Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - quan tiền xưa với nhận xét mới

26/08/202014:51(Xem: 7875)
Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - quan tiền xưa với nhận xét mới

Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - quan tiền xưa với nhận xét mới

(phần 21B)

Nguyễn Cung Thông1

Phần này bàn về cách dùng quan tiền các cách tính tiền thời trước và thời LM de Rhodes, dựa vào tự điển Việt Bồ La và một số tài liệu chữ quốc ngữ và nước ngoài. Ngoài ra, một số nhận xét của người ngoại quốc khi dùng đồng tiền An Nam cũng cho thấy thực trạng của loại tiền này. Các phê bình này hầu như thiếu vắng trong tài liệu Hán, Nôm hay chữ quốc ngữ. Đây là những chủ đề có rất ít người đề cập hay khảo sát sâu xa. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Không có nhiều tài liệu Hán Nôm viết về chủ đề tiền tệ trước đây nên người viết thường dựa vào một số ca dao và thành ngữ/tục ngữ đã được lưu truyền trong dân gian. Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán). Bài này đánh số 21B vì là một trong loạt bài liên hệ hay cùng chủ đề, như “Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa” là phần 21, “Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tiền quí, cheo, tính tiền khi đi chợ …” là phần 21A. Bạn đọc nên tham khảo các bài ghi trên cho được liên tục (bài 21 - bài 21A - bài 21B ...).

1. Lỗ lầu

VBL trang 418 ghi lỗ lầu là lỗ đào ở giữa nhà để giữ bảo vật trong trường hợp hỏa hoạn ... Lỗ lầu ghi hai lần trong mục lỗ (trang 418) và mục lầu (trang 404-405), theo người viết lỗ lầu cũng là chỗ để tiền quí hay vàng bạc châu báo trong nhà ...v.v...
Tieng Viet thoi LM de Rhodes - 21B-000

VBL trang 418

Cấu trúc đặc biệt của loại tiền kim loại này, với lỗ vuông hay tròn ở giữa, đã tạo ra một số cách dùng đặc biệt như

- quan tiền = 10 tiền = 600 đồng (quan là dây xâu tiền, nghĩa cổ đại)

một vỉa tiền (VBL trang 794) – một vác tiền (Vallot, 1898 – Đàng Ngoài) hay năm quan tiền, dẫn đến bài thơ mượn tiền của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (mượn năm mà chỉ được ba) - Đàng Ngoài. Chục là một chục quan tiền (= 10x600 đ = 6 ngàn đ) theo J. Silvestre trang 77, sđd. Chục (tiền) rất nặng (= 10 quan tiền ~ 10x2 kg = 20 kg) còn được dùng làm ‘dồ dằn’ trên tàu. Phần sau sẽ đi vào chi tiết hơn về ảnh hưởng của khối lượng mỗi quan tiền xưa.

một tiền = 60 đồng tiền kẽm – một chày (Vallot, 1898) – Đàng Ngoài

lõi tiền (VBL trang 794).

xỏ tiền vào (VBL trang 794).

gieo tiền (VBL trang 794).

làm tiền (VBL trang 794, đòi thuế bằng đồng tiền, khác với nghĩa trong tiếng Việt hiện đại)

tiền bộp (VBL trang 794, tiền chì đã mòn đi).

tiền giấy/tiền chỉ (VBL trang 794, phí trả cho nhà nước - tiền giấy nghĩa khác với cách hiểu bây giờ).

ăn tiền/ăn giấy/ăn chỉ (VBL trang 7, phí cho nhà nước/quan lại).

bẻ tiền (VBL trang 794, 795, 32, 239 …) …v.v…

Ngoài ra, lỗ lầu (tiếng Việt thời LM de Rhodes) còn là một loại "tủ sắt thiên nhiên" (~ két sắt, tủ tiền) giữ tiền quí hay bảo vật ở trong nhà khi có những tình huống nguy hiểm như thiên tai, trộm cướp. Điều này cũng giải thích tại sao vào thời này thỉnh thoảng dân chúng vẫn đào thấy những hủ tiền chôn sâu dưới đất, như theo bài báo "Bí mật hũ tiền lớn chôn sâu dưới lòng đất ở Nghệ An" (1/1/2014), xem trang này chẳng hạn https://vtc.vn/bi-mat-hu-tien-lon-chon-sau-duoi-long-dat-o-nghe-an-ar140361.h ...v.v...

2. Hình một nông dân mang (gánh) quan tiền

Như đã viết trong phần 21A, một quan tiền chỉ là một xâu tiền2 hay một tập hợp 600 đồng (tiền quí) và có thể nặng đến 2 kí lô hay hơn nữa. Theo LM Taberd (1838) thì mỗi đồng nặng khoảng 2.6767 gram và một quan nặng khoảng 1.5 kí lô (khối lượng quan tiền có thay đổi tùy theo từng tác giả và thời đại/NCT). Điều đáng chú ý là một quan tiền không nhẹ mà cầm gọn trong tay được. Một điểm đáng ghi lại ở đây là nhận xét của LM de Rhodes (khoảng đầu thập niên 1650 trong "Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài") về xâu tiền An Nam "Tất cả loại tiền đồng, lớn hay bé đều nhẵn và tròn, khắc bốn chữ trên mặt và tất cả đều có lỗ ở giữa, để dùng dây xỏ vào như thường lệ. Vì thế mỗi dây buộc chừng sáu trăm3 hoặc mười lần sáu mươi có đánh dấu để phân biệt mỗi sáu chục đồng. Như vậy rất thuận tiện để quàng vào cánh tay hay khoác lên vai khi đi chợ, không cần dùng túi như chúng ta, chỉ dùng dây mà thôi". Có thể nhu cầu của LM de Rhodes không giống với thời đại của tác giả Charles Lemire vào năm 1868, khi ông đưa ra nhận xét rất khác biệt "Đồng tiền An Nam là một đĩa bằng kẽm với lỗ vuông ở giữa, một mặt ghi triều đại mà đồng tiền được đúc. 600 đồng xâu lại thành một quan tiền hay một chuỗi tương đương với một phật lăng (franc). Mỗi quan lại được chia thành 10 tiền hay 10 đoạn có 60 đồng cho từng đoạn - tập hợp 10 tiền như vậy giống như tiền của nhà lập pháp Hi Lạp Lycurgus4 - vì tiền này nặng và khó đem đi theo mình" (tạm dịch/NCT). Hình chụp ở dưới vào năm 1927, năm mà Quốc Văn Giáo Khoa Thư (lớp sơ đẳng) xuất bản bài ca dao "đi chợ tính tiền", hình trích từ trang này5 http://bunum.univ-cotedazur.fr/omeka-s-dev/s/mai_68/item/6208#?c=&m=&s=&cv=&xywh=-1590%2C0%2C5444%2C3163

Tieng Viet thoi LM de Rhodes - 21B-001

Lấn cấn về đồng tiền cổ VN đã có từ trước đây, như vào thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đã phải ra luật 'bảo vệ' tiền không được hoàn hảo cho lắm - trích từ Đại Việt Sử Kí Toàn Thư trang này chẳng hạn http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Search-History-of-Greater-Vietnam?uiLang=vn

Tieng Viet thoi LM de Rhodes - 21B-002

Cho đến đầu TK 19, rắc rối về phẩm chất đồng tiền cổ VN còn được trung úy hải quân Mỹ John White ghi nhận trong cuốn A Voyage to China Sea như sau "Dây xâu tiền (một quan tiền có 10 tiền/NCT) thắt nút ở giữa, thành ra mỗi 5 tiền hay 300 đồng xâu lại ở hai bên và hai đầu cột lại. Các loại tiền này còn được lưu trữ ở viện bảo tàng Công Ty Hàng Hải Đông Ấn. Quan và tiền là đơn vị tiền ảo (không có thật/NCT). Người có tiền này thường bị mất mát lớn, vì thành phần kim loại đúc tiền này rất dòn và vì thế tiền này thường dễ sứt mẻ; ngoài ra vì không có nhà băng hay không có cơ sở chính thức giữ tiền trong nước nên người có tiền phải chôn tiền dưới đất và càng làm chúng dễ hao mòn đi ..." tạm dịch từ nguyên bản tiếng Anh/NCT - xem hình chụp bên dưới
Tieng Viet thoi LM de Rhodes - 21B-003

trích từ trang 257 (sđd)

Vài danh từ đặc biệt trong đoạn trích ở trên là macesepecks chỉ tiền và đồng tiền, để ý rằng tác giả John White vẫn dùng dạng tiếng Việt quan. Mace tiếng Anh có gốc là tiếng Mã Lai, nhập vào tiếng Bồ Đào Nha thành maes (hay mas) và trở thành thông dụng trong thị trường Á Châu vào những thế kỉ trước, khi Bồ Đào Nha còn nắm thế thượng phong trong hàng hải và thương mại quốc tế. Mace chỉ một đơn vị khối lượng (khoảng 3,78 gram) hay đơn vị tiền tệ, trong trường hợp này chỉ tiền An Nam (hay 60 đồng An Nam). Vào thời tác giả John White thì 2 quan tiền An Nam tương đương với một đồng bạc Tây Ban Nha (Spanish dollar, trang 241 sđd) hay một peso, hối suất này cũng được tác giả John Crawfurd ghi nhận trong nhật ký (trang 241, sđd). Sepeck tiếng Anh (sapèque tiếng Pháp) chỉ đồng tiền hay đơn vị tiền nhỏ nhất của An Nam. Sepeck có gốc là tiếng Mã Lai: sepeck < sapacu, sa là một, pacu là đồng tiền có lỗ ở giữa. Tác giả John White ghi rõ là dạng sepeck là từ Bồ Đào Nha nhưng dân bản xứ gọi là dong (đồng, trang 241 sđd).

Học giả Pháp Jules Silvestre (1841-1918), chuyên khảo về tiền tệ VN, đã ghi lại trải nghiệm khi sử dụng xâu tiền ở địa phương:"Một khuyết điểm quan trọng là không có loại tiền nào dùng khác hơn là đồng tiền bằng kẽm (sapèque): cần cả một xe vận tải đại bác để chở các xâu tiền này sau khi đổi 1 ngàn Phật Lăng (francs) vì chúng nặng bằng một tấn (tonneau) rưỡi6! Khi đi chợ, có khi một con gà còn nhẹ hơn số đồng tiền bỏ ra mua nó" tạm dịch từ nguyên bản tiếng Pháp/NCT.
Tieng Viet thoi LM de Rhodes - 21B-004

J. Silvestre, trang 109 sđd

Nhà báo Mỹ William Sachtleben đã có lần ở thành phố Ghulja (hay Y Trữ 伊宁) năm 1892 và muốn đi xe đạp với người bạn Nga đến Bắc Kinh: ông ghi nhận bao nhiêu khó khăn khi muốn chuyên chở loại tiền xâu của Trung Hoa khi du hành. Hình chụp bên dưới cho thấy một đống xâu tiền ông và người bạn dùng để trả chỉ cho một bữa ăn ở nhà hàng địa phương!
Tieng Viet thoi LM de Rhodes - 21B-005

Hình trích từ trang https://www.wikiwand.com/en/String_of_cash_coins_(currency_unit)

Một điểm nên ghi lại ở đây là trong nhật ký của mình (trang 373, vào trưa ngày 26/9/1822, sđd), John Crawfurd nhắc lại chuyện một viên quan VN trao cho ông 30 quan tiền với mục đích là người nhà (giúp việc) ông đi chợ địa phương mà không gặp rắc rối lúc trả tiền. John Crawfurd đã nhận số tiền này vì sợ làm phật lòng quan chức ở đây, điều mà ông cố tránh. Tuy nhiên, ở phần phụ chú cùng trang ông ghi thêm là (ba mươi quan tiền VN) "bằng khoảng 15 đồng Tây Ban Nha (Spanish dollars), và làm bằng những đồng tiền tồi tàn (miserable) đúc bằng kẽm" tạm dịch/NCT. Như vậy là các nhận xét7 trên đều cho thấy có vấn đề về phẩm chất cũng như khối lượng của đồng tiền VN từng sử dụng trước đây.

3. Xã hội không dùng tiền mặt (cashless society)

Người viết còn đặc biệt chú ý đến nhận xét của John White rằng quan và tiền là ảo8 (“The quan and mace are imaginary” từ tài liệu tiếng Anh chụp lại bên trên). Đây có lẽ báo hiệu cho một hiện tượng có thể sẽ xẩy ra trong tương lai gần về việc thanh toán không dùng tiền mặt (ttkdtm) - nhất là trong thời buổi coronavirus đang tung hoành khắp nơi! Một cách ttkdtm là dùng thẻ tín dụng (credit card), cân nặng khoảng 5 gram hay kém hơn khối lượng của hai đồng tiền, tuy nhiên không cồng kềnh nhưng mãi lực rất cao và độ bền cao so với tiền kim loại và tiền giấy thời trước. Đối với xã hội hiện đại, ttkcdtm mang lại nhiều ưu điểm cho nền kinh tế khi tiết kiệm nhân lực, các dạng chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường chung quanh như ít rác hơn, ít giấy dùng hơn ...v.v... Trong thời buổi lây lan của coronavirus, dùng thẻ tín dụng lại càng có nhiều ưu điểm vì không cần phải qua tay nhiều người như tiền mặt. Hình minh họa sau cho thấy thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ (debit card) có thể dùng để trả khi đi chợ, đi máy bay, đi du lịch/nghỉ hè, trả lương, đổ xăng, đi ăn nhà hàng ...

Tieng Viet thoi LM de Rhodes - 21B-006

Hình trích từ trang https://www.quillgroup.com.au/blog/cashless-society/

Khối lượng của một quan tiền (khoảng 1,500 gram) so với một thẻ tín dụng (khoảng 5 gram) là 300 so với 1 (hay 300:1), tuy nhiên giá trị của một quan tiền so với một thẻ tín dụng hiện nay có thể ngược lại tỷ số trên, hay là bằng 1 so với 300 (hay 1:300). Thí dụ như một thẻ tín dụng có thể trả chi phí tối đa (mức tín dụng/credit limit) là 30,000 AUD (đô la Úc); trung bình một ngày làm được 100 AUD (tương đương với 1 quan tiền là lương làm một ngày thời trước), do đó tỷ số giá trị là 30,000:100 hay 300:1. Trong thực tế thì thẻ tín dụng có nhiều ưu điểm hơn thế nữa như di chuyển gọn gàng (không cần khoảng rộng như một xấp tiền mặt), vay tiền ngắn hạn, chủ động chi tiêu qua những tóm tắt chi tiêu (từ ngân hàng), thanh toán chi phí nhanh chóng và mức vệ sinh cao ...v.v... Khuynh hướng dùng tiền mặt cũng càng ngày càng ít đi ở bên Úc9, theo thống kê của Ngân Hàng Dự Trữ Úc (Reserve Bank of Australia):

Tieng Viet thoi LM de Rhodes - 21B-007

Tóm lại, chỉ trong vòng 100 năm - khi so sánh hình chụp một người nông dân mang10 quan tiền trên vai với một người cầm thẻ tín dụng trả các chi phí hiện nay - xã hội VN đã thay đổi rất nhiều, nhất là khi so với thời LM de Rhodes sang An Nam truyền đạo cách đây khoảng 400 năm. Kỹ thuật đúc tiền, dùng và giữ tiền đã tạo ra hàng loạt kỹ nghệ phụ thuộc như trong ngôn ngữ qua các cách dùng xâu tiền, lõi tiền, vỉa tiền, tiền quí, tiền gián (và tiền giả), lỗ lầu ... Qua các tài liệu nước ngoài khi giao dịch với VN trước đây, ảnh hưởng của Bồ Đào Nha cũng khá dễ nhận ra11 qua cách dùng tiền mace (masse/Pháp) và sepeck (sapèque/Pháp) cho đến TK 19 trước thời Pháp thuộc. Các làn sóng dịch coronavirus năm nay (2020) cho ta thấy xã hội cần một mức vệ sinh rất cao để phòng chống lây lan, hay nên dùng tối thiểu tiền mặt khi đã qua tay nhiều người cũng như những dịch vụ không cần tiếp xúc trực tiếp (contactless). Khái niệm về tiền tệ không những khác biệt giữa văn hóa Tây và Đông phương, nhưng cũng thay đổi rất nhiều so với TK 17 khi các giáo sĩ Âu Châu sang ĐNA truyền đạo. Hi vọng loạt bài này sẽ gợi ý cho bạn đọc tìm hiểu sâu xa hơn về hệ thống tiền tệ12 nước ta từ xưa đến nay với những kết quả thú vị.

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Cristophoro Borri (1631) "Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina” (Nhiệm vụ mới của các cha dòng Tên ở Vương quốc Đàng Trong - NCT) bản dịch của tác giả Phạm Văn Bân 4/2011 - có thể xem toàn bài trang này https://thunhan.org/images/file/OGaaTdIb0wgQAKwp/mar-31-11-cristoforo-borri-vietnamese-avril-5-1-.pdf .

2) John Crawfurd (1830 ) "Journal of an Embassy from the Governor-general of India to the Courts of Siam and Cochin China" NXB H. Colburn and R. Bentley (London, Anh quốc).

3) "Đại Việt Sử Kí Toàn Thư " Bản in Nội các quan bản - MỘC BẢN KHẮC NĂM CHÍNH HOÀ THỨ 18 (1697) trích từ trang này http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Preface?uiLang=vn.

4) Lê Quý Đôn (cuối TK 18?) "Phủ Biên Tạp Lục" Đào Duy Anh hiệu đính (2007) - NXB Văn Hóa Thông Tin - sách có tái bản nhiều lần với các tác giả hiệu đính khác nhau.

5) Phạm Quốc Quân (chủ biên)/Nguyễn Đình Chiến/Nguyễn Quốc Bình/Hùng Bảo Khang (2005) "Tiền Kim Loại Việt Nam" NXB Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam (Hà Nội). Một tài liệu tham khảo với nhiều thông tin về khối lượng của các loại đồng tiền xưa.

6) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

7) Jules Silvestre (1883) "Notes pour servir à la recherche et au classement des monnaies et médailles de l'Annam et de la Cochinchine française" Imprimerie Nationale (SaiGon).

8) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Anamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

9) Nguyễn Cung Thông (2020) "Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa” (phần 21) có thể tham khảo bài viết này trên trang này chẳng hạn http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-tien-gin-be-tien-be-dua/ …v.v…

(2020) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – tiền quí, cheo, tính tiền khi đi chợ …” (phần 21A) có thể tham khảo bài viết này trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2020/08/11/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-tien-qui-cheo-tinh-tien-khi-di-cho-phan-21a/ …v.v…

10) Lục Đức Thuận/Võ Quốc Ky (2009) "Tiền cổ Việt Nam" Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Hà Nội, Việt Nam) - có tái bản (2017) ...

11) Francis Turner (cập nhật 2019) "Money and exchange rates in 1632" tham khảo trên mạng https://1632.org/1632-tech/faqs/money-exchange-rates-1632/

12) John White (1823) "A Voyage to China Sea" NXB Wells and Lilly (Boston, Mỹ).

1 Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email [email protected]

2 Không phải lúc nào quan cũng nhất thiết là một xâu tiền như đã viết ở trên (nghĩa cổ của quan bộ bối , cũng là mân bộ mịch thấy rõ nghĩa dây xâu hơn). Như vào thời nhà Hồ khi dùng tiền giấy (ban hành vào năm 1396 thời Trần Thuận Tông) thì một quan tiền giấy là một tờ giấy có vẽ hình con rồng (rồng tương trưng cho thiên tử cao nhất trong tứ linh long lân quy phượng, tương đương với 1 quan/NCT).

3 Tuy nhiên LM Cristophoro Borri (1631) lại ghi là mỗi quan tiền bằng một ngàn đồng, có lẽ bị ảnh hưởng bởi cộng đồng người Hoa và Nhật ở Hội An. Trong bản tường trình, LM Borri cũng nhắc đến đồng ducat, một loại tiền dùng ở Ý (Venice) bằng khoảng 1 đến 2 quan An Nam/NCT: "Tôi còn nhớ một người Bồ Đào Nha đem từ Macao đến Đàng Trong một hộp kim may, nó chỉ độ không hơn 30 ducat mà bán được hơn một nghìn". Tiền ducat được đúc bởi Tòa Thánh La Mã từ năm 1432, cho nên khá thịnh hành trong các nước có ảnh hưởng CG vào thời Trung Cổ. Bản tường trình cũng nhắc đến đồng écu (Pháp) tương đương với 3 đồng livre (Pháp) hay khoảng 3 quan tiền An Nam (tính qua hối suất tiền Guilder năm 1632/NCT). Trong Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài (sđd) từ 1627 tới năm 1646, LM de Rhodes cũng nhắc đến đồng écu:"Ở nước này người ta không đúc tiền như ở Trung Quốc, trừ tiền bằng đồng. Người Đàng Ngoài dùng vàng và bạc để buôn bán những hàng hóa quan trọng, nhưng họ không dùng vàng bạc giáp khuôn hay cối đúc, chỉ chặt thành miếng hay thành thỏi sau khi nấu trong lò. Về bạc họ dùng trong việc thương mại, thường là bạc nén, tương đương với mười écu, còn về vàng thì nhẹ hơn nhiều, về giá thì tùy theo trọng lượng, tùy theo giá cao hay thấp".

4 Đây là kiểu nói ẩn dụ so sánh tiền An Nam cồng kềnh và không có lợi nhiều như tiền sắt của nhà lập pháp/nhà sáng lập cổ đại Lycurgus (khoảng 820 TCN, Hi Lạp). Ông từng cấm dùng tiền vàng và bạc mà chỉ dùng tiền sắt ‘đặc biệt’ hầu xóa bớt khoảng cách trong xã hội (hay để tăng mức bình đẳng xã hội).

5 Trang mạng này có nhiều hình cổ và hiếm như hình vua Khải Định, hình vua đang làm việc, hình vua ký tên (viết chữ Nho), hoàng tử Vĩnh Thụy, Hoàng Hậu, quan chức, danh thắng, hoạt động xã hội như chợ ở quê...v.v...

6 John White/1823 ghi lại hình ảnh một chiếc thuyền chở đầy đồng tiền địa phương vì khi đổi 750 đồng Tây Ban Nha ra tiền An Nam vì các xâu tiền đổi nặng đến 2 tấn rưỡi (trang 290, sđd). Điều này khá chính xác vì 750 đồng Tây Ban Nha tương đương với khoảng 1,500 quan tiền, hay nặng khoảng 1,500x1,5 kg = 2,250 kg hay 2 tấn và 250 kg (dựa vào ước lượng của LM Taberd/1838).

7 Có lẽ đầu tiên là tác giả Charles Lemire (1868, sđd) đã dùng một thành ngữ La Tinh để bày tỏ ý mình về loại tiền này "non numerantur, sed ponderantur" (không đếm được mà phải cân/NCT). Xem thêm chi tiết trang này https://www.wikiwand.com/en/String_of_cash_coins_(currency_unit). Nhận xét này khá chính xác cho tiền đồng nhà Nguyễn vì ngoài loại tiền có ghi khối lượng rõ ràng như lục văn, thập văn, thất phân thì còn một loại không ghi gì cả mà ta phải cân để định giá. Cách định giá tiền tệ như vậy rất khác biệt với hệ thống tiền tệ theo truyền thống Tây phương (tiền đếm so với tiền "cân").

8 Nên phân biệt với đồng tiền ảo (virtual currency) như bitcoin (BTC), tiền điện tử, tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật số hiện nay. Một điểm chung là thanh toán chi phí mà không dùng tiền mặt, ngay cả đến ngày hôm nay, người viết (NCT) vẫn chưa hoàn toàn quen thuộc với khái niệm ttkdtm so với thế hệ trẻ hơn.

9 Ở VN cũng có những hoạt động khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt, đây là một xu hướng toàn cầu khá rõ nét, td. như bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM đã bắt đầu áp dụng cách trả tiền từ ngày 23/7/2020 - xem chi tiết trang này http://congan.com.vn/doi-song/suc-khoe/trien-khai-giai-phap-thanh-toan-vien-phi-khong-dung-tien-mat_96343.html ...v.v...

10 Đúng hơn là vác hay gánh quan tiền vì sức nặng của xâu tiền 600 đồng, so với thẻ tín dụng chỉ cần hai ngón tay để sử dụng - so sánh hai bức hình minh họa trong bài.

11 Xem thêm các bài viết như "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – “Phổ Kiến (Phúc Kiến), Chincheo và Varella ... (phần 23)", "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách gọi ngày tháng/thời gian (phần 6)" để cho thấy ảnh hưởng của ngôn ngữ/văn hóa Bồ Đào Nha trong tiếng Việt mà ít người nhận ra.

12 Như từ các góc nhìn ngôn ngữ, văn hóa, thành phần kim loại và khối lượng, độ bền, ảnh hưởng Tây phương ...


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/06/2016(Xem: 13589)
Bài này được viết như một ghi chú cho Thiền Tông, để như một cách tiếp cận đơn giản… và hy vọng, cũng là một ghi chú cho rất nhiều pháp khác của nhà Phật, kể cả Tịnh Độ. Bởi vì, Thiền Tông là pháp môn cốt tủy nhất, trực tiếp nhất, không qua bất kỳ phương tiện nào khác, và cũng có thể dùng làm chiếc cửa lớn cho tất cả các pháp khác.
01/06/2016(Xem: 7280)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Xin thông báo cùng chư Pháp hữu và qúy Phật Tử lịch trình Hoằng Pháp và sinh hoạt tu học với sự chia sẻ của Thầy Tánh Tụê trong tháng 6-2016
01/06/2016(Xem: 9316)
Khi có một con đường trước mặt, mục tiêu tinh thần của cuộc sống, thì dẫu khó khăn trắc trở, gần hay xa; con người vẫn tìm về bến Giác, tinh tấn tu tập, khai sáng u mê. Đó là lý do tôi tham dự khóa Huân Tu Tịnh Độ thứ 11 tại chùa Linh Thứu - Berlin (từ 14 - 20, 3 - 2016). Năm vừa qua, lần đầu tiên tôi tham dự khóa Huân Tu Tịnh Độ tại chùa Linh Thứu - Berlin. Thật ra, hằng năm tôi thường tham dự các khóa Tu học Phật pháp Âu Châu nhiều hơn.
01/06/2016(Xem: 8345)
Không cần chữ nghĩa, không cần giáo. Chỉ cần chỉ thẳng tâm thật, thấy “tánh” của mình là thành Phật. Đây rõ là một đường tu tập với tâm lực cực mạnh, rất ít người có đủ căn cơ để chỉ thẳng vào tâm thật của mình, thấy được bản tánh giác ngộ của mình để thành Phật. Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chịu thay áo, một chiếc áo đã quá cũ kĩ đối với truyền thống tôn giáo của Ông.
01/06/2016(Xem: 7798)
Tổng thống Obama đã rời Việt Nam đi Nhật Bản với một sứ mệnh khác. Trên các trang mạng, facebook.com… tin tức về ông đã lắng dịu xuống. Về phương diện ngoại giao của đất nước Việt Nam chúng ta trong thời cận đại, chưa có vị nguyên thủ của nước nào khác được vinh dự như Tổng thống Obama trong những ngày qua. Nhân dân của thành phố Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh mừng đón ông, như mừng đón người thân đi xa nhiều năm trở về. Chính ngoại trưởng John Kerry cũng có phát biểu: “Việt Nam có lẽ là nơi người dân chào đón Tổng thống Obama đông nhất”.
30/05/2016(Xem: 6488)
“Này các Kàlàmà! 1- Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, 2- Chớ có tin vì nghe truyền thống, 3- Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn, 4- Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng, 5- Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, 6- Chớ có tin vì đúng theo một lập trường, 7- Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện, 8- Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình, 9- Chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền, 10- Chớ có tin vì bậc Sa Môn là Đạo Sư của mình, v.v.. Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào, tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”. Thời này, Kàlàmà hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.
26/05/2016(Xem: 45135)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thuỳ từ chứng minh gia hộ. Quý vị cũng biết rằng giày của Tổng Thống Mỹ lúc nào cũng sạch sẽ bởi suốt ngày hầu như được đi trên những tấm thảm sang trọng sạch sẻ. Vậy mà khi vào chánh điện lễ Phật, Người đã tự cúi mình xuống cởi bỏ giày mới vào chánh điện. Quý vị đừng nghĩ cúi mình là thấp hèn. Một vị Bồ Tát cúi mình để kính lễ Phật, một vị Bồ Tát hằng ngày cũng cúi mình phụng sự chúng sanh và nhân loại, đó là một hành động từ bi, nhân cách vĩ đại.
26/05/2016(Xem: 6609)
Trước khi đề cập tới “chánh ngữ” cần phân biệt sự khác biệt giữa lời phát biểu thuộc dạng bày tỏ “ý kiến” hay phát biểu về “sự kiện”. Ý kiến (opinion): Khi đưa ra cái nhận xét, đánh giá về một sự vật, một con người, hay một hành động thì đó được gọi là “ý kiến”. Thí dụ một nhân vật trong cộng đồng, có người ca tụng là giỏi giang và khiêm tốn. Nhưng lại có người chê là tầm thường và hám danh. Lời bày tỏ ý kiến của hai người trên hoàn toàn khác nhau, không dễ chứng minh được là đúng hoặc sai.
26/05/2016(Xem: 9665)
21h30 ngày 22/5, chuyên cơ Air Force One chở ông Barack Obama cùng đoàn tùy tùng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 3 ngày. Tổng thống Obama và các lãnh đạo Việt Nam đã tập trung thảo luận về tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh, giao lưu giữa nhân dân hai nước, nhân quyền cùng các vấn đề khu vực và thế giới. Sau hơn 20 năm Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ, Barack Obama là tổng thống thứ ba tới Việt Nam sau các cựu Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush. Trong bộ vest đen, sơ mi trắng, người đàn ông quyền lực bậc nhất thế giới tươi cười bước xuống. Ảnh: Giang Huy.
25/05/2016(Xem: 18001)
Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam là câu chuyện được bàn tán khắp nơi trong những ngày này. Người dân Việt Nam muốn được tận mắt gặp gỡ và chứng kiến sự hiện diện của “người đàn ông quyền lực nhất thế giới”. Và mỗi người ấn tượng về ông một cách khác nhau. Cá nhân tôi rất xúc động khi được nghe Tổng thống Obama trực tiếp thốt ra từ chính ông về người thầy của tôi, về Thiền sư Thích Nhất Hạnh người Việt của chúng ta: “In true dialogue both sides are willing to change” tạm dịch ra tiếng việt là “Chỉ có những đối thoại chân thành mới làm cho cả hai bên sẵn sàng thay đổi”. Những lời thú vị này được người đứng đầu nước Mỹ nói ra hôm nay tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình trong buổi nói chuyện với giới trí thức và học sinh, sinh viên Thủ đô Hà Nội.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]