Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thấy Pháp là thấy Phật

07/03/202120:29(Xem: 4885)
Thấy Pháp là thấy Phật

Thấy Pháp là thấy Phật

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

 buddha-468

I. DẪN NHẬP

“Ai thấy Pháp người ấy thấy Ta, ai thấy Ta người ấy thấy Pháp”. Đây là lời dạy của đức Phật dành cho tỷ-kheo Vakkali. Lời dạy này được ghi lại trong Kinh Tiểu Bộ và Kinh Tương Ưng; do Hòa thượng Minh Châu dịch từ tiếng Pàli sang tiếng Việt. Trước khi tìm hiểu lời dạy trên của đức Phật, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ngài Vakkali một chút.

 

II. “BÀ-LA-MÔN VAKKALI” XUẤT GIA THEO PHẬT

Kinh Tiểu Bộ tập III, Phẩm Trưởng Lão Tăng Kệ, có kể lại câu chuyện về tôn giả Vakkali.  Tôn giả sanh trưởng và lớn lên ở Sàvatthi, thuộc dòng họ Bà-la-môn. Trước khi xuất gia, Vakkali đã là người nổi tiếng thuần thục ba tập kinh điển Vệ-đà. Trong một lần nghe đức Phật thuyết pháp, Vakkali bị hình tướng đẹp đẽ của đức Phật hớp hồn. Thế là Vakkali liền xin xuất gia theo Phật. Do mục đích xuất gia không phải tìm đến với Chánh pháp mà chỉ vì tâm hồn của Vakkali bị trói buộc bởi sắc pháp và thanh pháp của đức Phật, nên ngoài giờ ăn uống, tắm rửa, tôn giả Vakkali dành toàn thời gian để chiêm ngưỡng đức Phật chứ không tập trung vào việc tu tập để thoát khổ, giác ngộ, giải thoát.

Tuy bậc Đạo Sư biết rõ điều này, nhưng vì muốn chờ đợi công phu thiền quán của tôn giả được chín muồi thì tự dưng ông sẽ thay đổi nhận thức, nên Đức Phật đã không nói gì trong một thời gian dài. Thế nhưng, ngày này qua ngày khác, đức Phật nhìn thấy tâm tính của Vakkali vẫn không có chút gì biến chuyển. Cho nên Ngài nghĩ rằng: “Tỷ-kheo này, nếu không bị xúc động mạnh sẽ không thức tỉnh”. Vào một ngày cuối an cư mùa mưa, đức Phật gọi Vakkali đến, rồi nghiêm nghị bảo:  Này Vakkali, ông hãy đi đi”…  Nghe đức Phật nói như thế, tôn giả Vakkali buồn rầu ra đi, mang theo trong lòng nỗi đau khổ tột cùng. Thâm tâm ông nghĩ rằng nếu không được gặp lại bậc Đạo Sư thì cuộc đời của ông không còn một chút ý nghĩa nào nữa. Ngay lúc đó, ông nuôi ý định gieo mình xuống vực núi Linh Thứu tự tử.

Đức Phật đọc được ý nghĩ của Vakkali, đương nhiên là Ngài không muốn tôn giả Vakkali tự mình phá hoại những điều kiện chứng được thánh quả trong đời này, nên khi tôn giả định lao xuống vực, đức Phật liền xuất hiện đưa tay về phía ông và nói: “Hãy đến đây, này tỳ-kheo, hãy đến!”. Nghe đức Thế Tôn gọi, tôn giả Vakkali rất lấy làm sung sướng. Bằng giọng thổn thức, tôn giả hỏi Ngài: “Như Lai không bỏ con”? Đức Thế Tôn trả lời: “Ta chưa bao giờ bỏ ông, chỉ có ông mới bỏ ông. Ta đã lập bày phương tiện giúp ông khai mở tâm trí đón nhận giáo pháp, nhưng ông không chịu mở tâm ra, tự giam mình trong ích kỷ si mê. Đó không phải là ý muốn của Như Lai.”

Bấy giờ Vakkali mới bừng tỉnh, ăn năn sám hối và từ đó thoát ra khỏi lưới ái, quyết tâm nghe lời Phật dạy, siêng năng tu tập thiền quán, sau cùng cũng thành tựu thánh quả.

 

III. “ TÔN GIẢ VAKKALI” BỆNH NẶNG

Kinh Tương Ưng,  Phẩm Trưởng Lão, kể lại giai đoạn tôn giả Vakkali trong thời gian bị bệnh nặng. Tôn giả đã nhờ thị giả đến chỗ đức Thế Tôn đang trú tại Tu viện Trúc Lâm, thuộc thành Vương Xá đảnh lễ và thỉnh Ngài đến để tôn giả Vakkali có cơ hội được gặp lại Ngài lần cuối.  Và đức Phật đã nhận lời. Nguyên văn đoạn kinh này như sau:

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Vakkali trú tại nhà một thợ gốm, đang bị bệnh, đau đớn, trầm trọng.

3) Rồi Tôn giả Vakkali gọi những người thị giả:

-- Đến đây, các Hiền giả! Hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: “Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Vakkali bị bệnh, đau đớn, trầm trọng; (Vakkali) cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: “Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy đi đến Tỷ-kheo Vakkali”

4) Thưa vâng, Hiền giả.               

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vakkali, đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Tỳ-kheo Vakkali, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn trầm trọng. Vị ấy cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và có thưa như sau: “Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy đi đến Tỷ-kheo Vakkali”.

5) Thế Tôn im lặng nhận lời.” (hết trích)

 

                                 IV. ĐỨC PHẬT THĂM HỎI NGƯỜI BỆNH

Tôn giả Vakkali nằm trên giường, được đức Phật ân cần thăm hỏi bệnh tình của ông. Rằng là tôn giả có chịu đựng được không? Cơn đau có giảm bớt hay không? Tôn giả Vakkali cho Ngài biết là ông không chịu đựng được nữa vì căn bệnh của ông ngày một nặng hơn, đã khiến ông đau đớn kịch liệt. Nguyên văn kinh ghi lại như sau:

6) Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát, đi đến Tỳ-kheo Vakkali.

7) Tôn giả Vakkali thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền cố gắng từ giường ngồi dậy.

8) Thế Tôn nói với Tôn giả Vakkali:

-- Thôi Vakkali, Ông chớ có cố gắng từ giường ngồi dậy. Có chỗ ngồi đã soạn sẵn, Ta sẽ ngồi trên chỗ ngồi ấy.

Rồi Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn.

9) Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Vakkali:

-- Ông có kham nhẫn được không? Ông có chịu đựng được không? Có phải khổ thọ tổn giảm, không tăng trưởng? Có phải có những dấu hiệu tổn giảm, không phải tăng trưởng?

-- Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn! Con không có thể chịu đựng! Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có tổn giảm. Có những dấu hiệu tăng trưởng, không có tổn giảm.” (hết trích)

Sau khi nghe tôn giả Vakkali cho biết căn bệnh của ông ngày một nặng hơn và ông không thể chịu đựng được nữa. Đức Phật mới hỏi tôn giả Vakkali có gì phân vân và hối hận hay không? Chỗ nầy chúng ta có thể hiểu đức Phật muốn tạo cơ hội giúp tôn giả Vakkali giải tỏa những nội kết phiền muộn còn dính mắc trong lòng. Quả thật, tôn giả Vakkali đã thú nhận với đức Thế Tôn là ông hiện có phân vân và hối hận rất nhiều. Đức Thế Tôn hỏi có phải tôn giả Vakkali tự trách mình đã phạm giới luật hay chăng? Tôn giả thưa với Ngài là không có. Đức Thế Tôn lại hỏi ông không có gì tự trách về giới luật thì điều gì làm ông phân vân hối hận? Tôn giả Vakkali trả lời nỗi phân vân hối hận của ông là vì thân mang bệnh nặng khiến ông không thể đến để được trông thấy đức Thế Tôn. Nguyên văn kinh ghi lại như sau:

 10) -- Này Vakkali, ông có gì phân vân, hối hận không?

-- Bạch Thế Tôn, thật sự con có nhiều phân vân, có nhiều hối hận!

11) -- Này Vakkali, ông có gì tự trách mình về giới luật không?

-- Bạch Thế Tôn, con không có gì tự trách mình về giới luật.

12) – Này Vakkali, nếu ông không có gì tự trách mình về giới luật, vậy ông có gì phân vân, có gì hối hận?

-- Đã từ lâu, bạch Thế Tôn, con muốn đến để được thấy Thế Tôn. Nhưng thân con không đủ sức mạnh để được đến thấy Thế Tôn. (hết trích)

 

                              V.  “AI THẤY PHÁP, NGƯỜI ẤY THẤY TA…”

Khi nghe tôn giả Vakkali cho biết đã từ lâu tôn giả ôm nỗi phân vân và hối hận vì không được nhìn thấy tôn nhan đức Phật. Ngài liền quở:

“13.- Thôi vừa rồi, này Vakkali, có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này. Này Vakkali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. Này Vakkali, đang thấy Pháp là thấy Ta. Đang thấy Ta là thấy Pháp”

Sau câu nói quan trọng này, đức Phật liền giáo giới tôn giả Vakkali bài pháp “Ngũ Uẫn là Vô thường”. Ngài hỏi:

“ 14. -- Này Vakkali, Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?

  -- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

  -- Cái gì vô thường, là khổ hay là lạc?

 -- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Thọ… Tưởng… các Hành… Thức là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn. (hết trích)

Bài pháp “Ngũ Uẩn là vô thường” nhằm nhắc nhở tôn giả Vakkali khi nhìn thấy đức Thế Tôn, thấy ngay bài Pháp “Ngũ Uẩn là vô thường”, tức thấy Pháp thân của đức Thích Ca Mâu Ni chứ không phải thấy sắc pháp của Ngài, bởi vì dù cho sắc thân của  đức Phật có 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp khác hẳn với người thường, nhưng cũng không tránh khỏi quy luật biến dịch. Cho nên, ai chiêm ngưỡng dung nhan, hình tướng của đức Phật, nhận thấy bài Pháp Vô Thường trên người Ngài, thì mới thật sự thấy Ngài. Đó là ý nghĩa câu: thấy Pháp là thấy Ta”. Ta đây là đức Phật.

Ngoài ra, ở đây, chúng ta có thể hiểu, nếu tôn giả Vakkali nhận ra tấm thân ngũ uẩn của ông vô thường, khổ, chịu sự biến hoại và nhận ra nó không phải là của ông, là ông, hay tự ngã của ông, thì ông đã thấy Pháp, mà đang thấy Pháp tức đang thấy đức Phật, không cần phải đi tìm kiếm đức Phật bằng xương bằng thịt ở đâu xa! Tóm lại, những ai hiểu Pháp, thể nhập Pháp, người ấy đã nhìn thấy Phật! Những câu trả lời của tôn giả Vakkali ghi lại trong kinh cho thấy ngài đã thâm nhập những lời Phật dạy.

Đức Phật đi đến kết luận: “-- Do vậy, ở đây bậc Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán vị ấy ly tham. Do ly tham vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”.  Vị ấy biết “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.” (hết trích)

            Sau khi giáo giới bài pháp Ngũ Uẩn là vô thường cho tôn giả Vakkali, đức Phật rời nơi này đi về phía núi Linh Thứu.

 

VI. CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ THÁNH NGÔN

“… CÁI THÂN HÔI HÁM NÀY…” ?

Đức Phật quở tôn giả Vakkali rằng: “… có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này… ”. Chúng ta hiểu rằng đức Phật nói thế là có ý nhắc nhở tôn giả Vakkali đừng mê đắm cái thân vật chất.  Vật chất là một phần của con người. Con người không tự dưng mà có. Nó kết hợp bởi năm yếu tố: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Gọi chung là ngũ uẩn. Ngũ uẩn hay con người gồm hai phần: Vật chất và tinh thần. Vật chất hay sắc do đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Còn tinh thần hay tâm thì do thọ, tưởng, hành, thức kết hợp mà nên.

Con người do nhiều yếu tố hợp lại mà thành, nên nó không thực chất tính. Vì không thực chất tính nên nó không vững bền, nó thay đổi, biến dịch theo thời gian gọi là vô thường. Nếu chấp ngũ uẩn là của ta, là ta hay là tự ngã của ta, thì khi ngũ uẩn thay đổi, biến hoại… tâm khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não… trong kinh gọi là khổ uẩn.

-  Tìm hiểu cụm từ “Cái thân hôi hám”, chúng ta sẽ thấy lời đức Phật phát biểu thật chính xác không sai trái một chút nào.  Quán thân một cách tỉ mỉ chúng ta nhận thấy thân con người vốn cấu tạo bằng những chất không được sạch. Khi đứa bé mới sinh ra đời còn nằm trong nôi, ai đến thăm cũng khen bé xinh xắn thơm tho mùi sữa. Khi lớn lên những giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý dần dần điều hòa với các bộ phận trong nội tạng, tiết ra những chất thật là dơ bẩn, hôi hám. Nếu không tắm rửa, giữ vệ sinh sạch sẽ, thì không ai dám đến gần. Cụ thể như:

- Về mắt: Qua một đêm ngủ dậy, hai mắt tiết ra chất nhừ đóng thành cục ở khóe mắt gọi là ghèn trông thật gớm ghiếc.

- Về tai: Hai lỗ tai tiết ra chất dơ gọi là ráy tai, ráy tai khô còn đỡ, có khi bị ráy tai ướt, hay bị nhiễm trùng chảy mũ đương nhiên là hôi thối vô cùng.

- Về mũi: Hai lỗ mũi thường chảy nước, có khi đặc sệt trông thật gớm ghiếc.

- Về miệng: Nếu không súc rửa sạch sẽ thì cái miệng là nơi rất dơ, nước dãi, nước bọt, có khi bị đàm xanh, đàm vàng từ trên mũi chảy xuống thật hôi hám.

- Về thân: Trên thân (da) có nhiều lỗ chân lông thường tiết mồ hôi khi nóng nực. Có người hôi nách, nếu không thường xuyên tắm rửa và bôi dầu khử mùi thì không ai dám đứng gần. Ngay cả mái tóc trên đầu, nếu không gội đầu hằng ngày thì tóc hôi hám, dơ bẩn, là cái ổ của “gia đình chí” sinh sống.

Tóm lại, những chất vừa kể trên, không chất nào trong sạch, thơm tho. Đó là chưa kể những thứ khác như ruột, gan, phổi, mật, lá lách, đàm, mũ, dãi, nhớt trong nội tạng , còn “bất tịnh” đến cỡ nào?

Ở đây tuy kể ra sự hôi hám gớm ghiếc của thân nhưng không phải vì vậy mà chúng ta xem thường, hủy hoại nó. Trong kinh nói “được sanh làm người rất khó”, nên tuy thân dơ bẩn như thế nhưng bên trong còn có phần tâm rất quý giá. Vì vậy, chúng ta cần chăm sóc giữ gìn cho thân sạch sẽ khỏe mạnh, để tâm gá vào thân mà tu tập, hầu thoát khỏi luân hồi sinh tử. Bằng không, khi thân hoại mạng chung, tái sanh theo nghiệp lực mang cái thân khác, có khi không phải thân người, mà là thân thú vật, còn dơ bẩn đến cỡ nào?

 

VII. THỰC TẬP QUÁN “NGŨ UẨN LÀ VÔ THƯỜNG”

Khi cha mẹ sinh ra, rồi lớn lên, trưởng thành, vài chục năm sau bắt đầu già nua, bệnh tật và cuối cùng phải chết. Quá trình sinh, trụ, hoại, diệt ấy diễn ra trong từng sát-na, đó là vô thường. Quán thân thể vô thường như thế, không phải để thấy cái thân thể vô thường không bền chắc rồi mình bỏ bê hay hủy hoại nó. Hiểu như thế là hiểu sai về “giáo lý vô thường”. Theo quan điểm nhà Phật, nếu chấp thân này thường còn, thì đó là tà kiến, ngược lại nếu chấp thân này đoạn diệt cũng bị xem là tà kiến. Đức Phật dạy chúng ta hãy quán chiếu “ngũ uẩn là vô thường” vì nó rất dễ mất, để chúng ta đừng chấp thủ, mê đắm mà khổ đau.

Thực tập bài pháp “Ngũ uẩn là vô thường” bằng cách quán thân tâm này là huyễn, là giả, nó không phải của mình, là mình, hay tự ngã của mình, để khi thân hoại mạng chung, mình “rút tâm” khỏi “pháp ngũ uẩn”, ra đi bình thản không một chút tiếc nuối.

Muốn thực tập thành công bài pháp này để được thoát khổ, giác ngộ, giải thoát, chúng ta phải bắt đầu bằng bài học “Tứ Thánh đế”. Đó là bài học về bốn chân lý khổ, tập, diệt, đạo để biết cách tu tập. Và quan trọng hơn nữa là bài học về chính con người của mình. Đó là bài học “Vô ngã tướng”. Con người không thực chất tính vì nó kết hợp bởi năm nhóm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nên đặc tính của nó là vô thường, khổ, vô ngã. Nếu không nhận ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã của Ngũ uẩn, cho nó là thật, là thường hằng thì con người mãi mãi khổ đau vì bị cuốn trôi trong vòng luân hồi sinh tử không bao giờ thoát khỏi.

 

VIII. KẾT LUẬN

Sau cùng, trở lại đề tài “Ai thấy Pháp là thấy Phật…” chúng ta biết rằng, nhằm giúp tôn giả Vakkali không luyến ái với tấm thân ngũ uẩn bệnh hoạn đang hành hạ mình, đức Phật nhắc lại bài Pháp “Ngũ Uẫn là Vô Thường, là Khổ, là biến hoại”. Kết quả, tôn giả Vakkali đã xác nhận là ngài không một chút nghi ngờ gì về những bài pháp của đức Thế Tôn truyền giảng. Chính vì không nghi ngờ nên tôn giả đã nhàm chán, không còn lòng dục, lòng tham, lòng ái đối với năm yếu tố vô thường này, ngài đã dứt khoát không xem nó “là của Ta, là Ta, là tự ngã của Ta”. Tôn giả Vakkali thấy Ngũ Uẩn như thế là thấy Pháp, mà “thấy Pháp tức là thấy Phật, thấy Phật tức là thấy Pháp” vậy!

                           

                                              THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

                                                          (Mùa an cư)

                                                       March 06-2021

Tài liệu:

- Tương Ưng Bộ Kinh, Tập III; Chương I: Tương Ưng Uẩn; Phẩm Trưởng Lão : “Vakkali 1-16”; bản tiếng Việt do cố HT. Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pãli.

- Tiểu Bộ Kinh, Tập III, Chương V; Phẩm Năm Kệ; Trưởng Lão Tăng Kệ: “Vakkali-205”; bản tiếng Việt do cố HT. Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pãli.

 

 

 

 

 

 

 




***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/09/2020(Xem: 6500)
Hòa thượng Phó Chủ tịch Quốc hội lưu vong Tây Tạng, Acharya Yeshi Phuntsok hoan nghênh tuyên bố của 63 Nghị sĩ thuộc Liên minh Nghị viện Đa Quốc gia về Trung Quốc (IPAC) kêu gọi các chính phủ điều tra các báo cáo về lao động cưỡng bức và đàn áp sắc tộc tại Trung Quốc, đồng thời xử phạt những người chịu trách nhiệm về các hoạt động tồi tệ này.
24/09/2020(Xem: 8836)
Thông thường hàng năm vào những ngày chớm thu cũng là lúc những người con Phật từ khắp muôn phương tìm về xứ Ấn hành hương các thánh tích Phật giáo, nhưng năm nay cho đến thời điểm này Thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng vẫn vắng hoe, thế mới biết tầm ảnh hưởng của trận dịch không hề nhỏ, sự cộng nghiệp của thế gian đã lan dần đến bên cội Bồ Đề đức Phật.
23/09/2020(Xem: 7636)
Vượt qua được đoạn dốc núi vừa dài vừa gập ghềnh lên mô xuống hụp với lởm chởm đá cục đá hòn, đất bụi sạn sỏi để lên đến được khuôn viên của chùa, đứng ngay dưới chiếc cổng mang dáng dấp kiến trúc Torii ở các đền chùa Nhật Bản, hít thở thật sâu và đều không khí trong lành của núi rừng cây cỏ mà phóng tầm mắt về hướng đông ngắm cảnh trời xanh biển rộng, thấy rõ những hòn đảo nhỏ ngoài vịnh nối nhau như bức bình phong che chắn cho thành phố Nha Trang hiền hòa, ta mới cảm nhận được sự sảng khoái an vui như vừa từ cảnh giới u minh hầm hố bước qua thiên đường tịnh lạc.
23/09/2020(Xem: 7844)
Người chồng ở Ấn Độ ‘đã mổ bụng người vợ đang mang bầu để kiểm tra em bé có phải là con trai hay không’ Một ông bố năm con bị cáo buộc dùng liềm mổ bụng người vợ đang mang thai của mình vì anh ta tuyệt vọng không biết đứa bé có phải là con trai hay không. Người đàn ông Ấn Độ 43 tuổi, được biết đến với cái tên Pannalal, đã mổ bụng của vợ mình là Anita Devi vào tối thứ Bảy tại nhà của họ ở quận Baduan của Uttar Pradesh, theo báo “The Times of India” đưa tin. Theo nguồn tin được biết một linh mục đã nói với người đàn ông rằng vợ anh ta đang mang thai con gái, đứa con gái thứ sáu liên tiếp của hai vợ chồng. Gia đình của Devi nói với cảnh sát rằng Pannalal đã tấn công vợ để muốn "biết giới tính" của đứa bé. Theo tờ báo “The Mirror” đưa tin, Devi, 35 tuổi, đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ.
23/09/2020(Xem: 4932)
Một cách tổng quát, sự sinh hoạt của con người được thúc đẩy bởi ba thứ bản năng: sinh tồn, sợ chết và truyền giống. Bản năng sinh tồn là bản năng mạnh nhất, gây ra các tác động sớm nhất. Một đứa hài nhi khi mới lọt lòng đã biết tìm vú mẹ, đói thì khóc. Lớn lên bản năng sinh tồn tạo ra các xung năng và thúc đẩy ích kỷ, tham lam, thèm khát, tranh giành miếng ăn, của cải, đưa đến hận thu, xung đột và cả chiến tranh.
19/09/2020(Xem: 11248)
Ngũ uẩn vô ngã là tập tài liệu giáo khoa do Hòa thượng Thích Thiện Siêu, phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trương ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởương Học viện
18/09/2020(Xem: 7704)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Trong tâm tình:''Lắng nghe để Hiểu, nhìn lại để Thương'', vào ngày hôm qua thứ năm (17 Sept 2020) chúng con, chúng tôi đã tiếp tục lên đường cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo xứ Phật trong khi mùa dịch còn dai dẳng.. Buổi phát chẩn đã thực hiện cho 278 hộ tại 2 ngôi làng nghèo tên là Mauriya & Santi Anus Village cách Bồ Đề Đạo Tràng chừng 34 cây số. Xin mời quí vị hảo tâm xem qua một vài hình ảnh tường trình..
18/09/2020(Xem: 6237)
Charles “Chuck” Feeney, đồng sáng lập tập đoàn bán hàng miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers (DFS), là nhà hảo tâm lớn nhất và ẩn dật nhất thế giới, theo Observer. Cho đi mọi cái mình có Không như Elon Musks hay Mark Zuckerberg – hai tỷ phú công nghệ cam kết sẽ cho đi ít nhất một nửa tài sản trước khi qua đời, Feeney nổi tiếng với lời hứa cho đi mọi số tiền mình có và sẽ chết như một người đàn ông không có đồng xu nào dính túi.
18/09/2020(Xem: 7121)
Trong thời gian qua có đôi lần, thiền sinh yêu cầu chúng tôi giải thích cụm từ “Tam Tự Quy Y Là Gì? ”. Nay thuận duyên chúng tôi gửi đến các bạn bài viết về đề tài quy y nầy. Muốn hiểu ý nghĩa của “Tam Tự Quy Y ” trước hết chúng ta cần biết rõ “Tam Quy Y ” là gì? I. “TAM QUY Y” HAY “QUY Y TAM BẢO” LÀ GÌ? Quy nghĩa là “quay về, trở về” hay “hồi chuyển (tâm ý)”. Y là “nương tựa”. Quy Y cũng có nghĩa là “Kính vâng” hay “Phục tùng”. Tam là chỉ ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. “Tam Quy Y ” hay “Quy Y Tam bảo” nghĩa là quy kính, nương tựa nơi ba ngôi quý báu đó là Phật, Pháp và Tăng.
18/09/2020(Xem: 6248)
Lửa. Lửa lại bùng cháy trên những cánh rừng bạt ngàn miền tây. Khói cuồn cuộn, lan xa hàng nghìn dặm, kéo qua tận miền đông. Tro bụi mịt mù, bao phủ hết bầu trời, làm cho nền trời lúc giữa trưa mà ửng lên màu vàng cam, có khi đỏ ối như ráng chiều hoàng hôn. Hai vầng nhật nguyệt dường như bị che khuất suốt những ngày cuối hạ. Tro tàn theo gió cuốn đi thật xa, rời bỏ núi rừng, rồi rơi lả tả trên những cánh đồng, sông suối, cỏ cây, nhà cửa, xe cộ... khắp các vùng. Không khí như bị đặc quánh lại với mùi khét lẹt của khói. Lệnh giãn cách xã hội và mang khẩu trang chưa được cởi mở hoàn toàn, lại càng cần thiết hơn trong lúc này, khi con người mong tìm nơi trú ẩn an toàn để thở được không khí trong lành.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]