Trì danh “Quán Thế Âm Bồ-tát”
(Nếu tâm hồn biết thầm lặng tự kết bạn với các nhà hiền triết tâm linh, thì điều mầu nhiệm sẽ xảy ra, là tâm hồn giảm bớt rất nhiều khổ đau-xấu ác-mê lầm)
Trì danh Ngài Quán Thế Âm
Trí-bi hội nhập Chân Tâm đất trời
Vơi bao nghiệp chướng cõi đời
Ngày về Tịnh độ tiếp lời Tâm kinh…
Niệm thầm theo hơi thở thiền
Tháng ngày an lạc như hiền triết xưa
Trăng tâm lặng lẽ bốn mùa
Hương trà thấp thoáng Chân Như vĩnh hằng.
Bồ-tát Quán Thế Âm là một vị Phật thời quá khứ xa xưa, nhiều người dù không phải là người Phật giáo vẫn có lòng chánh tín ở Ngài. Có thể thay danh hiệu này bằng các danh hiệu mang năng lượng tâm linh đại trí-đại bi khác của tôn giáo. (Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn).
2013
-----------
THAM KHẢO:
- Có thể thay danh hiệu này bằng các danh hiệu mang năng lượng tâm linh đại trí-đại bi khác của các tôn giáo.
- Chân Tâm: Bản Thể Vũ Trụ, Thượng Đế, Viên Giác, Phật Tính, Pháp Thân, Chân Như, Chân-Thiện-Mĩ…
- Bồ-tát Quán Thế Âm có truyền bá một câu chân ngôn mang thần lực cứu khổ cứu nạn, giảm nghiệp chướng tham-sân-si và trợ lực giác ngộ là: Án Ma Ni Bát Di Hồng (Om Ma Ni Pad Mé Hum). (Ngài là một vị Phật thời quá khứ xa xưa đang hành Bồ-tát đạo; nhiều người dù không theo đạo Phật vẫn có lòng chánh tín ở Ngài).
---
- Thí nghiệm của M. Emoto cho thấy, khi dán 2 mẩu giấy mang tên người có tính cách tốt-xấu khác nhau vào 2 chai nước, thì cấu trúc và chất lượng nước cũng biến đổi khác nhau. Thí nghiệm này giúp hiểu rõ hơn thần lực của các danh hiệu thánh nhân, các chân ngôn… (Báo Giáo Dục & Thời Đại Chủ Nhật số 47 năm 2006).
- Hai tác giả John Spencer (tiến sĩ y học) và Karen Nesbitt Shanor (tiến sĩ sinh học) viết trong tác phẩm Trí Tuệ Nổi Trội: “Một nghiên cứu xuất sắc đánh giá vai trò của sự cầu nguyện (cho người khác) trong việc chữa bệnh do bác sĩ chuyên khoa tim Randolph Byrd tiến hành đã khích lệ rất nhiều các nghiên cứu sau đó. (…) Các nhóm tôn giáo khác nhau được cử đến để cầu nguyện cho các bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện (bệnh nhân không biết). (…) Các bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện ở một số khu vực so sánh với những người trong nhóm không cầu nguyện: Họ dùng thuốc kháng sinh ít hơn năm lần; họ ít bị mắc chứng phù ở phổi hơn ba lần; không ai trong số họ cần đến ống thở (…); và có rất ít bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện bị chết.” (Trí Tuệ Nổi Trội; Karen Nesbitt Shanor; dịch giả: Vũ Thị Hồng Việt).
- A. Einsten có phát biểu đáng lưu ý: Khoa học mà không có tôn giáo thì khập khiễng; tôn giáo mà không có khoa học thì mờ ảo. (Theo giáo sư-viện sĩ Đào Vọng Đức, nguyên viện trưởng Viện Vật lí, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người về Khoa học và Tâm linh. Bài phỏng vấn “Khoa học lí giải Tâm linh như thế nào?”; Khoahoc tv).
---
- Theo các kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ, thời Đức Phật còn tại thế, Ngài không đặt ra điều luật ăn chay trường cho cả tu sĩ và cư sĩ, mà chỉ khuyên dạy diệt trừ tham ái (bao hàm tham ăn).
-Theo Thiền Luận (D.T.Suzuki), ngày xưa có các vị Bồ-tát tu hành trong nghịch cảnh như làm kĩ nữ, bán cá ở chợ, mò tôm để sinh nhai… Vì thế, dù còn phải sống trong nghịch cảnh, chúng sinh cũng có thể tu tập hướng thiện hướng thượng tâm linh, chuyển hoá nghiệp.
- Hành thâm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát” chính là “phản văn văn tự tánh - xoay cái nghe nghe tự tánh”; cũng chính là “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”... Kinh Pháp Hoa nói: “Diệu âm quán thế âm / Phạm âm hải triều âm / Thắng bỉ thế gian âm / Thị cố tu thường niệm.”
---
- Một số ý nghĩa trí tuệ-từ bi (trí-bi) khi thành tâm-thiện ý thầm niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát” và hồi hướng công đức trì niệm:
1) Bất kì ai, dù đang sống trong nghiệp chướng nào, trong nghịch cảnh nào cũng thực hành được và có hiệu quả ít nhiều (tuỳ theo nghiệp do tâm ý đã tạo).
2) An tâm nương tựa vào năng lực cứu khổ cứu nạn cho bản thân mình, cho những người thân quen, cho mọi chúng sinh mà mình quan tâm (được giảm bớt nghiệp báo nặng nề).
3) Bớt đau buồn khi những người thân quen qua đời, vì tin tưởng vào năng lực cứu độ của công đức trì niệm.
4) Gia tăng niềm tin và tình cảm vào tinh thần tôn giáo thánh thiện, vào minh triết tâm linh, vào sự nghiệp giác ngộ; từ đó sẽ giảm bớt sự lo sợ về cái chết sẽ đến cho mình trong tương lai.
5) Gia tăng niềm lạc quan, tự tin, tự trọng, tự do, yêu thương vào sự nghiệp hướng thiện-hướng thượng tâm linh của mình; và mong ước chia sẻ thiện ích với mọi người, với mọi chúng sinh, với mọi dòng sinh mệnh tâm linh.
---
- “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình. (Đường Về Minh Triết; Tuệ Thiền Lê Bá Bôn).
---
- Đọc trong Chấm Dứt Thời Gian, một đối thoại giữa ngài Jiddu Krishnamurti và ngài David Bohm. Ngài Krishnamurti là một danh nhân giác ngộ được Liên Hiệp Quốc tôn vinh. Ngài David Bohm là một nhà khoa học lớn, giáo sư tiến sĩ vật lí.
Bản dịch của dịch giả Đào Hữu Nghĩa; nxb Thời Đại xuất bản năm 2010.
Những chữ trong ngoặc đơn và những chữ in hoa là do người đọc làm cho rõ nghĩa:
David Bohm: Chắc ông thấy, ta phải làm rõ, bởi vì ông nói rằng thế giới tự nhiên là sự sáng tạo của cái TÂM VŨ TRỤ, tuy thế tự nhiên vẫn có thực tại riêng.
Krishnamurti: Mọi điều đó hiểu được.
David Bohm: Nhưng hầu như toàn thể tự nhiên đều do cái tâm vũ trụ tạo.
Krishnamurti: Tự nhiên vốn thuộc cái tâm vũ trụ. Tôi thử tìm cách chấm dứt cái tâm cá biệt; bấy giờ chỉ còn có TÂM, tâm vũ trụ đúng chứ? (Trang 38-39).
(...)
Krishnamurti: Vâng. Trong trật tự vũ trụ có vô trật tự, vô trật tự ấy có liên quan đến con người.
David Bohm: Không phải vô trật tự ở bình diện vũ trụ.
Krishnamurti: Không phải. Ở bình diện thấp hơn nhiều.
David Bohm: Vô trật tự, hỗn loạn ở bình diện con người.
Krishnamurti: Và tại sao con người đã sống trong tình trạng này từ khởi thuỷ?
David Bohm: Bởi vì con người còn VÔ MINH-ignorant, chưa thấy ra sự thật.
Krishnamurti: Nhưng con người vốn thuộc vào cái toàn thể, cái nguyên vẹn, nhưng trong một góc hẹp, con người tồn tại và sống trong hỗn loạn, vô trật tự. Còn cái TRÍ THÔNG MINH TỈNH THỨC MÊNH MÔNG này thì không. (Trang 41).
(...)
Krishnamurti: Bởi vì “X” (người giác ngộ) không “bằng lòng” với việc thuyết giảng và thảo luận suông. Cái mênh mông vô tận đó, chính là “X”, phải thực sự có hiệu quả, phải làm cái gì đó. (...).
David Bohm: Nhất thiết phải làm thế. Nhưng cái mênh mông vô tận ấy sẽ tác động hay thay đổi nhân loại cách nào? Khi ông nói thế, gợi ý người ta hiểu rằng có một hiệu quả siêu-cảm-giác lan toả khắp.
Krishnamurti: Đó là chỗ tôi đang nắm bắt đây. (...).
David Bohm: Vâng. Bởi vì thức tâm cũng khởi lên từ nền tảng, nên hoạt động này ẢNH HƯỞNG TOÀN NHÂN LOẠI cũng từ NỀN TẢNG.
Krishnamurti: Vâng. (Trang 228-229).
(...)
Krishnamurti: Từ cái cá biệt riêng tư, cần thiết phải đi đến cái chung, cái phổ biến, rồi từ cái phổ biến vẫn tiếp tục vào sâu hơn nữa và có lẽ, có cái tánh thuần khiết được gọi là TỪ BI, TÌNH YÊU và TRÍ TUỆ. Nhưng điều đó có nghĩa rằng bạn phải đặt hết trí, tâm và toàn bộ tự thể của bạn vào công cuộc TRA XÉT, KHÁM PHÁ này. (...). (Trang 369-370).
---
(Mời đọc tiếp ở phần dưới)
----------
MẦU NHIỆM CỦA TÂM ĐỊNH TUỆ
* May mắn nhất của đời người là biết được và thụ hưởng được những mầu nhiệm của Tâm Định Tuệ. Tâm Định Tuệ là tâm linh tối thượng của vũ trụ, tiềm ẩn ở mỗi con người, trong tất cả chúng sinh.
* Định là dừng lại những nghĩ tưởng của tâm vô minh (vọng tưởng). Tuệ là ánh sáng thấy-biết tịch lặng (vô niệm) của tâm.
“Định tức Tuệ-Tuệ tức Định” là Viên Giác. Viên Giác là tâm linh tối thượng, là Chân-Thiện-Mĩ, là Thượng Đế, là Phật tính, là chân ngã.
* Năng lực thực hành Định Tuệ là sự nghiệp cao quý nhất của đời người. Năng lực đó bất kì ai cũng có thể đạt được ít nhiều, nếu biết học tập theo các nền minh triết tâm linh, theo các tôn giáo thánh thiện, theo đạo Phật.
* Để có năng lực đó, đơn giản nhất là quán hơi thở hoặc chú tâm thầm niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát”, với ý thức chuyển hoá dần những tâm tưởng mang năng lượng xấu ác, phiền não, si mê; chuyển hoá vì tự lợi-lợi tha. Người tin tưởng năng lực cứu khổ cứu nạn của Bồ tát Quán Thế Âm (một vị cổ Phật) có thể theo hoặc không theo đạo Phật; nhưng cần học hỏi thêm Phật pháp.
* Tâm Định Tuệ bao trùm vũ trụ. Ai thực hành phát triển năng lực Định Tuệ là mang thiện ích lớn cho mình, cho thân nhân còn sống hay đã từ giã kiếp người, cho tất cả chúng sinh, cho đạo lí giác ngộ tối thượng của vũ trụ.
* Thực hành Định Tuệ mang nội hàm “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”.
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả”. “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình”. (Đường Về Minh Triết-có bổ sung; Tuệ Thiền Lê Bá Bôn; Thuvienhoasen.org).
* Thực hành phát triển năng lực Định Tuệ là một công trình Đại thừa quan trọng. Ai thành tâm thực hành là có sự giúp đỡ, gia trì của các bậc giác ngộ, của các vị thiện thần hộ pháp. Các vị thiện thần hộ pháp giúp đỡ nhiều mặt, kể cả hoàn cảnh cuộc sống, phương tiện tồn tại. (Nhiều học giả hiện đại, có trình độ uyên thâm về vật lí lượng tử, lí giải điều này rất hay).
* Nghiệp là diễn trình gieo nhân-gặt quả (quả báo) của hành vi thân khẩu ý. Theo nhiều nhà khoa học thì nghiệp cũng mang năng lượng; mọi hiện tượng và toàn cơ thể vũ trụ là những dòng chảy năng lượng; năng lượng tâm thần là dạng năng lượng cơ bản nhất… Thực hành Định Tuệ có công năng chuyển nghiệp, cải thiện nghiệp riêng và nghiệp chung. (Khoa học đã phát hiện ảnh hưởng của năng lượng tâm ý đến thế giới vật chất bên ngoài, đến môi trường sống, đến những ngưòi và những nơi rất xa…).
* Nhiều nghiên cứu y học và sinh học cho thấy rằng, thực hành Định Tuệ làm thay đổi cấu trúc não, cải thiện sức khoẻ bộ não, sức khoẻ tinh thần và sức khoẻ toàn diện. Đặc biệt, sự thực hành sẽ kích thích tuyến tùng tạo đủ lượng melatonin cần thiết cho sự phòng chống ung thư. Nhiều trường hợp thực hành Định Tuệ và cầu nguyện chân chính đã chiến thắng bệnh nan y.
* Thực hành phát triển Định Tuệ sẽ xa dần các tà kiến và các thiên chấp; sẽ sống với nhân cách tự-do-tinh-thần; cởi bỏ gánh nặng nô lệ thị phi, tập tục. Sau khi từ bỏ thân xác tạm bợ này, sẽ không phải chui rúc vào các nẻo si mê đầy đau khổ phiền não; sẽ không phải làm thân ngạ quỷ vất vưởng chốn mồ mả hay các nơi thờ cúng.
* Thực hành phát triển Định Tuệ sẽ hội tụ ở mình mọi giá trị, mọi chất lượng cuộc sống đích thực, không ảo tưởng phù phiếm. Thực hành phát triển Định Tuệ sẽ biết tôn quý mọi phương tiện thăng hoa trí tuệ-tâm linh của người khác, không kì thị tôn giáo - không “hơn thua, cao thấp”. Đó là tâm Đại thừa chân chính.
* Tâm Định Tuệ là ông chủ minh triết hoà bình, là trí tuệ vô sư, là trí tuệ siêu việt của chính mình. Tâm Định Tuệ là cực lạc thiên đường, là mái ấm tinh thần, là quê hương tâm linh vĩnh hằng. Tâm Định Tuệ là kho chứa vô tận công đức và phước đức; là năng lực sáng tạo thuận hợp Chân-Thiện-Mĩ; là cội nguồn của đạo đức nhân văn đích thực, của từ bi bác ái. Tâm Định Tuệ là tinh thần tự do tự tại. Tâm Định Tuệ là chốn tiêu dao cùng bạn lữ minh triết khắp vĩnh hằng.
--
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
(http://www.truongsinhhocds com/site/vi/news/Tin-tuc-bao-chi/Mau-nhiem-cua-Tam-Dinh-Tue-1633.html).
--------------------------------------------