đó đem lại lợi lạc cho người khác, nhưng khi biết có kẻ muốn lợi dụng thì ông từ chối ngay.  "Chúng ta không cần những thứ rắc rối. Tất cả đều là con người. Chúng ta đang phấn đấu. Chúng ta luôn học hỏi lẫn nhau", Ông nói.

Từ năm 2008 đến 2013, Osel là thành viên hội đồng quản trị  của tổ chức Bảo Tồn Truyền Thống Kim Cang Thừa. Bắt đầu từ năm 2010, ông giảng pháp tại các trung tâm của tổ chức tại Châu Âu, Mỹ và Brazil.  Hiện tại, ông là đồng giám đốc Trung Tâm Thiền Tushita tại Tây Ban Nha.  Trên trang nhà tổ chức Bảo Tồn Truyền Thống Kim Cang Thừa có trang trọng đăng lời trích dẫn của Osel: "Không có sự ngăn cách giữa tôi và tổ chức Bảo Tồn Truyền Thống Kim Cang Thừa... Chúng ta cùng chung tay đóng góp trên nhiều lĩnh vực. Nhân đạo là ngôi nhà của chúng ta"

Năm 2015, Osel dẫn đầu một cuộc hành hương tại Ấn Độ và Nepal trong lúc vụ động đất xảy ra. Vì lẽ đó ông đồng sáng lập dự án từ thiện Hồi Sinh Nepal. Gần đây nhất, ông tiên phong chương trình Global Tree Initiative, một dự án kết nối nhiều người để tìm ra phương cách giảm hiệu ứng nhà kính bằng cách trồng cây. Hiện nay, ông sống tại Valencia, Tây Ban Nha nơi mà ông chia sẻ quyền chăm sóc đứa con ba tuổi tênTenzin Norbu.

Ông cho biết: "Tôi cảm thấy may mắn vì có thể dành thời gian cho con mình vào bất cứ lúc nào, và con tôi có cả tình thương cả bố lẫn mẹ, điều mà tôi chưa bao giờ có được."

"Văn hoá Tây Tạng là một phần văn hoá của tôi. Đó là điều tôi có thể dạy Norbu. Tôi nói chuyện với con bằng tiếng Tây Tạng và khi thằng bé đến độ tuổi nào đó, tôi sẽ đưa nó qua Dharamsala để học cùng với bọn trẻ Tây Tạng.  Chúng tôi sẽ sinh sống tại tu viện vì tôi luôn về thăm các vị sư ở đó", Ông nói.

Ứng thân Bino Naksang, gốc Tây Tạng cho rằng các vị sư Tây Tạng suy tôn người ngoại quốc là ứng thân là một điều thất bại. Lý do là một người Tây Phương được đào tạo tại các tu viện sau một thời gian, văn hoá Tây Phương vốn đã thấm nhuần trong họ, bắt đầu thấy những điều không ổn với chương trình đào đạo tại tu viện. Họ sẽ hướng đến lý tưởng Phương Tây về nhân quyền và quyền tự do ngôn luận. Ông nói thêm rằng không chỉ tư tưởng Tây Phương ảnh hưởng các ứng thân Tây Phương mà các ứng thân Tây Tạng cũng lâm vào trường hợp tương rự, và cuối cùng các vị sẽ từ bỏ việc tu hành"

Một số ứng thân Tây Tạng, chưa chuẩn bị tâm lý cho đời sống thế tục sau khi rời tu viện, lại đi vào con đường nghiện ngập. Một số khác có cuộc sống tốt hơn. Tulku Bino cho biết: "Hôm qua tôi mới nói chuyên với một người bạn, vốn là một ứng thân, hiện tại vui sống với nghề lái Uber tại New York."

Về bản thân, Tulku Bino luôn được vị giáo thọ bảo phải cố gắng lo học để sau này giúp chúng sinh. Ông chia xẻ:"Tôi thường nghĩ tại sao tôi phải quan tâm đến chúng sinh khác? Còn tôi thì sao? Là một đứa bé, cảm tưởng bổn phận phải cứu giúp mọi chúng sinh quả tình thật quá nặng nề. Tôi bắt đầu chống lại ý tưởng đó và khi họ muốn tôi làm gì thì tôi làm mọi điều ngược lại."

Sau khi Tulku Bino rời cuộc sống tu viện, ông dời về Mỹ và hiện tại sống cùng người vợ là học giả Amelia Hall và người con gái mười ba tuổi.

Ông nói: "Điều tôi không đồng ý là những rắc rối của hệ thống đào tạo các ứng thân. Tôi là một người tái sanh và chắc chắn 100% về điều đó. Vấn đề là ở cách vận hành hệ thống. Nó xâm lấn ý nghĩa thật sự của Giáo pháp, và tôi nghĩ qui trình tái sanh, nhận diên và đào tạo ứng than sẽ mai một.  Đức Đạt Lai Lạt Ma nói Ngài là Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài sẽ không tái sinh. Điều mà Ngài ngụ ý là qui trình đó sẽ hoàn toàn biến mất."
Nguon-Goc-Ky-Dieu-004


Trong xã hội Tây Tạng, qui trình đào tạo ứng thân có hai chức năng tâm linh và thực tiễn, cả hai kết hợp nhau và khó tách rời. Hệ thống này được đặt ra nhằm mục đích đào tạo các ứng thân từ thế hệ này sang thế hệ khác. Là người thừa kế các dòng truyền thừa, các ứng thân được tập luyện bởi các vị tiền bối của họ và họ thừa hưởng mọi di sản của các vị tiền bối của mình. Mục đích cao đẹp của hệ thống này là truyền giáo pháp và giúp người ta tỉnh thức.  Nhưng Tulku Bino cho rằng chủ đích là giúp chúng sanh nhưng đồng thời cũng dính dáng rất nhiều vấn đề vật chất.

Một số người trong cộng đồng Tây Tạng, ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã đề cập việc lựa chọn các vị lãnh đạo thay vì tiếp tục suy tôn các ứng thân. Tuy vậy không phải ai cũng hưởng ứng ý kiến đó bởi họ tin rằng hệ thống đào đạo ứng than mặc dù không hoàn thiện nhưng mang đến nhiều lợi lạc cho xã hội Tây Tạng.

Tulku Bino thấy được điều đó. Đức Đạt Lai Lạt Ma là bằng chứng điển hình của hệ thống đào tạo ứng thân giúp nhiều người tỉnh thức. Ngài chỉ là một cậu bé được sinh ra trong một gia đình bình thường tại một vùng hẻo lánh Tây Tạng nhưng khi Ngài đã nắm giữ nhiều chức vị uy tín trong Tây Tạng và cuối cùng có tầm ảnh hưởng cả thế giới.

Tuy nhiên việc công nhận các ứng thân Tây Phương chưa được cho là giúp ích gì cho Phật giáo Tây Tạng. Lý do chính có lẽ là hệ thống lựa chọn ứng thân không mấy thích hợp với văn hoá Phương Tây.  Các em bé Tây Phương được công nhận là ứng thân vào năm 70s và 80s đều sinh ra từ các bậc cha mẹ được qui y Phật, được học với các vị sư Tây Tạng. Dù vậy vẫn có sự khác biệt văn hóa khi được đào tạo theo qui trình truyền thống.

Tulku Bino kết luận rằng người ngoại quốc nên có đạo Phật riêng của họ. Hệ thống này đặc biệt dành cho người Tây Tạng và ông không nghĩ rằng nó thích hợp với một nền văn hoá khác.

Khi ứng thân người Mỹ Wyatt Arnold được hỏi ông cảm thấy thế nào nếu đứa con trai bốn tuổi của mình được chọn là ứng thân, ông trả lời rằng ông không nghĩ đến điều đó làm gì.

Ông nói thêm: "Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, không phải vì nó là ứng thân hay không mà tôi nghĩ các việc chọn lựa ứng thân người ngoại quốc xẩy ra quá nhiều và sẽ không còn hữu hiệu."

Phật giáo Phương Tây thiếu một vẻ đặc trưng văn hoá tu viện . Vì vậy, Wyatt nói: "Phương Tây không có môi trường thích hợp cho các vị được chọn là ứng thân hiểu về vị trí của mình hay chính thức trở thành những người thực hành giáo pháp.  Không có hệ thống đó việc chọn lựa các ứng thân không có ý nghĩa gì."

Trẻ con thường thiếu trưởng thành về tâm lý và sự nhận thức. Nếu cho chúng một chức danh cao quý thì chúng ta phải có một hệ thống để giúp chúng phát triển. Với trải nghiệm của ông thì đó là một thiếu sót.
Nguon-Goc-Ky-Dieu-005


Hình Wyatt Arnold ngồi trên ngai vàng bên cạnh Ngài Chagdud Tulku Ripoche, một vị giáo thọ dòng Nyingma, người công nhận ông là ứng thân lúc năm tuổi.

Sinh năm 1987, Wyatt được thừa nhận là ứng thân của Ngài Chagdud Tulku Rinpoche, một vị giáo thọ Tây Tạng tại trường dòng Nyingma, người được nhiều người Phương Tây biết đến.  Wyatt được suy tôn vào lúc năm tuổi nhưng mẹ cậu bé từ chối gửi cậu đi đến tu viện và cậu bé lớn lên tại Oregon, California và Colorado.

Đôi khi một trong những thầy cô giáo biết ông là một ứng thân và mời ông chia sẻ cho cả lớp biết. Ông thú nhận: "Tôi không cảm thấy khó chịu và tôi thường nhận lời bởi tôi thích được sự chú ý."

Wyatt lấy làm băn khoăn về sự khoa trương và là một ứng thân thì bổn phận của mình là gì và mình có hoàn thành trách nhiệm của mình hay chưa. Điều này khiến ông nổi loạn và ông đã ăn chơi nhiều trong năm đầu đại học.  Để cân bằng lại, ông qua Ấn Độ học với Ngài Dzongsar Khyentse Ripoche và ở đó học cho đến năm năm.

Ông nói "Đó là một trải nghiệm thay đổi tuyệt vời".  Ông đến Ấn Độ với suy nghĩ non nớt về mọi thứ và sau đó thì học hỏi những điều quan trọng trong cuộc đời.

Wyatt không còn quan tâm là một ứng thân nữa bởi điều đó làm cản trở cuộc đời ông. Tuy nhiên, ông đã để lại một dấu ấn. Ông cho biết "Nhiều thói quen của tôi đến từ danh xưng đó. Tôi vẫn còn chút bản ngã và chút thiếu tự tin về việc tôi có hoàn thành trách nhiệm của mình hay không".
Nguon-Goc-Ky-Dieu-006

 


Wyatt bây giờ là một kỹ sư, một người chồng, và một người cha.  Khi được hỏi ông có tin ông là một ứng thân không. Ông nói: "Tôi nghĩ điều đó thật sự không còn quan trọng. Cá nhân tôi cảm thấy mình thành công bởi vì tôi có thể chăm sóc bản thân tôi và gia đình tôi. Tôi không có bực bội hay hối tiếc gì.

Tôi rất yêu giáo pháp. Đó là sự thành công 100% rồi. Nếu bạn định nghĩa một ứng thân là người nối dòng và hiểu giáo pháp thâm sâu mà có thể trao truyền đến người khác thì tôi không làm được điều đó."

Ngày nay, Wyatt là một kỹ sư công chánh và đang học cao học.  Sự thay đổi từ sự nghiệp đến việc dạy dỗ con cái làm ông rất bận rộn và không còn nhiều thời gian để hành thiền. Ông nói nếu gọi cách hành thiền lúc có lúc không chỉ trong vài giây thì quả thật nói quá. Ông tập trung tỉnh thức trong lúc suy nghĩ, hành động, cảm xúc và nhớ đến lời Phật dạy.

Wyatt từng là vị sư. Bây giờ ông không nghĩ mình là người xuất gia nữa nhưng ông rất muốn thấy Giáo pháp nở rộ tại Phương Tây. Ông nói: "Tôi nghĩ nếu bất cứ ai là người con Phật đều cũng mong muốn như vậy. Truyền dạy giáo pháp là một lẽ nhưng đó không phải là điều tôi đang làm. Mục đích của tôi không còn là việc giảng dạy mà người thật sự thực hành giáo pháp để có thể hiểu nó một cách thâm sâu hơn".

Khi được hỏi nếu ông có tin ông là tái sanh của một vị Lạt Ma đã viên tịch, ông nói ông thường nghĩ như vậy trong quá khứ. Bây giờ thì ông không nghĩ đến việc đó nữa. “Điều đó thật sự không quan trọng. Điều quan trọng là tôi vẫn còn quan tâm, hiểu, thực hành và áp dụng giáo pháp"

Theo Elijah Ary, lần cuối cùng ông nhớ lại tiền kiếp của mình là lúc ông cùng vợ viếng thăm tu viện ở Tây Tạng, nơi mà các vị tiền bối của ông đã sống. Khi đó ông gặp một vị sư già đang qùy lạy.

"Ông có tấm hình nào của Ngài Geshe Jatse không ?" vợ Elijah hỏi

Vị sư già trả lời: " Có". Và ông đưa cho họ coi một tấm hình nhỏ trắng đen và nói:

 " Geshe Jatse là thầy tôi. Tái sinh của Ngài hiện sống tại Bắc Mỹ"

"Dạ, tôi biết" Elijah đáp

"Ồ, ông biết vị đó hả?"

"Biết chút ít" Elijah nói đùa và sau đó ông nói nghiêm túc hơn

"Vị đó đang ở trước mặt ông đây"

Vị sư già chợt oà khóc.

"Tôi là người lo chôn cất thi thể của Ngài lúc Ngài mất đây. Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ gặp lại Ngài"

Kể từ đó, cả hai trở nên thân mật. Elijah giúp đỡ tài chánh cho vị sư già và vị sư già hay gửi quà gồm mật ong và bột lúa mạch, loại bột lúa mạch rang của một loại thức ăn Tây Tạng. Rồi một ngày buồn kia, tiền Elijah gửi bị trả lại. Danh mục bị đóng vì vị sư già đã qua đời.

Đối với một số người, đây là phần cuối câu chuyện. Với một số tin vào những điều kể trên đây thì chỉ là điểm đầu tiên.  Cuối cùng thì kiếp này hay kiếp sau, Elijah và vị sư đó cũng sẽ trùng phùng.

Andrea Miller/Lê Diễm Chi Huệ Việt dịch

Nguồn: https://www.lionsroar.com/magical-emanations-the-unexpected-lives-of-western-tulkus/

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/04/2011(Xem: 6694)
Khi đức Phật ra đời, ánh sáng thắp lên giữa rừng đêm tối, thả xuống sông đời chiếc thuyền cứu độ. Biết bao người nhẹ nhàng sống trong ánh sáng của bậc đạo sư.
13/04/2011(Xem: 6779)
Đức Phật cho rất nhiều, mà chẳng hề đòi lại dù bao nhiêu. Thế Tôn sống đời tự tại, không toan tính muộn phiền, không lo lắng ưu tư.
11/04/2011(Xem: 8212)
Được LHQ đồng ý cho tổ chức ở VN là điều vinh dự cho Phật giáo VN, vì chuyện này không phải dễ. Phật giáo VN đã có từ ngàn năm trước, đã qua bao nhiêu chế độ, từ quân chủ đến thực dân, từ công hòa đến cộng sản, sao lại đem cái vô hạn mà lồng vào với giới hạn?
11/04/2011(Xem: 7176)
Propertius cho rằng: “Khi yêu ai cũng mù quáng”; Albert Camus thì nhẹ nhàng hơn: “Tình yêu thường làm cho con người mù quáng”. Nhận xét này đúng với số đông và dường như đi ngược lại với “chánh niệm” - một pháp tu nền tảng của Phật giáo. Bởi chánh niệm luôn đòi hỏi sự tỉnh giác - tỉnh táo và xả ly - không bám giữ.
11/04/2011(Xem: 6434)
Chúng tôi đến thăm Thầy vào một buổi chiều cuối tháng Tư. Trời Cali bắt đầu vào Hạ nhưng vẫn còn cái se lạnh của mùa Xuân chưa hết. Thầy ra cửa đón chúng tôi tại một ngôi chùa ngập bóng cây ở thành phố Pomona. Mới cách đây hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi còn hòa vào dòng xe tấp nập trên các xa lộ mà giờ như lạc vào một khung cảnh yên bình, ít xe cộ và người qua lại. Cảnh chùa chiều thứ Sáu thật yên tĩnh, không một bóng người, chỉ nghe thấy tiếng lá rì rào.
11/04/2011(Xem: 20756)
Giác ngộ là sự hiểu biết đúng như thật; giải thoát là sự chấm dứt mọi phiền não khổ đau. Chỉ có sự hiểu đúng, biết đúng mới có sự an lạc và hạnh phúc...
10/04/2011(Xem: 18829)
Mục đích giáo dục của đức Phật là làm thế nào để đoạn trừ, hay tối thiểu làm giảm bớt những khổ đau của con người, đưa con người đến một đời sống an lạc và hạnh phúc...
05/04/2011(Xem: 7421)
Chúng tôi xin lược tóm trình bày, qua sự tường thuật của các báo chí Tây phương trong nhiều năm qua, để quý độc giả Phật tử xa gần biết rõ vềcác biến cố “Pháp nạn” xảy ra tại nước Phật giáo Tây Tạng hơn 50 năm trước dưới chế độ cai trị tàn bạo của chính quyền Trung Cộng.
03/04/2011(Xem: 7170)
Tri ân Alan Kartly và con gái – Australia – đã gửi tặng nguyên tác tiếng Anh On Truth. ÔNG KHÔNG. Con người vĩ đại nhất trong tất cả những con người giải thoát đã luôn luôn giảng thuyết bằng sự đơn giản và sự rõ ràng lạ thường. Đây là bản chất của Sự thật, và đó là bản chất của Krishnamurti.’ Larry Dossey, M.D.
02/04/2011(Xem: 6921)
BernardBaudouin, một nhà nghiên cứu Phật giáo người Pháp, đã chọn ra 365 lời phát biểuthuộc nhiều đề tài khác nhau của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma từ một số sách và các bàithuyết giảng của Ngài để xuất bản một tập sách với tựa đề Trí tuệ của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trongmột quyển sách nhỏ, 365 tư tưởng và suy tư hàng ngày(Le petit livre de Sagesse du Dalai-Lama, 365pensées et méditations quotidiennes,Marabout, 2002).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]