Tùy bút
Chùa Pháp Sơn với Cổng Trời trên Đất Lành
Vượt qua được đoạn dốc núi vừa dài vừa gập ghềnh lên mô xuống hụp với lởm chởm đá cục đá hòn, đất bụi sạn sỏi để lên đến được khuôn viên của chùa, đứng ngay dưới chiếc cổng mang dáng dấp kiến trúc Torii ở các đền chùa Nhật Bản, hít thở thật sâu và đều không khí trong lành của núi rừng cây cỏ mà phóng tầm mắt về hướng đông ngắm cảnh trời xanh biển rộng, thấy rõ những hòn đảo nhỏ ngoài vịnh nối nhau như bức bình phong che chắn cho thành phố Nha Trang hiền hòa, ta mới cảm nhận được sự sảng khoái an vui như vừa từ cảnh giới u minh hầm hố bước qua thiên đường tịnh lạc. Ta đang đứng ngay Cổng Trời, ngay ranh giới chuyển tiếp giữa vùng linh địa của Phật, Bồ Tát và Thánh Chúng với thế gian phàm phu tục lụy. Cổng Trời được dựng đặt tại chùa Pháp Sơn trên triền núi Chín Khúc với độ cao 180 mét so với mặt nước biển chắc là mang ý nghĩa đó.
Sau khi rảo một vòng lên xuống qua lại quanh chùa dưới nắng chói chan, đến ngồi trên băng ghế đá dưới bóng râm cạnh Cổng Trời, đón từng cơn gió mát đi qua, tĩnh tâm nhìn ngắm lại từng giàn hoa tán lá, dáng cá bóng cây, hàng bằng lăng tím đang vững chãi vươn lên muốn tranh đua cùng những cây muồng hoa vàng, những thân đu đủ cao dong dỏng bên vườn ổi xanh tươi cành lá, nghe tiếng nhạc thánh thót nhẹ nhàng của chiếc phong linh treo trước chánh điện hòa cùng tiếng suối chảy róc rách liên miên như bất tận nơi hòn giả sơn bên dưới bóng dáng tọa thiền thư thái của một vị bồ tát, hay nhìn lại từng lối đi phẳng êm bằng bê-tông dẫn qua các cổng cửa nhỏ vào từng khu riêng biệt có đầy đủ nguồn điện và nước để dùng cho chốn già lam thâm sơn cũng cốc… thì ta mới hình dung, mường tượng, nhận biết được sự đánh đổi phải nói là khủng khiếp của mồ hôi nước mắt, của công sức lẫn tài lực mà con người đã trút trải ra trong cuộc khai sơn phá thạch dựng chùa truyền pháp.
Chỉ với vỏn vẹn bốn năm, năm 2016 đến 2020, từ ngày kết duyên với vùng núi đá thuộc khu tái định cư Đất Lành, thật đúng là đất lành cho chim đậu, mảnh đất rẫy hoang vắng đầy bui rậm và gai góc chen cùng đá tảng khô khốc, không có được một lối mòn lên xuống lại qua, đã từng ngày thay da đổi thịt, từng tháng năm thấm đẫm khổ lụy gian nan biến chuyển sắc tướng để trở thành một chốn thanh tịnh tu hành rạng ngời chánh đạo mang tên Pháp Sơn!
Đại đức Thích Huệ Pháp, một trong những đệ tử xuất sắc của cố Hòa thượng thượng Trí hạ Viên (trú trì chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa- Nha Trang) chính là vị tỳ kheo đã phát tâm nguyện tạo dựng ngôi chùa trên núi cao có chiếc Cổng Trời lạ lẫm này. Duyên lành đưa người đến đất lành, đại đức đã tìm mua được mảnh đất vùng heo hút núi non hiểm trở rộng trên 2ha, nhưng không phải nằm ở địa thế núi nhìn thấy núi, đá nhìn thấy vách, mà chiếm được một vị trí vô cùng thanh cao thoáng đãng gọi là “tọa sơn hướng thủy”, khi nhìn ra hướng đông có biển rộng vịnh êm, và ngắm được bao quát cả một thành phố du lịch Nha Trang chỉ cách chốn tịnh tu này chừng 5km… Nói về tâm nguyện, chí nguyện của người khai sơn lập tự, có lẽ ta chỉ nên dùng những từ ngữ có chữ Kiên như kiên trì, kiên nhẫn, kiên tâm, kiên cố, kiên định, kiên gan, kiên cường... vì nếu không có được chữ Kiên nào thì giờ đây đất đá cây cỏ đã trả về cho núi, không thể có một thiền tự mà phương danh đã được lan tỏa gấn xa vẫy gọi những người thích du sơn ngoạn thủy, muốn tìm về chốn thanh khiết tĩnh lặng, thích khám phá trải nghiệm khắp đó đây.
Bốn năm tạo dựng, chỉ mới là xong bước đầu cơ bản, chùa Pháp Sơn còn rất nhiều hạng mục công trình dang dở, và chưa thực hiện được. Đã có nguồn nước giếng khoan lấy từ độ sâu 120m lên chứa vào các bể hồ dự trữ, đủ để sinh hoạt hằng ngày, tưới cây… Đã có nguồn điện mạnh được kéo từ lưới điện chính ngoài lộ chính chạy vào 2km vào đến chùa trên núi, thay thế năng lượng mặt trời… Hai nguồn điện và nước vô cùng quan trọng này quyết định được sự thành bại thất tồn của sơn tự, nên cũng là các nguồn tiêu hao tài lực kinh phí mà mới nghe con số đã phải trố mắt ngỡ ngàng.
Tương lai chưa biết ra sao, hình hài tầm vóc của chùa Pháp Sơn chỉ đang còn nằm ở phác họa, ở kế hoạch kiến tạo dài lâu của vị khai sơn lập tự. Chánh điện tạm thời còn nhỏ hẹp, đang chờ vào mai sau được hội đủ phước duyên, được thọ lãnh hồng ân Tam Bảo mà vươn lên lớn rộng trên khoảnh đất đã được san ủi bằng phẳng kế bên. Con đường chính, cũng những lối đi dẫn lên chùa đã được lát bê-tông, trải đá dăm xanh rì, nhưng vẫn còn nhiều đoạn chưa đủ duyên lành để bằng phẳng êm ái đón bước chân người cũng như vòng lăn của bánh xe, còn lắm khúc lởm chởm chông chênh trồi lên lõm xuống như muốn thử thách lòng người, nhất là vào mùa nắng gắt và mùa mưa gió lầy lội… Do đất chùa quá rộng, ta sẽ thấy thiếu thiếu gì đó, như thiếu những tôn tượng lộ thiên để bài trí làm tôn lên vẻ đẹp thiêng liêng của cảnh thiền, vườn thiền, nhưng vị trú trì cho hay, chùa ưu tiên trồng cây xanh thật nhiều trước, vừa lấy bóng mát, lấy sắc màu tô điểm cảnh sắc chung, vừa giữ rừng giữ núi hòa vào với thiên nhiên. Cũng sẽ có tôn tượng Di Lặc Tôn Phật, nhưng còn nằm trong dự tính. Sẽ không tôn trí nhiều tượng lộ thiên chịu bao mưa nắng vì chùa thấy không nên, không cần thiết,,,
Trước mắt, bá tánh thập phương cũng đã thỏa nguyện, hài lòng khi được đặt chân vào đất chùa, thanh nhàn chiêm bái Vườn Lộc Uyển với tôn tượng Phật Thích Ca thuyết pháp cho năm anh em ngài Kiều Trần Như, thong dong thưởng lãm Nhà Chuông với chiếc chuông đồng lớn được đúc nổi quanh vành trăm hình tượng Phật thật lạ lẫm hiếm thấy, thư thả ngắm nhìn cảnh non nước hữu tình với cá lội suối reo gần bên tôn tượng đức Quán Tự Tại Bồ Tát, bất chợt bắt gặp hình tượng chú tiểu bằng đá trắng đang dùng tay ra hiệu “Giữ im lặng, và lắng nghe!” thật dễ thương, đền ngồi trên các băng ghế ngắm cảnh cửa biển và phố thị xô bồ, và dĩ nhiên không thể thiếu đến những giây phút ung dung tự tại đứng giữa Cổng Trời mà dang tay đón lấy thời không tĩnh mịch thuần khiết được ghi khăc lại bằng ống kính nhiếp ảnh để lưu niệm…
Hãy thong thả bước vào Nhà Chuông, đón gió lồng lộng thổi qua, rồi dọn sẵn cho mình một tâm thức thanh tịnh, sau đó cung kính thỉnh một tiếng chuông, chỉ cần một tiếng mà thôi, xong đứng đó gửi gắm tâm nguyện của mình vào trong tiếng ngân vang của chuông, tâm nguyện cũng hòa vào theo từng hơi thở:
Lên đây
Đảnh lễ Bụt Đà
Mang tâm rộng mở
Mà ra Cổng Trời
Ngắm nhìn đảo vịnh biển khơi
Ôm vào thành phố của thời xuân xanh
Đứng đây gọi Bụt tâm mình
Nam mô giải kết
Lặng thinh
Rồi về!
Tâm Không – Vĩnh Hữu