Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hình Bóng Con Trâu Qua Ca Dao-Tục Ngữ Phật Giáo Việt Nam

03/01/202118:40(Xem: 5352)
Hình Bóng Con Trâu Qua Ca Dao-Tục Ngữ Phật Giáo Việt Nam

HÌNH BÓNG CON TRÂU

QUA CA DAO-TỤC NGỮ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 Hình Bóng Con Trâu  Qua Ca Dao-tục Ngữ Phật Giáo Việt Nam-1Hình Bóng Con Trâu  Qua Ca Dao-tục Ngữ Phật Giáo Việt Nam-2

 

            “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Với một nước nông nghiệp như nước ta, hình ảnh con trâu nặng nề lầm lũi, kềnh càng cục mịch luôn gắn bó với những cánh đồng thửa ruộng, thân thiết với bao người nông dân chân lấm tay bùn, và gần gũi với lũ trẻ mục đồng thường nghêu ngao bài hát quen thuộc “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ!”…  Không chỉ như thế, trâu cũng đã từng gắn bó với cuộc đời một vài danh nhân lịch sử như Đinh Bộ Lĩnh, Đào Duy Từ… Đối với nền văn học nước nhà, con trâu còn có cái công rất lớn trong việc làm phong phú ngôn ngữ, nhất là trong ca dao- đồng dao-tục ngữ. 

            Riêng đối với Phật giáo, có lẽ ai là người am hiểu, hay đang nghiên cứu học hỏi Phật pháp đều cũng đã biết đến hình ảnh con trâu mang tính tượng trưng cho cái Tâm (Chơn Tâm) được biểu hiện nổi bật trong bộ “Thập mục ngưu đồ”(mười bức tranh chăn trâu) mang cả hai khuynh hướng Đại Thừa và Thiền Tông. Trâu cũng góp mặt trong những câu ca dao- tục ngữ Phật giáo Việt Nam, nói vậy tức là đang muốn nói đến những câu có liên quan đến Tam Bảo (Phật-Pháp-Tăng), cũng có thể là những câu có liên quan đến giáo lý của đức Phật- Phật Pháp- bao gồm cả sự vật, sự kiện, đề tài… Phật pháp vô biên. Phật pháp uyển chuyển nhiệm mầu. Vì vậy, chúng ta sẽ nhìn thấy, nắm bắt được những câu mang đẫm đạo vị của Pháp Phật về đạo hiếu, về nhân quả luân hồi, về nghiệp dĩ nhân duyên, về kiết hung thiện ác, về chánh đạo và cả những gì phản nghịch lại chánh đạo diễn ra trong cuộc đời sống động đầy hỉ nộ ái ố bi dục lạc …

           “ Trai thời trung hiếu làm đầu”, hai chữ Trung và Hiếu đã khiến cho những đấng tu mi nam tử phải gặp những khổ ải ghê gớm để vượt qua, hòng tìm đến với mộng trung nhân mà xây đắp dệt thêu tình duyên của mình:

Ngó lên trời thấy cặp cu đang đá

Ngó xuống biển thấy cặp cá đương đua

Anh về lập miếu thờ vua

Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha

Anh về anh bán gốc đa

Bán cặp trâu già mới cưới đặng em!

            Lập miếu, lập trang, lập chùa, hay bán cặp trâu già thì còn có thể làm được nếu như nhà giàu có nứt đố đổ vách. Nhưng còn cây đa, loại cây được xem là giống cây bồ đề thuần tuý Việt Nam, bồ đề lại mang tính thiêng liêng gần gũi với đạo Phật, vậy mà thách chàng bán cả gốc đa, thì quả là thử thách gian nan. Nói thì nói vậy, thách thì thách vậy, nhưng trong tâm khi đã thấm nhuần đạo lý, hiểu rõ “nghiệp dĩ nhân duyên” thì không còn xem trọng vật chất vô thường hay của cải phù vân, cũng không còn phân biệt giàu nghèo hèn sang, nên mấy chàng hãy yên chí lắng nghe:

Số giàu tay trắng cũng giàu

Số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo!

Phải duyên phải kiếp thì theo

Thân em có quản khó nghèo làm chi

Chữ nhân duyên thiên tải nhất thì

Giàu ăn, khó chịu, lo gì mà lo!

           Đúng vậy. Lo gì mà lo. Đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nghỉ, “đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” là hạnh phúc rồi! Vì vậy, các đấng mày râu đừng có dại mà động khẩu mở lời hỏi những câu rặt mưu mô tính toán làm cho đạo nghĩa bay đi:

Hỡi cô cắt cỏ đồng mầu

Chăn trâu cho béo, làm giàu cho cha

Giàu thì chia bảy chia ba

Phận em là gái  được là bao nhiêu?

           Cuộc đời là một giấc mộng dài, có đó mất đó, nhiều đó liền ít đó, thậm chí  đang vàng vun bạc đống trong phút chốc lại trống rỗng trắng trơn:

Chín đụn mười trâu, chết hai tay cắp lỗ đít.

            Hà cớ gì phải chạy theo tiền tài danh vọng, lao đầu vào cuộc cạnh tranh để tìm kiếm vinh hoa phú quý? Nào có sướng bền ấm lâu, thân tâm an lạc? Chi bằng biết “thiểu dục tri túc”, hạn chế ham muốn, biết đủ biết dừng, để vơi bớt cái khổ lo toan mưu tính hằng ngày:

Trâu ta ăn cỏ đồng ta

Tuy rằng có cụt nhưng mà cỏ thơm!

             Được bao nhiêu thì thọ hưởng bấy nhiêu, có gì xài nấy, tội dại chi mà cứ ước muốn vượt quá tầm tay, nằm mộng giữa ban ngày, để rồi khi giật mình thức giấc phải bàng hoàng trước sự thật:

Ba vợ, bảy nàng hầu

Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi.

        Ảo vọng. Ảo cảnh. Ảo ngay trong cuộc đời ảo. Thôi thì biết thân biết phận, hãy dôc tâm dốc sức của chính mình, tự đi bằng đôi chân của mình, không nhờ vả phiền hà ai, đó cũng là lời chỉ dạy của giáo lý nhà Phật về chánh tinh tấn:

Nghé ơi ta bảo nghé này

Nghé ăn cho béo, nghé cày cho sâu

Ở đời khôn khéo chi đâu

Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ Cần!

          Siêng năng, chuyên cần, cần cù nhẫn nại với chánh nghiệp, ắt có ngày gặt hái những kết quả tốt đẹp. Miễn là đừng “biến chất thoái hoá” thành hạng người:

                                                           Đầu trâu mặt ngựa

          Những hạng người đó dường như chỉ có ở cõi Diêm Phù, chắc chẳng ai thích làm Ngưu Đầu- Mã Diện dưới âm phủ, nhưng cũng đã có nhiều kẻ tự mình “hoá kiếp” cho mình ngay ở kiếp hiện tiền bằng sự vong ân bội nghĩa:

Rõ là phản phúc đầu trâu

Ăn cơm nhà Phật đốt râu thầy chùa!

           Là Phật tử, làm gì thì làm, nói gì thì nói, nhưng chớ phạm vào giới “vọng ngôn vọng ngữ” mà mang tiếng:

Thật thà cũng thể lái trâu,

Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng!

           Giữa cuộc sống đời thường, khi nói đến quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu trong gia đình, là chạm đến một mối rối rắm như tơ vò, đủ thứ chuyện sẽ xảy ra chung quy cũng bởi “khẩu nghiệp nặng nề”:

Trâu bò ở với nhau lâu, quen chuồng quen chỏi

Người ở với nhau lâu, inh ỏi đủ điều.

         Nhưng mối quan hệ này tuy rất nhạy cảm rối răm, mà cũng rất thiêng liêng nếu như nghe được câu này:

Chàng dữ thì em mới rầu

Mẹ chồng mà dữ, giết trâu ăn mừng!

          Mẹ chồng mà dữ thì nàng dâu mới nên người, mới biết lo canh cánh mà giữ “tam tòng”(tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh), còn không thì cũng giữ gìn “tam quy-ngũ giới” cho xứng đáng con nhà Phật. Mẹ chồng mà hiền lành nhân hậu, lúc nào cũng buông xả tha thứ, độ lượng khoan dung thì mấy nàng dâu sẽ rủ nhau mà nhảy vào vòng vô minh, để cho “tam độc” tham sân si  quấn lấy cuộc đời:

Một nhà mà có ba dâu

Dâu cả buôn bán ra mầu sân si

Dâu hai có ý mỹ miều

Tiền tiền thóc thóc bao nhiêu chẳng về

Dâu ba chum chúm dâu chê

Nhờ ơn bác mẹ đi về tỉnh Nam

Dâu tư có tính tham lam

Chăn trâu cắt cỏ nhôm nhoam ngoài đồng!

          Cứ lặn hụp mãi trong vô minh thì bao bao giờ mới tìm thấy ánh sáng để đưa cuộc sống mình đến tháng ngày an nhiên thanh thản? Đến lúc gặp “nghiệp chướng oan khiêng” lại khóc lóc than van cho cái kiếp số của mình:

Biết bao tủi nhục chị ơi

Làm thân lẽ mọn kiếp tôi nhục nhằn

Chịu đấm xôi chả được ăn

Chém cha cái kiếp trâu lăn thế này!

            Duyên kiếp, kiếp số của con người đều xuất phát từ nhân quả luân hồi:

Làm kiếp trâu ăn cỏ, làm kiếp chó ăn dơ.

            Nào ai muốn làm kiếp súc sinh? Ai cũng muốn làm người được ăn no mặc đẹp. Nhưng rất nhiều người lại quên đi bài học: gieo ác gặt ác, gieo gió gặt bão. Gieo nhân lành ắt hái quả ngọt. Không trốn chạy tránh né  đi đâu được:

Trâu ác thì trâu gạt sừng

Bò ác thì bò còng lưng méo sườn.

            Chỉ khi chúng sanh nương nhờ Tam Bảo để nhất tâm tu học, tinh tấn tu hành, “đoạn ác tu thiện”, thì may ra mới “chuyển nghiệp” được cho mình, và có thể cả cho tha nhân. “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”, con trâu khi làm kiếp súc sinh có lẽ nó cũng biết tu, hoặc có tu từ kiếp trước, nên nó biết “chuyển nghiệp” cho mình, khi bị hoá kiếp đầu thai thành kiếp khác, nó vẫn còn lưu lại thân xác hữu dụng của nó cho cuộc sống đầy bụi bặm này. Bộ da của trâu đã tìm về như muốn nương nhờ cõi già lam thanh tịnh, và trở thành một pháp cụ đàng hoàng oai nghi:

Con trâu có một hàm răng

Ăn cỏ đất bằng, uống nước bờ ao

Hồi nào mày ở với tao

Bây giờ mày chết, tao cầm dao xẻo thịt mày

Thịt mày tao nấu cháo linh binh

Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa

Sừng mày tao tiện con cờ

Cán dao, cán mác, lược dầy, lược thưa…

           Dân gian có câu đố  về “cái trống” được bịt bằng da trâu rất thú vị:

Có mặt mà chẳng có đầu

Lúc nghèo thì bạn với trâu

   Đến lúc vinh hiển gọi cô nàng hầu!

           Hãy thử tịnh tâm lắng nghe âm thanh của ba hồi chuông trống Bát Nhã từ các chốn thiền tự vào đêm trừ tịch đất trời giao thoa. Tiếng trống dập dồn trầm hùng nào là tiếng trống được bịt bằng da con trâu? Da trâu đó là của con trâu nào? Hồn vía nó đang ở đâu? Nó có được đầu thai làm kiếp khác hay không? Đầu thai thành kiếp người hay kiếp gì?

           Lạy chư Phật mười phương, xin hồi hướng công đức đến tất cả những con trâu đã giúp đỡ cho con người bao đời qua…

 

 

                                                                        Tâm Không Vĩnh Hữu

 Liên hệ:

VĨNH HỮU

Tổ 1 - Thôn Vĩnh Điềm Trung – Xã Vĩnh Hiệp

TP. Nha Trang – Khánh Hòa ĐT: 0902010763

 

 

 




***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/12/2020(Xem: 4872)
Phật giáo đồ các quốc gia Đông Á, thường Kỷ niệm ngày Đức Phật Nhập Niết bàn vào tháng 2 Âm lịch. Nhưng tại địa phương tôi, Trung tâm Thiền miền Bắc Carolina (the North Carolina Zen Center) lại tổ chức Kỷ niệm ngày Đức Phật Thành đạo vào tháng 12 Âm lịch, với một buổi chia sẻ Pháp thoại với Thanh thiếu niên Phật tử, một buổi lễ thắp nến lung linh, tỏa sáng ánh đạo vàng từ bi, trí tuệ, và một bữa ăn tối sau lễ Kỷ niệm.
24/12/2020(Xem: 5321)
Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển về biến đổi khí hậu, thiếu nữ (17 tuổi) Greta Thunberg sẽ hội thảo cùng với các nhà khoa học hàng đầu vào ngày 9 tháng 1 tới, về mối quan tâm ngày càng tăng, đối với phản ứng các bên về “khủng hoảng khí hậu: những biến đổi do con người gây ra trong môi trường làm tăng tốc độ nóng lên toàn cầu”. Cuộc thảo luận sẽ được tổ chức bởi Viện Tâm trí và Đời sống (Mind and Life Institute), rút ra từ cuốn sách mới nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Chủ nghĩa hoạt động của nàng thiếu nữ (17 tuổi) Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển về biến đổi khí hậu và một loạt phim giáo dục mới về biến đổi khí hậu.
24/12/2020(Xem: 4760)
Trung tâm Phật giáo Somapura (Somapura Mahavihara, সোমপুর মহাবিহার, Shompur Môhabihar) được kiến tạo vào thế kỷ thứ 8, tọa lạc tại Paharpur, Badalgachhi Upazila, Naogaon, Tây Bắc Bangladesh, một ngôi Già lam Cổ tự lớn thứ hai phía Nam dãy Hymalaya, một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất Nam Á, thành tựu nghệ thuật độc đáo, ảnh hưởng đến nhiều trung tâm Phật giáo lớn khác trên thế giới.
24/12/2020(Xem: 4056)
Hoàng đế Phật tử ltan Khan, vị Đại hộ pháp, triều đại của Ngài đã đánh dấu thời đại Phật giáo Mông Cổ Cực thịnh, Ngài là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn và là lãnh tụ của bộ tộc Tümed của Mông Cổ. Vào giữa thế kỷ 16, năm 1578 Ngài bệ kiến Sonam Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 3 và ban cho Ngài tước hiệu “Đại Dương”, “ám chỉ Hoàng đế Phật tử ltan Khan, vị Đại hộ pháp Trí tuệ Siêu phàm như Biển” Tước hiệu Đạt Lai Lạt Ma cũng được ban cho hai vị Giáo chủ tiền nhiệm của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 3, và tước hiệu này trở thành thông dụng cho tất cả những người kế nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma Sonam Gyatso về sau này.
21/12/2020(Xem: 6985)
Thơ là chữ viết, nhưng thơ cũng là giữa những dòng chữ. Thơ là lời nói ra, nhưng thơ cũng là giữa những lời nói ra, hiển lộ cả trước và sau lời nói ra. Thơ là ngôn ngữ và thơ cũng là vô ngôn, là tịch lặng. Và là bên kia của chữ viết, bên kia của lời nói. Khi đọc xong một bài thơ hay, khi không còn chữ nào trên trang giấy để đọc nữa, chúng ta sẽ thấy thơ là một cái gì như sương khói, mơ hồ, lung linh, bay lơ lửng quanh trang giấy. Cũng như thế, Kinh Phật là thơ, là lời nói, là tịch lặng, là bên kia ngôn ngữ. Khi bài Tâm Kinh đọc xong, khắp thân tâm và toàn bộ ba cõi sáu đường đều mát rượi, ngấm được cái đẹp của tịch lặng ẩn hiện bên kia những chữ vừa đọc xong. Cội nguồn thơ, cũng là cội nguồn Kinh Phật, đó là nơi của vô cùng tịch lặng, một vẻ đẹp như sương khói phả lên những gì chúng ta nhìn, nghe, cảm xúc và hay biết.
20/12/2020(Xem: 5878)
Trong một thời khắc lịch sử, cả nước đã chứng kiến sự hội tụ của quá khứ, hiện tại và tương lai khi ba thế hệ của triều đại Wangchuck, Vương quốc Phật giáo Buhtan đến viếng thăm khu đất của Pungthang Dewachhenpoi Phodrang vào ngày hôm 16 vừa qua. Lễ Kỷ niệm 113 năm Quốc khánh Vương quốc Bhutan, được tổ chức bên trong Punakha Dzong “Cung điện Hạnh Phúc”, từng là nơi ngự của Lama Zhabdrung Ngawang Namgyel đáng tôn kính hơn 400 năm trước, người đã có công thống nhất Bhutan và làm nền tảng để đất nước này phát triển an bình, thịnh vượng cho đến ngày nay.
20/12/2020(Xem: 5302)
Matxcơva, ngày 15 tháng 12: Hội nghị Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Đối thoại các Tôn giáo trong Thế giới hiện đại, Dialogue of Religions in Modern World“ do Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, Viện Nghiên cứu Học thuật về Cơ đốc giáo phương Đông (INaSEC) đồng tổ chức tại Khoa Tôn giáo và Thần học (FRT) thuộc Đại học Vrije Amsterdam và Đại học Chính thống Cơ đốc giáo, Nga nhân danh Thánh John Divine.
19/12/2020(Xem: 6043)
Cơ quan Chính quyền Trung ương Tây Tạng lưu vong (CTA) cho biết, Tôn giả Geshe Tenpa Gyaltsen, vị học giả Phật giáo Tây Tạng đã viên tịch, xả báo thân tại tu viện Gaden Jangtse, miền nam Ấn Độ, theo truyền thông cho hay, Ngài đã “Chết lâm sàng” đến nay gần 1 tháng (26 ngày), nhưng thi thể vẫn không phân hủy. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo và Văn hóa thuộc (CTA) cho thấy rằng, Tôn giả Geshe Tenpa Gyaltsen đã đi vào trạng thái nhập thiền định Phật giáo Mật tông hiếm có được gọi là thukdam (Tib: ཐུགས་ དམ་).
19/12/2020(Xem: 5214)
Tòa nhà Quốc hội Vương quốc Phật giáo Bhutan, thủ đô Thimphu, Bhutan. Hôm thứ Năm, ngày 10 tháng 12 vừa qua, cả hai Nghị viện Quốc hội Vương quốc Phật giáo Bhutan đã thông qua dự luật hợp pháp hóa các mối quan hệ đồng tính, biến Vương quốc Himalaya nhỏ bé trở thành quốc gia châu Á mới nhất thực hiện các bước, nhằm nới lỏng các hạn chế đối với các mối quan hệ đồng giới. Trước đó, mục 213 và 214 của bộ Luật Hình sự Vương quốc Phật giáo này quy định xu hướng “Tình dục trái với tự nhiên”, được hiểu rộng rãi là đồng tính luyến ái – không được phép.
19/12/2020(Xem: 5052)
Ngày 10 tháng 12 vừa qua, theo Bình Nhưỡng đưa tin (KCNA) – Trong số những Di sản Văn hóa quý giá đất nước Triều Tiên có “Cao ly Bát Vạn Đại Tạng kinh” (고려 팔만 대장경, 高麗八萬大藏經, 80.000 Wooden Blocks of Complete Collection of Buddhist Scriptures” được khắc mộc bản vào nửa đầu thế kỷ 11, triều đại Vương quốc Koryo (918-1392).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]