Đọc Thơ Nữ Quyền, Từ Đời Tới Đạo
Nhân loại đã biết cách bay lên mặt trăng, tuy nhiên nhiều nơi trên địa cầu vẫn còn bị ràng buộc với những thói quen xưa cổ, trong đó một thành kiến khó rời bỏ là xem nhẹ phụ nữ. Hầu hết các tôn giáo cũng xem nhẹ phụ nữ. Riêng trong Phật Giáo, phụ nữ từ xưa vẫn có một vị trí đáng kính và bình đẳng trên đường học đạo, để tận cùng là thành tựu Niết Bàn. Khi vua Pasenadi nước Kosala không vui vì hoàng hậu Mallikà sinh một bé gái, Đức Phật trong Kinh SN 3.16 dạy vua rằng: "Này Nhân chủ, ở đời / Có một số thiếu nữ / Có thể tốt đẹp hơn / So sánh với con trai / Có trí tuệ, giới đức..." Hơn hai mươi thế kỷ sau, ý thức nữ quyền mới trở thành phong trào. Theo định nghĩa cô đọng và đơn giản, nữ quyền là niềm tin vào sự bình đẳng của nữ giới với nam giới về chính trị, kinh tế và văn hóa. Do vậy thường khi, nữ quyền gắn liền với dân quyền, vì bình quyền nam nữ dẫn tới ý thức bình quyền cho từng người dân, đặc biệt là nơi các dân tộc đang bị các nước thực dân thống trị, hay nơi các sắc tộc thiểu số bị kỳ thị. Rồi với từng người một, các bất an đó sẽ dẫn tới sự tỉnh thức rằng cõi này là Khổ. Bài này sẽ trich đọc theo lộ trình từ đời tới đạo, qua thơ của Lê Ngô Cát, Maya Angelou, Kishwar Naheed, Fadwa Tuqan, và Ni Trưởng Trí Hải. Trong khi thơ của các vị kia đều vướng trong danh tướng của ba cõi, thơ của Ni Trưởng cốt tủy là những lời dạy Thiền Tông siêu tuyệt hy hữu.
Năm 2020 cũng là một năm đặc biệt cho phụ nữ Hoa Kỳ: vừa tròn 100 năm Quốc Hội Mỹ thông qua Tu Chánh Án 19 để cho phép phụ nữ quyền bầu phiếu. Trong khi đó thống kê của Pew Research Center phổ biến vào tháng 7/2020 cho biết rằng 61% phụ nữ Mỹ tự nhận là nhà hoạt động cho nữ quyền.
Nhìn lại, Việt Nam hiển nhiên là một dân tộc có truyền thống tôn trọng và vinh danh nữ quyền tới cao độ, khi truyện cổ về nguồn gốc dân tộc Việt Nam công nhận quyền bình đẳng của bà Âu Cơ đối với chồng là vua Kinh Dương Vương khi họ bất đồng và chia đôi số con: bà Âu Cơ dẫn 50 con lên núi; và Kinh Dương Vương dẫn 50 con về bờ biển phía nam, phong con trưởng là Hùng Vương nối ngôi.
Một bài thơ ngợi ca nữ quyền trong văn học sử Việt Nam là bài lục bát dài 22 câu kể về sự kiện Hai Bà Trưng dấy binh, dựng nền độc lập. Bài thơ này trong thi tập Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, một tác phẩm văn vần bằng chữ Nôm sáng tác vào khoảng triều Tự Đức thời nhà Nguyễn, soạn theo lệnh của vua Tự Đức. Trong ấn bản in năm 1870, ghi rằng tác giả nguyên thủy là Lê Ngô Cát làm 1887 câu lục bát (3774 dòng), được án sát tỉnh Bình Định Phạm Đình Toái sửa lại thành 1027 câu.
Bài thơ Lê Ngô Cát về Hai Bà Trưng dài 22 dòng, nơi đây trích nửa bài như sau:
Bà Trưng quê ở châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân,
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành.
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Ba thu gánh vác sơn hà,
Một là báo phục, hai là bá vương…
Nữ giới như thế rất là hy hữu, nam giới không so bì nổi. Nghĩa là, vào 20 thế kỷ trước, xã hội Việt Nam không hề có chuyện kỳ thị phụ nữ và từ bà Âu Cơ tới Hai Bà Trưng, rồi tới Bà Triệu, phụ nữ phần lớn không bị xem nhẹ trong mắt ông bà mình.
Maya Angelou: biểu tượng văn hóa da đen
Nổi bật trong văn học nữ quyền và dân quyền Hoa Kỳ là Maya Angelou (1928-2014). Bà là nhà thơ, nhà văn, người viết hồi ký, và là nhà hoạt động. Bà ấn hành 7 cuốn tự truyện, 3 tuyển tập các bài tiểu luận, nhiều tập thơ, soạn nhiều vở kịch và cốt truyện cho phim ảnh và truyền hình, được nhiều giải thưởng và hơn 50 văn bằng danh dự từ các đại học khắp Hoa Kỳ. Maya Angelou là biểu tượng của nền văn hóa da đen.
Angelou bị câm trong 5 năm. Năm 1937, Angelou bị một bạn trai của mẹ, tên là Freeman, hiếp dâm. Từ đó, Angelou ngừng nói, câm cho tới năm 1942. Freeman bị xử về tội lạm dụng tình dục, nhưng sau đó người ta thấy y bị đánh chết, có lẽ do các ông cậu của Angelou. Angelou nói thông thạo ít nhất 6 ngoại ngữ, trong đó có Pháp, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, Ả Rập và Fanti (ngôn ngữ Tây Phi). Từ 1960 tới 1966, Angelou sống tại Phi Châu, trước tiên ở Ai Cập, làm biên tập viên cho báo The Arab Observer, và sau đó tại Ghana, nơi này bà dạy âm nhạc và múa tại đại học University of Ghana. Bên cạnh dạy học, bà sáng tác văn học, thường đăng trên các báo The African Review và The Ghanaian Times. Ảnh hưởng của bà tại Ghana lớn tới nổi quốc gia này in hình bà lên một con tem. Nhà cách mạng Nelson Mandela đã đọc bài thơ “Still I Rise” của Maya Angelou sau khi thắng cử năm 1994 và trở thành Tổng Thống dân cử tại Nam Phi đầu tiên, và là người da đen đầu tiên giữ chức vụ cao nhất tại Nam Phi, trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở đó. Bài thơ nhan đề “Still I Rise” (Dù Vậy Tôi Vươn Lên) của bà sẽ được dịch như sau.
Dù Vậy Tôi Vươn Lên
--- Thơ MAYA ANGELOU
Quý vị có thể xem nhẹ tôi trong lịch sử
Với những lời nói dối của quý vị đầy cay đắng, vặn vẹo
Quý vị có thể đã đạp tôi vào trong bụi
Nhưng dù vậy, như bụi, tôi sẽ vươn lên.
.
Quý vị bực dọc vì tôi ngang ngạnh?
Tại sao quý vị gây sự với bóng tối?
Vì tôi bước đi hệt như tôi đã có những giếng dầu
Bơm vào trong phòng khách của tôi.
.
Cũng như mặt trăng và như mặt trời
Với sự tất yếu của thủy triều
Cũng như hy vọng vươn lên cao
Dù vậy tôi sẽ vươn lên.
.
Quý vị đã muốn thấy tôi tan vỡ?
Đầu cúi xuống và mắt ngó xuống?
Vai thả xuôi hệt như dòng nước mắt
Suy kiệt vì tiếng khóc ngập hồn tôi?
.
Có phải niềm tự hào của tôi làm phiền quý vị?
Quý vị không thấy đó rất mực khó chịu
Vì tôi cười y như tôi đã có các mỏ vàng
Đang đào trong sân sau nhà tôi.
.
Quý vị có thể dùng lời nói bắn vào tôi
Quý vị có thể trừng mắt để chém vào tôi
Quý vị có thể lấy hận thù để giết tôi
Nhưng dù vậy, như không khí, tôi sẽ vươn lên.
.
Có phải vẻ gợi tình của tôi làm quý vị bực dọc?
Có phải nó hiển lộ như một ngạc nhiên
Rằng tôi khiêu vũ như tôi đã có những viên kim cương
Nơi các đùi tôi hướng tới?
.
Từ những túp lều của niềm xấu hổ lịch sử
Tôi vươn lên
Lên từ một quá khứ bắt rễ trong đau khổ
Tôi vươn lên
Tôi là một đại dương đen, phóng lên và lan rộng
Trào lên và tràn lên, tôi mang trong sóng thủy triều
.
Bỏ lại những đêm kinh hoàng và sợ hãi
Tôi vươn lên
Vào ánh bình minh nơi sáng rõ tuyệt vời
Tôi vươn lên
Mang theo quà tặng tổ tiên của tôi đã cho
Tôi là giấc mơ và hy vọng của người nô lệ.
Tôi vươn lên
Tôi vươn lên
Tôi vươn lên.
.
Kishwar Naheed: nữ quyền từ Pakistan
Kishwar Naheed là một trong những nhà thơ nữ quyền nổi tiếng của Pakistan. Ra đời tại thị trấn Bulandshahr, tỉnh Uttar Pradesh, Ấn Độ vào năm 1940, gia đình nhà thơ dọn tới Lahore ở Pakistan trong thời kỳ Ấn Độ tách một vùng đất ra làm Pakistan vào năm 1947. Kishwar đã nỗ lực để có một nền học vấn vào thời kỳ phụ nữ không được cho tới trường; bà học ở nhà và lấy bằng trung học qua các lớp hàm thụ, và rồi hoàn tất học vị Thạc sĩ Kinh tế tại đại học Punjab University.
Tập thơ đầu tiên của bà, Lab-i goya, ấn hành năm 1968, thắng giải văn học Adamjee Prize of Literature. Bà cũng viết cho thiếu nhi, và cho nhật báo Jang. Kishwar Naheed giữ chức Tổng Giám Đốc Hội Đồng Nghệ Thuật Quốc Gia Pakistan cho tới khi về hưu. Bà sáng lập tổ chức Hawwa có mục tiêu giúp các phụ nữ không có nguồn thu nhập độc lập trở thành độc lập tài chánh bằng cách làm gia công tại nhà và bán hàng thủ công nghệ. Sau đây là bản dịch bài thơ “We Sinful Women” (Chúng Tôi Đàn Bà Tội Lỗi).
.
Chúng Tôi Đàn Bà Tội Lỗi
--- Thơ KISHWAR NAHEED
Chính chúng tôi đàn bà tội lỗi
không được tôn kính bởi sự vinh quang của những người mặc áo choàng dài
.
những người không bán thân mình
những người không chịu cúi đầu
những người không chắp hai tay lại vào nhau
.
Chính chúng tôi đàn bà tội lỗi
trong khi những người bán các vụ mùa trên cơ thể chúng tôi
trở thành vui mừng
trở thành nổi tiếng
trở thành các hoàng tử công chính của thế giới vật chất.
.
Chính chúng tôi đàn bà tội lỗi
những người bước ra phất cao lá cờ sự thật
chống lại các lời nói dối dựng rào cản trên xa lộ
những người thấy các chuyện truy bức chồng chất trên mỗi ngưỡng cửa
những người thấy rằng các chiếc lưỡi có thể lên tiếng đã bị cắt đứt.
.
Chính chúng tôi đàn bà tội lỗi.
Bây giờ, ngay cả nếu đêm rượt đuổi
những cặp mắt này sẽ không bị dập tắt.
Vì bức tường nơi đã bị đập bỏ
không nài nỉ để dựng lên trở lại.
.
Chính chúng tôi đàn bà tội lỗi
không được tôn kính bởi sự vinh quang của những người mặc áo choàng dài
.
những người không bán thân mình
những người không chịu cúi đầu
những người không chắp hai tay lại vào nhau
Fadwa Tuqan: Nhà thơ của dân tộc Palestine
Thơ của Fadwa Tuqan (1917-2003) phần lớn nói về cuộc kháng chiến của dân tộc Palestine khi vùng đất của họ bị Israel chiếm đóng. Thơ bà nói lên thân phận phụ nữ trong thế giới Ả rập, và về nỗi đau khổ của dân Palestine khi mất nước. Sinh tại thị trấn Nablus trong một gia đình thượng lưu Palestine, đi học tới năm 13 tuổi thì buộc phải nghỉ vì bệnh. Một trong những anh ruột của bà là Ibrahim Tuqan, còn được mệnh danh là Poet of Palestine (Nhà thơ của Palestine) nhận trách nhiệm giáo dục bà, tìm sách cho bà đọc, dạy Anh văn và thi ca cho bà. Nhiều năm sau, Fadwa Tuqan được vào học Anh văn và văn học ở Oxford University. Bà in nhiều tập thơ, và chết tại Nablus vào ngày 12/12/2003 trong cao điểm của Al-Aqsa Intifada, cuộc nổi dậy lần thứ nhì của Palestine chống quân Israel đang chiếm đóng.
Dưới đây sẽ dịch bài thơ “Hiện Hữu” (Existence), trong này nhà thơ nữ Fadwa Tuqan viết như dòng tâm sự với người tình, nhưng tình nhân này là một hóa thân của đất nước Palestine mà bà nhìn thấy đã bị Israel cướp mất. Toàn bài thơ viết theo thì quá khứ, chỉ trừ đoạn cuối viết theo thì hiện tại, cho thấy những đau buồn tan vỡ với chàng (biểu tượng cho đất nước đã mất) trong khi hiện tại là một hy vọng về tương lai sẽ hợp nhất với chàng (khi đất nước hồi sinh).
.
Hiện Hữu
--- Thơ FADWA TUQAN
Trong đời cô quạnh, tôi là một câu hỏi đã mất;
Tong bóng tối bao trùm,
câu trả lời của tôi bị che giấu.
.
Chàng là một vì sao sáng, mới lên
chiếu sáng từ bóng tối của những điều chưa biết
được hiển lộ từ định mệnh.
.
Các vì sao khác quay chung quanh chàng
--- một lần, hai lần ---
cho tới khi tới gặp tôi
chàng chiếu sáng độc đáo.
.
Rồi bóng tối u sầu tràn tới
Và trong các rung chuyển tương đồng
của hai bàn tay chúng ta
Tôi đã tìm gặp lại câu trả lời đã mất của tôi.
.
Ô, chàng! Ô, chàng thân thiết, nhưng xa cách biệt!
Chàng không nhớ về sự hợp nhất
của tinh thần chàng bốc cháy trong lửa?
của vũ trụ của tôi với của chàng?
của hai nhà thơ?
Bất kể chúng ta xa nhau cách biệt
Sự hiện hữu nối kết chúng ta lại – Sự hiện hữu!
Ni Trưởng Trí Hải: Thơ Ngọa Bệnh Ca
Ni Trưởng Thích nữ Trí Hải (1938-2003) có thế danh là Công Tôn Phùng Khánh, sinh ở Vĩ Dạ, Thừa Thiên Huế. Khi Ni Trưởng còn trong thai mẹ 3 tháng, đươc mẹ thỉnh pháp cho Ni Trưởng quy y từ trong thai mẹ, với pháp danh là Tâm Hỷ. Sau khi tốt nghiệp Tú tài 2, Ni Trưởng có ý xuất gia, nhưng chưa được phép, nên học tiếp, tốt nghiệp Cử nhân Anh văn tại trường Sư phạm Huế rồi đi dạy một thời gian tại trường Phan Chu Trinh – Đà Nẵng. Năm 1960, Ni Trưởng du học, tốt nghiệp Cao học ngành Thư viện (M.A) tại Đại học Princeton (Hoa Kỳ).
Ni sư là một trong các giảng viên đầu tiên giảng dạy tại Thiền viện Vạn Hạnh và Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, từng làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đồng thời là nhà nghiên cứu, tác giả, dịch giả nhiều đề tài Phật giáo. Ni Trưởng giỏi 3 ngoại ngữ: Anh, Pháp và Trung Quốc. Đầu tháng 12 năm 2003, Ni Trưởng được suy cử vào chức Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trưởng ban vận động tài chính. Ni Trưởng tử nạn giao thông tại Suối Cát (Đồng Nai) trong chuyến đi công tác xã hội ở Bình Thuận về, vào ngày 7 tháng 12/2003, thọ 66 tuổi với 33 năm tuổi hạ.
Tập Thơ Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng gồm khoảng 200 bài thơ, ghi lại những ngày nằm bệnh từ 15/03/2003 đến 15/4/2003. Văn phong đơn giản, giàu cảm xúc, Thiền ý thâm sâu, hiển lộ phong thái của một vị Thiền Ni vững vàng an trụ trong Giới Định Huệ. Rất mực hy hữu. Nơi đây, xin trích 2 bài thơ trong Tập Thơ Ngọa Bệnh Ca (trong đó, có một bài có tựa đề tiếng Anh “Cut Through” – nghĩa là “Đoạn Tận Nhanh Chóng”). (1)
Người Gỗ
--- Thơ Ni Trưởng Trí Hải
Một thây chết diệu kỳ
Biết ăn và biết ngủ
Thỉnh thoảng lại biết đi
Nhưng không tư tưởng gì.
.
Như người gỗ ngắm hoa
Như hồ gương chiếu nguyệt
Đá núi cũng xếp hàng
Ngắm kỳ quan diễm tuyệt.
.
Lúc nào thưởng thức trọn
Vũ trụ nhiệm màu này
Chính lúc tâm bất động
Như thây chết biết đi.
.
Cut Through
--- Thơ Ni Trưởng Trí Hải
Thanh bảo kiếm kim cương
Vọng tưởng chém đứt luôn
Một niệm vừa mới ló
Là dứt ngay không nương.
.
Cái tâm là gì nhỉ?
Không danh tướng, như gương
Sáng trong và lặng lẽ
Soi chiếu khắp mười phương.
.
Dưới hồ nước lặng trong
Viên minh châu lấp lánh
Đừng để sóng xao động
Mất dấu ngọc long lanh.
.
Các bài thơ của Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải hiển nhiên là có thể đưa vào sách giáo khoa cho người học Phật Việt Nam vậy.
.
GHI CHÚ:
(1) Tập Thơ Ngọa Bệnh Ca: https://quangduc.com/p158a60195/muc-luc
.
PHOTO:
Maya Angelou và con tem quốc gia Ghana.
Kishwar Naheed
Fadwa Tuqan
Ni Trưởng Trí Hải.
***